Người Việt ở Mỹ: Trump mất điểm, Biden thể hiện tốt
VNExpress
Thứ tư, 30/9/2020,
Người Việt ở Mỹ nhận thấy Trump nóng nảy, lấn át Biden lẫn người dẫn dắt, nhưng ứng viên đảng Dân chủ cũng thể hiện tốt nhờ đang chiếm ưu thế.
"Không khí rất nóng, không phải hai mà là ba người tranh luận", Jimmy Lương, một người Việt làm trong ngành tài chính tại thành phố Boston, Massachusetts, hào hứng chia sẻ với VnExpress ngay sau khi theo dõi cuộc tranh luận đầu tiên giữa Tổng thống Donald Trump và đối thủ Joe Biden.
Sự kiện tối 29/9 (sáng 30/9 giờ Hà Nội) ở thành phố Cleveland diễn ra căng thẳng ngay từ những phút đầu với chủ đề Tòa án Tối cao và chương trình chăm sóc sức khỏe. Trump liên tục cắt ngang mọi câu trả lời của Biden, thậm chí ngắt lời của người điều hành Chris Wallace. Biden tỏ ra tức giận và 18 phút đó, ông quay ra nói với Trump: "Ông có im đi không?". Wallace đành phải lên tiếng kiểm soát tình hình và nhắc nhở Tổng thống Mỹ.
Jimmy, một người ủng hộ Trump, thừa nhận ông đã phản ứng "hơi quá" khi thường xuyên ngắt lời đối thủ, đẩy cuộc tranh luận vào hỗn loạn, khiến người điều hành cũng phải nổi nóng. Tuy nhiên, anh nhận định đây là phong cách riêng và cũng có thể là một chiến thuật của Trump nhằm khiến đối thủ mất bình tĩnh và quên mất nội dung muốn trình bày.
"Trong 3 người có mặt trên sân khấu thì Trump hầu như làm chủ cuộc tranh luận. Lúc đầu, Biden tỏ ra bình tĩnh nhưng đến cuối, ông bối rối, nói vấp, nói lặp nhiều lần", anh nói. "Với tôi, sự mạnh mẽ của Trump cho thấy ông ấy thậm chí có thể một chọi 10, chứ không chỉ hai người".
Cũng là người ủng hộ Trump nhưng Julia Ngô, cử tri ở bang California, bày tỏ lo ngại về cách hành xử của ông trong cuộc tranh luận này.
"Ngắt lời người khác khi tranh luận rất dễ mất điểm. Hy vọng lần sau Trump rút kinh nghiệm, thay đổi cách tranh luận, nếu không sẽ bất lợi", Julia, một nhân viên tư vấn về tài chính, sống ở Mỹ hơn 10 năm, nêu ý kiến.
Từ vài ngày nay, cô đã háo hức đón đợi cuộc so găng đầu tiên giữa Trump và đối thủ. Tuy nhiên, cuộc tranh luận đã khiến cô không hài lòng, thậm chí gây ức chế bởi Trump phải đối mặt với nhiều cáo buộc khiến ông nổi nóng, buộc phải tập trung phản kháng và không trình bày được nhiều về chính sách. Biden đã công kích Trump không kém cạnh và cố tình né tránh nhiều câu hỏi khó như việc con trai bị tố nhận hối lộ 3,5 triệu USD hay việc ông được cảnh sát ủng hộ.
"Dựa trên việc tranh luận, phê phán lẫn nhau, người xem có thể nhận thấy được quan điểm, tư duy, cách xử lý vấn đề của hai ứng viên. Tuy nhiên, Trump đã quá tập trung bảo vệ bản thân, còn Biden là ứng viên mới nhưng chưa thể hiện được ông sẽ làm gì cho nước Mỹ, chỉ tập trung chỉ trích đối thủ", Julia nhận xét.
Với những người ủng hộ Biden như Linh Nguyễn, ở thành phố Seattle, bang Washington, đó lại là những gì họ mong đợi từ ứng viên cao tuổi này khi đối đầu với Trump, người nổi tiếng với phong cách mạnh mẽ và phá vỡ mọi quy tắc.
Theo anh Linh, lần thể hiện này của Biden có thể được xem là thành công vì đã dồn được Trump vào thế khó với những vấn đề nóng như Covid-19, chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, nền kinh tế suy thoái. Thậm chí ông còn khiến Trump nóng mặt bằng những ngôn từ gay gắt như "gã hề", "tổng thống tệ nhất" hay "cún cưng của Putin" và bảo đối thủ im lặng.
"Biden có tật nói lắp nhưng hôm nay ông ăn nói trôi chảy. Có nhiều đoạn ông nhìn thẳng vào camera nói rất hùng hồn và hiệu quả", Linh nhận xét. "Trump có thể nói nhiều hơn nhưng quan trọng là những gì Biden trình bày thực tế, chi tiết hơn và giúp những người đang ở thế trung lập hiểu hơn về ông".
