Tin Việt Nam – 24/05/2020
Sunday, May 24, 2020
3:24:00 PM
//
- Slider
,
- Tin Việt Nam
Hải Quân Hoa Kỳ chuẩn bị bàn giao
tàu tuần duyên thứ 2 cho CSVN
Tin từ Hà Nội: Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin Hải quân Hoa Kỳ chuẩn bị bàn giao tàu tuần duyên USCGC John Midgett cho Cảnh sát tuần duyên cộng sản Việt Nam nhằm trợ giúp cho nhà cầm quyền Việt Nam đối phó với sự bành trướng của Trung Cộng ở Biển Đông.
Dẫn nguồn từ Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, VOA nói phía Hoa Kỳ sẽ chuyển giao tàu John Midgett cho cộng san Việt Nam vào cuối năm 2020. Theo thông cáo của chỉ huy tàu, đại tá Michael Cribbs, lẽ ra, việc bàn giao được thực hiện vào tháng 3 vừa qua, nhưng đại dịch Covid-19 đã làm lễ bị hoãn.
Theo Toà Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, đây sẽ là chiếc tàu tuần tra lớp Hamilton thứ hai phía Hoa Kỳ bàn giao cho Cảnh sát tuần duyên cộng sản Việt Nam Chiếc thứ nhất là tàu tuần tra USCGC Morgenthau, được bàn giao cho phía Việt Nam cuối năm 2017.
Toà Đại sứ Hoa Kỳ cho biết Washington cam kết hợp tác cùng Hà Nội nhằm tăng cường năng lực an ninh hàng hải để hỗ trợ cho lợi ích chung của hai quốc gia trong việc thúc đẩy tự do hàng hải, thịnh vượng kinh tế cũng như an ninh năng lượng, hoà bình và ổn định trong khu vực.
Năm 2016, trong chuyến thăm Việt Nam đầu tiên và cũng là cuối cùng, Tổng thống Barack Obama huỷ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho cộng sản Việt Nam.
Quốc Tuấn
Bắt blogger Phạm Thành, vì lý do gì?
Tuấn Khanh
Nhà cầm quyền Việt Nam đã liên tục cho bắt 3 nhân vật bất đồng chính kiến ở miền Bắc Việt Nam, mà cả ba là những vị cao niên, ai cũng mang thể chất đau yếu, cần thuốc men mỗi ngày. Đó là ba nhà văn Nguyễn Đức Thạch, Phạm Thành và Nguyễn Tường Thụy.
Có vẻ như chiến dịch bắt bớ trước đại hội 13 có một danh sách dài, và cũng không hẳn sẽ kết thúc sau đó. Từ năm 2019, đã có những lời bàn về một tin hành lang, rằng sẽ có những cuộc săn đuổi và nhổ cỏ tận gốc những thành phần “gai mắt” – kể cả “gai mắt tiềm năng” – chuẩn bị cho giai đoạn 2021-2023, Việt Nam phải ký và đưa vào hoạt động Công ước 87 của ILO về Công đoàn độc lập.
Nhà văn Trần Đức Thạch, được biết là một trong những thành viên Hội Anh em Dân chủ còn sót lại. Ông Nguyễn Tường Thụy là Phó chủ tịch Hội nhà báo Độc lập, và là người đang kiểm soát trang báo tự do Việt Nam Thời Báo. Nhưng với ông Phạm Thành, một cây bút tự do và đơn độc, việc bắt giữ ông có vẻ khó hiểu, nếu như không gắn với quyển sách của ông, gây chấn động dư luận từ một năm trước, có tên Nguyễn Phú Trọng: Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo.
Rất nhiều lời bình luận hiện nay, cho rằng việc bắt giữ ông Phạm Thành mang ý nghĩa trả thù cá nhân nhiều hơn là chính trị. Sự kiện này cũng gợi nhớ đến bác sĩ Hồ Hải, một nhân vật bị bắt và kết án vào thời gian đại hội 12 của đảng Cộng sản, với lý do khá gần với ông Phạm Thành.
Vốn là một người bạn gần gũi và chia sẻ nhiều các quan điểm chính trị với ông Phạm Thành, nhà báo – cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Vũ Bình, dành ít thời gian nói về trường hợp của ông Phạm Thành, hay còn có bút danh khác trên blog là Bà Đầm Xòe.
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình cho biết về chi tiết vụ bắt giữ là “Vợ của anh Thành nhắn cho biết công an ập vào nhà lúc 8g sáng, ngày 22/5/2020, đọc lệnh bắt, khám xét nhà rồi sau đó đưa anh Thành đến Hỏa Lò. Tôi có hỏi là công an họ nói vì tội gì, chị Thành nói lúc đó lo lắng quá nên không nhớ, nhưng chỉ biết là do cuốn sách Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo”. Nhà báo Nguyễn Vũ Bình còn nhận xét rằng nhà văn Phạm Thành viết rất nhiều, tuy nhiên điều bị coi là giọt nước tràn ly là cuốn sách nói trên.
Tuấn Khanh: Nhưng tại sao, mãi hơn một năm, từ khi cuốn sách đó ra đời thì mới lệnh bắt đột ngột như vậy?
