Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 26/03/2020

Thursday, March 26, 2020 7:50:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 26/03/2020

Dân quân Biển Trung Quốc

hoạt động ở quần đảo Trường Sa đang tranh chấp

Drake Long
Ngay cả khi khủng hoảng dịch bệnh do coronavirus gây nên đang hoành hành khắp Châu Á, Trung Quốc vẫn tiếp tục khẳng định sự hiện diện của họ ở Biển Đông bằng cách bố trí lực lượng dân quân biển quanh các đảo và rạn san hô thuộc Quần đảo Trường Sa. Thực tế này được Đài Á Châu Tự Do phân tích dựa trên dữ liệu theo dõi tàu biển và hình ảnh vệ tinh.
Cụ thể trong tháng này một đội tàu Trung Quốc đã di chuyển qua Cụm Đảo Sinh Tồn, một nhóm các thực thể đang tranh chấp giữa Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Đài Loan. Trong số những  thực thể quan trọng nhất trong khu vực này là Đá Tư Nghĩa và Đá Gạc Ma hiện do Trung Quốc kiểm soát, cùng Đảo Sinh Tồn và Đá Cô Lin của Việt Nam. Đội tàu vừa nêu được Nhóm Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải Châu Á nhận diện vào tháng 1 năm 2019 thuộc Lực lượng Dân quân Biển nổi tiếng Trung Quốc.
Năm tàu mà hành trình di chuyển được của chúng được RFA theo dõi hiện đang ở đá Gạc Ma, ở góc tây nam của Cụm đảo Sinh Tồn. Không phải ngẫu nhiên mà những tàu này hiện diện tại địa điểm trên vào những ngày kỷ niệm 32 năm trận hải chiến Gạc Ma hồi ngày 14 tháng 3 năm 1988. Đó là cuộc thảm sát của hải quân Trung Quốc khiến hàng chục binh sĩ Việt Nam thiệt mạng và Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát đá này.
Như lệ thường, Trung Quốc không hề công khai hoạt động đưa tàu của họ vào Cụm đảo Sinh Tồn. Lực lượng Dân quân Biển Vũ trang Nhân dân (PAFMM) thường bao gồm những tàu được ngụy trang bề ngoài là tàu đánh cá – mặc dù những tàu này không tham gia đánh bắt cá. Sự hiện diện của những tàu này đồng nghĩa với việc ‘treo cờ’ cho Bắc Kinh trong vùng biển tranh chấp mà không cần sự hiện diện công khai của lực lượng quân sự có thể dẫn đến việc lên án của cộng đồng quốc tế.
Zack Cooper, một nhà nghiên cứu chuyên về các vấn đề an ninh châu Á tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, phát biểu rằng Trung Quốc đang tiếp tục thái độ quyết đoán đối với các tranh chấp khu vực mặc dù đại dịch COVID-19 đang buộc thế giới để tâm vào.
“Bắc Kinh tăng cường hoạt động quân sự quanh Đài Loan và hiện đang có dấu hiệu thực hiện một số điều tương tự xung quanh Cụm Sinh Tồn.  Đây chỉ đơn thuần là việc tiếp nối hoạt động trước nay hay cố ý lợi dụng tình hình xao lãng hiện nay để gây áp lực lên những quốc gia khác có tranh chấp, thì điều đó không được làm rõ”, ông Cooper nói.
Phần mềm theo dõi tàu biển cho thấy năm tàu ​​PAFMM – với các ký hiệu Yuetaiyu (Tàu cá) 18777, 18333, 18888, 18222 và 18555 – vào đầu tháng 3 đã qua lại giữa Đá Subi (do Trung Quốc bối lấp nên và thường là trạm dừng cho các tàu của Trung Quốc bố trí tới khu vực này) và đảo Thị Tứ, một thực thể do Philippines chiếm đóng và là nơi mà các tàu Trung Quốc từng can dự vào chiến dịch gây áp lực kéo dài, theo như tài liệu của Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải Châu Á cho thấy. Các tàu vừa nêu trước hết dừng tại Đá Ba Đầu, ở phía Đông Bắc Cụm đảo Sinh Tồn, từ ngày 3 tháng 3 đến ngày 8 tháng 3.
Sau đó, các tàu di chuyển về phía Tây Nam đến Đá Tư Nghĩa do Trung Quốc kiểm soát, đi qua đảo Sinh Tồn Đông do Việt Nam kiểm soát và xa hơn về phía Tây gần đảo Sinh Tồn. Các tàu này nán lại gần Sinh Tồn trong khoảng thời gian từ ngày 13 đến 18 tháng 3.
Số lượng chính xác các tàu Trung Quốc được triển khai đến khu vực rất có thể vượt con số năm tàu ​​được RFA phát hiện bằng phần mềm theo dõi tàu biển. Hình ảnh vệ tinh cho thấy nhiều tàu khác tập trung tại Cụm đảo Sinh Tồn mặc dù danh tính của các tàu không rõ ràng. Khoảng 12 tàu đã di chuyển đến Đá Tư Nghĩa trong khoảng thời gian từ 8 tháng 3 đến 13 tháng 3.
Ngoài ra, hàng chục tàu khác đã nán lại ở phía đông bắc của Cụm đảo Sinh Tồn, bên trong Đá Ba Đầu, ít nhất kể từ ngày 6 tháng 3 và vẫn ở trong khu vực này cho đến ngày 19 tháng 3. Đá Ba Đầu, tên tiếng Anh là Whitson Reef, là một rạn san hô cạn, không có đảo nhân tạo hoặc các cơ sở vật chất. Hình ảnh vệ tinh cho thấy các cụm tàu ​​lớn được tụ lại với nhau.
Các tàu thuộc dòng Yuetaiyu ( Tàu Cá) đã từng đến Đá Tư Nghĩa do Trung Quốc nắm giữ và sau đó đến đảo Sinh Tồn do Việt Nam kiểm soát, đã di chuyển đến Đá Gạc Ma do Trung Quốc chiếm đóng hôm ngày 18 tháng 3. Một lần nữa, hình ảnh vệ tinh cho thấy số lượng tàu xuất hiện trong khu vực nhiều hơn hẳn so với năm tàu mà AIS, Automtatic Identification System (Hệ thống Nhận dạng Tự động), phát ra tín hiệu. Tất cả các tàu được yêu cầu phải có thiết bị phát đáp AIS để hỗ trợ mục đích theo dõi các trường hợp tìm kiếm và cứu hộ cũng như cho việc thực thi pháp luật. Mặc dù vậy, các tàu dân quân biển
Trung Quốc thường xuyên tắt các thiết bị phát đáp AIS để che giấu hoạt động của mình. Rõ ràng đây là thực tế hiện nay khi hình ảnh vệ tinh cho thấy có ít nhất 30 tàu vừa xuất hiện tại Đá Gạc Ma.
Gạc Ma, tiếng Anh là Johnson Reef, chỉ là một đảo đá theo phán quyết của Tòa Trọng Tài  Liên Hiệp Quốc năm 2016 đối với các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông. Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, một đá chỉ là một thực thể “không thể duy trì việc cư ngụ của con người hoặc đời sống kinh tế của chính họ” và vì vậy không có quyền có  vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa. Bất chấp phán quyết đó, Trung Quốc vẫn tiến hành xây dựng Đá Gạc Ma thành một đảo nhân tạo khác để có thể sử dụng làm căn cứ.
Tính đến ngày 23 tháng 3, các tàu PAFMM đã di chuyển một lần nữa đến cùng một địa điểm gần Đảo Sinh Tồn mà các tàu này đã đến trước đó vào ngày 13 tháng 3.

