Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 14/07/2020

Tuesday, July 14, 2020 4:55:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 14/07/2020

Tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển Malaysia

tới 89 lần trong 4 năm

Các tàu hải cảnh và tàu hải quân Trung Quốc đã liên tục xâm nhập các vùng biển của Malaysia trong Biển Đông, tới 89 lần trong 4 năm, từ 2016 đến 2019, và tàu Trung Quốc thường lưu lại trong khu vực bất chấp bị hải quân Malaysia xua đuổi, Reuters trích dẫn một phúc trình của chính phủ Malaysia công bố hôm thứ ba cho biết.
Phúc trình này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về các yêu sách của Bắc Kinh, đòi chủ quyền tại hầu hết Biển Đông, vùng biển giàu tài nguyên và cũng là một tuyến hàng hải thương mại lớn.
Philippines, Brunei, Việt Nam, Malaysia và Đài Loan cũng có tuyên bố chủ quyền từng phần hoặc toàn phần trồng chéo với Trung Quốc tại các vùng biển này.
Tổng công Malaysia đã gửi 6 công hàm ngoại giao phản đối hành vi xâm lấn biển Malaysia của Trung Quốc, kể cả công hàm năm 2017 đáp lại công hàm của Trung Quốc khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh đối với Cụm bãi cạn Luconia phía Nam, nơi được coi là ngư trường của Malaysia ở ngoài khơi bang Sarawak, Cục Kiểm toán Quốc gia Malaysia cho biết trong phúc trình mới nhất.
Phúc trình này nói rằng tàu hải cảnh và tàu chiến của hải quân Trung Quốc vẫn xâm phạm các vùng biển của Malaysia, bất chấp bị hải quân nước này xua đuổi.
Cục Kiểm toán Malaysia nói lý do về sự có mặt thường xuyên của các tàu Trung Quốc là để khẳng định sự hiện diện của Trung Quốc liên quan đến các yêu sách chủ quyền trên Biển Đông, đặc biệt tại khu vực Cụm bãi cạn Luconia phía Nam.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc không trả lời lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.
Năm nay, một tàu khảo sát của Trung Quốc đã bỏ ra suốt một tháng để tiến hành nghiên cứu trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, đối đầu với một tàu thăm dò dầu khí Malaysia ở gần vùng biển tranh chấp.
Hôm thứ Hai, Hoa Kỳ bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong hầu hết Biển Đông, Trung Quốc đả kích lập trường của Mỹ là làm tăng căng thẳng trong khu vực, nêu bật mối quan hệ Trung-Mỹ ngày càng gặp nhiều thử thách.
(Reuters)

Mỹ bác bỏ yêu sách nào của TQ ở Biển Đông?

