Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 05/04/2020

Sunday, April 5, 2020 7:00:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 05/04/2020

Ngư dân kể chuyện bị tàu TQ đâm chìm ở Hoàng Sa

Hôm qua (4.4), 4 ngư dân Quảng Ngãi trong số 8 ngư dân trên tàu cá QNg-90617 TS bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở Hoàng Sa đã về đến đất liền.
Như Thanh Niên đã thông tin, khoảng 3 giờ sáng 2.4, tàu cá QNg-90617 TS của ông Trần Hồng Thọ (ngụ xã Bình Châu, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi), trên tàu có 8 ngư dân, đang hành nghề trên vùng biển Hoàng Sa thì bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Sau đó, các tàu cá QNg-90929 TS của ông Nguyễn Thành Linh, QNg-90399 TS của ông Đặng Dũng và QNg-90045 TS của ông Đặng Tằm (đều ngụ cùng xã) chạy đến cứu nạn, cứu hộ, tìm kiếm.
Tuy nhiên, các tàu cá nói trên bị tàu Trung Quốc xua đuổi, phun vòi rồng. Hậu quả, tàu cá của ông Tằm bể kính cabin và hư hỏng một số thiết bị; tàu cá của ông Linh và tàu cá của ông Dũng bị phía Trung Quốc khống chế. Sau đó, phía Trung Quốc đã thả 2 tàu cá và các ngư dân.
Đang ngủ thì nghe “ầm”, tàu chìm xuống biển
Chiều 4.4, khi trao đổi với PV Thanh Niên, ngư dân Võ Duy Khánh (36 tuổi, ở thôn Phú Quý, xã Bình Châu, thuyền viên trên tàu cá của ông Thọ) còn hãi hùng: “Nói thiệt là khi ấy sợ lắm. Giờ đến nhà rồi, khỏe rồi”. Rồi anh Khánh kể tiếp: “Tàu tui là tàu làm ban ngày. Nghề lặn mà. Cả ngày dầm sâu trong nước biển vài mươi mét. Ban đêm ngủ bù lấy sức. Khoảng 3 giờ sáng, thời gian ngủ ngon nhất trong đêm, thì bỗng nghe cái ầm, tàu như bị hất văng, chao đảo dữ dội rồi chìm xuống biển”.
Tàu tui là tàu làm ban ngày. Nghề lặn mà. Cả ngày dầm sâu trong nước biển vài mươi mét. Ban đêm ngủ bù lấy sức. Khoảng 3 giờ sáng, thời gian ngủ ngon nhất trong đêm, thì bỗng nghe cái ầm, tàu như bị hất văng, chao đảo dữ dội rồi chìm xuống biển
Ngư dân Võ Duy Khánh
Anh Khánh nói, nếu tài công cùng về chuyến này thì sẽ kể rõ cái đêm hãi hùng đó. Bởi khi anh em ngủ, tài công thức canh tàu cá. Khi tàu bị tàu Trung Quốc đâm sầm vào, tất cả anh em tỉnh ngủ ngay và bật dậy, vội khoác áo phao vào người. Chỉ khoảng 20 phút sau, con tàu đã chìm nghỉm. Phần đuôi dần dần chìm sâu xuống nước, sau đến thân tàu và đến phần mũi thì nhô lên cao. 8 ngư dân bấu víu vào cái mũi tàu ấy. Ngày đi ra biển, mũi tàu đi trước, giờ nó là thứ sau cùng của con tàu còn nhô lên mặt biển, gồng gánh 8 ngư dân, cố cứu lấy mạng sống của họ.
“Biển đêm muôn trùng, đen thẳm. Chắc chết. Anh em tui nghĩ vậy khi thấy tàu Trung Quốc đi xa dần chỗ tàu chìm. Thế nhưng khoảng vài mươi phút sau, tàu Trung Quốc quay lại vớt 8 anh em lên. Mấy tay Trung Quốc không đánh đập nhưng bắt cả 8 anh em lên tàu, buộc ngồi xuống co ro riêng ở một góc. Sau đó, cả nhóm tụi tui ở suốt trên tàu chứ không bị đưa vào đảo”, anh Khánh kể tiếp.
Ngư dân kể chuyện bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở Hoàng Sa
Tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị đâm chìm
Ngay sau khi tàu cá của ông Thọ bị đâm chìm, các tàu cá của các ông Đặng Dũng, Đặng Tằm và Nguyễn Thành Linh hay tin qua bộ đàm lần lượt chạy đến ứng cứu. Người cùng quê hương, đánh bắt trên một vùng biển, lúc hoạn nạn họ thương nhau, chia sẻ cùng nhau. Đến nơi, các ngư dân chỉ thấy một tàu màu trắng to lớn của Trung Quốc hiện diện. Còn các ngư dân trên tàu cá bị đâm chìm thì không thấy. Các tàu cá này chạy vòng đi tìm tàu bị đánh đắm và ngư dân, thì bị tàu Trung Quốc xua đuổi, dùng vòi rồng phun.
Đến tối hôm đó, anh Khánh và 3 ngư dân được phía Trung Quốc cho xuống tàu ông Đặng Dũng; 4 ngư dân còn lại, trong đó có tài công, thì giao cho tàu ông Tằm hay tàu ông Linh, anh Khánh không biết rõ.
Ngư dân kể chuyện bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở Hoàng Sa – ảnh 2
4 ngư dân trên tàu cá ông Thọ ở khu cách ly tập trung
Cuộc rượt đuổi 28 hải lý và đập phá tài sản
Chiều 4.4, liên lạc với PV Thanh Niên, ông Đặng Dũng, 48 tuổi, chủ tàu cá QNg-90399 TS, đang trong khu cách ly tập trung ở Trung tâm y tế H.Bình Sơn (cơ sở 2), kể lại với giọng còn mệt mỏi. Ông Dũng cho biết, khi nhận tin tàu cá của ông Thọ bị tàu Trung Quốc đâm chìm vào khoảng 3 giờ sáng, tàu ông Dũng đang cách đó 17 hải lý, liền tức tốc mở máy chạy đến nơi tìm kiếm, cứu nạn nhưng chỉ thấy tàu cảnh sát biển của Trung Quốc màu trắng, còn tàu của ông Thọ đã chìm, chỉ còn chóp mũi tàu nhô lên trên đầu sóng. Khi đó, ngoài tàu ông Dũng, còn có tàu cá của ông Tằm và tàu cá của ông Linh cũng chạy đến cứu nạn.
Cả 3 tàu quanh quẩn tìm kiếm 8 ngư dân trên tàu cá của ông Thọ hơn 1 giờ, thì tàu Trung Quốc gọi thêm một tàu nữa đến, cũng to không kém, bắt đầu xua đuổi 3 tàu cá ngư dân xã Bình Châu. Tàu cá ông Tằm bị phun vòi rồng, hư hỏng nên bỏ chạy, còn tàu ông Dũng và tàu ông Linh thì bị rượt chạy dài. “Tui lái tàu chạy thẳng. Ban đầu, nó đuổi khoảng hơn 12 hải lý thì dừng lại và có một chiếc khác xuất hiện, đuổi theo tàu tui khoảng 15 hải lý nữa. Nó tăng tốc chặn ngang không cho tàu tui chạy. Sợ nó tông chìm nên tui chạy chậm và dừng tàu”, ông Dũng kể.
Ngư dân kể chuyện bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở Hoàng Sa
Đo thân nhiệt và kiểm tra y tế cho ngư dân
Sau đó, tàu cảnh sát biển Trung Quốc thả ca nô xuống chạy qua tàu cá ông Dũng, 5 cảnh sát biển Trung Quốc lên tàu và buộc quay lại chỗ tàu cá ông Thọ bị đâm chìm. Lúc này, tất cả điện thoại của ngư dân bị tịch thu. Phía Trung Quốc săm soi và xóa sạch những tư liệu mà ngư dân xã Bình Châu quay được về hành động ngang ngược của tàu Trung Quốc. Ngoài ra, phía Trung Quốc còn chặt phá thiết bị, bình hơi lặn, dây lặn… trên tàu ông Dũng. Chủ tàu cá này cũng cho biết đã đánh bắt 20 ngày trên biển, hải sản đầy tàu, phía Trung Quốc đã lấy mất 3 tấn cá, thiệt hại hơn 200 triệu đồng.
Khi tàu ông Dũng trở lại nơi tàu bị đâm chìm, đã thấy tàu cá ông Linh ở đó. Tàu cá của ông Linh vừa mới ra biển nên đánh bắt chưa được gì, nhưng đã bị đập, chặt phá sạch thiết bị nghề lặn. Đến khoảng 18 giờ, tất cả tàu cá và ngư dân xã Bình Châu được thả. Ông Dũng đưa ngư dân về, còn ông Linh thì ở lại trên biển, mượn thiết bị để tiếp tục hành nghề.
Nỗi lòng ngư dân từ khu cách ly
Nhiều năm đi biển, ngư dân Khánh và anh em bạn chài có người từng bị tàu Trung Quốc rượt đuổi trên biển Hoàng Sa, nhưng bị tông vỡ tàu thì với nhiều anh em đây là lần đầu tiên. “Nhiều người sợ lỡ bị nó nhốt thì không biết bao giờ về, không biết rồi ai nuôi vợ con, cha mẹ ở nhà. May mà về được, sau những giờ lo lắng, giờ ai cũng hoàn hồn”, anh Khánh chia sẻ.
Anh Khánh còn cho biết, vợ đang mang bầu 4 tháng và con lớn năm nay mới học mẫu giáo. Vợ lại chẳng có việc làm nên cả nhà trông vào những phiên biển đầy sóng gió của anh. “Giờ ra biển kiểu này, bị tông chìm, bị đuổi, thật không dễ để sống với nghề biển”, anh Khánh lo lắng.
Tàu cá của ông Thọ đã đi biển cách đây 14 ngày, gần nửa thời gian mỗi chuyến đi biển. Ngoài con tàu, nhiên liệu và đồ dùng đi biển, 8 ngư dân mất khoảng 140 triệu đồng tổn phí khác. Số tiền khá lớn trong thời điểm bây giờ. Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Bình Châu cho biết, một chiếc tàu cá, là tài sản cả đời của một ngư dân. Mất mát nhiều, nhưng do chủ tàu chưa về đất liền, chưa thể thống kê được thiệt hại cụ thể.
Theo UBND xã Bình Châu, tàu của ông Dũng cập bờ có 14 lao động, trong đó có 4 ngư dân trên tàu cá ông Thọ, 4 ngư dân còn lại do tàu cá khác chở về sau. Thương cho các ngư dân, nếu thời điểm khác vào bờ, sẽ được về với vợ con, ăn bữa cơm trấn an sau phút giây hãi hùng trên biển. Còn thời điểm này, dịch Covid-19 đang hoành hành, tàu vừa cập bờ thì Trung tâm y tế H.Bình Sơn đã chuẩn bị sẵn 2 ô tô đưa họ thẳng vào khu cách ly tập trung.
Bác sĩ Võ Hùng Viễn, Giám đốc Trung tâm y tế H.Bình Sơn cho biết, các ngư dân được chăm sóc y tế, đo thân nhiệt và ăn uống để phục hồi sức khỏe. Hiện sức khỏe các ngư dân đều ổn định. Theo các ngư dân, khi bị bắt, họ thấy nhân viên trên tàu Trung Quốc bịt mặt rất kỹ nên cũng không ngại lắm việc bị lây nhiễm Covid-19.
http://biendong.net/bi-n-nong/33924-ngu-dan-ke-chuyen-bi-tau-tq-dam-chim-o-hoang-sa.html

