Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 13/09/2020

Sunday, September 13, 2020 5:55:00 PM // ,

 Tin Việt Nam – 13/09/2020

Vụ án Đồng Tâm: Nhà nước VN sẽ lại thắng người dân? – Nhà báo tự do Nguyễn Hữu Vinh

Phiên tòa sơ thẩm xét xử 29 bị cáo trong vụ án Đồng Tâm sắp kết thúc. Sẽ có một bản án tương tự với bản cáo trạng, hay sẽ thêm chút “nhẹ tay” hơn, thậm chí không có bản án tử hình nào?

Tất cả đều phản ánh phần nào sức mạnh công luận; ở chiều ngược lại là thể hiện sự lúng túng trong thứ quyền lực tuyệt đối đang cố gia tăng trong thế ngày càng nguy ngập.

Nhớ lại vụ Cống Rộc – Đoàn Văn Vươn

Quá nhiều những bức bối, căm phẫn chồng chất từng ngày bao năm nay về đất đai khiến cả chính quyền lẫn công luận như thể đã lãng quên sự kiện chấn động nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại về tranh chấp đất đai 8 năm trước.

Lẽ ra nó phải là bài học lớn cho chính quyền để xử lý vụ Đồng Tâm, bởi có những tình tiết quá giống nhau giữa hai vụ án. Cũng tranh chấp đất, cũng dùng lực lượng vũ trang mở “chiến dịch” tấn công những nông dân yếu ớt, rồi thiệt hại nặng vì bị họ chống trả quyết liệt, và cũng phạm luật ở chính người nhà nước.

Có điều, với Cống Rộc, phải nói rằng ông Thủ tướng khi đó đã tỏ ra quyết đoán, tỉnh táo. Ngay mấy ngày đầu, dường như ông đã chỉ đạo chính quyền địa phương phải “nghiêm trị” kẻ chống đối chính quyền. May thay, báo chí nhà nước vào cuộc quá nhanh, mà như thể không có sự “định hướng” kịp thời nào từ tuyên giáo, đã lên tiếng bênh vực anh em nhà nông dân Đoàn Văn Vươn.

Xử án Đồng Tâm: Cơ hội, thử thách cho Đảng Cộng sản cải tổ?

Mạng xã hội giúp dân Đồng Tâm hay giúp chính quyền nhiều hơn?

Vụ án Đồng Tâm gây tâm lý ‘sợ hãi, bất lực’ trong giới trẻ Việt Nam

Vụ Đồng Tâm: Thân nhân ‘đội mưa đứng ngoài nhìn về tòa án’

Ngoài ra, cũng phải kể đến vai trò của (cố) Chủ tịch nước Lê Đức Anh, và một số vị cựu quan chức khác, chỉ sau ít ngày đã lên tiếng phản đối chính quyền Hải Phòng trong vụ việc.

Còn dư luận bênh vực cho gia đình Đoàn Văn Vươn trên mạng tự do, của bao nhiêu nhân sĩ trí thức, cả cựu tướng công an v.v. thì khỏi phải nói.

Lập tức, Chính phủ đã “xoay trục” (?), có sự chỉ đạo địa phương, rồi một tháng sau có cuộc họp báo yêu cầu kỷ luật các cấp ở Hải phòng.

Kết cục, như một lối “giảng hòa”, cả người nhà nước lẫn những nông dân trong vụ án đều phải chịu hậu quả nhưng nhẹ hơn so với phán đoán chung.

Thế nhưng, có một thứ quan trọng không được xử lý, nên mới góp phần không nhỏ để có hôm nay – Đồng Tâm.

Lãng quên nên mới có Đồng Tâm

Thứ “lãng quên”, “không được xử lý” đó chính là về vai trò “thanh bảo kiếm của Đảng”.

Một vụ tấn công trái luật, mà chỉ chính quyền huyện Tiên Lãng phải chịu trách nhiệm, còn lực lượng công an, quân đội tham gia thì “vô can”.

Ông Đại tá Đỗ Hữu Ca lớn giọng tự ngợi ca đó là một trận “đánh đẹp”, để rồi ngay trước phiên tòa phúc thẩm xử Đoàn Văn Vươn, ông được phong hàm thiếu tướng.

Ở vụ Cống Rộc, lực lượng công an bị “mất mặt” quá nặng. Họ không những sai mà còn bộc lộ năng lực chuyên môn quá yếu kém.

Nhưng ở Đồng Tâm năm 2017, có lẽ họ còn cảm thấy “mất mặt” gấp ngàn lần. Đó chính là mấu chốt quan trọng khó tả để đem tới hậu quả 9/1/2020.

Nếu có sự kiểm điểm nghiêm khắc trong nội bộ, có chỉ đạo ở trên, có kỷ luật, thậm chí bản án cho những người tham gia tấn công vào khu nhà đất của anh em Đoàn Văn Vươn khi đó, thì chắc chắn sẽ là một cảnh báo cho lực lượng này chớ quá lạm dụng quyền lực.

Tiếc thay đã không có điều đó, thậm chí còn ngược lại.

Từ đó nảy sinh chủ quan, kiêu ngạo, để rồi khi bị “vỗ mặt”, chất “kiêu binh” nổi lên ngùn ngụt, dẫn tới tai họa chồng chất. Sai lầm nối tiếp sai lầm!

Chưa dừng ở đó, sau 9/1 lại tiếp tục những sai lầm cho tới phiên tòa sơ thẩm …

Phải chặn đứng chuỗi sai lầm

Ít nhất vụ Đồng Tâm này là sai lầm thứ ba của ngành công an ở tầm mức quốc gia, quốc tế trong ngót nửa thế kỷ qua.

Trong hai sai lầm nghiêm trọng trước đây, đều có vai trò của lãnh đạo ngành công an, nhưng đã không có việc rút kinh nghiệm nghiêm túc, không có kỷ luật nghiêm khắc. Nay không thể cứ tái diễn được.

Một câu hỏi quan trọng cần đặt ra là, liệu có hay không các cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước tham gia quyết định “xử lý” với Đồng Tâm ngày 9/1? Và nếu có thì họ có được báo cáo đầy đủ, chính xác toàn bộ sự việc cả trước và sau vụ tấn công hay không?