Nguyễn Vũ Bình: Người ta không vội vã gì cả. Họ thong thả lên chuyên án, và sẽ ra tay khi đối tượng không dự trù được. Cách đây 2-3 tháng, khi tình hình căng thẳng nói chung, thì anh Thành đã chuẩn bị tình thần cho việc bị bắt giữ. Thế nhưng công an lại không chọn thời điểm đó để bắt. Rồi đến khi, đối tượng cảm giác mình không bị bắt nữa, thì công an mới hành động.
Tại sao họ lại hành động như vậy? VÌ khi họ bắt lúc đối tượng chuẩn bị tinh thần rồi, việc thẩm tra và khai thác khó khăn hơn, đánh gục ý chí hay đày đọa tinh thần cũng không dễ dàng gì. Còn người khi bị bắt bất ngờ sẽ dễ cho công an khai thác hơn. Nguyên tắc của an ninh là như vậy, nên vấn đề không thể nói là bắt sớm hay muộn.
Tuấn Khanh: Nhà báo Phạm Thành có cảm nhận trước việc ông ta sẽ bị bắt hay không?
Nguyễn Vũ Bình: Anh Thành rất thân với tôi, và hay trò chuyện về chuyện này khi hai anh em ngồi uống rượu với nhau. Cá nhân tôi thì không tin rằng mọi chuyện đi qua êm xuôi. Tình hình căng nhất trong giới phản biện xã hội là lúc nhà báo Phạm Chí Dũng bị đưa đi. Ai cũng chuẩn bị cho mình tình huống xấu nhất, nhưng công an lại không hành động ngay với anh Thành vào giai đoạn ấy. Nên tôi có cảnh báo với anh Thành về việc này.
Tuấn Khanh: Việc tấn công trực diện vào ông Trọng (với vài trăm bài viết) của nhà văn Phạm Thành khiến ai nấy đều ngạc nhiên. Thậm chí có người còn bàn theo thuyết âm mưu rằng ông Phạm Thành được một nhóm nào đó, chống lưng, thì mới dám ra mặt với ông Nguyễn Phú Trọng như vậy?
Nguyễn Vũ Bình: Điều đó thì tôi tin và biết là không có. Vì lâu nay, anh Thành viết rất nhiều đề tài, chỉ có riêng về giai đoạn suy luận mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc thì anh Thành mới đặt vấn đề với ông Trọng trong vai trò vai trò đảng trưởng đảng CSVN. Nói chung, anh Thành nghĩ gì thì viết đó, và với ai mà anh ta chú ý, nhận diện, đều có một lối bình luận trực diện, chứ anh Thành không quan tâm phe nhóm gì. Theo quan điểm của tôi, hầu hết những người lên tiếng ở Việt Nam, đều là vấn đề tranh đấu chứ chẳng vì phe nhóm gì mà tự gây khó cho mình như vậy..
Tuấn Khanh: Sự kiện ông Phạm Thành bị bắt, nhắc đến trường hợp của bác sĩ Hồ Hải ở Sài Gòn. Bác sĩ Hồ Hải bị tuyên án 4 năm tù và 2 năm quản chế vào tháng 2/2018 vì những bài viết của mình, mà tương tự như ông Phạm Thành, cũng chỉ trích gay gắt ông Nguyễn Phú Trọng. Liệu ông Trọng có phải là một nhân vật quyền lực hay nhỏ mọn đến mức luôn tấn công vào những người chỉ trích mình?
Nguyễn Vũ Bình: Tôi không nghĩ vậy. Việc bắt bớ ở Việt Nam rất phức tạp, và nếu không có tin tức cụ thể trong nội bộ thì rất dễ suy diễn nhiều hướng. Anh Thành đã viết rất nhiều đề tài, tấn công nhiều nhân vật, thậm chí tấn công vào cốt lõi của chủ nghĩa xã hội. ông Trọng chỉ là một trong số đó. Nhưng mọi chuyện được chú ý vì ông Trọng có vai vế lớn trong đảng và xã hội. Nếu bắt giữ anh Thành theo lý luận vì vấn đề tư thù cá nhân, thì có thể đôi khi ông Trọng chưa nghĩ đến, mà ai đó trong hệ thống muốn lập công, bắt để tạo cơ hội bày tỏ với ông Trọng thì sao? Mọi thứ cứ nên để xem cáo trạng sắp tới như thế nào đã.
Tuấn Khanh: Nhưng hiện nay, rất nhiều lời bình cho rằng ông Thành gặp khó với chính quyền bởi cuốn sách nhắm đến Nguyễn Phú Trọng. Và hơn nữa, nhiều ý kiến cho rằng hiện vẫn có những quyển còn gây khó chịu hơn như Đèn cù hay Bên thắng cuộc… vẫn chưa gặp chuyện gì xấu. Vậy Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo có điều gì đáng sợ đến mức công an phải bắt khẩn cấp ông Phạm Thành như vậy?
Nguyễn Vũ Bình: Xã hội Việt Nam luôn tồn tại sự không rõ ràng, và mọi thứ đều chỉ là những lời bàn. Trong hệ thống cũng có những trường hợp hành động duy ý chí chứ không dựa trên căn bản điều gì cả.
