Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 19/10/2020

Monday, October 19, 2020 5:18:00 PM // ,

 Đọc báo Pháp – 19/10/2020

Nhà giáo Pháp: ‘‘Chiến sĩ tuyến đầu’’

Trọng Thành

Giống như gần 6 năm về trước, Chủ Nhật 18/10/2020, cả nước Pháp lại xuống đường. Vụ Hồi giáo cực đoan giết hại một giáo viên cấp hai dạy môn sử – địa, hôm thứ Sáu tuần trước, một lần nữa đặt nước Pháp trước thách thức nghiêm trọng. Trên trang nhất các báo là ảnh những biển người tràn ngập đường phố, bày tỏ lòng thương tiếc người thầy giáo. Libération chạy trên trang nhất hàng tựa: « Tự do: Tôi nhắc tên Anh ». 

Người truyền thụ cho học sinh « quyền tự do tư tưởng, tự do bày tỏ, tự do viết và tự do vẽ » đã bị một kẻ căm thù tự do hạ sát. « Cắt cổ một giáo viên, khủng bố Hồi giáo tấn công trường học, đúng vào tâm não », tựa của Le Monde. « Xúc động và giận dữ », tựa Le Figaro. « Đối mặt với nạn cuồng tín », trang nhất La Croix. Les Échos nói đến « Cuộc phản công cần thiết ».

« Những người gieo mầm ý thức cộng hòa »

Mục « Mỗi ngày một sự kiện » của Les Échos ghi nhận vụ khủng bố nhắm vào thầy Samuel Paty cho thấy các giáo viên – thực thi sứ mạng « gieo mầm tinh thần cộng hòa trong mỗi tâm hồn trẻ thơ » - đang phải đối mặt với những đe dọa sát hại tàn bạo. Nhưng nhật báo kinh tế Pháp cũng nhấn mạnh là « những người giáo viên của chúng ta không chỉ đứng trên tuyến đầu, mà họ cũng chính là thành trị cuối cùng bảo vệ chúng ta ».

Tại sao lại là thành trì cuối cùng ? Bởi, cũng chính những người chiến sĩ tuyến đầu ấy là người giúp cho các thế hệ tương lai, tự do suy nghĩ, « miễn dịch » với các tuyên truyền cực đoan đủ loại, để giúp các thảm kịch như thế này không bao giờ xảy ra, như lời giải thích của nhà báo, nhà viết tiểu luận Caroline Fourest.

Bài xã luận của Libération mang tựa đề « Người hy sinh vì sứ mạng của nền Cộng hòa » nói đến một giáo viên được học sinh ngưỡng mộ, một người thầy truyền cho học sinh niềm khát khao học hỏi, ngay cả với những học sinh không thích đi học cũng trở nên chăm chú, chuyên cần, khi được học với « thầy Paty ».

« Hai tuần lễ hận thù » dọn đường cho tội ác

Các báo Pháp tập trung làm sáng tỏ con đường dẫn đến tội ác man rợ hôm thứ Sáu 16/10. Xã luận La Croix, với tựa đề « Chống lại man rợ », bác bỏ một hướng suy nghĩ khá phổ biến trong xã hội, cho rằng thủ phạm là « một kẻ bệnh hoạn » hành động đơn độc, do bị ảnh hưởng bởi các tuyên truyền nhồi sọ nói chung trên mạng. Trong trường hợp người giáo viên ở Conflans-Sainte-Honorine bị sát hại, rõ ràng là có mối liên hệ trực tiếp giữa các kêu gọi trả thù mà một phụ huynh học sinh đưa lên mạng và hành động của kẻ sát nhân.

Le Figaro số ra hôm nay, dành một vị trí đặc biệt cho bài xã luận, vốn thường chỉ là hai khổ báo nhỏ, nằm ở phía dưới trang. Bài xã luận mang tựa đề « Những giọt nước mắt, những lời tưởng niệm. Nhưng sau đó thì sao ? » (dài gần trang báo hôm nay) khẳng định « trong vòng hai tuần lễ », Samuel Paty đã trở thành « đối tượng của một chiến dịch kêu gọi trả thù được tổ chức một cách kỹ lưỡng và hết sức kín đáo ». Hành động tội ác đã hoàn toàn không diễn ra ngẫu nhiên, do một kẻ « tâm thần bất ổn » gây ra. Trong số những phần tử Hồi giáo cực đoan đừng đằng sau vụ này, có một « phụ huynh học sinh », cũng là một phần tử Hồi giáo cực đoan, vốn có mặt trong danh sách bị an ninh Pháp truy lùng. Thủ phạm hoàn toàn không phải là « một con sói cô độc », mà được cả một môi trường Hồi giáo cực đoan bao bọc.

