Tin Việt Nam – 04/04/2020
Saturday, April 4, 2020
5:05:00 PM
//
- Slider
,
- Tin Việt Nam
Quảng Ngãi: khai thác đất trái phép
kéo dài trong nhiều năm
Người dân thôn An Hội Nam 2, xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi bức xúc trước tình trạng khai thác đất trái phép đi bán kéo dài trong nhiều năm qua nhưng phía chính quyền giải quyết quá chậm.Báo Kinh tế đô thị đăng tin ngày 3/4.
Tin cho biết, phóng viên của báo đã có mặt tại khu vực khai thác đất vừa nêu vào chiều ngày 25/3 và thấy hàng chục chiếc xe mang logo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Khánh Văn đang tập kết lấy đất.
Tuy nhiên, thấy người lạ ở khu vực khai thác, sau khi một người trong nhóm khai thác đất nghe xong điện thoại thì tất cả xe đã rời khỏi hiện trường.
Vẫn theo báo Kinh tế đô thị, hoạt động khai thác diễn ra bình thường trước ngày 23/3, nhưng vào ngày 24 và sáng 25/3 thì không hề có xe khai thác nào xuất hiện.
Đợt xe vắng bóng này trùng khớp với lịch kiểm tra thực địa vị trí khai thác đất gò đồi do ông Nguyễn Thiên Thanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa dẫn đầu cùng các phòng, ban liên quan vào ngày 24/3 cũng như thời điểm địa chính huyện Tư Nghĩa và xã Nghĩa Kỳ đi đo đạc thực địa để làm báo cáo vào sáng 25/3.
Tuy nhiên đến chiều ngày 25/3, ngay sau khi ngành chức năng rời đi, hàng loạt xe tải và phương tiện đào, xúc đã sẵn sàng ở vị trí khu đồi để khai thác.
Do đó, dư luận đưa ra nghi vấn về sự tiếp tay cho của chính quyền cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, trong buổi làm việc với chính quyền huyện Tư Nghĩa có sự tham gia của lãnh đạo UBND xã Nghĩa Kỳ và lãnh đạo phòng Tài nguyên – Môi trường vào sáng 26/3, phía Chủ tịch UBND xã Nghĩa Kỳ Nguyễn Hồng Hà cũng không trả lời vào trọng tâm khi nhận được câu hỏi liệu các cuộc thanh tra có lộ thông tin cho các đối tượng khai thác đất? Báo trong nước cho biết ông Hà đã trả lời vòng vo rồi lái sang chuyện khác.
Sau đó phía huyện đã huyện đã giao UBND xã Nghĩa Kỳ không cho các đối tượng tổ chức khai thác đất lén lút tại các vị trí đã phát hiện. Đồng thời lập biên bản biện trường, xác định đối tượng vi phạm.
Dù vây, trong thực tế, hoạt động múc trộm đất từ ngày 28/3 đến nay vẫn diễn ra như bình thường.
Đến ngày 30/3, sau khi phóng viên báo Kinh tế đô thị phản ánh lại nội dung này với Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Lê Trung Thành, ông Thành cho biết đã chỉ đạo Công an huyện, UBND xã Nghĩa Kỳ tổ chức kiểm tra, tịch thu công cụ, phương tiện cũng như làm rõ các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp khai thác.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/quang-ngai-illegall-and-exploitation-lasted-for-many-years-04032020145301.html
Hà Nội xác nhận tàu hải cảnh Trung Quốc
đâm chìm tàu cá Việt Nam
Người phát ngôn Bộ Ngoại gia Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, tại cuộc họp báo vào ngày 3 tháng 4, cho báo giới biết theo thông tin từ các cơ quan chức năng thì tàu hải cảnh Trung Quốc vừa mới đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam.Cụ thể theo lời Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tàu cá QNg 90617 TS cùng 8 ngư dân trên đó khi đang hoạt động bình thường tại vùng biển của quần đảo Hoàng Sa thuộc Việt Nam đã bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm.
Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và trao công hàm phản đối yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm nhân viên công vụ và tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam.
Vào ngày 3 tháng 4, Hội Nghề Cá Việt Nam gửi văn bản đến Văn Phòng Chính phủ, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thông thông tin sự việc tàu cá Quảng Ngãi QNg 90617 TS bị tàu Trung Quốc đâm chìm khi đang đánh bắt tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa.
Vụ việc xảy ra vào lúc khoảng 3 giờ sáng ngày 2 tháng tư. Tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 4301 cố tình đâm chìm tàu cá QNg 90617 TS tại khu vực biển gần đảo Phú Lâm. Tàu này do ông Trần Hồng Thọ,33 tuổi ngụ tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi làm chủ tàu.
Ba tàu cá khác của ngư dân Quảng Ngãi khi hay tin đã đến để cứu nạn. Ba tàu cá này gồm chiếc QNg 90045 do ông Đặng Tằm làm chủ, chiếc QNg 90399 do ông Đặng Dũng làm chủ; và chiếc QNg 90929 do ngư dân Nguyễn Thành Linh làm chủ.
Tuy nhiên đến khoảng 6 giờ sáng ngày 2 tháng 4, phía Trung Quốc cho điều thêm 2 tàu hải cảnh 4001 và 4002 đến để vây bắt tàu của hai ngư dân Đặng Dũng và Nguyễn Thành Linh đưa vào đảo Phú Lâm. Tại đó hai tàu này bị lục soát; trang thiết bị trên tàu bị đập phá, tịch thu.
Trong khi đó tàu cá của ngư dân Đặng Tằm bị tàu Trung Quốc sử dụng vòi rồng truy đuổi làm hư hỏng nhiều tài sản trên tàu và tàu này buộc phải quay về bờ.
Đến chiều cùng ngày phía Trung Quốc trao 8 ngư dân trên tàu bị đâm chìm cho hai tàu cá của ông Đặng Dũng và Nguyễn Thành Linh; mỗi tàu 4 người rồi đuổi đi, buộc phải rời khu vực Hoàng Sa.
Hội Nghề cá Việt Nam phản đối hành động đó của Trung Quốc.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-cn-fi-sunk-04032020142029.html
Ủy Hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế
kêu gọi thả tự do cho ông Nguyễn Bắc Truyển
Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) vào ngày 3/4 nhắc lại lời kêu gọi chính phủ Việt Nam hãy trả tự do cho ông Nguyễn Bắc Truyển, một trong những tù nhân lương tâm tôn giáo tại Việt Nam.USCIRF nói rõ Ông Nguyễn Bắc Truyển là một người ủng hộ tự do tôn giáo Việt Nam và Phật giáo Hòa Hảo không theo phái quốc doanh. Vào ngày 5 tháng 4 năm 2018, ông bị kết án 11 năm tù giam với cáo buộc ‘Âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân’ theo điều 79 của Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 1999.
Ủy viên Anurima Bhargava của USCIRF, phụ trách trường hợp ông Nguyễn Bắc Truyển trong Dự án Tù nhân Tôn giáo USCIRF, cho rằng phiên tòa xét xử ông Nguyễn Bắc Truyển là một trò hề của công lý. Vị ủy viên này cho rằng ông Nguyễn Bắc Truyển cần được trở về với gia đình, đặc biệt là khi đại dịch coronavirus đang gây hại cho sức khỏe cộng đồng, vô cùng nguy hiểm cho các tù nhân. Thêm vào đó, các vấn đề sức khỏe của ông Truyển đang ngày trầm trọng hơn kể từ khi ông bị giam giữ.
