Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 05/05/2020

Tuesday, May 5, 2020 5:51:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 05/05/2020

Trung Quốc vừa tập trận hải quân ở quần đảo Trường Sa – Nguyễn Sơn

Hải quân Trung Quốc vừa tiến hành đợt diễn tập hộ tống tại vùng biển quanh quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hôm 2/5, đội tàu của hải quân Trung Quốc gồm tàu khu trục Taiyuan và Jingzhou đã tập trận ở khu vực quần đảo Trường Sa, đi qua eo biển Miyako và kênh Bashi, theo tờ PLA Daily. Hoạt động bao gồm bài tập cứu tàu bị hải tặc tấn công và phối hợp chống hải tặc, được hỗ trợ bởi đội tàu hộ tống số 35.
Yang Aibin, sĩ quan hải quân Trung Quốc, nói rằng đội tàu Trung Quốc tập trung vào các bài tập chiến đấu để nâng cao khả năng phản ứng trên biển và trên không, theo báo SCMP.
Đội tàu hộ tống số 35 đi vào biển Đông sau khi kết thúc chuyến diễn tập chống cướp biển trên vịnh Aden vào cuối tháng 4.
Đội tàu này gồm 690 quân nhân và 2 trực thăng hỗ trợ cho 2 tàu Taiyuan và Jingzhou. Quân đội Trung Quốc nói rằng họ vẫn thực hiện nhiệm vụ bất chấp tình hình đại dịch COVID-19.
Nhắm đến hoạt động tuần tra của Mỹ?
Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) cho rằng cuộc diễn tập của Trung Quốc ở Trường Sa và việc nhắc đến đại dịch COVID-19 có vẻ nhắm đến các hoạt động của Mỹ trên biển Đông.
“Đây là lần đầu tiên tàu khu trục Taiyuan và Jingzhou tham gia nhiệm vụ này. Do đó, đây là cơ hội để các tàu đó tiếp xúc với huấn luyện trên các vùng biển xa đến vùng Vịnh”, ông Koh nói.
“Điểm khác biệt duy nhất lần này là việc điều tàu ra biển Đông, khiến cuộc diễn tập ở Trường Sa có ý nghĩa mới. Bắc Kinh rõ ràng có ý định phô trương lực lượng hải quân nhằm củng cố yêu sách của họ”, ông Koh đánh giá.
Cuộc diễn tập diễn ra vài ngày sau khi Mỹ gia tăng các hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở biển Đông để thách thức các yêu sách chủ quyền trái phép của Trung Quốc.
Tuần trước, Mỹ cho biết tàu tuần dương tên lửa USS Bunker Hill “đã khẳng định quyền tự do hàng hải ở quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế”. Tàu khu trục tên lửa USS Barry của Mỹ cũng thực hiện chuyến tuần tra tự do hàng hải ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Mỹ đến nay luôn lên án việc Trung Quốc xây dựng các căn cứ quân sự trên biển Đông, triển khai các tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa đất đối không ở khu vực này.

TQ chọn thời điểm cộng đồng quốc tế khó khăn nhất

để làm càn trên Biển Đông

Đúng thời điểm các nước đang tập trung mọi nguồn lực để đối phó đại dịch COVID-19 mà nơi khởi điểm đầu tiên tại Trung Quốc, giới cầm quyền Bắc Kinh đã lợi dụng tình hình này để gia tăng các hoạt động phi pháp, quấy phá trên Biển Đông.