Nên xét rằng, nếu anh Thành không có cuốn sách về ông Trọng, với mức độ chỉ trích và phản biện dày đặc của anh, cũng có thể anh bị bắt. Có thêm cuốn sách, thì số phận một người tranh đấu đối diện với việc bị bắt có tăng thêm nhiều khả năng như vậy. Tâm lý của người dân thì thường suy đoán, dựa vào những gì dễ thấy nhất thôi. Việc bắt anh Thành trước đại hội 13, cũng có thể mở ra thêm nhiều hướng suy nghĩ nữa, chứ không riêng gì về cuốn sách. Nó có thể là cái cớ, hoặc nó là một giọt nước tràn ly trong cái nhìn tổng quan của ngành an ninh với bối cảnh chung xã hội Việt Nam lúc này.
Thêm cáp quang biển bị đứt
làm chậm đường truyền internet ở Việt Nam
Đường truyền internet của Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi có thêm một đường cáp quan biển quốc tế khác bị đứt vào ngày 23/5 khiến toàn bộ lưu lượng kết nối internet từ Việt Nam đi quốc tế trên tuyến này bị mất sạch. Truyền thông trong nước trích nguồn tin từ các nhà mạng viễn thông ở Việt Nam cho biết như vậy hôm 24/5.
Cáp quang biển quốc tế APG (Asia Pacific Gateway) gặp sự cố trong khi một tuyến cáp quang khác cũng nối đi quốc tế là AAG (Asia America Gateway) cũng đang gặp sự cố từ ngày 14 tháng 5 vừa qua và vẫn chưa khắc phục xong. Theo dự kiến việc sửa chữa cáp quang AAG sẽ hoàn tất vào ngày 2/6 tới.
Theo báo Tuổi Trẻ, sự cố đồng thời xảy ra trên hai tuyến cáp quang biển đã khiến việc truy cập vào Facebook, Gmail và YouTube ở Việt Nam phải mất rất nhiều thời gian.
Đại diện các nhà mạng viễn thông Việt Nam cho báo chí trong nước biết hiện nguyên nhân đứt cáp APG vẫn chưa được xác định và kế hoạch sửa chữa cáp sẽ được thông báo sau.
Cáp APG được vận hành từ cuối năm 2016 có chiều dài hơn 10.000 km, đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương. Cáp có điểm kết nối ở Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Tuổi Trẻ trích thông tin từ các nhà mạng cho biết hiện người dùng internet ở Việt Nam vẫn truy cập được nội dung trong nước một cách bình thường vì lưu lượng đến các website trong nước được thực hiện thông qua hạ tầng cáp quang nội địa của các doanh nghiệp viễn thông.
Thương gia Trung Cộng
gom mua lượng lớn mũ bảo hiểm ở Việt Nam
Tin Vietnam.- Báo Vietnamnet ngày 23 tháng 5 năm 2020 loan tin, những ngày gần đây, nhiều thương gia Trung Cộng đã thông báo cần mua số lượng lớn mũ bảo hiểm ở Việt Nam để xuất cảng sang nước này.
Sự việc khiến nhiều tiểu thương Việt Nam hoài nghi, vì đã rất nhiều lần các thương gia Trung Cộng dở chiêu trò thông báo mua các mặt hàng như lá tre, lá dừa, đỉa, lúa non, rễ tiêu và nhiều thứ khác, nhưng sau khi các tiểu thương ở Việt Nam đã bỏ tiền để gom được rất nhiều hàng từ nông dân thì họ “biến mất” không mua nữa.
Bà Nguyễn Thị Nga, một giám đốc công ty sản xuất mũ bảo hiểm tại Sài Gòn cho biết, công ty bà đã nhận được nhiều cuộc điện thoại đặt hàng nhưng bà chưa ký kết với đối tác nào. Ngoài ra, bà Nga cũng đã gọi hỏi các đối tác bên phía Trung Cộng để nhờ xác minh thị trường thì nhận được câu trả lời là mũ bảo hiểm bên Trung Cộng sản xuất rất nhiều, và không thiếu vì năng lực sản xuất mũ của nước này rất mạnh.
Do vậy bà Nga phán đoán, đây có thể là trò lợi dụng của một số thương gia để bán nguyên vật liệu sản xuất mũ, vì hiện giá nguyên vật liệu đã được đẩy giá lên rất cao.
An Nhiên
Covid-19: Lao động bất hợp pháp người Việt ở Đài Loan
’khó được trở về’?
Tình hình dịch bệnh Covid-19 khiến việc trao trả lao động bất hợp pháp người Việt về nước là vô cùng khó khăn, hãng thông tấn CNA của Đài Loan nói.
CNA dẫn lời một quan chức từ Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Trung ương (CECC) của Đài Loan nói trong cuộc họp báo thường nhật về Covid-19 của trung tâm hôm thứ Bảy rằng các quy định kiểm soát đường biên hiện thời của Việt Nam khiến việc đưa công dân Việt Nam từ Đài Loan trở về là rất khó.
Ông Trần Tông Ngạn (Chen Tsung-yen), phó chỉ huy CECC nói rằng cả hai hãng hàng không lớn của Đài Loan là China Airlines và EVA Airways cho đến nay chỉ được phép chở người từ Việt Nam tới Đài Loan chứ không được đưa người từ Đài Loan tới Việt Nam.
