Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 13/05/2020

Wednesday, May 13, 2020 6:44:00 PM // ,

Đọc báo Pháp – 13/05/2020

Trung Quốc thực sự có «quyền lực mềm»? – Thùy Dương

Như thường lệ, Le Monde giới thiệu với độc giả tình hình dịch bệnh ở nhiều quốc gia: «nghịch lý giải tỏa» tại Đức, «hiệu quả đáng gờm của các đạo quân chống virus corona tại Áo». Nhìn sang châu Á, Le Monde dự báo nguy cơ «nô lệ hóa lao động» tại Ấn Độ do nhiều bang quyết định kéo dài thời gian làm việc của người lao động lên thành 72h/tuần. Còn về châu Phi, Le Monde đề cập tới «tình trạng hỗn loạn» do giá dầu thô giảm.
Liên quan đến Trung Quốc, Le Monde phân tích «Những điều bí ẩn ở Đại hội thể thao quân đội thế giới Vũ Hán» hồi tháng 10/2019, với sự tham gia của 10.000 vận động viên quân đội từ nhiều nước, trong đó có Mỹ, Pháp, Ý, Thụy Điển … Le Monde dẫn lại một số vận động viên các nước, theo đó nhiều người có các biểu hiện mệt mỏi, sốt khác thường khi ở Vũ Hán hay sau khi về nước. Điều lạ là họ được lệnh không cung cấp thông tin cho báo chí. Nghi vấn virus corona lây lan ra thế giới từ Đại hội thể thao quân đội thế giới. Vũ Hán vẫn đang để ngỏ.
Le Monde cũng có một bài viết đáng chú ý khác: «Quyền lực mềm của Trung Quốc thất bại». Tờ báo nhận định các nỗ lực của Bắc Kinh để phát triển «ngoại giao khẩu trang» không đủ để cải thiện hình ảnh của Trung Quốc trong mắt quốc tế. Trong khi Bắc Kinh tự cao tự đại là cứu thế giới với việc xuất 28 tỉ khẩu trang đến 130 nước, hình ảnh của Trung Quốc không những không được cải thiện mà còn xấu đi.
Một bài viết mới đây của Viện Hàn Lâm Khoa Học Trung Quốc có tiêu đề «Làm thế nào để đáp trả lại tốt hơn những đòn tấn công chống Trung Quốc» đã nhắc đến thái độ «thù địch» mà Bắc Kinh đã gây ra ở châu Âu. Thậm chí một báo cáo của Trung tâm nghiên cứu an ninh Nhà nước Trung Quốc còn đánh giá thái độ bài Trung Quốc chưa bao giờ dâng cao đến như vậy trên thế giới, kể từ vụ thảm sát Thiên An Môn hồi năm 1989. Reuters tiết lộ báo cáo gửi đến Tập Cận Bình không loại trừ khả năng nổ ra một cuộc xung đột vũ trang giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới Mỹ – Trung.
Ngay cả tại châu Phi, vốn rất được ngành ngoại giao Trung Quốc chú ý, Trung Quốc cũng không tránh khỏi bị chỉ trích, nhất là tại Nigeria, vì người dân nước họ bị kỳ thị ở Trung Hoa đại lục. Theo Le Monde, một dấu hiệu khác đáng lo ngại đối với Bắc Kinh là nhiều chuyên gia người Bắc Triều Tiên và châu Âu chuyên nghiên cứu về Trung Quốc và đã dành một phần tuổi trẻ để học tiếng Trung, vì bị đất nước và nền văn hóa Trung Hoa mê hoặc, nay lại là những nhà phê bình Bắc Kinh mạnh nhất trên các mạng xã hội, cho dù hiếm khi bối cảnh thế giới thuận lợi cho Trung Quốc như trước khi xảy ra bệnh dịch: Tổng thống Hoa Kỳ không quan tâm đến vai trò quốc tế, Ấn Độ cũng thu mình, châu Âu đang phải vật lộn với chính mình, còn Nga không còn đủ lực thực hiện các tham vọng.
