Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 07/06/2020

Sunday, June 7, 2020 3:25:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 07/06/2020

Sự thật ‘bẫy nợ’ tại các dự án của công ty mẹ Tổng thầu TQ

Trong khi Tổng thầu TQ là Công ty HH tập đoàn Cục 6 Đường sắt TQ (CRSG) liên tục “lỡ hẹn” dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông thì nhiều nước đang lo ngại rơi vào bẫy nợ công ty mẹ của CRSG khi có nguy cơ chậm tiến độ.
“Hậu thuẫn” của Công ty Hữu hạn tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc, thầu tại dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông
Tổng thầu Trung Quốc tại dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông là Công ty HH tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (China Railway Sixth Group Co.,Ltd – CRSG). Công ty HH tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc là công ty con của Tập đoàn đường sắt Trung Quốc (China Railway Group Limited – được gọi là CREC), một trong những tập đoàn xây dựng hàng đầu thế giới và từng có tên trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu của Forbes.
Thành lập từ năm 1900, công ty mẹ CREC có vốn chủ sở hữu 33,4 tỷ USD tính đến năm 2019 và vốn hóa thị trường 17,54 tỷ USD tính đến thời điểm hiện tại. Được mệnh danh là một trong những nhà thầu tiên phong trong xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển bất động sản, nguồn lực của Châu Á, CREC được Moody’s và Fitch Rating xếp hạng rất ổn định.
Trong suốt 120 năm hoạt động, Tập đoàn đường sắt Trung Quốc đã xây dựng hơn 2/3 mạng lưới đường sắt quốc gia Trung Quốc, hơn 90% hệ thống điện khí hóa đường sắt của Trung Quốc, thi công khoảng 1/8 các tuyến đường sắt cao tốc và 3/5 hệ thống giao thông đường sắt đô thị toàn quốc.
Với tổng quy mô hơn 290.000 nhân viên, Tập đoàn đường sắt Trung Quốc và các công ty con của nó hoạt động tại hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với nhiều dự án tầm cỡ, đặc biệt là các dự án thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường mà Bắc Kinh khởi xướng. Trong đó, công ty con Công ty HH tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc phụ trách nhiều dự án quan trọng.
Tổng thầu Trung Quốc tại dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Công ty HH tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (CRSG), trực thuộc nhà nước có số vốn đăng ký 210 triệu USD, trụ sở tại Bắc Kinh. Doanh nghiệp này hiện có 11 công ty con và 5 công ty chi nhánh khác với quy mô 15.000 nhân viên, với sản lượng xây dựng hàng năm được thống kê là hơn 3,5 tỷ USD.
Thành lập hơn nửa thế kỷ, Công ty HH tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc đã xây dựng hơn 20 tuyến đường sắt quốc gia trong nước, bao gồm những tuyến đặc biệt quan trọng như Bắc Kinh – Quảng Châu, Bắc Kinh – Thượng Hải, Bắc Kinh – Cửu Long… và cải tạo, hoàn thiện việc xây dựng mới nhiều nhà ga đường sắt lớn tại Bắc Kinh, Thiên Tân, Thạch Gia Trang. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng xây dựng và vận hành tuyến đường sắt liên thành phố tốc độ cao đầu tiên của Trung Quốc nối Bắc Kinh với Thiên Tân với vận tốc tối đa 350 km/h.
Công ty HH tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc cũng là Tổng thầu EPC dự án đường sắt Cát Linh Hà Đông với tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng, bắt đầu xây dựng từ tháng 10/2011 theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai Chính phủ Việt Nam – Trung Quốc.
Nhưng tại dự án này, ông Trần Văn Lục, Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt, Cục Đường sắt, Bộ GTVT (chủ đầu tư dự án) cho biết đây là lần đầu tiên CRSG nhận thầu với tư cách nhà thầu EPC trong lĩnh vực đường sắt đô thị, trích nguồn tin đăng trong một bài báo ngày 25/4/2014 trên báo Tiền Phong.
Nghĩa là trước khi trúng thầu tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Công ty HH tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (CRSG) chưa từng xây dựng tuyến đường sắt đô thị nào theo hình thức tổng thầu EPC mà chỉ chuyên về thầu xây lắp, dẫn đến việc điều hành có phần lúng túng và khó kiểm soát.
