Tin khắp nơi – 19/07/2020
Sunday, July 19, 2020
7:03:00 PM
//
- Slider
,
Tin Khắp nơi
Dấu ấn tuần qua: Tấn công tổng lực, Mỹ đang đẩy chính quyền Trung Quốc tới miệng hố? – Lục Du
Hoa Kỳ trong tuần qua đã thực hiện một loạt hành động với mật độ dày đặc nhằm đẩy lùi tham vọng của Bắc Kinh, đầu tiên là việc thẳng thừng bác bỏ yêu sách phi lý của chính quyền Trung Quốc đối với Biển Đông, tiếp theo là các hành động làm suy yếu lực lượng đang nắm quyền ở Trung Quốc.
Các ‘cú ra đòn’ liên tiếp của Washington về phía Bắc Kinh diễn ra trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc không cho thấy sự hướng thiện, họ nhất quyết cho thông qua bằng được luật an ninh Hồng Kông bất chấp các nước tự do khuyên can, cũng như tiếp tục thúc đẩy các hoạt động bắt nạt ở Biển Đông, eo biển Đài Loan và gây hấn với nước láng giềng Ấn Độ. Không để Bắc Kinh hoành hành ngang ngược, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã quyết định ra tay.
‘Liên hoàn cước’ về phía Bắc Kinh
Vào thứ Hai (13/7, giờ Mỹ), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ra thông cáo phủ nhận hầu hết yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông, trong đó chỉ rõ: đường ‘lưỡi bò’ mà Trung Quốc tự ý vẽ ra để đòi quyền sở hữu tời gần 90% diện tích Biển Đông là phi pháp và ngang ngược.
Thông cáo cho thấy chính phủ Mỹ sẽ luôn đứng bên lẽ phải, bảo vệ luật pháp quốc tế, và ủng hộ những nước đang bị Trung Quốc bắt nạt. “Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình. Hoa Kỳ ủng hộ các đồng minh và đối tác Đông Nam Á bảo vệ quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên ở ngoài khơi, phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế”, thông cáo viết.
Cũng trong thứ Ba, ông David Stilwell, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, nói rằng Hoa Kỳ có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc có hành vi thúc đẩy Bắc Kinh đòi chủ quyền ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Mike Pompeo, hôm thứ Tư, cho biết chính quyền Trump sẽ hỗ trợ các quốc gia bị Trung Quốc xâm phạm chủ quyền. Bên cạnh đó, ông nói với tờ The Hill rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ phải “trả giá” vì làm bùng phát đại dịch Covid.
Cùng ngày, Mỹ đã điều tàu khu trục USS Ralph Johnson di chuyển gần quần đảo Trường Sa để khẳng định quyền tự do hàng hải. Hành động này chứng tỏ những tuyên bố của họ một ngày trước không chỉ là những lời nói suông. Không dừng lại ở đó, CPF, hôm thứ Năm đưa tin, bộ đôi tàu sân bay USS Ronald Nimitz và USS Reagan, với 12.000 binh sĩ, của Hoa Kỳ vẫn tiếp tục chương trình diễn tập quân sự ở Biển Đông cho tới thứ Sáu.
Ngoài Biển Đông, Mỹ còn bắt Trung Quốc phải trả giá đối với những hành vi sai trái khác mà lực lượng này gây ra. Hôm thứ Ba, Tổng thống Trump thông báo, ông đã ký ban hành đạo luật trừng phạt Trung Quốc vì Bắc Kinh phá vỡ cam kết để can thiệp vào Hồng Kông.
Hôm thứ Tư, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, John Ullyot, cho biết, ông Trump không loại trừ khả năng áp thêm các lệnh trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc liên quan tới việc hạn chế quyền tự do của người dân Hồng Kông.
Cũng vào thứ Tư, New York Times đưa tin, chính quyền Trump đang xem xét cấm các đảng viên ĐCSTQ và người thân của họ nhập cảnh Hoa Kỳ. Nếu điều này được thực hiện thì có khoảng 270 người Trung Quốc, gồm 93 triệu đảng viên phải từ bỏ ý định tới Mỹ. Trước đó một ngày, Mỹ đã ra quyết định hạn chế thị thực những người làm việc cho Huawei vi phạm nhân quyền.
Hôm thứ Hai, một máy bay do thám Mỹ đã tiến gần địa phận tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Theo SCMP, tính tới thứ Sáu, chiếc máy bay do thám này đã xuất hiện 3 lần ở gần bờ biển phía nam Trung Quốc. Hoạt động của máy bay Mỹ trùng thời điểm Đài Loan tổ chức cuộc tập trận Hán Quang.
Hoa Kỳ cũng đã thực hiện việc đánh giá rủi ro an ninh mà hai ứng dụng mạng xã hội Trung Quốc là TikTok và WeChat có thể gây ra, đồng thời không loại trừ việc cấm hai ứng dụng này xuất hiện tại thị trường Mỹ.
Đồng minh hiệp sức
Ngày càng nhận rõ hơn bản chất của chính quyền Trung Quốc, các đồng minh của Mỹ trong tuần qua đã có nhiều bước đi cho thấy họ đang ủng hộ chính quyền Trump trong sứ mệnh đẩy lùi tham vọng và các hành vi sai trái của Bắc Kinh.
Bộ Quốc phòng Philippines hôm thứ Ba đã bày tỏ sự nhất trí với Mỹ sau khi Washington ra tuyên bố bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Chính phủ Nhật Bản hôm thứ Ba đã công bố sách trắng quốc phòng trong đó lên án Bắc Kinh lợi dụng dịch viêm phổi Vũ Hán để gia tăng các yêu sách lãnh thổ. Trước đó, hôm 7/7, bộ trưởng quốc phòng Nhật và Úc cùng với người đồng cấp Hoa Kỳ đã ra tuyên bố chung phản đối các hành vi “nguy hiểm và cường quyền” của Trung Quốc tại Biển Đông.
Cũng trong ngày thứ Ba, chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson quyết định loại Huawei, công ty công nghệ Trung Quốc bị cáo buộc làm tay sai cho Bắc Kinh, khỏi dự án xây dựng mạng 5G của Vương quốc Anh.
Epoch Times đưa tin hôm thứ Ba, 62 nghị sĩ Canada đã cùng ký tên vào một lá thư đề nghị chính phủ của nước này áp dụng luật Magnitsky để trừng phạt các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông vi phạm nhân quyền. Trước đó, vào ngày 23/6, hơn một chục thượng nghị sĩ cũng đã gửi một bức thư tương tự tới Thủ tướng Trudeau yêu cầu chính phủ Canada trừng phạt các quan chức Trung Quốc có “các hành vi vi phạm nhân quyền thô bạo và các quyền tự do cơ bản” của con người.
Phản ứng kiểu ‘sói chiến’
Ngay sau khi Hoa Kỳ ra thông cáo bác bỏ yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông, ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập của Hoàn cầu Thời báo, một trong những cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, đã có cách phản ứng rất đặc trưng, thường thấy ở các quan chức Trung Quốc.
Ông Hồ đưa lên Twitter một thông điệp có câu hỏi rằng liệu Mỹ có bị “tâm thần” hay không mà lại đi bác tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc sau khi tòa án La Hay đã đưa ra phán quyết Biển Đông từ 4 năm trước.
Ông Hồ đưa ra câu hỏi này để làm bệ đỡ cho phần tấn công Hoa Kỳ ở nội dung phía sau. Nhưng với câu hỏi người khác có bị “tâm thần” không đã cho thấy phong cách “sói chiến” của ông.
Phong cách “sói chiến” cũng dễ nhận ra ở các phát biểu của bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Hôm thứ Sáu, bà Hoa đã không hề “ngượng mồm” khi nói rằng quan chức Hoa Kỳ vì tham “lợi ích chính trị và cá nhân” tới mức “mất lý trí và phát điên” nên đã đưa ra những quyết định bất lợi cho Trung Quốc. Bà Hoa cũng hạ thấp Hoa Kỳ khi ví chính phủ Mỹ là chim sẻ, còn chính quyền Trung Quốc là thiên nga, và chim sẻ sẽ “không bao giờ hiểu được tham vọng của thiên nga”.
Ngoài việc sử dụng các từ khiếm nhã để “sỉ vả” đối phương, quan chức Trung Quốc còn thường đặt ra những câu hỏi có ý kích bác hoặc dùng những lời đe dọa để hòng lấn át đối thủ. Phản ứng trước việc chính phủ Anh cấm Huawei, vẫn là bà Hoa, hôm thứ Tư đặt ra câu hỏi rằng “Vương quốc Anh muốn duy trì vị thế độc lập của mình hay muốn trở thành chư hầu của Hoa Kỳ, là tay sai của Hoa Kỳ?”, và hăm dọa rằng “Sự an toàn của các dự án đầu từ Trung Quốc vào Vương quốc Anh đang bị đe dọa rất lớn”.
Đã đến miệng hố?
Văn hóa truyền thống của Trung Hoa luôn dạy con người trọng đức, ngôn hành lịch thiệp và thận trọng. Rõ ràng, cách nói của quan chức Trung Quốc như ông Hồ hay bà Hoa không phản ánh việc họ được tiếp thụ nền văn hóa Thần truyền đó. Đây là điều khẳng định, vì họ là những đảng viên ĐCSTQ, lực lượng đã phát động cuộc “Cách mạng văn hóa” phá hủy gần như hoàn toàn di sản văn hóa mà lịch sử Trung Quốc tích lũy suốt 5 nghìn năm.
Mặc khác, phong cách “sói chiến” của quan chức Trung Quốc dường như còn phản ảnh một điều rằng họ đang sợ hãi và yếu thế trước Hoa Kỳ, và việc “phùng mang, trợn mắt” là một hình thức để che giấu sự thật đó.
Nhận định này có vẻ có lý khi Trung Quốc đang rơi vào tình huống khó khăn hơn bao giờ hết. Thật vậy, khi còn chưa gượng dậy sau các đòn thuế nặng nề của chính quyền Trump trong cuộc thương chiến Mỹ-Trung kéo dài hơn một năm, thì Bắc Kinh lại phải đương đầu với đại dịch Covid khiến nhiều nước xa lánh vì cho rằng lực lượng này là tác nhân chính làm lây lan virus Vũ Hán ra khắp thế giới. Khó khăn càng thêm chồng chất khi Trung Quốc hiện đang phải đương đầu với suy thoái kinh tế trầm trọng và thiên tai nặng nề.
Có nhiều báo cáo cho rằng Bắc Kinh thực hiện các động thái gây hấn ở Biển Đông, biên giới Ấn Độ hay eo biển Đài Loan, không chỉ vì bản năng của một thế lực cường bạo, mà còn vì để phân tán sự bất mãn của người dân trong nước. Điều đó chứng tỏ họ đã biết sợ dân và đồng nghĩa với sức mạnh nội tại của Bắc Kinh đã suy giảm đáng kể.
Trong tuần qua Tổng thống Trump tuyên bố rằng ông không còn quan tâm tới đàm phán thỏa thuận thương mại giai đoạn 2 với Trung Quốc. Các đòn tấn công liên tiếp vào Bắc Kinh của chính quyền Trump dễ khiến người ta có cảm giác rằng Hoa Kỳ sẽ còn chưa dừng lại chỉ ở đích ngăn chặn sự hung hăng của chính quyền Trung Quốc.
Vào tháng Sáu, mạng xã hội Trung Quốc chia sẻ hình ảnh ông Tập Cận Bình đứng trước một cái hố lớn trong chuyến công tác ở tỉnh Ninh Hạ. Một cư dân mạng Trung Quốc đặt câu hỏi dưới tấm hình: “là nơi chôn cất ĐCSTQ chăng?”.
Trước áp lực mạnh mẽ, liên tục, trên nhiều mặt trận của chính quyền Trump, lại ở vào tình thế khó khăn hơn bao giờ hết, cùng với món nợ đã quá lớn với người dân Trung Quốc, tích tồn trong suốt nhiều chục năm ĐCSTQ cầm quyền, thì có thể thấy rằng câu hỏi của cư dân mạng đặt ra ở trên không phải là ngẫu nhiên. Liệu đây có phải là điềm báo cho sự suy tàn tất yếu của một thể chế nghịch thiên phản địa?
Mỹ dồn dập trừng phạt Trung Quốc,
quan hệ hai siêu cường “rơi tự do”
Mối quan hệ Mỹ – Trung Quốc có chiều hướng “rơi tự do” và có dấu hiệu của một cuộc đối đầu có những đặc điểm của một cuộc Chiến tranh Lạnh nguy hiểm.
Mỹ liên tiếp áp trừng phạt Trung Quốc
Chỉ trong vòng vài tuần, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tục áp lệnh trừng phạt Trung Quốc vì các vấn đề liên quan đến Hong Kong và Tân Cương. Mỹ cũng tìm cách kiềm chế Bắc Kinh bằng cách ngăn Trung Quốc tiếp cận các công nghệ cao của Mỹ, kêu gọi các đồng minh hành động tương tự.
Hôm 13/7, trong một động thái chưa từng có, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố bác bỏ hầu hết yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, coi các yêu sách này là “bất hợp pháp”. Tổng thống Donald Trump ngày 14/7 tiếp tục ký thông qua luật trừng phạt giới chức Trung Quốc vì áp luật an ninh quốc gia với Hong Kong.
“Khoảng cách quyền lực đang thu hẹp lại trong khi khoảng cách về ý thức hệ ngày càng nới rộng”, Rush Doshi, Giám đốc Ý tưởng chiến lược Trung Quốc tại Viện Brookings ở Washington, nhận định và nói thêm rằng Mỹ và Trung Quốc đang rơi vào vòng xoáy ý thức hệ. “Đâu sẽ là đáy”, ông Doshi nói.
Nhiều năm qua, các chính trị gia và nhà sử học đều bác bỏ quan điểm cho rằng một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc đang lờ mờ xuất hiện. Tuy nhiên, giờ đây, các lằn ranh đang dần được vẽ ra và mối quan hệ giữa hai cường quốc có chiều hướng “rơi tự do”, là dấu hiệu của một cuộc đối đầu có những đặc điểm của một cuộc Chiến tranh Lạnh nguy hiểm. Khi hai siêu cường đối đầu về công
nghệ, lãnh thổ, họ đều phải đối mặt với nguy cơ nổ ra các tranh chấp nhỏ và leo thang thành xung đột quân sự.
Cuộc chiến sức mạnh mềm
Sự nghi ngờ, thù địch ngày càng bao trùm mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc khi hai bên xung đột lợi ích ở hàng loạt lĩnh vực từ không gian mạng, vũ trụ, đến Biển Đông, eo biển Đài Loan, thậm chí vùng Vịnh.
Cuộc khủng hoảng Covid-19 cùng với cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã khiến những rạn nứt trong mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington trở thành vực thẳm khó vượt qua bất chấp bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm nay ra sao. Về phía Trung Quốc, Ngoại trưởng Vương Nghị nói rằng, mối quan hệ với Mỹ đã xuống mức thấp nhất kể từ khi hai nước tái lập quan hệ ngoại giao năm 1979. Ông Vương cho rằng các chính sách của Mỹ với Trung Quốc dựa trên những “tính toán sai lầm chiến lược và đầy cảm tính”.
Cả Mỹ và Trung Quốc đều thúc ép buộc các nước khác phải lựa chọn đứng về bên nào ngay cả khi họ không muốn điều đó. Ví dụ, chính quyền Tổng thống Donald Trump gây sức ép với các đồng minh như Anh, Australia để các nước này loại tập đoàn Huawei của Trung Quốc khỏi các dự án phát triển hệ thống mạng 5G. Hôm 30/6, Mỹ chính thức coi các tập đoàn viễn thông Huawei và ZTE của Trung Quốc là “mối đe dọa an ninh quốc gia” và cấm các công ty Mỹ dùng ngân sách chính phủ mua thiết bị từ các công ty này. Ngoài ra, Nhà Trắng cũng đang thảo luận kế hoạch “cấm cửa” các ứng dụng TikTok và Wechat của Trung Quốc.
Trong khi đó, Trung Quốc tìm cách gây sức ép với các nước công khai ủng hộ các chính sách gây tranh cãi về vấn đề Hong Kong và Tân Cương. Bắc Kinh cũng dùng sức mạnh kinh tế làm công cụ để “cưỡng ép” như ngừng nhập khẩu thịt bò từ Australia. Đầu tuần này, Trung Quốc tuyên bố sẽ trừng phạt tập đoàn công nghiệp quốc phòng Lockheed Martin của Mỹ vì thương vụ bán vũ khí gần đây cho Đài Loan.
Ngoài ra, khi thế giới đang bận đối phó Covid-19, Trung Quốc bành trướng sức mạnh quân sự, leo thang căng thẳng với các nước trong khu vực. Nhật Bản cảnh báo, Trung Quốc đang tìm cách “thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Hoa Đông”.
Đáp lại, Mỹ đã điều hai biên đội tàu sân bay đến Biển Đông. Căng thẳng khó tránh khỏi khi Mỹ đầu tuần này tiếp tục ra tuyên bố bác bỏ hầu hết yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Michael A. McFaul, cựu đại sứ Mỹ tại Nga và hiện là giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Stanford, nhận định các hành động gần đây của Trung Quốc dường như “đi quá xa”.
“Mối quan hệ Mỹ – Trung đang ở giai đoạn tồi tệ nhất kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ. Thực tế mới là mối quan hệ Mỹ – Trung không bước vào một cuộc chiến tranh lạnh mới nhưng tiến dần đến một cuộc chiến bằng sức mạnh mềm”, ông Zhao Kejin, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Thanh Hoa, nhận định.
Các đồng minh của Mỹ đồng loạt cứng rắn với TQ
Nhiều đồng minh phương Tây của Mỹ đã cùng nhau thực hiện các biện pháp cứng rắn để đối phó với Trung Quốc khi căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng leo thang. Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi cả thế giới cũng như thay đổi cách nhìn của các nước về Trung Quốc. Một số nhà lãnh đạo trước đây từng ấn tượng với Trung Quốc thì nay “quay lưng” với Bắc Kinh, cho rằng quốc gia này phải chịu trách nhiệm vì để đại dịch lan ra toàn cầu khiến hơn nửa triệu người thiệt mạng.
Nhiều nước, nhất là các đồng minh của Mỹ, từng nhẹ nhàng chỉ trích Trung Quốc bây giờ cũng trở nên lớn tiếng hơn và hành động quyết liệt hơn. Họ rõ ràng đang hợp sức với nhau trong việc đối phó với Bắc Kinh và tìm cách xây dựng sức mạnh thông qua lực lượng đông đảo.
Sự phối hợp này thể hiện rõ nhất trong phản ứng của các nước trước việc Trung Quốc áp dụng luật an ninh quốc gia mới với Hong Kong. Các nước phương Tây gần như đưa ra tuyên bố và hành động giống nhau trong vấn đề này. Ngũ Nhãn, liên minh tình báo giữa Mỹ, Anh, Australia, Canada và New Zealand, là một ví dụ.
Phản ứng chung của nhóm “Ngũ Nhãn”
Bốn trong số 5 thành viên của Ngũ Nhãn đã nhanh chóng đưa ra tuyên bố chung, lên án Trung Quốc vì thông qua luật an ninh quốc gia, đồng thời bảo vệ Hong Kong như một “thành trì của sự tự do”. Đây là
sự thống nhất công khai hiếm hoi của các thành viên Ngũ Nhãn, chỉ riêng New Zealand không tham gia vào tuyên bố chung.
Theo Reuters, Anh xác nhận kế hoạch cấp hộ chiếu cho khoảng 3 triệu dân Hong Kong. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cũng cho biết ông đã nêu vấn đề “chia sẻ gánh nặng” với nhóm Ngũ Nhãn trong trường hợp xảy ra cuộc di cư hàng loạt từ Hong Kong.
Australia quyết định gia hạn thị thực cho người Hong Kong tại nước này, đồng thời mở đường cho người Hong Kong trở thành công dân Australia. Canada cũng xem xét các phương án để “thúc đẩy” di cư khỏi Hong Kong.
Australia và Canada đã dừng hiệp ước dẫn độ với Hong Kong. Trong khi đó, Mỹ, Anh và New Zealand đều đang xem xét lại hiệp ước của các nước này.
Josep Borrelll, nhà ngoại giao cấp cao của Liên minh châu Âu (EU), ngày 13/7 cảnh báo khối này đang phối hợp cùng nhau trong việc đối phó với Trung Quốc, mặc dù các biện pháp cụ thể vẫn chưa được đưa ra.
Sự xuất hiện của những “nơi ẩu náu” an toàn cho người Hong Kong và việc đình chỉ các hiệp ước dẫn độ với đặc khu hành chính này khiến giới chức Bắc Kinh “nóng mặt”. Họ cảnh báo sẽ có hành động đáp trả.
Các quan chức Trung Quốc cảnh báo sinh viên nước này không tới Australia vì lo ngại các vụ tấn công phân biệt chủng tộc nhằm vào người châu Á. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian yêu cầu Anh “lùi lại khỏi bờ vực” và “chấp nhận thực tế rằng Hong Kong đã được trao trả lại cho Trung Quốc”.
Hành động tập thể
Các nước đồng minh với Mỹ có thể đã bàn bạc về chiến lược đối phó với Trung Quốc từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, theo CNN, việc các nước này bắt tay với nhau để hành động tập thể hiếm khi “lộ liễu” như bây giờ.
Hồi đầu tháng, một liên minh mới đã được thành lập gồm các nhà lập pháp từ 16 quốc gia và EU, lấy tên gọi Liên minh Liên Nghị viện về Trung Quốc (IPAC). Liên minh này xây dựng các hành động đối phó với Trung Quốc cho từng thành viên để họ tự thúc đẩy tại đất nước mình.
Các thành viên của IPAC gồm các thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio và Bob Menendez, cùng các nhà lập pháp từ Anh, Australia, Canada, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Séc, Uganda và các nước khác.
Một trong những chiến dịch gần đây của IPAC là kêu gọi các thành viên từ bỏ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong để bảo vệ người dân tại đặc khu hành chính này trước Bắc Kinh. Một chiến dịch khác là kêu gọi các nước thành viên mở cửa đón người Hong Kong thông qua ưu đãi thị thực.
“Các nghị sĩ đang vượt ra ngoài biên giới để tạo thành một mặt trận thống nhất chống Trung Quốc. Tôi chưa bao giờ thấy bất kỳ điều gì như vậy. Điều này rất đáng quan tâm”, Yuka Kobayashi, trợ lý giáo sư về Trung Quốc và chính trị quốc tế tại Đại học London, và là người cố vấn cho các chính phủ và các tổ chức về Trung Quốc, nhận định.
Theo bà Yuka, việc một số quốc gia cấm Huawei – tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc tham gia vào hạ tầng internet tốc độ cao là một ví dụ nữa cho thấy sự đoàn kết của cộng đồng quốc tế trong việc đối phó với Trung Quốc.
“Nếu những nước này bây giờ kết hợp với nhau, điều đó sẽ tạo ra thách thức nghiêm trọng cho Trung Quốc”, bà Yuka nói.
Anh ngày 14/7 cấm Huawei tham gia hệ thống mạng 5G, sau khi Mỹ gây sức ép với các đồng minh về vấn đề này trong suốt nhiều tháng. Mỹ, Australia và Nhật Bản cũng đã áp lệnh cấm hoặc lên kế hoạch loại bỏ các sản phẩm của Huawei khỏi hạ tầng viễn thông của các nước này vì lo ngại các dữ liệu cá nhân nhạy cảm có thể bị Trung Quốc tiếp cận.
Ấn Độ gần đây cũng viện dẫn những lo ngại về an ninh để cấm Tiktok – một nền tảng mạng xã hội video và hàng chục ứng dụng khác của Trung Quốc. Mỹ cũng đang cân nhắc cấm Tiktok vì lý do an ninh.
Các nước có thể không cần đưa ra quyết định cùng nhau, tuy nhiên họ đang quan sát nhau chặt chẽ và trong một số trường hợp, họ đưa ra quyết định theo nhau.
Thế khó của các nước
Các quốc gia có thể đồng loạt áp lệnh trừng phạt hoặc triển khai các biện pháp cứng rắn với Trung Quốc. Tuy nhiên, họ vẫn phải dè chừng vì không thể phủ nhận một thực tế rằng Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và vai trò của nước này trong nền kinh tế toàn cầu là rất lớn.
Chưa bao giờ điều này trở nên rõ ràng như vậy. Đại dịch Covid-19 đã cho thấy thế giới phụ thuộc mọi thứ vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc, từ xe ô tô cho tới thuốc men và điện thoại di động. Các nước cũng phải phụ thuộc vào Trung Quốc để xuất khẩu hàng hóa.
Chuỗi cung ứng bị phá vỡ buộc phần lớn các nước phải cân nhắc đa dạng hóa chuỗi cung ứng và thị trường xuất khẩu.
Australia là một ví dụ. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia. Tuy nhiên, sau khi Australia kêu gọi mở cuộc điều tra về nguồn gốc của Covid-19, Trung Quốc đã áp thuế 80,5% đối với lúa mạch nhập khẩu từ Australia.
Không phải nước nào cũng có thể hành động mạnh tay như Australia. EU đang phối hợp với nhau để đáp trả việc Trung Quốc áp luật an ninh quốc gia, nhưng khối này dường như hành động chậm chạp.
Đối với Trung Quốc, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng không thể quá cứng rắn. Mặc dù ủng hộ EU về việc phản ứng thống nhất với Trung Quốc, song bà Merkel vẫn tuyên bố “không có lý do gì để không tiếp tục đối thoại với Trung Quốc”.
Tình thế khó xử của Thủ tướng Đức là điều dễ hiểu. Ngoài thương mại, hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về việc “quay lưng” với Trung Quốc. Thế giới vẫn cần sự hợp tác của Bắc Kinh trong vấn đề môi trường khi Trung Quốc là nước phát thải khí carbon nhiều nhất thế giới và sẵn sàng tham gia nỗ lực toàn cầu trong việc đối phó với biến đổi khí hậu.
