Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 21/03/2020

Saturday, March 21, 2020 5:15:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 21/03/2020

Bộ Ngoại Giao khuyến cáo công dân Hoa Kỳ

không ra nước ngoài trong đại dịch coronavirus

Vào hôm thứ Năm (19 tháng 03), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khuyến cáo công dân không đi ra nước ngoài trong đại dịch coronavirus, với báo động du lịch nâng lên cấp cao nhất, cấp độ 4: “Đừng đi du lịch”, khuyên công dân không nên du lịch ngoại quốc do tác động toàn cầu của COVID-19.
Khuyến cáo của Bộ Ngoại giao cũng khuyên công dân Hoa Kỳ sống ở nước ngoài nên trở lại Hoa Kỳ càng sớm càng tốt, ngoại trừ trường hợp họ muốn ở nước ngoài vô thời hạn.
Vào tuần trước, báo động toàn cầu đã được nâng lên Cấp 3: “Tái xem xét việc đi du lịch” do tác động toàn cầu của COVID-19. Hãng CNN cho biết hành động này sẽ nhằm mục đích giảm thiểu lượng người Hoa Kỳ đi du lịch nước ngoài, và để đưa những người đang đi du lịch về nước.
Tuy nhiên, hàng trăm người Hoa Kỳ vẫn đang ở ngoại quốc, kể cả những nước đang có lệnh hạn chế đi lại và đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn dịch bệnh. Nhiều người bị mắc kẹt nói rằng họ đang gặp khó khăn trong việc nhận sự giúp đỡ của Bộ Ngoại giao.
Vào hôm thứ Tư (18 tháng 03), ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết Bộ Ngoại giao đang làm mọi thứ có thể để bảo vệ công dân Hoa Kỳ trên toàn thế giới. Trước khi có đại dịch coronavirus, khuyến cáo du lịch cấp 4 chỉ được áp dụng với một số ít quốc gia, bao gồm Syria, Iran, Yemen và Bắc Hàn.
Tuy nhiên, khi virus lây lan trên toàn cầu, Bộ Ngoại giao đã nâng mức độ báo động lên cấp cao nhất với nhiều quốc gia khác, bao gồm Trung Cộng và Mông Cổ, cũng như các khu vực ở một số quốc gia. (BBT)
https://www.sbtn.tv/bo-ngoai-giao-khuyen-cao-cong-dan-hoa-ky-khong-ra-nuoc-ngoai-trong-dai-dich-coronavirus/

Ngoại trưởng Mỹ nói Trung Quốc, Nga, Iran

đang lan truyền thông tin sai lệch về virus Vũ Hán

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 20/3 đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc, Nga và Iran đang thực hiện các chiến dịch làm sai lệch thông tin liên quan đến đại dịch viêm phổi Vũ Hán nhằm gieo rắc nỗi sợ hãi và sự hoang mang cho người dân.
“Có những nỗ lực phối hợp để chê bai những gì nước Mỹ đang làm và hoạt động của chúng tôi trong việc thực thi các chỉ thị của Tổng thống Trump. Thật không may, nó khá lan rộng. Nhưng chúng tôi chắc chắn rằng nó đến từ những nơi như Trung Quốc, Nga và Iran”, ông Pompeo cho biết trong một cuộc họp báo về virus Vũ Hán.
“Tôi muốn nói về thông tin sai lệch mà mọi người đang thấy trên Twitter và trên khắp thế giới, một vài trong số đó đến từ các chính phủ và các cá nhân khác”, ông Pompeo nói.
Ông Pompeo nói rằng các quan chức chính phủ Trung Quốc đang cố gắng loại bỏ nguồn gốc của virus bằng cách đổ lỗi cho nó đến từ Hoa Kỳ, trong khi Tổng thống Trump và các quan chức Hoa Kỳ liên tục nhắc đến “virus Trung Quốc” nhằm nói đến nguồn gốc của virus.
Nhận xét của ông được đưa ra một tuần sau khi Liên minh châu Âu (EU) chia sẻ về việc họ tin rằng Nga đang thực hiện các chiến dịch lan truyền tin giả liên quan đến virus ở các nước phương Tây.
“Với sự lan rộng của COVID-19, chúng tôi đã thấy một loạt thông tin, thuyết âm mưu và thông tin sai lệch về nó – chúng đến từ nhiều nguồn khác nhau, không chỉ từ một, trong đó có những thông tin sai lệch đến từ Nga, liên kết với Nga”, Peter Stano, phát ngôn viên của Dịch vụ hành động đối ngoại thuộc Liên minh châu Âu cho biết trong một cuộc họp báo hôm 18/3.
Để giải quyết tác hại của thông tin giả, Ngoại trưởng Pompeo nói rằng Hoa Kỳ đang làm “rất nhiều thứ” để chống trả.
“Chúng tôi muốn đảm bảo người dân Mỹ tìm đến các nguồn đáng tin cậy cho thông tin của họ. Nhưng chúng tôi đã nói rõ, chúng tôi đã nói thẳng với các nước này rằng họ cần loại bỏ các thông tin đó, chúng tôi không đồng ý với điều đó. Và sau cùng, có một số điều khác mà chúng tôi đang tham gia để đảm bảo thông tin chính xác được đưa ra khỏi đó”, ông Pompeo cho biết.
Theo The Hill
Băng Thanh dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/ngoai-truong-my-noi-trung-quoc-nga-iran-dang-lan-truyen-thong-tin-sai-lech-ve-virus-vu-han.html

84 triệu dân Mỹ ở 4 bang

được lệnh ở nhà để ngăn dịch lây lan

Thống đốc bang New Jersey ngày thứ Bảy dự kiến sẽ theo chân bốn bang khác là California, New York, Illinois và Connecticut yêu cầu hàng triệu người Mỹ đóng cửa hàng và ở nhà để làm chậm sự lây lan của dịch virus corona.
Tổng số ca nhiễm virus corona được biết đến ở Mỹ đã tăng theo cấp số nhân trong những ngày gần đây, vượt qua 18.000 người trong một đợt tăng vọt mà các quan chức y tế nói phần lớn là do gia tăng xét nghiệm chẩn đoán. 266 người đã tử vong vì dịch bệnh này.
Mở rộng các biện pháp dãn cách xã hội ngày càng được áp dụng ở cấp địa phương, Thống đốc bang California Gavin Newsom ban hành chỉ thị đầu tiên trên toàn bang yêu cầu cư dân ở trong nhà trừ phi cần đi đến các cửa hàng tạp hóa, nhà thuốc, trạm xăng và các “cơ sở kinh doanh thiết yếu” khác.
Sắc lệnh của ông Newsom, được công bố vào cuối ngày thứ năm, cho phép 40 triệu dân của bang California có thể ra ngoài trong một thời gian ngắn để tập thể dục miễn là họ giữ khoảng cách với những người khác.
Ngày thứ Sáu, các thống đốc ở các bang New York, Illinois và Connecticut theo bước, và Thống đốc bang New Jersey Phil Murphy cho biết ông dự định ban hành các chỉ thị tương tự vào ngày thứ Bảy.
Năm bang nơi các thống đốc đã cấm hoặc sẽ sớm cấm các cơ sở kinh doanh không thiết yếu và thúc giục người dân ở nhà có tổng dân số là 84 triệu người, chiếm khoảng một phần tư dân số Mỹ và chiếm gần một phần ba nền kinh tế quốc gia.
Các chỉ thị của bang hầu hết được ban hành mà không có những cơ chế chấp hành nghiêm ngặt để hỗ trợ.
Đại dịch virus corona đã làm tê liệt nhiều lĩnh vực của nền kinh tế của Mỹ và đảo lộn đời sống trong tuần qua, khi các học khu và trường đại học hủy các lớp học, và các công ty đóng cửa, tự nguyện hoặc theo lệnh của chính phủ.
Bang Washington, nơi ghi nhận trường hợp nhiễm virus corona được biết đến đầu tiên của Mỹ vào tháng 1, hiện chiếm số người chết nhiều nhất – 83 người tính đến ngày thứ Sáu. Bang này kể từ ngày 16 tháng 3 đã đóng cửa các quán bar, nhà hàng, các địa điểm vui chơi giải trí trong khi cấm tụ tập quá 50 người.
https://www.voatiengviet.com/a/tam-muoi-bon-trieu-dan-my-duoc-lenh-o-nha-de-ngan-dich-lay-lan/5339427.html

Thành viên trong văn phòng phó tổng thống Mỹ

nhiễm virus corona

Một thành viên trong văn phòng Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence đã xét nghiệm dương tính với virus corona nhưng cả Tổng thống Donald Trump và ông Pence đều không có sự tiếp xúc gần gũi với cá nhân này, phát ngôn viên của ông Pence, Katie Miller, cho biết trong một thông cáo hôm thứ Sáu.
Bà Miller nói văn phòng của ông Pence được thông báo vào tối thứ Sáu về kết quả xét nghiệm dương tính. Thông cáo không nêu danh tính cá nhân này. Bà cũng nói văn phòng hiện đang truy tầm thêm sự tiếp xúc theo những chỉ dẫn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh.
Ông Pence đang lãnh đạo tổ đặc nhiệm của Nhà Trắng được thành lập để chống dịch.
Reuters cho biết văn phòng phó tổng thống không hồi đáp ngay tức thì yêu cầu cung cấp thêm chi tiết và câu hỏi liệu ông Pence có được xét nghiệm hay chưa.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Stephanie Grisham tuần trước cho biết ông Pence không yêu cầu xét nghiệm sau khi ăn tối với một quan chức chính phủ Brazil, người sau đó đã xét nghiệm dương tính với căn bệnh này.
Tổng thống Donald Trump đã xét nghiệm âm tính với virus corona, bác sĩ của ông cho biết vào tuần trước.
Hai thành viên của Hạ viện Hoa Kỳ, Mario Diaz-Balart của bang Florida và Ben McAdams của bang Utah, hôm thứ Tư cho biết họ đã xét nghiệm dương tính, trở thành những thành viên đầu tiên của Quốc hội loan báo họ mắc bệnh hô hấp này.
https://www.voatiengviet.com/a/thanh-vien-trong-van-phong-pho-tong-thong-my-nhiem-virus-corona/5339380.html