Theo dự kiến ban đầu, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông có thời hạn hoàn thành và đi vào vận hành từ cuối năm 2017. Nhưng sau nhiều lần lỡ hẹn, cho tới nay, dự án vẫn “án binh bất động” do Tổng thầu EPC là Công ty HH tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc nhiều lần thất hẹn, không thực hiện đúng cam kết.
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông nhiều lần lỡ hẹn
Nhiều nước cảnh giác với “bẫy nợ” từ các dự án của Tập đoàn đường sắt Trung Quốc CREC
Nhiều dự án khác của Tập đoàn đường sắt Trung Quốc trên thế giới cũng đang có nguy cơ chậm tiến độ, thậm chí tiềm ẩn rủi ro “bẫy nợ”. Dự án đường sắt cao tốc trên cao nối Jakarta – Bandung (Indonesia) dài 142,3 km, bắt đầu khởi động vào tháng 1/2016 và dự kiến sẽ hoàn tất trong năm 2020 và đi vào vận hành năm 2021.
Là một phần trong dự án đường sắt cao tốc của Indonesia, tuyến đường sắt Jakarta – Bandung được kỳ vọng giúp cắt giảm thời gian di chuyển từ hơn 3 giờ đồng hồ xuống chỉ còn 40 phút. Nó nằm trong chiến lược quốc gia về giao thông vận tải của chính phủ Indonesia với tổng số vốn đầu tư 6,07 tỷ USD.
Kỹ sự CREC tại dự án đường sắt cao tốc trên cao nối Jakarta – Bandung
Hồi tháng 11/2019, Bộ trưởng các doanh nghiệp nhà nước Erick Thohir cho biết ông sẽ thành lập một đội đặc nhiệm kiểm soát dự án để không bỏ lỡ thời hạn hoàn tất năm 2020. “Chúng tôi đang cố gắng ngăn chặn nguy cơ chậm hoàn tất dự án đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung, bởi tuyến đường sắt này cũng kết nối với Surabaya. Bất kỳ sự chậm trễ nào cũng ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế”.
Nhưng đến tháng 4/2020, Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải Luhut Pandjaitan buộc phải tuyên bố xem xét lên lịch lại các thời hạn mục tiêu do sự ảnh hưởng của đại dịch. “Việc xây dựng dự án đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung dự kiến sẽ bị trì hoãn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát”, một quan chức chính phủ cho hay.
Mới đây nhất, hồi đầu tháng 6, Chính phủ Indonesia đang xem xét mời Nhật Bản tham gia vào dự án này sau khi cân nhắc sự chậm trễ và tình trạng đội vốn trong tuyến đường sắt Jakarta-Bandung.
Dự án đường sắt của Tập đoàn đường sắt Trung Quốc tại Ethiopia cũng là một minh chứng tiêu biểu cả về lợi ích và cạm bẫy tiềm ẩn (bẫy nợ) từ chính phủ Trung Quốc. Tập đoàn đường sắt Trung Quốc và CCECC, hai nhà thầu Trung Quốc đã bắt tay liên doanh xây dựng tuyến đường sắt nối Addis Ababa – Djibouti vận hành từ đầu năm 2018.
Đây được xem là một phần quan trọng nằm trong sáng kiến Vành đai và con đường mà Bắc Kinh khởi xướng khi nó kết nối “quốc gia không biển” Ethiopia với cảng biển Doraleh phía tây thủ đô của nước láng giềng Djibouti tạo nên cửa ngõ của châu Phi với kênh đào Suez và Biển Đỏ.
Tuyến đường sắt dự kiến giúp cắt giảm thời gian di chuyển từ thủ đô Addis Ababa đến Djibouti xuống chỉ còn 12 giờ, so với 48 giờ theo quãng đường bộ thông thường. Đường sắt cũng chạy qua một số cụm khu công nghiệp ở Addis Ababa và Dire Dawa, qua đó được kỳ vọng thúc đẩy chiến lược công nghiệp hóa và tăng cường xuất khẩu.
Nhưng khi dự án hoàn thành và bàn giao bởi hai nhà thầu Trung Quốc bao gồm Tập đoàn đường sắt Trung Quốc, Ethiopia trở thành con nợ lớn của Ngân hàng XNK Trung Quốc, cõng khoản vay tới 2,9 tỷ USD (khoảng 70% tổng chi phí xây dựng).
Năm 2019, chính phủ Ethiopia và Bắc Kinh vẫn đang đàm phán tái cấu trúc các khoản nợ trong bối cảnh gánh nặng nợ khổng lồ đe dọa khả năng trả nợ của quốc gia Châu Phi. Giờ đây, Ethiopia cùng nhiều quốc gia Châu Phi khác hiện đang khẩn thiết kêu gọi Trung Quốc giãn nợ hoặc xóa nợ khi cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 tấn công nền kinh tế nghèo, làm bùng lên rủi ro vỡ nợ.
http://biendong.net/doc-bao-viet/35120-su-that-bay-no-tai-cac-du-an-cua-cong-ty-me-tong-thau-tq.html

