Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 14/07/2020

Tuesday, July 14, 2020 4:59:00 PM // ,

Đọc báo Pháp – 14/07/2020

Quốc Khánh Pháp: chính quyền vinh danh

ngành y, nạn nhân Covid-19 đòi bồi thường

Trọng Thành
Pháp mừng ngày Quốc Khánh năm 2020 theo cách thức chưa từng có: Bãi bỏ duyệt binh, chủ đề chính là vinh danh nhân viên ngành y, những người « trên tuyến đầu » cuộc chiến chống Covid-19. Chính phủ Pháp chuẩn bị công bố cương lĩnh ra khỏi khủng hoảng trong 600 ngày còn lại của nhiệm kỳ, trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu về một làn sóng Covid thứ hai, và áp lực đòi cải tổ ngành y tế gia tăng. Trên đây là một số chủ đề chính trên báo Pháp ngày Quốc Khánh 14/07/2020.
Quốc Khánh chưa từng có 
Trang nhất Le Figaro chạy tựa : « Ngày Quốc Khánh, đất nước vinh danh ngành y ». Theo Le Figaro, « con virus đã làm đảo lộn tất cả. Sau cuộc khủng hoảng y tế mùa xuân vừa qua, các nghi thức Quốc Khánh phải được ‘‘sáng tạo lại’’. Chủ yếu do thiếu thời gian chuẩn bị, cuộc duyệt binh trên đại lộ Champs-Elysées bị hủy, lần đầu tiên kể từ năm 1945 ». Duyệt binh được thay bằng một nghi thức quân sự quy mô nhỏ tại quảng trường Concorde, chỉ với sự tham gia của 37 đơn vị, mỗi đơn vị tối đa là 49 quân nhân.
Trong số 1.400 khách mời, có các y bác sĩ, viên chức, những người hoạt động hiệp hội, thành viên xã hội dân sự, những nhân vật có tên tuổi đã tham gia vào cuộc chiến chống đại dịch, gia đình nhiều nhân viên ngành y đã qua đời trong thời gian đại dịch. Nhân viên ngành y bốn vùng bị dịch tàn phá nhiều nhất, là Île-de-France, Hauts-de-France, Grand Est và Bourgogne-Franche-Comté, có nhiều đại diện hơn. Cùng với những người trên « tuyến đầu »,  là đại diện của các ngành nghề ở « tuyến hai, tuyến ba », như giáo viên, người bán hàng, nhân viên ngành tang lễ, lực lượng an ninh, các doanh nghiệp sản xuất các vật tư thiết yếu… Đại diện Đức, Áo, Thụy Sĩ và Luxembourg, bốn quốc gia tiếp nhận 161 bệnh nhân Pháp, cũng có mặt.
Tổn thất: « 3.000 nhân viên ngành y »
Tổn thất của những người trên tuyến đầu chống dịch là vô cùng lớn. Theo Le Figaro, có ít nhất 3.000 nhân viên ngành y tại 73 quốc gia (tính đến ngày 05/06), do Covid-19, theo Amnesty. Chỉ có rất ít quốc gia cung cấp số liệu chính thức, và ngay cả tại các quốc gia đó, đây vẫn chưa phải là toàn bộ nhân viên ngành y chết trong thời gian đại dịch. Số y bác sĩ tử vong cao nhất, theo số liệu của chính quyền các nước, là tại Mỹ (507 người), Anh (504 người), Nga (101 người), Tây Ban Nha (63 người), Đức (20 người). Riêng tại Nga, đầu tháng 6, Hiệp hội nghề y Nga đưa ra con số 545 người.
Tại Pháp, theo thống kê của ngành Y Tế, ngày 30/06, tổng cộng trong ngành Y có 16 người qua đời, trong đó có 5 bác sĩ, 4 hộ lý, 7 nhân viên ngành y nhưng không thuộc bộ phận chăm sóc người bệnh. Amnesty International nhấn mạnh là các dữ liệu nói trên mới chỉ lấy từ gần một phần ba số cơ sở y tế, và « con số toàn quốc chắc chắn sẽ cao hơn nhiều ».
