Tin Biển Đông – 12/06/2020
TQ đang đẩy Biển Đông vào một cuộc chiến tranh lạnh
Biển Đông có diện tích tương đương biển Caribbean và Vịnh Mexico gộp lại, là tuyến đường hàng hải quốc tế nhộn nhịp. Gần 40% hoạt động vận chuyển hàng hóa quốc tế trên biển đi qua khu vực này. Dưới đáy Biển Đông là dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Mỹ có lợi ích quốc gia to lớn ở Biển Đông. Sau khi cơ bản hoàn thành việc quân sự hóa Biển Đông, Trung Quốc tập trung dọa nạt, xâm lấn vùng biển của các nước ven Biển Đông, từng bước khống chế tuyến đường hàng hải đi qua Biển Đông.
Tranh thủ lúc Mỹ bận rộn chống đại dịch Covid-19, một số tàu chiến Mỹ (kể cả tàu sân bay) phải tạm ngưng hoạt động để ứng phó với dịch bệnh, Trung Quốc gia tăng các hoạt động dồn dập ở Biển Đông trong hai tháng trở lại đây như đâm chìm tàu cá của Việt Nam; thành lập trung tâm nghiên cứu trên các cấu trúc nhân tạo (đá Chữ Thập và đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa); đưa nhóm tàu tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh vào Biển Đông tập trận; đưa tàu khảo sát địa chất Hải Dương 08 cùng nhiều tàu hải
cảnh, tàu dân quân biển vào hoạt động, quấy phá hoạt động dầu khí của Malaysia; gửi công hàm lên Liên hợp quốc vu cáo, đe dọa Việt Nam; tuyên bố thành lập 2 đơn vị hành chính “quận Tây Sa (Hoàng Sa)” và “quận Nam Sa (Trường Sa)”; đặt tên 80 thực thể ở Biển Đông, trong đó có nhiều bãi ngầm sát bờ biển các nước ven Biển Đông…
Để đáp trả những hành động khiêu khích, bắt nạt láng giềng của Trung Quốc, từ giữa tháng 4 Mỹ liên tiếp điều tàu chiến (bao gồm tàu khu trục, tàu hộ vệ tên lửa, tàu đổ bộ tấn công, tàu tác chiến ven bở…) máy bay chiến lược tầm xa đến hoạt động ở Biển Đông. Đặc biệt, Mỹ công khai tuyên bố điều tàu ngầm đến Biển Đông (điều mà trước đây Mỹ luôn không công khai) và gần đây nhất đã đưa các tàu sân bay trở lại Biển Đông. Đồng thời, Washington có những phát biểu cứng rắn lên án hành vi hung hăng, bắt nạt láng giềng của Trung Quốc.
Nhằm bảo vệ tự do hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế ở Biển Đông, từ lâu hải quân Mỹ đã thực hiện các chiến dịch tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông. Tuy nhiên, những hoạt động hiếu chiến dồn dập của Trung Quốc ở Biển Đông giữa lúc đại dịch Covid-19 đang hoành hành buộc Mỹ phải triển khai các hoạt động liên tiếp của tàu chiến mà máy bay chiến đấu ở Biển Đông với lực lượng đông đảo và mật độ dày đặc, phạm vi rộng lớn hơn.
Những động thái mới của Trung Quốc và Mỹ làm cho tình hình Biển Đông nóng lên. Điểm khác biệt giữa những động thái của mỗi bên là: (i) Trung Quốc thì tranh thủ đại dịch để trục lợi, đẩy mạnh hoạt động thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông, đẩy Mỹ ra ngoài để dễ bề cưỡng ép, bắt nạt các nước láng giềng ven Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế; (ii) Mỹ thì đứng ra bảo vệ các giá trị của Mỹ về tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, duy trì trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, ngăn chặn Bắc Kinh bành trướng, khống chế Biển Đông.
