Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 24/08/2020

Monday, August 24, 2020 7:08:00 PM // ,

 Tin Việt Nam – 24/08/2020

Quảng Trị lập 84 chốt dọc biên giới Việt – Lào để phòng, chống Covid-19

Quảng Trị dựng 84 chốt trực cố định dọc biên giới Việt – Lào dài 190 km đoạn qua địa bàn Quảng Trị nhằm ngăn chặn hoạt động xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới để phòng, chống dịch Covid-19.

Báo Nhà nước Việt Nam loan tin ngày 22/8, cho biết dự án này đã được triển khai từ tháng 7/2020 đến nay.

Cụ thể, bộ đội biên phòng Quảng Trị đã huy động 23 tổ cơ động với sự tham gia của hơn 400 cán bộ, chiến sĩ biên phòng, 126 dân quân, công an các xã để trực tại 84 chốt trực cố định.

Theo tin từ báo mạng Nhân Dân, những lán trại tại các chốt trực đã được tổ chức bố trí quy mô cố định, có khu sinh hoạt, bếp và khu chăn nuôi riêng biệt. Đồng thời, các lán trại còn được dựng theo kiểu nhà sàn thoáng, mát, tránh ngập lụt, chống các loại rắn, rết, côn trùng nguy hiểm.

Tuy nhiên, trong bản tin tiếng Anh của tờ VNExpress, tại đồn biên phòng bên sông Sê Pôn ở tỉnh Quảng Trị, nhân viên tại đây phải tự bỏ tiền ra mua bạt mới cho các lán trại và bên trong không có điện. Tin cho biết thêm những người bảo vệ tại đây đã 6 tháng hiếm được về nhà.

Theo lời Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Quảng Trị được VNExpress dẫn lời thì các lán trại dựng bằng tre, bạt trong bảy tháng qua đều đã xuống cấp, dù muốn thay thế bằng những thứ làm bằng thép nhưng lại không có ngân sách thực hiện.

Cũng trong ngày 22/8, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị cho biết đã gửi văn bản đến các đơn vị chức năng, địa phương liên quan về việc tạo điều kiện cho sinh viên Lào trở lại Việt Nam học tập.

Cụ thể, Quảng Trị cho sinh viên Lào nhập cảnh vào Việt Nam qua 2 cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay để học tập tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, Đồng Nai và TP. Hà Nội.

Được biết, khoảng 400 sinh viên Lào sẽ được cách ly theo quy định về phòng chống dịch Covid-19 tại những địa phương khác nhau tùy theo nơi sinh viên học tập.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-lao-border-guards-deny-covid-19-point-of-entry-08242020090515.html

 

Tàu đánh cá bất hợp pháp của Việt Nam

bị giam giữ tại vùng biển Bắc Natuna

Tin từ Jakarta – Hôm thứ năm (20/8), hai tàu cá bất hợp pháp mang cờ cộng sản Việt Nam đã bị tàu giám sát đánh cá “Hiu 03” bắt giữ vì đánh cắp cá trong Lãnh thổ kiểm soát đánh bắt của Indonesia tại khu vực biển Nam Natuna.

Trong một tuyên bố bằng văn bản được đưa ra hôm thứ bảy (22/8), ông Tb Haeru Rahayu cho biết, hai tàu đánh cá này hiện đang được bảo đảm an toàn tại vùng biển Bắc Natuna. Ông Haeru cho hay, các thủy thủ của tàu giám sát đánh cá “Hiu 03” đã ngăn chặn thành công các tàu đánh cá Việt Nam, bị nghi ngờ đánh bắt cá bằng lưới kéo cặp. Họ đã bị bắt giữ mà không hề kháng cự. Do đó, sự việc này có chút khác biệt so với các vụ bắt giữ trước đây, thường những tàu đánh cá bất hợp pháp sẽ cố gắng chạy thoát khi bị phát hiện.

Bên cạnh đó, ông Nugroho Saksono Pung, Giám đốc Hạm đội giám sát và tác chiến nói rằng, quá trình bắt giữ suôn sẻ chính là nhờ vào sự kiên cường, nhanh nhẹn và quyết tâm của các thành viên tàu giám sát. Ngoài ra, ông Nugroho cũng kêu gọi các thủy thủ cần cảnh giác trong việc tiến hành các hoạt động giám sát. Nguyên nhân là do trước đây một cuộc đối đầu căng thẳng có vũ lực đã xảy ra tại vùng biển Bắc Natuna giữa lực lượng hàng hải Malaysia và ngư dân Việt Nam.

Theo tờ Tempo đưa tin, tổng cộng có đến 54 tàu đánh cá ngoại quốc đã bị tàu giám sát đánh cá của Bộ Hàng hải và kiểm ngư Indonesia bắt giữ, trong đó có 27 tàu ngoại quốc mang cờ cộng sản Việt Nam, 14 tàu mang cờ Philippines, 12 tàu mang cờ Malaysia và 1 tàu mang cờ Đài Loan.

https://www.sbtn.tv/tau-danh-ca-bat-hop-phap-cua-viet-nam-bi-giam-giu-tai-vung-bien-bac-natuna/

 

Việt Nam trả lại Trung Quốc nhóm người bị truy nã,

vượt biên trái phép vào Việt Nam tổ chức đánh bạc

Công an thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh vào ngày 23/8 thông báo vừa bắt giữ nhóm 11 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam thuê nhà tổ chức đánh bạc qua mạng, trong đó 10/11 người đang bị công an TP Đông Hưng, Trung Quốc truy nã. Và tỉnh Quảng Ninh đã làm thủ tục bàn giao nhóm người này cùng các tài liệu liên quan cho công an thành phố Đông Hưng, Trung Quốc xử lý.

Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin cho biết, nhóm người Trung Quốc thuê nhà tại phường Hải Yên, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh rồi lắp đặt máy móc tổ chức đánh bạc qua một số trang mạng Trung Quốc.

Công an thành phố Móng Cái tiến hành kiểm tra và thu giữ 4 máy tính xách tay, 10 thẻ ngân hàng, 63 sim điện thoại chưa sử dụng và 8 bộ phát sóng wifi cùng một số đồ vật khác.

Trước đó hôm 22/8, công an tỉnh Quảng Ninh cũng ra quyết định tạm giữ hình sự đối với 14 người tham gia đánh bạc trên bè nổi tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn với số tiền thu giữ lên tới gần 200 triệu đồng. Khi bị kiểm tra, nhiều người đã nhảy xuống biển để tẩu thoát.