« Quyền tự do mong manh »

Không phản đối việc tìm hiểu các nguyên nhân cụ thể dẫn đến vụ sát hại thầy giáo, cũng như môi trường dung dưỡng hành động tội phạm, Le Monde cho rằng các tranh luận về những vấn đề này là « cần thiết và không tránh khỏi trong mọi xã hội dân chủ », nhưng nhật báo Pháp muốn tập trung nhấn mạnh trên hết quyền tự do ngôn luận

Bài xã luận, mang tựa đề « Vụ người giáo viên bị cắt đầu ở Conflans-Sainte-Honorine: Đối mặt với đe dọa gieo rắc sợ hãi, cần bảo vệ quyền tự do ngôn luận », lưu ý là các « quyền tự do tư tưởng, tự do bày tỏ, tự do viết và tự do vẽ » đã liên tục bị tấn công từ nhiều năm nay. Tiếp theo vụ tấn công vào tòa soạn báo Charlie Hebdo đầu năm 2015, là vụ thảm sát nhà hát Bataclan cuối năm 2015, rồi đến vụ những người tham dự ngày Quốc khánh 2016 tại Nice bị tàn sát… Không kể đến rất nhiều âm mưu khủng bố đã bị các lực lượng an ninh phá vỡ. Người Pháp không hình dung được đe dọa khủng bố rình rập mình đến mức nào, các quyền tự do căn bản đang trở nên mong manh như thế nào. Vụ thầy giáo sử – địa bị khủng bố giết hại đã một lần nữa nhắc lại điều này.

Theo Le Monde, vụ sát hại diễn ra đúng vào đêm trước ngày Paris và 8 đô thị lớn ban hành lệnh giới nghiêm, chống Covid-19, cho thấy rõ hai cuộc khủng hoảng mà người Pháp đang phải đối mặt: đe dọa khủng bố và đe dọa dịch bệnh. Hơn bao giờ hết, người dân không phân biệt nguồn gốc, quan điểm, tôn giáo cần đoàn kết để cùng nhau hành động.

Thế lực Hồi giáo cực đoan « tràn ngập » xã hội ?

Nhưng đoàn kết như thế nào ? Vẫn xã luận Le Figaro tỏ ra hết sức lo ngại trước tình trạng các thế lực Hồi giáo cực đoan tràn ngập khắp nơi. Nhật báo thiên hữu nhấn mạnh đến việc Hồi giáo cực đoan có cả một tổ chức hoạt động công khai mang tên Tập hợp những người chống lại nạn kỳ thị Hồi giáo (CCFI), cũng như nhiều cơ sở bán chính thức và các chân rết ngầm, nhiều luật sư tài ba – ủng hộ lập trường Hồi giáo cực đoan – có cơ hội tiếp cận với thượng tầng quyền lực Nhà nước. Hồi giáo cực đoan cũng được nhiều doanh nghiệp chu cấp tài chính, những nhà giảng đạo có mặt khắp các thánh đường… giới Hồi giáo cực đoan còn có cả chỗ dựa trong nhiều đảng phái chính trị, nhiều phương tiện truyền thông, nơi truyền bá các quan điểm rất có lợi cho Hồi giáo cực đoan. Theo Le Figaro, để những phần tử như vậy trà trộn trong hàng ngũ những người tưởng niệm vị thầy giáo vừa hi sinh cho nền Cộng hòa là một điều « ô nhục ».

Le Figaro khẩn thiết chất vấn : « Giờ đây ta phải làm gì ? Sau những giọt nước mắt và lời tưởng niệm, sau các diễn văn hùng hồn và các cuộc mít tinh… điều gì sẽ xảy ra? ». Theo Le Figaro, không có cách nào khác là phải đáp trả bằng một chính sách kiên quyết, « nói ít hơn và hành động nhiều hơn ». Cụ thể là đóng cửa tất cả các thánh đường nào truyền bá lòng hận thù nhắm vào nước Pháp, trục xuất ngay tức khắc những giáo sĩ nước ngoài reo rắc hận thù, giải tán tổ chức CCIF và tất cả các tổ chức nhân danh cuộc chiến chống « kỳ thị đạo Hồi », để dung dưỡng Hồi giáo cực đoan. Hay chấm dứt tình trạng khoan dung với các phần tử Hồi giáo cực đoan nằm trong danh sách bị an ninh truy lùng, cấm các phần tử nằm trong danh sách bị theo dõi đảm nhiệm các nghề nghiệp nhạy cảm, như giáo viên, cho dù không phạm pháp. Tóm lại, theo Le Figaro, phải cứng rắn, bởi « mục tiêu cuối cùng của các phần tử Hồi giáo cực đoan không phải là chia rẽ xã hội Pháp, mà là thống trị, và áp đặt luật lệ của mình ở bất cứ nơi nào có tín đồ Hồi giáo ». Theo Le Figaro, chính giới Pháp cho đến nay đã thiếu dũng cảm để hành động như vậy.