Le Figaro cho biết cụ thể, số liệu nói trên chưa tính đến nhân viên ngành y làm việc tại các trung tâm dưỡng lão Ehpad, cũng như các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân. Theo CARMF, cơ sở quản lý quỹ hưu trí của các bác sĩ tại Pháp, vào đầu tháng 6/2020, có 46 bác sĩ tư (trong đó có 26 người đang hoạt động và 20 người đã nghỉ hưu) qua đời vì Covid-19. Theo tổ chức SOS Médecins, có tới 16% nhân viên ngành y có thể đã nhiễm virus corona chủng mới.
Xét trên toàn cầu, Tổ Chức Y Tế Thế Giới nhấn mạnh là việc thiếu thốn các trang thiết bị phòng dịch là một nguyên nhân khiến nhiều nhân viên ngành y bị nhiễm virus. Amnesty International cũng cho biết cụ thể hơn là, theo một điều tra giữa tháng 5, được tiến hành tại 62 nước (do ISP, liên minh quốc tế các nghiệp đoàn dịch vụ công tiến hành), chỉ có chưa đầy một phần tư số nghiệp đoàn cho biết có đủ thiết bị bảo hộ. ISP tập hợp 700 nghiệp đoàn và 30 triệu người lao động trên toàn thế giới. Tình trạng này tác động lớn ngay cả đến các nước phát triển.
Vùng Grand-Est: Y bác sĩ tại bệnh viện « được bảo hộ khá tốt »
Nhật báo Libération cũng có bài đi sâu vào việc tính toán cụ thể số lượng người làm trong ngành y bị nhiễm virus corona chủng mới, cũng thừa nhận là hiện chưa có được một con số chung toàn quốc. Libération đặt câu hỏi: Liệu tỉ lệ người làm nghề y bị nhiễm có cao hơn tỉ lệ trung bình của dân cư không ? Nhật báo tỏ ra dè dặt: chưa có gì để đủ chứng minh điều này. Chỉ có một « điều tra về kháng thể » với virus gây bệnh Covid-19 mới có thể cho ra kết quả sát nhất với thực tế.
Tại vùng Grand-Est, tâm dịch của nước Pháp, nơi dân cư ước tính 11% nhiễm virus (theo điều tra của Viện Pasteur), tỉ lệ nhân viên ngành y bị nhiễm có thể thấp hơn. Theo giám đốc Viện virus học các bệnh viện đại học Strasbourg, bà Samira Fafi-Kremer, kết quả điều tra sơ bộ cho thấy các y bác sĩ « được bảo vệ khá tốt tại bệnh viện », phần lớn vụ lây nhiễm với họ diễn ra bên ngoài bệnh viện.
Thân nhân « người bị hy sinh » đòi bồi thường
Trong lúc nhật báo thiên hữu Le Figaro tập trung trước hết vào toàn cảnh nghi thức vinh danh chính thức, nhật báo thiên tả Libération đưa lên hàng đầu chân dung những người hy sinh trong đại dịch.  Tựa trang nhất của Libération: « Những người bị hy sinh », trên nền hình ảnh chiếc ống nghe treo lơ lửng, như một biểu tượng về những người bác sĩ vừa ra đi. Nhật báo Libération dành bài đầu dài hai trang cho ba nhân chứng, thân nhân của ba bác sĩ đa khoa vừa qua đời, với tựa đề « Covid-19: Tôi muốn người ta thừa nhận đã bỏ rơi các bác sĩ phòng khám ».
Đối với bà Hakima Djemouri, chiếc áo choàng trắng của người chồng bác sĩ vẫn còn nằm nguyên trên ghế, từ ba tháng nay. Hakima Djemouri, 48 tuổi, là một trợ lý y tế, phụ tá của người chồng bác sĩ, tại tỉnh ngoại ô Paris Val-de-Marne. Từ khi ông qua đời ngày 02/04, và cho đến tận bây giờ, bà vẫn không tin nổi chồng mình đã ra đi mãi mãi, để lại bà và bốn người con.
