Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 17/04/2020

Friday, April 17, 2020 2:46:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 17/04/2020

Dịp 100 ngày Cụ Lê Đình Kình bị giết,

an ninh lại canh nhà những người công khai phản biện!

Anh Lã Việt Dũng vào ngày 16 tháng tư xác nhận với RFA tình trạng nhà anh đang bị an ninh canh chừng:
“Về lý do bị canh nhà là vì một, hai hôm nữa sẽ là ngày giỗ của cụ Lê Đình Kình và họ đã canh nhà phần lớn các anh em (nhà hoạt động) ở Hà Nội, trong đó có cả nhà mình. Lúc dịch bệnh thế này họ vẫn bắt 3-4 người ngồi trước ngõ.
Nói chung, mình nghĩ (việc ngăn, chặn) là quy trình từ trên xuống dưới của họ rồi, đặc biệt là ở Hà Nội và Sài Gòn. Khi mà có sự kiện nào đó mà họ cho rằng là nhạy cảm, chứ không cần phải là sự kiện có khả năng chống phá nhà nước gì cả, thì họ sẽ xua quân đi canh những người mà họ không lường trước được rằng những nhà hoạt động này sẽ làm gì, nên họ sẽ đi canh thôi.”
Theo những người quan tâm thì dịp 100 ngày cụ Lê Đình Kình mất được nhận định là ‘nhạy cảm’, vì chính một số người vừa qua vào dịp 49 ngày mất của Cụ Lê Đình Kình phải khó khăn lắm mới đến thắp hương được cho người đã mất.
Anh Trịnh Bá Phương, vào ngày 16 tháng 4, nhắc lại việc chính quyền địa phương tổ chức và điều động công an đến canh nhà những người có tiếng nói đấu tranh như anh là nhằm mục đích ngăn chặn, răn đe vì phía chính quyền sợ sự thật có thể qui tụ được số đông người.
Anh Phương cho biết, sau vụ việc gia đình bị cưỡng chế đất ở Dương Nội vào năm 2014, công an đã thường xuyên đến canh nhà anh:
“Trong vài năm qua, thường xuyên công an đến canh nhà tôi. Có những lúc họ đem một vài người đến canh; lúc tôi có việc phải đi ra ngoài bằng xe máy thì họ chặn đầu xe tôi và bắt tôi về đồn công an. Những lần tôi đi taxi, họ cũng chặn đầu xe taxi, đi vào ngồi bên trong và và ép (tài xế) taxi chở thẳng về đồn công an.”
Anh Dũng cho hay, việc bị canh, chặn cho anh cảm giác rất khó chịu và ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của anh:
“Thứ nhất là cảm giác bị canh rất khó chịu. Khi ngồi trong nhà cứ có cảm giác là đi đâu cũng sẽ bị cản trở. Thậm chí là khi mình đi chơi thể thao cùng bạn bè xung quanh. Mình vào sân tennis chẳng hạn, thì họ ngồi canh ở ngoài. Bạn bè mình thì không hiểu tại sao mình bị canh suốt, thì nhiều khi nó cũng gây cảm giác rất khó chịu với mình.”
Đồng tình, anh Trịnh Bá Phương cũng cho biết việc bị canh nhà, theo dõi ngày đêm tại nhà anh đã ảnh hưởng đến anh và gia đình rất nhiều:
“Việc mà họ canh giữ như thế khiến cho những người dân làng, hàng xóm xung quanh tôi hoang mang. Tôi thấy nhiều người nói với tôi rằng là họ bị phiền, chẳng hạn như đêm hôm mà công an tập trung rất đông, hàng xóm họ không ngủ được. Qua việc công an anh giữ tôi như thế thì trong mắt của một số người dân, họ lại nghĩ tôi là đối tượng phản động và từ đó họ có cái nhìn suy nghĩ khác về tôi. Vợ tôi cũng đang mang bầu và con nhỏ cũng phản ứng rằng họ bị ảnh hưởng tâm lý.”
Theo quan sát của anh Trịnh Bá Phương, trong vài năm gần đây, quy mô cho việc canh, chặn của công an địa phương đã trở nên lớn hơn; không chỉ canh, chặn một hộ gia đình hay một người, chính quyền còn điều động canh, chặn số đông lên đến hàng trăm người với mục đích ngăn không cho dân biểu tình:
“Thứ nhất, họ ngăn chặn được rất nhiều cuộc biểu tình mà dự kiến sẽ nổ ra, hoặc những lời kiêu gọi chuẩn bị biểu tình vào ngày, giờ nào đó hầu hết đều bị họ phá tan thành công bằng việc canh, chặn, bởi vì tất cả những nhân tố mà có thể đứng đầu huy động số đông có thể cùng người dân tổ chức các cuộc biểu tình đều bị ngăn, chặn tại nhà rồi. Chính vì vậy mà hầu hết các cuộc biểu tình dự kiến liên quan đến vấn đề dân chủ, nhân quyền đều đã bị dập tắt.”
Anh Phương cho rằng, do số người lên tiếng phản biện chính quyền ngày càng đông, nên việc bắt giam hết là điều không thể. Vì vậy, bộ máy công an nghĩ đến việc canh, chặn tại nhà là hình thức quản thúc, cầm tù người dân. Tuy nhiên, anh Phương cho rằng việc canh, chặn nhà dân của chính quyền vẫn không thể ngăn được cuộc đấu tranh của người dân:
“Hình thức canh, chặn tại nhà, hay những hình thức mà các chế độ độc tài sử dụng như giam tù, thì cũng không thể ngăn cản được cuộc đấu tranh đòi dân chủ, nhân quyền cũng như quyền lợi chính đáng của người dân trng tương lai. Đây chỉ là hình thức đối phó và cố kéo dài thêm chế độ cai trị của nhà nước Công sản Việt Nam.”
Theo tiến sĩ Nguyễn Quang A, bất cứ chính quyền nào cũng có bộ phận nghiên cứu, phân tích và đưa ra lý lẽ lập luận cho những chính sách để kiểm soát tình hình địa phương:
“Trong số hàng trăm người, hàng ngàn người như thế, chính quyền sẽ lọc ra vài chục người, những người mà họ nghĩ sẽ nguy hiểm cho vị thế của họ và họ canh và đàn áp. Tôi nghĩ rằng nếu họ nghĩ lại cẩn thận thì họ không nên làm những chuyện (ngăn, chặn) lố bịch như vậy.”
Anh Trịnh Bá Phương cho rằng một chế độ hà khắc, bạo lực và tàn bạo sẽ không tồn tại lâu dài:
“Chế độ có sự hà khắc, bạo lực hoặc có bộ máy công an tàn bạo, khát máu không thể duy trì được chế độ và lịch sử đã chứng mình được điều đó. Một chế độ có thể bảo đảm quyền dân chủ, nhân quyền mới có được sự ủng hộ của người dân và chế độ đó mới có thể tồn tại mãi mãi được.”
Có người thường xuyên bị canh chặn như bà Đặng Bích Phương cho biết bản thân bà lúc đầu thấy khó chịu, nhưng dần rồi quen và bà trực tiếp nói chuyện với những người được cử đến làm nhiệm vụ.
Một số trong họ thú nhận chẳng thích thú gì, nhưng vì ‘miếng cơm,manh áo’ nên phải chấp nhận làm công việc canh chặn, rình rập quanh nhà người khác như thế!
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/on-le-dinh-kinhs-100th-day-death-anniversary-security-guards-monitor-people-who-publicly-criticized-authorities-04162020172106.html

Công an lạm dụng súng trong hành xử với người dân!