Hai Dân biểu Hoa Kỳ Harley Rouda và Zoe Lofgren cũng lên tiếng ủng hộ ông Nguyễn Bắc Truyển trong Dự án Bảo vệ Quyền Tự do của Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos.
Trong Báo cáo thường niên năm 2019, USCIRF kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt chiếu theo Đạo luật Tự Do Tôn giáo Quốc tế.
Trong Bản cập nhật quốc gia gần đây, USCIRF cho biết đã nhận được báo cáo thường xuyên về việc chính quyền Việt Nam quấy rối Phật tử không theo phái nhà nước, Công giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Tin lành, Cao Đài, người H’mong và người Thượng Tây Nguyên, cùng các nhóm tôn giáo khác.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/uscirf-calls-for-the-release-of-vietnamese-prisoner-of-conscience-nguyen-bac-truyen-04032020113711.html
Cáp quang biển đứt vào những dịp đặc biệt, nhạy cảm!
Những ngày gần đây, người dùng internet tại Việt Nam nhận thấy đường truyền kết nối mạng internet trong nước bị chậm đi, chủ yếu do tuyến cáp quang biển AAG (Asia-America Gateway) bị đứt.Vai trò quan trọng của internet trong mùa dịch bệnh
Blogger, nhà báo Phạm Thành từ Hà Nội vào chiều tối ngày 3 tháng Tư thừa nhận việc cáp quang bị đứt ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sinh hoạt và đời sống của người dân như ông và đồng thời cũng ảnh hưởng đến chiến dịch chống sự lây lan của coronavirus chủng mới của chính phủ Việt Nam:
“Nhà nước thì bây giờ cũng không phải về vấn đề nhân sinh nữa, mà các quan hệ, làm ăn kinh tế cũng dựa vào cái đường truyền này. Nhà nước cũng tuyên truyền, phổ biến chương trình chống virus cũng phụ thuộc vào mạng internet, thế bây giờ nó lại chậm, thì rõ ràng là nó ảnh hưởng quá đi cả kế hoạch của nhà nước nữa, chứ không phải chỉ cái sinh hoạt của người dân trong đời sống, cũng như trong phòng chống sự lây lan của virus corona.”
Trong khi đó theo anh VTL, chuyên viên về cơ sở hạ tầng và bảo mật thông tin mạng, thì về nguyên tắc có rất nhiều đường truyền mạng internet; ngoài cáp quang ra, con có đường vệ tinh, nên khi có đường truyền nào không được ổn định, các nhà cung cấp mạng sẽ chuyển hướng sang những đường truyền khác:
“Hướng đi đường truyền có nhiều hướng lắm, như qua Singapore, qua đường này, đường kia…v.v, đi qua nhiều nơi. Mà thông tin nó đặt ra ở những nơi khác nhau, thì nó sẽ đi theo hướng khác nhau. Ví dụ như (đường đi của thông tin) hiện tại trong nước thì không bị ảnh hưởng gì, còn đường đi thông qua Singapore hay quốc tế, châu Âu thì nó vẫn đi bình thường. Còn đường đi chung ở ngoài kia (như Mỹ) nó mới bị chậm.”
Cáp quang bị đứt xảy ra thường xuyên tại Việt Nam
Theo quan sát của nhà báo Phạm Thành, việc cáp quang bị đứt gây ra đường truyền internet bị chậm thường xuyên xảy ra tại Việt Nam; điều này ảnh hưởng đến việc truy cập vào những trang thông tin báo chí như BBC, RFA và cả chính trang blog cá nhân của ông:
“Nó không những là do bị đứt, cắt mà sự can thiệp của cơ quan truyền thông của Việt Nam ngăn khu vực này, ngăn khu vực kia; rồi ngăn đối tượng này, ngăn đối tượng kia về cách gì đó về mặt kỹ thuật tôi không rõ, nhưng rõ ràng những người bị chặn như tôi cũng đông lắm, không phải chỉ về vấn đề kỹ thuật do sự cố, mà nó còn là sự tắt nghẽn, can thiệp của nhà nước nhằm ngăn cản quyền tự do ngôn luận của công dân, chứ nó không phải là vấn đề sự cố kỹ thuật đâu.”
Theo ông Thành, hiện tại vẫn chưa có thông tin hoặc thông báo của cơ quan chức năng về việc sẽ mất bao nhiêu ngày để khắc phục sự cố cáp quang bị đứt này.
Cùng ngày, nhà báo Võ Văn Tạo cũng cho biết hiện tượng đường truyền internet bị chậm lại gần đây đã ảnh hưởng đến thông tin liên lạc về biện pháp phòng chống dịch:
“Những lần trước họ cứ hay giải thích là bị đứt cáp quang, mặc dù chưa biết nguyên nhân nó bị chậm, nhưng mà tôi đánh giá đường truyền internet chậm như thế này nó có ảnh hưởng một phần thông tin liên lạc trong công cuộc phòng chống lại dịch cúm Covid-19.”
Anh VTL cho biết, khi đường truyền internet bị chậm đi do đứt cáp quang, phía cơ quan chức năng không trực tiếp giải quyết mà việc này nằm trong hoạt động quản lý của nhà cung cấp dịch vụ mạng; những nhà cung cấp này sẽ tính toán đường đi của dữ liệu mới có thể lên kế hoạch sắp xếp, xử lý và tìm hướng khác cho đường truyền internet.
Thông tin minh bạch và kịp thời là cần thiết trong mùa dịch bệnh
Theo ý kiến của nhà báo Phạm Thành, việc đưa thông tin kịp thời và minh bạch rất quan trọng, đặc biệt là vào thời điểm có dịch Covid-19 như hiện nay:
“Công khai minh bạch có nghĩa là phải trung thực, phải khách quan. Đấy, tức là sự kiện nó xảy ra như thế nào, thì mình nói đúng như thế. Công khai, minh bạch theo cái tinh thần đó thì nhà nước Việt Nam từ xưa đến nay chưa làm được.”
Cũng theo ông Thành, Việt Nam cần có một cơ quan truyền thông độc lập và tự do báo chí để quan sát, đưa tin đến công chúng thay vì chỉ dựa vào thông tin từ truyền thông có sự kiểm soát của nhà nước và chính quyền:
“Cho nên bây giờ người ta phải tự nghe rồi tự chọn lọc cái gì là đúng, cái gì là sai. Chứ bây giờ họ chẳng tin vào truyền thông của nhà nước đâu, vì truyền thông không có sự đối lập, nền báo chí không có tự do. Đưa tin thường là theo định hướng, ví dụ như con số bao nhiêu người bị dịch, bị bệnh, các cơ quan liên quan đâu được tự do đưa đâu. Nhà nước ra quy định chỉ có Bộ Y tế mới được quyền đưa ra thông báo người này bị nhiễm virus dương tính hay là không, còn những cơ sở, bệnh viện không có quyền đưa ra.”
