Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 05/04/2020

Sunday, April 5, 2020 6:58:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 05/04/2020

Báo Mỹ: Bắc Kinh lợi dụng COVID-19 để gia tăng kiểm soát Biển Đông

Lục Du
Tờ American Military News hôm 4/4 nhận định, Trung Quốc đang lợi dụng đại dịch viêm phổi Vũ Hán để gia tăng các cuộc tập trận quân sự nhằm hiện thực hóa mục tiêu giành quyền kiểm soát Biển Đông.
Asia Times cho hay, quân đội Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh hải quân bằng các cuộc tập trận với tàu sân bay Liêu Ninh, tàu sân bay tự chế đầu tiên của Bắc Kinh, ở Biển Đông, trong bối cảnh các nước láng giềng có tuyên bố chủ quyền trên vùng biển này đang bận đối phó với đại dịch COVID-19.
“Trong điều kiện khó khăn vào đầu mùa xuân ở eo biển Bột Hải, nhiều máy bay chiến đấu J-15 đã cất cánh từ boong tàu sân bay Liêu Ninh và hạ cánh thành công vài giờ sau đó, cho thấy sự thành công của khóa huấn luyện trau dồi kỹ thuật cho giảng viên tại Đại học Hải Không quân” , tờ Quân đội nhân dân của Trung Quốc đưa tin vào ngày 23/3. “Không thể dừng việc huấn luyện chuẩn bị chiến tranh ngay cả khi xảy ra dịch bệnh COVID-19, và việc đào tạo phi công chiến đấu trên tàu sân bay phải tiếp tục”, tờ báo thuộc hệ thống tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết thêm.
Những gì đã và đang diễn ra cho thấy, Trung Quốc đang trên đường độc chiếm các mỏ dầu chưa khai thác trong vùng biển thuộc đường chín đoạn mà họ tự vẽ, chiếm khoảng 85% diện tích Biển Đông, American Military News đánh giá.
Tham vọng của Bắc Kinh đối với Biển Đông một lần nữa thể hiện rõ hơn qua sự kiên một tàu vũ trang của họ đâm chìm một tàu đánh cá của Việt Nam trên Biển Đông.
Theo Bộ ngoại giao Việt Nam, vào ngày 2/4, một tàu hải cảnh của Trung Quốc đã đâm chìm một tàu đánh cá của Việt Nam đang hoạt động hợp pháp tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, bà Hoa Xuân Oánh, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói rằng sự thật không phải như vậy mà là do tàu cá Việt Nam tự đâm vào tàu Trung Quốc và bị chìm, dù tàu Trung Quốc đã cố gắng né tránh.
Trung Quốc tuyên bố họ đã khống chế được đại dịch viêm phổi Vũ Hán, nhưng các chuyên gia Hoa Kỳ và quốc tế tin rằng chính quyền của quốc gia này không trung thực trong việc công bố dữ liệu thống kê số người nhiễm và chết trong COVID-19.
nCoV được phát hiện lần đầu tiên ở Vũ Hán, tuy nhiên Bắc Kinh đã cố gắng tìm cách đổ lỗi cho Hoa Kỳ làm phát tán loại virus gây chết người này. Khi dường như rơi vào thế đuối lý, lực lượng truyền thông của chính quyền Trung Quốc đã tìm được một hướng thoái thác trách nhiệm khác, khi nói rằng nCoV phát sinh từ Ý, quốc gia hiện đang là tâm dịch của châu Âu. Không chấp nhận việc này, nhiều hãng tin quốc tế đã dùng danh từ “virus Trung Cộng” để thay cho danh từ SARS-CoV-2 mà WHO đặt tên.
Vì sao SARS-CoV-2 được gọi là Virus Trung Cộng?
Chính quyền Trung Quốc đã biết đến ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Vũ Hán từ ngày 17/11/2019. Thay vì thực hiện các biện pháp ngăn chặn kịp thời, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bưng bít thông tin và trừng phạt những người tiết lộ sự thật ra công chúng.
Khoảng 5 triệu người đã rời khỏi Vũ Hán tới nhiều nước thế giới trước khi chính quyền Trung Quốc phong tỏa thành phố này từ ngày 23/1/2020.
Trong khi SARS-CoV-2 bị nghi ngờ có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm vũ khí sinh học ở Vũ Hán, ĐCSTQ đang cố gắng đổ tội cho Mỹ, Ý, hay bất kỳ quốc gia nào khác về nguồn gốc dịch bệnh.
Để chỉ rõ trách nhiệm của ĐCSTQ dẫn đến sự bùng phát của virus Vũ Hán trên toàn cầu, nhiều chuyên gia, kênh truyền thông và chính khách trên thế giới gọi SARS-CoV-2 là “Virus Trung Cộng” (CCP Virus).
Một quan chức tình báo Hoa Kỳ nói với Bloomberg News rằng Trung Quốc đã đi xa tới mức giả mạo số liệu người nhiễm và người chết vì virus Vũ Hán. Các báo cáo chính thức cho thấy số người nhiễm nCoV ở Trung Quốc chỉ hơn 81.000 trong nhiều tuần qua, trong khi ở các nơi khác trên thế giới, tốc độ lây nhiễm đang tăng vọt. Chính quyền Trung Quốc đang quảng bá con số thống kê chính thức của mình như một biểu tượng cho việc họ đã chiến thắng đại dịch.