Diễm Thi, RFA
Một video clip lan truyền trên mạng trong mấy ngày qua cho thấy cảnh xô xát giữa bốn cán bộ công an với nhóm thanh niên khoảng chục người tại cửa hàng mua bán sắt thép thuộc địa bàn xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè. Trong lúc đánh nhau, một cán bộ công an đã rút súng bắn hai viên đạn chỉ thiên. Theo lãnh đạo Công an huyện Cái Bè, người cầm súng công cụ hỗ trợ bắn chỉ thiên là thượng úy Đinh Hoàng Nam, trưởng công an xã.
Công an huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, đang điều tra vụ xô xát cũng như hành động nổ súng của thượng úy công an Đinh Hoàng Nam. Lãnh đạo công an huyện này trần tình rằng, “Việc nổ súng là ngăn chặn hậu quả xảy ra, dư luận cũng đồng tình. Clip trên mạng phản ánh sự việc rất khách quan”.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hồ Chí Minh nêu ý kiến về vụ việc:
“Pháp luật bây giờ cho phép sử dụng công nghệ thông tin làm chứng cứ. Chứng cứ ở đây là những hình ảnh được quay lại.
Tôi nghĩ rằng qua điều tra nếu thấy vi phạm việc sử dụng công cụ hỗ trợ không có giấy phép theo luật thì sẽ bị xử lý. Về phía công an, việc bắn chỉ thiên có thể đúng, có thể vi phạm. Theo quan điểm của tôi
nếu bắn để tự vệ thì được. Để coi phía công an điều tra ra sao. Nếu công an vi phạm thì phải xử lý theo luật công an nhân dân.
Đậy không phải là trường hợp đầu tiên. Đã có nhiều trường hợp trước đây bị xử lý theo quy định pháp luật. Vụ này đã đưa rộng rãi trên cộng đồng mạng. Về mặt pháp lý thì cho dù anh là ai cũng bị xử lý theo pháp luật thôi.”
Một trong những vụ công an bắn chết dân bị đem ra xét xử là vụ công an Nguyễn Tấn Phước dùng súng bắn chết người vào đầu năm 2018.
Sáng 29 tháng 11 năm 2019, TAND tỉnh Đồng Nai mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử ông Nguyễn Tấn Phước, nguyên Trung úy, cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Đồng Nai về tội “Giết người” và “Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”. Tòa đã tuyên phạt ông Nguyễn Tấn Phước 15 năm tù về tội “Giết người”; 3 năm tù về tội “Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”, tổng hình phạt là 18 năm tù.
Ngày 29 tháng 1 năm 2020, ông Lê Quốc Tuấn, một công an, đã mang súng AK giết chết 4 người tại sòng bạc ở huyện Củ Chi sau khi tham gia đá gà, đánh bạc từ sáng đến trưa, thua bạc và cự cãi với một số người.
Chiều ngày 14 tháng 2, đại tá Nguyễn Sỹ Quang – Phó giám đốc Công an Tp.HCM xác nhận Lê Quốc Tuấn đã bị lực lượng công an triệt hạ tại một ngôi nhà hoang ở huyện Hóc Môn.
Cựu đại tá công an Nguyễn Đăng Quang nói với RFA rằng ông thấy buồn vì những ứng xử như vậy của những người được gọi là ‘công an nhân dân’, nhưng ông không thấy lạ. Ông giải thích:
“Việc làm của những chiến sĩ công an trong ngành như vậy làm tôi trước hết thấy buồn và sốc. Điều này sẽ xảy ra không sớm thì muộn đối với một số cá nhân thôi vì công tác giáo dục chính trị tư tưởng không được chu toàn cho lắm.
Theo tôi thì dù có giáo dục tư tưởng chính trị bao nhiêu chăng nữa mà luật pháp không nghiêm thì người ta vẫn coi thường kỷ luật và dẫn đến tình trạng mất hiệu nghiệm.”
Dù đã có pháp lệnh, nghị định được ban hành về việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nhưng vẫn có những trường hợp công an sử dụng sai mục đích.
Cụ thể, điều 22 pháp lệnh năm 2011 quy định rõ rằng, khi thi hành nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo.
Ông Vũ Quốc Ngữ, Giám đốc tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền nhận định:
“Việc lạm quyền của công an mang tính hệ thống và từ nhiều năm nay, có lẽ là từ khi được thành lập, vì chế độ cộng sản coi lực lượng công an là thanh kiếm bảo vệ chế độ. Do vậy, cho lực lượng này quá nhiều quyền và không có luật kiểm soát lực lượng này.
Ngoại trừ quân đội, không có lực lượng nào có thể đối trọng với lực lượng công an.
Sự lạm quyền của công an bao gồm cả dùng súng để đối phó với nhóm người không vũ trang trong nhiều trường hợp, và đã gây ra nhiều hậu quả đau lòng, nhưng những kẻ gây ra tội ác, ở đây là những sĩ quan công an, thường không bị trừng phạt, hay bị kỷ luật ở mức nhẹ, không tương thích với tội mà họ gây ra như trong luật quy định.”
Tuy nhưng năm gần đây đã có những vụ công an gây thiệt mạng cho người dân bị đem ra xét xử theo pháp luật và lãnh án tù nặng nề, nhưng cũng có những vụ bị người dân cho là có bao che.
Một trong những vụ án gây xôn xao dư luận là vụ ông Ngô Thanh Kiều ở Phú Yên bị công an đánh chết tại đồn công an.
Người ta đặc biệt chú ý vì đây là vụ án xử 5 viên công an đánh dân đến chết nhưng chỉ có một người bị Viện Kiểm sát đề nghị bản án 5 năm tù giam. Bốn người còn lại cho hưởng án treo.
Một vụ các lực lượng bảo vệ luật pháp lại bắn chết dân xảy ra vào đầu năm nay được truyền thông quốc tế lên tiếng rất nhiều, đó là vụ ông Lê Đình Kình.
Ông Lê Đình Kình, người được coi là thủ lĩnh tinh thần của người dân trong việc giữ đất Đồng Tâm, đã bị bắn chết vào ngày 9 tháng 1 năm 2020, khi hàng ngàn cảnh sát cơ động được điều đến làng Hoành, xã Đồng Tâm để bảo vệ các mục tiêu khi xây dựng hàng rào sân bay Miếu Môn cách đó khoảng hơn 3 km.
Vào ngày 3 tháng 3 năm 2020, bà Dư Thị Thành, vợ góa của ông Lê Đình Kình chính thức làm Đơn Tố Giác Tội Phạm gửi đến một số cơ quan chức năng yêu cầu điều tra, làm rõ hành vi giết người theo Khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đối với chồng bà.
Tuy vậy gần trọn 100 ngày vụ việc xảy ra, người làm đơn tố giác tội phạm không những không được phúc đáp, mà ngược lại thân nhân của người bị giết còn bị sách nhiễu, đe dọa như trình bày của họ với những người quan tâm.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/police-abuse-guns-in-dealing-with-people-dt-04162020141539.html