Nhà báo Võ Văn Tạo có đưa ra ví dụ cụ thể về trường hợp của một nhân viên lễ tân tại một khách sạn ở Khánh Hòa, cách nhà ông chỉ khoảng vài trăm mét, bị lây nhiễm coronavirus từ du khách đến từ Vũ Hán vào tháng 1 vừa rồi, nhưng hơn một tuần sau mới có công bố dịch tại tỉnh Khánh Hòa:
“Sau này tôi mới biết là họ có những quy định, nếu muốn công bố những ca nào có bệnh nhân bị dương tính, tiếp theo là bước công bố có dịch phải qua những quy trình rất lằng nhằng; y tế địa phương phải báo cáo lên lãnh đạo địa phương; sau đó lãnh đạo địa phương họp để thông báo ra ngoài Bộ.
Về ca của cô nhân viên tiếp tân ở tỉnh Khánh Hòa này, ông Thứ trưởng của Bộ phải đích thân lên bệnh viện đó rồi gặp gỡ lãnh đạo Y tế để họ báo cáo ra ngoài Bộ, rồi từ Bộ họ mới gửi ý kiến đến văn phòng chính phủ. Lúc đấy văn phòng chính phủ mới có chỉ đạo là yêu cầu Bộ Y tế công bố ra là có dương tính, đồng thời công bố luôn là tỉnh Khánh Hòa có dịch.”
Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng khi có dịch Covid-19, chính phủ Việt Nam muốn quản lý thông tin đó để cân nhắc xem thông tin có thể gây hoang mang cho xã hội như thế nào và có khả năng ảnh hưởng đến nền kinh tế, ngoại giao hay không. Tuy vậy, ông Tạo cho biết quan điểm của mình rằng không thể dựa vào những cân nhắc đó để chần chờ trong việc công bố kết quả dịch bệnh, vì có thể dẫn đến hậu quả lây lan nghiêm trọng trong cộng đồng:
“Trước sau tôi vẫn quan niệm rằng là, thông tin nếu tính dưới gốc độ quyền lợi xã hội, càng đầy đủ, càng nhanh chóng, càng chính xác thì càng tốt. Tôi nghĩ vì bất cứ lý do gì việc chậm chạp của internet bị nghẽn đường truyền thông tin nó cũng ảnh hưởng đến tất cả các mặt của đời sống xã hội trong nước, chứ không chỉ riêng về chuyện chống dịch.”
Các tiếng nói phản biện, giới đấu tranh, hoạt động cho nhân quyền- tự do-công bằng xã hội tại Việt Nam từng cho biết vào một số dịp đặc biệt đường truyền Internet chậm hay không thể truy cập vào mạng được. Một giải thích từ phía cơ quan chức năng mà họ được nghe là tuyến cáp quang đi qua biển bị cá mập cắn đứt!
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/submarine-communications-cable-breaks-during-sensitive-times-04032020171738.html
Bệnh nhân 240 từ Bắc Giang,
phát hiện dương tính từ 1/4
Bình luậnNguyễn SơnTối ngày 4/4, Bộ Y tế thông báo thêm bệnh nhân 240 nhiễm virus corona Vũ Hán (Covid-19) ở Việt Nam. Đáng chú ý là ca bệnh này được phát hiện dương tính từ ngày 1/4.
Sau đó mẫu bệnh phẩm được gửi đi kiểm tra xác nhận. Nhưng đến tối 4/4, kết quả mới được công bố.
Bệnh nhân 240
Bệnh nhân nữ, 29 tuổi, có địa chỉ tại huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, làm việc tại Bangkok, Thái Lan. Ngày 19/3, trước khi về Việt Nam, bệnh nhân có tham gia buổi liên hoan với gia đình Bệnh nhân 166.
Ngày 20/3, bệnh nhân 240 đáp chuyến bay VN618, ghế 28B về Hà Nội. Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân được đưa đến khu cách ly tập trung tại Lữ đoàn 241, xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, được khám sàng lọc.
Đến ngày 31/3, bệnh nhân 240 có biểu hiện sốt 38,3°C, không ho, không khó thở, được chuyển khu cách ly đặc biệt và lấy mẫu bệnh phẩm. Chiều tối 1/4, xét nghiệm của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình cho kết quả dương tính với virus corona Vũ Hán.
Vào lúc 20h cùng ngày, bệnh nhân 240 được chuyển điều trị tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình.
Sáu trường hợp ở cùng phòng với bệnh nhân 240 tại khu cách ly được lấy mẫu xét nghiệm trong đêm 01/4 và đều có kết quả âm tính với virus corona Vũ Hán.
Sáng 4/4, Bộ Y tế thông báo 2 ca nhiễm dịch mới, trong đó một ca liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai. Như vậy trong hôm nay, Việt Nam có thêm 03 bệnh nhân mới.
Tính đến tối 4/4, Việt Nam đã ghi nhận 240 ca nhiễm dịch Covid-19, trong đó có 90 trường hợp đã được công bố khỏi bệnh, còn lại 150 bệnh nhân đang điều trị.
Trong 240 ca nhiễm corona có 149 người từ nước ngoài về, chiếm 62,1%; còn lại 91 người lây nhiễm thứ phát trong đó 61 người thuộc vùng dịch nội địa.
Tính đến 4/4, Việt Nam có hơn 3.700 trường hợp nghi nhiễm đang theo dõi, cách ly. Hơn 73.000 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly theo dõi sức khỏe.
Dịch corona khởi phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) vào đầu tháng 12/2019. Chính quyền Bắc Kinh đã che giấu thông tin khiến dịch bệnh nhanh chóng lan khắp Trung Quốc và thế giới. Đến nay, dịch corona đã truyền đến hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 1 triệu người nhiễm bệnh và được công bố là “Đại dịch toàn cầu”.
https://www.ntdvn.com/viet-nam/benh-nhan-240-tu-bac-giang-27075.html
Nhiều y, bác sĩ của 4 bệnh viện phải cách ly
vì tiếp xúc bệnh nhân 237
Bình luậnNguyễn SơnBệnh nhân 237 là ca bệnh có lịch sử dịch tễ phức tạp với 101 người tiếp xúc gần, trong đó có tới 89 y, bác sĩ của 4 bệnh viện lớn.
Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đêm 3/4 cho biết, Bệnh nhân 237 là du khách người Thụy Điển có lưu trú trên địa bàn phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội.
Bệnh nhân 237 bị ung thư máu mãn tính và đã đến Việt Nam du lịch từ cuối năm 2019, hiện bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương với sự phối hợp hội chẩn của cả Viện Huyết học truyền máu trung ương. Trước đó, trong tháng 3 vừa qua, bệnh nhân đã đi nhiều nơi tại Hà Nội và Ninh Bình.
