Tin khắp nơi – 04/04/2020
Saturday, April 4, 2020
4:56:00 PM
//
- Slider
,
Tin Khắp nơi
Trump viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng
cấm xuất khẩu khẩu trang
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày thứ Sáu kí lệnh chỉ thị cho chính quyền của ông đình chỉ việc xuất khẩu khẩu trang N-95 và các thiết bị bảo hộ cá nhân khác cần có trong cuộc chiến chống lại đại dịch virus corona sang các nước khác.Trong một tuyên bố, ông Trump nói rằng lệnh của ông theo Đạo luật Sản xuất Quốc phòng “là một bước nữa trong cuộc chiến đang diễn tiến của chúng ta nhằm ngăn chặn tình trạng vơ vét, đội giá và trục lợi bằng cách ngăn chặn việc xuất khẩu gây hại những thiết bị bảo hộ cá nhân hết sức cần thiết.”
Khẩu trang N95 có tính năng bảo vệ chống lại virus corona cao hơn so với khẩu trang phẫu thuật thông thường. Các thống đốc và các quan chức bệnh viện trên khắp nước Mỹ đã cảnh báo về tình trạng thiếu khẩu trang và các thiết bị bảo hộ khác cho những nhân viên y tế điều trị cho những người nhiễm COVID-19, căn bệnh do virus corona gây ra.
Tổng thống Donald Trump trong tuần này viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng có từ thời Chiến tranh Triều Tiên để buộc một công ty của Mỹ chuyên sản xuất khẩu trang N95 phải chuyển hàng trở về Mỹ và ngưng bán ở nước ngoài.
Công ty 3M cho biết họ đang làm việc với chính quyền Trump kể từ cuối tuần trước và đã vận chuyển khẩu trang mà họ sản xuất ở nước ngoài về Mỹ, bao gồm 10 triệu khẩu trang N95 mà họ sản xuất ở Trung Quốc.
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) ngày thứ Sáu báo cáo 239.279 trường hợp nhiễm virus corona ở Mỹ, với 5443 ca tử vong. Trong những ngày gần đây, cơ quan này cũng đã bắt đầu khuyến cáo công chúng đeo khẩu trang để ngăn chặn sự lây lan của virus.
https://www.voatiengviet.com/a/trump-vien-dan-dao-luan-san-xuat-quoc-phong-cam-xuat-khau-khau-trang/5360147.html
Cố vấn thương mại Tòa Bạch Ốc cam kết
sẽ chấm dứt sự phụ thuộc
vào nguồn cung cấp thiết bị y tế nước ngoài
Tin Washington DC – Cố vấn thương mại hàng đầu của Tổng Thống Trump trong buổi họp báo hôm thứ Năm, 2 tháng 4, đã kêu gọi sản xuất thiết bị y tế tại nội địa, trong bối cảnh Hoa Kỳ thiếu trầm trọng thiết bị chống coronavirus. Ông Peter Navarro, giám đốc chính sách thương mại và sản xuất của Tòa Bạch Ốc, nói rằng điều mà Hoa Kỳ nên học từ cuộc khủng hoảng Covid-19 hiện nay là không bao giờ đặt ngành y tế quốc gia vào thế phải phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ nước ngoài, và chính phủ nên bãi bỏ một số quy định hạn chế để các cơ quan FDA và EPA có thể khuyến khích sản xuất trong nước.Ông Navarro nói, điều quan trọng hiện nay là Hoa Kỳ cần có các nhà máy tối tân vượt trội so với các nước khác, để Hoa Kỳ không cần phải lo về việc phải cạnh tranh với những hãng xưởng nước ngoài, là những nơi chuyên sử dụng lao động giá rẻ, không quan tâm tới môi trường, và được hỗ trợ từ chính phủ của họ. Ông Navarro cũng chỉ trích các thỏa thuận thương mại đa phương, nói rằng các thỏa thuận này đã thất bại trong thời điểm chúng được cần nhất. Ông Navarro nói, hơn 50 quốc gia đã ban hành lệnh cấm xuất cảng thiết bị y tế, và điều này cho thấy bất kể thế giới có bao nhiêu thỏa thuận thương mại, mọi quốc gia đều có nguy cơ không có được thứ họ cần trong tình huống xảy ra khủng hoảng.
Tuyên bố của ông Navarro được đưa ra không lâu sau khi số ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới vượt trên 1 triệu người, với Hoa Kỳ chiếm hơn 1 phần 5 trong số này. Hoa Kỳ hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu thốn thiết bị y tế, và các tiểu bang phải cạnh tranh lẫn nhau để tìm mua nguồn hàng từ nước ngoài, chủ yếu là từ Trung Cộng.
Ngô Bảo
https://www.sbtn.tv/co-van-thuong-mai-toa-bach-oc-the-se-cham-dut-su-phu-thuoc-vao-nguon-cung-cap-thiet-bi-y-te-nuoc-ngoai/
Lực lượng y tế Mỹ
thiếu đồ bảo hộ trong cuộc chiến Covid-19
Trong khi số ca nhiễm virus corona tiếp tục tăng mạnh ở Mỹ, bác sĩ và y tá trên khắp cả nước đang đối diện với sự thiếu hụt trầm trọng các thiết bị bảo hộ y tế cần có để chăm sóc cho bệnh nhân trong các bệnh viện bị quá tải.Những thiết bị bảo hộ này – bao gồm khẩu trang, găng tay và đồ bảo hộ toàn thân – trong những tuần gần đây đã trở thành những mặt hàng hiếm hoi ở Mỹ vì nhu cầu quá lớn so với nguồn cung ứng. Nó đã trở thành mối lo ngại hàng đầu không chỉ của các nhân viên y đang trực chiến với dịch Covid-19 mà còn của nhà chức trách các cấp, từ địa phương tới liên bang, trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan.
Các bản tin đăng tải trên truyền thông ở Mỹ cho thấy sự thiếu hụt trầm trọng những vật phẩm thiết yếu này khắp cả nước, đặc biệt là ở những ổ dịch như thành phố New York, trong khi các nhân viên y tế ngày càng lâm vào tình cảnh bức bách vì nguồn dự trữ đang cạn dần mà số lượng bệnh nhân tăng lên từng ngày, thậm chí từng giờ.
Các bác sĩ ở khu vực New York nói họ phải dùng lại một số đồ bảo hộ, thậm chí phải quay sang những nhà cung cấp chợ đen.
Reuters dẫn lời Bác sĩ Alexander Salerno ở phía bắc bang New Jersey giáp New York kể rằng ông phải thông qua một “người môi giới” để trả 17.000 đôla mua khẩu trang và các thiết bị bảo hộ khác mà lẽ ra có giá khoảng 2.500 đôla và nhận hàng tại một nhà kho bỏ hoang.
“Họ không cho biết tên, chỉ cho số điện thoại để nhắn tin,” ông Salerno nói. “Hai bên thỏa thuận xong rồi thì chuyển tiền vào một tài khoản ngân hàng. Họ cho biết thời gian và địa chỉ để tới nhận hàng.”
Trong khi đó các y tá tại Bệnh viện Mount Sinai nói họ phải khóa trong tủ hoặc giấu khẩu trang N-95, khẩu trang phẫu thuật và các vật phẩm khác dễ bị lấy trộm nếu không ai trông chừng.
“Khẩu trang biến mất,” y tá Diana Torres nói, theo Reuters. “Chúng tôi giấu tất cả khẩu trang trước bàn trực của y tá.”
Tình trạng thiếu khẩu trang nghiêm trọng cũng xảy ra ở những nơi khác.
Một bác sĩ phòng cấp cứu ở bang Michigan, nơi đang trở thành một tâm dịch Covid-19 ở Mỹ, chia sẻ trong một video rằng ông chỉ đeo một khẩu trang bằng giấy suốt cả ca trực và rằng các bệnh viện trong khu vực thành phố Detroit sẽ sớm không còn đủ máy trợ thở. Video thu hút hơn 1 triệu lượt xem trên mạng xã hội Twitter.
Bác sĩ Hạnh Hoàng đang hành nghề ở thành phố Seattle ở bang Washington, cũng là một điểm nóng COVID-19 ở Mỹ, cho VOA biết trong một tháng qua bà vẫn chưa thể đặt mua được khẩu trang từ nhà cung cấp thường lệ.
“Có lẽ tôi còn 20 cái thôi và đang dùng lại,” bà nói. “Chúng tôi sẽ phải khử trùng khẩu trang N-95 và cứ tiếp tục dùng thôi.”
Bà nói bà không rõ tình hình tại các bệnh viện địa phương ra sao, nhưng bà cho hay một y tá làm việc tại một bệnh viện ở đó kể rằng ông phải tự mang theo khẩu trang và đồ bảo hộ vì bệnh viện không có đủ.
Nữ bác sĩ cho biết các phòng khám như của bà giờ chỉ khám được cho khoảng 50 phần trăm, hoặc ít hơn, số lượng bệnh nhân so với trước khi dịch bùng phát, trong khi chuyển sang tư vấn qua điện thoại cho những người không thực sự đến phòng khám. Đây là một biện pháp vừa hạn chế tụ tập đông người làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus, vừa giảm bớt nhu cầu sử dụng các thiết bị bảo hộ vốn đang khan hiếm.
“Tôi không rõ liệu sắp sửa có sự hỗ trợ gì hay không,” bác sĩ Hạnh nói thêm. “Đã có sự hỗ trợ từ cộng đồng ở đây. Họ đề nghị may và đem khẩu trang tới. Bệnh viện bị phơi nhiễm nhiều hơn vì vậy nên dành khẩu trang cho bệnh viện.”
Đối mặt với sự thiếu hụt này, Tổng thống Donald Trump đang sử dụng một đạo luật có từ thời Chiến tranh Triều Tiên để buộc công ty 3M của Mỹ chuyên sản xuất khẩu trang N-95 phải chuyển hàng trở về Mỹ và ngưng bán ở nước ngoài.
Công ty 3M cho biết họ đang làm việc với chính quyền Trump kể từ cuối tuần trước và đã vận chuyển khẩu trang mà họ sản xuất ở nước ngoài về Mỹ, bao gồm 10 triệu khẩu trang N-95 mà họ sản xuất ở Trung Quốc.
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) ngày 3/4 báo cáo 239.279 trường hợp nhiễm virus corona ở Mỹ, với 5443 ca tử vong. Trong những ngày gần đây, cơ quan này cũng đã bắt đầu khuyến cáo công chúng đeo khẩu trang để ngăn chặn sự lây lan của virus.
https://www.voatiengviet.com/a/luc-luong-y-te-my-thieu-do-bao-ho-trong-cuoc-chien-covid-19/5359594.html
Tình hình dịch corona tại Mỹ
Ai gần Tổng thống đều được xét nghiệmToà Bạch Ốc ngày 3/4 loan báo bất cứ ai tiếp xúc gần với Tổng thống Donald Trump hay Phó Tổng thống Mike Pence sẽ được xét nghiệm COVID-19.
Tổng thống Trump hôm 2/4 được xét nghiệm lần hai và có kết quả nhanh trong vòng 15 phút. Cả lần này lẫn lần đầu vào tháng trước đều cho kết quả âm tính với COVID-19.
Phó Tổng thống Pence cũng xét nghiệm âm tính với virus corona.
Điểm nóng New York: Tử vong vì corona gần mức thảm sát 11/9
Bang New York của Mỹ đang chuẩn bị cho một tuần mới đầy chết chóc sau khi ghi nhận hơn 500 ca tử vong vì virus corona trong một ngày, nâng tổng số người chết vì COVID-19 tại bang này lên gần 3.000, tương đương số người thiệt mạng tại Mỹ trong các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001.
Thành phố New York, tâm dịch ở Mỹ, chỉ có vài ngày để chuẩn bị cho thời điểm tệ hại nhất của đợt bùng phát dịch, thị trưởng Bill de Blasio nói và kêu gọi chính phủ liên bang giúp chấm dứt tình trạng thiếu thốn máy thở và nhân viên y tế. Thành phố này chiếm hơn 1/4 số tử vong vì virus corona tại Mỹ.
Trong 24 giờ qua, bang York có 562 người chết vì virus corona, tổng số tử vong trên toàn bang hiện là 2.935 ca.
Ông De Blasio kêu gọi cung cấp cho thành phố New York 1 ngàn y tá và 150 bác sĩ giữa lúc số ca bệnh dự đoán sẽ tăng mạnh vào tuần tới.
Ông lưu ý thành phố New York chưa được cung cấp gần 3000 máy thở cần cho tuần tới và thúc giục Tổng thống Trump huy động nhân lực y tế từ quân đội.
Trong lúc đó, thống đốc bang New York ngày 3/4 loan báo sẽ ký sắc lệnh, dùng thẩm quyền của mình thu gom máy thở và đồ bảo hộ từ các bệnh viện tư và các công ty không dùng tới, một trong những biện pháp quyết liệt nhất ở Mỹ nhằm xoa dịu tình trạng thiếu hụt thiết bị cần có trong cuộc chiến COVID-19.
“Nếu họ muốn thưa tôi vì tôi mượn các máy thở dư thừa của họ để cứu mạng người, cứ để họ thưa,” ông Andrew Cuomo nói. Ông gọi đây không phải là tịch thu mà là san sẻ nguồn lực, và cam kết sau này sẽ trả lại hoặc đền bù cho chủ nhân.
Thế giới hiện có hơn 54.000 người chết vì virus corona, trong số này Mỹ chiếm trên 6.000 ca. Hơn 25% trong tổng số 6.058 ca tử vong vì virus corona tại Mỹ, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins University tính tới sáng 3/4, là ở thành phố New York. Số người nhiễm ở Mỹ hiện tổng cộng trên 261.000, chiếm khoảng 24% trong số hơn 1 triệu ca trên toàn thế giới.
Tại bang New Jersey lân cận, thống đốc Phil Murphy ra lệnh treo cờ rũ cho tới khi nào tình trạng khẩn cấp còn hiệu lực để tưởng nhớ những nạn nhân của coronavirus.
Thành tích dày công bị COVID-19 đạp đổ
Tháng rồi các công ty ở Mỹ cắt bớt 701.000 công ăn việc làm, chấm dứt 113 tháng liên tiếp tăng trưởng việc làm ở Mỹ, theo Bộ Lao động. Trong hai tuần qua, gần 10 triệu lao động điền đơn xin trợ cấp thất nghiệp.
Hạm trưởng kêu cứu cho tàu Roosevelt bị điều chuyển công tác
Hạm trưởng Brett Crozier của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt bị virus corona hoành hành bị cách chức hôm 2/4 với cáo buộc đã gây hoảng loạn khi gửi thư cầu cứu tới quá nhiều người, dẫn tới rò rỉ thông tin ra báo chí, sẽ không bị sa thải ra khỏi Hải quân Mỹ mà sẽ được điều chuyển công tác.
Quyền Bộ trưởng Hải quân Mỹ Thomas Modly ngày 3/4 cho biết thêm sẽ có cuộc điều tra để quyết định xem có hành động kỷ luật đối với hạm trưởng Crozier hay không.
Tăng cường sản xuất khẩu trang
Công ty 3M ngày 3/4 tuyên bố sẽ sản xuất thêm khẩu trang cho nước Mỹ trong cuộc chiến chống COVID-19 sau khi Tổng thống Trump yêu cầu công ty tăng cường nhập khẩu mặt hàng này về Mỹ từ các cơ sở sản xuất của họ trên toàn cầu và ngưng xuất khẩu các máy trợ thở sản xuất nội địa sang Canada và một số nước châu Mỹ Latin.
3M hứa sẽ làm việc sát với Cơ quan Xử lý Khẩn cấp Liên bang để ưu tiên các đơn đặt hàng khẩu trang cho nước Mỹ. 3M kỳ vọng sẽ tăng sản lượng hàng tháng ở Mỹ lên thành 50 triệu khẩu trang N-95 vào tháng Sáu.
Người vô gia cư được đưa vào khách sạn
Đứng trước nguy cơ virus corona có thể hạ gục gần 10.000 người vô gia cư, giới chức thành phố San Francisco, bang California, đang chuẩn bị 4.500 phòng cho những người cần tự cách ly và người vô gia cư cần tự cách ly.
Chỉ trong vài ngày đầu loan báo, 60% trong số 50 khách sạn đã họp với giới chức thành phố về việc mở cửa cho người vô gia cư và lực lượng ứng cứu đầu tiên đã ghi tên tham gia chương trình này.
Trong khi đó, lãnh đạo khối đa số Cộng hoà ở Thượng viện Mỹ, Mitch McConnell, ngày 3/4 cho hay Quốc hội Mỹ sẽ tiến tới một gói hỗ trợ kinh tế nữa vì dịch corona, lần này ưu tiên hàng đầu là lĩnh vực y tế.
https://www.voatiengviet.com/a/t%C3%ACnh-h%C3%ACnh-d%E1%BB%8Bch-corona-t%E1%BA%A1i-m%E1%BB%B9-/5359532.html
Virus corona: Dân Mỹ được khuyến cáo đeo khẩu trang
Thanh PhươngVào lúc số ca tử vong vì dịch Covid-19 tại Hoa Kỳ liên tục phá kỷ lục mỗi ngày, hôm qua, 03/04/2020, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh đã khuyến cáo dân Mỹ nên đeo khẩu trang.
Theo các số liệu được công bố hôm qua, chỉ trong 24 tiếng đồng hồ đã có thêm 1.480 người chết vì dịch Covid-19 tại Hoa Kỳ. Đây là số tử vong trong một ngày cao nhất tại một quốc gia duy nhất kể từ khi dịch bùng phát. Tình hình dịch Covid-19 tại Mỹ trong những ngày tới được dự báo sẽ còn nặng nề hơn nữa.
Để ngăn chận sự lây lan của virus corona, thị trưởng Los Angeles và New York đã yêu cầu người dân hai thành phố đeo khẩu trang khi ra ngoài. Nay toàn thể dân Mỹ được khuyến cáo nên đeo khẩu trang, cho dù bản thân tổng thống Donald Trump lại không muốn làm như vậy.
Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet tường trình:
Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh khuyến cáo toàn thể dân Mỹ nên đeo khẩu trang, theo thông báo của tổng thống Trump trong cuộc họp báo. Biện pháp này là nhằm tránh cho những người mang trong người virus corona, nhưng không có triệu chứng, trở thành các tác nhân lây nhiễm.
Nhưng vừa thông báo xong, ông Donald Trump lại nói ngay « đó không phải là điều bắt buộc, mà việc này phải dựa trên cơ sở tự nguyện ». Tổng thống Mỹ còn nói rõ là bản thân ông sẽ không đeo khẩu trang. Ông Trump nói : « Phải đeo khẩu trang khi tôi tiếp các tổng thống, các thủ tướng, thủ lĩnh các nước, các quốc vương, nữ hoàng trong Phòng bầu dục, không, tôi không thể làm như thế ».
Quý vị hãy làm theo lời tôi nói, nhưng đừng làm giống như tôi, thông điệp của tổng thống đúng là hơi rối rắm và có thể gây hiểu lầm. Cũng giống như khi tổng thống Donald Trump bắt tay với nhiều người trước các ống kính truyền hình, đúng vào ngày mà ông kêu gọi dân Mỹ giữ khoảng cách với nhau và tránh chạm vào nhau.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200404-corona-virus-d%C3%A2n-m%E1%BB%B9-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-khuy%E1%BA%BFn-c%C3%A1o-%C4%91eo-kh%E1%BA%A9u-trang
Chính phủ Trump dự định trả tiền cho bệnh viện
để chữa trị cho bệnh nhân COVID-19
không có bảo hiểm y tế
Tin Washington DC – Theo bản tin của tờ Wall Street Journal, chính phủ Trump dự định sẽ sử dụng một quỹ cứu trợ liên bang để trả tiền cho các bệnh viện chữa trị cho bệnh nhân Covid-19 không có bảo hiểm y tế, với điều kiện các bệnh viện này sẽ không gởi giấy đòi tiền bệnh nhân và cũng không vẽ ra thêm các loại chi phí không cần thiết. Kế hoạch mới dự kiến sẽ được công bố trong ngày thứ Sáu, 3 tháng 4, trong bối cảnh Tòa Bạch Ốc đang bị chỉ trích vì không mở ra thời hạn ghi danh đặc biệt cho những người muốn mua bảo hiểm qua chương trình Affordable Care Act.Đảng Dân Chủ cũng đang gây áp lực đòi chính phủ và các hãng bảo hiểm miễn phí chữa trị cho những người Mỹ bị mất bảo hiểm sau khi bị công ty sa thải. Các bệnh viện chữa trị cho bệnh nhân không có bảo hiểm thường sẽ yêu cầu bệnh nhân trả khoản chênh lệch giữa số tiền bệnh viện được chính phủ trả và chi phí chữa trị thực tế. Người không có bảo hiểm cũng có thể bị đòi tiền bởi các bác sĩ không làm việc trực tiếp cho bệnh viện. Theo kế hoạch mới của chính phủ, các hình thức đòi tiền này sẽ bị cấm, và các bệnh viện sẽ được chính phủ trả lại tiền theo cách tính của chương trình Medicare hiện nay. Theo các nguồn tin của tờ Wall Street Journal, các bệnh viện đang rất cần tài trợ, và chính phủ đang tính toán cách phân chia ngân quỹ liên bang. Theo các thông tin ban đầu, số tiền này sẽ được chia dựa theo chi phí đã dùng cho những bệnh nhân không có bảo hiểm và nhu cầu của bệnh viện.
