Đồng Tâm và những hy sinh không vô ích
VOA - BẠN ĐỌC LÀM BÁO
14/9/2020
Các bị cáo trong vụ án Đồng tâm tại tòa. Photo Nhan Dan
Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm)
Phiên tòa sơ thẩm xét xử 29 bị cáo trong vụ án Đồng Tâm sắp kết thúc.
Sẽ có một bản án tương tự với bản cáo trạng, hay sẽ thêm chút “nhẹ tay” hơn, thậm chí không có bản án tử hình nào?
Tất cả đều phản ánh phần nào sức mạnh công luận; ở chiều ngược lại là thể hiện sự lúng túng trong thứ quyền lực tuyệt đối đang cố gia tăng trong thế ngày càng nguy ngập.
Nhớ lại vụ Cống Rộc – Đoàn Văn Vươn
Quá nhiều những bức bối, căm phẫn chồng chất từng ngày bao năm nay về đất đai khiến cả chính quyền lẫn công luận như thể đã lãng quên sự kiện chấn động nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại về tranh chấp đất đai 8 năm trước.
Lẽ ra nó phải là bài học lớn cho chính quyền để xử lý vụ Đồng Tâm, bởi có những tình tiết quá giống nhau giữa hai vụ án. Cũng tranh chấp đất, cũng dùng lực lượng vũ trang mở “chiến dịch” tấn công những nông dân yếu ớt, rồi thiệt hại nặng vì bị họ chống trả quyết liệt, và cũng phạm luật ở chính người nhà nước.
Có điều, với Cống Rộc, phải nói rằng ông Thủ tướng khi đó đã tỏ ra quyết đoán, tỉnh táo. Ngay mấy ngày đầu, dường như ông đã chỉ đạo chính quyền địa phương phải “nghiêm trị” kẻ chống đối chính quyền. May thay, báo chí nhà nước vào cuộc quá nhanh, mà như thể không có sự “định hướng” kịp thời nào từ tuyên giáo, đã lên tiếng bênh vực anh em nhà nông dân Đoàn Văn Vươn.
Ngoài ra, cũng phải kể đến vai trò của (cố) Chủ tịch nước Lê Đức Anh, và một số vị cựu quan chức khác, chỉ sau ít ngày đã lên tiếng phản đối chính quyền Hải Phòng trong vụ việc.
Còn dư luận bênh vực cho gia đình Đoàn Văn Vươn trên mạng tự do, của bao nhiêu nhân sĩ trí thức, cả cựu tướng công an v.v. thì khỏi phải nói.
Lập tức, Chính phủ đã “xoay trục” (?), có sự chỉ đạo địa phương, rồi một tháng sau có cuộc họp báo yêu cầu kỷ luật các cấp ở Hải phòng.
Kết cục, như một lối “giảng hòa”, cả người nhà nước lẫn những nông dân trong vụ án đều phải chịu hậu quả nhưng nhẹ hơn so với phán đoán chung.
Thế nhưng, có một thứ quan trọng không được xử lý, nên mới góp phần không nhỏ để có hôm nay – Đồng Tâm.
Lãng quên nên mới có Đồng Tâm
Thứ “lãng quên”, “không được xử lý” đó chính là về vai trò “thanh bảo kiếm của Đảng”.
Một vụ tấn công trái luật, mà chỉ chính quyền huyện Tiên Lãng phải chịu trách nhiệm, còn lực lượng công an, quân đội tham gia thì “vô can”.
Ông Đại tá Đỗ Hữu Ca lớn giọng tự ngợi ca đó là một trận “đánh đẹp”, để rồi ngay trước phiên tòa phúc thẩm xử Đoàn Văn Vươn, ông được phong hàm thiếu tướng.
Ở vụ Cống Rộc, lực lượng công an bị “mất mặt” quá nặng. Họ không những sai mà còn bộc lộ năng lực chuyên môn quá yếu kém.
Nhưng ở Đồng Tâm năm 2017, có lẽ họ còn cảm thấy “mất mặt” gấp ngàn lần. Đó chính là mấu chốt quan trọng khó tả để đem tới hậu quả 9/1/2020.