Tình trạng người Trung Quốc nhập cảnh lậu vào Việt Nam rồi phạm pháp và quy định dẫn độ những người Trung Quốc tại Việt Nam về cho Trung Quốc xử khiến công luận bức xúc.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-chinese-group-was-wanted-illegally-crossed-the-border-into-vietnam-to-organize-gambling-08242020090200.html

 

Bỏ RIMPAC, CSVN cùng Trung Cộng

tham gia tranh tài Army Games 2020 tại Nga

Tin từ Hà Nội: Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không tham gia Diễn tập Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) năm nay ở Hawaii do Hoa Kỳ tổ chức mà cùng Trung Cộng tham dự tranh tài quân sự Army Games 2020 và Diễn đàn Kỹ thuật Quân sự Army-2020 do Nga tổ chức.

Báo Quân đội Nhân dân đưa tin Phó tổng Tham mưu trưởng trung tướng Ngô Minh Tiến dẫn đầu đoàn Việt Nam sang Nga tham dự tập trận diễn ra ngày 23/8 đến 05/9. Tại Army Games 2020, đội tuyển cộng sản Việt Nam sẽ góp mặt trong nhiều nội dung thi đấu, trong đó có xe tăng hành tiến, pháo binh, công binh, cấp cứu, hóa học, bắn tỉa và quân y.

Trung Cộng, một đối tác quốc phòng quan trọng của Nga, cũng đưa lục quân và không quân tham gia.  Truyền thông Nga đưa tin Army Games 2020 có hơn 150 đội tuyển đến từ trên 30 quốc gia tham gia. Các nội dung thi đấu được tổ chức trên lãnh thổ năm quốc gia gồm Nga, Armenia, Azerbaijan, Uzbekistan và Belarus, trong đó chủ yếu là tại Nga.

Hội thao quân sự quốc tế Army Games, còn được biết như là Thế vận hội Quân sự (Military Olympics), là hoạt động do bộ quốc phòng Nga tổ chức thường niên từ năm 2015, với mục tiêu “góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác về quân sự, quốc phòng giữa các quốc gia.”

Diễn đàn Kỹ thuật Quân sự Army-2020 diễn ra trong tuần cuối của tháng này, quy tụ 1,500 công ty,cac công ty quốc phòng hàng đầu thế giới với khoảng 28,000 sản phẩm quân sự trang bị cho hải-lục-không quân. Nhân sự kiện này, Nga sẽ cho ra mắt các  vũ khí mới nhất của Nga.  Cộng sản Việt Nam, một khách hàng mua nhiều vũ khí của Nga, đã không tham dự RIMPAC mặc dù được Hoa Kỳ mời tham gia từ tháng Năm.

Quốc Tuấn

https://www.sbtn.tv/bo-rimpac-csvn-cung-trung-cong-tham-gia-tranh-tai-army-games-2020-tai-nga/

 

VNG kiện TikTok vì vi phạm bản quyền

Công ty Việt Nam VNG khởi kiện TikTok vì cho rằng ứng dụng làm video ngắn của Trung Quốc này vi phạm bản quyền những bài nhạc được dùng trong các video.

Hãng thông tấn Reuters trích dẫn nguồn tin từ hai người liên hệ mật thiết với sự việc, hôm thứ hai, 24/8/2020, cho biết Công ty Cổ phần VNG đã dùng tập tin âm thanh thuộc quyền sở hữu của Zing, công ty con của tập đoàn VNG, mà không được cho phép.

Cũng theo Reuters, theo hồ sơ kiện tại Tòa án Nhân dân TP. HCM, VNG yêu cầu TikTok tháo gỡ toàn bộ phần nhạc lấy từ Zing ra khỏi ứng dụng TikTok và trang mạng, và đòi bồi thường 221 tỷ đồng (tương đương khoảng 95 triệu đô la).

VNG và TikTok chưa trả lời cho Reuters về yêu cầu bình luận về tin này.

VNG là công ty công nghệ Việt Nam được thành lập vào năm 2004 với tên Vinagame, được biết nhiều qua những game, trang nghe nhạc trực tuyến và ứng dụng nhắn tin. Đến năm 2010 thì đổi thành VNG.

TikTok phổ biến rộng rãi tại Việt Nam và trong tháng 8 năm nay đã có hơn 1 triệu video ngắn được tải lên ứng dụng này từ Việt Nam.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vng-sues-tiktok-over-copyright-infringement-08242020084030.html

 

Trái cây Việt Nam không thể xuất cảng

sang Hoa Kỳ vì dịch

Tin Vietnam.- Báo Thanh niên ngày 22 tháng 8 năm 2020 loan tin, khoảng 1 tháng nay, các loại trái cây Việt Nam không thể xuất cảng sang Hoa Kỳ được trái nào, do chuyên gia kiểm dịch của quốc gia này chưa thể sang Việt Nam để thực hiện chứng nhận cho các lô hàng đủ điều kiện.

Hoa Kỳ là thị trường khó tính nhất trên thế giới đối với Việt Nam, nhưng đây cũng lại là thị trường nhập cảng trái cây nhiều nhất của Việt Nam với trung bình 200 tấn trái cây các loại mỗi tuần vào năm 2019.

Theo bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cộng sản, để xuất cảng được trái cây sang Hoa Kỳ, trái cây sau khi thu hoạch phải chuyển đến SàiGòn để chiếu xạ trong một nhà máy được cơ quan Kiểm dịch động thực vật, thuộc bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ chứng nhận.

Toàn bộ quá trình phải do sự giám sát trực tiếp của chuyên gia Hoa Kỳ, và xác nhận các lô hàng đủ điều kiện xuất cảng thì phía Việt Nam mới được xuất đi. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 3, do Việt Nam liên tục phát hiện các bệnh nhân nhiễm coronavirus 19 nên phía Hoa Kỳ đã rút chuyên gia về nước. Lúc này, phía bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cộng sản phải đàm phán với cơ quan Kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ, thì phía Hoa Kỳ mới tạm giao công việc kiểm dịch cho nhân viên của họ làm việc tại Việt Nam kiêm nhiệm.

Khi đợt dịch thứ 2 bùng phát, phía Hoa Kỳ rút luôn nhân viên của họ khỏi cơ sở chiếu xạ, nên khoảng 1 tháng nay toàn bộ trái cây của Việt Nam không thể xuất cảng sang Mỹ được bất kỳ trái nào.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/trai-cay-viet-nam-khong-the-xuat-cang-sang-hoa-ky-vi-dich/

 

Việt Nam : Nắm cơ hội, sửa điểm yếu

để thu hút doanh nghiệp rời Trung Quốc

Thu Hằng

Việt Nam được cho là một địa điểm lý tưởng đối với các doanh nghiệp di dời hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc sau khi cả thế giới chứng kiến cảnh chờ được phân phối thiết bị y tế, hay nẫng tay trên khẩu trang của nhau ngay trên đường băng ở Trung Quốc trong đợt dịch Covid-19, và tiếp theo là chiến dịch “ngoại giao khẩu trang” như ban ơn của Bắc Kinh.

