Tin Việt Nam – 13/05/2020
Wednesday, May 13, 2020
6:41:00 PM
//
- Slider
,
- Tin Việt Nam
Lý do không hủy vụ án Hồ Duy Hải dù vi phạm tố tụng? – Hiểu Minh
Liên quan đến những thắc mắc quanh phán quyết của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao trong vụ án Hồ Duy Hải hôm 8/5. Sáng 12/5, Phó Chánh án TAND Tối cao nêu 3 vấn đề không hủy vụ án Hồ Duy Hải để điều tra lại dù vi phạm tố tụng.Thông tin về phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải – ông Nguyễn Trí Tuệ cho VnExpress biết trong 3 ngày làm việc, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã công bố các tài liệu, chứng cứ vụ án, kết quả thẩm định. Qua đó, việc toà án các cấp xét xử Hồ Duy Hải về tội “Giết người, Cướp tài sản” là có căn cứ.
Giải thích lý do Hội đồng Thẩm phán xác định kháng nghị đề nghị hủy án của VKSND Tối cao là “không phù hợp với pháp luật”, ông Tuệ cho hay “luật không cho phép Viện trưởng VKSND Tối cao và Chánh án TAND Tối cao kháng nghị xem xét lại vụ án khi quyết định bác ân giảm của Chủ tịch nước đang có hiệu lực pháp luật”.
Phó Chánh án nêu ba vấn đề nổi lên sau phán quyết “bác kháng nghị” của Hội đồng Thẩm phán tại phiên giám đốc thẩm.
Thứ nhất: Vì sao nhận định có thiếu sót, vi phạm tố tụng nhưng không huỷ án?
Ông Tuệ giải thích cấp giám đốc thẩm thấy rằng trong quá trình điều tra, cơ quan tố tụng có những vi phạm, sai sót như không kịp thời thu con dao, cái thớt, có vết máu không giám định… Những sai sót trên được đánh giá không ảnh hưởng tới bản chất vụ án nên không thể hủy án để điều tra bổ sung.
“Qua xem xét, đối chiếu lời khai, chứng cứ, Hội đồng Thẩm phán xác định Hải không oan. Bản chất của vấn đề là hành vi giết người cướp của Hải phải bị trừng trị theo pháp luật”, Phó chánh án nói.
Thứ hai: Chánh án TAND Tối cao khi làm Viện trưởng VKSND Tối cao đã có quyết định không kháng nghị và hiện làm chủ tọa phiên giám đốc thẩm, có vi phạm quy định tố tụng không?
Ông Tuệ cho hay với quy trình tố tụng bình thường thì thẩm phán hoặc người tố tụng phải từ chối ngồi ghế Hội đồng xét xử trong một số trường hợp. Tuy nhiên, Giám đốc thẩm là giai đoạn tố tụng đặc biệt. Luật quy định chánh án, viện trưởng có quyền kháng nghị hoặc không kháng nghị nhưng vẫn tham gia Hội đồng Thẩm phán. Hơn nữa, họ còn tham gia tố tụng không chỉ một lần mà còn nhiều lần, không vi phạm.
“Quy định đặc biệt tố tụng nhiều lần của cấp giám đốc thẩm là thế”, ông nói và ví dụ nếu vụ án này bị Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu xem xét lại thì cả Hội đồng thẩm phán sẽ ngồi lại một lần nữa.
Thứ ba: Dư luận xã hội cho rằng thành viên Hội đồng Thẩm phán không vô tư, khách quan khi giơ tay theo Chánh án?
Nói về điều này, ông Tuệ trình bày: “Tôi khẳng định các thành viên hội đồng thẩm phán hoàn toàn độc lập, không phụ thuộc chánh án. Chúng tôi là thẩm phán do Quốc hội phê chuẩn, do Chủ tịch nước bổ nhiệm, không có gì chi phối phải nghe theo”.
Theo ông, 17 thành viên của Hội đồng Thẩm phán “biểu quyết bằng cái tâm, bằng nhận thức pháp luật của mình và chịu trách nhiệm với việc biểu quyết”.
Trong một diễn biến liên quan, hôm 10/5, báo Tuổi trẻ đưa tin rằng mẹ của bị cáo, tử tù Hồ Duy Hải, bà Nguyễn Thị Loan, đã gửi đơn tới Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
“Trong đơn vừa được gửi đi, mẹ của bị án Hồ Duy Hải khẩn thiết đề nghị chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội với hy vọng quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao sẽ được xem xét lại,” tờ báo thuộc Thành Đoàn TP. HCM cho hay.
Năm 2015 đã có một cuộc giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án oan, sai, trong đó có vụ Hồ Duy Hải. Sau đó, Ủy ban Tư pháp Quốc hội và đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga nhiệm kỳ này có văn bản cho rằng quá trình điều tra, trúy tố, xét xử có những vi phạm nghiêm trọng cần kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
Viện trưởng VKSND Tối cao sau đó ra kháng nghị đề nghị TAND Tối cao giám đốc thẩm theo hướng hủy án để điều tra lại. Tuy nhiên, phiên giám đốc thẩm kéo dài ba ngày, từ 6 đến 8/5 đã bác kháng nghị này.
Hồ Duy Hải bị cáo buộc, tối 13/1/2008 đến Bưu điện Cầu Voi chơi rồi sát hại chị Nguyễn Thị Ánh Hồng (23 tuổi) và em họ tên Vân (21 tuổi).
TAND tỉnh Long An và Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM tuyên phạt bị cáo mức án tử hình. Sau 12 năm gia đình vẫn đang đi kêu oan.
https://www.dkn.tv/thoi-su/ly-do-khong-huy-vu-an-ho-duy-hai-du-vi-pham-to-tung.html
Sáu tù nhân lương tâm cáo buộc
bị đánh và biệt giam trong trại giam Xuân Lộc
Tù nhân lương tâm Huỳnh Đức Thanh Bình và 5 tù nhân khác bị đánh đập, biệt giam tại Nhà Tù Xuân Lộc, Đồng Nai. Người thân của một trong số tù nhân này nói với Đài Á Châu Tự Do qua điện thoại hôm 13/5.Trong cuộc thăm gặp ngày 12 tháng 5 năm 2020, tù nhân lương tâm Huỳnh Đức Thanh Bình kể lại với mẹ mình là có 6 người bao gồm cả anh, bị đánh đập và bị biệt giam khi đấu tranh đòi được ra ngoài buồng giam lao động luôn cả 2 ngày cuối tuần chứ không chỉ là từ thứ Hai tới thứ Sáu như thường lệ.
Bà Nguyễn Thị Huệ, mẹ của anh Bình tối 13 tháng 5 nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do như sau:
“Trong lúc công an người ta nối dây điện thoại để tôi và con tôi nói chuyện với nhau thì tôi nhìn thấy trên gương mặt của con tôi có một cái vết bầm đen ở dưới con mắt, chỗ xương gò má.