Công an Thái Bình điều tra việc đấu giá đất

của băng nhóm Đường “Nhuệ”

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đang làm việc với Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thuộc Sở về hoạt động đấu giá đất có liên quan đến băng nhóm Đường “Nhuệ”.
Truyền thông trong nước loan tin ngày 17/4, trích lời Giám đốc Sở Tư pháp Thái Bình Trần Hữu Hiệp. Theo lời ông Hiệp Trung tâm đấu giá đang tập hợp các hồ sơ liên quan tới các phiên đấu giá đất có sự tham gia của vợ chồng Nguyễn Thị Dương – Nguyễn Xuân Đường để cung cấp thông tin tới Công an tỉnh.
Vẫn theo ông Hiệp, việc vợ chồng Dương – Đường đưa đàn em, tay chân đến các cuộc đấu giá gây mất an ninh trật tự địa phương trở thành nỗi ám ảnh, lo ngại đối với chính quyền sở tại trong một thời gian dài.
Tuy nhiên, ông khẳng định quy trình tổ chức đấu giá vẫn được tiến hành công khai, minh bạch, không có chuyện “quân xanh quân đỏ” mà ai bỏ giá cao nhất sẽ là người trúng đấu giá.
Báo trong nước dẫn lời ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Đông Hưng, cho biết việc đưa đàn em, tay chân về các xã để “thị uy” trong các cuộc đấu giá đất là chiêu thức chính của vợ chồng Dương – Đường.
Vì vậy, lãnh đạo huyện Đông Hưng đã chỉ đạo Công an huyện tăng cường lực lượng về phối hợp bảo vệ các cuộc đấu giá. Từ đó trở đi, mỗi cuộc đấu giá có thêm hàng chục công an huyện về giữ an ninh cho các phiên đấu giá. Tại một cuộc đấu giá đất năm 2018 ở xã Đông Hợp, có đến 40 công an huyện về phối hợp.
Hiện Công an tỉnh Thái Bình cũng đang thu thập hồ sơ từ Trung tâm phát triển quỹ đất của các huyện Đông Hưng, Kiến Xương, Tiền Hải, Hưng Hà, Quỳnh Phụ, TP Thái Bình… để phục vụ công tác điều tra.
Sau khi Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo mở rộng điều tra vụ án Đường “Nhuệ”, nhiều người dân đã tố cáo đích danh những cán bộ tại Thái Bình có dấu hiệu tiếp tay.
Trong đó, theo lời anh Nguyễn Văn Hà, một cán bộ Công an phường Phúc Khánh thành phố Thái Bình thì ông Cao Giang Nam, Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Thái Bình và ông Nguyễn Hữu Vinh, Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế, hiện là Trưởng Công an phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình có dấu hiệu bao che cho băng nhóm Đường “Nhuệ”.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/thai-binh-police-investigates-land-auction-of-duong-nhue-gang-04172020104926.html

4 tổ chức Đảng và 23 đảng viên

bị đề nghị thi hành kỷ luật

Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương đề nghị thi hành kỷ luật đối với 4 tổ chức Đảng trong hai nhiệm kỳ 2005-2010 và 2010-2015; đồng thời đề nghị thi hành kỷ luật 23 đảng viên.
Đề nghị vừa nêu được thông qua bằng việc bỏ phiếu tại kỳ họp lần thứ 15 của Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020, diễn ra vào hôm 16/4. Kỳ họp này do Đại tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương chủ trì.
Thông qua kết quả bỏ phiếu, Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương đề nghị thi hành kỷ luật 4 tổ chức Đảng trong hai nhiệm kỳ 2005-2010 và 2010-2015 với hình thức cảnh cáo và khiển trách. Bên cạnh đó còn có 23 đảng viên bị đề nghị kỷ luật với các hình thức bao gồm khiển trách 10 người, cảnh cáo 10 người, cách chức 1 người và khai trừ 2 người.
Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương cũng ra quyết định kỷ luật về quân đội đối với 17 quân nhân.
Liên quan đến công tác Đảng, truyền thông trong nước, vào ngày 17/4, dẫn nguồn từ Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Bình Dương cho biết hồi ngày 10/4 đã ra quyết định đình chỉ sinh hoạt đảng đối với ba đảng viên vừa bị khởi tố, liên quan vụ án gây thất thoát tài sản nhà nước tại Tổng Công ty 3/2.
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương, vào ngày 7/4 ra quyết định khởi tố bị can về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo Điều 219 Bộ luật Hình sự đối với ông Nguyễn Văn Minh, ông Trần Nguyên Vũ và ông Huỳnh Thanh Hải. Vào ngày 8/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương tiến hành bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Văn Minh và ông Trần Nguyên Vũ; đồng thời ra lệnh khởi tố và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Huỳnh Thanh Hải.
Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Bình Dương cho biết thời hạn đình chỉ sinh hoạt đảng đối với ba đảng viên Nguyễn Văn Minh, Trần Nguyên Vũ và Huỳnh Thanh Hải được tính theo thời hạn của pháp luật; kể cả gia hạn nếu có.
Trong cùng ngày 17/4, truyền thông quốc nội còn dẫn thông báo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước đã quyết định cách hết các chức vụ trong Đảng (nhiệm kỳ 2015-2020) đối với ông Lưu Văn Thanh, Phó chủ tịch huyện Hớn Quản.
Ông Thanh bị cách hết chức vụ trong Đảng là do đã có những lời lẽ thiếu chuẩn mực, không hợp tác đo thân nhiệt tại chốt kiểm dịch thị xã Bình Long, huyện Hớn Quản. Vụ việc này được nói là lan truyền trên mạng xã hội gây bức xúc trong dư luận.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước, vào ngày 13/4 cũng đã quyết định tạm đình chỉ chức vụ đối với ông Thanh.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/dozens-of-vcp-members-n-4-organizations-proposed-to-be-disciplined-04172020083153.html

Hoa Kỳ và CSVN ký thỏa thuận 42 triệu Mỹ kim

để nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế của Việt Nam

Vào ngày 15 tháng 4, cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam (MPI) vừa ký một thỏa thuận qua mạng, trị giá 42 triệu Mỹ Kim, để giúp Việt Nam cải thiện khả năng cạnh tranh kinh tế.
Thỏa thuận này dự kiến sẽ tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế của Việt Nam thông qua việc tăng cường khả năng cạnh tranh của nhóm tư nhân, và thúc đẩy đổi mới, khởi nghiệp cũng như nguồn nhân lực.
USAID cho biết, theo thỏa thuận này, các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật sẽ giúp cải thiện năng lực của các công ty nhỏ và đang phát triển của Việt Nam, bằng cách tạo điều kiện tiếp cận kỹ thuật, nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng cai quản kinh doanh và nguồn vốn.
Thỏa thuận này cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hơn nữa tinh thần kinh doanh, kết nối các công ty khởi nghiệp Việt Nam với các tập đoàn, quỹ đầu tư và các tổ chức hỗ trợ khác trong việc khởi nghiệp và đổi mới quốc tế.
Theo bản tin của tờ Nhân Dân, đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink cho biết, thỏa thuận này phản ánh cam kết của Hoa Kỳ về việc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam để trở thành một nền kinh tế cởi mở, sáng tạo và toàn diện hơn. (BBT)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-va-csvn-ky-thoa-thuan-42-trieu-my-kim-de-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-kinh-te-cua-viet-nam/

