Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Ông Trump đối mặt ông Biden trong vòng tranh luận đầu tiên

Wednesday, September 30, 2020 1:06:00 PM // ,

  VOA - Ken Bredemeier

30/9/2020

Nhân viên chuẩn bị cho cuộc tranh luận giữa Tổng thống Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden tại Sheila and Eric Samson Pavilion, ở Cleveland (ảnh chụp ngày 28/9/2020)

Tổng thống Cộng hòa Donald Trump và đối thủ Dân chủ, cựu phó Tổng thống Joe Biden, sẽ tranh luận vào tối thứ Ba 29/9, năm tuần trước cuộc bầu cử 3/11. Đây là cuộc tranh luận đầu tiên trong 3 cuộc đối mặt tay đôi dự trù trong tháng tới.

Sự kiện tại thành phố Cleveland, Ohio, diễn ra trong lúc ông Biden vẫn giữ lợi thế 7 điểm phần trăm so với ông Trump trong nhiều tuần thăm dò trên toàn quốc, đe dọa biến ông Trump thành Tổng thống thứ ba trong 4 thập niên qua thất cử trong nhiệm kỳ thứ nhì tại Tòa Bạch Ốc.

Tuy nhiên cuộc chạy đua đang khít khao tại một số tiểu bang chiến trường quan trọng, nêu lên khả năng là ông Trump có thể lại thua phiếu phổ thông như hồi 2016 trước ứng viên Dân chủ Hillary Clinton- nhưng vẫn thắng phiếu cử tri đoàn của những tiểu bang rất quan trọng để tuyên bố thắng lợi.

Dự trù có khoảng 100 triệu người Mỹ xem hai đối thủ tranh cử Tổng thống đối đầu trong 90 phút trong một sự kiện được truyền hình và đưa lên mạng rộng rãi. Hai ứng viên Tổng thống sẽ trả lời những câu hỏi của nhà báo kênh Fox News Chris Wallace với khoảng 100 người chứng kiến trực tiếp. Cho đến nay hai ứng cử viên chưa bao giờ xuất hiện cùng nhau.

Ông Wallace nói ông sẽ đưa ra những câu hỏi về 6 đề tài mỗi 15 phút: thành tích của ứng cử viên; đại dịch virus corona đã giết chết hơn 204.000 người Mỹ nhiều nhất thế giới; việc ông Trump đề cử thẩm phán bảo thủ Amy Coney Barrett vào Tối cao Pháp viện; kinh tế Mỹ suy sụp vì đại dịch; tính trung thực của cuộc bầu cử; và vấn đề “chủng tộc và bạo động” tại các thành phố Mỹ.

Một đề tài cuối cùng quan trọng chắc chắn cũng là trọng tâm: tờ New York Times ngày 17/9 loan tin tỉ phú Trump chỉ trả 750 đô la tiền thuế liên bang trong năm 2016, năm ông tranh cử Tổng thống và năm 2017 năm đầu tiên ông đảm nhận chức vụ.

Bản tin nêu chi tiết cách thức ông Trump, người thường khoe khả năng kinh doanh, đã khai lỗ hàng triệu đô la.

Ông Trump gọi tường trình của New York Times “hoàn toàn là tin thất thiệt,” nhưng chiến dịch của ông Biden ngày 27/9 nhấn mạnh đến điểm này để lập luận rằng ông Trump thiếu đồng cảm với người lao động Mỹ, những người mà ông tuyên bố tranh đấu cho họ.

Vài giờ trước cuộc tranh luận, ông Biden và bà Jill vợ ông, đã công bố bản khai thuế năm 2019 cho thấy hai ông bà đóng gần 300.000 đô la tiền thuế.

Ông Trump chưa công bố hồ sơ khai thuế, nói rằng ông đang bị kiểm toán.

Trong những chiến dịch tranh cử trước đây, các cuộc tranh luận Tổng thống thỉnh thoảng chứng tỏ có vai trò trọng yếu đối với kết quả chung cuộc, nhưng năm nay có như vậy hay không vẫn còn là câu hỏi chưa được giải đáp. Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy 90% cử tri đã quyết định và không có ý thay đổi lựa chọn.

Bỏ phiếu sớm đã bắt đầu tại nhiều tiểu bang, thỉnh thoảng có những dòng người xếp hàng dài chờ bỏ phiếu. Hàng triệu người khác yêu cầu hay đã được gởi phiếu bầu qua bưu điện để giãn cách xã hội trong Ngày Bầu cử giữa đại dịch virus corona.

Ông Trump đã tuyên bố, nhưng không đưa ra bằng chứng, là việc bỏ phiếu bằng đường bưu điện gia tăng trong năm nay sẽ đưa đến bầu cử “gian lận” chống lại ông, và ông từ chối cam kết về một cuộc chuyển quyền ôn hòa trong ngày tuyên thệ nhậm chức Tổng thống vào tháng 1/2021 nếu ông Biden đắc cử.

Những đề tài ông Wallace chọn cho cuộc tranh luận phản ánh tin tức trong ngày tại Mỹ, dù những người chỉ trích cho rằng mô tả của ông Wallace về chủng tộc và bạo động tại Mỹ phản ánh lập luận của ông Trump là biểu tình chống cảnh sát bạo hành sắc dân thiểu số trong những tháng gần đây được lãnh đạo bằng “những tay côn đồ,” những kẻ bạo loạn và vô chính phủ.

Phe Dân chủ ủng hộ ông Biden nói rằng thay vào đó, cuộc tranh luận nên nhắm vào nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống tại Mỹ và sự công nhận ở nội địa về các mối quan hệ chủng tộc. Các mối quan hệ này trở thành tâm điểm chú ý từ cái chết của một người đàn ông da đen tên George Floyd trong lúc ông này bị cảnh sát khống chế tại Minneapolis, Minnesota, hồi tháng 5, và cái chết của những người da đen khác trong tay cảnh sát.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.