Trung Quốc chọn thời điểm làm càn
Những ngày này, dư luận quốc tế đã nhiều lần vạch rõ âm mưu của Trung Quốc lợi dụng tình hình thế giới đang phải tập trung đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) để đẩy nhanh mục tiêu “độc chiếm Biển Đông”. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc hành xử theo cách “thừa nước đục thả câu”. Lịch sử tranh chấp ở Biển Đông cho thấy rõ điều đó. Năm 1956, lợi dụng việc Pháp thua trận ở Điện Biên Phủ và buộc phải ký hiệp định Geneve rút khỏi Đông Dương, Trung Quốc đã bí mật đưa quân ra chiếm phía Đông quần đảo Hoàng Sa, trong đó có đảo Phú Lâm hiện được Trung Quốc coi là thủ phủ của cái họ gọi là “thành phố Tam Sa”. Năm 1974, lợi dụng việc Mỹ rút khỏi Việt Nam sau khi ký Hiệp định Paris và quân đội chính quyền Sài Gòn phải đối phó với cuộc tiến công của lực lượng vũ trang của Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, Trung Quốc dùng không quân và hải quân chiếm nốt phần phía Tây của quần đảo Hoàng Sa. Trước năm 1988, Trung Quốc không hề có một miếng đất nào ở Trường Sa. Tuy nhiên, từ năm 1975 đến 1988, Trung Quốc thường xuyên cho tàu cá có vũ trang và tàu trinh sát khảo sát quần đảo Trường Sa. Lợi dụng khó khăn của Việt Nam phải đối mặt với các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và Tây Nam, tháng 3/1988, Trung Quốc đưa quân chiếm một số đá, bãi ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Từ năm 2014 đến nay, Trung Quốc ồ ạt bồi đắp, biến các bãi đá chiếm đóng trái phép ở Trường Sa thành các đảo nhân tạo. Trước sự lo ngại của dư luận các nước, năm 2015, Trung Quốc tuyên bố không có kế hoạch quân sự hóa các đảo này. Thế nhưng trên thực tế, lợi dụng các nước lớn tập trung vào vấn đề nội bộ, Trung Quốc đã đẩy nhanh việc quân sự hóa các đảo nhân tạo, biến nơi đây thành các cơ sở quân sự với sự có mặt của máy bay ném bom, tên lửa đất đối không, các trạm radar…
Từ đầu năm đến nay, khi cộng đồng quốc tế đang tập trung đối phó đại dịch COVID-19 mà phía Mỹ cho rằng đây là “virus Trung Quốc”, giới cầm quyền Bắc Kinh lại gia tăng các hoạt động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven Biển Đông. Ngày 2/4, Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam hoạt động ở Hoàng Sa. Trong khi vấp phải sự chỉ trích của Việt Nam và thế giới, Trung Quốc đưa ra một lời giải thích vô lý rằng chính tàu cá của Việt Nam đã húc vào tàu hải cảnh
của Trung Quốc rồi chìm. Ngày 14/4, Trung Quốc xua tàu Hải Dương Địa Chất 8 ra biển Đông, con tàu “tai tiếng” đã cắm cọc ở vùng biển Việt Nam suốt nhiều tháng với mục tiêu được cho là quấy rối hoạt động dầu khí của Việt Nam. Ngày 18/4, Trung Quốc tuyên bố thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” thuộc “thành phố Tam Sa”, hai quận hành chính để quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Không những thế, Trung Quốc còn gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc vu cáo “Việt Nam chiếm đóng trái phép các đảo thuộc Trung Quốc, yêu cầu Việt Nam rút toàn bộ nhân lực khỏi các đảo này”. Ngày 19/4, Bộ Dân chính Trung Quốc ngang nhiên công bố “danh xưng tiêu chuẩn” cho 25 đảo, bãi đá ngầm cùng 55 thực thể địa lý dưới đáy biển ở Biển Đông, phần lớn số này nằm trong quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Việt Nam nói trong những thực thể này có những bãi cạn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, có điểm chỉ cách bờ biển Việt Nam chưa đầy 60 hải lý hoặc đường cơ sở Việt Nam khoảng 50 hải lý. Cũng trong tháng Tư, bản đồ Hoàng Sa, Trường Sa bị phát hiện xuất hiện trong lãnh thổ Trung Quốc, khi bị chỉ trích, Facebook nói đây là lỗi “cập nhật bản đồ”. Gần đây, người ta phát hiện trên kênh Youtube của tỷ phú Bill Gates có bản đồ đường “lưỡi bò” mà Trung Quốc vẽ ra ở Biển Đông.  Vị tỷ phú người Mỹ này cũng nức tiếng khen ngợi Trung Quốc đã kiểm soát tốt đại dịch, đồng thời ra mặt phản đối chính quyền Trump khi nói không nên đổ lỗi cho Trung Quốc.
