Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 17/06/2020

Wednesday, June 17, 2020 6:26:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 17/06/2020

Tàu chiến TQ và Mỹ áp sát nhau trên Biển Đông

Tờ South China Morning Post dẫn nguồn tin quân sự tiết lộ tàu chiến Mỹ và Trung Quốc từng chạy cách nhau chỉ 100 m trong cuộc chạm mặt trên Biển Đông hồi tháng 4.
Tờ South China Morning Post ngày 16.6 dẫn lời giới chuyên gia hàng hải Trung Quốc cho rằng nước này và Mỹ có thể có nguy cơ xung đột trên Biển Đông và nên tìm giải pháp ngăn ngừa tình trạng này trong bối cảnh tàu chiến hai bên giáp mặt nhau.
Tờ báo dẫn lời một nguồn tin quân đội Trung Quốc tiết lộ tàu chiến hai nước từng chạy cách nhau chỉ 100 m trong một sự việc hồi tháng 4. Nguồn tin này không nêu rõ tên tàu chiến liên quan nhưng nói sự việc này cho thấy sự thiếu lòng tin chính trị giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc.
Ông Hồ Ba, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược hàng hải thuộc Đại học Bắc Kinh cho biết cả hai bên đều giữ được sự kiềm chế và chuyên nghiệp trong lần chạm mặt hồi tháng 4. Tuy nhiên, ông cảnh báo những sự việc này có nguy cơ dẫn đến tính toán sai và leo thang thành xung đột quân sự.
Đây được cho không phải là lần đầu tiên tàu chiến hai nước áp sát nhau tại Biển Đông. Hồi tháng 10.2018, hải quân Mỹ công bố những bức ảnh chụp từ trên không cho thấy một tàu khu trục Trung Quốc di chuyển chỉ cách tàu khu trục USS Decatur của Mỹ chỉ 41 m và suýt đâm vào nhau.
Hồi tháng 4, trong bối cảnh các nước đang phải đối phó với dịch Covid-19, Trung Quốc điều nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh đến Biển Đông để tập trận. Trung Quốc còn khoe mẽ rằng hải quân nước này kiểm soát dịch Covid-19 tốt hơn, nói rằng trong lúc nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh đang tập trận thì tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ lại phải ngưng hoạt động vì thủy thủ bị nhiễm Covid-19.
Cũng trong tháng 4, Trung Quốc còn lớn tiếng thông báo đã triển khai lực lượng ngăn cản khi tàu chiến USS Barry của Mỹ thực hiện hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải tại quần đảo Hoàng Sa (vốn thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp).