Chỉ Trung Quốc mới có thể đưa ra câu trả lời về nguồn gốc của Covid-19. Và nếu Trung Quốc là nước đầu tiên phát triển thành công vắc xin, các nước còn lại chắc chắn muốn tiếp cận Bắc Kinh.
Mỹ tăng cường khả năng tác chiến điện tử ở Biển Đông,
chuẩn bị cho xung đột với TQ
Báo Nikkei của Nhật Bản sáng sớm ngày 17/7 đưa tin, quân đội Hoa Kỳ có kế hoạch triển khai lực lượng tác chiến điện tử đến Biển Đông, một động thái mới nhất của chính quyền Trump nhằm gây sức ép với Trung Quốc sau khi Washington tuyên bố các yêu sách hàng hải của Bắc Kinh là “hoàn toàn bất hợp pháp”.
Nikkei cho biết, Hoa Kỳ sẽ triển khai hai đơn vị đặc biệt đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vào đầu năm 2021, để hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ chiến tranh điện tử và chiến tranh mạng nhằm làm gián đoạn hoạt động liên lạc của Trung Quốc trong trường hợp xảy ra xung đột ở Biển Đông.
Tờ báo Nhật Bản cho biết ít nhất một trong hai đơn vị sẽ đóng quân ở quanh Biển Đông.
Một vị tướng nghỉ hưu, ông Jack Keane, cựu phó tổng tham mưu quân đội Hoa Kỳ cho biết, việc làm gián đoạn liên lạc quân sự của Trung Quốc sẽ là một cách phản ứng hiệu quả trong trường hợp xảy ra tình trạng khẩn cấp nào đó ở Biển Đông.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết toàn bộ Biển Đông thông qua “đường chín đoạn” và đã đẩy nhanh mở rộng quân sự tại khu vực này trong thập kỷ qua. Họ đã xây dựng một đường băng dài 3.000 mét và một cảng quân sự quy mô lớn trên bãi Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc đã trang bị một nhà chứa máy bay chiến đấu, và khả năng là cả tên lửa đất đối không, cũng như tên lửa đất đối tàu.
Ngoài những tên lửa trên đảo Phú Lâm, Trung Quốc cũng đã triển khai trên các tên lửa bờ biển có khả năng tấn công bất cứ nơi nào trên Biển Đông. Để chống lại điều này, Hoa Kỳ muốn có khả năng ngăn chặn Trung Quốc theo dõi các lực lượng Mỹ, trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang tại Biển Đông.
Theo Nikkei, chiến lược quốc phòng của Trung Quốc được xây dựng dựa trên chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD), kết hợp giữa các tên lửa và cảm biến để ngăn cản hoạt động tự do di chuyển của kẻ thù, đồng thời ngăn chặn họ tiếp cận Trung Quốc đại lục.
Cựu tướng Keane nói với Nikkei rằng Washington nhận định chiến lược A2/AD của Trung Quốc đang mang lại cho Bắc Kinh một lợi thế cạnh tranh. Do đó, Washington phải đảm bảo đưa ra “một lời răn đe hiệu quả ở đó và các tên lửa tầm xa là một phần trong chiến lược của Hoa Kỳ”, ông Keane nói.
Ông Keane cũng kêu gọi Hoa Kỳ và các nước bạn bè “phải hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực khác nhau để có thể đánh bại các hệ thống vũ khí” của Trung Quốc.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ kêu gọi
’huy động sức mạnh tập thể’ để chống TQ
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr chỉ trích giới doanh nghiệp Mỹ đã “nhượng bộ” Trung Quốc trong nhiều năm qua, đồng thời kêu gọi thế giới áp dụng cách tiếp cận “toàn xã hội” để chống lại “sự thống trị” của Trung Quốc.
Ông Barr đã trình bày một bài phát biểu toàn diện về chính sách thương mại của Trung Quốc tại Bảo tàng Tổng thống Gerald R. Ford thuộc tiểu bang Michigan, Mỹ.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ cho rằng một thế giới tự do sẽ cần cách tiếp cận “toàn xã hội” để chống lại sự thống trị của Trung Quốc.
Trong đó, ông tuyên bố Trung Quốc rõ ràng không chỉ muốn tham gia hàng ngũ các nước công nghiệp phát triển, mà còn muốn thay thế toàn bộ những quốc gia này.
Ông Barr kêu gọi doanh nghiệp Mỹ cùng chống lại Trung Quốc. “Nếu những công ty đơn lẻ sợ phải đứng ra, thì số đông sẽ tạo ra sức mạnh”, ông khẳng định.
Theo ông, trong nhiều năm qua, những tập đoàn lớn của Mỹ như Google, Microsoft, Yahoo và Apple “cho thấy họ quá sẵn lòng hợp tác” cùng Trung Quốc.
Trong khi đó, ông cho rằng những công ty của Hollywood, trong đó bao gồm Walt Disney, vẫn thường “nhượng bộ” trước áp lực của Bắc Kinh và đồng ý kiểm duyệt nội dung phim “để chiều lòng Trung Quốc”.
“Tôi nghĩ rằng Walt Disney sẽ đau lòng biết mấy khi thấy công ty do ông ấy tạo nên phải đối mặt với sự độc tài từ nước ngoài trong thời đại của chúng ta”, ông Barr phát biểu.
Bên cạnh đó, vị bộ trưởng này cũng thông báo Bộ Tư pháp Mỹ đã được biết nhiều trường hợp các quan chức Trung Quốc tiếp cận giới lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ và “khiến họ cân nhắc về các chính sách ưu đãi và hành động có lợi cho Trung Quốc”.
Ông Barr thể hiện kỳ vọng là các doanh nghiệp Mỹ sẽ thể hiện lập trường cứng rắn trước các yêu cầu của Trung Quốc trong việc chuyển giao dữ liệu người dùng mạng xã hội ở Hong Kong. Ông cũng kêu gọi các trường đại học Mỹ cùng nhau chống lại các nỗ lực của Trung Quốc nhằm gây tác động đến quá trình nghiên cứu của họ, qua đó đè nén sự đa dạng tiếng nói.
Tiểu bang Oregon
đệ đơn kiện chính phủ liên bang Hoa Kỳ
Đơn kiện của tiểu bang Oregon xin tòa ban hành một lệnh cấm để ngăn chặn các đặc vụ liên bang giam giữ người biểu tình ở Portland
Bộ trưởng Tư pháp của tiểu bang Oregon đệ đơn kiện chính phủ liên bang Hoa Kỳ, cáo buộc chính quyền giam giữ người biểu tình một cách bất hợp pháp.
Kể từ sau vụ George Floyd bị cảnh sát giết chết, người dân Oregon đã biểu tình hàng đêm để chống lại sự tàn bạo của cảnh sát.
Tuần này, lực lượng đặc nhiệm liên bang trong các xe không rõ nguồn gốc đã xuất hiện để bắt giữ người biểu tình trên đường phố và giam cầm họ mà không cần biện minh.
Chính phủ liên bang cho biết họ đang cố gắng khôi phục trật tự trong thành phố.
Lực lượng đặc nhiệm liên bang, do Tổng thống Donald Trump triển khai, cũng bắn hơi cay và đạn không gây tử thương vào đám đông người biểu tình. Bộ trưởng An ninh Nội địa Chad Wolf trước đây từng gọi những người biểu tình là một “đám đông bạo lực”.
Đơn kiện nói gì?
Trong đơn kiện, Bộ trưởng Tư pháp tiểu bang Oregon, Ellen Rosenblum, yêu cầu một lệnh cấm để ngăn chặn đặc vụ từ Bộ An ninh Nội địa, cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ cũng như Dịch vụ Bảo vệ Liên bang, thực hiện thêm bất kỳ vụ bắt giữ nào trong thành phố.
“Những chiến thuật này phải dừng lại,” bà Rosenblum nói trong một tuyên bố. “Chúng không chỉ khiến mọi người không thể khẳng định quyền biểu tình ôn hòa theo Tu chính số 1 của Hiến Pháp, mà còn tạo ra tình huống bất ổn hơn trên đường phố của chúng tôi.”
Phương pháp của họ, bà nói thêm, “hoàn toàn không cần thiết và không thích hợp với cách của tiểu bang Oregon”.
Nhân viên liên bang bị buộc tội bắt giữ người biểu tình và đưa họ lên những chiếc xe tải không rõ nguồn gốc
“Chính quyền liên bang đã chọn Portland là nơi để sử dụng các chiến thuật đe dọa, ngăn chặn cư dân của chúng tôi phản đối sự tàn bạo của cảnh sát và ủng hộ phong trào Black Lives Matter”, bà nói. “Mọi người Mỹ phải cảm thấy kinh hoàng khi điều này xảy ra. Nếu điều này có thể xảy ra ở Portland, nó có thể xảy ra ở bất cứ đâu.”
Đơn kiện tuyên bố rằng chiến thuật này ngăn cản công dân, những người “đương nhiên phải thấy sợ là sẽ bị bắt và nhét lên những chiếc xe tải không biết là của ai- có thể bởi các sĩ quan liên bang, có thể bởi những cá nhân phản đối cuộc biểu tình” và không thể thực hiện quyền thực thi Tu chính Hiến pháp đầu tiên của Hoa Kỳ mà họ được hưởng.
Đơn kiện cũng cáo buộc các nhân viên liên bang vi phạm Tu chính án thứ Tư và thứ Năm khi bắt bớ và giam cầm người dân mà không có lệnh, và từ chối người dân việc phải được đối xử theo đúng thủ tục.
Đầu tuần này, Thống đốc tiểu bang Oregon Kate Brown cũng cáo buộc các đặc vụ liên bang là “lạm quyền trắng trợn”.
Chuyện gì đã xảy ra?
Một báo cáo từ Oregon Public Broadcasting (OPB) đầu tuần này đưa chi tiết về các nhân chứng đã nhìn thấy nhân viên thực thi pháp luật liên bang mặc quần áo ngụy trang xuất hiện từ các xe không có dấu hiệu, bắt người biểu tình mà không giải thích, và lái xe đi.
Tuần trước tình trạng bạo động đã leo thang dữ dội giữa người biểu tình và đặc vụ liên bang, được ông Trump triển khai hai tuần trước để dập tắt tình trạng bất ổn dân sự.
Kể từ ít nhất 14/7, OPB báo cáo, nhân viên đặc vụ liên bang đã nhảy ra khỏi những chiếc xe không có nguồn gốc rõ ràng trong toàn thành phố và chộp lấy những người biểu tình dường như vô cớ.
Video do đài truyền hình kiểm tra cho thấy một người biểu tình, Mark Pettibone, mô tả vào hôm 15/7, rằng ông “cơ bản là bị ném” vào một chiếc xe tải chứa người có vũ trang và mặc áo giáp.
Ông Pettibone nói rằng ông đã bị đưa đến một phòng giam trong tòa án liên bang, nơi ông được đọc các quyền khi bị bắt giữ của mình. Sau khi từ chối trả lời các câu hỏi, ông được thả ra mà không có bất kỳ hồ sơ phạt hay bắt giữ nào.Theo OPB, nhân viên đặc nhiệm quan liên bang đã buộc tội ít nhất 13 người với các tội ác liên quan đến các cuộc biểu tình cho đến nay.
Một số người bị bắt giam gần tòa án liên bang mà các nhân viên đặc vụ được cử đến để bảo vệ, nhưng những người khác đã bị bắt từ đường phố cách xa tài sản liên bang, theo báo cáo của Associated Press.
Chính quyền Trump nói gì?
Đến thành phố hôm thứ Năm để gặp gỡ các nhân viên thực thi pháp luật liên bang, quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa đã bào chữa cho các đặc vụ chống lại sự tập hợp của “những kẻ vô chính phủ”.
Trong một tuyên bố dài gần 1.700 từ, ông Wolf đổ lỗi cho chính quyền tiểu bang và thành phố là đã không “lập lại trật tự”. Ông nói rằng phản ứng của họ đã “thúc đẩy đám đông bạo động khi họ leo thang bạo lực ngày này qua ngày khác”.
Người dân Portland treo các biểu ngữ nhắm vào các nhân viên đặc vụ liên bang từ ban công
“Thành phố Portland đã bị bao vây trong 47 ngày liên tục,” ông viết.
“Mỗi đêm, những kẻ vô chính phủ đầy bạo động đã phá hủy và mạo phạm tài sản, bao gồm cả tòa án liên bang, và tấn công các nhân viên thực thi pháp luật dũng cảm bảo vệ tài sản của chính phủ.”
Những bình luận của ông Wolf lặp lại ý kiến của ông Trump. Tuần này, tổng thống hoan nghênh nỗ lực của các đặc vụ liên bang ở Portland, nói rằng các nhân viên đặc nhiệm đã thực hiện một “công việc tuyệt vời”.
“Portland hoàn toàn mất kiểm soát, và họ đã đến, tôi đoán hiện có nhiều người đang ở tù,” ông Trump nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Hai. “Chúng tôi coi như là đã dập tắt biểu tình ở đây, và nếu nó bắt đầu lại, chúng tôi sẽ dập tắt nó một lần nữa rất dễ dàng.”
Lực lượng hành pháp liên bang Hoa Kỳ
bắt giữ người biểu tình để bảo vệ các di tích lịch sử
Tin từ Portland, Oregon –Lực lượng hành pháp liên bang Hoa Kỳ đã bắt giữ những người biểu tình ở thành phố Portland, Oregon để bảo vệ các di tích lịch sử. Nhiều video được đăng tải trực tuyến cho thấy các cảnh sát mặc áo ngụy trang mà không có phù hiệu rõ ràng sử dụng vũ lực và xe để vận chuyển người biểu tình bị bắt giữ.
Vào thứ sáu (ngày 17 tháng 7), phát ngôn viên của Cơ quan Quan Thuế và Bảo Vệ Biên Giới Hoa Kỳ (CBP) cho biết các cảnh sát của cơ quan này đã được điều động đến Portland để hỗ trợ một đơn vị hành pháp mới của Bộ Nội An. Cơ quan Thực thi Di dân và Hải quan (ICE) cho biết nhiều cảnh sát của họ cũng đã đến Portland để giúp đỡ Bộ Nội An.
Các cơ quan truyền thông cho biết 13 người biểu tình đã bị bắt giữ, nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa xác nhận thông tin này. Những người biểu tình phản đối nạn kỳ thị chủng tộc và bạo lực cảnh sát đã tập trung quanh tòa án liên bang ở Portland với số lượng người lên tới hơn 10,000 người mỗi ngày kể từ sau cái chết của ông George Floyd vào ngày 25 tháng 5 tại Minneapolis.
Cảnh sát Portland đã sử dụng hơi cay để giải tán người biểu tình, cho đến khi Thống đốc Kate Brown cấm sử dụng loại vũ khí này vào đầu tháng 7 trừ khi có bạo loạn. (BBT)
Cảnh sát Chicago đụng độ người biểu tình
gần tượng Columbus trong công viên Grant Park
Hôm tối thứ Sáu (17 tháng 7), một cuộc biểu tình gần tượng Christopher Columbus trong công viên Grant Park của thành phố Chicago đã biến thành bạo lực, khi đám đông bắt đầu ném các vật thể vào cảnh sát đang bảo vệ bức tượng. Khi tình hình trở nên tồi tệ hơn, hàng chục cảnh sát từ khắp thành phố đã đổ về địa điểm này.
Theo FOX 32, tổng cộng 18 cảnh sát đã bị thương tại hiện trường, một số cảnh sát cần phải điều trị trong bệnh viện. Ít nhất một chục người bạo loạn đã bị bắt giam. Theo WGN-TV, ít nhất 4 thường dân đã được đưa đến bệnh viện và hiện vẫn chưa rõ tình trạng của họ.
Cuộc biểu tình bắt đầu ở đài phun nước Buckingham của công viên, sau đó đám đông di chuyển đến bức tượng Columbus, một số người biểu tình đã ném một sợi dây vòng quanh bức tượng nhằm kéo đổ nó. Những người biểu tình đã la hét rằng “Columbus là kẻ giết người! Columbus là một tên trộm!”.
Hãng Tribune cho biết, khi các vật thể được ném về phía cảnh sát, một số cảnh sát đã dùng dùi cui đánh một số người trong đám đông. (BBT)
Hàng triệu trẻ em trên toàn quốc Hoa Kỳ
có thể sẽ không thể đến trường vào mùa Thu
khi số ca tử vong do COVID-19 tiếp tục tăng mạnh
Vào thứ sáu (ngày 17 tháng 7), hàng triệu trẻ em trên khắp Hoa Kỳ đã nhận ra rằng khả năng các em đến trường toàn thời gian vào mùa thu là rất thấp trong bối cảnh số người tử vong do đại dịch COVID-19 tiếp tục tăng mạnh.
Thông báo này được đưa ra khi nhiều tiểu bang – đặc biệt là trong vùng Sunbelt – gặp khó khăn trong việc kiềm chế đại dịch và các chính phủ trên toàn thế giới đang cố gắng kiểm soát các ổ dịch mới. Trong
một dấu hiệu cho thấy virus này đang ngày càng lan rộng trên toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới đã báo cáo gần 250,000 ca nhiễm mới trong một ngày.
Tại Hoa Kỳ, quân y đã được điều động đến Texas và California để giúp các bệnh viện đang tràn ngập bệnh nhân coronavirus. Hai tiểu bang này đã báo cáo khoảng 10,000 ca nhiễm mới và số lượng tử vong cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Bên cạnh đó, các dữ kiện ở Florida, Arizona và các tiểu bang khác cũng khiến nhiều viên chức nghĩ lại về việc mở cửa trường học để đón năm học mới.
Thống đốc California, Gavin Newsom đã đưa ra các yêu cầu nghiêm ngặt cho việc mở cửa lại trường học, đồng nghĩa với việc nhiều trường trong các quận sẽ không cho phép học sinh học trực tiếp. Trong khi đó, Texas đã cho phép các trường công lập học trực tuyến vào mùa thu.
Theo hướng dẫn của Texas, các trường có thể tổ chức lớp học trực tuyến trong 8 tuần đầu của năm học mới, đẩy thời gian học trực tiếp cho đến tháng 11. Theo kế hoạch dự kiến của Học khu Chicago, học sinh có thể học 2 ngày tại trường và 3 ngày còn lại học trực tuyến, nhưng đến tháng 8 các viên chức mới đưa ra quyết định cuối cùng. (BBT)
COVID-19: Số ca tử vong ở Mỹ vượt 140 nghìn người
Số ca tử vong vì virus Corona ở Mỹ đã vượt 140 nghìn người hôm 18/7, trong khi các ca nhiễm hai tuần qua tiếp tục tăng tại 42 trong số 50 tiểu bang, theo Reuters.
Hãng tin này đưa rằng kể từ cuối tháng Sáu, Hoa Kỳ chứng kiến sự gia tăng các ca nhiễm mới và tới nay, sau khoảng sáu tuần, số người tử vong cũng bắt đầu tăng.
Có khoảng 5 nghìn người chết vì virus Corona ở Mỹ mỗi tuần. Reuters so sánh rằng ở nước láng giềng Canada, tổng số người tử vong kể từ khi đại dịch bùng phát là 8.800.
Hãng này cũng nói rằng chỉ trong vòng một tuần, Hoa Kỳ ghi nhận số người chết bằng cả tổng số ca tử vong 5.600 mà Thụy Điển xác nhận kể từ khi dịch bùng phát.
Theo Reuters, các địa hạt bị tác động nặng nề hiện thiếu chỗ chứa xác, trong khi các nhà xác không còn chỗ.
Tin cho hay, tại địa hạt Maricopa ở Arizona, nơi có thành phố lớn nhất tiểu bang này là Phoenix, cũng như tại thành phố San Antonio và địa hạt Bexar ở Texas, người ta phải trưng dụng cả xe tải đông lạnh.
Reuters cho rằng sự xuất hiện các nhà xác di động như vậy khiến công chúng có cảm giác rằng dịch bệnh đã vượt khỏi tầm kiểm soát ở một số tiểu bang miền nam nước Mỹ.
Mỹ tiếp tục lập kỉ lục
về số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày
Mỹ, nước dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm và tử vong vì virus corona, tiếp tục lập kỉ lục mới trong khi dịch bệnh hoành hành ở các bang miền nam và miền tây.
Các bang đã báo cáo hơn 76.400 trường hợp trong ngày thứ Sáu. Đây là lần thứ hai mà số ca nhiễm được báo cáo trong một ngày vượt quá 70.000 và là lần thứ 11 trong tháng qua kỉ lục một ngày được thiết lập.
Mỹ có hơn 3,67 triệu ca nhiễm trong số 14,1 triệu ca Covid-19 của thế giới, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, phần lớn là do sự gia tăng ở các bang Arizona, California, Florida, Georgia và Texas.
Sự gia tăng xảy ra trong khi Mỹ thiếu một kế hoạch quốc gia rõ ràng để ngăn chặn virus lây lan và không bắt buộc người dân đeo khẩu trang bảo vệ ở nơi công cộng.
“Tôi muốn mọi người có sự tự do nhất định, và tôi không tin vào [việc bắt buộc đeo khẩu trang],” Tổng thống Donald Trump nói trong một cuộc phỏng vấn với Fox News dự kiến phát vào Chủ nhật.
Ông Trump đã thúc giục việc quay trở lại như bình thường, nhấn mạnh mức độ quan trọng của việc vực dậy vì nền kinh tế. Chính quyền Trump và một số chuyên gia y tế lập luận rằng ngồi học trong lớp sẽ tốt hơn cho sự phát triển của trẻ em, và cũng cho phép cha mẹ quay trở lại làm việc.
Bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu của Mỹ về bệnh truyền nhiễm, đã kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị “tỏ ra mạnh mẽ nhất có thể trong việc thuyết phục công dân của họ đeo khẩu trang.”
Ở bang Georgia, Thống đốc Brian Kemp, người theo Đảng Cộng hòa và ủng hộ ông Trump, hối thúc mọi người dân Georgia dđeo khẩu trang trong ít nhất bốn tuần nhưng nói rằng các sắc lệnh bắt buộc không thể cưỡng hành được và gợi ý nó những lệnh này sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế.
Trước đó ông Kemp đã đệ đơn kiện thị trưởng thành phố Atlanta, Keisha Lance Bottoms, người theo Đảng Dân chủ, và các thành viên của Hội đồng Thành phố, vì đã ra lệnh cho mọi người phải đeo khẩu trang.
“Bạn gửi đi thông điệp gì khi bạn ra sắc lệnh mà người ta sẽ không cưỡng hành?” ông Kemp nói. “Tôi hết sức lo ngại về những người trẻ tuổi và những người khác quá lệ thuộc vào chính phủ đến nỗi chúng ta mất đi nền tảng lập nên đất nước này, và đó là quyền tự do và cơ hội cho bất cứ ai.”
https://www.voatiengviet.com/a/my-tiep-tuc-lap-ki-luc-ve-so-ca-nhiem-covid-19-hang-ngay/5508196.html
Delta Air Lines yêu cầu giảm tiền lương
của phi công trong vòng 1 năm
để tránh nguy cơ phải sa thải công nhân
Delta Air Lines đang yêu cầu các phi công giảm 15% tiền lương trong một năm, nói rằng điều này có thể giúp hãng hàng không tránh nguy cơ phải sa thải công nhân khi hỗ trợ liên bang kết thúc vào tháng 10.
Vào thứ sáu (ngày 17 tháng 7), một giám đốc điều hành của hãng đã gửi bản ghi nhớ đến các phi công, nói rằng tiền lương của họ phải bị giảm đi để đối phó với tác động kinh tế mà đại dịch coronavirus gây ra. Ông John Laughter, phó chủ tịch điều hành chuyến bay của Delta, cho biết cách tiếp cận này của hãng sẽ bảo đảm mọi công nhân được giữ việc của mình. Tuy nhiên, nghiệp đoàn phi công Air Line Pilots Association lại cho rằng đề nghị này của Delta được đưa ra quá sớm.
Theo nghiệp đoàn, Delta nên xem xét liệu các biện pháp nghỉ việc tự nguyện có hiệu quả hay không trước khi cắt giảm lương bắt buộc. Nghiệp đoàn cũng không hài lòng trước việc Delta gửi thông báo trực tiếp cho các phi công khi họ vẫn đang đàm phán vấn đề này vào đầu tuần.
Trong một sự việc riêng biệt, Air Line Pilots Association cũng đã đạt được thỏa thuận với United Airlines về các gói nghỉ việc tự nguyện và nghỉ việc tạm thời nhằm mục đích ngăn chặn việc hãng này phải cho công nhân nghỉ việc.
Tuần trước, United đã gửi khuyến cáo tới 2,250 phi công rằng họ có thể bị sa thải vào tháng 10. Đề nghị của Delta và phản hồi của Air Line Pilots Association cho thấy áp lực mà các hãng hàng không và nhân viên của họ phải đối mặt khi mà khả năng phục hồi của nền kinh tế bị đình trệ do số ca nhiễm coronavirus tăng trở lại miền Nam và Tây Nam Hoa Kỳ. (BBT)
Ứng cử viên Joe Biden khuyến cáo khả năng
Nga, Trung Cộng can thiệp cuộc bầu cử
tổng thống sau khi nhận được tin tình báo
Ứng cử viên tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ, Joe Biden đang nhận được tin tình báo và ông cho hay Nga đang tiếp tục cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử của Hoa Kỳ vào tháng 11/2020. Trong buổi gây quỹ trực tuyến cho chiến dịch tranh cử hôm thứ Sáu (17 tháng 7), ông Biden cũng nói rằng Trung Cộng cũng đang tiến hành các hoạt động can thiệp kết quả bầu cử tổng thống 2020.
Ông khuyến cáo rằng nếu Nga tiếp tục can thiệp thì họ sẽ “phải trả giá đắt” nếu ông thắng cử tháng 11/2020 trước tổng thống đương nhiệm Donald Trump. Không rõ ông Biden bắt đầu nhận được các cuộc họp tình báo từ khi nào, khi đây là chuyện bình thường đối với các ứng cử viên tổng thống của đảng lớn.
Trong một cuộc họp báo ngày 30 tháng 6, ông Biden nói ông không được mời tham gia một cuộc họp tình báo bí mật và ông nói rất có thể sẽ “yêu cầu tham gia”, sau khi biết tin rằng tổng thống Trump
không hành động sau khi nhận tin tình báo rằng Nga đã treo tiền thưởng cho sinh mạng của quân đội Hoa Kỳ ở Afghanistan.