Sau khi bồi đắp, mở rộng các thực thể ở Biển Đông, biến chúng thành những tiền đồn quân sự với đường băng phục vụ các máy bay quân sự, tên lửa, súng tầm xa và hệ thống radar để kiểm soát tuyến đường hàng hải qua Biển Đông, Trung Quốc gia tăng các hoạt động khiêu khích đối với các hoạt động của hải quân Mỹ trên Biển Đông như thường xuyên cho các máy bay hoạt động qua lại phía trên các tàu chiến Mỹ, thậm chí có lúc những máy bay Trung Quốc chỉ bay phía trước mũi tàu chiến Mỹ vài chục feet; hoặc Trung Quốc điều các tàu chiến và tàu khu trục tới thách thức các tàu của Mỹ, đe dọa qua radio.
Nếu tình hình này tiếp diễn, Bắc Kinh sẽ càng lấn tới với những sự manh động hơn như yêu cầu tàu Mỹ dừng lại, hướng hệ thống radar kiểm soát hỏa lực chính xác vào phía tàu Mỹ, chĩa tên lửa và súng nhằm vào hướng các lực lượng Mỹ và áp sát các tàu chiến Mỹ ở khoảng cách không thể bảo đảm an toàn. Những đáp trả mạnh mẽ của Mỹ thông qua các hoạt động của hải quân, không quân Mỹ trên Biển Đông những ngày gần đây cho thấy Mỹ không chấp nhận để Trung Quốc lấn lướt biến Biển Đông thành “ao nhà” của họ.
Rõ ràng Trung Quốc đang tìm cách phá vỡ cục diện hiện nay ở Biển Đông để thiết lập một trật tự do Trung Quốc chi phối, khống chế. Những động thái gần đâycho thấy Trung Quốc không chấp nhận nguyên trạng và theo chủ nghĩa xét lại, muốn thay đổi nguyên trạng ngay lập tức. Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông, tăng cường củng cố lực lượng trên Biển Đông để chiếm ưu thế so với Mỹ, điều này có thể đưa Biển Đông vào cục diện của một “cuộc chiến tranh lạnh mới”.
Bên cạnh đó, trước những hành động hiếu chiến của Trung Quốc trên Biển Đông, các nước ven Biển Đông như Malaysia, Philippines, Indonesia, Việt Nam đều đang chủ trương tăng cường tiềm lực quốc phòng, nhất là lực lượng hải quân, trong đó có việc mua sắm các tàu chiến mới, kể cả tàu ngầm để tăng cường phòng thủ trên biển, đối phó với các thách thức đến từ hành động xâm lấn của Trung Quốc. Có thể nói, những hành động hung hăng của Trung Quốc đang dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang căng thẳng trên Biển Đông.
Những hành động hung hăng của Trung Quốc khiến nước này trở thành mối đe dọa đối với sự ổn định chiến lược trên Biển Đông. Để duy trì sự ổn định của cục diện dựa trên pháp luật, Mỹ cần tiếp tục gia tăng sự hiện diện của cả lực lượng không quân và hải quân trên Biển Đông bởi nếu không làm như vậy, an ninh của Mỹ và các đồng minh sẽ bị đe dọa. Trước tình hình hình đó, nhiều nhà dự báo chiến lược quốc tế đã nhận định cọ sát Trung – Mỹ ở Biển Đông sẽ tiếp tục leo thang sau đại dịch Covid-19 do Trung Quốc không từ bỏ âm mưu thôn tính Biển Đông.
Làn sóng “bài Hoa” đã từng xuất hiện ở Việt Nam năm 2014, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên thềm lục địa miền Trung Việt Nam, giờ đây đang xuất hiện ở các nước ven Biển Đông khác do các hành vi xâm lấn leo thang trên biển của Bắc Kinh. Các chủ đề “bài Hoa” đang trở nên rõ rệt hơn trong xã hội Mỹ cũng như nhiều nước Châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ khi mà Trung Quốc đang sử dụng đại dịch Covid-19 để trục lợi.Đây cũng là một biểu hiện cho sự xuất hiện cục diện “chiến tranh lạnh mới” ở Biển Đông.