Thành công mạnh mẽ về kinh tế, Trung Quốc có một mô hình phát triển có thể đề xuất ra thế giới. Bắc Kinh cũng có một « hộp công cụ » - chương trình đầu tư « Con đường tơ lụa mới » với phương tiện tài chính dồi dào. Tuy nhiên, như đại sứ Úc tại Bắc Kinh giai đoạn 2007-2011, Geoff Raby, tóm lược thì « Trung Quốc không có quyền lực mềm », chính xác hơn là Bắc Kinh không thể khiến họ có được thiện cảm hơn. Mọi người có thể ngưỡng mộ sức mạnh kinh tế và công nghệ của Trung Quốc, nhưng lại không muốn theo lối sống ở Trung Quốc và nhất là không ai muốn sống ở quốc gia này.
Theo điều tra năm 2019 của Viện Pew Research, trong số 30 quốc gia, Mỹ có cái nhìn tốt hơn về Trung Quốc so với 21 quốc gia khác. Tại châu Á và châu Thái Bình Dương, Trung Quốc bị xem là một mối đe dọa hơn là một đồng minh. Việc Donald Trump không được lòng người dân các nước cũng không giúp gì thêm cho Tập Cận Bình. Chỉ có người dân Nga mới đánh giá ông Tập cao hơn ông Trump. Đối với Geoff Raby, hàng tỉ đô la Bắc Kinh chi ra để cải thiện hình ảnh của Trung Quốc ở nước ngoài là một trong những sự lãng phí của công lớn nhất ở đất nước này. Các nước không thể không sợ một đất nước mà các nhà ngoại giao bị coi là những « chiến binh sói ».  
Điều sâu xa hơn, như chuyên gia về Trung Quốc, Nadège Rolland, thuộc Văn phòng quốc gia về nghiên cứu châu Á, đã phát biểu trước Quốc Hội Mỹ, là việc Bắc Kinh quảng bá Trung Quốc là một nền văn hóa, lịch sử và dân tộc duy nhất trên thế giới cho thấy quan điểm của họ là không có nước nào phù hợp hơn Trung Quốc để làm hình mẫu phát triển kinh tế và chính trị cho thế giới, và chỉ có đảng Cộng Sản Trung Quốc mới có thể chỉ ra con đường thế giới cần đi.
Bà Anne Cheng, giáo sư Viện khoa học có uy tín của Pháp Collège de France, tác giả bài phân tích « Đại dịch và toàn cầu hóa kiểu Trung Quốc » đã nhấn mạnh là trong vòng 4 thập kỷ qua, Bắc Kinh đã thay đổi quan điểm, từ « Trung Quốc trong thế giới », đến « Trung Quốc và thế giới », và nay thì « Trung Quốc là thế giới ». Bắc Kinh coi là dưới bầu trời này chỉ có duy nhất Trung Quốc. Le Monde kết luận : Khi mơ về một « thế giới Trung Hoa », Tập Cận Bình không thể điều chỉnh chế độ thích nghi với phần còn lại của thế giới.
Covid-19 – Pháp khủng hoảng kinh tế nặng nhất châu Âu : Không phải điều tình cờ
Khác với Le Monde, báo Le Figaro hôm nay tập trung vào gánh nặng khủng hoảng mà nước Pháp phải chịu đựng. Le Figaro chạy tựa trang nhất « Khủng hoảng kinh tế : Nước Pháp bị tác động nhiều hơn các nước khác ». Do tác động của dịch bệnh, tăng trưởng quý 1/2020 của Pháp giảm 5,8%, mức giảm nhiều nhất Liên Âu, nhiều hơn so với Đức (5,2%), Ý (4,7%) và Tây Ban Nha (2%). Liên Âu dự báo kinh tế Pháp năm nay sẽ sụt giảm khoảng 8%. Theo Le Figaro, điều này chủ yếu là do các biện pháp phong tỏa chống dịch nghiêm ngặt mà chính phủ ban hành, các quy định vệ sinh y tế khi giải tỏa lại không rõ ràng khiến việc tái khởi động của các doanh nghiệp bị chậm, trợ cấp thất nghiệp bán phần lại quá hào phóng. Giới chủ doanh nghiệp Pháp hiện giờ đang lo ngại sự chậm chạp của các công ty Pháp sẽ tạo lợi thế cho các đối thủ cạnh tranh nước ngoài.
