Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 13/05/2020

Wednesday, May 13, 2020 6:36:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 13/05/2020

Mỹ đưa tàu hải quân vào Biển Đông để ‘hỗ trợ tự do hàng hải’

Ngày 12/5, một tàu hải quân Hoa Kỳ đã triển khai hoạt động gần tàu khoan dầu khí mang cờ Panama là West Capella, ĐSQ Hoa Kỳ tại Hà Nội cho hay trong thông cáo báo chí phát đi ngày 13/5.
Tàu tác chiến ven bờ lớp Independence USS Gabrielle Giffords (LCS 10) đã tới khu vực Nam Biển Đông – đây là lần thứ hai một tàu tác chiến ven bờ thực hiện tuần tra ở khu vực này kể từ khi tàu USS Montgomery (LCS 8) di chuyển cùng tàu USNS Cesar Chaves (T-AKE 14) vào ngày 7/5 để hỗ trợ tự do hàng hải và hàng không.
“Sự đa năng và linh hoạt của các tàu tác chiến ven bờ phiên bản lớp Independence được luân phiên triển khai đến Đông Nam Á thực sự làm thay đổi tình hình. Cũng giống như các hoạt động trước đây của tàu Montgomery, các hoạt động của tàu Gabrielle Giffords gần West Capella thể hiện chiều sâu năng lực mà Hải quân Hoa Kỳ sở hữu trong khu vực”, thông cáo dẫn lời Chuẩn đô đốc Fred Kacher, Tư lệnh Nhóm tác chiến viễn chinh 7.
“Sự tham gia tích cực và kiên trì của Hải quân Hoa Kỳ trong khu vực chính là sự thể hiện rõ nét nhất sự ủng hộ của chúng tôi đối với một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng mở và tự do”, Chuẩn Đô đốc Kacher nói thêm.
Tư lệnh Hạm đội 7, Phó Đô đốc Bill Merz, tái khẳng định rằng Hải quân Hoa Kỳ sẽ cho máy bay và tàu thuyền hoạt động trên Biển Đông ở bất kỳ nơi nào và thời điểm nào mà luật pháp quốc tế cho phép.
“Các hoạt động hiện diện thường lệ như của tàu Gabrielle Giffords tái khẳng định rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cho máy bay và tàu thuyền hoạt động tự do trên cơ sở tuân thủ luật pháp và các nguyên tắc hàng hải quốc tế bất chấp những yêu sách quá đà hoặc các sự kiện đang diễn ra. Hoa Kỳ ủng hộ các đồng minh và đối tác trong việc theo đuổi lợi ích kinh tế hợp pháp của mình”, Phó Đô đốc Merz phát biểu.
Vào cuối tháng Tư, tàu USS America (LHA 6), USS Bunker Hill (CG 52) và USS Barry (DDG 52) đã tới khu vực Biển Đông cùng tàu HMAS Parramatta (FFH 154) của Hải quân Hoàng gia Úc – thhể hiện cam kết của Hoa Kỳ đối với một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng mở và tự do trước các đồng minh và đối tác trong khu vực, thông cáo cho hay.
Nằm trong biên chế Biên đội tàu khu trục 7, tàu Gabrielle Giffords đang luân phiên triển khai hoạt động tại khu vực tác chiến của Hạm đội 7 để hỗ trợ đảm bảo an ninh và ổn định trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Hạm đội 7 triển khai tác chiến hải quân ở tiền phương để hỗ trợ đảm bảo lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Là hạm đội có nhiều tàu nhất của Hải quân Hoa Kỳ, Hạm đội 7 tương tác với 35 quốc gia ven biển khác để xây dựng quan hệ hợp tác giúp củng cố an ninh hàng hải, tăng cường ổn định và ngăn chặn xung đột.
Hiện diện của Mỹ trên Biển Đông có ý nghĩa gì?
Việc Mỹ thực hiện tự do hàng hải trên Biển Đông bằng cách đưa tàu hải quân vào khu vực này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường hoạt động trên biển.
Mới đây nhất, Trung Quốc ban lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông trong vòng ba tháng rưỡi.