Ông Trần nói thêm với báo giới rằng điều này gây vấn đề cho chính phủ Đài Loan bởi Việt Nam vẫn chưa chấp nhận yêu cầu mà Đài Bắc đưa ra từ hồi cuối tháng Giêng, theo đó muốn gửi trả các công nhân bất hợp pháp bị bắt tại Đài Loan về nước.
Hãng thông tấn CNA nói rằng Đài Loan chỉ gặp vấn đề với Việt Nam, trong lúc cả Thái Lan và Indonesia đều đã đồng ý nhận lại các công dân nước mình lao động bất hợp pháp tại Đài Loan và bị chính quyền sở tại bắt giữ, ông Trần nói.
Các số liệu của Đài Loan cho thấy hiện có trên 700 lao động người Việt đang bị giữ tại Đài Loan.
Theo ông Trần thì chính phủ Việt Nam nói họ không có khả năng thực hiện các biện pháp cách ly kiểm dịch cần thiết cho những người này.
VN tiếp tục đón công dân từ các nơi trở về
Trong các ngày 23-24/5, Việt Nam đã đón về nước hơn 300 công dân người Việt từ các nước ở châu Âu và châu Phi trở về, trang Thông tin Chính phủ công bố.
Được biết những người trở về trong hai ngày này đi trên các chuyến bay do giới chức Việt Nam, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài và hãng hàng không Vietnam Airlines phối hợp với giới chức các nước sở tại thực hiện.
Những người trở về gồm “học sinh dưới 18 tuổi, người đi khám chữa bệnh, du lịch, thăm thân, công tác hết hạn từ các nước châu Âu và một số công dân công tác hết hạn bị kẹt tại một số nước châu Phi”, trang Thông tin Chính phủ nói.
Trong tháng Năm, nhiều công dân Việt Nam tại một số nước khác như Nga, Hoa Kỳ, Myanmar, Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Philippines, Malaysia… cũng đã được đưa về trên các chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam.
Ngoài ra, còn có một số chuyến bay do nước ngoài tổ chức đưa công dân của họ từ Việt Nam về nước và kết hợp giúp đưa người Việt trở về, như từ Ý, hay Canada.
Số liệu mới nhất do giới chức Việt Nam công bố cho thấy vào thời điểm hiện tại, Việt Nam đang có trên 15 ngàn người trong chế độ cách ly phòng dịch, với 58 người cách ly tại bệnh viện, hơn 8.500 người tại các cơ sở cách ly tập trung khác, và gần 7 ngàn người tự cách ly tại nhà.
Theo công bố chính thức trên trang mạng Travel Center thuộc Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) thì hiện thời các hành khách không được phép vào Việt Nam trừ các trường hợp là nhân viên ngoại giao, đi công cán chính thức, các chuyên gia, quản lý doanh nghiệp và người lao động có tay nghề cao.
Ngoài ra, những người được Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống Covid-19 của Việt Nam xét duyệt cũng được phép nhập cảnh Việt Nam.
Đối với các công dân Việt Nam, các hãng hàng không phải liên hệ với đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài trước khi cho phép họ lên máy bay trở về Việt Nam, trang web của IATA nói.
Việt Nam:
Quốc hội tái nhóm, cử tri quan tâm nhất gì?
Quốc PhươngBBC News Tiếng Việt
Có rất nhiều vấn đề mà cử tri, công luận và người dân đang quan tâm và muốn Quốc hội Việt Nam lưu ý, xử lý hay giải đáp, theo ý kiến của một số nhà quan sát, bình luận thời sự, chính trị trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 22/05/2020.
Trước hết, qua bút đàm, từ Việt Nam và hải ngoại, các ý kiến trên quan điểm riêng bình luận về đâu là những chủ đề, vấn đề được quan tâm tại thời điểm hiện nay:
Phó Giáo sư Nguyễn Hoàng Ánh (Giảng viên đại học tại Hà Nội): Theo tôi, tình hình lao động việc làm sau covid, việc phòng chống dịch bệnh, chống tham nhũng, Biển Đông, tài nguyên và môi trường, tình hình nông nghiệp, nông thôn, Giáo dục và đấu tranh phòng, chống tội phạm… là những vấn đề đang được cử tri quan tâm.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam): “Đến hẹn lại lên”, các kỳ họp Quốc hội diễn ra thường là rất định kỳ. Trước ngày khai mạc các kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội lại tổ chức họp báo để thông tin tới cử tri và báo chí về các nội dung làm việc của kỳ họp. Cuộc họp báo kiểu này thường có nội dung giống nhau, và thường không phải là vấn đề mà cử tri thực sự quan tâm, tức là không phải là những vấn đề nóng bỏng của đất nước. Có lẽ vì quá quen với các kỳ họp Quốc hội nên dư luận xã hội cũng không quan tâm nhiều, trừ các cán bộ hưu trí ở các thành phố do họ có thời gian rảnh rỗi. Và như thế, các kỳ họp Quốc hội ít đáp ứng được các quan tâm của cử tri.