Thì tôi mới hỏi là “Con bị gì vậy?”
Lúc nối điện thoại thì người ta đưa cho nó nó, nó vừa mới trả lời với tôi về cái chuyện là nó và các bạn rằng là tại vì tụi nó đấu tranh để xin được ra luôn thứ Bảy, Chủ Nhật thay vì thứ Bảy, Chủ Nhật bị nhốt còn từ thứ Hai đến thứ Sáu thì ra lao động trong khu vực của đội 32 là đội của tù nhân chính trị gồm khoảng bảy chục người.
Thì nó nói là tụi con đấu tranh như vậy đó, quá trình tụi con đấu tranh thì họ chọn ra 6 người bị kỷ luật con và năm anh nữa bị đánh và bị biệt giam.“
Theo bà Huệ, khi vừa nói hết câu 3 người công an đứng gần đó xốc nách và đẩy anh Huỳnh Đức Thanh Bình ra ngoài không cho nói chuyện nữa.
Sau sự việc này, bà Huệ cũng gửi đơn phản ánh sự việc đến Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai và Ban Giám thị trại giam Xuân Lộc đề nghị làm rõ sự việc con bà và các tù nhân lương tâm khác bị đánh và đe dọa tính mạng trong trại.
Phóng viên Đài Á Châu Tự Do nhiều lần gọi điện thoại cho trại giam Xuân Lộc theo số điện thoại trên Internet nhưng không có người bắt máy.
Anh Huỳnh Đức Thanh Bình, sinh năm 1996, bị bắt giam vào năm 2018 cùng cha là ông Huỳnh Đức Thịnh, anh Trần Long Phi và một người Mỹ gốc Việt là ông Michael Phương Minh Nguyễn sau khi tham gia biểu tình chống Luật Đặc khu và An ninh mạng.
Trong phiên tòa hồi tháng 6 năm 2019, Huỳnh Đức Thanh Bình bị kết án 10 năm tù giam và 3 năm quản chế với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Cha của Bình là ông Huỳnh Đức Thịnh bị kết án 1 năm tù giam vì cáo buộc tội “Không tố giác tội phạm”.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/six-political-prisoners-said-to-be-beaten-isolated-at-the-xuan-loc-prison-05132020083832.html
Quan chức Tỉnh ủy Thái Bình bỏ chạy
sau tai nạn giao thông chết người
Bình luậnNguyễn SơnTrưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình lái xe bỏ chạy sau khi gây tai nạn giao thông chết người.
Sáng 13/5, Tỉnh ủy Thái Bình xác nhận vụ việc tai nạn giao thông khiến 3 người thương vong liên quan tới ông Nguyễn Văn Điều, Trưởng ban Nội chính tỉnh này.
Trước đó, ngày 8/5, ông Điều gây ra vụ tai nạn làm 1 người chết và 2 người bị thương. Đến ngày 12/5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã họp và nghe ông Điều báo cáo lại sự việc, theo báo Lao Động.
Tạm dừng công tác Trưởng ban Nội chính
Sau đó, Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình yêu cầu ông Nguyễn Văn Điều tạm dừng công việc được giao cho đến ngày 25/5 để phục vụ công tác điều tra.
Ông Nguyễn Văn Điều đảm nhiệm vị trí Trưởng Ban Nội chính tỉnh Thái Bình từ cuối năm 2019. Trước đó, ông Điều làm Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, sau đó chuyển về làm Bí thư huyện ủy Quỳnh Phụ.
Ban Nội chính Tỉnh ủy là cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy về công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng.
Một nguồn tin cho biết thời điểm trước khi gây ra các vụ tai nạn nói trên, ông Điều đi dự tiệc liên hoan chúc mừng một lãnh đạo tỉnh Thái Bình nhận nhiệm vụ mới.
Một người chứng kiến vụ việc cho hay Trưởng ban Nội chính điều khiển xe trong tình trạng say rượu.
Vụ việc gây tai nạn chết người rồi bỏ chạy
Vào khoảng 18h ngày 8/5, trên đường Trần Thủ Độ (phường Tiền Phong, TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình) đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông giữa xe ô tô mang BKS 29A-995.83 và 1 người đi xe đạp.
Vụ tai nạn khiến bà Phạm Thị Ng. (SN 1957, trú tại tổ 10, phường Tiền Phong, TP Thái Bình) đang điều khiển xe đạp bị văng ra xa, va đập với một chiếc xe máy chạy theo chiều ngược lại và tử vong tại chỗ, người đi xe máy bị thương nặng.
Sau vụ nạn chết người, xe ô tô trên bỏ chạy vào khu công nghiệp Phúc Khánh và bị người dân chặn cổng, theo báo Người Lao động.
Tuy nhiên, tài xế điều khiển xe ôtô tiếp tục lao về phía trước, tông vào xe máy khác làm người lái xe máy bị văng ra lề đường. Sau đó, tài xế còn lái xe ôtô bỏ chạy về phía khu công nghiệp Phúc Khánh.
Bỏ chạy được khoảng 3 km, chiếc ôtô đã bị người dân đuổi kịp, hô hoán, nhờ bảo vệ của khu công nghiệp Phúc Khánh đóng cổng ngăn chặn. Chiếc xe chỉ chịu dừng lại sau khi tài xế tông xe vào cổng sắt.
“Sau khi tông vào cổng dừng lại, lái xe chốt cửa cố thủ bên trong không đi ra, chỉ khi có mặt cán bộ cảnh sát cơ động thì lái xe này mới đi xuống, bắt tay với 2 cán bộ cảnh sát rồi được dẫn đi rời khỏi hiện trường. Thời điểm đó, trên ôtô chỉ có một mình tài xế này và phía trước kính xe có một thẻ ghi nội dung xe ra vào Tỉnh ủy Thái Bình” – một người dân chứng kiến vụ việc nói với báo Tuổi trẻ.
https://www.ntdvn.com/viet-nam/quan-chuc-tinh-uy-thai-binh-bo-chay-sau-tai-nan-giao-thong-chet-nguoi-37319.html
Phạt 550 triệu đồng
đoàn “xe vua” ở Nhơn Trạch, Đồng Nai
Công an huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai vừa ra 54 quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 550 triệu đồng đối với chủ và tài xế số xe được mệnh danh đoàn “xe vua” chở than của Công ty TNHH TM Âu Châu và Công ty TNHH MTV Ngọc Minh Anh.Truyền thông trong nước, vào ngày 13/5 dẫn nguồn từ Công an huyện Nhơn Trạch cho biết thông tin vừa nêu. Ngoài số tiền phạt 550 triệu đồng, toàn bộ 27 phương tiện xe tải và hàng hóa vi phạm tiếp tục bị tạm giữ đến hết ngày 16/5 để xác minh và xử lý.