Những hành vi gây hấn

đáng lên án của tàu TQ ở Biển Đông

Chỉ trong nửa đầu năm 2020, các tàu Trung Quốc đã liên tục có các hành vi gây hấn nhằm vào tàu cá của Việt Nam và các nước ở Biển Đông.
Hai lần chỉ trong vòng 3 tháng
Ngày 13/6, Hội Nghề cá Việt Nam đã chính thức lên tiếng phản đối việc tàu sắt của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc số hiệu 4006 cùng một xuồng máy truy đuổi, tông và làm hỏng tàu cá  QNg 96416 do ngư dân Nguyễn Lộc, 42 tuổi, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi làm chủ kiêm thuyền trưởng cùng 15 lao động hành nghề ở khu vực cách đảo Linh Côn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) khoảng 8 hải lý về hướng Tây Nam vào sáng 10/6.
Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc đã khống chế, đánh đập ngư dân bắt ký và điểm chỉ dấu vân tay vào biên bản do Trung Quốc viết, lấy ngư cụ là 2 máy định vị và máy dò cá, 1 thuyền thúng, 5 bành dây hơi, 1 tấn hải sản và làm hư hỏng nhiều bộ phận trên thân tàu, thiệt hại về tài sản ngư dân ước tính khoảng 500 triệu đồng. Ngày 12/6/2020, tàu cá QNg 96416 cùng các lao động về đến đất liền không tiếp tục đi sản xuất được.
Theo Hội Nghề cá Việt Nam, những hành động như trên của Trung Quốc đã được lặp lại nhiều lần và liên tục gia tăng, gây bất an, bất bình cho ngư dân, làm giảm sút sản lượng đánh bắt hải sản, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cho ngư dân, xâm phạm chủ quyền biển Việt Nam, vi phạm pháp luật Việt Nam và luật pháp Quốc tế.
Hội Nghề cá Việt Nam lên án và phản đối hành động vô nhân đạo nói trên của Trung Quốc đã gây nguy hiểm đến tính mạng và thiệt hại đến tài sản của ngư dân Việt Nam khi đang khai thác hải sản trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Phản ứng của Hội Nghề cá Việt Nam liên quan đến hành vi sai trái của Trung Quốc diễn ra chỉ hơn 2 tháng sau khi tàu Hải cảnh nước này mang số hiệu 4301, tấn công đâm chìm tàu cá QNg 90617 TS của Việt Nam khi đang khai thác hải sản tại khu vực biển gần đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) với 8 ngư dân trên tàu ngày 2/4.
Đáng chú ý, cả hai vụ việc nói trên được Trung Quốc tiến hành trong vòng 3 tháng và đều vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ không chỉ từ phía các cơ quan chức năng của Việt Nam mà còn cả cộng đồng quốc tế.
Chỉ đúng 4 ngày sau vụ việc này, ngày 6/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus đã phát đi thông cáo báo chí về vụ việc, nhấn mạnh Mỹ “cực kỳ quan ngại” hành động của Trung Quốc. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: “Đây là vụ việc mới nhất trong chuỗi dài các hành động của Trung Quốc nhằm áp đặt các yêu sách trái pháp luật hàng hải và gây bất lợi cho các quốc gia láng giềng Đông Nam Á trên biển Đông”.
2 ngày sau, Bộ Ngoại giao Philippines cũng ra tuyên bố ủng hộ Việt Nam trong vụ việc nói trên và nhấn mạnh, các ngư dân Philippines cũng từng là nạn nhân của Trung Quốc và nước này rất cảm kích trước hành động cứu giúp các ngư dân Philippines của Việt Nam.