Một viên chức giấu tên của chiến dịch tranh cử của ông Biden đã xác nhận các cuộc họp tình báo đã bắt đầu, và cho hay ứng viên tổng thống cũng đang nhận lời cố vấn từ nhóm chuyên gia an ninh quốc gia của mình. Cựu phó tổng thống dưới thời tổng thống Barack Obama đã chỉ trích rằng tổng thống Trump không đọc báo cáo tình báo được trình cho ông. (BBT)
Virus corona: WHO báo cáo
số ca nhiễm toàn cầu trong ngày tăng kỷ lục
Ấn Độ hiện có số ca nhiễm virus corona cao thứ ba trên thế giới
Số ca nhiễm virus corona mới tăng gần 260.000 trong 24 giờ – mức tăng lớn nhất trong một ngày kể từ khi đại dịch bắt đầu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hôm thứ Bảy.
Theo WHO, đây là lần đầu tiên số ca nhiễm mới hàng ngày vượt qua một phần tư triệu.
Gia tăng lớn nhất đến từ Mỹ, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi.
Số người chết toàn cầu vì virus corona cũng tăng 7.360 – mức tăng hàng ngày lớn nhất kể từ ngày 10/5.
Mức gia tăng ca nhiễm mới cao kỷ lục trước đó được WHO ghi nhận chỉ một ngày trước đó.
Tổng số trường hợp được xác nhận bị nhiễm virus corona vượt qua ngưỡng 14 triệu vào thứ Bảy, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, có trụ sở tại Hoa Kỳ.
Chuyện gì đang xảy ra ở Mỹ?
Số người bị nhiễm virus corona mới đang gia tăng ở một số tiểu bang Hoa Kỳ, đặc biệt là các tiểu bang miền Nam, ban đầu miễn cưỡng áp dụng biện pháp phong tỏa, hoặc buộc người dân phải đeo khẩu trang. Florida, Texas và Arizona có số ca nhiễm mới gia tăng đặc biệt cao.
Florida hiện là tâm chấn của đại dịch tại Hoa Kỳ. Tiểu bang này đã ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm mới và 90 tử vong hôm thứ Bảy, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 337.000 và số người chết lên hơn 5.000.
Trong những tuần gần đây, bệnh viện trên toàn tiểu bang Florida cũng cảnh báo rằng phòng cấp cứu của họ đang quá tải và không thể nhận thêm bất kỳ bệnh nhân mới nào.
Các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của virus, bao gồm đeo khẩu trang, đã bị chính trị hóa rất cao ở Mỹ.
Hôm thứ Sáu, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Hoa Kỳ, Tiến sĩ Anthony Fauci, kêu gọi các nhà lãnh đạo tiểu bang và địa phương phải “mạnh mẽ” trong việc đảm bảo mọi người đeo khẩu trang, mặc dù Tổng thống Donald Trump sau đó nói rằng ông sẽ không bắt buộc đeo mặt nạ ở cấp quốc gia.
Quốc gia nào khác có số ca nhiễm gia tăng?
Ở Brazil, nơi virus corona và các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch đã bị chính trị hóa cao, các ca nhiễm mới vẫn tiếp tục gia tăng – mặc dù WHO tuyên bố vào đầu tuần này rằng số người bị nhiễm không còn tăng theo cấp số nhân.
Các nhà khoa học cũng cảnh báo rằng Ấn Độ có thể còn vài tháng nữa mới đến đỉnh điểm bùng phát của đại dịch – mặc dù nước này có số ca nhiễm mới được xác nhận cao thứ ba. Bệnh viện ở các thành phố bị ảnh hưởng nặng nhất, gồm Mumbai và Bangalore, đã tràn ngập bệnh nhân.
Ấn Độ ghi nhận 34.884 ca nhiễm mới trong khoảng thời gian 24 giờ hôm thứ Bảy và 671 tử vong khác liên quan đến virus corona.
Và Nam Phi, nơi có ca nhiễm tăng cao nhất trong một ngày, hiện có số người nhiễm bệnh cao nhất trên lục địa châu Phi.
Chuyện gì đang xảy ra ở Châu Âu?
Các quốc gia Tây Âu, nơi đã ngăn chặn được phần lớn sự lây lan của virus, hiện đang bắt đầu mở lại biên giới và các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, có những đợt tăng cục bộ trên khắp Tây Ban Nha – tệ nhất là ở khu vực phía đông bắc của vùng Catalonia.
Khu vực này một lần nữa ghi nhận sự gia tăng ca nhiễm mới trong một ngày hơn 1.000, và khoảng bốn triệu người ở Barcelona, La Noguera và El Segrià đã được lệnh ở nhà trong 15 ngày.
Các biện pháp ngăn chặn hiện đang được áp dụng gồm cấm các cuộc họp công cộng hơn 10 người, cấm đi thăm viện dưỡng lão, và đóng cửa các phòng tập thể dục và câu lạc bộ ban đêm.
Tây Ban Nha chỉ mới chấm dứt phong tỏa toàn quốc khoảng bốn tuần trước và hy vọng sẽ khởi động lại nền kinh tế, đặc biệt là với số lượng du khách.
Đường phố của Barcelona rất thưa vắng hôm thứ Bảy, mặc dù một số cư dân dường như đã bất chấp lệnh giãn cách xã hội và lái xe đi đến nhà nghỉ của họ.
Các ca nhiễm đang gia tăng ở khu vực phía đông bắc của Catalonia
Nước láng giềng Pháp hiện đang xem việc đóng cửa biên giới với Tây Ban Nha để đối phó với sự gia tăng.
Khi được hỏi liệu có đóng cửa biên giới hay không, Thủ tướng Jean Castex nói: “Chúng tôi đang theo dõi điều này rất chặt chẽ, đặc biệt, bởi vì đây là vấn đề chúng tôi cũng cần thảo luận với chính quyền Tây Ban Nha.”
Biên giới Pháp chỉ được mở lại cho công dân nói chung vào ngày 21/6.
Các kế hoạch cứu trợ virus corona của EU diễn tiến ra sao?
Hôm thứ Bảy, các cuộc thảo luận tại Brussels về một kế hoạch phục hồi kinh tế lớn sau virus corona đã được tiến hành.
Ngày thứ hai của cuộc nói chuyện nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Thủ tướng Ý Giuseppe Conte nói rằng các cuộc đàm phán đã bế tắc nhưng Thủ tướng Áo Sebastian Kurz nói rằng ông nghĩ rằng họ đang đi đúng hướng.
Một số quốc gia ”cần kiệm” phía bắc như Hà Lan và Thụy Điển đã chùn bước với gói trị giá 857 tỷ đôla, cho rằng đây nên là khoản vay chứ không phải là khoản tài trợ.
Một kế hoạch sửa đổi sẽ giảm bớt mức tài trợ nhưng dường như còn một chặng đường dài mới đến được đó.
Các cuộc đàm phán đang kéo dài qua ngày thứ ba hôm Chủ Nhật.
WHO ghi nhận ca nhiễm COVID-19 tăng kỷ lục
ngày thứ hai liên tiếp
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 tăng lỷ lục ngày thứ hai liên tiếp trên toàn thế giới với gần 260 ca trong vòng 24 giờ, theo Reuters.
Con số gia tăng cao nhất hôm 18/7 là từ các nước Mỹ, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi.
WHO xác nhận kỷ lục trước đó về ca nhiễm mới trên toàn thế giới là gần 240 nghìn ca.
Theo Reuters, các ca tử vong cũng tăng 7.360 ca, mức tăng một ngày cao nhất kể từ hôm 10/5.
Tỷ lệ người chết trung bình 4.800 một ngày trong tháng Bảy, tăng nhẹ so với mức 4.600 một ngày tháng trước.
Theo Reuters, tổng số ca nhiễm trên toàn cầu vượt mức 14 triệu ca cuối tuần trước.
Đây được coi là một dấu mốc nữa trong đợt dịch bệnh đã làm gần 600 nghìn người tử vong trong vòng bảy tháng qua.
Ấn Độ tuần trước trở thành quốc gia thứ ba ghi nhận hơn một triệu ca nhiễm, đứng sau Mỹ và Brazil.
Dịch Covid-19 tăng tốc trên thế giới,
đẩy số tử vong vượt ngưỡng 600.000 người
Trọng Nghĩa|Thanh Hà
Đại dịch Covid-19 càng lúc càng có dấu hiệu lan mạnh trở lại trên thế giới, đặc biệt tại các ổ dịch lớn hiện nay. Ngày 18/07/2020, Tổ chức Y tế Thế giới WHO/OMS báo động về số ca nhiễm toàn cầu trong ngày tiếp tục tăng kỷ lục.
Trong khi đó, theo hãng tin Pháp AFP, tính đến 01 giờ GMT sáng ngày 19/07, dịch bệnh do virus corona chủng mới gây ra đã giết chết hơn 600.000 người trên thế giới kể từ khi bùng lên tại Trung Quốc vào cuối năm 2019.
Trong một bản thông cáo công bố tại Genève, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết số ca nhiễm Covid-19 trên thế giới đã tăng thêm gần 260.000 trong ngày 18/07 – chính xác là 259.848 ca.
Đây là một kỷ lục mới sau con số vốn đã cực cao là 237.743 ca Covid-19 mới ghi nhận một hôm trước đó, những mức tăng lớn nhất trong một ngày kể từ khi đại dịch bùng lên tại Trung Quốc. Các quốc gia có số ca nhiễm mới cao nhất trong ngày 18/07 là Mỹ (71.484), Brazil (45.403), Ấn Độ (34.884) và Nam Phi (13.373).
Số người chết vì virus corona trên toàn cầu cũng tăng thêm 7.360 người, mức tăng hàng ngày cao nhất kể từ ngày 10/05. Theo AFP, đà tăng đáng sợ này đã đẩy số ca tử vong vì Covid-19 trên toàn thế giới vượt mức 600.000 người, cụ thể là 600.523 trường hợp tử vong, bao gồm hơn 200.000 ca ở châu Âu, khu vực bị tác hại nặng nề nhất cho đến nay, và 160.000 ca ở châu Mỹ Latinh, nơi dịch bệnh đang lây lan dữ dội.
Hoa Kỳ đứng thứ ba trong danh sách đáng buồn nói trên với hơn 140.000 người chết. Tình hình Mỹ đang rất đáng lo ngại vì số ca nhiễm mới tiếp tục ở mức cao ngất ngưỡng ttừ nhiều ngày nay. Đại Học Johns Hopkins ghi nhận thêm 60.207 ca nhiễm trong ngày, sau ba ngày liên tiếp có đến hơn 70.000 ca nhiễm mới trong 24 tiếng đồng hồ.
Iran : Hơn 35 triệu người nhiễm Covid-19 ?
Theo hãng tin Pháp AFP, tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 18/07 tuyên bố rằng có thể đã có đến 25 triệu người dân nước này bị nhiễm virus corona chủng mới, và con số này có thể lên đến 35 triệu người.
Nguyên thủ Nhà Nước Iran cho là, trong những ngày sắp tới đây, số người nhập viện vì dịch bệnh có thể tăng lên gấp đôi so với 5 tháng vừa qua. Theo AFP, các tuyên bố trên đây của tổng thống Iran là dấu hiệu cho thấy nước Cộng Hòa Hồi Giáo này có thể là đang áp dụng biện pháp miễn dịch cộng đồng để chống Covid-19.
Covid-19 : Biên giới Pháp – Tây Ban Nha có nguy cơ bị đóng cửa
Tại châu Âu, gần 4 triệu dân cư thành phố Barcelona, thành phố lớn thứ hai tại Tây Ban Nha được kêu gọi hạn chế ra phố do số ca nhiễm mới đã tăng lên gấp ba lần trong vỏn vẹn một tuần lễ. Chính quyền địa phương từ ngày 18/7 đã ra lệnh đóng cửa tất cả các rạp xi-nê, nhà hát hay hộp đêm, cấm mọi cuộc tụ tập trên 10 người. Với trên 28.000 người chết từ đầu mùa dịch, Tây Ban Nha là một trong những quốc gia bị nặng nhất trên thế giới.
Biên giới Pháp – Tây Ban Nha vừa được mở cửa lại hôm 21/06/2020, nhưng thủ tướng Pháp, Jean Castex không loại trừ khả năng lại đóng cửa biên giới với Tây Ban Nha trong trường hợp tình hình xấu đi thêm. Cùng lúc, kể từ thứ Hai 20/07/2020, tại Pháp, quy định bắt buộc phải đeo khẩu trang sẽ được áp dụng cho tất cả mọi người khi lui tới các nơi công cộng khép kín. Tình hình tại vùng lãnh thổ hải ngoại Guyane, ở Nam Mỹ, có dấu hiệu được cải thiện : số ca lây nhiễm mới, số người phải nhập viện và các trường hợp tử vong bắt đầu thuyên giảm.
Tại sao nhiều người bất tài
lại được làm sếp người khác?
David Robson
Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao thế giới đầy rẫy những người vô cùng bất tài trong chính công việc mà họ được trả lương để làm không? Một nhà giáo dục kỳ quặc có tên là Laurence J Peter có thể có câu trả lời cho bạn.
Làm thầy giáo ở Canada vào những năm 1940, Peter đã cảm thấy khó hiểu với hành vi vụng về của những người ngang hàng và cấp trên của ông.
Chẳng hạn, ông nộp đơn xin gia nhập học khu mới rồi cuối cùng bị trả lại tất cả các mẫu đơn và hồ sơ. Hồ sơ đó không có gì sai – nhưng Bộ Giáo dục nói với ông rằng họ không thể chấp nhận bưu kiện đó vì nó không được đăng ký chuyển phát có bảo đảm tại bưu điện, mặc dù thực tế là nó đã đến nơi an toàn.
Làm sao mà một người có thể ngu ngốc đến mức đề ra quy tắc như thế lại có được một vị trí trong Bộ Giáo dục?
Peter đã sớm nhìn thấy những hành vi ngớ ngẩn như thế khắp nơi xung quanh ông – trong chính trị, báo chí, quân đội và luật pháp. “Sự thiếu năng lực trong công việc có ở khắp nơi,” ông đã viết như thế trong một cuốn sách bán chạy về chủ đề này.
Cuốn sách, được xuất bản vào năm 1969, đã tìm cách giải thích tại sao lại có chuyện đó.
Theo quan điểm của Peter, hầu hết mọi người đều được cất nhắc dựa trên thành tích hiện tại của họ mà không có sự cân nhắc thực sự về khả năng họ để có thể đảm nhận trách nhiệm cao hơn.
Kết quả là chúng ta rất có thể sẽ làm việc dở hơn trong công việc hiện tại so với công việc trước đây. Khi chúng ta leo lên một, hai hoặc ba nấc thang nghề nghiệp, thành tích của chúng ta có thể tệ đến mức chúng ta không còn đảm bảo có thể được thăng tiến hơn nữa.
Đến lúc này, chúng ta đã đạt đến giới hạn của mình và không thể cải thiện thêm nữa, và vì vậy cuối cùng chúng ta làm bực mình các đồng nghiệp và khách hàng của mình với sự bất lực trong công việc.
Cuối cùng, “mỗi người nhân viên đều có xu hướng đi lên trong mức độ bất lực của mình”, ông viết – một quy luật mà ông gọi là ‘Nguyên lý Peter’.
Peter J Lawrence viết trong cuốn sách bán chạy của mình hồi 1969, ‘The Peter Princple’, rằng ‘mọi nhân viên đều thăng tiến tới khi đạt điểm bất tài của mình
Cuốn sách đó phần lớn mang tính châm biếm – nỗ lực phản kháng của một học giả hàn lâm. Chỉ đến gần đây, các nhà khoa học tổ chức và tâm lý học mới kiểm nghiệm xem nguyên lý này có thực sự đúng hay không.
Mức độ thiếu năng lực cao
Có lẽ bị thúc đẩy bởi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 – và việc ra quyết định sai lầm đằng sau nó – nhiều nghiên cứu về Nguyên lý Peter đã được thực hiện trong thập kỷ qua.
Trong số những công trình này, bằng chứng thuyết phục nhất cho giả thuyết này đến từ một nghiên cứu mới đây thực hiện trên 131 công ty (hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sản xuất và các nghề nghiệp đòi hỏi chuyên môn cao) vốn đều sử dụng cùng một phần mềm quản lý hiệu suất. Điều này cho phép các nhà nghiên cứu khai thác dữ liệu (đã được ẩn danh) của gần 39.000 nhân viên kinh doanh, 1.553 người trong số họ được đề bạt nắm vai trò quản lý trong khoảng thời gian sáu năm của cuộc nghiên cứu.
Đúng như bạn nghĩ, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng những nhân viên kinh doanh giỏi nhất là những người thường được thăng chức. Để đánh giá năng lực của họ trong vị trí quản lý mới, các nhà nghiên cứu sau đó đã kiểm tra tác động của động thái này đối với các thành viên trong bộ phận của họ.
“Các nhà quản lý này chịu trách nhiệm đào tạo, phân bổ và chỉ đạo các nhân viên kinh doanh dưới quyền,” Kelly Shue tại Trường Quản trị Kinh doanh, Đại học Yale, nói. “Vì vậy, để biết ai đó là một người quản lý tốt, về cơ bản chúng tôi xem xét mức độ họ cải thiện hoặc thay đổi hiệu suất của cấp dưới của họ đến đâu.”
Nếu như những người trước đây có thành tích cao thực sự có năng lực trong công việc mới, bạn sẽ nghĩ rằng cả nhóm do họ phụ trách sẽ đạt hiệu suất trung bình cao hơn.
Thật không may, đó không phải là những gì Shue nhìn thấy.
Các quản lý từng là nhân viên kinh doanh làm việc rất tốt có xu hướng không mang lại cú hích đáng kể cho các đồng nghiệp của họ, trong khi những người từng có thành tích thấp hơn thường làm tốt hơn nhiều trong việc tăng doanh số trung bình của cả nhóm.
Shue không hoàn toàn ngạc nhiên với kết quả. “Chúng tôi xem xét doanh số một phần bởi vì có rất nhiều phàn nàn về Nguyên lý Peter trong bối cảnh đó,” bà cho biết.
Thật ra, một nguồn cảm hứng cho việc này là phiên bản Mỹ của phim The Office, trong đó nhân vật chính Michael Scott – vốn từng là nhân viên kinh doanh xuất sắc – đã trở thành một quản lý vô cùng tồi tệ.
Trong phiên bản Mỹ của bộ phim The Office, diễn viên Steve Carell vào vai Michael Scott – một người từng là nhân viên bán hàng xuất sắc nhưng lại trở thành một viên quản lý cực dở
Có rất nhiều nguyên nhân khả dĩ tại sao điều này lại xảy ra, Shue nói. Chẳng hạn, sự thúc đẩy cá nhân – thậm chí là sự hùng hổ – vốn là điều cần thiết để tăng doanh số cá nhân không nhất thiết trở thành các kỹ năng cần thiết để thúc đẩy người khác.
“Có thể là kiểu kinh nghiệm hoặc kiểu người giúp họ có doanh số rất cao cũng là nguyên nhân khiến họ trở thành những quản lý kém hiệu quả,” bà giải thích. Theo lập luận này, Shue nhận thấy rằng những nhân viên kinh doanh từng có thành tích làm việc nhóm có xu hướng trở thành những người quản lý tốt hơn nhiều.
Mặc dù bà chưa có dữ liệu, Shue đồ rằng các vấn đề do Nguyên lý Peter đưa ra cũng có thể đầy rẫy trong khoa học, công nghệ và kỹ thuật.
“Các nhà khoa học và kỹ sư giỏi nhất – và số này bao gồm tất cả những nhà sáng lập các công ty khởi nghiệp – có thể không phải là người phù hợp để cuối cùng lãnh đạo tổ chức hoặc lãnh đạo công ty,” bà nói. “Bạn có thể thấy có sự khác biệt như thế nào về kỹ năng cần thiết để trở thành nhà khoa học hàng đầu so với nhà quản lý hàng đầu các nhà khoa học.”
Như Lawrence J Peter đã lưu ý ngay từ đầu trong cuốn sách của ông, sự xuất hiện của những nhà quản lý bất tài cũng là một phàn nàn phổ biến trong giới học thuật và giáo dục. “Nhà nghiên cứu giỏi nhất hoặc người giảng dạy giỏi nhất có thể không phải là hiệu trưởng hay trưởng khoa của trường,” bà Shue nói.
Sếp nên là người thế nào?
Với những phát hiện này, chúng ta có thể kết luận rằng chúng ta nên bỏ qua thành tích hiện tại của nhân viên và chỉ cất nhắc họ dựa trên những tiêu chí như kỹ năng làm việc với mọi người của họ.
Tuy nhiên, chiến lược đó cũng có cái giá của nó.
Khả năng thăng tiến là sự thúc đẩy tích cực đối với nhiều người, giúp tăng cường hiệu suất cá nhân của họ. Việc loại bỏ đi động lực đó có thể dẫn đến tình trạng năng suất giảm sút trong toàn lực lượng lao động.
Ngoài ra, trong các nhân viên cũng tồn tại cảm giác bất mãn sau khi một đồng nghiệp không có thành tích lại được cất nhắc trước.
Các phân tích của Shue trên số liệu của các nhóm kinh doanh cho thấy các nhân viên có thành tích cao có khả năng nghỉ việc cao hơn khoảng 23% nếu họ bị bỏ qua mà thay vào đó là một đồng nghiệp kém năng lực hơn lại được cất nhắc.
Thực tế là chúng ta thường cảm thấy yên tâm khi được quản lý bởi một người đã chứng minh được năng lực của họ trong công việc, như bà Amanda Goodall tại Trường Kinh doanh Cass ở London đã phát hiện ra gần đây.
Không giống như Shue, Goodall không xem xét thước đo khách quan về thành tích, mà thay vào đó tìm hiểu xem nhân viên cảm thấy thế nào về người sếp của họ – chẳng hạn họ có bất mãn với những thứ như là khó khăn trong giao tiếp hay không.
Phân tích dữ liệu từ một cuộc khảo sát trên toàn châu Âu với 28.000 nhân viên, bà phát hiện ra rằng chỉ có 13% trong số họ không hài lòng với người sếp hiện tại của họ (một con số thấp đáng kinh ngạc, nếu nghĩ đến việc truyền thông nhấn mạnh những người sếp tồi tệ có nhiều như thế nào).
Điều quan trọng là Goodall thấy rằng lời than phiền thường gặp nhất là những người sếp thiếu kiến thức chuyên môn. Phát hiện này ăn khớp với nghiên cứu trước đây của bà, vốn cho thấy năng lực kỹ thuật của một người sếp – về cơ bản là họ có thể làm công việc của bạn nếu cần hay không – dự đoán rất chính xác sự hài lòng nói chung của nhân viên.
Nếu bạn nằm dưới tay một người nào đó không thực sự hiểu hệ thống mà bạn đang sử dụng hoặc các nhiệm vụ hàng ngày để hoàn thành công việc, họ có thể áp đặt các quy trình mới không cần thiết chỉ làm mất thời gian của bạn, bà nói. Hoặc họ có thể rất khó khăn để có thể hiểu được làm cách nào là tốt nhất để hỗ trợ bạn trong giai đoạn đặc biệt thách thức.
Cho dù lý do cụ thể cho sự bất mãn của họ là gì đi nữa, nghiên cứu của Goodall đặt nghi vấn về giá trị của các vị quản lý ‘chung chung’, những người chuyển từ công ty này sang công ty khác mà không có chuyên môn cốt lõi trong một lĩnh vực cụ thể.
“Người ta tin rằng nếu bạn có bằng MBA hoặc các chuyên ngành về quản lý khác, thì điều đó có nghĩa là bạn [đương nhiên] là một nhà quản lý tốt, nhưng tất cả các bằng chứng của chúng tôi cho thấy rằng điều đó hoàn toàn không phải như vậy,” Goodall nói.
Ví dụ, trong y tế, ‘rất nhiều người nghĩ rằng nên để các bác sĩ làm nghề y còn hãy để công tác điều hành bệnh viện cho nhà quản lý đảm nhận, nhưng nghiên cứu cho thấy điều đó thực sự sai lầm. Bạn cần bác sĩ lãnh đạo các bác sĩ khác, bởi vì họ hiểu họ cần gì nếu đứng vào vị trí của nhân viên.”
Nghiên cứu của Goodall cho thấy trong lĩnh vực y tế, các bác sỹ cần được quản lý bởi các bác sỹ khác, bởi điều đó giúp cho người đứng ở cương vị quản lý hiểu rõ nhân viên dưới quyền cần gì
Thế lưỡng nan trong tuyển dụng
Tất cả những điều này đặt ra một vấn đề vô cùng nan giải cho các công ty tuyển dụng cho vị trí trống.
Tập trung quá nhiều vào hiệu suất công việc hiện tại sẽ dẫn đến nguy cơ đề bạt ai đó phải chật vật mới nắm được chiến lược quản lý; tập trung quá nhiều vào các phẩm chất khác và việc họ thiếu chuyên môn kỹ thuật có thể làm mất đi động lực và làm bất mãn các nhân viên còn lại.
Rõ ràng cần phải có sự cân bằng tốt giữa hai thái cực.
Một giải pháp có thể là thay đổi hệ thống phân cấp của công ty.
Chẳng hạn, bà Shue gợi ý rằng nhiều công ty xem xét các hình thức đề bạt khác nhau, thay vì các nấc thang nghề nghiệp điển hình, trong đó nhân viên được thăng cấp từ từ, từ cấp dưới lên cấp quản lý.
Chẳng hạn trong các công ty công nghệ, ‘bạn có thể trở thành Kỹ sư Ưu tú hoặc Kỹ sư Cao cấp và về cơ bản thành tích của bạn được ghi nhận trong chức danh công việc, mà không thay đổi vai trò công việc.’
Ngay cả khi điều đó không tương ứng với mức tăng lương đáng kể, thì việc trân trọng kinh nghiệm theo cách này có thể ngăn nhân viên nhảy sang các công ty khác nếu họ không được trao cho vị trí quản lý.
