Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 19/10/2020

Monday, October 19, 2020 5:16:00 PM // ,

 Tin Việt Nam – 19/10/2020

Việt Nam : Miền Trung bị lũ lớn,

22 quân nhân chết tại Quảng Trị

Anh Vũ

Theo truyền thông tại Việt Nam, liên tiếp trong những ngày qua các tỉnh miền Trung, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Quảng Bình đã phải hứng chịu những trận mưa lũ lịch sử làm hàng chục người thiệt mạng, hàng nghìn ngôi nhà chìm trong nước.

Riêng tại tỉnh Quảng Trị, theo trang tin VnExpress, lũ lớn đã làm sạt lở một quả núi lúc 1 giờ sáng ngày 18/10. Bùn đất đã đổ xuống vùi lấp một doanh trại đơn vị quân đội làm kinh tế tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Đến chiều ngày hôm nay (giờ Việt Nam) lực lượng cứu hộ đã tìm được toàn bộ 22 thi thể nạn nhân trong vụ đất lở này, toàn bộ là các quân nhân.

Tiếp sau Quảng Trị, từ hôm qua mưa to kéo dài gây lũ lớn tại tỉnh Quảng Bình làm hơn 70 nghìn ngôi nhà dân chìm trong nước. Người dân phải gỡ mái, trèo lên nóc nhà chờ cứu hộ. Hiện tại chính quyền địa phương và quân đội đang huy động để cứu hộ, sơ tán người dân khỏi vùng lũ.

Trong khi đó tại tỉnh Thừa Thiên Huế, các lực lượng cứu hộ cũng đang tích cực tìm kiếm 15 công nhân bị mất tích sau vụ lở đất do lũ lớn tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3 tại huyện Phong Điển tỉnh Thừa Thiên- Huế từ hôm 16/10. Cũng tại khu vực này, lực lượng cứu hộ đã xác định được 15 người chết vì sạt lở đất, trong đó có đoàn công tác cứu hộ gồm 13 người của quân khu 4, do một phó tư lệnh quân khu chỉ huy tiếp cận khu vực thủy điện Rào Trăng đã tử vong.

Trong một diễn biến khác, hôm nay, thủ tướng Nhật Yoshihide Suga đang công du Việt Nam, cam kết Nhật Bản hỗ trợ khẩn cấp Việt Nam để khắc phục trận lũ lụt tại miền Trung.

https://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20201019-vi%E1%BB%87t-nam-mi%E1%BB%81n-trung-b%E1%BB%8B-l%C5%A9-l%E1%BB%9Bn-22-qu%C3%A2n-nh%C3%A2n-ch%E1%BA%BFt-t%E1%BA%A1i-qu%E1%BA%A3ng-tr%E1%BB%8B

 

Mưa lũ ở Miền Trung: Dân lên mạng kêu cứu

và phản ứng của Chính quyền

Cao Nguyên

Do tình hình mưa to kéo dài, mất điện, cộng thêm việc đập thuỷ điện xả nước khiến nước lũ lên nhanh trong đêm 17, rạng sáng ngày 18/10/2020. Nhiều khu vực ở tỉnh Quảng Trị bị cô lập. Nhiều người dân vùng lũ bất lực phải lên mạng Facebook kêu cứu.

Các khu vực như thành phố Đông Hà, huyện Triệu Phong, Cam Lộ, Hướng Hoá và Đakong (tỉnh Quảng Trị) bị ngập sâu trong nước. Làng xóm và các tuyến đường chính bị chia cắt vì nước lớn. Nhiều khu vực nhà dân bị nước lũ cô lập trong những ngày qua.

Theo báo chí trong nước đưa tin, trong đêm 17 rạng sáng 18/10, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Võ Văn Hưng chỉ đạo các lực lượng cứu hộ trên địa bàn phải dồn toàn lực để ứng cứu những người đang bị mắc kẹt tại các khu vực ngập lụt.

Tuy nhiên, không phải người dân nào kêu cứu cũng được sơ tán kịp thời.

Không liên lạc được đường dây cứu nạn

Ông V, một người dân ở huyện Cam Lộ, đã đăng tin kêu cứu đêm 17/10, nói với Đài Á châu Tự do vào trưa ngày 18/10 rằng khi anh đăng tin kêu cứu thì nước đã vào nhà gần 2 mét, không liên lạc được với đường dây nóng cứu hộ. Cũng may gần sáng có người dân địa phương dùng ca-nô chở người già và trẻ nhỏ lên chỗ cao trước rồi:

“Hiện tại bây giờ đã an toàn rồi. Nước đang xuống rồi. Sáng nay kêu ca-nô họ không tới, điện họ không tới, không thấy liên lạc gì được. Đò và ca-nô của người dân địa phương ở đây đã di dời trẻ và ông già đi hết rồi.

Đêm qua nước lên gần 2 mét, mất điện 3 ngày rồi.

Sáng nay nước có xuống. Nước trong nhà ra rồi, ngoài sân còn tầm 1 mét nữa. Giờ cứ nhai mì sống rứa thôi”

Ông H, cũng nói rằng không thể liên hệ được với cơ quan cứu hộ. Gia đình ông phải kê đồ lên cao đợi đến khi ngừng mưa, nước tự rút:

“Bây giờ nước ra khỏi nhà rồi, ngập tầm 2 mét. Nghe bảo là không ai liên lạc được hết. Sau có một ông nói là buổi đêm họ không đi được.

Giờ đang mất điện, từ hôm qua, hôm kia, 3 ngày rồi.”

Chị Thảo, ở thành phố Đông Hà kêu cứu lúc 1 giờ sáng, đến 5 giờ thì được lực lượng cứu nạn đến đưa trẻ sơ sinh đi sơ tán trước. Những người còn lại trong gia đình phải giở nóc nhà ngồi chờ trắng đêm vì nước đã lên tới gần 2 mét rưỡi.

Vào năm 2013, một buổi diễn tập cứu trợ đồng bào lũ lụt diễn ra với quy mô quốc tế. Trong buổi diễn tập, Việt Nam đã huy dộng 800 nhân viên tìm kiếm cứu nạn, lực lượng tìm kiếm – cứu hộ, cứu nạn Việt Nam, huy động cả trực thăng, xuồng, ca-nô cao tốc, cầu phao và nhiều thiết bị quân sự tham gia vào tình huống giả định cứu trợ khẩn cấp vùng ngập lụt.

Nhưng khi trận lũ lịch sử vào đêm qua, vẫn chưa thấy có trực thăng, ca-nô cao tốc nào được huy động để sơ tán dân bị mắc kẹt trong vùng lũ.

Nhận được thông tin trễ, người dân “trở tay không kịp”

Vào sáng ngày 17/10, hồ chứa thủy lợi – thủy điện Quảng Trị thông báo xả nước qua tràn với lưu lượng ước đạt 1.110 m3/s, trong khi nhiều vùng hạ du của tỉnh này vẫn đang bị ngập lụt nặng nề.

Ông V, cho biết do bị cắt điện từ 3 ngày trước nên khi biết được thông báo xã lũ thì nước đã lên quá nhanh khiến ông “trở tay không kịp”, khu vực nhà ở đã bị cô lập:

“họ thông báo là xả đập đăng trên Facebook nhưng mà bên chỗ khu em bị cách li, cô lập nên em không biết. Chỗ khác họ gọi điện báo rồi cũng nghe báo lại vậy thôi.

Do nước lên ban đêm quá nhanh nên trở tay không kịp. Công văn báo trước đó ngày hôm qua nhưng khu vực em bị mất điện nên không có có biết, chỉ nghe nghe mấy người ở bên kia thông báo thôi, chứ em không biết chính xác là họ đã thông báo từ thời điểm nào.”

Tương tự, nhà chị Thảo cũng bị mất điện, không có mạng internet nên không thể tiếp cận thông tin:

“Nghe nói họ có thông tin trên mạng nhưng do nhà không có mạng nên cũng không biết nữa, chỉ nghe nói họ có thông báo trên Facebook.

Khi đó đâu có biết nước lên cao như rứa, cứ nghĩ nước mới lụt, mới ra nên không nghĩ là sẽ lụt lại mô. Với họ nói xả nước thì cũng ít thôi, té ra khi xả chừng mô thì nước nó lên chừng nấy.”