Nhiều nhân viên y tế của: Viện Huyết học truyền máu trung ương, Bệnh viện đa khoa Đức Giang, Bệnh viện E và Bệnh viện Việt – Pháp (Hà Nội) đã phải cách ly sau khi tiếp xúc với bệnh nhân 237. Do bệnh nhân không có yếu tố dịch tễ, nên đã được khám thông thường tại các bệnh viện
Thông tin về tiếp xúc của Bệnh nhân 237 tại các bệnh viện như sau:
Gần 60 nhân viên y tế của Viện Huyết học truyền máu trung ương thuộc diện F1 và F2 (người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân COVID-19 và người tiếp xúc với người tiếp xúc) đang phải cách ly tại hội trường của viện.
22 nhân viên y tế của Bệnh viện Việt – Pháp tiếp xúc với bệnh nhân này khi bệnh nhân đến khám và sau đó khám lại tại bệnh viện.
Bệnh viện Việt – Pháp là cơ sở y tế từng tiếp nhận bệnh nhân SARS đầu tiên ở Việt Nam năm 2003 và có 7 cán bộ y tế tử vong sau vụ dịch SARS 2003.
18 nhân viên y tế của Bệnh viện đa khoa Đức Giang tiếp xúc với bệnh nhân 237. Tất cả đều có mạng che mặt và khẩu trang, nhưng bệnh viện đã cách ly số nhân viên này và đang đợi kết quả xét nghiệm.
4 bác sĩ khoa Tai – Mũi – Họng của Bệnh viện E được Bệnh viện đa khoa Đức Giang mời tới hội chẩn và xử trí cầm máu cho bệnh nhân 237.
Tổng số nhân viên y tế đang được cách ly sau khi tiếp xúc bệnh nhân này là gần 90 người. Trước đó, 2 bệnh viện Bạch Mai, Hồng Ngọc và 1 khoa của Bệnh viện Xanh Pôn từng bị cách ly sau khi tiếp xúc với các bệnh nhân COVID-19.
Đến nay Bệnh viện Hồng Ngọc đã hết thời hạn cách ly và được gỡ phong tỏa, Xanh Pôn được gỡ bỏ cách ly do 11 người tiếp xúc bệnh nhân đều âm tính.
Lịch trình di chuyển của bệnh nhân 237
Ngày 19/12/2019, bệnh nhân nhập cảnh vào Việt Nam từ Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài – Tây Ninh, về TP.HCM ở lại 1 đêm.
Sau đó, bệnh nhân di chuyển ra Đà Nẵng và lưu trú tại Đà Nẵng 2 tháng. Tiếp đến, bệnh nhân lưu trú tại Nình Bình 1 tháng, rồi đến Hà Nội và lưu trú tại khách sạn Sao – 2/25 Lâm Du, phường Bồ Đề, quận Long Biên từ ngày 23 – 31/3.
Từ ngày 21/2 – 22/2: bệnh nhân từ TP.HCM ra Hà Nội trên chuyến bay chưa rõ số hiệu, ở tại Tú Linh Legend (59 Hàng Cót, phường Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Từ ngày 22/2 – 20/3: bệnh nhân từ Hà Nội đi Ninh Bình (chưa rõ phương tiện di chuyển), ở tại khách sạn Ngọc Anh (36 Lương Văn Tuy, Ninh Bình).
Ngày 21/3: bệnh nhân từ Ninh Bình về Hà Nội, ở tại khách sạn Canary Hà Nội (số 4 Vũ Hữu Lợi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Ngày 22/3: bệnh nhân 237 ở tại khách sạn Sao (Số 2, ngõ 25, Lâm Du, Bồ Đề, Long Biên).
Ngày 26/3: bệnh nhân bị tai nạn, được chuyển đến bệnh viện Việt Pháp bằng xe cứu thương 115, quay trở lại khách sạn.
Ngày 30/3: bệnh nhân 237 tái khám tại bệnh viện Việt Pháp.
Ngày 1/4: bệnh nhân vào khoa cấp cứu của Bệnh viện Đức Giang (Hà Nội), sau đó được chuyển viện đến Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư.
Ngày 3/4: Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư xét nghiệm, kết quả dương tính với Covid-19.
https://www.ntdvn.com/viet-nam/nhieu-y-bac-si-cua-3-benh-vien-phai-cach-ly-vi-tiep-xuc-benh-nhan-237-26952.html
Dịch Covid-19 ở Việt Nam:
Rắc rối chuyện « cách ly xã hội »
Thanh PhươngTại Việt Nam, nơi mà tính đến hôm nay chỉ mới có 239 người bị nhiễm virus corona gây bệnh Covid – 19, việc chấp hành lệnh « cách ly xã hội » trên toàn quốc đang gặp nhiều rắc rối, do mỗi nơi hiểu theo mỗi kiểu.
Lệnh « cách ly xã hội » do thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành ngày 31/03/2020, có hiệu lực từ ngày 01/04. Theo chỉ thị mà ông Nguyễn Xuân Phúc đưa ra, cách ly toàn xã hội được thực hiện theo nguyên tắc « gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh ».
Ngay hôm sau ngày ban hành chỉ thị, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại giải thích « cách ly xã hội » nghĩa là « giữ khoảng cách trong xã hội », nhưng vẫn duy trì lưu thông hàng hóa và xuất khẩu.
Nhưng cách giải thích không rõ ràng về cách ly xã hội nói trên khiến cho mỗi nơi hiểu theo mỗi cách. Theo vnExpress, một số địa phương ở Quảng Ninh đã đổ đất, cầu bê tông chặn một số tuyến đường để kiểm soát người ra vào, Thái Bình thì không cho người từ địa phương có dịch đi vào tỉnh này.
Chính phủ Hà Nội đã nhìn nhận là một số nội dung của chỉ thị về cách ly toàn xã hội « chưa được hiểu và thực hiện thống nhất ». Cho nên tối qua, Văn phòng Chính phủ đã phải truyền đạt ý kiến của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương bãi bỏ ngay biện pháp dừng, ngăn cấm người và phương tiện qua lại do thực hiện không đúng tinh thần « cách ly xã hội ».
Tuy vậy, người dân Việt Nam hiện nay được yêu cầu ở trong nhà, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết, như để mua thực phẩm, hoặc đi làm, hoặc trong những trường hợp khẩn cấp. Những người đi ra ngoài đường đều phải đeo khẩu trang, nếu không có thể bị phạt tiền.
http://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200404-d%E1%BB%8Bch-covid-19-%E1%BB%9F-vi%E1%BB%87t-nam-r%E1%BA%AFc-r%E1%BB%91i-chuy%E1%BB%87n-c%C3%A1ch-ly-x%C3%A3-h%E1%BB%99i
Tỉnh Quảng Nam thu tiền người bị cách ly
Tin Vietnam.- Báo Tuổi trẻ ngày 3 tháng 4 năm 2020 loan tin, ông Nguyễn Văn Hai, giám đốc sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết, Uỷ ban nhân dân tỉnh này đã ra công văn số 1779 thông báo sẽ thu phí đối với 340 người trở về từ Sài Gòn và Hà Nội từ ngày 1 tháng 4.Ông Hai giải thích, những người trên đã vi phạm Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, họ đã di chuyển từ vùng dịch về địa phương sau ngày toàn quốc thực hiện lệnh cách ly của nhà cầm quyền Cộng sản. Vì vậy, lẽ ra 340 người trên sẽ bị phạt hành chính, nhưng nhà cầm quyền tỉnh Quảng Nam nhân đạo nên không phạt họ mà sẽ thu tiền ăn uống, tiền làm xét nghiệm những người trên. Nhà cầm quyền tỉnh chỉ miễn phí chỗ ở cách ly cho họ.