Con sóng thần Covid-19 đã quét sạch mọi thứ trên đường nó qua, đại dịch Covid-19 cũng như cú sét khủng khiếp đánh xuống cả hành tinh, để lại những hậu quả nặng nề kéo dài cho mỗi nước. Theo những ước tính ban đầu, Pháp sẽ lâm vào suy thoái kinh tế mạnh hơn, với tỉ lệ thất nghiệp cao hơn và ngân sách Nhà nước sẽ thâm thủng hơn nhiều so với các quốc gia khác. Trong bài xã luận « Đâu phải tình cờ … », Le Figaro đi tìm lý do sâu xa giải thích những vấn đề của nước Pháp. Những viễn cảnh ảm đạm không phải tình cờ mà có, chủ yếu là do đất nước đã bị gặm nhấm bởi những điều đặc biệt : trước khi xảy ra khủng hoảng Covid-19, các cuộc xung đột xã hội đã kéo dài suốt nhiều tháng, điển hình là phong trào đấu tranh Áo Vàng trong hơn 1 năm, hai đợt đình công lớn của ngành giao thông công cộng. Nước Pháp bước vào khủng hoảng trong cảnh thiếu thốn, nhưng theo Le Figaro, nước Pháp là nạn nhân của chính mình : thiếu khẩu trang, xét nghiệm, giường bệnh, máy trợ thở.
Phong tỏa đất nước, chính phủ đã áp dụng chính sách trợ cấp thất nghiệp bán phần mà Le Figaro coi là « không giống ai ». Nhà nước hiện giờ đang góp phần chi trả lương cho 12 triệu lao động thuộc lĩnh vực tư nhân. Người lao động và các doanh nghiệp dĩ nhiên là thấy nhẹ nhõm hơn, nhưng hoạt động kinh tế đang bị chậm lại. Từ hai ngày nay, chính quyền mới nới lỏng các biện pháp phong tỏa, trong khi các đối thủ của Pháp đã tái khởi động ở tốc độ tối đa. Nước Pháp bước vào khủng hoảng Covid-19 trong cảnh « cạn tiền, cháy túi », và sau giai đoạn phong tỏa, nước Pháp hoàn toàn kiệt sức, với tỷ lệ nợ cao gấp rưỡi so với láng giềng Đức.
Một số người cho rằng Pháp sẽ phải trả giá cho chủ nghĩa tự do thái quá. Tuy nhiên, virus corona cũng chứng minh điều hoàn toàn ngược lại : Quốc gia « chi tiêu phóng tay » nhất và « Nhà nước hóa » mạnh nhất trong số các nền dân chủ lớn trên thế giới cũng là nước dễ bị tổn thương nhất.
Châu Á giãn cách kinh tế với Trung Quốc
Trong lĩnh vực kinh tế, báo Les Echos nói về « Hồi hương sản xuất : Giấc mơ mới của Pháp ». Cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu đã mở ra những tranh luận về việc hồi hương các dây chuyền sản xuất công nghiệp về Pháp. Có rất nhiều đường hướng, nhưng Les Echos lưu ý là các khó khăn, hạn chế cũng không ít. Nhìn ra châu Âu, Les Echos cho biết Bruxelles đang tính đến phương án hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp chiến lược của Liên Hiệp : thành lập các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp đối phó với khủng hoảng và nguy cơ bị nước ngoài « thôn tính ».
Liên quan đến Trung Quốc, Les Echos nhận định « Các doanh nhân nước ngoài khó quay trở lại Trung Quốc ». Để hạn chế các ca nhiễm bệnh mà Bắc Kinh coi là « nhập khẩu » từ ngước ngoài, ngày 28/03 Trung Quốc ra lệnh cấm người ngoại quốc đến nước này, kể cả người có giấy phép cư trú, doanh nhân, chủ doanh nghiệp có cơ sở tại Trung Quốc … Nhưng hiện giờ, để tái kích hoạt nền kinh tế, Bắc Kinh bắt đầu nới lỏng biện pháp nói trên, thảo luận với các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức … hay bí mật thương lượng với từng doanh nghiệp đối tác lớn như Volkswagen của Đức, PSA của Pháp để các lãnh đạo và nhân viên của các tập đoàn sớm được quay trở lại Trung Quốc làm việc.