Dịch corona

làm thay đổi sâu rộng chính sách di trú của Mỹ

Aline Barros
Sự lây lan của COVID-19 gây nên những thay đổi trong chính sách di trú, thủ tục và thi hành, vào lúc chính quyền ông Trump đã nới lỏng một số sáng kiến nhắm vào di dân không giấy tờ trong khi mở rộng những chương trình ngăn chận di dân tại biên giới Mỹ-Mexico.
Trong khi tìm cách hạ số ca lây nhiễm mới, các giới chức Mỹ đã hạn chế việc thực thi di trú trong nước trong khi thi hành thêm những bước nhằm đẩy lùi những người tìm cách tị nạn tại biên giới phía nam của nước Mỹ.
Trong một cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc ngày 18/3, Tổng thống Donald Trump nói các giới chức đang có kế hoạch cấm di dân vào Mỹ tại biên giới và ông nói thêm là lệnh sẽ được ban hành “rất sớm.”
Theo New York Times, các giới chức Mỹ nói là nước Mỹ không để các nhân viên Tuần tra Biên giới gặp hiểm nguy và để virus lây lan tại các trại tập trung di dân.
Công dân Mỹ, những người có thẻ xanh và những người có giấy tờ hợp lệ vẫn có thể vào Mỹ qua các cửa khẩu.
Những người khác, chẳng hạn như những người châu Âu vừa bị hạn chế du hành, sẽ không được vào Mỹ.
Hoạt động của ICE
Vào ngày 18/2 Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE) loan báo sẽ cắt bớt những hoạt động vì hậu quả của đại dịch. Trong một tuyên bố, cơ quan nói sẽ chú trọng đến việc bắt giữ những di dân bất hợp pháp gây nguy hại cho an toàn công cộng hay việc giam giữ những người này là bắt buộc vì phạm tội hình sự.
Một bản ghi nhớ của cơ quan cho thấy cơ quan sẽ không thực hiện những hoạt động thi hành luật pháp tại hay gần những nơi chăm sóc sức khỏe như bệnh viện, văn phòng bác sĩ, các dưỡng đường có giấy phép, và những cơ sở y tế khẩn cấp, trừ những hoàn cảnh rất đặc biệt.
Tuy nhiên Quyền Giám đốc ICE Ken Cuccinelli sau đó dường như điều chỉnh lại loan báo này trong một Tweeter “ICE sẽ, như đã làm trong thời kỳ khủng hoảng khác, tiến hành những hoạt động thực thi
luật pháp bảo vệ cộng đồng và giữ gìn luật pháp của chúng ta…Điều này không có nghĩa là không có ngoại nhân nào trên thực tế sẽ bị trục xuất. Tuy nhiên trong tình trạng sức khỏe công cộng hiện này, việc trục xuất sẽ được tiến hành theo cách giảm thiểu việc lây nhiễm COVID-19 của nhân viên của chúng ta cũng như người nước ngoài.
Mỹ và Canada
Các nước láng giềng loan báo kế hoạch ngưng các cuộc du hành không cần thiết giữa các nước này vì COVID-19. Tổng thống Trump tweet “Bằng thỏa thuận hỗ tương, chúng ta sẽ tạm thời đóng cửa biên giới phía Bắc của chúng ta với Canada đối với việc qua lại không cần thiết. Thương mại sẽ không bị ảnh hưởng. Chi tiết sẽ được đưa ra sau!”
Tòa án Di trú
Hầu hết các tòa án di trú vẫn còn làm việc nhưng giảm bớt những vụ xử dù có áp lực từ thẩm phán và những người khác kêu gọi đóng cửa tất cả các tòa án.
Trong số 69 tòa trên toàn quốc, 11 tòa đã đóng cửa, 58 tòa còn lại chỉ xử kín những ngưởi đang bị giam, những ngưởi không bị giam được hoãn xử.
Ngưng nhận người tị nạn
Một động thái khác của chính quyền ông Trump ảnh hưởng đến di dân vào Mỹ trong thời gian khủng hoảng COVID-19 là ngưng nhận người tị nạn vào Mỹ.
Quyết định này được đưa ra sau khi Tổ chức di dân Quốc tế và cơ quan tị nạn Liên hiệp quốc cho ngưng chuyện du hành định cư cho đến ít nhất là vào ngày 16/4.
Ngưng trục xuất
Vào ngày 18/3 ICE cho VOA biết là đã ngưng các chuyến bay trục xuất sang Ý, Trung Quốc và Hàn Quốc là những nước có nhiều ca COVID-19 và có nhiều nước nữa có thể được đưa vào danh sách này.
Ngưng dịch vụ tại Văn phòng Sở Di trú
Dịch vụ Di trú và Quốc tịch (USCIS) cơ quan chịu tránh nhiệm quản lý Hệ thống di trú, trong đó có thẻ xanh, quốc tịch và tiến trình xin tị nạn và người tị nạn, loan báo ngưng các hoạt động liên hệ đến cá nhân như lễ tuyên thệ nhập tịch và phỏng vấn thẻ xanh.
https://www.voatiengviet.com/a/d%E1%BB%8Bch-corona-l%C3%A0m-thay-%C4%91%E1%BB%95i-s%C3%A2u-r%E1%BB%99ng-ch%C3%ADnh-s%C3%A1ch-di-tr%C3%BA-c%E1%BB%A7a-m%E1%BB%B9/5339107.html

Ngăn Covid-19,

Mỹ cấp tốc tống xuất di dân bất hợp pháp

Trump ngày 20/3 loan báo Hoa Kỳ sẽ cấp tốc trả về bên kia biên giới những di dân tìm cách vượt biên bất hợp pháp vào lãnh thổ Mỹ từ Mexico và Canada trong lúc Mỹ đóng các đường biên giới này đối với những dạng du hành không cần kíp để hạn chế sự lây lan của virus corona.
Ông Trump cho biết Mỹ và Mexico sẽ cùng làm việc để giữ cho lưu thông thương mại xuyên biên giới được suông sẻ tối đa hầu hạn chế gây gián đoạn làm ăn kinh doanh.
Các biện pháp tương tự tại biên giới Mỹ-Canada, chẳng hạn như ngưng cho khách du lịch qua lại cũng được áp dụng. Các biện pháp này sẽ có hiệu lực trước giữa đêm ngày 20/3.
Ông Trump ngày 20/3 nói rằng di dân vượt biên giới là mối đe doạ làm cho tình hình dịch bệnh tồi tệ hơn.
Mỹ hiện có 12.500 ca xác nhận nhiễm virus corona và ít nhất 207 người chết, theo số liệu Reuters thu thập.
Chính quyền sẽ cho phép giới hữu trách biên phòng, trên cơ sở bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, cấp tốc trả di dân bất hợp pháp về bên kia biên giới, khỏi đưa vào các cơ sở tập trung di dân bất hợp pháp ở biên giới, khỏi phải ra toà di trú để xét xử.
Tổng thống Trump cho biết những di dân không phải công dân Mexico không bị gửi qua Mexico và về cố quốc.
Năm ngoái, chính quyền Trump thực thi chính sách gửi khoảng 60 ngàn di dân xin tị nạn qua phía biên giới Mexico để chờ cứu xét.
Tuần này, chính quyền Trump yêu cầu bổ sung thêm ngân khoản 249 triệu đô la cho hoạt động thực thi di trú, trong đó có việc thuê bao phi cơ cho các chuyến bay trục xuất.
https://www.voatiengviet.com/a/ng%C4%83n-covid-19-m%E1%BB%B9-c%E1%BA%A5p-t%E1%BB%91c-t%E1%BB%91ng-xu%E1%BA%A5t-di-d%C3%A2n-b%E1%BA%A5t-h%E1%BB%A3p-ph%C3%A1p-/5339102.html

COVID-19 tác động kinh tế ‘nghiêm trọng hơn rất nhiều’

so với khủng hoảng 2008

Dịch virus corona ở Mỹ có thể gây ra tác động kinh tế “nghiêm trọng hơn rất nhiều” so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và cần một gói cứu trợ kịp thời, quyết liệt để tránh nguy cơ lâm vào suy thoái, một chuyên gia tài chính tại Mỹ nhận định.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết số người nhiễm virus corona tại Mỹ đã vượt trên 12 ngàn người với ít nhất 200 người thiệt mạng.
Nhà chức trách đã khuyến nghị người dân ở nhà và tránh tụ tập đông người trong khi khắp nước Mỹ, các trường học, nhà hàng, và các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa trong ít nhất 15 ngày để hạn chế sự lây lan của virus.
Trong một dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đối với nền kinh tế, số người nộp đơn khai thất nghiệp ở Mỹ tăng lên mức cao nhất trong hai năm rưỡi qua là 281.000 đơn vào tuần trước, Bộ Lao động Mỹ cho biết hôm 19/3 trong khi các nhà hàng, quán bar và khách sạn ồ ạt sa thải nhân viên vì hoạt động kinh doanh đình trệ.
Chính quyền Trump đang thúc đẩy một gói kích thích kinh tế trị giá 1 ngàn tỉ đôla để giúp đất nước vượt qua khủng hoảng kinh tế vì COVID-19. Số tiền này có thể bao gồm ngân khoản hỗ trợ trực tiếp 1.000 đô cho mỗi một người Mỹ cùng với 50 tỉ đô khoản vay dành cho các hãng hàng không bị ảnh hưởng nặng nề có nguy cơ phá sản.
Giáo sư-Tiến sĩ Khương Hữu Lộc, một chuyên gia tài chính-kinh tế ở bang Texas, nói những diễn biến hiện thời liên quan tới dịch virus corona cho thấy quy mô và mức độ nghiêm trọng của nó đối với nền kinh tế, có thể vượt qua cả cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
“Nó nghiêm trọng hơn nhiều,” ông nói, đồng thời chỉ ra rằng kinh tế của Liên hiệp châu Âu và Trung Quốc đã lâm vào tình trạng “điêu đứng” vì dịch bệnh hoành hành.
“Số tiền giải cứu các ngân hàng lớn năm 2008 không đến 1 ngàn tỉ nhưng mà lần này [ảnh hưởng] lan rộng hơn, là tại vì số tiền này sẽ đưa nhiều nhất vào các hãng hàng không, nhà hàng và doanh nghiệp nhỏ.”
Tiến sĩ Lộc giải thích rằng tiêu thụ chiếm ba phần tư tỉ trọng nền kinh tế của Mỹ và trong số này 75% tập trung trong lĩnh vực dịch vụ. Các ngành hàng không, du lịch và khách sạn-nhà hàng là những ngành đang chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất vì việc đi lại đã suy giảm mạnh và vì lệnh cấm tụ tập đông người của nhà chức trách nhằm kìm hãm sự lây lan của virus.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng điều quan trọng là phần lớn khoản tiền cứu trợ phải được đưa trực tiếp tới người dân bình thường để thúc đẩy tiêu thụ, từ đó tạo ra hiệu ứng lan tỏa trong nền kinh tế.
“Mỗi một đồng tiêu thụ của người dân Hoa Kỳ có ảnh hưởng năm đồng trong kinh tế quốc gia,” ông lý giải. “Khi mà người dân tiêu thụ thì sẽ có multiplier effect [hiệu ứng số nhân], có nghĩa là ảnh hưởng dây chuyền năm lần.”
Tiến sĩ Lộc đưa ra một ví dụ minh họa:
“Tôi có 1.000 đôla. Tôi mua gạo cơm, nước, thịt bò. Tiêu thụ thịt bò sẽ thúc đẩy sản xuất từ các nhà chăn nuôi bò. Hoạt động sản xuất gia tăng thì các nhà chăn nuôi sẽ mướn nhiều nhân viên. Nhân viên có tiền họ cũng tiêu xài, càng kích thích nền kinh tế hơn nữa.”
Theo chuyên gia kinh tế này, biện pháp cấp bách nhất mà chính phủ Mỹ cần thực hiện bây giờ là cung cấp gói cứu trợ 1 ngàn tỉ đó, nhưng ông lưu ý chính phủ cần xác định kĩ lưỡng những công ty nào thực sự cần được hỗ trợ để tránh “phí phạm” nguồn ngân quỹ.
“Nền kinh tế hiện giờ đang đi xuống vòng xoắn,” ông nói. “Phải giảm bớt tốc độ vòng xoắn đó lại nên vì vậy gói kích thích này phải đi vào đúng chỗ. Nên đưa vào những chỗ người dân cần nhiều để họ tiêu thụ và để không khủng hoảng lòng tin của người tiêu thụ.”
Chủ tịch Thượng viện Hoa Kỳ hôm 19/3 giới thiệu một dự luật khẩn cấp nhằm kìm chế những hệ quả kinh tế tiêu cực do đại dịch virus corona gây ra. Các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hoà và Dân chủ đã đồng ý hội họp trong ngày 20/3 để tìm kiếm sự đồng thuận.
Gói cứu trợ hơn 1 ngàn tỉ đô sẽ bao gồm hỗ trợ tài chính trực tiếp cho người Mỹ, các khoản vay ứng cứu doanh nghiệp nhỏ, các bước nhằm bình ổn nền kinh tế cũng như hỗ trợ mới cho những nhân viên chăm sóc y tế và bệnh nhân COVID-19, Chủ tịch Mitch McConnell nói.
https://www.voatiengviet.com/a/covid-19-tac-dong-kinh-te-nghiem-trong-hon-rat-nhieu-so-voi-khung-hoang-2008/5338656.html

