Đọc báo Pháp – 26/05/2020
Tự do và dân chủ Hồng Kông: Thành lũy chống chế độ độc tài Trung Quốc – Thùy Dương
Chiếm trọn trang nhất báo Libération là bức hí họa Tập Cận Bình và Donald Trump, theo hướng người ngược, kẻ xuôi, mỗi người giang tay dạng chân ôm một nửa Trái đất, miệng há thật to ngoạm sâu từng miếng. Bên dưới bức hình là hàng tựa lớn «Hoa Kỳ và Trung Quốc, đó là cuộc chiến lớn». Quan hệ giữa hai siêu cường thế giới xuống cấp rõ rệt từ khi Donald Trump nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ, và xung đột song phương vẫn kéo dài, nhất là với cuộc khủng hoảng Covid-19.Libération số ra ngày 26/05/2020 dành cả trang nhất, bài xã luận và hồ sơ 4 trang cho quan hệ Mỹ – Trung. Trong bài viết « Mỹ và Trung Quốc : Quan hệ ngày càng tệ », Libération nhấn mạnh với các hoạt động tuyên truyền và những cáo buộc nhuốm màu thuyết âm mưu, hai nước hiện giờ coi nhau như kẻ thù. Bắc Kinh tố cáo là các lực lượng chính trị Mỹ đang đẩy hai nước đến « bờ vực chiến tranh lạnh », còn tại Washington, cả phe Dân Chủ và Cộng Hòa đều không còn coi Trung Quốc là một đối tác « khả nghi » hay đối thủ mà là một kẻ thù cần đánh bại cả về kinh tế, công nghệ, chính trị và địa chính trị.
Trong bài xã luận « Thành lũy », Libération nhắc lại hồi năm 1997, khi Anh Quốc trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc, ai cũng biết Bắc Kinh sẽ không ngừng ngầm phá hoại « thành lũy chống chế độ độc tài ». Sau 23 năm, Trung Quốc dường như đang tiến gần đến đích. Với đạo luật về an ninh quốc gia, Bắc Kinh đang có quyết tâm gần như tuyệt đối, nhất là khi căng thẳng với Washington đang ở đỉnh điểm và Bắc Kinh đang cần ghi điểm để chứng tỏ Trung Quốc có quyền năng tối thượng.
Đúng là hình ảnh của Trung Quốc đã bị xấu đi do cách quản lý khủng hoảng khi dịch bệnh mới nổ ra, nhưng theo Libération, Bắc Kinh có thể hy vọng sẽ tận dụng cơ hội không dễ sớm có lại được : Toàn thế giới đang phải đối phó với virus corona, nước Mỹ thì đang trong chiến dịch tranh cử tổng thống. Bị suy yếu do thảm họa y tế mà ông quản lý kém cỏi, Donald Trump không thể để mình đi nhầm nước cờ. Khi chỉ còn 6 tháng nữa là đến ngày bầu cử mang tính quyết định, nước Mỹ lại đang bị virus corona tàn phá, giả thuyết Washington ra tay cứu nền dân chủ Hồng Kông rất ít khả năng xảy ra.
Tuy nhiên, Libération lưu ý đây là một thử thách không chỉ đối với Hồng Kông. Tinh thần chinh phục của Trung Quốc đang cao hơn bao giờ hết, không chỉ đơn giản là nhắm vào vùng đất nhỏ xíu mà là nhắm vào quyền tự do và nền dân chủ. Và nếu quyền tự do và dân chủ sụp đổ ở Hồng Kông thì điều này cũng có thể sẽ xảy ra ở những nơi khác.
Mỹ – Trung : Những hồ sơ nóng của cuộc chiến tranh lạnh mới
Cuộc chiến giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra trong nhiều lĩnh vực, từ lãnh thổ tới chính trị và kinh tế. Libération điểm lại những vấn đề gây mâu thuẫn giữa Bắc Kinh và Washington, mà tờ báo chơi chữ gọi là những « hồ sơ nóng của cuộc chiến tranh lạnh mới » : Cuộc đọ sức về Hồng Kông, cuộc chiến thương mại, Đài Loan, Biển Đông, Tổ Chức Y Tế Thế Giới và các trại tập trung giam hãm người Hồi Giáo thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Bắc Kinh đang chơi một trò chơi vô cùng nguy hiểm
Libération cũng giới thiệu bài phỏng vấn nhà nghiên cứu Nadège Rolland, chuyên gia về chính trị và an ninh châu Á, thuộc Văn phòng quốc gia về nghiên cứu châu Á, có trụ sở tại Seattle và Washington. Nadège Rolland nhìn lại quá trình kéo dài nhiều thập kỷ mà Trung Quốc vươn lên thành cường quốc. Nhà nghiên cứu nhận định « Bắc Kinh đang chơi một trò chơi vô cùng nguy hiểm » và việc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ bỏ chính sách tiến từng bước nhỏ vào năm 2017 đã đột ngột chấm dứt những thập niên mù quáng ở phương Tây.
Tại sao Bắc Kinh muốn áp đạo luật bảo vệ an ninh quốc gia tại Hồng Kông ?