Gs Trần Văn Thọ: ‘Việt Nam cần cảnh giác

trước đầu tư của Trung Quốc’

Giáo sư Trần Văn Thọ nói Việt Nam cần có luật về an ninh kinh tế trong bối cảnh Nhật có biện pháp ngăn Trung Quốc thâu tóm doanh nghiệp quan trọng.
Trả lời phỏng vấn BBC News Tiếng Việt, Giáo sư Trần Văn Thọ từ Tokyo, một thành viên của Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Việt Nam, cũng nói rằng Việt Nam phải khẩn trương “đặt lại toàn bộ” chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI).
BBC: Giáo sư đánh giá gì về việc Bộ quốc phòng Việt Nam nói về thực trạng doanh nghiệp và cá nhân Trung Quốc thông qua người có quốc tịch Việt Nam đứng tên mua và sở hữu nhà đất tại các khu vực có quan ngại về an ninh quốc phòng?
Giáo sư Trần Văn Thọ: Vấn đề này đã được dân chúng nhận biết từ lâu, bây giờ chính thức có công bố của Bộ Quốc phòng càng thấy tình hình trầm trọng rồi. Một trong những nguyên nhân đưa đến tình trạng đó là do có chính sách phân quyền về cấp địa phương khi duyệt xét và cấp giấy phép đầu tư nước ngoài (FDI).
Trong quá trình đó đã có kẽ hở hoặc quá dễ dãi nên doanh nghiệp Trung Quốc đã có thể sở hữu đất nhạy cảm về an ninh quốc phòng. Đã đến lúc phải sửa lại Luật về đầu tư nước ngoài và sớm ban hành luật về an ninh kinh tế, trong đó vừa ngăn ngừa nước ngoài đầu tư vào các lãnh vực nhạy cảm về an ninh, và có các điều khoản xử lý người trong nước tiếp tay cho nước ngoài lách luật để chi phối kinh tế hoặc gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Nghi án Tenma: Phanh phui là ‘tích cực’ cho Việt Nam
Nghi án Tenma ‘hối lộ’: Tướng Tô Lâm ‘phối hợp điều tra với Nhật Bản’
Phải chăng Trung Quốc táo bạo hơn vì dịch Covid-19?
Từ 5-6 năm nay thế giới đã cảnh giác Trung Quốc có ý đồ chi phối kinh tế và can thiệp vào tình hình chính trị các nước khác thông qua hình thức đầu tư và đã đưa ra nhiều biện pháp ngăn ngừa. Nhật Bản vừa mới sửa Luật ngoại hối, quy định chặt chẽ tỉ lệ tối đa mà doanh nghiệp nước ngoài có thể mua cổ phần của doanh nghiệp Nhật.
Đối với nhiều ngành công nghiệp và dịch vụ quan trọng, tỉ lệ 1% trở lên là phải xin phép, v.v.. Ngoài Nhật, những nền kinh tế tiên tiến như Hoa Kỳ, Pháp, Úc, cũng đang ngăn cản Trung Quốc mua bán và sáp nhập những công ty thuộc diện ảnh hưởng tới quốc phòng và an ninh kinh tế thông qua việc ban hành các sắc luật mới hoặc sửa đổi các luật cũ nhằm ngăn ngừa các dự án FDI ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Việt Nam là nước yếu hơn lại nằm gần Trung Quốc thì việc cảnh giác và đối phó còn quan trọng hơn các nước tiên tiến nhiều.
Việt Nam chống được tham nhũng với thể chế này?
Việt Nam: ‘Dấu hiệu suy thoái đã lên ở tầm cao’
BBC: Trong bài viết mới đây đăng trên trang The Leader, Giáo sư nói về thực trạng xuất hiện doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư nhiều vào Việt Nam. Nhưng nếu không tận dụng đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc thì cũng khó kêu gọi các nước khác vì các nước phát triển đang gặp nhiều vấn đề về kinh tế kể từ đại dịch Covid-19?
Giáo sư Trần Văn Thọ: Khi một số lượng lớn các doanh nghiệp nước ngoài rút đi khỏi Trung Quốc thì có phải họ rút hết về nước họ đâu. Chỉ một phần thôi và một phần khác là họ đi tìm những nước thứ ba và Việt Nam là một trong những nước họ muốn chọn lựa. Cho nên những doanh nghiệp như vậy rất nhiều và chúng ta không phải lo là nếu không đón nhận doanh nghiệp Trung Quốc thì cũng không có doanh nghiệp nước nào khác đến.
Doanh nghiệp từ các nước tiên tiến Âu Mỹ và Nhật Bản ngoài vốn đầu tư thì họ có văn hóa kinh doanh lâu đời, có công nghệ cao, có trách nhiệm xã hội trong đó có ý thức bảo vệ môi trường, nhất là những doanh nghiệp đa quốc gia tầm cỡ đã xác lập thanh danh trên thị trường thế giới. Trung Quốc là nước mới phát triển gần đây, văn hóa và đạo đức kinh doanh của nhiều doanh nghiệp chưa được xác lập. Dĩ nhiên nhìn chung là như vậy, không kể các trường hợp cá biệt, ngoại lệ.
BBC: Trong bài viết đó, Giáo sư nói rằng trong hơn 30 năm thu hút FDI, chiến lược và chính sách của Việt Nam chưa đạt được “bốn tiêu chí”?
Giáo sư Trần Văn Thọ: Đôi khi người ta tập trung vào báo cáo “thành quả” của FDI thông qua số dự án đăng ký và tiền vốn đăng ký chứ ít khi đi vào mặt chất lượng. Mà muốn FDI có được chất lượng và hiệu quả thực sự thì chính phủ phải tích cực hành động, phải tiếp thị và đối thoại với các công ty, các nhà đầu tư uy tín trên thế giới về công nghệ, về năng lực cạnh tranh,…và xây dựng các điều kiện về môi trường đầu tư, về nội lực để tiếp đón các nhà đầu tư ấy một cách hiệu quả.
Trong bài viết trên báo The Leader, tôi có nói về bốn tiêu chí là (1) FDI phải được đặt trong một chiến lược phát triển kinh tế hoàn chỉnh, (2) tạo điều kiện để nhiều dự án FDI lập ra theo hình thức liên doanh với doanh nghiệp trong nước, (3) liên kết giữa FDI với các công ty trong nước và (4) đánh giá FDI xem đa số các dự án đến từ các nước tiên tiến hay là từ các nước mới phát triển xung quanh Việt Nam. Trong đó, tiêu chí 2 và 3 là liên quan tới nội lực của Việt Nam. Tức là nội lực trong nước phải mạnh thì mới liên kết và phát huy được nhằm có hiệu quả nhất với FDI. Còn tiêu chí thứ nhất rất quan trọng là FDI phải đặt trong chiến lược phát triển kinh tế nói chung, nghĩa là tùy theo giai đoạn phát triển kinh tế mà nội dung, tính chất của FDI phải khác.
BBC: Luật Đầu tư Nước ngoài của Việt Nam hiện nay có vấn đề gì đáng quan ngại?
Giáo sư Trần Văn Thọ: Trong thời kỳ mới bắt đầu đổi mới cho đến khi gia nhập WTO thì Việt Nam sợ FDI chi phối nền kinh tế thành ra luật nói chung không thông thoáng và khi áp dụng lại gây khó dễ cho nhà đầu tư nước ngoài, việc xét duyệt cấp phép rất phức tạp và tốn thời gian. Việc này làm nản lòng nhiều doanh nghiệp lớn từ các nước tiên tiến. Tuy nhiên từ khi Việt Nam gia nhập WTO thì lại dễ dãi quá trong đó có phân quyền xuống các địa phương. Các địa phương tranh nhau dự án, xem việc thu hút số lượng dự án FDI là thành quả phát triển của địa phương mình.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52955508

