Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 21/03/2020

Saturday, March 21, 2020 5:32:00 PM // ,

Đọc báo Pháp – 21/03/2020

Thế giới đối mặt với kẻ thù chung Covid-19

Tú Anh|Thùy Dương
Lần đầu tiên một kẻ thù vô hình, quái ác đe dọa sinh mạng con người lẫn hệ thống kinh tế toàn cầu. Covid-19 làm xáo trộn đời sống hàng ngày, phong tỏa đi lại, hạn chế tự do, nhưng đó cũng là cơ hội để làm sống dậy tình tuơng trợ, báo hiệu những thay đổi lớn sau cơn đại biến. Châu Á, châu Âu đối phó ra sao? Đâu là chiến lược thừa nước đục thả câu của các nhà lãnh đạo Putin, Erdogan ? Số phận hẩm hiu của người Việt tại Cam Bốt cũng không bị bỏ quên trong phần điểm tuần báo hôm nay.
Virus Corona chủng mới : Mối đe dọa không phân biệt bạn thù                    
Lần đầu tiên trong lịch sử, khác với đệ nhất, đệ nhị thế chiến, có hai phe rõ rệt, lần này, tại cùng một thời điểm, toàn cầu cùng đối phó với một mối đe dọa vô hình không phân biệt bạn thù.
Đúng là các vụ tấn công khủng bố ngày 11/09/2001 tại New York đã làm người dân cả hành tinh choáng váng, nhưng trên thực tế, chủ yếu là người Mỹ và đặc biệt là người dân New York phải đổ máu. Đúng là cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2010 có quy mô thế giới, nhưng tùy theo đối tượng là người giàu hay người nghèo, Hy Lạp hay nước Đức, mà hậu quả hoàn toàn khác nhau. Còn virus corona Sars-Cov-2 không phân biệt biên giới và quốc tịch.
Ai cũng có cảm giác mình bị nhắm tới. Người Iran cũng như người Mỹ, người Ý hay người Đức, người Nhật cũng như người Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng y tế lần này buộc chúng ta phải có trách nhiệm với toàn cầu. Để chia sẻ tình liên đới, sau vụ khủng bố 11/09, một nhà xã luận Pháp đã viết « Tất cả chúng ta đều là người Mỹ ! » Giờ đây, theo Le Point, chúng ta có thể nói « Tất cả chúng ta đều là công dân của thế giới ! »
Chắc hẳn rồi virus corona sẽ bị đánh bại ! Nhưng con đường mà dịch bệnh quét qua sẽ để lại những vết tích sâu đậm về cách tổ chức của các quốc gia. Sự lựa chọn hiện giờ của các chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân đang định hình thế giới của ngày mai. Việc trợ giúp nhau lẫn nhau sẽ có sức mạnh lớn hơn cả những quân đoàn. Trái lại, việc thiếu vắng tình đoàn kết vào những giờ phút định mệnh sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí người dân. Khi nước Ý không tài nào có được những chiếc khẩu trang y tế từ các nước láng giềng châu Âu, Trung Quốc đã ghi điểm khi điều cả một chuyến máy bay chở đầy khẩu trang sang tiếp viện cho Ý.  Còn nước Mỹ đột ngột đã để mất rất nhiều điểm khi chỉ muốn giữ riêng cho họ một loại vác-xin có thể chống lại virus corona.
Đằng sau cuộc chiến y tế chống lại virus corona là một cuộc chiến tranh thế giới mới đang nổ ra, một cuộc chiến chính trị để xua tan dịch bệnh và kiểm soát lịch sử. Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng làm bất cứ điều gì để ngăn chặn khả năng đại dịch có thể ảnh hưởng đến việc ông tái đắc cử. Trung Quốc cố gắng xóa đi ấn tượng rằng hệ thống chính trị chuyên quyền độc đoán đã cản trở thời điểm khởi đầu cuộc chiến chống dịch : Bắc Kinh đã ngăn cấm các bác sĩ nói sự thật về virus corona, trong khi các nhà báo tìm cách thông tin cho công chúng về dịch bệnh thì bị cầm tù.
Nước nào cũng chỉ quan tâm đến quyền lợi của riêng mình. Ở châu Âu cũng như tại Mỹ, phe tả cũng như phe hữu, tất cả đều đặt vấn đề về toàn cầu hóa trong sự lây lan của dịch bệnh. Liệu virus corona có giáng một đòn cuối cùng vào 7 thập niên tự do hóa toàn cầu hay không ? Không chắc là điều này sẽ xảy ra. Người tiêu dùng yêu thích các sản phẩm đa dạng và rẻ tiền đến mức họ khó có thể chấp nhận việc các công ty từ bỏ dây chuyền sản xuất xuyên quốc tế. Nếu xóa bỏ tự do hóa toàn cầu, một cuộc khủng hoảng kinh tế rất có thể sẽ nổ ra.