Theo khảo sát của CNN, cứ 10 người theo dõi cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên thì có 6 người nói Biden đã làm tốt hơn Trump. Khoảng 2/3 người tham gia cho rằng các câu trả lời của Biden trung thực hơn Trump, 69% cho rằng "đòn công kích" của Biden nhằm vào Trump là công bằng, trong khi tỷ lệ này dành cho Tổng thống Mỹ chỉ chiếm khảng 32%.
"Gần 20 năm ở Mỹ tôi chưa chứng kiến cuộc tranh luận tổng thống nào như cuộc tranh luận này, thậm chí nhiều người còn cho rằng hai ứng cử viên không khác gì hai đứa trẻ đang tranh cãi để đòi kẹo", anh Derek Phạm, một nhà báo gốc Việt có quan điểm trung lập ở bang California, có chung nhận định. "Trump như thường lệ dùng chiến thuật đánh phủ đầu đối thủ ở ngay câu hỏi đầu tiên, Biden thì dùng chiến thuật trái ngược hẳn hoàn toàn. Trump mất điểm khi có vẻ mất bình tĩnh trong phần lớn thời gian của cuộc tranh luận. Biden điềm tĩnh hơn để không rơi vào bẫy tranh luận của Trump và cũng tấn công được nhiều hơn".
Chưa bao giờ đi bầu tổng thống Mỹ để luôn giữ quan điểm trung lập, anh Derek chấm cho phần thể hiện của Trump là 8, trong khi Biden nhỉnh hơn với 8,5 điểm.
"Nhưng nếu để nói liệu kết quả hôm nay có đủ thuyết phục để ông Biden thắng vào ngày 3/11 tới hay chưa thì tôi nghĩ là chưa. Biden phải làm nhiều hơn nữa trong các cuộc tranh luận tiếp theo", anh nói.
Ông Lương Tạ, một người gốc Việt đã định cư ở Mỹ gần 40 năm nay, cho rằng trong bối cảnh Biden dẫn trước các cuộc thăm dò ở hầu hết các bang, gồm cả những bang chiến trường, và Trump bị mất điểm vì cách ứng phó với Covid-19, gánh nặng của ứng viên đảng Dân chủ tại cuộc đua này dường như nhẹ hơn so với đối thủ.
Biden chỉ cần tỉnh táo tranh luận, gạt bỏ định kiến "già cỗi, lú lẫn, chậm chạp" mà Tổng thống Mỹ thường đề cập tới như một điểm yếu của ông, là đã thành công. Trong khi đó, Trump phải xoay chuyển được thế yếu của một lãnh đạo nước Mỹ đang trong đại dịch và bị chia rẽ bởi vấn đề sắc tộc.
"Bằng lối tấn công hiếp đáp đối thủ, Trump không thuyết phục được những người đã chán ngấy tình trạng hiện tại của đất nước mà còn làm sâu thêm ấn tượng đã có sẵn về ông", ông Lương Tạ nói. "Biden, dù không tỏ ra sáng giá hơn, nhưng đã không đẩy đi những người có quan điểm trung lập. Vì thế, Trump đã không thay đổi được chiều hướng bất lợi của mình sau tranh luận".
Anh Đinh Công Bằng, một cử tri trung lập tại bang chiến trường Florida, đồng tình với quan điểm này.
"Biden nhỉnh hơn trong cuộc tranh luận, bởi ông ấy chỉ cần không phạm lỗi là đã thắng thế. Trump đang ở thế yếu vì nhiều vấn đề và nếu kết quả thăm dò chính xác, Trump có thể thua vì không đưa ra được cách giải quyết những vấn đề đang vướng mắc của nước Mỹ", anh Bằng, một chuyên gia về tin học đã sống 20 năm ở Mỹ, nhận định.
Dù đang trong chuyến đi chơi ở thủ đô Washington, anh Bằng vẫn dành thời gian tổ chức buổi xem tranh luận chung với bạn bè. Tuy nhiên, để nói về cảm xúc chung với cuộc đối đấu này thì với anh, đó cũng là "thất vọng" vì nội dung không gì mới và phần công kích vào những tiểu tiết cá nhân, như bê bối của con trai Biden hay vấn đề thuế của Trump, chiếm quá nhiều thời gian.
Sau cùng, những gì Trump và Biden thể hiện đều không thay đổi được tư tưởng của những cử tri chưa quyết định như anh Bằng. Anh rất chờ đợi hai cuộc tranh luận sắp tới của hai ứng viên tổng thống để thấy rõ sự khác biệt về chính sách, điều mà các cử tri trung lập cần nghe.
"Tôi hy vọng họ sẽ vẽ ra được bức tranh nước Mỹ trong những năm tới, trong đó quan hệ đối ngoại với Trung Quốc là một vấn đề được người gốc Việt như tôi rất quan tâm", anh nói.
0 comments