Nhiều viên chức quan thuế bị bắt

vì xuất cảng lậu quặng sắt sang Trung Cộng

Tin từ Hà Nội: Có ít nhất 4 viên chức của Tổng cục quan thuế cộng sản Việt Nam bị bắt giữ vì cáo buộc xuất cảng lậu tinh quặng sắt sang Trung Cộng trong khi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cấm xuất cảng loại hàng hoá đặc biệt này.
Ngày 05/6, cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an bắt giam nghi phạm thứ 4 tên là Phạm Chí Kiên, chuyên viên phân tích Cục Kiểm định quan thuế, Tổng cục Hải quan.
Các vụ bắt giữ này được tiến hành sau khi nhà nhà cầm quyền khởi tố vụ án hình sự về tội buôn lậu của Công ty Diệp Bảo Anh ở tỉnh Lào Cai. Công ty này được cho là đã xuất cảng lậu 79 lô hàng với hơn 56 ngàn tấn tinh quặng sắt mà công ty này khai là xỉ trong khoảng thời gian từ tháng 12 năm 2017 đến tháng 10 năm 2018 với trị giá khoảng 66,6 tỷ đồng (3 triệu Mỹ kim).
Trong vụ này, phần lớn nguồn gốc của số quặng sắt xuất cảng sang Trung Cộng từ 2017 đến nay chủ yếu là của mỏ sắt Quý Xa của tỉnh Lào Cai, do một công ty liên doanh giữa Tổng Công ty Thép Việt Nam với đối tác Hoa Lục điều hành khai thác.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/nhieu-vien-chuc-quan-thue-bi-bat-vi-xuat-cang-lau-quang-sat-sang-trung-cong/

Công an bắt nhiều nghi phạm, khởi tố vụ án

 gần 200 đối tượng đập phá quán ốc ở TP. HCM

Bình luậnKhôi Nguyên
Công an TP. HCM vừa bắt giữ nhiều nghi phạm trong vụ 200 đối tượng mặc áo cam, đi xe máy mang theo hung khí đập phá quán ốc.
Ngày 07/6, báo Tiền Phong cho biết, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP. HCM) đã bắt giữ 15 đối tượng và tiếp tục truy xét thêm những người có liên quan đến vụ một nhóm gần 200 thanh niên mặc áo cam xông vào quán ốc ở phường An Lạc A (quận Bình Tân, TP. HCM) đập phá.
Đồng thời, cơ quan công an cũng kêu gọi các đối tượng còn lại ra đầu thủ trước pháp luật.
Công an TP. HCM đã phối hợp VKSND thành phố ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về 3 nhóm hành vi vi phạm vào các tội: Gây rối trật tự công cộng; cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác; hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, theo Tuổi Trẻ.
Cảnh sát đã xác định được những người cầm đầu nhưng chưa thể cung cấp thông tin vì đang trong quá trình điều tra, VnExpress đưa tin.
Công an TP. HCM đã bắt giữ 15 đối tượng. (Nguồn: Tiền Phong/VTC News)
Như VTC News đưa tin, tối 5/6, nhóm thanh niên khoảng 200 người, mặc đồng phục áo màu cam, đi trên nhiều xe máy, mang theo hung khí như dao, mã tấu tự chế… kéo đến quán ốc trên đường số 6 (phường An Lạc A, quận Bình Tân).
Nhiều người trong nhóm này xông vào chửi bới, la hét, đập phá quán và đánh nhiều người trong quán bị thương. Thực khách trong quán hoảng sợ tháo chạy.
Một người trong quán bị nhóm thanh niên đánh bất tỉnh nằm gục trên nền nhà, tuy nhiên người này không nguy hiểm tới tính mạng.
Sau khi phá quán và đánh một số người bị thương, nhóm này rời đi, tạo thành đoàn xe dài trên đường, nẹt pô xe ầm ĩ làm nhiều người đi đường sợ hãi.
https://www.ntdvn.com/viet-nam/gan-200-doi-tuong-dap-pha-quan-oc-o-tp-hcm-cong-an-bat-nhieu-nghi-pham-khoi-to-vu-an-43417.html

150,000 công nhân ở Bình Dương mất việc vì dịch

Tin Vietnam.- Trang kênh 14 ngày 5 tháng 6 năm 2020 loan tin, trong thời gian xảy ra dịch coronavirus 19, toàn tỉnh Bình Dương có 150,000 công nhân bị chấm dứt hợp đồng, 54,000 công nhân phải nghỉ việc không lương. Ngoài ra, còn có 9 công ty xin tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội.
Theo tỉnh Bình Dương, về khoản tiền trợ cấp 62,000 tỷ đồng mà nhà cầm quyền tuyên bố hỗ trợ người dân, đến nay, tỉnh này đã chi trả số tiền hơn 68 tỷ đồng cho hơn 64,552 người. Trong đó có hơn 50,998 người ở vào các hoàn cảnh như: người có công với cách mạng Cộng sản được hưởng trợ cấp hàng tháng, người được xếp hạng nghèo, cận nghèo, và những người được hưởng bảo trợ xã hội.
Tỉnh này cũng cho biết thêm, đợt dịch vừa qua, nhà cầm quyền tỉnh đã vận động các công ty, vận đồng người dân ủng hộ bằng tiền mặt, hoặc các hiện vật khác như gạo, thực phẩm, khẩu trang. Tuy nhiên, nhiều người cũng nghi ngờ việc “vận động” của nhà cầm quyền tỉnh Bình Dương.
Vì cũng trong thời gian qua, nhà cầm quyền huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên- Huế đã bị người dân tố cáo là cho người đến tận nhà thu tiền của người dân với giải thích là ủng hộ phòng chống dịch, và người dân bị đặt trong tình huống không đóng tiền thì không được.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/150000-cong-nhan-o-binh-duong-mat-viec-vi-dich/