Le Monde hôm nay cũng dành sự chú ý cho Hồng Kông, nơi người dân đang đấu tranh chống sự áp đặt của chính quyền Bắc Kinh. Le Monde đặt câu hỏi « Bắc Kinh muốn áp đặt đạo luật như thế nào ở Hồng Kông ? » và dành hai bài viết cho chủ đề Hồng Kông : « Tại sao Bắc Kinh muốn đảm bảo an ninh ở Hồng Kông ? » và « Những người phản đối đang cố huy động lại lực lượng để đối phó với chế độ chuyên chế Trung Quốc ».
Ngày 28/05, Quốc Hội Trung Quốc sẽ thông qua đạo luật nhằm « bảo vệ an ninh quốc gia ở đặc khu hành chính Hồng Kông ». Đạo luật này sẽ gồm 7 điều, trong đó, theo thông tín viên báo Le Monde tại Bắc Kinh, Frédéric Lemaitre, có 3 điều quan trọng. Điều 2 ghi rõ Trung Quốc « kiên quyết phản đối » mọi hành động can thiệp của các lực lượng nước ngoài vào Hồng Kông. Điều 4 cho phép các cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia của Trung Quốc được đặt cơ sở và phát triển hoạt động tại Hồng Kông. Điều 6 – điều quan trọng nhất - cho phép Bắc Kinh soạn thảo các đạo luật nhằm bảo vệ an ninh quốc gia ở Hồng Kông và « ngăn chặn, chấm dứt, trừng trị bất kỳ hành vi nào gây nguy hiểm nghiêm trọng cho an ninh quốc gia, như ly khai, lật đổ chính quyền Nhà nước hoặc tổ chức, thực hiện các hoạt động khủng bố cũng như các hoạt động của nước ngoài và do nước ngoài dẫn dắt để can dự vào công việc của Hồng Kông ».
Đối với Bắc Kinh, tình hình hiện nay là do chính quyền Hồng Kông chưa từng thực thi điều 23 Luật Cơ Bản, tương đương Hiến Pháp của đặc khu hành chính, để thông qua đạo luật cho phép chính quyền thành
phố cấm « mọi hành vi phản quốc, ly khai, dụ dỗ và lật đổ ». Chính quyền đặc khu đã từng nỗ lực để làm điều đó hồi năm 2003 nhưng phải từ bỏ ý định do vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ của dân chúng. Khi đó, Bắc Kinh cảm thấy bị người dân Hồng Kông phản bội. Và cũng kể từ đó, mọi nỗ lực cải cách chính trị lớn ở Hồng Kông đều bị « đóng băng ». Điều 23 cho đến nay vẫn chưa từng được ban bố, thế nhưng người dân Hồng Kông cũng không được bầu lãnh đạo đặc khu như Hiến Pháp quy định.
Vào năm 2019, các cuộc biểu tình quy mô lớn ngày 09 và 16/06 chống dự luật dẫn độ sang Trung Quốc đã khiến Bắc Kinh bất ngờ. Sau đó, Bắc Kinh thay đại diện tại Hồng Kông. Việc người biểu tình đập phá và chiếm đóng trụ sở Quốc Hội, phỉ báng quốc kỳ Trung Quốc trong nhiều dịp, và chiếm đóng sân bay hồi tháng 8/2019 đã nhanh chóng khiến Bắc Kinh quy cho những người biểu tình là thuộc « phe ly khai », « khủng bố » lấy cảm hứng từ phương Tây.
Bài xã luận của China Daily hôm 23-24/05 nhấn mạnh là đối với Bắc Kinh, bảo vệ an ninh quốc gia là « một trách nhiệm lập hiến của đặc khu chứ không phải một sự lựa chọn theo ý muốn ». Theo chính phủ Trung Quốc, chính sự rối loạn ở Hồng Kông từ mùa hè năm 2019, chứ không phải sự đàn áp, đang gây bất ổn cho nền kinh tế đặc khu. Tuy nhiên, đối với Bắc Kinh, phe đối lập có được sức mạnh là nhờ có được sự hỗ trợ từ phương Tây. Và theo quan điểm của Bắc Kinh, cái gọi là những giá trị phổ quát của phương Tây chỉ gây ra những xung đột và làm rối loạn thế giới.
Chế độ chuyên chế không hợp với tự do cá nhân của người Hồng Kông
Thông tín viên báo Le Monde tại Hồng Kông, Florence de Changy, nhấn mạnh đến nỗi lo sợ của người dân Hồng Kông, nhất là vì hiện giờ không ai biết hệ lụy thực sự của luật an ninh quốc gia mới sẽ là gì. Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), lãnh đạo Hồng Kông, người « hoàn toàn ủng hộ » quyết định của Bắc Kinh, phát biểu hôm 23/05 là chính bà cũng không nắm được thông tin chi tiết. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra. Liệu các tòa án Hồng Kông vẫn có thẩm quyền ? Làm thế nào để đạo luật mới, dường như sẽ tiêu diệt quyền tự do, có thể cùng tồn tại với luật hiện hành ở Hồng Kông và bảo đảm các quyền tự do cá nhân được ghi trong Hiến Pháp Hồng Kông ? Biểu lộ sự phản đối đối với chính phủ có bị coi là một hành động lật đổ hay không ?
Trong bối cảnh đó, thông tín viên báo Le Monde ghi nhận nhiều thanh niên Hồng Kông rất quyết tâm để Hồng Kông được độc lập. Nhiều người hô hào « Hãy kháng cự », « Chúng ta sẽ không bao giờ đầu hàng » hay hô khẩu hiệu trấn an « Họ không thể giết hết chúng ta ! » và khẳng định « Độc lập của Hồng Kông là lối thoát duy nhất ». Đối với giới trẻ, tính chuyên chế của chính quyền Bắc Kinh không thích hợp với tự do cá nhân của người dân Hồng Kông.