Trước tình trạng khan hiếm khẩu trang,

một số bác sĩ Hoa Kỳ tự làm khẩu trang cho mình

Tin từ Renton, Washington – Hiện nay, các bác sĩ ở Seattle đang tự làm khẩu trang bằng tấm nhựa, khi tiểu bang Washington, một tâm chấn của đại dịch coronavirus đối mặt với tình trạng thiếu hụt thiết bị bảo vệ y tế. Trước tình trạng thiếu nguồn cung cấp vật tư y tế, nhân viên bệnh viện đã tổ chức một hội thảo ở phía nam Seattle để làm mặt nạ tự chế cho các bác sĩ, y tá và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác trên tiền tuyến chiến đấu với dịch coronavirus bùng phát.
Khi số ca nhiễm coronavirus ở Hoa Kỳ đã vượt qua 13,000 ca, các nhân viên y tế không chỉ đang đối phó với tình trạng thiếu khẩu trang mà còn thiếu cả áo choàng phẫu thuật và dụng cụ bảo vệ mắt. Vào hôm thứ Năm (19 tháng 03) tổng thống Trump cho biết hàng triệu khẩu trang đang được sản xuất, nhưng không công bố thông tin chi tiết. Trong khi đó, nhiều bệnh viện ở các tiểu bang khác đã khẩn cấp kêu gọi các công ty tư nhân quyên góp khẩu trang, và các vật phẩm khác có thể được sử dụng làm đồ bảo vệ y tế. Vào hôm thứ Năm, Hiệp hội Y tế và Bệnh viện Illinois đã kêu gọi giúp đỡ 200 bệnh viện của tiểu bang, đồng thời kêu gọi các công ty xây dựng, nha sĩ, bác sĩ thú y hay bất kỳ nhóm nào khác quyên góp khẩu trang y tế N95.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/truoc-tinh-trang-khan-hiem-khau-trang-mot-so-bac-si-hoa-ky-tu-lam-khau-trang-cho-minh/

Google nghiên cứu việc sử dụng thông tin vị trí

để làm chậm sự lây lan của coronavirus

Tin từ WASHINGTON, DC – Công ty Google của Alphabet đang khám phá các cách sử dụng thông tin vị trí để làm chậm sự lây lan của coronavirus, ví dụ như xác định tính hiệu quả của việc cách ly xã hội.
Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Ed Markey, người từ lâu bảo vệ quyền riêng tư của người tiêu dùng, kêu gọi thận trọng với những nỗ lực của chính phủ trong việc hợp tác với các công ty công nghệ lớn nhằm theo dõi coronavirus.
Trong một bức thư gửi ông Michael Kratsios, giám đốc công nghệ của Tòa Bạch Ốc, ông Markey trích dẫn một bài báo của Washington Post cho biết chính phủ thảo luận với Amazon.com, Apple, Facebook, Google của Alphabet, IBM và các công ty công nghệ khác để bàn về khả năng sử dụng dữ kiện vị trí điện thoại thông minh làm công cụ nghiên cứu khi virus lây lan ở Hoa Kỳ. Ông yêu cầu chính phủ mô tả cách thu thập, và lưu trữ dữ liệu; ai sẽ có quyền truy cập vào dữ liệu đó và công ty nào tham gia vào nỗ lực này.
Facebook tuyên bố rằng họ không có thỏa thuận chia sẻ dữ kiện vị trí của các cá nhân với chính phủ. Apple cho biết họ không theo dõi vị trí của người dùng. Công ty này lưu ý rằng họ tham gia vào các cuộc họp của lực lượng đặc nhiệm COVID-19 của Tòa Bạch Ốc, nhưng tập trung vào telehealth và đào tạo từ xa. (BBT)
https://www.sbtn.tv/google-nghien-cuu-viec-su-dung-thong-tin-vi-tri-de-lam-cham-su-lay-lan-cua-coronavirus/

Khảo sát cho thấy phần lớn người Mỹ tán thành

cách Tổng thống Trump xử lý dịch COVID-19

Thiện Lan
The Hill đưa tin, 55% người Mỹ được khảo sát tán thành việc xử lý đại dịch virus Vũ Hán của Tổng thống Trump, đây là kết quả đảo ngược so với chỉ một tuần trước đó, theo một cuộc thăm dò mới của Ipsos/ABC News.
Trong số những người được khảo sát, 55% nói rằng họ tán thành cách Tổng thống Trump xử lý với dịch bệnh, trong khi 43% cho biết họ không tán thành. Các con số này về cơ bản đảo ngược so với một tuần trước khi 54% nói rằng họ không chấp thuận và 43% ủng hộ.
Thái độ và cách tiếp cận của ông Trump với dịch bệnh đã thay đổi trong những tuần gần đây, với việc tổng thống xuất hiện trong các họp báo hàng ngày tại Nhà Trắng cùng lực lượng ứng phó và ngăn dịch virus Vũ Hán. Tổng Trump trong tuần này nói rằng ông biết COVID-19 là một đại dịch trước khi Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố, dù trước đó ông khá lạc quan về tình hình dịch bệnh.
Tổng thống Trump vào sáng ngày 19/3 (giờ Việt Nam) đã ký ban hành đạo luật hỗ trợ người dân đối phó với những tác động của dịch COVID-19. Đạo luật cho phép người lao động được nghỉ phép có lương trong tình huống khẩn cấp và được xét nghiệm virus Vũ Hán miễn phí.
Mặc dù tỉ lệ ủng hộ tăng lên nhưng vẫn có sự chênh lệch đáng kể từ phía đảng phái chính trị. Gần 70% thành viên của đảng Dân chủ không tán thành cách ông Trump đối phó với đại dịch, trong khi 92% thành viên đảng Cộng hòa ủng hộ.
Theo dữ liệu từ worldometer 14h47 ngày 21/3 (giờ Việt Nam), Mỹ ghi nhận tổng cộng 19.774 ca nhiễm virus Vũ Hán, trong đó 275 người đã tử vong.
https://www.dkn.tv/the-gioi/khao-sat-cho-thay-phan-lon-nguoi-my-tan-thanh-cach-tong-thong-trump-xu-ly-dich-covid-19.html

Tổng Thống Trump hủy Hội Nghị Thượng Đỉnh G7

ở trại David do coronavirus,

 thay vào đó họp qua video trực tuyến

Tin từ Washington – Vào hôm thứ Năm (19 tháng 3), Tòa Bạch Ốc thông báo rằng tổng thống Trump sẽ hủy cuộc họp thượng đỉnh G7 trực tiếp với các lãnh đạo quốc gia ở Camp David vào tháng 06/2020 do coronavirus, mà thay vào đó sẽ họp thông qua một video hội nghị trực tuyến.
Quyết định được đưa ra khi nhiều quốc gia phải thắt chặt biên giới và cấm du lịch để ngăn virus lây lan. Tổng thống Trump đã tổ chức một cuộc họp video với các nhà lãnh đạo của các nước công nghiệp lớn trên thế giới vào đầu tuần này và dự định lặp lại vào tháng 04, tháng 05 và tháng 06, thời điểm dự kiến tổ chức cuộc họp G7 ở tiểu bang Maryland.
Tòa Bạch Ốc xem sự thay đổi này là một nỗ lực để ngăn chặn virus. Các quốc gia thường cử các nguyên thủ quốc gia cùng phái đoàn lớn đến hội nghị thượng đỉnh G7, cũng các nhà báo từ khắp nơi trên thế giới để đưa tin về cuộc họp.
Tổng thống Trump đã có ý định tập trung cuộc họp G7 vào nền kinh tế, tránh các chủ đề truyền thống như biến đổi khí hậu. Ban đầu, tổng thống dự định tổ chức cuộc họp với các nhà lãnh đạo tại một  địa điểm ông sở hữu ở Florida, nhưng đã hủy kế hoạch đó sau khi bị chỉ trích rằng sẽ thu lợi nhuận từ cuộc họp.
Các thành viên nhóm G7 gồm Hoa Kỳ, Ý, Nhật Bản, Canada, Pháp, Đức, Anh cũng như Liên minh châu Âu. Tổng thống Trump khiến châu Âu nổi giận khi ban hành lệnh cấm khách châu Âu du lịch tới Hoa Kỳ mà không báo trước cho các nhà lãnh đạo châu Âu. Châu Âu đã trở thành tâm chấn của coronavirus. (BBT)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-huy-hoi-nghi-thuong-dinh-g7-o-trai-david-do-coronavirus-thay-vao-do-hop-qua-video-truc-tuyen/

Chính phủ Trump giới hạn

việc di chuyển không cần thiết giữa Hoa Kỳ và Mexico

Tin Washington DC – Vào thứ Sáu, 20 tháng 3, chính phủ Trump đã ra lệnh giới hạn việc di chuyển không cần thiết giữa biên giới Hoa Kỳ – Mexico, đồng thời cấm di dân vượt biên lậu vào lãnh thổ Hoa Kỳ. Với lý do không thể kiểm soát tình trạng sức khỏe của các di dân lậu ở biên giới phía nam, Tổng Thống Trump nói biên giới với Mexico sẽ bị đóng trong thời gian xảy ra dịch bệnh toàn cầu.
Theo hướng dẫn của Trung tâm Phòng ngừa dịch bệnh CDC, Bộ Nội An sẽ đình chỉ việc nhập cảnh của mọi di dân muốn tìm cách vào Hoa Kỳ mà không có giấy tờ hợp lệ, tại cả biên giới phía bắc với Canada và biên giới phía nam với Mexico. Mọi di dân bị bắt tại biên giới sẽ bị trục xuất nhanh chóng về quốc gia của họ, theo quyền Bộ Trưởng Nội An Chad Wolf cho biết. Lệnh giới hạn di chuyển sẽ có hiệu lực từ nửa đêm thứ Sáu. Trong một diễn biến liên quan, vào sáng thứ Sáu, Thống Đốc New York Andrew Cuomo yêu cầu mọi nhân viên của các ngành thương mại không thiết yếu trên toàn tiểu bang phải ở yên tại nhà, nhằm ngăn đà lây lan của coronavirus. Mệnh lệnh sẽ có hiệu lực từ tối Chủ Nhật. Thông báo của New York được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Thống Đốc Gavin Newsom của California đưa ra yêu cầu tương tự, áp dụng cho gần 40 triệu cư dân địa phương.
Hai tiểu bang có dân số tổng cộng là 59 triệu người, tương đương 1 phần 5 dân số Hoa Kỳ. Vào tối thứ Năm, Tổng Thống Trump đã cho biết sẽ khởi động Luật Sản Xuất Quốc Phòng để gia tăng sản xuất máy thở và khẩu trang, nhằm đáp ứng nhu cầu khẩn cấp của các bệnh viện.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/chinh-phu-trump-gioi-han-viec-di-chuyen-khong-can-thiet-giua-hoa-ky-va-mexico/

Air Canada sa thải hơn 5,100 nhân viên

trong bối cảnh dịch coronavirus

Vào cuối hôm thứ Năm (19/3), CBC News cho biết hãng hàng không Air Canada chuẩn bị sa thải hơn 5,100 thành viên phi hành đoàn vì sự sụt giảm các chuyến bay sau khi dịch coronavirus bùng phát. CBC trích dẫn một lá thư từ phó chủ tịch dịch vụ của hãng hàng không, bà Renee Smith-Valade cho biết Air Canada “không có sự lựa chọn nào khác” ngoài việc cắt giảm nhân sự, đồng thời gọi đây là hành động “khó khăn nhưng cần thiết”.
BTT
https://www.sbtn.tv/air-canada-sa-thai-hon-5100-nhan-vien-trong-boi-canh-dich-coronavirus/

Cuba cấm khách nước ngoài

nhằm khống chế dịch COVID-19

Triệu Hằng
Cuba sẽ cấm các du khách nước ngoài nhập cảnh trong một tháng, bắt đầu từ thứ Ba (24/3) nhằm khống chế dịch COVID-19 lây lan ở quốc đảo Caribbean, Chủ tịch nước Miguel Diaz-Canel cho biết hôm thứ Sáu (20/3).
Đất nước sẽ tiếp tục cho phép người Cuba và cư dân người nước ngoài nhập cảnh, nhưng họ sẽ phải cách ly trong 14 ngày tại một viện dịch tễ, hãng Reuters dẫn lời ông Miguel Diaz-Canel nói trong một cuộc hội nghị truyền hình.
Cuba là một trong những quốc gia cuối cùng trong khu vực áp đặt một số biện pháp đóng cửa biên giới vì căn bệnh dường như rất dễ lây lan ở Mỹ Latinh và Caribbean.
Du lịch là một trong những nguồn thu chủ yếu ở Cuba, mặc dù lượng khách đến đã bắt đầu thu hẹp trong những ngày gần đây khi các quốc gia hàng đầu trong nguồn du khách của Cuba khuyến nghị công dân hạn chế đi lại.
Số ca mắc virus corona ở Cuba được xác nhận tăng 21 vào hôm thứ Sáu, trong đó có 10 người nước ngoài, 716 người nhập viện vì nghi ngờ nhiễm bệnh, theo Bộ Y tế.
Một du khách người Ý, 61 tuổi, được xác nhận nhiễm virus ở Cuba vào 9 ngày trước, đã trở thành ca tử vong đầu tiên vì virus Vũ Hán ở Cuba trong tuần này.
Ông Diaz-Canel yêu cầu người dân Cuba thực hiện cách ly xã hội, tránh xa đám đông và hạn chế các chuyến đi bằng các phương tiện giao thông công cộng vào giờ cao điểm và hủy các chuyến đi chơi đông người.
Chủ tịch Cuba cho biết nước này có thể áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn tùy theo diễn biến của dịch bệnh trong vài ngày, thậm chí là vài giờ tới.
Bộ trưởng Thương mại Minister Betsy Diaz nói rằng Cuba có 151 xưởng đang sản xuất khẩu trang và kêu gọi công dân hỗ trợ bằng cách đóng góp vải.
Theo Reuters
Triệu Hằng dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/cuba-cam-khach-nuoc-ngoai-nham-khong-che-dich-covid-19.html