Ngô Bảo
https://www.sbtn.tv/chinh-phu-trump-du-dinh-tra-tien-cho-benh-vien-de-chua-tri-cho-benh-nhan-covid-19-khong-co-bao-hiem-y-te/
Các viên chức Hoa Kỳ tái phân phối đồ bảo hộ y tế
bị tịch thu từ một người bị cáo buộc đầu cơ
Tin từ WASHINGTON, DC – Vào hôm thứ Năm (2/4), các viên chức Hoa Kỳ cho biết họ sẽ phân phối một kho dự trữ thiết bị bảo vệ cá nhân, bao gồm 192,000 mặt nạ phòng độc N95, mà họ tịch thu trong tuần này từ một người bị cáo buộc tích trữ.Bộ Tư pháp (DOJ) cùng Bộ Y Tế và Xã hội (HHS) cho biết thiết bị bị tịch thu bởi một lực lượng đặc nhiệm được thiết lập để ngăn chận việc tích trữ và kiểm soát giá liên quan đến coronavirus. Các thiết bị bao gồm 130,000 khẩu trang phẫu thuật, 598,000 găng tay y tế, áo choàng phẫu thuật, khăn khử trùng cùng chai thuốc khử trùng tay và thuốc phun khử trùng. Lượng thiết bị này sẽ được phân phối cho các cơ quan y tế ở New York và New Jersey, tâm chấn của một đại dịch giết chết gần 5,000 người Mỹ.
Các viên chức địa phương gấp rút thu mua thiết bị bảo vệ, đang trong tình trạng thiếu hụt. Một kho dự trữ khẩn cấp được duy trì bởi chính phủ Hoa Kỳ đang gần cạn kiệt. Các viên chức cho biết họ tịch thu lượng hàng này từ ông Baruch Feldheim, một người đàn ông 43 tuổi ở Brooklyn bị bắt vào ngày 30
tháng 3 vì nói dối về hoạt động của ông và ho vào các đặc vụ FBI thẩm vấn ông. Luật sư bào chữa James Moriarty của ông Feldheim bác bỏ các cáo buộc và tuyên bố rằng thân chủ của ông chưa nộp đơn kháng cáo.
Theo các tài liệu của tòa án, ông Feldheim đề nghị bán khoảng 1,000 mặt nạ N95 và các vật liệu khác cho một bác sĩ ở New Jersey với giá 12,000 mỹ kim. Chính quyền liên bang cho biết mức giá này cao gấp khoảng 700% so với giá bình thường. (BBT)
https://www.sbtn.tv/cac-vien-chuc-hoa-ky-tai-phan-phoi-do-bao-ho-y-te-bi-tich-thu-tu-mot-nguoi-bi-cao-buoc-dau-co/
Một người lướt ván chèo tại cầu tàu Malibu
bị bắt giữ vì vi phạm lệnh cách ly xã hội
Các nhà chức trách quận Cam cho biết, một người đàn ông lướt ván chèo vừa bị bắt ở Malibu vào hôm thứ năm (2 tháng 4), sau khi phớt lờ yêu cầu lên bờ của nhân viên cấp cứu, trong bối cảnh các quy tắc giữ khoảng cách xã hội đang được thực hiện. Trên mạng xã hội Facebook, cảnh sát quận Los Angeles cho biết, các nhân viên cấp cứu phải nhờ đến sự trợ giúp từ cảnh sát nhưng người đàn ông trên vẫn ở dưới nước dọc theo cầu tàu Malibu trong khoảng 30 đến 40 phút.Khi cảnh sát đưa tàu tuần duyên của họ đến từ Marina Del Rey, người đàn ông trên đã bơi vào bờ. Sau đó, anh bị bắt vì nghi ngờ không tuân theo yêu cầu của một nhân viên cấp cứu, và vi phạm lệnh yêu cầu công dân ở nhà của thống đốc Gavin Newsom. Anh bị giữ tại đồn cảnh sát ở Calabasas, trước khi được thả ra với yêu cầu hầu tòa. Theo đài KTLA đưa tin, các viên chức không tiết lộ bất kỳ thông tin nào về người đàn ông trên. Anh ta có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt 1,000 Mỹ Kim, hoặc tối đa 6 tháng
tù giam hoặc cả hai mức phạt trên. Trong tuần này, đây không là lần đầu tiên một người đàn ông Nam California phải đối mặt với hậu quả khi xuống biển. Tuy nhiên, không có thông tin cụ thể về số người trong khu vực bị bắt vì vi phạm lệnh của thống đốc.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/mot-nguoi-luot-van-cheo-tai-cau-tau-malibu-bi-bat-giu-vi-vi-pham-lenh-cach-ly-xa-hoi/
Viên chức chính phủ
kêu gọi các hãng Hoa Kỳ đề phòng Trung Cộng
Tin Washington DC – Một viên chức Bộ Ngoại Giao mới đây đã nhắc nhở các công ty Hoa Kỳ đề phòng chiến lược kết hợp các công ty dân sự và quân sự của Trung Cộng, trong bối cảnh Washington định mạnh tay hơn trong việc hạn chế khả năng tiếp cận của Bắc Kinh đối với công nghệ Hoa Kỳ. Ông Christopher Ford, phụ tá bộ trưởng về An ninh quốc tế, đã kêu gọi chính phủ và các hãng xưởng Hoa Kỳ tăng cường kiểm tra việc các công ty Trung Cộng mua lại các cơ sở tại Mỹ, để bảo đảm rằng công nghệ hiện đại của Hoa Kỳ sẽ không được sử dụng để tăng sức mạnh cho quân đội Trung Cộng.Trong buổi nói chuyện hôm thứ Năm, 2 tháng 4, tại Phòng Thương Mại Hoa Kỳ, ông Ford nói các đối tác Trung Cộng ban đầu có thể thật sự chỉ có mục tiêu thương mại khi hợp tác với công ty Mỹ. Tuy nhiên, nếu đảng Cộng Sản muốn có được một công nghệ nào đó của công ty Hoa Kỳ, đối tác Trung Cộng của hãng Hoa Kỳ này sẽ bị buộc phải đáp ứng. Các viên chức hàng đầu Hoa Kỳ đã lập ra nhiều kế hoạch để ngăn cản các công ty Trung Cộng mua lại các thiết bị nhạy cảm như vật liệu quang học, thiết bị radar, bán dẫn, và nhiều sản phẩm công nghệ khác. Ông Ford nói ông muốn thức tỉnh các công ty Hoa Kỳ, và hy vọng các hãng này sẽ giúp chính phủ tìm ra cách tốt nhất để đối phó nguy cơ trộm cắp công nghệ từ Trung Cộng mà không ảnh hưởng đến kinh tế.
Viên chức này cũng cảnh báo về chiến lược Made in China 2025, đồng thời kêu gọi đề phòng các sinh viên và học giả Trung Cộng, những người có vẻ như chỉ sang Mỹ để học tập và nghiên cứu thông thường, nhưng trên thực tế lại làm việc cho quân đội Trung Cộng.
Ngô Bảo
https://www.sbtn.tv/vien-chuc-chinh-phu-keu-goi-cac-hang-hoa-ky-de-phong-trung-cong/
Nhà báo Mỹ: Đừng bao giờ học
cách chống dịch COVID-19 của Trung Quốc
Lục DuNữ nhà báo Shikha Dalmia, trong một bài viết đăng trên Reason hôm 30/3 đã bình luận về cách chống dịch COVID-19 của Bắc Kinh. Theo bà, chính quyền Trung Quốc coi trọng sự tồn vong của họ hơn sự sống còn của người dân, nên chống dịch bằng cách che đậy thông tin và sử dụng các biện pháp khắc nghiệt để ngăn chặn dịch bệnh, với mục đích giữ “ổn định” và tìm kiếm thành tích làm chỗ dựa cho sự tồn tại của họ.
Nhà báo Dalmia cho biết, bà đã tham gia một sự kiện truyền thông tại Trung Quốc cách đây 10 năm, ông Tập Cận Bình khi đó đã tới tham dự và kết thúc sự kiện bằng một bài phát biểu truyền đi thông điệp “mở cửa” của Trung Quốc. Theo nữ nhà báo của Reason, ngay cả trong thời kỳ hoàng kim của sự cởi mở đó, giới chức Trung Quốc vẫn cho thấy rõ việc kiểm soát thông tin trên mọi phương diện. Quan chức của họ ở mọi cấp mà các nhà báo của Reason gặp đều đưa ra câu trả lời thống nhất cho mọi câu hỏi, như thể họ đã học thuộc chúng từ cùng một nguồn.
Bà Shikha cho hay, Truyền thông Trung Quốc đang hướng về phần còn lại của Thế giới để loan truyền thông điệp rằng họ đã chiến thắng đại dịch COVID-19 một cách xuất sắc. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã có những động thái “cổ súy” cho hành động này của Bắc Kinh. Các quan chức WHO đã thực hiện một “chuyến đi thực tế” tới Trung Quốc và quay về với lời chúc mừng và ngợi ca rằng Bắc Kinh đã có cách “phản ứng độc đáo và mới lạ đối với việc bảo vệ người dân” của mình trong dịch bệnh.
Không chỉ có WHO bày tỏ sự thán phục trước sự tài tình của chính quyền Trung Quốc trong cuộc chiến với COVID-19. Nhiều chuyên gia và nhà báo Mỹ cũng thể hiện một tình cảm tương tự.
Chuyên gia Nicholas Christakis làm việc cho Đại học Yale mô tả biện pháp phong tỏa hàng trăm triệu người Trung Quốc của Bắc Kinh để chống dịch là “vô cùng ấn tượng”. Ông Nicholas cho rằng “văn hóa tập thể và chính phủ độc tài của Trung Quốc” đã “cho phép thực hiện các phản ứng ở phạm vi rộng lớn và có tính lan tỏa này”. Trong khi đó nhà báo Donald McNeil của New York Times thì ca ngợi những “thành công to lớn của Trung Quốc trong cuộc chiến hạ gục dịch bệnh”, tương phản với những phản ứng chậm chạp của chính phủ Mỹ.
Tuy nhiên, trong các tuyên truyền của mình, Bắc Kinh không tiết lộ cái giá về sinh mạng mà họ phải trả cho các chiến thuật toàn trị dùng trong cuộc chiến với dịch bệnh này, nhà báo Shikha cho biết.
Theo bà Shikha, đứng ở thời điểm hiện tại mà nhìn lại, rõ ràng giới chức của thành phố Vũ Hán, nơi khởi phát dịch COVID-19, thời gian trước khi dịch COVID-19 bùng nổ, đã khăng khẳng phủ nhận việc nCoV có khả năng lây nhiễm từ người sang người, ngay cả khi trong một báo cáo của WHO vào thời điểm đó đã làm lộ ra thông tin có 739 người, bao gồm 419 nhân viên y tế, nhiễm bệnh.
Bác sĩ Lý Văn Lượng, người cố gắng tìm cách cảnh báo về sự xuất hiện của virus Vũ Hán, đã bị nhà cầm quyền Trung Quốc gán cho tội “gây rối nghiêm trọng trật tự xã hội” và bị quản thúc tại nhà, sau đó chết vì chính loại virus nguy hiểm mà ông muốn chính quyền và người dân biết để đề phòng. Các nhà khoa học Trung Quốc chứng minh COVID-19 là một căn bệnh mới và nghiêm trọng cũng đã bị nhà cầm quyền buộc phải hủy công trình nghiên cứu của mình, đồng thời bị gán tội “kẻ lan truyền tin đồn thất thiệt”. Bà Shikha đặt ra giả thiết rằng, nếu các nhà khoa học quốc tế sớm được tiếp cận nghiên cứu này thì có thể giờ đây thế giới đã tìm ra được vắc-xin phòng tránh COVID-19.
Nhà báo Shikha viết: Tất cả điều này đã tạo điều kiện cho virus Vũ Hán tự do lây lan trong hai tháng ở Trung Quốc và hơn thế nữa.
Một nghiên cứu của Đại học Southampton, Vương Quốc Anh, đánh giá nếu chính quyền Trung Quốc công khai thông tin sớm hơn 3 tuần thì có thể số người nhiễm nCoV đã giảm 95% và thế giới có thể đã tránh được một đại dịch.
Nhưng tại sao họ lại không làm điều đó, có thể không phải họ có ý định tấn công thế giới bằng dịch bệnh như những người theo thuyết âm mưu nhận định, mà đó là bởi hệ thống khép kín của Trung Quốc đã chặn luồng thông tin và cản trợ những cảnh báo chỉ thấy ở các xã hội cởi mở, nhà báo Shikha bày tỏ quan điểm trong bài viết của mình.
Tiếp tục bài viết, nữ nhà báo nhận định, một điều chắc chắn rằng Tổng thống Trump ban đầu cũng không đánh giá đúng mức nguy hiểm của COVID-19. Điều này một phần được thể hiện qua việc các quan chức liên bang liên tục cản trở bà Helen Chu, một nghiên cứu viên của Đại học Washington, theo đuổi những nghi ngờ của bà rằng virus Vũ Hán đã xuất hiện tại tiểu bang nơi bà sinh sống. Nhưng bà Chu, trái ngược với những đồng nghiệp tại Trung Quốc, sau đó đã trở thành anh hùng dân tộc và giới chức Mỹ đã bị chỉ trích nặng nề vì bỏ qua những cảnh báo sớm của bà.
Nhà báo Shikha cho rằng, kinh nghiệm này sẽ là một bài học cho các chính quyền Mỹ trong tương lai. Nhưng Trung Quốc, không giống như Mỹ, đã trải qua rất nhiều dịch bệnh nghiêm trọng nhưng dường như họ chưa rút ra được bất kể bài học nào. Vì dụ như họ đã từng đối mặt với dịch cúm tàn khốc nhất của thế kỷ 20, bệnh cúm châu Á vào năm 1957 giết chết 1,1 triệu người trên toàn thế giới và 116.000 người Mỹ gốc Hoa, cũng như dịch SARS vào năm 2003 gần đây.
Khi có người cảnh báo về sự xuất hiện của dịch bệnh, theo bà Shikha, Bắc Kinh theo bản năng của nó, luôn tìm mọi cách bịt miệng những người này. Giống như bác sĩ Lý Văn Lượng, một bác sĩ cảnh báo về dịch SARS cũng bị chính quyền Trung Quốc bỏ tù.
Một câu hỏi đặt ra là, tại sao giới chức Trung Quốc cứ luôn lặp đi lặp lại hành vi này? Bà Shikha cho rằng, bởi vì các chế độ độc tài coi quyền lợi của người dân có giá trị thấp hơn sự sống còn của họ. Đối với họ, một xã hội có tự do ngôn luận tiềm ẩn quá nhiều nguy cơ khiến họ mất đi quyền lực. Vì thế không cho tự do truyền thông sẽ giúp chính quyền Trung Quốc tùy ý sử dụng các biện pháp tàn nhẫn nhất để xử lý khủng hoảng mà không sợ bị người dân chỉ trích, và đương nhiên, cơ hội cho người dân nổi dậy lật đổ họ là rất thấp.
Nữ nhà báo của Reason cho biết, khi virus Vũ Hán bùng phát, chính quyền Trung Quốc đã sử dụng các biện pháp hà khắc nhất để buộc người dân đi cách ly hoặc tự cách ly ở nhà để phục vụ cho mục tiêu kiểm soát dịch bệnh của họ, tuy nhiên, những thông tin rò rỉ từ bên trong Trung Quốc cho thấy, Bắc Kinh không chú trọng việc điều trị cho người dân nhiễm bệnh, mà đặt ưu tiên cao hơn cho việc làm sao để virus không lây lan. Ngược lại, ở các nước dân chủ, cách phản ứng với COVID-19 bao gồm cả việc
ngăn chặn sự lây lan và điều trị cho người bệnh. Ngay cả khi các quốc gia này áp dụng lệnh phong tỏa hoặc cách ly xã hội họ cũng cố gắng duy trì tiêu chuẩn điều trị cho bệnh nhân.
Trong những tuần qua, thế giới bị chấn động bởi những câu chuyện xảy ra trong đại dịch COVID-19 ở các nước đang là tâm dịch của châu Âu như Ý hay Tây Ban Nha, một câu chuyện đau lòng được kể là các bác sĩ ở những nước này phải đứng trước những quyết định nghiệt ngã, rằng họ sẽ cứu bệnh nhân lớn tuổi hay trẻ tuổi, bệnh nhân có tiền sử bệnh nền hay không.
Ở Trung Quốc, về cơ bản chính quyền nước này đã thể hiện sự lạnh lùng trong việc phân chia ranh giới giữa vùng có và không có dịch và họ sẵn sàng đánh đổi mạng sống của người dân vùng dịch lấy sự “ổn định”. Nhà báo Javier Hernandez của New York Time trong một bài viết cho hay, người dân ở thành phố Vũ Hán truyền nhau một thông tin rằng chính phủ Trung Quốc có ý định hi sinh người dân của thành phố này để giữ an toàn cho phần còn lại của đất nước.
Vì những lý do này, nhà báo Shikha đưa ra lời khuyên rằng “Thế giới nhất định không được học theo cách phòng chống dịch COVID-19 của chính quyền Trung Quốc”.
https://www.dkn.tv/the-gioi/nha-bao-my-dung-bao-gio-hoc-cach-chong-dich-covid-19-cua-trung-quoc.html
Giáo sư Mỹ:
Đừng để Bắc Kinh thoát tội về đại dịch toàn cầu
Hàn MaiPhản ứng vụng về trong đại dịch của các nước phương Tây không phải là cái cớ để bỏ qua cho Trung Quốc. Nếu Trung Quốc có một chính quyền khác thì thế giới có thể đã không phải đối mặt với đại dịch khủng khiếp này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tục sử dụng cái tên “virus Trung Quốc” khi nói về đại dịch. Rất nhiều trong số những người chỉ trích ông nhấn mạnh rằng đây là cụm từ phân biệt chủng tộc, lặp lại những điều mà giới chức Trung Quốc đang rêu rao. Những người khác, như nghị sĩ Kelly Loeffler, thì nói rằng chúng ta không nên chính trị hóa thảm họa bằng cách đổ tội, mà thay vào đó nên đoàn kết chống lại một dịch bệnh chung của toàn cầu, một dịch bệnh lây lan không phân biệt con người, và cũng không phân biệt biên giới.
Điều này thật vô nghĩa. Thảm họa này vốn đã là hậu quả của chính trị, bởi vì sự kém cỏi, hiểm độc, và tham nhũng của các chính trị gia Trung Quốc đã phần nào gây ra nó. Việc chúng ta bỏ qua khía cạnh chính trị của đại dịch này sẽ tạo điều kiện chắc chắn để chuyện tương tự tiếp tục xảy ra lần nữa. Nếu chúng ta không muốn một đại dịch toàn cầu tiếp theo, chúng ta cần quy trách nhiệm cho những chính trị gia đã khiến đại dịch trở nên tồi tệ hơn, mà cụ thể đứng đầu là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông ta không tạo ra virus corona, nhưng sai lầm do chính quyền của ông ta gây ra chịu trách nhiệm trực tiếp cho việc virus lan ra toàn cầu và không thể kiểm soát được, gây ra những hậu quả tồi tệ cho người dân và nền kinh tế thế giới.
Thảm họa phản ánh sự yếu kém của thể chế
Đại dịch toàn cầu không phải là một thế lực mù quáng của tự nhiên, mà không liên quan gì đến tác nhân con người. Đại dịch này là một sự thất bại trong việc quản lý đất nước. Một ví dụ tương đồng để hiểu rõ vấn đề là nạn đói. Nhà kinh tế đạt giải Nobel Amartya Sen đã viết trong cuốn sách tuyệt vời của mình, “Development as Freedom” (Tạm dịch: Phát triển theo tự do), rằng nạn đói không phải chỉ là vấn đề thiếu lương thực, mà còn là vấn đề thiếu thông tin về lương thực, song hành cùng vấn đề vận chuyển lương thực. Về mặt lý thuyết mà nói, trên hành tinh này có đủ thức ăn cho tất cả mọi người. Nếu bạn biết lương thực ở đâu, và người bị đói ở đâu, và bạn mang lương thực tới cho họ, thì họ sẽ không phải chịu nạn đói. Bởi vậy một thị trường tự do dân chủ được kiến lập tốt sẽ cho phép dòng chảy tự do của hàng hóa và thông tin, từ đó sẽ không có nạn đói.