« Hiện tượng tự kiểm duyệt » khá phổ biến

Nhiều báo, như Le Monde hay Le Figaro, cùng nêu bật hiện tượng « tự kiểm duyệt » trong hoạt động giảng dạy, kéo dài từ nhiều năm nay, để tránh gặp rủi ro với các phần tử cực đoan. Bài « Từ nhiều năm nay, tôi không còn nói về kinh Coran : các giáo viên tự kiểm duyệt » trên Le Figaro, dẫn lời của một giáo viên tiếng Pháp tại một trường cấp hai cũng thuộc tỉnh Yvelines, nơi có người thầy bị sát hại. Jeanne kể lại, cho dù trong các bài giảng đầu tiên, nói về kinh Coran một cách chừng mực, cô đã nhận lại các phản ứng dữ dội của nhiều học sinh xuất thân từ các gia đình có giáo dục tôn giáo theo xu hướng cực đoan. Kể từ đó, người giáo viên trẻ quyết định ngừng nói về đạo Hồi, cho dù đây là một chủ đề nằm trong chương trình giảng dạy. Trải nghiệm của Jeanne được nhiều người chia sẻ.

Theo ông Jean-Rémi Girard, chủ tịch nghiệp đoàn quốc gia các trường cấp 2 và cấp 3 (Snalc), tình hình này đã tồn tại từ nhiều năm ở nhiều trường học, và không có gì đã được làm để bảo vệ giáo viên. Vụ sát hại thầy Paty đã đến « như một cơn sốc điện », đã khiến nhiều nạn nhân lên tiếng. Le Figaro dẫn thông tin của cựu tổng thanh tra Giáo Dục Jean-Pierre Obin, ước tính của khoảng 40% giáo viên trên toàn quốc tự kiểm duyệt trước một số chủ đề nhạy cảm, nhưng không cho biết cụ thể là các chủ đề nào.

Trả lời phỏng vấn Le Figaro, nhà xã hội học Dominique Schnapper, nguyên thành viên Hội Đồng Bảo Hiến, chủ tịch Hội đồng các cố vấn về thể chế thế tục (Conseil des sages de la laïcité), do bộ Giáo Dục thành lập năm 2018, chỉ trích việc chính quyền nhắm mắt trước tình trạng ảnh hưởng gia tăng của Hồi giáo cực đoan trong nhà trường, từ 15 năm nay.

Đông đảo học sinh vẫn được học về tự do ngôn luận

Cũng về chủ đề tự kiểm duyệt, Le Monde có một tiếp cận khác, không tập trung thái quá vào sự đối kháng giữa giáo viên và học sinh được giáo dục trong môi trường Hồi giáo cực đoan, và cũng không quá tập trung vào vấn đề Hồi giáo. Lo ngại tự kiểm duyệt là có thực, và có nguy cơ sẽ phổ biến trong tương lai, nếu không có biện pháp. Nhưng theo nhiều nhân chứng, tại các trường cấp hai và cấp ba hiện nay, tự do ngôn luận vẫn tiếp tục được giảng dạy lồng ghép trong nhiều môn học, từ giáo dục đạo đức – ý thức công dân đến sử – địa. Vấn đề tự do ngôn luận là tâm điểm của chương trình giáo dục đạo đức – ý thức công dân. Đông đảo học sinh được học về quyền  tự do ngôn luận qua các đề tài như tự do, bình đẳng, nền dân chủ…

Thầy Ben, dạy học từ hơn 20 năm nay tại một trường ngoại ô Paris, tỉnh Seine-Saint-Denis, nói một cách hào hứng : « Tôn trọng người khác, tiếp nhận và chia sẻ các giá trị của nền Cộng hòa, tiếp thu có phê phán thông tin trên truyền thông: với ba chủ đề nằm ở tâm điểm của chương trình, chúng tôi phải đối mặt với nhiều chủ đề nhạy cảm. Nhưng đối với người giáo viên, thì thật là hấp dẫn : chúng tôi có cơ hội đi sâu vào các lĩnh vực như luật pháp, thời sự và hiển nhiên là lịch sử ».

Cô Christine Guimonnet, giáo viên một trường trung học ở Val-d’Oise, tổng thư ký Hiệp hội các giáo viên sử – địa, thì nhấn mạnh trước hết đến thời gian mà cô dành để học sinh trình bày quan điểm của mình về các nội dung lĩnh hội, mong đợi của các em, cũng như các vấn đề học sinh muốn được đào sâu. Tổng thư ký Hiệp hội các giáo viên sử địa Pháp cũng rất chú ý đến việc « nhiều học sinh trung học không theo tôn giáo nào » đã thường xuyên nhấn mạnh đến « thái độ tôn trọng cần phải có với các tôn giáo ».