Các khẩu hiệu dân túy và tư tưởng sô vanh đã làm lộ rõ những yếu kém hiệu quả trong cuộc chiến chống đại dịch. Sự kén chọn của các quốc gia, sự ích kỷ của các dân tộc, sự thiển cận của các nhà lãnh đạo được đo bằng số người dân bị tước mất cuộc sống. Một cuộc chiến chống dịch hiệu quả và đi đến thắng lợi phải cần có sự tham gia của toàn thế giới. Các định chế như Tổ Chức Y Tế Thế Giới, nhóm G20 và G7 đều đã thất bại. Chúng ta cần một cuộc đại tu về hợp tác quốc tế.
Các cuộc khủng hoảng năm 2001 và 2008 đã thúc đẩy sự phân cực của thế giới, sự mất lòng tin vào dân chủ, và sự đối đầu của các nền văn minh, mở đường dẫn đến sự thiếu vắng khả năng chung sức đối phó với thảm họa y tế, thiên tai, rủi ro công nghiệp và tấn công khủng bố. Hình ảnh các bệnh viện quá tải, các trường học và nhà hàng phải đóng cửa, người dân cả nước bị phong tỏa, một lần nữa nhấn mạnh đến sự tổn thương mạnh mẽ của các xã hội thời hậu hiện đại. Chúng cũng cho thấy hành vi của mỗi người có ý nghĩa đối với phần còn lại của nhân loại và tình đoàn kết là cách duy nhất để ngăn chặn dịch bệnh một cách hiệu quả. Bài học này, về cơ bản, có thể trấn an chúng ta. Và đây là kinh nghiệm đáng quý nhất mà chúng ta cần rút ra từ cuộc khủng hoảng virus corona.
Cuộc sống xáo trộn, hết rồi ngày vui cũ
Với bức họa con siêu vi gai góc tím sẫm như một khối cầu từ chân trời lao đến đe dọa một đoàn người đeo khẩu trang, đôi mắt hốt hoảng tìm đường chạy trốn, Courrier International đề tựa trên trang bìa : cuộc sống chúng ta bị xáo trộn. Trong bài xã luận cùng tên, tổng biên tập Claire Carrad ngồi tại Paris đặt câu hỏi : Làm cách nào mà Trung Quốc, Đài Loan và Singapore, trong chừng mực nào đó, đã chặn được dịch ? Có hay không có một phương án hiệu quả, nếu không thì tại sao ? Và làm sao giúp kinh tế thế giới phục hồi ?
Từ Luân Đôn, báo Guardian mô tả cuộc biển dâu này : Chúng ta không còn có thể xuất ngoại, chúng ta phải làm việc từ nhà, hết còn thú vui tiêu khiển, đi ăn nhà hàng, thăm viếng người thân, ôm hôn cha mẹ, ông bà. Chưa bao giờ, kể từ đệ nhị thế chiến, đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn địa cầu, trong vòng vài tuần lễ, cuộc sống của chúng ta thay đổi hẳn. Điều chắc chắn là chúng ta sẽ không thoát nạn một cách an toàn. Đời sống tương lai sẽ không còn như trước. Nhưng chúng ta sẽ cảm nhận được nhu cầu ấm áp tình người. Courrier International trích thêm hai nhật báo Ý về tinh thần của người dân Roma và Bergame của Ý : Nỗi sợ hãi làm nổi dậy tinh thần quật cường và tình liên đới. Tuần báo Pháp l’Obs, Người quan sát, cũng cùng nhận định.
Tinh thần con cháu Cesar
Trong bài viết « Nước Ý : Định mệnh và tình tương thân tương ái », L’Obs thán phục ý thức công dân tiêu biểu của người dân nơi dịch bệnh nặng nề nhất châu Âu. Tuân thủ kỷ luật để chống dịch, nhưng người dân Ý vẫn phát huy tính sáng tạo. Họ ở yên trong nhà, nhưng mở cửa sổ, hát quốc ca, chơi nhạc cụ, lấy âm thanh để át nỗi sợ, chống kẻ thù vô hình, vô thanh. Người dân được kêu gọi dùng ánh sáng điện thoại, bật đèn pin, đèn điện để cho thế giới thấy nước Ý vẫn đang sống, người dân Ý vẫn khỏe mạnh và đoàn kết. Tính hài hước cũng được phát huy qua những câu nói đùa, tranh hí họa, đoạn vidéo …
Người dân Ý đang trải qua cơn ác mộng mang tên Covid-19, nhưng vào chính giai đoạn tang thương này, nước Ý chứng kiến « một tình tương thân tương ái chưa từng có ». Trên các mạng xã hội lan truyền những lời kêu gọi đoàn kết quốc gia, tương thân tương ái, nhất là để giúp những người cao tuổi, già yếu. L’Obs trích dẫn một nhà xã hội học Ý, theo đó, chính vào thời điểm tồi tệ nhất người dân Ý lại cho thấy những điều tuyệt vời nhất.