Đoàn “xe vua” chở than của Công ty TNHH TM Âu Châu và Công ty TNHH MTV Ngọc Minh Anh, trụ sở ở huyện Nhơn Trạch, được nói là có nhiều sai phạm trong nhiều năm, gây bức xúc dư luận trong tỉnh Đồng Nai.
Công an tỉnh Đồng Nai cho biết từ năm 2017 đến nay, chỉ riêng tại địa bàn huyện Nhơn Trạch, đoàn “xe vua” này đã gây ra 22 vụ va chạm giao thông, liên quan đến Công ty TNHH TM Âu Châu và 3 vụ va chạm giao thông, liên quan đến Công ty TNHH MTV Ngọc Minh Anh.
Vào khuya hôm 14/4/2020, Công an huyện Nhơn Trạch và Công an tỉnh Đồng Nai ra quân vây bắt đoàn “xe vua” siêu trọng chở than, tạm giữ 27 chiếc xe đầu kéo của hai doanh nghiệp vận tải này. Công an cho biết đoàn “xe vua” đã vi phạm các lỗi như chở cồng kềnh, một số xe có chiều cao thùng vượt mức quy định, vượt đèn đỏ và một số tài xế không có giấy phép lái xe, hai trường hợp tài xế bị tình nghi sử dụng bằng lái giả, một tài xế bị phát hiện dương tính với ma túy, không xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.
Thứ trưởng Bộ Công an-Thượng tá Lê Quý Vương, tại buổi làm việc với ngành công an ở Đồng Nai, vào ngày 22/4 vừa qua đã yêu cầu công an tỉnh này phải làm rõ vì sao có tình trạng đoàn “xe vua” lộng hành với hàng loạt sai phạm trong nhiều năm qua.
Tin cho biết bên cạnh việc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính chủ và tài xế đoàn “xe vua” 550 triệu đồng, Công an tỉnh Đồng Nai đang điều tra làm rõ và xử lý nghiêm nếu có tình trạng bảo kê, làm ngơ của những người trách nhiệm đối với các sai phạm của đoàn “xe vua” thuộc của Công ty TNHH TM Âu Châu và Công ty TNHH MTV Ngọc Minh Anh.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/dong-nai-police-penalized-the-owner-of-27-big-trucks-550-millions-vnd-05132020083139.html
Sắp xử phúc thẩm
cựu Phó chủ tịch UBND TPHCM và đồng phạm
Toà án Nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 22/5 tới đây sẽ mở phiên xử phúc thẩm ông Nguyễn Hữu Tín (cựu Phó chủ tịch UBND TPHCM) và các đồng phạm là cựu lãnh đạo, cán bộ thành phố liên quan đến vụ giao đất vàng số 15 Thi Sách, Q1 cho Vũ “nhôm”.Truyền thông trong nước loan tin hôm 12/5 cho biết phiên xử phúc thẩm vụ án này là dành cho các bị cáo Nguyễn Hữu Tín và các cựu cán bộ TPHCM; còn ông Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) không phải là bị cáo và hành vi của Vũ “nhôm” đã được xét xử trong các phiên toà khác. Đặc biệt, thiệt hại của vụ án cũng được quy cho ông Phan Văn Anh Vũ nên các bị cáo trong vụ án này không phải bồi thường.
Trước đó vào cuối năm 2019 tại phiên xử sơ phẩm, Toà án Nhân dân TPHCM đã tuyên phạt ông Nguyễn Hữu Tín 7 năm tù, Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc Sở TN&MT TPHCM) 6 năm 6 tháng tù, Trương Văn Út (cựu Phó trưởng Phòng Quản lý đất, Sở TN&MT TPHCM) 5 năm tù, Lê Văn Thanh (cựu Phó chánh Văn phòng UBND TPHCM) 4 năm tù và Nguyễn Thanh Chương (cựu Trưởng Phòng Đô thị, Văn Phòng UBND TPHCM) 3 năm tù cùng tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.
Theo cáo trạng án sơ thẩm, vào năm 2014, ông Phan Văn Anh Vũ đã lợi dụng danh nghĩa “Tổng cục Tình báo Bộ Công an” ký nhiều văn bản gửi UBND TPHCM đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện thuê, giao nhà số 15 Thi Sách Q1 để phục vụ “công tác nghiệp vụ của ngành công an”.
Ông Nguyễn Hữu Tín đã tiếp nhận việc cho phép Công ty Xây dựng Bắc Nam 79 của Vũ “nhôm” được thuê đất tại số 15 Thi Sách Q1 mà không báo cáo chủ tịch UBND thành phố. Ông Tín bị xác định không tham mưu đề xuất mà trực tiếp phê bút chỉ đạo Sở Tài nguyên – Môi trường làm thủ tục.
Các cựu quan chức đồng phạm bị xác định đã tham mưu cho ông Tín ký ban hành chủ trương, quyết định cho thuê đất, bán chỉ định nhà và khấu trừ tiền thuê đất đối với nhà số 15 Thi Sách Q1 trái luật.
Cáo trạng cho rằng Vũ “nhôm” sau khi nhận khu đất vàng đã không sử dụng vào mục đích nghiệp vụ mà thực hiện xây dựng để thu lợi cá nhân.
Sau phiên sơ thẩm, ông Nguyễn Hữu Tín chấp nhận án 7 năm và mong thi hành sớm. Các ông Kiệt, Út xin giảm nhẹ. Ông Chương, Thanh kháng cáo xin miễn án tù.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/appeal-trial-of-former-hcmc-vice-chairman-and-accomplice-to-be-held-05132020084020.html
Hai sĩ quan quân đội bị bắt do vi phạm
trong dự án trăm triệu đô tại Quảng Bình
Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng khởi tố bị can, bắt tạm giam Trung tá Phan Văn Thành và Thiếu tá Nguyễn Quang Vinh để điều tra về những sai phạm liên quan Dự án Môi trường và Biến đổi khí hậu TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình với tổng vốn đầu tư gần 100 triệu đôla Mỹ.Truyền thông trong nước trích nguồn từ Viện kiểm sát quân sự loan tin ngày 13/5. Cho biết thêm 2 sĩ quan vừa nêu bị khởi tố bắt tạm giam trước ngày 30/4.
Tin cho biết, Trung tá Phan Văn Thành – Giám đốc Chi nhánh Miền Trung thuộc Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn (Binh đoàn 12) và Thiếu tá Nguyễn Quang Vinh – Giám đốc xí nghiệp rà phá bom mìn thuộc Tổng công ty hợp tác kinh tế Quân khu 4 đều bị khởi tố về tội danh ‘Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng’ trong dự án Môi trường và Biến đổi khí hậu Thành phố Đồng Hới.