Phản đối tàu TQ đâm chìm tàu cá Quảng Ngãi

 trên vùng biển Hoàng Sa

Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt lên án và phản đối hành động vô nhân đạo của phía Trung Quốc đã đâm chìm, truy đuổi tàu cá đồng thời gây nguy hiểm đến tính mạng và thiệt hại đến tài sản của ngư dân Việt Nam khi đang khai thác hải sản trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam dẫn thông tin từ Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Khoảng 3 giờ, ngày 2/4, tàu cá mang số hiệu QNg 90617 TS, có công suất 420CV do ông Trần Hồng Thọ (SN 1987) ở xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đang hoạt động trên vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam thì bị tàu Trung Quốc đâm chìm (ở tọa độ 16°42’ N – 112°25’ E).
Lúc bị đâm, trên tàu cá QNg 90617 TS có 8 ngư dân. Sau khi bị đâm chìm, tàu Trung Quốc vớt 8 ngư dân nói trên đưa về đảo Phú Lâm.
Sáng cùng ngày, khi nhân được tin báo về tàu của ông Thọ bị dâm chìm, các tàu cá QNg90929 TS của ông Nguyễn Thanh Linh, tàu QNg 90045 TS của ông Đăng Tâm và tàu QNg 90399 TS của ông Đặng Dũng đều của Quảng Ngãi đã cùng chạy đến cứu nạn, cứu hộ.
Tuy nhiên, những tàu cá của ngư dân Việt Nam đã bị bị tàu Trung Quốc truy đuổi, trong đó, hai tàu cá QNg 90929 TS và QNg 90045 TS cũng bị bắt, sau đó bị lai dắt vào đảo Phú Lâm.
Đến khoảng 18 giờ ngày 2/4, phía Trung Quốc đã giao 8 ngư dân của tàu QNg 90617 TS cho 2 tàu cá  QNg 90929TS, QNg 90045 TS và thả 2 tàu cá này cùng 8 ngư dân của tàu chìm về.
Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt lên án và phản đối hành động vô nhân đạo nói trên của phía Trung Quốc, đã gây nguy hiểm đến tính mạng, thiệt hại tài sản của ngư dân Việt Nam khi đang khai thác hải sản trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Trong công văn gửi đến Văn phòng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương, Hội Nghề cá Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam phản đối với phía Trung Quốc, yêu cầu chấm dứt ngay những hành động cản trở, tấn công, đâm chìm tàu cá ngư dân Việt Nam khi đang hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Đồng thời, có biện pháp đấu tranh kiên quyết với hành động ngang ngược và phi lý của Trung Quốc vi phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam.
Hội Nghề cá Việt Nam cũng yêu cầu phía Trung Quốc bồi thường thiệt hại cho ngư dân Quảng ngãi bị tàu Trung Quốc đâm chìm.
Hội Nghệ cá cũng đề nghị các lực lượng chức năng của Việt Nam tăng cường tuần tra, giám sát để kịp thời hỗ trợ ngư dân và có biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của ngư dân Việt Nam hoạt động trên biển; kiên quyết, kịp thời phối hợp ngăn chặn những hành động tấn công, uy hiếp để ngư dân yên tâm ra khơi bám biển sản xuất.
http://biendong.net/bi-n-nong/33937-phan-doi-tau-tq-dam-chim-tau-ca-quang-ngai-tren-vung-bien-hoang-sa.html