Cũng tương tự như vậy, một đại dịch toàn cầu không phải lúc nào cũng xảy ra khi một chủng bệnh mới xuất hiện. Đại dịch toàn cầu xảy ra khi không có thông tin chính xác về dịch bệnh đó, và sự yếu kém của các dịch vụ công cơ bản – trong trường hợp của đại dịch này, (nếu đúng là nó xuất phát từ chợ hải sản Vũ Hán), thì là thất bại trong việc quản lý chợ kinh doanh thực phẩm nhằm ngăn chặn lây nhiễm, và thất bại trong việc đóng cửa các phương tiện giao thông, và kiểm soát đi lại khi dịch bệnh lây lan. Khi chính quyền quản lý y tế công, chia sẻ thông tin về dịch bệnh, hợp tác nhằm kiểm soát sự lây lan, thì dịch bệnh được khoanh vùng và đại dịch khó có thể xảy ra.
Những vấn đề đó là vấn đề của quản lý, chứ không phải vấn đề khoa học. Chính quyền cần phải hành động có trách nhiệm với sức khỏe công chúng. Họ phải minh bạch, sẵn sàng chia sẻ thông tin (thậm chí cả về sự thất bại hay thiếu hiểu biết của họ), và yêu cầu các cơ quan của họ hợp tác với cơ quan khác, hợp tác với các tổ chức y tế thế giới, hợp tác với các chính quyền quốc tế. Quản lý nhà nước tốt sẽ đáp ứng các nhu cầu của công chúng, cho phép tự do thông tin, bao gồm cả tin xấu, khuyến khích hợp tác vì lợi ích cộng đồng, thậm chí phải đi ngược lại với quyền lợi chính trị của bản thân. Chính quyền không tốt sẽ làm ngược lại những điều đó.
Không có gì ngạc nhiên khi một chính quyền độc tài như chính quyền [Đảng Cộng sản] Trung Quốc lại không thích chia sẻ thông tin về sự kém cỏi của họ, và không thích hợp tác với các chính quyền khác.
Danielle Pletka, mới đây đã bình luận rằng “điều Tập Cận Bình quan tâm nhất không phải là rủi ro sinh mạng của người dân, hay việc khoanh vùng được virus, mà là uy tín của ông ta, uy tín của ĐCSTQ, vị thế của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, và quyền lực của ông ta”. Trong khi đó, “các lãnh đạo các nước dân chủ không sợ chia sẻ thông tin, và vì thế, họ có thể đánh giá hiệu quả của nỗ lực của họ, có thể điều chỉnh, có đáp ứng dòng chảy thông tin để tối ưu hóa việc bảo vệ tính mạng của người dân”. Pletka cùng những người khác đã liệt kê chính xác việc lãnh đạo Trung Quốc, nhằm giữ thể diện, đã dối trá và che đậy sự nguy hiểm của virus corona như thế nào vào tháng 12/2019 và tháng 1/2020.
Tuy nhiên, vấn đề còn sâu hơn thế. Nếu thực sự virus lây lan từ chợ hải sản Vũ Hán, như chính quyền Trung Quốc đã từng nói, bởi vì chính quyền Trung Quốc không phải chịu trách nhiệm trước người dân Trung Quốc, họ không bao giờ kiểm soát tốt an toàn và chất lượng của thực phẩm, cũng như của các chợ thực phẩm – điều Mỹ và các quốc gia phát triển đã phải làm trước áp lực của truyền thông và công chúng một thế kỷ trước. Những nhà lập pháp Trung Quốc không bao giờ phải đối mặt với cử tri, đó là lý do vì sao, đơn cử như, không hề có cải cách hay quy kết trách nhiệm đáng kể nào trong vụ hàng chục nghìn trẻ sơ sinh Trung Quốc bị ốm và phải nhập viện vì sử dụng sữa bẩn vào năm 2008.
Nói đơn giản, chính quyền Trung Quốc không chút quan tâm đến người dân, đó là lý do tại sao các chợ thực phẩm bẩn và mang mầm bệnh (chứ không phải như nghị sĩ John Cornyn nói là do “văn hóa Trung Quốc”). Những chợ thực phẩm đó hiện đã giết chết hàng nghìn người dân Trung Quốc – và chúng cũng trở thành nguy cơ lớn nhất cho an ninh và kinh tế Mỹ cũng như các nước khác vào năm 2020. Việc kể từ cuối năm 2019, chính quyền Trung Quốc đã lừa dối và trực tiếp góp phần vào một đại dịch toàn cầu, góp phần vào cái chết của hàng nghìn người, góp phần vào việc khiến kinh tế thế giới sụp đổ, là rất rõ ràng, và họ cần phải bị quy kết trách nhiệm.
Không chỉ gây ra đại dịch toàn cầu, ĐCSTQ đã có một hồ sơ bất hảo dài trước đó
Tuy nhiên hồ sơ của chính quyền Trung Quốc trong thảm họa vừa qua chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Cũng chính quyền đó phải chịu trách nhiệm cho việc diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, vi phạm luật pháp quốc tế tại Biển Đông, ăn cắp sở hữu trí tuệ và gián điệp mạng đối với Hoa Kỳ và đồng minh, chưa kể giữ kỷ lục tồi tệ nhất thế giới trong việc gây ô nhiễm môi trường, phát minh ra hình thức giám sát toàn dân độc tài, và nhiều vấn đề khác nữa.
Chính quyền Trung Quốc mới là thể chế bệnh hoạn và mục ruỗng nhất thế giới, chứ không phải là những khu chợ ẩm thấp. Nó là thể chế mạnh nhất trên thế giới hàng ngày vẫn đang đi ngược lại quyền tự do, quyền hạnh phúc, và phẩm giá của con người. Với bản chất như vậy, liệu có ngạc nhiên không khi nó đã hỗ trợ và thúc đẩy một cuộc khủng hoảng toàn cầu, một cuộc khủng hoảng sẽ giết chết hàng nghìn người, làm hàng triệu người đau ốm, và đẩy hàng tỷ người vào cảnh nghèo khó?
Dù chúng ta có gọi virus như thế nào (và tôi phần nào nghiêng về việc gọi nó là “virus Trung Cộng”), việc quy trách nhiệm cho Trung Quốc không phải là việc “chính trị hóa” đại dịch COVID-19, bởi vì bản thân “đại dịch” đã là vấn đề chính trị rồi. Quy mô chính trị của cuộc khủng hoảng này cho thấy chúng ta cần phải quy kết trách nhiệm nhằm ngăn chặn một đại dịch tương tự – và việc quy trách nhiệm bắt đầu bằng việc chỉ ra nó có nguồn cơn từ đâu.
Tuy các nhà hoạch định chính sách Mỹ phản ứng vụng về và làm cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn – và cũng một phần vì các tuyên bố sai lầm tái diễn của Tổng thống Trump và việc thiếu sự khẩn cấp trong phản ứng của Mỹ – song chính quyền Trung Quốc mới là chính quyền phải chịu trách nhiệm trực tiếp cho việc thất bại trong quản lý dịch bệnh, gây ra bao khổ đau, và sự sụp đổ kinh tế trên toàn cầu. Sự dối trá và kém cỏi của chính quyền Trung Quốc sẽ khiến các chính khách, các nhà lập pháp và lãnh đạo doanh nghiệp trên khắp thế giới xem xét lại việc kinh doanh và giao thương với Trung Quốc, cho đến khi Trung Quốc tự chứng minh được họ là người có trách nhiệm trên sân khấu quốc tế.
Theo ông Paul D. Miller, Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Georgetown, nhà nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng Atlantic, tác giả bài bình luận đăng trên Foreign Policy ngày 25/3/2020.
Hàn Mai biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/giao-su-my-dung-de-bac-kinh-thoat-toi-ve-dai-dich-toan-cau.html
Chính quyền Trump chống tin giả
của Trung Quốc về virus Vũ Hán
Tổng thống Trump lắng nghe khi Phó Tổng thống Mike Pence trả lời câu hỏi của phóng viên trong buổi họp báo cập nhật tình hình dịch COVID-19 vào ngày 9/3/2020 tại Nhà Trắng (ảnh chính thức của Nhà Trắng chụp bởi D. Myles Cullen).Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tập trung chống lại chiến dịch tuyên truyền tin giả từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) về dịch viêm phổi Vũ Hán COVID-19, theo The Epoch Times.
Bắc Kinh đang tung ra một chiến dịch tin giả nhằm làm chệch hướng dư luận nhắm vào sự che đậy và yếu kém của chính quyền Trung Quốc dẫn đến sự bùng phát của virus corona chủng mới, còn gọi là virus Trung Cộng.
Vì sao SARS-CoV-2 được gọi là Virus Trung Cộng?
Chính quyền Trung Quốc đã biết đến ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Vũ Hán từ ngày 17/11/2019. Thay vì thực hiện các biện pháp ngăn chặn kịp thời, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bưng bít thông tin và trừng phạt những người tiết lộ sự thật ra công chúng.
Khoảng 5 triệu người đã rời khỏi Vũ Hán tới nhiều nước thế giới trước khi chính quyền Trung Quốc phong tỏa thành phố này từ ngày 23/1/2020.
Trong khi SARS-CoV-2 bị nghi ngờ có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm vũ khí sinh học ở Vũ Hán, ĐCSTQ đang cố gắng đổ tội Mỹ, Ý, hay bất kỳ quốc gia nào khác về nguồn gốc dịch bệnh.
Để chỉ rõ trách nhiệm của ĐCSTQ dẫn đến sự bùng phát của virus Vũ Hán trên toàn cầu, nhiều chuyên gia, kênh truyền thông và chính khách trên thế giới gọi SARS-CoV-2 là “Virus Trung Cộng” (CCP Virus).
Ngoài việc đưa ra giả thuyết vô căn cứ để đổ lỗi cho Mỹ và chối bỏ nguồn gốc Trung Quốc của virus, ĐCSTQ cũng tìm cách tự tô vẽ mình là người tiên phong trong lĩnh vực hỗ trợ nhân đạo đối với các quốc gia bị lây nhiễm trên thế giới, theo The Epoch Times (ET).
Tuy nhiên, phần lớn các thiết bị y tế Trung Quốc xuất khẩu ra nước ngoài là mua bán chứ không phải là quyên góp nhân đạo. Hơn nữa, những đồ mà Trung Quốc quyên tặng và bán cho nước ngoài có chất lượng tồi tệ đến mức một số quốc gia đã phải trả lại hoặc công khai cảnh bác các nước khác cần cân nhắc khi mua hàng của Trung Quốc.
ET cho biết chính quyền Trump đang cố gắng chống lại chiến dịch tin giả của Bắc Kinh bằng cách phơi bày nó, đồng thời nêu bật những nỗ lực nhân đạo của chính phủ Hoa Kỳ, theo thông tin từ phát ngôn viên bộ ngoại giao Morgan Ortagus ngày 31/3.
“Theo tôi, cách tốt nhất để chống lại chiến dịch tin giả là đưa tin về những câu chuyện tốt đẹp và có thật”, bà Ortagus cho biết tại một cuộc thảo luận do Hội đồng Đại Tây Dương tổ chức. “Chúng ta thường quên rằng nhân dân Mỹ vẫn là cộng đồng những người hào phóng nhất trên toàn thế giới.”
Tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố Hoa Kỳ đã cung cấp gần 274 triệu đô la viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho 64 nước bị virus Trung Cộng tấn công, trong đó Việt Nam nhận được 3 triệu đô la.
Đầu tháng 2, các tổ chức phi lợi nhuận và các công ty của Hoa Kỳ đã tặng 17,8 tấn vật tư y tế cho Trung Quốc, một lô hàng được Bộ Ngoại giao Mỹ hỗ trợ thực hiện.
Bà Ortagus chỉ ra thực tế là đóng góp của Hoa Kỳ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2019 là hơn 400 triệu đô la, gần gấp đôi đóng góp của nước thành viên lớn thứ hai. Ngược lại, Trung Quốc chỉ đóng góp 44 triệu đô la.
ET cũng trích lời Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết trong một tuyên bố: “Cho đến nay, chúng tôi là những người đóng góp lớn nhất cho các tổ chức như Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Chương trình Lương thực Thế giới vì chúng tôi tin vào chủ nghĩa đa phương hiệu quả, trong đó tập trung vào việc giúp đỡ những người gặp khó khăn, chứ không nhằm ghi điểm về chính trị”.
Hoa Kỳ cũng đã đóng góp hơn 700 triệu đô la vào năm 2019 cho UNICEF, một tổ chức khác cung cấp viện trợ cho người dân Trung Quốc trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát. Cùng năm đó, Trung Quốc chỉ đóng góp 16 triệu đô la.
https://www.dkn.tv/the-gioi/chinh-quyen-trump-chong-tin-gia-cua-trung-quoc-ve-virus-vu-han.html
Trump sa thải tổng thanh tra tình báo
liên quan đến cuộc điều tra luận tội
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày thứ Sáu thông báo với Quốc hội rằng ông sẽ sa thải tổng thanh tra của cộng đồng tình báo Hoa Kỳ, người có liên quan đến việc kích hoạt một cuộc điều tra luận tội tổng thống vào năm ngoái.Trong một bức thư gửi các nhà lập pháp chủ chốt, ông Trump nói rằng ông dự định loại bỏ quan chức này, Michael Atkinson, trong 30 ngày, nói rằng, “điều thiết yếu là tôi có sự tín nhiệm hoàn toàn đối với những người được bổ nhiệm làm tổng thanh tra.”
“Tôi không còn tín nhiệm vị tổng thanh tra này nữa,” ông nói.
Một quan chức Mỹ cho biết Thomas Monheim, một quan chức tình báo chuyên nghiệp, sẽ giữ vai trò tổng thanh tra tạm quyền vào thời điểm hiện tại.
Ông Atkinson, một người được ông Trump bổ nhiệm, đã xác định một báo cáo của một người tố cáo tiêu cực là đáng tin cậy trong cáo buộc ông Trump lạm dụng quyền hành tổng thống nhằm hối thúc Ukraine can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2020 của Mỹ vì lợi ích chính trị của ông.
Ông Atkinson cũng lo ngại rằng ông Trump có thể đã tự đưa mình đối diện với “những nguy cơ nghiêm trọng về an ninh quốc gia và phản gián” khi ông thúc giục Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy điều tra ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden và người con trai trong cuộc điện đàm vào ngày 25 tháng 7, theo một quan điểm pháp lí của Bộ Tư pháp.
Sau các phiên điều trần gay gắt mang tính đảng phái, Hạ viện do Đảng Dân chủ lãnh đạo đã biểu quyết luận tội ông Trump nhưng Thượng viện do Đảng Cộng hòa lãnh đạo xử trắng án cho ông về các cáo buộc vào đầu tháng 2.
https://www.voatiengviet.com/a/trump-sa-thai-tong-thanh-tra-tinh-bao-lien-quan-den-cuoc-dieu-tra-luan-toi/5360218.html
Con gái và cháu trai của bà Kathleen Kennedy Townsend
bị mất tích trong tai nạn chèo thuyền
Nhà chức trách cho biết hôm thứ Sáu, cháu trai và con gái của cựu phó thống đốc tiểu bang Maryland, Kathleen Kennedy Townsend đã mất tích sau khi chiếc ca nô của hai người bị lật úp ở Vịnh Chesapeake. Bà Maeve Kennedy Townsend McKean, 40 tuổi và con trai 8 tuổi của bà, Gideon, đang chèo thuyền ở Anne Arundel, tiểu bang Maryland, và Thống đốc Larry Hogan nói với các phóng viên hôm thứ Sáu, rằng cuộc tìm kiếm đang diễn ra.Thảm kịch xãy ra vào cuối buổi chiều hôm thứ năm tại vùng biển gần thành phố Shady Side, Maryland, khoảng 25 dặm về phía nam của Annapolis. Theo một tuyên bố của Bộ Tài nguyên thiên nhiên Maryland cho biết một cuộc điều tra sơ bộ “tiết lộ rằng hai mẹ con có thể đã chèo xuồng từ một nhà ở Shady Side, ra vịnh để lấy lại một quả bóng và không thể chèo trở lại bờ.” Một chiếc xuồng bị lật, gần giống với mô tả chiếc ca nô của hai người sau đó đã được tìm thấy. Bà Kennedy Townsend thuộc dòng dõi của gia tộc chính trị nổi tiếng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Bà Kennedy Townsend là con gái lớn của cựu bộ trưởng tư pháp Robert F. Kennedy và cháu gái của cựu Tổng thống John F. Kennedy và Edward M. Kennedy. Bà phục vụ hai nhiệm kỳ phó thống đốc tiểu bang Maryland.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/con-gai-va-chau-trai-cua-ba-kathleen-kennedy-townsend-bi-mat-tich-trong-tai-nan-cheo-thuyen/
Bác sĩ hàng đầu của Toronto khuyến cáo
về khả năng phong tỏa lên đến 3 tháng
Bác sĩ hàng đầu của Toronto tuyên bố rằng cư dân có thể sẽ phải ở nhà và chỉ ra ngoài “vì những nhu cầu thiết yếu nhất” trong 12 tuần tới, trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 gia tăng tại địa phương đưa thành phố vào một quỹ đạo đáng báo động.Bác sĩ Eileen de Villa đưa ra bình luận này vào hôm thứ Tư khi bà đưa ra các đề nghị mới để giúp hạn chế sự lây lan của COVID-19. Thị trưởng John Tory tuyên bố rằng các đề nghị này dẫn đến việc “phong tỏa thành phố ở mức tối đa mà chính quyền thành phố có thể thực hiện”.
Bà De Villa cho biết rằng bà đang đề nghị tất cả người dân Toronto ở trong nhà của họ, ngoại trừ các cuộc hẹn y tế, để mua sắm đồ tạp hóa không quá một lần một tuần hoặc dắt chó đi dạo hay tập thể dục. Bà cho biết bà cũng đang sử dụng quyền hạn của bà theo Đạo luật Xúc tiến và Bảo vệ Sức khỏe để yêu cầu tất cả những người nhiễm COVID-19 ở nhà trong 14 ngày. Đồng thời, bà cũng yêu cầu tự cách ly trong khoảng thời gian 14 ngày đối với những người tiếp xúc gần với người bệnh.
Bà De Villa cho biết có 653 trường hợp COVID-19 được xác nhận tại thành phố vào chiều hôm thứ Tư và 165 trường hợp dự đoán, trong đó có 35 trường hợp phải điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt. Dù thành phố này vẫn chưa đối diện với tình trạng như được báo cáo ở những nơi như Thành phố New York, nơi có hơn 1,100 người thiệt mạng sau khi nhiễm virus, nhưng bà de Villa cho rằng những dữ kiện đang đi sai hướng khi số ca bệnh được xác nhận trong thành phố tăng khoảng 500% trong hai tuần qua. (BBT)
https://www.sbtn.tv/bac-si-hang-dau-cua-toronto-khuyen-cao-ve-kha-nang-phong-toa-len-den-3-thang/
Brazil yêu cầu Trung Cộng giúp đỡ
trong cuộc chiến chống coronavirus
Tin từ BRASILIA/SAO PAULO – Brazil phải đối mặt với một giai đoạn căng thẳng trong những tuần tới trong cuộc chiến chống lại coronavirus của họ, với nguồn cung cấp thiết bị y tế và bảo vệ sắp cạn kiệt và những chuyến hàng từ Trung Cộng dự kiến sẽ không đến nước này trong một tháng nữa.Bộ trưởng Bộ Y tế Luiz Henrique Mandetta cho biết hiện tại các quốc gia được dự trữ tốt, nhưng Brazil phải hướng đến một số quốc gia trước khi họ có thể tìm được người nhận đơn đặt hàng 1.2 tỷ reais (228 triệu mỹ kim) hàng hóa bổ sung.
Bộ Y tế thông báo với Reuters rằng quốc gia đó là Trung Cộng, đồng thời cho biết thêm rằng đơn đặt hàng này bao gồm 200 triệu mặt hàng. Vào hôm thứ Năm (2/4), ông Mandetta cũng cho biết rằng ông gặp tân đại sứ Hoa Kỳ ở Brazil để thảo luận về việc hợp tác trong cuộc chiến chống lại đại dịch, có thể giúp các công ty Brazil sản xuất khẩu trang được sử dụng ở cả hai nước.
Việc Brazil liên lạc với hai siêu cường kinh tế của thế giới diễn ra khi Tổng thống Jair Bolsonaro một lần nữa kêu gọi các quốc gia nới lỏng các chính sách cách ly nghiêm ngặt của họ, và tuyên bố rằng mọi người nên bắt đầu đi làm lại vào tuần tới.
Ông Bolsonaro và ông Mandetta mâu thuẫn với nhau về cách tiếp cận cuộc khủng hoảng, với việc tổng thống chỉ trích lời khuyên của ông Mandetta về việc duy trì tự cách ly và cách ly xã hội tối đa do tác động của biện pháp này đối với việc làm và nền kinh tế. (BBT)
https://www.sbtn.tv/brazil-yeu-cau-trung-cong-giup-do-trong-cuoc-chien-chong-coronavirus/
Virus corona có thể lan truyền qua không khí ?