Thêm một công văn của Tổng cục thủy văn, Trung tâm dự báo khí tượng quốc gia đăng tải trên website vào rạng sáng ngày 18/10 với nội dung sẽ có lũ đặc biệt lớn trên các con sông ở Quảng Trị, nước sẽ dâng cao kỷ lục, hơn cả mức lũ lịch sử năm 1999. Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, ngập lụt sâu xảy ra trên diện rộng.

Đáng nói, thời điểm đăng tải công văn này là rạng sáng ngày 18/10/2020. Lúc này, nước lũ đã lên rất cao, người dân chỉ còn cách kêu cứu trên mạng xã hội.

Trong diễn biến liên quan, một vụ sạt lở đất xảy ra tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị vào khoảng 1 giờ sáng ngày 18/10. Có 22 cán bộ thuộc Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 đã bị vùi lấp. Đến 17 giờ cùng ngày, đã tìm thấy 14 thi thể cán bộ, chiến sĩ.

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, tính đến 19 giờ ngày 18/10, mưa lũ tại các tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên đã làm 84 người chết, 38 người mất tích, cảnh báo mức độ rủi ro thiên tai lên cấp 4 là mức cảnh báo gần cao nhất.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/flood-in-the-middle-region-people-ask-for-help-on-fb-in-the-middle-of-the-night-10182020132331.html

 

Thông tin cảnh báo xả lũ

đã không đến được với người dân

Nhiều người dân sống trong khu vực bị cắt điện, không có mạng nên không tiếp cận được thông tin xả lũ từ chính quyền.

Sáng 18/10, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp khẩn ứng phó với mưa lũ tại miền Trung. Trong đêm qua, lũ tại Quảng Trị đã lên cao trên báo động 3 và vượt mức lịch sử năm 1999.

Trước đó, vào sáng ngày 17/10, hồ chứa thủy lợi – thủy điện Quảng Trị thông báo xả nước qua tràn với lưu lượng ước đạt 1.110 m3/s, trong khi nhiều vùng hạ du của tỉnh này vẫn đang bị ngập lụt nặng nề. Đến khuya cùng ngày, hàng trăm người dân địa phương đã phải lên mạng xã hội cầu cứu vì bị nước lũ cô lập.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, chủ trì cuộc họp, cho biết tin nhắn cảnh báo về lũ lên cao đã được gửi đến hơn 5,5 triệu người dân miền Trung từ chiều 17/10. Dù vậy, nhiều người dân vẫn chủ quan khi không thực hiện theo các phương án ứng phó với mưa lũ đã được khuyến cáo. Ông nói: “Người dân vẫn còn rất chủ quan khi nhận được thông tin cảnh báo sớm nhưng không thực hiện theo khuyến cáo. Nhiều gia đình phải kêu cứu cả đêm”.

Tuy nhiên, Đài RFA dẫn lời một người dân địa phương là ông V, cho biết do bị cắt điện từ 3 ngày trước nên khi biết được thông báo xả lũ thì nước đã lên quá nhanh khiến ông “trở tay không kịp”, khu vực nhà ở đã bị cô lập:

“Họ thông báo là xả đập đăng trên Facebook nhưng mà bên chỗ khu em bị cách li, cô lập nên em không biết. Chỗ khác họ gọi điện báo rồi cũng nghe báo lại vậy thôi. Do nước lên ban đêm quá nhanh nên trở tay không kịp. Công văn báo trước đó ngày hôm qua nhưng khu vực em bị mất điện nên không có biết, chỉ nghe nghe mấy người ở bên kia thông báo thôi, chứ em không biết chính xác là họ đã thông báo từ thời điểm nào”, ông V. nói.

Tương tự, nhà chị Thảo cũng bị mất điện, không có mạng internet nên không thể tiếp cận thông tin. Chị kể khổ:

“Nghe nói họ có thông tin trên mạng nhưng do nhà không có mạng nên cũng không biết nữa, chỉ nghe nói họ có thông báo trên Facebook. Khi đó đâu có biết nước lên cao như rứa, cứ nghĩ nước mới lụt, mới ra nên không nghĩ là sẽ lụt lại mô. Với họ nói xả nước thì cũng ít thôi, té ra khi xả chừng mô thì nước nó lên chừng nấy.”

Từ Thức (t/h)

https://tinhhoa.net/thong-tin-canh-bao-xa-lu-da-khong-den-duoc-voi-nguoi-dan.html

 

Mưa lũ miền Trung: Hàng trăm người chết, mất tích –

Thiên tai hay nhân tai?

Lũ đặc biệt lớn trên sông Kiến Giang (Lệ Thủy – Quảng Bình) vượt mức lũ lịch sử năm 1979. Thêm nhiều người chết, mất tích do lũ.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mưa lũ từ ngày 6 đến hết ngày 18/10 tại các tỉnh miền Trung cướp đi 84 sinh mạng, 38 người mất tích, khoảng 52.933 nhà bị ngập và 461.627 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Theo Ủy ban Quốc gia về ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, vụ sạt lở đất tại Đoàn kinh tế quốc phòng 337 (Quân khu 4) ở Quảng Trị đã vùi lấp 22 chiến sĩ. Tính đến sáng 19/10, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 16 thi thể.

Nói với BBC News Tiếng Việt sáng 19/10, linh mục Philippe Nguyễn Bá Thông ở Giáo xứ Nhà Thờ Thuận Nhơn, xã Hải Hưng, Quảng Trị cho biết: “Nước ngâm hơn 10 ngày nay, giờ đã rút được chút nhưng dự báo sẽ lên lại vì mưa lớn và bão số 9 sẽ vào nữa”.

Trận lũ ghi vào lịch sử

Theo Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN Quảng Bình và Đài Khí tượng thủy văn Quảng Bình, lũ trên sông Kiến Giang tại Lệ Thủy đã vượt mức báo động 3 rất cao và vượt mức lũ lịch sử năm 1979.

Trên mạng xã hội, nhiều người dân ở Lệ Thủy đã kêu cứu, chờ đợi lực lượng cứu hộ trong đêm. Một người tên Hiền Trần chia sẻ: “Mấy chục năm chưa hề thấy nước lên nhanh như lần này, và giờ nước còn lên cao nữa. Chỉ mong trời nhanh sáng”.

Theo đó, nhiều nhà dù được xây cao ráo nhưng cũng chìm trong lũ. Có những vùng thấp như Tân Hóa – Quảng Bình đã ngập tận 6 mét. Theo cập nhật của bà Jang Kều, người sáng lập ra dự án Nhà chống lũ, khu vực này các hộ đều có nhà phao nên 100% người dân an toàn về tính mạng.

Nhà báo Dương Phong, trú tại Đồng Hới, Quảng Bình cập nhật: “Lũ vẫn còn lên khủng khiếp. Bất an vì mưa lũ đã xô đổ mọi kỷ lục lịch sử, không chỉ đổ xô vài cm mà cả mét rồi mét rưỡi. Cả đêm tiếng dân kêu giữa trời mưa nước lạnh”.

Trước tình hình đó, Ban chấp hành đảng bộ tỉnh Quảng Bình vừa ra quyết định hoãn tổ chức đại hội để tập trung cứu hộ cho người dân nơi đây.

Trong đêm 17/10 rạng sáng 18/10, nhiều hộ ở khu vực Đông Hà, Quảng Trị cũng bị ngập nặng và cô lập. Người dân đã lên mạng kêu cứu trong vô vọng. Nhiều gia đình có trẻ con, người già và người bệnh bị mắc kẹt, không có xuồng hay cano trong tình trạng nước vẫn tiếp tục lên cao.

Thừa Thiên – Huế: Tìm kiếm 30 người “mất tích”

Bão số 7 bắt đầu suy yếu, VN tiếp tục tìm kiếm 30 người mất tích

Trao đổi với BBC sáng 19/10, linh mục Philippe Nguyễn Bá Thông nói: “Ngoài đường hiện ngập sâu khoảng 1 mét, nhà dân chung quanh đều mất điện. Muốn đi đâu, đón ai phải đi bằng ghe. Hiện chỉ có thể so sánh trận lụt này với năm 1999 thôi. Năm 1999, nước lên nhanh, bất ngờ, bà con lại chưa có phương tiện truyền thông nên không ai chuẩn bị trước. Bây giờ có Facebook nên mọi người cập nhật tin nhanh để phòng”.