Việt Nam tiếp tục đưa công dân

từ Mỹ về nước vì virus Corona

Việt Nam thực hiện thêm một chuyến bay thẳng sang Hoa Kỳ để đưa hàng trăm công dân về nước tránh dịch COVID-19.
Theo Đại sứ quán Mỹ, trên chuyến bay của Vietnam Airlines từ Hà Nội tới thành phố San Francisco “vào ngày 7/6”, trong chặng đi, hãng hàng không quốc gia của Việt Nam dành riêng khoang hành khách cho các công dân Mỹ muốn trở về nước.
“Tại thời điểm này, Đại sứ quán Mỹ không thể cung cấp ước tính giá thành chuyến bay, dù giá vé có thể cao hơn giá vé thương mại về Mỹ hiện thời”, cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong một thông báo hôm 29/5, nói thêm rằng “ngày và giờ bay có thể thay đổi bởi Vietnam Airlines”.
Theo thông tin từ Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài hôm 7/6, chuyến bay VN1 tới San Francisco đã cất cánh lúc 14:45. Đây là chuyến bay thẳng thứ ba sang Mỹ đưa công dân về nước của Vietnam Airlines.
XEM THÊM:
COVID-19: Vé sơ tán công dân Mỹ của Vietnam Airlines ‘giá 1.000 đôla’
Hiện chưa rõ có bao nhiêu người Mỹ đã đăng ký về nước trong chặng từ Hà Nội sang San Francisco. Trong chuyến bay đầu tiên hôm 7/5, một người Mỹ gốc Việt hôm 7/5 cho biết mình là “hành khách duy nhất trên chuyến bay thương mại Việt – Mỹ đầu tiên của Việt Nam Airlines”, theo nội dung lá thư cám ơn của công dân này, được một nhân viên Vietnam Airlines đăng tải trên mạng xã hội.
Ngoài việc chuyến bay chiều đi chở theo công dân Hoa Kỳ hồi hương, Vietnam Airlines cho biết “còn hỗ trợ vận chuyển miễn cước trang bị y tế do các đơn vị trong nước ủng hộ, gửi tặng cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ”.
Phía Việt Nam chưa cho biết là có bao nhiêu người đã đăng ký từ San Francisco về nước cũng như số tiền mà họ phải trả cho hành trình này. Vietnam Airlines không hồi đáp email hỏi thông tin của VOA Việt Ngữ.
Theo đại sứ quán Mỹ, trong chuyến bay thứ hai tới thủ đô Washington DC của Mỹ, Vietnam Airlines cũng dành riêng khoang hành khách cho các công dân Mỹ trong chặng đi, với giá vé là “giá vé là 1.000 đôla”.
Trong cả hai chuyến bay đó, hãng hàng không quốc gia Việt Nam cho biết sử dụng “máy bay lớn nhất, hiện đại nhất của Vietnam Airlines hiện nay là Boeing 787-10” với khả năng chuyên chở khoảng 367 hành khách.
Hãng nói thêm trên trang web của mình rằng “Hoa Kỳ không phải điểm đến thường lệ của Vietnam Airlines và là đường bay dài có tổng chiều dài hành trình bay thẳng hai chiều không điểm dừng hơn 25.000 km, nên công tác tổ chức chuyến bay này đòi hỏi sự phối hợp đặc biệt chặt chẽ, kỹ lưỡng giữa các cơ quan nhà nước Việt Nam, Vietnam Airlines với các nhà chức trách Hoa Kỳ”.
Cổng thông tin của chính phủ Việt Nam cho hay, hành khách từ Mỹ về Việt Nam “đến từ nhiều bang, gồm người dưới 18 tuổi (có trẻ sơ sinh), người cao tuổi, người có bệnh nền, sinh viên không có nơi lưu trú do trường học và ký túc xá đóng cửa, các trường hợp đi công tác, du lịch, thăm thân lưu lại sở tại do các hãng hàng không tạm ngừng chuyến bay và các trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác”.
XEM THÊM:
Gia đình Mỹ gốc Việt có ba người chết vì Corona: ‘Cha mẹ nắm tay lúc cuối đời’
Trong lần đưa người Việt trở về lần thứ hai hôm 16/5, Bộ Y tế Việt Nam cho hay, hai du học sinh đã được xác định nhiễm virus Corona và đã được đưa đi cách ly cũng như điều trị. Hiện chưa rõ tình hình sức khỏe hiện thời của hai bệnh nhân này.
Số du học sinh Việt Nam học bậc đại học tại Hoa Kỳ tăng năm thứ 18 liên tiếp đóng góp “gần một tỷ đôla” cho nền kinh tế Mỹ, theo báo cáo thường niên Open Doors của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE), công bố cuối năm 2019.
Với gần 25 nghìn sinh viên, tăng 0,3% so với năm học 2017 – 2018, Việt Nam đứng thứ sáu trong số các quốc gia dẫn đầu về con số du học sinh tại Mỹ trong khoảng thời gian từ 2018 tới 2019.
Hiện chưa rõ có bao nhiêu trong số hơn hai chục nghìn du học sinh Việt Nam này đã về nước trong bối cảnh hầu hết các trường ở Mỹ đóng cửa vì virus Corona và chuyến sang học trực tuyến.
Tới ngày 7/6, tin cho hay, con số người nhiễm COVID-19 ở Mỹ là hơn 1,9 triệu người và con số tử vong là gần 109 nghìn người.
Trong khi đó, theo Bộ Y tế, Việt Nam ghi nhận 329 ca dương tính với COVID-19 và chưa có ca tử vong nào.
https://www.voatiengviet.com/a/vi%E1%BB%87t-nam-ti%E1%BA%BFp-t%E1%BB%A5c-%C4%91%C6%B0a-c%C3%B4ng-d%C3%A2n-t%E1%BB%AB-m%E1%BB%B9-v%E1%BB%81-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-v%C3%AC-virus-corona/5452846.html