Bà cho biết rằng một số công ty cũng đã bắt đầu đưa ra hai hình thức đánh giá nhân viên khác nhau – đánh giá thành tích và đánh giá tiềm năng quản lý, vốn xem xét cụ thể hơn các kỹ năng cần thiết cho lãnh đạo. “Nó có lợi ích là thừa nhận rằng thành tích và tiềm năng [lãnh đạo] là hai khía cạnh khác nhau,” bà nói.
Goodall gợi ý rằng giải pháp tốt nhất là đầu tư nhiều hơn vào đào tạo quản lý ‘đáp ứng với yêu cầu của nhà chuyên môn’ trong khi nên tránh khỏi ý tưởng rằng lãnh đạo là kỹ năng có thể luân chuyển qua nhiều ngành khác nhau.
Trong lúc này thì kiến thức về Nguyên lý Peter có thể có ích cho mỗi cá nhân chúng ta.
Nếu bạn thường xuyên thấy bất mãn với sếp của mình (và họ thì không muốn cất nhắc bạn) hoặc với cấp dưới của bạn (và năng lực kém cỏi của họ trong việc thực hiện hướng dẫn của bạn), thì đáng để xem xét khả năng rằng bạn đã đạt đến ‘mức độ bất tài’ của chính mình, theo cách nói của Peter, và bạn chỉ là không biết mà thôi.
Không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận ra – như Peter nói, “năng lực, giống như sự thật, cái đẹp và kính áp tròng, là trong mắt của người nhìn” – nhưng nhận thức khiêm tốn có thể chỉ khuyến khích bạn sửa chữa những khiếm khuyết của mình và xây dựng các kỹ năng hiện đang kìm hãm bạn hoặc để tìm một vị trí mới mà tài năng độc nhất của bạn có giá trị hơn.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC WorkLife.
Thượng đỉnh tái thiết Liên Âu :
Rủi ro thất bại vẫn « tồn tại »
Thanh Hà
Viễn cảnh Liên Âu cho ra đời kết hoạch tái thiết kinh tế 750 tỷ euro còn xa vời. Thượng đỉnh kéo dài hơn dự kiến. Chiều ngày 19/07/2020, lãnh đạo 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu họp lại để đàm phán tiếp. Trong cương vị chủ tịch luân phiên thủ tướng Đức tuyên bố « có khả năng các bên không đạt được kết quả » mong muốn.
Sau hai ngày họp, các vòng đàm phán ráo riết và thương lượng thâu đêm, Liên Hiệp Châu Âu cho đến trưa ngày 19/7 vẫn không đạt được đồng thuận về kế hoạch tái thiết kinh tế chung sau khủng hoảng Covid-19. Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Charles Michel thậm chí đề xuất giảm tỷ lệ các khoản trợ cấp dành cho các thành viên bị tác động nghiêm trọng nhất, hoán chuyển một phần khoản này thành tín dụng được Liên Âu bảo trợ. Trước mắt giải pháp thỏa hiệp này vẫn chưa thuyết phục được nhóm 4 quốc gia nghiêm ngặt trong việc chi tiêu, đứng đầu là Hà Lan.
Thông tín viên Pierre Bénazet từ Bruxelles mô tả cuộc đọ sức quyết liệt và không khí căng thẳng giữa phe đòi được hưởng trợ cấp của Liên Âu và phe đặt điều kiện để trợ giúp tại thượng đỉnh :
« Trước hết là bầu không khí căng thẳng hôm Thứ Sáu 17/7, rồi kế tới là ngày Thứ Bảy, đối thoại có vẻ lắng xuống một chút cho dù “chương trình dầy đặc” (từ trong nguyên văn). Cả ngày hôm qua, 27 thành
viên Liên Hiệp Châu Âu đã mổ xẻ những đề xuất mang tính thỏa hiệp được chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Charles Michel chủ xướng. Kế hoạch này có những dấu hiệu nhượng bộ rõ rệt chiều theo ý phe chủ trương thắt lưng buộc bụng.
Những nước này đánh giá các đề nghị của ông Charles Michel có 3 điểm tích cực. Đề nghị thứ nhất liên quan đến khoản đóng góp của các nước được hưởng trợ cấp trong ngân sách chung của Liên Hiệp Châu Âu cho giai đoạn 2021 -2027. Thứ hai là nếu như có những nghi ngờ, các bên có quyền yêu cầu cho mở một cuộc thảo luận trước Hội Đồng Châu Âu để được giải thích xem các khoản trợ giúp của Liên Âu được dùng vào việc gì. Sau cùng là đề xuất giảm tỷ lệ các khoản trợ cấp trực tiếp cho các thành viên gặp khó khăn, thay thế vào đó bằng khoản tín dụng do Liên Âu bảo lãnh.
Điểm cuối cùng này là một dấu hiệu hòa hoãn đối với phe chủ trương thắt lưng buộc bụng. Nhưng phe này vẫn chưa hài lòng và đòi phải giảm thiểu hơn nữa phần trợ cấp trực tiếp. Thương lượng đột ngột bị gián đoạn và thượng đỉnh thiếu chút nữa đã phải giải tán. Nhưng Đức trong cương vị chủ tịch luân phiên khẳng định là 27 thành viên Liên Âu sẵn sàng cùng tìm ra một giải pháp và các bên cần tiếp tục đi theo hướng này. »
Đức, Pháp, Ý dọa trừng phạt
hành động nước ngoài can thiệp vào Libya
Trọng Nghĩa
Ngày 18/07/2020, lãnh đạo ba nước Đức, Pháp và Ý chính thức ra tuyên bố sẵn sàng áp đặt trừng phạt nhắm vào các thế lực nước ngoài vi phạm lệnh cấm vận vũ khí ở Libya.
Trong một thông cáo chung, tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ tướng Ý Giuseppe Conte tuyên bố: « Chúng tôi kêu gọi tất cả các tác nhân nước ngoài hãy ngưng can thiệp và tôn trọng lệnh cấm vận vũ khí mà Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã đưa ra ». Lãnh đạo ba nước châu Âu khẳng định « sẵn sàng sử dụng đến biện pháp trừng phạt nếu các vụ vi phạm trên biển, trên bộ và trên không tiếp tục xảy ra ».
Bản thông cáo chung được Paris, Berlin và Rôma đưa ra bên lề cuộc họp thượng đỉnh tại Bruxelles, bàn về kế hoạch chấn hưng châu Âu sau dịch Covid-19. Ba nhà lãnh đạo Đức, Pháp, Ý còn kêu gọi « tất cả các bên ở Libya cũng như hậu thuẫn nước ngoài của họ, là hãy chấm dứt ngay các trận đánh », và tỏ lo ngại thật sự trước căng thẳng quân sự gia tăng tại quốc gia này. Tuy nhiên, bản thông cáo không nêu đích danh một quốc gia cụ thể nào.
Đầu tháng 7/2020, chính tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Antonio Guterres, nhắc đến hồ sơ Libya khi tố cáo « mức độ can thiệp chưa từng thấy » của ngoại bang vào Libya, với việc « cung cấp thiết bị hiện đại và số lượng lính đánh thuê tham gia trực tiếp các trận đánh ».
Libya rơi vào nội chiến từ năm 2011, sau khi lãnh đạo Kadhafi bị lật đổ và ám sát. Hiện có hai phe đối đầu nhau hiện nay, một bên là chính quyền được Liên Hiệp Quốc công nhận của thủ tướng Fayez al-Sarraj ở Tripoli phía Tây Libya, được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ, và bên kia là tướng Khalifa Haftar, thống trị miền đông và một phần miền nam Libya, được hậu thuẫn của Nga, Ai Cập và các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.
Anh cáo buộc TQ ngược đãi thô bạo
người Uighurs ở Tân Cương
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền một cách “kinh tởm và quá đáng” đối với người Uighur, và nói không loại trừ việc áp lệnh trừng phạt đối với những người phải chịu trách nhiệm trong chuyện này.
Các tường thuật về tình trạng triệt sản bắt buộc và đàn áp rộng khắp đối với nhóm người Hồi giáo này “gợi nhớ lại những điều chưa từng chứng kiến từ lâu rồi”, ông nói với BBC.
Anh sẽ làm việc với các đồng minh để có hành động thích hợp, ông nói.
Đại sứ Trung Quốc tại Anh nói trong chương trình phỏng vấn của phóng viên BBC Andrew Marr rằng tin nói có những trại tập trung là “giả”.
Ông Lưu Hiểu Minh nói với Andrew Marr rằng người Uighurs được đối xử giống như bất kỳ các nhóm sắc tộc nào khác ở Trung Quốc.
Khi được cho xem các hình ảnh do camera bay ghi được cho thấy có vẻ như có người Uighurs bị bịt mắt dẫn tới tàu hỏa, và hình ảnh này đã được cơ quan an ninh Úc xác thực, ông Lưu nói ông “không biết” là đoạn video đó chiếu hình ảnh gì, và “đôi khi quý vị phải di chuyển tù nhân, ở nước nào cũng vậy thôi”.
“Không có cái gọi là các trại tập trung ở Tân Cương,” ông nói thêm. “Có rất nhiều cáo buộc giả nhằm chống lại Trung Quốc.”
Người ta tin rằng có khoảng một triệu người Uighur và các nhóm người khác hầu hết là theo Hồi giáo bị giam giữ ở Trung Quốc, tại những nơi mà nhà nước gọi là các trại “cải tạo”.
Trước đây Trung Quốc từng bác bỏ việc có các trại này tồn tại, nhưng sau nói việc xây dựng các trung tâm đó là biện pháp cần thiết để chống khủng bố, sau khi có tình trạng bạo lực đòi ly khai ở vùng Tân Cương.
Gần đây, giới chức bị cáo buộc là đã cưỡng bức phụ nữ phải triệt sản hoặc phải đặt vòng tránh thai, nhằm hạn chế dân số, và điều này đã dẫn đến việc có những lời kêu gọi Liên Hiệp Quốc phải điều tra.
‘Rất có vấn đề’
Khi được hỏi liệu việc đối xử với người Uighurs như vậy có đáp ứng với định nghĩa pháp lý về diệt chủng hay không, ông Raab nói cộng đồng quốc tế cần phải “cẩn thận” trước khi đưa ra các cáo buộc như vậy.
Nhưng ông nói: “Bất kể là mang nhãn hiệu pháp lý là gì, thì rõ ràng là sự vi phạm nhân quyền kinh tởm, quá đáng đang diễn ra.
“Nó rất rất có vấn đề, và các tường thuật về khía cạnh nhân đạo của chuyện này, từ việc buộc triệt sản cho đến các trại cải tạo – đang gợi nhớ lại những điều mà chúng ta đã từ rất lâu rồi không còn phải thấy.
“Chúng ta muốn có một mối quan hệ tích cực với Trung Quốc, nhưng chúng ta không thể chứng kiến cách hành xử như thế mà không lên tiếng.”
Phụ nữ Uighur phải đối diện với chương trình “thô bạo” kiểm soát sinh nở, các tường thuật nói
Đang ngày càng có nhiều lời kêu gọi là Anh cần phải áp các lệnh trừng phạt như phong tỏa tài sản và cấm đi lại đối với các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm về việc đàn áp người Uighurs.
Anh Quốc gần đây đã có hành động đối với các tướng lĩnh cao cấp của Myanmar, những người tổ chức chiến dịch bạo lực chống lại người Rohingya, và với các tổ chức của Bắc Hàn đứng sau các trại cải tạo lao động cưỡng bức.
Ông Raab nói điều này cho thấy Anh sẵn sàng có hành động đơn phương cũng như thông qua các tổ chức như Liên Hiệp Quốc.
Các dân biểu đảng Bảo thủ ở Anh cũng đang gây áp lực để chính phủ có hành động đối với các quan chức cao cấp của chính quyền Hong Kong, sau khi Trung Quốc ra luật an ninh mới, điều mà Anh gọi là vi phạm các thỏa thuận quốc tế về bảo vệ quyền tự do.
‘Ăn miếng trả miếng’
Nói trong chương trình The Andrew Marr Show của BBC, ông đại sứ Trung Quốc nói rằng nếu Anh – nước đã đề nghị trao cho ba triệu người Hong Kong đủ điều kiện cơ hội nhập tịch Anh – nhắm vào các quan chức Hong Kong thì nước ông sẽ trả đũa.
“Nếu như Anh đi tới mức áp lệnh trừng phạt lên bất kỳ cá nhân nào tại Trung Quốc, thì Trung Quốc chắc chắn sẽ có phản ứng quyết liệt,” ông nói.
Ông nói các cáo buộc “thanh lọc sắc tộc” đối với người Uighurs là vô căn cứ, và nói họ “đang sinh sống yên bình, hòa hợp với các dân tộc khác”.
Ông nói rằng các số liệu theo đó nói mức tăng dân trong các khu vực có người Uighurs sinh sống giảm 84% trong thời gian 2015 đến 2018 là “không đúng”, và nói dân số Uighurs ở toàn vùng Tân Cương là cao “gấp đôi” trong thời gian bốn thập kỷ qua.
“Không có cái gọi là cưỡng bức triệt sản lan tràn, hàng loạt trong cộng đồng người Uighur ở Trung Quốc,” ông nói thêm. “Chính sách của nhà nước hoàn toàn phản đối điều đó.”
Tuy ông “không thể loại trừ là có các vụ đơn lẻ” bị triệt sản, nhưng ông nói “chúng tôi đối xử với mọi sắc tộc bình đẳng như nhau”.
Pháp: Nghi có kẻ đốt nhà thờ
Saint-Pierre-et-Saint-Paul ở thành phố Nantes
Có khói bốc ra từ các cửa sổ nhà thờ
Một đám cháy tại nhà thờ ở thành phố Nantes, Pháp, được cho là do chủ ý đốt phá, các công tố viên cho biết.
Ba đám cháy bùng lên tại địa điểm nhà thờ, và một cuộc điều tra có kẻ chủ ý đốt phá đang được tiến hành, Công tố viên Pierre Sennes nói.
Đám cháy hủy hoại các cửa sổ kính màu và chiếc đàn organ dương cầm tại nhà thờ Saint-Pierre-et-Saint-Paul, được xây dựng từ Thế kỷ thứ 15.
Vụ cháy xảy ra một năm sau vụ hỏa hoạn lớn thiêu hủy Nhà thờ Đức Bà ở Paris.
Nhưng trưởng lực lượng chữa cháy của thành phố cho biết các đám cháy đã được kiểm soát và vụ này “không phải là một viễn cảnh Nhà thờ Đức Bà.”
“Thiệt hại chủ yếu là chiếc đàn organ, vật có vẻ như hoàn toàn bị cháy trụi. Mặt sàn nơi chiếc organ nằm trên cũng rất lung lay và có nguy cơ bị sập,” ông Laurent Ferlay nói với các phóng viên.
Mái nhà thờ chưa bị lửa chạm đến, ông nói.
Tổng thống Emmanuel Macron đã có phản ứng trên Twitter: “Sau Nhà thờ Đức Bà, Nhà thờ Thánh Peter và Thánh Paul lại bị cháy. Hãy ủng hộ những người lính cứu hỏa, những người đang bất chấp rủi ro để cứu viên ngọc Gothic.”
Ngọn lửa được kiểm soát sau vài tiếng
Lực lượng cứu hỏa Pháp đăng hình ảnh đám cháy trên Twitter.
Vụ hỏa hoạn xảy ra vào sáng sớm thứ Bảy, với các ngọn lửa bốc cao bên ngoài nhà thờ. Trên 100 lính cứu hỏa đã dập được đám cháy sau vài tiếng.
Ông Sennes nói cảnh sát quốc gia sẽ tham gia vào cuộc điều tra và một chuyên gia hỏa hoạn đang trên đường đến Nantes.
“Khi chúng tôi tới nơi vụ hỏa hoạn xảy ra, khi bạn thấy có ba đám cháy riêng lẻ, thì mở một cuộc điều tra là chuyện hợp lý,” ông nói.
Người bán hàng tạp hóa nhỏ Jean-Yves Burban cho biết ông nghe thấy một tiếng nổ lớn lúc 7:30 giờ địa phương và thấy lửa cháy.
“Tôi choáng váng vì thôi đã ở đây tám năm và tôi nhìn ra nhà thờ mỗi sáng và mỗi tối. Đây là nhà thờ của chúng tôi và tôi chảy nước mắt,” ông nói với Reuters.
Người dân tại tại nơi xảy ra hỏa hoạn
Đây không phải là vụ hỏa hoạn đầu tiên ở nhà thờ này. Nhà thờ bị đánh bom năm 1944 trong Đại chiến Thế giới II, và sau đó năm 1972 mái nhà thờ bị hỏng nặng.
13 năm sau, nhà thờ được xây dựng lại và một mái bê tông thay thế mái gỗ cũ.
Năm 2015, một hủy hoại lớn phá hủy một phần thánh đường thánh Saint-Donatien từ thế kỷ thứ 19 ở Nantes.
Tàu cao tốc Paris – Berlin 4 giờ:
Điều kiện thành công của kế hoạch hậu Covid ?
Trọng Thành
Trước thềm thượng đỉnh Liên Âu bàn về ngân sách cho kế hoạch chấn hưng hậu Covid, một cơ quan nghiên cứu độc lập về kinh tế của Pháp vừa công bố một kế hoạch chấn hưng châu Âu cụ thể. Nội dung chính là dự án 4 tuyến đường sắt cao tốc xuyên châu Âu, trong đó chặng Paris – Berlin rút xuống còn 4 giờ. Tàu cao tốc xuyên châu Âu được coi là điều kiện cho thành công của kế hoạch chấn hưng.
Observatoire français des conjonctures économiques – OFCE (Đài quan sát các cơ hội kinh tế Pháp), cùng hai viện nghiên cứu Đức (IMK) và Áo (WIIW), khẳng định giao thông phải là nền tảng của chấn hưng. Trong kế hoạch trị giá 2.000 tỉ euro cho đầu tư trong 10 năm, 75% sẽ dành cho phát triển các dự án xuyên châu Âu lớn, trong đó có các tuyến đường sắt cao tốc.
Cụ thể là, theo dự kiến, châu Âu cần có một hệ thống tàu cao tốc với 4 tuyến xuyên châu Âu, như từ Lisboa (Bồ Đào Nha) đến Helsinki (Phần Lan), hay từ Berlin (Đức) đến Nicosie (đảo Síp) (chặng Paris – Berlin nằm trên tuyến Bồ Đào Nha – Phần Lan rút ngắn còn 4 giờ, so với 8 giờ hiện nay). Tổng chiều dài của toàn bộ hệ thống tàu nhanh (250km/h đến 350 km/h) sẽ là gần 20.000 km, nối liền toàn bộ các thủ đô châu Âu. Tổng số tiền chi cho dự án khổng lồ này là khoảng 1.100 tỉ euro.
AFP dẫn lời ông Jérôme Creel, giám đốc bộ phận nghiên cứu của OFCE cho biết một kế hoạch chấn hưng đúng nghĩa « phải tập trung vào một dự án cụ thể, trước khi đặt vấn đề về phương thức tài trợ ». Theo OFCE, một dự án đường sắt cao tốc như vậy là cấp thiết. Bên cạnh việc cho phép thắt chặt quan hệ giữa các nước châu Âu và không để bị tụt hậu trước Trung Quốc trong lĩnh vực đường sắt cao tốc, dự án 4 tuyến đường cao tốc xuyên châu Âu còn đáp ứng mục tiêu của dự án chuyển sang kinh tế Xanh (Green New Deal) của Liên Âu, hướng đến nền kinh tế trung hòa về khí thải trước 2050.
Theo dự án của Ủy Ban Châu Âu, giao thông chiếm một phần tư lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tham vọng của châu Âu là giảm 90% khí thải trong lĩnh vực giao thông trước năm 2050. Dự kiến 75% lưu lượng vận chuyển đường bộ sẽ được chuyển qua vận tải đường sắt và vận tải đường sông - đường biển. Đường sắt trong tương lai sẽ là phương tiện chủ yếu cho việc đi lại giữa các thủ đô châu Âu.
Thực ra dự án xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc xuyên châu Âu hoàn toàn không phải là điều mới. Cách nay không lâu, dự án này vẫn được coi là điều không thực tế. Tháng 6/2018, cơ quan phụ trách giám sát tài chính của Liên Âu từng ra một báo cáo khẳng định một mạng lưới đường sắt cao tốc tại châu Âu vốn có vào thời điểm đó là « không hiệu quả » và quá tốn kém, một phần lớn là do tình trạng manh mún của đường sắt cao tốc châu Âu, mỗi quốc gia mạnh ai nấy làm theo cách của mình. Báo cáo của định chế châu Âu nói trên đưa ra kết luận dựa trên việc khảo sát 5.000 km đường sắt cao tốc hiện có tại nhiều nước châu Âu, với tổng chiều dài 5.000 km, chiếm một nửa mạng đường cao tốc châu Âu.
Tuy nhiên, giờ đây với quyết định lịch sử chuyển mạnh sang nền kinh tế Xanh (Green New Deal), dự án các tuyến đường sắt cao tốc xuyên châu Âu có cơ hội được xem xét nghiêm túc. Tháng 3/2020, Ủy Ban Châu Âu đề nghị lấy năm 2021 là Năm Đường Sắt Châu Âu. Về mặt lý tưởng, tạo lập một hệ thống đường sắt cao tốc xuyên châu Âu, ưu tiên đi lại bằng đường sắt được hy vọng là sẽ cho phép Liên Hiệp Châu Âu trở nên gắn bó hơn, giao thông mau lẹ và an toàn hơn, đi liền với tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững hơn. Trong hy vọng đặt vào đường sắt châu Âu nói chung, hệ thống đường sắt cao tốc sẽ có vai trò gì?
Versailles có nguy cơ thành Disneyland ?
Tuấn Thảo
Với hơn 7 triệu lượt khách tham quan hàng năm, lâu đài Versailles là một trong những quần thể xây dựng thuộc vào hàng lớn nhất châu Âu. Kết hợp lối kiến trúc cổ điển hài hoà với những đường nét chấm phá nghệ thuật baroque, cung điện Versailles từng được tổ chức UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1979. Điều đó có thể giải thích vì sao đang có một cuộc tranh luận khá sôi nổi tại Pháp về dự án biến đổi một phần trong quần thể kiến trúc lâu đài Versailles thành khách sạn năm sao. (Tạp chí phát lần đầu ngày 28/08/2015).
Từ đây cho tới hạn chót là ngày 14 tháng 9 năm 2015, các tập đoàn khách sạn quốc tế phải nộp hồ sơ đấu thầu cho Cơ quan Quốc gia quản lý lâu đài Versailles. Đây là một dự án có tầm cỡ đặc biệt, vì tập đoàn khách sạn trúng thầu sẽ phải đầu tư khoảng 7 triệu euro để trùng tu một quần thể nhỏ gồm ba dinh thự, nằm trong khuôn viên của cung điện Versailles.
Thời xưa, ba dinh thự này (Pavillon du Grand Contrôle, Hôtel du Petit Contrôle và Pavillon des Premières Cent Marches) gồm một phần là văn phòng làm việc của các quản đốc hành chính, toà đại sảnh ở dinh thự lớn nhất (Grand Contrôle) là phòng nghỉ dành cho các vị khách mời thường là quan thần triều đình hay là quan chức ngoại giao khi họ đến Versailles để xin yết kiến nhà vua.
Cả ba dinh thự này tọa lạc trong khuôn viên ở phía đông nam của quần thể Versailles. Các cửa sổ nhìn ra khu vườn thượng uyển, nơi có đặt hàng trăm chậu cây cam trồng để làm kiểng. Một khi được trùng tu phục hồi, thì ba dinh thự này sẽ được gọi là “Khách sạn của Vườn cam” (Hôtel de l’Orangerie).
Cơ quan Quốc gia điều hành lâu đài Versailles đồng ý chuyển nhượng quyền khai thác ba dinh thự này cho một tập đoàn khách sạn tư nhân trong vòng 60 năm, với điều kiện là phải dựa vào lối kiến trúc sẵn có và nhất là phải tôn trọng mọi quy định nghiêm ngặt của toàn bộ quần thể xây dựng, và như vậy hẳn chắc là không có chuyện xây phòng xông hơi hay hồ tắm ở ngoài trời, bằng không lâu đài Versailles sẽ mất danh hiệu Di sản Văn hóa Thế giới dễ như chơi.
Cho dù diện tích rất nhỏ, chưa tới 5% quần thể kiến trúc Versailles, nhưng sự kiện một cơ quan nhà nước đem một phần của Versailles, ra đấu thầu để biến thành một dịch vụ thương mại cho thấy được một điều khá nhức nhối : chính phủ Pháp không còn đủ ngân sách để trang trải cho các chi phí bảo tồn các di sản văn hóa. Chính quyền thành phố Versailles cũng không thể nào tăng thêm thuế đánh trên đầu dân cư địa phương, bởi vì làm như vậy, thì trong các cuộc bầu cử sắp tới, các cử tri này sẽ bỏ phiếu cho phe cam kết không tăng thuế.
Với hơn 7 triệu lượt du khách tham quan Versailles hàng năm, trong đó có một nửa (3 triệu rưỡi) mua vé vào thăm Phòng Gương ở bên trong cung điện, nhưng doanh thu vẫn không đủ để chi trả cho toàn bộ chi phí vận hành cũng như sửa sang lâu đài này, vậy thì lấy tiền ở đâu ra để bảo tồn công trình. Trước bài toán nan giải ấy, Cơ quan điều hành Versailles dường như chỉ tập trung vào quần thể chính gồm Phòng Gương đại sảnh, Nhà Nguyện, hai cung điện Grand Trianon và Petit Trianon, trong khi các dinh thự nhỏ ở xung quanh thì lại muốn nhờ đến sự hợp tác của các tập đoàn tư nhân. Tuy nhiên, hiện có rất nhiều ý kiến bênh và chống một dự án như vậy.