Đáp trả Mỹ,

TQ liền tập trận chống ngầm trên Biển Đông

Ngay sau khi tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam và tiến hành hàng loạt các cuộc tập trận trên Biển Đông, Trung Quốc liền điều hay máy bay quân sự tiến hành cuộc tập trận chống tàu ngầm trong khu vực.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (21/3) dẫn thông báo từ quân đội Trung Quốc cho hay máy bay quân sự nước này vừa tiến hành cuộc tập trận chống tàu ngầm ở Biển Đông. Thông báo cho biết, cuộc tập trận diễn ra trong tháng này, không lâu trước khi nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ do hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt dẫn đầu cùng một đơn vị đổ bộ thực hiện cuộc huấn luyện ở Biển Đông trong thời gian gần đây. Trong thông báo, quân đội Trung Quốc khoe rằng máy bay đã xác định thành công nhiều mục tiêu khả nghi và một phi công tham gia tập trận nói rằng việc hai máy bay cùng tham gia làm gia tăng khả năng phát hiện tàu ngầm.
Theo chuyên gia Swee Lean Collin Koh (Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore) cuộc tập trận của Trung Quốc nhằm phản ứng không chỉ hoạt động gần đây của nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt mà còn sự hiện diện ngày càng gia tăng của hải quân Mỹ ở Biển Đông. Cũng theo ông Koh, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân của Trung Quốc hoạt động trong vùng xung quanh một nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ.
Thông báo trên được đưa ra sau khi những tàu thuộc nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt (TRSG) cùng Nhóm tấn công viễn chinh Mỹ (AMAESG) và Đơn vị Viễn chinh đổ bộ 31 thực hiện các chiến dịch của Lực lượng tấn công viễn chinh (ESF) ở Biển Đông từ ngày 15-18/3. Trước đó, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt cùng tuần dương hạm USS Bunker Hill thăm Đà Nẵng từ ngày 5-11/3.
Được biết, Trung Quốc hiện sở hữu nhiều loại hình máy bay chống ngầm hiện đại. Trong số đó, Hải quân Trung Quốc đang vận hành số lượng nhỏ máy bay trực thăng Ka-27/28 được mua từ Nga để phục vụ cho nhiệm vụ tác chiến chống ngầm và vận tải, và mẫu trực thăng Ka -31 phục vụ cho nhiệm vụ cảnh báo sớm trên không. Trung Quốc còn thiết kế, chế tạo và sử dụng máy bay trực thăng tác chiến chống ngầm Z-18F. Trực thăng Z-18F là một phiên bản trực thăng tác chiến chống ngầm chuyên dụng của mẫu trực thăng Z-8, nặng 13,8 tấn với đặc trưng radar sục sạo lắp ở mũi trực thăng, tháp khí tài quan sát phía trước, sonar thả chìm, và các giá treo vũ khí để treo các ngư lôi hạng nhẹ Yu-7. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn sử dụng trực thăng Z-9D cải tiến có khả năng mang theo tới 4 tên lửa đối hạm trên 2 cánh ngắn có thể thu vào bên trong thân. Những tên lửa này dường như là mẫu tên lửa đối hạm YJ-9 được phát triển từ mẫu tên lửa đối hạm được dẫn bằng ra-đa TL-10B với tầm tác chiến 15 km. Những thay đổi khác trên trực thăng Z-9C gồm có ra-đa sục sạo cải tiến nâng cấp (KLC-3B) và trên nhiều máy bay trực thăng được chuyển đổi sang vai trò tìm – cứu, được trang bị tháp khí tài hồng ngoại quan sát phía trước, đèn pha tìm kiếm và tời.