Trung Quốc cáo buộc tàu cá Việt Nam

 đâm tàu hải cảnh nên bị chìm

Vào chiều tối ngày 3/4, Hải cảnh Trung Quốc ra thông báo cho biết tàu cá của ngư dân Việt Nam đã đam vào tàu hải cảnh 4301 của Trung Quốc ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa hôm 2/4 nên bị chìm. Trang tin South China Morning Post loan tin này hôm 4/4.
Người phát ngôn của Hải cảnh Trung Quốc Zhang Jun được South China Morning Post trích lời cho biết: “Tàu cá (Việt Nam) đã đâm vào tàu hải cảnh 4301 và chìm, 8 ngư dân trên tàu đã được cứu sống”.
Ông Zhang Jun đồng thời nói thêm là các ngư dân trên chiếc tàu cá Việt Nam được cứu đã thừa nhận sai khi vào vùng nước của Trung Quốc và có hành động nguy hiểm.
Người phát ngôn Hải cảnh Trung quốc đồng thời cảnh báo phía Việt Nam: “ Chúng tôi thúc giục phía Việt Nam có các biện pháp để tránh những trường hợp tương tự xảy ra liên quan đến các hoạt động đánh cá trộm trong vùng nước thuộc quần đảo Tây Sa”.
Tây Sa là tên mà Trung Quốc đặt cho quần đảo Hoàng Sa mà nước này đang chiếm đóng.
Những phát biểu của Hải cảnh Trung Quốc trái ngược với những thông tin được phía truyền thông trong nước và Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 3/4 cho biết tàu cá QNg90617 của ngư dân Quảng Ngãi đã bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm khi đang hoạt động bình thường tại vùng biển ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và trao công hàm phản đối yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm nhân viên công vụ và tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam.
Theo truyền thông trong nước, tàu cá QNg90617 đã bị tàu hải cảnh 4301 cố tình đâm chìm vào khoảng 3 giờ sáng ngày 2/4.
3 tàu cá khác của ngư dân Quảng Ngãi sau dó đã đến để cứu tàu QNg90617. Tuy nhiên phía Trung Quốc đã điều các tàu hải cảnh 4001 và 4002 đến để vay bắt hai tàu của ngư dân Quảng Ngãi, đưa về đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Tại đó, hai tàu này bị lục soát, trang thiết bị trên tàu bị đập phá, tịch thu.
Chiếc tàu thứ ba của ngư dân bị Trung Quốc dùng vòi rồng xua đuổi.
Đến chièu ngày 2/4, Trung Quốc trao trả 8 ngư dân trên chiếc tàu bị chìm cho hai tàu cá bị bắt giữ và buộc các tàu này phải rời khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Quần đảo Hoàng Sa trước kia do chính quyền Việt Nam Cộng Hoà quản lý. Nhưng vào năm 1974, Trung Quốc đã đưa quân đến đánh chiếm quần đảo.