Chính quyền Việt Nam bị cáo buộc

giải trình sai sự thật cho Liên Hiệp Quốc

Cao Nguyên
Từ Hà Nội, nhà hoạt động nhân quyền Đinh Thảo vừa cáo buộc chính quyền Việt Nam đưa ra những thông tin sai sự thật khi trả lời bốn Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về việc tịch thu hộ chiếu của mình.
Ngày 22/1/2020, bốn Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc gởi thư chất vấn chính quyền Việt Nam về hai trường hợp, bao gồm việc tịch thu hộ chiếu của nhà hoạt động Đinh Thảo khi cô vừa về nước sau khoảng bốn năm làm việc ở nước ngoài và vụ bắt giam nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng.
Sau đó, phía Việt Nam đã gởi thư trả lời cho các Báo cáo viên đặc biệt. Cả hai lá thư đều được đăng công khai trên trang web của Liên Hiệp Quốc.
Giải trình sai sự thật
Tuy nhiên, bà Đinh Thảo nói với RFA rằng những phản hồi từ phía Việt Nam là “sai với thực tế và dễ gây hiểu lầm”. Bà cho rằng Chính phủ Việt Nam nên xem xét lại bản giải trình đó, bởi vì việc cung cấp thông tin sai sự thật cho các Tổ chức Quốc tế là một điều không hay và làm mất uy tín. Theo bà, nếu Chính phủ có tinh thần cầu thị thì nên cung cấp thông tin đúng sự thật.
Về trường hợp của mình, bà Thảo nêu rõ bốn điểm không đúng trong lá thư trả lời của Việt Nam, cụ thể như sau:
Thứ nhất là tôi từng tham gia gây rối trật tự công cộng và có biên bản xử phạt hành chính. Điều này là hoàn toàn sai với thực tế. Là một người hoạt động, từ năm 2015 đến giờ, tôi cũng đã nhiều lần phải làm việc với an ninh. Tuy nhiên, chưa bao giờ tôi nhận được bất kỳ một biên bản nào, cũng như chưa bao giờ từng bị buộc tội liên quan đến gây rối trật tự công cộng cả.
Điểm thứ hai, họ nói rằng họ nghi ngờ tôi có tham gia các khóa học của Việt Tân, cũng như có các hoạt động liên quan đến Việt Tân. Điều này tôi cũng thấy rằng nó không đúng sự thật. Tại vì ấn tượng trong toàn bộ quá trình làm việc gần nhưng không hề nhắc gì đến Việt Tân. Trong thư các Báo cáo viên đặc biệt gửi cho Chính phủ Việt Nam cũng có tóm tắt rằng tôi có một quá trình làm việc tại VOICE. Tuy nhiên, tôi không hiểu tại làm sao mà Chính phủ Việt Nam hoàn toàn lờ đi chi tiết này, mà chỉ nhấn mạnh đến Việt Tân thôi để gây hiểu lầm, thì đây là một điều không thể chấp nhận được.
Điểm thứ ba là về việc Việt Tân là một tổ chức khủng bố. Tôi không muốn đi sâu nói thêm về chi tiết này, bởi vì tôi không đủ thông tin để biết. Tuy nhiên, những gì đã diễn ra ở Việt Nam cho thấy cách Chính phủ Việt Nam đàn áp đối với những người hoạt động, những người bất đồng chính kiến, thuộc hội nhóm nào đi chăng nữa thì bất cứ khi nào Chính phủ muốn bịt miệng họ đều lồng vào rằng là liên quan đến Việt Tân, và điều này là hoàn toàn sai sự thật.
Điểm thứ tư mà họ nêu ra là hoàn toàn sai sự thật và rất là dễ dàng để chứng minh lại điều đó. Họ nói rằng họ không giữ hộ chiếu của tôi. Tôi không bị tịch thu hộ chiếu, cá nhân cũng như gia đình của tôi không bị đàn áp. Sự thật là họ đã tịch thu vào ngày hôm đó. Mặc dù lí do họ đưa ra có thể là liên quan đến An ninh quốc gia, thì cái việc họ đang giữ hộ chiếu của tôi là một điều không thể chối cãi được.
Còn đối với cá nhân tôi thì ngay sau khi về nước, đã có hàng ngàn bài viết tấn công tôi. Họ cũng đã cố tình thêu dệt nên những chuyện liên quan đến Đồng Tâm hoặc là những chuyện khác để mà bêu xấu tôi trên các trang của Dư Luận Viên.”
Về trường hợp của nhà báo Phạm Chí Dũng, trong thư phản hồi, Chính phủ Việt Nam nói rằng rằng hiện nay đang là giai đoạn điều tra vụ án nên gia đình chỉ được gởi đồ tiếp tế. Yêu cầu được thăm gặp gia đình trong lúc này không thể được đáp ứng để đảm bảo tính bảo mật của vụ án.
Bên cạnh đó, ông Phạm Chí Dũng cũng mong muốn được tự bào chữa thay vì nhờ luật sư bảo vệ quyền lợi.
Đài Á châu Tự do liên hệ với luật sư Đặng Đình Mạnh, người đã làm thủ tục để bào chữa cho ông Phạm Chí Dũng vào tháng 12/2019, ông Mạnh cho biết mình không được thông báo gì về mong muốn này của ông Dũng:
Ngay thời điểm tôi nộp văn bản thì họ có trả lời là vụ án này thuộc nhóm an ninh quốc gia, mà nhóm an ninh quốc gia thì họ được từ chối luật sư trong giai đoạn này để giữ bí mật điều tra. Sau văn bản đó cho đến nay thì thì tôi không hề nhận bất kỳ thông tin gì liên quan đến anh Dũng nữa.”
Luôn bao biện cho hành vi trấn áp đối lập
Ông Nguyễn Trường Sơn, người phụ trách vận động khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) nói rằng thư trả lời của Chính phủ Việt Nam cho bốn Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc cho thấy rằng họ không nghiêm túc trong việc thực thi nghĩa vụ giải trình của họ đối với các cơ quan của Liên Hiệp Quốc.
Từ trước đến nay lập trường của Chính phủ Việt Nam đó là họ luôn luôn phủ nhận việc đàn áp những người hoạt động Nhân Quyền. Đây là việc không mới. Họ vẫn luôn luôn chối bỏ trách nhiệm của mình đối với những cáo buộc từ những cá nhân, nạn nhân, các cơ quan Liên Hiệp Quốc và các Tổ chức nhân quyền mỗi khi có một vụ việc vi phạm nhân quyền xảy ra.
Ngoài ra, nó cho thấy Chính phủ Việt Nam rõ ràng sợ bị quy kết trách nhiệm cho nên họ phải bằng mọi cách để chối bỏ trách nhiệm đó. Khi mà Chính quyền không chịu nhìn nhận sự sai trái mà họ đã làm thì họ sẽ tiếp tục gây ra những vụ vi phạm nhân quyền như đối với nhà hoạt động Đinh Thảo vừa rồi.
Về trường hợp của hoạt động Phạm Chí Dũng, ông Sơn đánh giá câu trả lời của Chính quyền Việt Nam cho thấy họ ngang nhiên và trắng trợn trong việc bao biện cho hành vi bắt người độc đoán và vi phạm nhân quyền của họ:
Chúng ta thấy rằng họ thừa nhận họ bắt ông Phạm Chí Dũng dựa trên tên những nội dung mà ông Phạm Chí Dũng đăng tải lên mạng xã hội. Và khi mà bên phía Chính quyền thừa nhận như vậy, nghĩa là họ đã vô hình chung thừa nhận họ đang vi phạm quyền tự do biểu đạt của công dân, điều được hiến pháp và luật pháp Việt Nam bảo hộ.”
Ngoài ra, ông Sơn còn chỉ ra rằng việc quy kết tuỳ tiện những nhà hoạt động nhân quyền, bất đồng chính kiến là thành viên của tổ chức Việt Tân, là có liên quan hoặc bị sử dụng bởi đảng Việt Tân cho thấy đây chỉ là lí do để họ trấn áp các nhà hoạt động mà thôi:
Bản thân những người đó sau khi ra tù hoặc trải qua những lần trấn áp thì đã khẳng định họ không hề có liên hệ gì đến tổ chức Việt Tân cả, thì chúng ta thấy rằng đây là một hành vi để che
đậy cho mục đích thực chất của Chính quyền Việt Nam, đó là họ muốn đàn áp những người hoạt động và những người bất đồng chính kiến.”
Cuối cùng, bà Đinh Thảo khẳng định vẫn sẽ tiếp tục đấu tranh cho đến khi nào quyền tự do đi lại và các quyền tự do cơ bản khác, không chỉ của riêng mình mà còn cho người khác, cho đến khi nào đạt được mục đích.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-accused-of-presenting-misleading-information-04042020141204.html