Du lịch : Đại dịch làm lu mờ ngôi sao Booking.com
Covid-19 đã làm điêu đứng ngành du lịch, Booking.com, công ty hàng đầu thế giới về đặt phòng du lịch, với doanh thu hàng năm khoảng 10 tỉ euro và lợi nhuận gần 3,5 tỉ euro, cũng không phải một ngoại lệ. Trong bài viết « Đại dịch làm lu mờ ngôi sao Booking.com », Le Monde cho biết Booking.com từng tự hào là một trong những doanh nghiệp hiếm hoi trong lĩnh vực du lịch chưa từng phải sa thải nhân sự hàng loạt, nhưng nay tập đoàn đa quốc gia, có trụ sở tại Hà Lan, đã tính tới khả năng sa thải nhân viên do hoạt động trong những tháng qua giảm tới 85% so với cùng kỳ năm 2019 vì dịch bệnh Covid-19.
Le Monde nhận định đây là một cú sốc với các nhân viên của hãng, vốn rất tự hào về phong cách quản lý và chế độ đãi ngộ của Booking.com. Công ty cũng đã phải cầu cứu chính quyền Hà Lan để có tiền trả lương nhân viên. Các nhà tranh đấu thuộc các hội đoàn ở Hà Lan đang tự hỏi tại sao một công ty có lợi nhuận cao như vậy lại có thể xin trợ cấp của chính phủ. Hiện giờ vẫn chưa rõ chính phủ Hà Lan hỗ trợ cho tập đoàn này bao nhiêu tiền, nhưng Le Monde cho biết Booking đang bị chỉ trích là « vô đạo đức, ăn bám » vì hành động nói trên. Ở Liên Hiệp Châu Âu, tập đoàn này từng được biết đến là rất biết cách lách thuế và các quy định về cạnh tranh.
Trang nhất các báo Pháp
Phát hành từ chiều hôm trước, trên trang nhất báo Le Monde quan tâm đến thời sự Pháp và chạy tựa « Tuần lễ quyết định của chính phủ để chấm dứt phong tỏa ». Theo dự kiến, tuần này chính phủ Pháp phải công bố bản tổng kết đầu tiên về giai đoạn đầu dỡ bỏ phong tỏa, trước khi bước vào giai đoạn 2 từ ngày 02/06. Le Monde gọi đây là « một thử thách về sự thật » dành cho cơ quan hành pháp.
Báo La Croix cũng nói đến những khó khăn của giới lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp trong những ngày này khi họ đang phải đưa ra những quyết định sống còn trong bối cảnh bất định chưa từng có và liên tưởng tới việc « Lãnh đạo ở miền đất lạ ». Trong bài xã luận « Dự báo thế nào, lựa chọn ra sao ? », La Croix nhắc tới hai phát ngôn nổi tiếng : « Lãnh đạo là dự báo » và « Lãnh đạo là đưa ra lựa chọn, mà lựa chọn thì rất khó ». Nhưng theo La Croix, cả hai câu nói trên đều không có ích cho tổng thống và thủ tướng Pháp vì trách nhiệm của các nhà lãnh đạo chính trị và kinh tế là phải dự báo, rồi mới lựa chọn. Mà vào thời điểm này, đó là điều bấp bênh chưa từng có.
Cũng giống như Le Monde và La Croix, báo le Figaro tập trung vào nước Pháp với hàng tựa : « Phá sản, kế hoạch xã hội… Cú sốc mà Pháp rất sợ ». Nhiều công ty sẽ không thể tiếp tục trụ lại được nữa khi chính phủ rút các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Người lao động lo ngại các công ty sẽ sa thải ồ ạt nhân viên. Về thương mại, Les Echos nói tới khủng hoảng thừa. Dịch bệnh khiến mức tiêu dùng giảm và ngành dệt may đang phải trả giá.
http://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200526-t%E1%BB%B1-do-v%C3%A0-d%C3%A2n-ch%E1%BB%A7-h%E1%BB%93ng-k%C3%B4ng-th%C3%A0nh-l%C5%A9y-ch%E1%BB%91ng-ch%E1%BA%BF-%C4%91%E1%BB%99-%C4%91%E1%BB%99c-t%C3%A0i-trung-qu%E1%BB%91c
Tin tổng hợp
(Reuters) – WHO cảnh báo làn sóng đại dịch Covid-19 « thứ hai » đang đến gần.
Ngày 25/05/2020, Tổ Chức Y Tế Thế Giới báo động nhiều quốc gia, nếu dỡ bỏ quá sớm các biện pháp phong tỏa, có thể sẽ phải gánh chịu « một đỉnh dịch thứ hai ngay tức khắc ». Tiến sĩ Mike Ryan, lãnh đạo bộ phận các vấn đề khẩn cấp của WHO, giải thích : Thế giới chỉ mới đang ở giữa làn sóng dịch bệnh thứ nhất, dịch bệnh tuy thoái lùi tại nhiều nước, nhưng lại tăng mạnh ở nhiều khu vực khác, như Nam và Trung Mỹ, Nam Á và châu Phi. Ông nhấn mạnh đến việc một làn sóng dịch bệnh thứ hai có thể sẽ đến chỉ trong vòng ít tháng nữa.