Theo bà Hakima Djemouri, bà cùng chồng và nhiều nhân viên  y tế làm việc tại các phòng khám, đã không có đủ đồ bảo hộ cần thiết. Bây giờ là lúc Nhà nước cần nhìn nhận việc này và chấp nhận đền bù. Hakima Djemouri là một trong các khách mời của buổi lễ mừng Quốc Khánh đặc biệt năm nay tại quảng trường Concorde. Bà cho biết muốn trực tiếp gặp riêng tổng thống Emmanuel Macron, để buộc tổng thống phải đối mặt với « các trách nhiệm của ông ấy » và nhắc nhở ông ấy nhớ đến « sự hy sinh quan trọng của giới bác sĩ tư ». Bà Hakima Djemouri đã đệ đơn kiện cựu thủ tướng Edouard Philippe, cựu bộ trưởng Y Tế Agnès Buzyn và người kế nhiệm Olivier Véran.
« Cuộc chiến đang tiếp diễn » 
Dịp kỉ niệm Quốc Khánh Pháp năm nay có thêm một điều đặc biệt nữa, theo Le Figaro, đó là ngành y được vinh danh, trong lúc cuộc chiến chống đại dịch vẫn tiếp diễn. Bài xã luận của Le Figaro « Cuộc chiến đang tiếp diễn » lưu ý là, từ một thế kỷ nay, cuộc duyệt binh ngày 14/07 hàng năm thường là dịp để vinh danh những con người dũng cảm chống lại kẻ thù, trên các mặt trận ở trong nước Pháp, hay ở bên ngoài. Đây cũng là một truyền thống có từ thời La Mã, nhằm ăn mừng «  đại thắng ». Lần này cũng không có gì khác, nhưng thay vì để vinh danh những người mang quân phục, là những người mặc áo blu. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn là giờ đây, những người được vinh danh vẫn đang tiếp tục cuộc chiến. Le Figaro dùng lại cách nói của tướng de Gaulle: « chống lại virus corona, nước Pháp đã thắng một trận đánh, nhưng toàn bộ cuộc chiến thì chưa kết thúc ».
Có dấu hiệu đợt Covid thứ hai
Ám ánh về một đợt dịch Covid thứ hai hiện rõ. Le Monde, trong bài « Nhiều chỉ dấu cho thấy dịch Covid-19 có chiều hướng trở lại tại Pháp », cho biết giới y tế đã ghi nhận được tổng cộng 333 ổ dịch, tính đến ngày 08/07.
Nhà dịch tễ học Daniel Lévy-Bruhl, một chuyên gia về y tế công, xác nhận virus Sars-Cov-2 có xu thế đang lan truyền mạnh hơn. Tổng thư ký SOS-Médecins France, mạng lưới gồm 1.300 bác sĩ, thông báo
số lượng các ca khám do nghi ngờ nhiễm virus corona mới, của các bác sĩ trong mạng này, tăng gần gấp rưỡi trong tuần lễ từ 29/06 đến 05/07. Tuy nhiên, trên thực tế, số người khám bệnh hiện nay vẫn thấp hơn rất nhiều so với thời điểm đỉnh dịch (chỉ bằng chưa đầy 1/10). Và về cơ bản, số lượng người nhập viện để điều trị Covid vẫn ổn định, chứ không tăng. Nhà dịch tễ học Daniel Lévy-Bruhl nhấn mạnh: đáng lo ngại nhất là « các ổ dịch nhỏ trong cộng đồng, nếu không được kiểm soát tốt, có thể làm bùng lên một đợt dịch mới ».
Chính quyền Pháp hiện đang đứng trước áp lực phải ra chỉ thị « buộc mang khẩu trang  trong các không gian kín công cộng », Le Figaro cho biết. Trong chuyến công tác tại Guyane, tân thủ tướng Castex cho biết chính phủ đang nghiên cứu vấn đề này. Bộ trưởng Y Tế nói rõ hơn chính phủ đang thảo luận về việc sẽ ra khuyến cáo hay yêu cầu bắt buộc. Sức ép gia tăng với việc một nhóm bác sĩ đưa ra yêu cầu đòi hỏi bắt buộc « để tránh lây nhiễm tăng vọt » trên báo Le Parisien, nhiều chính trị gia đối lập cũng ủng hộ việc này.