Ngoài ra, không quân Trung Quốc hiện đang sở hữu nhiều loại hình phương tiện AEW&C hiện đại như Y-8J, KJ-200, KJ-2000 và KJ-500. Trong đó, Y-8J được chế tạo trên cơ sở máy bay vận tải quân sự nâng cấp Y-8C (tương tự An-12 của Liên Xô) với chụp rẽ dòng đặc trưng ở mũi để chứa hệ thống anten radar. Nhiệm vụ chính của Y-8J là kiểm soát tình hình mặt biển và trên không trên các vùng biển ven bờ biển Hoàng Hải và biển Hoa Đông để ngăn chặn buôn lậu ở các khu vực này. Sau nhiều giai đoạn hiện đại hóa, biến thể Y-8J đã được trang bị các thùng nhiên liệu lớn hơn, các cửa nắp khẩn cấp bổ sung, các máy chụp không ảnh, các khí tài liên lạc, các phương tiện trinh sát vô tuyến điện và trinh sát kỹ thuật vô tuyến điện tử và các vị trí công tác tự động hóa dành cho các trắc thủ với các màn hình tinh thể lỏng
để hiển thị tình huống hiện tại. Thành phần chính của hệ thống thiết bị vô tuyến điện tử trên khoang của máy bay này là radar SkyMaster. Radar này cho phép phát hiện các mục tiêu trên không (ở cự ly đến 400 km) và mặt nước (ở cự ly đến 110 km) khi máy bay mang bay ở độ cao đến 3.000 m, dẫn đường cho máy bay chiến thuật và cung cấp dữ liệu về các tàu mặt nước.
KJ-200 cũng như Y-8J ngay từ đầu được chế tạo dựa trên máy bay vận tải quân sự Y-8. Máy bay được chế tạo dựa trên biến thể chế thử Y-8F-200 đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào cuối năm 2001. KJ-200 được cung cấp ở các biến thể khác nhau cho không quân và hải quân Trung Quốc. Thiết bị điện tử trên khoang của KJ-200 gồm: radar anten mạng pha chủ động JY-06, hệ thống trinh sát vô tuyến điện và trinh sát vô tuyến điện tử, máy thu hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đầu, cũng như máy hỏi radar của hệ thống nhận dạng địch-ta. Thành phần chính của hệ thống vô tuyến điện tử trên khoang là radar xung-Doppler 3 tọa độ đa năng dải cm với anten mạng pha chủ động 2 chiều cố định. Radar được bố trí bên trên phần giữa thân trong vỏ trong suốt vô tuyến hình hộp bút có chiều dài gần 9,8 m (chiều dài của bản thân anten mạng pha chủ động là 8,7 m). Tổng cộng, không quân và hải quân Trung Quốc đã tiếp nhận đến 13 chiếc KJ-200, trong đó có 5 chiếc cho không quân và 6 chiếc cho hải quân, cũng như 1 chiếc KJ-200A và 1 chiếc KJ-200B.
KJ-2000 được chế tạo dựa trên cơ sở máy bay vận tải quân sự Il-76TD của Nga. Thành phần chính của hệ thống vô tuyến điện tử trên khoang là radar xung-Doppler 3 tọa độ đa năng dải cm với anten mạng pha chủ động cố định lắp trong vỏ rẽ dòng trong suốt vô tuyến, hình đĩa đường kính 14 m, làm mát bằng chất lỏng. Về cấu trúc, anten mạng pha chủ động gồm 3 bộ phận anten hình tam giác giống nhau, mỗi bộ phận quét một sector 120° về phương vị. Việc sử dụng chung 3 bộ phận anten bảo đảm radar quan sát vòng tròn. Ở chế độ quan sát, tần số bức xạ và chu kỳ lặp của các xung dò radar có thể do trắc thủ lựa chọn một cách độc lập cho mỗi một trong 3 panel anten mạng pha. Ngoài ra, anten mạng pha chủ động có 2 chế độ quan sát chính: quan sát vòng tròn bằng cả 3 bộ phận anten trong sector 360°, quan sát theo sector khi việc quét không gian bằng các tia giản đồ hướng anten được thực hiện ở sector 0-240°. Điều đó bảo đảm phát hiện tin cậy các mục tiêu bay ở tất cả các mực độ cao ở dải tầm phát hiện tối đa 200-470 km đối với mục tiêu bay có bề mặt tán xạ hiệu dụng tương ứng là 1 và 5 m2.