Tàu cá nước khác cũng là nạn nhân
Vụ việc mà Philippines muốn nhắc đến diễn ra vào tháng 6/2019 tại Bãi Cỏ Rong khi tàu cá mang số hiệu F/B GIMVER1 của Philippines với 22 ngư dân trên tàu cũng đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Rất may, những thuyền viên này sau đó được một tàu cá Việt Nam gần đó phát hiện và giải cứu.
Tuy nhiên, vụ việc nói trên không chỉ dừng lại ở đó. Đến tháng 9/2019, Trung Quốc lại triển khai một nhóm tàu áp sát khu vực bãi cạn Scarborough của Philippines nhằm thể hiện quyền kiểm soát [phi pháp - PV] đối với bãi cạn này bất chấp sự phản đối quyết liệt của phía Philippines. Hành động sai trái này
của phía Trung Quốc một lần nữa khiến tình hình Biển Đông càng thêm phức tạp và làm leo thang căng thẳng giữa hai nước.
Cũng trong khoảng thời gian đó và vài tháng đầu năm 2020, Trung Quốc đã cho triển khai hàng trăm tàu cá – bị nghi ngờ là các tàu dân quân biển nguỵ trang – có sự bảo vệ của các tàu Hải cảnh Trung Quốc xuất hiện quanh nhiều quần đảo và khu vực tiền đồn của Philippines ở Biển Đông và tiến hành các hoạt động đánh cá phi pháp trong vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines.
Mới đây nhất, hồi tháng 2/2020, một chiếc tàu chiến Trung Quốc bị cáo buộc có hành động thù địch và vi phạm luật quốc tế khi khinh hạm 514 của Trung Quốc hướng hệ thống kiểm soát pháo nhằm vào khinh hạm BRP Conrado Yap đang tiến hành tuần tra ở Biển Đông.
Malaysia cũng từng là nạn nhân từ các hành động gây hấn của tàu Trung Quốc. Hồi tháng 4 vừa qua, tàu thăm dò Địa chất Hải dương 8 của Trung Quốc đã di chuyển tới khu vực phía nam Biển Đông, bám sát tàu thăm dò West Capella do công ty dầu khí Petronas của Malaysia thuê. Vào thời điểm đó, tàu Trung Quốc có lúc được tới 10 tàu hải cảnh và lực lượng dân binh hộ tống.
Trước đó, vào tháng 12/2019, Indonesia cũng đã lên tiếng cố cáo 50 tàu cá Trung Quốc dưới sự bảo vệ của hai tàu hải cảnh cỡ lớn đã xâm nhập, hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia ngoài khơi quần đảo Natuna ở nam Biển Đông buộc Indonesia phải triển khai  8 chiến hạm cùng nhiều tiêm kích F-16 đến khu vực này để “tuần tra và bảo đảm an ninh”.Có thể nói, những hành vi gây hấn nói trên của Trung Quốc đã diễn ra với cường độ và tần suất ngày một dày hơn trong thời gian qua. Cùng với việc ngang nhiên tuyên bố thành lập cái gọi là “khu Nam Sa” và “khu Tây Sa” trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, đây được cho là những bước đi đầy toan tính của Trung Quốc nhằm hiện thực hoá tham vọng độc chiếm Biển Đông của nước này.
Theo các chuyên gia trong khu vực, để ngăn chặn các hành vi sai trái của Trung Quốc tiếp diễn, Việt Nam, Philippines và Malaysia – 3 nước vốn chịu nhiều tác động nhất từ các hành vi sai trái của Trung Quốc – cần tiếp tục duy trì các biện pháp pháp lý và ngoại giao cứng rắn hơn nữa.