“Năm nay nước thấp hơn năm 1999 một tí nhưng lại kéo dài ngày hơn. Hiện tại trong cơn lụt nên bà con gắng sức để chống chọi. Sau lụt chắc chắn có nhiều người mất sức, ngã bệnh. Tuy năm nay thiệt hại không nhiều nhưng giá trị tổn thất lại cao hơn năm 1999 vì đồ điện tử ngập nước, hư rất nhiều. Năm 1999 là trận lụt lịch sử của Huế và Quảng Trị, năm nay cũng đáng ghi vào sổ sách luôn”, ông đánh giá.

Mưa lũ 2020: Nhớ lại trận lụt đau thương năm 1999

Thiên tai tiếp tục hoành hành miền Trung Việt Nam

Lũ lụt miền Trung năm 2020 được xem được xem là một đợt lũ lụt lịch sử mới, được đặt mức báo động IV, thuộc về cấp bậc thiên tai nguy hiểm nhất của Việt Nam.

Đợt bão lũ lụt này bắt đầu từ đêm ngày 06, rạng sáng ngày 07/10/2020, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế của Bắc Trung Bộ, một phần Nam Trung Bộ gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.

Thiên tai hay nhân tai?

Trước thảm họa sạc lở đất, ông Trần Quốc Thành, Giảm đốc sở KHCN Nghệ An đã cảnh báo “Thủy điện cóc” là nguyên nhân cho tình trạng này.

Báo Lao Động trích ý kiến của ông Thành, thủy điện “cóc” là dạng dự án thủy điện có công suất nhỏ. Dạng dự án này được nhiều doanh nghiệp lao vào làm vì suất đầu tư vừa phải, thu hồi vốn nhanh, lợi nhuận lớn.

Tuy nhiên, theo ông Thành, nếu đầu tư thủy điện “cóc” ở khu vực miền Trung nhất là Bắc Trung bộ thì lợi bất cập hại. Bởi đây là khu vực có địa hình độ dốc lớn, sông ngắn lại là nơi tập trung vào nhiều Khu bảo tồn thiên nhiên, địa chất ở vùng này phần lớn thuộc nhóm đất dễ sạt lở.

Về tác hại của loại dự án thủy điện “cóc”, ông Trần Quốc Thành đánh giá, việc đầu tư ở đây vừa góp phần phá rừng hợp pháp lại ở nơi đầu nguồn là chính. Hơn nữa, lại góp phần gây ngập lụt và thiếu nước ở hạ du. Vì mùa khô hạ du cần nước thì thủy điện lại tích, mùa lụt hạ du thừa nước thì lại xả vì dung tích thấp không thể tích.

Trên Facebook cá nhân, nhà báo Vũ Kim Hạnh chia sẻ:

“Cả đêm đọc những mẫu tin kêu cứu và cả (ít oi) những tin nhắn trả lời là chưa cứu được, hãy chờ trời sáng… Không thể không nghĩ đến những ngôi nhà toàn bằng gỗ quí, cột kèo, ghế bàn, tủ kệ”.

“Lệnh đóng cửa rừng ban hành từ tháng 7-2016 mà không được thực thi? Vì sao? Vì sản phẩm gỗ rừng tự nhiên vẫn cứ được ưa dùng và được tự nhiên bán buôn khắp các tỉnh, còn xuất khẩu tự do sang nước bạn (?). Và thủy điện vẫn cứ được cấp giấy phép. Rào Trăng là một cảnh báo quá bi thảm, đau thương liệu có đủ sức nặng để có biện pháp tức thì ngăn thảm họa? Thiên tai và nhân tai, thứ tai họa nào lớn hơn. Thảm họa kinh hoàng không chừa ai. Mà phá rừng, đắp đập, chỉ một số người ký, một số người làm và hưởng lợi”, bà đặt câu hỏi.

Vụ Rào Trăng 3: tìm thấy thêm 1 thi thể, tổng 15 người thiệt mạng

Quảng Trị: Tìm thấy nhiều thi thể vụ núi lở

Nhà báo Trần Đăng chia sẻ rằn ông vẫn bắt gặp hình ảnh người dân của 20 năm trước:

“Vẫn những cụ già trong chiếc nón mê, áo tơi rách nát chìa bàn tay lạnh cóng ra nhận những gói mì tôm của đoàn cứu trợ; vẫn những tiếng kêu cứu lạc giọng vọng ra từ những căn nhà tồi tàn sắp chìm trong nước lụt; vẫn những cú trượt núi chôn vùi hàng chục sinh linh giữa đêm mưa gió; vẫn những lời kêu gọi giúp nhau trong hoạn nạn vang lên trên khắp các diễn đàn…”

Ông đặt câu hỏi vận mệnh của đất nước sau 20 năm:

“Người chết thì không hề ít hơn trận lụt từ 20 năm trước; người khổ thì vẫn không giảm hơn sau những lần nhà chìm trong lũ dữ … tất cả vẫn y nguyên như 20 năm trước. Hai mươi năm là quãng thời gian đủ để làm thay đổi số phận một đời người, số phận của một quốc gia.”

“Ấy thế mà, nón mê và áo tơi rách nát vẫn đùm bọc đôi bàn tay gầy guộc chìa ra nhận lấy những gói mì tôm trong mưa gió bão bùng. Quá khứ luôn đặt ra những câu hỏi cho tương lai. Mà tương lai thì đang xếp hàng chờ đến lượt mình nhận quà trong nước lụt”, ông viết.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54565141

 

Đốt rơm rạ góp phần làm không khí

bị ô nhiễm ở Hà Nội

Không khí ở thành phố Hà Nội bị ô nhiễm trong khi việc đốt rơm rạ của một số hộ dân vẫn tiếp diễn sau vụ lúa mùa năm 2020.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam, vào ngày 19/10, cho biết thông tin vừa nêu.

Cụ thể tại huyện Quốc Oai, nông dân thu hoạch được 75% diện tích lúa mùa năm 2020 và tỷ lệ đốt rơm rạ chiếm 15% diện tích đất trồng lúa.

Tỷ lệ đốt rơm rạ này được ghi nhận là giảm so với các năm trước đây, tuy nhiên tình trạng đốt rơm rạ của một số hộ dân vẫn tiếp diễn tại các xã Ngọc Mỹ, xã Yên Sơn, xã Thạch Thán, thị trấn Quốc Oai.

Báo giới trong nước dẫn kết quả nghiên cứu của Đại học Nông nghiệp, công bố hồi năm 2012, cho thấy nếu tỷ lệ đốt rơm rạ dao động từ 20-80% ở đồng bằng sông Hồng thì sẽ gây ra phát thải trung bình hằng năm từ 1,2-4,7 triệu tấn CO2; CH4 là 1-3,9 nghìn tấn và CO là 28,3-113,2 nghìn tấn.

Giới chuyên gia nhận định việc đốt rơm rạ gây tác động tiêu cực đến môi trường cũng như sức khỏe người dân vì gây phát thải ra bụi mịn, các chất khí CO2, CO, NOX và hợp chất anđehít khi rơm rạ không cháy hết.

Chính quyền điạ phương cho biết người dân đốt rơm rạ là do thói quen vì nhanh gọn và một số hộ dân không nhận thức được tác hại của đốt rơm rạ tới sức khỏe, sự an toàn cho người đi đường và gây ô nhiễm môi trường.

Thành phố Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 15, yêu cầu các địa phương hạn chế nhằm hướng tới không đốt rơm rạ, mục tiêu đến cuối năm 2020 không còn tình trạng đốt rơm rạ trong phạm vi thành phố. Đồng thời, chính quyền một số điạ phương đề nghị tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân xử lý rơm rạ sau thu hoạch, hỗ trợ kinh phí tiếp tục xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học và nhân rộng đối với các mô hình sản xuất nông nghiệp, tận dụng các loại phụ phẩm nông nghiệp làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất: chăn nuôi bò sữa, bò thịt, trồng nấm…

Chuyên gia xã hội học, tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương được báo giới dẫn lời rằng việc hỗ trợ kinh phí để mua các chế phẩm, chi phí để vận chuyển, xử lý rơm rạ đặc biệt cần thiết trong điều kiện người nông dân còn nhiều khó khăn. Và, nếu không đưa ra những biện pháp hỗ trợ phù hợp, thì việc đốt rơm rạ sẽ vẫn còn kéo dài.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/air-pollution-in-hanoi-is-getting-worse-cause-of-burning-straw-10192020084448.html

 

Thêm 8 ca mắc Covid-19, trong đó có 2 nhà sư

Quang Minh

Ngày 18/10, Việt Nam đã ghi nhận thêm 8 ca mắc mới Covid-19, đều là người nhập cảnh, được cách ly ngay.