Nếu CÓ thì e rằng các lãnh đạo đã một lần nữa “nương tay” với công cụ chuyên chính của mình; để rồi phải chịu búa rìu dư luận và lòng tin của dân thêm mất mát.

Nếu KHÔNG thì lúc này là thời cơ tốt nhất để thể hiện rõ sự sáng suốt, kiên quyết chỉnh đốn thứ công cụ đó.

Một câu hỏi nữa không kém phần quan trọng là có hay không chuyện lợi ích kinh tế “không trong sáng” đằng sau vụ việc Đồng Tâm (kể cả vụ Cống Rộc).

Kết quả phiên sơ thẩm, rồi phúc thẩm có thể hé lộ phần nào gợi ý cho hai câu hỏi trên. Còn sau đó, có hay không việc xử lý trong nội bộ ngành công an, sẽ góp thêm phần cho câu trả lời.

Công cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng do TBT-CTN Nguyễn Phú Trọng dẫn dắt rất cần vai trò của ngành công an, nhưng phải là lực lượng mạnh và trong sạch.

Muốn vậy, không thể cứ kiểu “đóng cửa bảo nhau”, trong khi lòng dân thì không thuận, đầy nghi ngại trước những vụ án quan chức tham nhũng bởi cách xử lý chưa triệt để.

Những hy sinh của bao nông dân, từ tiền của cho tới con người qua các vụ án này, dẫu có đớn đau, nhưng đáng trân trọng và cũng là cần thiết cho cuộc chiến chống tham nhũng, đòi hỏi nhà nước có những chính sách đúng đắn về đất đai và các quyền tự do dân chủ.

Những “mất mát” về con người của người nhà nước, ngành công an, một khi họ lạm quyền, phạm luật trong những vụ việc thế này là rất đáng phải có, để giảm bớt bức xúc trong dân, tạo lập niềm tin, hy vọng.

Chẳng lẽ chỉ người dân phải chịu hy sinh, còn người nhà nước thì cứ muốn “chiến thắng” mãi sao?

“Bảo kiếm” không được thường xuyên mài dũa, không có người điều khiển sáng suốt, “chém” không trúng kẻ thù – “giặc nội xâm”, lại vào dân lành mà mình đáng ra “phải kính trọng, lễ phép”, thì nguy to.

https://www.bbc.com/vietnamese/54135943

 

Đại hội 13: Từ vụ Đồng Tâm cần lắm cơ chế

 giải trình trách nhiệm trước nhân dân!

Ngày 07 tháng 9 năm 2020, Tòa án nhân dân Hà Nội mở phiên tòa xét xử 29 người dân xã Đồng Tâm về các tội “Giết người, chống người thi hành công vụ”. Đây, theo nhà chức trách, là “vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, hôm 9 /1″, gọi tắt là “Vụ Đồng Tâm”.

Quá trình xảy ra vụ việc kéo dài và tính chất phức tạp khiến dư luận có nhiều vấn đề thắc mắc về vụ án này. Bài viết, từ góc độ cải cách thể chế, lý giải câu hỏi vì sao chính quyền trấn áp những người nông dân ở thôn Hoành một cách tàn nhẫn? Nên chăng Đảng có cơ chế giải trình trách nhiệm trước dân.

Đây là trường hợp không chỉ nghiêm trọng, mà còn khá điển hình phản ánh bản chất chuyên chế của chế độ áp dụng đối với nông dân để giải quyết tranh chấp đất đai trong bối cảnh chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường. Bởi vậy, vấn đề này cần thiết được đưa vào báo cáo chính trị và thảo luận ở Đại hội 13.

Chuyên chế thời bình

Việc ngày 9/9, Viện Kiểm sát Nhân dân Hà Nội đề nghị mức án tử hình cho 2 bị cáo và nhiều mức tù nặng nhiều năm, cho thấy khả năng bản án nặng hoàn toàn có thể xảy ra và không gây bất ngờ cho các nhà quan sát.

Tính chất nghiêm trọng của vụ án “Đồng Tâm” bộc lộ bản chất chuyên chế của chế độ, nhưng là hậu quả của nó, chứ không phải là nguyên nhân. Áp dụng chuyên chế trong thời bình, thời kỳ chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường, ngày càng trở nên “phản cảm” trong mắt nhân dân và quốc tế, cản trở cải cách thể chế và hội nhập kinh tế với thế giới. Trong trường hợp này là trấn áp thay vì “thi hành công vụ”.

Trước hết, chuyên chế là một đặc trưng của chế độ đảng toàn trị, sử dụng bạo lực để duy trì, áp đặt quyền cai trị lên mọi lĩnh vực của cuộc sống xã hội và người dân…. Chức năng chuyên chế được thực hiện bởi sự phân công thành ba nhánh quyền lực, tất cả đều do Đảng cộng sản thống nhất lãnh đạo.

Khi toà án là nhánh quyền lực tư pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng, thì kết quả xử án mang nặng tính chính trị, theo ý đảng, các yếu tố tư pháp bị xem nhẹ. Bởi vậy, các bản án như nêu ở trên không nằm ngoài dự đoán của giới quan sát, kể cả dư luận khi truyền thông nhà nước đều mô tả người dân Đồng Tâm như những người quá khích, thiếu hiểu biết, và bị kích động bởi các nhóm quá khích. Ngoài ra, cái chết của ba cảnh sát cơ động cũng được các luật sư bên nguyên khai thác quá mức cần thiết tại Toà…

Quyết định chuyên chế đối với vụ Đồng Tâm là sự cân nhắc chỉ đạo, và chắc chắn được cơ quan thẩm quyền cao nhất chuẩn y. Từ đầu năm 2017, khi dân Đồng Tâm lần đầu phản đối quyết định thu hồi đất cho Công ty Viễn thông quân đội Viettel, tuy có “đụng độ căng thẳng” với cảnh sát, nhưng họ đã nhận được những nhượng bộ từ chính quyền Hà Nội, trong đó ông Chủ tịch UBND Thành phố đã “cam kết bằng văn bản” đối thoại với dân và không truy cứu hình sự. Dư luận và các nhà quan sát chính trị đã lạc quan rằng chính quyền thể hiện vai trò tích cực hơn trong việc trao quyền và thúc đẩy quyền lợi của người dân.