Hàng loạt quốc gia khuyến khích doanh nghiệp của họ chuyển hoạt động về nước hoặc đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Đầu tháng 08/2020, Samsung đóng cửa nhà máy sản xuất máy tính và điện thoại di động cuối cùng ở Trung Quốc và chuyển sang Việt Nam. Tương tự, hai tập đoàn tin học Đài Loan Pegatron và Inventec dự kiến mở nhiều nhà máy, Google tính sản xuất điện thoại thông minh giá rẻ, Microsoft sản xuất máy tính xách tay, Apple cũng có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam, 15 trên 30 doanh nghiệp Nhật Bản được hỗ trợ chi phí để ra khỏi Trung Quốc, đã chọn chuyển sang Việt Nam, tập trung chủ yếu vào sản xuất dụng cụ y tế…

Việt Nam có thể khai thác được lợi thế gì và phải cải thiện những điểm nào để có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn, cũng như thu hút thêm đầu tư trực tiếp của nước ngoài ? RFI Tiếng Việt phỏng vấn giáo sư Eric Mottet, Viện Quan hệ Quốc tế, đại học Québec ở Montréal (UQAM), Canada.

RFI : Dịch Covid-19 vừa cho thấy thế giới phụ thuộc quá lớn vào “công xưởng” Trung Quốc. Điều này dường như thúc đẩy nhiều doanh nghiệp quốc tế chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam. Xin giáo sư cho biết, so với Trung Quốc và các nước trong ASEAN, Việt Nam có tiềm năng gì ?

G.S. Eric Mottet : Việc nhiều nhà máy châu Á, kể cả Trung Quốc, chuyển sang Việt Nam không phải là hiện tượng mới. Ngay đầu những năm 2010, nhiều nhà máy của Hàn Quốc và Đài Loan và một số nhà máy của Trung Quốc đã chuyển cơ sở đến Việt Nam. Nhưng hiện tượng này tăng tốc từ năm 2018 khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung bắt đầu và ngày càng gia tăng từ năm 2020 trong đợt dịch Covid-19. Chúng ta thấy các chuỗi sản xuất đang được tổ chức lại tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Hiện tại, sau Singapore, Việt Nam là nước thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài nhiều nhất ở Đông Nam Á, cao hơn các nước Malaysia, Indonesia hoặc Thái Lan. Vốn đầu tư vào Việt Nam chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và giờ đến lượt các công ty Mỹ vì các doanh nghiệp này bắt đầu rời Trung Quốc và chuyển đến Việt Nam.

Vậy Việt Nam có những lợi thế và tiềm năng gì để các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào ? Chúng ta đều biết những yếu tố thuận lợi đầu tiên như lực lượng lao động trẻ và đông đảo, giá nhân công trung bình thấp hơn 2 đến 3 lần so với Trung Quốc. Ngoài ra, Việt Nam còn có nền kinh tế phát triển mạnh và là một trong những nước có tăng trưởng cao nhất trong vùng. Theo thẩm định, bất chấp đại dịch Covid-19, GDP của Việt Nam tăng 2-3%. Đây là một tỉ lệ đáng kể vì có rất ít nước trên thế giới có thể đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2020.

Việt Nam cũng là nước có thị trường nội địa với tiềm năng lớn. Chính vì thế, tất cả các doanh nghiệp chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam đều hy vọng chinh phục được thị trường có 100 triệu dân, hiện vẫn chưa phát triển nhiều.

Một yếu tố khác, rất quan trọng, đó là Việt Nam đã ký hàng loạt hiệp định thương mại, xóa bỏ thuế quan, tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi thương mại với nhiều nước, như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký năm 2018, Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) với Liên Hiệp Châu Âu bắt đầu có hiệu lực từ tháng 08/2020. Ngoài ra còn phải kể đến sự hỗ tương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, nhiều thỏa thuận với Nhật Bản hoặc với Hàn Quốc đang được đàm phán.

Có thể nói Việt Nam có nền kinh tế rất mở. Theo tôi, Việt Nam có thể tận dụng được cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và có tiềm năng phát triển rất lớn ở Đông Nam Á.

RFI : Dịch Covid-19 đã đẩy cơ hội đến với Việt Nam nhanh hơn nhưng cũng có phần đột ngột. Liệu Việt Nam đã sẵn sàng để nắm bắt thời cơ này chưa ? Hà Nội phải đáp ứng những thách thức về cơ sở hạ tầng, chính trị, quy định về điều kiện lao động nào ?

Eric Mottet : Điều mà cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 cho thấy rõ, đó là các nước phương Tây phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc. Vì thế, chúng ta thấy hiện nay Hoa Kỳ và Nhật Bản khuyến khích các doanh nghiệp của họ rời Trung Quốc sang những nước khác, trong đó có Việt Nam. Hà Nội có rất nhiều cơ hội lớn và chính phủ hiểu rõ điều này.

Theo tôi, cơ hội mà Việt Nam có thể và sẽ nắm lấy, đó là trở thành nước đi đầu trong lĩnh vực sản xuất dụng cụ bảo hộ cá nhân, như khẩu trang, găng tay và các kiểu dụng cụ bảo hộ y tế. Việt Nam đã không lầm về điểm này : Chính phủ vừa mới thông báo kế hoạch phát triển ngành công nghiệp y tế, chăm sóc sức khỏe, tầm nhìn đến năm 2030. Dĩ nhiên mục đích là tăng xuất khẩu, nhưng cũng nhằm cải thiện nhu cầu ở trong nước.

Việt Nam có một mục tiêu rất rõ, được hình thành từ khi xảy ra dịch Covid-19, đó là biến sản xuất dụng cụ y tế thành một trong ba trụ cột của nền kinh tế Việt Nam ; hai lĩnh vực khác là ô tô và điện tử với hàng loạt tập đoàn lớn như Samsung, LG… sản xuất tại Việt Nam. Và Việt Nam có tham vọng trở thành một nhà sản xuất lớn, một giải pháp thay thế cho tất cả những gì liên quan đến dụng cụ y tế.