Chống cuồng tín bằng tự do tư tưởng, hiểu biết về tôn giáo

Theo Le Monde, xu hướng «  tự kiểm duyệt »  có nguy cơ sẽ phát triển trong tương lai, như ghi nhận của thầy Iannis Roder, giáo viên tỉnh Seine-Saint-Denis và thành viên Hội đồng các cố vấn về thể chế thế tục của do bộ Giáo Dục, một phần chủ yếu do việc người giáo viên « thiếu đào tạo » trong các lĩnh vực giảng dạy liên quan đến tự do ngôn luận. 

Libération cho rằng, để vinh danh tài năng sư phạm của thầy giáo quá cố Samuel Party, ngay đầu năm học tới, cần tổ chức một bài học về các bức biếm họa nhà tiên tri Mahomet cho 12 triệu học sinh. Rất cần làm điều này bởi nhiều thế lực không muốn các em được hưởng một nền giáo dục quá thế tục như vậy, được tiếp xúc với các giảng viên quá tự do như thầy Paty.

Cũng như nhiều báo khác, nhật báo Công giáo La Croix đặc biệt chú ý đến các giải pháp căn bản để ngăn ngừa các thảm kịch tương tự tái diễn. Theo La Croix, bên cạnh các biện pháp cứng rắn về pháp luật, việc hoàn thiện hệ thống đào tạo về tự do tư tưởng, tự do ngôn luận trong nhà trường vẫn là điều căn bản. Một lãnh đạo của nghiệp đoàn giáo viên Sgen-CFDT nhấn mạnh đến tình trạng khá phân tán của lĩnh vực đào tạo quan trọng này. Chuyên gia về chủ nghĩa khủng bố, thượng nghị sĩ Nathalie Goulard, đảng UDI thì lưu ý đến việc cần đào tạo giáo viên và ban giám hiệu nhà trường về năng lực nhận dạng các phần tử cực đoan, để có « các biện pháp báo động và xử lý phù hợp ».

Nhật báo kinh tế Les Échos cũng thừa nhận các lỗ hổng của đào tạo hiện nay, khi chỉ có 6% giáo viên được đào tạo về thể chế thế tục (Laïcité), một nguyên tắc nền tảng của nền Cộng hòa Pháp. Tình trạng kém đào tạo này cũng giải thích một phần nguyên nhân khiến Hồi giáo cực đoan có cơ hội xâm nhập mạnh mẽ vào nhà trường. Vẫn theo thầy Iannis Roder, thành viên Hội đồng các cố vấn về thể chế thế tục của do bộ Giáo Dục, nếu hỏi các giáo viên « thể chế thế tục là gì », thì câu trả lời nhận được thường chỉ là « lập trường trung lập » về tôn giáo, hay chính trị. Thật quá ít ỏi so với một nguyên tắc được coi là nền tảng của chế độ Cộng hòa Pháp.

Nguyên tắc thế tục không đồng nghĩa với việc chống lại tôn giáo, bài trừ tôn giáo như không ít người lầm tưởng. Một trong các điểm quan trọng nhất của nguyên tắc thế tục là ứng xử với các tôn giáo như các tồn tại khách quan. Les Échos dẫn lời bộ trưởng Giáo Dục Jean-Michel Blanquer cho biết, ông đang muốn thúc đẩy giảng dạy về các tôn giáo, để học sinh hiểu rõ  hơn về « đạo Thiên Chúa, đạo Do Thái, đạo Hồi, đạo Phật, cũng như lịch sử chủ nghĩa vô thần và trào lưu tư tưởng tự do (la libre-pensée) », thông qua nhiều môn học, như văn học, triết học, tiếng Anh, bên cạnh môn lịch sử – địa lý. « Tất cả những hiểu biết này cần có mặt trong hành trang văn hoá của mỗi học sinh », bộ trưởng Giáo Dục Pháp khẳng định.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20201019-nh%C3%A0-gi%C3%A1o-ph%C3%A1p-chi%E1%BA%BFn-s%C4%A9-tuy%E1%BA%BFn-%C4%91%E1%BA%A7u-v%C3%A0-th%C3%A0nh-tr%C3%AC-cu%E1%BB%91i-c%C3%B9ng-c%E1%BB%A7a-n%E1%BB%81n-c%E1%BB%99ng-h%C3%B2a

 

Tin tổng hợp

(AFP) – Ẩu đả giữa các quan chức Trung Quốc và Đài Loan tại Fiji.

Vụ việc xảy ra tại một buổi lễ tân ngoại giao ở Fiji ngày 19/10/2020 sau những lời cáo buộc qua lại lẫn nhau. Đài Loan tố cáo hai quan chức Trung Quốc hôm 08/10 đã len lỏi vào một buổi tiệc do Văn phòng phụ trách Thương mại Đài Loan tổ chức tại một khách sạn sang trọng ở thủ đô Suva. Hai người này tìm cách chụp ảnh các khách mời, nhưng khi bị mời ra đã hành hung một nhân viên đại diện Đài Loan đến phải nhập viện.