Không chỉ vậy, ông Hai còn nói rằng, điều kiện khu cách ly của tỉnh đang rất khó khăn, ngân sách của tỉnh cũng chỉ có chừng mực, trong khi những người trên nằm ngoài kế hoạch phê duyệt kinh phí của tỉnh nên tỉnh không thể lo cho họ được.
Ngoài ra, ông Hai giải thích về việc thu tiền lệ phí đối với công dân trong tỉnh, nhưng trước đây không thu lệ phí người ngoại quốc, thậm chí những người ngoại quốc lại được nhà cầm quyền cho cách ly với điều kiện tốt hơn là vì để tạo một hình ảnh đẹp của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.
Không chỉ vậy, những người ngoại quốc hay Việt Nam bị cách ly trước đây là do họ vô tình bị cách ly, họ đi du lịch, đi làm ăn nên nhà cầm quyền tỉnh phải có trách nhiệm với họ.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/tinh-quang-nam-thu-tien-nguoi-bi-cach-ly/
Mức phạt hành chính liên quan đến dịch Covid-19
Bình luậnNguyễn SơnTập trung đông người nơi công cộng bị phạt 10 triệu/người, vứt khẩu trang ra đường bị phạt 7 triệu.
Ngày 4/4, Sở Tư pháp Hà Nội có văn bản về các mức xử phạt cho từng trường hợp vi phạm trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Cụ thể:
Người không đeo khẩu trang nơi công cộng bị phạt tiền tối đa 300.000 đồng.
Người vứt khẩu trang đã sử dụng không đúng nơi quy định tại nơi công cộng bị phạt tiền tối đa 5.000.000 đồng, nếu vứt ra vỉa hè, đường phố bị phạt tiền tối đa 7 triệu đồng.
Người che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh COVID-19 bị phạt tiền tối đa đến 2 triệu đồng.
Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch phạt tiền tối đa 10 triệu đồng/người, 20 triệu đồng với tổ chức.
Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng, chống dịch COVID-19 phạt tiền tối đa 10 triệu đồng/người, 20 triệu đồng/tổ chức.
Người không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch phạt tiền tối đa 20 triệu đồng.
Người trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly để phòng, chống dịch COVID-19 có thể bị xử phạt hành chính tối đa 10 triệu đồng hoặc bị xử lý theo điều 240 Bộ luật hình sự trong trường hợp gây truyền dịch bệnh cho người khác.
Hành vi trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly mà làm gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh COVID-19 bị xử lý theo điều 295 Bộ luật hình sự.
Người nào khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây lây truyền dịch bệnh COVID-19 cho người khác bị xử lý theo điều 240 Bộ luật hình sự.
Người nào đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh COVID-19 có thể bị phạt tiền tối đa 15 triệu đồng hoặc bị xử lý theo điều 288 Bộ luật hình sự.
Người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thì bị xử lý theo điều 330 Bộ luật hình sự.
Chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như quán bar, vũ trường, karaoke, dịch vụ mát-xa, cơ sở thẩm mỹ… ) thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng chống dịch bệnh COVID-19, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý theo điều 295 Bộ luật hình sự.
Người có hành vi lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh COVID-19 để mua vét hàng hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố là mặt hàng bình ổn giá hoặc hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì bị xử lý theo quy định tại điều 196 Bộ luật hình sự.
Trước đó, Chủ tịch TP Hà Nội yêu cầu từ ngày 4/4, các quận, huyện kiểm tra người ra đường, xử phạt tất cả những trường hợp đi không có lý do cần thiết.
“Ngay ngày mai, các đơn vị quận, huyện, phường xã tổ chức lực lượng đi kiểm tra, xử phạt tất cả những người đi ra ngoài đường mà không đúng các nội dung được cho phép, không đúng các trường hợp cần thiết được ra khỏi nhà, phải phạt tất cả những trường hợp này” – ông Chung khẳng định.
https://www.ntdvn.com/viet-nam/muc-phat-hanh-chinh-lien-quan-den-dich-covid-19-26975.html
Tấn công mạng
liên quan đến Covid-19 ngày càng tăng
Các vụ tấn công mạng liên quan đến dịch bệnh viêm phổi cấp do coronavirus gây ra đang ngày càng tăng mạnh thời gian gần đây.Báo trong nước loan tin ngày 3/4.
Theo đó, các chuyên gia an ninh mạng cảnh báo các vụ tấn công dạng lừa đảo (phishing) email, mạo danh là các cơ quan y tế, mời mua các sản phẩm giả mạo hoặc những lời kêu gọi từ thiện ảo đang gia tăng.
Cụ thể, trong báo cáo của Nhóm tư vấn Interisle nộp cho Cơ quan đăng ký mạng Internet toàn cầu ICANN, có ít nhất 100.000 tên miền mới được đăng ký có các từ khóa liên quan đến covid, corona, và virus trong một tháng qua. Trong đó có nhiều trang được cho là độc hại.
Còn theo đơn vị cung cấp các dịch vụ an toàn kết nối Atlas VPN, từ tháng 1/2020 đến nay, số trang mạng dùng để lừa đảo đánh cắp các thông tin cá nhân tăng 350%, tức hơn 500.000 trang.
Với những diễn biến phức tạp về tình hình Covid-19 trên toàn cầu, những kẻ tấn công mạng có thể lừa đảo người dùng mạng bấm vào những mail hoặc đường link độc hại.
Công ty an ninh mạng Proofpoint cảnh báo tình trạng gia tăng đột biến những nội dung lừa đảo email. Trong đó có tới 80% các vụ tấn công mạng mà công ty này ngăn chặn có nội dung liên quan tới đại dịch COVID-19, đây là một tỷ lệ chưa từng có.
Trong khi đó, tại Mỹ, chỉ trong vài tuần qua, người tiêu dùng Mỹ đã mất khoảng 5 triệu đô la Mỹ, liên quan tới các hình thức lừa đảo thời dịch bệnh.
Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ đưa ra cảnh báo rằng nguy cơ lừa đảo có thế tiếp tục tăng, đặc biệt khi Quốc hội Mỹ chuẩn bị thông qua gói cứu trợ kinh tế trị giá 2.000 tỷ đô la Mỹ trong tuần này.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/hacking-related-to-covid-19-are-increasing-04032020121744.html
Nỗi lo về chất lượng thiết bị y tế từ Trung Quốc
Diễm Thi, RFAHôm 2 tháng 4 năm 2020, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc có cuộc điện đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường về việc hợp tác phòng chống dịch Covid-19. Hai bên thông báo tình hình và kết quả phòng chống dịch Covid-19 của mỗi nước.