Tuy nhiên, như đã biết, chính quyền đã “nuốt lời hứa” bằng việc dùng vũ lực tấn công vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm gây nên sự kiện “Rằm tháng Chạp” tính theo Âm lịch với bốn người chết và ba chục người bị bắt giam. Sự thay đổi trên không chỉ với mục đích trấn áp đối với một số nông dân ở thôn Hoành, mà phải nằm trong sự tính toán về sự kiểm soát của chính quyền trung ương đối với chính quyền địa phương và xã hội suy giảm trong lúc Đảng đang tăng cường tập trung quyền lực trước thềm Đại hội 13. Nhiều quan chức địa phương “giấu mình chờ thời” khi nhiều kẻ bị trừng phạt vì vi phạm, trục lợi về đất đai và khi làn sóng khiếu kiện của dân oan về đất đai thường vượt cấp tới trung ương.

Gắn bó “máu xương” với đồng ruộng

Những người nông dân sinh sống, gắn bó máu xương nhiều đời với đồng ruộng của mình, thử hỏi ai có thể yêu đất đai của mình bằng chính họ. Việc trấn áp tàn nhẫn họ thêm minh chứng rằng chính quyền không hiểu họ từ cội nguồn của vấn đề. Những hành động của những nông dân thôn Hoành thể hiện từ khi có “tranh chấp”  đất cánh đồng Xênh đến lúc chính quyền đàn áp họ là việc thể hiện việc giữ đất chứ không phải chống đối. Việc tự vệ đã diễn ra khi bị dồn vào “cửa tử”.

Thực tế cho thấy việc tranh chấp đất đai luôn chứa đựng nguy cơ xung đột xã hội, cá nhân với chính quyền như vụ Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, với tập thể như vụ Đồng Tâm, trên quy mô lớn rộng lớn như vùng nông thôn ở Thái Bình trước đây. Căn nguyên của tình hình là sự sai lầm về chính sách đất đai và sự thoái hoá, lợi dụng chức quyền của quan tham bằng nhiều thủ đoạn khác nhau. Người dân đã mô tả chúng là “cường hào địa chủ mới” hay “bọn quan tham”. Người nông dân nghèo khổ và bất bình đã tự phát hình thành “tổ đồng thuận chống tham nhũng” hay kéo nhau biểu tình thì đều là hình thức của hành vi tự vệ. Việc quy kết họ là “phản động” để đàn áp là sai lầm. Còn nhiều tư liệu chứng tỏ rằng người dân Đồng Tâm thể hiện sự tin tưởng vào Đảng, và phàn nàn về chính quyền địa phương tham nhũng!

Việc cải cách thể chế để phát triển không chỉ nhằm sửa sai về các luật lệ đất đai, đặc biệt về quyền sở hữu, và trừng trị quan tham “ăn đất” mà còn cần lắm một cơ chế chế công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình trước nhân dân trong tranh chấp đất đai để tránh dẫn đến xung đột xã hội.

Chưa có một chế độ dân chủ, khi trách nhiệm giải trình là “khép kín”, nội bộ, thì cũng cần một “minh vương” để kiểm soát tính chuyên chế trong thời bình và thấu hiểu “lòng dân”, đặc biệt tâm tư, nguyện vọng của người nông dân, sự gắn bó của họ với ruộng đồng. Dù sự kiện đã là lịch sử, nhưng việc Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt chính phủ đã phát biểu xin lỗi công khai trước “quốc dân đồng bào” về những sai lầm trong cải cách ruộng đất năm 1953 là hình ảnh chưa phai đối với nông dân.

Phạm Quý Thọ gửi từ Hà Nội

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/party-congres-13-dong-tam-needs-transparency-09132020104131.html

 

Bắt nhóm đàn ông lừa bán

41 phụ nữ Việt Nam sang Trung Cộng

Tin Vietnam.- Báo Thanh niên ngày 12 tháng 9 năm 2020 loan tin, công an tỉnh Lào Cai đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 7 đối tượng lừa bán trẻ em, phụ nữ sang Trung Cộng với tội danh mua bán người dưới 16 tuổi.

7 đối tượng này sinh sống ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam giáp với biên giới Trung Cộng, đứng đầu là Sùng A Chớ, 29 tuổi. Theo công an tỉnh Lào Cai, các đối tượng đã giả vờ tán tỉnh làm người yêu của những người phụ nữ để lấy niềm tin của họ. Sau đó, nhóm Sùng A Chớ đã giả danh là công an, bộ đội biên phòng rồi thông báo cho những nạn nhân của mình rằng, những nạn nhân này đang có liên quan đến một số vụ án, rồi yêu cầu họ đến Lào Cai để làm việc.

Khi những người phụ nữ đã mắc mưu của nhóm Sùng A Chớ, Chớ và đồng bọn đã lừa bán họ sang Trung Cộng với giá từ 40 đến 68 triệu đồng. Với thủ đoạn này, từ năm 2018 đến nay, nhóm của Chớ đã thực hiện thành công 29 vụ, với 41 phụ nữ bị bán sang Trung Cộng.

Theo công an tỉnh Lào Cai, họ đã thu giữ được 29 ảnh chụp giấy chứng minh nhân dân Việt Nam được chèn ảnh những viên công an, bộ đội biên phòng cộng sản, và cả lực lượng biên phòng Trung Cộng. Những giấy tờ này nhóm của Chớ đã sử dụng để lừa ép các nạn nhân đến Lào Cai.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/bat-nhom-dan-ong-lua-ban-41-phu-nu-viet-nam-sang-trung-cong/

 

Việt Nam có khoảng 1.5 triệu an ninh trật tự

 rải khắp các thôn làng

Tin Vietnam.- Vào ngày 11 tháng 9 năm 2020, báo Thanh niên loan tin, tại cuộc họp 48 của Uỷ ban Thường vụ quốc hội Cộng sản Việt Nam, ông Tô Lâm, Bô trưởng Công an Cộng sản cho biết,  chỉ tính riêng lực lượng an ninh Cộng sản được cài cắm khắp các thôn làng, tổ dân phố trên cả nước là 1.5 triệu người.