Paraguay xác nhận ca đầu tiên tử vong vì COVID-19

Triệu Hằng
Paraguay hôm thứ Sáu (20/3) xác nhận ca tử vong đầu tiên do virus corona, hãng Reuters dẫn Bộ Y tế Paraguay cho biết trên Twitter.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Mario Abdo đã gia hạn kiểm dịch đến ngày 12/4.
Paraguay cho đến nay đã ghi nhận 18 trường hợp nhiễm chủng mới virus corona (SARS-CoV-2) gây dịch COVID-19.
Paraguay là quốc gia thuộc khu vực Nam Mỹ, có tên chính thức là Cộng hòa Paraguay, giáp với Argentina ở phía Nam và Tây Nam, Brasil ở phía Đông và Đông Bắc, và Bolivia ở phía Tây Bắc.
Thủ đô và thành phố lớn nhất của Paraguay là Asunción.
Theo thống kê của worldometers, tính đến 9h55 sáng nay (giờ Hà Nội), virus corona Vũ Hán (Trung Quốc) đã lây nhiễm cho 276.007 người, làm chết 11.399 người, 91.912 người hồi phục.
Virus từ Vũ Hán đã xuất hiện trên 185 quốc gia và vùng lãnh thổ.
https://www.dkn.tv/the-gioi/paraguay-xac-nhan-ca-dau-tien-tu-vong-vi-covid-19.html

Virus corona :

Thuyết « miễn dịch cộng đồng » bị hạ nốc-ao

Thụy My
Đó là một cuộc chiến về chủ thuyết, liên quan đến mạng sống của hàng mấy chục triệu con người. Theo Les Echos, Luân Đôn rốt cuộc đành phải từ bỏ chủ trương « miễn dịch đại trà » : để mặc cho lây nhiễm để chỉ cứu những bệnh nhân nặng, nhưng như vậy cần tăng năng lực cấp cứu lên gấp 30 lần trong vòng hai, ba tháng.
Để chống lại con virus đến từ Vũ Hán, không ít người cho rằng nên theo chiến lược « miễn dịch cộng đồng ». Có nghĩa là cứ để mặc cho nạn dịch tự do lan tràn cho đến lúc tốc độ lây nhiễm chậm lại, và chỉ tập trung cứu chữa những trường hợp nặng.
Ngược lại, nên chăng cố gắng ngăn chận bằng mọi giá, dù phải dùng đến biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt ?
Chủ thuyết thứ nhất đang trên đà bại trận nặng nề so với chủ thuyết thứ hai – do Trung Quốc khởi đầu rồi được Hàn Quốc, Ý áp dụng theo, và đến nay là Pháp.
« Miễn dịch cộng đồng » bác bỏ việc cách ly, trừ những người dễ tổn thương, người già, người bị suy giảm miễn dịch. Chủ trương này nay chỉ còn có Hà Lan áp dụng, và đang gây lo ngại cho các nước châu Âu láng giềng.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, cho đến tối thứ Ba 17/03/2020 vẫn tuyên bố chính phủ trông đợi nạn dịch virus corona tự chấm dứt khi không còn tìm được người mới để lây sang, vì phân nửa dân số đã bị nhiễm virus và sinh ra kháng thể tự nhiên. Le Monde cho biết bộ trưởng y tế Bruno Bruins hôm sau trước Quốc hội Hà Lan cũng nhắc lại ý của thủ tướng, nhưng ông bộ trưởng ngất xỉu khi đang phát biểu và được giải thích là do làm việc quá sức.
Để mặc phân nửa dân số cả nước bị nhiễm virus và sinh kháng thể tự nhiên : đây là một lý lẽ khá hấp dẫn, và cũng đã được áp dụng trên thế giới trong những trận dịch cúm lớn. Bởi vì biện pháp này không làm giảm sút các hoạt động kinh tế, xã hội và  văn hóa ; tuy nhiên cần phải có sự tin tưởng tuyệt đối vào năng lực chữa trị những trường hợp nặng của các bệnh viện, vào khoảng 15%. Và với điều kiện là con virus corona phải tấn công từ từ chứ không đồng loạt.
Nhưng đây không phải là trường hợp của virus Vũ Hán. Một báo cáo của Imperial College khẳng định với số lượng các ca dương tính tăng gấp đôi cứ mỗi năm ngày như hiện nay, từ nay cho đến bốn tháng tới có đến 81% người Anh sẽ bị lây nhiễm ; và 260.000 người sẽ tử vong (ở Mỹ sẽ là 1,1 triệu người). Bộ phận cấp cứu sẽ bị quá tải từ giữa tháng Tư, trừ phi gia tăng năng lực gấp…8 lần.
Viễn cảnh số lượng người khổng lồ lên đến hàng vạn nằm chờ chết không được ai chăm sóc, đã khiến thủ tướng Anh Boris Johnson phải thay đổi ý kiến. Cho đến thứ Năm tuần trước, khi tổng thống Pháp Emmanuel Macron ra lệnh đóng cửa tất cả các trường học từ nhà trẻ cho đến đại học, ông Johnson chỉ kêu gọi người dân rửa tay, và những ai bị sốt nên ở trong nhà.
Nguyên thủ Pháp dường như tuy không nói ra nhưng ban đầu cũng theo chủ trương miễn dịch cộng đồng của Đức và Hoa Kỳ. Cũng cho xét nghiệm và đeo khẩu trang nhưng chẳng bao nhiêu, và kêu gọi người Pháp tiếp tục sinh hoạt như thường lệ. Tuy nhiên ông Macron đã thay đổi ý kiến sau khi có những báo cáo mang tính báo động.
Các biện pháp phong tỏa của Pháp, cho phép đi làm việc nếu không thể làm từ xa, không khắt khe như Ý, nhưng nghiêm khắc hơn so với những gì Boris Johnson áp dụng từ tối thứ Hai 16/3, sau khi bị chỉ trích dữ dội.
Quán rượu (pub), tiệm ăn, nhà hát vẫn mở cửa tại Anh quốc, trong khi các cơ sở này bị đóng trên toàn châu Âu. Tuy vậy từ nay chính phủ khuyến cáo hạn chế các tiếp xúc xã hội (kể cả tại các địa điểm đông đảo như trên), và tránh di chuyển khi không thật cần thiết. Đến thứ Ba, Luân Đôn quyết định dời lại ba tháng tất cả những cuộc phẫu thuật không khẩn cấp, để giải tỏa 30.000 giường bệnh. Còn các trường học ở Anh thì đến thứ Tư 18/3 mới đóng cửa.
Kế hoạch mới này, theo cố vấn khoa học của ông Johnson là Patrick Vallance, giúp hạn chế số người có thể tử vong là « 20.000 người hay ít hơn », và theo ông là một « kết quả tốt ». Về mặt chính thức, Anh quốc có 2.626 người bị dương tính, nhưng ước tính 55.000 ca có vẻ « hợp lý » - ông Vallance tuyên bố hôm thứ Ba trước một ủy ban Quốc hội. Thứ Năm tuần trước, ông nói chỉ có từ 5.000 đến 10.000 ca.
Về mặt chính trị, các biện pháp trễ tràng và dè dặt này chưa chắc làm tắt được những tiếng nói chỉ trích, cũng như dập được cuộc khủng hoảng.
Chủ thuyết phong tỏa chừng như đã chiến thắng thuyết « miễn dịch cộng đồng » bằng cú nốc-ao, ở khắp nơi trên thế giới. Nếu cứ để mặc cho con virus lây lan, có thể sẽ phải trả giá bằng 50 triệu người chết, tương đương với trận dịch « cúm Tây Ban Nha » năm 1918.
Được áp dụng (một cách thô bạo) tại Trung Quốc rồi đến Ý và Hàn Quốc với cung cách hợp lý hơn, biện pháp phong tỏa dù vậy có cái giá phải trả về kinh tế rất lớn. Việc đóng cửa các trường học, nhà hàng, cửa hiệu không thiết yếu, cô lập những người bị nhiễm virus tại bệnh viện và cách ly những người thân của họ, giữ khoảng cách…giúp giảm số tử vong tại Anh từ 26.000 đến 48.000 người. Nếu chiến lược này không hiệu quả, sẽ phải cách ly toàn bộ đất nước với việc cấm di chuyển kể cả đi làm việc, trừ ngành y tế và cảnh sát, với cái giá thảm họa về kinh tế.
Việc phong tỏa sẽ bắt đầu có hiệu quả sau ba tuần, không thể lơi lỏng nếu không dịch bệnh sẽ lây lan trở lại. Báo cáo của Imperial College nhận định có thể áp dụng theo từng giai đoạn : nới lỏng nếu áp lực kinh tế xã hội quá mạnh và đã triển khai được thuốc chữa hiệu quả, rồi siết lại khi các ca dương tính tăng vọt. Phong tỏa một cách linh hoạt như thế cần phải duy trì trên khắp thế giới trong vòng năm tháng là ít nhất. Thậm chí cho đến tận khi nào các nhà khoa học tìm ra được vaccin giúp nhân loại được miễn dịch… tối thiểu một năm nữa.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200321-virus-corona-thuy%E1%BA%BFt-mi%E1%BB%85n-d%E1%BB%8Bch-c%E1%BB%99ng-%C4%91%E1%BB%93ng-b%E1%BB%8B-h%E1%BA%A1-n%E1%BB%91c-ao

Virus corona: Bao lâu nữa

thì có vaccine hay thuốc điều trị?