Các nước cần chung tay đối phó
Ý đồ chiếm trọn Biển Đông của Bắc Kinh vốn đã rõ như ban ngày, nhưng nay được Bắc Kinh đẩy nhanh tốc độ trong một sự tính toán rằng khi Mỹ đang bị quấn tay bởi đại dịch, Việt Nam và các nước nhỏ ở Đông Nam Á sẽ không dám đối mặt trực diện với sức mạnh của người khổng lồ phương Bắc, nhưng có lẽ Trung Quốc đã nhầm.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cho biết Mỹ kịch liệt lên án và phản đối việc Trung Quốc lợi dụng thời điểm các nước đang gồng mình chống dịch để thúc dẩy các hành vi phi pháp, khiêu khích tại Biển Đông. Thay vì cùng tham gia tập trung chống dịch Covid-19 với các nước khác, Trung Quốc trong vài tháng qua đã tiến hành nhiều hành vi khiêu khích gây bất ổn trong khu vực như đâm chìm tàu cá của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa, điều các tàu ra dọa dẫm tàu các nước khác cũng như tuyên bố thành lập các khu hành chính mới ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc cũng đã thiết lập “các trạm nghiên cứu đại đương” trên đá Subi và đá Chữ thập”. Theo ông Kritenbrink, những hành vi này của Trung Quốc không thể hiện thiện chí, không giúp Trung Quốc nhận được sự tin cậy trong khu vực, và Mỹ kịch liệt phản đối những yêu sách phi lý và hành vi hiếu chiến vừa qua của chính quyền Bắc Kinh. Theo ông, điều quan trọng nhất hiện nay là các quốc gia trong khu vực cần lên tiếng phản đối hành vi Trung Quốc. Ngoài ra, Đại sứ Daniel Kritenbrink nhấn mạnh Mỹ, Việt Nam và rất nhiều đối tác khác trong khu vực chia sẻ tầm nhìn chung về việc giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, đồng thời sẽ làm tất cả để thúc đẩy hòa bình thịnh vượng trong khu vực. Mỹ khuyến khích các quốc gia cùng phản đối các hành vi sai trái của Trung Quốc và rất nhiều đối tác và bạn bè của Mỹ đã làm điều đó. Theo Đại sứ Mỹ, những hành vi vừa qua của Trung Quốc chỉ là một phần trong chuỗi dài những hành vi khiêu khích của nước này trong thời gian qua. Điều này đã và đang đe dọa đến hòa bình, cũng như tác động tiêu cực đến sự thịnh vượng và ổn định của khu vực. Mỹ tin tưởng vào một khu vực tôn trọng luật pháp quốc tế, chúng tôi tin tưởng vào môt khu vực trong đó các nước yếu không bị nước mạnh chèn ép và cùng tuân thủ một nguyên tắc chung. Các quốc gia tin tưởng vào việc tuyên bố chủ quyền dựa trên luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền tự do hàng hải và hàng không. Đại sứ Kritenbrink kết luận “các bạn sẽ được chứng kiến Mỹ tiếp tục duy trì chính sách lâu dài và bền vững trong khu vực trong đó có việc hỗ trợ đảm bảo an ninh hàng hải và giúp các quốc gia trong khu vực hiểu được những gì đang diễn ra cũng như tăng cường năng lực phòng vệ. Điều này cũng giúp đóng góp cho việc thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trong khu vực”.
Trong khi đó, trước những hành động khiêu khích từ chính quyền Bắc Kinh thời gian qua trên Biển Đông, bất chấp hàng loạt thủ đoạn để thâu tóm toàn bộ vùng lãnh thổ tranh chấp, các nhà nghiên cứu quốc tế và chuyên gia về Biển Đông đều có chung quan điểm, Việt Nam khó mà đơn độc một mình chống lại Trung Quốc, Hà Nội cần tận dụng sự đoàn kết quốc tế, luật pháp, phối hợp với nhiều nước gây sức ép ngoại giao, chính trị để kiềm chế Bắc Kinh. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Richard Heydarian (chuyên gia phân tích quốc tế Philippines) cho biết, không riêng gì với Việt Nam, thời gian qua, nhiều nước đang bị ảnh hưởng nặng vì dịch bệnh Covid-19 vẫn phải chống lại hành vi phi pháp của Bắc Kinh. Ví dụ như quan chức quân sự cấp cao của Philippines nhiễm bệnh Covid-19, hay bệnh dịch cũng là nguyên nhân khiến tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt phải neo lại ở đảo Guam. Rồi các nước láng giềng trong khu vực cũng phải ứng phó bệnh dịch. Nhân cơ hội này, Trung Quốc đã khai thác khoảng trống an ninh
một cách bất chấp. Chuyên gia Heydarian nhấn mạnh, Bắc Kinh đã điều động tàu chiến tập trận ở nhiều vùng biển trong khu vực, tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam, hay tàu nghiên cứu và chấp pháp của Trung Quốc quấy rối hoạt động của Malaysia trên biển. Đặc biệt, hoạt động quân sự đáng chú ý vừa qua của Trung Quốc ở Biển Đông chính là việc điều động cả tàu sân bay Liêu Ninh tập trận, triển khai lực lượng lớn tàu hải cảnh và hải quân. Các động thái gần đây cho thấy tham vọng bành trướng của Bắc Kinh trong giai đoạn hiện nay lớn đến mức nào. Dường như Bắc Kinh đang muốn thống trị cả khu vực. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Richard Heydarian cho rằng, Việt Nam đã có những phản ứng mạnh mẽ trước Trung Quốc. Tuy nhiên, Hà Nội cần tận dụng thứ vũ khí đặc biệt khác – đoàn kết ASEAN lại để đấu tranh và kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông. Bên cạnh đó, Philippines cũng đã có thông điệp ngoại giao thể hiện sự ủng hộ đối với Việt Nam, Malaysia phản ứng lên án Trung Quốc hành động phi pháp ở Biển Đông.
Giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) Greg Poling cũng có chung quan điểm trên cho rằng, trong vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN, Việt Nam có thể kêu gọi các nước trong khu vực cùng phối hợp lên án hành động của Trung Quốc. Các bên phải cùng nhau lên tiếng để cộng đồng quốc tế nhận thức rõ hơn những hành vi của Trung Quốc, từ đó hình thành nên một số sức ép ngoại giao, chính trị để Bắc Kinh ngưng tiếp diễn các hành động trên. Trong khi đó, cựu Thẩm phán Antonio Carpio, từng làm việc tại Tòa án Tối cao Philippines kêu gọi Manila cùng “đồng tâm hiệp lực” với Việt Nam và Malaysia ở Biển Đông.

Mỹ tuần tra tự do hàng hải ở Hoàng Sa và Trường Sa:

Lời đáp trả đanh thép cho các hoạt động phi pháp của TQ

Hải Quân Mỹ cho biết, hai chiến hạm USS Bunker Hill và USS Barry (29/4) đã tiến hành tuần tra tự do hàng hải trong vùng biển ở khu vực quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Theo thông tin trên, Hạm đội 7 của Mỹ cho biết, tuần dương hạm có trang bị tên lửa dẫn đường lớp Ticonderoga USS Bunker Hill đã thực hiện hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở vùng biển gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam; nhấn mạnh tàu Bunker Hill đã được triển khai trong Hạm Đội 7 Hoa Kỳ để hỗ trợ cho các chiến dịch duy trì an ninh và ổn định trong vùng Thái Bình Dương. Cùng ngày, Hạm đội 7 của Mỹ thông báo tàu khu trục hạm có trang bị tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke là USS Barry (DDG-52) đang tiến hành một chiến dịch trong vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Hiện thông tin về chiến dịch tại Trường Sa của tuần dương hạm Bunker Hill chưa được xác nhận chính thức, riêng chuyến tuần tra sát Hoàng Sa của khu trục hạm Barry đã được Hải Quân Mỹ xác nhận. Theo đó, trang tin của Học Viện Hải Quân Mỹ (USNI News) cho biết, các quan chức Hải Quân Hoa Kỳ đã xác nhận rằng chiếc  USS Barry (DDG-52) đã thực hiện một hoạt động bảo vệ quyền tự do hàng hải (FONOPS) ở “vùng lân cận chuỗi đảo ngoài khơi Việt Nam”, tức là quần đảo Hoàng Sa.