Ông Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn sự hỗ trợ của Trung Quốc qua các hình thức như trao đổi kinh nghiệm và một số tỉnh thành, doanh nghiệp Trung Quốc hỗ trợ vật tư y tế cho Việt Nam. Ông Lý Khắc Cường cảm ơn sự ủng hộ của Việt Nam khi dịch bệnh tại Trung Quốc ở cao điểm, đồng thời thông báo Bắc Kinh sẽ viện trợ và cung cấp vật tư, thiết bị phòng chống dịch cho Việt Nam.
Ngay khi báo Thanh Niên loan tin, nhiều độc giả bày tỏ sự lo lắng về chất lượng của những sản phẩm từ Trung Quốc dưới bản tin này.
Cô Trang từ Bà Rịa-Vũng Tàu viết rằng: Sự giúp đỡ chân thành thì tất nhiên chúng ta sẽ cảm kích, nhưng tôi nghĩ các công ty nhập khẩu hàng hóa nói chung, vật tư y tế nói riêng nên kiểm tra về chất lượng cũng như sự an toàn trước hết…
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà từ Đà Nẵng viết ngắn gọn: Hy vọng đó là những vật tư thiết bị y tế có chất lượng.
Không phải tự nhiên mà người dân Việt Nam lo ngại về chất lượng sản phẩm từ Trung Quốc, nhất là các sản phẩm về y tế.
Tháng 11 năm 2012, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam giải mã gần như toàn bộ thành phần các viên chất rắn và dịch lỏng trong áo ngực phụ nữ ghi nhãn xuất xứ từ Trung Quốc, khẳng định sự hiện diện của một chất có khả năng gây ung thư, rối loạn nội tiết…
Đầu năm 2014, Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa miền Nam ra thông báo về sản phẩm bóng hơi cho trẻ em chứa chất phthalate vượt mức cho phép hàng trăm lần. Tất cả sản phẩm này đều do Trung Quốc sản xuất. Chất này làm suy giảm sự phát triển của bộ phận sinh dục nam, khiến cho cơ quan sinh sản của nam giới bị teo lại. Nếu trẻ ngậm, tự thổi món đồ chơi này, chất phthalatses sẽ trực tiếp và nhanh chóng đi vào cơ thể.
Không chỉ hàng tiêu dùng xuất xứ từ Trung Quốc chứa chất gây ung thư được nhập vào Việt Nam. Chiều 29 tháng 1 năm 2013, Đội Quản lý thị trường số 1, thuộc Chi cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh, thông báo họ phát hiện và thu giữ một khối lượng lớn mực khô đã xé tơi, nghi là mực khô giả được làm bằng nhựa có nguồn gốc Trung Quốc.
Ông Nguyễn Đình Ngọc từ Sài Gòn cho rằng, sản phẩm tiêu dùng từ Trung Quốc đã không tin được. Trong tình hình dịch bệnh như bây giờ mà nhập những sản phẩm y tế kém chất lượng thì hậu quả khôn lường. Ông nêu quan điểm của mình với RFA:
“Dù cho đó là bán hay viện trợ thì với tư cách là một người Việt Nam đang sống tại Sài Gòn, thú thật là tôi không tin vô chất lượng những món hàng từ Trung Quốc. Thực tế Tây Ban Nha và Séc đã phải trả lại những bộ kit xét nghiệm mua từ Trung Quốc do nó không đạt chuẩn. Còn về lịch sử Trung Quốc thì hầu như ai cũng biết họ là vua xài độc dược. Thứ hai, Trung Quốc là bậc thầy về hàng giả. Thứ ba, trong tình hình hiện nay dịch bệnh lan truyền khủng khiếp trên thế giới, Trung Quốc là người phải chịu trách nhiệm mà họ còn trốn tránh thì làm sao tôi có thể đặt niềm tin vào chuyện viện trợ của họ?”
Khi đại dịch Covid-19 lan khắp toàn cầu, nhiều nước nhập sản phẩm y tế từ Trung Quốc đã phải trả lại vì chất lượng không đạt yêu cầu.
Hôm 28 tháng 3, AFP dẫn một thông cáo của Bộ Y tế Hà Lan cho hay, Hà Lan mua 1.300.000 khẩu trang từ Trung Quốc và nay phải thu hồi 600.000 chiếc đã được phân phát đến các bệnh viện vì phát hiện lô hàng này không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng.
Cũng trong tháng 3, Tây Ban Nha đã đặt mua tại Trung Quốc một số thiết bị, vật tư y tế trị giá tổng cộng 467 triệu đô la, bao gồm 5.500.000 bộ xét nghiệm, 950 máy trợ thở, 11 triệu đôi găng tay và 500 triệu khẩu trang. Sau đó, giới y tế nước này đã báo động là gần 70% bộ xét nghiệm mua từ Trung Quốc đã cho kết quả không chính xác. Chính phủ Trung Quốc đổ lỗi cho một công ty không được chính quyền Trung Quốc cấp phép.
Cộng hòa Séc cũng nhập những bộ kit xét nghiệm từ Trung Quốc và một quan chức y tế địa phương của nước này đã tố cáo kết quả xét nghiệm từ các bộ kit nhanh của Trung Quốc cho kết quả sai đến 80%.
Cuối tháng 3, Thứ trưởng Y tế Philippines thông báo kit thử Covid-19 của Trung Quốc có độ nhạy chỉ 40%. Bộ Y tế nước này sau đó phải xin lỗi khi Bắc Kinh nổi giận.
Tiến sĩ – Bác sĩ Võ Xuân Sơn làm việc tại Phòng Khám Quốc Tế EXSON ở Sài Gòn nhận định:
“Cá nhân tôi thì không tin vào những sản phẩm từ Trung Quốc. Trên thực tế thì gần đây có một số nước đã phản ánh chất lượng các bộ kit xét nghiệm nhập từ Trung Quốc. Do đó Việt Nam cũng phải xem xét kỹ về chất lượng hàng viện trợ từ Trung Quốc. Nếu chất lượng thật sự tốt thì mới xài còn không thì không nên xài. Nếu đã bỏ tiền mua thì phải mua loại nào chất lượng tốt, độ tin cậy cao. Đồ Trung Quốc thì độ tin cậy thấp.”
Bác sĩ Phạm Nhật An, nguyên Phó Giám đốc Bệnh Viện Nhi Trung Ương kiêm trưởng Khoa Truyền Nhiễm Bệnh Viện Nhi Trung Ương, thì có cái nhìn khác. Ông cho rằng nếu Trung Quốc viện trợ thì cũng tốt và ông tin rằng Việt Nam sẽ kiểm tra lại chất lượng sản phẩm trước khi dùng. Việt Nam có khả năng làm việc này. Ông nói thêm:
“Với những sản phẩm trong ngành y tế, đặc biệt là những kít xét nghiệm thì phải có độ chuẩn xác nhất định mới bảo đảm an toàn cho người bệnh cũng như cho việc chống dịch bệnh.
Mình không hiểu thực chất độ nhạy, độ đặc hiệu của những test thử nghiệm từ Trung Quốc thì Việt Nam phải kiểm định chất lượng chứ không thể chỉ tin vào thông tin của nhà sản xuất.”