Bài học « Tứ hổ châu Á » Hàn Quốc, Singapore,

Đài Loan và Hồng Kông chống dịch

Nhìn sang châu Á, nơi từng được coi là ổ dịch Covid-19, không hẹn mà nên, Le Point và l’Obs không giấu lòng thán phục đối với « bốn mãnh hổ Châu Á » : Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan và Hồng Kông.
Đối mặt với Covid-19, biện pháp duy nhất để tránh xảy ra một cuộc thảm sát phải chăng là cách ly 50 triệu người Hồ Bắc và trói chân tổng cộng 750 triệu công dân Hoa lục ? Sau hai tháng  gạt bỏ, chính phủ của nhiều nuớc châu Âu bị dịch nghiêm trọng nhất đã phải nghĩ đến giải pháp Trung Quốc.  Tuần báo l’Obs, trong bài « Bài học Nam Hàn, Đài Loan Hồng Kông … » cảnh giác : chúng ta không cần theo phương pháp thô bạo của Trung Quốc. Tại châu Á, nhiều chính phủ tìm ra biện pháp nhẹ nhàng hơn, tôn trọng nhân quyền và hiệu quả hơn. Bí kíp của các phương pháp này là gì?
Trong khi Bắc Kinh cố bóp nghẹt thông tin thì các láng giềng của Hoa lục tiến hành ba bước sau đây, theo mô tả của chuyên gia dịch tễ học Benjamin Cowling, đại học Hồng Kông : hạn chế người Trung Quốc qua biên giới, cách ly các trường hợp có triệu chứng bị lây nhiễm và cắt đường truyền nhiễm âm thầm bằng cách tự cô lập, giữ vệ sinh tuyệt đối. Cho dù Hồng Kông, vì áp lực của Bắc Kinh không thể đóng cửa biên giới 100%, hay Đài Loan, phải đến tuần lễ đầu tháng Hai mới cấm hẳn du khách Hoa lục hoặc người đến từ vùng dịch, nhưng hai khu vực này cũng đạt được kết quả không kém gì Singapore, nước đã nhanh chóng đóng cửa biên giới.
Còn Hàn Quốc, ngay tâm dịch Daegu, cũng không dùng biện pháp cách ly tập thể thô bạo. Khả năng chống dịch của Hàn Quốc dựa trên tiến bộ y khoa vượt trội về xét nghiệm và chẩn bệnh. Mọi chuyên gia đều khen ngợi « hiệu quả ngoạn mục » của Hàn Quốc. Còn Đài Loan xuất sắc chỗ nào? Le Point cho rằng hải đảo này phản ứng nhanh, ngay từ khi chỉ mới có « tin đồn » từ Vũ Hán. Nhờ vào hệ thống an sinh xã hội tốt, bảo hiểm y tế hoàn hảo, cộng với chế độ nhập cư, hải quan chặt chẽ, khi phát hiện một ca đáng ngờ là Y tế Đài Loan có thể « phăng » ngay đến nguồn cội. Nói chung, cả hai tạp chí đều khuyến cáo chính phủ Pháp theo kinh nghiệm « các con hổ châu Á », nhất là Hàn Quốc. Không những chống dịch hiệu quả mà kinh tế của các mãnh hổ không bị tê liệt như đại cường độc tài.
Trong lúc các nước tập trung chống dịch Covid-19 thì tổng thống Nga Putin lợi dụng thời cơ để tu chính Hiến Pháp, đánh lừa công luận để tiếp tục trị vì đến năm 84 tuổi. Chính quyền Hồi Giáo Iran cũng bất chấp siêu vi, tập trung vào mục tiêu nguyên tử là chính. Courier Internatinal phân tích tường tận. Để tìm hiểu thêm trong lãnh vực địa chính trị Putin và Erdogan thả câu ra sao, Le Point có bài phân tích « Cuộc đụng độ về địa chính trị của các cường quốc ».

