Covid-19: 'Phản ứng thái quá' giúp Việt Nam chống virus thành công ra sao?
Friday, May 15, 2020
9:55:00 AM
//
- Slider
,
Tìm hiểu
Mặc dù có biên giới dài với Trung Quốc và dân số 97 triệu người, Việt Nam chỉ ghi nhận trên 300 ca nhiễm Covid-19 và không một ca tử vong nào.
Đã gần một tháng trôi qua kể từ khi nước này có ca nhiễm trong cộng đồng, và Việt Nam đang bắt đầu mở cửa trở lại.
Theo các chuyên gia, không như nhiều nước khác đang có số ca nhiễm và tử vong trên diện rộng, Việt Nam đã nhận thấy có khoảng thời gian nhỏ để hành động sớm, và đã tận dụng triệt để khoảng thời gian này.
Cách chống dịch xâm nhập và tốn nhiều công sức của Việt Nam, mặc dù có chi phí thấp, cũng có những hạn chế. Các chuyên gia cho rằng đã quá muộn để hầu hết các nước trên thế giới có thể học được từ thành công của Việt Nam.
Các biện pháp 'cực đoan nhưng hợp lý'
"Khi bạn phải đương đầu với những loại mầm bệnh mới và có thể rất nguy hiểm, phản ứng thái quá là tốt hơn," TS Todd Pollack thuộc Chương trình hợp tác Tăng cường Sức khỏe ở Việt Nam của ĐH Havard ở Hà Nội nói.
Biết rằng hệ thống y tế của nước này sẽ nhanh chóng bị quá tải dù virus chỉ lây ở mức độ nhẹ, Việt Nam chọn con đường đề phòng sớm, và trên phạm vi rất rộng.
Vào đầu tháng Một, trước khi có ca nhiễm nào được xác nhận, chính phủ Việt Nam đã bắt đầu "hành động mạnh" để chuẩn bị đối phó với bệnh viêm phổi lạ, mà ở thời điểm đó đã làm hai người ở Vũ Hán tử vong.
Khi ca nhiễm đầu tiên được xác nhận hôm 23 tháng Một - một người đàn ông đi từ Vũ Hán tới thăm con trai ở Thành phố Hồ Chí Minh - kế hoạch khẩn cấp của Việt Nam bắt đầu được triển khai.
"Việt Nam đã hành động rất rất nhanh, điều có vẻ như khá cực đoan ở thời điểm đó nhưng sau đó được chứng tỏ là rất hợp lý," GS Guy Thwaites, giám đốc Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) tại Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị hợp tác với chính phủ Việt Nam về các chương trình bệnh truyền nhiễm, bình luận.
Việt Nam thực hiện các biện pháp mà các nước khác phải mất hàng tháng mới làm được như hạn chế đi lại, theo dõi chặt chẽ và cuối cùng đóng cửa biên giới với Trung Quốc và tăng cường kiểm tra sức khỏe tại các cửa khẩu và những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao.
Các trường học, đóng cửa để nghỉ Tết Nguyên đán hồi cuối tháng Một, vẫn đóng cửa cho tới giữa tháng Năm. Trong khi đó, một chiến dịch truy tìm và cách ly trên diện rộng và tốn nhiều công sức được thực hiện.
"Đây là một đất nước đã đối phó với rất nhiều dịch bệnh trong quá khứ," GS Thwaites nói, từ dịch Sars năm 2003 cho tới cúm gia cầm năm 2010 và nhiều đợt bùng phát dịch sởi và sốt xuất huyết.
"Chính phủ và người dân rât quen với việc xử lý các bệnh truyền nhiễm và cẩn thận với các bệnh này, có lẽ cẩn thận hơn nhiều so với các nước giàu. Họ biết cách phải phản ứng ra sao trước các bệnh như vậy."
Đến giữa tháng Ba, Việt Nam đưa tất cả những ai nhập cảnh - và bất cứ ai trong nước có tiếp xúc với những ca nhiễm được xác định - vào các khu cách ly trong 14 ngày.
Các chi phi phần lớn do chính phủ chịu, mặc dù nơi ăn ở không phải lúc nào cũng sang trọng. Một phụ nữ từ Úc về Việt Nam, vì coi Việt Nam là nơi an toàn hơn, nói với BBC News Tiếng Việt rằng đêm đầu tiên chị chỉ có "một chiếc đệm, không có gối, không có chăn" và chỉ có một cây quạt cho cả phòng nóng bức.
Tránh lây lan từ người không có triệu chứng
GS Thwaites nói cách ly trên diện rộng như vậy là hết sức quan trọng vì bằng chứng cho thấy có tới một nửa số người nhiễm không có triệu chứng.
Tất cả những ai đi cách ly đều được xét nghiệm, cho dù họ có triệu chứng hay không, và theo ông, có tới 40% các ca nhiễm được xác nhận ở Việt Nam không hề biết họ có virus hay không nếu họ không được xét nghiệm.
"Nếu bạn có mức [ca không có triệu chứng] như vậy, điều duy nhất bạn có thể làm để kiểm soát nó là cách Việt Nam đã làm," ông nói.
Điều này cũng giải thích tại sao không có ca tử vong nào.
Vì hầu hết những người Việt từ nước ngoài về là sinh viên, khách du lịch hay thương gia, họ thường trẻ hơn và khỏe hơn.