Ông Tô Lâm nói rằng, theo quy định của Cộng sản thì lẽ ra lực lượng an ninh tai mắt này gồm có bảo vệ tổ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách phải là 2 triệu người. Với số lượng tai mắt như trên, mỗi tháng nhà cầm quyền phải bỏ ra 600 tỷ đồng/tháng để trả lương cho tai mắt của mình, tương đương với số tiền 300,000 đồng/người/tháng/.

Với mức lương ít ỏi trên, thì lực lượng an ninh Cộng sản ngoài làm tai mắt cho nhà cầm quyền thì thường bám theo lực lượng công an, an ninh chính quy để chèn ép, doạ dẫm, gây khó khăn cho người dân để

kiếm tiền bất chính. Hoặc những tai mắt an ninh này tự cấu kết với nhau để tìm cách đe doạ những người dân lành ít am hiểu luật pháp để kiếm thêm thu nhập.

Trước đó, báo Người Việt loan tin, vào ngày 2 tháng 4 năm 2017, Giáo sư Carl Thayer là chuyên viên các vấn đề về Việt Nam và Á Châu tại Học viện quốc phòng Hoàng Gia Úc cho biết, vào năm 2013, lực lượng an ninh nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam có khỏang 6.7 triệu người.

Như vậy cứ trung bình 15 người dân Việt Nam thì có 1 công an cai quản. Đến nay, có lẽ con số này đã lớn hơn rất nhiều, vì chính sách cai trị dân của nhà cầm quyền là công an trị.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/viet-nam-co-khoang-1-5-trieu-an-ninh-trat-tu-rai-khap-cac-thon-lang/

 

Việt Nam có nên tái khởi động

chương trình điện hạt nhân?

Thanh Trúc

Việt Nam nên cân nhắc để chương trình điện hạt nhân được sớm tái khởi động trong bối cảnh nguồn năng lượng nội địa suy giảm từng năm.

Đây là một trong những đề xuất của giới chuyên gia trong nước đối với Bộ Công Thương, khi mà Bộ cũng đang tham khảo ý kiến liên quan đến  Tổng Sơ Đồ Phát Triển Năng Lượng Quốc Gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Tại Diễn Đàn Năng Lượng Việt Nam do Bộ Công Thương tổ chức ngày 21/8, ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa Học & Công Nghệ đã phát biểu rằng hiện các nguồn năng lượng truyền thống đã cạn kiệt, cần nghĩ tới loại hình năng lượng thay thế là điện hạt nhân mà dự án liên quan bị Quốc hội Việt Nam biểu quyết đình chỉ từ tháng 11/2016.

Truyền thông Nhà nước hôm 6/9 dẫn yêu cầu của ông Trần Xuân Hòa, nguyên Chủ tịch Hội Đồng Thành Viên thuộc Tập Đoàn Than & Khoáng Sản Việt Nam, rằng việc tái khởi động chương trình điện hạt nhân phải được ghi vào bảng Tổng Kế Hoạch Năng Lượng Quốc Gia. Lý do đưa ra vì mạng năng lượng xuất khẩu càng ngày càng rộng, việc tìm kiếm nguồn cung càng ngày càng khó thì điện hạt nhân phải được coi là nguồn năng lượng chắc chắn và bền vững nhất.

Vẫn theo lời ông, so với những nguồn năng lượng mà Việt Nam đang sử dụng trước nay thì điện hạt nhân là loại hình năng lượng an toàn hơn, giá  cũng thấp hơn.

Những đề xuất vừa nêu cho thấy chừng như đã đến lúc Việt Nam phải phát triển năng lượng hạt nhân vốn chưa được đưa lên hàng ưu tiên vì nhiều nguyên nhân nội và ngoại tại, là nhận định của tiến sĩ Ngô Đức Lâm, nguyên viện phó Viện Khoa Học Năng Lượng Việt Nam, hiện là một nghiên cứu gia độc lập.

Thực ra Việt Nam đã có kế hoạch đưa điện hạt nhân vào lưới điện quốc gia, tiến sĩ Ngô Đức Lâm nói, thế nhưng giai đoạn 2020-2030 không thực hiện được bởi lý do kinh phí, tài chính, nghiên cứu, an toàn, giải phóng mặt bằng, dư luận xã hội vân vân:

Cho nên lúc đó có đề nghị tạm đình lại để sau 2030 thì bắt đầu nghiên cứu tiếp, đấy là chủ trương của Nhà Nước. Đến bây giờ nhìn cái tổng sơ đồ phát triển hệ thống điện Việt Nam từ 2020-2030 của Bộ Công Thương thì thấy trong đó có dự kiến tiếp tục đưa điện hạt nhân vào làm từ 2035 và cái mức nhỏ thôi, khoảng độ 10.000 Megawatts thôi”.

“Năng lượng hạt nhân là hướng tương lai lâu dài cho đến 2050, cho nên tôi nghĩ thực ra cái đó không phải cái ưu tiên của Việt Nam”.

Từ lâu Việt Nam sử dụng 3 loại nhiên liệu chính để sản xuất điện, đó  là  than, dầu khí, thủy điện. Hàng loạt nhà máy điện than và hàng loạt đập thủy điện được xây trên cả nước để đáp ứng nhu cầu sản xuất điện.

Thế nhưng sản lượng than dùng cho các nhà máy nhiệt điện trong nước ngày càng ít đi nên Việt Nam phải nhập từ bên ngoài. Chỉ riêng 7 tháng đầu 2020, Việt Nam đã nhập 36.5 triệu tấn than, trị giá 2,6 tỷ USD.

Nguồn nhiên liệu thứ nhì là dầu khí thì mức cung năm nay chỉ đạt 25% so với mức cầu, trong lúc sản lượng dầu khí tại các nước nhập khẩu cho Việt Nam cũng đang có dấu hiệu suy giảm từ giờ đến năm 2023 do bị khai thác quá độ.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương năm 2019, từ 2021-2025 mỗi năm Việt Nam sẽ cần từ 1 đến 4 tỷ mét khối dầu khí mới đáp ứng đủ cho việc sản xuất điện.