Theo lời ông Jean-Michel Raingeard, chủ tịch liên đoàn các tổ chức Bảo tồn Di sản quốc gia (FFSAM), dự án tái tạo một phần quần thể Versailles gây tranh cãi có lẽ là vì nhà nước muốn nhượng quyền khai thác cho một công ty tư nhân qua một hợp đồng cho thuê dài hạn, trong khi đa số dân Pháp vẫn quan niệm rằng một công trình xếp vào hàng di sản quốc gia cần có sự giám sát chặt chẽ từ phía nhà nước, chứ không nên để cho một công ty tư nhân độc quyền khai thác. Dự án tái tạo một phần Versailles làm cho ông liên tưởng đến kế hoạch khai thác dinh thự Hôtel de la Marine nằm ngay trên quảng trường Concorde, sát bên toà lãnh sự Mỹ ở Paris, nằm trên đường Florentin.
Dinh thự Hôtel de la Marine trước đây Bộ Tổng Tham mưu của Hải quân Pháp, và kể từ đầu năm 2015, bộ này sẽ dời cơ sở hoạt động về một nơi khác. Lúc đầu, nhà nước Pháp lên kế hoạch giao cho một tập đoàn tư nhân khai thác thành khách sạn sang trọng, nhưng trước sự phản đối khá mạnh mẽ của công luận, chính phủ Pháp đã nhượng bộ một bước và ủy thác quyền điều hành dinh thự này cho Trung tâm Di sản Văn hóa Quốc gia (CMN).
Theo ông Jean-Michel Raingeard, nếu phải so sánh về vai trò và tầm cỡ, thì ba dinh thự ở Versailles không có nhiều ý nghĩa và biểu tượng lịch sử bằng ‘’Dinh thự Hải quân’’ ở quảng trường Concorde, thế nhưng sự phản đối của dư luận y hệt như nhau trong cả hai trường hợp. Điều đó cho thấy là ở Pháp, việc kinh doanh toàn phần hay một phần di sản quốc gia là một vấn đề hết sức nhạy cảm. Theo ông thì trước khi tiến hành những dự án tái tạo như vậy, nên chăng thăm dò hay tham khảo ý kiến của người dân, nhất là một phần tiền thuế của dân được đưa vào ngân sách của bộ Văn hóa cũng như của các cơ quan nhà nước.
Trong số những người lên tuyến đầu bênh vực cho dự án biến một phần quần thể Versailles thành khách sạn năm sao, có ông Francis Mazière, thị trưởng đương nhiệm của thành phố Versailles. Theo ông, cả ba dinh thự ở Versailles bị bỏ trống kể từ năm 2008, và giờ đây có nhu cầu được sửa chửa và nâng cấp. Quần thể này tuy không quan trọng như Phòng Gương hay Thư phòng của Nhà Vua Louis XIV, nhưng vẫn cần được trùng tu. Theo ông Francis Mazière, bằng cách này hay cách khác, các cơ quan có trách nhiệm buộc phải tìm cách tài trợ dự án bảo tồn, hầu làm sống lại các dinh thự chứ không thể nào bỏ hoang để cho các tòa nhà dần xuống cấp đến nỗi phải phá hủy.
Phe ủng hộ dự án tái tạo còn đi xa hơn nữa khi đưa ra lập luận : ba dinh thự ở Versailles xây vào những năm 1680, từng là nhà nghỉ dành cho một số nhân vật lịch sử nổi tiếng (trong đó có Turgot, Calonne hay Necker ….) Việc biến nhà nghỉ thành khách sạn năm sao là một dự án khả thi. Trong bối cảnh nhà nước cắt giảm trợ cấp bảo tồn, kế họach này cũng đáp ứng được hai mục tiêu.
Thứ nhất, tập đoàn khách sạn trúng thầu sẽ phải chi tổng cộng là 11 triệu euro để nâng cấp khôi phục ba dinh thự, trong đó có gần 2 phần ba chi phí (gần 7 triệu euro) để sửa chửa mái nhà và các mặt tiền. Thứ nhì, một kế hoạch như vậy sẽ tạo thêm việc làm cho các công ty Pháp, nhất là các công ty chuyên trách về các công trình kiến trúc lịch sử, chuyên tuyển dụng các thợ có tay nghề cao, được đào tạo theo kiểu Pháp.
Việc chuyển nhượng quyền khai thác, một khi được quyết định, sẽ kéo dài trong 60 năm. Tập đoàn khách sạn Accor Hotels của Pháp hiện là một trong những ứng cử viên nặng ký nhất tham gia đấu thầu. Nhưng liệu điều đó có đủ để làm cho dư luận Pháp bớt hoang mang trước câu hỏi : cơ quan nhà nước Pháp có thể làm được gì trong trường hợp một công ty ngoại quốc trúng thầu nhưng sau đó không tuân thủ luật chơi đã định.
Trường hợp này đã từng xẩy ra không phải trong ngành khách sạn mà là trong ngành hàng không dân dụng, khi các hãng hàng không giá rẻ nước ngoài (low coast) áp đặt điều kiện của mình sau khi ký hợp đồng khai thác các sân bay nhỏ với cấp chính quyền địa phương. Dĩ nhiên là các sân bay này vẫn được duy trì hoạt động, nhưng về mặt thành quả thì chưa chắc gì người dân địa phương sẽ được hưởng lợi.
“Đừng nhầm lẫn giữa lịch sử văn hóa và kinh doanh du lịch”
Xây khách sạn năm sao phải chăng là một cơ hội tốt để khôi phục các dinh thự ở Versailles. Câu trả lời dường như là không, theo quan điểm của ông Alexandre Gady, sử gia người Pháp chuyên nghiên cứu về kiến trúc thế kỷ XVII. Theo ông, nhà nước Pháp không thể nào viện cớ rằng do không còn đủ tiền trong ngân quỹ, mà đem đi bán đổ bán tháo các tài sản chung của quốc gia, hoặc là chuyển nhượng quyền khai thác các dinh thự lâu đời cho giới kinh doanh và đầu tư tư nhân.
Đa phần các dự án tư nhân cho tới nay thường là một khách sạn năm sao hoặc là một nhà hàng sang trọng dành cho giới có tiền, tức là chỉ phục vụ cho một đối tượng khách hàng, trong khi một công trình di sản quốc gia dù là phải mua vé để vào xem, vẫn là dành cho đại đa số, càng có nhiều người vào tham quan càng tốt. Theo ông vấn đề không phải là giao cho tư nhân khai thác, nếu dự án khai thác ấy hợp lý và khả thi thì tại sao không. Vấn đề cốt lõi vẫn là phục vụ cho đối tượng nào, cho thiểu số hay cho đa số.
Tranh luận về việc Cơ quan điều hành Versailles gọi thầu để biến ba dinh thự thành khách sạn hạng sang, đã tăng thêm một bậc với việc thành lập Hiệp hội bảo vệ lâu đài Versailles (Coordination Défense de Versailles) do ông Arnaud Upinsky đứng đầu. Hiệp hội này chơi chữ bằng cách mượn lại tên của một chương trình truyền hình (J’irai dormir chez vous) để tung ra khẩu hiệu đấu tranh ‘’Tôi sẽ không ngủ ở nhà của vua Louis XIV’’ (Non, je n’irai pas dormir chez Louis XIV). Hiệp hội này đã mở ra một cuộc đánh động dư luận khá mạnh mẽ trên các mạng xã hội và thông qua các kênh truyền thông như báo chí truyền hình.
Tổ chức này đã viết thư lên cả hai bộ Văn hóa và Du lịch để nhắc nhở là công việc bảo tồn các di sản văn hóa trước hết là trách nhiệm của nhà nước và kế đến là của chính phủ do dân bầu lên. Và liệu chính phủ có thể nào tiếp tục tiến hành một dự án như vậy khi theo thăm dò dư luận có đến 57% ý kiến cho biết là bị sốc khi họ biết rằng đang có kế hoạch biến một phần Versailles thành dịch vụ khách sạn năm sao. Vả lại trong hợp đồng chuyển nhượng vẫn chưa thấy có điều kiện nào hạn chế việc kinh doanh các dòng sản phẩm có liên quan, tức là không có gì bảo đảm việc khai thác hình ảnh của Versailles theo kiểu công viên giải trí Disneyland.
Trường hợp của Versailles không phải là cá biệt lẻ loi. Tại Pháp hiện có ít nhất là 4 dự án trùng tu tái tạo tương tự ở các vùng miền khác nhau. Trước hết là dự án xây dựng quần thể khách sạn sát cạnh lâu đài Chambord, ở thung lũng vùng sông Loire. Dự án này sẽ được đưa vào hoạt động kể từ năm tới (2016) và hiện giờ đang có tranh chấp kiện tụng giữa một bên là các hiệp hội dân sự và một bên là chính quyền địa phương. Một dự án khác là bệnh viện Hôtel Dieu ở thành phố Lyon, một quần thể kiến trúc có từ thế kỷ XII và nay được xây dựng lại thành một quần thể khách sạn. Theo dự kiến, quần thể này sẽ mở cửa đón du khách vào năm 2018, nhưng vẫn có kẻ bênh, người chống.
Tuy vẫn chưa ngã ngũ, nhưng các cuộc tranh luận sôi nổi liên quan tới việc trùng tu tái tạo các di sản kiến trúc, thật ra phản ánh hai lối tư duy đối chọi nhau ở Pháp. Một bên là những người quan niệm rằng bất cứ hình thức văn hóa nào cũng có thể biến thành một sản phẩm nhằm mục đích kinh doanh và tại sao không nếu như nhờ vào công việc kinh doanh ấy người ta có thể hái ra tiền để duy trì và nuôi dưỡng văn hóa. Còn bên kia là những người quan niệm rằng văn hóa là một món quà hầu như là vô giá, không nên đổi chác và mua bán, nhưng lại nên mở rộng cho mọi người.
Bằng chứng là ngay cả viện bảo tàng Louvre thuộc vào hàng bảo tàng lớn nhất thế giới, kể từ năm 1793 cho tới nay, vẫn dành riêng ra một số ngày trong năm cho phép mọi người vào cửa miễn phí (ngày lễ Quốc khánh 14/07 và 6 ngày chủ nhật trong năm), cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho một số thành phần trong xã hội vào xem triển lãm.
Qua hình thức này, nước Pháp muốn duy trì quan niệm về văn hóa có từ thế kỷ XVIII, còn được gọi là thế kỷ ánh sáng : quyền lợi khi chỉ dành cho một thiểu số chỉ là đặc ân, khi dành cho đa số mới thật sự phục vụ cho ‘’tiến bộ xã hội’’. Không phải vì tôi nghèo hay tôi không có tiền mà tôi không được quyền tiếp cận văn hóa. Tranh luận về Versailles có sôi nổi mạnh mẽ, một phần là cũng xuất phát từ đó.
Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Trung Cộng và Nga
phản đối “chủ nghĩa đơn phương của Hoa Kỳ”
Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã của Trung Cộng cho biết vào hôm thứ Sáu (17/7), các bộ trưởng bộ ngoại giao của Trung Cộng và Nga tổ chức một cuộc điện đàm với nội dung phản đối “Chủ nghĩa đơn phương của Hoa Kỳ”.
Theo bài báo này, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Cộng Vương Nghị thông báo với người đồng cấp Sergei Lavrov của Nga rằng Bắc Kinh cảm thấy Hoa Kỳ đang hồi sinh một “tâm lý chiến tranh Lạnh” trong chính sách của họ đối với Trung Cộng. Bài báo trích lời ông Lavrov và cho biết rằng Nga phản đối chủ nghĩa đơn phương trong các vấn đề quốc tế.
Bình luận này được đưa ra khi căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng gia tăng về việc Trung Cộng áp đặt luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông, một cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa hai nền kinh tế và cách họ giải quyết sự bùng phát của coronavirus, trong số các tranh chấp ngoại giao khác. (BBT)
Syria: Bầu cử Quốc Hội trong không khí căng thẳng
Trọng Nghĩa
Syria bắt đầu bỏ phiếu bầu lại Quốc Hội ngày 19/07/2020, trong một đất nước bị chiến tranh tàn phá. Theo Ủy Ban Bầu Cử Syria, hơn 7.400 phòng phiếu đã mở cửa từ 7 giờ sáng trong những vùng mà chính quyền Damas kiểm soát, và lần đầu tiên cuộc bỏ phiếu cũng diễn ra trong những căn cứ địa trước đây của phe nổi dậy.
Tuy nhiên, một ngày trước cuộc bỏ phiếu, hai quả bom phát nổ ngay tại thủ đô Damas đã làm một người chết và một người bị thương. Thông tín viên RFI trong vùng, Paul Khalifeh, tường thuật :
« Hai quả bom phát nổ gần một đền thờ ở ngoại ô phía nam Damas, một khu vực mà lực lượng Hezbollah Liban và Vệ Binh Cách Mạng Iran hiện diện đông đảo. Vụ khủng bố xảy ra đúng một hôm trước cuộc bầu cử Quốc Hội lần thứ 3 kể từ đầu cuộc chiến vào năm 2011.
Khác với 2 lần bầu cử trước, cuộc bỏ phiếu lần này cũng diễn ra tại các cứ địa cũ của phe nổi dậy mà quân đội Syria đã đánh chiếm lại, như Ghouta phía đông Damas, hay tỉnh Deraa ở miền nam. Tuy nhiên, bầu cử không diễn ra ở tỉnh Idleb mà phần lớn do quân thánh chiến kiểm soát, hay ở các vùng miền bắc, nơi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng.
Lực lượng Kurdistan, kiểm soát 20% lãnh thổ, hôm qua thông báo là họ không liên can gì “dù gần hay xa” đến cuộc bỏ phiếu này. Một người phát ngôn của lực lượng này cho biết sẽ không có thùng phiếu nào được đặt ở các vùng đông bắc do một chính quyền tự trị quản lý.
Tỷ lệ tham gia bỏ phiếu rất quan trọng đối với chế độ Damas, muốn tìm lại tính chính đáng thông qua lá phiếu của người dân, vào lúc mà Syria phải trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng thấy. Vấn đề là những người Syria tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ, Liban hay Jordan – gần 5 triệu người – không được quyền tham gia bỏ phiếu. »
Nhật Bản: Việt Nam ‘giữ vị trí số một’
về người cư trú trái phép
Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội mới cho biết điều họ gọi là “một thực tế đáng buồn” về người Việt tại “xứ sở mặt trời mọc”.
Cơ quan ngoại giao này cho biết thêm rằng “Việt Nam có khoảng 400.000 lao động”, “xếp thứ hai” trong số các nước có nhiều lao động và “đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Nhật Bản”.
“Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là Việt Nam đang giữ vị trí số một về số người cư trú bất hợp pháp, số thực tập sinh kỹ năng bỏ trốn và số vụ bắt giữ do vi phạm Luật hình sự ở Nhật Bản”, Đại sứ quán Nhật Bản viết trên trang Facebook hôm 10/7, kèm theo lời kêu gọi người Việt, nhất là các thực tập sinh, “đừng để rơi vào hoàn cảnh khốn cùng”.
Cơ quan ngoại giao này cũng dẫn lại một câu chuyện của một thực tập sinh từng bỏ trốn trên Kokoro, trang cung cấp thông tin cho người Việt chuẩn bị đi hoặc đang sống ở Nhật, vốn là một dự án hợp tác giữa người Việt và các cơ quan của Nhật.
Đại sứ quán Nhật viết thêm rằng “các bạn trẻ Việt Nam có dự định tới Nhật Bản để làm việc và thực tập kỹ năng hãy tham khảo thông tin cần biết trước hết nên làm gì để không rơi vào hoàn cảnh khốn cùng” như lời kể của một người sang Nhật thực tập kỹ năng trong ngành xây dựng.
Theo lời kể của nhân vật mà tên họ đã được thay đổi này, anh đã bỏ trốn để “thoát khỏi tình trạng bạo lực” và sau đó “nhiều lần làm thêm bất hợp pháp”, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, anh “không còn việc để làm” nên “đã ra đầu thú Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh”.
Trong bài về chuyện 343 người Việt ở Nhật hồi hương trên chuyến bay đặc biệt, tờ Asahi Shimbun của Nhật đầu tháng trước viết về chuyện các thanh niên Việt Nam sang Nhật theo một trường dạy nghề để mong đổi đời, nhưng đại dịch COVID-19 đã khiến giấc mơ của họ tan vỡ.
Hiện chưa rõ là nhân vật mà Đại sứ quán Nhật đăng đường dẫn tới câu chuyện có nằm trong số gần 350 người Việt đã về nước trên chuyến bay đặc biệt hay không. Theo Đại sứ quán Việt Nam, hơn 10.000 người Việt Nam mong muốn được hồi hương.
Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam cho biết rằng “trên cơ sở nguyện vọng của công dân, diễn biến thực tế của dịch bệnh trong và ngoài nước, năng lực cách ly của các địa phương, các cơ quan chức năng Việt Nam và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục phối hợp với các hãng hàng không trong nước tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước.”
Báo chí Nhật Bản trong những năm qua đã đưa tin về các trường hợp người Việt vi phạm pháp luật.
Trang Kokoro từng dẫn lời đại sứ Nhật ở Việt Nam Yamada Takio nói rằng “vẫn còn nhiều trường hợp người môi giới bất chính ở cả Nhật Bản và Việt Nam, lợi dụng ước mơ hoài bão của các bạn trẻ, khiến họ sang Nhật và bị vướng vào các hành vi phạm pháp” và chính phủ hai nước “đang hết sức nỗ lực cố gắng để loại trừ những người môi giới bất chính đó”.
Trong một diễn biến khác liên quan tới quan hệ Việt – Nhật, mới đây, Nhật Bản mới bày tỏ “lòng tri ân sâu sắc” tới phía Việt Nam vì cho máy bay tuần thám của “xứ sở mặt trời mọc” quá cảnh khi gặp sự cố giữa đợt dịch COVID-19, cũng như đã hỗ trợ hai tháng qua.
Đại sứ quán Nhật Bản hôm 6/7 thay mặt chính phủ và Bộ Quốc phòng “gửi lời cảm ơn chân thành” tới phía Việt Nam, ít ngày sau khi chiếc P-3C bay về nước.
Trước khi xảy ra sự cố P-3C, Nhật Bản trao tặng Việt Nam lô hàng với tổng trị giá khoảng 20 triệu yên (gần 180 nghìn đôla) để giúp thực hiện các xét nghiệm phát hiện nhanh COVID-19 ở Việt Nam.
Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho VOA Việt Ngữ biết rằng nhiều loại sinh phẩm đã được phía Nhật chuyển cho phía Việt Nam, sau khi nhận được “đề nghị hỗ trợ khẩn cấp từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương”.
Hong Kong: số ca nhiễm Covid-19 trong một ngày
tăng cao kỷ lục
Bà Carrie Lam nói giới chức sẽ tăng tốc việc tiến hành xét nghiệm, và yêu cầu các nhân viên dân sự àm các công việc không thiết yếu làm việc từ nhà
Hong Kong ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tăng cao nhất trong một ngày, kể từ khi đại dịch bắt đầu, Trưởng quan Hành chính vùng lãnh thổ này, bà Carrie Lam nói.
Trong cuộc họp báo hôm Chủ Nhật, bà Lam nói đã có hơn 100 ca nhiễm mới, và tuyên bố áp dụng các lệnh hạn chế mới để kiềm chế lây lan.
Bà gọi tình thế hiện nay là “thực sự nguy kịch” và nói “không có dấu hiệu” cho thấy dịch bệnh đã được kiểm soát.
Các nhân viên dân sự làm việc cho chính quyền ở các vị trí không thiết yếu buộc phải làm việc từ nhà, và việc tiến hành xét nghiệm sẽ được gia tăng.
Bà Lam cam kết rằng giới chức sẽ tiến hành 10.000 cuộc xét nghiệm mỗi ngày, và cũng sẽ ra lệnh bắt buộc đeo khẩu trang tại các nơi công cộng trong nhà. Việc đeo khẩu trang đã là yêu cầu bắt buộc đối với các khách sử dụng giao thông công cộng.
Đã có 108 ca nhiễm mới, trong đó có 83 ca lây lan nội hạt và 25 ca nhập cảnh từ ngoài vào, giới chức y tế nói.
Tuyên bố được đưa ra chỉ vài ngày sau khi công viên giải trí Hong Kong Disneyland đóng cửa trở lại, chưa đầy một tháng sau khi tái mở cửa, do chính quyền áp dụng trở lại các biện pháp giãn cách xã hội.
Giới chức đóng cửa các quán bar, phòng tập gym và các câu lạc bộ hồi tuần trước, giữa lúc có một vụ bùng phát mới, và cấm các nhà hàng phục vụ khách vào ăn quá 6 giờ tối. Các hạn chế này sẽ được gia hạn tiếp.
Hong Kong đã trải qua một giai đoạn chỉ có tương đối ít các vụ nhiễm virus corona sau khi áp dụng các biện pháp nhanh chóng và nghiêm ngặt từ hồi đầu năm để chặn tình trạng lây lan. Tuy nhiên, số ca nhiễm tăng vọt trong thời gian gần đây, với hơn 500 ca nhiễm mới được ghi nhận trong hai tuần qua.
Trong những tuần gần đây, giới chức đã cấm các cuộc tụ tập đông người nhằm đòi dân chủ, trong đó có sự kiện thắp nến hôm 4/6 để tưởng niệm các nạn nhân vụ đàn áp ở Quảng trường Thiên An Môn hồi 1989, và cuộc tuần hành thường niên đòi dân chủ, hôm 1/7, với lý do cần áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để đối phó virus corona.
Tuy nhiên, nhiều người lo rằng cảnh sát đang sử dụng việc bùng phát virus corona làm cái cớ để hạn chế các cuộc tụ tập đòi dân chủ, và hàng chục ngàn người đang chống lại lệnh cấm.
Trong tháng Sáu, Trung Quốc thông qua luật an ninh mới, là đạo luật bị nhiều quốc gia và các tổ chức nhân quyền trên thế giới lên án, coi rằng đó là việc làm xói mòn tự do của Hong Kong.
Tuy nhiên, Trung Quốc bác bỏ những lời chỉ trích. Những người ủng hộ luật này thì nói việc thông qua luật là cần thiết để vãn hồi trật tự ở Hong Kong.
Tại Hồng Kông, các thành viên dân chủ trẻ tuổi
nóng lòng muốn “phản kháng”
Tin từ HỒNG KÔNG – Hồng Kông chính thức khởi động thời hạn ghi danh hai tuần để các ứng cử viên tham gia một cuộc bầu cử lập pháp quan trọng vào tháng 9, giữa nỗi lo sợ rằng các nhà chức trách có thể tước quyền tranh cử của một thế hệ thành viên dân chủ trẻ quyết đoán.
Cuộc bầu cử toàn thành phố sẽ là một chiến trường quan trọng để phe dân chủ đối lập của thành phố cố gắng giành lại một phần quyền ảnh hưởng chính trị sau khi Trung Cộng áp đặt luật an ninh quốc gia vào ngày 30 tháng Sáu.
Luật này bị các nhà phê bình, bao gồm cả Hoa Kỳ, chỉ trích là một hồi chuông báo tử cho các quyền tự do và quyền tự trị của thành phố từ Trung Cộng. Tuy nhiên, các viên chức Trung Cộng và Hồng Kông tuyên bố rằng luật này sẽ mang lại sự ổn định cho trung tâm tài chính sau một năm bất ổn, và chỉ ảnh hưởng đến một nhóm rất nhỏ “những kẻ gây rối”.
Một đội tiên phong gồm các nhà dân chủ trẻ tuổi đang nóng lòng được tranh cử, sau khi giành chiến thắng lớn trong một cuộc bầu cử “sơ bộ” không chính thức vào đầu tháng này. Những người trẻ tuổi theo chủ nghĩa địa phương này, những người thường có lập trường mang tính chống Trung Cộng hơn, nhận được sự ủng hộ rộng rãi của những cử tri trẻ tuổi mất thiện cảm với chính quyền hiện tại. Tuy nhiên, những gương mặt trẻ đầy triển vọng này đang phải đối mặt với nguy cơ bị loại khỏi cuộc bầu cử. (BBT)
Thư kêu gọi ‘dừng hack điện thoại
giùm Trung Quốc’ của nhà hoạt động Hồng Kông
đạt hơn 30 ngàn chữ ký
Băng Thanh
Nathan Law, nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng Hồng Kông đã đăng bức thư kêu gọi Cellebrite, công ty của Israel ngừng giúp cảnh sát Hồng Kông bẻ khóa điện thoại di động của người biểu tình.
Bức thư được đăng trên trang Change.org với tiêu đề “Kêu gọi Cellebrite chấm dứt hợp tác hack điện thoại với cảnh sát Hồng Kông” đến ngày 19/7 đã đạt hơn 30 ngàn chữ ký.
Bức thư viết: “Đầu tháng này, Bắc Kinh đã đơn phương áp đặt luật an ninh quốc gia sâu rộng đối với Hồng Kông, với các điều khoản không rõ ràng, cùng sự hiện diện nhiều hơn của các đặc vụ Trung Quốc tại Hồng Kông dẫn đến khả năng cao có nhiều người sẽ bị dẫn độ tới các tòa án bí mật của Trung Quốc và nhà tù đen. Vì luật an ninh đã hủy hoại hoàn toàn luật lệ và sự độc lập tư pháp của thành phố, chúng tôi sẽ bắt đầu với bức thỉnh nguyện thư này để kêu gọi Cellebrite và các công ty pháp y kỹ thuật số khác chấm dứt hợp tác với các lực lượng cảnh sát cùng an ninh của Trung Quốc và Hồng Kông”.
“Cellebrite, công ty pháp y kỹ thuật số của Israel có một lịch sử lâu dài trong việc giúp lực lượng cảnh sát Hồng Kông bẻ khóa thiết bị di động của các nhà hoạt động. Đầu năm nay, iPhone của Hoàng Chi Phong đã bị lực lượng cảnh sát bẻ khóa với công nghệ trích xuất dữ liệu của Cellebrite, chưa kể đến gần 4.000 thiết bị điện tử mà cảnh sát thu giữ đã bị bẻ khóa vào năm ngoái”.
“Theo Điều 43 của luật an ninh mới, cảnh sát có thể kiểm tra các thiết bị điện tử mà không cần lệnh và giám sát từ tòa án. Điều 29 của luật cũng hình sự hóa việc chia sẻ thông tin theo các tội danh mơ hồ như “thông đồng với lực lượng nước ngoài” và “cung cấp bất hợp pháp bí mật hoặc thông tin liên quan đến quốc gia”, bức thỉnh nguyện thư cho biết.