Biển Đông: Mỹ dùng chiến thuật “áp lực tối đa”

đối với Trung Quốc

Mai Vân
Ba hàng không mẫu hạm Mỹ đồng thời tuần tra ở châu Á, oanh tạc cơ B-1B được triển khai trên đảo Guam miền tây Thái Bình Dương, từ đó tiến hành các phi vụ trên Biển Đông, máy bay trinh sát không Đối với giới phân tích, rất hiếm khi Hoa Kỳ tung một lực lượng hùng hậu như vậy đến vùng biển châu Á, một quyết định gắn liền với việc Trung Quốc ngày càng gia tăng các hành động khống chế Biển Đông.
Trong một bài viết ngày 15/06/2020 mang tựa đề khá châm biếm: “Ba tàu sân bay Mỹ tuần tra cùng một lúc ở Thái Bình Dương. Và Trung Quốc không vui – Three US Navy aircraft carriers are patrolling the Pacific Ocean at the same time. And China’s not happy”, kênh truyền thông Mỹ CNN đã nêu bật phản ứng tức tối của Bắc Kinh trước hành động phô trương lực lượng để răn đe của Mỹ.
Ba hàng không mẫu hạm đồng thời hoạt động ở Thái Bình Dương
CNN trước hết xác nhận sự hiện diện đồng thời của ba hàng không mẫu hạm Mỹ trên vùng biển Thái Bình Dương, hai chiếc ở miền tây, chiếc còn lại đã tiến vào khu vực phía đông.
Trích dẫn các thông cáo báo chí do chính Hải Quân Mỹ công bố, CNN cho biết là hai chiếc tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Theodore Roosevelt đang tuần tra ở vùng biển miền tây Thái Bình Dương, trong lúc chiếc USS Nimitz cùng với hải đội hộ tống – rời cảng San Diego ở California ngày 08/06 – hiện đã có mặt ở phía đông.
Ý định phô trương uy lực của Hải Quân Mỹ được thấy rõ qua việc bộ Quốc Phòng không ngần ngại công bố hình ảnh về hoạt động của các nhóm tàu sân bay. Mạng Twitter của Hải Quân Mỹ đã liên tục đưa tin và đăng ảnh về các cuộc tập huấn của hai chiếc Theodore Roosevelt và Ronald Reagan trên Biển Philippines. Bộ Quốc Phòng Mỹ cũng công bố hình ảnh về hoạt động của tàu sân bay Nimitz ở Thái Bình Dương.
Theo CNN, với mỗi chiếc tàu chở theo hơn 60 chiến đấu cơ, đây là cuộc triển khai hàng không mẫu hạm lớn nhất ở vùng biển châu Á từ năm 2017 đến nay. Năm 2017 là thời điểm căng thẳng với Bắc Triều Tiên về chương trình hạt nhân lên đỉnh cao.
Thông điệp “răn đe” gởi đến Bắc Kinh 
Ý nghĩa phô trương uy lực của việc triển khai đồng thời ba chiếc tàu sân bay, kèm theo toàn bộ các hải đội tác chiến hùng hậu đã được chính các lãnh đạo Hải Quân Mỹ nêu bật.
Trả lời hãng tin Mỹ AP ngày 12/06, chuẩn đô đốc Stephen Koehler, chỉ huy tác chiến Bộ Tư Lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương của Hải Quân Mỹ khẳng định: “Tàu sân bay và các nhóm tác chiến tàu sân bay là biểu tượng sức mạnh hải quân của Mỹ. Tôi rất mừng với việc triển khai đến ba chiếc vào lúc này”.
Dù không nói rõ mục tiêu của việc triển khai, nhưng chuẩn đô đốc Koehler ghi nhận tình trạng Trung Quốc đang quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông, bố trí trên đó các tên lửa và hệ thống tác chiến điện tử, trong bối cảnh các hoạt động của Mỹ cùng các đồng minh và đối tác có dấu hiệu chưa ngăn chặn được tham vọng của Bắc Kinh.
Giới phân tích thấy rằng qua việc triển khai đồng thời ba nhóm tàu sân bay đến châu Á, Washington muốn gởi thông điệp răn đe đến Bắc Kinh.