Thanh PhươngTạp chí Science ngày 02/04/2020 cho biết các báo cáo mới của Mỹ khẳng định có một số bằng chứng cho thấy virus corona gây bệnh Covid-19 có thể lan truyền qua không khí, chứ không chỉ qua các giọt nước nhỏ li ti, văng ra khi người bệnh ho, hắt hơi.
Tờ báo trích một bức thư của ông Harvey Fineberg, Viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, gởi cho ông Kelvin Droegemeier, quan chức đặc trách chính sách khoa học và công nghệ của Nhà Trắng, ngày 01/04. Trong bức thư, ông Fineberg cho biết, tuy các nghiên cứu mới chưa thể đưa ra một kết luận chắc chắn nào, nhưng một số bằng chứng dường như xác nhận giả thuyết virus có thể lan truyền ra không khí, khi người bệnh thở ra. Theo viện sĩ Fineberg, đó chính là lý do vì sao dịch Covid -19 lây lan với tốc độ kinh khủng như vậy.
Thông thường, các giọt nước nhỏ xuất phát từ người bệnh chỉ văng ra tới khoảng cách tối đa là 2 mét, rồi rơi xuống đất theo trọng lực. Như vậy, chúng ta chỉ có thể nhiễm bệnh qua hai cách : hít trực tiếp các
giọt nước nhỏ từ người bệnh, hoặc chạm tay vào một bề mặt bị nhiễm virus qua các giọt nước nhỏ từ người bệnh, rồi đưa tay lên mặt, mũi, mắt.
Thành ra, cho tới nay, cơ quan y tế tại những nước như Pháp chỉ khuyên người dân là không cần đeo khẩu trang ( trừ các nhân viên y tế và người bệnh ), mà chỉ cần giữ khoảng cách an toàn với nhau, tối thiểu là một mét, đồng thời phải rửa tay thường xuyên bằng xà bông, hoặc bằng dung dịch diệt khuẩn.
Nhưng bây giờ, nếu đúng là virus có thể lan truyền qua không khí thì như vậy là chính phủ các nước phải xem xét các khuyến cáo phòng ngừa dịch Covid -19. Trước mắt, có lẽ dựa trên nội dung bức thư nói trên mà Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh của Mỹ đã khuyến cáo người dân nước này nên mang khẩu trang khi đi ra ngoài.
Tuy vậy, Tổ chức Y tế Thế giới WHO hôm 27/03 đã nhắc lại rằng sự lan truyền của virus qua không khí chỉ xảy ra trong số trường hợp rất cá biệt, ví dụ như như khi luồn ống vào khí quản của bệnh nhân Covid-19 trong tình trạng nguy kịch.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200404-virus-corona-c%C3%B3-th%E1%BB%83-lan-truy%E1%BB%81n-qua-kh%C3%B4ng-kh%C3%AD
Virus Vũ Hán 4/4:
EU chuẩn bị hồi hương hơn 250.000 công dân
Hải LamMột thanh niên ở Anh đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 (ảnh: Anastasiia Chepinska / Unsplash).
Theo cập nhật của Worldometers lúc 6h07 ngày 4/4 (giờ Việt Nam), dịch Covid-19 xuất hiện tại 205 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, với 1.096.446 ca nhiễm, trong đó 59.119 người đã tử vong và 228.346 người bình phục.
Hiện Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với 276.037 ca nhiễm và 7.385 ca tử vong. New York một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất ở Mỹ. Reuters cho biết, Thống đốc New York Andrew Cuomo hôm 3/4 kêu gọi triển khai các nguồn lực trên khắp cả nước tới New York để giúp đỡ bang này đối phó với cuộc khủng hoảng dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng.
Châu Âu là lục địa chịu ảnh hưởng nặng nhất trên thế giới từ dịch Covid-19.
Hãng tin AFP tổng hợp từ các báo cáo hôm 3/4 cho biết, virus Vũ Hán đã khiến hơn 40.000 người ở châu Âu tử vong, hơn 3/4 trong số các ca tử vong đến từ Ý, Tây Ban Nha và Pháp. Hơn 574.000 người đã nhiễm bệnh.
Tây Ban Nha đã vượt Ý trở thành vùng dịch lớn thứ 2 châu Âu. Số ca nhiễm và tử vong mới ở Ý giảm nhẹ so với một ngày trước đó. Chính phủ Ý hy vọng dịch đã đạt đỉnh và dự kiến giảm trong tương lai gần.
3 vùng dịch lớn tiếp theo ở châu Âu lần lượt là Đức, Pháp và Anh.
Anh thông báo thêm 684 người chết vì nCoV, mức tăng kỷ lục trong 24 giờ, nâng tổng số người chết lên 3.605, cao hơn con số chính thức mà Trung Quốc công bố, dù thống kê của Bắc Kinh được đánh giá là không đáng tin cậy.
Reuters cho biết, Bộ Y tế Anh cho biết số người chết được thống kê dựa trên số bệnh nhân dương tính với nCoV đã nhập viện.
Trung Quốc, Iran và Hàn Quốc là 3 vùng dịch lớn nhất châu Á.
Tại Đông Nam Á, Malaysia vẫn là vùng dịch lớn nhất với 3.333 ca nhiễm, trong đó 217 người đã tử vong. Philippines đã vượt Indonesia thành vùng dịch lớn thứ 2 trong khu vực.
Dưới đây là một số tin vắn nổi bật về dịch viêm phổi Vũ Hán:
EU chuẩn bị hồi hương hơn 250.000 công dân
Ông Josep Borrell, đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại hôm 3/4 cho biết, EU sẽ hồi hương hơn 250.000 công dân EU đang bị mắc kẹt ở nước ngoài do virus Vũ Hán.
“Chúng tôi đã đưa 350.000 người về nhà, song còn 250.000 người kẹt lại, nhiều hoạt động đang được triển khai”, Reuters dẫn lời ông Borrell nói với các phóng viên sau hội nghị trực tuyến của các ngoại trưởng châu Âu ngày 3/4.
EU vào giữa tháng 3 ước tính số công dân cần hồi hương là khoảng 80.000, nhưng tới ngày 20/3 con số tăng lên 300.000.
Công dân Pháp mắc kẹt tại Úc, công dân Tây Ban Nha ở Peru và công dân Đức tại Ấn Độ được hồi hương bằng các chuyến bay thương mại. EU phải sử dụng chương trình cầu hàng không khẩn cấp để đưa khoảng 10.000 công dân về nước vì không có chuyến bay thương mại, dù nhiều quốc gia trong khối chưa đủ điều kiện.
Các tổ chức EU kết hợp giữa các máy bay đi thuê và máy bay quân sự giúp chính phủ các nước thành viên trang trải chi phí hồi hương.
Thái Lan cấm tất cả các chuyến bay thương mại
Reuters đưa tin, Thái Lan sẽ cấm tất cả các chuyến bay chở khách đến nước này nhằm ngăn dịch Covid-19 lây lan.
Cơ quan Hàng không Dân dụng Thái Lan cho biết, lệnh cấm trên được công bố vào cuối ngày 3/4 và được áp dụng từ ngày 4/4 – 6/4. Ngoài ra, bất cứ ai nhập cảnh vào Thái Lan trước khi lệnh cấm có hiệu lực đều phải cách ly trong 14 ngày.
Lệnh cấm trên được đưa ra một ngày sau khi chính phủ Thái Lan yêu cầu công dân ở nước ngoài tạm thời không về nước trước ngày 15/4 nhằm ngăn các ca nhiễm “ngoại nhập”.
Chính phủ Đức có thể kéo dài lệnh phong tỏa đến sau Lễ Phục sinh
Theo Reuters, Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 3/4 cho biết, hiện tại vẫn còn quá sớm để dỡ bỏ hạn chế dù virus corona dường như đang lây lan với tốc độ chậm hơn, một dấu hiệu cho thấy lệnh phong tỏa có thể kéo dài tới sau Lễ Phục sinh (12/4).
Bà Merkel cho hay, các ca nhiễm mới ở Đức hôm 3/4 thấp hơn so với vài ngày trước đó, nhưng “vẫn còn quá sớm để khẳng định chiều hướng và do đó, cũng là quá sớm để nới lỏng một số quy tắc nghiêm ngặt mà chúng ta đã đặt ra cho bản thân”.
Chính phủ liên bang và các bang vào ngày 14/4 sẽ quyết định nới lỏng hay kéo dài các biện pháp hạn chế.
Nga dừng tất cả các chuyến bay, bao gồm cả việc hồi hương
Chính phủ Nga hôm 3/4 thông báo đình chỉ tất cả các chuyến bay trong và ngoài nước từ 4/4, bao gồm cả những chuyến bay hồi hương công dân, để hạn chế khả năng bùng phát làn sóng mới nhiễm Covid-19.
Trung tâm phụ trách việc đối phó với dịch Covid-19 ở Nga thông báo, những người muốn trở về nước sẽ phải điền vào một mẫu đơn đặc biệt được công bố vào 4/4.
Chính phủ Nga cho biết họ đã phân bổ 500 triệu rúp (6,5 triệu USD) cho Bộ Ngoại giao để chi trả các khoản phát sinh khi các công dân phải tạm thời ở lại nước ngoài.
Thổ Nhĩ Kỳ áp giới nghiêm với người dưới 20 tuổi
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết, nước này áp lệnh giới nghiêm đối với công dân dưới 20 tuổi, bắt đầu từ 4/4 để ngăn dịch Covid-19 lây lan.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng quyết định phong tỏa 31 thành phố, bao gồm Istanbul và Ankara, nhưng vẫn cho phép các phương tiện vận chuyển các nhu yếu phẩm.
“Lệnh phong tỏa các thành phố dự kiến có hiệu trong 15 ngày, tuy nhiên có thể được gia hạn trong trường hợp cần thiết”, ông Erdogan phát biểu trên truyền hình.
Ngoài ra, người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng, cửa hàng, và nơi làm việc.
Ankara đã đình chỉ tất cả các chuyến bay quốc tế, hạn chế đi lại trong nước, đóng cửa trường học, quán bar, quán cà phê và tạm dừng hoạt động cầu nguyện tập thể để ngăn dịch. Tuy nhiên, người dân nước này vẫn đi làm.
Vào cuối tháng 3, Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu những người trên 65 tuổi và những người mắc bệnh mãn tính phải ở nhà.
Để xem số liệu mới nhất về số ca nhiễm, tử vong và hồi phục tại các nước trên thế giới, quý độc giả có thể truy cập: https://www.worldometers.info/coronavirus/
https://www.dkn.tv/the-gioi/virus-vu-han-4-4-eu-chuan-bi-hoi-huong-hon-250-000-cong-dan.html
Covid-19 : Một tia hy vọng cho châu Âu
Thanh HàĐà lây lan tại Đức, Ý và Tây Ban Nha có dấu hiệu chậm lại. Thống kê của viện Robert Koch cho thấy số người bị nhiễm virus corona tại Đức vẫn còn cao, tuy nhiên phát biểu hôm 03//04/2020 thủ tướng Angela Merkel thận trọng tuyên bố “số ca lây nhiễm mới tăng chậm hơn so với những ngày vừa qua”. Đức ngấp nghé ngưỡng 80.000 ca, và đến nay đã có hơn 1000 bệnh nhân tử vong.
Còn tại Tây Ban Nha, ổ dịch lớn thứ nhì của châu Âu, số tử vong và trường hợp phải nhập viện trong ngày hôm qua (03/04/2020) đã “giãn” hơn so với 24 giờ trước đó, theo tuyên bố của Madrid. Trên toàn quốc, có 10 935 người thiệt mạng, 117 710 ca lây nhiễm.
Nhưng hy vọng đang thực sự lóe lên tại Ý : số tử vong đã giảm trong ba ngày liên tiếp. Hôm 03/04/2020 Ý ghi nhận 766 bệnh nhân qua đời. Bên cạnh đó 1 500 người đã khỏi bệnh chỉ riêng trong 24 giờ qua. Vào lúc dịch Covi-19 đã lan ra tất cả các vùng miền của nước Ý thì riêng bốn ngôi làng hoàn toàn không có một ca dương tính với virus corona nào. Thông tín viên đài RFI, Anne Le Nir từ Roma cho biết thêm :
“Tại vùng Lazio bao gồm luôn cả thành phố Roma, Nemi là một ngôi làng trung cổ xinh xắn với 2.000 dân cư. Tại đây không có một ca bị lây nhiễm nào. Tương tự như vậy đối với làng Bellagra, cách thủ đô của Ý 20 cây số. Đây là nơi 40% dân làng trong độ tuổi từ 55 đến 75.
Nhưng đáng ngạc nhiên hơn nữa là trường hợp của hai ngôi làng ở miền bắc nước Ý. Cả vùng này đang bị dịch bệnh hoành hành, riêng làng Ferrrara Ergognone trong vùng Lombardia và Montaldo thuộc vùng Peidmonte vẫn bình yên. Ferrrara Ergognone có 1.200 dân cư với độ tuổi trung bình là 60. Còn làng Montaldo thì chỉ có vỏn vẹn 738 người.
Cả bốn làng nói trên có mẫu số chung: các biện pháp phong tỏa được thi hành rất nghiêm chỉnh. Nhưng phải có thêm một yếu tố nào đó để giải thích vì sao virus corona không thể thâm nhập vào những địa phương này. Nhiều công trình nghiên cứu đang được tiến hành để xuyên thủng bức màn bí mât đó. Hai tháng nữa, kết quả nghiên cứu sẽ được công bố. Trong mọi trường hợp, đây cũng là tin vui mang lại một tia hy vọng cho tất cả người Ý”.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200404-covid-19-m%E1%BB%99t-tia-hy-v%E1%BB%8Dng-cho-ch%C3%A2u-%C3%A2u
Virus corona: Bệnh viện dã chiến
giữa Luân Đôn cho 4.000 bệnh nhân
Thanh HàNgày 03/04/2020, qua video thái tử Charles khánh thành bệnh viện dã chiến ngay giữa lòng thủ đô Luân Đôn. 16.000 nhân viên y tế phục vụ tại bệnh viện này. Đây cũng là nơi có khả năng đón nhận đến 4.000 bệnh nhân, tương đương với 6 bệnh viện bình thường.
Luật sư Hoàng Đức Thắng sống tại Luân Đôn cho biết thêm :
Tính đến hôm 03/04/2020 tại Anh Quốc đã có hơn 38.000 ca nhiễm, 3.600 người chết vì virus corona và nội trong ngày đã có thêm 684 bệnh nhân tử vong. Trong bối cảnh này, tối Chủ Nhật 05/04/2020 nữ hoàng Anh sẽ phát biểu với quốc dân. Đây là một sự kiện hiếm có : trong gần 70 năm trị vì, đây là lần thứ tư nữ hoàng Elizabeth đệ nhị long trọng đọc diễn văn trước toàn dân.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200404-virus-corona-b%E1%BB%87nh-vi%E1%BB%87n-d%C3%A3-chi%E1%BA%BFn-gi%E1%BB%AFa-lu%C3%A2n-%C4%91%C3%B4n-cho-4-000-b%E1%BB%87nh-nh%C3%A2n
Pháp, Mỹ cân nhắc cuộc họp
các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Quốc về virus Vũ Hán
Thiện LanTổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Sáu (3/4) đã thảo luận về việc triệu tập năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an để thảo luận về việc tăng cường hợp tác của Liên Hợp Quốc trong việc chống lại virus corona, Reuters trích dẫn thông báo của Nhà Trắng cho hay.
Trong cuộc điện đàm hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về cuộc gặp của năm quốc gia – Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp – người phát ngôn Nhà Trắng Judd Deere cho biết. Hoa Kỳ và Pháp là hai trong số những nước có số ca nhiễm và tử vong nhiều nhất từ loại virus nguy hiểm này.
Theo Reuters
Thiện Lan dịch & biên tập
(Nguồn ảnh thumb: ảnh chụp màn hình Youtube/Washington Post)
https://www.dkn.tv/the-gioi/phap-my-can-nhac-cuoc-hop-cac-nha-lanh-dao-lien-hiep-quoc-ve-virus-vu-han.html
Virus corona:
Pháp tăng cường kiểm tra lệnh phong tỏa
Thanh PhươngNgay từ chiều hôm qua, 03/04/22020, bắt đầu kỳ nghỉ mùa Xuân, nhà chức trách Pháp đã tăng cường kiểm tra việc chấp hành lệnh phong tỏa toàn quốc để ngăn chận dịch Covid-19, hiện đã khiến hơn 6.500 người chết.
Hôm qua là ngày bắt đầu kỳ nghỉ mùa Xuân đối với học sinh ở khu vực C ( vùng Paris và vùng Occitanie ). Hơn 160.000 cảnh sát và hiến binh được huy động trong suốt tuần này để kiểm tra việc tuân thủ việc phong tỏa toàn quốc. Theo tuyên bố của bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner, việc kiểm tra sẽ được tiến hành tại các ga xe lửa, trên các trục lộ chính cũng như tại nơi nghỉ mát, để ngăn chận người dân tại các thành phố lớn như Paris đi nghỉ trong dịp lễ ở các địa phương khác, với nguy cơ mang theo virus corona.
Riêng chính quyền của những tỉnh thu hút nhiều du khách, như Charente-Maritime, Gironde hay Pyrénées-Atlantiques đã cấm các cơ sở lưu trú du lịch tiếp nhận khách trong thời gian này.
Số ca tử vong vẫn tăng nhanh
Trong vòng 24 tiếng đồng hồ từ thứ Năm đến thứ Sáu, 03/04/2020, số ca tử vong vì dịch Covid – 19 tại Pháp lại tăng nhanh, với thêm 588 người chết trong các bệnh viện, nâng tổng số tử vong từ đầu mùa dịch cho đến nay lên 5.091 người.
Theo tổng cục trưởng tổng cục Y Tế Pháp, giáo sư Jérôme Salomon, nếu tính luôn cả những người chết do bị nhiễm virus corona trong các viện dưỡng lão và các cơ sở y tế xã hội khác, tổng số ca tử vong tính từ ngày 01/03 lên đến 6.507 người. Nhưng con số người chết trong các viện dưỡng lão hiện chưa được thống kê đầy đủ. Ngoài ra, còn phải tính đến những ca tử vong tại nhà mà hiện chưa có số liệu thống kê đầy đủ.
Tính đến hôm qua, đã có hơn 6.600 bệnh nhân Covid-19 phải nằm trong phòng hồi sức, một con số kỷ lục trong lịch sử ngành y tế Pháp, theo lời giáo sư Jérôme Salomon. Nhưng có một tia hy vọng, đó là hôm qua chỉ có thêm 236 người phải được đưa vào phòng hồi sức, tức là không tăng nhiều như những ngày trước.
Còn theo thông báo của bộ trưởng Quân Lực Florence Parly hôm qua, trong quân đội Pháp, hiện có khoảng 600 quân nhân bị nhiễm virus corona. Nhưng bộ trưởng Parly trấn an là dịch bệnh không ảnh hưởng gì đến khả năng hoạt động của quân đội Pháp.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200404-virus-corona-ph%C3%A1p-t%C4%83ng-c%C6%B0%E1%BB%9Dng-ki%E1%BB%83m-tra-l%E1%BB%87nh-phong-t%E1%BB%8Fa
Virus corona:
Hoa Kỳ bị cáo buộc ‘cướp’ số khẩu trang của Đức
Hoa Kỳ đã bị buộc tội chuyển hướng lô hàng 200.000 khẩu trang đang trên đường đến Đức, để sử dụng cho mình, trong một động thái bị lên án là ‘cướp biển hiện đại’.Giới chức Berlin cho biết lô hàng khẩu trang do Mỹ sản xuất đã bị “tịch thu” tại Bangkok.
Virus corona: Dịch còn kéo dài, Mỹ – Trung chia rẽ, thế giới mất niềm tin
Virus corona: Thuyền trưởng tàu sân bay Mỹ bị sa thải vì cảnh báo về virus
Virus corona: VN có nên cho hơn 8.000 lao động nước ngoài nhập cảnh lúc này?
Các khẩu trang FFP2, được đặt hàng bởi lực lượng cảnh sát Berlin, đã không đến đích, giới chức Berlin cho hay.
Andreas Geisel, bộ trưởng nội vụ của Berlin, cho biết những chiếc khẩu trang có lẽ đã được chuyển hướng sang Mỹ.
Công ty 3M của Mỹ sản xuất lô khẩu trang này đã bị cấm xuất khẩu các sản phẩm y tế của mình sang các nước khác theo một đạo luật thời Chiến tranh Triều Tiên do Tổng thống Donald Trump viện dẫn.
Hôm thứ Sáu, ông Trump cho biết ông đang sử dụng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để yêu cầu các công ty Mỹ cung cấp thêm thiết bị y tế để đáp ứng nhu cầu trong nước.
“Chúng tôi cần những vật phẩm này ngay lập tức để sử dụng trong nước. Chúng tôi phải có chúng”, ông Trump nói trong cuộc họp thường ngày của Lực lượng Đặc nhiệm chống virus corona tại Nhà Trắng.
