Đọc báo Pháp – 17/04/2020
Chiến dịch ngoại giao hậu Covid-19
của Trung Quốc bị phản công
Anh Vũ
Nhiều nước trên thế giới đang dồn hết sức cho cuộc chiến chống đại dịch, đồng thời lo mở mặt trận mới thời kỳ hậu Covid-19. Còn Trung Quốc, dường như vừa thoát nạn, đã bước ngay vào thời kỳ sau dịch bằng một chiến dịch ngoại giao gây ảnh hưởng với bên ngoài.
Đây cũng là sự kiện chính của nhật báo Le Figaro với hàng tựa trang nhất : « Bộ máy tuyên truyền Trung Quốc làm phần còn lại của thế giới khó chịu ». Tờ báo dành 2 trang « Sự kiện » nói về Trung Quốc, cho thấy một thực tế là « từ Đài Loan đến châu Phi, qua châu Âu, chính sách ngoại giao hậu virus corona của cường quốc thứ 2 thế giới đang vấp phải trở ngại ngày càng lớn, vào lúc mà Trung Quốc đang muốn viết lại lịch sử đại dịch bùng lên từ Vũ Hán, theo cách có lợi cho họ ».
Le Figaro ghi nhận từ nhiều tuần nay, Bắc Kinh ra sức tán dương tính hiệu quả của « mô hình Trung Quốc » trong chống dịch bằng cách nhấn vào nỗi đau của các nước phương Tây đang ngập chìm trong Covid-19. Nhưng tờ báo cũng nhận thấy cuộc tấn công ngoại giao đó của Trung Quốc không những khó thuyết phục được ai mà còn đang bị công dân mạng và chính giới phản công dữ dội.
Bắt đầu là cuộc chiến trên mạng xã hội ở Đông Nam Á, được khởi phát từ sau khi các cư dân mạng dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc ồ ạt « ném đá » vào một ngôi sao người mẫu Thái, cô Weeraya Sukaram, vì đã tung lên mạng xã hội giả thuyết cho rằng virus corona có xuất xứ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Ngay lập tức, từ Bangkok đến Đài Loan qua Hồng Kông, giới trẻ ủng hộ dân chủ liên kết với nhau qua mạng xã hội lao vào « ứng cứu » cô người mẫu Thái nổi tiếng đang bị người Trung Quốc tấn công.
Họ lập thành một mặt trận lấy tên gọi « Liên minh trà sữa », lấy cảm hứng từ thức uống đang rất thịnh hành trong giới trẻ đô thị châu Á. « Liên minh trà sữa » chủ trương chống Trung Quốc quyết liệt và lôi cuốn rất đông giới trẻ Thái Lan cũng như các nước khác trong vùng hưởng ứng.
Le Figaro nhận định « thái độ dè chừng của giới trẻ Thái là dấu hiệu cho thấy giới hạn của « quyền lực mềm » Trung Hoa đối với các nước láng giềng Đông Nam Á, khu vực chiến lược trong « Con đường tơ lụa mới » của Tập Cận Bình » và cũng là một mắt xích trong cuộc chiến giành ảnh hưởng với nước Mỹ của tổng thống Donald Trump.
Sebastian Strangio, một chuyên gia thuộc đại học báo chí Yale Hoa Kỳ được tờ báo trích dẫn, nhận xét: « Dịch bệnh làm bùng phát tâm lý bài Trung Quốc đã tiềm ẩn trong dân chúng ASEAN ».
Thất bại của chính sách đánh bóng lại hình ảnh
Ở cấp độ quốc gia, Le Figaro nhận thấy, những ngày qua ngoại giao Trung Quốc liên tiếp nhận được những thất bại.
Chẳng hạn ngoại trưởng Pháp cho triệu mời đại sứ tại Paris để phản đối về những phát ngôn, nhận xét không đúng mực về cách xử lý dịch của Pháp. Đồng nhiệm Kazakhstan cũng lên tiếng cảnh cáo Bắc Kinh về thái độ ngạo mạn tương tự. Hàng loạt nước châu Phi cũng lên án Trung Quốc « kỳ thị chủng tộc » đối với kiều dân của họ ở Quảng Đông dưới cớ kiểm soát dịch Covid-19 …
Theo các chuyên gia chính trị được tờ báo trích dẫn thì chiến dịch tấn công ngoại giao của Trung Quốc nhằm xóa đi phần trách nhiệm của Trung Quốc trong việc để dịch bùng phát, đi kèm theo đó là mục tiêu đối nội để khẳng định tính vượt trội của chế độ độc đảng dưới sự dẫn dắt của Tập Cận Bình. Hôm 23/02, ông Tập từng tuyên bố : « Cuộc khủng hoảng này một lần nữa cho thấy ưu thế hơn hẳn của hệ thống xã hội chủ nghĩa mang đặc thù Trung Quốc ». Nhà nghiên cứu chính trị độc lập Chen Daoyin nhận định : « Trận dịch đã củng cố quyền lực của Tập Cận Bình, nhờ việc tuyên truyền dựng lên huyền thoại Trung Quốc cứu cả thế giới bằng cách nhấn vào cảnh bấn loạn của phương Tây ».