Tuy nhiên, vẫn có một số điểm nhỏ mà Việt Nam còn phải hoàn thiện. Cần nhắc lại là có khoảng 200 doanh nghiệp sản xuất dụng cụ y tế ở Việt Nam nhưng đó là những doanh nghiệp nhỏ, bị phân tán và điều này đặt ra vấn đề về khâu kiểm soát chất lượng vì dụng cụ y tế phải chịu rất nhiều quy định nghiêm ngặt, rất khó được cấp giấy chứng nhận, đặc biệt là nếu muốn xuất khẩu sang Liên Hiệp Châu Âu hoặc Hoa Kỳ. Đây là điểm đầu tiên cần phải lưu ý. Có nghĩa là phải có dây chuyền sản xuất đạt chất lượng cao hoặc phải cải thiện chất lượng để có thể xuất khẩu được loại mặt hàng đặc biệt này.

Tiếp theo, một số vấn đề vẫn tồn tại ở Việt Nam, đó là thiếu hạ tầng giao thông, thiếu công trình cảng biển để chuyên chở hàng ra khắp thế giới. Ví dụ, hiện tại giá vận chuyển một container từ Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh sang một nước nào đó trên thế giới cao gấp 2 đến 3 lần so với giá xuất một container tương tự từ Trung Quốc.

Ngoài ra còn phải nhắc đến vấn đề về năng lượng. Nếu họ muốn xây dựng các nhà máy sản xuất dụng cụ y tế quy mô lớn thì phải giải quyết được vấn đề thiếu năng lượng vẫn xảy ra ở Việt Nam và phải có được một chính sách năng lượng thực sự mà hiện vẫn còn thiếu.

Cuối cùng, chúng ta biết một số vấn đề khác ở Việt Nam, như tình trạng thiếu minh bạch, tham nhũng, hệ thống ngân hàng thiếu vững chắc… Đúng là Việt Nam hiện có một cơ hội rất lớn để thay thế Trung Quốc ở một số lĩnh vực kinh tế nhưng cũng còn nhiều vấn đề và trở ngại mà nước này phải vượt qua.

RFI : Đợt Covid-19 thứ hai ở Việt Nam lan rộng hơn và gây chết người hơn so với đợt thứ nhất. Liệu đây có phải là một trở ngại trong khi Việt Nam được coi là một điểm đến đáng tin cậy sau khi khống chế thành công đợt dịch đầu ?

Eric Mottet : Có điều thú vị là cả thế giới theo dõi cách xử lý dịch của Việt Nam và nhận thấy rằng chính phủ Việt Nam đã chuẩn bị rất kỹ để phòng ngừa Covid-19 vì đất nước đã có kinh nghiệm xử lý dịch SARS năm 2003. Chúng ta cũng thấy là chính phủ đã phản ứng rất nhanh chóng : ngay từ tháng Hai, ngừng tất cả các chuyến bay với Trung Quốc, đóng cửa trường học, đóng cửa biên giới với Trung Quốc

và các nước láng giềng, triển khai hệ thống truy vết mọi tiếp xúc với người nhiễm Covid-19, áp dụng cách ly nghiêm ngặt. Nhờ đó, đợt dịch thứ nhất đã được xử lý rất tốt.

Nhưng đợt dịch thứ nhất cũng đặt ra một vấn đề : Chính phủ Việt Nam đã phản ứng quá nhanh, kể cả việc gần như đóng cửa hoàn toàn đất nước và điều này gây thiệt hại vô cùng lớn cho nền kinh tế. Trước khi xảy ra dịch Covid-19, Việt Nam hướng đến tăng trưởng khoảng 7% cho năm 2020 và hiện giờ kỳ vọng vào khoảng 2-3% nếu mọi chuyện ổn thỏa.

Nếu xảy ra đợt dịch thứ hai, tôi cho rằng chính phủ sẽ phản ứng bớt kịch liệt hơn, bớt nghiêm ngặt hơn và sẽ áp dụng biện pháp đóng cửa có chủ đích, cũng như làm mọi cách để duy trì hoạt động kinh tế. Tôi nghĩ là Việt Nam sẽ không lặp lại những sai lầm như trong đợt dịch thứ nhất, có nghĩa là sẽ áp dụng phong tỏa và giãn cách xã hội, vẫn nghiêm ngặt nhưng cục bộ, mà không tác động đến cả nước. Theo tôi, về mặt kinh tế, Việt Nam sẽ vượt qua nếu xảy ra một đợt dịch nghiêm trọng thứ hai ở trong nước.

RFI : Việt Nam ghi nhận thặng dư thương mại với Mỹ từ nhiều năm nay. Liệu việc các doanh nghiệp chuyển sang Việt Nam có thể sẽ là một nguồn để Washington gây sức ép thương mại với Hà Nội ?

Eric Mottet : Chúng ta thấy là thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ rất là lớn. Việt Nam là nguồn thâm hụt thương mại lớn thứ hai của Mỹ ở châu Á và thứ 6 trên thế giới. Nếu cộng dồn, tổng thâm hụt tương đương khoảng 350 tỉ đô la, một khoản rất lớn. Chỉ tính riêng năm 2019, thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam đã là 56 tỉ đô la.

Cả Hà Nội lẫn Washington đều quan ngại. Đúng là có thể nói thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ có thể gây rủi ro về chính trị cho Hà Nội. Điểm này được bộ Ngân Khố Hoa Kỳ xác nhận. Cứ 6 tháng một lần, cơ quan này lại làm báo cáo tổng kết và theo dõi những nước mà Mỹ bị thâm hụt thương mại. Bộ Ngân Khố Mỹ cũng giám sát xem những nước đó có thao túng tỉ giá hối đoái và tiền tệ nhằm tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Và gần đây, Việt Nam đã bị nêu trong bản báo cáo của bộ Ngân Khố Hoa Kỳ.

Vì thế, một số người cho rằng sau Trung Quốc, có thể Việt Nam sẽ bị chính quyền Trump nhắm đến, ví dụ như lập hàng rào thuế quan, hoặc trừng phạt thuế… May mắn là hiện chưa có gì xảy ra mà ngược lại, nếu nhìn vào những tuyên bố, hay đúng hơn là những tin nhắn trên Twitter, của tổng thống Donald Trump, thì tạm thời Việt Nam chưa bị nhắm đến : thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam chưa phải là một vấn đề. Ngược lại, Việt Nam được coi là một nước cần quan tâm trong cuộc chiến chống Trung Quốc. Tại vì tổng thống Trump vẫn cho rằng việc rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc  rời Trung Quốc sang Việt Nam là một điểm tốt, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Bắc Kinh.