Theo đó, vào năm 2018, dự án xây dựng hạ tầng môi trường đô thị và chống biến đổi khí hậu tại TP Đồng Hới với tổng vốn 96 triệu đôla Mỹ gồm vốn vay 80 triệu đô từ Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Thế giới cùng với 16 triệu đô vốn đối ứng của Chính phủ Hà Nội, được giao cho Ban quản lý Dự án Môi trường và Biến đổi khí hậu TP Đồng Hới làm chủ đầu tư.
Trung tá Thành và Thiếu tá Vinh bị xem là đồng phạm với 4 cán bộ tại Ban quản lý Dự án Môi trường và Biến đổi khí hậu TP Đồng Hới, đã bị khởi tố, tạm giam trước đó vì những sai phạm tại 2 dự án rà phá bom mìn thực hiện cuối năm 2018.
Vào ngày 10/12/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với nguyên giám đốc Nguyễn Văn Thuận, phó giám đốc Lê Anh Tuân và 2 cán bộ kỹ thuật Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Văn Linh của Ban quản lý Dự án Môi trường và Biến đổi khí hậu TP Đồng Hới về tội ‘Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng’, quy định tại Khoản 3, Điều 360, Bộ luật Hình sự.
Theo báo Tiền Phong, những người vừa nêu đã mắc sai phạm trong việc đơn vị thi công đã thực hiện công việc trước khi đơn vị tư vấn giám sát được ký hợp đồng điều tra, khảo sát, lên phương án và lập dự toán cho gói thầu rà phá bom mìn vật nổ.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/2-army-officers-were-arrested-for-wrongdoing-in-a-hundred-mil-usd-project-in-quang-binh-05132020082846.html
Nhiều cán bộ chưa được xử lý kỷ luật đến nơi đến chốn
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào ngày 13/5 vừa có thông báo kết quả giám sát sau kỳ họp thứ 8 đến thứ 9 của Quốc hội. Việc giám sát cán bộ, đảng viên đối với tỉnh Hà Giang và Đà Nẵng, cho thấy nhiều cán bộ kỷ luật, xử lý kỷ luật chưa tới nơi tới chốn.Tuyền thông trong nước loan tin cùng ngày cho biết, tại Hà Giang, việc thi hành kỷ luật cán bộ một số trường hợp còn nhẹ, chưa kịp thời nhất là đối với những trường hợp có liên quan đến vụ nâng điểm trong kỳ thi PTTH năm 2018 với hình thức khiển trách.
Những cán bộ có trách nhiệm liên quan đến việc bổ nhiệm cán bộ thiếu điều kiện, tiêu chuẩn chưa được xem xét xử lý triệt để, quyết định kỷ luật cán bộ, đảng viên không có nội dung yêu cầu cơ quan quản lý công chức, viên chức xử lý kỷ luật về hành chính, có quyết định kỷ luật đóng dấu mật.
Việc chỉ đạo của các cấp ủy và tổ chức chính trị – xã hội các cấp trong tỉnh đối với những quy định của Đảng về việc giám sát nói chung và giám sát cán bộ, đảng viên nói riêng chỉ ở mức độ nhất định, chưa có kết quả cụ thể, chưa rõ nội dung chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Quy định 218 của Trung Ương.
Tại Đà Nẵng, việc thực hiện Quy định số 124 của Ban Bí thư còn gặp khó khăn, vướng mắc trong một số quy định, do vậy kết quả chưa rõ ràng, việc xác định nội dung, phương pháp giám sát còn lúng túng; chất lượng giám sát có lúc chưa cao. Việc giải quyết kiến nghị của một số ngành, chính quyền địa phương còn chậm, nhận xét cuối năm của một số cấp ủy đối với đảng viên là cán bộ, công chức còn chưa thẳng thắn, chưa mạnh dạn đánh giá, chỉ ra khuyết điểm cần khắc phục.
Do đó, Ban thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu việc bổ sung nội dung công khai kê khai tài sản hàng năm của cán bộ, đảng viên, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ để người dân giám sát. Đồng thời rà soát đánh giá lại thực trạng trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức nhất là các tỉnh miền núi.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/many-officials-have-not-been-appropriately-punished-05132020081944.html
Nguyên phó chủ tịch TP Mỹ Tho ra toà
vì làm thiệt hại ngân sách nhà nước
Toà án Nhân dân tỉnh Tiền Giang ngày 13/5 đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án nguyên Phó chủ tịch UBND TP Mỹ Tho cùng đồng phạm trong vụ án liên quan đến các sai phạm xảy ra tại Công ty công trình đô thị Mỹ Tho.Theo tin truyền thông trong nước loan tin này vào cùng ngày, ông Phan Văn Hoàng, nguyên phó Chủ tịch UBND TP Mỹ Tho, nguyên giám đốc Công ty Công trình đô thị Mỹ Tho và ông Nguyễn Công Khanh, nguyên phó giám đốc công ty bị đưa ra xét xử về tội “Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.”
Ngoài ra còn có 6 bị cáo khác nguyên là lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị, Phòng Tài chính- kế hoạch cũng bị xét xử về tội “Cố ý làm trái các quy định nhà nước, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.”
Theo cáo trạng, từ năm 2014-2016, trong thời gian làm giám đốc và phó giám đốc Công ty đô thị Mỹ Tho, Phan Văn Hoàng và Nguyễn Công Khanh đã chỉ đạo nhân viên điều chỉnh giảm doanh thu phí vệ sinh cung cấp cho Phòng Quản lý đô thị TP Mỹ Tho để thanh quyết toán khối lượng rác nhiều hơn thực tế, đã làm thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 3,7 tỉ đồng.
Ngoài ra, ông Hoàng cùng ban giám đốc công ty cũng đã có chủ trương trích tiền lương hằng tháng của người lao động, tổng cộng 23 tháng lương với số tiền 7,4 tỉ đồng và đem gửi tiết tiện.
Số tiền lãi phát sinh thực tế khi gửi tiết kiệm là 974,8 triệu đồng; tuy nhiên kế toán trưởng Trần Thị Thiện Mỹ đã thông đồng với Nguyễn Thị Thùy Linh (kế toán viên), lập bảng tổng hợp tiền gửi tiết kiệm thông báo cho cán bộ, công nhân viên biết số tiền lãi chỉ có 672,8 triệu đồng.
Sau khi chi trả cho cán bộ, công nhân viên công ty, số tiền lãi còn tồn 362,1 triệu đồng thì bà Mỹ chiếm đoạt 145 triệu đồng; Linh chiếm 60,1 triệu đồng, thủ quỹ Đinh Phạm Anh Thư quản lý theo phân công của Phòng kế toán tài vụ số tiền 156,9 triệu đồng. Đến nay, số tiền thiệt hại trên đã được thu hồi và Công ty Công trình đô thị Mỹ Tho đã chi trả cho người lao động xong.