Bắc Kinh có thể đang lợi dụng tình hình dịch bệnh

để tiếp tục thực hiện âm mưu, ý đồ kiểm soát Biển Đông

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, một số ý kiến cho rằng Trung Quốc sẽ phải giảm bớt các hành động ở Biển Đông để tập trung đối phó với dịch, tuy nhiên việc Bắc Kinh xây dựng và vận hành 2 trạm nghiên cứu khoa học trên đá Chữ Thập và đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mới đây là một động thái vô cùng nguy hiểm, cho thấy nước nay vẫn không tư bỏ âm mưu độc chiếm Biển Đông.
Vẫn chiêu bài núp danh “nghiên cứu khoa học”
Ngày 26/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã lên tiếng phản đối việc Trung Quốc triển khai 2 trạm nghiên cứu khoa học trên đá Chữ Thập và đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, không có các hành động gia tăng căng thẳng, làm phức tạp tình hình và ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định ở biển Đông và khu vực cũng như nỗ lực của các nước trong tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử của các bênh ở Biển Đông (COC).
Phản ứng của Việt Nam xuất phát từ việc vào ngày 20/3, Tân Hoa Xã thông báo 2 trạm Nghiên cứu khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu tổng hợp đảo và rạn của Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc bắt đầu hoạt động ở đá Subi và đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tân Hoa Xã còn nói rằng 2 trạm này nằm trong hệ thống trạm Nghiên cứu khoa học tổng hợp về rạn san hô và biển sâu của Trung Quốc, được trang bị các phòng thí nghiệm sinh thái, địa chất và môi trường, sẽ hỗ trợ các nghiên cứu hải dương học, tăng cường năng lực quan trắc và thí nghiệm về sinh thái, địa chất, môi trường, vật liệu và sử dụng năng lượng biển. Cũng theo Tân Hoa Xã, các trạm này sẽ được nâng cấp trong tương lai để nghiên cứu về hiện tượng axít hóa đại dương, ô nhiễm vi nhựa, bảo tồn hệ sinh thái rạn san hô và xử lý thảm họa biển. Hai trạm này cùng với Trung tâm Nghiên cứu tổng hợp đảo và rạn đã được xây dựng trước đó trên đá Vành Khăn (một rạn san hô vòng thuộc cụm Bình Nguyên của quần đảo Trường Sa, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1995), tạo thành một tam giác, có khả năng cung cấp thông tin nhằm khống chế cả một vùng rộng lớn trên Biển Đông.
Ngụy trang dưới vỏ bọc Nghiên cứu khoa học, có thể khẳng định động thái tiếp tục xây dựng và vận hành 2 trạm Nghiên cứu khoa học là một động thái vô cùng nguy hiểm, nằm trong âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Trung Quốc có lịch sử diễn giải luật pháp quốc tế theo ý muốn và có lợi cho mình. Theo luật pháp quốc tế, việc công bố các kết quả Nghiên cứu khoa học không được xem là bằng chứng để khẳng định chủ quyền. Thế nhưng, từ trước tới nay, Trung Quốc vẫn sử dụng chiêu bài ngụy trang Nghiên cứu khoa học, coi việc đăng các sản phẩm khoa học về Biển Đông như là một trong những nỗ lực khẳng định chủ quyền. Do vậy, mặc dù Tòa Trọng tài quốc tế đã phán quyết