Tin Biển Đông – 04/04/2020
Việt Nam phản đối
Trung Quốc đâm chìm tàu cá ở Hoàng Sa
Bình luậnNguyễn Sơn
Việt Nam phản đối và yêu cầu Trung Quốc bồi thường cho tàu cá bị đâm chìm ở đảo Phú Lâm, Hoàng Sa.
Bộ Ngoại giao đã trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm vụ nhân viên công vụ và tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa.
Ngày 3/4, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc một tàu cá ở Quãng Ngãi cùng 8 ngư dân Việt Nam bị đâm chìm tại khu vực đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết:
Theo thông tin từ các cơ quan chức năng của Việt Nam, tàu cá QNg 90617 TS và 8 ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm.
Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Hành động trên của tàu công vụ Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, gây thiệt hại về tài sản, đe doạ an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân và Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình và không có lợi cho quan hệ hai nước cũng như việc duy trì hoà bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.
Hôm 2/4, tàu cá QNg 90617 TS và 8 ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại khu vực đảo Phú Lâm, vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm lúc 3h sáng.
Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi cho biết sau khi đâm chìm, tàu Trung Quốc đã vớt 8 ngư dân, đưa về đảo Phú Lâm. Khi nhận tin báo về tàu bị đâm chìm, ba tàu cá khác của ngư dân Việt Nam cùng đến ứng cứu nhưng bị phía Trung Quốc truy đuổi. Hai tàu bị tàu Trung Quốc bắt, lai dắt vào đảo Phú Lâm. Đến 18h ngày 2/4, Trung Quốc thả hai tàu cá và 8 ngư dân.
Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 3/4 đã trao công hàm phản đối cho Đại sứ quán Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu hải cảnh Trung Quốc nêu trên, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thoả đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.
“Lưỡi bò” trong mùa Covid-19
“Nghiên cứu khoa học” – đó chỉ là danh nghĩa nhằm đánh lừa và tránh phản ứng của dư luận. Cái gọi là “trạm nghiên cứu khoa học” kia rất có thể là một cái gì khác gắn với quân sự, hoặc nghiên cứu để phục vụ mục đích quân sự phi pháp của TQ.
Tháng 5/2015, TQ cho tàu nạo vét khu vực đá Vành Khăn thuộc chủ quyền của VN.
Hiển nhiên, không ai nghĩ bàn chuyện cái lưỡi thực của con bò. Đây là chuyện biển Đông, chuyện liên quan “đường chín đoạn” mà nhiều người gọi là “đường lưỡi bò” để mỉa mai cũng như lột tả sự tham lam của Trung Quốc.
Dẫu đã qua đỉnh dịch Covid-19, những tưởng thiệt hại nghiêm trọng về người cũng như cơ man các thiệt hại to lớn khác sẽ buộc TQ phải cắn răng gác ra một bên câu chuyện biển Đông để lo phục hồi kinh tế.
Vậy mà không, mặc cho công việc chống dịch còn bộn bề trên bờ, Bắc Kinh vẫn triển khai các việc làm ngang ngược. Thậm chí, họ còn coi đây như cơ hội để lấn thêm một bước trong hành trình hiện thực hóa tham vọng biến biển Đông thành “ao nhà” của họ.
Bằng chứng ư ? Thì đây, chính Tân Hoa Xã, hãng thông tấn chính thức của TQ, ngày 20/3đã công khai đưa tin Trung tâm Nghiên cứu Tổng hợp Đảo và Đá thuộc Viện Hàn lâm Khoa học TQ (CAS) đã khánh thành 2 trạm nghiên cứu trên Đá Chữ Thập và Đá Subi (TQ gọi là Yongshu và Zhubi), thuộc quần đảo Trường Sa – nơi nhiều quốc gia cùng có tuyên bố chủ quyền, trong đó có VN, PLP, Malaysia, Indonesia.
Dường như đề phòng sự nghi ngờ, phản đối của dư luận, các cơ quan truyền thông TQ giải thích thêm một cách cụ thể: hai trạm nghiên cứu Yongshu và Zhubi được trang bị các phòng thí nghiệm sinh thái học, địa chất học và môi trường, sẽ hỗ trợ các nhà khoa học làm việc trên thực địa, lấy mẫu và nghiên cứu khoa học trên quần đảo “Nam Sa” (tên TQ đặt cho quần đảo Trường Sa). Các cơ sở nghiên cứu này cũng sẽ giúp “cải thiện năng lực quan sát thực địa và thí nghiệm về sinh thái học, địa chất học, môi trường, vật liệu và tối ưu hóa năng lượng từ biển trong môi trường biển nhiệt đới”.
Đương nhiên, cho dù vậy, dư luận chẳng dễ tin giải thích nêu trên.
Miệng lưỡi của Bắc Kinh, ai còn lạ. Nhiều lần ra rả, đề cao ý nghĩa, tầm quan trọng và sứ mạnh bảo tồn, giữ gìn môi trường biển, vậy mà thực tế, chính TQ là quốc gia phá hoại, làm biến dạng nhiều nhất các thực thể biển trong nhiều năm qua.
Ai, nếu không phải là TQ, đã tiến hành cải tạo với quy mô lớn các thực thể là bãi đá ngầm đang do nước này chiếm hữu, thuộc quần đảo Trường Sa thành các đảo nhân tạo với diện tích lớn ngang cấp độ các đảo tự nhiên lớn nhất ở quần đảo Trường Sa.
Ai nếu không phải là TQ, đã xua hàng đàn tàu cá, đánh bắt một cách bừa bãi dẫn đến nguy cơ cạn kiệt các nguồn lợi thủy sản trên biển Đông…
Vậy nên, nhiều người cho rằng, “nghiên cứu khoa học” – đó chỉ là danh nghĩa để đánh lừa và tránh sự phản ứng quyết liệt của dư luận. Đằng sau cái được gọi là “trạm nghiên cứu khoa học” kia rất có thể là một cái gì khác gắn với quân sự, hoặc nghiên cứu để phục vụ mục đích quân sự phi pháp của TQ.
Chẳng thế mà TS Satoru Nagao, làm việc tại Viện Nghiên cứu Hudson (Mỹ), đã chỉ rõ rằng mục đích của việc xây dựng các cơ sở nghiên cứu trên là để phục vụ quân sự chứ không phải “nghiên cứu khoa học”.
Vẫn theo TS Nagao, trên thực tế, TQ đang cần thu thập thông tin để củng cố khả năng kiểm soát các thực thể nhân tạo mà họ chiếm giữ phi pháp. Ngay cả việc bảo tồn nước ngọt hay hệ sinh thái thực vật để đảm bảo môi trường sống cho lực lượng binh sĩ mà TQ đồn trú tại đây cũng rất quan trọng, nếu TQ muốn duy trì vững chắc lực lượng quân sự để khống chế biển Đông, chống lại sự đòi hỏi chính đáng của các nước liên quan trong khu vực và các cường quốc, nhất là Mỹ.
Và ngoài việc lợi dụng các quốc gia vùng duyên hải cùng có đòi hỏi chủ quyền ở biển Đông đang vướng bận với cuộc chiến chống Covid-19 để tiến hành xây dựng các “trạm nghiên cứu” như một thủ đoạn của kẻ bất lương, TQ còn muốn thể hiện, khẳng định rằng, họ đã và đang kiểm soát khu vực vùng biển này, qua đó bình thường hóa một việc làm phi pháp bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.
0 comments