Thanh tra tỉnh Tiền Giang đã vào cuộc, phát hiện hàng loạt sai phạm ở công ty này và chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra làm rõ.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/former-deputy-chairman-my-tho-city-faces-trial-due-to-financial-wrongdoings-05132020081501.html
Kỷ luật quan chức
nhưng tình trạng vẫn khó giảm, vì sao?
Nghịch lý: người vi phạm được thăng chức!Nhiều cán bộ huyện, tỉnh Bắc Giang có sai phạm liên quan đến Dự án Di dân tái định cư xây dựng Trường bắn Quốc gia khu vực 1 vào năm 2011 vẫn được thăng chức.
Cụ thể, dù đã có kết luận sai phạm của Thanh tra chính phủ đối với các cán bộ thực hiện dự án từ năm 2012, nhưng ông Bùi Văn Hạnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện dự án của tỉnh lúc bấy giờ lại được thăng chức Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang; còn ông La Văn Nam vào năm 2011 giữ chức Phó chủ tịch UBND huyện, kiêm Trưởng Ban Bồi thường hỗ trợ huyện Lục Ngạn hiện làm Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn.
Trong khi đó, những người dân do không được bồi thường thỏa đáng nên đã trở về đất cũ trồng cây, canh tác do có xô xát với người đến đào vàng và lực lượng chức năng nên đã bị bắt giữ, xử lý hình sự và kết án tù về tội Gây rối trật tự công cộng.
Trao đổi với RFA vào tối ngày 12/5, Nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang nhận xét như sau:
“Chuyện này ở Việt Nam bình thường, nhiều lắm, sai phạm mà cứ thăng chức vèo vèo. Cán bộ khác mà, ngay ông Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ đã nói rồi: ‘dân sai dân chịu trách nhiệm trước pháp luật, cán bộ sai phải rút kinh nghiệm’. Ông có sai mà lên chức cũng không là chuyện đáng ngạc nhiên ở Việt Nam. Cũng có những trường hợp bị xử lý thật sự. Dù sao so với người dân vẫn không nghiêm khắc lắm, vẫn nhẹ, giơ cao đánh khẽ thôi.”
Dưới góc nhìn luật pháp, Luật sư Ngô Anh Tuấn lại cho rằng:
“Thực tế pháp luật không có ưu tiên với người nào cả, mọi công dân đều ngang bằng như nhau dù là quan chức hay nguời dân. Tuy nhiên có những cái lệ mà ta không vượt qua được, thêm nữa là những quy định riêng đặc biệt đối với đảng viên. Từ những điều đó khiến người ta có phân biệt đối xử đối với các bị can bị cáo hoặc các đối tượng tình nghi trong việc này khi họ đương chức, đương nhiệm hoặc là đảng viên thì có sự ưu ái nhất định. Chứ pháp luật, Bộ luật Hình sự hoặc các luật khác không có quy định nào riêng biệt, không có ưu tiên nào.”
Các cử tri ở TPHCM hôm 12/5 đã đề nghị cần sớm kỷ luật, không nương tay, bao che những sai phạm của cựu Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải và cựu Phó Bí thư Thường trực Tất Thành Cang.
Trong đó, ông Lê Thanh Hải, cựu chủ tịch UBND TPHCM nhiệm kỳ 2001- 2006, được xem là người khởi đầu cho những sai phạm nghiêm trọng trong quá trình triển khai thực hiện dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm mà gần 20 năm qua vẫn chưa giải quyết ổn thỏa cho người dân nơi đây.
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2006 – 2016, phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy.
Kết luận vừa nêu nhận được nhiều đồng tình từ phía công luận, tuy nhiên cần có biện pháp mạnh hơn đối với sai phạm mà ông Lê Thanh Hải gây ra, như lời nhà báo Võ Văn Tạo:
“Trường hợp ông Lê Thanh Hải theo quan điểm của tôi không chỉ là kỷ luật, phải lôi ông ra tòa truy tố vì tội ông gây ra là rất lớn đối với người dân Thủ Thiêm. Tôi không hiểu vì sao đến giờ phút này ông Hải chưa bị khởi tố hình sự về chuyện sai phạm trong quản lý đất đai nhà nước, ông Hải đã đành, còn một loạt ông khác cũng liên quan. Tôi thấy đó là chuyện lạ lùng.”
Còn theo Luật sư Ngô Anh Tuấn, việc ông Lê Thanh Hải chưa bị khởi tố có thể là do phía thành phố muốn để ông Hải hoặc những người sai phạm cùng ông khắc phục hậu quả.
“Đến lúc này trên thực tế ông bị vô hiệu hóa một số công việc ông làm thì vấn đề xử lý ông chỉ là vấn đề thời gian chứ chắc chắn không tránh khỏi. Nói như dân gian thì có khả năng bị ‘vào lò’ rồi. Vấn đề sớm muộn thôi chứ trường hợp này quá lộ, quá rõ rồi không thể không xử lý được. Việc khởi tố hình sự chỉ là sớm hay muộn thôi.”
Dưới quan điểm cá nhân, Nhà hoạt động đất đai Cấn Thị Thêu với kinh nghiệm bản thân từng 2 lần bị tù vì đứng lên đòi hỏi quyền lợi cho dân oan Dương Nội cho rằng việc xét xử kể cả sai phạm của các quan chức nhà nước trong Dự án Di dân tái định cư xây dựng Trường bắn Quốc gia ở Bắc Giang hay trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm đều chỉ mang tính hình thức:
“Hiện tại luật pháp Việt Nam phải nói là vô pháp chứ không phải tuân theo luật pháp gì. Tất cả sự việc liên quan đến quyền lợi của dân thì các quan chức cứ tự do cướp bóc, khi người dân đứng lên bảo vệ quyền lợi của mình thì thường bị quan chức đàn áp, ghép vào tội gây rối, chống phá hoặc chống người thi hành công vụ rồi họ bắt tù, tra tấn, đàn áp rất nhiều để họ cướp đi tư liệu sản xuất của người dân. Còn quan chức cứ tự do cướp bóc của dân nhưng khi sự việc vỡ lở thì tất cả hệ thống công quyền bao che cho nhau rất nhiều, nương nhẹ. Ở Việt Nam thật sự không có công bằng, thiệt thòi, bất công là người dân phải gánh chịu.”
Nhận xét về thực trạng các quan chức sai phạm bị xử lý trong thời gian gần đây, Luật sư Ngô Anh Tuấn cho rằng tất cả chỉ là một số nhỏ trong phần nổi của tảng băng:
“Những người bị xử lý thường là những người sắp không còn chức quyền hoặc đi ngược lại, trái với nhóm lợi ích hoặc không nằm trong nhóm lợi ích mới bị xử lý. Còn thực trạng vi phạm vẫn tràn lan khắp nơi. Nhưng sau khi bị xử lý thì các đối tượng vi phạm sẽ thay đổi phương án làm việc, cách thức vi phạm sẽ khác đi, sẽ khôn ngoan hơn và có tính tổ chức, kỷ luật cao hơn. Tôi thấy việc xử lý không làm giảm, xử lý như chúng ta là kiểu bắt cóc bỏ dĩa nên không xử lý được căn nguyên căn bệnh nên chỉ chuyển từ hình thức vi phạm này sang hình thức khác chứ không giải quyết triệt để vấn đề.”