Bộ Y tế chiều 18/10 cho biết trong ngày, cả nước ghi nhận thêm 8 ca mắc mới (BN1127-1134) đều là các ca nhập cảnh, được cách ly ngay tại Quảng Ninh (5), Khánh Hoà (2) và Tiền Giang (1). Cụ thể:

– Ca bệnh 1127 (BN1127) tại Quảng Ninh: Nam, 28 tuổi, có địa chỉ tại phường Tân Phú, quận 7, TP HCM.

– Ca bệnh 1128 (BN1128) tại Quảng Ninh: Nam, 28 tuổi, có địa chỉ tại phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức, TP HCM.

– Ca bệnh 1129 (BN1129) tại Quảng Ninh: Nam, 24 tuổi, có địa chỉ tại xã Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

– Ca bệnh 1130 (BN1130) tại Quảng Ninh: Nam, 48 tuổi, có địa chỉ tại Thị trấn Tứ Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.

– Ca bệnh 1131 (BN1131) tại Quảng Ninh: Nữ, 51 tuổi, có địa chỉ tại xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ.

Ngày 16/10, các bệnh nhân trên từ Nga nhập cảnh Sân bay Vân Đồn trên chuyến bay VN5062 được cách ly ngay sau nhập cảnh tại Quảng Ninh. Ngày 17/10, các bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 1, kết quả có 5 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện 5 bệnh nhân trên được cách ly, điều trị tại Bệnh viện số 2 – TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

– Ca bệnh 1132 (BN1132) tại Tiền Giang: Nam, 7 tháng tuổi, quốc tịch Úc (về Việt Nam cùng mẹ quốc tịch Việt Nam), có địa chỉ tại phường 3, TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh. Ngày 15/10, bệnh nhân từ Úc nhập cảnh Sân bay Cần Thơ trên chuyến bay QH89, được cách ly ngay sau nhập cảnh tại khu cách ly tập trung Trường Quân sự địa phương, tỉnh Tiền Giang. Ngày 17/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang lấy mẫu gửi Viện Pasteur TP HCM xét nghiệm SARS-CoV-2. Ngày 17/10, kết quả xét nghiệm bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Long Định, tỉnh Tiền Giang.

– Ca bệnh 1133 (BN1133) tại Khánh Hoà: Nam, 23 tuổi, quốc tịch Việt Nam, là nhà sư tu tại Myanmar, có địa chỉ tại Tân Thành, Bình Tân, Vĩnh Long.

– Ca bệnh 1134 (BN1134) tại Khánh Hoà: Nam, 35 tuổi, quốc tịch Việt Nam, là nhà sư tu tại Myanmar, có địa chỉ tại Liên Trực, An Nhơn, Bình Định. Ngày 15/10, 2 bệnh nhân trên từ Myanma nhập cảnh Sân bay Cam Ranh trên chuyến bay VJ2735, được cách ly tập trung sau nhập cảnh tại Đại đội huấn luyện C19 – Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hoà. Ngày 16/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hoà lấy mẫu gửi Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm. Ngày 18/10, kết quả xét nghiệm có 2 bệnh nhân dương

tính với SAR-CoV-2. Hiện cả 2 bệnh nhân trên được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh.

Việt Nam hiện ghi nhận tổng số 1.134 ca mắc Covid-19 trong đó 691 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, 443 ca bệnh nhập cảnh được cách ly ngay. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 13.515.

Đến nay đã 46 ngày qua Việt Nam không ghi nhận ca bệnh Covid-19 ngoài cộng đồng. Số ca điều trị khỏi: 1.031 ca. Số ca tử vong: 35 ca.

https://www.dkn.tv/thoi-su/them-8-ca-mac-covid-19-trong-do-co-2-nha-su.html

 

Công an TPHCM đề nghị truy tố vụ tổ chức

đánh bạc liên quan đến công an Tuấn “khỉ”

Công an TPHCM ngày 19/10 thông báo kết thúc điều tra mở rộng vụ án đánh bạc liên quan đến thượng úy công an Lê Quốc Tuấn tức Tuấn Khỉ về tội giết người, cướp tài sản xảy ra vào cuối tháng 1/2020. Toàn bộ hồ sơ được chuyển sang Viện kiểm sát Nhân dân đề nghị truy tố.

Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin dẫn thông tin từ công an TPHCM cho hay các đối tượng bị đề nghị truy tố gồm Trương Hoài Phong (1989) và Trần Văn Lắng (1982) về tội tổ chức đánh bạc, Lê Thanh Dũng (1983) và Trần Văn Lâm (1975) về tội đánh bạc.

Kết quả điều tra cho rằng Trương Hoài Phong gọi cho Trần Văn Lắng tổ chức đá gà tại vườn nhãn ở xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi. Tuấn Khỉ đến vườn nhãn này để chơi đánh bạc, khi hết tiền Tuấn gọi điện cho Lê Quốc Minh (em họ của Tuấn) về nhà mẹ lấy 100 triệu đồng nhưng sau đó Tuấn đã xảy ra mâu thuẫn với một số người trong sới bạc nên đã bỏ đi.

Khoảng một giờ sau, Tuấn quay lại sới bạc trên với khẩu súng AK và giết chết 4 người và 1 người bị thương rồi lấy chiếc túi có hơn 800 triệu đồng bỏ đi. Tuấn đến nhà Phạm Thanh Tâm tức Tý “Bà Dòm” nhờ đưa tiền cho vợ rồi tiếp tục bỏ trốn. Trên đường đi Tuấn bắn chết một người ở tỉnh lộ 15 xã Phú Hoà Đông, huyện Củ Chi và cướp xe máy chạy về huyện Hóc Môn.

Cơ quan chức năng đã huy động một lực lượng lớn để truy lùng Tuấn khỉ. Sau khi phát hiện được nơi ẩn nấp của Tuấn, lực lượng chức năng tổ chức bao vây và khi Tuấn chống trả thì bị công an nổ súng bắn chết.

Vừa qua, VKSND TP.HCM cũng đã hoàn tất cáo trạng truy tố 19 bị can liên quan đến Tuấn trong vụ giết người cướp tài sản sang toà xét xử. Cụ thể, bị can Phạm Thanh Tâm, Trần Quốc Đạt (sinh năm 1999, mới bị bắt tạm giam vào ngày 3-6) về các hành vi tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng, chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, che giấu tội phạm và không tố giác tội phạm.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hcmc-police-proposed-to-prosecute-the-gambling-organization-related-to-tuan-khi-10192020100017.html

 

Cựu giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Khánh Hòa ra tòa

vì lập hồ sơ giả đi Mỹ

Ông Nguyễn Quốc Trâm (Cựu giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Khánh Hòa) và bà Nguyễn Thụy Phương Thảo (Cựu kế toán Sở Ngoại vụ tỉnh Khánh Hòa) sẽ ra tòa ngày 27/10 vì bị truy tố về tội giả mạo trong công tác và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Truyền thông Nhà nước loan tin ngày 19/10 cho biết phiên tòa xử hai người vừa nêu đã được mở ngày 14/10 nhưng bị hoãn do vắng mặt các nhân chứng và luật sư của bị cáo.

Theo điều tra, hồi đầu năm 2016, ông Nguyễn Quốc Trâm đã chỉ đạo các nhân viên làm các tài liệu giả để ông này và bà Phương Thảo được cấp thị thực nhập cảnh vào Mỹ.

Ông Trâm bị xác định đã tự bổ nhiệm bà Thảo giữ chức Phó chánh văn phòng Sở Ngoại vụ tỉnh Khánh Hòa dưới tên giả Nguyễn Thị Phương Thảo.

Ông Trâm cũng bị xác định đã soạn thư mời giả với nội dung Tập đoàn Trần Group mời ông này và bà Phương Thảo đến Mỹ; và chỉ đạo nhân viên văn phòng soạn các công hàm ngoại giao, kèm nhiều hồ sơ, tài liệu giả để xin Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TPHCM cấp thị thực cho 2 người.

Cựu giám đốc và Cựu kế toán Sở Ngoại vụ tỉnh Khánh Hòa sau đó đã được cấp Visa đi Mỹ với các hồ sơ giả nêu trên.