(AFP) – Covid-19 : Thị phần Trung Quốc trên thế giới tăng vọt với tốc độ chóng mặt.

Công ty bảo hiểm tín dụng Euler-Hermes ngày 19/10/2020 cho biết thị phần các sản phẩm dùng để chống Covid-19 đạt mức 11,5% trong năm 2020, so với mức 8,8% giai đoạn 2017-2019. Dịch bệnh Covid-19 cũng làm thị trường các dòng sản phẩm dùng cho làm việc ở nhà (máy vi tính, điện thoại, tai nghe…) tăng lên mức 33% so với toàn cầu. Vẫn theo nghiên cứu, xuất khẩu của Trung Quốc tăng thị phần tại nhiều nền kinh tế lớn, đặc biệt là tại châu Âu và châu Á, bất chấp căng thẳng địa chính trị giữa Bắc Kinh và Washington.

(AFP) – Thái Lan triệu tập Quốc Hội, đường phố gia tăng áp lực.

Trước những thách thức của người biểu tình, thủ tướng Thái Lan, Prayut Chan Ocha đã triệu tập một phiên họp bất thường của Quốc Hội ngày 19/10/2020 để xử lý khủng hoảng. Thủ tướng Thái Lan cảnh báo những người biểu tình nên « tụ tập ôn hòa. Chính phủ đã có một số nhượng bộ ». Hôm Chủ Nhật, 18/10/2020, khoảng gần 20 ngàn người đã biểu tình ở thủ đô đòi thủ tướng từ chức, cải tổ chế độ quân chủ cũng như là yêu cầu hủy bỏ luật khi quân. Những người phản đối tuyên bố sẽ tiếp tục những cuộc tuần hành mới cho đến khi nào các nhà đấu tranh bị bắt được trả tự do và một Hiến Pháp mới được soạn thảo.

(Reuters) – EU : 15 nước kêu gọi một chiến lược chung chống bóp méo thông tin về 5G.

Những tháng gần đây nhiều thuyết âm mưu lưu hành cho rằng dịch virus corona chủng mới là có liên quan đến mạng 5G. Hệ quả là những tháp phát sóng điện thoại di động tại 10 nước châu Âu bị phá hoại, các nhân viên bảo trì bị hành hung. Lo lắng cho những hành động này có nguy cơ làm suy yếu kế hoạch hồi phục kinh tế và các mục tiêu phát triển kỹ thuật số, một nhóm 15 nước đã gởi một thư ngỏ chung đến Ủy ban châu Âu nên có một chiến lược chung chống các thuyết âm mưu.

(AFP) – Unicef muốn có hơn một tỷ kim tiêm cho vac-xin chống Covid-19 tương lai.

Không thể tiêm ngừa nếu không có kim tiêm. Unicef trong một thông cáo ngày 19/10/2020 cho biết sẽ tiến hành dự trữ và đặt trước một tỷ kim tiêm từ đây đến năm 2021 để có thể nhanh chóng khởi động các chiến dịch tiêm ngừa hàng loạt ngay khi có vac-xin chống Covid-19.

(AFP) – Trung Quốc thông qua luật xuất khẩu mới. 

Bộ luật xuất khẩu vừa được thông qua hôm 17/10/2020 giới hạn xuất khẩu các mặt hàng nhạy cảm nhằm bảo vệ an ninh quốc gia. Bộ luật mới nằm trong số các biện pháp mà Bắc Kinh triển khai để đối phó lại với Hoa Kỳ trong bối cảnh căng thẳng toàn diện giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. Luật, sẽ có hiệu lực từ ngày 01/12 tới đây, cho phép Bắc Kinh « ra các biện pháp tương xứng » đối với những nước kiểm soát xuất khẩu không phù hợp với Trung Quốc, điều được coi là mối đe dọa an ninh quốc gia của Trung Quốc. Nhìn chung thì bộ luật mới cho phép Bắc Kinh mở rộng các phạm vi trả đũa cuộc chiến thương mại và công nghệ do tổng thống Donald Trump phát động với Trung Quốc hiện nay.

(Yonhap) – Bình nhưỡng phản đối quân sự hóa không gian.

Tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, Bắc Triều Tiên đã bày tỏ phản đối hành động « quân sự hóa không gian » của một vài nước, hôm qua 18/10/2020, bộ Ngoại Giao Bắc Triều Tiên cho hay. Theo Bình Nhưỡng, hôm 15/10 vừa qua, trưởng phái đoàn đại diện Bắc Triều Tiên đã tuyên bố tại một phiên họp của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc rằng « không có biên giới quốc gia trong không gian, mỗi quốc gia đều hoàn toàn có quyền phát triển và sử dụng không gian vì mục đích hòa bình » và Bắc Triều Tiên phản đối mọi hành động quân sự hóa không gian. Đại diện Bình Nhưỡng còn khẳng định Bắc Triều Tiên là 1 trong 10 cường quốc vũ trụ lớn nhất thế giới, đã 4 lần đưa vệ tinh lên quỹ đạo trái đất.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201019-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

 

Điểm tin thế giới sáng 19/10:

Sách mới: Bắc Kinh gây ảnh hưởng lớn

tới Hollywood; Bắc Kinh dọa bắt công dân Mỹ

để trả thù chính quyền Trump

Lục Du

Mục lục bài viết

Sách mới: Bắc Kinh gây ảnh hưởng lớn tới Hollywood

Bắc Kinh dọa bắt công dân Mỹ để trả thù chính quyền Trump

Pháp trục xuất những người nghi có tư tưởng cực đoan

Số người nhiễm nCoV tăng cao, Ý áp biện pháp mới

Người dân Belarus tiếp tục biểu tình

Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Hai (19/10) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Sách mới: Bắc Kinh gây ảnh hưởng lớn tới Hollywood

Chris Fenton, cựu chủ tịch của DMG Entertainment, người đã sản xuất gần hai chục bộ phim cho thị trường Trung Quốc, gần đây đã xuất bản một cuốn hồi ký kể chi tiết những trải nghiệm của ông khi chứng kiến chính quyền Trung Quốc gây ảnh hưởng tới những gì cốt lõi nhất của Hollywood, theo bản tin tối Chủ nhất (18/10) của Taiwan News.

Khi được hỏi về mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Hollywood, ông Fenton chỉ ra rằng ngay cả khi một bộ phim đã cố gắng tránh né nói sự thật về chính quyền Trung Quốc thì các hãng phim tham gia vẫn sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.

Fenton đưa ra ví dụ minh họa qua câu chuyện bản làm lại năm 2012 của bộ phim “Red Dawn” (tạm dịch: Bình minh đỏ). Bản ban đầu sản xuất vào năm 1984 của bộ phim này chọn Trung Quốc vào vai

phản diện. Mặc dù đã né tránh việc này ở bản làm lại, bằng việc thay thế Trung Quốc bởi Triều Tiên, nhưng hoạt động kinh doanh của hai hãng phim Sony và MGM vẫn bị ảnh hưởng tại Trung Quốc.

“Trung Quốc có tìm hiểu về những bộ phim đó và biết về chúng, ngay cả khi bộ phim cụ thể đó không vào được Trung Quốc”, Ông nói với VOA. “Trung Quốc sẽ phạt hãng phim hoặc các nhà làm phim có liên quan đến bộ phim cụ thể đó để họ không thể đưa các bộ phim khác vào”.

Bắc Kinh dọa bắt công dân Mỹ để trả thù chính quyền Trump

Bắc Kinh đang đe dọa chính quyền Trump rằng họ có thể giam giữ công dân Hoa Kỳ ở Trung Quốc để đáp trả việc Bộ Tư pháp Mỹ truy tố các học giả có liên quan đến quân đội Trung Quốc, Fox News dẫn nguồn thạo tin cho biết hôm Chủ nhật (18/10).

Nguồn tin cho biết các quan chức Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo cho các đại diện chính phủ Hoa Kỳ nhiều lần và qua nhiều kênh, bao gồm cả thông qua Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bắc Kinh.

Những người này cho biết, Bắc Kinh muốn truyền tải thông điệp rằng Hoa Kỳ nên hủy bỏ các vụ truy tố các học giả Trung Quốc tại tòa án Mỹ, nếu không người Mỹ ở Trung Quốc có thể thấy mình vi phạm luật pháp Trung Quốc.

Bắc Kinh bắt đầu đưa ra cảnh báo vào mùa hè này sau khi Mỹ bắt giữ một loạt nhà khoa học người Hoa vì che giấu mối quan hệ của họ với quân đội Trung Quốc.

Pháp trục xuất những người nghi có tư tưởng cực đoan

Pháp đang chuẩn bị trục xuất 231 người nước ngoài trong danh sách theo dõi của chính phủ vì nghi ngờ họ có tư tưởng cực đoan, một nguồn tin của công đoàn cảnh sát Pháp cho biết hôm Chủ nhật (18/10), hai ngày sau khi một người Hồi giáo gốc Nga chặt đầu một giáo viên, theo Reuters.

Hôm thứ Sáu (16/10), một thanh niên 18 tuổi, người Nga gốc Chechnya, bị nghi là người Hồi giáo đã chặt đầu một giáo viên lịch sử bên ngoài trường học của anh ta.

Pháp định nghĩa những kẻ cực đoan là “những người tham gia vào quá trình cực đoan hóa, có khả năng muốn ra nước ngoài để tham gia các nhóm khủng bố hoặc tham gia vào các hoạt động khủng bố”.