Nhiều nhà quan sát cho rằng trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần phải tìm các đồng minh mới, đặc biệt phải dựa nhiều hơn vào Mỹ.
GS Carl Thayer trong cuộc trả lời phỏng vấn BBC News Tiếng Việt hôm 5/5, bình luận rằng Mỹ thực hiện các cuộc tuần tra như vậy với mục đích thực thi quyền tự do hàng hải để thách thức yêu cầu mà Mỹ cho là bất hợp pháp của Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam là phải báo trước cho những nước này biết trước khi vào vùng biển gần đảo Hoàng Sa.

Tàu thăm dò dầu khí Malaysia

 rời Biển Đông sau vụ đối đầu với TQ

Một tàu khoan thăm dò đáy biển do Petronas – công ty dầu khí nhà nước Malaysia vận hành, từng đối đầu với tàu khảo sát địa chất Trung Quốc ở Biển Đông, đã rời vùng biển tranh chấp hôm thứ ba 12/5, ba nguồn tin an ninh và công ty vận hành tàu cho biết.
Từ cuối năm ngoái, Petronas đã tiến hành các hoạt động thăm dò gần một khu vực nơi mà Malaysia, Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố thuộc chủ quyền của mình.
Vào giữa tháng Tư, tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc được hộ tống bởi lực lượng bảo vệ bờ biển và các tàu Dân quân Hàng hải Trung Quốc, bắt đầu hoạt động trong khu vực.
Ba tàu chiến Mỹ và một tàu khu trục Úc đã tiến hành một cuộc tập trận chung gần địa điểm hoạt động của Petronas, trong một cuộc đối đầu hồi tháng trước.
Tàu khoan West Capella, tàu do Petronas vận hành, rời vùng biển vì đã kết thúc các hoạt động thăm dò trong khu vực, các nguồn tin cho biết. Các nguồn tin này không muốn được nêu tên vì không được phép nói chuyện với giới truyền thông.
Hợp đồng của Petronas với công ty khoan dầu ngoài khơi Seadrill theo kế hoạch sẽ kết thúc vào cuối tháng này. Bộ Ngoại giao Malaysia và tập đoàn Petronas chưa trả lời ngay yêu cầu bình luận.
Giám đốc truyền thông của Seadrill, Iain Cracknell, xác nhận rằng West Capella đã rời khỏi khu vực sau khi hoàn thành công việc theo kế hoạch.
Con tàu Hải Dương 8 của chính phủ Trung Quốc, vẫn còn trong khu vực – khoảng 371 km (230 dặm) ngoài khơi đảo Borneo của Malaysia, theo trang web theo dõi tàu Marine Traffic cho thấy.
Dữ liệu cho thấy con tàu di chuyển trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, theo mô hình phù hợp với việc thực hiện một cuộc khảo sát, giống như trong một vụ đối đầu căng thẳng trong vùng biển của Việt Nam hồi năm ngoái.
Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) có trụ sở tại Washington nói vụ đối đầu giữa tàu Trung Quốc và tàu Malaysia đã diễn ra trong nhiều tháng.
Trung Quốc bác bỏ các bản tin đề cập tới một vụ đối đầu, và nói rằng Tàu Hải Dương 8 đang tiến hành các hoạt động “bình thường”.
Vụ việc này đã khiến Hoa Kỳ phải lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh hãy ngưng các hành vi bắt nạt trên khu vực tranh chấp.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên vùng biển rộng lớn chiếm hầu như toàn bộ Biển Đông, nơi có nhiều tài nguyên dầu khí, và cũng là một tuyến hàng hải quan trong cho thương mại quốc tế. Các nước khác cũng tuyên bố chủ quyền chồng chéo trên vùng biển này gồm có Philippines, Brunei, Malaysia và Việt Nam.
(Reuters)

Biển Đông: Trung Quốc toan tính gì

khi lập 2 ‘quận’ mới cho ‘Tam Sa’ ?