(AFP) - Các vụ khởi tố tham nhũng tăng gấp đôi trong 2019 tại Trung Quốc
theo báo cáo của Viện Kiểm sát ngày 25/05/2020. Tổng cộng có 18.585 bị can phải ra tòa vì tội tham nhũng trong năm 2019, trong đó có 16 vụ liên can đến cấp chủ tịch, bí thư tỉnh hoặc bộ trưởng. Cho đến nay, ít nhất 1,5 triệu cán bộ đảng đã bị trừng phạt trong chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình.
(Yonhap) - Bắc Triều Tiên có thể tung ra tàu ngầm mới và hỏa tiễn hải đối địa.
Theo các chuyên gia ngày 25/05/2020, Bắc Triều Tiên có thể ra mắt một tàu ngầm nguyên tử mới và hỏa tiễn đạn đạo hải đối địa (MSBS). Chiếc tàu ngầm 3.000 tấn mang theo 3 MSBS đang được đóng tại căn cứ hải quân Sinpo. KCNA cho biết Kim Jong Un đã triệu tập hội nghị Hội đồng quân sự Trung ương mở rộng để thảo luận về « các chính sách mới nhằm tăng cường khả năng răn đe hạt nhân ». Đây là lần đầu tiên kể từ đầu năm 2018, Bắc Triều Tiên công khai nói về hồ sơ nguyên tử.
(Reuters) – Chính quyền Afghanistan tuyên bố trả tự do cho hơn 900 quân Taliban.
Ngày 26/05/2020, Kabul thông báo sẽ trả tự do cho gần một nghìn quân nổi dậy, và kêu gọi phe Taliban chấp nhận triển hạn lệnh ngưng bắn thêm ba ngày, về nguyên tắc sẽ hết hạn tối 26/05. Hai bên thỏa thuận ngừng bắn nhân dịp lễ Aïd el Fitr, dịp lễ quan trọng kết thúc tháng Ramadan của người theo đạo Hồi.
(AFP) – Pháp: Chính phủ và các đối tác xã hội thảo luận nhằm cải thiện điều kiện làm việc và đãi ngộ trong ngành y.
Ngày 25/05/2020, 15 ngày sau khi bắt đầu ra khỏi phong tỏa, trước hơn 300 đại diện của các công đoàn, hiệp hội, bệnh viện, bao gồm cả hai lĩnh vực công và tư, thủ tướng Edouard Philippe thông báo kế hoạch mang tên « Ségur de la Santé », nhằm huy động các ý kiến đóng góp cho việc tăng lương, tăng ngân sách cho Bảo hiểm y tế… Theo thủ tướng Pháp, các quyết định sẽ được đưa ra trong tháng 7.
(AFP) - Tổng thống Pháp loan báo hỗ trợ mạnh cho công nghiệp xe hơi.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 26/05/2020 loan báo một kế hoạch quy mô để hỗ trợ cho ngành sản xuất xe hơi, bị ảnh hưởng nặng nề sau hai tháng phong tỏa. Lãnh vực này thu dụng 400.000 nhân công trực tiếp, có thị trường sụt mất 4 lần vì đại dịch virus corona. Trước đó chính phủ cũng đã dành 3 tỉ euro để hỗ trợ tập đoàn Renault, nơi nhà nước giữ 15% cổ phần.
(AFP) – Tàu dầu tiếp viện đầu tiên của Iran cập bến Venezuela.
Ngày 25/05/2020, một chuyến tàu đầu tiên, trong số 5 chuyến theo kế hoạch, đã cập một cảng biển Venezuela, nơi có một nhà máy lọc dầu. Venezuela – vốn là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ – lâm vào tính trạng thiếu dầu. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng kể từ đầu đại dịch Covid-19. Trong những ngày gần đây, chính quyền Iran cảnh báo sẽ trả đũa, nếu Hoa Kỳ ngăn cản việc xuất khẩu dầu sang Venezuela.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200526-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 26/5:
Ông Trump sẽ không dung thứ
hành vi kiểm duyệt thông tin của Facebook, Google
Lục DuMục Điểm tin thế giới sáng thứ Ba (26/5) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Ông Trump sẽ không dung thứ hành vi kiểm duyệt thông tin của Facebook, Google
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nói rằng chính quyền Trump “sẽ không dung thứ” cho việc nhiều phương tiện truyền thông xã hội và các công ty công nghệ lớn tìm cách ngăn cản những tiếng nói ủng hộ văn hóa truyền thống trong cuộc bầu cử tổng thống 2020, theo bản tin hôm thứ Hai của Breitbart News.
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Breitbart News vào thứ Sáu tuần trước (22/5), khi được hỏi quan điểm về việc các công ty công nghệ như Twitter, Facebook, Google bị cáo buộc kiểm duyệt thông tin, ông Pence cho biết Tổng thống Trump đã khẳng định rằng loại hành vi này là không thể chấp nhận được.
Tạp chí Phố Wall đã báo cáo vào cuối tuần qua rằng Tổng thống Trump đang cân nhắc việc thành lập một hội đồng điều tra những hành vi bóp nghẹt tiếng nói của những người ủng hộ văn hóa truyền thống phương Tây, tức những người bị phe khuynh tả gán nhãn “bảo thủ”.