Lo hội hè tràn lan
Vẫn theo Le Figaro, bên cạnh các không gian kín, chính quyền cũng đặc biệt lo ngại về các dịp hội hè « hoang dã » được tổ chức trong dịp hè, vừa bắt đầu, sau khi lệnh phong tỏa chấm dứt. Việc giới hạn quy mô 5.000 người tối đa trong những dịp này là không đủ. Cuộc liên hoan âm nhạc ngoài trời tại Nice hôm thứ Bảy vừa qua, với hàng nghìn người tham dự chen chúc, không báo hiệu điều gì tốt lành. Hiện tại virus vẫn hiện diện khắp nơi tại Pháp, cũng như tại các nước láng giềng, chỉ cần chờ dịp là dịch bùng lại. Trên thực tế, trong dịp Quốc Khánh này, chính quyền nhiều địa phương đã hủy đa số các hoạt động ăn mừng, từ pháo hoa cho đến đêm vũ nhạc, để phòng ngừa.
« Tuần hành đối trọng » của nhiều nghiệp đoàn ngành y 
Không chỉ có áp lực đòi hỏi chính sách cứng rắn trong cuộc chiến chống dịch, chính phủ Pháp cũng đứng trước áp lực đòi cải tổ ngành Y. Ngày 14/07 này, nhiều nghiệp đoàn y tế kêu gọi xuống đường, cuộc tuần hành coi như để « đối trọng » với nghi thức vinh danh ngành y của tổng thống tại quảng trường Concorde. Theo Libération, hôm thứ Hai vừa qua, sau 7 tuần thương lượng với các nghiệp đoàn, chính phủ ra thông báo giải ngân 7,5 tỉ euro để tăng lương cho các nhân viên ngành y tế, và 450 triệu euro riêng cho các bác sĩ tại bệnh viện. Một số nghiệp đoàn, như CGT và SUD, cực lực phản đối quyết định này, cho rằng chính quyền đã « khinh thường » các yêu sách của phía nghiệp đoàn.
Bài xã luận Libération cũng nhấn mạnh đến hai sự kiện tương phản. Một bên là nghi thức quân sự vinh danh các nhân viên y tế nhân ngày Quốc Khánh tại Concorde, và bên kia là cuộc tuần hành của các nghiệp đoàn ngành y, yêu cầu chính phủ có các đền đáp vật chất xứng đáng, tăng lương, trợ cấp, tiền thưởng.
Nhật báo Le Figaro phỏng vấn bác sĩ Thomas Gille, cũng tham gia vào một cuộc tuần hành của giới y tế, bên lề các nghi lễ chính thức ngày Quốc Khánh, với tựa đề « Tôi không muốn sự vinh danh, mà yêu cầu thực trạng bệnh viện được cải thiện ». Vị bác sĩ chuyên ngành hô hấp bệnh viện Bobigny cực lực phản đối việc tổ chức vinh danh ngành y một cách phô trương. Theo ông, đây chỉ là « một trò lừa », điều mà giới y tế thực sự cần là các cải thiện cụ thể trong điều kiện làm việc, và để các y bác sĩ có nhiều thời gian hơn cho chăm sóc bệnh nhân. Việc mỗi nhân viên y tá được tăng thêm 180 euro lương tháng là đáng kể, nhưng chỉ là bù mức thiệt thòi của họ trong những năm qua, và điều chủ yếu đáng tiếc là việc cải thiện điều kiện làm việc không được thảo thuận trong dịp thương lượng vừa qua giữa bộ Y Tế và các nghiệp đoàn.
Macron nối lại với truyền thống phỏng vấn Quốc Khánh
Công luận Pháp đặc biệt chú ý đến cuộc trả lời phỏng vấn của tổng thống chiều nay. Le Figaro có bài « Macron nối lại với truyền thống phỏng vấn 14/07 để vạch ra hướng đi sắp tới ».