Thụy My
AMTI : Trung Quốc gia tăng mở rộng sự hiện diện về mặt hành chính trên Biển Đông một cách âm thầm, nên ẩn giấu phía sau là những hậu quả thực sự cho các quốc gia yêu sách khác. Việc lập hai « quận » mới cho « thành phố Tam Sa » không chỉ mang tính biểu tượng.
Ngày 18/04/2020, Quốc vụ viện Trung Quốc đã ra quyết định lập hai « quận » mới trực thuộc « thành phố Tam Sa » (Sansha), đặt trụ sở tại đảo Phú Lâm (Woody Island) trên quần đảo Hoàng Sa – cưỡng chiếm của Việt Nam năm 1974.
Một số nhà quan sát có thể cho rằng việc lập hai « quận » mới này chỉ mang tính biểu tượng mà thôi. Tuy nhiên theo nhận định của cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược (CSIS) ngày 12/05/2020, động thái này sẽ cải thiện việc quản lý hành chính và thúc đẩy các chính sách mới của Trung Quốc về Biển Đông.
Đảo Phú Lâm chiếm của Việt Nam thành đại bản doanh
Cái gọi là « Thành phố Tam Sa » được Bắc Kinh lập ra từ tháng 7/2012, trực thuộc tỉnh Hải Nam. « Thẩm quyền » của « thành phố » này được cho là trải rộng khắp 280 đảo, bãi cát ngầm, rạn san hô và các thực thể khác, cùng với các vùng biển xung quanh, tổng cộng lên đến gần 800.000 dặm vuông biển và đất liền.
Khu vực này bao trùm phần lớn yêu sách của Trung Quốc trong khuôn khổ đường 9 đoạn tự vẽ, gồm quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, cùng với bãi Macclesfield và bãi cạn Scarborough (mà Trung Quốc gọi là quần đảo Trung Sa).
Việt Nam và Philippines phản đối, cho rằng hành động đơn phương của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của hai nước láng giềng tại vùng biển tranh chấp.
Từ năm 2012, đảo Phú Lâm nói riêng và « thành phố Tam Sa » nói chung đã phát triển rất nhanh chóng. Trong tám năm qua, đã mở một trường học, thu hút được nhiều đầu tư, xây dựng các cơ sở hạ tầng mới như cầu cảng, nhà máy lọc nước biển. Du lịch nở rộ, kinh tế đa dạng hóa, hậu cần và viễn thông phát triển, nhiều nhà ở kiên cố được dựng lên và khuyến khích định cư.
Đảo Phú Lâm và các thực thể khác được cho là thuộc quyền tài phán của « thành phố Tam Sa » là nơi đặt các hệ thống vũ khí, và các cơ quan của « địa cấp thị » này phối hợp trong việc phát triển và hoạt động của lực lượng dân quân biển Trung Quốc. Và nay trên các thực thể đa dạng của « Tam Sa » đầy dẫy các hệ thống thiết bị tình báo, giám sát hiện đại.
Việc thành lập hai « quận » mới Tây Sa (Xisha) tại Hoàng Sa và Nam Sa (Nansha) ở Trường Sa là sự tiếp tục quỹ đạo phát triển của « Tam Sa ».
Vai trò « Tây Sa » và « Nam Sa »
Trong cách tổ chức của Trung Quốc, các địa cấp thị bao gồm các quận và phường trực thuộc, có bộ máy chính quyền của từng cấp. Thế nên khi Quốc vụ viện lập ra hai quận mới cho « thành phố Tam Sa », cũng đồng thời lập ra hai chính quyền cấp quận mới. Đó là « Tây Sa khu » đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, và « Nam Sa khu » đặt tại Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) thuộc Trường Sa, bị Trung Quốc chiếm năm 1988.
Ngoài việc nắm « quyền tài phán » trên quần đảo Hoàng Sa, chính quyền « Tây Sa khu » cũng quản lý luôn « quần đảo Trung Sa » (Zhongsha), trong khi chính quyền « Nam Sa khu » sẽ quản lý quần đảo Trường Sa. Vì chính quyền do đảng chỉ đạo, nên quận ủy cũng sẽ hiện diện tại các quận mới.