Nói tóm lại, tạm thời đây chưa phải là mối bận tâm cho chính phủ Việt Nam nhưng có lẽ không để thặng dư thương mại với Hoa Kỳ lên thành 400, 500 hay 600 tỉ đô la vì điều đó sẽ gây rắc rối cho chính quyền Việt Nam.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giáo sư Eric Mottet, Viện Quan hệ Quốc tế, đại học Québec ở Montréal (UQAM), Canada.

https://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200824-vi%E1%BB%87t-nam-n%E1%BA%AFm-c%C6%A1-h%E1%BB%99i-s%E1%BB%ADa-%C4%91i%E1%BB%83m-y%E1%BA%BFu-%C4%91%E1%BB%83-thu-h%C3%BAt-doanh-nghi%E1%BB%87p-r%E1%BB%9Di-trung-qu%E1%BB%91c

 

Đại hội 13: ‘Nhà nước mạnh’ thế nào

trong chế độ đảng toàn trị?

Đại hội 13 sắp tới có đặt vấn đề ‘chỉnh đốn đảng song hành với cải cách hệ thống chính trị’ để có ‘một nhà nước mạnh’. Đây được cho là một ‘điểm mới’ trong Báo cáo Chính trị trình Đại hội, như ông Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại Hội nghị Báo cáo Viên của đảng, rằng ‘không có chuyện đảng mạnh nhà nước yếu và ngược lại’…

Đây là chủ đề có phạm vi rộng và phức tạp nên bài viết dưới đây giới hạn về sự vận động của nhà nước trong chế độ đảng cộng sản toàn trị đang thay đổi như thế nào, đặc biệt trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường.

Tha hoá quyền lực, tham nhũng nghiêm trọng và các hiện tượng tiêu cực khác của quan chức đã và đang tạo ra khủng hoảng niềm tin, bất ổn thể chế và xã hội. Chỉnh đốn đảng là giải pháp bắt buộc để duy trì chế độ bởi vậy khó có thể tạo ra ‘nhà nước mạnh’ về thực chất. Có thể khẳng định rằng Việt Nam không thể quay lại với cơ chế kế hoạch hoá tập trung, nghĩa là phải tiếp tục cải cách sao cho thể chế chính trị phù hợp với kinh tế thị trường. Quan niệm khác nhau về ‘nhà nước mạnh’ được trình bày như một gợi ý thay cho kết luận.

‘Đặc trưng chuyển đổi cơ chế’

Nhằm tránh sụp đổ chế độ như Liên Xô cũ và các nước Đông Âu, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện đường lối đổi mới xã hội, trong đó có chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang thị trường. Đặc trưng chủ yếu của quá trình này là Đảng không được người dân bầu lên nên tính chính danh được đổi bằng quyền kinh tế, cụ thể hơn, quyền bầu được đổi bằng quyền sở hữu tài sản. Nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác – Lênin khiến Đảng CS vẫn duy trì chế độ sở hữu toàn dân, đối nghịch với sở hữu tư nhân của kinh tế thị trường. Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối cho nên nhà nước, chính phủ, quốc hội là sự phân công, phân nhiệm lãnh đạo trong khi kinh tế thị trường đòi hỏi chế tam quyền phân lập: lập pháp, tư pháp và hành pháp….

Cần lưu ý rằng, về phương diện kinh tế, thị trường đã giải phóng các nguồn lực, không chỉ cứu sự sụp đổ của chế độ mà còn thúc đẩy tăng trưởng. Từ góc độ chính sách, Đảng cho đó là do sự lãnh đạo ‘sáng suốt’ của mình. Tuy nhiên, đó không phải là lời giải khoa học cho câu hỏi cơ bản là Đảng lãnh đạo kinh tế thị trường như thế nào trong quá trình chuyển đổi từ hơn 30 năm nay.

‘Xu hướng ‘ly khai’

Hãy từ cách tiếp cận trên để quan sát vận động của nhà nước dưới chế độ đảng toàn trị không khó để nhận thấy mâu thuẫn giữa bản chất chế độ và thị trường có thể dẫn đến nhiều hệ quả, trong đó xu hướng ‘ly khai’ giữa ba nhánh của nhà nước, nghĩa là phân tách ngày càng rõ của ‘việc phân quyền’, ngày càng rõ rệt, và làm lung lay ‘sự lãnh đạo thống nhất’ của Đảng. Thực tế chỉ ra rằng chính phủ, cơ quan hành pháp, điều hành kinh tế luôn bị ràng buộc, một bên,  bởi ý thức hệ xã hội chủ nghĩa và, bên kia, bởi các công cụ thị trường. Ranh giới mong manh một khi bị phá vỡ sẽ tạo nên bất ổn không chỉ kinh tế vĩ mô, mà cả thể chế.

Từ nhiệm kỳ Đại hội 12 chính sách kinh tế thực dụng được thực thi, theo tôi, là sự lựa chọn thích nghi, nhưng không thể là giải pháp lâu dài. Kinh tế thị trường có sức cám dỗ mạnh mẽ đối với quyền lực, đòi hỏi một cơ chế giám sát quyền lực hữu hiệu ở tất cả các cấp, trung ương cũng như địa phương. Tuy nhiên, thực tế trong giai đoạn bất ổn đã cho thấy, thiếu cơ chế giám sát cần thiết khiến các quan chức, khi ‘gần gũi, trực tiếp’ với thị trường luôn có ưu thế và cơ hội ‘lợi dụng chức vụ quyền hạn’ để chiếm đoạt giá trị, lợi ích, tài sản trong môi trường thiếu hoặc luật pháp mâu thuẫn, chồng chéo. Các nhóm lợi ích hình thành và lan rộng, chi phối chính sách, tạo ra phe cánh và mạng lưới bảo trợ chính trị. Đây là quá trình mà Đảng nhận định là các biểu hiện ‘tự diễn biến, tự chuyển hoá’, hay cụ thể hơn là ‘sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức và lối sống của bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên’.

‘Tự kiểm soát quyền lực’

Thừa nhận sự tha hoá quyền lực đang diễn ra nghiêm trọng, ‘đe doạ sự tồn vong của chế độ’, Đảng đang nỗ lực tự kiểm soát quyền lực, trước hết là phát động và đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng. Dù số lượng quan chức tha hoá bị trừng phạt có thể là ‘không giới hạn’ và ‘không có vùng cấm, thì giải pháp này cũng chỉ là ‘phần ngọn’, khi Đảng coi đó là cách ‘ta tự đánh ta’ hay ‘tự lấy đá ghè chân mình’. Bởi vậy, chống tham nhũng luôn khó khăn, phức tạp, tốn kém công sức và chi phí.