Covid-19, cuộc đụng độ về địa chính trị

của các « ông lớn »

Trong khi cả châu Âu và châu Á đều phải gồng mình chống dịch bệnh tàn phá, thì nhiều nhà lãnh đạo như Vladimir Putin, Recep Erdogan và Mohamed Ben Salmane lại tranh thủ Covid-19 để kín đáo củng cố sức mạnh của họ. Đối với nhà báo Nicolas Baverez, đằng sau cuộc khủng hoảng virus corona và sự sụp đổ của thị trường tài chính là cuộc đụng độ địa chính trị giữa các cường quốc cạnh tranh quyền lãnh đạo trong thế kỷ 21.
Trước hết, đại dịch Covid-19 tạo ra một lĩnh vực đối đầu mới giữa chế độ toàn trị kỹ thuật số Trung Quốc và nền dân chủ. Nghịch lý ở đây là Trung Quốc, nơi dịch bệnh xuất hiện và phát triển do sự thiếu minh bạch của chế độ chuyên chế, cuối cùng lại trở thành một hình mẫu về kiểm soát hiệu quả dịch bệnh
trước sự bất lực của nền dân chủ. Tuy nhiên, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan cũng cho thấy hoàn toàn có thể kiểm soát sự lây lan của virus corona trong khi vẫn tôn trọng Nhà nước pháp quyền. Nhìn tổng thể, cuộc khủng hoảng sẽ đẩy nhanh tiến trình lưỡng cực hóa thế giới và cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng không bỏ lỡ cơ hội khai thác cơn sóng corona vốn đang gây bất ổn cho các nền dân chủ. Quá trình sửa đổi Hiến Pháp bắt đầu vào tháng 01/2020 và cuộc bỏ phiếu thông qua của cả Hạ Viện và Thượng Viện Nga trong vòng 24 giờ đã cho phép ông ta tái tranh cử tổng thống Nga vào năm 2024 và 2030 và như vậy có khả năng duy trì vị trí cho đến năm 2036.
Tại Ả Rập Xê Út, Mohammed Ben Salmane cũng lợi dụng cuộc khủng hoảng virus corona và sự sụp đổ của thị trường chứng khoán để khơi mào hai cuộc chiến mới. Cuộc chiến tranh thứ nhất là chống lại hoàng gia, giam cầm cựu đối thủ, hoàng tử Mohammed Ben Nayef và Ahmed Ben Abdelaziz, anh trai của vua Salmane. Cuộc chiến thứ hai là về dầu mỏ : Để đáp trả việc Nga từ chối gia hạn thỏa thuận với OPEC, hôm 8/3, Ben Salmane thông báo tăng sản lượng dầu của Ả Rập Xê Út từ 9,7 triệu lên thành 12,3 triệu thùng mỗi ngày.
Trong khi đó, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng có những đòn đáp trả sau những thất bại cả về quân sự và ngoại giao trước tổng thống Nga Vladimir Putin tại miền bắc Syria. Thêm vào đó, trong nước, do ngày càng bị dân chúng phản đối về sự diện diện của 4,6 triệu di dân, Recep Tayyip Erdogan đã hung hăng gây sức ép đối với Liên Hiệp Châu Âu : đưa 14.000 di dân tới biên giới với Hy Lạp, kiểm soát nguồn khí ga ở Địa Trung Hải, đưa hàng ngàn chiến binh thánh chiến sang Libya để bảo vệ chế độ Tripoli.
Đối với Le Point, những cuộc đối đầu về địa chính trị ẩn sau đại dịch Covid-19 gợi nhắc chúng ta về 5 thực tế. Thứ nhất, từ nay, chính trị, tư tưởng về quyền lực và sự thống trị mới dẫn dắt thế giới, chứ không phải kinh tế như trong những năm 1989 - 2008. Thứ hai, cho dù là về địa chính trị hay kinh tế, thì mọi chuyện đang đều trở nên khó khăn hơn : sự hỗn loạn của Trung Đông cho thấy thế giới của thế kỷ 21 sẽ không còn mối hợp tác mà chỉ còn sự đối đầu. Thứ ba, các chế độ độc đoán ngày nào cũng tìm kiếm những cơ hội mới để chứng minh rằng quyền lực cá nhân và bạo lực có hiệu quả hơn nền dân chủ đại diện.
Thứ tư, các nền dân chủ không nên chỉ tố cáo các tệ nạn xuất phát từ sự thiếu minh bạch của các nền dân chủ chuyên chế, bởi vì các chế độ như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đã thể hiện khả năng quản lý khủng hoảng của họ trong khi vẫn tôn trọng các quyền cơ bản của công dân và tìm lại được sự thống nhất đoàn kết trong nước. Và cuối cùng, đối với châu Âu, sự lựa chọn là rất rõ ràng : Châu Âu hoặc phải tự xác định lại sức mạnh của mình, hoặc sẽ trở thành đối tượng chịu sự cạnh tranh của các cường quốc đang giành giật sự thống trị trên thế giới.