rằng tuyên bố về “quyền lịch sử” của Trung Quốc tại vùng biển nằm trong “đường lưỡi bò” là không có cơ sở pháp lý, nước này vẫn muốn lợi dụng việc Nghiên cứu khoa học để thể hiện mình đang kiểm soát, quản lý, khai thác, sử dụng một cách hòa bình, tuân theo các quy định của luật pháp quốc tế đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và một vùng nước rộng lớn trong biển Đông nằm trong “đường lưỡi bò”. Rõ ràng là bằng cách này và những cách khác kết hợp với sức mạnh quân sự, sức mạnh kinh tế, chính trị, họ tin rằng có thể từng bước độc chiếm Biển Đông.
Lợi dụng việc các nước đang dành sự quan tâm đến việc ngăn chặn dịch bệnh để lấn tới
Trong thời gian vừa qua, do nạo vét và xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông, Trung Quốc đã tàn phá và làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới 125 km2 rạn san hô quý hiếm trên Biển Đông và là quốc gia tàn phá rạn san hô nhiều nhất thế giới trong thời gian 5 năm qua. Điều này cho thấy không có cơ sở để tin rằng những hoạt động khoa học của Trung Quốc trên biển là để phục vụ cải thiện môi trường và các hệ sinh thái biển, tăng cường số liệu khoa học phục vụ loài người. Các Nghiên cứu khoa học biển, đặc biệt là nghiên cứu hải dương học, có tính lưỡng dụng, tức là vừa phục vụ mục đích quân sự vừa phục vụ mục đích dân sự. Nhờ các Nghiên cứu khoa học, Trung Quốc có thể xác định được những điều kiện hoạt động tối ưu cho các phương tiện chiến tranh, đặc biệt là tàu ngầm. Các điều kiện khí tượng thủy văn biển như thời tiết biển, sóng, gió, dòng chảy, thủy triều cũng cần thiết cho các hoạt động quân sự của tàu, thuyền, các phương tiện bay trên biển. Vì vậy, việc tăng cường Nghiên cứu khoa học trên biển Đông ngoài cung cấp các thông tin phục vụ quản lý biển còn cung cấp các thông tin phục vụ những mục đích
quân sự cho hải quân, không quân và các lực lượng quân sự khác của Trung Quốc trên biển. Trung Quốc cũng có thể lắp đặt những thiết bị giám sát biển trên các trạm này để cung cấp thông tin phục vụ những hoạt động quân sự trên biển Đông và trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước xung quanh Biển Đông.
Đặc điểm chung của Trung Quốc là thường chọn những thời điểm mà các nước khác mất cảnh giác để triển khai các hoạt động lấn chiếm Biển Đông. Hiện nay, mặc dù bị tác động mạnh của dịch Covid-19 nhưng về cơ bản, Trung Quốc đã khống chế được dịch; trong khi đó, cả thế giới đang tập trung vào chống dịch cũng như bảo vệ nền kinh tế, hạn chế tới mức có thể các tác động của dịch. Trong bối cảnh này, hầu như không nước nào có thời gian để quan tâm tới các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông. Vì vậy, Trung Quốc đã chọn thời cơ thuận lợi này để triển khai 2 trạm Nghiên cứu khoa học như nói trên. Bằng cách đó, Trung Quốc muốn nhân cơ hội cộng đồng quốc tế đang căng mình chống dịch để đặt các nước, nhất là các nước xung quanh Biển Đông có vùng biển đang bị nước này xâm phạm, vào sự đã rồi.