Về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; ông Trâm cũng bị xác định đã chỉ đạo bà Thảo nhiều lập lập hồ sơ, chứng từ chi tiền lương, thưởng, phụ cấp cho một số người không làm việc trong cơ quan này.

Cụ thể, các nhân viên lái xe và bạn bè, gia đình của nhân viên lái xe được thanh toán các khoản tiền dưới danh nghĩa làm bảo vệ cho Sở Ngoại vụ tỉnh Khánh Hòa. Tổng thiệt hại ngân sách được nói hơn 170 triệu đồng.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/former-director-of-the-department-of-foreign-affairs-of-khanh-hoa-province-to-court-10192020084118.html

 

Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An

khai gian trình độ đại học bị miễn nhiệm

Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An vừa bị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên ký miễn nhiệm chức vụ nhiệm kỳ 2016-2021 kể từ ngày ký 19/10. Biện pháp này được đưa ra sau khi Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên thi hành kỷ luật Đảng ông Thanh với hình thức cảnh cáo vì đã khai gian trình độ đại học.

Báo Nhà nước Việt Nam loan tin dựa theo quyết định số 1822 được ông Trần Hữu Thế – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên ban hành cùng ngày.

Tin cho biết, ông Phạm Ngọc Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Bí thư Đảng ủy Cơ quan chính quyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An đã nhận Quyết định thi hành kỷ luật đảng bằng hình thức cảnh cáo được Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên ban hành vào giữa tháng 7/2020.

Cụ thể, trong thời gian 1996-1997, ông Phạm Ngọc Thanh dù chưa có văn bằng tốt nghiệp đại học nhưng đã kê khai lý lịch đảng, lý lịch công chức về trình độ chuyên môn nghiệp vụ Đại học Tài chính – Kế toán.

Đến năm 2012, ông Thanh được nói vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước vì dù không đủ tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ theo quy định nhưng vẫn tham gia ứng cử, nhận đề cử để được bầu giữ các chức vụ chủ chốt của các tổ chức đoàn thể, cấp ủy và bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An.

Sau khi bị kỷ luật đảng bằng hình thức cảnh cáo, ông Phạm Ngọc Thanh sẽ không được tái cử Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tuy An nhiệm kỳ 2020-2025.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vice-chairman-of-peoples-committee-of-tuy-an-district-who-falsely-claimed-uni-degree-was-dismissed-10192020082522.html

 

Tỉnh ủy Đắk Lắk nói

‘Bí thư Bùi Văn Cường không đạo văn’

Lãnh đạo Tỉnh ủy Đắk Lắk nói đến thời điểm này đã có đầy đủ các kết luận, thể hiện ông Bùi Văn Cường, Bí thư Tỉnh ủy, không đạo nhái luận văn tiến sĩ.

Bản thân ông Bùi Văn Cường sau khi tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk khoá XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) cũng khẳng định mình không đạo văn.

Vì sao có người khát khao bằng giả?

Về vụ Bộ trưởng Nhạ bị tố cáo ‘đạo văn’

Ông Phạm Minh Tấn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk dẫn thông tin kết luận của Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương về kết quả giải quyết đơn tố cáo đối với ông Bùi Văn Cường:

“Kết quả xác minh đến thời điểm hiện nay cho thấy đồng chí Bùi Văn Cường không có hành vi đạo văn, không vi phạm nghiêm trọng quy chế của Bộ GD-ĐT trong nghiên cứu bảo vệ luận án tiến sĩ tại Trường đại học Hàng hải Việt Nam năm 2018 như nội dung tố cáo ghi trong đơn ngày 10/2 của ông Hoàng Minh Tuấn.

“Đồng chí Bùi Văn Cường không sử dụng văn bằng tiến sĩ không hợp pháp; không vi phạm quy định số 126 ngày 28-2-2018 của Bộ Chính trị về một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng.”

Theo đó, Tiểu ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ Trung ương kết luận ông Bùi Văn Cường “không có hành vi đạo luận án tiến sĩ” sau nhiều tháng xem xét.

Bị bôi nhọ trước thềm Đại hội Đảng?

Báo chí trích lời ông Bùi Văn Cường nói rằng có một “chiến dịch truyền thông” bôi nhọ cá nhân ông trước thềm Đại hội Đảng.

Theo ông Cường, chiến dịch bôi nhọ ông làm rất bài bản. Ban đầu, nhóm này làm blog, gửi email để phát tán thông tin bôi nhọ; sau đó thuê “quân xanh” đứng tên đứng đơn tố cáo; thuê báo, tạp chí viết bài và cuối cùng thuê KOL (Facebook cá nhân có nhiều người theo dõi) trên mạng xã hội để làm “bão táp tin bẩn” bôi nhọ.

Ông Cường cũng khẳng định nhiều báo đài không đưa đơn tố cáo vì đã liên hệ với tỉnh và xem kết của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của Trường Đại học Hàng hải, đối soát các nội dung đơn tố cáo nêu và hiểu là vu khống, ngụy tạo. “Trừ tạp chí Môi trường và xã hội cố tình không kiểm chứng thông tin hai chiều,” ông Cường nói.

Sáng 30/9, Tạp chí Môi trường và Xã hội cũng bị Cục Báo chí xử phạt vì thông tin sai về bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk.

Theo quyết định này, Tạp chí Môi trường và Xã hội bị Cục Báo chí xử phạt hành chính 50 triệu đồng và bị tước giấy phép hoạt động báo in trong hai tháng.

Vào khoảng cuối tháng 8/2020, Tạp chí Môi trường và Xã hội đã đăng tải bài viết “Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk bị tố “đạo” luận án, gian dối học thuật?” được cho là của tiến sĩ Phạm Đình Quý.

Bài viết ghi lại đơn tố cáo luận án tiến sĩ của Bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường có ba chương nghiên cứu lý thuyết đã sao chép khoảng 70% các công trình được xuất bản trước đó.

Bài viết này chỉ ra bằng chứng ông Cường còn sao chép từ các công bố khác nhưng lại không trích dẫn nguồn tài liệu và trích dẫn tài liệu ngụy tạo.

Ông Quý cho rằng đây là gian dối trong học thuật và viện dẫn, theo quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, ông Cường không đủ điều kiện bảo vệ luận án. Tuy nhiên, ông Cường vẫn được cấp bằng tiến sĩ.

BBC cũng ghi nhận sau vụ công an Đắk Lắk bắt người khẩn cấp, luận án tiến sĩ của ông Bùi Văn Cường đã biến mất trên trang web của ĐH Hàng hải Việt Nam.

Nhà báo Hoàng Mạnh Hà (cựu Thư ký tòa soạn báo Pháp Luật TP HCM) viết trên Facebook: “Trang web của Viện có mục lưu trữ các luận văn thạc sĩ, tiến sĩ bản PDF. Các luận án được lưu từ năm 2017 đến nay. Trong khi ông Bùi Văn Cường bảo vệ tiến sĩ ở trường này năm 2018, nhưng tìm đỏ mắt không thấy luận án đâu. Chứng tỏ nó mới bị xoá khi dư luận ồn ào xung quanh từ khoá chân vịt.”

Sau đó, luận án này đã trở lại trên trang web của trường ĐH Hàng hải sau vài ngày.

Công an Đắk Lắk bắt hai người liên quan

Chiều 30/9, Công an tỉnh Đắk Lắk đã có thông báo về việc “bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp” với ông Phạm Đình Quý – giảng viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP HCM) – về hành vi vu khống theo điều 156 Bộ luật Hình sự.

Công an Đắk Lắk nói ‘bắt khẩn cấp ông Phạm Đình Quý về hành vi vu khống’

Giảng viên tố cáo bí thư Đắk Lắk bị ‘mời làm việc’ hay bị ‘bắt cóc’?

Trước đó, ngày 21/9, Công an Đắk Lắk đã bắt Võ sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Tuấn (sinh năm 1980, là học trò TS Quý), người đứng đơn tố cáo ông Cường ‘đạo văn’, khi người này đang trên đường từ nơi cư trú ở huyện Cư Kuin di chuyển xuống Khánh Hòa.

Như BBC đưa tin, hôm 23/9, tiến sĩ Phạm Đình Quý và vợ ông bất ngờ bị tám công an mặc thường phục vây bắt. Sau đó, công an yêu cầu ông Quý đưa về nhà riêng. Tiếp đó, ông Quý được đưa đến cơ quan Công an TP HCM để làm việc, rồi tiếp tục đưa lên Đắk Lắk.