Tuy nhiên, theo tờ báo, những phát giác mới nhất cho thấy các lãnh đạo Trung Quốc đã biết nguy cơ dịch từ ngày 14 tháng Giêng nhưng không báo động cho dân chúng, trong suốt 6 ngày để mặc cho Vũ Hán tổ chức bữa tiệc tập thể tập trung hàng nghìn người và dẫn đến dịch bùng lên rồi lây lan ra khắp thế giới như bây giờ.
Theo một hướng phân tích khác của Le Figaro, chiến dịch ngoại giao khẩu trang, thiết bị y tế, hỗ trợ nhân viên y tế của Bắc Kinh đối với các nước phương Tây đang gặp khó khăn dịch bệnh còn có một mục đích vụ lợi khác. « Đối với đảng Cộng Sản Trung Quốc cuộc khủng hoảng dịch bệnh này có thể kéo theo khủng hoảng kinh tế xã hội, chính trị ở trong nước, nhất là khi nước ngoài giảm đầu tư vào Trung Quốc », chuyên gia Chen nhận định. Nếu Bắc Kinh tạo dựng được hình ảnh đẹp với bên ngoài thì sẽ giảm bớt được nguy cơ đó.
Bài báo nhấn mạnh, chế độ Bắc Kinh đang chuẩn bị hứng cú sốc mạnh về kinh tế trong những tháng tới với nạn thất nghiệp, phá sản hàng loạt, bên cạnh đó là mối đe dọa xảy ra làn sóng virus corona thứ 2. Việc các nước xem lại chức năng « công xưởng thế giới » của Trung Quốc sẽ là điều đáng sợ nhất trong mắt các « ông quan đỏ ». Vì thế mà « quyền lực mềm » sẽ là thách thức chiến lược đối với Trung Quốc lúc này.
Thế giới đốn củi ba năm đốt 1 giờ vì Covid-19
Song song với cuộc chiến chống Covid-19, một mặt trận thứ 2 đang mở ra khắp thế giới không kém phần khốc liệt là kinh tế. Nhật báo Công giáo La Croix có bài « Nhiều tỷ để giảm sốc ».
Khắp nơi trên thế giới, các nước đều đang đôn đáo tìm mọi cách để huy động hàng tỷ đô la, cố cứu nền kinh tế đang dính bẫy trong khủng hoảng virus corona. Những ngày qua, chính phủ ở khắp nơi liên tục thông báo về các nguồn tài chính, trợ giúp trực tiếp các doanh nghiệp, hỗ trợ việc làm …
La Croix ghi nhận « Người ta không thể tính phải cần bao nhiêu lít nước khi dập tắt một vụ hỏa hoạn ». Đối phó với mức độ tràn lan nhanh chóng của virus corona và hoạt động kinh tế bị đình lại vì phong tỏa trên khắp hành tinh, các kế hoạch hỗ trợ, từ các hộ gia đình cho đến các doanh nghiệp, đã lên tới số tiền hàng tỷ tỷ. Thế giới đang bước vào một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ năm 1930.
La Croix cho biết hành động đầu tiên là từ các ngân hàng trung ương. Tất cả các ngân hàng của các nước mới trỗi dậy cũng như đã phát triển, từ Hoa Kỳ cho đến khu vực đồng euro đều đồng loạt có những hành động khẩn cấp mạnh mẽ hơn rất nhiều thời khủng hoảng tài chính 2008, sẵn sàng tung nhiều nghìn tỷ euro để mua trái phiếu, cổ phần nhằm giữ cho lãi suất vay tiền trên thị trường tài chính không quá cao.
Bên cạnh đó, các công ty, hộ gia đình còn phải được hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Nhà nước. Con số này cũng lại là hàng nghìn tỷ. Đúng là cả thế giới đang trong tình cảnh đốn củi bao nhiêu năm nay phải mang đốt trong một giờ.