Giới chức Mỹ khẳng định các hoạt động của tàu hải quân Hoa Kỳ luôn luôn theo đúng luật quốc tế, nằm trong khuôn khổ các cuộc tuần tra tự do hàng hải; nhấn mạnh hoạt động của chiến hạm Barry đã diễn ra theo kế hoạch và “không hề gặp bất kỳ hành động thiếu an toàn hay thiếu chuyên nghiệp từ tàu thuyền hay máy bay quân sự Trung Quốc”. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Tư Lệnh Chiến Khu Nam Bộ Trung Quốc Lý Hoa Mẫn đã khoe rằng các lực lượng Không Quân và Hải Quân Trung Quốc đã bám theo, giám sát, nhận diện, cảnh báo và trục xuất tàu USS Barry của Mỹ; vu cáo, xuyên tạc tàu chiến “xâm nhập trái phép” vùng biển của Trung Quốc, đồng thời đe dọa Trung Quốc sẽ có biện pháp đáp trả cứng rắn nếu tàu chiến Mỹ vượt qua “ranh giới đỏ” trên Biển Đông. Theo đó, Lý Hoa Mẫn ngang ngược cho rằng “những hành động khiêu khích từ phía Mỹ vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc, đồng thời làm gia tăng rủi ro an ninh cho khu vực và có thể dễ dàng tạo ra va chạm bất ngờ. Những hành động như vậy không phù hợp với diễn biến gần đây khi mà cả thế giới đang tập trung chiến đấu với dịch bệnh, cũng như vì nền hòa bình và an ninh khu vực”.
Hai chiến hạm Mỹ tuần tra Trường Sa và Hoàng Sa lần này, mới đây đã phối hợp với tàu đổ bộ tấn công USS America của Mỹ và hộ tống hạm HMAS Parramatta của Australia đến khu vực ngoài khơi Malaysia vào lúc tàu thăm dò Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc và đội tàu hộ tống hoành hành gần một dàn khoan thăm dò của công ty dầu khí Malaysia Petronas. USS Barry (DDG-52) là tàu khu trục lớp Arleigh
Burke, được đưa vào hoạt động năm 1992. Đây là tàu hải quân Mỹ thứ 4 được đặt tên theo “cha đẻ” của hải quân nước này, Thiếu tướng John Barry (1745-1803). USS Barry (DDG-52) đã nhận được nhiều giải thưởng, trong đó 3 lần nhận Battenberg Cup danh giá cho các năm 1994, 1996 và 1998. Đặc biệt, USS Barry (DDG-52) từng tham gia chiến dịch quân sự tấn công Libya năm 2011. Khi đó, tàu đã phóng 55 tên lửa hành trình Tomahawk. Hệ thống phòng không tầm gần Phalanx (CIWS) trên chiến hạm này có khả năng bắn 4.500 viên đạn 20mm mỗi phút, hữu hiệu khi đánh chặn tên lửa hành trình diệt hạm. Ngoài ra, tàu còn được trang bị một khẩu pháo chuyên diệt các tàu nhỏ muốn tiếp cận. Ngoài pháo hạm 127mm dùng để tấn công các mục tiêu trên biển, pháo cỡ nòng 120m được sử dụng linh hoạt, có thể bắn nhiều loại đạn khác nhau với các hệ thống phức tạp làm việc đồng thời để ngắm bắn, theo dõi và khai hỏa.
Việc Mỹ điều tàu chiến tuần tra tự do hàng hải, hàng không ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc (17/4) ngang ngược tuyên bố thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” để quản lý toàn bộ khu vực Biển Đông. Đây được coi là hành động cứng rắn, đáp trả mạnh mẽ của Mỹ đối với những hành vi phi pháp cua Trung Quốc trên biển.
Trước các hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông, Việt Nam đã nhiều lần khẳng định có đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế đồng thời có quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Tất cả các quốc gia có nghĩa vụ và lợi ích chung trong việc tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bao gồm nguyên tắc bình đẳng chủ quyền quốc gia, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế để chống lại toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình. Trên tinh thần đó, Việt Nam sẵn sàng giải quyết tranh chấp với các quốc gia liên quan thông qua đàm phán cũng như các biện pháp hòa bình khác, kể cả biện pháp quy định tại UNCLOS. Duy trì hòa bình, ổn định, an ninh trật tự, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán ở các quốc gia ở khu vực Biển Đông như được xác lập tại UNCLOS 1982 là mục tiêu, lợi ích, trách nhiệm và nguyện vọng chung của tất cả các quốc gia và cộng đồng quốc tế, hoạt động của các nước cần đóng góp vào mục tiêu chung này.

Carl Thayer: ‘Việc trục xuất tàu Mỹ

mà TQ tuyên bố hoàn toàn bịa đặt’

Tina Hà GiangBBC News Tiếng Việt
Nhận định về tuyên bố đã ”trục xuất” tàu Mỹ khỏi vùng Biển Đông gần đây của Trung Quốc, Giáo sư Carl Thayer nói rằng điều này hoàn toàn là một bịa đặt có tính cách tuyên truyền.