Tiến sĩ khoa học Nguyễn Hồng Vũ từ California thì cho rằng, nhập thì cũng phải nhập vì Trung Quốc hiện nay là nhà máy sản xuất của thế giới. Tuy nhiên cần chọn những đơn vị sản xuất tin cậy và test hàng cẩn thận trước khi đưa vào sử dụng. Các test cần làm cho các mặt hàng y tế lúc này là: test độ sạch, an toàn sinh học (bảo đảm không nhiễm virus hoặc các chất độc); test tính năng để đảm bảo các thiết bị đó hoạt động đúng theo yêu cầu kỹ thuật.
Qua những phát biểu vừa nêu, nỗi lo về chất lượng, đặc biệt chất lượng của trang thiết bị, sản phẩm y tế do Trung Quốc sản xuất, là một thực tế có thực được chứng minh qua những bài học trước đây và hiện nay. Những kinh nghiệm đó không chỉ người Việt bao lần trải nghiệm, mà nhiều nước khác cũng nêu rõ.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/concerned-about-the-quality-of-medical-equipment-from-china-dt-04032020143552.html
Cựu tù nhân chính trị và gia đình
tham gia phát khẩu trang miễn phí bị gây khó khăn
Trước tình trạng dịch bệnh COVID-19 tiếp tục lây lan; trong khi đó khẩu trang y tế khan hiếm, thiếu hụt vì quy định của chính quyền Việt Nam bắt buộc đeo khẩu trang tại các nơi công cộng. Qui định này có hiệu lực từ ngày 16 tháng 3 năm 2020.Ngoãi nỗ lực của chính quyền yêu cầu các đơn vị gia tăng sản xuất khẩu trang; chống xuất khẩu lậu khẩu trang… Nhiều người dân trong và ngoài nước cũng tìm cách hỗ trợ cấp phát miễn phí khẩu trang cho người khác. Vào đầu tuần qua, Cựu tù nhân chính trị, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa và gia đình ở Hải Phòng, với sự tài trợ của con trai ở Mỹ, có kế hoạch mua 5.000 khẩu trang để cấp phát miễn phí góp phần nhỏ cùng xã hội chống dịch viêm phổi cấp Vũ Hán.
Tuy nhiên trong lần phát 2.000 cái khẩu trang đầu tiên, chính quyền và an ninh địa phương đến can thiệp. Khi vợ chồng nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa đặt bàn cấp phát trên vỉa hè sát mép đường, mới phát được khoảng 400 cái thì cả chục công an và cán bộ phường tay đeo băng đỏ đòi tịch thu.
Phát được 400 cái khẩu trang. cả chục công an và cán bộ phường kéo đến. Bất ngờ công và chính quyền ập đến, 4,5 công an đứng vòng ngoài, 4,5 cán bộ phường tay đeo băng đỏ hoạnh họe vợ chồng tôi.
-Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa
Trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 4 tháng 4 năm 2020, Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, kể lại việc ông phát khẩu trang từ thiện bị công an sách nhiễu, đòi đem khẩu trang về phường:
“Trong 30 phút đầu chúng tôi làm trôi chảy, phát được 400 cái khẩu trang. cả chục công an và cán bộ phường kéo đến. Bất ngờ công và chính quyền ập đến, 4,5 công an đứng vòng ngoài, 4,5 cán bộ phường tay đeo băng đỏ hoạnh họe vợ chồng tôi. Họ yêu cầu chúng tôi đưa tất cả khẩu trang lên UBND phường để UBND phường phát, thì mới hợp lệ và chính đáng. Chúng tôi không đồng ý, thì họ quay sang yêu cầu thứ 2, đưa khẩu trang lên UBND phường để UBND phường mời cơ quan chức năng xuống kiểm tra chất lượng, an toàn vệ sinh phòng chống dịch mới được cấp phát. Tôi mới nói sao không kiểm tra bao nhiêu cửa hàng quanh đây mà kiểm tra chúng tôi. Mà hàng khẩu trang này là nhà nước làm, của một cơ sở sản xuất có đăng ký ỡ Đà Nẵng. Họ không nói gì được lại quay qua nói phát ở đây là cản trở giao thông.”
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa cho biết, trước khi phát khẩu trang thì ông cũng đã nghĩ sẽ bị gây khó khăn, bởi vì theo ông, đối với những người bất đồng chính kiến thì chính quyền không muốn cho làm việc từ thiện nào cả.
Từ Hải Phòng, ông Trần Nên, một người bạn cùng tham gia phụ giúp phát khẩu trang với nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, xác nhận với RFA hôm 3/4, về những gì mà ông chứng kiến:
“Tôi chơi với ông Nghĩa, ông ấy có nhắn tin cho tôi là, ông ấy có con bên Mỹ gởi tiền về, mua được 5.000 cái khẩu trang, muốn tặng cho dân ở phường Quán Trữ. Vì chỉ có hai ông bà nên ông Nghĩa nhắn tôi nếu có rỗi thì đến giúp ông ấy. Sáng hôm đó tôi đến thì thấy bà ấy và một đứa cháu gái nào đó đang phát, đứng được vài phút thì tôi thấy dân phòng, công an, những người trong bộ máy chính quyền, đeo băng đỏ vào đặt vấn đề với ông bà đó là trong việc phát khẩu trang này là không được phép, chưa được kiểm dịch… phát ở đây là mất trật tự an ninh đường phố. ”
Ông Trần Nên cho biết, thật tâm ông thấy, việc ông bà Nguyễn Xuân Nghĩa làm, cũng như hàng nghìn, hàng vạn người khác đã phát khẩu trang trên toàn quốc là rất tốt. Theo ông, dù thế nào, kể cả trước kia ông Nghĩa là gì, ông bà ấy làm gì, thì ông Nên vẫn thấy việc ông bà Nghĩa làm là nhân văn, và ông rất ủng hộ việc làm này của ông bà Nghĩa.
Cựu tù nhân chính trị, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa cho biết thêm, ông cũng như những người bất đồng chính kiến khác, khi kỷ niệm những chiến sĩ hy sinh ở Gạc Ma, hoặc là biểu tình chống Formosa làm ô nhiễm môi trường biển các tỉnh miền trung… thì đều bị ngăn cản dữ dội. Ông nói tiếp:
“Lần phát khẩu trang này tôi nghĩ vậy nhưng vẫn làm vì đó là một việc chính nghĩa. Ngay cả nhà nước cũng hô hào nhân dân góp tiền góp của để chống dịch bệnh thế tại sao chúng tôi có công, có tiền, có của thế tại sao chúng tôi lại không làm, góp một phần nhỏ để đồng bào địa phương này có một phương tiện để phòng chống dịch covid-19, nên chúng tôi quyết định làm.”
Ông Nguyễn Xuân Nghĩa cho biết, khẩu trang mà ông phát không hình ảnh, chữ viết, không có đưỡng lưỡi bò có hai gạch chéo… để chính quyền có thể liên hệ đến việc nọ́ việc kia rồi kiếm cớ sách nhiễu. Tuy nhiên dù vậy, ông vẫn bị công an ngăn cản. Ông Nghĩa và gia đình cho biết, cảm thấy lòng tốt của con trai ông bà bị phản bội và cả xã hội đang tìm mọi biện pháp phòng chống dịch viêm phổi cấp bị phản bội.