Hình thức thứ ba, thủy điện, chiếm ¼ tổng lượng điện quốc gia, được coi là không nguy hại như than hay dầu chuyên phát thải khí CO2, nhưng lại gây lũ quét mỗi lần xả đập.

Chính vì thế, đề xuất sớm tái khởi động chương trình điện hạt nhân trở thành vấn đề cấp bách trong những năm tháng tới.

Đối với tiến sĩ Ngô Đức Lâm, xây dụng điện hạt nhân là một qui trình phức tạp, trong lúc Việt Nam đã phát triển được năng lượng tái tạo là điện gió và điện mặt trời:

Thực ra mà nói thì không có cái nào mà không gây ô nhiễm, tác động đến môi trường chỉ ở mức độ khác nhau thôi. Đứng về xếp hạng thì năng lượng mặt trời và năng lượng gió tốt nhất vì nó không sinh ra khí CO2  gây biến đổi khí hậu. Tuy vậy sau khi dùng độ 20 năm thì chất thải hóa học từ các tấm kim loại tạo thành cái panel cũng có sinh ra, thế nhưng cái ô nhiễm này có cách giải quyết được” .

“Còn nhiệt điện than, bụi, xỉ than tác hại đến sức khỏe con người. Cái thứ ba là thủy điện, đứng về môi trường nó chả sinh ra CO2 nhưng tương lai không còn khả năng phát triển nữa”.

“Cuối cùng là năng lượng hạt nhân, được xép thứ tư trong hệ thống điện Việt Nam, ưu điểm của nó là phát điện ổn định, số giờ phát điện trong năm khoảng độ trên 7.000 giờ, còn năng lượng gió và mặt trời chỉ vận hành được khoảng độ 3.000 hoặc hơn 2.000 giờ /năm thôi”.

Năng lượng hạt nhân, được xép thứ tư trong hệ thống điện Việt Nam, ưu điểm của nó là phát điện ổn định, số giờ phát điện trong năm khoảng độ trên 7.000 giờ, còn năng lượng gió và mặt trời chỉ vận hành được khoảng độ 3.000 hoặc hơn 2.000 giờ /năm thôi – TS. Ngô Đức Lâm

Tuy không phát thải khí CO2 gây biến đổi khí hậu, nhưng nguy cơ của điện hạt nhân mà tiến sĩ Ngô Đức Lâm muốn lưu ý là:

Sự cố an toàn, vận hành  rất ít khi xảy ra nhưng nếu xảy ra thì tác hại đến cả nòi giống, nguy hiểm cả một vùng rộng lớn, cho nên phải có biện pháp kiểm tra theo dõi rất tốn kém”.

“Cái thứ hai là trình độ quản lý, trình độ công nghiệp, ý thức kỷ luật rất cao của chuyên viên kỹ sư vận hành nhà máy. Mà bây giờ trình độ của Việt Nam hiện nay là chưa đủ, phải có một thời gian đào tạo 5, 10 năm. Có đủ điều kiện thì mới đứng ra vận hành nhà máy điện nguyên tử ở Việt Nam được”.

Từ Pháp, giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn, Đại học Grenoble, chuyên gia năng lượng từng đóng góp nhiều bài chuyên môn cho giới chức thẩm quyền trong nước, cho biết ông từng rất vui mừng khi biết Quốc Hội Việt Nam chuẩn thuận dừng các dự án nhà máy điện hạt nhân hồi 2016 và ông vẫn giữ lập trường như thế đến lúc  này:

Nói rằng điện hạt nhân không ô nhiễm môi trường sự thật cũng có lý, nhưng vấn đề quan trọng là nguy hiểm về sức khỏe và nguy hiểm về rác thải phóng xạ hàng chục thế kỹ không giải quyết được.Giá thành điện hạt nhân không rẻ như người ta hiểu lầm mà cao hơn năng lượng tái tạo như mặt trời và gió”.

Nói rằng điện hạt nhân không ô nhiễm môi trường sự thật cũng có lý, nhưng vấn đề quan trọng là nguy hiểm về sức khỏe và nguy hiểm về rác thải phóng xạ hàng chục thế kỹ không giải quyết được – GS. Nguyễn Khắc Nhẫn

Vẫn theo giáo sư Nguyễn Khác Nhẫn, vào khi đề nghị tái khởi động chương trình điện hạt nhân được nói tới ở Việt Nam nhưng ở Pháp thì ngược lại:

Tỷ lệ điện hạt nhân của Pháp  là 75% nay còn 70% . Từ mấy năm nay Pháp đã quyết tâm dần dần sẽ xuống còn 50%. Pháp sẽ tăng nguồn năng lượng tái tạo lên 50% để bù đắp, thay thế điện hạt nhân trong 10, 15 năm nữa. Trong tháng qua người ta vừa đóng cửa nhà máy Fessenheim ở gần Strasbourg, còn 14 lò từ đây đến 2025 dần dần sẽ đóng”.

“Từ lâu tôi đã đề nghị chính phủ Việt Nam nên đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo. Việt Nam có thể đạt 100% năng lượng tái tạo, tệ lắm vào năm 2050, nếu chuẩn bị chu đáo ngay từ bây giờ. Hiện  bên nhà cũng đã có một tỷ lệ khá quan trọng về năng lượng gió và năng lượng mặt trời nhưng theo tôi không đủ giải quyết nhu cầu điện lực. Năng lượng tái tạo không gây ô nhiễm, giá thành càng ngày càng rẻ thì tại sao, lý do nào mà đi vào con đường điện hạt nhân có thể xem như đã lỗi thời, không có triển vọng trên thế giới như người ta tưởng”.