WHO cảnh báo ‘đỉnh dịch thứ hai’
Dịch viêm phổi Vũ Hán tại một số quốc gia đang suy giảm, nhưng những quốc gia này vẫn có thể phải đối mặt với “đỉnh dịch thứ hai” nếu họ nới lỏng quá sớm các biện pháp phòng chống dịch, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo hôm thứ Hai (25/5), theo Reuters.
Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của (WHO) nói rằng thế giới vẫn đang ở giữa làn sóng dịch đầu tiên. Ông nhấn mạnh rằng trong khi số ca bệnh đang giảm ở nhiều quốc gia, thì tình hình ở Trung và Nam Mỹ, Nam Á và châu Phi đang nghiêm trọng hơn.
Ông Ryan nhận định, dịch bệnh thường biến thiên theo đợt, điều đó có nghĩa là dịch bệnh có thể quay trở lại vào cuối năm nay tại những nơi mà đợt sóng đầu tiên đã lắng xuống. Đồng thời ông cũng cảnh báo tốc độ lây nhiễm tăng trở lại nhanh hơn nếu các biện pháp ngăn chặn dịch trong làn sóng đầu tiên được dỡ bỏ quá sớm.
Bắc Kinh nói xấu biểu tình Hồng Kông, dọn đường cho luật an ninh
Văn phòng Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Hồng Kông hôm thứ Hai tuyên bố rằng một số cuộc biểu tình dân chủ ở Hồng Kông “có bản chất khủng bố” và “những kẻ gây rối” đã thông đồng với thế lực ngoại bang tạo ra những “nguy hiểm” cho an ninh quốc gia, theo Reuters.
Ông Tạ Phong (Xie Feng), đại diện của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Hồng Kông, đưa ra những phát biểu này khi nói về dự luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông. Ông Tạ cũng trấn án rằng dự luật này không làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế của hòn đảo. Đây được xem là một động thái dọn đường cho dự luật mà Bắc Kinh muốn thông qua trong kỳ họp quốc hội đang diễn ra.
Dự luật an ninh quốc gia của Trung Quốc đang vấp phải sự phản đối gay gắt của người dân Hồng Kông và các quan chức trên thế giới vì họ lo ngại rằng nó sẽ hủy hoại các quyền tự do cơ bản của con người ở nơi vốn từng là thuộc địa của Anh.
Ngăn suy thoái do virus, Thái Lan thúc đẩy du lịch nội địa
Thái Lan đang có kế hoạch thúc đẩy du lịch nội địa trong quý III để hỗ trợ nền kinh tế đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch viêm phổi Vũ Hán, cơ quan kế hoạch nhà nước Thái Lan (PA) cho biết thông tin hôm thứ Hai (25/5), theo Reuters.
Theo PA, nền kinh tế vốn dựa nhiều vào hoạt động du lịch của Thái Lan có thể sẽ suy giảm 6% trong năm nay. Đây là mức giảm tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng khoảng tài chính châu Á 1997-1998.
Một quan chức ngành du lịch Thái Lan tiết lộ với Reuters, chính phủ Thái Lan dự kiến sẽ tung ra một gói kích thích du lịch nội địa bắt đầu từ tháng Bảy. Chi tiết về kế hoạch này sẽ được công bố vào giữa tháng Sáu.
Trung Quốc: Thói quen dùng đũa làm tăng nguy cơ lây virus
Tờ NYTimes hôm thứ Hai cho biết thói quen dùng đũa cá nhân để chia sẻ thức ăn với người khác của người Trung Quốc có thể làm tăng nguy cơ lây lan virus Vũ Hán.
Theo tờ báo của Mỹ, giới chức và chuyên gia y tế Trung Quốc đang cố gắng thay đổi điều này bằng cách khuyên người dân sử dụng một đôi đũa trung gian trong bữa ăn và gọi đây là một “cuộc cách mạng bàn ăn”.
Một số nhà hàng và thực khách đã chú ý đến lời kêu gọi này. Các nhà hàng đang giảm giá cho những thực khách sử dụng đũa trung gian. Tại thành phố Hàng Châu ở phía đông Trung Quốc, hơn 100 nhà hàng nổi tiếng đã thành lập “Liên minh phục vụ đũa”.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-26-5-ong-trump-se-khong-dung-thu-hanh-vi-kiem-duyet-thong-tin-cua-facebook-google.html
Điểm tin thế giới chiều 26/5:
Carrie Lam tuyên bố
luật an ninh không làm Hồng Kông mất tự do
Hải LamMục Điểm tin thế giới chiều thứ Ba (26/5) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Carrie Lam tuyên bố luật an ninh không làm Hồng Kông mất tự do
Reuters đưa tin, lãnh đạo đặc khu hành chính Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) hôm nay tuyên bố luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh đề xuất sẽ không làm mất đi sự tự do của thành phố.
“Chúng ta không cần phải lo lắng”, bà Lâm nói trong cuộc họp báo.
“Trong 23 năm qua, bất cứ khi nào mọi người lo ngại về quyền tự do ngôn luận và tự do kháng nghị của Hồng Kông, thì Hồng Kông đã liên tục chứng minh rằng chúng tôi có thể duy trì và bảo tồn những giá trị đó”, trưởng đặc khu nhấn mạnh.