Tại thời điểm xảy ra vụ việc, gia đình ông Quý cho rằng đây là vụ bắt cóc vì gia đình không nhận được bất kỳ thông báo nào.

Võ sư Phạm Đình Trang nói với BBC hôm 30/9:

“Tính đến giờ phút này là 11 giờ trưa ngày 30/9/2020. Tôi mới nhận được giấy báo của công an tỉnh Đắk Lắk. Trong hai giấy báo đó, phiếu báo của bưu điện Đắk Lắk vào ngày 27/9/2020.”

Theo ông Trang, kể từ khi con trai ông bị “mời làm việc”, đến nay đã “qua 9 ngày đêm tôi mới nhận được giấy báo”.

https://www.bbc.com/vietnamese/54565142

 

Việt Nam chính thức huỷ

Cuộc đua Công thức 1 vì đại dịch COVID

Cuộc đua Công thức 1 đầu tiên và đầy kỳ vọng của Việt Nam đã chính thức bị huỷ bỏ do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 sau khi bị trì hoãn với hy vọng sẽ diễn ra vào cuối năm.

Công bố của nhà tổ chức cuộc đua Formula 1 Vietnam Grand Prix đưa ra hôm 16/10 cho biết rằng sau nhiều cuộc thảo luận giữa Liên đoàn Ôtô Quốc tế (FIA), Tập đoàn Công thức 1 (F1) quốc tế, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội, và Hiệp hội Thể thao Xe động cơ Việt Nam (VMA), Công ty TNHH Việt Nam Grand Prix (VGPC) “lấy làm tiếc khi phải thông báo rằng giải đua Công thức 1 Vietnam Grand Prix 2020 sẽ bị huỷ bỏ.”

Trước đó vào tháng 3, khi đại dịch virus corona xuất phát từ Vũ Hán bùng phát ở Việt Nam chỉ vài tuần trước khi giải đua dự kiến diễn ra ở Hà Nội, ban tổ chức cuộc đua Công thức 1 Vietnam Grand Prix đã phải hoãn lại đến cuối năm.

“Đây là một quyết định vô cùng khó khăn nhưng cần thiết được đưa ra trong lúc này bởi những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới,” thông báo đăng trên trang web chính thức của giải đua ở Việt Nam cho biết.

Tính đến ngày 19/10, Việt Nam ghi nhận 1.140 ca nhiễm COVID-19 với 35 trường hợp tử vong, theo thống kê của Bộ Y tế.

Với công bố này, tổng số chặng đua công thức 1 bị huỷ bỏ trong năm 2020 do đại dịch COVID-19 là 13 chặng, gồm Úc, Trung Quốc, Hà Lan, Monaco, Azerbaijan, Canada, Pháp, Singapore, Nhật, Mỹ, Mexico, Brazil và Việt Nam. Theo ban tổ chức, tổng số chặng đua được tổ chức trong mùa giải năm nay là 17 chặng, trong đó hầu hết các chặng đã diễn ra đều theo hình thức không có khán giả.

Đầu tháng 7 vừa qua, sau khi không ghi nhận ca lây nhiễm nào trong cộng đồng trong gần 3 tháng và trước khi làn sóng lây nhiễm thứ 2 bùng phát trên toàn quốc, Việt Nam đã hy vọng sẽ có thể tổ chức giải đua này vào cuối năm. Chủ tịch UBND Tp Hà Nội lúc đó, Nguyễn Đức Chung, hôm 6/7 cho biết thành phố Hà Nội “đang đánh giá lại tình hình dịch bệnh, đồng thời đàm phán với Ban tổ chức giải đua xe Công thức 1 để tổ chức lại chặng đua ở Hà Nội vào cuối tháng 11 năm nay.”

Việt Nam đã rất kỳ vọng vào việc tổ chức giải đua ô tô chuyên nghiệp và hấp dẫn nhất hành tinh F1 khi lần đầu tiên trở thành thành viên chính thức trong 22 quốc gia đăng cai tổ chức giải năm nay nhằm quảng bá cho hình ảnh Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới. Trường đua Công thức 1 tại Mỹ Đình theo đúng tiêu chuẩn quốc tế đã được hoàn thành và sẵn sàng đi vào hoạt động ngay trước ngày dự kiến diễn ra giải đấu vào 5/4.

“Kế hoạch đưa giải đua xe công thức 1 năm 2020 đã lỡ hẹn với người hâm mộ vì sự xuất hiện của đại dịch COVID-19,” Tổng giám đố Công ty VGPC (thuộc tập đoàn Vingrroup) Lê Ngọc Chi nói thông thông cáo hôm 16/10.

Công ty này cho biết sẽ tiến hành hoàn tiền cho tất cả các khách hàng đã mua vé chặng đua xe công thức 1 Việt Nam 2020.

https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-chinh-thuc-huy-cuoc-dua-cong-thuc-1-vi-dai-dich-covid/5627208.html

 

Quốc hội VN sẽ bãi nhiệm

tư cách ĐBQH ông Phạm Phú Quốc

Quốc hội Việt Nam sẽ bãi nhiệm tư cách Đại biểu Quốc hội đối (ĐBQH) đối với ông Phạm Phú Quốc, người bị nói có hộ chiếu vàng đảo Síp, vào kỳ họp tập trung sắp tới.

Báo chí nhà nước Việt Nam dẫn tin vừa nêu từ ông Vũ Minh Tuấn – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết hôm 19/10 như vừa nêu.

Được biết sắp tới, Quốc hội Việt Nam sẽ họp trong thời gian 19 ngày chia thành 2 đợt. Đợt 1 sẽ họp trực tuyến từ ngày 20/10 đến ngày 27/10 và đợt 2 sẽ họp tập trung tại Tòa Nhà Quốc hội từ ngày 02/11 đến ngày 17/11.

Theo ông Tuấn, trong phần xem xét về công tác nhân sự, Quốc hội sẽ tiến hành bãi nhiệm tư cách ĐBQH đối với ông Phạm Phú Quốc bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Trước đó, vào ngày 23/8/2020, hãng tin Al Jazeera công bố một báo cáo điều tra cho thấy, ông Quốc là người đã được nhập quốc tịch Síp vào năm 2018 khi ông đang là ĐBQH. Theo điều tra, Síp là nước cung cấp những “hộ chiếu vàng” cho nhiều quan chức nước ngoài có tình nghi dính líu đến tham nhũng hoặc gây ảnh hưởng chính trị. Mỗi tấm hộ chiếu như vậy được bán với giá 2,5 triệu đô la, theo chương trình đầu tư nước ngoài vào Síp.

Thông tin nói, ông Phạm Phú Quốc có một người con trai học tập, làm việc tại Anh từ năm 2013, có sự nghiệp ổn định và quyết định gắn bó lâu dài. Năm 2017, vợ và con gái ông Quốc xin quốc tịch Cộng hòa Síp với mục đính đoàn tụ với con trai.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/na-will-dismiss-pham-phu-quoc-in-the-next-meeting-10192020073319.html

 

Việt Nam có lợi khi Nhật Bản

đa dạng hóa chuỗi cung ứng?

Nhật Bản và Việt Nam hôm thứ Hai đã đồng ý sẽ củng cố quan hệ an ninh và kinh tế

Hợp tác kinh tế và xúc tiền đầu tư điểm nằm cao trong nghị trình chuyến công du của Thủ tướng Nhật.

Chuyến thăm của ông Suga Yoshihide cũng trùng với với nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Nhật và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc bằng cách đưa hoạt động sản xuất về nước hoặc sang khu vực Đông Nam Á nhiều hơn.

Thủ tướng Nhật bắt đầu chuyến thăm Việt Nam

Ông Suga được bầu làm Thủ tướng mới của Nhật Bản

Nhật Bản đang tìm cách da dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm rủi ro theo sau đại dịch COVID-19, trong đó có cả việc phụ thuộc hàng nhập khẩu từ Trung Quốc như khẩu trang.

Chính phủ Nhật hiện đang trợ giá cho các công ty để đưa hoạt động sản xuất sang Đông Nam Á, vừa tiện về mặt địa lý và cả lợi thế về chi phí lao động.