Chính phủ trung dung của Tổng thống Emmanuel Macron đã phải chịu áp lực từ các đảng bảo thủ và cực hữu để có lập trường cứng rắn hơn đối với những người không mang quốc tịch Pháp bị coi là có thể gây ra mối đe dọa an ninh.

Số người nhiễm nCoV tăng cao, Ý áp biện pháp mới

Chính phủ Ý sẽ cho đóng cửa các quảng trường công cộng từ 9h tối để ngăn chặn các cuộc tụ tập đông người gây nguy cơ lây lan virus Vũ Hán (Covid-19) trong bối cảnh số ca nhiễm mới loại virus tới từ Trung Quốc này ở Ý tăng cao kỷ lục. Đây là một biện pháp trong gói biện pháp phòng chống dịch mới được chính phủ Ý công bố hôm Chủ nhật (18/10), Reuters đưa tin.

Khi số trường hợp nhiễm mới virus Vũ Hán hàng ngày ở Ý tăng ở mức kỷ lục mới (11.705 nhiễm, tổng số: 414,241; tử vong: 36,543, tăng 69) vào Chủ nhật, ông Conte cho biết tình hình đã trở nên nghiêm trọng nhưng chính phủ của ông quyết tâm tránh lặp lại lệnh phong tỏa được áp dụng vào làn sóng dịch đầu tiên bùng lên hồi tháng Ba.

“Tình hình rất nguy cấp. Chính phủ có trách nhiệm nhưng người dân phải làm phần việc của mình”, ông Conte nói trong một cuộc họp báo.

Ngoài biện pháp nêu trên Ý cũng sẽ tạm dừng các cuộc thi thể thao nghiệp dư và hội chợ địa phương, ông Conte cho biết chính phủ sẽ xem xét đóng cửa các phòng tập thể dục và bể bơi sau khi kiểm tra thêm các quy trình an ninh trong tuần này.

Người dân Belarus tiếp tục biểu tình

Hàng chục nghìn người đã tuần hành qua các đường phố ở thủ đô Minsk của Belarus vào Chủ nhật (18/10) để tiếp tục yêu cầu tổng thống Alexander Lukashenko đã nắm quyền hơn hai thập kỷ từ chức, bất chấp lời đe dọa của giới chức về việc họ sẽ cho sử dụng súng chống lại người biểu tình, theo Reuters.

Hãng thông tấn Interfax ước tính số người biểu tình ở Belarus hơn 30.000 người, và cho biết có khoảng 50 người biểu tình đã bị cảnh sát bắt giữ, đồng thời tín hiệu di động băng thông rộng đã bị gián đoạn ở các khu vực trong thành phố.

Interfax cũng cho hay, những tiếng động lớn nghe như tiếng lựu đạn choáng đã xuất hiện gần các cuộc tuần hành. Tuần trước, một quan chức cảnh sát cấp cao của chính phủ Lukashenko tuyên bố rằng các sĩ quan sẽ bảo lưu quyền sử dụng súng để chống lại người biểu tình.

Lực lượng an ninh Belarus đã giam giữ hơn 13.000 người kể từ cuộc bầu cử tổng thống 9/8, bao gồm tất cả các nhà lãnh đạo đối lập hàng đầu chưa rời khỏi đất nước, và kiểm soát các phương tiện truyền thông độc lập.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-19-10-sach-moi-bac-kinh-gay-anh-huong-lon-toi-hollywood-bac-kinh-doa-bat-cong-dan-my-de-tra-thu-chinh-quyen-trump.html

 

Điểm tin thế giới tối 19/10:

Trung Quốc tố cáo Mỹ cố đóng vai nạn nhân;

Joe Biden bỏ đi khi nghe đến chữ ‘FBI’

Triệu Hằng

Mục lục bài viết

Trung Quốc tố cáo Mỹ cố đóng vai nạn nhân

Joe Biden bỏ đi khi nghe đến chữ ‘FBI’

Cảnh sát Thái Lan điều tra truyền thông đưa tin biểu tình

Trung Quốc thông qua luật an toàn sinh học

Phái đoàn Mỹ – Israel đến Bahrain tham dự lễ ký kết thỏa thuận lịch sử

Mục Điểm tin thế giới tối thứ Hai (19/10) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Trung Quốc tố cáo Mỹ cố đóng vai nạn nhân

Reuters cho hay, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố hôm thứ Hai (19/10) rằng Mỹ đang cố gắng đóng vai nạn nhân, theo sau một báo cáo cho biết Bắc Kinh dọa Washington rằng những người Mỹ có thể bị giam giữ ở Trung Quốc nhằm đáp trả việc Mỹ truy tố các học giả Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng các hành động của Mỹ gây tổn hại nghiêm trọng lợi ích của công dân Trung Quốc.