Trong tuyên bố mới nhất, Mỹ bác bỏ gần hết các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm bãi Tư Chính ngoài khơi Việt Nam.
Đúng như thông tin trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã có tuyên bố chính thức về lập trường của Mỹ ở Biển Đông trong văn bản phát rạng sáng 14-7.
Theo nội dung đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định Trung Quốc đã không đưa ra cơ sở pháp lý nhất quán nào cho yêu sách “đường chín đoạn” ở Biển Đông kể từ khi chính thức tuyên bố điều đó vào năm 2009.
“Mỹ bảo vệ một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hôm nay chúng tôi đang tăng cường chính sách của Mỹ trong một phần quan trọng và gây tranh cãi của khu vực ấy – Biển Đông.
Chúng tôi đang làm rõ một điều: các tuyên bố của Bắc Kinh đối với tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, cũng như là chiến dịch bắt nạt của Trung Quốc nhằm kiểm soát chúng”, ông Pompeo viết trong tuyên bố đăng trên website Bộ Ngoại giao Mỹ.
Cho rằng Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền hàng hải phi pháp và bắt nạt láng giềng, ông Pompeo nêu rõ lập trường của Mỹ đối với Biển Đông và các yêu sách của Trung Quốc.
“Như Mỹ đã khẳng định trước đó, và như được quy định cụ thể trong UNCLOS 1982, quyết định của tòa trọng tài là quyết định cuối cùng và ràng buộc về pháp lý đối với cả hai bên. Hôm nay chúng tôi điều chỉnh lập trường của Mỹ đối với các tuyên bố hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông với quyết định của Tòa trọng tài. Cụ thể là:
Trung Quốc không thể áp đặt yêu sách hàng hải hợp pháp – bao gồm bất kỳ yêu sách vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) nào bắt nguồn từ bãi cạn Scarborough và quần đảo Trường Sa – liên quan tới Philippines trong các khu vực mà tòa trọng tài nhận thấy là EEZ hoặc trong vùng thềm lục địa của Philippines.
Việc quấy rối của Trung Quốc với ngư dân và việc phát triển năng lượng ngoài khơi của Philippines trong các khu vực trên là phi pháp, tương tự bất kỳ hành động đơn phương nào của Trung Quốc nhằm khai thác những tài nguyên này…
Vì Bắc Kinh không thể đưa ra một yêu sách hàng hải hợp pháp, mạch lạc ở Biển Đông, Mỹ bác bỏ mọi yêu sách của Trung Quốc đối với vùng biển ngoài khu vực 12 hải lý tính từ các đảo mà họ tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa (không gây tổn hại đến các tuyên bố chủ quyền của những bên khác đối với các đảo này).
Do đó, Mỹ bác bỏ mọi yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở những vùng nước xung quanh bãi Tư Chính (ngoài khơi Việt Nam), Cụm bãi cạn Luconia (ngoài khơi Malaysia), vùng biển thuộc EEZ của Brunei,
và đảo Natuna Besar (ngoài khơi Indonesia). Bất kỳ hành động nào của Trung Quốc nhằm quấy rối việc đánh cá và phát triển hydrocarbon (dầu mỏ) của các bên khác ở những vùng biển này – hoặc đơn phương thực hiện các hành động ấy – là phi pháp.
Trung Quốc không có tuyên bố lãnh thổ hay hàng hải hợp pháp đối với (hoăc xuất phát từ) Bãi ngầm James, một thực thể chìm hoàn toàn chỉ cách Malaysia 50 hải lý và cách bờ biển Trung Quốc 1.000 hải lý. Bãi ngầm James thường được truyền thông tuyên truyền Trung Quốc đề cập như “phần lãnh thổ cực nam của Trung Quốc”.
Luật pháp quốc tế lại rõ ràng: Một thực thể chìm dưới biển như Bãi ngầm James không thể bị tuyên bố chủ quyền bởi bất kỳ nước nào, và không có khả năng tạo ra các khu vực hàng hải. Bãi ngầm James (gần 20m dưới mặt nước biển) không và không bao giờ là lãnh thổ của Trung Quốc, cũng không thể là nơi Bắc Kinh áp đặt bất kỳ quyền hàng hải hợp pháp nào từ nó.
Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình. Mỹ sát cánh cùng các đồng minh và đối tác Đông Nam Á của chúng tôi trong việc bảo vệ quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế. Chúng tôi sát cánh với cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ tự do trên biển và tôn trọng chủ quyền, và bác bỏ bất kỳ nỗ lực nào nhằm áp đặt tư tưởng “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh” ở Biển Đông hay khu vực rộng lớn hơn”.