Công ty của con gái

cựu Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng đề ra

kế hoạch kinh doanh, với mức lợi nhuận giảm 35%

Tin Vietnam.- Trang Vietnamdaily ngày 6 tháng 6 năm 2020 loan tin, Hội đồng quản trị công ty cổ phần chứng khoán Bản Việt vừa thông báo kế hoạch kinh doanh của năm 2020 là giảm 35% lợi nhuận so với năm 2019.
Vào năm 2019, doanh thu của công ty Bản Việt là 1,541 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận trước thuế là 855 tỷ đồng, và sau thuế là 594 tỷ đồng. Nhưng năm 2020, công ty đặt kế hoạch doanh thu là 1,390 tỷ đồng, và lợi nhuận trước thuế là 550 tỷ đồng, giảm 35% so với năm 2019.
Dữ kiện của công ty cho biết, lợi nhuận sau thuế trong tam cá nguyện thứ nhất năm 2020 của công ty Bản Việt là 118.6 tỷ đồng, cao hơn lợi nhuận trước thuế gần 90 tỷ đồng vì được hoàn nhập số thuế thu nhập được hoãn lại. Với khoản thu trên, thì trong tam cá nguyệt thứ nhất công ty Bản Việt mới thực hiện được 16% kế hoạch lợi nhuận của cả năm.
Hiện bà Nguyễn Thanh Phượng, con gái của cựu thủ tướng cộng sản Việt nam Nguyễn Tấn Dũng, đang là chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần chứng khoán Bản Việt, nhưng cổ đông lớn nhất lại là ông Tô Hải, thành viên Hội đồng quản trị của công ty với 19.34%.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/cong-ty-cua-con-gai-cuu-thu-tuong-csvn-nguyen-tan-dung-de-ra-ke-hoach-kinh-doanh-voi-muc-loi-nhuan-giam-35/

Việt Nam xuất khẩu thêm

 30 triệu chiếc khẩu trang y tế đi Bắc Mỹ

Bình luậnKhôi Nguyên
Hãng logistics ITL cho biết, tuần qua, 2 chuyến bay thuê bao đã chuyển lô hàng 30 triệu chiếc khẩu trang y tế của Việt Nam đi Bắc Mỹ.
Báo VnExpress sáng nay (07/6) đưa tin, chuyến đầu tiên cất cánh từ Hà Nội vào ngày 3/6 và quá cảnh tại Hong Kong trước khi đến Bắc Mỹ. Chuyến thứ hai cũng thực hiện đường bay tương tự và đến Bắc Mỹ vào rạng sáng ngày 6/6.
Nhà vận chuyển logistics ITL cho biết, để đáp ứng số lượng hàng hóa lớn, yêu cầu thời gian vận chuyển gấp rút, công ty phối hợp cùng hãng AirBridge Cargo Airlines sử dụng 2 máy bay chở hàng lớn nhất thế giới là 747-800 F để chở gần 12.000 thùng hàng hóa (tương đương 220 tấn theo trọng lượng hàng hóa và 1.250 cbm theo trọng lượng quy đổi của kiện hàng).
ITL dẫn tin từ một nhà sản xuất khẩu trang y tế lớn trong nước cho biết, chính phủ Mỹ đang có nhu cầu 3 tỷ khẩu trang y tế đạt chuẩn và Việt Nam là một trong những thị trường nhập khẩu được nhắm đến.
Cũng theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ, 6h sáng nay (07/6), một chuyên cơ đang đứng đợi sẵn tại nhà ga hàng hóa sân bay quốc tế Nội Bài để chuẩn bị vận chuyển 6,5 triệu chiếc khẩu trang “Made in Vietnam” sang Pháp.
Đại diện của Công ty Bolloré Logistics của Pháp (một trong những đơn vị vận chuyển khẩu trang từ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu) cho biết: “Tính từ cuối tháng 4 đến hết tháng 5, công ty chúng tôi đã vận chuyển hơn 200 triệu chiếc khẩu trang y tế và khẩu trang vải kháng khuẩn sang Mỹ và châu Âu. Các đơn hàng này vẫn còn tiếp tục kéo dài”.
https://www.ntdvn.com/viet-nam/viet-nam-xuat-khau-them-30-trieu-chiec-khau-trang-y-te-di-bac-my-43357.html