Lần này, trong cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, cử tri thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị Quốc hội 2 vấn đề thực sự đang được cử tri cả nước quan tâm là: Quốc hội cần ra Nghi quyết về Biển Đông, và Quốc hội phải có giám sát tối cao về vụ án Hồ Duy Hải.
Qua quan sát mạng xã hội tôi thấy cử tri quan tâm đến 7 vấn đề sau, đòi hỏi Quốc hội phải thể hiện rõ vai trò của một “Cơ quan đại biểu cao nhát của Nhân dan, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất” của đất nước, đặc biệt là việc “giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”(Hiến pháp, Chương V, điều 69):
Đánh giá tình hình và ra Nghị quyết về Biển Đông; Giám sát tối cao vụ án Hồ Duy Hải; Lắng nghe nguyện vọng của dân và Giám sát tối cao vụ án Đồng Tâm; Đánh giá các dự án có liên quan đến Trung Quốc (Đường trên cao Cát Linh -Hà Đông), việc người Trung Quốc chiếm lĩnh các khu đất trọng yếu về an ninh quốc gia, các doanh nghiệp Trung Quốc ở Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh lũng đoạn và vi phạm pháp luật Việt Nam…;
Tình hình lãng phí ngân sách quốc gia ở các dự án về bảo tàng, tượng đài, khu du lịch núp bóng di tích (Bãi cọc Cao Quỳ, Bảo tàng Nông nghiệp Miền Tây v.v…; Đánh giá tình hình kinh tế xã hội sau Đại dịch Covid-19, đặc biệt là các gói hỗ trợ dân nghèo và thực hiện các chính sách khoan thư sức dân.
Còn Luật mà dân đòi đã lâu, Quốc hội nợ đã lâu là Luật Biểu tình.
Nhà báo, cựu Đạo diễn truyền hình Song Chi: Thứ nhất, vụ án Hồ Duy Hải phải điều tra lại từ đầu: dù Hồ Duy Hải có tội hay không thì cũng phải có những kết luận thuyết phục được lòng người.
Vụ án này, như chúng ta thấy, có quá nhiều sai sót từ trong quá trình điều tra cho tới xét xử mà báo chí chính thống lẫn báo chí tự do, mạng xã hội đã đề cập đến rất nhiều, thiết nghĩ không cần phải lặp lại nữa. Nhưng cách tiếp cận của Hội đồng thẩm phán trong phiên Giám đốc thẩm vừa qua vẫn không khác cách tiếp cận của hội đồng xét xử trong hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, nghĩa là vẫn chủ yếu dựa trên lời thú tội của Hồ Duy Hải mà thiếu những bằng chứng thuyết phục, trong khi chúng ta đều biết, muốn có một phiên tòa công bằng, công minh thì nguyên tắc cơ bản là phải trọng chứng hơn trọng cung.
Được biết “Cơ quan của Quốc hội đang xem xét vụ Hồ Duy Hải” (báo Tuổi Trẻ) Viện trưởng “Viện KSND tối cao sẽ đề nghị xem xét lại vụ Hồ Duy Hải”, (báo Thanh Niên) bắt đầu từ những ý kiến của một số đại biểu quốc hội. Đó là những tín hiệu đáng mửng. Dư luận để nghị Viện Kiểm Sát NDTC kháng nghị Giám đốc thẩm, Quốc hội xem xét, giám sát vụ án Hồ Duy Hải, thậm chí điều tra lại từ đầu.
Thứ hai, từ vụ án Hồ Duy Hải và làm thế nào để tránh oan sai: Chế độ độc đảng thì khó hơn, tỷ lệ oan sai sẽ nhiều hơn đa đảng. Nhưng với tình thế độc đảng có thể làm gì để cải thiện? Đó là trọng chứng hơn trọng cung-nhất là ở ta không hiếm trường hợp có bạo hành để bức cung, mớm cung. Phải cho luật sư được tham gia ngay từ đầu. Nếu có thể thông qua Luật im lặng/Quyền được im lặng cho người bị tình nghi thì rất tiến bộ, mà nếu chưa thì mọi cuộc hỏi cungg phải có luật sư, có camera giám sát. Trong các phiên tòa, tránh hiện tượng bổ nhiệm người vào các vị trí chồng chéo, có thể dẫn đến sự thiếu khách quan như ông Nguyễn Hòa Bình vừa rồi. Và cuối cùng, Luật sư phải được tranh cãi trước tòa.
Một vấn đề cũng nên được đặt ra: Có nên giữ án tử hình hoặc giảm bớt, chỉ giữ án tử hình với những tội danh như gián điệp, giết người hàng loạt, tham nhũng ở mức độ rất nặng, buôn bán ma túy với trọng lượng lớn… còn lại nên bỏ. Và với tù nhân tử hình trong thời gian chờ thi hành án cũng nên bỏ cùm chân. Thử tưởng tượng Hồ Duy Hải suốt 12 năm qua bị cùm 24/24 nếu bị oan sai thì sai lầm này ai trả nổi? Mà ngay cả không phải oan sai, nếu thời gian chờ án tử quá lâu, có nên cùm chân 24/24 như vậy?