Les Echos cũng chú ý đến « Ý định của các nước châu Á về giãn cách kinh tế với Trung Quốc ». Tranh thủ cuộc khủng hoảng dịch bệnh, chính quyền nhiều nước châu Á hy vọng thuyết phục được các doanh nghiệp ngưng phụ thuộc vào hàng « Made in China ». Những nước này đã nhận thấy Trung Quốc dễ bị tổn thương và thiếu minh bạch như thế nào !
Trong số đó, Nhật Bản là nước đầu tiên đề xuất gói hỗ trợ 248 tỉ yen (2,2 tỉ euro) cho các doanh nghiệp muốn đưa các dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc về nước. New Delhi khuyến khích các nhóm công tác kinh tế tăng cường liên hệ với các tập đoàn Mỹ đặt tại Trung Quốc để đề xuất họ chuyển sang Ấn Độ với những điều kiện ưu đãi hơn. Chính quyền Seoul cũng thành lập một nhóm công tác đặc biệt với Phòng Thương Mại Và Công Nghiệp Hàn Quốc để tạo thuận lợi cho các công ty chuyển hoạt động sản xuất về nước.
Trong khi một số tập đoàn lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan còn do dự trong việc hồi hương sản xuất vì nhiều lý do kinh tế, một số doanh nghiệp đã hướng tới việc mở rộng sản xuất ở các nước châu Á khác, nhất là Việt Nam, Indonesia và Thái Lan.

Tin tổng hợp
(Reuters) – Hai vụ khủng bố đẫm máu tại Afghanistan.
Một nhóm thánh chiến thuộc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo nhận là tác giả vụ khủng bố tự sát tại tỉnh Nagarhar, miền đông Afghanistan hôm 12/05/2020, làm 24 người chết và gần 70 người bị thương. Cùng ngày, một toán vũ trang tấn công một bệnh viện tại thủ đô Kaboul làm 16 người chết trong đó có hai trẻ sơ sinh. Cả hai vụ tấn công nói trên diễn ra vào lúc tổng thống Afghanistan, thông báo khởi động lại chiến dịch tấn công quân Taliban.
(AFP) – UNICEF cảnh báo nguy cơ mỗi ngày 6.000 trẻ em thiệt mạng do tác động gián tiếp Covid-19 gây nên. 
Trong thông cáo ngày 13/05/2020 Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc kêu gọi quốc tế “khẩn cấp hành động”. Theo kịch bản đen tối nhất của đại học Mỹ Johns Hopkins, sẽ có đến 1,2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tại 118 quốc gia chậm phát triển có thể chết trong 6 tháng tới do các nỗ lực ngăn ngừa Covid-19 lây lan tại các quốc gia này làm xáo trộn các hoạt động bảo đảm về y tế, vệ sinh và lương thực cho các đối tượng cần được giúp đỡ.
(Reuters) – Hơn 9.000 ca nhiễm virus corona và 900 bệnh nhân tử vong trong một ngày tại Brazil. 
Vào lúc tổng thống Bolsonaro cho mở cửa trở lại các phòng tập thể dục, hiệu cắt tóc, bộ Y Tế Brazil ngày 12/05/2020 thông báo ghi nhận thêm 9.258 trường hợp dương tính trong 24 giờ. Số người lây nhiễm tại trên toàn quốc lên đến trên 177.000, trong đó có 12.400 người thiệt mạng. Xung khắc ngày càng lớn giữa tổng thống Brazil với thống đốc các bang về cách xử lý dịch Covid-19.
(AFP) – Ngoại trưởng Mỹ công du Israel bất chấp virus corona. 
Mike Pompeo đến Jérusalem ngày 13/05/2020 để bàn về kế hoạch sáp nhập một phần lãnh thổ Cisjordanie và Iran với thủ tướng Netanyahu và cựu đối thủ của ông này là Benny Gantz. Hai ông Gantz và Netanyahu chuẩn bị tuyên thệ trước Quốc Hội ngày mai chính thức chia sẻ quyền lực cho một nhiệm kỳ thủ tướng mới. Trong giai đoạn đầu của nhiệm kỳ, ông Natanyhu giữ chức thủ tướng trước khi nhường lại chức vụ này cho đối thủ là Benny Gantz.