Wall Street Journal báo cáo hôm thứ Bảy rằng các quan chức Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo các quan chức chính phủ Mỹ rằng Trung Quốc có thể bắt giam người Mỹ tại Trung Quốc để đáp trả việc Bộ Tư pháp Mỹ truy tố các học giả có dính líu với quân đội Trung Quốc.

Chính quyền Trump cáo buộc Trung Quốc sử dụng các hoạt động gián điệp và hoạt động mạng để đánh cắp công nghệ, quân sự và các bí quyết khác của Hoa Kỳ nhằm thay thế Mỹ trở thành cường quốc tài chính quân sự hàng đầu thế giới.

Joe Biden bỏ đi khi nghe đến chữ ‘FBI’

Breibart đưa tin, Joe Biden khước từ thảo luận về một báo cáo của tờ New York Post cáo buộc con trai của ông là Hunter đã tận dụng mối quan hệ của mình với chính quyền Obama để thu lợi từ một tập đoàn khí đốt tự nhiên Ukraine.

Ông Biden từ lâu đã chật vật để giải thích về các thương vụ làm ăn ở nước ngoài của con trai. Trong một cuộc vận động tranh cử ở Bắc Carolina hôm Chủ nhật, ông lại được hỏi về vụ việc của Hunter. Cụ thể, một phóng viên đã hỏi ông rằng liệu ông có bình luận gì về báo cáo tiết lộ Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã thu giữ máy tính xách tay của Hunter vào năm ngoái.

Ứng viên đảng Dân chủ thậm chí không lắng nghe câu hỏi của phóng viên mà bỏ đi ngay khi nghe đến từ “FBI”.

Cảnh sát Thái Lan điều tra truyền thông đưa tin biểu tình

Reuters đưa tin, cảnh sát Thái Lan hôm thứ Hai (19/10) cho biết họ đã ra lệnh điều tra 4 hãng tin theo các biện pháp khẩn cấp được áp dụng vào tuần trước để cố gắng ngăn chặn 3 tháng biểu tình chống chính phủ và chế độ quân chủ.

Thông báo này đã khiến các tổ chức truyền thông tức giận và thúc đẩy làn sóng chỉ trích đối với việc kìm kẹp tự do ngôn luận của chính phủ Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, cựu lãnh đạo quân đội đang bị những người biểu tình tìm cách hạ bệ.

Theo tài liệu của cảnh sát ngày 16/10, những cuộc điều tra đã được triển khai nhắm vào các nội dung trên 4 phương tiện truyền thông cũng như trang Facebook của một nhóm biểu tình.

“Chúng tôi nhận được thông tin từ các đơn vị tình báo lo ngại rằng các phần nội dung và thông tin xuyên tạc đã được phát tán để gây hoang mang và xúi giục gây bất ổn xã hội”, phát ngôn viên cảnh sát Kissana Phathanacharoen nói trong một cuộc họp báo, Reuters dẫn lời.

Trung Quốc thông qua luật an toàn sinh học

Cơ quan lập pháp cấp cao nhất Trung Quốc đã thông qua luật an toàn sinh học mới nhằm ngăn ngừa và quản lý các bệnh truyền nhiễm, hãng Reuters dẫn tin từ truyền thông nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã cho hay. Theo hãng tin này, Ủy ban Thường vụ Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc đã bỏ phiếu thông qua luật vào thứ Bảy, có hiệu lực từ ngày 15 tháng 4 năm 2021.

Phái đoàn Mỹ – Israel đến Bahrain tham dự lễ ký kết thỏa thuận lịch sử

Một phái đoán chung Mỹ – Israel đã đến Bahrain vào chiều 18/10 (giờ địa phương) để tham dự lễ ký kết một loạt thỏa thuận song phương giữa Jerusalem và Manama, bao gồm một Tuyên bố chung chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, theo Times of Israel.

Chuyến bay El Al 973 – mã quốc gia của Bahrain, đã hạ cánh xuống Manama sau khi cất cánh từ sân bay Ben Gurion trong chuyến bay chở khách bay thẳng đầu tiên từ Israel đến vương quốc Vùng vịnh.

Tổng vụ trưởng Bộ Ngoại giao Israel Alon Ushpiz và Ngoại trưởng Bahrain Abdullatif đã ký 8 thỏa thuận song phương, trong đó có Tuyên bố chung. Phát biểu tại họp báo sau lễ ký, Ngoại trưởng Bahrain Abdullatif đánh giá “thỏa thuận là một bước đi mang tính lịch sử”, và bày tỏ hi vọng hợp tác song phương hiệu quả trên mọi lĩnh vực, trong đó có giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel-Palestine. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đại diện Chính quyền Trump phát biểu ngắn gọn về các cơ hội phát triển cho cả hai quốc gia giờ đã có thể thành hiện thực.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-toi-19-10-trung-quoc-to-cao-my-co-dong-vai-nan-nhan-joe-biden-bo-di-khi-nghe-den-chu-fbi.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.