Họ có cơ hội chống chọi với virus tốt hơn, và không có khả năng làm lây sang người thân cao tuổi, có nghĩa là hệ thống y tế có thể tập trung nguồn lực vào một số ít ca trầm trọng.
Mặc dù Việt Nam chưa bao giờ áp dụng phong tỏa tuyệt đối trên cả nước, chính quyền hành động nhanh với các ổ dịch bùng phát.
Tháng Hai, sau khi có một vài ca ở xã Sơn Lôi, phía Bắc Hà Nội, hơn 10.000 người sống trong khu vực đã bị cách ly. Điều tương tự cũng xảy ra với 11.000 người ở thôn Hạ Lôi gần thủ đô, và đối với nhân viên và bệnh nhân tại một bệnh viện.
Không ai được phép ra vào cho đến khi đã hết hạn cách ly hai tuần mà không có ca nhiễm mới.
Biện pháp phong tỏa địa phương này - điều có thể được áp dụng lại nếu virus tái xuất hiện - có nghĩa Việt Nam chưa làm nhiều xét nghiệm trên diện rộng ở cộng đồng.
"Ban đầu, có vẻ như đây là một chiến lược có rủi ro cao," GS Thwaites nói.
"Nhưng hóa ra nó lại ổn, vì họ có khả năng cách ly và hoàn toàn xử lý được các ca nhiễm đó".
Thông điệp rõ ràng cho dân chúng
Ngay cả ở một quốc gia độc đảng như Việt Nam, bạn cần đảm bảo rằng người dân đồng lòng để có thể thành công với một chiến dịch quy mô lớn như vậy.
TS Pollack nói chính phủ Việt Nam đã "làm rất tốt việc tuyên truyền cho người dân" về tại sao những biện pháp chính phủ làm là cần thiết.
Các tin nhắn SMS được gửi đến thường xuyên qua điện thoại từ giai đoạn đầu chỉ dẫn người dân họ cần phải làm gì để tự bảo vệ. Việt Nam tận dụng bộ máy tuyên truyền sẵn có để làm một chiến dịch rầm rộ nâng cao nhận thức của người dân, dùng những hình ảnh và khẩu hiệu phong cách thời chiến để đoàn kết người dân trong cuộc chiến chống kẻ thù chung.
Chiến dịch tạo tinh thần "cả xã hội cùng chung tay đánh bại kẻ thù," TS Pollack nói.
Mặc dù chính phủ Việt Nam quen với việc bắt người dân tuân thủ, TS Pollack nói người dân Việt Nam hầu hết đều đồng lòng ủng họ chính phủ vì họ "thấy chính phủ đang làm những gì có thể và đã thành công, và bảo vệ người dân với bất cứ giá nào".
Chúng ta có thể tin số liệu của Việt Nam?
Số liệu của chính phủ ở mức rất thấp nên tất yếu đã có những câu hỏi đặt ra liệu con số này có chính xác, nhưng cộng đồng y tế và ngoại giao đều nhất trí rằng không có lý do đề nghi ngờ chúng.
Nhóm của GS Thwaites đặt tại bệnh viện truyền nhiễm chính của Việt Nam. Ông nói nếu có những ca không được thông báo, chuẩn đoán hay bỏ qua, "chúng tôi đã thấy ngay ở bệnh viện - và chúng tôi chưa thấy."
Nhóm cuả ông đã làm gần 20.000 xét nghiệm, và ông nói kết quả của nhóm cũng khớp với số liệu chính phủ chia sẻ.
Ngay cả nếu một ca bị bỏ qua, ông nói "không có chuyện giấu dịch một cách có hệ thống. Tôi rất chắc về điều đó."
Lo ngại về vi phạm nhân số quyền
Cách chống dịch áp đặt từ lãnh đạo cấp cao xuống tận cấp cộng đồng của Việt Nam kéo theo một số vấn đề riêng.
Thực thi các biện pháp giãn cách xã hội và cách ly phụ thuộc vào hệ thống "cán bộ đảng viên dân phố trung thành theo dõi người dân trong khu vực và báo cáo lên cấp trên," Phil Robertson của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói.
Không nghi ngờ gì là có "sự vi phạm nhân quyền quá mức" trong quá trình chống dịch, ông nói với BBC.
"Nhưng không nhiều người biết về những chuyện này vì chính phủ kiểm soát hoàn toàn truyền thông," ông nói, và chỉ dẫn những trường hợp người dân bị phạt hay xét xử vì chỉ trích phản ứng chống dịch của chính phủ.
Tác động lớn về kinh tế, và một số vấn đề y tế xã hội bị lơ là vì sứ mệnh duy nhất là chống dịch cũng chưa được làm rõ.
GS Thwaites nói những chính sách áp dụng ở Việt Nam "sẽ không thể áp dụng" ở các quốc gia hiện đang có dịch trên diện rộng, nhưng với một số ít nước chưa bị nặng, "có bài học có thể học tập [từ Việt Nam]".
"Phòng bệnh luôn luôn tốt hơn chữa bệnh và nói chung là luôn ít tốn kém hơn," ông nói.
"Nếu [Việt Nam] có số ca nhiễm lớn, không nghi ngờ gì là hệ thống họ đặt ra sẽ khó chống đỡ được.
"[Nhưng] không thể so sánh được những lợi ích y tế - kinh tế của việc thực hiện những biện pháp họ đã làm."
Bài viết với sự đóng góp của Nguyễn Giang và Bùi Thư của BBC News Tiếng Việt
0 comments