Hôm 28/4, Trung Quốc cáo buộc tàu chiến USS Barry của Mỹ đã đi vào vùng đảo Hoàng Sa ở Biển Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, mà ”không được Trung Quốc cho phép.” Trung Quốc cũng nói họ sau đó đã thiết lập một thủ tục để theo dõi, theo dõi, xác minh, xác định và trục xuất USS Barry ra khỏi Biển Đông.
Nhưng ngay sau đó, một quan chức của Hải quân Hoa kỳ nói rằng USS Barry không hề bị trục xuất như Trung Quốc tuyên bố, và tàu khu trục, được đặt theo tên của “Cha đẻ của Hải quân Mỹ”, đã tuần tra theo đúng kế hoạch mà không gặp phải bất kỳ hành vi không an toàn hoặc không chuyên nghiệp nào từ máy bay hoặc tàu chiến của Trung Quốc.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt qua email từ Canberra, Úc, nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam và bang giao quốc tế giải thích rằng Trung Quốc tuyên bố như thế với mục đích tuyên truyền và cảnh báo các quốc gia khác trong khu vực.
GS Carl Thayer: Mỗi khi Hải quân Hoa Kỳ thực thi quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, Trung Quốc lại đưa ra loại tuyên bố tương tự là họ đã theo dõi, kiểm soát và ”trục xuất” tàu chiến Hoa Kỳ. Đây hoàn toàn là những lời ngoa ngữ, cường điệu.
Trung Quốc có phương tiện giám sát để xác định khi nào tàu chiến của Hoa Kỳ đi vào vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố là của riêng họ. Và mỗi lần như thế Trung Quốc thường điều một máy bay để rình rập tàu chiến Mỹ trên biển. Thường thì tàu chiến Hoa Kỳ và nhân sự của Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLAN) có liên lạc với nhau trong những lần nghênh chiến đó. Sau khi tàu chiến Hoa Kỳ hoàn thành nhiệm vụ và rời khỏi vùng biển do Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, Trung Quốc tuyên bố sẽ họ vừa ”trục xuất” tàu Mỹ.
Trung Quốc đang sử dụng chiến tranh thông tin để cảnh báo các quốc gia trong khu vực là họ sẽ chịu chung số phận này, nếu tàu của họ xâm nhập vào vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Công bố cường điệu này của Bắc Kinh cũng nhằm vào đối tượng trong nước để chứng minh rằng chế độ Tập Cận Bình đang bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc một cách kiên quyết chống lại chủ nghĩa quân phiệt của Hoa Kỳ.
Người phát ngôn của Hạm đội 7 Hoa Kỳ chắc chắn đã công bố rõ nếu Trung Quốc có bất kỳ động thái quân sự không chuyên nghiệp nào với tàu chiến USS Barry (DDG-52). Ví dụ, trong việc liên quan đến một tàu chiến của PLAN nhào đến tàu chiến USS Decatur một cách nguy hiểm hồi tháng 9 năm 2018, Hoa Kỳ đã công bố khúc phim về cuộc chạm trán này để chứng minh quan điểm của mình.
Trong trường hợp USS Barry, một phát ngôn viên của Hải quân Hoa Kỳ tuyên bố rằng, hoạt động của tàu được tiến hành theo kế hoạch mà không gặp phải bất kỳ hành vi không an toàn hoặc không chuyên nghiệp nào từ máy bay hoặc tàu chiến của Trung Quốc.
Chúng ta không nên đánh giá là những tuyên bố của Trung Quốc và Hoa Kỳ có giá trị ngang nhau. Khi Trung Quốc sử dụng thuật ngữ ”trục xuất,” thì đó là một điều bịa đặt trong việc tuyên truyền của PLAN.
BBC: Theo giáo sư thì sự duy chuyển của USS Barry trong thời gian đó ở Biển Đông có tầm quan trọng gì? USS Barry đến đó theo một lộ trình thường xuyên, hay với một mục đích nào khác?