Nếu có sự kiểm điểm nghiêm khắc trong nội bộ, có chỉ đạo ở trên, có kỷ luật, thậm chí bản án cho những người tham gia tấn công vào khu nhà đất của anh em Đoàn Văn Vươn khi đó, thì chắc chắn sẽ là một cảnh báo cho lực lượng này chớ quá lạm dụng quyền lực.
Tiếc thay đã không có điều đó, thậm chí còn ngược lại.
Từ đó nảy sinh chủ quan, kiêu ngạo, để rồi khi bị “vỗ mặt”, chất “kiêu binh” nổi lên ngùn ngụt, dẫn tới tai họa chồng chất. Sai lầm nối tiếp sai lầm!
Chưa dừng ở đó, sau 9/1 lại tiếp tục những sai lầm cho tới phiên tòa sơ thẩm …
Phải chặn đứng chuỗi sai lầm
Ít nhất vụ Đồng Tâm này là sai lầm thứ ba của ngành công an ở tầm mức quốc gia, quốc tế trong ngót nửa thế kỷ qua.
Trong hai sai lầm nghiêm trọng trước đây, đều có vai trò của lãnh đạo ngành công an, nhưng đã không có việc rút kinh nghiệm nghiêm túc, không có kỷ luật nghiêm khắc. Nay không thể cứ tái diễn được.
Một câu hỏi quan trọng cần đặt ra là, liệu có hay không các cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước tham gia quyết định “xử lý” với Đồng Tâm ngày 9/1? Và nếu có thì họ có được báo cáo đầy đủ, chính xác toàn bộ sự việc cả trước và sau vụ tấn công hay không?
Nếu CÓ thì e rằng các lãnh đạo đã một lần nữa “nương tay” với công cụ chuyên chính của mình; để rồi phải chịu búa rìu dư luận và lòng tin của dân thêm mất mát.
Nếu KHÔNG thì lúc này là thời cơ tốt nhất để thể hiện rõ sự sáng suốt, kiên quyết chỉnh đốn thứ công cụ đó.
Một câu hỏi nữa không kém phần quan trọng là có hay không chuyện lợi ích kinh tế “không trong sáng” đằng sau vụ việc Đồng Tâm (kể cả vụ Cống Rộc).
Kết quả phiên sơ thẩm, rồi phúc thẩm có thể hé lộ phần nào gợi ý cho hai câu hỏi trên. Còn sau đó, có hay không việc xử lý trong nội bộ ngành công an, sẽ góp thêm phần cho câu trả lời.
Công cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng do TBT-CTN Nguyễn Phú Trọng dẫn dắt rất cần vai trò của ngành công an, nhưng phải là lực lượng mạnh và trong sạch.
Muốn vậy, không thể cứ kiểu “đóng cửa bảo nhau”, trong khi lòng dân thì không thuận, đầy nghi ngại trước những vụ án quan chức tham nhũng bởi cách xử lý chưa triệt để.
Những hy sinh của bao nông dân, từ tiền của cho tới con người qua các vụ án này, dẫu có đớn đau, nhưng đáng trân trọng và cũng là cần thiết cho cuộc chiến chống tham nhũng, đòi hỏi nhà nước có những chính sách đúng đắn về đất đai và các quyền tự do dân chủ.
Những “mất mát” về con người của người nhà nước, ngành công an, một khi họ lạm quyền, phạm luật trong những vụ việc thế này là rất đáng phải có, để giảm bớt bức xúc trong dân, tạo lập niềm tin, hy vọng.
Chẳng lẽ chỉ người dân phải chịu hy sinh, còn người nhà nước thì cứ muốn “chiến thắng” mãi sao?
“Bảo kiếm” không được thường xuyên mài dũa, không có người điều khiển sáng suốt, “chém” không trúng kẻ thù - “giặc nội xâm”, lại vào dân lành mà mình đáng ra “phải kính trọng, lễ phép”, thì nguy to.
Hà Nội, 12/09/2020
0 comments