James GallagherPhóng viên sức khỏe và y tế
Virus corona đang lây lan khắp thế giới nhưng chưa có một loại thuốc nào có thể giết chúng hoặc một loại vaccine nào có thể giúp bảo vệ con người khỏi việc lây nhiễm chúng.
Vậy chúng ta còn bao xa mới có được loại thuốc cứu mạng này?
Bao giờ sẽ có vaccine corona?
Nghiên cứu đang diễn ra với tốc độ chóng mặt.
Virus corona: ‘Tôi hồi phục sau khi tự cách ly điều trị ở nhà’
Virus corona có thể sống trên các bề mặt bao lâu?
Virus corona: Khi nào hết dịch và cuộc sống trở lại bình thường?
Có khoảng 20 loại vaccine đang được phát triển. Một loại vừa được thử nghiệm trên người, bỏ qua cả khâu thử nghiệm thông thường trên động vật, để kiểm tra độ an toàn và tính hiệu quả của nó.
Các nhà khoa học khác đang ở giai đoạn nghiên cứu trên động vật và hi vọng sẽ có kết quả thử nghiệm trên người vào cuối năm nay.
Nhưng ngay cả khi các nhà khoa học có thể ăn mừng về việc đang phát triển một loại vaccine vào năm nay, thì vẫn còn khối lượng công việc khổng lồ để có thể sản xuất nó đại trà.
Điều đó có nghĩa là, trên thực tế, một loại thuốc hay vaccine như vậy sẽ không sẵn sàng ít nhất cho tới giữa năm sau.
Tất cả những điều này xảy ra trong một lịch trình chưa có tiền lệ và được thực hiện với những cách tiếp cận mới với vaccine, do đó không có gì đảm bảo là mọi thứ sẽ suôn sẻ.
Cần nhớ rằng có bốn loại virus corona đã lưu hành ở cơ thể người, và chúng ta chưa có một loại vaccine nào cho cả bốn loại này.
Nó sẽ bảo vệ mọi người ở mọi lứa tuổi?
Nó sẽ, gần như chắc chắn, ít thành công hơn ở người lớn tuổi. Không phải do bản thân vaccine, mà do hệ miễn dịch của người lớn tuổi không đáp ứng tốt với tiêm chủng. Chúng ta thấy điều này mỗi năm với bệnh cúm.
Có tác dụng phụ không?
Mọi loại thuốc, kể cả thuốc giảm đau thông thường, đều có tác dụng phụ. Nhưng nếu không có thử nghiệm lâm sàng thì sẽ không thể biết được một loại vaccine đang thử nghiệm có tác dụng phụ không.
Đây là điều mà giới chức sẽ muốn theo dõi chặt chẽ.
Ai sẽ được tiêm vaccine?
Nếu một loại vaccine đang được phát triển thì có nghĩa là sẽ có giới hạn trong cung ứng, ít nhất là ở giai đoạn đầu. Vì thế quan trọng là phải có sự ưu tiên.
Nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 là những người đầu bảng ưu tiên. Bệnh này nguy hiểm chết người đối với người lớn tuổi, do đó họ cũng nên được ưu tiên nếu vaccine hiệu quả đối với nhóm tuổi này. Tuy nhiên, có lẽ sẽ tốt hơn nếu tiêm vaccine cho người sống cùng hoặc người chăm sóc những người lớn tuổi.
Thế còn thuốc điều trị?
Các bác sỹ đang thử nghiệm một số loại kháng sinh xem có nó tác dụng trên virus corona hay không. Việc này đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu bởi các loại kháng sinh này đã được biết đến là an toàn với con người.
Các thử nghiệm đang diễn ra tại các bệnh viện ở các quốc gia bị ảnh hưởng, nhưng, vào tháng Hai, Giáo sư Bruce Aylward từ Tổ chức Y tế Thế giới, cho biết: “Hiện tại chỉ có một loại thuốc mà chúng tôi nghĩ có thể có hiệu quả thực sự và đó là remdesivir.”
Loại thuốc này được bào chế để điều trị bệnh nhân Ebola, nhưng dường như cũng có thể tiêu diệt nhiều loại virus. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang chờ kết quả thử nghiệm.
Có nhiều hy vọng một cặp thuốc HIV (lopinavir và ritonavir) sẽ có hiệu quả, nhưng dữ liệu thử nghiệm thật đáng thất vọng.
Chúng đã không cải thiện sự phục hồi, giảm tử vong hoặc giảm mức độ của virus corona những bệnh nhân mắc Covid-19 nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi thử nghiệm được tiến hành ở những bệnh nhân bệnh nặng (gần như chết), có lẽ đã quá muộn để thuốc phát huy tác dụng trong lây nhiễm.
Các nhà khoa học c ũng quan tâm đến một loại thuốc chống sốt rét cũ và rẻ tiền được gọi là chloroquine. Các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm đã cho thấy nó có thể tiêu diệt virus, nhưng một lần nữa chúng ta lại phải chờ kết quả khi thuốc này được đưa cho bệnh nhân Covid-19 uống. Các thử nghiệm đang diễn ra ở Mỹ và các nước khác.
Cho đến khi vaccine hoặc thuốc điều trị sẵn sàng, tôi có thể làm gì?
Vì sao một thôn ở Hồ Bắc không ai nhiễm virus corona?
Vaccine là cách tốt nhất để ngăn ngừa lây nhiễm và lúc này cách tốt nhất khi chưa có vaccine là vệ sinh tốt.
Nếu bạn bị nhiễm virus corona, thì đối với hầu hết mọi người, bệnh sẽ nhẹ và có thể được điều trị tại nhà bằng cách nghỉ ngơi tại giường, uống paracetamol và uống nhiều nước. Một số bệnh nhân có thể phát triển bệnh nặng hơn và cần điều trị tại bệnh viện.
Làm thế nào để tạo ra một vaccine?
Vaccine một cách vô hại chỉ ra virus hoặc vi khuẩn (hoặc thậm chí là một phần nhỏ của chúng) cho hệ thống miễn dịch. Hệ thống phòng thủ của cơ thể nhận ra chúng là một kẻ xâm lược và sau đó học cách chống lại chúng.
Sau đó, nếu cơ thể bị tiếp xúc với virus, nó đã biết cách chống lại sự lây nhiễm.
Phương pháp tiêm chủng chính được sử dụng trong nhiều thập kỷ là sử dụng virus gốc.
Vaccine sởi, quai bị và rubella (MMR) được tạo ra bằng cách sử dụng các phiên bản yếu của những virus không thể gây nhiễm trùng toàn diện. Thuốc ngừa cúm theo mùa được thực hiện bằng cách lấy các chủng cúm chính lây nhiễm từ người này sang người khác và vô hiệu hóa chúng hoàn toàn.
Công trình về vaccine cho virus corona đang sử dụng các phương pháp mới hơn và ít được thử nghiệm hơn, được gọi là vaccine “nhiễm và chạy”. Vì chúng ta đã biết mã di truyền của virus corona mới Sars-CoV-2, giờ đây chúng ta đã có bản thiết kế hoàn chỉnh để thiết lập virus này.
Một số nhà khoa học vaccine đang lấy các phần nhỏ của mã di truyền của virus corona và đưa chúng vào các loại virus khác, hoàn toàn vô hại.
Bây giờ bạn có thể làm “lây nhiễm” một ai đó với virus vô hại và theo lý thuyết sẽ cung cấp một số miễn dịch chống lại sự lây nhiễm.
Các nhóm khác đang sử dụng các đoạn mã di truyền thô (có thể là DNA hoặc RNA tùy theo cách tiếp cận), một khi được tiêm vào cơ thể, sẽ bắt đầu tạo ra các protein virus mà hệ thống miễn dịch lại có thể học cách chiến đấu.
https://www.bbc.com/vietnamese

Thuốc thử nghiệm

đem đến hy vọng cho việc điều trị coronavirus

Một loại thuốc điều trị thử nghiệm có tên remdesivir đã đem đến những dấu hiệu ban đầu cho thấy rằng, đối với những người bị bệnh nặng do nhiễm coronavirus, loại thuốc này có thể bắt đầu có tác dụng trong vòng 24 giờ sau liều đầu tiên. Được bào chế bởi công ty Gilead Science, loại thuốc chống virus trên được cho là có tác dụng theo cơ chế ngăn chặn việc virus tự sinh sản trong cơ thể. Remdesivir là một trong những phương pháp điều trị tiềm năng được tổng thống  Trump đề cập trong cuộc họp báo hôm thứ năm (19 tháng 3).
Nhìn chung, ít nhất 2 bệnh nhân được điều trị bằng remdesivir có vẻ như đang bắt đầu cảm thấy ổn hơn vào ngày hôm sau. Theo NBC News, các nghiên cứu trên động vật đã cho thấy loại thuốc này cũng có thể điều trị MERS, một chủng coronavirus khác. Trước đây, nó cũng được quảng bá rộng rãi như một phương pháp điều trị tiềm năng cho Ebola, nhưng không cho thấy bất kỳ lợi ích đáng kể nào. Phát ngôn viên của bệnh viện Providence Regional Medical Center cho biết, khoảng 1,000 bệnh nhân sẽ được thử nghiệm lâm sàng với remdesivir. Các bệnh nhân đang dần được lựa chọn để tham gia các cuộc thử nghiệm.
Công ty Gilead tuyên bố, remdesivir là một loại thuốc chống virus có số lượng dữ kiện hạn chế tại thời điểm này. Ngoài ra, nó không được chấp thuận ở mọi nơi trên thế giới, và không được chứng minh là an toàn hoặc hiệu quả cho bất kỳ mục đích sử dụng nào. Công ty đang hỗ trợ 5 thử nghiệm lâm sàng trên khắp thế giới để nghiên cứu tính an toàn và hiệu quả của remdesivir trong việc điều trị COVID-19.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/thuoc-thu-nghiem-dem-den-hy-vong-cho-viec-dieu-tri-coronavirus/

Viêm phổi Vũ Hán

lẽ ra đã không trở thành ‘Đại dịch toàn cầu’

Tuệ Minh
Đại dịch toàn cầu do virus Vũ Hán gây ra là có thể tránh được nếu như chính quyền Trung Quốc không bưng bít thông tin cho đến khi không thể che giấu được nữa.
Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, vào ngày 01/01/2020, tại Trung Quốc, 8 bác sĩ đã bị bắt vì lan truyền “tin đồn” về loại virus lạ gây ra bệnh viêm phổi trên WeChat, một ứng dụng truyền thông xã hội Trung Quốc.
Lẽ ra đó là thời điểm mà chính quyền Vũ Hán phải thực thi các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh bùng phát thì họ lại tập trung nhắm vào những người lên tiếng cảnh báo về sự xuất hiện của virus, theo tờ New York Times.
Theo dữ liệu mà tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (South China Morning Post) có được, trường hợp đầu tiên tại Trung Quốc nhiễm virus Vũ Hán được cho là từ ngày 17/11/2019. Các bác sĩ trong thành phố Vũ Hán đã thu thập mẫu xét nghiệm từ các ca nghi ngờ nhiễm bệnh từ cuối tháng 12/2019, nhưng họ được lệnh không tiết lộ bất kỳ thông tin nào về căn bệnh mới này cho công chúng.
Đến ngày cuối cùng của năm 2019, số lượng các ca nhiễm virus ở Trung Quốc đã tăng lên 266 và đến ngày đầu tiên của năm 2020, số lượng các ca nhiễm đã là 381. Tuy nhiên, theo hãng Fox News, trong thời gian từ ngày 11/1 đến ngày 17/1, chính quyền Vũ Hán khẳng định không có trường hợp mới nào nhiễm căn bệnh bí ẩn này.
Gần đây, Tổng thống Donald Trump đã gọi chủng virus này là “virus Trung Quốc”. Khi được chỉ ra rằng cách gọi đó thể hiện thái độ “phân biệt chủng tộc”, ông cho biết: “Không hề phân biệt chủng tộc. Không, hoàn toàn không. Bởi vì nó bắt nguồn từ Trung Quốc. Đó là lý do. Tôi muốn nói thật chính xác”.
Vào ngày 19/3, trong một cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Tổng thống Trump nói rằng hành động che giấu thông tin của Trung Quốc đã khiến cả thế giới phải chịu cái giá quá đắt khi giờ đây, dịch bệnh đang bùng phát khắp nơi trên thế giới, và lẽ ra “Nó đã có thể bị chặn lại ở ngay nơi mà nó bắt đầu”.
Ông cho rằng các quan chức Mỹ đã có thể hành động sớm hơn nhiều nếu chính quyền Trung Quốc chia sẻ đầy đủ các thông tin về dịch bệnh ngay từ khi nó bắt đầu, hồi tháng 12/2019 tại Vũ Hán.
https://www.dkn.tv/the-gioi/viem-phoi-vu-han-le-ra-da-khong-tro-thanh-dai-dich-toan-cau.html

Tổng giám đốc WHO bảo vệ Bắc Kinh

 là vì ‘nguyên nhân khó nói’