Đảng CSVN bắt các đảng viên

phải đọc báo đảng nhiều hơn nữa

Tin Vietnam.- Báo Vietnamnet ngày 14 tháng 4 năm 2020 loan tin, ông Trần Quốc Vượng, Thường trực ban Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam vừa ký thông báo kết luận số 173 về việc mua và đọc báo, tạp chí của đảng Cộng sản.
Theo đó, Ban bí thư đảng Cộng sản bắt ép các đảng viên, và tổ chức đảng phải tiếp tục mua, đọc báo, tạp chí của đảng Cộng sản nhiều hơn nữa dù có đọc hay không. Để việc này được thực hiện theo ý của lãnh đạo đảng Cộng sản, các cơ quan có trách nhiệm phải kiểm tra, đôn đốc các đảng viên, tổ chức đảng ở các cấp, địa phương phải mua và đọc báo, tạp chí đảng thường xuyên hơn.
Thông báo của ông Vượng lý luận rằng, một số viên chức, đảng viên Cộng sản chưa nhận thức được ý nghĩa, tác dụng của báo, tạp chí Cộng sản trong sinh hoạt, và cuộc sống nên việc mua, đọc các sản phẩm này tại một số chi bộ, đảng bộ chưa được thực hiện tốt. Còn về chất lượng sản phẩm của báo, tạp chí đảng thì thông báo của ông Vượng thừa nhận là chúng chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin của người đọc.
Về vấn đề kinh phí để mua các sản phẩm báo chí của đảng chưa được nhà cầm quyền bố trí đủ, đã vậy có trường hợp sử dụng tiền mua báo này để làm việc khác. Vì vậy, Ban bí thư Cộng sản yêu cầu các cấp uỷ đảng, các tổ chức hành chính nhà nước, và tất cả các ban ngành khác phải đọc báo, tạp chí đảng nhiều hơn nữa. Phải coi đây là tài liệu quan trọng nâng cao trình độ lý luận chính trị đảng viên, vận dụng vào cuộc sống.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/dang-csvn-bat-cac-dang-vien-phai-doc-bao-dang-nhieu-hon-nua/

Tòa án Thượng thẩm Đài Loan tiếp tục

bác đơn của gần 8.000 nạn nhân Formosa Hà Tĩnh

Sáng 17-4, đại diện Hội Công lý cho nạn nhân Formosa cùng với các tổ chức xã hội dân sự ở Đài Loan tổ chức họp báo trước Tòa án Thượng Thẩm ở Đài Bắc và tiếp tục nộp đơn cho Tối cao Pháp viện sau khi đơn kiện của gần 8 ngàn nạn nhân của công ty thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh bị bác bỏ hôm 20-3-2020.
Công ty thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã xả chất thải ra biển gây ô nhiễm môi trường biển 4 tỉnh miền Trung Việt Nam hồi tháng 4 năm 2016. Công ty này sau đó đã nhận trách nhiệm bồi thường cho Việt Nam là 500 triệu đô la. Tuy nhiên nhiều người dân trong vùng cho biết họ vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn sau vụ việc, trong khi các chuyên gia về môi trường ở Việt Nam cho rằng sẽ mất rất nhiều năm nữa để môi trường biển các tỉnh miền Trung Việt Nam có thể khôi phục lại sau thảm hoạ môi trường này.
Linh mục Nguyễn Văn Hùng, cố vấn của Hội Công lý cho nạn nhân Formosa nói trong buổi họp báo như sau:
“Ngày 20 tháng 3 vừa qua Tòa án Tối cao của Đài Loan đã từ chối chấp nhận đưa cái vụ án này ra xét xử lý do họ nói là ở Việt Nam sẽ là cái nơi có phán quyết công bằng tốt nhất.
Nếu mà nói như vậy thì tòa án Đài Loan đã không đọc các cái văn bản của những người bị hại, bởi vì ở Việt Nam là một quốc gia theo chế độ Cộng sản.
Hành pháp, lập pháp và tư pháp đều bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam khống chế thành ra không có một cái sự xét đoán nào mà nó công bằng.”
Khẩu hiệu của những người đem đến buổi họp báo ngày hôm nay là “Đài Loan có thể giúp đỡ và Tòa án Đài Loan cũng vậy!”
Theo linh mục Nguyễn Văn Hùng, thời gian qua Đài Loan đã nhận được sự chú ý của dư luận quốc tế như một hình mẫu của việc chống dịch COVID-19 và họ đã gửi khẩu trang cho các nước với khẩu hiệu “Đài Loan có thể giúp đỡ!”
Cho nên, Hội Công lý cho nạn nhân Formosa hy vọng Tối cao Pháp viện của Đài Loan sẽ đưa vụ án này ra xét xử và trả lại công bằng cho những người Việt Nam.
Luật sư Trương Dự Doãn, đại diện của nhóm luật sư trong vụ án này và là Chủ tịch của Hiệp hội Luật sư Môi trường, nói rằng Tòa án Thượng thẩm vẫn bác bỏ đơn kiện và phán quyết là tòa án Đài Loan không có thẩm quyền quốc tế.
Lý do tòa án bác đơn hai lần, theo ông Trương là do cách làm việc bảo thủ của tòa án Đài Loan, không đem ra xét xử một vụ án xảy ra ở một nước khác mà do chính người Đài Loan đầu tư, gây thiệt hại và sự bảo thủ đó làm ảnh hưởng đến đến cái vụ kiện này.
Nhóm pháp lý hy vọng rằng Đài Loan có thể thực hiện đóng góp cho việc chống đại dịch COVID-19, và tòa án Đài Loan cũng có thể can đảm nhận trách nhiệm đối với các vụ kiện liên quan đến vi phạm nhân quyền xuyên quốc gia của chính các công ty quốc gia của họ.
Sau cuộc họp báo, Hội Công lý cho nạn nhân Formosa hô khẩu hiệu và tuần hành đến Tòa án Tối cao của Đài Loan hy vọng trao bó hoa của những nạn nhân đã chuẩn bị cho đại diện của Tòa án nhưng không có ai ra nhận.
Luật sư Trương Dự Doãn cho biết, dự kiến trong vòng 10 ngày sẽ có câu trả lời từ Tối cao Pháp viện Đài Loan.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/taiwan-supreme-court-rejected-appeal-by-8000-victims-of-formosa-04172020082822.html

Lý do trì hoãn sửa đổi luật đất đai thiếu thuyết phục!