« Tây Sa » và « Nam Sa » giúp mở rộng năng lực hành chính của Trung Quốc trên Biển Đông. Nhà nước đảng trị từ lâu đã tìm cách tăng cường hiệu quả quản trị trên các lãnh thổ yêu sách tại vùng biển này.
Đầu tiên Bắc Kinh cho thành lập ủy ban đảng và chính quyền tại đảo Phú Lâm từ tháng 3/1959 (đảo Phú Lâm bị Trung Quốc bí mật chiếm đóng năm 1956, và quản lý toàn bộ hòn đảo sau trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974), có quyền tài phán như « thành phố Tam Sa » hiện nay. Đến cuối năm 2008, đảng và chính quyền Phú Lâm lập ra 18 ban hành chính chức năng và 20 định chế công mới.
Khi « thành phố Tam Sa » ra đời tháng 7/2012, các tổ chức chính quyền mới đã thay thế các bộ phận cũ. Từ năm 2012, Tam Sa liên tục đưa ra các hình thức quản trị địa phương mới, trong đó có ít nhất 4 ủy ban công tác và ủy ban quản lý, cũng như 10 ủy ban thường trú khu phố. Do đó việc lập thêm hai quận Tây Sa và Nam Sa là bước đi mới nhất trong một kế hoạch dài hạn của Trung Quốc nhằm bành trướng trên Biển Đông.
Các tổ chức của « thành phố Tam Sa » là trợ thủ cho sự hiện diện của Trung Quốc trên Biển Đông, thông qua việc thực hiện chức năng điều phối và hoạch định chính sách quan trọng. Có thể kể : định ra chính sách thuế và công nghiệp địa phương, hỗ trợ hoạt động dân quân biển, đưa vào vận hành các tàu mới, điều phối nguồn lực dân sự và quân sự. Bên cạnh đó là cải thiện điều kiện sống, lập các chương trình tuyên truyền, thiết trí các hệ thống viễn thông mới…
Những người được giao điều hành « Tam Sa » sẽ có tám năm bận rộn với việc biến đảo Phú Lâm và các thực thể khác thành trung tâm cho các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông. Hai quận « Tây Sa » và « Nam Sa » sẽ cung cấp người quản lý, nhân sự và nguồn lực cần thiết cho việc xây dựng và thực thi chính sách địa phương ở mức độ rộng lớn hơn, qua đó nâng cao năng lực hành chính tổng thể của « thành phố Tam Sa ».
Cạnh tranh giữa hai « quận » mới ?
Việc bổ sung thêm hai quận mới cho « thành phố Tam Sa » còn có thể thúc đẩy các chính sách mới về Biển Đông. Được cho là « Tây Sa » và « Nam Sa » sẽ quản lý về địa lý và chính trị tại hai khu vực khác nhau, hai cơ quan này rốt cuộc có thể theo đuổi các lợi ích khác biệt.
« Tây Sa khu » sẽ quản lý một khu vực tương đối ổn định trên Biển Đông, tại đó Trung Quốc đã có sự hiện diện dân sự đông đảo. Còn « Nam Sa khu » sẽ phụ trách một khu vực tranh chấp nóng bỏng, với nhiều lực lượng quân sự, chấp pháp và dân quân biển. Do vậy các nhà quản lý sẽ phải áp dụng các chính sách phù hợp với đặc điểm của địa phương mình.
Chẳng hạn, chính quyền « Tây Sa khu » có thể thúc đẩy việc tổ chức cho du khách Trung Quốc đến tham quan quần đảo Trường Sa, một thủ thuật đầy khiêu khích nhằm phát triển kinh tế địa phương, dân sự hóa sự hiện diện ở Trường Sa và xác quyết chủ quyền.
Hai quận này có cạnh tranh lợi ích với nhau hay không và ở mức độ nào, còn tùy thuộc vào quyền tự chủ tương đối của họ đối với chính quyền « thành phố Tam Sa ». Do hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông là kết quả tương tác giữa nhiều nhân tố trung ương và địa phương khác nhau, nên sự thay đổi quan hệ giữa các cấp hành chính của « Tam Sa » cần được theo dõi chặt chẽ.