Tuy nhiên, cũng giống như những người ủng hộ dự luật của Bắc Kinh, bà Lâm không đề cập đến các quyền tự do mà Hồng Kông có quyền hưởng sẽ được duy trì như thế nào.
Mặc dù nhiều quan chức Bắc Kinh và bà Lâm hứa hẹn luật an ninh quốc gia sẽ không ảnh hưởng tới cư dân của hòn đảo, cũng như sự tự do tại nơi đây, song các nhà ủng hộ dân chủ Hồng Kông cho rằng, việc dự luật được thông qua sẽ đặt dấu chấm hết cho chính sách “Một quốc gia, Hai chế độ”. Hàng ngàn người dân Hồng Kông chiều 24/5 đã xuống đường phản đối dự luật của Bắc Kinh.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói luật an ninh quốc gia là “hồi chuông báo tử” cho sự tự do của Hồng Kông. Tổng thống Donald Trump cũng từng cảnh báo, ông sẽ “phản ứng mạnh mẽ” nếu Bắc Kinh ban hành luật này.
WHO dừng thử nghiệm thuốc sốt rét để điều trị Covid-19
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ngừng thử nghiệm thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine cho các bệnh nhân mắc Covid-19 do lo ngại về vấn đề an toàn, theo AFP.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết dữ liệu an toàn của thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine đang được xem xét. Động thái này của WHO được đưa ra sau khi The Lancet, tạp chí y khoa nổi tiếng của Anh, tuần qua công bố kết quả nghiên cứu cho thấy việc dùng hydroxychloroquine để điều trị Covid-19 có thể làm tăng nguy cơ tử vong.
Trực thăng quân sự Nga rơi, 4 người thiệt mạng
Tờ Radio Free Europe cho biết, một trực thăng Mi-8 của không quân Nga đã bị rơi sáng sớm nay ở gần thị trấn Anadyr, tỉnh Chukotka. Bộ Quốc phòng Nga cho biết nguyên nhân có thể là do lỗi kỹ thuật. Trên máy bay có ba thành viên phi hành đoàn và một kỹ thuật viên, tất cả đã thiệt mạng.
Vua sòng bài Ma Cao qua đời
Ông Stanley Ho Hung-sun, người được mệnh danh là “Vua sòng bài Ma Cao” đã qua đời hôm nay ở tuổi 98.
AFP dẫn tin từ gia đình ông Stanley Ho cho biết, ông qua đời vào lúc 1 giờ chiều trong bệnh viện. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Stanley Ho là ông trùm kinh doanh tại Hồng Kông và Ma Cao với đế chế kinh doanh quyền lực SJM – doanh nghiệp được định giá khoảng 6,4 tỷ USD. Ông Stanley Ho cũng là người đã đưa Ma Cao vượt Las Vegas (Mỹ) trở thành kinh đô sòng bài của thế giới.
Stanley Ho có 17 người con với 4 người vợ. Ông từng phải tái cấu trúc công ty sau một cuộc chiến pháp lý về tài sản trong gia đình năm 2012.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-chieu-26-5-carrie-lam-tuyen-bo-luat-an-ninh-khong-lam-hong-kong-mat-tu-do.html
Tạp chí kinh tế
Covid-19 : Dầu hỏa rẻ như nước lã ?
Thanh HàSau tháng Tư đen tối, dầu hỏa thế giới chật vật lắm mới được tạm ổn định trong tháng 5/2020 với giá 30-35 đô la một thùng. Các nhà sản xuất thất điên bát đảo vì Covid-19. Nguy cơ virus corona khép lại thời đại vàng son của dầu lửa thêm cận kề. Virus corona phá hoại chiến lược phát triển của vương quốc dầu hỏa Ả Rập Xê Út.
Vào đỉnh điểm mùa dịch Covid-19, như tất cả các lĩnh vực khác, dầu hỏa cũng lâm vào tình trạng « hàng bán không ai mua ». Tháng 3/2020, Trung Quốc chưa nguôi ngoai, Hàn Quốc trong tâm dịch, và các nước châu Âu, đầu tiên là Ý rồi tới Pháp, Tây Ban Nha lần lượt « đóng cửa » chống virus corona lây lan rồi Covid-19 lan sang tới Hoa Kỳ. Giá một thùng dầu Brent của châu Âu mất giá hơn 50 % so với cùng thời kỳ năm ngoái và mất giá trên 40 % so với đúng một tháng trước đó.
Theo thống kê của Viện INSEE Pháp đây là mức « trượt dốc nhanh nhất trong 60 năm qua ». Ngoài tác động của virus corona từng bước làm tê liệt kinh tế toàn cầu, cuộc đọ sức giữa hai nguồn cung cấp lớn nhất thế giới là Ả Rập Xê Út và Nga tại hội nghị ở Vienna hôm 06/03/2020 càng « đổ thêm dầu vào lửa » dẫn đến sự « sụp đổ » về giá dầu trên các thị trường quốc tế.
Ả Rập Xê Út và Nga đình chiến
Hơn một tháng sau, khủng hoảng y tế thêm trầm trọng, Mỹ đã can thiệp, thuyết phục Matxcơva và Riyad tìm được một sân chơi chung. Nga và Ả Rập Xê Út cùng với các đối tác trong và ngoài khối các quốc gia xuất khẩu dầu lửa gọi tắt là OPEC và OPEC+ đã đồng ý cắt giảm sản lượng gần 10 triệu thùng dầu mỗi ngày - tương đương với 10% nhu cầu tiêu thụ của toàn cầu, trong hai tháng 5 và 6/2020.