Thứ đến, Đảng chỉnh đốn tổ chức và cán bộ khi cho rằng công tác này có ý nghĩa quyết định. Một triết lý cai trị, rằng Việt Nam cũng giống nhiều quốc gia khu vực Đông Á, ‘vốn có truyền thống’ tổ chức quyền lực nhà nước thống nhất, trung ương kiểm soát chặt chẽ địa phương, khác biệt với chế độ tam quyền phân lập và dân chủ ở phương Tây. Khi đó, quyền lực cần được kiểm soát bởi ‘một hạt nhân trung tâm’ và “đức trị” sẽ là chiến lược được ưu tiên, trong đó phẩm chất ‘sự gương mẫu, liêm chính’ của quan chức được đề cao. Bởi vậy, Đảng cần tạo ra ‘cơ chế trọng và chọn người tài’.

Cái triết lý trên, theo GS F. Fukuyama, có cội nguồn từ kiểu nhà nước phong kiến tập quyền, điển hình là Trung Quốc ‘giữ truyền thống’, đang vận dụng cho chế độ đảng cộng sản toàn trị. Việt Nam có chế độ chính trị tương đồng, dõi theo với chính sách ‘dò đá qua sông’. Các nước Đông Á, Đông Nam Á khác đã chuyển đổi sang chế độ dân chủ từ nhiều thập kỷ trước. Ngoài ra, chế độ đảng toàn trị chỉ duy trì chế độ trách nhiệm giải trình nội bộ, thiếu công khai, minh bạch và việc kiểm soát quyền lực sẽ tuỳ thuộc vào vai trò của lãnh tụ, không phải chỉ uy tín và năng lực, mà trước hết là quyền lực của ông ta ‘tuyệt đối’ đến đâu. ‘Nguỵ vương’ luôn là vấn đề thách thức cho chế độ tập quyền, thậm chí có thể dẫn đến độc tài.

Trung Quốc là bài học?

Triết gia chính trị người Anh ở thế kỷ 17, Thomas Hobbes đã khái lược mô hình nhà nước mạnh, được gọi là “chuyên chế Leviathan”, trái ngược với ‘vô chính phủ, nhằm kiểm soát tình trạng hỗn loạn: ‘tất cả chống lại tất cả’, đảm bảo an ninh và loại bỏ những bất công xã hội.

D. Acemoglu và J. Robinson, đồng tác giả của cuốn “Tại sao các Quốc gia Thất bại”, đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam, đã nghiên cứu thực tế thể chế của các quốc gia và khái quát một số mô hình nhà nước khác, trong đó Đan Mạch là điển hình của nhà nước mạnh hiện đại khi sự vận hành của nó đảm bảo được ‘sự cân bằng tinh tế giữa quyền lực nhà nước và xã hội’ dựa trên nền tảng tự do và dân chủ.

Theo hai nhà khoa học trên, Trung Quốc có kiểu nhà nước Leviathan chuyên chế điển hình. Nước này có lịch sử phát triển giằng co giữa hai luồng tư duy cai trị: giữa Pháp gia, áp đặt kiểm soát lên người dân, và Nho giáo vốn chú trọng vào đạo lý vua tôi. Tuy nhiên, kiểu nhà nước ‘không bị ràng buộc’ này không bao giờ có thể bảo vệ người dân trước sự tuỳ tiện chuyên chế của chính nó và sự thành công về kinh tế nhất định có giới hạn. Bởi vậy, Trung Quốc sẽ bị sa lầy vì không thể phát triển thành một nền dân chủ.

Những gì đang diễn ra trên thế giới hiện nay đang chứng minh cho nhận định này. Cả thế giới đang phải đối phó với một Trung Quốc chuyên chế, trỗi dậy sau nhiều thập kỷ ‘giấu mình chờ thời’ để tăng trưởng kinh tế.

Suy cho cùng mục đích cải cách chính trị là biến quốc gia trở thành những xã hội thịnh vượng, ổn định, được quản trị tốt, thượng tôn luật pháp, dân chủ và tự do, tuy nhiên làm thế nào đạt được sự biến đổi đó luôn là câu hỏi nan giải.

Liệu bài học từ Trung Quốc có được thảo luận tại Đại hội 13? Tương đồng về ý thức hệ và thiếu truyền thống dân chủ Việt Nam liệu có ‘phép màu’ cải cách để tạo ra sự khác biệt?

Phạm Quý Thọ gửi từ Hà Nội

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/congress-party-13-how-strong-state-should-be-in-a-one-ruling-party-08242020101441.html

 

Điểm tin trong nước sáng 24/8:

Thêm 2 ca nhiễm và 1 ca tử vong; Trung Quốc

tiếp tục tập trận quy mô lớn ở Hoàng Sa

Tâm Tuệ

Mục Điểm tin trong nước sáng thứ Hai (24/8) của DKN xin gửi đến quý độc giả những nội dung sau:

Thêm 2 ca nhiễm và 1 ca tử vong

Bộ Y tế chiều tối ngày 23/8 ghi nhận hai ca nhiễm virus viêm phổi Vũ Hán, 1 ở Đà Nẵng và 1 ở Hải Dương.

“Bệnh nhân 1.015”, tại Đà Nẵng, nữ, 44 tuổi, địa chỉ thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ngày 6-18/8, cô chăm sóc người thân tại Bệnh viện Đà Nẵng, tiếp xúc gần với 4 người về sau được ghi nhận là bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán. Ngày 18/8, cô được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, kết quả âm tính với virus viêm phổi Vũ Hán. Ngày 21/8, cô khởi phát sốt, được lấy mẫu xét nghiệm lần hai, kết quả dương tính. Hiện bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.

“Bệnh nhân 1.016”, tại Hải Dương, nam, 33 tuổi, địa chỉ tại xã Liên Hồng, tiền sử tiếp xúc gần với “bệnh nhân 977” liên quan ổ dịch nhà hàng Thế giới bò tươi. Ngày 12/8, anh được cách ly tập trung, ngày 20/8 lấy mẫu xét nghiệm, kết quả nghi nhiễm. Mẫu gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xét nghiệm ngày 23/8 dương tính với virus viêm phổi Vũ Hán. Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Hải Dương.

Cùng ngày, Bộ Y tế cũng công bố ca tử vong thứ 27 do virus Vũ Hán. Bệnh nhân 577, nữ, 73 tuổi, ở quận Liên Chiểu, Đà Nẵng.

Tiền sử: Bệnh thận mạn giai đoạn cuối, chạy thận nhân tạo chu kỳ, suy tim, thiếu máu, tăng huyết áp, gãy xương đùi phải. Bệnh nhân tử vong tại Trung tâm y tế Hòa Vang được chẩn đoán: Biến chứng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng do viêm phổi covid-19 trên bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối, tăng huyết áp, suy tim, gãy cổ xương đùi.