Cũng trong chủ đề kinh tế, nhật báo Les Echos chạy tựa lớn « Một thế giới không du lịch ». Tờ báo cho biết, ngành du lịch chiếm tỷ trọng 10% GDP của thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất. Năm nay dự tính lượng du khách sẽ giảm từ 20 đến 30%. Kéo theo đó là rất nghiều ngành nghề ăn theo du lịch như nhà hàng, khách sạn, du thuyền, hàng không … cũng điêu đứng. Hàng loạt nước đang tính đến các giải pháp hậu Covid để cứu ngành công nghiệp không khói.
Trong khi đó, Libéation ghi nhận một cách hình ảnh : « Tại Hoa Kỳ, thất nghiệp vẫn không ngừng lây lan ». Tờ báo cho biết : « Với khủng hoảng kinh tế do dịch Covid-19 kéo theo, tỷ lệ thấy nghiệp ở Mỹ đang từ 3,5% trong tháng Hai đã lên tới 20% trong nhưng tuần tới ». Theo những kịch bản tồi tệ thì tỷ lệ này có thể đạt đỉnh ở mức hơn 32%. Phụ nữ, người gốc Phi và dân nói tiếng Tây Ban Nha là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tin tổng hợp
(AFP) – G7 cam kết hợp tác để mở cửa lại các nền kinh tế trong nhóm.
Cam kết được đưa ra ngày 16/04/2020 nhân một hội nghị trực tuyến giữa lãnh đạo các nước G7. Theo một thông cáo của Nhà Trắng, G7 còn đưa ra lời kêu gọi xem xét và cải tổ Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO/OMS) trong bối cảnh định chế này gặp vấn đề “thiếu minh bạch và quản lý sai lầm có hệ thống về đại dịch” trong thời gian gần đây. Theo Mỹ, hiện là chủ tịch luân phiên của G7, nhóm này đóng góp hơn một tỷ đô la mỗi năm cho WHO.
(AFP) – Liên Hiệp Châu Âu thúc giục giới ngân hàng dành vốn chống dịch virus corona.
Để hỗ trợ cho doanh nhân và công dân châu Âu đứng trước nguy cơ phá sản vì đại dịch, bộ trưởng kinh tế 27 nước kêu gọi tất cả ngân hàng không chia cổ tức, mà phải dùng tiền này làm vốn đầu tư vào kinh tế, hỗ trợ cho các công ty, xí nghiệp và khách hàng cá nhân có nguy cơ vỡ nợ. Hồi cuối tháng Ba, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu BCE đã ra thông cáo với nội dung tương tự.
(Reuters) – Miến Điện sẽ ân xá gần 25.000 tù nhân, trong đó có 87 người nước ngoài.
Theo phủ tổng thống Miến Điện ngày 17/04/2020, đợt ân xá này nằm trong khuôn khổ ân xá nhân dịp năm mới. Tuy nhiên, không rõ tù nhân bị kết án vì đối lập với chính quyền có được ân xá lần này hay không.
(AFP) – Khoảng 60 người Rohingya chết trên con tầu chở 500 người tị nạn.
Hai người thoát nạn, ngày 16/04/2020, kể lại với AFP rằng con tầu lênh đênh ở vịnh Bengale trong suốt 2 tháng 18 ngày và những người trên tầu bị đói. Cuối cùng, con tầu đã được cảnh sát biển Bangladesh cứu vào tối 15/04. Hàng năm, có vài nghìn người Rohingya, từ Miến Điện hoặc Bangladesh, tìm cách vượt biển trốn sang các nước Đông Nam Á để có cuộc sống tốt đẹp hơn.
(AFP) – Chính quyền Ukraina và phe ly khai trao đổi hơn 30 tù nhân.
Kiev và phe ly khai thân Nga ở miền đông Ukraina ngày hôm qua 16/04/2020 đã thực hiện thêm một cuộc trao đổi tù nhân, nhân lễ Phục Sinh của Chính Thống Giáo được tổ chức vào Chủ Nhật 19/04. Theo phủ tổng thống Ukraina, nước này đã nhận 20 người, chủ yếu là thường dân bị giam giữ trong các vùng lãnh thổ do phe ly khai kiểm soát, và ít nhất 2 binh sĩ. Để đổi lại, Kiev đã thả 17 người, nhưng theo cơ quan báo chí của tổng thống, có 3 người không muốn về với phe ly khai.