Lùi thời gian nghiên cứu sửa đổi luật
Tại cuộc họp lần thứ 27 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, diễn ra vào ngày 16/4, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho hay Chính phủ đưa ra đề nghị chưa nghiên cứu Luật Đất đai sửa đổi trong năm 2020. Lý do vì nội dung của dự luật này còn một số vấn đề phức tạp, cần có thêm thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị và đánh giá kỹ hơn.
Thêm vào đó, ông Bộ trưởng Lê Thành Long còn cho biết sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Trung ương sẽ ban hành nghị quyết mới mang tính chiến lược, toàn diện về phát triển kinh tế-xã hội cho giai đoạn mới, trong đó có nội dung về đất đai. Do đó, Chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên-Môi trường tiếp tục phân tích, đánh giá Luật Đất đai để định hướng, sửa đổi, bổ sung toàn diện cho luật này sau Đại hội Đảng XIII.
Bộ Tài nguyên-Môi trường được Chính phủ yêu cầu trong năm 2020 tập trung sửa 7 nội dung lớn của Luật Đất đai bao gồm chính sách thuế đất đai; chính sách thu hồi đất; chính sách đất trồng lúa và an ninh lương thực; hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; quản lý, sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp; chính sách quản lý, sử dụng đất tôn giáo; đất có yếu tố nước ngoài.
Báo giới quốc nội, trong cùng ngày 16/4 cho biết đề nghị chưa nghiên cứu Luật Đất đai sửa đổi trong năm 2020 của Chính phủ được Ủy ban Kinh tế tán thành. Đồng thời, Ủy ban Kinh tế ủng hộ Luật Đất đai sửa đổi trình Quốc hội sau khi có Nghị quyết của Đại hội Đảng XIII.
Tôi nghĩ rằng Luật Đất đai phải sửa một cách căn bản. Đây là một đòi hỏi rất bức xúc của người dân Việt Nam suốt nhiều chục năm qua. Nếu người ta lờ đi hoặc rút đi vì bất kể một lý do gì thì đấy là điều rất đáng lo ngại
-Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Vào tối ngày 16/4, cựu Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông lên tiếng với RFA rằng theo quan điểm của ông thì đề nghị này của Chính phủ là phù hợp. Ông Lê Văn Cuông lý giải:
“Nhu cầu cuộc sống thì đòi hỏi phải khẩn trương ban hành để ổn định xã hội và để giải quyết bức xúc của người dân. Thế nhưng, sự chuẩn bị của các cơ quan chức năng để trình Quốc hội có khi chưa đáp ứng kịp thời. Nếu như đưa ra Quốc hội để bàn luận hoặc thông qua mà chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống thì bị trở lại luật ban hành cần phải chỉnh sửa nữa, làm cho tuổi thọ của luật không được tốt. Cho nên các cơ quan chức năng căn cứ vào sự chuẩn bị thì cũng có thể báo cáo với Quốc hội để lùi lại. Mặc dù đấy là nguyện vọng chính đáng của người dân, nhưng mà các cơ quan chức năng chuẩn bị chưa chu đáo thì vấn đề này cần phải có sự thông cảm và tiếp tục xúc tiến để nhanh chóng được Quốc hội thông qua.”
Phản đối đề nghị của Chính phủ
Đài RFA ghi nhận, tại cuộc họp lần thứ 27 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cũng có ý kiến của Đại biểu Quốc hội không tán đồng đề nghị lùi thời gian nghiên cứu Luật Đất đai sửa đổi. Điển hình, báo giới dẫn lời của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh, tỉnh Hòa Bình, đề nghị Chính phủ cần quyết tâm nghiên cứu nội dung trong năm 2020 với nhấn mạnh đây là luật cơ bản để sử dụng nguồn lực và nếu không sửa thì e rằng khó thực hiện những luật khác liên quan như Luật Đầu tư công, Luật Đối tác công tư (PPP) do vướng mắc Luật Đất đai.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, vào tối ngày 16/4 khẳng định với RFA rằng:
“Tôi nghĩ rằng Luật Đất đai phải sửa một cách căn bản. Đây là một đòi hỏi rất bức xúc của người dân Việt Nam suốt nhiều chục năm qua. Nếu người ta lờ đi hoặc rút đi vì bất kể một lý do gì thì đấy là điều rất đáng lo ngại.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhắc lại Luật Đất đai hiện hành gây ra rất nhiều hệ lụy về kinh tế-xã hội trong hàng chục năm qua ở khắp nơi tại Việt Nam và hậu quả ngày càng nghiêm trọng hơn qua các vụ tranh chấp đất đai gây chấn động dư luận trong và ngoài nước như ở Văn Giang, Dương Nội, Đắk Nông, Lộc Hưng, Thủ Thiêm…và mới nhất là vụ Đồng Tâm xảy ra hồi tháng 1 năm 2020, dẫn đến sự phẫn nộ tột cùng trong công luận cho rằng Chính quyền Việt Nam đã gây ra tội ác với dân chúng tại Đồng Tâm.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A quả quyết rằng Nhà nước Việt Nam càng kéo dài thời gian sửa đổi Luật Đất đai bao nhiêu thì càng cho thấy bản chất thật sự của Đảng CSVN lãnh đạo bấy nhiêu trong vấn đề đất đai.
“Mua đất của nhân dân là phải mua theo giá của thị trường. Không để cho chuyện doanh nghiệp dùng bàn tay của chính quyền thu hồi đất một cách rẻ mạt của người dân, rồi để cho các đại gia làm giàu. Trớ trêu là chính Đảng CSVN là một tổ chức luôn to mồm nói rằng phấn đấu cho sự công bằng xã hội, nhưng thực sự là họ tiếp tay cho sự tích tụ tư bản một cách man rợ, lấy của những người nghèo để cho những người giàu.”
Chúng tôi đề cập với Tiến sĩ Nguyễn Quang A về một trong những nguyên nhân mà Chính phủ Việt Nam đề nghị rút khỏi Chương trình năm 2020 dự Luật Đất đai sửa đổi là do lo ngại có khả năng các thế lực thù địch lợi dụng, kích động khiếu kiện gia tăng, gây ảnh hưởng đến ổn định chính trị, trật tự xã hội vì trùng với thời điểm diễn ra đại hội Đảng các cấp. Tiến sĩ Nguyễn Quang A khẳng định thêm liên quan viện dẫn này của Chính phủ Việt Nam:
Tất cả những gì mà họ không muốn làm thì họ đổ cho rằng thế lực thù địch lợi dụng gây bất ổn. Họ là thế lực thù địch lớn nhất của chính họ.”
Đài RFA cũng liên lạc với một số người dân ở Thủ Thiêm và được họ chia sẻ rằng Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm kéo dài 2 thập niên qua mà các dân oan ở đây vẫn oằn mình tuân thủ pháp luật trong việc đi khiếu nại, khiếu kiện từ địa phương đến Trung ương thì không có lý cớ nào mà “chụp mũ” dân chúng Thủ Thiêm nói riêng, hay dân oan khắp Việt Nam bị lợi dụng hay bị kích động khiếu kiện. Ông Cao Thăng Ca, một nạn nhân trong dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhấn mạnh:
Nếu họ thực hiện đúng Luật Đất đai từ trước đến giờ mà họ đã ban hành và có hiệu lực thì người dân cũng đã mừng rồi. Tuy nhiên, Luật Đất đai Nhà nước ban hành đã tụt hậu và không đáp ứng lại sự mong muốn của người dân mà người ta vẫn không thực hiện được. Còn bây giờ sửa luật mới thì vẫn không thực hiện thành ra chúng tôi chả hy vọng gì nhiều. Tại vì Luật Đất đai quy định là đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước quản lý. Nếu Luật Đất đai tiếp tục còn quy định đó thì người dân vẫn không có quyền hạn gì trong sở hữu đất đai hết
-Ông Cao Thăng Ca, dân oan Thủ Thiêm
“Đó là lý do nực cười. Nói như vậy để lợi dụng chụp mũ, trù dập những người tố cáo, phản ảnh sai phạm của cán bộ.”
Ông Cao Thăng Ca còn bày tỏ thêm rằng đối với người dân Thủ Thiêm, nếu như Luật Đất đai không bị lùi thời gian nghiên cứu sửa đổi và Luật Đất đai sửa đổi vẫn tồn tại quy định “sở hữu toàn dân” thì cũng không giải quyết được vấn đề gì.
“Nếu họ thực hiện đúng Luật Đất đai từ trước đến giờ mà họ đã ban hành và có hiệu lực thì người dân cũng đã mừng rồi. Tuy nhiên, Luật Đất đai Nhà nước ban hành đã tụt hậu và không đáp ứng lại sự mong muốn của người dân mà người ta vẫn không thực hiện được. Còn bây giờ sửa luật mới thì vẫn không thực hiện thành ra chúng tôi chả hy vọng gì nhiều. Tại vì Luật Đất đai quy định là đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước quản lý. Nếu Luật Đất đai tiếp tục còn quy định đó thì người dân vẫn không có quyền hạn gì trong sở hữu đất đai hết.”
Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, thuộc nhóm luật sư hỗ trợ pháp lý cho người dân vườn rau Lộc Hưng bị cưỡng chế đất đai nhà cửa hồi đầu tháng 1 năm 2019, từng đưa ra nhận định với RFA rằng Luật Đất đai vẫn còn tồn tại quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước quản lý thì đất nước Việt Nam tiếp tục sẽ là “một cường quốc dân oan”.
Trong khi đó, Tiến sĩ Vũ Quang Việt, cựu chuyên viên thuộc Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc cũng khẳng định với RFA rằng Việt Nam không bỏ quy định sở hữu đất đai toàn dân trong Luật Đất đai thì không thể ổn định xã hội và phát triển kinh tế bền vững được.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vngovernment-proposes-to-postpone-revising-the-land-law-in-2020-what-public-concerns-04162020144241.html