Ông cho biết chính quyền Mỹ đã thu giữ gần 200.000 khẩu trang N95, 130.000 khẩu trang y tế và 600.000 găng tay. Ông không nói số hàng này bị Mỹ tịch thu ở đâu.
Ông Geisel nói rằng việc chuyển hướng lô khẩu trang từ Berlin là một ‘hành vi cướp bóc hiện đại’, đồng thời thúc giục chính quyền Trump tuân thủ các quy tắc thương mại quốc tế.
“Đây không phải là cách quý vị đối xử với các đối tác xuyên Đại Tây Dương”, Bộ trưởng nói. “Ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng toàn cầu, không nên thực hiện các cách thức ‘miền tây hoang dã’.”
Một ‘cuộc săn tìm kho báu’ khẩu trang
Những bình luận của ông Geisel lặp lại lo ngại của các quan chức châu Âu khác, những người đã phàn nàn về các hoạt động mua bán và chuyển hướng các lô hàng của Mỹ.
Ví dụ, tại Pháp, giới chức nói rằng họ đang vật lộn để bảo đảm nguồn cung cấp y tế khi người mua Mỹ trả giá cao hơn họ.
Thống đốc vùng Île-de-France, Valérie Pécresse, đã so sánh sự tranh giành khẩu trang với một “cuộc săn tìm kho báu”.
“Tôi tìm thấy một kho khẩu trang có sẵn và người Mỹ – tôi không nói về chính phủ Mỹ – mà là người Mỹ, trả giá cao hơn chúng tôi”, bà Pécresse nói. “Họ đưa ra mức giá cao gấp ba lần và họ đề nghị trả trước.”
Khi đại dịch Covid-19 trở nên tồi tệ hơn, nhu cầu về các vật tư y tế quan trọng, như khẩu trang và mặt nạ phòng độc, đã tăng mạnh trên toàn thế giới.
Đầu tuần này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết họ đang xem xét thay đổi hướng dẫn về việc mọi người có nên đeo khẩu trang ở nơi công cộng hay không.
Hiện tại, WHO khuyên rằng khẩu trang không đủ bảo vệ khỏi lây nhiễm để biện minh cho việc sử dụng hàng loạt. Nhưng một số quốc gia đã có một cái nhìn khác, bao gồm cả Mỹ.
Vào thứ Sáu, ông Trump tuyên bố rằng Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) hiện sẽ khuyến nghị người Mỹ sử dụng khẩu trang vải, không phải khẩu trang y tế, để giúp ngăn chặn sự lây lan của virus.
Hoa Kỳ ghi nhận 273.880 ca nhiễm Covid-19, con số cao nhất thế giới.
‘Ý nghĩa nhân đạo quan trọng’
Trong một diễn biến khác, công ty 3M cho biết chính quyền Trump đã yêu cầu họ ngừng xuất khẩu khẩu trang phòng độc N95 do Mỹ sản xuất sang Canada và Mỹ Latinh.
Yêu cầu này có “ý nghĩa nhân đạo quan trọng”, công ty này cảnh báo và có thể khiến các quốc gia khác hành động trả đũa.
Công ty cho biết họ sản xuất khoảng 100 triệu khẩu trang N95 mỗi tháng – khoảng một phần ba được sản xuất tại Mỹ và phần còn lại được sản xuất ở nước ngoài.
Tổng thống Trump cho biết ông đã sử dụng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để “đánh mạnh vào công ty 3M”, mà không cung cấp thêm chi tiết. Luật này có từ năm 1950 và cho phép một tổng thống buộc các công ty sản xuất các sản phẩm để phục vụ an ninh quốc gia.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói với các phóng viên hôm thứ Sáu rằng “sẽ là một sai lầm khi tạo ra sự tắc nghẽn hoặc cắt giảm thương mại”.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52163136
Virus corona: ‘Tình yêu từ nước Nga’ thực sự là gì?
Toà đại sứ Nga tại London chỉ trích BBC trong việc nghi ngờ ý định của Nga trong việc hỗ trợ Hoa Kỳ và Italy trong thời gian dịch bệnh.Đại sứ quán phản ứng đối với bài BBC đăng hôm 3/4 có tựa đề “‘Tình yêu từ Nga’ thực sự là gì?”, theo đó lật tẩy các tường thuật trên truyền thông Nga là phóng đại sự biết ơn của Italy đối với sự trợ giúp từ Nga.
Virus corona: Hoa Kỳ bị cáo buộc ‘cướp’ số khẩu trang của Đức
Virus corona: VN có nên cho hơn 8.000 lao động nước ngoài nhập cảnh lúc này?
Virus corona: Dịch còn kéo dài, Mỹ – Trung chia rẽ, thế giới mất niềm tin
Tuy thừa nhận rằng “truyền thông Nga tường thuật việc cờ Nga tung bay và quốc ca Nga được hát khắp nước Ý là đưa tin sai”, nhưng tuyên bố của Toà đại sứ nhấn mạnh rằng việc viện trợ là hoàn toàn miễn phí và được thực hiện theo đề nghị từ Thủ tướng Ý Giuseppe Conte.
“Đó là chỉ dấu tỏ sự đoàn kết của chúng tôi với người dân Ý, không liên quan tới bất kỳ nghị trình chính trị nào,” theo nội dung tuyên bố.
Bài tường thuật của BBC cũng trích nguồn một bài đăng trên tờ báo Ý La Stampa, theo đó dẫn lời các quan chức chính phủ giấu tên tại Rome, nói rằng 80% hàng viện trợ là “vô tích sự”.
Nội dung bài viết đó như sau:
Cử chỉ mới nhất của Nga trong cuộc khủng hoảng virus corona được thể hiện dưới hình thức viện trợ đồ y tế tới New York, một phần trong chiến dịch mà Kremlin gọi là “từ nước Nga, với tình yêu thương”.
Vào cuối tháng Ba, một lô hàng tương tự đã được đưa tới Italy, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất trong cuộc khủng hoảng, và đi cùng với lô hàng là 100 nhân viên quân y của Nga.
Truyền thông Nga nói về lòng biết ơn tràn ngập đối với sự hào phóng này, nhưng bao nhiêu phần trong những nội dung tường thuật là thực tế, bao nhiêu phần là tưởng tượng?
Nga đang lợi dụng cuộc khủng hoảng?
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo viết trên Twitter rằng nước Mỹ đã trả tiền cho số hàng Nga cung cấp, và rằng “chúng tôi đã làm việc với nhau để đánh bại #COVID19″.
Hoa Kỳ nói rằng việc gửi hàng được thoả thuận trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Vladimir Putin vài hôm trước.
Bộ Ngoại giao Nga nói rằng Mỹ đã trả tiền cho một nửa số hàng được gửi tới, còn một nữa là do Nga tặng.
Tuy nhiên, các kênh truyền hình Nga gọi lô hàng là “viện trợ” và không nhắc gì tới việc Mỹ trả tiền.
Một tường thuật trên kênh NTV của Gazprom Media mô tả rằng các nhân viên ở sân bay JFK đã phấn khích ra sao khi quay phim chiếc phi cơ Nga, họ đứng cạnh chiếc máy bay để chụp hình selfies và cảm ơn các phi công và Tổng thống Putin.
New York hiện đang là tâm dịch, và số các ca tử vong ở Mỹ đã tăng lên trên 5.000, theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins.
Nga đã áp lệnh phong toả tương tự như các lệnh ở Mỹ và châu Âu, nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.
Tính đến hôm thứ Sáu 3/4, Nga có thêm 771 trường hợp nhiễm mới, là ngày có số người nhiễm cao nhất cho đến thời điểm đó, nâng tổng số các ca dương tính ở nước này lên 3.548, với 30 ca tử vong.
Người Nga được yêu cầu rời công sở về nhà, nhưng vẫn được trả lương, một biện pháp mà nay Tổng thống Putin sẽ gia hạn áp dụng cho đến 30/4.
Nga bị chỉ trích
Hàng cứu trợ y tế gửi cho Ý đương nhiên là nhận được lời cảm ơn chính thức, nhưng cũng có cả những lời chỉ trích về ý định của Nga.
La Stampa, một tờ báo của Ý, nói rằng theo nguồn tin họ có thì lô hàng viện trợ không có mấy giá trị thực tế, và giống như cơ hội địa chính trị cho ông Putin nhiều hơn.
Tờ báo này nói thêm rằng 80% lô hàng là “vô tích sự” (“useless”).
Khi được hỏi về chuyện này, Đại sứ Nga tại Hoa Kỳ, Anatoly Antonov, đã phản ứng giận dữ, nói rằng “những lời chỉ trích vô căn cứ và thiếu tin cậy vào sự trợ giúp mà Nga đem đến cho Italy là điều cay độc, vô đạo đức và tàn nhẫn đối với những người đang đấu tranh vì sự sống của mọi người”.
Bộ Quốc phòng Nga cũng phản ứng, nói rằng bài báo làm thổi bùng lên tin giả bài Nga và các tác giả bài báo đang trốn đằng sau lý tưởng tự do ngôn luận.
Ở Nga, truyền thông nước này đã ca ngợi việc viện trợ cho Italy với những dòng tít như “Cảm ơn đã chìa bàn tay giúp đỡ”, hay “Hoa Kỳ và châu Âu cần học một bài học”.
Căng thẳng Chiến tranh Lạnh, giống như trong phim tình báo James Bond thời 1963, bộ ‘Từ nước Nga, với những yêu thương’, rõ ràng là chưa hề mất hẳn.
Bộ trưởng Quốc phòng Italy Lorenzo Guerini đã chính thức cảm ơn Nga, và cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, bạn của ông Vladimir Putin, cũng cảm ơn không chính thức.
Một ca sỹ nhạc pop người Ý nói vài lời bằng tiếng Nga khi được hãng tin Tass phỏng vấn. Một người khác hát một ca khúc Nga quen thuộc trong đoạn video đăng trên Facebook.
Nhưng truyền thông Nga thì đưa tin theo cách tạo cảm giác trên toàn nước Ý có sự biết ơn rầm rộ đối với Nga.
Các video gây tranh cãi về quốc ca
Các kênh báo đài của nhà nước, các trang web, các kênh Telegram ủng hộ Kremlin nói về việc người dân Ý thay những lá cờ EU bằng cờ Nga và hát quốc ca từ ban-công nhà.
Nhưng để chứng minh điều đó thì chỉ có duy nhất một video và một người: Federico Cane.
Ban BBC News Tiếng Nga đã nói chuyện với ông Cane. Ông là một kỹ sư, và ông nói cá nhân ông rất yêu mến nước Nga và Tổng thống Putin.
Ông từng có một số lần làm ăn với các công ty Nga. Ông đã cắm cờ Nga lên để cá nhân ông cảm ơn việc nước này gửi viện trợ y tế.
Một nội dung khác được đăng tải trên truyền thông nhà nước Nga rằng tại Ý đã có hiện tượng hát quốc ca Nga khắp nơi.
Điều thú vị là truyền thông Trung Quốc trước đó đã làm giả video người Ý đứng trên các ban-công hát quốc ca Trung Quốc. Một cơ quan báo chí Ý đã bóc mẽ đoạn video này, là một trong nhiều video cho thấy cảnh người Ý tập trung trên các ban-công nhà mình trong thời gian đất nước áp lệnh phong toả.
Truyền thông nhà nước Nga đã dùng hai đoạn video ghi nội dung quốc ca Nga được cử hành (chứ không phải là được hát lên). Trong một video, nó được liên hệ tới nghiệp đoàn UGL của Ý.
Giai điệu quốc ca đó có vẻ như được phát ra từ một toà nhà nơi đặt trụ sở của tổ chức tân phát xít CasaPound tại Rome.
Nghiệp đoàn UGL có truyền thống liên kết với CasaPound, và người đứng đầu UGL đã tới thăm Nga vài lần.
Video còn lại thì được quay bên trong một căn hộ, ở đó người ta nghe thấy giai điệu quốc ca Nga phát ra trong phòng. Video này đầu tiên được Alena Sivkova, người đứng đầu trang tin tức Daily Storm của Nga, đăng tải.
Đoạn video này đã được các trang tin của Nga sử dụng rộng rãi, trong đó có RenTV, Izvestia, TV Tsentr, và Russia-1.
Ban BBC News Tiếng Nga phát hiện ra rằng đoạn video này được một trong các thân nhân của phóng viên đó ghi hình; người này sống tại Italy và kết hôn với một người Ý. Ông ta rõ ràng là đã phát một đoạn ghi âm bài quốc ca.
Sivkova nói rằng đó không phải là một hiện tượng đơn lẻ, và những người Ý khác tại thị trấn Imola đã thường xuyên tham gia cùng.
Không có bằng chứng độc lập nào về chuyện này; Ban BBC News Tiếng Nga không thể lấy được bất kỳ bình luận nào từ văn phòng thị trưởng Imola.
Ilya Shepelin điều hành một dự án có tên gọi là Tin Giả (Fake News) tại kênh TV Rain đối lập ở Nga.
Với ông thì việc xào xáo thực tế với sự bịa đặt trong chuyện này là một ví dụ hoàn hảo về tin giả kiểu gán ghép. Khi thực tế và tin tưởng tượng kết hợp nhuần nhuyễn vào nhau thì sẽ khó có thể tách rời chúng ra, ông nói.
Bản thân giới chức Nga vẫn đang cảnh báo nạn tin giả.
Theo luật khẩn cấp mới ban hành thì bất kỳ ai truyền bá tin sai sự thật về cuộc khủng hoảng virus corona tại Nga có thể phải đối diện với mức án tù tới năm năm.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52167578
Iran: Hợp pháp hóa buôn bán nội tạng người
và những hệ lụy
Triệu HằngChính phủ Iran cách đây hơn 20 năm đã gây tranh cãi khi phê chuẩn một kế hoạch nhằm hợp pháp hóa bán thận, từ đó đến nay, quốc gia Trung Đông chứng kiến nhiều hệ lụy.
Iran đã trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới cho phép buôn bán nội tạng người, khi Hội đồng Bộ trưởng nước này vào đầu năm 1997 đã thông qua một chương trình chính phủ gọi là “Quà tặng của lòng vị tha, Đền ơn đáp nghĩa” (Gift of Altruism, Rewarded Gifting), cho phép bất kỳ ai đều được hiến thận.
Hai năm sau đó, danh sách chờ ghép thận ở nước này gần như được xóa bỏ. Nhà nước hỗ trợ cho người hiến tặng khoản tiền tương đương 300 bảng và một năm bảo hiểm y tế.
Nhưng theo The Guardian, hầu hết cái gọi là “trao tặng” này được thực hiện trong các giao dịch cá nhân. The Guardian ngày 10/5/2015 dẫn lời Ana Manzano, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Sức khỏe, Công nghệ và Thực hành xã hội tại Đại học Leeds gọi kiểu “trao – tặng” đó là một “hình thức bóc lột người nghèo”.
Theo Manzano, không có nghiên cứu dài hạn nào về sức khỏe của những người đã hiến tạng. Người hiến tạng càng nghèo, khả năng càng cao là họ sẽ mất đi chức năng của quả thận còn lại vì trong quá trình sống và lao động sau đó cần có một chế độ chăm sóc sức khỏe đầy đủ.
Tới năm 1999, Quốc hội Iran thông qua luật cho phép tù nhân tử tù có quyền bán trước nội tạng của mình cho những người mua. Tuy nhiên, theo tờ Telegraph, luật này đã bị Hiệp hội Bác sĩ Phẫu thuật Iran phản đối, mô tả động thái của chính phủ là “cực kỳ đáng lo ngại, gây tổn hại đến nghề nghiệp của chúng tôi và uy tín của Iran trong mắt thế giới văn minh”.
Trung Quốc cũng là một nước được biết đã sử dụng nội tạng của người bị kết án, mặc dù trên bề mặt, hoạt động này bị cấm vào năm 2015. Theo Middleeastmonitor, nhiều báo cáo gần đây cho biết chính quyền Trung Quốc tiếp tục thu hoạch nội tạng tù nhân trong trại cải tạo lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ.
Người nghèo trở thành ‘con mồi’
Kể từ khi chính phủ Iran hợp pháp hóa bán tạng, những công dân nghèo ở nước này sẵn sàng bán các phần cơ thể khỏe mạnh của mình để nuôi sống gia đình. Theo Middleeastmonitor, một thị trường cấy ghép nội tạng đã hình thành và tồn tại ở Iran với số lượng lớn người chờ ghép tim, thận, và gan, với hàng triệu bệnh nhân đến từ các nước Ả Rập.
Tờ The Sun tháng 9/2019 cho biết, những thương nhân nội tạng ở Iran săn lùng những người nghèo rao bán gan, thận và mống mắt. Những kẻ môi giới trong ngành công nghiệp bán tạng hợp pháp tại Cộng hòa Hồi giáo Iran có thể kiếm được 45.000 bảng mỗi tháng, họ săn tìm đối tượng bán là người nghiện ma túy và người đang rất cần tiền.
Hội đồng Phản kháng Quốc gia Iran (NCRI), một nhóm phản đối chế độ cầm quyền ở Iran, cho biết, người dân Iran có thể bán thận của họ với giá 10.000 USD và có thể kiếm được 50.000 USD khi bán đi
lá gan của mình. Giác mạc được bán với giá khoảng 20.000 USD trong khi tủy xương khoảng 10.000 USD. Phổi và huyết tương cũng được thương mại.
NCRI cho biết, ở thủ đô Tehran, có một con phố nhiều người tới để mời chào mua bán nội tạng tới mức phố này được gọi là “Phố Thận”. Hàng ngàn quả thận được giao dịch hàng năm ở quốc gia Vùng vịnh, hầu hết những người bán ở độ tuổi 22 – 34. NCRI trích những đường dẫn đến các website giao dịch, nơi người bán công khai độ tuổi, nhóm máu, phần cơ thể mà họ muốn bán. Những tin nhắn trên những trang web này bao gồm: “Xin chào, tôi muốn bán thận giá thấp” và “sẵn sàng bán thận do vấn đề tài chính”.
Hãng tin ISNA của Iran đăng tải lời của một nhà môi giới rằng, anh ta đã lân la trong các bệnh viện tìm những người sẵn sàng bán thận, mở rộng hoạt động của mình và kiếm tới 56.000 USD một tháng.
“Tôi thuê người đi lang thang khắp các bệnh viện và tìm khách hàng cho tôi”, người môi giới cho biết. “Tôi thuê ai đó tìm cách lấy cho tôi các báo cáo về các bệnh nhân chết não từ các bệnh viện, và tôi bán các bộ phận cơ thể khác”.
Một người môi giới nội tạng thứ hai khác công khai thừa nhận rằng con mồi của họ là những người nghèo tận đáy xã hội. “Tôi tìm họ thông qua những người bạn sống ở những thị trấn nhỏ hoặc vùng ngoại ô nghèo”, anh ta nói.
NCRI nhận định, khi nền kinh tế Iran đang sụp đổ, việc bán các cơ thể trở thành một loại hình kinh doanh béo bở và lạ lùng nhất thế giới ở Iran.
Lịch sử ghép tạng ở Iran giai đoạn 1967-2000
Iran, trước đây là Ba Tư, thuộc Tây Nam Á, vùng Trung cận Đông, giữa biển Caspi và Vịnh Ba Tư, diện tích 1,65 triệu km2, có gần 75 triệu dân với đặc trưng là dân số trẻ, là một trong những nước sản xuất dầu lớn của OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ).
Theo Sciencedirect, từ hơn 30 năm trước, Iran đã thành lập các cơ sở chạy thận nhân tạo. Năm 1974, Bộ Sức khỏe giáo dục và y tế (MOHME) thành lập trung tâm lọc máu đầu tiên. Số bệnh nhân chạy thận nhân tạo ở Tehran đã tăng từ 584 năm 1991 tới hơn 25.000 vào năm 2006.
Ca ghép thận đầu tiên ở Iran diễn ra vào năm 1967, cho đến năm 1985 có tổng cộng 112 ca ghép. Hoạt động cấy ghép hạn chế trong giai đoạn năm 1979 – 1984, một phần do cuộc cách mạng Iran năm 1979 khiến tài sản ở nước ngoài của Iran bị đóng băng và do chiến tranh Iran-Iraq.
Thời điểm đó, MOHME cho phép và tài trợ cho bệnh nhân ra nước ngoài cấy ghép. Bất kỳ bệnh nhân chạy thận nào xuất trình được các tài liệu cần thiết và có “người hiến tặng còn sống có quan hệ thân thuộc” (LRD – living related donor) ở một trung tâm phẫu thuật ở nước ngoài (hầu hết ở Anh), bệnh nhân có thể xin tài trợ của chính phủ.
Năm 1985, nhằm giải quyết vấn đề danh sách chờ đợi đã lâu, hai trung tâm ghép thận được thành lập và 274 ca ghép được thực hiện ở nước này trong vòng 2 năm sau đó.
Năm 1988, chương trình “người hiến tạng còn sống không có mối quan hệ thân thuộc” (LURD – living unrelated transplantation) do chính phủ tài trợ được thành lập và được Hội đồng Giám hộ phê chuẩn.