Nhìn lại quá trình TQ cưỡng chiếm bằng vũ lực

và bồi đắp, quân sự hóa bãi đá Ga Ven trong 32 năm qua

Ga Ven là rạn san hô nằm cách đảo Nam Yết 7-8,5 hải lý (13-15,7 km) về phía Tây của quần đảo Trường Sa vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhưng đã bị Trung Quốc sử dụng quân đội cưỡng chiếm từ năm 1988 đến nay.
Quá trình TQ cưỡng chiếm và cải tạo, quân sự hóa bãi đá Ga Ven
Đá Ga Ven là bãi san hô nằm trong cụm Nam Yết, thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa của Việt Nam, cách đảo Nam Yết khoảng 9 hải lý về phía Tây – Tây Bắc, bị phía Trung Quốc chiếm giữ bằng vũ lực từ tháng 2/1988. Ngay sau khi chiếm giữ, phía Trung Quốc đã dựng 2 chốt gác cao chân bằng thép cho binh lính đồn trú.
Đầu những năm 1990, Trung Quốc huy động công binh xây dựng tòa nhà bê tông 2 tầng với nhiều trang thiết bị thông tin liên lạc hiện đại ở điểm cao nhất bãi đá, về phía Đông Bắc bãi đá. Biên chế quân nhân đồn trú trên bãi, khoảng 1 trung đội (36 người). Từ cuối năm 2013, phía Trung Quốc huy động các tàu công trình chở người, xe máy, vật liệu xây dựng ra xây dựng trái phép, biến Ga Ven thành đảo nhân tạo có diện tích khoảng 15 ha với luồng tàu vào dài khoảng 450 m, rộng khoảng 180 m. Các công trình phi pháp của Trung Quốc trên bãi Ga Ven gồm 1 tòa nhà kiên cố 8 tầng, cao gần 30 m. Tại 4 góc nhà của mỗi tầng đều bố trí các lỗ châu mai. Trên nóc tòa nhà được bố trí 2 radar và 2 anten parabol, thiết bị có quả cầu che và một số thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị quan sát.
Trên tầng 6 của tòa nhà trung tâm có lắp radar điều khiển bắn, kính ngắm quang học. Tầng 5 lắp 4 bệ pháo 30 mm (7 nòng). Tầng 1 lắp 4 bệ pháo 76 mm. Ngoài ra, trên bãi còn có 2 vị trí hỏa lực ở cầu cảng và sát nhà cũ, được lắp đặt pháo 76 mm. Nhìn từ đảo Nam Yết, chúng tôi còn thấy trên bãi có tháp ra đa đối không, tháp viễn thông (thu phát sóng 4G) cao khoảng 50 m, các cột điện gió và hệ thống pin năng lượng mặt trời. Đặc biệt, trên bãi còn có sân bay trực thăng ở phía Đông Nam, rộng 33 m x 33 m. Cầu cảng hướng Tây Bắc – Đông Nam dài khoảng 100 m, đầu phía Tây Bắc có bến nghiêng rộng khoảng 10 + 15 m và 2 cột chập tiêu ở Tây Bắc cầu cảng… Cũng giống như các bãi đá bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng trái phép, đá Ga Ven hiện đang được che phủ bằng nhiều cây phi lao mang ra từ đất liền.
Ý đồ nham hiểm của TQ tại bãi Ga Ven nói riêng và các thực thế khác nói chung đều không nằm ngoài việc độc chiếm Biển Đông
Tham vọng độc chiếm Biển Đông là một chiến lược nhất quán và lâu dài của Trung Quốc. Việc dùng vũ lực để chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974 có thể xem là bước đi đầu tiên trên thực tế của nước này trong việc hiện thực hóa tham vọng chủ quyền ở Biển Đông. Sau khi thò được “bàn chân sói” đầu tiên vào Biển Đông năm 1974, Trung Quốc đã xây dựng, biến nơi đây thành một cứ điểm, tiền đồn quân sự lớn và xâm chiếm vùng biển này theo nhiều giai đoạn. Tiếp theo “bàn chân sói” đầu tiên, Trung Quốc lại dùng vũ lực chiếm đóng 7 thực thể là các đảo đá, rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988 để bước xuống phía Nam Biển Đông.
Tham vọng chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông được đẩy lên cao độ sau khi quốc gia này chính thức đơn phương công bố yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” năm 2009, đòi chủ quyền đối với khoảng 80% diện tích vùng biển chiến lược này. Tham vọng của Trung Quốc tiếp tục gia tăng khi nước này đưa ra cái gọi là học thuyết “Tứ Sa” (gồm quần đảo Pratas, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và bãi ngầm Macclesfield mà Trung Quốc đặt bằng 4 cái tên lần lượt là Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa) hồi năm 2013 với diện tích đòi chủ quyền còn rộng lớn hơn cả yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn”.
Trong việc hiện thực hóa tham vọng chủ quyền trên thực địa, Trung Quốc từ năm 2014 tới nay đã ráo riết tiến hành bồi đắp trái phép 7 thực thể chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các đảo nổi nhân tạo quy mô lớn, với tổng diện tích lên tới hơn 13 km2, chiếm khoảng 95% tổng diện tích các đảo tự nhiên và đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Đặc biệt, Trung Quốc đã bồi đắp 3 đảo đá Subi, đá Vành Khăn và đá Chữ Thập thành 3 đảo nhân tạo quy mô lớn, có đường băng dài 3.000 m, đủ để cho các máy bay chiến đấu hạng nặng có thể cất/hạ cánh; có cả cảng biển nước sâu để tàu chiến hạng nặng có thể ra vào.
Thời gian tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục củng cố sức mạnh toàn diện, tăng cường khả năng kiểm soát trên thực địa, hoàn thành quá trình quân sự hóa ở Biển Đông; tập trung mọi nguồn lực để phát triển hải quân, lực lượng chấp pháp trên biển; tích cực nghiên cứu, chế tạo và biên chế thêm nhiều loại khí tài quan trọng cho Hải quân, Cảnh sát biển, Ngư chính, Kiểm ngư; tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm soát ở Biển Đông; tiếp tục củng cố chứng cứ pháp lý, ngụy tạo bằng chứng về cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá phi pháp hàng năm, tích cực điều lực lượng chấp pháp trên biển ngăn chặn, bắt giữ ngư dân các nước ở Biển Đông.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần phản đối các hoạt động phi pháp của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hòn đảo này. Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa theo quy định của luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động không có sự cho phép của Việt Nam ở hai quần đảo này đều là phi pháp. Mọi hoạt động ở khu vực hai quần đảo này mà không được sự đồng ý của Việt Nam là trái với Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển đã ký giữa hai nước, không phù hợp với Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cũng như các cam kết duy trì ổn định, hòa bình trên biển.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.