Thứ ba, một điều nữa khiến hình ảnh của nhà cầm quyền VN trở nên tệ hại trong mắt quốc tế và tạo nên nhiều bức xúc trong dư luận đó là những bộ luật mơ hồ chống lại người bất đồng chính kiến. Sau kỳ họp Quốc hội lần trước, từ ngày 1.1. 2018, các tội danh “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”(điều 79 Luật Hình sự cũ), “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” (điều 88 luật hình sự cũ) và “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”(điều 258 Luật Hình sự cũ) đều được giữ lại trong Bộ luật Hình sự tu chính nhưng thay đổi số thứ tự điều luật và còn thay đổi về hình phạt cho mỗi tội danh này, theo hướng hà khắc hơn, như tiếp tục giữ quan điểm (quy định) Điều 258 theo hướng định tính mơ hồ, về những hành vi “gây ảnh hưởng xấu”, thế nào là “gây ảnh hưởng xấu?” hay “Việc bổ sung thêm sự chế tài đối với cả trường hợp “chuẩn bị phạm tội” của các hành vi theo Điều 79, 88 (Luật Hình sự cũ) cho thấy thái độ ngày càng khắt khe, quyết liệt hơn, muốn dập tắt hành vi ngay từ trong trứng nước.
Đáng quan tâm nhất vì sao?
BBC: Trong các vấn đề, đâu là vấn đề đáng quan tâm giải quyết, xử lý ưu tiên hơn cả và vì sao?
Phó Giáo sư Nguyễn Hoàng Ánh: Trong hoàn cảnh hiện nay, việc khôi phục nền kinh tế, giải quyết công ăn việc làm sau covid, phòng chống dịch bệnh, chống tham nhũng và tình hình biển Đông có vẻ đang được quan tâm hơn cả. Ngoài ra, việc khoán thi tốt nghiệp phổ thông trung học cho địa phương trong khi bài học về gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La còn đó. Vì lượng thí sinh thi hàng năm rất lớn, liên quan đến gần như mọi gia đình VN, cử tri mong muốn QH yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục đưa ra những biện pháp giám sát hiệu quả hơn thay vì nói chung chung như bây giờ. Có như vậy, sai lầm của những năm trước mới không lặp lại.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện: Trong 7 vấn đề tôi đề cập và nêu trên thì 3 vấn đề cần ưu tiên theo tôi là: Đánh giá tình hình và ra Nghị quyết về Biển Đông; Giám sát tối cao vụ án Hồ Duy Hải; Lắng nghe nguyện vọng của dân và Giám sát tối cao vụ án Đồng Tâm;
Một Nghị quyết về Biển Đông thể hiện rõ ý chí và nguyện vọng của 96 triệu dân Việt Nam trước tình hình ngày càng phức tạp trên Biển Đông là điều cần được quan tâm trước hết, bởi đó còn thể hiện trách nhiệm của Quốc hội trước lịch sử và thế đứng và trách nhiệm của Việt Nam trước khu vực và thế giới.
Vụ án Hồ Duy Hải và vụ thảm sát Đồng Tâm là hai vấn đề động đến tính chính danh của Nhà nước, đến tính chính danh của nền Tư pháp và động đến đạo đức và tâm linh của mỗi người dân Việt Nam. Lòng tin của dân vào thể chế sẽ còn hay mất là phụ thuộc vào việc giải quyết hai vụ án này.
Đạo diễn Song Chi: Đó là điều chỉnh, bổ sung những điều luật để tránh tình trạng oan sai. Bỏ những điều luật mơ hồ chống người bất đồng chính kiến. Luật đất đai. Luật biểu tình.
Bốn vấn đề này tại sao phải làm, là để cải thiện hình ảnh VN trong mắt quốc tế và tháo gỡ những “ngòi nổ” từ những mâu thuẫn và sự phẫn nộ kéo dài trong nhân dân.
Biểu quyết đưa Trung Cộng ra tòa án quốc tế. Tại sao, bởi vì thời hiệu 50 năm để có thể khởi kiện vụ Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa sắp hết. Tiếp theo là Trường Sa. Đồng thời cũng là tín hiệu để chứng tỏ với thế giới và người dân rằng nhà nước VN muốn thay đổi, mạnh mẽ hơn trong quan hệ với Trung Quốc.
Tóm lại, hãy luôn luôn đặt sinh mạng người dân, lợi ích của nhân dân, của đất nước lên trên, chứ không phải lợi ích của một thiểu số càng không phải lợi ich của riêng đảng, thì sẽ có những quyết sách, những điều luật đúng đắn, hợp lòng dân, giúp cho đất nước phát triển.
Ý kiến khác cần lưu tâm?
BBC: Từ phiên họp mà Quốc hội Việt Nam đang tái nhóm họp này, cho tới Đại hội 13 của ĐCSVN và các kỳ bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp dự kiến sang năm, quý vị có ý kiến gì thêm?