Bộ Công an triệu cập cán bộ Hà Nội bị nghi ngờ

tham nhũng việc mua sắm máy xét nghiệm

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an đang gọi một số cán bộ của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (COC) trong việc mua sắm máy xét nghiệm.
Đó là thông tin được ông Chủ tịch Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đưa ra tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Thủ đô vào sáng 17/4.
Chủ tịch Hà Nội đã yêu cầu Sở Y tế và COC Hà Nội phải rà soát lại toàn bộ việc mua giai đoạn 1 của COC bao gồm các hoá chất phun khử khuẩn, máy phun, quần áo bảo hộ. Ông Chung cũng yêu cầu thông tin minh bạch những gì đã được các bệnh viện sử dụng, những gì đưa vào kho quản lý.
Người đứng đầu thành phố Hà Nội khẳng định những trang thiết bị mua sắm chỉ được dùng trong khi dịch bệnh, không được khám thông thường.
Ông Nguyễn Đức Chung cho biết quan điểm của thường trực thành uỷ, Bí thư thành uỷ và Ban chỉ đạo là phải điều tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, không nương nhẹ bất cứ trường hợp nào.
Hôm qua, thành phố Hà Nội cũng đã huỷ các quyết định mua thiết bị y tế và giao cho Sở Y tế rà loại lại và mua tập trung.
Bộ Công an Việt Nam cũng vừa cho biết từ đầu tháng 4 đến nay, toàn quốc đã xảy ra 23 vụ chống lại đội phòng chống dịch COVID-19, liên quan đến 32 người, làm bị thương 13 người (trong đó có 12 công an). Hiện các địa phương đã bắt giữ 31 người, 1 người đang bị truy nã.
Việt Nam đã bắt giữ và tuyên phạt tù những người không tuân thủ đội phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian gần đây.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/suspected-hanoi-officials-involved-in-procurement-of-testing-machines-04172020084138.html

Trung Quốc đồng ý khôi phục hoạt động

thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh-Pò Chài

Thời gian làm thủ tục thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh-Pò Chài sẽ khôi phục lại như trước đó bắt đầu từ 8-11 giờ sáng và 12-16 giờ chiều.
Đó là giải pháp của Tổng cục trưởng Hải quan và Bộ trưởng thương mại Trung Quốc đưa ra sau đề xuất của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh qua cuộc điện đàm vào sáng 17/4.
Truyền thông trong nước loan tin vào cùng ngày và cho biết thêm nhằm tìm giải pháp khắc phục tình trạng ùn ứ hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam tại khu vực biên giới Việt –Trung, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã đề nghị Tổng cục Hải quan, Bộ Thương mại Trung Quốc chỉ đạo các cơ quan hải quan cửa khẩu biên giới tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hoá giữa hai bên.
Trả lời đề xuất của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Tổng cục trưởng Hải quan và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc nhất trí trước đề xuất của Việt Nam và cho biết trước mắt sẽ chỉ đạo chính quyền địa phương và lực lượng hải quan tại cặp cửa khẩu Tân Thanh – Pò Chài khôi phục hoạt động thông quan, nhằm giảm áp lực ùn ứ hàng hóa.
Theo đó, hoạt động thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh-Pò Chài ngoài 2 khung giờ hoạt động như trên thì vào ngày nghỉ cuối tuần cũng được mở lại.
Phía Trung Quốc cũng đề xuất một số giải pháp khác như đơn giản hóa thủ tục kiểm tra đối với hàng nông sản, phân luồng hàng hóa sang các cửa khẩu khác, tăng cường nhập khẩu hàng nông sản qua cửa khẩu đường sắt Bằng Tường – Đồng Đăng.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đề nghị phía Trung Quốc phê chuẩn mới các cửa khẩu tại khu vực biên giới đất liền hai nước được chỉ định là cửa khẩu nhập khẩu trái cây, lương thực và thủy sản; mở rộng diện nông sản, trái cây được phép nhập khẩu tại cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng – Bằng Tường; đặc cách mở cửa thị trường cho một số mặt hàng nông sản của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng nên hoàn tất các thủ tục pháp lý mở cửa thị trường đối với chanh leo, bơ, bưởi, dừa, na, roi cũng như diện doanh nghiệp được phép xuất khẩu vào Trung Quốc; gia hạn danh mục các doanh nghiệp xuất khẩu bột cá của Việt Nam; khôi phục tư cách xuất khẩu cho một số doanh nghiệp bị tạm dừng xuất khẩu thủy sản, gạo…
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/trading-activities-at-border-gate-tan-thanh-po-chai-reopened-04172020073814.html