Đầu năm 1997, Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt chương trình “Quà tặng của lòng vị tha, Đền ơn đáp nghĩa” như đã nêu.
Năm 2000, Iran thông qua “Đạo luật cấy ghép nội tạng và chết não” (Organ Transplantation and Brain Death Act), hợp pháp hóa hiến tặng nội tạng người chết não. Theo luật này, một mạng lưới ảo được triển khai và dần lan rộng khắp nước với 13 đơn vị thu mua nội tạng nằm trong các bệnh viện đại học, 18 đơn vị nhận dạng chết não ở các thành phố.
Iran trong đại dịch virus corona (Covid-19)
Iran đã gánh chịu tổn thất nặng nề khi một loạt quan chức chính phủ nhiễm bệnh hoặc chết vì virus Vũ Hán.
Hôm 25/2, phát ngôn viên Bộ Y tế Iran xác nhận Thứ trưởng Y tế Iraj Harirchi dương tính với virus corona.
Theo AFP ngày 28/2, Phó tổng thống Iran, bà Masoumeh Ebtekar, 60 tuổi, nhiễm nCoV.
Sáng 2/3, ông Seyed Mohammad Mir-Mohammadi, thành viên hội đồng cố vấn cho lãnh tụ tối cao Iran, tử vong vì virus. Mẹ của ông Seyed qua đời trước đó vì Covid-19.
Ngày 5/3, ông Hossein Sheikholeslam, cố vấn cho Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif, qua đời vì SARS-CoV-2.
Ngày 11/3, truyền thông Iran tiết lộ danh sách quan chức mắc hoặc tử vong vì Covid-19. Theo danh sách này, Bộ trưởng Du lịch Ali Asghar Mounesan và thành viên Hội đồng Phân xử khẩn cấp Mohammad Ali Iravani nhiễm virus. Ông Iravani cũng là thành viên của văn phòng lãnh tụ tối cao, đại giáo chủ Ali Khamenei.
Ngoài ra còn có cố vấn của Bộ trưởng Tư pháp Mostafa Pourmohammadi và nghị sĩ quốc hội Ahmad Amirabadi Farahani.
Ngày 13/3, Chuẩn tướng Nasser Shabani, một chỉ huy cấp cao trong Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran chết vì virus Vũ Hán.
Tháng 3/2020, Bộ trưởng Tư pháp Iran Ebrahim Raisi cho biết, nước này sẽ trả tự do cho khoảng 70.000 tù nhân để tránh Covid-19 lây lan trong nhà tù.
Mới đây, ông Ali Larijani, Chủ tịch Quốc hội Iran nhiễm virus xuất xứ Trung Quốc.
Hiện, Iran có 53.183 người mắc và 3.294 người chết vì Covid-19, theo worldometers ngày 4/4.
Triệu Hằng tổng hợp
https://www.dkn.tv/the-gioi/iran-hop-phap-hoa-buon-ban-noi-tang-nguoi-va-nhung-he-luy.html
Dịch Covid-19: Hàn Quốc phát 3 triệu khẩu trang
cho người có nguy cơ cao
Trọng ThànhTheo Yonhap, Hàn Quốc hôm qua, 03/04/2020, quyết định kéo dài giai đoạn ‘‘giãn cách xã hội’’ thêm hai tuần, trong bối cảnh dịch bệnh tuy chững hẳn, nhưng vẫn có nguy cơ bùng lên trở lại. Chính quyền Seoul quyết định phân phối thêm hơn 3 triệu khẩu trang cho những người lao động làm việc trong các môi trường có nguy cơ nhiễm virus cao nhất, bao gồm người lao động nước ngoài.
Thông tín viên Frédéric Ojardias tường trình từ Seoul :
‘’3,65 triệu khẩu trang sẽ được bộ Lao Động phân phát cho các tài xế tắc-xi, tài xế xe buýt, người làm nghề đưa hàng, từ đây cho đến ngày 08/05. Hàng trăm nghìn người lao động nước ngoài, không có quyền được nhận 2 khẩu trang/tuần của hệ thống phân phối quốc gia từ đầu dịch đến nay, cũng sẽ được phát khẩu trang lần này. Nhiều người trong số họ làm việc trong các ngành công nghiệp và cung ứng.
Các nhân viên làm việc tại các trung tâm giao dịch với khách hàng qua điện thoại cũng nhận được khẩu trang. Đây là môi trường có nguy cơ truyền virus cao, vì các nhân viên nói suốt ngày và làm việc trong các văn phòng, nơi khoảng cách giữa người này với người kia là rất gần. Hồi giữa tháng 3, một ổ dịch đã được phát hiện tại một trung tâm giao dịch qua điện thoại ở Seoul, buộc chính quyền phải tổ chức xét nghiệm hàng trăm nhân viên và cư dân tại khu vực trụ sở văn phòng.
Kể từ đầu khủng hoảng đến nay, đại đa số người Hàn Quốc mang khẩu trang, đôi khi bằng vải, nếu như không có gì tốt hơn, ngay khi họ bước chân ra ngoài. Đây cũng là một thói quen ở Hồng Kông, Đài Loan hay Nhật Bản. Điều này dường như giải thích một phần cho việc dịch bệnh lan truyền chậm hơn tại các quốc gia này.
Virus gây bệnh Covid-19 có thể truyền đi qua những tia nước bọt. Chính vì vậy, mang khẩu trang, cho dù không phải là khẩu trang y tế, cũng tạo ra một rào cản đầu tiên, đặc biệt cho phép bảo vệ những người khác. Những người mang virus, tuy ở thể lành tính, không có triệu chứng nào, cũng có thể làm lây nhiễm virus sang người khác, mà không hay biết. Hàn Quốc dường như đã thành công trong việc kiểm soát dịch, và không buộc phải phong toả toàn bộ dân cư, cho dù đã trải qua một đỉnh dịch hồi đầu tháng 3’’.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200404-d%E1%BB%8Bch-covid-19-h%C3%A0n-qu%E1%BB%91c-ph%C3%A1t-3-tri%E1%BB%87u-kh%E1%BA%A9u-trang-cho-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-c%C3%B3-nguy-c%C6%A1-cao
Hồng Kông yêu cầu các quán bar đóng cửa
và tăng cường cách ly xã hội
Tin từ HỒNG KÔNG – Vào hôm thứ Sáu (3/4), Hồng Kông yêu cầu các quán rượu và quán bar đóng cửa trong hai tuần từ 6 giờ chiều (10:00 GMT) khi trung tâm tài chính tăng cường các hạn chế về cách ly xã hội và tham gia cùng các thành phố trên khắp thế giới trong cuộc chiến ngăn chặn sự lây lan của coronavirus.Những người vi phạm luật mới đều phải đối mặt với sáu tháng tù giam và mức phạt 50,000 Hồng Kông (6,450 mỹ kim). Hành động bất thường trong một thành phố không bao giờ ngủ diễn ra một tuần sau khi chính phủ chặn tất cả khách du lịch và hành khách quá cảnh tại phi trường của họ và tuyên bố rằng họ đang xem xét đình chỉ việc bán rượu ở một số địa điểm. Họ cho biết thêm rằng 62 trường hợp coronavirus được xác nhận trong thành phố có liên kết với các quán bar, gây ra thêm 14 trường hợp nhiễm bệnh, bao gồm một em bé 40 ngày tuổi.
Hồng Kông có 802 trường hợp nhiễm coronavirus và bốn trường hợp tử vong vì căn bệnh này. Rượu vẫn sẽ được bán trong các siêu thị và cửa hàng tiện lợi trên khắp trung tâm tài chính châu Á.
Theo các dữ kiện chính thức của Reuters, các trường hợp coronavirus toàn cầu vượt qua mức 1 triệu vào hôm thứ Năm, với hơn 52,000 ca tử vong khi đại dịch bùng phát ở Hoa Kỳ và số người chết gia tăng ở Tây Ban Nha và Ý. (BBT)
https://www.sbtn.tv/hong-kong-yeu-cau-cac-quan-bar-dong-cua-va-tang-cuong-cach-ly-xa-hoi/
Virus corona:
Trung Quốc dành ba phút mặc niệm các nạn nhân
Toàn Trung Quốc đã ngưng lại ba phút để mặc niệm các nạn nhân của đại dịch Covid-19.Một ngày tưởng niệm đã được tuyên bố tại Trung Quốc vào thứ Bảy để vinh danh hơn 3.300 người đã chết vì Covid-19.
Virus corona: Hoa Kỳ bị cáo buộc ‘ăn cướp’ số khẩu trang của Đức
Virus corona: Dịch còn kéo dài, Mỹ – Trung chia rẽ, thế giới mất niềm tin
Vào lúc 10:00 giờ địa phương (03:00 GMT), mọi người dân trên khắp Trung Quốc đứng yên lặng trong ba phút để tưởng nhớ người đã chết.
Ô tô, xe lửa và tàu thủy bấm còi, còi báo động không kích vang lên khi lá cờ rủ được kéo lên.
Các trường hợp nhiễm virus corona đầu tiên được phát hiện tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc vào cuối năm ngoái.
Kể từ đó, virus đã càn quét toàn cầu, lây nhiễm hơn một triệu người và giết chết gần 60.000 người ở 181 quốc gia.
Tại Vũ Hán, tâm dịch của Trung Quốc, tất cả các đèn giao thông trong đô thị đã chuyển sang màu đỏ lúc 10:00, giao thông ngừng lại trong ba phút.
Chính phủ Trung Quốc cho biết sự kiện này là cơ hội để tỏ lòng kính trọng với các “liệt sĩ”, ám chỉ 14 nhân viên y tế đã chết trong cuộc chiến với virus.
Trong số họ có Lý Văn Lượng, một bác sĩ ở Vũ Hán đã chết vì Covid-19 sau khi bị chính quyền khiển trách vì cố gắng cảnh báo mọi người về căn bệnh này.
Lễ kỷ niệm vào thứ Bảy trùng với lễ hội Qingming hàng năm, khi hàng triệu gia đình Trung Quốc tỏ lòng kính trọng với tổ tiên của họ.
Trung Quốc lần đầu tiên thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về các trường hợp viêm phổi không rõ nguyên nhân vào ngày 31/12 năm ngoái.
Đến ngày 18/1, số trường hợp viêm phổi được xác nhận đã tăng lên khoảng 60 – nhưng các chuyên gia ước tính con số thực đã gần 1.700.
Chỉ hai ngày sau, khi hàng triệu người chuẩn bị kỳ nghỉ nhân năm mới âm lịch, số ca viêm phổi đã tăng gấp ba đến hơn 200 và virus đã được phát hiện ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến.
Từ thời điểm đó, virus bắt đầu lây lan nhanh chóng ở châu Á và sau đó là châu Âu, cuối cùng đến mọi nơi trên thế giới.
Trong vài tuần qua, Trung Quốc đã bắt đầu giảm bớt các lệnh hạn chế đi lại và cách ly xã hội, tin rằng họ đã kiểm soát được tình hình.
Cuối tuần trước, Vũ Hán đã mở cửa một phần sau hơn hai tháng bị cô lập.
Hôm thứ Bảy, Trung Quốc đã báo cáo 19 trường hợp mới được xác nhận nhiễm virus, giảm so với 31 ca hôm trước. Ủy ban y tế Trung Quốc cho biết 18 ca trong số này liên quan đến du khách đến từ nước ngoài.
Trung Quốc đã tạm thời cấm tất cả du khách nước ngoài nhập cảnh, ngay cả khi họ có thị thực hoặc giấy phép cư trú.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52163144
Vì sao tên lửa TQ bán không có người mua?
Tên lửa Hồng Kỳ 9 (HQ-9) là một vũ khí nổi tiếng của Trung Quốc. Đây là một trong những loại tên lửa phòng không được sử dụng phổ biến nhất ở Trung Quốc và cũng đã được xuất khẩu đến Pakistan.Ngày trước HQ-9 chỉ có tầm bắn 150 km nhưng sau quá trình cải tiến thành HQ-9A thì tầm bắn đã đạt đến 200 km. HQ-9A có thể nói so với HQ-9 trước đó đã cao hơn một tầng, đáng lẽ phải thu hút nhiều người mua hơn mới phải. Thế nhưng không như mong đợi, đến nay chỉ có một người mua duy nhất là Qatar.
Điều này khiến rất nhiều người không hiểu. Vì sao tên lửa phòng không Trung Quốc liên tục đổi mới nhưng đến nay lại vẫn có rất ít người sẵn sàng mua? Trước vấn đề này, chúng ta hãy nhìn hệ thống phòng không Patriot của Mỹ với hơn 20 nước trên thế giới đã mua, có thể thấy mức tiêu thụ rất lớn. Tiếp đó là hệ thống S-300 của Nga đã có 15 nước trên thế giới nhập khẩu.
Trong khi đó HQ-9A của Trung Quốc đến nay chỉ có một khách mua duy nhất là Qatar. Sự so sánh này quả thật khiến cho người ta khó có thể chấp nhận. Cộng cả các khách hàng mua HQ-9 trước đó là Pakistan và Ả Rập Saudi, tất cả cũng chỉ có 3 khách hàng.
Vì sao tên lửa phòng không Trung Quốc lại không có mấy nước mua? Đối với việc này, chuyên gia quân sự Nga Kashin khi trả lời phỏng vấn đã phân tích rằng:
Trước hết chúng ta cũng không cần lo hệ thống phòng không Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu thụ Su-400. Bởi vì hiện nay đại đa số các nước trên thế giới vẫn sử dụng tên lửa kiểu Nga.
Nếu muốn thay thế thì cần phải chi ra nhiều tiền nhưng mà e rằng trên thế giới không có ai sẵn sàng bỏ gần tìm xa. Cho nên họ thà bỏ nhiều tiền hơn một chút để tiếp tục mua vũ khí Nga.
Bên cạnh đó tên lửa của Mỹ sở dĩ tiêu thụ nhiều như vậy, có lẽ cũng nằm ở cùng nguyên nhân như lời chuyên gia Kashin của Nga. Thứ hai là việc thay thế một hệ thống mới, ngoài việc cần bỏ nhiều tiền hơn ra, lại còn cần mất nhiều thời gian hơn để mò mẫm làm quen với nó.
Việc này đối với quốc phòng của một quốc gia mà nói là cực kỳ bất lợi. Cho nên Kashin cho rằng Trung Quốc muốn đột phá qua nút thắt này để bán tên lửa phòng không thì vẫn cần phải mất nhiều công sức trên lĩnh vực cải tiến tính năng mới đủ sức hấp dẫn và khiến người mua dù phải bỏ nhiều tiền cũng sẵn sàng mua.
http://biendong.net/bi-n-nong/33903-vi-sao-ten-lua-tq-ban-khong-co-nguoi-mua.html
Vật tư y tế Hoa kiều
quyên tặng TQ lại bị rao bán ngược về Mỹ
Ngày 23/3, tài khoản Wechat “@西雅图雷尼尔” (nghĩa là Seattle Rainier) đăng hình ảnh đoạn trò chuyện trong nhóm “Kết nối vật tư y tế nước Mỹ”. Đoạn đối thoại này rao bán 2.000 bộ đồ bảo hộ là hàng cứu trợ được chuyển từ Mỹ về Trung Quốc, trên thùng còn có hàng chữ “Trung Quốc cố lên”. Đem hàng cứu trợ từ Mỹ chuyển về, để bán lại qua phía Mỹ, điều này làm dấy lên sự phẫn nộ trong cộng đồng, và nhiều tài khoản chat khác cũng tố cáo các trường hợp cơ quan chức năng Trung Quốc bán hàng được nhận cứu trợ tương tự.Cụ thể, đoạn chat đó nói rằng: “Hiện có 2.000 bộ đồ bảo hộ, bạn bè vận chuyển từ Mỹ về Trung Quốc, có thể vào ICU (đơn vị chăm sóc tăng cường), nếu cần thì liên hệ bạn của tôi”. Ảnh đăng kèm là các thùng hàng được xếp đống, trên mặt có ghi chữ “Trung Quốc cố lên”.
Bức ảnh này được người Hoa ở nước ngoài chia sẻ rộng rãi và có nhiều bình luận. Có người phẫn nộ bình luận: “Thực sự không biết xấu hổ sao. Đem đồ bảo hộ nước ngoài quyên tặng Trung Quốc, để nguyên niêm phong không động đến rồi lại bán ra nước ngoài.”
Nội dung trong tweet: “Không biết xấu hổ đến mức này. Đem đồ bảo họ nước ngoài quyên tặng cho Trung Quốc, để nguyên niêm phong rồi lại bán ra nước ngoài. Lần sau mọi người hãy nhớ, dù Trung Quốc xảy ra thảm họa gì, tuyệt đối đừng quyên tặng bất cứ đồ gì, vì dù sao thì cũng không đến tay người dân bình thường được, ngược lại bị quan chức đem bán. Trừ phi ĐCSTQ rớt đài, nếu không vĩnh viễn không nên có bất cứ qua lại gì với ĐCSTQ.”
Có người cho biết, những vật tư mà nickname Yankee rao bán là của hội đồng hương Hồ Nam ở Los Angeles quyên tặng, họ đã nhận ra và chuẩn bị đòi lại, còn những vật tư mà nickname “Sâm Lâm” rao bán là hàng cứu trợ của hai hội đồng hương Hồ Nam ở Los Angeles và Washington quyên tặng. Người
nhận ở phía Trung Quốc là ông Trần Sâm Lâm – Bí thư Chi bộ đảng, Hội trưởng Hội Thanh niên liên lạc kiều bào tỉnh Hồ Nam.
Tối cùng ngày (23/3), ông Trần Sâm Lâm đã lên tiếng về việc này. Ông cho biết vật tư mà ông được ủy thác bán không phải là hàng quyên tặng từ nước ngoài, lô hàng được đăng tải của nickname Yankee và của Sâm Lâm là không liên quan.
Sau đó, hội đồng hương Hồ Nam tại bang Washington cũng tuyên bố lô hàng mà họ gửi không liên quan đến việc này.
Tài khoản Wechat “@西雅图雷尼尔” cũng ngỏ lời xin lỗi ông Trần Sâm Lâm, nhận rằng mình bị nhầm lẫn giữa hai lô hàng.
Vậy câu hỏi đặt ra là lô hàng có dòng chữ “Trung Quốc cố lên” được rao bán có nguồn gốc ở đâu?
Tài khoản @西雅图雷尼尔” cho biết, bản thân là người lâu năm trong lĩnh vực ngoại thương, từ bao bì lô hàng trong ảnh có thể suy đoán, lô hàng này vận chuyển đường hàng không và là hàng quyên tặng. Tài khoản này cho đã yêu cầu Yankee gửi chứng từ hải quan của lô hàng mà Yankee rao bán nhiều lần, nhưng không được đáp ứng còn bị đối phương đe dọa. Tài khoản này chia sẻ: “Lô hàng Trung Quốc cố lên này, tôi vẫn không hề thấy giấy tờ khai báo hải quan, theo người rao bán cho biết sự việc này đã báo cáo lên Tỉnh trưởng tỉnh Hồ Nam Đỗ Gia Hào, tôi còn bị họ và người liên quan đe dọa dẫn độ về Trung Quốc.”
Cuối cùng tài khoản “@西雅图雷尼尔” cho biết, nếu lô hàng này là quyên tặng, thì lô hàng này thuộc về vật tư quyên tặng phòng dịch, vậy thì ai có quyền xử lý lô hàng này? Xử lý thế nào? Việc này cũng là vấn đề lớn. Nếu lô hàng này là hàng thương mại bình thường, thì trên tờ khai hải quan sẽ ghi rất rõ ràng.
Tài khoản trên chia sẻ tiếp: “Tôi đã phạm phải tội thập ác không thể tha thứ nào, mà đòi dẫn độ tôi về nước để xét xử? Ngoài ra, vốn chỉ cần một tờ khai hải quan là có thể giải quyết vấn đề, vì sao lại không chịu đưa ra, lại còn đe dọa tôi?”
“Đúng rồi, cần nói với những người dọa nạt tôi một chút, giữa hai nước Mỹ và Trung Quốc không có hiệp ước dẫn độ.”
Ngoài sự việc trên, tại Trung Quốc Đại Lục cũng liên tiếp phơi bày việc cơ quan chính quyền liên quan đến bán vật tư viện trợ. Cư dân mạng tại Quảng Tây tiết lộ, họ mua chung 4.000 khẩu trang, người giao hàng lại là Tổng Công đoàn Vũ Hán, trên bao bì còn viết “vật tư cứu viện”.
Ngày 2/2, bài viết có tiêu đề “3 thùng khẩu trang thực hiện thành công dịch chuyển lượng tử thức thời – Ghi nhớ sự sáng tạo khoa học của Hội chữ thập đỏ Vũ Hán” có nói, một Hoa kiều Indonesia đã mua khẩu trang và muốn gửi về Trung Quốc, trên một thùng có dán giấy trắng mực đen rằng “Công ty du lịch Apple Bali cùng cổ vũ Vũ Hán Trung Quốc cố lên” và có đính kèm chữ “APPLE”.