Trung Quốc tiếp tục tập trận quy mô lớn ở Hoàng Sa

Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc hôm 23/8 dẫn thông tin từ Cục Hải sự tỉnh Hải Nam cho biết quân đội Trung Quốc sẽ tiến hành diễn tập quân sự ở phía đông bắc quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam trong 6 ngày, từ ngày 24/8.

Truyền hình trung ương Trung Quốc trong cùng ngày cũng cho biết quân đội Trung Quốc sẽ tập trận bắn đạn thật ở Biển Bột Hải từ ngày 24/8 đến 30/9.

Đây là lần thứ 2 trong vòng 1 tháng qua, Trung Quốc tiến hành tập trận gần quần đảo Hoàng Sa, bất chấp những phản đối từ phía Việt Nam và Mỹ.

Một nguồn thạo tin cho hay, quy mô tập trận lần này được thông báo còn lớn hơn cuộc tập trận hồi đầu tháng 7 vừa rồi. Hiện chưa có thêm thông tin từ phía Trung Quốc về cuộc tập trận lần này.

Bộ Ngoại giao Việt Nam hồi đầu tháng 7 đã gửi công hàm phản đối cuộc tập trận của Trung Quốc ở Hoàng Sa, coi đây là hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông và làm phức tạp thêm tình hình.

Hơn 200 người tiếp xúc gần 4 ca nhiễm virus Vũ Hán

3 tiểu thương và 1 nhân viên quản lý chợ đã tiếp xúc gần với ít nhất 204 người trong quá trình buôn bán, làm việc.

Chiều 23/8, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch viêm phổi Vũ Hán TP. Đà Nẵng cho biết, đã xác định được 86 F1 liên quan đến “bệnh nhân 1011”, buôn bán mắm dưa tại chợ Tân Lập (quận Thanh Khê) và Chợ Cồn (quận Hải Châu).

2 tiểu thương khác là “bệnh nhân 1012” và “bệnh nhân 1013” buôn bán gia vị, hải sản ở chợ Siêu Thị (quận Thanh Khê) đã tiếp xúc gần với 73 người.

“Bệnh nhân 1014”, nhân viên quản lý chợ Lầu Đèn và là tổ trưởng dân phố liên quan đến 45 F1.

Hiện 204 người đã được cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm virus Vũ Hán. Trong đó 151 mẫu âm tính, số còn lại chưa có kết quả.

Miền Trung đối mặt nắng nóng diện rộng

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, do ảnh hưởng của rìa Đông Nam vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng phơn nên từ ngày mai, vùng núi Bắc Trung Bộ và các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên có nắng nóng với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 12-16 giờ.

Ngày 24/8, chỉ số tia UV ở Đà Nẵng có giá trị từ 8-10, có nguy cơ gây hại cao đến rất cao đối với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.

Từ ngày 25/8, nắng nóng xảy ra diện rộng ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Đợt nắng nóng này có thể kéo dài đến 28/8.

https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-sang-24-8-them-2-ca-nhiem-va-1-ca-tu-vong-trung-quoc-tiep-tuc-tap-tran-quy-mo-lon-o-hoang-sa.html

 

Điểm tin trong nước tối 24/8: 5 ôtô tông liên hoàn

ở cửa ngõ Sài Gòn; Mỹ đặc cách cử chuyên gia

sang Việt Nam giám sát xuất khẩu

Mạnh Đức

Mục điểm tin trong nước tối ngày 24/8 của DKN xin gửi đến quý độc giả những nội dung sau:

Xe tăng Việt Nam về đích đầu tiên trong trận ra quân

TP.HCM sẽ nhận hết số học sinh chưa được vào lớp 1 ở quận 12

5 ôtô tông liên hoàn ở cửa ngõ Sài Gòn

Xe tải lật khi đổ đèo, tài xế nhập viện, 2 mẹ con tử vong tại chỗ

Đà Nẵng tìm người tiếp xúc với ca nghi nhiễm ở chợ Hà Thân và Bắc Mỹ An

Bộ Nông nghiệp Mỹ đặc cách cử chuyên gia sang Việt Nam giám sát xuất khẩu trái cây

Vợ chồng người nông dân khóc nghẹn vì vườn sầu riêng, mít bị chặt phá

Và sau đây là nội dung chi tiết

Xe tăng Việt Nam về đích đầu tiên trong trận ra quân

(VnExpress) – Trận đấu đầu tiên thuộc Bảng 2 vòng loại giải đua xe tăng Tank Biathlon diễn ra tại thao trường Alabino, ngoại ô thủ đô Moskva của Nga, chiều nay (24/8) với sự góp mặt của 4 đội gồm Việt Nam (xe vàng), Myanmar (xanh dương), Nam Ossetia (xanh lá) và Qatar (đỏ). Mỗi nước cử ra một kíp xe thi đấu tính giờ, các xe xuất phát lần lượt với giãn cách khoảng 2 phút.

Kíp xe tăng VN1 của đội Việt Nam thực hiện tốt các bài xạ kích, về đích đầu tiên trong trận đấu thứ nhất ở vòng loại thuộc Bảng 2 giải đua Tank Biathlon 2020.

TP.HCM sẽ nhận hết số học sinh chưa được vào lớp 1 ở quận 12

(Thanh Niên) – Chia sẻ về vấn đề tuyển sinh của quận 12 tại buổi họp, ông Nguyễn Văn Đức – Phó chủ tịch UBND quận 12 cho biết, sẽ sắp xếp để nhận hết số học sinh chưa được vào lớp 1 ở quận 12.

Theo ông Đức, Một năm quận 12 tăng thêm khoảng 22.000 dân, nên vấn đề tuyển sinh đầu cấp gặp rất nhiều khó khăn. Năm nay qua rà soát thống kê, quận 12 có khoảng 10.093 em chuẩn bị vào lớp 1.

Trong kế hoạch ban đầu quận đưa ra chỉ tiêu nhận 44,9 học sinh/lớp, nhưng trước tình hình khó khăn vì số học sinh quá đông, hiện quận đã tăng lên 50 em/lớp để giải quyết nhu cầu học nhưng vẫn không đủ.

Để nhận hết số học sinh còn lại, quận 12 sẽ tiếp tục rà soát số lượng, đồng thời giảm số lớp học 2 buổi/ngày ở tất cả các khối lớp bậc tiểu học để cân đối giữa các trường.

5 ôtô tông liên hoàn ở cửa ngõ Sài Gòn

(VnExpress) – Sáng 24/8, dòng xe chạy trên quốc lộ 1A, hướng từ miền Tây về TP HCM, khi đang đổ dốc cầu Bình Điền (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) đã húc liên tiếp vào nhau.