Những người Việt nổi trôi

Nhìn ngược lại châu Á, đại dịch và an ninh thế giới không làm cho Courrier International quên số phận của « những người Việt Nam sống trong vùng đất kỳ thị ».
Tình trạng cộng đồng hàng chục ngàn người Việt, lập nghiệp ở xứ Chùa Tháp từ nhiều thế hệ, nạn nhân của định kiến và kỳ thị không phải là chuyện mới. Phóng sự của báo Hồng Kông South China Morning Post nêu lên lý do lịch sử bắt đầu từ thời Vua Minh Mạng biến một vùng lãnh thổ Chân Lạp thành một tỉnh của Việt Nam. Rồi chính quyền Pháp đưa người Việt sang Cam Bốt làm công chức trong các cơ quan hành chánh …, tâm lý ghét người Việt gia tăng trong một bộ phận dân Cam Bốt xem thủ tướng Hun Sen, người được các đoàn chiến xa Hà Nội đưa lên cầm quyền từ 1978, là tay sai của Viêt Nam. Vấn đề của người Việt sống “bên Miên” hiện nay, ngoài hệ quả tồn đọng của lịch sử, còn bị đời sống chính trị bản địa chi phối. Đối lập Cam Bốt, điển hình là Sam Rainsy, nay đã lưu vong, hơn một lần tuyên bố Cam Bốt sẽ trở thành chư hầu của Việt Nam.
Hư thực hồi sau phân giải, nhưng hiện giờ cộng đồng người Việt không có đất dung thân, nói theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Những ngôi làng nổi trên biển Hồ được lệnh phải phá hủy. Đại đa số người Việt nơi đây không có giấy tùy thân, nói chi là quốc tịch. Giới thanh niên phải giấu nguồn gốc để tránh thái độ kỳ thị. Theo tổ chức nhân quyền Women Peace Makers, thật ra chỉ những người không có tiếp cận với người Việt mới nói người Việt đáng ghét. Tác giả kết luận bài phóng sự với một thanh niên Việt, lấy tên Khmer, có cơ may học hành, làm việc với người Khmer : tôi sống trên đất người, cho nên tự nhiên phải thích tìm hiểu, giao thiệp và sống hài hòa với người bản xứ.