Le Figaro ghi nhận ngay từ khi lên cầm quyền, tổng thống Macron đã từng quyết định đoạn tuyệt với truyền thống nguyên thủ trả lời phỏng vấn ngày Quốc Khánh, được duy trì từ 40 năm liên tục. Tuy nhiên, theo Le Figaro, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Covid-19 và thất bại nặng nề của đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử địa phương vừa qua, ông Macron đã buộc phải trở lại với truyền thống trả lời phỏng vấn ngày 14/07.
Theo Le Figaro, tổng thống Pháp đang đứng trước thách thức kép. Thách thức « bên trong », ông phải tiếp tục duy trì được chủ trương cải cách, điều làm nên bản sắc riêng của ông, và đối với « bên ngoài », phải thành công việc thoát khỏi khủng hoảng « để nước Pháp giữ được uy tín với quốc tế », theo đánh giá của một bộ trưởng. Trong đường hướng hành động của tổng thống, việc thiết lập một ủy ban cao cấp, phụ trách lập ra « Kế hoạch » hành động quốc gia ra khỏi khủng hoảng – có thể đã được giao phó cho chính trị gia François Bayrou – là một trọng tâm. Cho đến tối thứ Hai, nhiều vấn đề vẫn còn được để ngỏ.

Tin tổng  hợp
(AFP) – Mỹ phóng robot « săn » vi khuẩn lên sao Hỏa. 
Ngày 30/07/2020, Hoa Kỳ sẽ phóng lên sao Hỏa một xe tự hành tinh vi nhất từ trước đến nay, mang tên Perseverance, để cố tìm ra dấu vết của sự sống cách đây 3 tỷ rưỡi năm, khi mà các dòng sông còn đầy vi khuẩn. Chuyến du hành sẽ kéo dài hơn 6 tháng, và nếu đáp xuống được hành tinh này mà không bị hư hỏng, robot Perseverance sẽ thám hiểm sao Hỏa suốt nhiều năm, lấy mẫu đất đá, để một robot khác đưa về Trái đất vào năm 2031.
(Les Echos) – TT Mỹ Trump xác nhận đã cho tấn công mạng nhằm vào Nga, 
Theo nhật báo Pháp Les Echos ngày 13/07/2020, tổng thống Mỹ tiết lộ ông đã ra lệnh tấn công mạng nhằm vào Internet Research Agency, một cơ sở của Nga chuyên phổ biến tin giả, từng bị cáo buộc gây nhiễu loạn kỳ bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Trong cuộc trả lời phỏng vấn được báo Mỹ Washington Post đăng hôm 11/07, tổng thống Trump khẳng định, cách đây 2 năm, ông đã ra lệnh tấn công tin học vào cơ sở nói trên của Nga ; cuộc tấn công, khởi sự từ đầu kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ hồi năm 2018, kéo dài trong nhiều ngày và rất hiệu quả. Mục tiêu là ngăn chặn nhóm gây nhiễu Nga tác động đến cuộc bầu cử Mỹ.
(AFP) – Anh loại Hoa Vi khỏi mạng 5G. 
Hôm nay, 14/07/2020, chính phủ Luân Đôn thông báo loại tập đoàn viễn thông Hoa Vi của Trung Quốc ra khỏi mạng điện thoại di động 5G của Anh Quốc, bất chấp lời đe dọa trả đũa của Bắc Kinh. Quyết định này được đưa ra sau nhiều tháng chính phủ của thủ tướng Boris Johnson chịu áp lực từ chính quyền Donald Trump, vốn vẫn tố cáo Hoa Vi làm gián điệp cho chế độ Bắc Kinh, cáo buộc mà tập đoàn viễn thông Trung Quốc vẫn bác bỏ.
(AFP) – Bắc Kinh phản ứng việc Pháp hạn chế số chuyến bay. 