Điểm tin thế giới sáng 17/4:
LHQ cảnh báo ảnh hưởng của Covid-19
đối với trẻ em
Lục Du
Sáng nay, thứ Sáu (17/4), Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả phần điểm những tin thế giới nổi bật đêm qua:
LHQ cảnh báo ảnh hưởng của Covid-19 đối với trẻ em
Hàng trăm ngàn trẻ em có thể chết trong năm nay do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu gây ra bởi đại dịch viêm phổi Vũ Hán, và hàng chục triệu người khác có thể rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực do khủng hoảng, Liên Hợp Quốc (LHQ) cảnh báo, theo SBS News.
Trong một báo cáo về rủi ro toàn cầu, LHQ cho biết, gần 369 triệu trẻ em ở 143 quốc gia đang có những bữa ăn ở trường đã phải tìm kiếm nguồn dinh dưỡng ở nơi khác khi đại dịch toàn cầu bùng phát khiến trường học đóng cửa.
Trong một thông điệp đăng trên Twitter hôm 17/4, Tổng thư ký LHQ, ông General Antonio Guterres, kêu gọi lãnh đạo các nước quan tâm bảo vệ an toàn cho trẻ em và bảo vệ sức khỏe của chúng.
Ukraine: Cháy rừng bùng phát trở lại gần nhà máy Chernobyl
Các vụ hỏa hoạn mới đã bùng phát trở lại tại khu vực xung quanh nhà máy hạt nhân Chernobyl vào hôm thứ Năm, theo Reuters. Giới chức Ukraine cho biết gió lớn đã gây khó khăn cho việc dập tắt đám cháy ở nơi từng xảy ra thảm họa hạt nhân vào năm 1986.
Mặc dù vậy Dịch vụ khẩn cấp quốc gia Ukraine nói rằng ba đám cháy mới gần nhà máy hạt nhân đã bị đóng cửa “không lớn về phạm vi và không có đe dọa gì”.
“Nền phóng xạ ở Kiev và khu vực xung quanh Kiev nằm trong giới hạn cho phép”, ông Volodymyr Demchuk, giám đốc Cục ứng phó khẩn cấp Ukraine, trấn an công chúng trong một tuyên bố.
Tổng thống Brazil sa thải bộ trưởng y tế
Hôm thứ Năm, Tổng thống Brazil, Jair Bolsonaro, đã sa thải bộ trưởng y tế Luiz Henrique Mandetta vì không đồng tình với cách kiểm soát đại dịch viêm phổi Vũ Hán của người đứng đầu cơ quan y tế, Reuters đưa tin.
Ông Mandetta cho rằng cần thiết phải cách ly xã hội rộng rãi ở nước này để ngăn chặn sự lây lan của virus Vũ Hán. Trong khi đó, ông Bolsonaro cho rằng các biện pháp chống dịch như vậy là không cần thiết và có hại cho nền kinh tế, nhấn mạnh rằng dịch bệnh đang bị thổi phồng.
Một số nguồn tin quen thuộc với vấn đề này nói với Reuters rằng ông Bolsonaro sẽ chỉ định bác sĩ Nelson Teich, một chuyên gia về bệnh ung thư, thay thế ông Mandetta.
G7 kêu gọi đánh giá lại hoạt động và cải tổ WHO
Các nhà lãnh đạo của nhóm các nước công nghiệp phát triển, G7, trong cuộc họp trực tuyến hôm thứ Năm đã kêu gọi thực hiện một đánh giá và cải cách quy trình hoạt động của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đồng thời thống nhất rằng cần có cách tiếp cận toàn cầu để đối phó với đại dịch viêm phổi Vũ Hán, Reuters đưa tin dựa trên một tuyên bố của Nhà Trắng.
Chính quyền Trump đã đình chỉ tài trợ hàng trăm triệu đô la mỗi năm cho WHO, vì cho rằng tổ chức này thể hiện sự yếu kém trong hoạt động chống dịch Covid-19 và giúp Bắc Kinh che giấu sự thật về dịch bệnh ở Trung Quốc, khiến thế giới chủ quan trước sự nguy hiểm của virus Vũ Hán. (Chi tiết)
Ấn Độ cấm sử dụng ứng dụng Zoom
Ấn Độ đã cấm sử dụng ứng dụng Zoom cho các cuộc họp trực tuyến của chính phủ, trong bối cảnh ứng dụng của tỷ phú người Mỹ gốc Hoa đang bị chỉ trích về vấn đề an ninh, theo SBS News.
Bộ Nội vụ Ấn Độ trong một tuyên bố hôm thứ Năm nói rằng Zoom là “một nền tảng không an toàn”, vì vậy không nên được sử dụng cho các hoạt động chính thức của chính phủ.