Mối nguy hiểm nằm ở chỗ một loạt mâu thuẫn Trung – Mỹ trong cuộc cạnh tranh chiến lược ở Biển Đông đã tích lũy trong những năm gần đây đang có xu hướng ngày càng gia tăng. COVID-19 có thể nhanh chóng và bất ngờ làm tăng tốc các mâu thuẫn này. Viễn cảnh về một cục diện “chiến tranh lạnh mới” ở Biển Đông đang dần hiện ra và kẻ gieo rắc, gây ra điều này chính là giới cầm quyền Bắc Kinh với tham vọng khống chế, độc chiếm Biển Đông.
Ba tàu sân bay Mỹ cùng xuất hiện
tại Ấn độ – TBD, thông điệp nào cho Trung Quốc?
Ba tàu sân bay Mỹ cùng lúc tuần tra vùng biển Ấn Độ – Thái Bình Dương lần đầu tiên sau gần ba năm qua, một động thái có tính cách phô trương lực lượng của hải quân Hoa Kỳ trong một khu vực đang có căng thẳng với Trung Quốc, và cũng là một dấu hiệu cho thấy Hải quân Hoa Kỳ đã lấy lại sức mạnh sau những ngày đen tối vì dịch Covid-19.
Sự xuất hiện có hơi bất thường của ba tàu chiến Mỹ, cùng các tàu tuần dương, tàu khu trục, máy bay chiến đấu và các máy bay khác, diễn ra giữa lúc Hoa Kỳ đang leo thang những lời chỉ trích nhắm vào phản ứng của Bắc Kinh trước vụ bùng phát dịch corona, và các động thái của Trung Quốc siết chặt kiểm soát Hong Kong và tăng cường quân sự hóa các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã bồi đắp và xây dựng trong Biển Đông.
Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Hoa Kỳ, Chuẩn đô đốc Steve Koehler, nói nhóm tác chiến tàu sân bay là biểu tượng của sức mạnh phi thường của hải quân Mỹ, và ông cảm thấy tự hào vì sự có mặt của 3 tàu sân bay đang khu vực trong lúc này.
Hôm thứ năm, các chiến của 3 nhóm tác chiến tàu sân bay đã được trải rộng trên khắp Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và nhóm tác chiến của tàu đang hoạt động ở Biển Philippine gần đảo Guam. Nhóm tác chiến của USS Nimitz đang ở Thái Bình Dương ngoài khơi Bờ Tây Hoa Kỳ. Trong khi đó tàu USS Ronald Reagan đã rời cảng ở Nhật Bản và đang hoạt động ở Biển Philippines.
Các Tư lệnh Hải quân Mỹ lưu ý rằng hàng chục tàu Hải quân Mỹ đã hoạt động trên khắp Thái Bình Dương từ lâu, nhưng sự có mặt của ba nhóm tác chiến tàu sân bay có lẽ đánh đi một thông điệp mạnh mẽ về sự cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực và đối với các đồng minh.
Chiến lược quốc phòng của Hoa Kỳ coi Trung Quốc là mối quan tâm an ninh hàng đầu, và các nhà lãnh đạo của Ngũ Giác Đài dồn nỗ lực để huy động thêm nhiều nguồn lực và khí tài quân sự tới khu vực để chống lại điều mà họ cho là ảnh hưởng kinh tế và khả năng quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh.
Chuẩn đô đốc Stephen Koehler, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương, nói khả năng hiện diện một cách mạnh mẽ là một phần của cuộc cạnh tranh.
Trao đổi với AP, ông Koehler nói Trung Quốc đang dần dà xây dựng các tiền đồn quân sự ở Biển Đông một cách có kế hoạch, lắp đặt các hệ thống tác chiến tên lửa và điện tử tại những nơi này. Gần đây nhất Trung Quốc điều máy bay đến Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa.
Koehler cho biết các tàu sẽ tiếp tục hợp tác với các đồng minh và đối tác trong khu vực, thực hiện các cuộc tập trận trên biển và tuần tra các khu vực tranh chấp.
0 comments