Trong số 30 công ty được chọn cho tới lúc này để tham gia vào chương trình trợ giá hơn 23 tỉ yên, sản xuất từ bộ đồ bảo hộ y tế, nước tẩy trùng cho đến phụ tùng xe hơi, phân nửa số công ty này đang lên kế hoạch triển khai tại Việt Nam.

“Tôi khẳng định với Thủ tướng Suga rằng Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, nguồn nhân lực, môi trường chính sách để chung tay hợp tác cho các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư, kinh doanh thành công tại Việt Nam,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng Việt Nam cũng nhắc đến việc thực hiện một loạt dự án lớn mà hai bên thống nhất thúc đẩy và cả “những dự án gặp trở ngại”.

Đây là chuyến đi quốc tế đầu tiên của ông Suga trong cương vị lãnh đạo Nhật Bản.

Hiện đang có hai dự án hợp tác với Nhật được cho là có trục trặc, là dự án metro tại Tp HCM có việc chậm thanh toán cho nhà thầu, và dự án Đại học Việt Nhật.

Trong ngày làm việc đầu tiên tại Việt Nam của mình, Thủ tướng Suga Yoshihide và người tương nhiệm phía Việt Nam chứng kiến lễ ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác.

Đáng chú ý là bản ghi nhớ về hợp tác triển khai đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 2 – với sự tham gia của Marubeni Corp trị giá 1,3 tỷ USD và bản ghi nhớ về việc phát triển dự án Điện khí Quảng Ninh 1500MV – trị giá 1,9 tỷ USD giữa Tokyo Gas Co Ltd và PetroVietnam.

Được biết lễ ký kết cũng có cả bản ghi nhớ hợp tác xúc tiến đầu tư phát triển dự án Trung tâm Thương mại Aeonmall tại TP HCM – trị giá 250 triệu USD, và cấp Giấy chứng nhận Đăng ký Đầu tư giữa UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Công ty TNHH ToTo VN – trị giá 100 triệu USD.

Được biết hai bên cũng đã ký bản ghi nhớ về hợp tác phát triển Khu Công nghiệp Thăng Long 2 giai đoạn 3 và thỏa thuận thúc đẩy đầu tư Nhật Bản vào ngành sản xuất tại Hưng Yên — trị giá 83 triệu USD.

Ngoài ra còn có hai bản ghi nhớ quan trọng khác liên quan tới hợp tác xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển R&D Fujikin tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng (35 triệu USD), và hợp tác phát triển quản lý khám bệnh thông minh và du lịch y tế tại Nhật Bản (23 triệu USD).

Về lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng Suga cho biết sẽ hợp tác để sớm thực hiện việc xuất khẩu quả quýt unshu của Nhật Bản cho Việt Nam, đơn giản hóa cơ chế giám sát kiểm tra, mở cửa cho quả nhãn Việt Nam xuất khẩu cho Nhật Bản, theo truyền thông Việt Nam.

Cuối tuần trước, chuỗi dược mỹ phẩm lớn nhất Nhật Bản Matsumoto Kiyoshi cũng đặt cửa hàng đầu tiên TP HCM.

Với chuỗi bán lẻ lớn nhất Nhật Bản AEON, Việt Nam cũng là thị trường nước ngoài được họ xem là trọng điểm để đầu tư, phát triển.

https://www.bbc.com/vietnamese/business-54602668

 

Ban chấp hành Đảng bộ ở Việt Nam:

Vì sao có nơi công bố dựa theo tỉ lệ phiếu?

Việt Nam đang diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tại các địa phương, bầu ra các cán bộ lãnh đạo chủ lực cho nhiệm kỳ 5 năm tới.

Thử thách nào chờ đợi ông Nguyễn Văn Nên ở TPHCM?

Ông Lê Trương Hải Hiếu không có trong Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM

Một tình tiết có vẻ khá lạ, chưa có sự giải thích rõ, là việc công bố trên báo chí những người trúng cử Ban Chấp hành Đảng bộ địa phương, có nơi chỉ đăng tên theo thứ tự A, B, C nhưng có nơi công bố thứ tự theo số phiếu từ cao xuống thấp.

Ngày 25/9, danh sách trúng cử Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025 được xếp thứ tự theo số phiếu từ cao xuống thấp:

1. Nguyễn Hạnh Chung, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh

2. Nguyễn Quốc Chung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh

3. Tạ Đăng Đoan, Bí thư Thành ủy Bắc Ninh…

Trước đó một ngày, hôm 24/9, kết quả bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang chỉ công bố trên báo theo thứ tự tên A, B, C.

Tại Vĩnh Long, danh sách 49 người trúng cử Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI được đăng với tên xếp theo thứ tự A, B, C…

Trong khi đó, 53 người trúng cử Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Nam được đăng báo, với thứ tự theo số phiếu từ cao xuống thấp, tỉ lệ % so với tổng số đại biểu được triệu tập.

Dựa theo danh sách này, Bí thư tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường xếp thứ 33 dựa theo số phiếu.

Tại thủ đô Hà Nội, danh sách Ban chấp hành Đảng bộ TP.Hà Nội khoá mới, nhiệm kỳ 2020 – 2025, công bố hôm 13/10, theo tỉ lệ phiếu bầu.

Tổng số phiếu phát ra là 497 phiếu, có 496 phiếu hợp lệ.

Theo đó, tân Chủ tịch thành phố Chu Ngọc Anh đã cùng 2 người khác có số phiếu 494/496 (chỉ có 2 người không bầu), trở thành những người đạt số phiếu cao nhất trong Đại hội lần này.

Theo danh sách công bố theo tỉ lệ phiếu này, ông Vương Đình Huệ, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, đứng thứ 5.

Hầu hết các địa phương khác tại Việt Nam công bố danh sách Ban chấp hành Đảng bộ theo thứ tự tên A, B, C.

Đến nay chưa rõ vì sao không có sự thống nhất trong việc công bố này tại Việt Nam.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54594572

 

Nguyễn Phú Trọng kêu gọi người dân trong nước

và hải ngoại ủng hộ tiền giúp người dân vùng bão lũ

Tin Vietnam.- Truyền thông trong nước loan tin, vào tối 17 tháng 10 năm 2020, các lãnh đạo  Cộng sản như Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư kiêm chủ tịch nước, Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng cộng sản, và Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội Cộng sản đã tổ chức chương trình kêu gọi người dân góp tiền cho nhà cầm quyền giúp người dân Việt Nam thoát nghèo, và giúp đỡ người dân miền Trung.

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Phú Trọng đã nói rằng, ông rất mong người dân Việt ở trong nước, và Hải Ngoại phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần thương người như thể thương thân để gửi tiền cho nhà cầm quyền. Nhà cầm quyền sẽ giúp đỡ những người đang gặp hoạn nạn, khó khăn, những người nghèo, để hạn chế những tổn thất do thiên tai gây ra. Ngoài ông Trọng, còn có ông Nguyễn Xuân Phúc cũng lên tiếng kêu gọi người dân góp tiền với xảo ngôn “chung tay vì người nghèo- không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Lời kêu gọi của các lãnh đạo Cộng sản đã bị một bộ phận dư luận bày tỏ sự phản đối. Họ cho rằng, việc giúp người dân vùng bão lũ là cần thiết nhưng, hàng năm, mỗi người dân Việt Nam đủ từ 18 tuổi trở lên đều phải đóng tiền phòng chống thiên tai cho nhà cầm quyền với mức tiền ít nhất là 15,000 đồng/người/năm, hoặc 1 ngày lương/người/năm tuỳ vào công việc. Còn mức đóng từ năm 2020 trở đi là 170,000 đồng/người/năm. Vậy số tiền này đã đi đâu? Về lý thuyết là kêu gọi, nhưng trên thực tế thì đây là khoản tiền người dân buộc phải đóng. Đối với người làm công ăn lương thì sẽ bị trừ trực tiếp từ lương, còn đối với người dân lao động tự do thì sẽ bị viên chức Cộng sản địa phương đến hăm doạ, bắt nộp.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/nguyen-phu-trong-keu-goi-nguoi-dan-trong-nuoc-va-hai-ngoai-ung-ho-tien-giup-nguoi-dan-vung-bao-lu/

 

Điểm tin trong nước tối 19/10: Hỗ trợ mỗi tỉnh

miền Trung gặp lũ 100 tỷ đồng, 1.000 tấn gạo

Tâm Minh – Hiểu Minh

Mục lục bài viết

Hỗ trợ mỗi tỉnh miền Trung gặp lũ 100 tỷ đồng, 1.000 tấn gạo

Lũ ở Quảng Bình vượt mức lịch sử năm 1979 gần 1m, người dân lên mạng cầu cứu

Hơn một triệu học sinh miền Trung nghỉ học tránh lũ

Hủy nhiều đoàn tàu khách qua miền Trung

ĐBSCL thiệt hại nhiều diện tích lúa vì mưa lớn kéo dài

Mục Điểm tin trong nước tối thứ Hai (19/10) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:

Hỗ trợ mỗi tỉnh miền Trung gặp lũ 100 tỷ đồng, 1.000 tấn gạo

Báo Tuổi Trẻ dãn thông tin từ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho hay, trước việc mưa bão liên tục hoành hành vào miền Trung khiến cho toàn bộ lưu vực 6 tỉnh Trung Trung bộ vượt mốc lịch sử, ngập sâu 212 xã, 240.000 hộ dân bị ảnh hưởng.