Trong phiên họp thứ 12 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tại Hà Nội vào ngày 31/7/2017, ông Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lúc bấy giờ thể hiện quyết tâm chống tham nhũng qua chiến dịch ‘đốt lò’ được ông lần đầu nhắc đến.
Trong những năm qua, hàng loạt các phiên xử những quan chức cấp cao đã diễn ra và được báo chí thông tin rộng rãi đến công chúng.
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát tình hình trong nước bày tỏ lo ngại chiến dịch này đang có diễn biến chậm lại thời gian gần đây.
Vì vậy, nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu chiến dịch chống tham nhũng vẫn đang cầm chức mà tình trạng vẫn như thế thì ai dám chắc rằng sắp tới ông nghỉ do lớn tuổi mà người kế nhiệm có thể duy trì được tinh thần đó?
“Tôi thấy nhất định tương lai việc xử lý không nghiêm túc, không đầy đủ, có người bị xử, có người không bị xử, xử nhẹ hoặc không xử chắc chắn sẽ vẫn còn, không thể hết được, thậm chí còn nặng hơn bây giờ!”
Trong những ngày này, công luận tiếp tục phản đối hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân Dân Tối Cao khi y án tử tù Hồ Duy Hải dù thừa nhận có sai sót trong quá trình điều tra. Theo người dân, những người ‘cầm cân, nảy mực’ không vì công lý, sự thật thì khó ngăn chặn được sự vi phạm của viên chức thực thi pháp luật, những người có chức quyền trong xã hội
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/discipline-officials-but-it-is-hard-to-reduce-corruption-05122020150154.html
Nhà cầm quyền ép dân
ký vào đơn không nhận tiền hỗ trợ dịch
Tin Vietnam.- Ngày 11 tháng 5 năm 2020, Facebook mang tên Nhàn Lê đã loan tải hình ảnh lá đơn “Xin tự nguyện không nhận hỗ trợ dịch coronavirus” của người dân đã được ký, đóng dấu. Người làm đơn là ông Lê Xuân Quang, thuộc diện cận nghèo, ở thôn 4, xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá.Nguyên nhân ông Quang xin không nhận tiền hỗ trợ dịch trong gói 62,000 tỷ đồng mà nhà cầm quyền Cộng sản thông báo được đánh máy sẵn là, dù gia đình ông Quang là cận nghèo, nhưng gia đình ông nhận thấy có nhiều gia đình còn khó khăn hơn nên xin không nhận tiền. Tuy nhiên, theo người dân thì nhà cầm quyền xã đã in sẵn một loạt đơn, sau đó phát cho người dân và ép người dân ký vào đơn chứ không ai tình nguyện từ chối nhận tiền trong lúc đang gặp khó khăn mất việc làm.
Ngay sau khi thông tin trên được loan truyền trên mạng Facebook, vào ngày 12 tháng 5, một số trang báo của nhà cầm quyền cũng đã loan tin về sự việc nhưng lại theo hướng khác. Nội dung trên báo Vnexpress viết, tại huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá có hơn 46,500 người thuộc trường hợp cận nghèo được hưởng tiền hỗ trợ trong gói 62,000 tỷ đồng của nhà cầm quyền. Tuy nhiên, nhà cầm quyền địa phương đã nhận được hơn 2,000 lá đơn của người dân từ chối nhận tiền, với tổng số tiền là trên 1.5 tỷ đồng.
Báo Vnexpress viết, ông Nguyễn Văn Thiện, 48 tuổi, ở huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá là gia đình cận nghèo, sống trong căn nhà cũ nát xây hơn 40 năm. Hơn 3 tháng qua ông Thiện cũng không thể vào Nam đi làm thuê vì dịch corona, nhưng ông Thiện vẫn từ chối không nhận số tiền hỗ trợ 2 triệu đồng của nhà cầm quyền.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/nha-cam-quyen-ep-dan-ky-vao-don-khong-nhan-tien-ho-tro-dich/
Tỉnh Thanh Hóa
yêu cầu ngưng vận động từ chối tiền hỗ trợ
Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa trong ngày 13 tháng 5 gửi công văn hỏa tốc đến các đơn vị trong tỉnh yêu cầu không được vận động người dân từ chối nhận tiền hỗ trợ.Tin từ truyền thông trong nước loan đi cho hay công văn hỏa tốc do phó chủ tịch Mai Xuân Liêm ký,truyền đạt ý kiến chỉ đạo của chủ tịch tỉnh Thanh Hóa về việc triển khai gói hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 gây nên.
Công văn hỏa tốc vừa nêu được gửi đi sau khi có tin hằng ngàn người dân nghèo tại tỉnh Thanh Hóa làm đơn xin từ chối nhận khoản hỗ trợ khó khăn do dịch COVID-19 trong thời gian qua. Những người từ chối nhận khoản hỗ trợ phải điền vào một mẫu đơn in sẵn.
Tổng đài hỗ trợ thông tin cho người dân gặp khó khăn do COVID-19 tại tỉnh Thanh Hóa cũng xác nhận có một vài nơi trong tỉnh vận động người dân không nhận kinh phí hỗ trợ.
Công văn hỏa tốc vào ngày 13 tháng 5 của UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương chỉ đạo cán bộ cơ sở tuyệt đối không được vận động người dân từ chối nhận hỗ trợ; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; đồng thời hướng dẫn có hướng dẫn cụ thể đối với những trường hợp người dân tự nguyện không nhận hỗ trợ.
Chính phủ Việt Nam vừa qua quyết định chi ra 62 ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho sáu nhóm đối tượng bị tác động do đợt dịch COVID-19 gây nên. Hiện nay các tỉnh, thành đang tiến hành phân phối khoản tiền này cho những người thuộc 6 nhóm được nêu ra.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/thanh-hoa-province-asks-for-termination-of-support-money-refusal-campaigning-05132020090314.html
Người Trung Cộng lập xóm, lập phố tự do ở Việt Nam
nhưng bộ công an nói vẫn “an toàn”
Tin Vietnam.- Báo Dân trí ngày 11 tháng 5 năm 2020 loan tin, ngừơi dân tỉnh Bình Dương đã bày tỏ lo ngại về tình trạng người Trung Cộng đến Việt Nam tự do “lập xóm, lập phố” đã và đang diễn ra ở nhiều địa phương.Nhiều người dân đề nghị nhà cầm quyền cai quản chặt chẽ việc người Trung Cộng đến mua đất, sinh sống tại Việt Nam; ngoài ra những khu dự án do người Trung Cộng trúng thầu, dẫn đến các nhà thầu đưa người lao động đến Việt Nam làm việc, và ngay cả du khách Trung Cộng đến Việt Nam cũng đều tạo ra nhiều mối lo ngại về an ninh khu vực, và chủ quyền quốc gia của Việt Nam.