Điểm tin trong nước sáng 7/6: Nợ nghìn tỷ, Sông Đà

được Bộ Xây dựng giới thiệu làm cao tốc Bắc-Nam

Tâm Minh – Tâm Tuệ
Mục điểm tin trong nước sáng ngày 7/6 của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Xe đầu kéo tông xe biển số đỏ, 7 dân quân thương vong
Chiều 6/6, nhà chức trách tỉnh Bình Dương đang điều tra nguyên nhân vụ tai nạn giữa xe đầu kéo và xe biển số đỏ khiến một dân quân thiệt mạng.
Khoảng 12h30 cùng ngày, chiếc ôtô biển số đỏ đang chở quân của Thị đội thị xã Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) chạy đến giao lộ N2 – D1 (phường Phú Tân, TP. Thủ Dầu Một) thì bị xe đầu kéo mang biển kiểm soát tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tông trúng.
Cú va chạm mạnh khiến thùng xe biển số đỏ rơi xuống đường. Vụ việc khiến một dân quân tử vong và một số người khác bị thương. Xe quân sự trên do một sĩ quan điều khiển chở theo 6 dân quân.
Nợ nghìn tỷ, Sông Đà được Bộ Xây dựng giới thiệu làm cao tốc Bắc-Nam
Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, giới thiệu Tổng Công ty Sông Đà tham gia xây dựng một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 theo hình thức chỉ định thầu.
Tổng Công ty Sông Đà hiện có hơn 20.000 cán bộ công nhân viên, kỹ sư. Theo Bộ Xây dựng, việc này nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực con người, máy móc thiết bị sẵn có và kinh nghiệm của doanh nghiệp, trên cơ sở ý kiến kết luận của Thủ tướng, báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư về việc chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công.
Tổng Công ty Sông Đà từng được biết tới là “ông lớn” nhà nước trong ngành xây dựng, đặc biệt trong lĩnh vực thi công các nhà máy thủy điện trong và ngoài nước. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính những năm gần đây.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, doanh nghiệp này đang đứng trước những khoản nợ lớn. Nợ phải trả của Tổng công ty tính đến cuối năm 2019 là hơn 11.000 tỷ đồng, trong đó hàng loạt công ty con rơi vào tình trạng thua lỗ, có nguy cơ mất vốn nhà nước. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của Tổng Công ty là khoảng 2,8 lần, xấp xỉ con số 3 là mức báo động rủi ro tài chính.
Trăm thanh niên cầm hung khí tấn công quán nhậu
Ngày 6/6, Công an quận Bình Tân trích xuất camera mời nhiều người liên quan đến vụ ẩu đả xảy ra tại quán ốc ở đường số 6, phường An Lạc A (quận Bình Tân).
Theo camera tại quán này ghi nhận, gần 21h ngày 5/6 nhóm thanh niên đi hàng chục xe máy, cùng mặc áo khoác cam, cầm hung khí xộc vào đập phá khiến khách bỏ chạy. Một người ngồi trong quán đã bị họ đánh bị thương.
Sau khi gây án, nhóm này rút đi trên các xe máy chạy thành đoàn, vung hung khí kèm tiếng còi hụ inh ỏi. “Đây có thể là cuộc hẹn của hai băng nhóm”, nguồn tin từ cảnh sát cho hay.
Phạm nhân giết người vượt ngục đã nhảy tàu rời khỏi Đà Nẵng?
Sau 4 ngày tìm kiếm phạm nhân vượt ngục trên núi Hải Vân, ngày 6/6 đại tá Trần Mưu, Phó giám đốc Công an Đà Nẵng nhận định rất có thể Triệu Quân Sự (29 tuổi, quê huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đã tẩu thoát khỏi núi Hải Vân.
Đại tá Trần Mưu nói: “Những đêm qua có trăng rất sáng, không loại trừ khả năng sau khi chạy lên núi ẩn nấp trong các lán trại, Sự đã đi theo các lối mòn bên trong rừng rồi tẩu thoát khỏi đèo Hải Vân”.
Một cán bộ biên phòng nói: “Cả ngày hôm nay tôi đi thực địa thì thấy khu vực đèo Hải Vân rất hiểm trở nên khi đi qua đây, các tàu hỏa, nhất là tàu chở hàng đều phải giảm tốc độ. Do đó, rất có thể Triệu Quân Sự đã lợi dụng trời tối, nhảy tàu rời khỏi Đà Nẵng từ đêm qua”.
Nguồn tin trên cho hay nhiều lực lượng của công an đã rút khỏi đèo Hải Vân để thực hiện nhiệm vụ khác, chỉ giữ lại lực lượng trinh sát hình sự, truy nã và lực lượng chốt chặn ở chân đèo và trên đỉnh đèo.
Trước đó, chiều 5/6, Đại tá Mưu cho rằng Sự là phạm nhân có tiền án giết người, từng là quân nhân nên đề xuất lực lượng tìm kiếm không kể là công an hay quân đội nếu phát hiện và gặp chống đối thì sẽ dùng biện pháp mạnh là tiêu diệt.
https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-sang-7-6-no-nghin-ty-song-da-duoc-bo-xay-dung-gioi-thieu-lam-cao-toc-bac-nam.html