AMTI kết luận, vì Trung Quốc gia tăng mở rộng sự hiện diện về mặt hành chính trên Biển Đông một cách âm thầm, nên ẩn giấu phía sau là những hậu quả thực sự cho các quốc gia yêu sách khác. Các quận mới sẽ cung cấp các nguồn lực xây dựng và thực thi chính sách bổ sung cho « thành phố Tam Sa », giúp những người lãnh đạo theo đuổi các chủ trương cụ thể.
Nằm ở tuyến đầu tranh chấp Biển Đông, « thành phố Tam Sa » và các tổ chức hành chính trực thuộc chịu trách nhiệm hằng ngày đều phải thúc đẩy lợi ích về lãnh thổ của Trung Quốc. Thế nên việc tăng cường năng lượng hành chính cho « Tam Sa » sẽ nâng cao vị trí tổng thể của Trung Quốc trên vùng biển náo động này. Các quốc gia đòi hỏi chủ quyền, đặc biệt là Việt Nam, cần phải chú ý « nhất cử nhất động » trong chính sách bành trướng Bắc Kinh.

Giới học giả: Cộng đồng quốc tế cần chung tay

ngăn chặn hoạt động phi pháp của TQ trên Biển Đông

Biển Đông là vùng biển quan trọng với nhiều quốc gia và bất kỳ cuộc xung đột nào, thậm chí là xung đột quân sự cũng có thể dẫn đến hậu quả rất đáng buồn. Để bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực, cũng như lợi ích của các bên, cộng đồng quốc tế cần phối hợp ngăn chặn hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.
Sơ đồ tuyến khảo sát trái phép của tàu Hải Dương 8 trong vùng biển Việt Nam năm 2019
Luật sư Alexander Molotnikov, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu pháp lý châu Á, Trường Đại học tổng hợp quốc gia Lomonosov (MGU), Liên bang Nga nhận định những gì đang xảy ra ở Biển Đông cho thấy Trung Quốc đang cố gắng làm tình hình căng thẳng hơn, bởi vì mọi người đều hiểu rằng trên toàn cầu đang tồn tại một số lượng lớn các tình huống có khả năng xung đột liên quan đến vấn đề lãnh thổ chủ quyền… Khi một trong các bên cố gắng thiết lập tên gọi cụ thể cho một số vùng lãnh thổ nhất định, thậm chí thiết lập các cấu trúc quản lý hành chính của đất nước, điều đó có nghĩa là một cuộc xung đột đang bùng phát.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc đã đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá ở phía bắc Biển Đông, bao gồm một phần của vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa là động thái cho thấy Trung Quốc không cho thấy mong muốn để có được giải pháp tích cực cho cuộc xung đột. Trong khi việc đánh bắt cá đang được thực hiện một cách bình thường, thì đột nhiên chính phủ của một quốc gia khác đưa ra lệnh cấm và cũng không công bố chi tiết nội dung của lệnh cấm này. Tất nhiên, nhiều ngư dân cũng như những người bình thường khác sẽ không hiểu, không xác định được vùng lãnh thổ này có xung đột hay không. Họ chỉ đi ra ngư trường truyền thống của họ. Nhiều người trong số họ, hoàn toàn có thể không biết rằng Trung Quốc áp đặt lệnh cấm như vậy. Có thể hình dung một tình huống khi ngư dân đi thuyền đến vùng lãnh thổ mà họ không biết về thực tế là một quốc gia khác đã thiết lập các quy tắc mới. Trong khi đó, lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc hành động theo các quy tắc mà họ tự thiết lập, sau đó thông báo cho ngư dân rằng họ bị phạt vì vi phạm và như vậy mâu thuẫn sẽ nảy sinh, làm gia tăng khả năng xung đột ở vùng biển này.