Lục Du
Đại dịch viêm phổi Vũ Hán đã làm bộc lộ rõ hơn mối quan hệ “không bình thường” vẫn được đồn thổi giữa Tổng giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus với Bắc Kinh. Những phát biểu của ông Tedros về Trung Quốc cho thấy ông có “cảm tình” đặc biệt với chính quyền Trung Quốc, và phía sau có “lý do khó nói”.
Ông Tedros đã khởi động ngày Thứ Sáu (20/3) của mình bằng cách ca ngợi những nỗ lực của Trung Quốc trong việc ngăn chặn và kiểm soát dịch virus Vũ Hán. Trong một tweet vào sáng sớm, Tổng giám đốc WHO đã hoan nghênh những nỗ lực và kết quả xử lý đại dịch của Bắc Kinh.
“Lần đầu tiên, vào ngày hôm qua, Trung Quốc đã báo cáo không còn ca COVID19 nào. Đây quả là một thành tích đáng kinh ngạc, khiến chúng ta yên tâm rằng virus corona có thể bị đánh bại”, ông Tedros viết trên Twitter.
Theo Fox News, lời khen này của lãnh đạo cao nhất WHO trên bề mặt thì không thấy vấn đề gì, nhưng tờ báo của Mỹ cho rằng, nếu nhìn sâu vào mối quan hệ giữa ông Tedros và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thấy được nhiều điều.
Trước đó, vào ngày 11/3, WHO cuối cùng cũng đã tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Trong khi một số người ca ngợi động thái này, thì nhiều người lại có ý kiến khác. Ông Bradley Thayer, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Texas, San Antonio và ông Lianchao Han, phó chủ tịch của Tổ chức Sáng kiến cho quyền công dân của Trung Quốc, đặt ra câu hỏi rằng tại sao WHO lại trì hoãn quá lâu mới làm việc này khi từ trước đó nhiều tuần, các quan chức y tế của nhiều nước đã cảnh báo về khả năng lây lan nhanh chóng trên diện rộng của virus Vũ Hán.
Theo ông Thayer và ông Han, ông Tedros đã “nhắm mắt làm ngơ trước thực tế xảy ra ở Vũ Hán và phần còn lại của Trung Quốc”, và sau cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng Một, ông Tedros đã giúp ông Tập che đậy “mức độ nghiêm trọng, tốc độ lây lan và quy mô của dịch COVID-19”.
Fox News cho hay, khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán đang bùng phát khắp nơi trên thế giới, thông qua sự trợ giúp tích cực của ông Tedros, Trung Quốc đã trở thành một vị cứu tinh với các gói viện trợ, bao gồm
cả người và của, cho các nước đang trông ngóng sự giúp đỡ. Ví như việc Bắc Kinh đã cử đoàn chuyên gia y tế cùng hàng viện trợ tới giúp Ý chống dịch, hay việc tỷ phú Trung Quốc Jack Ma, người bị nghi ngờ có quan hệ mật thiết với Trung Nam Hải, tài trợ cho Úc hay châu Phi hàng triệu đô la để đối phó với virus Vũ Hán.
Trong những ngày qua, Trung Quốc và Hoa Kỳ trở nên căng thẳng hơn khi Tổng thống Trump gọi virus corona là “virus Trung Quốc”. Trong các tranh luận, những lời khen của WHO dành cho Trung Quốc đã được Bắc Kinh tận dụng tối đa để tấn công đối phương.
Trong một cuộc phỏng vấn trên Fox News, Ngoại trưởng Mỹ nói đại ý rằng Bắc Kinh đã lãng phí khoảng thời gian vàng để dập dịch khi biết về sự tồn tại của virus Vũ Hán nhưng vẫn cho hàng trăm ngàn người, trong đó có nhiều người mang mầm bệnh, ở tâm dịch Vũ Hán đi tới nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Ý, để giờ đây quốc gia này đang phải chịu đựng sự tàn phá của dịch bệnh.
Ngày 20/3, bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã đưa lên Twitter một dòng trạng thái phản đối phát biểu của ông Pompeo: “Hãy dừng thốt ra những lời dối trá! Vì các chuyên gia WHO nói rằng, những nỗ lực của Trung Quốc đã tránh cho hàng trăm ngàn người không nhiễm bệnh”, bà Hoa ám chỉ phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ và trích dẫn ý kiến của WHO để “kéo lẽ phải” về phía Bắc Kinh.
Nội dung Tweet chỉ trích Ngoại trưởng Mỹ của bà Hoa Xuân Oánh.
Hành động của Tổng giám đốc WHO Tedros cho thấy, ông đã luôn bảo vệ Bắc Kinh trong mọi trường hợp.
“Đáng ra ông ta nên tập trung vào các nỗ lực đối phó với đại dịch toàn cầu, thì Tedros đã chính trị hóa cuộc khủng hoảng và giúp Tập trốn tránh trách nhiệm của mình đối với một loạt các hành động sai lầm trong việc xử lý dịch bệnh”, ông Thayer và ông Han nêu quan điểm. Bộ đôi này cũng cáo buộc ông Tedros lợi dụng WHO để “bảo vệ sự vi phạm nhân quyền trắng trợn của chính quyền Trung Quốc”.
Cấp dưới của ông Tập đã tìm mọi cách để làm những người muốn cảnh báo nguy cơ về dịch bệnh hay phản ánh thực tế diễn ra trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán phải im lặng. Những người như vậy đã bị lực lượng an ninh Trung Quốc gây sức ép làm cho không thể tiếp tục lên tiếng, trong khi một số khác đã mất tích.
Mặc dù vậy, ông Tedros vẫn tuyên bố rằng Trung Quốc đã “minh bạch” thông tin đại dịch. Theo Fox News, một số người cho rằng, sở dĩ ông Tedros cố gắng bảo vệ Bắc Kinh là vì chính quyền Trung Quốc đã mang lại nhiều quyền lợi cho WHO và cả Ethiopia, quê hương của ông Tedros.
Trong hơn một thập niên qua, nền kinh tế của Ethiopia chủ yếu phụ thuộc vào Trung Quốc. Bắc Kinh đã bỏ ra hàng trăm triệu đô la đầu tư các dự án lớn ở nước này, bao gồm một sân vận động thể thao quốc gia trị giá 160 triệu USD mới được khánh thành ở Addis Ababa, thủ đô của Ethiopia.
Fox News cho hay, ông Tedros không được đào tạo để trở thành một bác sĩ y khoa, không có kinh nghiệm quản lý y tế toàn cầu và đã thực hiện một số hoạt động đáng ngờ sau khi được bầu làm Tổng giám đốc WHO vào năm 2017, bao gồm việc cố gắng bổ nhiệm cựu Thủ tướng Zimbabwe, một người được xem là độc tài, làm đại sứ thiện chí của WHO.
“Đại dịch nCoV đã chỉ ra rằng Tedros không phù hợp để lãnh đạo WHO”, ông Thayer và ông Han đánh giá. “Dưới sự lãnh đạo của ông ta, thế giới có thể đã bỏ lỡ khoảng thời gian vàng để ngăn chặn đại dịch hoặc giảm thiểu tác hại của nó”.
“Hiện tại thế giới đang phải chiến đấu với sự lây lan nhanh chóng củanCoV và nhiều nước đã phải áp đặt các hạn chế [người dân đi lại để kiềm chế dịch]. Là lãnh đạo của WHO, Tedros phải chịu trách nhiệm về vai trò của mình trong những quyết định sai lầm đối với kế hoạch kiểm soát virus”, ông Thayer và ông Han kết luận.
https://www.dkn.tv/the-gioi/tong-giam-doc-who-bao-ve-bac-kinh-la-vi-nguyen-nhan-kho-noi.html

Virus corona: Châu Âu học được gì từ châu Á?