KJ-500 được chế tạo trên cơ sở máy bay vận tải quân sự Trung Quốc Y-9 (tương tự An-12 của Liên Xô), dùng để sục sạo, phát hiện, nhận dạng và bám các mục tiêu trên không và mặt nước (mặt đất) ở tầm đến 500 km. Việc lắp ráp các hệ thống anten và thiết bị điện tử của KJ-500. Thành phần then chốt của hệ thống vô tuyến điện tử trên khoang là radar xung-Doppler 3 tọa độ, đa năng dải cm với anten mạng pha chủ động cố định do Viện 38 thuộc tổng công ty СЕТС phát triển. Hệ thống anten của radar được bố trí bên trên thân máy bay, trong vỏ rẽ dòng trong suốt vô tuyến, hình đĩa đường kính 6-7 m. Về kết cấu, anten gồm 3 panel anten hình tam giác giống nhau, mỗi panel bảo đảm quan sát về phương vị một sector rộng 120°. Radar có các chế độ quan sát không gian nhìn vòng (360°) và quan sát sector (120-240°) khi sử dụng tương ứng 3, 2 hay 1 panel anten. Radar cho phép phát hiện tên lửa hành trình ở độ cao nhỏ và dẫn đường cho tới 10 máy bay chiến thuật đến các mục tiêu bay. Hệ thống phòng vệ của máy bay cho phép cảnh báo phi hành đoàn khi đối phương phóng tên lửa có điều khiển, bám theo các tên lửa này, đánh giá mức độ nguy hiểm và tự động gây nhiễu tích cực. Các anten của hệ thống phòng vệ máy bay dự đoán được bố trí trong phần mũi máy bay và ở trên cánh ổn định đuôi đứng. Khác biệt chủ yếu của KJ-500 so với biến thể xuất khẩu ZDK-03 vốn cũng được chế tạo trên cơ sở máy bay vận tải quân sự Y-9 là sơ đồ kết cấu của vỏ rẽ dòng của anten mạng pha chủ động cố định, cũng như sự hiện diện của anten (dự đoán là anten liên lạc vệ tinh siêu cao tần) ở bên trên phần giữa vỏ rẽ dòng của anten mạng pha chủ động. Ngoài ra, để bảo đảm độ ổn định bay, máy bay được lắp thêm 2 cánh đứng đuôi ở dưới thân máy bay. Ngoài radar, hệ thống vô tuyến điện tử trên khoang của KJ-500 còn có: trạm trinh sát vô tuyến điện và vô tuyến điện tử, thiết bị của hệ thống nhận dạng địch-ta, hệ thống phòng vệ máy bay, các phương tiện liên lạc sóng ngắn, sóng cực ngắn, liên lạc vệ tinh và truyền dữ liệu, các vị trí công tác tự động hóa của trắc thủ. Các anten của trạm trinh sát vô tuyến điện và vô tuyến điện tử được lắp trong các đầu mút cánh, trong phần mũi và đuôi máy bay, cũng như ở hai bên sườn trái và phải. Trạm này cho phép phát hiện và chặn thu các nguồn bức xạ vô tuyến điện dải sóng cực ngắn và siêu cao tần, cũng như trinh sát vô tuyến điện các tín hiệu của các phương tiện liên lạc mặt đất, trên không và trên biển, trước hết là của các phương tiện radar phòng không đối phương.
Việc Trung Quốc tiến hành tập trận chống ngầm trong khu vực Biển Đông không chỉ đi ngược lại luật pháp quốc tế mà còn xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Hành động của Trung Quốc cũng đi ngược lại Khoản 4 DOC, làm phức tạp thêm các tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường
Sa, gây ảnh hưởng đến hoạt động tự do hàng hải trong khu vực. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc tập trận chống ngầm trái phép ở Biển Đông cũng đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo Cấp cao Việt Nam – Trung Quốc ký kết.
Để bảo đảm hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh và tự do hàng hải không bị cản trở cũng như việc xây dựng lòng tin giữa các nước nhằm dần tiến tới việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS và các tuyên bố, nhận thức chung giữa các bên liên quan, Trung Quốc cần chấm dứt ngay các hành động đơn phương làm leo thang căng thẳng. Những hành động trên của Bắc Kinh (tập trận bắn đạn thật, triển khai phi pháp các loại khí tài quân sự trong khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam) không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế mà còn vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Việt Nam phản đối Trung Quốc và Đài Loan