Tin tổng hợp
(AFP) – Bắc Triều Tiên bắn thử hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn. 
Quân đội Hàn Quốc cho biết hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn được bắn đi từ bờ đông Bắc Triều Tiên vào sáng Thứ Bảy 21/03/2020. Chính quyền Seoul mạnh mẽ lên hành vi “hết sức không thích hợp” của Bình Nhưỡng vào lúc thế giới phải đối mặt với dịch Covid-19. Hàn Quốc kêu gọi Bắc Triều Tiên “ngừng ngay lập tức” hành động khiêu khích đó. Trong bối cảnh đàm phán hạt nhân Mỹ- Bắc Triều Tiên gặp bế tắc, từ tháng 11/2019 chính quyền Kim Jong Un liên tục cho thử nghiệm vũ khí.
(AFP) – Iran thả một nhà nghiên cứu Pháp. 
Sau 9 tháng rưỡi giam giữ, Iran cuối cùng đã trả tự do cho một nhà nghiên cứu Pháp, ông Roland Marchal, theo thông báo của Paris sáng nay, 21/03/2020. Nhưng tổng thống Emmanuel Macron một lần nữa kêu gọi chính quyền Teheran phóng thích ngay lập tức nhà nghiên cứu mang hai quốc tịch Pháp-Iran, bà Fariba Adelkhah. Cả hai đều làm việc tại Trung tâm nghiên cứu Quốc tế CERI của trường Sciences Po Paris và đã bị bắt tại Teheran tháng 6/2019.
(Reuters) – Covid-19: tình hình tiếp tục xấu đi tại Iran. 
Bộ Y Tế nước này ngày 21/03/2020 cho biết, virus corona làm 1.556 bệnh nhân thiệt mạng, lây nhiễm cho hơn 20.000 người. Tổng thống Rohani ban hành nhiều lệnh cấm với hy vọng đảo ngược tình thế trong 2 hay 3 tuần nữa.
(AFP) – Covid-19: hơn 1.300 người chết tại Tây Ban Nha và 25.000 người bị nhiễm virus corona. 
Bộ Y Tế Tây Ban Nha cho biết tính đến trưa 21/03/2020, trên toàn quốc có 1.326 người thiệt mạng. Chỉ riêng hôm qua, trên một ngàn bệnh nhân qua đời. Madrid tuyên bố “thời điềm đen tối nhất vẫn ở trước mặt”. Ba ổ dịch lớn nhất trên toàn quốc là khu vực chung quanh thủ đô Madrid, kế đến là vùng Catalunya và Pays Basque, sát biên giới với Pháp.
(AFP) – Covid-19: Ủy Ban Châu Âu cho phép các thành viên tăng ngân sách cứu nguy kinh tế. 
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu ngày 20/03/2020 thông báo trên Twitter: Trước tình hình virus corona đe dọa kinh tế toàn khối, Bruxelles tạm thời đình chỉ quy định về ngân sách, các thành viên được quyền sử dụng ngân sách quốc gia quá ngưỡng 3% GDP được ấn định trong Hiệp Ước Ổn Định và Tăng Trưởng của châu Âu. Quyết định này sẽ được bộ trưởng Tài Chính 27 nước Liên Âu thông qua vào đầu tuần tới.
(AFP) – Ngăn ngừa dịch Covid-19, đô trưởng Luân Đôn thuê 300 phòng khách sạn cho người vô gia cư. 
Thông cáo của tòa đô chính Luân Đôn ngày 21/03/2020 giải thích “với sự hỗ trợ của chính phủ, chính quyền thành phố vừa giữ 300 phòng khách sạn để cách ly người vô gia cư trong những tuần lễ sắp tới”. Kể từ chiều qua và trong suốt hai ngày cuối tuần, những người này được taxi chở về hai khu sách sạn tại Luân Đôn, tránh các phương tiện giao thông công cộng. Tại Luân Đôn có khoảng 9.000 người vô gia cư.
(AFP) – Virus corona: Salvador lo sợ số nạn nhân Covid- 19 tăng nhanh. 
Phóng viên của AFP ngày 20/03/2020 trông thấy quân đội Salvador tiếp tay với nhân viên các công ty mai táng đào sẵn 118 hố chôn tại một khu nghĩa trang ngay tại thủ đô. Một người điều hành nghĩa trang giải thích “kịch bản tai hại này khó tránh khỏi”. Với 6,4 triệu dân, quốc gia Trung Mỹ này tới nay ghi nhận ba ca lây nhiễm, chưa có người tử vong. Ngay từ ngày 12/03/2020 Salvado đã cấm người nước ngoài nhập cảnh.
(AFP) – Bộ trưởng Y Tế Brazil lo ngại số ca nhiễm virus corona sẽ tiếp tục tăng cho tới tháng 7/2020. 
Ngày 20/03/2020 Brazil ghi nhận 11 ca tử vong, hơn 900 ca nhiễm. Sự kiện hãn hữu, lần đầu tiên trong lịch sử, Thượng Viện Brazil mở khóa họp qua video. 75 trên tổng số 81 thượng nghị sĩ sẽ tham dự cuộc họp qua điện thoại cầm tay. Chủ tịch Thượng Viện và hai thượng nghị sĩ Brazil dương tính với virus corona.
(AFP) – Virus corona: Cuba cấm cửa du khách ngoại quốc. 
Để ngăn chận dịch Covid-19 từ ngoài vào, hôm qua, 20/03/2020, chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel thông báo đóng cửa biên giới trong một tháng đối với toàn bộ du khách ngoại quốc. Hiện Cuba chỉ mới có 21 ca lây nhiễm, trong đó một ca tử vong, đó là một du khách người Ý.
(AFP) – Virus corona: Úc đóng một bãi biển ở Sydney. 
Hôm nay, 21/03/2020, nhà chức trách Úc đã đóng bãi biển nổi tiếng Bondi Beach ở Sydney, mà cho tới nay vẫn đầy người, bất chấp lệnh cấm tụ tập đông người để hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19. Tuyên bố với báo chí, bộ trưởng Nội Vụ bang New South Wales  David Elliott dọa sẽ đóng các bãi biển khác nếu vẫn có đông người.
(AFP) – Covid-19: Gần một tỷ dân trên địa cầu bị “phong tỏa”. 
Tính đến ngày 21/03/2020, 900 triệu người tại 35 quốc gia trên thế giới được lệnh “ở trong nhà”. Lệnh cấm ít nhiều khắt khe tùy theo từng quốc gia. Tại 22 nước, “Ở trong nhà” là một mệnh lệnh, như là trường hợp tại Ý hay Pháp và đối với 7 tiểu bang trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Riêng Bolivia thì chọn giải pháp ban hành tình trạng giới nghiêm. Azerbaidjan hay Kazakhstan “cách ly” một số thành phố lớn.