Trong lịch sử của khối OPEC, chưa bao giờ các thành viên cùng với các đối tác ngoài OPEC mà đứng đầu là Nga lại đưa ra một quyết định mạnh tay như vậy. Thỏa thuận này được triển hạn đến tháng 5/2022 với mức độ cắt giảm « nhẹ » hơn.
Ứ đọng trên thị trường
Tuy nhiên trước khi có thỏa thuận dầu hỏa « lịch sử » nói trên, trên thị trường Mỹ, giá dầu WTI đã rơi xuống số âm trong phiên giao dịch 20/04/2020. Đơn giản là do các kho chứa dầu đã gần bị quá tải, trong lúc vàng đen vẫn trong tình cảnh « hàng bán không ai mua ». Ngay cả khi nhóm OPEC+ cam kết cắt giảm sản xuất, thì chênh lệnh về cung và cầu cũng còn quá lớn : Thế giới vẫn « dư thừa » đến 20 triệu thùng dầu một ngày.
Tình trạng dầu rẻ sẽ kéo dài
Gần một tháng kể từ khi thỏa thuận giữa OPEC và các thành viên ngoài khối có hiệu lực, giá dầu « ngoi lên » trở lại ở mức 30-35 đô la một thùng như hồi đầu 2020. Ba yếu tố giải thích cho hiện tượng « tạm ổn định » này.
Một là mức sản xuất đang từ 42-43 triệu thùng/ngày rơi xuống còn 34 triệu thùng kể từ hôm 01/05/2020. Thứ hai là các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ không đủ sức chịu đựng trước sự sụp đổ của dầu lửa thế giới nên đã lần lượt ngưng hoạt động. Trong tháng 4/2020, thị trường mất đi gần 200.000 thùng dầu đá phiến của Mỹ. Yếu tố khá bất ngờ thứ ba, tuy không quan trọng lắm nhưng cũng góp phần giữ cho giá dầu ổn định đó là khả năng sản xuất của Kazakhstan bị thiệt hại đáng kể : virus corona đã len lỏi vào một trong những mỏ dầu lớn nhất của quốc gia Trung Á này. 17.000 nhân viên phải « sơ tán » khỏi mỏ dầu Tenguiz.
Trả lời đài RFI Pháp ngữ, chuyên gia về dầu hỏa Francis Perrin, giám đốc nghiên cứu Viện Nghiên Cứu Quốc Tế và Chiến Lược (IRIS) nhận định:
« Rõ ràng là mức tiêu thụ dầu hỏa giảm trong năm nay và đây là lần đầu tiên hiện tượng này tái diễn kể từ năm 2009. Điều này cho thấy khủng hoảng y tế đã tác động như thế nào tới các hoạt động kinh tế. Kinh tế toàn cầu bị trì trệ. Tuy nhiên theo tôi, trong sáu tháng cuối năm nay, tình hình sẽ khả quan hơn. Trong tháng Tư vừa qua chẳng hạn, chỉ số tiêu thụ dầu hỏa giảm từ 20 đến 30% trên toàn cầu so với cùng thời kỳ năm ngoái. Trong lịch sử của ngành năng lượng dầu hỏa, thì đây là mức tệ hại chưa từng thấy kể từ năm 1945 ».
Dù vậy cỗ máy kinh tế của Trung Quốc không khởi động lại một cách nhanh chóng như mong đợi, còn châu Âu thì « đang trông thấy khủng hoảng về kinh tế ở trước mặt ». Nhiều nghiên cứu cho thấy với giá dầu ở mức trên dưới 35 đô la một thùng, ngay cả Ả Rập Xê Út cũng điêu đứng. Gần như hoàn toàn lệ thuộc vào công nghiệp dầu lửa, Riyad chỉ có thể cân bằng ngân sách chi – thu với giá dầu khoảng 80 đô la một thùng. Tại Mỹ, nếu dầu hỏa thấp hơn ngưỡng 65 đô la tất cả các nhà sản xuất dầu đá phiến đều thua lỗ. Nga cần bảo đảm xuất khẩu dầu hỏa với giá trên dưới 50 đô la một thùng. Chuyên gia Francis Perrin phân tích tiếp :
« Tất cả các nhà sản xuất đều bị thiệt hại trong tình hình hiện nay, do giá dầu và mức tiêu thụ đang sụp đổ. Không một ai có lợi gì trong thời điểm này. Có điều mức độ nghiêm trọng tùy thuộc vào nhiều yếu tố mà quan trọng nhất là khả năng tài chính của từng quốc gia. Khi dầu hỏa mất giá, nguồn thu nhập của các nước xuất khẩu dầu qua đó giảm theo. Ngân sách Nhà nước bị thu hẹp lại. Những nước này rơi vào cảnh chi nhiều hơn thu.
Câu hỏi đặt ra là liệu đủ sức để chống chỏi với tình huống khó khăn đó hay không và bao lâu ? Chúng ta biết là phần lớn các vương quốc dầu hỏa Trung Đông, như Ả Rập Xê Út, Qatar Koweit hay là Nga có một khoản dự trữ tiền tệ rất lớn. Ngược lại, những nước như Iran hay Venezuela hoặc Algeri thì không có được lợi thế đó. Dù vậy trong bối cảnh hiện tại, dịch Covid-19 làm tê liệt một phần các hoạt động kinh tế, ngay cả những nhà sản xuất lớn cũng bị lao đao. Thành thử giải pháp thiết thực duy nhất là hợp tác quốc tế ».