COVID-19: Việt Nam không có ca nhiễm mới

trong ngày 5/4, TP. HCM xét nghiệm

toàn bộ khách đến sân bay và nhà ga

Theo thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam không phát hiện ca nhiễm COVID-19 nào vào ngày 5/4. Hiện số ca nhiễm COVID-19 được xác định ở Việt Nam 240 ca trong đó có 90 ca đã được chữa khỏi.
Theo truyền thông trong nước, 4 bệnh nhân COVID-19 nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã có những tiến triển.
Bệnh nhân số 161, 88 tuổi, hiện được xác định là bệnh nhân bị nặng nhất, hiện vẫn đang thở máy, không sốt, tình trạng lâm sàng ổn định.
Vào chiều ngày 5/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM cho biết, bắt đầu từ chiều ngày 4/4, thành phố bắt đầu lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho tất cả các hành khách đến thành phố ở sân bay Tân Sơn Nhất và nhà ga xe lửa. Dự kiến số người được lấy mẫu xét nghiệm ở sân bay là vào khoảng 400 người mỗi ngày. Tuy nhiên, nếu trường hợp đông người đến, thành phố sẽ tiến hành cách ly tập trung trước, sau đó mới lấy mẫu xét nghiệm.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-reports-no-new-case-of-coronavirus-on-suday-04052020082843.html

Bộ Y tế thông báo khẩn

tìm người tiếp xúc với bệnh nhân 183

Bình luậnNguyễn Sơn
Tối 5/4, Bộ Y tế có thông báo khẩn số 11 về lịch trình di chuyển của nữ phóng viên nhiễm virus corona Vũ Hán là bệnh nhân 183.
Đây là bệnh nhân nữ, 43 tuổi, địa chỉ tại Trung Hòa, Cầu Giấy; là phóng viên có tiếp xúc gần với bệnh nhân số 148 (du khách quốc tịch Pháp) ngày 12/3/2020.
Hành trình di chuyển của bệnh nhân 183
Bệnh nhân đến Phòng khám Đông Y Mộc Linh tại số 182 Ngọc Hà – Ba Đình trong thời gian:
8h – 8h30 ngày 17/3/2020
10h30 – 11h ngày 18/3/2020
12h – 15h ngày 22/3/2020
3h30 – 4h30 ngày 23/3/2020
12h – 14h ngày 24/3/2020
Bệnh nhân đến Phòng khám Jc Caze số 5 Hàng Chuối trong thời gian:
13h30 -14h ngày 18/3/2020
10h – 11h30 ngày 19/3/2020
Bệnh nhân 183 đến Hương Sen số 5 Lê Văn Thiêm Thanh Xuân trong thời gian:
9h – 10h30 ngày 18/3/2020
Bệnh nhân 183 đến Khách sạn Sheraton K5 Nghi Tàm, 11 Xuân Diệu, Road, Tây Hồ, Hà Nội trong thời gian:
9h-12h ngày 20/3/2020
Bộ Y tế đề nghị tất cả những người có mặt trong thời gian, địa điểm nêu trên cần liên hệ ngay với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe kịp thời.
Trước đó, Bộ Y tế đã 10 lần phát đi các thông báo khẩn nhằm tìm những người có liên quan đến các chuyến bay hoặc địa điểm mà bệnh nhân dịch corona từng đến.
Mới đây ngày 3/4, Bộ Y tế đã phát đi thông báo Khẩn số 10 về hành trình di chuyển của bệnh nhân 237 nhiễm dịch corona đã từng di chuyển đến nhiều địa điểm của các tỉnh, thành phố.
Tính đến tối 5/4, Việt Nam đã ghi nhận 241 bệnh nhân dịch corona, trong đó 91 trường hợp được công bố khỏi bệnh.
https://www.ntdvn.com/viet-nam/thong-bao-khan-benh-nhan-183-27293.html

