Những cuộc tranh luận truyền hình để lại dấu ấn trong lịch sử Mỹ
RFI - HOA KỲ - BẦU CỬ TỔNG THỐNG
Đăng ngày:
Le Figaro hôm nay 29/09/2020 điểm lại những cuộc tranh luận ấn tượng nhất giữa các ứng cử viên tổng thống Mỹ. Theo tờ báo, cuộc đấu giữa Nixon và Kennedy cho thấy hình ảnh trên truyền hình có thể làm thay đổi cảm nhận của khán giả so với những gì nghe được, còn cuộc đối đầu Bush-Gore năm 2000 chứng minh rằng « thắng » tranh luận chưa đủ để đắc cử.
Đã khác rất xa với cái thời khi Abraham Lincoln đối đầu với Stephen A.Douglas trong cuộc đua giành ghế thượng nghị sĩ Illinois năm 1858, hai người đã tranh cãi suốt ba tiếng đồng hồ, không có người dẫn chương trình, và ở ngoài trời, tại một thành phố nhỏ.
Một thế kỷ sau, vào năm 1960, có 66 triệu người Mỹ theo dõi cuộc tranh luận, nhưng không phải gia đình nào cũng có ti vi. Những ai nghe radio thấy rằng phó tổng thống Richard Nixon rõ ràng chiếm thế thượng phong. Nhưng những người xem truyền hình lại nhìn thấy ứng viên Cộng Hòa có vẻ ốm yếu, nhợt nhạt, thường xuyên lau mồ hôi ; trước thượng nghị sĩ trẻ của Massachusetts đầy vẻ sinh động là John Fitzgerald Kennedy. Không chỉ vì ông Nixon mới vừa khỏi bệnh và không muốn trang điểm, mà còn là tâm lý người xem đối với phương tiện truyền thông mới này.
Rút kinh nghiệm, các ứng cử viên tổng thống sau đó đã từ chối tranh luận trên truyền hình, bắt đầu là Nixon. Ông Richard Nixon sau đó đã thắng cử năm 1968.
Mười sáu năm sau, năm 1976, Gerald Ford - đang giữ chức tổng thống sau khi ông Richard Nixon từ chức trước đó hai năm - lại muốn tổ chức tranh luận với hy vọng điểm tín nhiệm sẽ tăng, và đường đường chính chính hơn. Đối thủ là Jimmy Carter, thống đốc Georgia. Trong cuộc tranh luận đầu tiên, âm thanh bị tắt khiến cả hai phải đứng trơ như người mẫu trong suốt 27 phút. Nhưng người ta nhớ nhất là cuộc tranh luận thứ hai, ông Ford nói : « Không có việc Liên Xô thống trị Đông Âu, và cũng sẽ không bao giờ có dưới chính phủ của tôi ». Sai lầm này góp phần làm ông thất cử.
Vai trò đã đảo ngược trong cuộc tranh luận duy nhất năm 1980, thu hút 80,6 triệu khán giả truyền hình. Tổng thống Carter bị Ronald Reagan, cựu thống đốc California thách thức. Ứng viên Cộng Hòa tạo tác động tốt khi chất vấn cử tri : « Các bạn có cảm thấy tình hình khá hơn so với cách đây bốn năm hay không ? »
Và bốn năm sau đó, để bảo vệ chức vụ tổng thống, khi bị đặt câu hỏi về tuổi 73 – già nhất trong lịch sử nước Mỹ vào lúc đó – Ronald Reagan dí dỏm trả lời : « Tôi không coi tuổi tác là một vấn đề trong chiến dịch vận động. Tôi cũng không khai thác yếu tố trẻ tuổi, thiếu kinh nghiệm của đối thủ tôi vì mục đích chính trị ». Câu nói này khiến đối thủ « trẻ » 56 tuổi, cựu phó tổng thống Walter Mondale bật cười.