Sau đó, trong một nhóm trên mạng xã hội, có cư dân mạng cũng phơi bày 3 thùng khẩu trang từ Bali, Indonesia quyên tặng Vũ Hán, lại được vận chuyển đến Lệ Giang tỉnh Vân Nam, sau đó được học sinh trung học quyên tặng Hội chữ Thập đỏ Lệ Giang.
Còn trên TikTok đăng thông tin nói học sinh Trường thực nghiệm Lệ Giang dùng 11.000 tệ tiền lẻ mua 40.000 khẩu trang nước ngoài quyên tặng cho Hội chữ Thập đỏ Lệ Giang. Trong video, cư dân mạng phát hiện bao bì khẩu trang cũng có hình ảnh quả táo, và có dòng chữ “Apple Bali cùng cổ vũ Vũ Hán Trung Quốc”.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/33895-vat-tu-y-te-hoa-kieu-quyen-tang-tq-lai-bi-rao-ban-nguoc-ve-my.html
Dịch corona ở Trung Quốc:
Dữ liệu giả, thông tin giả, khẩu trang giả
Virus corona bắt đầu bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12 năm 2019. Từ đó đến nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) luôn kiểm duyệt thông tin, tìm mọi cách để che giấu số ca nhiễm bệnh và tử vong thực tế. Khi Trung Quốc báo cáo không có ca nhiễm mới ở địa phương trong những ngày gần đây, một số thông tin sau sẽ giúp người đọc có thêm nhận định về tình hình thực tế.Các ca nhiễm thực tế có thể cao hơn con số chính thức gấp nhiều lần
Số ca nhiễm virus corona được báo cáo chính thức ở Trung Quốc là khoảng 81.000.
Theo cuộc họp báo do Văn phòng Thông tin Quốc Vụ viện diễn ra tại Vũ Hán vào ngày 6 tháng 3 năm 2020, 42.322 nhân viên y tế đã được cử đến Vũ Hán, trung bình mỗi người chăm sóc 40 bệnh nhân nhiễm virus corona mỗi ngày.
Nếu mỗi ngày có 3 ca nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân, mỗi bệnh nhân một ca, thì số ca nhiễm được xác nhận ở Vũ Hán sẽ là 564.293 (= 40*(42.322/3)). Nếu nhân viên y tế phải làm thêm giờ, mỗi ngày làm việc 2 ca để chăm sóc cho mỗi bệnh nhân, thì số ca nhiễm sẽ là 846.440 = (40*(42.322/2)).
Như vậy, từ dữ liệu chính thức công bố tại cuộc họp báo, chúng ta có thể suy ra rằng chỉ riêng ở Vũ Hán, số ca nhiễm đã cao gấp 7-10 lần so với tổng số ca nhiễm được báo cáo trên toàn quốc. Ước tính này còn chưa bao gồm số bệnh nhân đang được các nhân viên y tế thuộc địa bàn thành phố Vũ Hán chăm sóc, những bệnh nhân bị bệnh viện từ chối hay chưa từng tìm đến bệnh viện điều trị, và số nhân viên y tế bị nhiễm bệnh.
Khi số ca nhiễm được báo cáo sụt giảm, Vũ Hán đã đóng cửa bệnh viện cuối cùng trong số 14 bệnh viện dã chiến (tiếng Trung gọi là bệnh viện Phương Thương) vào ngày 10 tháng 3. Nhưng theo một nhân viên làm việc tại đó, việc đóng cửa này là nhằm hạn chế số ca nhiễm mới được báo cáo và tăng số bệnh nhân hồi phục và xuất viện. Nhân viên này nói với phóng viên Minh Huệ rằng: “Thực ra, hơn 90% số bệnh nhân xuất viện từ bệnh viện Phương Thương vẫn còn virus.”
Các ca nhiễm chưa được báo cáo của tỉnh Hắc Long Giang
Ngày 12 tháng 3 năm 2020, Hắc Long Giang báo cáo không có ca nhiễm virus corona mới nào. Tỉnh này báo cáo có chưa tới 500 ca nhiễm trên toàn tỉnh, trong đó, thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ với hơn 5 triệu dân mà chỉ có 40 ca.
Một nhân viên của Bệnh viện Tề Tề Cáp Nhĩ Số 1 tiết lộ với phóng viên Minh Huệ rằng, trước đó hai tuần đã có hơn 200 nhân viên trong bệnh viện đã bị nhiễm virus corona. Điều đáng chú ý là, gần như tất cả nhân viên khoa chỉnh hình và các khoa thí nghiệm lâm sàng đều bị nhiễm bệnh. Nhưng thông tin này đã bị bưng bít, không được công bố.
Một chủ doanh nghiệp bán đồ ăn cho rằng thông báo hết dịch virus corona của các quan chức là không thỏa đáng. Bạn ông làm trong ngành y cho biết bệnh viện nào ở Tề Tề Cáp Nhĩ cũng đông bệnh nhân, nhưng họ không được phép báo cáo đó là các ca nhiễm virus corona.
Truyền bá thông tin sai lệch qua truyền thông và mạng xã hội
Trước khi Vũ Hán bị phong tỏa vào ngày 23 tháng 1 năm 2020, một số cư dân đã nghe nói về việc phong tỏa nên đã đi trốn. Nhưng những người không có nguồn tin nội bộ vẫn tin vào những gì quan chức nói trên truyền thông. Họ tưởng rằng trận dịch có thể kiểm soát được và không truyền từ người sang người, nhưng sau khi có lệnh phong tỏa, họ mới biết mình đã mắc kẹt trong thành phố.
Khi nhiều thành phố ở Trung Quốc dỡ bỏ phong tỏa và các hạn chế khác, các quan chức chính phủ, nhân viên y tế và quản trị viên cộng đồng biết thông tin về số ca nhiễm bệnh thấp là giả và đã cảnh báo với gia đình, bạn bè của họ vẫn phải thận trọng với virus corona. Những người không biết thông tin thì vẫn mù quáng tin rằng cuộc sống cuối cùng đã trở lại bình thường.
Do sự kiểm duyệt thông tin của ĐCSTQ, các kênh truyền thông xã hội chỉ có tin tích cực theo định hướng tuyên truyền của nhà nước. Các thành viên của đội quân internet Trung Quốc đã đăng thông tin lệch lạc, vu cho Hoa Kỳ và Ý về nguồn gốc dịch bệnh.
Khẩu trang giả
Khi một số công ty và nhà máy hoạt động trở lại, biện pháp bảo hộ duy nhất mà họ cung cấp cho nhân viên là khẩu trang và đo thân nhiệt. Ngoài đó ra, họ không có biện pháp nào để phòng tránh tình trạng lây nhiễm theo nhóm khi các công nhân tập trung tại nơi làm việc.
Một người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành công nghiệp bảo hộ đã nói với phóng viên Minh Huệ rằng khoảng 99% khẩu trang và mặt nạ phòng độc trên thị trường là giả. Cụ thể, vật liệu kém chất lượng, không được khử trùng; khâu sản xuất cũng không đảm bảo điều kiện vô trùng.
Tờ Business Insider ngày 26 tháng 2 năm 2020 đưa tin về khoảng 31 triệu khẩu trang giả đã bị phát hiện ở Trung Quốc.
Trên thế giới, hàng loạt các quốc gia như Bỉ, Hà Lan, Philippines mới đây đã tố Trung Quốc gửi khẩu trang kém chất lượng sang hỗ trợ.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/33894-dich-corona-o-trung-quoc-du-lieu-gia-thong-tin-gia-khau-trang-gia.html
Người TQ ở nước ngoài xin lỗi Hoa Kỳ
Mới đây, một người dùng internet đã đăng bài về việc Mạch Văn Đỉnh, một nghiên cứu sinh người Trung Quốc tại Đại học Pennsylvania, Hoa Kỳ đã gửi email xin lỗi những người đồng nghiệp Mỹ vì sự bùng phát của virus Trung cộng (virus corona mới). Sau khi nội dung của email này được chia sẻ, ngay lập tức đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi trong cộng đồng cư dân mạng người Hoa, đồng thời thu hút đông đảo các “Tiểu phấn hồng” (Hồng vệ binh kiểu mới) tấn công thóa mạ.Mạch Văn Đỉnh viết trong email: “Gần đây, virus corona (virus Trung Cộng) từ Trung Quốc lây lan ra bên ngoài khiến dịch bệnh trong nước đã diễn biến thành đại dịch thế giới, nó đã mang đến cho các bạn rất nhiều bất tiện, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng. Là một người Trung Quốc, tôi cảm thấy vô cùng đáng tiếc. Ngoài hành động tai tiếng về virus, sự che giấu của Chính phủ Trung Quốc đối với dịch bệnh và phản ứng chậm chạp của WHO cũng là nguyên nhân dẫn đến sự thất vọng cho mọi người, và cũng là một trong những nguyên nhân lan truyền virus. Hoa Kỳ là một đất nước hùng mạnh, tôi tin tưởng rằng nước Mỹ sẽ tồn tại và thịnh vượng, tôi hy vọng mọi chuyện tốt đẹp.”
Sau khi nội dung email này được cư dân mạng chia sẻ, lập tức gặp phải cuộc bao vây tấn công của các “Tiểu phấn hồng”. Các bài viết cá nhân cũng xào trộn với sự kiện đại diện lưu học sinh Dương Thư Bình tại lễ tốt nghiệp đại học Maryland 2 năm trước đã “ca ngợi không khí ngọt ngào và trong lành của Hoa Kỳ”, công kích Mạch Văn Đỉnh và Dương Thư Bình là “làm người không có nguyên tắc sống”, làm “mất thể diện người Trung Quốc” …
Các bài công kích này sau đó được các “Tiểu phấn hồng” hưởng ứng và nhiệt tình tương tác. Tuy nhiên, đông đảo người Hoa biểu thị không đồng tình với loại văn chương chửi rủa này, cũng có không ít người đã để lại bình luận dưới bài viết:
@Caolanni: “Các người có phải là phát xít không? Người ta nói ra sự thật liền đụng phải công kích vô lối của các người. Ồ đúng rồi, thiếu chút nữa quên mất các người cũng là phát xít mà. Cô ấy nói không sai chút nào, ở dưới bầu trời xanh trong không phải tốt hơn sương mù sao? Lẽ nào các người muốn nói rác rưởi thành thơm tho?”
@Matrixyard: “Anh ấy (Mạc Văn Đỉnh) là người có lương tâm. Rất đáng khen! Không giống những kẻ Trung Quốc bại hoại, hạ tiện vô nguyên tắc kia, toàn nói chuyện trái lương tâm.”
@Petersam: “Lẽ nào Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) không nên thừa nhận sai lầm sao?”
@Sinausa: “Nếu như Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) giống như anh bạn cùng lớp này, trở thành một Chính phủ văn minh và có trách nhiệm, hình ảnh quốc gia Trung Quốc sẽ ngay lập tức trở nên cao lớn hơn rất nhiều. Bây giờ không chỉ chính quyền Trung Quốc mang tai tiếng trong cộng đồng quốc tế, mà cả người Trung Quốc cũng bị vạ lây.”
Một số người dùng internet tin rằng lý do tại sao lời xin lỗi của Mạch Văn Đỉnh chạm vào dây thần kinh nhạy cảm của một số người Trung Quốc. “ĐCSTQ không phải Trung Quốc, chính Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc là nạn nhân lớn nhất của việc ĐCSTQ che giấu tình hình dịch bệnh dẫn đến bùng phát. Kẻ thực sự làm cho người Trung Quốc mất mặt không phải vị tiến sĩ đã nói lời xin lỗi này, mà chính là kẻ lưu manh ĐCSTQ.”
Hoa kiều Mỹ không cam chịu im lặng
Theo tin tức trên các kênh truyền thông Hoa ngữ nước ngoài, ngoài Mai Văn Đỉnh ra, một số người Hoa hải ngoại gần đây cũng đăng các video “Xin lỗi Hoa Kỳ”, “Xin lỗi thế giới”, và yêu cầu ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm cho việc che giấu dịch bệnh, khiến virus này lan rộng trên toàn cầu.
Khổng Chí Hào, một sinh viên Trung Quốc tại Mỹ, cách đây mấy ngày đã đăng một đoạn “Video xin lỗi” trên Twitter. Anh chân thành xin lỗi các nạn nhân bị lây nhiễm ‘virus Trung cộng’, và cho rằng “chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ) và nhân dân Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về lần bùng phát dịch này.”
Khổng Chí Hào nói: “Tôi thấy rằng sự lây lan của dịch bệnh xuất phát từ Trung Quốc. ĐCSTQ đang che giấu điều này, thậm chí đổ trách nhiệm cho Hoa Kỳ, và bây giờ tiếp tục đổ vấy cho Ý. Tôi nghĩ rằng cả Trung Quốc Đại Lục và Hoa kiều cũng vậy, đều nên đứng lên và nói điều gì đó. Đừng im lặng. Im lặng không có nghĩa là bạn không phải chịu trách nhiệm. Tôi nghĩ bạn nên lên tiếng. Bạn im lặng chính là đang dung túng cho ĐCSTQ (nói dối).”
Khổng Chí Hào nói, nhiều người Trung Quốc, đặc biệt là những người sống ở Đại Lục, đang chịu áp lực từ ĐCSTQ, họ không dám biểu đạt điều gì. Tuy nhiên, một số người Trung Quốc có kinh nghiệm sống hẳn là đã nhìn rõ bản chất của ĐCSTQ. Anh nói rằng, anh biết về phong trào sinh viên năm 1989
từ thời còn học trung học, từ đó anh đã học cách vượt tường lửa để hiểu rõ hơn về những thông tin như thế này.
Người đầu tiên đăng video xin lỗi là một cô gái Trung Quốc. Trong video cô ấy nói: “Xin lỗi, ĐCSTQ che giấu sự thật, người dân Trung Quốc chúng tôi lại vẫn im lặng; xin lỗi vì đã ích kỷ tích trữ hàng; xin lỗi vì đã lan truyền trên wechat tin giả “Quân đội Mỹ đem virus vào Vũ Hán”; xin lỗi vì tất cả hậu quả mà virus mang lại.”
Cô ấy còn cho biết rằng nhiều người Trung Quốc được nhận thẻ xanh của Mỹ nhưng vẫn ủng hộ ĐCSTQ và còn giáo dục thế hệ trẻ thừa nhận ĐCSTQ. Cô ấy xấu hổ về điều này, “Chúng tôi nên nói “xin lỗi “với tất cả các nạn nhân vô tội bị lây nhiễm virus Trung Quốc (virus Trung Cộng). Tôi nghĩ rằng Chính phủ Trung Quốc phải bồi thường cho người Mỹ một số tiền lớn.”
Video xin lỗi của cô gái đã dẫn khởi nhiều cuộc tranh luận sôi nổi trên Twitter. Theo sau đó, nhiều người Hoa ở nước ngoài cũng đã xin lỗi Hoa Kỳ, xin lỗi thế giới trong các video của mình và đánh dấu “#saysrytoAmerica” để lan tỏa bài đăng.
ĐCSTQ mang đến virus và chết chóc hàng loạt
Ông Lữ Duệ Siêu, một Hoa kiều Úc, trong đoạn video gần đây cũng chia sẻ: “Sau khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát toàn cầu, hàng chục ngàn người đã thiệt mạng và có thêm hàng chục ngàn người bị lây nhiễm mới mỗi ngày. Là nguồn gốc của dịch bệnh, tất cả những gì Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) đã làm chính là che giấu sự thật. Là một người Trung Quốc, tôi vô cùng xin lỗi. Chế độ ĐCSTQ tà ác không coi trọng sinh mệnh con người. Là một người Trung Quốc, tôi cũng vô cùng hối hận vì chúng tôi đã để ĐCSTQ tà ác tồn tại 70 năm qua.”
Ông Lữ Duệ Siêu còn bày tỏ: “Vì sự tồn tại của chế độ ĐCSTQ, không chỉ mang đến cho chúng ta virus mà còn cả vụ thảm sát Thiên An Môn, trại lao động, trại tập trung người Duy Ngô Nhĩ. Cho đến ngày nay, Chính phủ ĐCSTQ tiếp tục che giấu sự thật về dịch bệnh. ‘Số ca lây nhiễm mới lùi về 0’ và không có trường hợp tử vong. Cá nhân tôi một chữ cũng không tin!”
Ông kêu gọi chính phủ và nhân dân của tất cả các quốc gia trên thế giới phối hợp để yêu cầu chính quyền ĐCSTQ chịu trách nhiệm về sự bùng phát dịch này. “ĐCSTQ tà ác phải bị lật đổ!”
Mộc Lan (theo Vision Times tiếng Trung)
(Ghi chú của biên tập viên: Virus gây bùng phát viêm phổi Vũ Hán là đến từ Trung Quốc dưới sự cai trị của ĐCSTQ, do chính quyền ĐCSTQ che giấu sự thật dẫn đến dịch bệnh lan ra toàn cầu. Người Vũ Hán, người Hồ Bắc và tất cả người Trung Quốc cùng nhân dân toàn thế giới đều là những người bị hại. ĐCSTQ không phải là Trung Quốc, cũng không đại biểu được cho Trung Quốc, do đó, loại virus xuất hiện dưới sự cai trị của ĐCSTQ này nên được gọi là “virus Trung Cộng.”)
http://biendong.net/doc-bao-viet/33892-nguoi-tq-o-nuoc-ngoai-xin-loi-hoa-ky.html
Ông Tập tháo khẩu trang đi gặp dân, TQ sắp hết dịch?
Ông Tập Cận Bình đứng cách xa người dân khoảng 1-2 mét, không đeo khẩu trang trong lúc trò chuyện với họ. Một nhà quan sát ở Bắc Kinh cho rằng chuyến thăm Chiết Giang này nhằm bắn tín hiệu dịch COVID-19 sắp kết thúc ở nước này.Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa kết thúc chuyến thị sát công tác kiểm soát dịch COVID-19 và khôi phục sản xuất ở tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc diễn ra từ ngày 29-3 tới 1-4.
Ông cảnh báo người dân Trung Quốc cần giữ cảnh giác trước tình trạng lây lan COVID-19 do những bệnh nhân không có triệu chứng và những ca “nhập” từ nước ngoài, trong bối cảnh nước này nỗ lực khôi phục nền kinh tế.
“Chúng ta phải tăng cường công tác quản lý các ca không có triệu chứng và áp dụng các biện pháp phòng ngừa phù hợp ở tất cả phương diện khi khôi phục công việc, sản xuất và cuộc sống xã hội…
Chúng ta phải hạn chế các ca nhập, xem đây là biện pháp quan trọng nhất vào lúc này và có thể trong một thời gian dài. Không thể để xuất hiện sơ hở nào!” – ông Tập nói với các quan chức ở Chiết Giang.
Theo Tân Hoa xã, trong chuyến thăm, dưới sự hộ tống của Bí thư tỉnh ủy Chiết Giang, ông Xa Tuấn và tỉnh trưởng tỉnh Chiết Giang Viên Gia Quân, ông Tập Cận Bình đã đến thăm thành phố Ninh Ba, Hồ Châu, Hàng Châu và một số nơi khác của tỉnh Chiết Giang. Ông đi vào cảng biển, xí nghiệp, các khu nông thôn…
Tuy nhiên, có một điều đáng chú ý là một số bức ảnh được truyền thông nhà nước Trung Quốc công bố cho thấy ông Tập không đeo khẩu trang khi trò chuyện với người dân.
Chẳng hạn một bức ảnh chụp hôm 30-3 cho thấy cảnh ông Tập đến thăm người dân ở thôn Dư, thị trấn Thiên Hoang Bình ở Hồ Châu. Ông đứng cách khoảng từ 1-2 mét, không đeo khẩu trang khi thăm hỏi người dân. Các quan chức Trung Quốc đi cùng ông cũng không đeo khẩu trang.
Ngoài ra còn có một bức ảnh khác chụp tại thành phố Ninh Ba khi ông Tập thị sát một cảng biển, trong đó cho thấy ông và các quan chức Trung Quốc không đeo khẩu trang. Trước đó, các ảnh chụp trong chuyến thăm Vũ Hán ngày 10-3 của ông Tập đều cho thấy ông đeo khẩu trang.
Báo South China Morning Post dẫn lời của nhà bình luận Trương Lập Phàm ở Bắc Kinh nhận định chuyến thăm của ông Tập tại Chiết Giang là một “tín hiệu rõ ràng cho thấy dịch COVID-19 đã gần kết thúc và rằng người dân nên quay lại làm việc”.
Ông Trương cho rằng Chiết Giang nằm trong số những tỉnh đứng đầu Trung Quốc về mặt phát triển kinh tế và do đó ông Tập có thể hi vọng tỉnh này sẽ dẫn đầu nỗ lực của cả nước để khôi phục sản xuất, kinh doanh.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/33884-ong-tap-thao-khau-trang-di-gap-dan-tq-sap-het-dich.html
Sai lầm và sự ganh đua giữa Mỹ và TQ
trong chống dịch Covid-19
Cả hai cường quốc này đã có những sai lầm lúc đầu trong cuộc chiến chống Covid-19. Mỹ và Trung Quốc tiếp tục cạnh tranh cả trong quá trình này.Phản ứng trước đại dịch Covid-19 trong giai đoạn đầu
Mỹ và Trung Quốc đã phạm nhiều sai lầm trong giai đoạn đầu chống dịch Covid-19. Cả hai quốc gia này lúc đầu đều đánh giá thấp mối nguy hiểm từ dịch Covid-19, khiến dịch bệnh có điều kiện bùng phát mạnh.