Đại sứ quán Trung Quốc ở Paris, hôm 14/07/2020, tỏ ý « rất lấy làm tiếc » về quyết định của Pháp hạn chế số chuyến bay của các hãng hàng không Trung Quốc đến Pháp, cho rằng quyết định này « đơn phương » và « không thể hiểu nổi ». Từ cuối tháng 3, Trung Quốc đã hạn chế rất nhiều số chuyến bay với nước ngoài để ngăn chận các ca nhiễm mới. Từ ngày 6/8, nhiều hãng hàng không nước ngoài, trong đó có Air France, được phép mở lại các chuyến bay, nhưng chỉ được một chuyến đến và đi mỗi tuần. Trong khi đó, cho tới nay, 3 hãng của Trung Quốc (Air China, China Eastern, China Southern) vẫn được bay mỗi hãng một chuyến mỗi tuần, tổng cộng là 3 chuyến/tuần. Để cho công bằng, chính phủ Pháp đã quyết định chỉ cho các hãng hàng không Trung Quốc được bay tổng cộng một chuyến/tuần, giống như Air France.
(Reuters) – Việt Nam chuẩn bị nối lại đường bay thương mại với Trung Quốc. 
Theo thông báo ngày 13/07/2020 của bộ Giao Thông, Việt Nam đã chấp nhận nối lại các chuyến bay đến và xuất phát từ Trung Quốc sau nhiều tháng tạm dừng vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, hai bên vẫn đang đàm phán về tần suất và lịch trình các chuyến bay. Ngay từ tháng Hai, Việt Nam đã ngừng các chuyến bay thương mại với Trung Quốc và ngừng cấp thị thực cho du khách nước này.
(AFP) – Tổng thống Kosovo trình diện Tòa Công Lý Quốc Tế La Haye, 
ngày 13/07/2020, để trả lời về các cáo buộc về tội ác chiến tranh liên quan đến ông trong thời gian diễn ra xung đột với Serbia (1998-1999). Tổng thống Kosovo mới bị tòa án ở La Haye hôm 25/06 tống đạt cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và tội tác chống loài người, trong thời gian ông là chỉ huy lực lượng kháng chiến Quân đội giải phóng Kosovo.
(AFP) – Liên Hiệp Quốc bi quan về nạn đói nghiêm trọng trong năm 2020. 
Bản báo cáo hàng năm về tình trạng thiếu ăn, được Liên Hiệp Quốc công bố ngày 13/07/2020, cho thấy nạn đói đã tác động đến khoảng 690 triệu người, tương đương với 8,9% dân số thế giới, trong năm 2019. Tuy nhiên, tình hình còn có nguy cơ nghiêm trọng hơn trong năm 2020 do dịch Covid-19. Nếu tình hình không được cải thiện, số người phải chịu nạn đói sẽ tăng lên 840 triệu từ nay đến năm 2030.
(Le Monde) – Pháp bắt một công dân phát tán nội dung khiêu dâm trẻ em trên mạng dark web. 
Trong thông cáo ngày 13/07/2020, chưởng lý Fédérique Porterie tại Bordeaux cho biết một người đàn ông 40 tuổi đã bị bắt ngày 07/07 tại vùng Gironde và là « một trong 10 đối tượng được nhắm đến trên thế giới » của cảnh sát Pháp và quốc tế. Nghi phạm này lưu trữ và phát tán nội dụng khiêu dâm trẻ em trên một số trang dark web từ năm 2014 (trang web không xuất hiện trên các công cụ tìm kiếm). Thậm chí, nghi phạm còn lạm dụng cả con ruột.

Điểm tin thế giới sáng 14/7:

Máy bay Mỹ bay sát bờ biển Trung Quốc

Lục Du
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Ba (14/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Máy bay Mỹ bay sát bờ biển Trung Quốc
Hôm thứ Hai, một máy bay do thám của Mỹ đã tiến gần địa phận tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Tờ Bưu điện Nam Hoa buổi sáng (SCMP) nhận định đây là một động thái được Mỹ thiết kế để giám sát các hoạt động quân sự dọc bờ biển phía nam Trung Quốc.
Nhóm chuyên gia đại học Bắc Kinh đã công bố tọa độ hoạt động của máy bay Mỹ trên Twitter, nói rằng máy bay E-8C của Mỹ được ghi nhận hoạt động cách bờ biển Trung Quốc 110 km.
Trước khi được phát hiện lai vãng gần Quảng Đông, E-8C đã có mặt tại căn cứ không quân Kadena ở Nhật Bản và đã bay qua Tokyo vào sáng thứ Hai, theo hình ảnh được tài khoản No Callsign đăng trên Twitter.