Tóm lại, theo đề nghị của tiến sĩ Nguyễn Khắc Nhẫn, chuyên gia ngành năng lượng quốc gia tại đại học Pháp, trong bối cảnh điện hạt nhân đang được xét lại và được nhiều nước tìm cách giảm thiểu, Việt Nam phải hết sức thận trong đối với đề nghị tái khởi động chương trình này, cùng lúc phải quyết tâm đầu tư nâng cao sản lượng điện gió và điện mặt trời vốn là hai nguồn tái tạo tương đối sạch sẽ và an toàn nhất cho năng lượng quốc gia.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-advised-to-restart-nuclear-energy-program-09132020101635.html

 

CSVN chấp thuận dự án khai thác

dầu khí ngoài khơi của Pharos Energy

Tin từ London: Đài Á châu Tự do (RFA) đưa tin nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã chấp thuận cho Công ty thăm dò dầu khí Pharos Energy tiến hành kế hoạch phát triển mỏ dầu ngoài khơi Việt Nam.

Theo tờ Offshore Engineer (OE), Pharos Energy, còn được biết dưới tên Soco International, là một công ty thăm dò, khai thác dầu khí có trụ sở chính tại London, Vương quốc Anh. Hà Nội đã chấp thuận Kế hoạch Phát triển toàn mỏ Tê Giác Trắng giai đoạn cuối theo qui trình bắt buộc.

Soco trước đó nói rằng kế hoạch phát triển toàn mỏ bao gồm việc khoan sáu giếng đã được tất cả các đối tác chấp thuận.  Soco cho rằng việc đặt hàng các hạng mục dài có thể được tiến hành luôn để có thể bắt đầu khoan sáu giếng có trong Kế hoạch phát triển mỏ (FFDP) của tam cá nguyệt thứ 4 năm 2021.

Mỏ dầu Tê Giác Trắng  nằm tại Lô 16-1, cách Vũng Tàu 100 kilomet về phía Đông Nam, ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam, cách mỏ Bạch Hổ 20 kilomet và cách mỏ Rạng Đông 35 kilomet, được phát hiện vào tháng 8/2005 với giếng khoan thăm dò đầu tiên Tê Giác Trắng 1X.

Dự án khai thác này được điều hành chung bởi công ty Liên doanh Hoàng Long. Dòng khí đầu tiên từ Giàn H1 thuộc mỏ TGT đã bắt đầu được khai thác vào năm 2011.

Quốc Tuấn

https://www.sbtn.tv/csvn-chap-thuan-du-an-khai-thac-dau-khi-ngoai-khoi-cua-pharos-energy/

 

Giúp Việt Nam phòng chống COVID-19,

Nhật viện trợ gần 500 tỷ đồng

Nhật Bản mới ký thỏa thuận viện trợ không hoàn lại, cung cấp các trang thiết bị y tế trị giá 2 tỷ yên (gần 500 tỷ đồng) cho phía Việt Nam, để giúp phòng chống COVID-19.

Theo Đại sứ quán Nhật tại Hà Nội, dự án viện trợ không hoàn lại này, vốn được ký kết hôm 7/9 giữa Đại sứ Yamada và quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, “sẽ hỗ trợ tăng cường năng lực cho hệ thống y tế, phòng ngừa bệnh truyền nhiễm thông qua cung cấp trang thiết bị y tế cho Việt Nam” trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này “đang nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh truyền nhiễm COVID-19 trong điều kiện ngành y tế dễ bị tổn thương”.

Ông Yamada được dẫn lời “đánh giá cao Việt Nam trong việc ngăn chặn thành công dịch bệnh COVID-19” đồng thời cám ơn Việt Nam “đã gửi tặng nhân dân Nhật Bản khẩu trang và bày tỏ sự kì vọng dự án viện trợ không hoàn lại lần này sẽ hỗ trợ tăng cường năng lực cho hệ thống y tế của Việt Nam”.

Bộ Y tế Việt Nam cho biết rằng khoản viện trợ trên sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian 18 tháng, từ tháng 8/2020 tháng 1/2022.

Theo cơ quan đại diện ngoại giao Nhật ở Việt Nam, quyền Bộ trưởng Long cho biết rằng bốn nơi gồm Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Bệnh viện C Đà Nẵng sẽ “sử dụng trang thiết bị viện trợ phục vụ cho công tác dự phòng, khám chữa bệnh trong bối cảnh đại dịch COVID-19”.

Ông Long cũng được Bộ Y tế trích lời nói thêm rằng “Việt Nam đang bước vào giai đoạn trạng thái bình thường mới” và Bộ mà ông đang phụ trách đã “chính thức khởi động chương trình 5K tức là: khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập đông người và khai báo y tế”.

XEM THÊM:

Nhật kêu gọi công dân Việt Nam không ‘giúp sức’ cho tội phạm

Tin cho hay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và người đồng nhiệm Nhật Bản Shinzo Abe đã hai lần điện đàm kể từ khi bùng phát dịch COVID-19 đầu năm nay, mới nhất là ngày 4/8, trước khi người tại vị lâu năm nhất “xứ sở mặt trời mọc” từ chức. Ngoài thảo luận về hợp tác phòng chống virus Corona, theo VGP News, hai nhà lãnh đạo còn bàn về vấn đề Biển Đông.

Chính quyền Hà Nội mới đây đã “đánh giá cao những đóng góp quan trọng của Ngài Thủ tướng Shinzo Abe đối với sự phát triển của quan hệ Việt Nam – Nhật Bản, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, thịnh vượng, hợp tác và phát triển ở khu vực và quốc tế”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói rằng Việt Nam chúc ông Abe “sức khỏe, hạnh phúc, tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước Nhật Bản cũng như quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản”.

Khi dịch bệnh mới bùng phát hồi đầu năm nay, Nhật Bản đã trao tặng lô hàng với tổng trị giá khoảng 20 triệu yên (gần 180 nghìn đôla) để giúp thực hiện các xét nghiệm phát hiện nhanh chủng virus Corona mới (COVID-19) ở Việt Nam.

Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) khi đó cho VOA Việt Ngữ biết rằng nhiều loại sinh phẩm đã được phía Nhật chuyển cho phía Việt Nam, sau khi nhận được “đề nghị hỗ trợ khẩn cấp từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương”.