Phó Giáo sư Nguyễn Hoàng Ánh: Về công tác soạn thảo, xây dựng các đạo luật, hiện nay Luật Biểu tình và Luật về Hội vì đây là quyền đã được quy định trong Hiến pháp và đến nay vẫn chưa được ban hành, làm hạn chế quyền biểu đạt và tự do lập hội đoàn của người dân. Để nâng cao chất lượng lập pháp, cũng như vai trò, chức năng của Quốc hội, trong đó có giám sát đảm bảo việc thực thi luật pháp, hiến pháp kể cả tư pháp, Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội Việt Nam, theo ý tôi vì VN là nước đi sau cho nên Quốc hội và các Đại biểu nên tham khảo nội dung, cách thức ban hành và cả cách thức thực thi của các nước đi trước, như vậy sẽ tránh được những sai lầm ấu trĩ vì thiếu thực tế.
Vừa qua Hội nghị Trung ương 12 khóa XII của BCHTƯ của ĐCSVN đã họp về vấn đề nhân sự và phương án nhân sự cấp cao của Đảng, nhưng cũng chỉ đạo, định hướng cả vấn đề nhân sự, bầu cử của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp của Việt Nam dự kiến vào sang năm (2021), tôi không có ý kiến vì đã chỉ đạo thì không còn tự do bầu cử nữa rồi.
Còn hướng tới sự kiện được dự kiến của Đảng CSVN là Đại hội 13 vào sang năm, nếu có điều gì công luận và người dân cũng quan tâm, kỳ vọng xử lý, thì theo tôi chống tham nhũng và cải cách triệt để bộ máy nhà nước để sử đụng đúng người, đúng việc và hiệu quả hơn là điều đáng lưu ý.
Đạo diễn Song Chi: Theo tôi, về đối ngoại, mối quan hệ với Trung Quốc luôn luôn là mối quan tâm nhất của người dân. Trong lĩnh vực kinh tế, người dân rất lo ngại hiện tượng doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm dự án nhạy cảm như bất động sản, năng lượng, tài nguyên, thương mại điện tử…
Với tốc độ thu hút vốn đầu tư nước ngoài gia tăng mạnh mẽ, cùng cơ chế trải thảm đỏ, thông thoáng về thủ tục, ưu đãi đầu tư (thuế, đất đai), những năm qua, Việt Nam đã kéo được hàng loạt tập đoàn lớn, làm thay đổi bộ mặt của đất nước, tuy nhiên, nhiều dự án có sự góp mặt của các doanh nghiệp Trung Quốc để lại nhiều rủi ro, hệ lụy và nguy cơ với an ninh quốc gia. Điểm nóng gần đây là thành phố Đà Nẵng. Trên thực tế, các doanh nghiệp TQ thâu tóm nhiều dự án nhưng đa phần là có lợi cho họ, ngược lại lợi thì ít, thậm chí chả có lợi gì cho phía VN mà còn gây hại nặng nề về ô nhiễm môi trường, làm cạn kiệt quỹ đất, trong một số dự án ở góc độ kinh tế cũng lỗ.
Về độc lập, chủ quyền, gần đây bất chấp đại dịch hoành hành ở Trung Quốc và khắp thế giới, Bắc Kinh tiếp tục có những hành động ngang ngược hiếu chiến trên biển Đông, phía VN đã có công hàm phản đối. Người dân muốn hỏi bao giờ thì VN tiến hành đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế về vụ Hoàng Sa-Trường Sa lẫn những hành vi vi phạm chủ quyền của VN trên biển Đông?
Còn về vấn đề Đảng CSVN chỉ đạo nhân sự và bầu bán Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp và hướng tới đại hội 13 đó, nếu có xảy ra vào sang năm, thì tôi có ý kiến như sau:
Không có gì ngạc nhiên về việc chỉ đạo nhân sự và bầu bán Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, bởi vì ở VN đảng Cộng sản đứng cao hơn tất cả và kiểm soát cả 3 nhánh từ lập pháp, hành pháp, tư pháp nghĩa là từ quốc hội, chính phủ cho tới tòa án. Đảng chỉ đạo, định hướng, can thiệp vào tất cả, từ khâu nhân sự, bầu cử trở đi. Đó là lý do vì sao VN là một quốc gia độc tài toàn trị, và những hạn chế của một chế độ độc tài độc đảng như thế nào thì chúng ta quá rõ.
Với đảng cộng sản VN ở Đại hội đó nếu có, thì việc mong muốn hay yêu cầu họ thay đổi mô hình thể chế chính trị để chuyển đổi thành một quốc gia tự do dân chủ, đa đảng, tam quyền phân lập là điều bất khả. Ngược lại, về phía người dân, mong muốn yêu cầu ở họ những điều đó là hết sức ngây thơ.
Trước mắt, chúng ta chỉ có thể mong rằng họ theo dõi những chuyển động của chính trường quốc tế để thấy rằng thế giới tiến bộ đã thấy rõ hơn bản chất của nhà cầm quyền Trung Quốc, mà đại dịch VOVID-19 chỉ là một sự kiện thêm vào, và chắc chắn trong thời gian tới nhiều quốc gia dân chủ trên thế giới sẽ thay đổi chính sách của mình đối với Trung Cộng, trong làm ăn kinh tế lẫn trong ngoại giao. VN cần phải đón bắt những sự thay đổi đó để một mặt, cải thiện hình ảnh, cải thiện môi trường kinh tế để đón nhận làn sóng các nước chuyển hướng đầu tư kinh doanh từ TQ sang nước khác, mặt khác, để “thoát Trung”. Bài học lịch sử bao nhiêu lâu nay đã chứng tỏ là với Bắc Kinh, càng nhịn nhục, quỵ lụy thì họ càng lấn tới mà thôi.