Bệnh nhân 241 là du học sinh 20 tuổi ở TP HCM

Bình luậnNguyễn Sơn
Bệnh nhân xét nghiệm lần 1 âm tính, nhưng đến lần xét nghiệm thứ 2 cho kết quả dương tính.
Tối 5/4, Bộ Y tế công bố bệnh nhân 241 nhiễm virus corona Vũ Hán tại Việt Nam. Như vậy trong ngày 5/4, Việt Nam chỉ ghi nhận 01 ca mắc mới.
Bệnh nhân nam, quốc tịch Việt Nam, 20 tuổi, có địa chỉ tại phường Thảo Điền, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh, là du học sinh tại Anh.
Ngày 21/3, bệnh nhân từ London (Vương quốc Anh) lên chuyến bay của Vietnam Airlines số hiệu VN0050, số ghế 5A, về tới Sân bay Cần Thơ ngày 22/3. Khi nhập cảnh, bệnh nhân 241 chưa có dấu hiệu triệu chứng bệnh và được chuyển tới khu cách ly tập trung tại Trường Quân sự tỉnh Bạc Liêu.
Bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 1 ngày 25/3 cho kết quả âm tính với virus corona.
Ngày 31/3, bệnh nhân 241 có triệu chứng sốt kèm đau họng. Ngày 01/4, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu để cách ly, điều trị và lấy mẫu bệnh phẩm. Xét nghiệm tại Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho kết quả dương tính với virus corona.
Những người ở cùng phòng với bệnh nhân tại khu cách ly tập trung chưa ghi nhận triệu chứng bệnh, được cách ly riêng để theo dõi trong 14 ngày tiếp theo.
Bệnh nhân 57 bình phục
Chiều cùng ngày, Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam cho biết, bệnh nhân COVID-19 thứ 57, 66 tuổi, quốc tịch Anh đã bình phục và được rời Khu cách ly y tế của bệnh viện.
Theo đó, sau 20 ngày điều trị, bệnh nhân 57 đã có 2 lần thực hiện các xét nghiệm Realtime RT-PCR đều cho kết quả âm tính vào các ngày 28/3 và 1/4/2020.
Từ ngày 18/3 đến nay, bệnh nhân hoàn toàn ổn định về lâm sàng và các xét nghiệm thông thường (XQ phổi, bạch cầu) đều cho kết quả tốt. Hôm nay, bệnh viện công bố bệnh nhân thứ 57 khỏi bệnh và tiếp tục theo dõi y tế theo quy định.
Như vậy, tính đến 15h ngày 5/4/2020, số ca bình phục ở Việt Nam là 91. Hiện đang còn 150 bệnh nhân dịch corona đang điều trị tại các cơ sở y tế.
https://www.ntdvn.com/viet-nam/benh-nhan-241-la-du-hoc-sinh-27274.html

Virus corona:

Người Sài Gòn và tinh thần ‘tương thân tương ái’

Hoàng TrúcViết cho BBC từ Sài Gòn
Những ngày này trên khắp các đường phố Sài Gòn và tràn ngập mạng xã hội những tấm bảng viết tay nguệch ngoạc “Nếu khó khăn trong mùa dịch bệnh bạn hãy lấy một phần quà, nếu bạn ổn hãy nhường lại cho người khác”, phía sau là những túi quà gồm gạo, mì tôm và những nhu yếu phẩm cần yếu.
Một tinh thần Sài Gòn tương thân tương ái.
Kêu gọi đổi khẩu trang N95 cho bác sỹ được nhiều hưởng ứng
Virus corona: VN có nên cho hơn 8.000 lao động nước ngoài nhập cảnh lúc này?
Xa mặt nhưng không cách lòng
Người Việt không còn “tay bắt mặt mừng” như thói quen giao tiếp vì đề phòng dịch bệnh nhưng họ nhanh chống lấp đầy điều đó bằng cách đưa ” bàn tay nồng ấm” về phía người nghèo, người yếu thế trong xã hội bằng những túi quà thực tế.
Khi lệnh tạm dừng xổ số ban hành, một bà cụ bán vé số đã dâng bó huệ trắng và quỳ dưới vương tượng Đức mẹ hằng cứu giúp trước nhà thờ Đức bà Sài Gòn để cầu nguyện.
Người đi đường hỏi bà cụ cầu gì, bà nói “cầu cho quốc thái dân an, cho mau hết dịch bệnh”.
Hỏi bà sẽ làm gì những ngày không bán vé số, bà khóc.
Hình ảnh đó được ông Trần Hữu Phúc Tiến, giám đốc công ty du học Hợp Điểm đưa lên mạng xã hội gây xúc động.
Cộng đồng đòi hỏi các công ty xổ số phải có trách nhiệm với hàng chục ngàn người bán vé số dạo mất việc tạm thời có nguy cơ đói ăn, mất chỗ trọ.
Trong lúc các công ty xổ số còn họp bàn thì một ông chủ trẻ măng, chủ một đại lý vé số nhỏ ở Vĩnh Long đã “mở màn” chính sách bằng cách tương trợ tiền cho những người bán vé số dạo.
Là chủ một đại lý vé số cấp 2, không phải là “xỉu chủ” gì, nhưng anh Tâm, đại lý vé số Thiện quyết định hỗ trợ những người nhận vé số bán dạo của đại lý mỗi người 50.000 đồng/ ngày, cho đến khi vé số phát hành trở lại.
Tâm nói: em tự nhiên nẩy ra ý định vậy thôi vì em biết rõ hoàn cảnh của những người bán vé số dạo, sẽ là những ngày rất khó khăn.
Những câu chuyện như vậy được mạng xã hội và báo chí kể lại đã gây cảm hứng thiện nguyện lan tỏa trong cộng đồng.
Virus corona: ‘VN chưa nên cho điều trị tại nhà lúc này, nhưng cần tính đến’
Hành trình vào tâm dịch và chuyện tình xuyên biên giới
Nhà nhà gói quà
Trên các diễn đàn có nhiều học sinh, sinh viên tham gia các bạn khoe cảnh gói quà, đóng quà, kéo băng keo cho ba mẹ để tặng cho “bà con mình”.
Tôi không tìm thấy bạn nào dùng khái niệm từ thiện hay bố thí mà như một việc phải làm.
Trên đường Phan Văn Trị, một đại lý gạo chất đống quà, bà con nghèo qua lại hay từ xa đến do biết thông tin qua facebook ” vô tư” tự lấy.
Tinh thần tương thân tương ái như dòng suối ngọt mát, diệu kỳ bởi lẽ chính người trợ giúp tha nhân cũng không giàu có gì ngoài tấm lòng.
Một gia chủ để những đòn bánh tét trước nhà cho ai có nhu cầu, một chủ tiệm xăm nhỏ bé cũng tặng cho ai thật sự khó khăn gói quà đường gạo khô muối.
Hay thông báo cực nhẹ nhàng của tiệm gạo trên đường Phan Văn Trị, Bình Thạnh : GẠO HÙNG THƯƠNG XIN THÔNG BÁO:
Hôm này là ngày cuối cùng những NGƯỜI BÁN VÉ SỐ được bán ngày cuối, ngày mai Nhà Nước tạm thời đóng cửa để tránh qua mùa dịch bệnh. Xét thấy tình hình này thì người dân bán vé số ( đa phần dân tỉnh vào Sài Gòn) sẽ rất khó khăn thiếu thốn. Nay gạo Hùng Thương cùng chung tay vì sức khỏe cộng đồng xin phát tâm từ thiện 100 phần quà, mỗi người 01 phần quà gồm Gạo, Mỳ Tôm, Nước Tương.
Với nguyện vọng NẾU BẠN KHÓ KHĂN HÃY LẤY 01 PHẦN. NẾU BẠN ỔN XIN NHƯỜNG CHO NGƯỜI KHÁC.
Địa chỉ nhận xxx
Chính sách hỗ trợ
Trong chiều muộn cuối tháng 3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc họp để bàn phương cách hỗ trợ người nghèo, người bị mất việc bởi dịch bệnh.
Thông tin ban đầu cho biết những người lao động nghỉ việc, lao động tự do, hộ kinh doanh cá thể được hỗ trợ 1 triệu đồng mỗi tháng, người có công là 500.000 đồng/1 người/ 1 tháng.
Người Việt không còn bắt tay nhau trên đường phố nhưng không sao, họ có những cái bắt tay vô hình nhưng nồng ấm hướng về phía người nghèo.
*Bài viết thể hiện cách hành văn của Hoàng Trúc, một cây viết từ Sài Gòn
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-52172146