Cơ sở y tế này, nơi có lắp đặt phòng xét nghiệm an toàn sinh học nhờ nguồn vốn Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) của Nhật, đã được Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện xét nghiệm mẫu bệnh phẩm các trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19 tại khu vực miền Bắc.

Theo JICA, sau khi Việt Nam phải đối phó với rất nhiều bệnh truyền nhiễm mà cơ quan này nói là nguy hiểm như đại dịch SARS năm 2003 và cúm gia cầm H5N1 năm 2004, từ năm 2006, chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ các dự án viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam để “thiết lập phòng an toàn sinh học cấp 3, dự án hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực cho hệ thống phòng xét nghiệm y tế về an toàn sinh học và xét nghiệm các tác nhân gây bệnh nguy hiểm”.

https://www.voatiengviet.com/a/gi%C3%BAp-vi%E1%BB%87t-nam-ph%C3%B2ng-ch%E1%BB%91ng-covid-19-nh%E1%BA%ADt-vi%E1%BB%87n-tr%E1%BB%A3-g%E1%BA%A7n-500-t%E1%BB%B7-%C4%91%E1%BB%93ng/5581676.html

 

Điểm tin trong nước sáng 12/9: Việt Nam mua

hệ thống giám sát của Israel cho tàu hải cảnh;

Người Sài Gòn vật lộn sau mưa lớn

Tâm Tuệ

Mục Điểm tin trong nước sáng thứ Bảy (12/9) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:

Việt Nam mua hệ thống giám sát của Israel cho tàu hải cảnh

Việt Nam vừa chọn công ty Controp của Israel làm nhà cung cấp hệ thống giám sát cho các tàu mới của lực lượng cảnh sát biển, truyền thông Israel dẫn thông báo từ công ty Controp hôm 11/9.

Hợp đồng của Việt Nam với công ty Israel là hệ thống giám sát iSea-25HD, phiên bản đơn giản hơn của các bộ iSea30 và iSea50. Hệ thống này được đặt trong một bộ đơn nhất dành cho tàu thuyền cỡ trung bình.

Sẽ có 12 tàu cảnh sát biển được trang bị hệ thống này, trong đó có 7 tàu do nhà máy đóng tàu Hồng Hà tại Việt Nam đóng và số tàu còn lại được nhà máy L&T đóng tại Ấn Độ.

Giám đốc tiếp thị cấp cao khu vực châu Á của Controp, Dror Harari, cho biết hệ thống giám sát iSea-25HD được phát triển trong 2,5 năm qua, với hệ thống camera cả ngày và đêm, chế độ xem trực thị (LOS) liên tục, không bị gián đoạn, đảm bảo hình ảnh rõ nét ngay cả trong điều kiện khắc nghiệt trên biển như sương mù, độ ẩm cao, nước bắn…, cho phép tàu thuyền phát hiện được các vật thể nhỏ và tàu cá ở khoảng cách xa lên đến 10km và phát hiện các tàu lớn hơn lên đến 20 km.

Hiện, Israel đang trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai cho quân đội Việt Nam, chỉ sau đối tác truyền thống là Nga, theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI).

Người Sài Gòn vật lộn sau mưa lớn

Cơn mưa hơn một giờ chiều 11/9, khiến nhiều tuyến đường ở quận Thủ Đức như Tô Ngọc Vân, Phạm Văn Đồng, Đặng Văn Bi… ngập sâu, nhiều xe chết máy, giao thông hỗn loạn.

Giữa dòng nước cuồn cuộn trên đường Tô Ngọc Vân, anh Minh Đức (cởi trần) cùng những người dân sống bên đường ra sức kéo những chiếc xe máy lên vỉa hè. “Ở đây, cứ mưa lớn hay nhỏ cũng đều ngập hết. Mưa càng to thì nước chảy càng xiết, người dân chỉ biết cùng nhau hỗ trợ mọi người”, anh Đức nói trên VnExpress.

Đến khoảng 20h mưa ngớt nhưng kẹt xe vẫn kéo dài, phương tiện di chuyển chậm chạp qua “biển nước”.

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, hiện nay gió Tây Nam có xu hướng tăng cường độ nên mưa sẽ xuất hiện vào chiều tối. Mưa sẽ kèm giông lốc. Người dân khi đi đường cần chú ý cành cây gãy đổ, mái tôn, biển quảng cáo, vật liệu từ các công trình bay vào gây tai nạn.

Chi hàng nghìn tỷ đồng xây cầu nối TP.HCM với Đồng Nai

Báo VnExpress thông tin, ngày 11/9, Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (Bộ Giao thông Vận tải – chủ đầu tư) cho biết đang đẩy nhanh việc thiết kế cầu Nhơn Trạch để năm 2021 khởi công dự án và hoàn thành năm 2024.

Cầu Nhơn Trạch bắc qua Đồng Nai nối TP.HCM, dài hơn 2 km, rộng 19,5m cho 6 làn xe, tổng vốn hơn 2.200 tỷ đồng giúp giảm áp lực giao thông và tăng liên kết vùng.

Cũng trên sông Đồng Nai, cách dự án cầu Nhơn Trạch hơn 5km, dự án cầu Cát Lái thay cho phà Cát Lái, kết nối Đồng Nai và TP.HCM, vốn đầu tư dự kiến 7.200 tỷ đồng, nhiều năm qua được người dân chờ đợi với dự kiến dài 3.782m, phần cầu chính dài 650m, quy mô 6 làn xe.

Hàng không Việt Nam mở lại đường bay quốc tế từ 15/9

Hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) từ ngày 18/9 sẽ chính thức khai thác trở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ đầu tiên sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Kế hoạch này sẽ mở đầu bằng việc thực hiện những chuyến bay một chiều từ Việt Nam đi Nhật Bản, truyền thông trong nước dẫn tin từ Vietnam Airlines loan tin ngày 11/9.

Tin cho biết, trong tháng 9, sẽ có 3 chuyến bay từ Hà Nội đi sân bay Narita ở Tokyo trong 3 ngày 18,25,30/9, còn tại TP.HCM chỉ có 1 chuyến đi Narita vào ngày 30/9.