Nhiều tỉnh, thành lên kế hoạch cho đi học trở lại

Nhóm các tỉnh, thành phố tại Việt Nam có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 thấp, bắt đầu lên kế hoạch chuẩn bị đón học sinh trở lại trường từ cuối tháng 4.
Thông tin vừa nêu được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đưa ra tại buổi họp trực tuyến với một số Sở GD&ĐT bàn về vấn đề chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng khi học sinh đi học trở lại.
Cụ thể, một số tỉnh như, Nghệ An, Quảng Nam, Thanh Hóa, Cao Bằng, Đắk Lắk cho biết, dự kiến sẽ cho học sinh THCS, THPT đi học lại vào đầu tháng 5; các cấp học thấp hơn trở lại trường học chậm hơn khoảng 1-2 tuần…
Sớm nhất là các tỉnh Yên Bái, Thái Bình và Cà Mau cho học sinh đi học trở lại từ ngày 20 tháng 4 năm 2020. Một số các tỉnh khác cho đi học muộn hơn một tuần, như tỉnh Vĩnh Long quyết định cho học sinh khối 9 và 12 quay lại trường từ ngày 27/4. Và trễ nhất là tỉnh Quảng Ngãi, cho học sinh trở lại trường vào ngày 4 tháng 5.
Phát biểu tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng, cần xem xét rất kỹ dựa trên nguyên tắc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên. Khi học sinh đến lớp, nhà trường phải sắp xếp lịch học, giãn cách phụ huynh khi đưa đón học sinh…
Cũng tại buổi họp trực tuyến với Bộ GD&ĐT, các tỉnh thành khác không nằm trong nhóm nguy cơ thấp lây nhiễm covid-19, cũng thông báo kéo dài thời gian nghỉ của học sinh cho đến khi có thông báo mới.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/many-provinces-and-cities-plan-to-send-students-back-to-school-04172020073038.html

Dịch COVID-19: TP. Hà Nội, Bộ Quốc phòng

tăng cường lấy mẫu xét nghiệm hàng ngàn người

Thành phố Hà Nội sẽ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho tất cả các tiểu thương thuộc các chợ đầu mối ở thủ đô, theo quyết định được đưa ra tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của thành phố vào sáng ngày 17/4.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng cũng đã giao Học viện Quân y tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm COVID-19 cho 10.000 bộ đội biên phòng đang bám đường biên chống dịch, theo thông tin từ Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 vào chiều ngày 16 tháng 4 vừa qua.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung được báo chí trong nước trích lời, nhìn nhận diễn biến của dịch bệnh COVID-19 đang phức tạp, và vì vậy người dân không nên chủ quan. Giới chức thành phố tiếp tục yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài đường, tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến, hạn chế sử dụng tiền mặt, hạn chế tụ tập đông người theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về lệnh giãn cách xã hội đã kết thúc vào ngày 16/4 vừa qua.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu xét nghiệm tất cả người dân còn lại ở thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín); tổ chức xét nghiệm cho các tiểu thương tại các chợ đầu mối bao gồm chợ Long Biên, chợ đầu mối phía nam, chợ gia cầm Hà Vĩ vì đây là những nơi tập trung đông người. Trong hai ngày cuối tuần 18 và 19/4, Hà Nội sẽ lấy mẫu xét nghiệm của người bán và người mua hàng tại các khu chợ để đánh giá mức độ, khả năng lây nhiễm.
Theo truyền thông trong nước, đến lúc này, Hà Nội đã lấy hơn 70.000 mẫu xét nghiệm so với 8 triệu dân, chiếm tỷ lệ 0,88%. Tỷ lệ này ở Mỹ là 0,99%, đức là 1,8%, Nhật là 0,08%.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/covid-19-thousands-people-are-tested-04172020074217.html

Virus corona: Giãn cách xã hội ở VN

cần lưu ý những đối tượng bị ‘bỏ quên’