Helier CheungBBC News
Số ca nhiễm virus corona ở phương Tây đang tăng vọt và nhiều quốc gia đã công bố các biện pháp quyết liệt, bao gồm đóng cửa trường học và giới nghiêm.
Vụ dịch đã tấn công nhiều quốc gia ở châu Á vài tuần trước đó – và một số nước đã được ca ngợi vì kiềm chế được số ca nhiễm. Ví dụ, Singapore, Hong Kong và Đài Loan đều giữ số ca nhiễm tương đối thấp – mặc dù nằm gần Trung Quốc đại lục.
Virus corona: Bao lâu nữa thì có vaccine hay thuốc điều trị?
Virus corona: Khi nào hết dịch và cuộc sống trở lại bình thường?
Virus corona: ‘Tôi hồi phục sau khi tự cách ly điều trị ở nhà’
Họ đã làm gì khác biệt – và có bài học nào cho các quốc gia khác không?
Bài học thứ nhất: Xem đó là việc quan trọng, và hành động nhanh chóng
Các chuyên gia y tế đồng tình về các biện pháp tương tự để ngăn chặn dịch bệnh – xét nghiệm rộng rãi, cách ly những người nhiễm và khuyến khích cách ly xã hội. Các biện pháp như vậy hiện đang được áp dụng ở các mức độ khác nhau ở phương Tây – nhưng điểm khác biệt chính là nhiều quốc gia đã không hành động nhanh chóng.
“Vương quốc Anh và Hoa Kỳ đã mất một cơ hội”, Tikki Pangestu, cựu giám đốc chính sách nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói. “Họ đã có hai tháng kể từ khi dịch xảy ra ở Trung Quốc, nhưng có định kiến rằng ‘Trung Quốc ở rất xa và sẽ không có gì xảy ra’.”
Trung Quốc là nước đầu tiên báo cáo với WHO các trường hợp “nhiễm viêm phổi kỳ lạ giống Sars” từ 31/12/2019. Vào thời điểm đó chưa có ca lây nhiễm từ người sang người nào được khẳng định, và người ta còn biết rất ít về virus này, nhưng trong vòng ba ngày Singapore, Đài Loan và Hong Kong đều triển khai đo thân nhiệt ở các khu vực biên giới – Đài Loan kiểm tra khách trên các chuyến bay từ Vũ Hán trước khi họ xuống máy bay.
Khi các nhà khoa học hiểu hơn về loại virus này, nó đã trở nên rõ ràng rằng những người không có triệu trứng vẫn có khả năng làm lây nhiễm. Vì vậy xét nghiệm là tối quan trọng.
Bài học thứ hai: Làm xét nghiệm trở nên đại trà, và giá cả phải chăng
Các ca nhiễm ở Hàn Quốc thoạt đầu tăng vọt. Nhưng nước này đã nhanh chóng phát triển bộ xét nghiệm virus – và hiện đang xét nghiệm cho hơn 290.000 người. Hàn Quốc thực hiện khoảng 10.000 xét nghiệm mỗi ngày, miễn phí.
“Cách mà họ tăng tốc và sàng lọc người dân quả rất đáng chú ý,” Ooi Eng Eong, một giáo sư trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm khẩn cấp tại Đại học Quốc gia Singapore, nói.
Hàn Quốc có một hệ thống chứng thực nhanh chóng đang hoạt động, áp dụng cho các xét nghiệm bệnh truyền nhiễm, sau khi bùng phát hội chứng hô hấp Trung Đông bùng lên năm 2015 làm 35 người chết.
Ngược lại, việc xét nghiệm ở Mỹ bị trì hoãn – các kit xét nghiệm ban đầu bị lỗi, và các phòng xét nghiệm tư thì khó khăn để chứng thực các xét nghiệm của mình. Nhiều người gặp trở ngại khi muốn được xét nghiệm, và chúng thường rất đất. Thậm chí, xét nghiệm miễn phí cho mọi người đã được thông qua trong luật.
Trong khi đó, Anh Quốc nói rằng chỉ những người nhập viện sẽ được xét nghiệm thường xuyên. Điều này khiến Anh khó để xác định các ca với triệu chứng nhẹ.
Giáo sư Pangestu thừa nhận rằng ở một số nước, không có đủ các kit xét nghiệm. Tuy nhiên, ông nói rằng việc xét nghiệm đại trà như “ưu tiên hàng đầu”, và nói thêm rằng “xét nghiệm những người có triệu chứng, không cần phải nhập viện nhưng vẫn có khả năng làm lây nhiễm virus thậm chí còn quan trọng hơn.”
Bài học thứ ba: Truy tìm và cách ly
Chỉ xét nghiệm những người có triệu chứng là không đủ – cần truy tìm những người tiếp xúc với họ – đó là chìa khóa.
Singapore đã truy tìm hơn 6.000 người có tiếp xúc với người bệnh – định vị họ bằng CCTV, cho họ làm xét nghiệm, và yêu cầu họ tự cách ly cho tới khi có kết quả rõ ràng.
Ở Hong Kong, việc truy tìm được thực hiện đối với những người tiếp xúc với người bệnh hai ngày trước khi ai đó có triệu chứng.
Họ cũng thực hiện các biện pháp khác để đảm bảo rằng những người được yêu cầu cách ly thực sự ở nhà.
Ở Hong Kong, những người mới đến từ nước ngoài được yêu cầu đeo một vòng điện tử để theo dõi di chuyển của họ, trong khi ở Singapore, những người tự cách ly được kiểm tra vài lần một ngày, và được yêu cầu gửi ảnh chứng minh nơi họ đang ở.
Singapore có các hình phạt nặng – bao gồm cả án tù – cho bất kỳ ai vi phạm lệnh “ở nhà”. Người vi phạm sẽ bị tước quyền cư trú.
Nhiều quốc gia ở phương Tây sẽ khó áp dụng các biện pháp như vậy do dân số đông hơn và quyền tự do dân sự lớn hơn.
“Chúng tôi có thể làm những gì chúng tôi đã làm vì đất nước chúng tôi nhỏ”, giáo sư Ooi nói. “Để sao chép toàn bộ những gì chúng tôi đang làm sẽ không có ý nghĩa gì, nó phải được điều chỉnh cho phù hợp với từng quốc gia.”
Bài học thứ tư: Cách ly xã hội sớm
Cách ly xã hội được coi là cách tốt nhất để kiềm chế dịch.
Nhưng các biện pháp được đưa ra càng muộn thì chúng càng cần phải được áp dụng một cách cực đoan hơn. Tại Vũ Hán, Trung Quốc, nơi virus được cho là khởi phát, năm triệu người đã rời khỏi thành phố trước khi lệnh giới nghiêm bắt đầu. Điều này khiến chính phủ phải thực hiện lệnh phong tỏa lớn nhất trong lịch sử loài người.
Cả Ý và Tây Ban Nha đều buộc phải áp lệnh đóng cửa quốc gia sau khi số ca mắc tăng lên hàng ngàn. New York và California đã ra lệnh cho cư dân ở nhà, ngoại trừ khi cần phài đi làm các việc thiết yếu như mua đồ tạp hóa.
Ngược lại, các trường học vẫn đang hoạt động ở Singapore, mặc dù các cuộc tụ họp đông người nơi công cộng đã bị hủy bỏ. Ở Hong Kong, các trường học đã bị đóng cửa và người lao động được khuyến khích làm việc tại nhà – nhưng các nhà hàng và quán bar vẫn mở.
Giáo sư Ooi tin rằng sự khác biệt là do các chính phủ đã nhanh chóng thực hiện việc cách ly xã hội như thế nào.
“Vào thời điểm nhiều nước tăng cường các biện pháp kiểm soát, số lượng ca nhiễm quá lớn” đến mức cần có những bước quyết liệt, ông nói.
Cách ly xã hội bị ảnh hưởng bởi các quyết định của chính phủ về cấm các cuộc tụ họp hoặc đóng cửa trường học, nhưng nó cũng phụ thuộc vào những người sẵn sàng tham gia. Đó là lý do tại sao thông điệp cho cộng đồng – và thái độ cá nhân – là rất quan trọng.
Bài học thứ năm: Thông tin đầy đủ cho công chúng
“Trừ khi bạn có được sự hợp tác của công chúng, các chính sách của bạn có thể không được tuân thủ và việc thực thi không thể đi xa hơn”, Giáo sư Pangestu nói. “Điều quan trọng là chỉ ra rằng các chính sách dựa trên bằng chứng khoa học.”
Trung Quốc đã bị chỉ trích vì chậm thừa nhận sự bùng phát của dịch. Nước này cho phép một họp chính trị lớn diễn ra ở Vũ Hán ngay cả khi mối lo ngại gia tăng. Chính quyền cũng trừng phạt các bác sĩ đã cố gắng cảnh báo về dịch bệnh những người khác – gây ra sự giận dữ sau khi một bác sỹ chết vì virus.
Kể từ đó, Trung Quốc được ca ngợi vì làm chậm sự lây lan của virus một cách hiệu quả, sau khi áp dụng lệnh phong tỏa quy mô lớn và nâng cao năng lực bệnh viện. Nhưng các nhà chỉ trích nói rằng các biện pháp cực đoan như vậy được thực hiện do Trung Quốc ban đầu đã phản ứng chậm.
Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump thường mâu thuẫn với các quan chức y tế về mức độ nghiêm trọng của vụ dịch và số lượng bộ dụng cụ xét nghiệm hiện có. Chính phủ cũng không thể cung cấp thông tin về số người đã được xét nghiệm, vì nhiều phòng xét nghiệm tư nhân không cung cấp dữ liệu cho CDC.
“Phản ứng với dịch bệnh bao gồm việc minh bạch – điều đó ngăn mọi người hoảng loạn và tích trữ mọi thứ”, giáo sư Ooi nói.
Một số chính phủ đã sử dụng công nghệ để cập nhật thông tin chi tiết cho cư dân. Hong Kong cung cấp bảng điều khiển trực tuyến về tất cả các trường hợp – bao gồm bản đồ hiển thị các tòa nhà nơi có các ca nhiễm. Hàn Quốc đưa ra cảnh báo di động cho mọi người biết nếu họ ở gần bệnh nhân.
Tại Singapore, chính phủ được ca ngợi vì truyền thông minh bạch về coronavirus, bao gồm cả bài phát biểu của thủ tướng khuyến khích người dân ngừng việc hoảng lên tích trữ hàng hóa. Các biện pháp của nước này đã được người dân ủng hộ rộng rãi – việc này là nhờ thực tế Singapore có một lịch sử lâu dài nhấn mạnh trách nhiệm tập thể đối với an ninh quốc gia. Và truyền thông Singapore không có xu hướng thách thức tin tức từ nhà nước.
Bài học thứ sáu: Đó cũng là thái độ của từng cá nhân
Thật quá đơn giản để nói, như một số người từng nói, rằng nngười châu Á có thể tuân thủ các mệnh lệnh của chính phủ hơn. Ở Hong Kong, niềm tin của công chúng vào chính phủ rất thấp – và đã có nhiều tháng biểu tình chống chính phủ. Nhưng, tại một trong những thành phố đông dân nhất thế giới, nhiều người đã tự nguyện cách ly xã hội – một số thậm chí tránh các cuộc tụ tập Tết Nguyên đán, tương đương với việc người châu Âu bỏ qua các sự kiện Giáng sinh.
Giáo sư Pangestu tin rằng trong khi người Hong Kong không tin tưởng chính phủ, “họ rất tự hào về Hong Kong và coi dịch bệnh là mối đe dọa đối với bản sắc của [lãnh thổ]“.
Trong khi đó, Karin Huster, một y tá ở Sattle, đồng thời là điều phối viên lĩnh vực khẩn cấp cho Tổ chức Bác sĩ không biên giới, đã dành một tháng ở Hong Kong để đào tạo về virus corna. Bà nhận thấy nhiều
người có “ý thức trách nhiệm cá nhân” mạnh mẽ bởi vì họ nhớ vụ dịch Sars năm 2003 đã tấn công lãnh thổ này nặng nề như thế nào.
Điều đó cũng được thấy trong việc sử dụng khẩu trang phổ biến ở một phần của châu Á, mà bà Hustler nói được coi là một dấu hiệu của “sự tôn trọng đối với người khác”.
Bà nhận thấy rằng thỉnh thoảng mọi người sẽ tránh đi vào thang máy vì bà không đeo khẩu trang. Ngược lại, ở nhiều nước phương Tây, người ta đặc biệt được khuyên không nên đeo khẩu trang và nhiều người châu Á đã bị quấy rối vì đeo khẩu trang.
Các chuyên gia ở châu Á đồng ý rằng đeo khẩu trang kém hiệu quả hơn nhiều so với các biện pháp khác như rửa tay. Nhưng có nhiều ý kiến ​​khác nhau về việc đeo khẩu trang vẫn còn giá trị.
Benjamin Cowling, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Hồng Kông, lập luận: “Khẩu trang không phải là viên đạn ma thuật chống lại virus corona, nhưng nếu mọi người đeo khẩu trang, có lẽ nó có thể giúp ích, cùng với tất cả các biện pháp khác [như rửa tay và cách ly xã hội ], để giảm lây nhiễm.”
“Bằng chứng hiện khá ít, nhưng chúng tôi cho rằng chúng có tác dụng đó, bởi vì đó là sự bảo vệ mà chúng tôi dành cho nhân viên y tế.”
Khi nói đến cách ly xã hội, bà Huster nói: “Tôi nghĩ ở Mỹ, mọi người rất cá nhân – sẽ khó khăn hơn một chút để chúng tôi hy sinh ‘tự do’ của mình.”
Trước đây bà đã làm việc về dịch Ebola, nơi mọi người cũng được yêu cầu rửa tay thường xuyên hơn và giữ khoảng cách, và nói rằng thách thức lớn nhất “là khiến mọi người hiểu sự cần thiết phải thay đổi cách sinh hoạt của họ”.
Tất cả điều này là đủ để ngăn chặn virus?
Các chuyên gia tin rằng các biện pháp tích cực hơn được áp dụng ở các nước phương Tây sẽ làm chậm thành công tốc độ lây nhiễm theo thời gian. Nhưng, để hiểu được thách thức tiếp theo sau đó, họ cũng có thể học từ châu Á. Mặc dù đã kiềm chế được virus, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Hong Kong hiện đang phải đối mặt với làn sóng lấy nhiễm thứ hai, được thúc đẩy bởi những trở về từ nước ngoài.
Và không rõ sự bùng phát này có thể kéo dài bao lâu.
Giáo sư Ooi rất lạc quan, vì số lượng nhiễm bệnh mới bắt đầu giảm trong vòng hai đến ba tuần sau khi lệnh phong tỏa được thực hiện tỉnh Hồ Bắc. Mặc dù lệnh phong tỏa của Trung Quốc là “quyết liệt”, ông tin rằng các quốc gia có các biện pháp nhẹ nhàng hơn cũng có thể ngăn chặn sự bùng phát trong vòng vài tuần.
“Phong tỏa nên đóng vai trò là nguồn cảm hứng cho các quốc gia khác ngay bây giờ – thật đau đớn nhưng nó có thể được thực hiện.”
Ngược lại, Giáo sư Cowling lo lắng rằng nếu biện pháp phong tỏa kết thúc quá sớm, việc lây nhiễm cục bộ có thể bắt đầu lại.
“Tôi không biết liệu cách ly xã hội có thể được duy trì trong khoảng thời gian nó cần được duy trì hay không. Chúng ta không thể thực sự thư giãn cho đến khi có vaccine – có thể mất khoảng 18 tháng”, nhưng “mọi người ở Hong Kong đã khá mệt mỏi sau hai tháng bị phong tỏa.”
“Phong tỏa kéo dài đang gây tổn hại cho nền kinh tế, trong khi một dịch bệnh gây hại cho sức khỏe cộng đồng thì không có nhiều sự lựa chọn tốt hơn.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51985795