Cuối cùng, tôi nghĩ rằng mong muốn thứ hai đó là hãy đặt quyền lợi của đất nước, dân tộc lên trên hết.
Điểm tin trong nước sáng 24/5: Việt Nam công bố
thêm 1 ca nhiễm Covid-19; Báo châu Á ngạc nhiên
đưa tin về 1 trận đấu bóng ở Việt Nam
Văn San-Tâm Tuệ
Mục điểm tin trong nước sáng Chủ Nhật (24/5) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Việt Nam thêm 1 ca nhiễm Covid -19
6h ngày 24/5, Bộ Y tế công bố 1 ca dương tính nCoV, là hành khách trên chuyến bay VN0062 từ Nga về và từng mắc Covid-19.
“Bệnh nhân 325”, nữ, 34 tuổi, địa chỉ ở Gia Viễn, Ninh Bình. Cô mắc Covid-19 tại Nga, đã khỏi bệnh trước khi về Việt Nam.
Ngày 13/5, cô từ Nga về sân bay Vân Đồn trên chuyến bay VN0062, cách ly ngay tại Trung đoàn 125, Hải Dương. Mẫu xét nghiệm kết quả âm tính.
Ngày 21/5, mẫu xét nghiệm lần hai tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Hải Dương, dương tính. Ngày 23/5, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xét nghiệm cho kết quả tương tự. Hiện, bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thành phố Hải Dương.
Quản lý bằng sổ hộ khẩu, chỉ người dân là khổ!
Quá trình quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu phát sinh nhiều bất cập, khiến cuộc sống của người dân gặp không ít khó khăn, theo VTV.
UBND phường Bình Trưng Đông, TP. HCM hiện có khoảng 30.000 dân, trong đó, khoảng 12.000 người không có hộ khẩu. Đây là những người có nhà nằm trong khu vực quy hoạch từ năm 2004. Khu vực quy hoạch không được cấp giấy tờ nhà. Không có giấy tờ nhà sẽ không làm được hộ khẩu. Vậy nên hàng chục ngàn hộ dân, mặc dù sinh sống lâu năm và có nhà ở đây nhưng vẫn là người tạm trú.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, trên thế giới hiện nay chỉ còn vài nước quản lý công dân bằng hộ khẩu. Hầu hết, các nước đều quản lý bằng mã số định danh cá nhân, quét dấu vân tay có thông tin đầy đủ về cá nhân.
Điện thoại Samsung tại Việt Nam gặp lỗi lạ
Sáng ngày 23/5, nhiều người dùng điện thoại Samsung tại Việt Nam phản ánh về việc điện thoại của họ hiển thị màn hình Android Recovery, dù trước đó không hề tác động hay thực hiện thao tác gì. Việc này khiến người dùng không thể sử dụng điện thoại, cũng không thể khởi động lại mà chỉ có thể tắt nguồn. Tuy nhiên, khi bật lại, hiện tượng trên vẫn tiếp tục xảy ra.
Anh Nguyễn Hoàng Chương, quản trị viên một trang web chuyên về hệ điều hành cho smartphone, nhận định, đây có thể là lỗi trong quá trình cập nhật của máy, dẫn đến việc xung đột về phần mềm. Theo anh Chương, điều này có thể liên quan đến ứng dụng lịch âm, do năm nay tại Việt Nam có hai tháng 4 âm lịch.
Theo báo Tuổi Trẻ, trước tình trạng này, người dùng có thể tạm thời tự khắc phục bằng cách chọn vào mục “Try again” trên màn hình recovery để khởi động lại máy. Tiếp đó, người dùng cần sử dụng một chiếc điện thoại khác để gọi vào chiếc máy gặp vấn đề.
Khi thông báo về cuộc gọi hiện lên, người dùng cần vuốt nhanh thanh thông báo notification, tìm đến phần Cài đặt và thay đổi thời gian của máy sang tháng 6. Khi đó, chiếc điện thoại của bạn sẽ có thể tạm thời sử dụng lại bình thường.
Báo châu Á ngạc nhiên đưa tin về một trận đấu bóng ở Việt Nam
Trận đấu giữa Nam Định với Hoàng Anh Gia Lai trên sân Thiên Trường ở Cúp quốc gia 2020 là một trong những trận đấu hiếm hoi của thế giới cho phép khán giả vào sân cổ vũ ở thời điểm này, theo báo Tuổi Trẻ.
Nhiều tờ báo châu Á cũng bình luận khá nhiều về việc ban tổ chức cho phép khán giả vào sân xem trận đấu. Báo tiếng Nhật Viet-jo viết: “Cho phép tối đa 10.000 khán giả vào sân đã biến nó trở thành trận đấu có khán giả đông nhất thế giới vào lúc này. Là một quốc gia thành công trong việc ngăn chặn dịch bệnh và mở lại giải đấu trong nước với khán giả có thể vào sân theo dõi, họ có thể tạo sự hấp dẫn với thế giới”.
0 comments