Điểm tin thế giới sáng 21/3:

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thành lập lực lượng đặc nhiệm

đưa người Mỹ về nước

Băng Thanh
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Bảy (21/3) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thành lập lực lượng đặc nhiệm đưa người Mỹ về nước
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã thành lập một đội đặc nhiệm toàn cầu để đưa các công dân Mỹ hiện đang bị mắc kẹt ở nước ngoài trở về nước, trong bối cảnh hàng ngàn người Mỹ đang bị mắc kẹt tại các quốc gia đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch viêm phổi Vũ Hán, theo The Hill.
Trong một cuộc họp ngắn tại Nhà Trắng hôm thứ Sáu (20/3), Ngoại trưởng Mike Pompeo đã công bố lực lượng đặc nhiệm và cho biết Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đang làm việc để đưa những người Mỹ bị mắc kẹt ở nước ngoài về nước, nhưng hiện chưa rõ có bao nhiêu người Mỹ ở nước ngoài muốn trở về Hoa Kỳ.
Ngoại trưởng Pompeo khuyến khích người Mỹ hiện đang bị mắc kẹt đăng ký trực tuyến để chính phủ Hoa Kỳ có thể giúp đỡ họ. “Chúng tôi sẽ cố gắng đưa mọi người trở về nhanh nhất có thể”, ông cho biết.
Con gái của Tổng thống Trump có kết quả âm tính với virus Vũ Hán
Ivanka Trump, con gái, cố vấn cấp cao của Tổng thống Trump đã trở lại Nhà Trắng làm việc vào thứ Sáu (20/3) sau khi có kết quả âm tính với virus Vũ Hán, theo The Hill.
Trước đó, Ivanka Trump đã làm việc tại nhà kể từ ngày 13/3 sau khi một quan chức Úc mà cô gặp dương tính với virus Vũ Hán.
“Trong tuần qua, cô Ivanka Trump, cố vấn của Tổng thống đã theo dõi các hoạt động xã hội tại nhà của cô. Theo lời khuyên của các bác sĩ, do không biểu hiện triệu chứng nhiễm bệnh và kết quả kiểm tra của bác sĩ luôn khỏe mạnh, Cố vấn Trump sẽ làm việc từ Nhà Trắng hôm nay”, một quan chức hành chính cấp cao cho biết hôm 20/3.
Canada sẽ trao trả người di cư bất hợp pháp qua biên giới Canada – Mỹ cho Hoa Kỳ
Theo hãng tin Reuters, Canada sẽ không còn chấp nhận những người di cư bất hợp pháp đang cố gắng vượt qua biên giới Canada – Mỹ và sẽ trao những người này cho chính quyền Hoa Kỳ, Thủ tướng Justin Trudeau cho biết hôm thứ Sáu (20/3).
“Đây là một biện pháp tạm thời mà chúng tôi sẽ áp dụng khi cuộc khủng hoảng về virus corona vẫn kéo dài. Đây là những biện pháp đặc biệt để bảo vệ công dân”, Thủ tướng Justin Trudeau nói tại một cuộc họp báo.
“Những người đã vượt biên cho đến ngày hôm nay sẽ được cách ly… nhưng trong tương lai, những người cố gắng vượt biên sẽ được trao trả cho chính quyền Hoa Kỳ”, Thủ tướng nói.
Ngoại trưởng Đài Loan: Công việc của tôi không phải là để tâng bốc Trung Quốc
Vào hôm 19/3, trả lời một bài xã luận của Tân Hoa Xã cáo buộc Đài Loan “ghét Trung Quốc và nịnh hót Hoa Kỳ”, ông Ngô Chiêu Tiếp, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan nói rằng: “Công việc của tôi không phải là để tâng bốc Trung Quốc”, theo Taiwan News.
Trước đó, vào hôm 18/3, Bộ Ngoại giao Đài Loan và Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT), đã đưa ra một tuyên bố chung về quan hệ đối tác giữa Đài Loan và Mỹ.
Để chỉ trích tuyên bố chung này, vào hôm 19/3, Tân Hoa Xã của Trung Quốc đã đăng một bài xã luận cáo buộc Đài Loan “ghét” Trung Quốc và “nịnh hót” Hoa Kỳ, đồng thời chỉ trích hòn đảo này đang “sử dụng dịch bệnh để chống lại Trung Quốc”.
Khi được hỏi về bài báo của Tân Hoa Xã, ông Ngô nói rằng công việc của ông là thúc đẩy tình hữu nghị giữa Đài Loan và các nước khác chứ “không phải là để tâng bốc Trung Quốc”.
Virus Vũ Hán dường như gây tử vong gấp đôi đối với nam giới
Một “xu hướng” ở Ý đang cho thấy, “tỷ lệ tử vong ở nam giới dường như cao gấp đôi so với mọi nhóm tuổi của nữ giới”, Điều phối viên phản ứng với virus corona của Nhà Trắng, Tiến sĩ Deborah Birx cho biết trong một cuộc họp ngắn ngày thứ Sáu (20/3), theo abc News.
“Từ Ý, chúng tôi thấy một xu hướng khác liên quan, đó là tỷ lệ tử vong ở nam giới dường như cao gấp đôi so với mọi nhóm tuổi của nữ giới. Điều này sẽ cảnh báo tất cả chúng ta tiếp tục cảnh giác để bảo vệ người Mỹ đang ở trong viện dưỡng lão”, Tiến sĩ Deborah Birx cho biết.
Theo cơ quan nghiên cứu y tế công cộng của Ý, tại nước này, đàn ông chiếm gần 60% số ca nhiễm virus và chiếm hơn 70% trong những người tử vong do virus Vũ Hán.