Đầu tư ngoại quốc trực tiếp vào Việt Nam

giảm mạnh vì COVID-19

Tin từ Việt Nam: Đầu tư ngoại quốc trực tiếp (FDI) vào Việt Nam đã giảm mạnh trong 3 tháng đầu năm nay do dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới và cả Việt Nam.  Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin rằng cuối năm ngoái, khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung căng thẳng, nhiều khu công nghiệp liên tục đón nhiều đoàn đầu tư quốc tế tới viếng thăm và tìm cơ hội đầu tư. Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Cộng, châu Âu và Mỹ, các khu công nghiệp này trở nên vắng vẻ.
Theo báo cáo mới công bố của Tổng cục Thống kê, tổng vốn FDI vào Việt Nam tính đến ngày 20/3 đạt gần 8.6 tỷ Mỹ kim, giảm tới gần 21% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Vốn FDI thực hiện trong tam cá nguyện 1 ước tính đạt 3.9 tỷ Mỹ kim, giảm 6.6% so với cùng thời  kỳ năm trước.  Theo nhiều nhà đầu tư ngoại quốc thì nhiều tập đoàn ngoại quốc có kế hoạch đầu tư tại Việt Nam, nhưng dịch bệnh đã khiến họ không thể sang. Trong tình trạng hỗn loạn gây ra bởi Covid-19, tất cả các công ty phải thu hẹp hoạt động và không có ý định mở rộng đầu tư vào các quốc gia khác.  Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, gần đây, một số công ty lớn như Apple, ExxonMobil và nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới đã hủy chuyến công tác đến Việt Nam và trì hoãn việc ra quyết định đầu tư hoặc mở rộng đầu tư.
Không chỉ các dự án mới bị huỷ bỏ hoặc trì hoãn, hoạt động của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi nhập cảng nguyên liệu gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng, hoặc đóng cửa nhà máy, cho nhân viên nghỉ không lương.
QT
https://www.sbtn.tv/dau-tu-ngoai-quoc-truc-tiep-vao-viet-nam-giam-manh-vi-covid-19/