Năm 1988, một ứng cử viên Dân Chủ khác đã phải trả giá cho cuộc tranh luận. Là người quyết liệt chống án tử hình, Mike Dukakis được hỏi liệu có sẽ thay đổi ý kiến, ủng hộ việc hành quyết một kẻ đã hãm hiếp và sát hại vợ ông hay không. « Không, các vị biết rằng tôi phản đối án tử hình đến suốt đời ». Câu trả lời lạnh lùng khiến ông bị đặt biệt danh « Ice Man » (người băng giá), đóng góp vào chiến thắng của George H.W.Bush.
Cuộc tranh luận bốn năm sau không phải tay đôi mà là tay ba : tổng thống mãn nhiệm phải đối mặt với tỉ phú độc lập Ross Perot và Bill Clinton, thống đốc Arkansas. Clinton tỏ ra dễ mến, trong khi ông Bush cha có vẻ xa cách và hơi mệt mỏi, nhiều lần nhìn đồng hồ đeo tay. Vấn đề tuổi tác một lần nữa lại được đặt ra trong cuộc tranh luận năm 1996. Ứng viên Cộng Hòa Bob Dole khẳng định rằng tuổi 73 mang lại cho ông « lợi thế về sự minh triết », còn tổng thống Clinton tấn công vào « những ý tưởng già nua » và tái đắc cử.
Cuộc đối đầu Bush-Gore năm 2000 chứng minh rằng « thắng » tranh luận chưa đủ để chiến thắng. Tuy các nhà quan sát nhận định phó tổng thống thuyết phục hơn, nhưng Al Gore bị trách cứ vì cung cách được cho là cao ngạo trước thống đốc Texas bình dân hơn. Tờ Time lúc đó viết : « Cử tri có vẻ quyết định rằng họ đã quá chán Giáo sư Biết Tuốt ». Thất bại của ông John Kerry bốn năm sau dường như cũng do cáo buộc đã làm cuộc tranh luận bị chìm ngập dưới một loạt các chi tiết và lý lẽ.
Ba cuộc tranh luận giữa Barack Obama và John McCain mở ra một kỷ nguyên mới năm 2008 : lần đầu tiên, các ứng cử viên được cư dân mạng đặt câu hỏi thông qua YouTube. Ứng viên Cộng Hòa tỏ ra quyết liệt hơn để cố đảo ngược xu hướng trong các cuộc thăm dò. « Thượng nghị sĩ Obama, tôi không phải là tổng thống Bush. Nếu ông muốn đối mặt với tổng thống Bush, thì phải ra tranh cử cách đây bốn năm ». Tuy nhiên John McCain không thay đổi được tình thế.
Năm 2012, Mitt Romney khoe về tỉ lệ bình đẳng nam nữ trong ê-kíp của ông ở Massachusetts, nhưng vị thống đốc Cộng Hòa lại vụng về nói rằng ông đã phải xét « hàng tập tài liệu các ứng viên nữ ». Ông nhận được nhiều lời châm biếm trên báo chí.
Căng thẳng nhất vẫn là cuộc tranh luận Clinton-Trump năm 2016, lần đầu tiên đạt kỷ lục 84 triệu khán giả. Bà Hillary Clinton cho rằng với những phát biểu xúc phạm phụ nữ, ông Donald Trump không đủ tư cách để tập họp mọi người. Bà nhấn mạnh : « Ông ấy còn tấn công vào di dân, người Mỹ gốc châu Phi, gốc la-tinh, người Hồi giáo và cả người khuyết tật ». Đối thủ đáp trả : « Bill Clinton còn tệ hơn ! ». Bà Hillary : « May mắn là một người có tính cách như ông Trump không phụ trách về pháp luật ở đất nước chúng ta ». Ông Trump lại trả đũa : « Vì bà sẽ vào tù ».
Nếu các thăm dò sau cuộc tranh luận vẫn cho rằng bà Clinton thắng trong cuộc song đấu, lịch sử một lần nữa lại chứng tỏ, như vậy vẫn chưa đủ để đắc cử !
0 comments