Mưa lũ đã gây ra thiệt hại lớn với 127 người chết và mất tích, ảnh hưởng kết cấu hạ tầng giao thông, công trình dân sinh, hơn 900ha lúa mùa. Tới đây ngày 24 – 25/10, áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão.

Ông Cường nói Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ cho các địa phương 6.000 tấn lương cho 5 tỉnh miền Trung, và được tạm ứng mỗi tỉnh 100 tỷ đồng cùng phương tiện, trang bị, thiết bị cứu hộ cứu nạn.

Trước đề đề xuất trên, Thủ tướng đồng ý xuất cho 5 tỉnh gồm Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh mỗi tỉnh 100 tỷ đồng và mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo.

Lũ ở Quảng Bình vượt mức lịch sử năm 1979 gần 1m, người dân lên mạng cầu cứu

Báo Zing đưa tin, tỉnh Quảng Bình đang đối mặt với cơn lũ lớn nhất trong 41 năm qua. Lúc 1h, lũ trên sông Kiến Giang đạt 4,79m, trên báo động 3 là 2,09m.

So với đỉnh lũ năm 1979, lũ trên sông Kiến Giang đã vượt mức lịch sử gần 1 m. Chuyên gia cảnh báo trong 6 giờ tới, lũ trên sông này có thể đạt đỉnh mới là 5,2m, sau đó xuống dần.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua Trung Trung Bộ, mưa lớn còn tiếp diễn ở Quảng Bình đến hết ngày 21/10. Trong 3 ngày tới, lượng mưa dao động 300-500 mm, có nơi trên 600mm.

Với cường độ mưa này, khu vực có thể hứng chịu ngập lụt diện rộng, đồng thời nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi khi mưa trút xuống trong thời gian ngắn.

Ngay từ đêm 18/10, ngập lụt đã xuất hiện trên diện rộng khiến nhiều nơi ở Quảng Bình bị cô lập. Trước tình cảnh đó, nhiều người đã lên mạng xã hội cầu cứu.

Một tài khoản Facebook viết: “Mọi người biết số nhấn gọi luôn cứu hộ đến nhà em, làng em với ạ. Em gọi không kịp! Bất lực rồi! Cả làng ngồi trên nóc nhà chờ cứu hộ mà tất cả các số điện thoại cứu hộ đều bận, không liên lạc được”.

Một người khác thì kêu cứu khẩn thiết: “Cứu! Cứu! Nhà mệ Doanh ở xóm đồng Duy Ninh, Quảng Ninh có phụ nữ mới sinh em bé và nhà có người già. Giờ nước chấm mái nhà đang rất cần mọi người cứu giúp. Khẩn cấp lắm rồi”.

Hơn một triệu học sinh miền Trung nghỉ học tránh lũ

Theo VnExpress, từ ngày 19/10, khoảng 1,2 triệu học sinh tại bốn tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An và Hà Tĩnh phải nghỉ học vì mưa to, lũ dâng cao.

Chiều 18/10, tỉnh Quảng Bình đã cho hơn 232.000 học sinh các cấp nghỉ học đến khi có thông báo mới. Tại huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, một số xã của huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa và Bố Trạch, nhiều trường đã ngập sâu, gần như không còn nhìn thấy tầng 1.

Ông Võ Văn Minh, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị, cho biết đã trao quyền cho hiệu trưởng các trường căn cứ tình hình thực tiễn để cho học sinh nghỉ học từ ngày 16/10 đến khi thời tiết không còn diễn biến phức tạp. Đến ngày 19/10, gần như 169.000 học sinh học sinh toàn tỉnh chưa trở lại trường, chỉ một số nơi không bị ngập mới đi học.

Sáng 19/10, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh cũng cho hơn 300.000 học sinh toàn tỉnh nghỉ học vì mưa lớn kéo dài, nhiều công trình thủy điện và hồ chứa nước thủy lợi đồng loạt xả lũ gây ngập lụt nhiều nơi. Thời điểm trở lại trường của các em được các trường căn cứ vào tình hình thực tế trên địa bàn.

Tại Nghệ An, thành phố Vinh, huyện Tương Dương, Kỳ Sơn và nhiều địa phương khác cũng cho học sinh nghỉ từ 19/10 để đảm bảo an toàn.

Hủy nhiều đoàn tàu khách qua miền Trung

Cũng theo VnExpress, ngày 19/10, ngành đường sắt chỉ vận hành tàu chặng Hà Nội – Vinh, TP.HCM – Huế, hủy nhiều chuyến tàu Thống Nhất.

Ông Trần Thiện Cảnh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cho hay mưa lũ khiến đá trôi khỏi đường sắt, nước ngập cao, cây cối đổ… vào nhiều đoạn đường sắt khu vực Quảng Bình, Quảng Trị.

Lúc hơn 1h sáng 19/10, khu gian Hà Thanh – Đông Hà (Quảng Trị) nước ngập trên đỉnh ray 20cm và chảy xiết nên đơn vị quản lý đường đã cấm tàu chạy qua. Đến 4h30, nhiều vị trí khác tại khu gian này tiếp tục bị ngập đến 40cm. Một ngày trước đó, một số đoạn đường sắt ở khu gian này bị nước ngập đến 70cm, đơn vị đường sắt đã kéo 17 xe đá để khắc phục nền đường và thông tuyến.

Lúc 6h15, khu gian Lệ Sơn – Minh Lệ (Quảng Bình) bị ngập 35cm, đất đá sạt lở vào đường sắt nên tiếp tục phải phong tỏa. “Hiện nước lũ vẫn ngập quá đỉnh ray 30-40cm, không đảm bảo an toàn cho các đoàn tàu nên tạm thời chúng tôi phải phong tỏa đường cho đến khi nước rút”, ông Cảnh nói.

ĐBSCL thiệt hại nhiều diện tích lúa vì mưa lớn kéo dài

Không chỉ có miền Trung mà các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long những ngày qua cũng đang chịu thiệt hại nặng nề trong mùa mưa lũ.

Theo truyền thông trong nước, do mưa lớn kết hợp với triều cường dâng cao đã làm 1.300ha lúa, hoa màu thuộc địa bàn một số huyện của Sóc Trăng bị thiệt hại nặng.

Tại Hậu Giang, những ngày qua đã bị ngập trên diện rộng ở nhiều địa phương, gây khó khăn cho người dân trong sinh hoạt, sản xuất. Có hơn 5.300ha lúa, cây ăn trái, hoa màu, bị ảnh hưởng; hơn 1.000 ha lúa đã quá ngày thu hoạch có nguy cơ mất trắng do nước ngập.

Trong khi đó, Cà Mau có hơn 17.870ha lúa hè thu, hơn 133ha rau màu bị ngập úng, đổ rạp và trên 552 ha lúa tôm bị ngập chìm trong nước.

Còn ở TP. Cần Thơ có hơn 100 tuyến đường tại nội ô quận Ninh Kiều bị ngập do triều cường dâng cao kèm theo mưa, có nơi ngập sâu khiến đời sống người dân khu vực này gặp nhiều khó khăn. Trong đó, khoảng 61 tuyến đường chính như: Mậu Thân, Nguyễn Văn Cừ, Huỳnh Cương, Trần Hưng Đạo, Lý Tự Trọng… bị ngập sâu khoảng 0,4m.

https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-toi-19-10-lu-o-quang-binh-vuot-muc-lich-su-nam-1979-gan-1m-nguoi-dan-len-mang-cau-cuu.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.