Luật sư Alexander Molotnikov cho rằng Trung Quốc thực hiện các hành động gây bất ổn ở Biển Đông vào thời điểm này khi cả thế giới đang phải đối phó với đại dịch Covid-19 bùng phát là nhằm tránh thu hút sự chú ý lớn từ cộng đồng quốc tế về những hoạt động phi pháp đang diễn ra trên Biển Đông. Vấn đề Biển Đông ảnh hưởng đến một số lượng lớn các quốc gia, không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và Việt Nam. Về mặt pháp lý, UNCLOS 1982 mà cả Việt Nam và Trung Quốc tham gia là văn bản pháp lý quan trọng để giải quyết vấn đề này. Theo đó, trong mọi trường hợp, tranh chấp lãnh thổ cần được giải quyết bằng luật pháp quốc tế phù hợp với Công ước. Ở đây cần phải giải quyết các vấn đề bằng các biện pháp pháp lý. Chúng ta nhận thức rõ rằng Biển Đông là vùng biển quan trọng với nhiều quốc gia và bất kỳ cuộc xung đột nào, thậm chí là xung đột quân sự cũng có thể dẫn đến hậu quả rất đáng buồn.
Tiến sỹ Lê Thu Hường, nhà phân tích cao cấp thuộc Viện chính sách chiến lược Australia khẳng định, các hành động phi pháp liên tiếp gần đây tại Biển Đông đang làm cho Trung Quốc tự cô lập mình hơn nữa và làm giảm lòng tin của khu vực đối với nước này; nhấn mạnh việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố thành lập cái gọi là “hai đơn vị hành chính mới ở Biển Đông” trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, nhằm “tạo điều kiện cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng và tăng cường sự hiện diện quân sự của Trung Quốc trong khu vực.” Trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam cùng lúc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đồng thời đây cũng là năm Việt Nam chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam đang nhận được sự ủng hộ quan trọng trong việc đấu tranh chống lại những hành động tái diễn của Trung Quốc. Philipines, thành viên ASEAN và Mỹ đều lên tiếng ủng hộ Việt Nam. Mỹ đã có hành động quyết đoán hơn bình thường khi Bộ Ngoại giao nước này ra tuyên bố khẳng định việc tàu Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa là “nằm trong chuỗi hành động nhằm khẳng định các yêu sách hàng hải bất hợp pháp và gây bất lợi cho các nước Đông
Nam Á nằm bên bờ Biển Đông”. Tiến sỹ Lê Thu Hường nhận định, việc Trung Quốc tận dụng “cơ hội chiến lược và tạo ra thực tế mới trên Biển Đông” chỉ làm suy giảm uy tín của nước này. Hành động của Trung Quốc đã chứng tỏ nước này không tôn trọng luật pháp quốc tế. Phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 đã bác bỏ các yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc. Việc tạo ra các đơn vị hành chính mới cho thấy Trung Quốc không có ý định thực thi cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua các quy trình của ASEAN, đi ngược lại với Tuyên bố  của các bên về cách ứng xử ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc cũng như tinh thần của Bộ Quy tắc ứng xử mà hai bên đang đàm phán”. Trung Quốc đang tự làm hại mình với hành động thiển cận, gia tăng lợi ích bằng sự kiểm soát hoàn toàn. Kết quả là Trung Quốc ngày càng bị cô lập và uy tín ngày càng giảm trong khu vực và với cả với những nước nhận được các thiết bị y tế mà Trung Quốc viện trợ trong đợt dịch bệnh này. Cũng không loại trừ khả năng các hành động hung hăng của “Trung Quốc có thể thúc đẩy Việt Nam đi đến các hành động pháp lý, điều mà Việt Nam luôn kiềm chế vì lợi ích của mối quan hệ song phương. Nếu Trung Quốc thành công trong việc kích động không chỉ một (trước đây là Philippines) mà là hai nước láng giềng chính thức có các hành động pháp lý chống lại mình thì điều này sẽ nói lên khả năng lãnh đạo trong khu vực của nước này chứ chưa nói đến tham vọng toàn cầu”.