Trả lời hãng AP, bà Bonnie Glaser, chủ nhiệm Dự Án Sức Mạnh Trung Quốc thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS), trụ sở tại Mỹ, nhận định: “Truyền thông Trung Quốc cho rằng khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ đang suy giảm mạnh vì dịch Covid-19, (do đó) đợt triển khai có dấu hiệu là thông điệp của Mỹ nhằm cảnh báo Trung Quốc đừng tính toán sai lầm”.
Bắc Kinh tức tối buông lời đe dọa
Dẫu sao động thái cứng rắn rõ rệt của Mỹ đã làm dấy lên phản ứng bực tức từ phía Bắc Kinh, với các phương tiện truyền thông Trung Quốc đồng loạt lên tiếng đe dọa Hoa Kỳ.
Đi đầu trong việc hù dọa vẫn là tờ Hoàn Cầu Thời Báo tại Bắc Kinh. Theo CNN, hôm 14/06, tờ báo này tỏ ý lo ngại rằng các tàu sân bay Mỹ có thể là mối đe dọa đối với các đơn vị quân đội Trung Quốc đồn trú tại Biển Đông.
Trích dẫn một chuyên gia về hải quân ở Bắc Kinh, Hoàn Cầu Thời Báo tố cáo Mỹ “thực hiện chính sách bá quyền” khi đưa lực lượng hùng mạnh vào Biển Đông và đe dọa quân đội Trung Quốc ở những vùng mà Bắc Kinh gọi là Tây Sa và Nam Sa, tức là Hoàng Sa và Trường Sa.
Trang web tiếng Anh của quân đội Trung Quốc cũng có nhận định tương tư, và khẳng định Trung Quốc có thể tổ chức tập trận đáp trả để cho thấy hỏa lực của mình. Bài viết còn nêu rõ: “Trung Quốc cũng có tàu sân bay với vũ khí “sát thủ tàu sân bay’ như tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D và DF-26”.
Tàu sân bay Mỹ không hề bị điêu đứng vì Covid-19
Theo giới quan sát, sở dĩ Bắc Kinh đã có phản ứng tức tối, đó là vì với việc triển khai nói trên, Mỹ đã phá vỡ hoàn toàn luận điệu xuyên tạc của Bắc Kinh gần đây theo đó Hải Quân Mỹ đã bị virus corona đánh gục.
Chuyên gia Collin Koh, thuộc Viện Nghiên Cứu Quốc Phòng và Chiến Lược tại Singapore, nhận định: Sự hiện diện các tàu sân bay Mỹ trên biển châu Á đã “đi ngược lại với điều mà Trung Quốc mô tả là Mỹ bị áp lực khó khăn ở Thái Bình Dương”.
Cũng phải nói là tàu sân bay Theodore Roosevelt đã chỉ hoạt động trở lại từ ngày 04/06, sau mấy tuần lễ phải án binh bất động ở Guam do virus corona bộc phát trên tàu vào tháng Ba. Trong lúc đó chiếc Ronald Reagan cũng phải thả neo ở Nhật Bản chờ được bảo đảm là không bị một ca Covid-19 nào một khi ra biển.
Oanh tạc cơ B-1B và trinh sát cơ Global Hawk trên Biển Đông
Mỹ không chỉ gây sức ép với Trung Quốc ở trên biển mà còn gia tăng thị uy trên không bằng cách cho oanh tạc cơ hiện đại B-1B Lancer và trinh sát cơ không người lái Global Hawk RQ-4 đến hoạt động ở Biển Đông và các khu vực khác tại Thái Bình Dương.
Theo tin được kênh truyền hình Mỹ Fox News tiết lộ hôm 10/06 vừa qua, Không Quân Mỹ đã xác nhận việc sử dụng một phi đội máy bay ném bom B-1B trú đóng trên đảo Guam để hỗ trợ cho Bộ Tư Lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong các nhiệm vụ trên Biển Đông.
Bên cạnh đó, phi cơ do thám hiện đại không người lái Global Hawk RQ-4 cũng được vận chuyển tới căn cứ không quân Yokota tại Nhật Bản nhằm tăng cường hơn nữa hoạt động của Mỹ trong khu vực.
Đối với các chuyên gia, Quân Đội Mỹ đã tăng cường hoạt động trong khu vực để sẵn sàng đối phó với các động thái của Trung Quốc ở cả Biển Đông lẫn vùng eo biển Đài Loan, nơi đồng minh của Mỹ đang gặp sức ép nặng nề từ Bắc Kinh.