(Reuters) – 300 dân biểu trên thế giới kêu gọi IMF và World Bank xóa nợ cho các nước nghèo trước đại dịch Covid-19. 
Bản kiến nghị do thượng nghị sĩ Mỹ Bernie Sanders khởi động tính đến ngày 12/05/2020 đã được hơn 300 dân biểu thuộc khoảng 20 quốc gia trên thế giới ủng hộ. Trong số những người ký tên vào bản kiến nghị nói trên, có cựu tổng thống Achentina, Carlos Menem hay cựu lãnh đạo Công Đảng Anh, Jeremy Corbyn.
(AFP) – Lực sĩ Sumo Nhật Bản chết vì virus corona. 
Hiệp hội Sumo quốc gia Nhật Bản ngày 13/05/2020 thông báo lực sĩ Shobushi 28 tuổi, thi đấu tại câu lạc bộ Takadagawa ở Tokyo vừa qua đời sau một tháng chống chỏi với Covid-19. Võ sĩ Sumo thường nặng trên 100 ký, và đây là điều nguy hiểm khi phải đối phó với siêu vi corona chủng mới. Trên toàn quốc có 16.000 ca lây nhiễm và 668 bệnh nhân tử vong.
(RFI) – Covid-19 : Thủ tướng Ấn Độ thông báo gói hỗ trợ kinh tế 240 tỷ euro. 
Ngày 12/05/2020 ông Narendra Modi cho biết sẽ bơm thêm 240 tỷ euro, tương đương với 10 % GDP vào cỗ máy kinh tế Ấn Độ và hỗ trợ cho tầng lớp công nhân bị mất việc làm do lệnh phong tỏa ngăn chận virus corona lây lan. Giới quan sát và công luận thất vọng và hoài nghi về nỗ lực của New Delhi do chính phủ không đưa ra bất kỳ một biện pháp cụ thể nào.
(AFP) – Thánh địa Lộ Đức –Lourdes mở cửa lại. 
Ban quản lý thánh địa nổi tiếng tại vùng Hautes Pyrénées miền tây nam nước Pháp này ngày 13/05/2020 thông báo, kể từ thứ Bảy 16/05/2020 địa điểm hành hương lại mở cửa đón công chúng, nhưng chỉ dành riêng cho những tín đồ trong vùng và chỉ có từng người một được vào nhà thờ cầu nguyện.

Điểm tin thế giới sáng 13/5:

Nghị sĩ Mỹ đề xuất

luật trừng phạt chính quyền Trung Quốc

Lục Du
Chào mừng quý độc giả đến với mục Điểm tin thế giới của Đại Kỷ Nguyên. Bản tin sáng thứ Tư (13/5), ngày Pháp luân Đại pháp thế giới, của chúng tôi có những tin sau:
Nghị sĩ Mỹ đề xuất luật trừng phạt chính quyền Trung Quốc
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham, hôm thứ Ba, đã đề xuất một dự luật ủy quyền cho tổng thống Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với chính quyền Trung Quốc nếu Bắc Kinh không có thái độ hợp tác trong việc tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới đại dịch viêm phổi Vũ Hán, theo Reuters.
Ông Graham cho biết “Đạo luật về trách nhiệm giải trình COVID-19” của ông sẽ yêu cầu tổng thống phải cam kết trước nghị viện rằng trong thời gian 60 nếu Bắc Kinh không hợp tác hoàn toàn và đầy đủ với bất kỳ cuộc điều tra nào được thực hiện bởi Mỹ, các nước đồng minh hoặc Liên Hợp Quốc, thì sẽ bị trừng phạt.
Thượng nghị sĩ Graham cho biết chính quyền Trung Quốc đã từ chối cho phép các nhà điều tra quốc tế nghiên cứu về điểm xuất phát của đại dịch viêm phổi Vũ Hán, và có người nói với ông rằng Bắc Kinh sẽ không bao giờ hợp tác với một cuộc điều tra nghiêm túc về nguồn gốc của dịch bệnh đang khiến thế giới chao đảo.
Phát ngôn viên của Tổng thống Putin nhiễm nCoV
Phát ngôn viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Dmitry Peskov, hôm thứ Ba, cho biết ông bị nhiễm virus Vũ Hán. Đây là quan chức cấp cao thứ 5 ở nga có kết quả dương tính với loại virus chết người có nguồn gốc từ Trung Quốc, theo Reuters.