GS Carl Thayer: USS Barry có cuộc tuần tra với mục đích thực thi quyền tự do hàng hải (FONOP) để thách thức những gì Hoa Kỳ cáo buộc là yêu cầu bất hợp pháp của Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam là phải báo trước cho những nước này biết trước khi vào vùng biển gần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc đã vẽ những đường cơ sở quanh quần đảo Hoàng Sa. Chúng tôi không có thông tin chi tiết về đường đi chính xác của USS Barry, nhưng có khả năng đó là hành động thách thức yêu sách quá mức của Trung Quốc đối với vùng biển bên ngoài Hoàng Sa dựa trên các đường cơ sở này.
Hiện dưới sự lãnh đạo của quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, Hoa kỳ rõ ràng đã có một sự thay đổi trong chính sách FONOPS, để hoạt động hải quân phù hợp hơn với Chiến lược Quốc phòng được ban hành năm 2018 của nước này. Tài liệu của chính sách Quốc phòng 2018 kêu gọi các lực lượng quân sự Hoa Kỳ phải làm sao để thể hiện châm ngôn ”chiến lược đoán được, nhưng hành tung khôn lường.” Chuyến tuần tra của USS Barry, được tháp tùng ngay ngày hôm sau bởi việc thực thi quyền tự do hàng hải chưa từng có của USS Bunker Hill (CG-52) ở vùng biển quanh Đá Lạc (Gaven Reef) ở Trường Sa.
BBC: Ông nghĩ gì về thái độ khá lớn lối của Bắc Kinh khi bảo quân đội Hoa Kỳ hãy ”về nhà và tập trung vào phòng ngừa COVID-19 đi,” thay vì đi ”gây bất ổn cho hòa bình và an ninh khu vực”?
GS Carl Thayer: Hành động quan trọng hơn lời nói. Hòa bình và an ninh khu vực ở Đông Nam Á, chưa kể trên toàn cầu, đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi virus corona xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc. Rõ ràng là ngay từ đầu, Trung Quốc đã đàn áp những báo cáo trong nước về COVID-19, và không minh bạch trong việc truyền đạt cho cộng đồng quốc tế rằng virus này có thể lây truyền giữa người và cực kỳ nguy hiểm. Các hành động chỉ vì tư lợi của Trung Quốc đã dẫn đến sự lây lan của COVID-19, khiến hơn 3,4 triệu người bị lây nhiễm tại ít nhất 187 quốc gia, gây ra cái chết của gần 250.000 người.
Hai chuyến tuần tra thực thi quyền tự do hàng hải gần đây nhất của Hoa Kỳ đã đến và đi mà không tạo bất kỳ suy giảm nào trong an ninh khu vực. Trên thực tế, hoàn toàn ngược lại, Trung Quốc đang bị chỉ trích nặng nề là đã lợi dụng đại dịch để khẳng định mạnh mẽ hơn các tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông và khu vực, và các nước nhỏ quanh vùng hoan nghênh sự hiện diện của Hải quân Hoa Kỳ.
BBC: Nhắc đến virus corona, thì ngoài mục đích thực thi quyền tự do hàng hải, Hoa Kỳ còn có động cơ nào khác khi đưa hai tàu chiến USS Barry và USS Bunker Hill đến Hoàng Sa giữa lúc hai nước đang căng thẳng vì Mỹ buộc tội Trung Quốc xử lý sai và giữ bí mật về sự bùng phát virus khi nó vừa xảy ra?
GS Carl Thayer: Cũng có một động lực khác. Thủy thủ Hoa Kỳ trên tàu USS Theodore Roosevelt và tàu USS Kidd đã bị nhiễm virus corona. Bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc lợi dụng thời cơ này để lập luận rằng Hoa Kỳ đang hoạt động ở một vị trí yếu kém. Trong khi đó Hoa Kỳ đang cố gắng khắc phục một trở ngại về quan hệ công cộng, bằng cách chứng minh rằng Hoa Kỳ có thể duy trì sự hiện diện của hải quân nước này ở Biển Đông.
Về mặt này, USS Barry đã tuần tra hai lần qua Eo biển Đài Loan vào tháng Tư trước khi triển khai đến Hoàng Sa. USS Bunker Hill đã tham gia với USS America ở vùng biển ngoài khơi Đông Malaysia để chứng minh sự hiện diện của Hoa kỳ khi Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc và tàu khoan Hai Yang Dizhi 8 đang quấy rối các hoạt động thăm dò dầu khí của Petronas, công ty dầu khí của nhà nước Malaysia.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.