Việt Nam ‘nếm đòn’ vì virus Corona

Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhận định rằng Việt Nam “đã bắt đầu nếm đòn từ sự biến động khôn lường” của thị trường tài chính toàn cầu hiện nay vì chủng virus Corona mới (COVID-19) và tăng trưởng kinh tế có thể sẽ giảm xuống còn 4,9% cũng như “tăng tỷ lệ nghèo trong nửa đầu năm 2020”.
Giữa lúc các ca lây nhiễm virus đang gây khủng hoảng trên thế giới, World Bank nói rằng “Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19” trong bối cảnh “hội nhập sâu với nền kinh tế toàn cầu”.
“Trong mấy tháng đầu năm 2020, áp lực lạm phát vẫn tồn tại do giá lương thực và thực phẩm ở mức cao dịp cuối năm kết hợp với khả năng hàng hóa thiếu hụt do những biện pháp hạn chế thương mại nhằm ứng phó dịch COVID-19. Các ngành chế tạo chế biến, du lịch và vận tải suy giảm đột ngột trong hai tháng đầu năm 2020”, World Bank nhận định trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế có tựa đề “Đông Á và Thái Bình Dương thời COVID-19”, ra ngày 31/3.
“Việt Nam đã bắt đầu ‘nếm đòn’ từ sự biến động khôn lường của nền tài chính toàn cầu hiện nay, giá cổ phiếu tụt dốc, độ rủi ro tín nhiệm quốc gia tăng lên, và dòng vốn đầu tư suy giảm”.
XEM THÊM:
Người Mỹ gốc Việt tìm lời khuyên từ ứng viên tổng thống về virus Corona
Tổ chức tài chính quốc tế này nhận định thêm rằng “với dư địa chính sách trong tay, Việt Nam đang ở vị thế vững vàng để vượt qua khủng hoảng về y tế và kinh tế đang diễn ra”, nêu dẫn chứng về việc “trong hai tháng đầu năm, xuất khẩu tăng trưởng 8%, dòng vốn FDI đổ vào lên đến 2,5 tỷ USD, ngành bán lẻ tăng trưởng 5,4%”.
World Bank cho rằng dù viễn cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn thuận lợi trong trung hạn, nhưng tăng trưởng GDP sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế “có thể giảm còn khoảng 4,9% năm 2020”.
Ngoài ra, “áp lực lạm phát dự báo sẽ tăng lên tạm thời, phản ánh bất định về giá lương thực, thực phẩm và nhiên liệu, cũng như khả năng bị gián đoạn thương mại”.
“Trong điều kiện nhiều hộ gia đình hiện nay sinh sống phụ thuộc vào lương, kể cả ở các vùng nông thôn, suy giảm trong các ngành du lịch, khách sạn và nhà hàng, sản xuất và chế biến có thể tạm thời làm tăng tỷ lệ nghèo trong nửa đầu năm 2020”, World Bank nhận định.
“Nỗ lực củng cố tình hình tài khóa dự kiến sẽ tiếp diễn từ năm 2021 trở đi, qua đó tiếp tục làm giảm tỷ lệ nợ công trên GDP. Trong trung hạn, tăng trưởng dự báo sẽ quay lại lên đến 7,5% trong năm 2021 và hội tụ quanh mức khoảng 6,5% năm 2022 nhờ sức cầu bên ngoài được cải thiện, ngành dịch vụ được củng cố và sản xuất nông nghiệp dần được khôi phục. Nền kinh tế sẽ lại bật lên sau đại dịch virus Corona toàn cầu”.
XEM THÊM:
Phóng viên Việt Nam đầu tiên nhiễm virus Corona
Không chỉ riêng Việt Nam, theo nhận định của World Bank, các quốc gia Đông Á và Thái Bình Dương khác cũng “đang phải đối mặt với nhiều tình huống bất lợi”.
“Khu vực vẫn đang hồi phục từ căng thẳng thương mại kéo dài, giờ phải chống chọi với dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, và có nguy cơ phải đối mặt với viễn cảnh suy thoái toàn cầu chưa có tiền lệ. Để vượt qua giai đoạn cam go này, các quốc gia cần có những hành động quyết liệt, hợp tác quốc tế sâu rộng và sự hỗ trợ lớn từ bên ngoài”, Ngân hàng Thế giới nhận định.
Cuối năm ngoái, trước khi COVID-19 bùng phát mạnh, Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự một hội nghị của chính phủ và đề cập mức tăng trưởng kinh tế đạt trên 7% trong năm 2019 dù “gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn”, nhờ sự nỗ lực phấn đấu của “toàn Đảng, toàn dân, toàn quân”.
Ông Trọng dẫn một tuyên bố của Ngân hàng Thế giới, nói rằng “mây đen phủ lên toàn cầu, nhưng mặt trời vẫn đang toả sáng ở Việt Nam”.
Theo Cổng thông tin chính phủ, đến chiều ngày 5/4, Việt Nam ghi nhận thêm một ca nhiễm, nâng tổng số người mắc COVID-19 lên 241, và chưa có ca tử vong nào vì virus đã làm hơn một triệu người nhiễm trên toàn thế giới.
https://www.voatiengviet.com/a/vi%E1%BB%87t-nam-n%E1%BA%BFm-%C4%91%C3%B2n-v%C3%AC-virus-corona/5360927.html