Peskov nói rằng lần cuối ông gặp trực tiếp Tổng thống Putin là hơn một tháng trước, theo hãng tin TASS. Vợ của ông Peskov, bà Tatyana Navka, cho biết trên Instagram rằng bà cũng đã bị nhiễm bệnh.
Hiện ông Putin đã chuyển tới sống ở vùng ngoại ô Moscow và làm việc từ xa thông qua các cuộc họp trực tuyến. Điện Kremlin cho biết sức khỏe của ông Putin đang được bảo vệ một cách nghiêm ngặt.
Tây Ban Nha: Cụ bà 113 tuổi chiến thắng virus Vũ Hán
Một phụ nữ 113 tuổi, có tên Maria Branyas, ở Tây Ban Nha đã bình phục sau khi nhiễm virus Vũ Hán. đây được xem là trường hợp bệnh nhân cao tuổi nhất ở nước này vượt qua Covid-19 cho đến nay, theo BBC.
Cụ bà Branyas nhiễm virus Vũ Hán vào thời điểm sau khi Tây Ban Nha tuyên bố phong tỏa để chống dịch hồi tháng Ba. Sau nhiều tuần cách ly và điều trị, cụ đã trở nên khỏe mạnh và chỉ còn một số triệu trứng bệnh ở mức nhẹ.
Vượt qua Covid-19, cụ Branyas đã trở thành một trong số rất ít người ở Tây Ban Nha sống qua những thời khắc nguy nan của đất nước, đó là đại dịch cum diễn ra trong hai năm 1918-1919, cuộc nội chiến 1936-1939 và đại dịch viêm phổi Vũ Hán lần này.
Nga nới phong tỏa bất chấp số ca nhiễm nCoV tăng cao
Nga đã bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa chống dịch viêm phổi Vũ Hán vào thứ Ba trên toàn quốc, bất chấp việc nước này vẫn có số ca nhiễm bệnh mới tăng cao và đã trở thành một trong những ổ dịch lớn nhất thế giới, theo AFP.
Các quan chức Nga cho rằng sở dĩ số người nhiễm bệnh mới ở Nga tăng cao là vì nước này đang triển khai một chiến dịch xét nghiệm virus Vũ Hán ở quy mô lớn, với 5,8 triệu xét nghiệm được thực hiện cho đến nay. Bên cạnh đó, tỷ lệ tử vong thấp khiến Moscow tự tin họ đang kiểm soát tốt dịch bệnh và có thể nới lỏng việc phong tỏa.
Nga từng tự hào vì có số người nhiễm virus Vũ Hán thấp hơn nhiều so với các nước phương Tây. Tuy nhiên vào tháng Tư mọi chuyện bắt đầu đảo ngược khi số người Nga nhiễm virus Vũ Hán tăng cao mỗi ngày. Hiện nước này đã trở thành vùng dịch lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Tây Ban Nha, với 232.243 người nhiễm bệnh (tăng 10.899), trong đó có 2.116 người đã tử vong (tăng 107).
Afghanistan: Hàng chục người chết sau hai vụ thảm sát
Reuters đưa tin, vào hôm thứ Ba, những kẻ khủng bố ở Afghanistan đã cải trang thành cảnh sát và tấn công một bệnh viện ở thủ đô Kabul giết chết 16 người, trong đó có 2 trẻ sơ sinh.
Trong một vụ khủng bố khác diễn ra cùng ngày, một kẻ đánh bom tự sát đã tấn công đám tang của một chỉ huy cảnh sát ở khu vực Nangahar, giết chết ít nhất 24 người và làm bị thương 68 người. Đám tang này có sự tham dự của các quan chức chính phủ và một thành viên của quốc hội. Chính quyền cho biết số người chết sau vụ tấn công này có thể còn tăng lên.
Hiện chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm thực hiện hai vụ tấn công này. Lực lượng Taliban nói rằng họ đã tạm dừng tấn công vào các thành phố theo thỏa thuận hòa bình ký với Hoa Kỳ, và phủ nhận có liên quan đến cả hai vụ khủng bố nêu trên.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.