Covid-19 thách thức vương quốc dầu hỏa Ả Rập Xê Út
Trong số các nước xuất khẩu dầu hỏa, Ả Rập Xê Út tuy không còn « một mình một chợ » nhưng luôn được xem là đối tác quan trọng nhất với khả năng « khóa hay mở van dầu » dễ dàng nhất và có gói dự trữ ngoại tệ « an toàn » nhất. Dù vậy vương quốc dầu hỏa này tại Trung Đông bắt đầu phải đối mặt với thực tế.
Phóng viên báo Le Figaro, Georges Malbrunot chuyên về khu vực Trung Cận Đông nêu lên viễn cảnh virus corona đe dọa « thời kỳ hoàng kim » của vương quốc dầu hỏa này :
« Nguy cơ cả một tầng lớp trẻ tại Ả Rập Xê Út vùng lên đòi công lý ngày càng lớn, nhất là khi mà thái tử Mohamad Ben Salman từ 2016 đề xuất kế hoạch chuyển đổi nền kinh tế, giảm bớt lệ thuộc vào dầu hỏa. Theo kế hoạch Tầm Nhìn 2030 này, thì năm nay là thời điểm Ả Rập Xê Út thu hoạch được những thành quả kinh tế đầu tiên. Quan trọng nhất trong số những mục tiêu của Riyad là đem lại việc làm cho thanh niên tại vương quốc dầu hỏa này. Nhưng với khủng hoảng hiện tại, thái tử Bel Salman không có thành tích nào để trấn an công luận cả. Thêm vào đó ông này lại chủ trương cai trị đất nước với một bàn tay sắt, gia tăng các biện pháp trấn áp nhằm vào thường dân và kể cả với hoàng gia. Kết quả về kinh tế thì chẳng có, bất mãn về chính trị và trong xã hội ngày càng nhiều. Chính phủ tăng thuế… Một vài cuộc nổi dậy ở quy mô nhỏ đã bùng lên, và trước mắt chính quyền đã dễ dàng dập tắt. Điểm may mắn ở đây là Ả Rập Xê Út vẫn còn nguồn dự trữ ngoại tệ dồi dào và vẫn có khả năng đi vay trên thị trường với lãi suất thấp ».
Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế dự báo GDP của Ả Rập Xê Út giảm 2,3% trong năm 2020. Riyad thông báo cắt giảm ngân sách 25 tỷ đô la, thuế trị giá gia tăng TVA đang từ 5% nhảy vọt lên thành 15%. Lần đầu tiên thần dân của quốc vương Salman nếm mùi các biện pháp thắt lưng buộc. Dịch Covid-19 càng làm lộ rõ những bất cập của cỗ máy kinh tế Ả Rập Xê Út hoàn toàn bị vàng đen chi phối và rủi thay là trong mắt các nhà đầu tư quốc tế, uy tín của Riyad đang mai một như giải thích của nhà địa chính trị Pascal Boniface, giám đốc Viện Nghiên Cứu Quốc Tế và Chiến Lược Pháp :
« Ả Rập Xê Út không còn độc quyền trên thị trường dầu hỏa, nhưng vẫn là một mắt xích then chốt và đủ sức để áp đặt luật chơi. Giới trong ngành biết rằng, không thể quyết định bất kỳ điều gì nếu không có sự đồng ý của Riyad. Có điều, Ả Rập Xê Út đã tư hữu hóa một phần tập đoàn dầu khí quốc gia Aramco và đã không thu hút được chú ý của các nhà đầu tư như mong đợi. Điều này chứng tỏ giới tư bản rất thận trọng với Ả Rập Xê Út, đặc biệt là với tính khí thất thường của thái tử Mohamad Bel Salman. Ông này đi từ thất bại này đến thất bại khác. Từ quyết định can thiệp quân sự tại Yemen, đến phong tỏa Qatar… Về phương diện quốc tế, thái tử Bel Salman không ghi được bất kỳ một bàn thắng quan trọng nào, đó là chưa kể tai tiếng liên quan đến vụ sát hại nhà báo Kashogghi ».
Dầu hỏa rớt giá gây khó khăn của Ả Rập Xê Út và khiến phương Tây đau đầu bởi Riyad là một trong những khách hàng quan trọng nhất mua vũ khí của Âu, Mỹ và Nga. Năm 2019 Ả Rập Xê Út mua hơn 57 tỷ đô la trang thiết bị quân sự. Ngân sách quốc phòng của Ả Rập Xê Út tương đương với 8% GDP. Nga là 3,9% hay Mỹ là 3,4%.
Với giá dầu dưới ngưỡng 40 đô la một thùng, có nguy cơ buộc vương quốc này xét lại các ưu tiên. Những nhà cung cấp vũ khí trên thế giới lo ngại rằng, một số hợp đồng đã ký với Riyad sẽ bị hủy bỏ.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200526-covid-19-d%E1%BA%A7u-h%E1%BB%8Fa-r%E1%BA%BB-nh%C6%B0-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-l%C3%A3
0 comments