Sự việc này được Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Cộng sản chuyển qua nội dung qua bộ Công an Cộng sản. Đáp trả lại những lo lắng của người dân, phía bộ Công an Cộng sản xác nhận, có tình trạng một lượng lớn người Trung Cộng nhập cảnh vào Việt Nam để xây dựng, làm việc trong những năm gần đây tại các dự án kinh tế. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng, tại những khu dự án trên chưa phát hiện tình trạng phức tạp về an ninh, trật tự liên quan đến người Trung Cộng.
Trái với phát ngôn bảo vệ người Trung Cộng của bộ Công an Cộng sản, vào năm 2019, chính bộ Công an Cộng sản Việt Nam đã phát hiện hơn 380 người Trung Cộng ở khu đô thị Our City, tại thành phố Hải Phòng đã và đang điều hành đường dây đánh bạc rất lớn trong khu đô thị.
Gần đây nhất, vào tháng 4 năm 2020, báo Dân trí loan tin, công ty Luxshase-ICT của Trung Cộng tại tỉnh Bắc Giang đã xem thường luật pháp Cộng sản Việt Nam, tự ý xây 3 toà nhà lớn trái phép, và nuôi hơn 1,500 người trái phép tại công ty.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/nguoi-trung-cong-lap-xom-lap-pho-tu-do-o-viet-nam-nhung-bo-cong-an-noi-van-an-toan/
Có đáng tự hào vì nhiều ATM gạo giúp dân nghèo?
Vừa qua, tại cuộc họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng những hình ảnh thể hiện tinh thần yêu nước của người Việt như ATM gạo rất đáng tự hào, trên thế giới chưa bao giờ có.ATM Gạo
Liệu ATM có đáng để Việt Nam tự hào với thế giới?
Chị Hằng Huỳnh, một người dân ở Đà Nẵng khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do qua tin nhắn hôm 12 tháng 5 năm 2020, nhận định:
“Bỏ qua chuyện ATM gạo xuất phát từ Malaysia năm 2016, thì có gì đáng tự hào? Những nước nghèo đói mới cần đến viện trợ gạo, dân nghèo rất nghèo mới đi chờ trợ cấp gạo chứ, đáng lẽ ra đó một một sỉ nhục, thì bà Ngân lại tự hào vì điều này. Tôi không hiểu sao một Chủ tịch Quốc hội lại không hiểu điều sơ đẳng đó.”
Các vị lãnh đạo nhà nước thường người ta có xu hướng, không nhìn cái đó như là vấn đề nội tại của xã hội, của dân tộc mà như là một thành quả lãnh đạo của các vị… cái đó thì quá…
-PGS. TS. Hoàng Dũng
ATM gạo đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện tại địa chỉ 204B đường Vườn Lài, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh. Máy này do anh Hoàng Tuấn Anh – CEO của Công ty PHGLock, tận dụng máy móc có sẵn của công ty chế tạo, máy hoạt động như cây ATM, chỉ cần nhấn nút, gạo sẽ tự động tuôn ra, mỗi lần được 1,5kg gạo, dành cho 2-3 người ăn trong khoảng 1 tuần.
Mục đích của Anh Tuấn khi đó nhằm giúp đỡ những người nghèo, buôn bán dạo, trong thời gian giãn cách xã hội để chống dịch covid-19 không thể buôn bán, rơi vào thế túng quẫn, vẫn có gạo để ăn.
Theo Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội, trong bốn tháng đầu năm 2020, đã có khoảng 670 ngàn lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Ý tưởng của Anh Tuấn sau đó được nhiều mạnh thường quân ủng hộ đã phát triển thêm nhiều máy ATM gạo ở Sài Gòn. Sau đó, ATM gạo lần lượt xuất hiện ở nhiều tỉnh thành trên cả nước như Hà Nội, Hà Nam, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Khánh Hoà, Đà Nẵng, Đắk Lắk… và một số tỉnh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng nhận định với Đài Á Châu Tự Do hôm 12 tháng 5 năm 2020:
“Một mặt nào đó nói tự hào là đúng, vì tôi nghĩ người Việt trong lúc khó khăn họ nghĩ ra cái cách làm sao giúp nhau được, cái đó là truyền thống người Việt thương yêu nhau, đề cao là đúng. Còn về phương diện khác như kỹ thuật thì ai cũng biết nó đơn giản, không khó khăn gì, vấn đề là do tình yêu thương, người ta nghĩ ra chuyện kỹ thuật. Có điều là các vị lãnh đạo nhà nước thường người ta có xu hướng, không nhìn cái đó như là vấn đề nội tại của xã hội, của dân tộc mà như là một thành quả lãnh đạo của các vị… cái đó thì quá… Thường thường họ nói có cái cách ám chỉ như là họ lãnh đạo sáng suốt nên có chuyện đó… Mà đó là người dân giúp người dân thôi, chứ không liên quan gì nhà nước ở đây cả… Người dân dần dần nghe mấy chuyện tương tự như vậy họ chỉ cười…”
Tỷ lệ hộ nghèo
Có ý kiến cho rằng việc xuất hiện nhiều ATM gạo cho thấy số người thiếu thốn còn nhiều. Đợt dịch COVID-19 làm lộ rõ điều đó. Số người có tiết kiệm phòng khi cơ nhỡ khá đông.
Theo số liệu thống kê của Liên Hiệp Quốc năm 2019, dân số Việt Nam ước tính là hơn 97 triệu người, tỷ lệ người nghèo chiếm hơn 10% dân số tức khoảng hơn 9 triệu người, 72% trong số này là người dân tộc thiểu số, phần lớn họ sống tại vùng cao.
Nguyên nhân của những hậu quả trên được ông Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Việt Nam cho báo chí biết, là vì điều kiện tự nhiên khắc nghiệt ở vùng sâu vùng xa, dẫn đến việc thiếu nguồn nhân lực, đầu tư giáo dục và kinh tế kém, tình trạng thất nghiệp… Bên cạnh đó, việc phối hợp kém hiệu quả giữa chính quyền địa phương và Chính phủ cũng là điểm bất cập.
Do đó, người Việt ở nông thôn Việt Nam tìm đủ cách vay tiền để đi nước ngoài làm việc, vì không tìm được việc làm trong nước. Trong khi chính phủ cung cấp hỗ trợ công ăn việc làm thì không thể đến tay tất cả mọi người.
