Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 07/06/2020

Sunday, June 7, 2020 3:20:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 07/06/2020

Chuyên gia bóc trần âm mưu của TQ ở biển Đông

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong ngày 3/6, GS Carlyle Thayer (Đại học New South Wales, Úc) nhận định, Trung Quốc chuyển hướng lập luận pháp lý của họ bằng cách giảm tông “đường 9 đoạn” khét tiếng, thay vào đó, khẳng định chủ quyền đối với “Nam Hải Chư đảo”, nhưng bị các nước trên thế giới, mới nhất là Mỹ, thách thức về mặt pháp lý.
Theo ông, tại sao Mỹ gửi công hàm phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) vào thời điểm này?
-Mỹ mất gần 6 tháng để phản ứng công hàm của Trung Quốc đề ngày 12/12/2019 gửi lên LHQ. Yếu tố thời gian trong việc Mỹ phản đối Trung Quốc thể hiện sự suy giảm liên tục trong quan hệ song phương Mỹ-Trung, sau khi Washington chỉ trích Bắc Kinh xử lý sai đại dịch COVID-19 ở thành phố Vũ Hán. Hiện giờ, cả hai bên đang tham gia “chiến tranh ngôn từ”, một cuộc chiến vượt khỏi vấn đề COVID-19,
lan sang vấn đề Trung Quốc đại lục can thiệp vào Hong Kong, Trung Quốc bắt nạt và đe dọa các quốc gia Đông Nam Á ven biển Đông.
Malaysia khởi xướng vòng đấu pháp lý mới nhất hồi tháng 12 năm ngoái, bằng cách đề trình công hàm lên LHQ (cụ thể là Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của LHQ) đề nghị được công nhận thềm lục địa mở rộng. Việc này khiến Trung Quốc gửi công hàm phản đối và nhắc lại yêu sách của họ đối với chủ quyền ở biển Đông. Cả Philippines và Việt Nam gửi công hàm tới LHQ hồi tháng 3, rồi Indonesia làm tương tự ngày 26/5. Gần đây, Trung Quốc cử tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 và các tàu cảnh sát biển đi kèm tới vùng biển phía đông Malaysia để quấy rối hoạt động khoan thăm dò của công ty dầu khí quốc gia Petronas của Malaysia.
Có thể Mỹ chọn thời điểm này gửi công hàm phản đối Trung Quốc là để phản ứng với những căng thẳng gia tăng giữa các quốc gia ven biển và Trung Quốc.
Nội dung công hàm của Mỹ có ý nghĩa, có tầm quan trọng như thế nào, theo ông?
Từ khi Tòa Trọng tài quốc tế ra phán quyết với phần thắng nghiêng về Philippines hồi tháng 7/2016, Trung Quốc chuyển hướng lập luận pháp lý của họ bằng cách giảm tông “đường 9 đoạn” khét tiếng, thay vào đó, khẳng định chủ quyền đối với “Nam Hải Chư đảo”. Đây là một thuật ngữ mơ hồ, có nghĩa là các quần đảo ở biển Đông, bao gồm 4 “sa” – Đông Sa (Pratas), Tây Sa (Hoàng Sa), Trung Sa (bãi Macclesfield) và Nam Sa (Trường Sa). Hồi đầu năm nay, Trung Quốc thông báo thành lập 2 quận mới và chính thức đặt tên cho 80 thực thể địa lý ở biển Đông.
Công hàm phản đối của Mỹ đưa ra lập luận pháp lý rằng, các hành động của Trung Quốc là phi pháp và việc Trung Quốc quả quyết về “quyền lịch sử” là vượt quá những gì họ có thể yêu sách theo Công ước LHQ về Luật Biển.
Điều quan trọng nhất là công hàm của Mỹ thách thức về mặt pháp lý đối với việc Trung Quốc gom các thực thể phân tán trên biển Đông vào làm một, gọi là “Nam Hải Chư đảo”. Mỹ lập luận rằng, Trung Quốc không thể yêu sách vùng nội thủy hoặc các vùng biển khác dựa trên các đường cơ sở thẳng vẽ quanh các thực thể phân tán.
Cuối cùng, Mỹ lập luận rằng, Trung Quốc không thể khẳng định chủ quyền đối với các thực thể chìm như bãi Macclesfield, đá Vành Khăn, bãi Cỏ Mây… Nói cách khác, Mỹ đã đặt ra nền tảng pháp lý mà trên đó Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành tuần tra tự do hàng hải và tự do bay ở biển Đông.
Công hàm của Mỹ cũng đóng vai trò thể hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với Indonesia, Malaysia, Philippines và Vietnam.
Theo ông, Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao?
-Trung Quốc sẽ ngay lập tức gửi công hàm cho Tổng thư ký LHQ để phản đối những lập luận pháp lý của Mỹ. Một lần nữa Trung Quốc sẽ tái khẳng định “quyền lịch sử” và yêu sách chủ quyền đối với các quần đảo trên biển Đông. Trung Quốc sẽ tiến hành chiến dịch tuyên truyền tấn công Mỹ, gọi Mỹ là một “siêu cường bên ngoài”. Chiến dịch này sẽ nhằm hăm dọa các quốc gia ven biển. Có thể Trung Quốc sẽ có hành động gây hấn với một cuộc tuần tra tự do hàng hải hoặc tự do bay của Mỹ trong tương lai để thể hiện yêu sách chủ quyền của họ.