Động thái của máy bay Mỹ trùng thời điểm Đài Loan tổ chức cuộc tập trận Hán Quảng thường niên. Cuộc tập trận này vừa khởi động hôm thứ Hai.
Mỹ tiếp tục lên án hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông
Hôm thứ Hai, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Mỹ sẽ coi việc Bắc Kinh theo đuổi các hoạt động khai thác tài nguyên ở Biển Đông và các hành vi bắt nạt của họ trên vùng biển này là bất hợp pháp, theo SCMP.
“Chúng tôi nhấn mạnh rằng: việc Bắc Kinh tuyên bố sở hữu các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở hầu hết khu vực Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, chiến dịch bắt nạt của họ để kiểm soát chúng cũng thế”, ông Pompeo nói.
SCMP bình luận, phát biểu của ông Pompeo là một nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm kiềm chế các hành động lấn lướt ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Việc lên án này gần như chắc chắn có tác dụng tức thì, hơn nữa sẽ làm Bắc Kinh khó chịu.
Pháp hạn chế hàng không Trung Quốc
Reuters đưa tin, Chính phủ Pháp hôm thứ Hai (13/7) đã bắt đầu hạn chế các hãng hàng không Trung Quốc, chỉ cho phép họ bay đến Pháp với mật độ mỗi tuần một chuyến. Paris cho biết họ làm vậy là để đáp trả hành động tương tự của Bắc Kinh đối với các hãng hàng không Pháp.
Đại sứ quán Pháp cho hay, theo thỏa thuận song phương ngày 12/6, Air France được Bắc Kinh cấp quyền thực hiện ba chuyến bay mỗi tuần đến Trung Quốc, nhưng thực tế Bắc Kinh chỉ cho phép hãng hàng không Pháp bay tới Đại Lục một chuyến mỗi tuần.
Cơ quan quản lý hàng không nhà nước Trung Quốc CAAC hiện vẫn chưa có phản ứng nào trước động thái đáp trả của Pháp.
Trung Quốc lại cảnh báo người dân không tới Úc
Hôm thứ Hai, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục gia tăng cảnh báo người dân không nên tới Úc, nói rằng nếu họ tới đó thì sẽ bị cơ quan thực thi pháp luật của Úc truy tìm “một cách tùy tiện”, theo AFP.
Chính quyền Trung Quốc đưa ra cảnh báo này chỉ ít ngày sau khi chính phủ Úc tuyên bố sẽ tiếp nhận khoảng 10.000 người Hồng Kông tị nạn sau khi Bắc Kinh thông qua luật an ninh mới.
Một tháng trước, Bắc Kinh cũng cảnh báo người dân nước này không nên tới Úc vì cho rằng có tồn tại tình trạng phân biệt đối xử người Hoa tại xứ sở chuột túi trong bối cảnh đại dịch. Tuy nhiên, chính phủ Úc đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Bắc Kinh, đồng thời nói công dân của bất kỳ quốc gia nào đều được chào đón ở xã hội Úc.
WHO đưa ra cảnh báo tiêu cực về dịch Covid
SBS News đưa tin, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm thứ Hai cảnh báo có quá nhiều quốc gia đang có phản ứng rối loạn trước đại dịch viêm phổi Vũ Hán, tức là thế giới khó có thể sớm trở lại bình thường.
Sau khi ghi nhận 230.000 trường hợp nhiễm Covid mới được báo cáo hôm Chủ nhật (12/7), WHO nhận định đại dịch sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn trừ khi mọi người đảm bảo những biện pháp phòng ngừa cơ bản gồm giãn cách xã hội, rửa tay, đeo khẩu trang và ở nhà nếu bị bệnh.
Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cảnh báo rằng một số quốc gia dỡ bỏ tình trạng phong tỏa hiện đang chứng kiến sự hồi sinh của dịch viêm phổi Vũ Hán vì họ không tuân theo các phương pháp phòng chống bệnh đã được chứng minh có thể giảm rủi ro lây nhiễm.