Điểm tin thế giới chiều 21/3:

Singapore xác nhận

hai ca tử vong đầu tiên do virus Vũ Hán

Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Bảy (21/3) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Singapore xác nhận hai ca tử vong đầu tiên do virus Vũ Hán
Reuters đưa tin, một phụ nữ Singapore và một đàn ông Indonesia trở thành hai người đầu tiên tử vong do virus Vũ Hán kể từ khi dịch bệnh xuất hiện tại đảo quốc này hồi tháng 1, Bộ Y tế Singapore hôm nay xác nhận.
Theo cập nhật của worldometer 16h17 ngày 21/3 (giờ Việt Nam), Singapore ghi nhận 385 ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán.
Nhân viên Phó tổng thống Mỹ nhiễm virus Vũ Hán
Một nhân viên văn phòng Phó tổng thống Mỹ dương tính với nCoV, nhưng cả ông Pence và ông Trump đều không tiếp xúc gần với người này, Reuters dẫn thông cáo ngày 20/3 từ bà Katie Miller, thư ký báo chí của văn phòng Phó tổng thống.
Bà Miller không tiết lộ danh tính của nhân viên này, nhưng cho biết văn phòng đang truy lại lịch sử tiếp xúc của bệnh nhân theo hướng dẫn từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).
Số ca nhiễm virus Vũ Hán ở Hàn Quốc tăng trở lại
Yonhap đưa tin, Hàn Quốc ngày 21/3 ghi nhận 147 ca nhiễm virus Vũ Hán trong 24 giờ qua, cao hơn một ngày trước đó (87 ca), nâng tổng số người mắc bệnh trên toàn đất nước lên thành 8.799, trong đó 102 người đã tử vong.
Trong 147 ca mới, 109 ca đến từ tâm dịch Deagu và tỉnh lân cận Bắc Gyeongsang. Số ca nhiễm từ hai địa điểm này chiếm 86% tổng số ca nhiễm ở Hàn Quốc.
Trước diễn biến của dịch bệnh, chính phủ Hàn Quốc hôm nay kêu gọi các cơ sở tôn giáo, thể thao trong nhà và giải trí, những nơi dễ trở thành ổ dịch, dừng hoạt động, đồng thời người dân thực hiện cách ly xã hội trong 15 ngày.
Hải quân Mỹ thử phương tiện lướt siêu vượt âm
Hải quân Mỹ hôm nay ra thông cáo cho biết, lực lượng này phóng thử phương tiện lướt siêu vượt âm, bước quan trọng trong quá trình phát triển vũ khí theo kịp Nga.
“Phương tiện Lướt Siêu vượt âm Chung (C-HGB) được phóng từ bãi thử tên lửa Thái Bình Dương ở Hawaii lúc 22h30 ngày 19/3. Đầu đạn đạt tốc độ siêu vượt âm và lao xuống khu vực mục tiêu định sẵn. Thông tin thu được từ cuộc thử nghiệm sẽ hỗ trợ quá trình phát triển công nghệ siêu vượt âm”, hải quân Mỹ hôm qua ra thông cáo cho hay.
Thông cáo cho biết thêm, Lầu Năm Góc đang phối hợp với ngành công nghiệp quốc phòng và các cơ sở nghiên cứu nhằm mục tiêu triển khai vũ khí siêu vượt âm từ giữa thập niên 2020.
Vũ khí siêu vượt âm có tốc độ khoảng 6.000-12.000 km/h, có tầm bắn và khả năng cơ động cao hơn so với tên lửa đạn đạo, giúp nó có thể xuyên thủng lớp phòng thủ tên lửa của đối phương.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.