Cơ quan an ninh mạng của Ấn Độ vào đầu năm nay cũng đã cảnh báo về lỗ hồng bảo mật của Zoom. Các nước châu Á khác như Đài Loan hay Singapore cũng lo ngại về việc sử dụng ứng dụng này.
Điểm tin thế giới chiều 17/4:
Trung Quốc bất ngờ
nâng số ca tử vong vì virus Vũ Hán
Triệu Hằng
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Sáu (17/4) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Trung Quốc bất ngờ nâng số ca tử vong vì virus Vũ Hán
Chính quyền thành phố Vũ Hán, tâm chấn dịch nCoV ở Trung Quốc hôm nay đã đột ngột tăng số lượng ca tử vong vì dịch bệnh lên 1.290, hãng Reuters dẫn truyền hình Trung Quốc CCTV cho biết. Vũ Hán cũng sửa đổi các ca nhiễm mới là 325.
Theo AFP, sự thay đổi dữ liệu đã nâng số ca tử vong trên toàn quốc lên 4.632.
Động thái mới nhất này của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đặt ra những nghi vấn việc Trung Quốc liên tục thay đổi tiêu chí thống kê ở đỉnh điểm dịch bệnh.
Trong một bài phân tích của chuyên gia Steven Mosher, ước tính, thực tế Trung Quốc có ít nhất 50.000 người chết và 2,5 triệu người nhiễm bệnh.
Lo sợ virus, nhiều người Trung Quốc ở Nga tự cách ly
Trong bối cảnh virus corona đang lan rộng ở Nga, một nhóm 500 cư dân Trung Quốc tại thành phố Khabarovsk ở Viễn Đông đã quyết định tự khóa bản thân trong một khu chung cư, áp đặt chế độ tự cô lập từ ngày 1/4.
Dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng ở Nga đã buộc khoảng 150.000 công dân Trung Quốc sống ở đó phải quyết định giữa việc ở lại hoặc quay về Trung Quốc. Hàng ngàn người đã chọn cách quay về quê hương, bao gồm 2.442 người tại Tuy Phần Hà, địa phận thuộc tỉnh Hắc Long Giang. Làn sóng quay về đặt ra lo ngại tái bùng phát dịch bệnh ở Trung Quốc.
Myanmar ân xá gần 25.000 tù nhân
Myanmar sẽ trả tự do cho gần 25.000 tù nhân trong một đợt ân xá nhân dịp năm mới theo truyền thống, văn phòng tổng thống cho biết hôm thứ Sáu.
Tổng thống Win Myint nói 24.896 người từ trên toàn quốc, trong đó có 87 người nước ngoài sẽ được trả tự do vô điều kiện. Hãng Reuters dẫn lời Zaw Zaw, phát ngôn viên của bộ phận nhà tù nói việc ân xá lượng lớn này không liên quan đến mối lo ngại về Covid-19.
Ấn Độ phát hiện 50.000 đồ bảo hộ xuất xứ Trung Quốc kém chất lượng
Trong lô hàng 170.000 bộ đồ bảo hộ y tế cá nhân (PPE) do Trung Quốc sản xuất được gửi đến Ấn Độ hôm 5/4, khoảng 50.000 bộ không thể sử dụng vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng, tờ Economic Times dẫn nguồn tin cho biết hôm 16/4. Số lô hàng không đạt chuẩn là hàng tặng từ một công ty tư nhân lớn ở Ấn Độ.
Báo cáo cho hay, Ấn Độ chỉ mua PPE có chứng chỉ CE/FDA và những sản phẩm không có loại chứng nhận này phải trải qua quá trình kiểm tra chất lượng ở Ấn Độ. Số PPE Trung Quốc trên được phòng thí nghiệm Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ ở Gwalior, bang Madhya Pradesh kiểm định.
Iran diễu hành thiết bị y tế trong ngày Quân đội
Iran hôm thứ Sáu đã diễu hành phương tiện khử trùng, bệnh viện di động và các thiết bị y tế khác trong Ngày Quân đội quốc gia, nhằm nhấn mạnh vai trò của quân đội trong việc chiến đấu với đại dịch virus corona đã tấn công mạnh vào nước này.
Theo Reuters, sự kiện được tổ chức tại một trung tâm huấn luyện với một nhóm tư lệnh đeo khẩu trang, khác xa những dịp trước đó bao gồm diễu hành bộ binh, tên lửa, tàu ngầm và xe bọc thép cùng máy bay chiến đấu.
0 comments