Vietnam Airlines đang chờ quyết định chính thức của các nhà chức trách Nhật Bản về việc khai thác chuyến bay chở khách chiều từ Nhật Bản về Việt Nam.

Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc sẽ sang thăm Việt Nam vào tuần sau

Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-wha dự định đến thăm Việt Nam và sẽ hội đàm với người đồng nhiệm của Việt Nam về các vấn đề quan hệ song phương trong hạ tuần tháng 9.

Hãng tin Yonhap vào ngày 11/9, dẫn nguồn từ cơ quan ngoại giao cho biết thông tin vừa nêu.

Tin cho biết, Bộ trưởng Ngoại giao Kang Kyung-wha thăm Việt Nam trong 2 ngày và sẽ lên đường vào thứ Năm, ngày 17/9.

Theo lịch trình được dự kiến, bà Kang sẽ có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và bà Kang kêu gọi Chính phủ Việt Nam đơn giản hóa quy trình nhập cảnh, hỗ trợ cho việc đi lại và làm việc giữa Hàn Quốc với Việt Nam được thuận tiện hơn.

https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-sang-12-9-viet-nam-mua-he-thong-giam-sat-cua-isrcho-tau-canh-sat-bien-nguoi-sai-gon-vat-lon-sau-mua-lon.html

 

Điểm tin trong nước tối 13/9:

Hàng chục học sinh TP.HCM nhập viện;

Truy tìm nữ doanh nhân ôm cả trăm tỷ đồng bỏ trốn

Hiểu Minh

Mục Điểm tin trong nước tối Chủ nhật (13/9) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:

Hàng chục học sinh TP.HCM nhập viện

Chiều 13/9, bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Quận 2, TP.HCM cho Zing biết, nơi đây đang điều trị cho 20 trẻ nghi ngộ độc thực phẩm.

Sau khi nhập viện cấp cứu, các bé được siêu âm bụng, truyền dịch bù nước và dùng kháng sinh. Cùng có biểu hiện nhẹ, các bệnh nhân này được chuyển lên khoa Nhi để tiếp tục theo dõi, điều trị.

20 trẻ nghi bị ngộ độc thực phẩm là học sinh trường Tiểu học Bình Trưng Đông, quận 2, TP.HCM. Hôm 11/9, các em ăn bánh canh tôm và bánh su kem ở trường. Chiều 12/9, các em mới xuất hiện triệu chứng, được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Bác sĩ Khanh cho biết với biểu hiện chung như vậy bước đầu có thể nghi do ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, bệnh viện vẫn phải chờ kết quả mẫu bệnh phẩm mới có kết luận chính xác.

Truy tìm nữ doanh nhân ôm cả trăm tỷ đồng bỏ trốn

Theo Tuổi Trẻ, ngày 13/9, một lãnh đạo phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết hiện cơ quan này đang tiếp tục truy tìm, đồng thời thông báo rộng rãi yêu cầu bà Trần Thị Kim Loan trình diện để giải quyết đơn tố cáo của nhiều người đối với bà này.

Cụ thể, trước khi đi khỏi nơi cư trú, bà Loan đã vay mượn của nhiều người ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với số tiền cả trăm tỷ đồng, người nhiều nhất vài chục tỷ đồng, người ít nhất cũng vài tỷ đồng. Theo những người tố cáo, sở dĩ họ đồng ý cho bà Loan vay tiền vì chồng bà này là ông Giang Vinh – nguyên giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Khi vay tiền, bà Loan nói mục đích vay là để đáo hạn ngân hàng, làm giấy phép khai thác cát. Ngoài ra, bà này còn chơi hụi và hốt dây hụi, bỏ đi.

Ngày 12/9, trả lời qua điện thoại, ông Giang Vinh (chồng bà Loan) cho hay vợ ông không có ở nhà. Việc bà Loan vay tiền của nhiều người, ông không hề hay biết. Sau này, khi bà Loan không có ở nhà thì ông mới hay biết việc bà mượn nợ.

Hàng trăm bao hàng sập, đè chết 2 người

Theo VnExpress thông tin, 7 công nhân vận chuyển các bao phân, được chất chồng lên nhau thành từng hàng cao hơn chục mét, trong kho ga Sóng Thần (phường An Bình, TP. Dĩ An) ra toa xe lửa, tối 12/9. Khi họ đang lấy những bao từ trên cao xuống, bất ngờ nhiều dãy hàng đổ sập, chôn vùi 3 người, số còn lại may mắn chạy thoát.

Nhiều công nhân trong ga Sóng Thần hô hào nhau khiêng các bao phân ra, tìm cứu đồng nghiệp. Gần 30 phút, 3 nạn nhân mới được đưa ra ngoài, chuyển đến bệnh viện.

Tuy nhiên, anh Trần Văn Hải (30 tuổi, quê Nghệ An) và ông Nguyễn Văn Rự (49 tuổi, quê Bình Dương) đã tử vong. Anh Lê Văn Thường (37 tuổi, quê Thanh Hoá) vẫn trong tình trạng nguy kịch.

Bỏ quy định giãn cách trên tàu xe xuất phát từ Đà Nẵng

Zing đưa tin, từ chiều nay (13/9), toàn bộ quy định về giãn cách hành khách trên các phương tiện vận tải xuất phát từ Đà Nẵng được dỡ bỏ.

Theo đó, toàn bộ quy định về giãn cách hành khách trên các chuyến xe buýt, taxi, xe khách, tàu hỏa, máy bay, tàu thủy… sẽ được gỡ bỏ.

Tuy nhiên, một số quy định phòng dịch khác vẫn được duy trì, gồm đeo khẩu trang tại nhà ga, bến xe, sân bay, khai báo y tế bắt buộc, kiểm tra thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, hạn chế giao tiếp và ăn uống trên phương tiện… Khi có các dấu hiệu sốt, ho, khó thở, hành khách phải thông báo cho tiếp viên, nhân viên phục vụ hoặc liên hệ đường dây nóng của Bộ Y tế.

https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-toi-13-9-hang-chuc-hoc-sinh-tp-hcm-nhap-vien-truy-tim-nu-doanh-nhan-om-ca-tram-ty-dong-bo-tron.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.