Điểm tin trong nước chiều 7/6: Nhà báo gốc Việt

đệ đơn kiện nhóm biểu tình Antifa ở Mỹ

Tâm Minh – Hiểu Minh
Mục điểm tin trong nước chiều ngày 7/6 của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Nhà báo gốc Việt đệ đơn kiện nhóm biểu tình Antifa ở Mỹ
Nhà báo người Mỹ gốc việt Andy Ngô đã đệ đơn kiện tổ chức Antifa tại Portland vì tội tấn công và hành hung, theo The Epoch Times ngày 5/6.
Andy Cường Ngô (sinh năm 1986) là một nhà báo người Mỹ nổi tiếng chuyên đưa tin về các cuộc biểu tình tại thành phố Portland, bang Oregon, trụ sở của Rose City Antifa – một trong những tổ chức Antifa lâu đời nhất còn hoạt động tại Mỹ, theo Wkipedia.
Antifa là viết tắt của cụm từ “Anti-Fascist Action” (hành động chống phát xít). Đây là một nhóm hoạt động chính trị thiên tả tham gia rất tích cực vào cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc sau cái chết của George Floyd – một người đàn ông da màu qua đời sau khi bị một cảnh sát da trắng bắt giữ ở Minneapolis. Tuy nhiên nhóm này thường viện đến hình thức biểu tình bạo lực, cướp phá.
Các thành viên Antifa đã cố gắng “trấn áp” các hoạt động của nhà báo Ngô thông qua “một mô thức phối hợp các hành vi bạo lực, quấy rối và theo dõi”, theo cáo buộc trong đơn kiện gửi tới Tòa án Hạt Multnomah ở Portland, bang Oregon, Mỹ ngày 4/6.
Từ nhiều năm nay, anh Ngô đã ghi lại các cuộc biểu tình liên quan đến hoạt động của của nhóm này tại Portland.
Đơn kiện liệt kê các bị cáo trong tổ chức Antifa địa phương – Rose City Antifa và hàng chục cá nhân khác, mặc dù chỉ có năm người trong số đó được ghi rõ danh tính.
“Các bị cáo và các thành viên Antifa khác, cùng những kẻ hỗ trợ và ‘đồng minh’ đã dồn ép và hành hung nhà báo Ngô tại các cuộc biểu tình mà anh đến tác nghiệp, đánh cắp thiết bị chụp ảnh, đăng tải công khai địa chỉ nhà và doanh nghiệp của mẹ anh, cố gắng đột nhập nhà riêng và theo dõi đời tư của anh, bao gồm việc tấn công và ăn cắp điện thoại của anh khi anh đang ở phòng tập thể dục”, đơn kiện có ghi.
Anh Ngô đang yêu cầu bồi thường 900.000 USD, đồng thời đề nghị tòa án ra lệnh cấm các bị cáo “quấy rối, đe dọa, hãm hại” anh và “tiếp tục tham gia vào” các hoạt động kiếm tiền bất lương.
Tiền Giang: 17 học viên cơ sở cai nghiện ma túy bỏ trốn
Chiều 7/6, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang kiêm Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma tuý trực thuộc Sở, ông Phan Thanh Vân, cho biết chiều ngày 6/6, trong thời gian lao động, do mâu thuẩn từ trước, đã xảy ra vụ xô xát, đánh nhau giữa học viên khu A và khu B của Cơ sở Cai nghiện ma túy Tiền Giang, theo TTXVN.
Các học viên đã kéo nhau xô xát, đánh nhau tập thể, gây náo loạn cả khu vực. Hậu quả khiến 12 học viên bị thương tích đã được ngành chức năng sơ cứu và đưa đến Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh Tiền Giang chữa trị. 17 học viên khác lợi dụng lúc hỗn loạn đã bỏ trốn.
Đối với 17 học viên bỏ trốn, Sở đang truy tìm, đồng thời đến nơi cư trú thuyết phục, vận động gia đình để đưa lại đến cơ sở tiếp tục cai nghiện.
Bắt giữ một số giang hồ quậy quán nhậu ở TP.HCM
Một số nghi phạm tham gia vào vụ đánh người, đập phá quán nhậu ở quận Bình Tân tối 5/6 đã bị cảnh sát bắt giữ. Nhà chức trách hiện chưa công bố con số cụ thể, theo VnExpress.
Nguyên nhân nhóm giang hồ quậy phá được báo công an đưa tin hôm 7/6 cho biết nhóm này ở Q.8 có mâu thuẫn với T. Tối 5/6, nhóm ở Q.8 nghe nói T đang ngồi nhậu ở quán ốc trên nên kéo sang trả thù nhưng không gặp. Sau đó, các đối tượng đập phá quán ốc để dằn mặt.
Vụ việc được camera an ninh ghi lại cho thấy có khoảng 200 người đi trên hàng chục xe máy đến quán ốc trên đường số 6, phường An Lạc A, quận Bình Tân.
Tại đây, nhóm người mặc đồng phục màu cam, cầm hung khí như mã tấu, ba chĩa đuổi đánh thực khách, đập phá bàn ghế. Nhiều thực khách đã chạy thoát, một vị khách nam không chạy kịp đã bị nhóm người đánh gục. Sau khi đập phá, nhóm này lên xe máy rời đi.
HIện vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Tia cực tím chạm mức nguy hiểm
Chỉ số tia cực tím tại Hà Nội và TP.HCM từ ngày 7 đến 9/6 lên đến 10, ở mức nguy hiểm với da và mắt của con người.
Báo VnExpress dẫn thông tin từ trang Weather Online của Anh dự báo chỉ số tia cực tím (UV) tối đa trong hai ngày tới tại Hà Nội và TP HCM dao động quanh 10. Còn Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo tia UV ở Hà Nội và Đà Nẵng ngày 7/6 ở mức 7 đến 9 , nắng nóng 36-38 độ C, nguy cơ gây hại rất cao đối với cơ thể con người.
Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), chỉ số UV dao động 0-2 là mức thấp, tuy nhiên cần có biện pháp bảo vệ da khi ra ngoài đường. Khi chỉ số UV từ 8 đến 10, có thể gây bỏng da sau 25 phút tiếp xúc. Chỉ số UV từ 11 trở lên là mức rất cao, rất nguy hiểm, nguy cơ làm tổn thương da, mắt bị bỏng nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời trong khoảng 15 phút mà không được bảo vệ.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Thành, Phó trưởng khoa Laser và Săn sóc da, Bệnh viện Da liễu Trung ương, khuyến cáo người dân nên sử dụng khẩu trang và quần, áo chống nắng dày, đúng quy cách để ngăn tia UV.
https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-chieu-7-6-nha-bao-goc-viet-de-don-kien-nhom-bieu-tinh-antifa-o-my.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.