Mỹ HằngBBC News Tiếng Việt
Người dân 12 tỉnh thành tại Việt Nam sẽ tiếp tục phải cách ly cho tới 22/4 vì nằm trong nhóm ‘nguy cơ cao’. Các tỉnh còn lại nằm trong hai nhóm ‘có nguy cơ’ và ‘nguy cơ thấp’.
Hệ quả về kinh tế đã được bàn nhiều, nhưng còn những đối tượng dễ bị lãng quên trong đại dịch thì sao?
Bác sỹ Hoàng Tú Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số, trao đổi với BBC News Tiếng Việt về vấn đề này.
Virus corona: ‘VN chưa nên cho điều trị tại nhà lúc này, nhưng cần tính đến’
Virus corona: VN có nên cho hơn 8.000 lao động nước ngoài nhập cảnh lúc này?
Virus corona: ‘Tôi hồi phục sau khi tự cách ly điều trị ở nhà’
Virus corona: Bao giờ VN cấm hẳn tiêu thụ động vật hoang dã?
Cứu đói giữa đại dịch, khi xã hội dân sự bổ khuyết cho chính quyền
Cần lưu ý tới những người yếu thế, dễ bị bỏ quên trong các đợt giãn cách xã hộiBác sỹ Hoàng Tú Anh
“Tôi thấy nhiều người đã ngóng chờ đến giờ G để có thông báo mới về tiếp tục ‘giãn cách xã hội’ hay không. Đáng chú ý là có nhiều người đã bảy tỏ ý kiến rằng họ không muốn nhà nước bỏ giãn cách xã hội ngay do lo ngại dịch sẽ bùng phát trở lại,” bác sỹ Hoàng Tú Anh nói với BBC News Tiếng Việt.
“Hiện chúng ta đang thực hiện giãn cách xã hội, điều này khác với cách ly. Một số điểm phải cách ly như khu dân cư, hay bệnh viện thì đúng là bỏ cách ly thực sự là một mốc quan trọng do họ đã phải sống tách biệt ra hẳn phần còn lại của xã hội một thời gian. Trong khi giãn cách xã hội thì không có cảm giác như vậy, ít nhất là trong một thành phố, vì mọi người vẫn có thể đi lại, mua các đồ thiết yếu khi cần thiết”.
“Lần này, chính phủ quyết định sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội với các tỉnh thành có nguy cơ cao, tôi cho rằng đây là quyết định đúng đắn,” bà Tú Anh nói.
‘Chia ba nhóm tỉnh thành là hợp lý’
Ba nhóm được phân loại theo mức độ nguy cơ dịch bệnh bao gồm:
Nhóm Nguy cơ cao: Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, Hồ Chí Minh, Tây Ninh
Nhóm Có Nguy cơ: Thái Nguyên, Nam Đinh, Hà Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang, Hải Phòng
Nhóm Nguy cơ thấp: Các tỉnh còn lại
Bà Tú Anh đồng tình với kế hoạch chia ba nhóm tỉnh thành để thực hiện cách ly xã hội, rằng “vừa phù hợp về kỹ thuật’ và đã được tham vấn cẩn trọng với các chuyên gia về dịch tễ.
“Có rất nhiều người thường xuyên phải di chuyển giữa các tỉnh thành do tính chất công việc. Hàng hóa cũng cần buôn bán, lưu chuyển giữa cách thành phố. Việc phân loại ba nhóm tỉnh thành như vậy sẽ góp phần giải quyết vấn đề này.”
‘Những đối tượng bị lãng quên”
Theo bà Tú Anh, giãn cách xã hội tuy được đánh giá là biện pháp hiệu quả nhất trong ứng phó với dịch Covid-19 nhưng để lại không ít hệ lụy, đặc biệt về kinh tế.
Từ các công ty tới người lao động chạy ăn từng bữa đều lao đao. Có người đã phải ra đường cầm biển xin ăn như thầy giáo dạy tiếng Anh người Anh vừa qua ở TP Hồ Chí Minh.
Bà Tú Anh cũng đề cập đến các đối tượng khác thường bị lãng quên trong vụ dịch này, như những nạn nhân của bạo lực gia đình, những người đang sống chung với kẻ gây bạo hành 24/24 “sau những cánh cửa đóng kín”. Và có một bộ phận không nhỏ những đối tượng như vậy trong xã hội.
“Các cơ quan cung cấp dịch vụ tư vấn vừa qua phải chuyển đường dây tư vấn về nhà khiến chi phí vị đội lên nhiều. Điều này khiến không phải cơ quan nào cũng thực hiện tư vấn được ở nhà.”
“Các đơn vị khác như hội phụ nữ, công an trước đây thường hỗ trợ trong vai trò hòa giải, tư vấn, nay cũng sẽ gặp khó khăn hơn để có thể cập nhật thông tin cộng đồng nhằm hỗ trợ can thiệp kịp thời.”
“Việc chia các tỉnh thành ba nhóm như vậy sẽ giúp đảm bảo được yêu cầu về dập dịch, đồng thời đảm bảo hạn chế các ảnh hưởng khác về kinh tế và xã hội vì trước khi bị nhiễm hoặc chết do Covid-19, người ta đã có thể chết vì đói, vì bị các bệnh khác mà không được điều trị, hay vì bị bạo hành.”
Tuy nhiên, để tránh tâm lý “giải phóng” khi các lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng, bà Tú Anhh cho rằng các kế hoạch triển khai cụ thể như thế nào đối với từng nhóm tỉnh thành cần được đưa ra rõ ràng, cụ thể và nhất quán để người dân tuân thủ.
Sử dụng công nghệ cho cách ly xã hội
Trong bối cảnh hiện nay, bác sỹ Tú Anh cho rằng cần dùng công nghệ để tăng hiệu quả giãn cách xã hội.
“Hiện đã có phần mềm khai báo y tế. Dù nhà nước muốn toàn dân dùng phần mềm này nhưng hiện chủ yếu dùng cho người mới nhập cảnh và cũng chỉ nhập thông tin một lần.”
“Với diễn biến dịch hiện nay, nên có phầm mềm nhắc mọi người báo cáo thông tin hàng ngày để các cơ quan chức năng sàng lọc và xử trí kịp thời.”
“Hiện nay mỗi ngày tôi đều nhận được tin nhắn Zalo và qua SMS về tình hình dịch, nên tôi nghĩ một app như vậy là hoàn toàn khả thi. App này cũng sẽ giúp giảm tải cho hệ thống y tế khi dịch phát triển ở diện rộng hơn.”
Bác sỹ Tú Anh thừa nhận thời gian vừa qua có sự chủ quan trong cộng đồng khi các ca nhiễm được xác nhận có chiều hướng giảm. Nhiều người đã tụ tập, một số hàng quán đã mở bấp chấp lệnh cấm.
Tuy nhiên bà Tú Anh cho rằng điều này cho thấy “giãn cách xã hội trong một thời gian dài là một thách thức lớn”, đặc biệt ở thành phố nơi không gian chật hẹp. Ngoài ra, còn do thói quen, nhiều người khó từ bỏ việc phải đi ra ngoài tập thể dục hoặc dạo bộ một lần trong ngày.
“Ngay cả những nước có cả nghìn ca nhiễm mỗi ngày như Hà Lan, chính phủ vừa phải cho cắt sớm hoa ở các cánh đồng tuylip, nếu không người dân vẫn ào ào đổ tới ngắm,” bà Tú Anh nêu ví dụ.
Bên cạnh đó, quan trọng nhất vẫn là vẫn đề mưu sinh, bà Tú Anh nhấn mạnh. Người dân có thể hi sinh lợi ích cá nhân vì sức khỏe cộng đồng, nhưng họ cũng cần ăn hàng ngày.
“Khi vấn đề mưu sinh của người dân được hỗ trợ, thì chính phủ và người dân sẽ tìm được tiếng nói chung trong vấn đề cách ly xã hội,” bà Tú Anh bình luận.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52290449

Hoa Kỳ và Việt Nam hợp tác chống dịch,

Hàn Quốc đưa kỹ sư Samsung trở lại Việt Nam

Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam vào ngày 16/4 thông báo cho biết, Chính phủ Mỹ đã hỗ trợ 4,5 triệu đô la (USD) để giúp Chính phủ Việt Nam nhằm ngăn chặn COVID-19.
Chia sẻ của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết, khoản hỗ trợ 4,5 triệu USD này giúp chính phủ VIệt Nam chuẩn bị hệ thống phòng thí nghiệm, giám sát, tìm kiếm, hỗ trợ chuyên gia cho công tác chuẩn bị và ứng phó, truyền thông rủi ro, phòng tránh kiểm soát lây nhiễm và các hoạt động khác.
Gói hỗ trợ này là một phần trong tổng số 508 triệu USD mà Cơ quan phát triển Mỹ (USAID) cam kết hỗ trợ cho các nước trên thế giới để đối phó với đại dịch COVID_19.
Việt Nam và Mỹ cũng đang xúc tiến hợp tác trong lĩnh vực trang thiết bị y tế trong bối cảnh Mỹ đang thiếu hụt mặt hàng này để chống dịch. Mỹ dự kiến nhập tổng cộng 4,5 triệu bộ đồ bảo hộ sản xuất tại Việt Nam, sau khi hai lô hàng với 900.000 bộ đã hoàn tất.
Theo Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, trong 20 năm qua, Mỹ đã đầu tư hơn 1,8 tỷ USD trong các hoạt động hỗ trợ cho Việt Nam, trong đó 706 triệu USD cho y tế.
Cũng tin liên quan, trong cùng ngày một chuyến bay chở 308 kỹ sư Hàn Quốc đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
Ông Phạm Ngọc Sáu giám đốc sân bay Vân Đồn khẳng định với truyền thông rằng, đây là các kỹ sư của công ty Samsung Việt nam và chuyến bay đưa các chuyên gia này từ Hàn Quốc sang Việt Nam làm việc theo thỏa thuận của Chính phủ hai nước.
Ngoài ra, tất cả kỹ sư Hàn Quốc nhập cảnh vào Việt Nam đều được cấp giấy xác nhận không nhiễm COVID-19 từ cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc và được phía Việt Nam chập nhận.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/usa-and-vietnam-cooperate-in-fighting-epidemics-skorea-brings-samsung-engineers-back-to-vietnam-04172020075155.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.