Tàu khảo sát của Trung Quốc

lại vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam

Tàu khảo sát Hải Dương 4 của Trung Quốc đã vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chỉ cách đảo Phú Quý khoảng 182 hải lý hôm thứ Ba, ngày 16 tháng Sáu.
Đài Á Châu Tự Do sử dụng hai phần mềm định vị xác định Hải Dương 4 đã tiến đến vùng biển của Việt Nam hôm 14/6 sau khi đi qua căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Dữ liệu định vị mới nhất vào sáng ngày 16/6 cho thấy tàu này nằm hoàn toàn trong vùng 200 hải lý từ bờ biển của Việt Nam.
Hiện không rõ nguyên nhân vì sao Trung Quốc điều tàu Hải Dương 4 vào vùng biển của Việt Nam vào lúc này. Chính phủ Trung Quốc và Việt Nam đều chưa lên tiếng gì về động thái này.
Tuy nhiên vào khoảng nửa cuối năm 2019, Trung Quốc đã từng điều tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng các tàu hải cảnh vào quấy nhiễu hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam ở lô dầu khí 06 -01 trong liên doanh giữa Việt Nam với công ty Rosneft của Nga ở Bãi Tư Chính.
Lập trường của Trung Quốc là phản đối việc các quốc gia đòi chủ quyền ở khu vực Biển Đông hợp tác với các công ty quốc tế ngoài khu vực để khai thác dầu khí ở Biển Đông.
Theo các phần mềm theo dõi hàng hải, dường như Hải Dương 4 lần này không đi cùng với các tàu hải cảnh vào vùng biển Việt Nam. Chỉ có tàu hải cảnh Haijing 5202 hiện đang đậu ở Đá Chữ Thập gần đó.
Việc Hải Dương 4 lần này vào vùng biển Việt Nam cũng có thể liên quan đến các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam với công ty Rosneft của Nga gần Bãi Tư Chính.
Truyền thông trong nước cho biết, giàn khoan dầu Clyde Boudraux của một công ty có trụ sở ở Anh theo dự định sẽ hoạt động trong khu vực này. Giàn khoan đã được kéo về cảng Vũng Tàu hôm 22/4 nhưng theo dữ liệu phần mềm định vị thì giàn khoan này vẫn chưa rời cảng.
Trung Quốc cũng đã từng đe doạ Việt Nam trong những hoạt động khoan thăm dò dầu khí trước đây với công ty Repsol của Tây Ban Nha hồi năm 2017 và 2018.
Hôm 13/6 vừa qua, công ty dầu khí Repsol của Tây Ban Nha đã chuyển nhượng các cổ phần của công ty này ở 3 lô dầu khí ngoài khơi phía đông nam Việt Nam cho PetroVietnam với lý do khó khăn do bị sức ép từ Trung Quốc hồi năm 2018.

Chuyên gia Indonesia:

TQ đang chơi trò yêu sách trên Biển Đông

Theo nhận định của chuyên gia, Trung Quốc muốn lợi dụng dịch COVID-19 để gia tăng ảnh hưởng trên Biển Đông và muốn giành nhiều “thẻ bài” trong trò chơi yêu sách.
Ông Gilang Kembara, chuyên gia nghiên cứu quốc tế, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) Indonesia  cho rằng, Trung Quốc muốn lợi dụng dịch COVID-19 để tăng cường sự ảnh hưởng trên Biển Đông, nhất là khi các cuộc đàm phán về vấn đề COC đang bị chậm lại. Mục đích là để tới khi vòng thương lượng này quay trở lại, Bắc Kinh sẽ nắm trong tay nhiều “thẻ bài” trong trò chơi để đổi lấy mọi yêu sách.
- Đánh giá của ông về những hành động khiêu khích gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông, như lập 2 quận mới, đặt tên các thực thể, điều tàu cá hay đặt cáp ngầm trên vùng Biển Đông, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang phải đối phó với đại dịch COVID-19?
Từ đầu năm 2020, khi hầu hết các quốc gia thành viên ASEAN đều phải giải quyết cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra, thì Trung Quốc, quốc gia đầu tiên trải qua dịch bệnh này đã kiểm soát được chuỗi lây lan dịch vào đầu tháng 3, cảm thấy cần phải khẳng định chủ quyền trên Biển Đông bằng nhiều cách.
Chẳng hạn như Chiến dịch Biển xanh năm 2020, cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, lập 2 quận và đặt tên cho 80 thực thể trên Biển Đông, đồng thời điều rất nhiều tàu đến khu vực biển này.
Tôi cho rằng, Trung Quốc cố gắng tăng cường sức ảnh hưởng của mình, nhất là khi các cuộc đàm phán về Biển Đông đang bị chững lại, chẳng hạn như Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Cân nhắc tình hình đó, đến lúc các thương lượng quay trở lại bình thường thì Trung Quốc đã nắm trong tay rất nhiều “thẻ bài” trong trò chơi chủ quyền của mình, để đổi lấy tất cả các yêu sách.
Gần đây, Trung Quốc cho lắp đặt cáp ngầm trên Biển Đông. Tôi không biết lí do tại sao Trung Quốc đặt cáp ngầm. Tuy nhiên, nếu như việc này chỉ phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc thì cũng vi phạm luật pháp quốc tế, giống như việc xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Bất kì hành động “xây dựng trái phép đơn phương nào” trên Biển Đông cũng sẽ không được chấp nhận.
- Trung Quốc đưa ra yêu sách về “đường 9 đoạn” để tuyên bố chủ quyền đối với khoảng 80% diện tích Biển Đông. Ông nhận định thế nào về yêu sách này của Trung Quốc?
Nói một cách thẳng thắn, “Đường 9 đoạn” đã vi phạm luật pháp quốc tế hiện hành, đặc biệt là các điều luật trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Đầu tiên chúng ta phải đặt câu hỏi: Dựa trên tài liệu nào mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền với 80% khu vực Biển Đông?
Trung Quốc ngụy biện rằng, họ sở hữu bản đồ của thời nhà Minh hay nhà Thanh để lại. Với quan điểm như trên, nhiều các quốc gia khác cũng có thể tuyên bố chủ quyền với bất cứ vùng đất nào trên thế giới chỉ với một bản đồ cổ mà họ tìm được từ thời tiền thuộc địa.
- Đây có phải lí do Indonesia gửi công hàm lên Liên hợp quốc ngày 26/5 khi cho rằng Trung Quốc vi phạm luật pháp và không tuân theo phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 về “đường 9 đoạn”,  thưa ông?
Indonesia là quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế và hành động theo pháp luật. Mặc dù Indonesia duy trì các mối quan hệ tốt với các quốc gia có chủ quyền trên thế giới, song Indonesia cũng có trách nhiệm nhắc nhở các quốc gia thực hiện đúng luật pháp quốc tế.
Thông qua công hàm gửi Liên hợp quốc, Indonesia muốn nhắc nhở Trung Quốc rằng, hành động của nước này đã trái ngược với luật pháp quốc tế, nhất là những gì đã được thông qua bởi Tòa phán quyết năm 2016 về tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc.
Cần phải nói rằng, Indonesia không có xung đột biên giới với Trung Quốc. Do đó, một cách trực tiếp, Indonesia muốn tuyên bố với thế giới rằng, Indonesia không công nhận “đường 9 đoạn” của Trung Quốc.
Kể cả khi Trung Quốc cho rằng, họ có quyền thương lượng về chủ quyền ở khu vực đặc quyền kinh tế của Indonesia, thì đó cũng chỉ là tuyên bố suông. Bởi vì Trung Quốc là quốc gia không có biên giới trực tiếp với Indonesia.
Do đó, những căn cứ mà Trung Quốc đưa ra trong công hàm phản đối lên Liên hợp quốc ngày 2/6 là không có cơ sở pháp lí.
- Là quốc gia lớn trong khu vực ASEAN, Indonesia nói riêng và các quốc gia ASEAN nói chung cần phải làm gì để giữ an ninh hàng hải khu vực Biển Đông, thưa ông?
Indonesia nhìn nhận Biển Đông như là mạch vận chuyển rất quan trọng, không chỉ đối với Indonesia, mà còn đối với thế giới. Khu vực Biển Đông quá rộng lớn để kiểm soát bởi chỉ một quốc gia.
Chính bằng cách duy trì đối thoại và xây dựng hợp tác thiết thực giữa các quốc gia liên quan, chúng ta có thể duy trì hòa bình ở khu vực Biển Đông. Indonesia sẽ không bao giờ kích hoạt những hành động khiêu khích hay xung đột với các nước láng giềng.
Nằm trên trục hàng hải của thế giới, Indonesia nhận ra rằng vị trí của mình có thể bị tổn hại rất lớn xảy ra xung đột mở giữa Trung Quốc và các nước có yêu sách, hoặc với các nước lớn khác. Do vậy, Indonesia luôn cố gắng để giữ gìn hòa bình trong khu vực, vì lợi ích của Indonesia nói riêng, các quốc gia ASEAN và thế giới nói chung.
- Xin cảm ơn ông!

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.