“Cellebrite tuyên bố công nghệ của họ được sử dụng để tạo nên một “thế giới an toàn” hơn. Nhưng một khi Bắc Kinh đã áp đặt một đạo luật với các điều khoản mơ hồ bao gồm việc bắt giữ người nước ngoài đang ở trong hoặc ngoài Hồng Kông, các hợp tác tình báo kỹ thuật số với chế độ độc tài này trên thực tế đang gây nguy hiểm cho sự an toàn cá nhân của tất cả các công dân phương Tây. Đặc biệt là dưới sự trỗi dậy của phong cách ngoại giao sói chiến của Trung Quốc trong những năm gần đây, các công dân nước ngoài đã bị bắt giam và truy tố tùy tiện theo phong cách Trung Quốc đại lục để phục vụ các mục đích chính trị của Bắc Kinh”.
Bức thư kết luận: “Để bảo vệ sự an toàn và bảo mật cá nhân của công dân, nhà báo và người nước ngoài đi du lịch, làm việc và sinh sống tại Hồng Kông, bây giờ, chúng tôi kêu gọi thế giới tham gia thỉnh nguyện cùng chúng tôi để thúc giục Cellebrite và các công ty pháp y kỹ thuật số khác chấm dứt mọi hợp tác hack điện thoại với lực lượng cảnh sát Hồng Kông cùng các cơ quan an ninh liên quan”.
Theo tờ Liberty Times, trong các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông, thông thường cảnh sát Hồng Kông đã tịch thu điện thoại di động của người biểu tình để làm bằng chứng điều tra. Vào tháng 4, nhà hoạt động dân chủ Hoàng Chi Phong đã đăng trên Facebook cho biết, cảnh sát Hồng Kông đã sử dụng phần mềm của công ty Cellebrite và phần mềm của công ty Thụy Điển MicroSystemation AB (MSAB) để bẻ khóa thành công iPhone XR của anh và lấy tất cả các dữ liệu trong điện thoại.
Tiêm kích TQ bị tố xâm phạm ADIZ Đài Loan
Đài Loan cho biết chiến đấu cơ Trung Quốc đột ngột xuất hiện trong vùng nhận diện phòng không của hòn đảo khi họ tập trận bắn đạn thật.
Lực lượng vũ trang Đài Loan triển khai nhiều hệ thống pháo hạng nặng diễn tập bảo vệ bờ biển ở thao trường Fenggang, huyện Bình Đông, tây nam hòn đảo hôm 16/7, một nội dung trong cuộc tập trận Hán Quang đang diễn ra.
Một chiến đấu cơ Trung Quốc không rõ chủng loại tiếp cận Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan từ hướng tây nam, cách thao trường khoảng 333 km, chỉ 5 phút sau khi đợt tập trận bắt đầu. Chiến đấu cơ di chuyển vòng quanh khu vực ở độ cao từ 4.000-8.500 mét.
Lực lượng vũ trang Đài Loan phát thông báo khẩn cấp đến tiêm kích rằng nó đã đi vào ADIZ của hòn đảo, gây ảnh hưởng đến an toàn hàng không của Đài Loan và yêu cầu chiến đấu cơ lập tức rời đi. Máy bay Trung Quốc sau đó rời khỏi ADIZ của hòn đảo.
Binh sĩ Đài Loan theo dõi động thái của chiến đấu cơ nói rằng nó bay dọc khu vực phía tây hòn đảo và nhiều lần tiến vào ADIZ Đài Loan. Quân đội Mỹ cũng phát tín hiệu bằng cách triển khai máy bay không người lái MQ-4C Triton tuần tra vùng biển phía đông nam Đài Loan hôm 15/7.
Trung Quốc chưa bình luận về cáo buộc trên.
Đây là lần thứ 20 chiến đấu cơ Trung Quốc xâm nhập ADIZ của Đài Loan trong năm nay. Lực lượng vũ trang Đài Loan nhấn mạnh họ đang theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động của quân đội Trung Quốc.
Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả phải sử dụng vũ lực. Trung Quốc tăng cường tiêm kích và tàu chiến đi gần hoặc qua eo biển Đài Loan từ khi lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, người từ chối công nhận hòn đảo là một phần của “Một Trung Quốc”, đắc cử nhiệm kỳ đầu năm 2016.
Thỏa thuận bí mật Trung Quốc-Iran bị phơi bày,
kích hoạt điểm nóng mới trong quan hệ Mỹ-Trung
Quỳnh Chi
Chuyên gia bình luận, chính quyền Trung Quốc đã lợi dụng tình cảnh bị cấm vận của Iran, nhưng kế hoạch này bị lộ ra đã vấp phải sự phản đối của chính nhân dân Iran và nâng cao khả năng ĐCSTQ bị cô lập hơn nữa bởi cộng đồng quốc tế.
Truyền thông Hoa Kỳ gần đây tiết lộ rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Iran đã âm thầm soạn thảo một thỏa thuận hợp tác kinh tế và an ninh toàn diện. Thỏa thuận cho phép Bắc Kinh đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Iran và tiếp tục có được nguồn cung cấp dầu giá rẻ. Hai bên cũng sẽ tăng cường hợp tác quân sự. Các bình luận tin rằng liên minh Trung Quốc-Iran có khả năng tạo ra một điểm bùng phát mới trong quan hệ Mỹ-Trung và kích hoạt phản ứng mạnh mẽ hơn nữa của Mỹ đối với chính quyền Trung Quốc.
Một tài liệu mà Thời báo New York có được cho thấy ĐCSTQ và Iran đã bí mật soạn thảo một thỏa thuận có hiệu lực lên tới 25 năm, bao gồm quân sự, thương mại, đầu tư và nhiều lĩnh vực khác. Thời gian ghi trên văn bản là tháng 6 năm nay và được ghi chú là “phiên bản cuối cùng”.
Theo thỏa thuận, ĐCSTQ sẽ mở rộng ảnh hưởng trong việc xây dựng các cảng, đường sắt và các dự án cơ sở hạ tầng khác của Iran, và tiếp tục thu mua dầu của Iran với giá thấp. Hai bên cũng sẽ tiến hành hợp tác quân sự chuyên sâu, bao gồm các cuộc tập trận quân sự chung, nghiên cứu phát triển vũ khí và chia sẻ thông tin tình báo.
Thỏa thuận bí mật này, chưa được công bố trước công chúng, vẫn chưa được đệ trình lên Quốc hội Iran để bỏ phiếu biểu quyết, và không rõ liệu ĐCSTQ đã ký hay chưa.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran ông Zarif tiết lộ, kế hoạch hợp tác này đã được Bắc Kinh đề xuất trước đó vào năm 2016 và đã được nội các của Tổng thống Rouhani phê duyệt vào tháng 6 năm nay.
Nhưng những người chỉ trích các phe phái chính trị ở Iran lo ngại rằng Rouhani sẵn sàng “bán” bí mật quốc gia cho ĐCSTQ trong bối cảnh các lệnh trừng phạt kinh tế, cô lập ngoại giao và căng thẳng quân sự đang bủa vây Iran như hiện nay.
Trong một bài phát biểu vào cuối tháng 6, cựu Tổng thống Manejad đã chỉ trích rằng giao dịch bí mật với ĐCSTQ là rất đáng ngờ, và người dân Iran sẽ không bao giờ đồng ý thỏa thuận này.
Chính phủ Iran đã bị cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ trừng phạt trong nhiều năm vì sự đối đầu với văn minh thế giới, ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và phát triển vũ khí hạt nhân.
Qin Peng, một nhà phân tích chính trị và kinh tế tại Hoa Kỳ, tin rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ đã khiến Iran tuyệt vọng. Vì lợi ích kinh tế, quyền lực chính trị và tiếp tục mở rộng cuộc Cách mạng Hồi giáo, Tehran đã chọn đầu quân cho ĐCSTQ và chấp nhận hiệp ước làm nhục nước này ở một mức độ nhất định.
Ông nói: “Đối với chính quyền Iran, họ bị ĐCSTQ kiểm soát ở mức độ lớn hơn và bị nghi ngờ là bán nước. Nó giống như việc ĐCSTQ nghiêng về Liên Xô năm đó, nên rất có thể đã vấp phải sự chèn ép lớn hơn từ Mỹ. Trên thực tế, đối với ĐCSTQ cũng tồn tại một vấn đề như vậy, cho nên họ không muốn tiết lộ quá sớm.”
Thỏa thuận liệt kê gần một trăm dự án đầu tư, bao gồm sân bay, đường sắt cao tốc và các dự án xây dựng cảng, cơ sở hạ tầng truyền thông 5G và giúp Tehran xây dựng “Bức tường lửa vĩ đại” của Internet. Tổng vốn đầu tư dự kiến sẽ lên tới hơn 400 tỷ USD.
Tang Jingyuan, một nhà bình luận về các vấn đề thời sự ở Hoa Kỳ: “Nhìn bề ngoài, Trung Quốc và Iran là một loại liên minh chính trị, bổ sung về mặt kinh tế và cùng có lợi, nhưng về bản chất, ĐCSTQ đang lợi dụng việc Iran đã bị trừng phạt trong nhiều năm, đang trong tình thế bị cô lập chưa từng thấy. Trung Quốc đã lợi dụng tình thế khó khăn của Iran để kiểm soát và điều khiển Iran trong lòng bàn tay. Ví dụ rõ ràng nhất là chúng ta đã thấy ĐCSTQ sử dụng mồi nhử “Vành đai và Con đường”, và sau đó làm điều kiện trao đổi 2 cảng khẩu có vai trò chiến lược của Iran“.
Dưới lệnh trừng phạt liên tục của cộng đồng quốc tế, ĐCSTQ là quốc gia duy nhất sẵn sàng cung cấp tài chính, ngoại giao và tài trợ quân sự cho Tehran.
Tang Jingyuan tin rằng khoản đầu tư khổng lồ của ĐCSTQ vào Iran theo thỏa thuận chắc chắn sẽ dẫn đến việc nhiều công ty Trung Quốc tham gia và trở thành mục tiêu trừng phạt của Hoa Kỳ. Điều này cũng sẽ khơi dậy cuộc tấn công mạnh mẽ hơn của chính quyền Trump vào chính quyền Trung Quốc.
Tang Jingyuan: “Kể từ khi Trump lên nắm quyền, Hoa Kỳ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt rất nghiêm khắc đối với Iran. ĐCSTQ đã thực hiện rất nhiều hành vi trong thỏa thuận này và đã bị nghi ngờ vi phạm lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ. Có nhiều hơn một công ty Trung Quốc đã bị Hoa Kỳ trừng phạt vì vi phạm lệnh trừng phạt khi thực hiện các giao dịch bất hợp pháp đó với Iran. Vì vậy, từ quan điểm này, ĐCSTQ đang phá hủy các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Iran và là bàn tay đen lớn nhất bí mật hỗ trợ Iran phát triển các chương trình hạt nhân“.
Các ý kiến cũng cho rằng, việc liên minh với Iran sẽ khiến Trung Quốc không những phải đón nhận những đòn tấn công lớn hơn nữa từ Hoa Kỳ mà chính sách ngoại giao tổng thể của ĐCSTQ ở Trung Đông cũng sẽ chịu thiệt hại đáng kể.
Trong nhiều thập kỷ nay, ĐCSTQ đã có được công nghệ quân sự tiên tiến từ Israel, nhưng kẻ thù lớn nhất của Israel là Iran. Hợp tác Trung Quốc-Iran sẽ dẫn đến sự xa cách của Israel. Tình trạng tương tự cũng sẽ xảy ra ở các quốc gia có phái Sunni là chủ yếu do Ả Rập Xê-út lãnh đạo, khiến ĐCSTQ mất cơ hội làm ăn với các quốc gia này.
Theo NTDTV
Quỳnh Chi biên dịch
Không sợ trời, không sợ đất,
chính quyền Trung Quốc sợ nhất điều gì?
Minh Hòa
Lịch sử 5000 năm của Trung Quốc đã chứng kiến biết bao triều đại với không ít hoàng đế anh minh và cũng không ít hôn quân vô đạo. Hoàng đế tàn bạo nhất trong lịch sử Trung Hoa được biết đến là Tần Thủy Hoàng, một người dùng vũ lực để trị dân, nhưng vẫn biết kính sợ Thần, Phật. Duy chỉ có Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là chính quyền chối bỏ sự tồn tại của các Đại Giác Giả và gây ra những tội ác mà dân gian mô tả là “trời không dung, đất không tha”.
Mao Trạch Đông từng công khai thừa nhận ĐCSTQ còn tàn bạo hơn cả vị hoàng đế thống nhất Trung Hoa: “Tần Thủy Hoàng đáng kể gì? Ông ta chỉ giết có 46 chục Nho sĩ. Còn chúng ta đã giết 46 ngàn thằng trí thức hủ nho ấy chứ. Có kẻ chửi chúng ta là độc tài thống trị, là Tần Thuỷ Hoàng thời nay. Chúng ta thừa nhận hết, rằng rất đúng sự thực. Nhưng chúng bay nói thế chưa đủ, chúng ta phải nói thêm rằng thực ra còn hơn thế.”
Quả thực, ĐCSTQ vượt xa các triều đại trong lịch sử về mức độ tà ác, và giờ đây là mối nguy hại không chỉ đối với dân tộc Trung Hoa, mà còn đối với các nước láng giềng và thế giới.
Không sợ trời, không sợ đất
Văn hóa truyền thống Trung Hoa coi trọng tín ngưỡng, kính sợ Thần Phật, làm việc gì cũng có tiêu chuẩn đạo đức ước thúc, vì tin rằng, “trên đầu ba thước có thần linh”, “thiện ác hữu báo”. ĐCSTQ được thành lập trên quan điểm vô Thần, một giả thuyết có nguồn gốc phương Tây nhưng chính các nhà khoa
học phương Tây cũng hoài nghi. Von Braun, nhà khoa học hàng không hiện đại từng viết: “Sự thần kỳ vô biên của vũ trụ chỉ có thể chứng thực đức tin của chúng ta rằng, chắn chắn có Đấng Sáng Thế”.
Tuy nhiên, kể từ khi giành được chính quyền vào năm 1949, ĐCSTQ liên tục nhồi nhét thuyết vô Thần vào tư tưởng của người Trung Quốc, như thể đó là một chân lý bất biến, rằng: “Không có Thần Phật, chỉ có ĐCSTQ là cứu tinh của nhân loại”.
Văn hóa truyền thống dạy con người sống bao dung, coi trọng mối quan hệ hài hòa giữa Thiên – Địa – Nhân. Trong khi đó, ĐCSTQ cổ súy triết học đấu tranh, công khai “đấu trời là niềm vui vô tận, đấu đất là niềm vui vô tận, và đấu người là niềm vui vô tận” – theo tuyên ngôn của Mao Trạch Đông, người sáng lập ĐCSTQ.
Với quan điểm “không sợ trời, không sợ đất”, ĐCSTQ không có điều ác nào mà không dám làm, miễn là đảm bảo quyền lực tuyệt đối ở Trung Quốc và thực thi cuồng vọng trên toàn thế giới. Cũng vì thế mà ĐCSTQ gây ra vô số “nhân họa” cho nhân dân, láng giềng và toàn thế giới, từ Cải cách ruộng đất năm 1948-1950; Xâm lược Tây Tạng năm 1950; “Tam phản” năm 1951; “Ngũ phản” 1952; Đại Nhảy Vọt năm 1958-1962; Đại Cách mạng Văn hóa năm 1966-1976; Xâm lược biên giới Việt Nam năm 1979; Thảm sát Thiên An Môn năm 1989; Đàn áp Pháp Luân Công từ năm 1999 đến nay, v.v… , gần đây nhất là vụ bưng bít dịch viêm phổi Vũ Hán, khiến virus corona lây lan khắp thế giới và cướp đi sinh mạng của hơn nửa triệu người.
Nếu nói ĐCSTQ sợ gì nhất, có lẽ họ sợ nhất là mất quyền lực, và vì thế họ cũng sợ hãi cả những giá trị cơ bản nhất của con người mà thế giới tôn vinh.
Sợ dân có đức tin
ĐCSTQ sợ người dân có đức tin, vì người có đức tin thì không tiếp thu tư tưởng vô Thần, và luôn có giới hạn về đạo đức, không thể việc ác nào cũng dám làm.
Đối với một dân tộc có hàng ngàn năm tín ngưỡng Phật, Đạo, Thần, để người dân tiếp thu học thuyết “vô Thần” có gốc gác từ phương Tây, ĐCSTQ ngay từ đầu đã thực hiện những cuộc phá hoại liên tiếp và thô bạo đối với chính tín của người dân.
Các cuộc đốt phá đền chùa, đấu tố, sỉ nhục và tra tấn những người có đức tin, đã diễn ra rầm rộ trong thời Cách mạng Văn hóa 1966-1976, sau đó rải rác trong suốt những năm về sau, và kéo dài cho đến tận ngày nay, khiến nhiều người sống trong sợ hãi, không dám có đức tin.
Những hình ảnh lăng mạ, đốt phá tượng Phật, đền chùa trong thời Cách mạng Văn hóa do ĐCSTQ phát động từ năm 1966-1976 (ảnh chụp màn hình Twitter).
Thêm vào đó là tác dụng của chiến dịch tuyên truyền cho thuyết vô Thần, kết quả là chỉ trong vài chục năm, dân tộc Thần Châu với hàng ngàn năm có tín ngưỡng đã trở thành miền đất với đa số người “vô Thần”.
Sợ dân làm người tốt
Vào những năm 90, các giá trị truyền thống có cơ hội hồi sinh trở lại ở Trung Hoa, nhờ sự phát triển nhanh chóng của Pháp Luân Công, hay Pháp Luân Đại Pháp, một môn khí công tu dưỡng đạo đức theo Chân – Thiện – Nhẫn và nâng cao sức khỏe thông qua các bài tập thiền định.
Một nhóm tập Pháp Luân Công tại Bắc Kinh năm 1998 (ảnh: Falun Dafa Information Center / Twitter).
Pháp Luân Công không phải tôn giáo, nhưng đề cập đến các đức tin trong văn hóa truyền thống, như thiện ác hữu báo, khuyên bảo con người sống chân thành, thiện lương, nhẫn nại, cố gắng làm người tốt trong mọi hoàn cảnh. Pháp Luân Công nhanh chóng được đón nhận rộng rãi trong công chúng, nhờ hiệu quả kỳ diệu về sức khỏe, cùng với những bài giảng chạm đến tâm hồn của những người Trung Hoa vẫn lưu giữ hồi ức sâu thẳm về văn hóa truyền thống.
“Tôi không nghi ngờ gì, các giá trị của Pháp Luân Công rất chân thực và rất hấp dẫn. Họ thật sự đại diện cho một Trung Quốc khác, một Trung Quốc đã bị đàn áp suốt nhiều năm. Một xã hội Trung Quốc mà hầu hết người phương Tây chưa từng được thấy”, nhà báo người Mỹ Ethan Gutmann cho biết trong phim tài liệu Tears and Blood về tình trạng cưỡng bức lao động ở Trung Quốc.
Cựu Quốc vụ khanh Canada David Kilgour cho biết khi làm chứng trước Quốc hội Canada ngày 5/2/2013: “Nền văn minh 5000 năm của Trung Hoa đã để lại nhiều giá trị rất đáng trân trọng cho thế giới. Sau khi các bài tập và nguyên lý của Pháp Luân Công được giới thiệu lần đầu tiên ra công chúng vào năm 1992, chính quyền ĐCSTQ không chỉ chấp nhận sự phát triển của môn tập, mà thậm chí còn mời nhà sáng lập Pháp Luân Công tới giảng dạy tại các cơ quan chính phủ, đồng thời ca ngợi Pháp Luân Công về những lợi ích mà môn tập đem lại đối với sức khỏe và đạo đức của công chúng”.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư ĐCSTQ đương thời Giang Trạch Dân nhìn nhận rằng ông ta chỉ có 60 triệu đảng viên và dù nắm giữ toàn quyền trong tay thì vẫn nơm nớp lo bị đấu đá, thanh trừng. Trong khi đó, Pháp Luân Công không có quy định ràng buộc mà lại có tới 100 triệu người hết mực làm theo, hàng ngày tập luyện, đọc sách và sống theo Chân – Thiện – Nhẫn.
Xuất phát từ lòng đố kỵ và nỗi sợ bị lu mờ quyền lực, Giang Trạch Dân đã phát động chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công từ năm 1999 đến nay, đồng thời thông qua đó gây dựng phe cánh và củng cố quyền lực. Bộ máy đàn áp mà Giang Trạch Dân gây dựng vận hành tới ngày nay, với hàng loạt vi phạm nhân quyền như bắt bớ, bỏ tù phi pháp, tra tấn, cưỡng bức lao động, thu hoạch nội tạng của các học viên để phục vụ ngành cấy ghép tạng siêu lợi nhuận của Trung Quốc.
“Các bác sĩ đã giết hại những người vô tội chỉ vì họ sống theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn đối với trường hợp của những người tập Pháp Luân Công, những người luyện tập các bài tập và thiền định lành mạnh nhưng lại bị nhìn nhận là nguy hiểm đối với lợi ích và mục tiêu của chính quyền toàn trị ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, Ngài Geoffrey Nice QC đọc Phán quyết cuối cùng của Tòa án về Trung Quốc ngày 17/6/2019.
Tuy nhiên, điều mà Giang Trạch Dân và bộ máy đàn áp không thể ngờ, đó là các giá trị của Pháp Luân Công phù hợp với giá trị chung của nhân loại và vì vậy được đón nhận trên khắp thế giới.
“Chân – Thiện – Nhẫn, đó không chỉ là giá trị của Trung Hoa cổ xưa, mà còn là giá trị của toàn thế giới, đồng thời cũng phản ánh giá trị của Canada, một quốc gia có nền dân chủ đa dạng”, ông Irwin Cotler, Đại biểu Quốc hội Canada từ năm 1999 đến năm 2015, phát biểu nhân ngày Pháp Luân Đại Pháp thế giới 2014 được tổ chức bên cạnh Quốc hội ở thủ đô Ottawa.
“Các học viên Pháp Luân Công rất ôn hòa. Họ ủng hộ Chân – Thiện – Nhẫn, đó chính là điều mà thế giới cần có vào lúc này”, bà Ann-Sofie Alm, Đại biểu Quốc hội Thụy Điển nói với đài truyền hình NTD.
Sợ dân biết sự thật
Với vô số tội ác gây ra trong hơn 70 năm cầm quyền, một trong những nỗi sợ lớn nhất của ĐCSTQ là sự thật được phơi bày ra công chúng. Vì vậy, ĐCSTQ dành một lượng ngân sách khổng lồ cho việc kiểm duyệt và phong tỏa thông tin. Các từ khóa liên quan đến Pháp Luân Công, Thảm sát Thiên An Môn, dân chủ, nhân quyền, là những chủ đề bị kiểm duyệt nghiêm trọng nhất ở Trung Quốc.
Phương Chính, người bị xe tăng nghiền nát hai chân trong vụ Thảm sát Thiên An Môn năm 1989, nói với chương trình China Uncensored: “ĐCSTQ liên tục phạm tội ác với người dân Trung Hoa trong nhiều giai đoạn lịch sử, cứ lặp đi lặp lại, từ khi họ lên nắm quyền cho tới nay. Nhưng vì sao họ vẫn thành công? Lý do lớn nhất là thông qua tuyên truyền, tẩy não và kiểm soát tư tưởng, họ khiến người dân không biết điều gì đã diễn ra trong quá khứ. Họ chia cắt lịch sử ra từng phần, từng phần. Nên thế hệ trẻ không biết đến những tội ác mà ĐCSTQ đã gây ra trong quá khứ, vì thế họ vẫn tin và ảo tưởng về ĐCSTQ. Như thế ĐCSTQ vẫn tiếp tục cầm quyền, và phương pháp của họ đã đem lại hiệu quả”.
Ông cho biết: “Nếu chúng ta phơi bày những sai phạm và tội ác của họ, để người dân có hiểu biết liên tục về quá khứ, ký ức không bị gián đoạn, thì họ sẽ khó cầm quyền hơn, khó tiếp tục hành ác hơn”.
Phương Chính, người bị xe tăng cán nát 2 chân trong vụ Thảm sát Thiên An Môn 1989, chia sẻ tại Diễn đàn Tự do Oslo năm 2018 (ảnh chụp màn hình Diễn đàn Tự do Oslo / Youtube).
Vì vậy, công bố sự thật cho công chúng, đặc biệt là đối với hơn 1 tỷ dân Trung Quốc, đó là một trong những nỗi sợ lớn nhất mà ĐCSTQ phải đối mặt hiện nay, sau hơn 70 năm cầm quyền với vô số tội ác.
Công bố sự thật là điều ông Phương Chính đang làm trong nhiều năm qua, trên chiếc xe lăn của mình, từ khi ông thoát khỏi Trung Quốc và tới sống ở Mỹ vào năm 2009. Đó cũng là điều mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thực hiện nhằm kêu gọi hình thành một liên minh quốc tế để chống lại mối nguy hại từ ĐCSTQ.
Liên minh quốc tế
Trong sự kiện mừng Ngày Độc lập Hoa Kỳ 4/7, Tổng thống Trump tuyên bố: “Sự bưng bít, lừa dối và che đậy của Trung Quốc đã khiến dịch bệnh lan rộng khắp thế giới, lên tới 189 quốc gia, Trung Quốc phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc này”.
Chính quyền Trump đã công bố một chiến lược đối phó với Bắc Kinh, trong đó chỉ rõ những mối nguy hại từ ĐCSTQ, đồng thời công bố những thông tin này tại các diễn đàn quốc tế mà Hoa Kỳ tham dự, như một thông điệp kêu gọi hình thành liên minh quốc tế chống lại ĐCSTQ.
“Một khi chúng ta tự tin rằng chúng ta có sự hiểu biết chung về mối đe dọa do ĐCSTQ đặt ra, thì chúng ta có thể bắt đầu hành động”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố tại Diễn đàn Brussels 2020.