Tại hiện trường, hai ôtô 4 chỗ, xe bán tải, ôtô 6 chỗ và xe khách 29 chỗ hư hỏng nặng đầu và đuôi. Không có thương vong, song hàng chục người trên các ôtô đã hoảng loạn.

Do 5 xe nằm chắn hết phần đường khiến giao thông cửa ngõ phía Tây TP HCM ùn tắc kéo dài khoảng 3 km. Khoảng 2 tiếng sau, khi cảnh sát giao thông đã lập biên bản xong và các xe được kéo đi, tuyến đường mới trở lại thông thoáng.

Xe tải lật khi đổ đèo, tài xế nhập viện, 2 mẹ con tử vong tại chỗ

(Thanh Niên) – Khoảng 23 giờ 30 tối 23/8, anh Nguyễn Văn Thủy (39 tuổi, trú tại xã Cao Dung, H.Thanh Oai, Hà Nội) điều khiển xe tải mang biển số UN 0862 (biển số nước ngoài) di chuyển trên QL32A, trên xe có chị Nguyễn Thị Vỹ (36 tuổi, trú xã Dân Hòa, H.Thanh Oai) và cháu Nguyễn Thị Lan Anh (14 tuổi, con gái chị Vỹ).

Khi anh Thủy điều khiển xe xuống đèo Cón, tại km8 + 100 QL32A, thuộc địa phận xã Thu Cúc (H.Tân Sơn, Phú Thọ), đã không làm chủ được tay lái khiến chiếc xe tải bị lật, đổ nghiêng trên quốc lộ.

Vụ tai nạn khiến chị Vỹ và cháu Lan Anh tử vong tại chỗ; anh Thủy bị thương nặng, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện H.Tân Sơn; chiếc xe tải hư hỏng nặng.

Đà Nẵng tìm người tiếp xúc với ca nghi nhiễm ở chợ Hà Thân và Bắc Mỹ An

(VnExpress) – Sáng nay (24/8), Sở Y tế TP Đà Nẵng thông tin nhanh về trường hợp người đi chợ Hà Thân và Chợ Bắc Mỹ An có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.

Cụ thể người có kết quả dương tính là bà N.T.B. (68 tuổi, trú đường Hồ Huấn Nghiệp, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng), bán cà phê tại nhà.

Khoảng 8h ngày 19/8 bệnh nhân đi chợ Bắc Mỹ An (đường Nguyễn Bá Lân, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) mua cá, rau nhưng không nhớ quầy.

Từ 8h đến 8h20 ngày 23/8 bệnh nhân đi chợ Hà Thân (đường Triệu Việt Vương, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) mua nắp nhựa tại quầy cô Cho, mua trà tại quầy cô Mười, cô Bảy.

Sở Y tế TP Đà Nẵng thông báo các tổ chức, cá nhân có tiếp xúc, nói chuyện, trao đổi, mua bán với bà N.T.B. tại chợ Hà Thân, chợ Bắc Mỹ An, tại nhà số 16 Hồ Huấn Nghiệp hoặc tại các khu vực khác từ ngày 19-8 đến ngày 24-8 lập tức liên hệ với Trung tâm y tế quận, huyện nơi sinh sống để khai báo và được hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Bộ Nông nghiệp Mỹ đặc cách cử chuyên gia sang Việt Nam giám sát xuất khẩu trái cây

(Dân Việt) – Sáng 24/8, ông Nguyễn Quang Hiếu – Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đồng ý đặc cách cử chuyên gia kiểm dịch thực vật trở lại Việt Nam làm việc.

“Tuy nhiên, do Mỹ có quy định chặt chẽ về đảm bảo an toàn cho cán bộ trong thời kỳ dịch bệnh nên đến ngày 11/8/2020 phía Mỹ mới chính thức cung cấp thông tin cán bộ kiểm dịch thực vật cho Cục Bảo vệ thực vật để làm thủ tục, đồng thời đưa ra yêu cầu điểm đến là sân bay quốc tế Nội Bài và khách sạn do Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam bố trí” – ông Hiếu cho biết.

Ông Hiếu cho biết thêm, trong thời gian chờ đợi chuyên gia Mỹ sang Việt Nam, Cục Bảo vệ thực vật vẫn nỗ lực làm việc với Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đề nghị họ cho phép cán bộ Đại sứ quán tiếp tục thực hiện giám sát xử lý để trái cây tươi xuất khẩu sang thị trường này và đã được chấp thuận.

“Cán bộ của Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM sẽ bắt đầu trở lại làm việc tại cơ sở chiếu xạ kể từ tuần này, đồng nghĩa với việc trái cây sẽ xuất khẩu bình thường trở lại” – ông Hiếu nói.

Vợ chồng người nông dân khóc nghẹn vì vườn sầu riêng, mít bị chặt phá

(Thanh Niên) – Ngày 24/8, có mặt tại vườn trái cây trồng sầu riêng, mít, bơ hơn 1 năm tuổi của vợ chồng bà Nguyễn Thị Oanh Kiều (45 tuổi, ngụ xã Bình Châu, H.Xuyên Mộc, Bà Rịa – Vũng Tàu). Hàng trăm cây sầu riêng, mít cao trên dưới 1m bị chặt phá sát gốc.

Bà Kiều cho biết chiều 22/8 vẫn còn cùng chồng là ông Nguyễn Minh Sơn (49 tuổi) vào vườn trồng dặm 50 cây mít.

“Sáng 23/8, vợ chồng tôi có việc đi TP. Bà Rịa thì nhận điện thoại của một người quen báo vườn cây ăn trái của gia đình tôi bị người khác chặt phá hết. Ban đầu tôi nghĩ chắc cây gãy nhánh, người quen thấy héo lá nên báo vậy. Sau khi đi công việc về nhà, 2 vợ chồng tôi vội chạy xe vào vườn thấy cây sầu riêng, mít bị chặt sát gốc, lá héo hết mà muốn xỉu tại chỗ”, bà Kiều khóc nức nở cho hay.

Bà Kiều cho biết vườn trái cây rộng hơn 2 ha đất được vợ chồng bà vay tiền ngân hàng để trồng hơn 1 năm nay. Có tổng cộng trên dưới 400 cây sầu riêng, mít, bơ bị chặt phá, thiệt hại hơn 200 triệu đồng.

Clip: Nghi phạm ung dung đưa bé trai 2 tuổi ở Bắc Ninh đi chợ mua quần áo, ăn uống

https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-toi-24-8-5-oto-tong-lien-hoan-o-cua-ngo-sai-gon-my-dac-cach-cu-chuyen-gia-sang-viet-nam-giam-sat-xuat-khau.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.