về những xâm phạm lãnh hải trên Biển Đông

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng vừa lên tiếng yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, không có các hành động gia tăng căng thẳng, làm phức tạp tình hình và ảnh hưởng tới hòa bình ở Biển Đông.
Truyền thông trong nước loan tin ngày 26/3, trích nội dung cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao được tiến hành trực tuyến vào chiều cùng ngày.
Theo đó, khi trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của chính phủ Hà Nội trước thông tin Trung Quốc vừa thiết lập 2 trạm nghiên cứu trên đá Xu Bi và đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng cho hay Việt Nam đã nhiều lần khẳng định có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử thể hiện chủ quyền với 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Vì thế, mọi hoạt động tại 2 quần đảo này phải được sự cho phép của Việt Nam.
Hôm 20 tháng 3 năm vừa qua, Tân Hoa Xã cho hay Trung Quốc đã khánh thành hai trạm nghiên cứu tại Đá Chữ Thập và Su Bi, thuộc quần đảo Trường Sa. Bắc Kinh cho rằng việc thiết lập các trạm nghiên cứu mới sẽ cho phép các nhà khoa học nghiên cứu thực địa trong các lĩnh vực sinh thái, địa lý và môi trường. Các trạm này cũng có thể theo dõi các thay đổi sinh thái và địa chấn trong các vùng quan trọng ở Biển Đông.
Tại cuộc họp ngày 26/3, Phát ngôn nhân Lê Thụ Thu Hằng còn lên tiếng phản đối việc Đài Loan đã tiến hành tập trận bắn đạn thật ở vùng biển gần đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào ngày 24/3 vừa qua.
Người đại diện chính phủ Hà Nội mạnh mẽ khẳng định việc Đài Loan tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này. Đồng thời, Đài Loan cũng đã đe dọa đến hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.