Từ nỗi sợ mất quyền lực, ĐCSTQ đã dùng đủ mọi thủ đoạn để nắm quyền, lừa dối, bưng bít, đàn áp, kiểm duyệt, bất chấp cái giá của vô số sinh mạng, và giờ đây chính những tội ác đó đang khiến họ phải đối mặt với nguy cơ đổ vỡ trước áp lực từ thế giới và nỗi bất bình của người dân trong nước.
Thời khắc nguy nan của ĐCSTQ hiện nay cũng là hồi chuông cảnh báo, không chỉ đối với các đảng viên ĐCSTQ, mà còn đối với những người chứng kiến sự tung hoành của Bắc Kinh nhưng nhắm mắt làm ngơ, hoặc vì lợi ích mà chung tay góp sức.
“Bất kỳ ai tương tác một cách sâu rộng với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm các bác sĩ và tổ chức y tế, các ngành công nghiệp và doanh nghiệp, đặc biệt là các hãng hàng không, công ty du lịch, công ty dịch vụ tài chính, công ty tư vấn luật, các hãng dược phẩm, bảo hiểm, cùng các du khách đơn lẻ, các tổ chức giáo dục và nghệ thuật, giờ cần phải nhận ra một thực tế rằng, trong phạm vi được đề cập đến trong Phán quyết này họ đang tương tác với một chính quyền tội phạm”, Ngài Geoffrey Nice QC đọc Phán quyết cuối cùng của Tòa án về Trung Quốc ngày 17/6/2019.
Trung Quốc đe dọa cắt phúc lợi xã hội
để ép dân nghèo từ bỏ đức tin
Quý Khải
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang lợi dụng tình cảnh khó khăn kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra để ép buộc các tín đồ Công giáo nghèo khó từ bỏ đức tin của mình hoặc đối mặt việc mất trợ cấp phúc lợi, tạp chí nhân quyền Bitter Winter đưa tin hôm thứ Sáu (17/7).
Suy thoái kinh tế do đại dịch virus corona đã gây ra ảnh hưởng nặng nề nhất đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp ở Trung Quốc, nhiều người trong số đó dựa vào phúc lợi tài trợ của nhà nước để sinh tồn. Trong những tháng gần đây, ĐCSTQ đã buộc các tín đồ Công giáo trên khắp cả nước hiện đang nhận trợ cấp phúc lợi của nhà nước vứt bỏ các vật phẩm tôn giáo ra khỏi nhà và thay thế chúng bằng hình ảnh của Tập Cận Bình và Mao Trạch Đông; một số người còn bị thúc bách từ bỏ đức tin của mình. Nếu các tín đồ Công giáo từ chối, chính quyền sẽ ngừng cấp phúc lợi, theo tạp chí.
Vào tháng Tư, chính quyền một thị trấn ở tỉnh Sơn Tây, đã lệnh cho các quan chức từ tất cả các ngôi làng địa phương đến tháo dỡ các cây thánh giá, vật phẩm tôn giáo và tượng Thánh khỏi nhà của những người Công giáo trong diện phúc lợi xã hội của chính phủ và thay thế chúng bằng chân dung của Mao và Tập. Các quan chức đã được ĐCSTQ chỉ thị hủy bỏ các khoản trợ cấp cho những ai phản đối lệnh này”, tờ Bitter Winter đưa tin.
Dưới một chính quyền lấy vô thần luận làm cơ sở, Trung Quốc chỉ cho phép một số ít tôn giáo hoạt động, bao gồm Công giáo và Cơ đốc giáo, mà ĐCSTQ gọi là Giáo hội Ái quốc Tam tự. Phật giáo, Đạo giáo và Hồi giáo bị cấm đoán trên danh nghĩa. Trên thực tế, ĐCSTQ không khuyến khích việc thờ cúng tôn giáo nói chung bằng cách tạo ra các hoàn cảnh mâu thuẫn cho những người có đức tin, đặc biệt là các tín đồ Công giáo.
Trong cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với các tín đồ Công giáo tại một ngôi làng ở tỉnh Sơn Tây hồi tháng Tư, một thành viên giáo hội Tam Tự sống ở đó đã nói với trang Bitter Winter rằng các quan chức địa phương đã đến thăm nhà anh và “xé nát tất cả các câu khẩu hiệu tôn giáo và một cuốn lịch có ảnh Chúa Giêsu … và dán thay vào đó bức chân dung của Mao Trạch Đông”.
“Các hộ gia đình tôn giáo nghèo không thể nhận tiền trợ cấp từ nhà nước một cách vô điều kiện – họ phải tuân theo Đảng Cộng sản để đổi lấy số tiền họ nhận được”, người đàn ông nhớ lại một quan chức ĐCSTQ nói với anh.
Tại tỉnh Giang Tây hồi tháng 4, chính quyền thành phố Tân Dư “đã thu hồi một khoản trợ cấp sinh hoạt tối thiểu hàng tháng của một người đàn ông theo Công giáo bị tàn tật là 100 RMB (khoảng 14 USD, tương đương hơn 300 nghìn VNĐ)”, theo báo cáo.
“Các quan chức đã bảo tôi rằng chúng tôi sẽ bị đối xử như những phần tử chống Đảng nếu hai vợ chồng tiếp tục tham gia các buổi lễ tôn giáo”, vợ của người đàn ông nói với Bitter Winter.
Tại thành phố Vệ Huy thuộc tỉnh Hà Nam, một bà mẹ độc thân, góa chồng một mình chăm sóc hai con trai nói rằng chính phủ đã hủy khoản thanh toán phúc lợi của cô vào tháng Tư sau khi một quan chức ĐCSTQ ra lệnh cho cô “ký một tuyên bố từ bỏ đức tin của cô và phá hủy tất cả các vật phẩm Công giáo trong nhà” nhưng cô đã từ chối tuân thủ.
Chính sách đàn áp các tín đồ Công giáo nghèo khó ở Trung Quốc đã có từ lâu. Năm 2017, tờ Breitbart News đưa tin rằng ĐCSTQ đã đe dọa sẽ giữ lại các gói cứu trợ xóa đói giảm nghèo của các tín đồ Công giáo ở nông thôn nếu họ không thay thế các vật phẩm tôn giáo trong nhà và nhà thờ bằng hình ảnh của các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản, ví như Tập Cận Bình.
Ngoài ra, ĐCSTQ đã sử dụng đại dịch virus corona đang diễn ra như một cơ hội để đóng cửa và thậm chí phá hủy các nhà thờ Thiên chúa giáo đang bị bỏ trống do các lệnh cấm tụ tập nhằm phòng dịch.
https://www.dkn.tv/the-gioi/trung-quoc-de-doa-cat-phuc-loi-xa-hoi-de-ep-dan-ngheo-tu-bo-duc-tin.html
Tờ Hoàn Cầu trơ tráo ‘dạy Mỹ bài học’:
93 triệu bằng 1,4 tỷ
Minh Hòa
Chính quyền Trung Quốc đang đẩy mạnh một lời tuyên truyền ra toàn thế giới, dù gặp phải không ít cười chê.
Tờ Hoàn Cầu, trực thuộc Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm 17/7 đăng một bài xã luận tiếng Anh có tựa đề: “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là gì? Mỹ cần được dạy cho một bài học”.
Bài xã luận được đưa ra sau khi có thông tin cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump đang xem xét khả năng cấm nhập cảnh đối với tất cả các đảng viên ĐCSTQ và gia đình của họ. Nếu được ban hành, lệnh cấm này dự kiến sẽ liên quan đến gần 300 triệu người Trung Quốc, trong đó có 93 triệu đảng viên.
Tờ Hoàn Cầu lý luận rằng Hoa Kỳ sẽ đối đầu với hơn 1,4 tỷ dân Trung Quốc nếu đưa ra lệnh cấm đối với các đảng viên ĐCSTQ. Không chỉ tờ Hoàn Cầu, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cũng đưa ra lời hăm dọa tương tự vào chiều 17/7.
“Nếu thông tin đó là đúng, thì Hoa Kỳ đang lựa chọn đối đầu với toàn bộ 1,4 tỷ người Trung Quốc, đồng nghĩa đối đầu với 1/5 dân số thế giới”, bà Oánh tuyên bố.
Lời đe dọa của Bắc Kinh xuất phát từ cách thức tuyên truyền mà ĐCSTQ đã và đang thực hiện đối với hơn 1 tỷ dân Trung Quốc suốt hàng chục năm qua.
Tuyên truyền mị dân
Từ khi giành được chính quyền từ tay Quốc Dân Đảng vào năm 1949, ĐCSTQ liên tục nhồi nhét tư tưởng, khiến người Trung Quốc nhầm lẫn khái niệm tổ quốc và ĐCSTQ, với những lời tuyên truyền như: “Yêu Đảng là yêu nước, yêu nước là yêu Đảng”, “Đảng là cha, tổ quốc là mẹ”, v.v.
Khi có tiếng nói chỉ trích nhắm vào ĐCSTQ, bộ máy tuyên truyền sẽ rầm rộ đưa tin như thể dân tộc Trung Hoa bị xúc phạm. Cách tuyên truyền đó thực chất là mị dân, nhưng đã khiến không ít người Trung Quốc bị tẩy não. Hơn 1 tỷ dân Trung Quốc trở thành công cụ của ĐCSTQ, vừa làm bia đỡ đạn, vừa làm “cây gậy đánh người” phản bác lại những lời chỉ trích.
Một ví dụ từng gây bão cư dân mạng Trung Quốc là việc nữ sinh Dương Thư Bình đề cập đến tình trạng kiểm soát tự do ngôn luận của ĐCSTQ, trong khi cô phát biểu tại lễ tốt nghiệp ở Đại học Maryland, Hoa Kỳ vào năm 2017. Lập tức, Dương bị cư dân mạng Trung Quốc “ném đá” rầm rộ, như thể cô là một kẻ “phản quốc” xúc phạm dân tộc Trung Hoa. Trong số những người “ném đá”, có những nhân viên tuyên truyền của Bắc Kinh, nhưng cũng có không ít thường dân, những nạn nhân thật sự nhầm lẫn khái niệm ĐCSTQ và tổ quốc.
Ví dụ khác, khi Australia đề xuất điều tra dịch virus corona, ĐCSTQ lập tức tuyên truyền Úc đang “chống lại nhân dân Trung Hoa”, và “kỳ thị người châu Á”. Như vậy, lối tuyên truyền này không chỉ tìm cách biến người Trung Quốc, mà thậm chí toàn bộ các dân tộc châu Á, thành bia đỡ đạn cho ĐCSTQ.
Thế giới cười chê
Khi đưa ra luận điệu “mị dân” này để đáp lại nguy cơ bị chính quyền Trump cấm nhập cảnh, ĐCSTQ đã nhận được không ít tiếng cười chê từ cư dân mạng thế giới.
Một trong số đó là Chuẩn tướng Hoa Kỳ Robert Spalding, tác giả cuốn sách “Cuộc chiến tàng hình: Trung Quốc giành kiểm soát như thế nào khi giới tinh hoa Mỹ đang ngủ” (Stealth War: How China Took Over While America’s Elite Slept).
Ông Spalding viết trên Twitter hôm 18/7: “ĐCSTQ có đại diện cho toàn thể nhân dân Trung Quốc không? Tôi nghĩ là không. Và họ biết điều đó. Họ chỉ đại diện cho lòng tham của họ thôi”.
Bình luận của Chuẩn tướng thu hút hưởng ứng của một số cư dân mạng, trong đó có Chao Zhao, một người đăng bức ảnh so sánh giữa ĐCSTQ và nhân dân Trung Hoa.
Phần bên trái của bức ảnh là hình ảnh một đảng viên ĐCSTQ đang bò lết với ruồi nhặng xung quanh, đi kèm với những dòng mô tả: “Đấu người, đấu thiên nhiên; Chính trị hóa mọi thứ; Vô thần; La lối và hò
hét; Suy đồi đạo đức; Bẩn thỉu; Tư tưởng đoạn diệt (một thuyết cho rằng đạo đức vốn đã không tồn tại, nên các giá trị đạo đức chỉ là giả tạo)”.
Bên phải bức ảnh là hình ảnh một người Trung Hoa truyền thống, trong đó mô tả: “Tôn kính đất trời; Đức hạnh; Giác ngộ; Tâm linh; Có óc thẩm mỹ; Thường xem xét nội tâm; Thuận theo đạo lý; Hay làm thơ”.
Cư dân mạng có tên Anna Wellisz viết trên Twitter rằng tờ Hoàn Cầu, cơ quan tuyên truyền cho ĐCSTQ đang cố giải thích tại sao 93 triệu đảng viên lại bằng 1,4 tỷ dân Trung Quốc. Cô bình luận: “Đọc xong bài báo mà vẫn chẳng hiểu sao lại bằng nhau được”.
Một người khác cho rằng từ tiếng Anh “party” (đảng) không đủ để mô tả về ĐCSTQ, mà phải là từ “mafia” (băng đảng tội phạm).
Một người khác bình luận bằng tiếng Hoa về bộ máy tuyên truyền của ĐCSTQ: “Nói xấu và hăm dọa, thật là quá nham hiểm!”
Phản ứng của cư dân mạng cho thấy lối tuyên truyền mị dân của ĐCSTQ đã thất bại trong việc nhồi nhét tư tưởng vào người dân thế giới. Chính quyền Trump cũng phân biệt rõ, họ nhắm vào ĐCSTQ chứ không phải dân tộc Trung Quốc.
Hoa Kỳ đang hình thành một liên minh quốc tế nhằm chống lại các mối đe dọa từ ĐCSTQ đối với thế giới. Để kế hoạch này thành công, các nhà quan sát nhận định một trong những nhân tố quan trọng là cần giải cứu hơn 1 tỷ dân bị “cầm tù tư tưởng” ở Trung Quốc, giúp họ hiểu rằng ĐCSTQ không phải tổ quốc, không phải dân tộc, và không thể đại diện cho toàn bộ người dân Trung Quốc.
Lũ lụt TQ: Nâng mức báo động sông Hoài vì mưa lớn
Hàng triệu người phải sơ tán và hàng ngàn lính được điều động trên toàn quốc để giúp phòng chống lũ lụt.
Trung Quốc đã nâng mức báo động lũ lụt cho một con sông ở phía đông sau nhiều ngày mưa lớn.
Nhà chức trách đã nâng mức báo động trên sông Hoài từ số III sang số II, cấp báo động cao lớn thứ hai, trong bối cảnh lo ngại có những trận mưa lớn tiếp theo.
Mưa lớn đã quét qua Trung Quốc trong nhiều tuần, từ tây nam đến bờ biển phía đông.
Ít nhất 14 người thiệt mạng ở miền nam Trung Quốc do lũ lụt.
Hàng triệu người phải sơ tán và hàng ngàn lính được điều động trên toàn quốc để giúp phòng chống lũ lụt.
“Lũ lụt đang xảy ra cùng lúc tại sông Dương Tử, sông Hoài Hà và Hồ Thái … Tình hình phòng chống lũ lụt đang rất khẩn cấp,” Bộ Thuỷ lợi Trung Quốc cho biết.
Sông Hoài 1.100km đi qua các tỉnh Hà Nam, An Huy và Giang Tô và một số thành phố lớn, bao gồm Tân Dương và Hoài Nam.
Giới chức cho biết 10 hồ chứa trên sông Hoài có mực nước tăng lên tới 6,85m.
Trung Quốc thường bị lũ lụt trong những tháng hè vào mùa mưa, nhưng đã có những quan ngại về đợt mưa lớn năm nay có thể làm gián đoạn nguồn cung cần thiết để khắc phục đại dịch Covid-19.
Trung Quốc thường bị lũ lụt trong những tháng hè vào mùa mưa.
Nếu đập Tam Hiệp vỡ, ai sẽ chịu trách nhiệm?
Triệu Hằng
Cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng là người đốc thúc xây đập Tam Hiệp.
Sau gần 30 năm từ ngày thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng vận động xây dựng, đập Tam Hiệp nay như một quả bom nước khổng lồ chực nổ.
Đập thủy điện Tam Hiệp nằm chặn ngang dòng Dương Tử (sông Trường Giang), phía tây thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Công trình chạy suốt 2.335 m, đỉnh đập cao 185 m. Đập được khởi công xây dựng vào năm 1994, là dự án kỹ thuật lớn nhất ở Trung Quốc lúc bấy giờ. Vào thời điểm hoàn thành năm 2006, đây là công trình đập thủy điện lớn nhất thế giới với thiết kế là kết hợp 28 triệu mét khối bê tông và 463.000 tấn thép, đủ xây 63 tháp Eiffel ở Pháp.
Công trình nhấn chìm vùng rộng lớn các hẻm núi Cù Đường (Qutang), Vu (Wu), và Tây Lăng (Xiling) khoảng 600km thượng nguồn, tạo ra một hồ chứa nước sâu mênh mông cho phép các phương tiện đường thủy di chuyển 2.250 km từ thành phố Thượng Hải nằm bên bờ biển Hoa Đông tới thành phố nội lục Trùng Khánh.
Sản xuất thủy điện ở đập Tam Hiệp bắt đầu vào năm 2003 tuy còn hạn chế nhưng tăng dần đều khi các máy phát điện tua-bin bổ sung được đưa vào vận hành trong nhiều năm cho đến năm 2012, khi tất cả 32 tổ máy phát điện tua-bin hoạt động. Những tổ phát điện này cùng với 2 máy phát điện bổ sung đã mang lại cho đập khả năng tạo ra 22.500 megawatt điện, biến Tam Hiệp trở thành đập thủy điện có năng suất cao nhất thế giới.
Con đập này cũng được dự tính bảo vệ hàng triệu người khỏi lũ lụt định kỳ ở lưu vực sông Dương Tử, mặc dù hiệu quả của nó trong vấn đề này đã gây ra tranh cãi và trong đợt mưa lũ tháng 6 năm nay, hồ chứa Tam Hiệp giống như một quả bom nước khổng lồ chực nổ đe dọa hàng triệu sinh mạng hạ nguồn Dương Tử.
Đập thủy điện như một biểu tượng đã biến thành hình mẫu của thảm họa.
Lần đầu tiên ý tưởng đập Tam Hiệp được bàn tới là từ thời Quốc dân đảng những năm 1920, nhưng bị gác lại hàng chục năm do các hoàn cảnh và điều kiện kinh tế chính trị không thuận lợi. Đến năm 1953, lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông khôi phục ý tưởng này và chỉ đạo nghiên cứu một số địa điểm khả thi. Kế hoạch chi tiết là vào năm 1955.
Đã có không ít phản bác kể từ khi dự án còn là ý tưởng cho đến suốt quá trình xây dựng công trình này, những người phản đối lo lắng nguy cơ vỡ đập và hậu quả khủng khiếp của nó.
Phe ủng hộ khăng khăng con đập sẽ kiểm soát lũ lụt dọc hai bên dòng Dương Tử, tạo điều kiện cho thương mại nội địa và cung cấp phần lớn điện năng cho miền trung Trung Quốc.
Phía phản đối lo ngại viễn cảnh phải di dời khoảng 1,9 triệu người sống ở hơn 1.500 thành phố, thị trấn và làng mạc dọc theo sông, phá hủy cảnh quang tráng lệ và vô số địa điểm kiến trúc cùng khảo cổ quý giá.
Cũng có những lo ngại khác – một vài trong số đó đã xảy ra – chất thải con người lẫn chất thải công nghiệp từ các thành phố sẽ gây ô nhiễm các hồ chứa và thậm chí lượng nước khổng lồ trong hồ chứa có thể gây ra động đất và sạt lở.
Một số kỹ sư Trung Quốc và nước ngoài lập luận rằng một chuỗi đập nhỏ hơn và chi phí xây dựng tiết kiệm hơn và ít có vấn đề hơn trên các nhánh sông Dương Tử có thể tạo ra nhiều điện như đập Tam Hiệp và hiệu quả kiểm soát lũ lụt là tốt tương đương. Họ khẳng định việc xây dựng những con đập như vậy sẽ giúp đáp ứng các ưu tiên chính của chính phủ mà không gặp rủi ro.
Tuy nhiên, tới năm 1992, Thủ tướng Lý Bằng, người được đào tạo thành một kỹ sư đã vận động xây đập, và quyết định xây dựng đập Tam Hiệp được Quốc hội Trung Quốc phê chuẩn vào tháng 4, mặc dù 1/3 đại biểu bỏ phiếu chống, được xem là một dấu hiệu kháng cự chưa từng có tiền lệ ở một cơ quan thông thường nhanh chóng thông qua các đề nghị của chính phủ.
Năm 1993, dự án đã bắt đầu với việc mở các con đường tới địa điểm xây đập và trạm điện. Công nhân đã chặn và chuyển hướng dòng sông vào năm 1997, khép lại giai đoạn đầu xây dựng. Giới quan sát lưu ý, trong lễ động thổ công trình năm 1994, chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân không xuất hiện cùng Thủ tướng Lý Bằng, và Ngân hàng Thế giới từ chối cấp vốn cho Trung Quốc xây dự án và chỉ trích các mối nguy hại về môi trường và những lo ngại khác. Nhưng dù sao dự án vẫn tiến hành, trong suốt quá trình xây có không ít bê bối tham nhũng, đội vốn…
Vào năm 2003, các hồ chứa bắt đầu đầy nước, các âu tàu (thiết bị lắp đặt trên các cảng biển để tăng và giảm mực nước) – cho phép các tàu trọng tải 10.000 tấn di chuyển qua đập – được đưa vào hoạt động sơ bộ, các máy phát điện đầu tiên của đập được kết nối với lưới điện, hoàn thành xây dựng giai đoạn II.
Sau khi hoàn thành giai đoạn hai, khoảng 1.200 địa điểm có tầm quan trọng lịch sử và khảo cổ học từng nằm giữa sông Dương Tử tiêu tan khi nước lũ dâng cao. Việc xây dựng bức tường chính của đập được hoàn thành vào năm 2006. Phần còn lại của các máy phát điện của đập đã hoạt động vào giữa năm 2012 và một thang nâng cho phép các tàu có trọng tải lên tới 3.000 tấn vượt qua các âu tàu và nhanh chóng di chuyển qua đập, bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2015.
Với hồ trữ nước có dung tích 39,3 kilomet khối, con đập được xác định sẽ giảm tỉ lệ lũ lụt từ 1/10 năm thành 1/100 năm. Tuy nhiên, đập Tam Hiệp dần mất đi chức năng ngăn chặn lũ lụt do hệ sinh thái rừng lưu vực sông bị mất đi, đồng thời do con đập đã tích lại khoảng 530 triệu tấn bùn mỗi năm khiến thể tích hồ giảm đi đáng kể, tạo thành mối đe dọa lớn đối với toàn bộ hoạt động của nhà máy thủy điện.
Trang tin Aboluowang hôm 7/7/2020 dẫn bài viết có tiêu đề “Đập Tam Hiệp – Ai đã xây dựng tượng đài ngu ngốc này với Lý Bằng” của chuyên gia thủy lợi nổi tiếng người Trung Quốc Vương Duy Lạc, cho biết, từ ngày 4/6/1989 đến tháng 3/1993, Quốc hội Trung Quốc đã thảo luận về dự án Tam Hiệp.
Ngày 4/6 cũng là ngày đảng Cộng sản Trung Quốc tàn sát sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, còn gọi là sự kiện Lục Tứ.
“Nếu không có sự đàn áp mạnh tay phong trào Lục Tứ, sẽ không có dự án đập Tam Hiệp hại nước hại dân”, ông Vương nói và cảnh báo, nếu đập Tam Hiệp vỡ bờ kè, thì vùng trung lưu và hạ lưu của sông Dương Tử cho đến Thượng Hải đều bị cuốn trôi. Ông nhắc nhở người vùng hạ nguồn Tam Hiệp phải nhanh chóng tìm đường thoát thân và chuẩn bị dụng cụ thoát hiểm.
Ông Vương nói, Lý Bằng và những người khác đã sử dụng “cơ hội thuận lợi” chính trị này để xúc tiến xây dựng đập Tam Hiệp. Theo ông, ba lãnh đạo ĐCSTQ gồm Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Lý Bằng là những người dẫn đầu 3 nhóm trong việc thúc đẩy xây dựng đập Tam Hiệp.
Ông Vương đếm có tới hơn 400 người được nhắc tới trong “Lý Bằng Nhật ký ngoại sự” (李鹏外事日记). Được nhắc đến nhiều nhất trong tài liệu đó là Giang Trạch Dân với tổng cộng 104 lần, xếp thứ hai là Đặng Tiểu Bình, 39 lần. Ông Vương cho rằng nếu không có sự hậu thuẫn của Giang, một mình quyền lực của Lý Bằng không thể xây dựng đập Tam Hiệp. Mặc dù Lý Bằng đã nỗ lực rất nhiều trong việc đàn áp phong trào dân chủ ngày 4/6, nhưng ông ta đã thất bại trong việc trở thành tổng bí thư như mong muốn. Tuy nhiên, ông ta đích thân loại bỏ Triệu Tử Dương, người phản đối dự án Đập Tam Hiệp và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ tân Tổng bí thư khi đó là ông Giang Trạch Dân.
Những lo ngại về đập Tam Hiệp bắt đầu xôn xao từ mùa hè năm 2019 sau khi ảnh vệ tinh ghi nhận thân đập có vẻ bị lõm do sức ép của nước, nhưng giới chức Bắc Kinh khẳng định đập vẫn an toàn. Đến mùa mưa tháng 6 năm nay, trận mưa lũ kỷ lục giáng xuống miền nam Trung Quốc là thử thách lớn cho đập Tam Hiệp.
Vào 2 giờ chiều ngày 2/7/2020, đập Tam Hiệp buộc phải mở 3 cửa xả lũ do tình trạng mưa kéo dài với sức nước cực đại là 53.000 mét khối mỗi giây. Tới nay, toàn cảnh Trung Quốc là ngập úng.
Tiến sĩ Hoàng Quan Hồng, con trai của ông Hoàng Vạn Lý – chuyên gia thủy lợi nổi tiếng ở Trung Quốc, bày tỏ năm xưa khi khởi công xây dựng đập Tam Hiệp, nhóm người của cha ông đã biết trước sẽ có thảm họa như vậy. Ông Hoàng Quan Hồng khẳng định, “những ai khởi xướng xây dựng đập Tam Hiệp cần phải bị lên án, bởi họ thật sự có tội”.