Ở Trung Quốc, nhiều sai lầm từ đại dịch SARS đã bị lặp lại. Còn ở Mỹ, Tổng thống Trump dường như bận tâm đến cuộc bầu cử vào tháng 11 năm nay và cho rằng thông tin về đại dịch Covid-19 chỉ là sự phóng đại, từ đó ông không huy động kịp thời trang thiết bị và nhân lực y tế để chặn đứng dịch ngay từ đầu.
Tuy nhiên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau đó đã quyết tâm hành động để thay đổi tình hình, và cho đến nay có vẻ như đã nhanh tay hơn Tổng thống Mỹ Donald Trump trong ứng phó với Covid-19.
Nước Mỹ có lợi thế là có thêm thời gian chuẩn bị do dịch xảy sau Trung Quốc. Thế nhưng, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Mỹ hiện nay còn nghiêm trọng hơn cả ở Trung Quốc cả về số ca nhiễm lẫn số ca tử vong do bệnh này.
Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ cho rằng Tổng thống Trump ban đầu đã quá lo lắng về thị trường chứng khoán hơn là lo chống dịch bảo vệ dân.
Theo chỉ số Soft Power 30 thì năm 2019, quyền lực mềm của Mỹ đã bị tụt xuống vị trí thứ 5 trên toàn cầu, trong khi vị trị của họ năm 2016 (trước thời điểm ông Trump lên làm Tổng thống) là số 1 toàn cầu.
Trong khi đó, cùng năm 2019, Trung Quốc vươn lên vị trí số 27 nhờ vào các hoạt động văn hóa, thể thao, và giáo dục của nước này.
Cạnh tranh hình ảnh quốc tế trong cuộc chiến chống Covid-19
Trước thực tế này, Mỹ dường như muốn thay đổi tình hình khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vào cuối tháng 3 này công bố thêm 274 triệu USD trợ giúp y tế và cứu trợ thảm họa cho các nước có nguy cơ cao nhất thế giới.
Ông Pompeo nói rằng Mỹ sẽ tiếp tục dẫn dắt cuộc chiến toàn cầu chống lại virus gây bệnh Covid-19. Ông nói thêm rằng Mỹ là quốc gia viện trợ nhân đạo lớn nhất thế giới và sẵn sàng đón nhận các khoản quyên góp của nước ngoài nếu không bị gắn điều kiện rằng buộc.
Jude Blanchette, một chuyên gia của CSIS, cho rằng phản ứng này từ phía Mỹ là thụ động, đi sau các nước và nếu Mỹ có phản ứng này sớm hơn thì sẽ được đánh giá tích cực hơn.
Nhưng Trung Quốc cũng bị đánh giá là đã quá đà trong phản ứng với Mỹ. Vì phía Trung Quốc đã tung ra giả thuyết về việc Mỹ đã đưa virus SARS-CoV-2 vào Vũ Hán (Trung Quốc).
Động thái này của Trung Quốc đã vấp phải phản ứng tức giận từ phía Washington. Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã tố Bắc Kinh là tung tin lạ đời. Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc còn đăng lên mạng xã hội Twitter tuyên bố chưa được chứng minh về việc Italy là nơi… dịch Covid khởi phát.
Jessica Chen Weiss, giáo sư tại Đại học Cornell, cho rằng đây là một điều lạ vì Trung Quốc đã công kích Mỹ theo đúng phong cách của ông Trump.
Chuyên gia Blanchette cho rằng tuyên truyền của Trung Quốc ra nước ngoài chỉ có hiệu lực nhất khi đi kèm với các lợi ích vật chất.
Về việc viện trợ hàng, một số chuyên gia cho rằng “ngoại giao khẩu trang” của Trung Quốc chỉ mang tính ngắn hạn và mang tính trao đổi.
Trong trường hợp cứu trợ Italy, mặc dù Bắc Kinh ồn ào ca ngợi động thái cứu trợ đó nhưng Lucrezia Poggetti – một nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Trung Quốc Lucrezia Poggetti của Đức cho rằng hàng của Trung Quốc chỉ đơn giản là được đem bán hoặc cung cấp theo dạng tặng để đáp lại Hội Chữ Thập Đỏ Italy đã giúp đỡ họ tương tự trước đó.
Trong khi đó, các gói viện trợ khẩu trang và bộ kit xét nghiệm Trung Quốc gửi tới Tây Ban Nha, Hà Lan, và Thổ Nhĩ Kỳ đã được thông báo là có lỗi về mặt chất lượng.
Josep Borrell, điều phối viên chính sách đối ngoại và an ninh hàng đầu của Liên minh châu Âu, lo ngại rằng Trung Quốc đang tranh thủ gửi đi thông điệp rằng mình là một đối tác có trách nhiệm và đáng tin cậy. Còn Đại sứ Trung Quốc tại Hà Lan, Xu Hong, phủ nhận chuyện gây ảnh hưởng chính trị và khẳng định Trung Quốc đơn giản là đang nỗ lực cứu sinh mạng con người.
Khu vực châu Phi có vẻ rất nhiệt tình đón nhận sự trợ giúp từ Trung Quốc, nhưng đó là do họ không quan tâm ai là nhà cung cấp viện trợ.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/33879-sai-lam-va-su-ganh-dua-giua-my-va-tq-trong-chong-dich-covid-19.html
TQ phục hồi sản xuất
Hoạt động của các nhà máy tại Trung Quốc trong tháng 3 khôi phục nhanh sau thời thời gian đình trệ thê thảm trong tháng trước đó, nhưng các nhà phân tích cảnh báo rằng sự phục hồi trong thời gian ngắn sẽ không được đảm bảo khi cuộc khủng hoảng coronavirus toàn cầu làm tiêu tan nhu cầu nước ngoài và đe dọa gây ra suy thoái kinh tế.Chỉ số mãi lực của Trung Quốc (PMI) đã tăng lên 52 trong tháng 3 từ mức thấp kỷ lục 35,7 trong tháng 2, Cục Thống kê quốc gia (NBS) cho biết hôm qua. Cứ 50 điểm trở lên là nền kinh tế thoát khỏi nguy cơ suy thoái.
Các nhà phân tích được hãng tin Reuters hỏi ý kiến đã dự kiến PMI tháng 3 của Trung Quốc sẽ ở mức 45.
NBS cho rằng sự phục hồi PMI từ mức thấp kỷ lục trong tháng 2 không báo hiệu sự ổn định trong hoạt động kinh tế.
Quan điểm đó được nhiều nhà phân tích chia sẻ, khi cảnh báo về một giai đoạn phải vật lộn tiếp theo đối với các doanh nghiệp và nền kinh tế Trung Quốc do sự lây lan nhanh chóng của virus trên khắp thế giới, tình trạng bế quan tỏa cảng chưa từng thấy ở một số quốc gia và viễn cảnh gần như chắc chắn về suy thoái kinh tế toàn cầu.
“Điều này (sự phục hồi PMI) không có nghĩa là sản lượng bây giờ đã trở lại ở mức trước khi nổ ra dịch bệnh. Thay vào đó, nó chỉ đơn giản gợi ý rằng hoạt động kinh tế đã cải thiện một cách khiêm tốn so với tháng 2, nhưng vẫn ở dưới mức trước đây”, Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế cấp cao của hãng tư vấn kinh tế Capital Economics tại Trung Quốc nói trong một văn bản gửi tới khách hàng.
Tác động mang tính càn quét của đại dịch đối với sản xuất đã được thể hiện rất rõ tại hai nền kinh tế lớn của châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc. Tại Nhật Bản, công nghiệp tăng trưởng với tốc độ chậm hơn trong tháng 2 và các nhà máy dự kiến sẽ giảm mạnh tốc độ tăng trưởng trong tháng này, trong khi sản xuất tại Hàn Quốc thu hẹp ở với quy mô lớn nhất trong 11 năm qua.
Các nhà kinh tế đã dự báo mức sụt giảm mạnh tổng sản phẩm quốc nội quý đầu tiên của Trung Quốc. Một số người kỳ vọng mức sụt giảm trong năm nay là 9% trở lên và đây là mức kỷ lục, lần đầu tiên trong ba thập kỷ.
Nhiếp Văn, chuyên gia kinh tế của công ty tín thác Hwabao Trust có trụ sở tại Thượng Hải, nói ngoài các đơn hàng xuất khẩu nhỏ, lưu kho tăng và giá giảm, vấn đề cơ bản mà các nhà sản xuất Trung Quốc phải đối mặt là nhu cầu thị trường thấp.
Hơn một nửa số người được hỏi trong khảo sát của Reuters nói doanh nghiệp thiếu nhu cầu thị trường và 42% nói gặp vấn đề tài chính, cả hai chỉ số này đều tăng so với tháng trước.
Vấn đề lớn nhất mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt trong quý II là nhu cầu nước ngoài sụt giảm, ông Nhiếp nói và rằng các nhà chức trách có thể sẽ ban hành nhiều chính sách hơn ngoài hàng tỷ USD được bơm vào hệ thống tài chính kể từ tháng 2 nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/33877-tq-phuc-hoi-san-xuat.html
Ý kiến chuyên gia: Sự tương phản về bản chất
giữa Trung Quốc và các nước láng giềng
Duy NghĩaÔng Michael Barone, thành viên của Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), cho rằng sự tương phản giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, cho thấy đặc tính thực sự của chính quyền Bắc Kinh.
Nhận xét về cách mà các quốc gia xử lý đại dịch Covid-19 hiện nay, ông Barone cho hay sự tương phản giữa các quốc gia ở 2 phía của cái gọi là ‘Bức màn sắt’ châu Á, là rõ rệt nhất.
“Bức màn sắt”, có thể hiểu theo cả nghĩa vật lý lẫn biểu tượng của từ này, là một ẩn dụ về chính trị, để chỉ sự chia cắt thời Chiến tranh lạnh của Châu Âu, và nay đã được ông Barone sử dụng cho châu Á.
“Đó là một sự tương phản, cho chúng ta biết nhiều về cách xử lý dịch bệnh, và cách các sự kiện trong quá khứ xa xưa, có thể quyết định số phận của hàng trăm triệu người ngày nay”, ông Barone giải thích.
Theo ông Barone, một bên của ‘Bức màn sắt châu Á’ là Trung Quốc, nơi mà chủng virus corona mới rõ ràng được lây truyền từ động vật sang người. “Ở đó, chính phủ đã cố tình nói dối về việc lây truyền từ người sang người, đã ngược đãi đến mức các bác sĩ cảnh báo về sự nguy hiểm của dịch bệnh, đã nhiễm bệnh mà chết, và gần như chắc chắn chính phủ vẫn đang nói dối về sự thật lây lan của virus”.
Ở phía bên kia của ‘Bức màn sắt này’ là những nước, dường như đã ứng phó thành công nhất với đại dịch, [bao gồm]: Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, và Hồng Kông.
Ba trong bốn nước này là những nước với dân tộc chính là người Hoa. Đài Loan, Hàn Quốc và Singapore đều là những nước dân chủ, theo tinh thần thượng tôn pháp luật, còn Hồng Kông rõ ràng cũng mong muốn đạt được như vậy. Để đối phó với Đại dịch Covid-19, họ đã:
Đài Loan tăng cường sàng lọc hành khách bay đến từ Trung Quốc. Họ cũng sản xuất và phân phối số lượng kỷ lục khẩu trang và cách ly nghiêm ngặt.
Hàn Quốc đã áp dụng một chương trình xét nghiệm và theo dõi tiếp xúc rộng lớn.
Hồng Kông đã giảm số lượng người Trung Quốc qua biên giới đường bộ từ mức trung bình 300.000 người mỗi ngày xuống còn 750 người và áp đặt cách lý nghiêm ngặt.
Singapore đã cách ly bắt buộc đối với hành khách hàng không nhập cảnh đến và truy tìm nguồn gốc truyền bệnh nghiêm ngặt.
Tất cả 4 quốc gia này đã có số người chết tương đối thấp và dường như đang trên đường ngăn chặn [một cách hiệu quả] sự lây lan của dịch bệnh. “Tất cả đã làm một cách minh bạch, đây là một sự tương phản đậm nét với sự che giấu và dối trá là thông lệ bình thường ở Trung Quốc”, ông Barone nhận xét.
Ông Barone cho rằng “bản chất chế độ tạo ra sự khác biệt to lớn”, có thể minh họa một phần nào như trong bức ảnh của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld về bán đảo Triều Tiên vào ban đêm, với một Hàn Quốc sáng rực rỡ và Triều Tiên gần như tối đen hoàn toàn.
Theo ông Barone, “Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore và Hồng Kông đã chỉ ra cách mà người dân, được nuôi dưỡng và lớn lên trong các nền văn hóa truyền thống Trung Hoa, tôn trọng luật pháp, có thể vận hành tốt trong một tình huống căng thẳng, không lường trước được”.
Không khó để nhận thấy Đông Á và thế giới sẽ tốt hơn thế nào nếu như hơn một tỷ người dân Trung Quốc đại lục có thể sống dưới chế độ thượng tôn pháp luật như vậy. Nhưng [sự tốt đẹp] đó đã bị tước đi khi Hồng quân, do Mao Trạch Đông lãnh đạo, tuyên bố chiến thắng trong cuộc nội chiến Trung Quốc, và lên nắm quyền hơn 70 năm qua, từ tháng 9/1949.
Nỗi ân hận vì sự kiện đáng tiếc đó phần lớn đã bị chìm đi trong các ‘diễn ngôn’ chính trị của các nhà lãnh đạo Mỹ, kể từ khi chiến dịch “Ai đã đánh mất Trung Quốc” của [cựu thượng nghị sĩ] Joe McCarthy vào đầu những năm 1950, đã không được hưởng ứng. Trong các chiến dịch này, ông McCarthy cáo buộc Tổng thống Harry Truman và Tướng George Marshall là những người ủng hộ cộng sản, vì đã phản đối việc viện trợ quân sự cho quân đội Tưởng Giới Thạch.
Hai thập kỷ sau, [Tổng thống Mỹ] Richard Nixon và [ngoại trưởng] Henry Kissinger đã tiên phong đưa ra một chính sách mới về sự tham gia chiến lược với Trung Quốc.
Các tổng thống Mỹ sau đó đã ủng hộ thương mại ngày càng tăng với Trung Quốc, bao gồm cả việc bình thường quan hệ thương mại vào năm 2000. Các chính quyền Mỹ trước đây hy vọng Trung Quốc sẽ trở thành một “bên liên quan, có trách nhiệm” trong hệ thống quốc tế, và sẽ dân chủ hơn.
Cho rằng những hy vọng đó rõ ràng đã tiêu tan, ông Barone giải thích: “[Thứ nhất], các sản phẩm giá thành thấp do Trung Quốc sản xuất, mà người Mỹ đang mua, có lẽ [đã khiến thế giới phải trả] một cái giá quá đắt. [Thứ hai], Trung Quốc của ông Tập Cận Bình đã trở nên thù địch rõ rệt hơn đối với nhân quyền ở trong nước, và hăm dọa nhiều hơn ở nước ngoài”.
Theo ông Barone, bất chấp những mưu toan che đậy [của Bắc Kinh], đại dịch COVID-19 đã khiến cả 2 khía cạnh này của chính quyền Trung Quốc, được nhìn thấy rõ. Sự tương phản với những câu chuyện thành công của Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông và Singapore là không thể rõ ràng hơn.
“Tất nhiên, không ai có thể thay đổi những gì đã xảy ra vào năm 1949. Không giống như Nga, ĐCSTQ dường như cố thủ quyền lực sau 60 năm và 10 năm. Nhưng ít nhất chúng ta có thể ân hận về chiến thắng của Mao và hy vọng rằng các nước láng giềng Đông Á của Trung Quốc là làn sóng của tương lai, chứ không phải Trung Quốc”, ông Barone kết luận.
Theo Washington Examiner
Duy Nghĩa dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/y-kien-chuyen-gia-su-tuong-phan-ve-ban-chat-giua-trung-quoc-va-cac-nuoc-lang-gieng.html
Nghi vấn
về báo cáo tử vong COVID-19 ở thủ đô Indonesia
Con số các đám tang tại Jakarta tăng mạnh trong tháng 3, một dấu hiệu mà đô trưởng thủ đô Indonesisa cho rằng số người chết vì virus corona chủng mới có thể cao hơn báo cáo của các giới chức.Gần 4.400 đám tang được cử hành trong tháng 3, cao hơn 40% trong bất kỳ tháng nào kể từ tháng 1 năm 2018, theo như Reuters xem lại số thống kê của Sở Công viên và Nghĩa trang thành phố. Con số cao thứ nhì trong giai đoạn này là tháng 3/2019, với gần 3.100 đám tang.
Jakarta là tâm điểm lây nhiễm của virus corona tại Indonesia, với 971 ca và 90 người chết, hay gần môt nửa con số của cả nước về lây nhiễm và tử vong, theo dữ liệu của chính phủ trung ương.
Đô trưởng Jakarta, Anies Baswedan, và một vài chuyên gia y tế công cộng nghi là con số lây nhiễm và tử vong tại Jakarta đã không được báo cáo đầy đủ vì nước này là một trong những nước có tỉ lệ xét nghiệm thấp nhất thế giới.
“Thật là quá xấu hổ,” ông Baswedan nói với Reuters ngày 3/4, khi đề cập đến thống kê tang lễ.
Một viên chức cao cấp Bộ Y tế không trả lời điện thoại và tin nhắn yêu cầu bình luận về thống kê đám tang. Một phát ngôn viên của Tổng thống Joko Widodo cũng không trả lời yêu cầu bình luận.
Con số của Sở Công viên và Nghĩa trang không đưa ra lý do tử vong, nhưng không có dịch bệnh mới nào khác được báo cáo tại Jakarta trong giai đoạn này và cũng không có thiên tai lớn.
Indonesia đã hầu như tăng gấp đôi các vụ xét nghiệm trong tuần qua và đã chỉ thực hiện được 7.621 xét nghiệm tại một nước có hơn 260 triệu dân.
Tính đến ngày 3/4, Bộ Y tế báo cáo tổng số ca lây nhiễm là 1986 và số người chết vì COVID-19 là 181, cao nhất tại Châu Á, ngoài Trung Quốc.
Thủ tục đối phó với COVID-19
Nhân viên bệnh viện và những người làm dịch vụ tang lễ đặc biệt cẩn thận đối với xác chết của 438 người bị nghi là nạn nhân của COVID-19 trong thời gian từ 6/3 đến 2/4, theo văn phòng đô trưởng.
Theo các thủ tục, người lo việc mai táng khử trùng và quấn xác chết bằng plastic thay vì bằng vải theo thủ tục Hồi Giáo. Indonesia là nước đa số người dân theo Hồi giáo nhiều nhất trên thế giới.
Indonesia đang chống chọi với virus corona bùng phát bằng cách áp dụng chính sách cách ly xã hội, nhưng Tổng thống Joko Widodo chống các biện pháp đóng cửa khắc khe được nhiều nước áp dụng kể cả các nước láng giềng của Indonesia.
Ông Widodo nói rằng ông muốn bảo vệ những người nghèo vì kinh tế suy thoái.
Ông Baswedan, đối thủ chính trị của ông Widodo, đã áp đặt những biện pháp nghiêm ngặt hơn tại Jakarta, nơi ông đã ban bố tình trạng khẩn cấp và đóng cửa trường học, nhiều của tiệm.
Tuy nhiên lời kêu gọi cấm đi lại bằng xe búyt từ Jakarta đến các nơi khác của Indonesia trong một nỗ lực ngưng virus lây lan bị chính phủ bác bỏ.
Giữa những lo ngại là cuộc hành hương hàng năm tại đảo quốc này trong ngày lễ Ramadan của Hồi Giáo sẽ làm dịch bệnh bùng phát gia tăng, ngày 2/4 Indonesia loan báo sẽ cho tiền những người nghèo để họ ở lại Jakarta.
Tuy nhiên, chính phủ bác bỏ lời kêu gọi cấm lễ “mudik” như tên gọi của địa phương, vì không muốn đưa ra những biện pháp quá mạnh tay.
Virus corona đã lây lan vượt quá Jakarta. Virus được phát hiện tại 32 trong số 34 tỉnh của nước này và trong tuần lễ này, hầu hết các ca xảy ra bên ngoài Jakarta, theo như dữ liệu của chính phủ trung ương.
https://www.voatiengviet.com/a/nghi-v%E1%BA%A5n-v%E1%BB%81-b%C3%A1o-c%C3%A1o-t%E1%BB%AD-vong-covid-19-%E1%BB%9F-th%E1%BB%A7-%C4%91%C3%B4-indonesia-/5359612.html
0 comments