Không chỉ trường hợp Cựu tù nhân chính trị, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa ở Hải Phòng bị gây khó khăn khi phát khẩu trang miễn phí. Nhiều người ở nhiều tỉnh thành trên cả nước khi phát khẩu trang miễn phí có in hình hình phản đối Trung Quốc xâm chiếm biển đông cũng bị tịch thu, sách nhiễu, thậm chí bị bắt nhưng trường hợp Nhạc sĩ Huỳnh Thu Vân…
Khẩu trang No-U được khởi xướng từ bà Ngô Thị Thứ, hiện sinh sống ở Đà Lạt. Pháp luật Việt Nam hiện không có bất kỳ quy định nào, về việc cấm phản đối bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc.
Đài Á Châu Tự Do hôm 4 tháng 4 năm 2020, liên lạc qua tin nhắn bà Ngô Thị Thứ, và được bà cho biết về những trường hợp mới nhất bị gây khó dễ khi phát khẩu trang miễn phí:
“Mới hôm trước, công an tỉnh Tiền Giang đã tịch thu 132 cái khẩu trang của cô Đoàn Thị Nữ, khi cô đang phát cho các công nhân tai một khu công nghiệp.
Tôi cho rằng nhà nước không thành thật. Họ không thể nói không biết vì họ theo dõi facebook mọi người dân thường xuyên. Nếu họ thật tâm thượng tôn pháp luật, thật tâm chống đường lưỡi bò trên biển của Trung Quốc thì họ đã trừng trị những cán bộ làm sai.
Nếu người dân quyết liệt bảo vệ thì công an làm sai phải sợ hãi. Nhưng dân chúng hiền quá, sợ hãi một tai nạn mơ hồ và luôn thấy chuyện sai này là chuyện nhỏ so với nhiều vấn đề khác cụ thể hơn mà họ phải đối mặt. Nên họ bỏ cuộc.”
Tôi thấy việc ông bà Nghĩa làm, cũng như hàng nghìn, hàng vạn người khác đã làm trên toàn quốc là rất tốt, dù thế nào, kể cả trước kia ông Nghĩa là gì, ông bà ấy làm gì, thì tôi thấy việc ông bà ấy làm là nhân văn.
-Trần Nên
Trước đây, vào ngày 5/2/2020, ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục quản lý dược thuộc Bộ Y tế khi trả lời báo chí cho biết, bộ Y tế kêu gọi, khuyến khích khoảng 50.000 -70.000 các nhà thuốc, các cơ sở bán lẻ trong cả nước cấp phát khẩu trang miễn phí cho người dân để phòng lây nhiễm nCoV.
Theo vị Phó Cục trưởng Cục quản lý dược, các nhà thuốc, các cơ sở bán lẻ hãy vì ‘hình ảnh của nhà thuốc mình, của ngành dược, cùng chung tay với toàn thể các ngành, các cấp. Tuy nhiên khi người người dân phát khẩu trang miễn phí thì không những không được khuyến khích mà còn bị sách nhiễu, bắt bớ.
Trả lới Đài Á Châu Tự Do từ Tiền Giang hôm 4 tháng 4 năm 2020, Cô Đoàn Thị Nữ cho biết về việc công an tịch thu khẩu trang từ thiện của mình:
“Bữa đó chị hẹn với các dân oan xuống ủy ban tỉnh Tiền Giang, nhưng dân oan Gò Công ít quá, nên không đi. Sẵn chị có đem khẩu trang, 100 cái của chị và 100 cái của cô Hoàng, chị giữ luôn. Chị ghé Khu công nghiệp Giò Đàng, ở Bình Đức, Mỹ Tho, chị thấy công nhân ở đó ở quê, không có khẩu trang để mua. Chị bắt đầu cho khẩu trang ở đó, chị cũng không đếm là cho bao nhiêu. Xong Chị mới ghé cô Nga để cho và cho dân oan, khoảng 1 tiếng sau, công an thấy công nhân đeo quá tay… mà có hình lưỡi bò gạch chéo. Nó mới chạy lên bao vây Chị ngay nhà cô Nga ở chợ gạo, nó bắt chị về huyện chợ gạo, hỏi khẩu trang nguồn gốc ở đâu, rồi lập biên bản tịch thu 132 cái khẩu trang của chị.”
Mặc dù gặp nhiều khó khăn từ phía chính quyền, nhưng bà Ngô Thị Thứ, người khởi xướng khẩu trang No-U cho biết, Bà ước mong, sẽ làm được ít nhất 1 triệu khẩu trang No.U và hy vọng mọi người Việt Nam sẽ mạnh mẽ sử dụng mỗi ngày.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/former-political-prisoners-who-participated-in-distributing-free-masks-were-harassed-04032020130356.html
Mang khẩu trang đi phát miễn phí, 2 thành viên
nhóm Pháp Luân Công bị công an Hà Tĩnh bắt giữ
Tin từ Hà Tĩnh: Nhà cầm quyền cộng sản thành phố Hà Tĩnh mới bắt giữ hai thành viên của nhóm Pháp Luân công khi họ đang trên đường đi phát khẩu trang miễn phí cho người dân trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành khắp nơi trong nước.Theo báo chí nhà nước cộng sản, vào chiều ngày 30/3, công an thành phố Hà Tĩnh đã bắt giữ ông Phạm Xuân Q. khi ông đang lái xe hơi vận chuyển 600 khẩu trang y tế và 596 tài liệu liên quan đến Pháp luân công. Ông Q, người trú tại phường Nguyễn Du, thành phố Hà Tĩnh, cho biết ông đang trên đường đi đến địa điểm phát khẩu trang miễn phí cho người dân trong thành phố. Ông cho biết ông lấy số khẩu trang và tài liệu trên từ bà Phạm Thị H. ở cùng phường.
Công an đã bắt giữ hai người và thu thêm 5,000 khẩu trang y tế và 350 tờ quảng cáo, tài liệu liên quan đến Pháp luân công tại nhà của bà H., người nói rằng nhận được số khẩu trang và tài liệu trên từ một số người thuộc nhóm Pháp Luân công ở Sài Gòn. Nhà cầm quyền Hà Tĩnh nói sẽ củng cố hồ sơ để trừng phạt theo quy định của pháp luật.
Tuy chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào nói Pháp Luân công là tổ chức bất hợp pháp, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam coi đây là một tổ chức gây nguy hiểm cho chế độ và tìm mọi cách trấn áp người thực hành Pháp Luân công. Nhiều người tập Pháp Luân công đã bị sách nhiễu, đánh đập, và bỏ tù bởi công an Việt Nam.
Trong khi đó, một số người nói rằng tập Pháp Luân công giúp người tập nâng cao sức khoẻ và tăng cường khả năng chống chọi với bệnh tật. Pháp Luân công xuất xứ từ Trung Cộng nhưng bị chế độ cộng sản Bắc Kinh đàn áp khốc liệt trong nhiều năm qua.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/mang-khau-trang-di-phat-mien-phi-2-thanh-vien-nhom-phap-luan-cong-bi-cong-an-ha-tinh-bat-giu/
0 comments