Trung Quốc leo thang Biển Đông,

Philippines nối lại thỏa thuận quân sự với Mỹ

Gần 4 năm sau khi tuyên bố “chia tay” Mỹ để kết thân với Trung Quốc, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã có động thái “quay đầu” hâm nóng mối quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ.
Vào tháng 2 năm nay, ông Duterte đã hủy bỏ Hiệp ước Thăm viếng Quân sự với Mỹ (VFA), một thỏa thuận được ký năm 1998, trong đó cho phép Hoa Kỳ đưa quân đội tới Philippines để tập trận chung hoặc giúp đỡ chống khủng bố. Theo quyết định của ông Duterte vào thời điểm đó, Hiệp ước sẽ hết hiệu lực trong vòng 180 ngày, tức là vào ngày 9/8/2020.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin Jr hôm thứ Ba (2/6) cho biết chính phủ nước này quyết định tạm thời đình chỉ quyết định hủy bỏ của ông Duterte.
Theo thông báo của ông Teodoro trên Twitter, việc hủy bỏ Hiệp ước Thăm viếng đã bị đình chỉ theo chỉ thị của Tổng thống Duterte.
Trong công hàm gửi Đại sứ Mỹ tại Philippines, ông Teodoro giải thích quyết định này được đưa ra là do “các diễn biến chính trị và các vấn đề khác trong khu vực” và Hiệp ước sẽ được gia hạn thêm 6 tháng.
Al Jazeera đưa tin, Đại sứ quán Mỹ đã hoan nghênh quyết định của chính phủ Philippines. Bản tuyên bố của Đại sứ quán cho biết: “Liên minh lâu đời của chúng tôi đã mang lại lợi ích cho cả hai nước và chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ về an ninh và quốc phòng với Philippines”.
Báo SCMP cho biết các nhà phân tích nhận định rằng quyết định “quay đầu đột ngột” này của Philippines có thể là do các động thái gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông và đại dịch virus corona. Giới quan sát nhận định Bắc Kinh đang lợi dụng thời điểm các nước bận đối phó với COVID-19 để tăng cường những yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.
Hoa Kỳ và Philippines là hai đồng minh thân thiết và có thỏa thuận quốc phong chung kể từ năm 1951. Tuy nhiên, Tổng thống Duterte đã đảo ngược chính sách của những người tiền nhiệm trong mối quan hệ với Washington, không lâu sau khi ông nhậm chức vào tháng 6/2016. Quyết định này của ông Duterte xuất hiện sau khi chiến dịch càn quét ma túy của ông bị Hoa Kỳ chỉ trích là vi phạm nhân quyền.
“Trong thời gian [nhiệm kỳ] của tôi, rốt cuộc có thể tôi sẽ chia tay với Mỹ, tôi thà đến với Nga và Trung Quốc còn hơn”, ông Duterte phát biểu hồi tháng 10/2016.
Chiến dịch chống ma túy của ông Duterte đặc biệt gây tranh cãi khi cho phép cảnh sát và cả dân thường được giết chết nghi phạm ngay tại chỗ, không qua xét xử. Al Jazeera trích tuyên bố của thượng nghị sỹ Philippines Ronald dela Rosa cho biết cuộc chiến chống ma túy của ông Duterte đã dẫn đến cái chết của hơn 5.000 người. Tuy nhiên, hãng tin này cho biết các cơ quan giám sát nhân quyền ước tính số nạn nhân tử vong lên đến 27.000 người.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.