Nhưng nay ông Lý Bằng, còn được biết đến với biệt danh “tên đồ tể Bắc Kinh” đã qua đời vào năm 2019. Truyền thông phương Tây trong các bản tin cáo phó cái chết của ông còn nêu rõ khi trong vai trò thủ tướng Trung Quốc từ năm 1988 đến năm 1998, ông Lý Bằng chủ trì vụ thảm sát quảng trường Thiên An Môn, ra lệnh cho quân đội đàn áp chống lại những người biểu tình sinh viên ủng hộ dân chủ vào tháng 6/1989.
Ba mươi năm sau, cũng vào tháng 6, mưa lũ bất thường nhấn chìm nhiều thành phố làng mạc Trung Quốc. Nếu Đập Tam Hiệp vỡ, ông Lý Bằng chết rồi, người Trung Quốc biết tìm ai để truy cứu trách nhiệm?
Có lẽ họ sẽ tìm người ủng hộ mạnh mẽ việc xây dựng đập Tam Hiệp, tìm người được nhắc tới nhiều nhất trong “Lý Bằng Nhật ký ngoại sự”, tìm ông Giang Trạch Dân, hiện ông ấy vẫn còn sống!
Nguồn ảnh thump: 5455 và lanacionpy.
[Video]: Sức nước lũ khủng khiếp
tại Trùng Khánh, bọt tung trắng xóa
An Hòa
Mới dự báo đỉnh lũ thứ 2 trên sông Trường Giang, nước lũ đã về và được dân chúng quay lại, cho thấy sức nước mạnh đến bất ngờ.
Mưa lớn ở thượng nguồn sông Dương Tử đã tràn vào Vạn Châu, ngập đến hành lang, cửa nhà dân, người dân phải tháo chạy thoát thân.
Ngày 17/7, đỉnh lũ số 2 trên sông Dương Tử đã hình thành ở thượng nguồn. 5 con sông nhỏ và vừa ở Trùng Khánh hiện đã có mức nước vượt quá mức an toàn và 21 con sông vượt mức cảnh báo. Từ 9h ngày 17, thành phố Vu Hồ, tỉnh An Huy đã nâng mức ứng phó khẩn cấp kiểm soát lũ lên cao nhất.
Theo báo cáo truyền thông đại lục, Bộ Thuỷ lợi quốc gia cho biết, Do ảnh hưởng bởi nước thượng nguồn và lượng mưa trong khu vực hồ chứa, dòng chảy của thượng nguồn sông Dương Tử và khu vực Tam Hiệp tăng lên đáng kể. Lúc 8h tối ngày 17, ước tính lưu lượng tối đa của hồ chứa Tam Hiệp vào khoảng 59.000 mét khối mỗi giây.
Vào lúc 8h giờ ngày 17, mực nước ở trạm nước bãi sông Dương Tử là 175,16 mét, mực nước ở trạm Bắc Bội của sông Gia Lăng là 188,23 mét, và mực nước của trạm Vũ Long sông Ô là 186,08 mét. Theo ước tính, từ 8h giờ ngày 17 đến 8h giờ ngày 18, một số con sông nhỏ và vừa ở phía nam sông Dương Tử ở Trùng Khánh có thể có những trận lũ siêu báo động và giữ nước quá mức.
Ngày 16/7, ba vụ tai nạn lở đất đã xảy ra tại thị xã Dunhao, huyện Khai Châu, Trùng Khánh. Tính đến 18h ngày 16, phía chính quyền cho biết, tai nạn đã khiến 3 người chết và 3 người mất tích.
Video cho thấy lũ lụt ở Trùng Khánh Vạn Châu rất mạnh, cuốn trôi ô tô và cuốn đổ vào nhà dân.
Tính đến 8 giờ ngày 17 tháng 7, mực nước của trạm Vũ Hồ trên sông Dương Tử là 12,58 mét, mực nước siêu báo động là 1,38 mét, chỉ cách mực nước cao nhất trong lịch sử là 0,29 mét, mực nước đê Lương Gia ở Tây Hà là 11,94, vượt qua mức cảnh báo là 0,44 mét. Mức nước 12,38 mét ở cống Yuxi của sông Yuxi, cao hơn 0,38 mét so với mực nước bảo đảm, cống Cầu mới trên sông Niutun là 11,91 mét, vượt quá mực nước bảo đảm 0,41 mét, sông Qingyi và các khu vực giữa và hạ lưu của sông Zhang tiếp tục vượt quá mức cảnh báo.
Theo Xiao Lusheng, Epochtimes
An Hòa biên dịch
Trung Quốc cho nổ đập
để xả lũ trong khi số người thiệt mạng gia tăng
Bình luậnNguyễn Sơn
Giới chức miền trung Trung Quốc đã cho nổ một con đập hôm 19/7 để xả nước lũ trong bối cảnh lũ lụt đang lan rộng và cướp đi nhiều sinh mạng, theo hãng tin AP.
Truyền hình nhà nước Trung Quốc cho biết con đập trên sông Chuhe ở tỉnh An Huy đã bị phá hủy bằng chất nổ vào sáng sớm Chủ nhật, nhằm giảm mực nước lũ 70 cm.
Mực nước trên nhiều con sông ở Trung Quốc đang dâng cao bất thường, bao gồm cả sông Dương Tử, vì những cơn mưa xối xả kéo dài.
Việc cho nổ đập và kè để xả nước là một phản ứng cực đoan, từng được Trung Quốc sử dụng trong trận lụt tồi tệ năm 1998, khi hơn 2.000 người chết và gần 3 triệu ngôi nhà bị phá hủy.
Tuần trước, đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử đã mở ba cửa xả lũ trong khi mực nước trong hồ chứa đạt 160 mét, vượt quá cảnh báo lũ hơn 15 mét. Dự kiến, một đỉnh lũ khác sẽ đến đập Tam Hiệp vào thứ ba tuần sau (ngày 21/7).
Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp Trung Quốc cảnh báo, đợt mưa lũ số hai trên sông Dương Tử sẽ còn mạnh hơn đợt lũ hồi đầu tháng 7. Trung Quốc đối mặt với nguy cơ lũ chồng lũ, vỡ đê bao trên diện rộng.
Ở những địa phương khác, binh lính và công nhân đã gia cố cho đê, kè bằng bao cát và đá. Trước đó, một vết vỡ dài 188 mét trên hồ Bà Dương, hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, đã gây ra lũ lụt trên khắp 15 ngôi làng và cánh đồng ở tỉnh Giang Tây. Hơn 14.000 người đã được sơ tán.
Lũ lụt theo mùa tấn công Trung Quốc hàng năm, đặc biệt ở miền trung và miền nam, nhưng tình hình năm nay đặc biệt nghiêm trọng. Hơn 150 người đã chết hoặc mất tích trong lũ lụt và lở đất do những cơn mưa xối xả, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc.
Lũ lụt tại Trung Quốc ảnh hưởng tới 27 trong 31 địa phương cấp tỉnh và gần 38 triệu người. Khoảng 1,8 triệu người đã được sơ tán và thiệt hại trực tiếp do lũ lụt ước tính lên tới hơn 49 tỷ nhân dân tệ (7 tỷ USD), theo Bộ Quản lý Khẩn cấp Trung Quốc.
Mức nước tại 433 sông ở Trung Quốc đạt mức nguy hiểm kể từ tháng 6, trong đó 33 sông đạt mức nước kỷ lục, Bộ Thủy lợi Trung Quốc cho biết.
Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc cho hay mưa lớn sẽ tiếp tục tàn phá khắp Hồ Bắc, An Huy, Hà Nam, Hồ Nam và Quý Châu vào cuối tuần, với lượng mưa dự kiến từ 100mm đến 180mm.
Mối lo ngại lũ chồng lũ đang tăng lên ở Vũ Hán và các đô thị hạ nguồn sông Dương Tử, nơi có hàng chục triệu người.
Theo cơ quan quản lý di sản văn hóa Trung Quốc, tính đến ngày 16/7, hơn 500 di tích văn hóa tại 11 tỉnh đã bị thiệt hại do lũ lụt.
TikTok thuê ‘Cảnh sát Internet’
để theo dõi người dùng Mỹ
Bình luậnDu Miên
Một cựu kiểm duyệt viên Internet của Trung Quốc cho biết ông đã được phỏng vấn cho vị trí giám sát và kiểm soát các video đăng bởi người dùng quốc tế của TikTok, một ứng dụng video ngắn thuộc sở hữu của Trung Quốc được hàng triệu người Mỹ sử dụng.
Liu Lipeng là người làm công việc kiểm duyệt trực tuyến tại Trung Quốc trong một thập kỷ. Ông đã quyết định không nhận công việc vào năm 2018, sau khi đề nghị trong cuộc phỏng vấn rằng TikTok không nên kiểm duyệt nội dung quá mức vì người Mỹ rất coi trọng quyền tự do ngôn luận.
Ông Liu mô tả công ty mẹ của TikTok – công ty ByteDance Technology Co., là “một cỗ máy kiểm duyệt lớn nhất và đáng sợ nhất” mà ông từng thấy. Công ty này là ông trùm kỹ thuật số tại Trung Quốc, có trụ sở tại Bắc Kinh với mức định giá khoảng 100 tỷ đô-la Mỹ, theo báo cáo vào tháng Năm.
Các tuyên bố của cựu kiểm duyệt viên trùng khớp với mối lo ngại chung đang gia tăng về mối liên hệ giữa TikTok với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Những tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Trump đang xem xét việc cấm ứng dụng này tại Hoa Kỳ do lo ngại các rủi ro an ninh quốc gia. Các quan chức và chuyên gia Hoa Kỳ đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh rằng, ứng dụng TikTok có thể được sử dụng để do thám và kiểm duyệt người dùng Mỹ. Công ty chủ quản TikTok đã phủ nhận những cáo buộc này.
Cựu kiểm duyệt viên Liu đến từ thành phố Thiên Tân phía bắc Trung Quốc, đã xây dựng sự nghiệp của mình với tư cách là “người đánh giá nội dung” trên mạng cho các ứng dụng truyền thông nổi tiếng của Trung Quốc như Weibo và Leshi, một nền tảng video tương tự YouTube. Ở Trung Quốc, tất cả các công ty mạng xã hội phải tuân thủ các quy tắc kiểm duyệt nghiêm ngặt của ĐCSTQ. Các công ty này đều sử dụng các thuật toán và các kiểm duyệt viên để theo dõi và xóa các bài đăng có thể bị ĐCSTQ coi là liên quan đến chủ đề nhạy cảm.
Nhưng ông Liu không chỉ được yêu cầu giám sát nội dung thuộc mạng Internet khép kín của Trung Quốc. Cựu kiểm duyệt viên cho biết ông đã phỏng vấn với ByteDance vào ngày 18/10/2018 cho vị trí quản lý nội dung phụ trách kiểm duyệt các bài đăng ở nước ngoài trên TikTok. Thông báo tuyển dụng cho biết vai trò liên quan đến việc đánh giá “các video toàn cầu hóa”.
Bên cạnh TikTok, ByteDance cho chạy thêm phiên bản tiếng Trung của ứng dụng có tên Douyin.
Ông Liu đã cùng gia đình chuyển đến Hoa Kỳ vào tháng Ba. Mô tả buổi phỏng vấn là một trải nghiệm “kỳ quặc”, ông Liu cho biết công ty ByteDance đã thực hiện các biện pháp cực đoan để bảo mật, khiến ông cảm thấy không thoải mái vào thời điểm đó.
Cuộc phỏng vấn diễn ra tại văn phòng của ByteDance ở Thiên Tân. Một nhân viên của ByteDance đã đứng đợi sẵn khi ông Liu đến và “đưa ông đi lòng vòng” bên trong tòa nhà. Người nhân viên này cũng nhắc nhở ông không được nhìn xung quanh.
Nhớ lại trải nghiệm đó, ông Liu nói với The Epoch Times: “Họ giống như phủ miếng bịt mặt màu đen lên mắt tôi. Tôi có cảm giác như đang đến thăm hang ổ của một trùm ma túy vậy”. Ông cho biết ông không thể quay đầu sang bên, họ cũng không cho ông thấy các khoang làm việc.
“Tôi thậm chí không thể tìm được [văn phòng Bytedance] dù tôi có đến đó ngay bây giờ”, ông nói thêm rằng, các camera giám sát được gắn khắp nơi để theo dõi nhân viên, đảm bảo họ sẽ không lấy đi bất kỳ tài liệu nào từ trang web. Ông ước tính rằng văn phòng ByteDance có ít nhất 4.000 nhân viên tại thời điểm đó, với một phần nhân viên chuyên biệt cho TikTok.
Cựu kiểm duyệt viên cho biết, mức độ bảo mật của công ty này làm ông bối rối, cho đến khi ông nhận ra mục đích của vị trí mà ông đến phỏng vấn.
Trong rất nhiều năm qua, ứng dụng tin nhắn phổ biến ở Trung Quốc là WeChat đã đi đầu trong việc kiểm duyệt nội dung liên lạc của người dùng và chia sẻ dữ liệu cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Ông Liu kể lại: “Họ nói rằng họ đang trực tiếp kiểm duyệt ngôn luận của người Mỹ. [Các nhân viên của ByteDance] đã trải qua hơn một thập kỷ chịu nhận truyền giáo chính trị từ ĐCSTQ, [đó là] những người bị ĐCSTQ dọa cho chết khiếp và luôn sống trong sợ hãi”.
Trong cuộc phỏng vấn xin việc, ông Liu đã thể hiện một tầm nhìn khác so với yêu cầu cho vị trí này. Từng có trải nghiệm sống ở nước ngoài một vài năm, cựu kiểm duyệt viên Liu kể ông đã nói với người phỏng vấn rằng: “Tôi hiểu nhiều hơn về việc người Mỹ quan tâm đến tự do ngôn luận như thế nào, và do đó chúng ta không nên kiểm duyệt quá mức”.
Cựu kiểm duyệt viên đoán ông đã bị ByteDance từ chối vì những quan điểm đó.
ByteDance đã tiếp cận và mời ông tham gia vào một công việc khác sau khi ông di cư đến Hoa Kỳ vào đầu năm nay, nhưng ông đã từ chối.
TikTok đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Ông Liu chia sẻ, sống ở Mỹ có nghĩa là ông cần phải bảo vệ lợi ích của người Mỹ và “không có đường quay lại”.
Ông cũng cho biết, bộ máy kiểm duyệt của ĐCSTQ đã bành trướng và ngày càng trở nên hà khắc hơn trong thập kỷ qua.
Ông nói: “Chúng tôi đang làm những công việc bẩn thỉu nhất, với những khẩu súng cảnh sát [dí ngay] sau lưng”.
Ông Liu cho biết việc tuyển dụng đang được tiến hành rầm rộ và hoàn toàn công khai, nhưng một trong những phẩm chất chính cần thiết là phải có “nhận thức chính trị” mạnh mẽ. Ông Liu nhấn mạnh rằng các bài đăng có ý thức hệ được ĐCSTQ khuyến khích, như chủ nghĩa yêu nước và tư tưởng xã hội chủ nghĩa, sẽ “sống sót” trên các nền tảng mạng xã hội.
Ông Liu thẳng thắn nhận định, các nhà tuyển dụng cũng nhắm mục tiêu tới các sinh viên tốt nghiệp đại học với thế giới quan đã được định hình bởi nền giáo dục tẩy não của ĐCSTQ trong nhiều năm liền. Thế hệ tân binh mới này có xu hướng kiểm duyệt nhiệt tình quá mức, và thậm chí phải được đào tạo về cách “làm thế nào để không xóa bài một cách thiếu suy nghĩ”, ông nói.
Phong cách Kiểm duyệt của ĐCSTQ
Đây không phải là lần đầu tiên TikTok phải chịu nhận chỉ trích vì áp dụng phong cách kiểm duyệt Bắc Kinh đối với người dùng ở nước ngoài.
Theo một bài báo gần đây của The Epoch Times, ứng dụng này đã đóng tài khoản của một sinh viên quốc tế Trung Quốc ở New Jersey sau khi anh này đăng một đoạn video chế nhạo quốc ca Trung Quốc.
Tháng 12/2019, TikTok cũng bị lên án gay gắt vì đã khóa tài khoản của một thiếu niên Hoa Kỳ, người đã đăng một đoạn video chỉ trích Bắc Kinh đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương xa xôi hẻo lánh của Trung Quốc.
Ủy ban Chính trị và Luật pháp của huyện Phương Chính – một huyện nhỏ của Trung Quốc cũng có dư luận viên
Tháng 9/2019, theo The Guardian đưa tin, TikTok đã yêu cầu những nhân viên quản lý nền tảng của mình kiểm duyệt một số video đề cập đến các chủ đề bị ĐCSTQ coi là cấm kỵ, như Thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 và cuộc đàn áp Pháp Luân Công – pháp môn tu luyện liên tục bị ĐCSTQ phỉ báng, bôi nhọ và đàn áp tàn nhẫn kể từ năm 1999. Thông tin bài báo dựa trên các tài liệu rò rỉ có nêu chi tiết nội dung các nguyên tắc kiểm duyệt của ứng dụng chia sẻ video này. Trong phản hồi chính thức, TikTok cho biết những chính sách này đã được thay thế vào tháng 5/2019 và không còn được áp dụng.
Một hội đồng đánh giá của Hoa Kỳ hiện đang xem xét lại việc ByteDance mua lại ứng dụng mạng xã hội Music.ly của Hoa Kỳ trị giá 1 tỷ đô-la Mỹ hồi 2017. Sau đó, mạng xã hội này đã được đổi tên thành TikTok. Hội đồng này đang điều tra xem liệu thỏa thuận này có làm tăng rủi ro an ninh quốc gia hay không.
Lầu Năm Góc năm ngoái đã ra lệnh cho các nhân viên quân sự Hoa Kỳ xóa ứng dụng TikTok khỏi điện thoại làm việc của họ. Công ty tài chính đa quốc gia Wells Fargo gần đây cũng tiếp bước, đồng thời các ủy ban quốc gia của đảng Dân chủ và Cộng hòa cũng cảnh báo nhân viên của họ về việc sử dụng ứng dụng này.
Sau quyết định gần đây của Ấn Độ về việc cấm TikTok và 58 ứng dụng khác của Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Trump xác nhận rằng họ cũng đang xem xét một quyết định tương tự. Ngày 15/7,
Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows cho biết, một số quan chức chính quyền đang “xem xét rủi ro an ninh quốc gia vì nó liên quan đến TikTok, WeChat và các ứng dụng khác”.
Ông Meadows nói: “Tôi không nghĩ là có bất kỳ thời hạn nào cho động thái này, nhưng tôi nghĩ chúng ta chỉ cần [chờ đợi] vài tuần, chứ không phải vài tháng”.
Du Miên
Theo The Epoch Times
Covid-19: Trung Quốc mở chiến dịch
xét nghiệm quy mô tại Tân Cương
Từ ngày 18/07/2020, Trung Quốc cho tiến hành một chiến dịch xét nghiệm tầm soát rộng lớn tại thành phố Urumqi, thủ phủ vùng tự trị Tân Cương, viễn tây đất nước, sau khi phát hiện một ổ dịch Covid-19 mới.
Từ Thượng Hải, thông tín viên đài RFI, Angélique Forget tường thuật:
« Từ hôm thứ Sáu, 17/7, tầu điện ngầm và tầu lửa đều ngừng hoạt động. Nhiều chuyến bay đến và đi từ khu đô thị này đã bị hủy. Sau 149 ngày không có một ca nhiễm Covid-19 nào, một người bị phát hiện dương tính hôm thứ Tư 15/7 và giờ thì có đến 39 người mang mầm bệnh trong thành phố.
Để kềm hãm dịch bệnh, chính quyền thành phố thông báo một chiến dịch xét nghiệm tầm soát rộng lớn. Truyền thông chính thức loan báo là xét nghiệm miễn phí. Nhiều khu phố đã bị cô lập hoàn toàn, một số cư dân không được quyền rời nơi cư trú nữa. Nhiều nhóm chuyên viên y tế từ Vũ Hán đã được gởi đến tiếp viện.
Những biện pháp mới chống dịch Covid-19 này diễn ra tại một thành phố vốn dĩ đã ngột ngạt vì sự giám sát chặt chẽ của cảnh sát. Nhiều thành viên của cộng đồng thiểu số Duy Ngô Nhĩ sống ở đây là nạn nhân của các vụ trấn áp. Tại Tân Cương, hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ trong số họ dường như bị nhốt sống trong các “trại”, về mặt chính thức là để phi cực đoan hóa. »
Indonesia vượt Trung Quốc về số ca nhiễm
Tại Đông Nam Á, chính quyền Jakarta ngày 18/07/2020 xác nhận cả nước đã có tổng cộng 84,882 ca nhiễm virus corona chủng mới, trong đó có hơn 1.700 trường hợp nhiễm mới được phát hiện trong vòng 24 giờ. Tổng số ca tử vong vì Covid-19 tại Indonesia là 4.016 người. Chính quyền Indonesia cho rằng số ca nhiễm có lẽ còn cao hơn do có nhiều trường hợp chưa được phát hiện.
Theo nhận định của Reuters, với những số liệu thống kê này, Indonesia vượt qua Trung Quốc trở thành quốc gia có số ca nhiễm cao nhất tại vùng phía đông châu Á. Hãng tin Anh nhắc lại, dịch bệnh bùng phát từ Vũ Hán Trung Quốc đã làm thiệt mạng 4.634 người và hơn 83.640 ca nhiễm bệnh, theo số liệu do chính quyền Bắc Kinh công bố tính đến ngày thứ Sáu 17/07.
Hàng trăm người Thái Lan biểu tình
yêu cầu chính phủ từ chức
Tin từ Bangkok – Tối thứ Bảy (18/07/2020), hàng trăm người Thái Lan biểu tình yêu cầu chính phủ từ chức và giải thể quốc hội, bất chấp lệnh cấm tụ tập đám đông trong dịch coronavirus. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất tại quốc gia kể từ sau cuộc đảo chính quân sự hồi năm 2014.
Những người trong cuộc biểu tình do sinh viên lãnh đạo gần Đài tưởng niệm Dân chủ ở Bangkok đưa ra một loạt khiếu nại chống lại chính phủ của thủ tướng Prayuth Chan-ocha, cựu lãnh đạo quân đội đã lật đổ một chính phủ được bầu cử vào 6 năm trước.
Nhà tổ chức biểu tình đã đưa ra 3 yêu cầu: giải tán quốc hội, chấm dứt quấy rối các nhà phê bình chính phủ và sửa đổi hiến pháp được cho là bảo đảm chiến thắng cho đảng của ông Prayuth trong cuộc bầu cử năm ngoái. Sự phản đối của công chúng đối về sự cai trị của ông Prayuth đã gia tăng trong những tháng gần đây.
Sau cuộc bầu cử năm ngoái, một tòa án đã giải tán đảng đối lập lớn thứ hai Thái Lan, qua đó củng cố quyền lực cho liên minh cầm quyền của ông Prayuth. Hôm thứ Năm (16/07/2020), một số thành viên nội các của ông Prayuth đã từ chức do tranh chấp nội bộ.
Đảng Palang Pracharat của ông Prayuth tập trung vận động về văn hóa truyền thống của Thái Lan và lòng trung thành với vua Maha Vajirusongkorn. Thái Lan có có chế độ chính thức là quân chủ lập hiến, việc xúc phạm nhà vua có thể bị phạt tới 15 năm tù, nhiều người bảo thủ coi chế độ quân chủ là điều bất khả xâm phạm. (BBT)
Australia, Philippines lên tiếng
về tuyên bố Biển Đông cứng rắn của Mỹ
Australia và Philippines lên tiếng ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông sau khi Mỹ ra tuyên bố bác bỏ hầu hết yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở vùng biển này.
Phát biểu với truyền thông ngày 16/7, Thủ tướng Australia Scott Morrison nói, Australia tiếp tục ủng hộ “rất mạnh mẽ” tự do hàng hải ở Biển Đông. “Australia sẽ tiếp tục lập trường rất nhất quán”, ông Morrison cho biết khi trả lời câu hỏi liệu Australia có ủng hộ lập trường của Mỹ về Biển Đông hay không. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh thêm: “Chúng tôi sẽ ủng hộ lập trường đó bằng hành động, ý tưởng và tuyên bố theo cách của Australia”.
Những bình luận trên được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố bác bỏ hầu hết yêu sách chủ quyền “phi pháp” của Trung Quốc ở Biển Đông, cam kết đảm bảo tự do hàng hải ở khu vực.
Trong thông cáo ngày 13/7, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo nêu rõ: “Các yêu sách của Bắc Kinh đối với các tài nguyên ngoài khơi ở hầu hết Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp do các hành động đe dọa để kiểm soát các nguồn tài nguyên đó. Thế giới không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông như đế chế hàng hải của riêng họ”. Mỹ cũng ủng hộ phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài thường trực bác bỏ yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh dựa trên cái gọi là “đường chín đoạn” ở Biển Đông.
Trước Australia, Philippines cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ tuyên bố lập trường của Mỹ về Biển Đông đưa ra hồi đầu tuần. Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana hôm 14/6 nói: “Chúng tôi hối thúc Trung Quốc tuân thủ phán quyết (năm 2016) của Tòa trọng tài thường trực và tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS)”.
Tuyên bố 750 chữ của Bộ Ngoại giao Mỹ đánh dấu một bước chuyển chính sách đáng kể của Washington khi lần đầu tiên nói thẳng các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông là “hoàn toàn phi pháp”, điều mà trước đó Mỹ chỉ đề cập đến là những hành vi “khiêu khích, nguy hiểm”.
Gregory B. Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), nhận định: “Giới chức Mỹ hy vọng tuyên bố này có thể tạo nền tảng cho nỗ lực lâu dài nhằm kêu gọi cộng đồng quốc tế phản đối các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, ủng hộ các đối tác ở Đông Nam Á và gây sức ép cả về ngoại giao và kinh tế với Bắc Kinh”.
0 comments