Bắc Kinh cáo buộc Mỹ gây chia rẽ trong khu vực,

Philippines ủng hộ lập trường của Mỹ về Biển Đông

Bắc Kinh hôm 14/7 lên tiếng cáo bộc Hoa Kỳ gây chia rẽ giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực xung quanh vấn đề Biển Đông, đồng thời khẳng định Trung Quốc không bao giờ muốn biến mình thành một “đế quốc trên biển”.
Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đưa ra sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm 13/7 chính thức lên tiếng về lập trường của Mỹ ở Biển Đông, bác bỏ hoàn toàn các yêu sách về đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc tự vẽ ra trên Biển.
Trong tuyên bố mới của mình, Ngoại trưởng Mỹ khẳng định: “Các yêu sách của Trung Quốc về các nguồn tài nguyên trên phần lớn vùng Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, cũng như chính sách hù dọa của họ nhằm kiểm soát các nguồn tài nguyên này.”
Tuyên bố mới của Bộ Ngoại giao Mỹ đồng thời cũng ủng hộ phán quyết của Toà Trọng tài quốc tế đưa ra vào năm 2016, bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc 9 đoạn, và cái gọi là “các quyền lịch sử” mà Trung Quốc đưa ra đối với vùng nước trong đường đứt khúc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên trong tuyên bố mới khẳng định: “Trung Quốc không tìm kiếm để trở thành một đế quốc trên biển. Trung quốc đối xử với các nước láng giềng trên cơ sở công bằng và kiềm chế ở mức tối đa”.
Ông Triệu Lập Kiên cũng đồng thời tố cáo Mỹ thường xuyên gửi tầu chiến vào vùng biển này, gây chia rẽ các nước.
Trước đó, vào chiều ngày 13/7, Đại sứ quán Trung Quốc ở Mỹ cũng đưa ra tuyên bố bác bỏ tuyên bố của Mỹ, khẳng định tình hình trong khu vực vẫn hoà bình, ổn định trong khi Mỹ dù không phải là nước có tuyên bố chủ quyền trong khu vực nhưng lại liên tục can thiệp vào vấn đề Biển Đông.
Bộ Quốc phòng Philippines hôm 14/7 cũng ra tuyên bố ủng hộ tuyên bố mới của Mỹ về vấn đề Biển Đông, đồng thời kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Toà Trọng tài quốc tế đưa ra vào năm 2016.

TQ phản ứng mạnh

sau khi bị Mỹ bác gần hết yêu sách ở Biển Đông

Sáng 14-7, sau khi bị Mỹ chính thức bác bỏ gần hết yêu sách ở Biển Đông, ngay lập tức Trung Quốc phản ứng mạnh: “Mỹ không phải là quốc gia có liên quan trực tiếp tới các tranh chấp. Tuy nhiên, họ liên tục can thiệp vào vấn đề này”.
Ngày 14-7, phía Trung Quốc nói rằng họ kiên quyết phản đối tuyên bố mới nhất của Bộ Ngoại giao Mỹ liên quan vấn đề Biển Đông, theo đó bác bỏ các yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc ở vùng biển này.
Theo Hãng tin Reuters, phía Trung Quốc nói rằng việc Washington cáo buộc Bắc Kinh bắt nạt các nước láng giềng là “hoàn toàn phi lý”.
“Mỹ không phải là quốc gia có liên quan trực tiếp tới các tranh chấp. Tuy nhiên, họ liên tục can thiệp vào vấn đề này” – Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ nêu trong một tuyên bố được đăng trên trang web của họ.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ nêu tiếp: “Dưới cái cớ duy trì sự ổn định, Mỹ đang phô trương cơ bắp, gây ra căng thẳng và kích động đối đầu trong khu vực”.
Tuyên bố của phía Trung Quốc được đưa ra ngay sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố chính thức về lập trường của Mỹ ở Biển Đông trong văn bản đăng rạng sáng 14-7 (giờ Việt Nam).
Theo đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định Cộng hòa nhân dân Trung Hoa “không có căn cứ pháp lý nào” để đơn phương áp đặt ý muốn của họ tại khu vực và rằng Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý nhất quán nào cho yêu sách “đường 9 đoạn” ở Biển Đông kể từ khi chính thức tuyên bố điều đó vào năm 2009.
“Mỹ bảo vệ một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở… Chúng tôi đang làm rõ một điều: Các tuyên bố của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, giống như chiến dịch bắt nạt của Trung Quốc nhằm kiểm soát chúng” – Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nêu trong tuyên bố đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Tuyên bố được đăng lên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhắc lại phán quyết vào ngày 12-7-2016 của Tòa trọng tài được thành lập theo phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, theo đó bác bỏ các yêu sách hàng hải của Trung Quốc, xem các yêu sách này là không có cơ sở trong luật quốc tế.
“Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình” – Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh.
Trong năm nay, phía Mỹ đã liên tục đưa ra các tuyên bố lên án mạnh mẽ các hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông. Hồi tháng 4, Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ lo ngại trước các thông tin về những hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc nhắm vào các hoạt động khai thác dầu khí của nước khác trong khu vực.
“Trung Quốc nên chấm dứt thói bắt nạt của mình và kiềm chế các hành động khiêu khích, gây bất ổn như vậy” – Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh trong tuyên bố phát ngày 18-4.
Ngày 14-7, trong sách trắng được chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe thông qua, Nhật Bản cũng cho biết Trung Quốc “đang tiếp tục nỗ lực thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông”.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.