“Tôi muốn thẳng thắn với các bạn: sẽ không thể về được trạng thái ‘bình thường trước đây’ trong tương lai gần”, tiến sĩ Tedros nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo ngắn. “Quá nhiều quốc gia đang đi sai hướng. Virus vẫn là kẻ thù công khai số một, nhưng hành động [và nhận thức ] của nhiều chính phủ và người dân không phản ánh điều này”.

Điểm tin thế giới tối 14/7:

Philippines ủng hộ Mỹ

bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Ba (14/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Philippines ủng hộ Mỹ bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông
Bộ Quốc phòng Philippines hôm nay bày tỏ sự nhất trí với Mỹ sau khi Washington ra tuyên bố bác bỏ hầu hết yêu sách của Bắc Kinh trên Biển Đông.
“Chúng tôi nhất trí cao với lập trường của cộng đồng quốc tế rằng cần phải có một trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông”, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết trong thông cáo hôm nay.
Ông Lorenzana cũng kêu gọi chính phủ Trung Quốc tuân thủ các phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) năm 2016 và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Trung Quốc phản đối thông cáo của Mỹ về Biển Đông
Chính quyền Trung Quốc hôm nay tuyên bố họ kiên quyết phản đối thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, theo Reuters.
Bắc Kinh tuyên bố cáo buộc từ phía Washington đối với nước này là “hoàn toàn phi lý”.
Khảo sát: Đa số người có tín ngưỡng ủng hộ ông Trump tái đắc cử
Democracy Institute/Sunday Express hôm thứ Ba (14/7) công bố kết quả khảo sát cho thấy, đa số người Mỹ có tín ngưỡng ủng hộ Tổng thống Trump tái đắc cử.
Cuộc khảo sát về đối đầu giữa Tổng thống Trump và ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ Joe Biden được Democracy Institute phối hợp với Sunday Express thực hiện từ ngày 1/7 đến 3/7 với sự tham gia của 1.500 đáp viên. Sai số khảo sát là +-2,5%.
Theo kết quả khảo sát, ông Trump và ông Biden hòa nhau ở phiếu phổ thông, với 47% phiếu ủng hộ. Trong khi, ở phiếu Đại cử tri, ông Trump dẫn ông Biden 309 so với 229.
Chia theo tín ngưỡng của cử tri, ông Trump nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng tôn giáo. 90% người Công giáo Phúc âm (Evangelical Christians) ủng hộ ông Trump, chỉ có 8% cho biết sẽ bỏ phiếu cho ông Biden.
56% người theo đạo Tin lành ủng hộ ông Trump, 42% bỏ phiếu cho ông Biden. 52% người theo Công giáo Roma ủng hộ ông Trump, trong khi 44% ủng hộ ông Biden.
Ông Biden nhận được sự ủng hộ của đa số người theo Do Thái giáo (61%) và những người vô thần (90%).
Anh phạt tiền người không đeo khẩu trang
Chính phủ Anh hôm 13/7 thông báo người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang khi mua sắm tại các cửa hàng kể từ ngày 24/7 tới, nếu không có thể bị phạt tới 125 USD, theo hãng thông tấn AP.
“Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc đeo khẩu trang trong một không gian kín giúp bảo vệ các cá nhân và người xung quanh khỏi nCoV”, Văn phòng Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết.
Những ai không tuân thủ có thể bị phạt tới 100 bảng (125 USD), căn cứ theo luật y tế công cộng của Anh.
Đài Loan tặng Los Angeles, Mỹ 400.000 khẩu trang
Phòng Thương mại Mỹ – Đài Loan hôm nay đã quyên tặng 400.000 khẩu trang phẫu thuật cho Los Angeles để hỗ trợ khu vực này chống dịch Covid-19, theo Taiwan News.
Bà Kathryn Barger, giám sát viên quận Los Angeles cho biết đây là đợt quyên tặng lớn nhất mà quận nhận được kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Đại diện cho 10 triệu cư dân trong quận, bà Barger cảm ơn chính phủ Đài Loan và văn phòng Thương mại Mỹ – Đài vì hành động tốt đẹp của họ. Bà nói thêm rằng khẩu trang sẽ được phân phát cho các nhân viên y tế tuyến đầu.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.