Lao động xứ người
Vào cuối năm 2019, câu chuyện thanh niên – thiếu nữ lao động xứ người, đã gây chấn động dư luận khi 39 nạn nhân người Việt nhập cư lậu vào Anh bỏ mạng trên một chiếc xe container đông lạnh và được cảnh sát Essex, Anh phát hiện hôm 23/10. Tỉnh có đông nạn nhân nhất là Nghệ An với 21 người, tiếp theo là Hà Tĩnh với 10 người, còn lại là các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế, Hải Phòng và Hải Dương.
Trong khi đó Việt Nam luôn tự hào có một thành phần đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam, đó là lao động Việt ở nước ngoài. Bộ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, năm 2019, có khoảng 148.000 người Việt Nam xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài. Sau 4 năm, hơn 550.000 lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc. Mỗi năm đem về cho đất nước hàng tỷ đô la.
Không chỉ ở Anh, nhiều người Việt Nam đã tìm cách nhập cư lậu và làm việc trái phép ở Đài Loan, phần nhiều đi từ các tỉnh miền Trung. Linh mục Nguyễn Văn Hùng, thường trợ giúp pháp lý cho công nhân Việt tại Đài Loan, khi trả lời RFA trước đây, cho biết:
“Rất nhiều người ở Nghệ An và Hà Tĩnh đi bất hợp pháp qua Đài Loan làm việc một cách phi pháp. Họ ở trên những vùng núi, chừng 8 người trong không phải là cái nhà mà là cái chòi, đời sống rất kham khổ. Nếu có khả năng làm việc thì có tiền gởi về. Nếu trời mưa lạnh không đi làm thì không có tiền và họ phải đi vô rừng. Tôi đã đi thăm các trại tù, tôi gặp rất nhiều lao động Việt đi chặt cây bất hợp pháp trên rừng, có người bị tù tới 11, 12 năm vì đi làm những công việc vừa nguy hiểm vừa vi phạm pháp luật của Đài Loan như vậy.
Những người đi đánh cá xa bờ mà khi có cơ hội vào bờ thì họ bơi vào và trốn lên những khu trồng rau hoặc trồng trà trên núi. Họ ở đó họ làm và không dám đi đâu cả vì sợ bị bắt.”
Còn những ngư dân đi đánh cá xa bờ khác còn phải chịu nhiều hiểm nguy khi bị tàu Trung Quốc cướp bóc, đâm chìm… Trong khi chính quyền Việt Nam luôn tự hào tuyên bố việc gìn giữ chủ quyền biển đảo, cũng như bảo vệ ngư dân…
Chủ quyền biển đảo
Mỗi lần Trung Quốc gây hấn, như thường lệ các phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Việt Nam lại cho phát đi phát lại cái mà nhiều người trong nước ví như ‘đoạn băng rè’ phản đối hành động của Trung Quốc và tuyên bố vùng biển đó thuộc chủ quyền Việt Nam…
Trong bốn tháng đầu năm 2020, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh những hành động khiêu khích nhằm áp đặt chủ quyền của họ ở Biển Đông, khiến tình hình tại vùng biển đang tranh chấp này thêm căng thẳng.
Tôi thấy biện pháp tiếp cận của Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á hiện nay, là phù hợp với tình hình trong khu vực.
-Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc
Truyền thông Trung Quốc vào ngày 5/3/2020 đồng loạt đăng Báo cáo của Viện Sáng kiến Nghiên cứu Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) nói rằng có tổng cộng 311 tàu cá Việt Nam đã xâm nhập vào khu vực nội địa gần đảo Hải Nam, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc vào tháng 2, với mục đích đánh bắt cá và làm gián điệp bất hợp pháp.
Và tiếp đến là Trung Quốc cho tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam, nhưng lại cho rằng tàu cá Việt Nam tự đụng vào tàu Trung Quốc.
Vào ngày 18/04/2020, Trung Quốc thông báo thành lập hai quận thuộc “thành phố Tam Sa”, đó là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa), hai quần đảo mà Hà Nội khẳng định là thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 12 tháng 5 năm 2020 liên quan vấn đề này, Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc, nhận định:
“Vấn đề tranh chấp biển Đông là một vấn đề phức tạp, nó không chỉ mới diễn ra trong những năm gần đây. Hay nói một cách khác, nó không chỉ đẩy mạnh từ khi Trung Quốc thành lập cái gọi là Tam Sa từ năm 2007, mà vấn đề tranh chấp này bắt đầu từ năm 1909, khi chính quyền Quảng Đông cho một đội tàu ra thám sát Hoàng Sa. Chúng ta thấy cuộc tranh chấp này hơn một trăm năm, nó không giải quyết được vấn đề, càng ngày cái tranh chấp đó đi đến một giai đoạn thật gay gắt, nó đặt Đông Nam Á trên miệng hố chiến tranh.”
Vậy thì chiến tranh có xảy ra hay không? Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc đặt vấn đề, với tiềm lực kinh tế và quân sự giữa Việt Nam và Trung Quốc thì có nên phát động một cuộc chiến tranh hay không? Thứ hai, chiến tranh trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc thì dù bên nào thắng thì tất cả đều cùng thiệt hại rất nặng nề. Và cái thiệt hại lớn nhất là hòa bình, ổn định trong khu vực Đông Nam Á bị đe dọa. Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc cho biết, ông thấy không có lợi cho khu vực này. Ông nói tiếp:
“Vậy thì hòa hoãn để giải quyết bằng phương pháp hòa bình, bằng mọi cách, bằng công pháp quốc tế… bằng tòa án, bằng tòa trọng tài, bằng đối thoại song phương, đa phương… thì tôi thấy biện pháp tiếp cận của Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á hiện nay, là phù hợp với tình hình trong khu vực.”
Vào đầu tháng 5 năm 2020, Cơ quan quản lý nghề cá Trung Quốc ra thông báo cấm đánh bắt cá trên Biển Đông có hiệu lực từ ngày 1 tháng 5 năm 2020 đến ngày 16 tháng 8 năm 2020. Phạm vi cấm đánh bắt trải dài từ vùng biển phía bắc Biển Đông, bao gồm cả một phần vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Từ năm 1999 trở lại đây, Trung Quốc hàng năm đều áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương ở Biển Đông, bất chấp những phản đối mạnh mẽ từ các nước trong khu vực. Lý do mà Trung Quốc đưa ra đối với lệnh cấm này là để bảo vệ sự phát triển của nguồn cá.
Nhiều người cho rằng lãnh đạo cần thấy rõ vấn nạn chủ quyền đất nước bị phía Trung Quốc xâm phạm, nguy cơ tụt hậu so với những nước trong khu vực chứ chưa nói đến những quốc gia khác trên thế giới để có phương cách vượt lên. Khi có vị thế vững chắc trên trường quốc tế mới đáng tư hào.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/things-vietnam-is-proud-of–is-it-worth-it-05122020133547.html
0 comments