Đại dịch phơi bầy nhiều bí mật quốc gia

J.B. Nguyễn Hữu Vinh
Đại dịch Virus Vũ Hán gây ra đã tạo nhiều sự thay đổi, đảo lộn cuộc sống thường ngày của mọi người dân không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới.
Chỉ trong chưa đầy một tuần trên mạng xã hội và dư luận Việt Nam khá choáng váng và xáo trộn bởi những văn bản do cơ quan công quyền Việt Nam đưa ra.
Ngày 23/3/2020, Sở Tài nguyên – Môi trường Tp HCM ra văn bản khẩn số 2285/STNMT-CTR do Phó Giám đốc Sở Nguyễn Thị Thanh Mỹ ký với nội dung chuẩn bị tinh thần cho việc ứng phó khẩn cấp với dịch do corona Virus gây ra.
Văn bản có đoạn nguyên văn như sau: “đặc biệt, với hình huống cần phải hỏa táng các bệnh nhân nặng nhiễm virus covit-19 có thể tử vong” .
Văn bản đã làm cho cả cộng đồng hoảng hốt. Bởi hiểu theo ngôn ngữ Việt Nam thông thường, thì đây là văn bản xác nhận kế hoạch thiêu sống người bị bệnh nặng do nhiễm virus có thể tử vong, nghĩa là hỏa thiêu khi còn sống?
Khi văn bản này được đưa lên mạng xã hội, ngay lập tức đám Dư luận viên – thường được cư dân mạng gọi là “Bò đỏ” – đã lập tức được lệnh nhảy vào các diễn đàn, các trang cá nhân đưa văn bản này lên và phủ nhận văn bản này có thật, rằng đây chỉ là fake news, là sản phẩm của photoshop từ đám phản động hoặc thế lực thù địch…
Đám dư luận viên, “bò đỏ” bằng những lời lẽ hết sức thô tục và dùng đủ mọi thứ bẩn thỉu, rác rưởi để chửi bới trên mọi diễn đàn theo một giọng thường thấy mà đám này rất đặc trưng.
Rằng thì là văn bản mà lại viết “hình huống” rồi “covit-19” thì đúng là loại ngu xuẩn, vô học và không có nhận thức xã hội, làm gì có chuyện làm cán bộ nhà nước đến chức Phó giám đốc sở mà trình độ lại như thế được. Học sinh lớp 3 nó cũng đã biết viết đúng chính tả chứ chưa nói đến cán bộ, lại là Phó giám đốc Sở của cả Thành phố lớn như Sài Gòn…
Rằng thì là văn bản này được photoshop rõ ràng, ai tinh mắt sẽ nhận thấy và chỉ có loại phản động mới làm nên văn bản này, đích thị là phản động mới làm ra thứ đó để chứng tỏ mình phản dân, hại nước chứ người có lương tâm ai lại dám nói đến việc thiêu sống cả người bệnh.
Rằng thì là rõ ràng đây không thể là một công văn được cơ quan nhà nước ban hành. Bởi vì để ban hành một công văn, ngoài người soạn, người duyệt, người đánh máy, kiểm tra, rồi ngược trở lại người ký, đóng dấu… Đủ các thủ tục dài lòng thòng với bao nhiêu người mới có được một cái công văn thì không thể để sai sót được, nếu sai sót thế thì hóa ra cả cái Sở Tài nguyên – Môi trường của một thành phố lớn thế mà ngu cả lũ à?
Nhiều người, nghe đám bò đỏ bằng mọi cách phân bua, phủ nhận, thậm chí còn vẽ chỗ nọ, bôi chỗ kia trên văn bản để chứng minh sự dốt nát của người làm văn bản… thì cũng hoang mang cho rằng đây là văn bản giả chăng?
Thế rồi ngày hôm sau, Sở này có văn bản thu hồi văn bản nói trên. Rồi sở này cùng với Sở Văn Hóa –TTTT phải tổ chức họp báo thanh minh thanh nga rằng là có sai sót.
Ngày hôm sau nữa, Ủy ban thành phố có văn bản số 2537/VP-TH phê bình Sở Tài Nguyên – Môi trường về văn bản 2285/STNMT-CTR và yêu cầu kiểm điểm, kỷ luật…
Đến khi đó, đàn “bò đỏ” của tuyên giáo im bặt hoặc trở giọng rằng thì là cứ nhăm nhe vào những sai sót của cơ quan nhà nước để chê bai…
Nhưng, cũng đến khi đó, thì mọi người đều công nhận những nhận xét của đám “bò đỏ” rằng là đứa làm ra văn bản vừa ngu, vừa kém, vừa thiếu học lại phản động chống lại nhân dân thật sự.
Như vậy, chỉ vì một văn bản của một Sở rất lớn ở một thành phố rất to, mà cả một hệ thống đã mất đến mấy ngày loay hoay từ ban hành, thu hồi, họp báo rồi cả UBND Tp ra văn bản phê bình, chỉ đạo…với bao nhiêu giấy bút, báo chí và thời gian ngay giữa lúc dịch đang tăng từng ngày.
Tưởng rằng việc đó cũng chỉ là họa hoằn, là sơ hở không nên có, dù có bị cho là thiếu học, thiếu hiểu biết và văn hóa thấp… thì cũng chỉ xảy ra ở một cấp Sở của Thành phố.
Nhưng không.
Ngày 31/03/2020, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký chỉ thị số 16/CT-TTg về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
Văn bản này lại một lần nữa gây hoang mang dư luận khi viết rằng: “Thực hiện cách ly toàn xã hội 15 ngày từ 0 giờ ngày 1 tháng 4 trên phạm vi toàn quốc với nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh”…
Đồng thời văn bản này “yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết…”.
Cùng với việc ra chỉ thị, là hệ thống báo chí bắt đầu lăng xê đến mức cao nhất.
Đọc văn bản này, người ta không thể hiểu cụm từ “cách ly toàn xã hội” nghĩa là gì?
Theo định nghĩa của Tiếng Việt mà mọi người đều hiểu, thì “Cách ly” là “Để ở nơi riêng biệt, không cho tiếp xúc với người khác”.
Theo đúng nghĩa này, thì người ta có thể cách ly một người, một số người hoặc một địa phương… nhưng “Cách ly toàn xã hội” thì không rõ cách ly xã hội này với cái gì? Hay đưa toàn xã hội loài người đi cách ly với loài động vật, trâu ngựa?
Mặt khác, cái yêu cầu “chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết…” đã làm cho người dân không thể định nghĩa được như thế nào là “thật sự cần thiết”. Bởi mỗi người đều có những việc khác nhau, và sự cần thiết thì đối với mỗi người, mỗi hoàn cảnh khác nhau có sự cần thiết khác nhau không thể đánh đều và điều này cần thiết với người này, chưa hẳn đã cần thiết với người khác. Thế là, mỗi người định nghĩa “cần thiết” theo một cách.
Thế rồi khắp nơi bắt đầu thực hiện chỉ thị của Thủ tướng. Có điều là mỗi nơi thực hiện một cách khác nhau theo cách hiểu của mình.
Có nơi đổ đất đá, làm hẳn một con đê ngang đường quốc lộ, đường vào huyện, xã, có nơi rào hàng rào dây thép gai kiểu “rào làng chiến đấu”. Có nơi lập trạm, chốt chặn người và xe cộ đi lại, lưu thông… Thế là tất cả mọi cuộc đi lại, lưu thông đều bị ngăn chặn, thậm chí cả người đi bệnh viện cũng hết đường.
Đồng thời, lực lượng bảo vệ, công an được huy động tối đa và họ thả sức hành động theo cách hiểu biết và suy nghĩ vốn hạn hẹp của mình mà suy diễn từ văn bản Chỉ thị của Thủ tướng.
Nghĩa là tất cả mọi nơi đều thả sức suy diễn và hành động theo ý thích của mình và người dân thì cứ vậy mà chấp nhận, dù cái định nghĩa kia cả người thực hiện lẫn đối tượng đều không hiểu Thủ tướng định nói gì.
Chính vì vậy, nhiều điều hết sức hài hước và làm dư luận ngày càng hoang mang, xã hội hỗn loạn.
Cũng vì thế, chỉ trong mấy ngày sau đó, văn phòng chính phủ lại phải lên đài truyền hình và báo chí giải thích rằng cái này được cái kia thì không, rằng ý thủ tướng thế nọ, còn cái kia không đúng ý thủ tướng…
Và đất nước cứ như một trò hề mỗi người diễn một vở mà chẳng ai hiểu ai.
Thế rồi 5 ngày sau, lại chính Văn phòng Chính phủ lại có văn bản Văn phòng số 2601/VPCP-KGVX để hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg.
Tiết lộ bí mật quốc gia
Có thể nói rằng, với một cơ quan ở thành phố, cán bộ ra văn bản mà đám “bò đỏ” xác nhận rằng như vậy chưa đủ trình độ lớp 3 thì đã đành là hiện tượng phổ biến. Nhưng đến Thủ tướng mà nói một câu, ra một văn bản để cả xã hội không thể hiểu được, dẫn đến việc loạn, thì quả là… bó tay.
Và thế là trên mạng Internet, nhiều người đã phải khuyên Thủ tướng rằng: Có lẽ với trình độ Thủ tướng mà như thế, thì ngoài các ban, bệ cần thiết để soạn thảo văn bản, tham mưu đủ mọi mặt thì cần thêm một Ban tham mưu về ngôn ngữ nữa mới đủ.
Có lẽ, không phải điều này ông Thủ tướng không nghĩ đến. Nhưng điều này thật khó, vì người ta có thể tham mưu nhiều thứ, nhưng với trình độ “Cờ Lờ Mờ Vờ” như câu chuyện vẫn truyền miệng về Thủ tướng, thì quả lá rất khó có ai tham mưu cho được.
Và để khắc phục những điều đó, là việc ngoài khả năng của các quan chức cộng sản ngày nay.
Theo thông tin từ các cơ quan chức năng của nhà nước, thì đến nay, con virus Vũ Hán chưa giết chết người nào tại Việt Nam, nhưng nó đã giết chết khá nhiều uy tín chính trị cũng như bộc lộ trình độ của nhiều người vì nó đã làm lộ nhiều “Bí mật quốc gia”.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/epidemic-reveals-many-national-secrets-04042020143308.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.