Cùng quan điểm trên, chuyên gia Michael Shoebridge, Giám đốc Chương trình quốc phòng, chiến lược và an ninh quốc gia, thuộc Viện Chính sách chiến lược Australia khẳng định những hành động phi pháp gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông đang khiến cộng đồng quốc tế lo ngại bởi Trung Quốc đã lợi dụng lúc cả thế giới đang tập trung mọi nguồn lực vào cuộc chiến chống Covid-19 để tiếp tục đẩy mạnh các hành động sai trái ở Biển Đông. Theo chuyên gia Michael Shoebridge, Trung Quốc rõ ràng đang theo đuổi cái gọi là yêu sách đường 9 đoạn vốn không có bất kỳ căn cứ nào theo luật pháp quốc tế như phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 đã làm rõ. Chúng ta đều biết rằng, Trung Quốc đang hành động trái với luật pháp quốc tế khi theo đuổi các yêu sách này. Chúng ta cũng biết rằng, Trung Quốc đang chiếm đóng và kiểm soát các vùng lãnh thổ, các thực thể ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa. Và điều chúng ta đang thấy hiện giờ đó chính là việc Trung Quốc gia tăng các hành động có tính toán như vậy vào đúng thời điểm cả thế giới đang phải tập trung đối mặt với dịch Covid-19.
Chuyên gia Michael Shoebridge cho rằng cũng giống như các quốc gia trên thế giới, Australia sẽ bị ảnh hưởng khi mà Trung Quốc đi ngược lại luật pháp quốc tế. Bởi vì khi chúng ta đang phải đối mặt với đại dịch thì có rất nhiều vấn đề đòi hỏi cần phải có sự hợp tác toàn cầu và nếu không tuân thủ luật pháp quốc tế thì quốc gia đó rất khó để có thể cùng hợp tác với cộng đồng quốc tế. Do đó, hành động không tuân thủ luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ gây cản trở đến đến hợp tác toàn cầu và tạo ra những ảnh hưởng tới kinh tế. Rất nhiều hàng hóa quốc tế được vận chuyển qua Biển Đông, nhiều hàng hóa của Australia cũng được vận chuyển qua vùng biển này. Vì vậy, các nước đều có lợi ích trực tiếp đối với việc tự do đi lại ở vùng biển này. Tuy nhiên, Trung Quốc đe dọa việc tự do đi lại ở Biển Đông, đâm tàu của các nước khác và cố tình để cho tàu chìm là những hành động cho thấy tự do hàng hải theo luật pháp và thông lệ quốc tế không được đảm bảo ở khu vực này. Điểm thứ ba cho thấy tác động đến Australia đó là việc Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự tại các thực thể mà họ chiếm đóng ở Biển Đông và thể hiện tham vọng quân sự từ các thực thể này… Cách Trung Quốc sử dụng sức mạnh quân sự đã thể hiện rằng hành động của họ không dựa trên luật pháp quốc tế và đây rõ ràng là hành động nguy hiểm khiến không chỉ Australia mà cả các quốc gia khác trong khu vực lo ngại. Australia không đứng về phía bên nào trong bất kỳ tranh chấp nào, tuy nhiên nên nhớ rằng, đó là việc không đứng về phía bên nào trong các tranh chấp hợp pháp. Rõ ràng là với các hành động không tuân thủ luật pháp quốc tế, dùng vũ lực như là việc đâm chìm tàu của các quốc gia khác… thì Australia có thể và nên đứng về phía lẽ phải. Bên cạnh đó, nếu Trung Quốc đâm chìm tàu của quốc gia khác mà hai nước đang không có chiến tranh thì rõ ràng là chính phủ Australia nên lên tiếng và các chính phủ khác cũng nên như vậy. Đây không phải là câu chuyện đứng về phía bên nào trong khía cạnh pháp lý về tham vọng chủ quyền mà là câu chuyện khi thuyền của một quốc gia đâm chìm thuyền của quốc gia khác, là vấn đề mà chúng ta có thể và nên tỏ rõ thái độ. Đáng chú ý, chuyên gia Michael Shoebridge nhấn mạnh sẽ tốt hơn nếu làm rõ rằng đây không phải là vấn đề song phương giữa những quốc gia nhất định mà đây là vấn đề quốc tế, là vấn đề khu vực và toàn thế giới cần ứng phó mạnh mẽ với cách hành xử của Trung Quốc.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.