Covid-19: ‘Đại dịch làm hại doanh nghiệp Anh’ –

góc nhìn người gốc Việt

Anh Quốc công bố thêm các biện pháp cứu trợ kinh doanh để các công ty không phải sa thải nhân viên vì dịch virus corona.
Tuy thế, các nhà kinh doanh vẫn lo ngại như ông Harry Hoàn Trần, từ Midan Global UK, London, một công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Anh Quốc, nói với BBC News Tiếng Việt.
Virus corona: Anh Quốc cứu trợ doanh nghiệp và người lao động ra sao?
Covid-19: Ngành nails của người Việt tại Anh gặp khó khăn
Virus corona: Khi nào hết dịch và cuộc sống trở lại bình thường?
Ông Harry Hoàn Trần: Covid-19 không chỉ đơn thuần là loại virus lây nhiễm nhanh với tỷ lệ tử vong cao, mà nó còn là loại virus siêu tàn phá nền kinh kế.
Hoạt động kinh doanh của tôi bị ảnh hưởng cực kỳ nặng nề. Lần đầu tiên trong sự nghiệp, tôi cảm thấy bất an, không có lối thoát nếu tình trạng này kéo dài.
Doanh nghiệp của tôi hàng tháng xuất 200- 300 công-ten-nơ nguyên liệu về Việt Nam. Chúng tôi phải đối mặt với ba vấn đề (i) thiếu tàu biển để chuyển hàng, (ii) không mua được nguyên liệu, và (iii) thu nợ khó khăn.
Vấn đề thứ nhất: Các hãng tàu vận hành ít tàu hơn và lợi dụng tình thế để tăng cước biển một cách chóng mặt: Ban đầu chúng tôi phải giánh chịu tác động của đại dịch từ Trung Quốc.
Virus corona: Biến động chứng khoán tuần này có xấu hơn khủng hoảng 2008?
Virus corona: Bao lâu nữa thì có vaccine hay thuốc điều trị?
Virus corona: Anh và Việt Nam tương phản nhau cách chống dịch
Do các nhà máy của Trung Quốc giảm xuất hàng sang Châu Âu từ tháng 01/2020, dẫn đến số lượng tàu biển quay trở lại Châu Âu đầu tháng 03/2020 giảm còn một nửa.
Chúng tôi van lạy hãng tàu mà vẫn không đặt được chỗ. Hãng tàu “nể lắm” mới bố thí cho vài chục công với giá cước tăng lên gấp đôi.
Chúng tôi phải hủy một số hợp đồng với khách hàng ở Việt Nam và theo quy định phải bồi thường thiệt hại. Nhưng khi có khó khăn chung, mọi người rất tương trợ nhau. Khách hàng chỉ yêu cầu trừ vào giá các lô hàng tiếp theo. Trong vận hạn này mới biết ai là người tốt.
Thứ hai không có hàng để mua và giá tăng cao: Tại Anh, các đối tác của chúng tôi cũng không thu gom được nguyên liệu tái chế do tiêu thụ giảm và công nhân không đi làm. Giá nguyên liệu tăng lên gấp đôi, tranh nhau mua mà không có. Chúng tôi cũng phải hủy kế hoạch mua hàng từ Pháp và Tây Ban Nha.
Thứ ba tình hình công nợ và thanh khoản rất khó khăn. Chúng tôi xuất hàng về Việt Nam cho các nhà máy theo hình thức thanh toán trả thư tín dụng trả chậm 90 ngày trong khi chúng tôi phải thanh toán cho nhà cung cấp trong vòng 30 ngày.
Do đại dịch, hoạt động kinh doanh trở nên có rủi ro cao, ngân hàng cắt giảm hạn mức. Chúng tôi bị mất cân đối nặng nề về luồng tiền.
BBC News Tiếng Việt: Tâm lý chung của các đối tác Anh làm ăn với doanh nghiệp châu Á, từ VN, TQ hiện ra sao?
Đại dịch là mệnh của trời, là điều bất khả kháng, không ai có lỗi cả. Hàng ngày chúng tôi vẫn trao đổi với các đối tác ở Việt Nam. Trong lúc khó khăn như thế này, chúng tôi có sự đoàn kết, tin tưởng, thấu hiểu và cảm thông hơn bao giờ hết. Chúng tôi chỉ cầu mong đại dịch sớm trôi qua để tiếp tục làm ăn với nhau.
BBC News Tiếng Việt: Hoạt động kinh doanh phổ biến của người VN tại Anh Quốc, trong các ngành nails, quán ăn, bị ảnh hưởng ra sao, theo những gì ông quan sát?
Kinh doanh nhà hàng và tiệm nails là một trong các hoạt động chính của người Việt tại Anh Quốc. Tôi có anh bạn chủ tiệm nails, tuần qua đã đóng cửa và cho nhân viên nghỉ không lương. Vợ lo lắm vì vẫn phải trả tiền thuê nhà và các loại phí.
Một anh bạn nữa có vài nhà hàng, tuần trước cũng chỉ hoạt động cầm chừng với công suất 20-30%. Tuần này Chính phủ khuyến cáo không giao tiếp, không tụ họp nhà hàng đóng cửa rồi.
BBC News Tiếng Việt: Các biện pháp cứu trợ của Chính phủ Anh vừa ban hành, theo ông có giúp được gì cho nền kinh tế, cho thị trường tài chính, cho doanh nghiệp vừa và nhỏ?
Chính phủ Anh rất mạnh tay và nhanh chóng đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ các ngành bị ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch như miễn phí kinh doanh trong vòng 12 tháng, trợ cấp tiền mặt 25.000 bảng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, giải trí, trợ cấp tiền trả cho nhân viên nghỉ ốm, cách ly.
Đặc biệt là gói cứu trợ 330 tỷ Bảng (400 tỷ Đô la Mỹ), tương đương với 15% GDP của cả nước. Chính phủ sẽ bảo lãnh các khoản vay ngân hàng cho doanh nghiệp và trả lãi hộ trong vòng 6 tháng. Tất cả các doanh nghiệp đều được tiếp cận gói này.
Chúng tôi đang chờ các ngân hàng công bố thủ tục tuần tới để có thể sớm nhận được hỗ trợ vốn.
Về nền kinh tế và thị trường tài chính, nhận xét cá nhân sẽ phiến diện, nhưng nhìn vào thị trường chứng khoản, hàn thử biểu của nền kinh tế trong tương lai đấy.
Chỉ số FTSE của 100 công ty lớn nhất Anh Quốc mất 30% sau nhiều phiên tắm máu (blood bath), Ngân hàng Trung ương hai lần cắt giảm lãi suất hai lần trong một tuần xuống còn có 0,1% năm, thì chúng ta thấy được vũ khí tài chính của chính phủ đưa ra chưa có tác dụng nhiều đối với nền kinh tế.
BBC News Tiếng Việt: Cuối cùng, là người có cả hoạt động kinh doanh ở VN, theo ông, dịch virus corona này sẽ làm thay đổi môi trường làm ăn ở VN ra sao?
Cá nhân tôi nghĩ môi trường làm ăn ở Việt Nam sẽ không có sự thay đổi một cách đại phẫu về cơ cấu.
Việt Nam vẫn cần nhập nguyên liệu, vẫn sản xuất, vẫn xuất khẩu.
Việc Việt Nam phụ thuộc vào Trung Quốc về chuỗi cung ứng, thì đã nói nhiều rồi.
Tôi chắc Đảng Cộng Sản và Chính phủ Việt Nam đang vò đầu vứt tai mà chưa có hướng để giảm sự lệ thuộc kể cả sau đại dịch này.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-51988733

Virus corona: Tiệm móng tay của người Việt tại Anh

trong mùa bệnh dịch

Hà MiViết từ London
Làm móng tay, hay vẫn thường được gọi là làm nails, là một nghề rất phổ biến trong cộng đồng người Việt tại Anh.
Cũng như nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ trong các ngành dịch vụ khác, những người làm nails tại Anh hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19.
Virus corona: Anh Quốc cứu trợ doanh nghiệp và người lao động ra sao?
Virus corona: Khi nào hết dịch và cuộc sống trở lại bình thường?
Virus corona: 40 trạm tàu ​​điện ngầm London đóng cửa
Một số chủ tiệm, người tự kinh doanh và người làm thuê cho các tiệm nails tại Anh Quốc cho biết về những khó khăn, quan ngại và hy vọng của họ trong thời kỳ dịch bệnh này.
Không có khách vì dịch bệnh
Trước những khuyến cáo của chính phủ Anh hạn chế đi lại và giảm tiếp cận xã hội trừ trường hợp tối cần thiết, các ngành dịch vụ như nhà hàng, hiệu làm tóc và ngành nails đang rơi vào tình trạng hầu như không có khách.
Chị Thảo, chủ một tiệm nails ở Palmer Green, mạn Bắc London, cho biết hiện vẫn cố mở cửa nhưng cửa hàng rất vắng, hầu như không có khách và đã cho hai thợ nghỉ ở nhà được một tuần rồi.
“Số lượng khách của mình giảm rất nhiều. Chắc một vài hôm nữa xem chính phủ quyết định ra sao rồi có lẽ sang tuần mình cũng sẽ phải đóng cửa.
“Thợ thì cũng cho nghỉ rồi vì vắng thế này chả có đủ chi phí cho shop lấy đâu tiền trả lương. Mình mở cửa vì còn 1-2 khách quen đã lâu năm và cũng mong còn kiếm được đồng nào hay đồng đó. Cho thợ nghỉ vì một phần họ cũng sợ dịch và một phần thợ có đi làm thì cũng ngồi chơi không,” chị Thảo cho biết.
Anh Nam, chủ tiệm nails ở gần thành phố Cambridge, cũng ở trong tình trạng tương tự.
“Khách tuần trước giảm hơn 50% và bây giờ còn ít hơn nữa. Em có vài thợ nhưng mấy hôm nay cũng phải cho thợ nghỉ luân phiên rồi. Thợ họ cũng thông cảm vì phải cùng nhau cố gắng qua giai đoạn này.”
“Nhà có hai con nhỏ, hai vợ chồng cùng làm ở tiệm nên cũng lo lắm. Nếu tới đây trường học đóng cửa thì một trong hai vợ chồng sẽ phải ở nhà trông con.”
“Bên này bọn em đâu có ông bà mà gửi con nhờ trông giúp được, mà người ta cũng khuyến cáo không gửi con cho ông bà.
“Nhưng thôi thế cũng được, đỡ phải trả tiền nhà trẻ, vì đằng nào cả hai đi làm cũng chẳng có khách,” anh Nam chia sẻ.
Với những người tự kinh doanh và chỉ thuê chỗ trong một tiệm của người khác thì ngoài việc thu nhập gần như không có do không có khách, thì còn có lo lắng khác nữa.
“Mình thuê đặt một, hai ghế làm móng chân, móng tay trong tiệm, nếu không đủ tiền trả tiền thuê chỗ cho chủ tiệm (mà họ cũng là người đi thuê nhà của người khác làm cửa hàng) thì chủ tiệm sau 1-2 tháng có thể đòi lại chỗ để cho người khác thuê,” chị Hà, có chồng là người tự kinh doanh nghề nails, hiện đang thuê chỗ tại một tiệm làm tóc ở mạn Đông London cho biết.
“Thế nên mình vừa lo không kiếm đủ ăn lại vừa lo bị mất chỗ kiếm sống mà còn lo mất tiền đầu tư vì đã mua bàn ghế, dụng cụ và thuốc làm móng v.v… để làm nghề. Bán lại đồ lúc này thì làm gì có ai mua.”
“Mà nghề này thì khách ngồi quá gần nên cũng rất sợ, mình sợ thì khách cũng sợ chứ! Đấy, mình không đi làm hay tiệm mà họ không mở cửa nữa thì không có thu nhập để trả tiền thuê chỗ, thuê nhà, mà đi làm thì cũng sợ lây nhiễm, nhất là khi khách nói mới đi du lịch đâu đó về,” chị Hà nói.
Hỗ trợ của chính phủ
Hôm 17/3, chính phủ Anh công bố gói hỗ trợ trị giá 350 tỷ bảng Anh trong đó 20 tỷ bảng trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ và 330 tỷ tiền cho vay không lãi nhằm vực nền kinh tế nước này trước tình trạng dịch bệnh.
Đây có lẽ là một tin đáng mừng cho cộng đồng người Việt làm nails tại Anh.
Chị Thảo là trong số những người mong muốn được nhận khoản hỗ trợ này:
“Mình đang tìm hiểu thủ tục để xin tiền hỗ trợ của chính phủ. Nghe đâu chính phủ nói là doanh nghiệp nhỏ thì có thể xin hỗ trợ 10 ngàn bảng Anh. Còn doanh nghiệp lớn thì có thể được vay số tiền lớn hơn và không phải trả lãi trong sáu tháng.”
“Họ cũng nói sớm nhất là tháng Tư thì sẽ có thể được nhận tiền và mình tuy làm thủ tục nhưng cũng không biết có được không,” chị Thảo nói.
Ngay sau khi có tuyên bố hỗ trợ doanh nghiệp của chính phủ, những người làm nghề nails tại Anh đã truyền nhau đường link trang mạng của chính phủ hướng dẫn việc xin tiền hỗ trợ.
Anh Nam hy vọng nếu không xin được tiền trợ giúp trong gói 20 tỷ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ thì xin được vay không lãi từ khoản 330 tỷ để có thể trụ được qua giai đoạn khó khăn này cũng là mừng rồi.
Tuy nhiên với những người tự kinh doanh như chồng chị Hà thì việc xin trợ giúp từ gói hỗ trợ của chính phủ không phải là đơn giản, chị Hà cho biết.
Vì sao Anh đột ngột thay đổi chính sách chống Covid-19
Đức: ‘Cuộc chiến chính thức chống virus corona đã bắt đầu’
Virus corona: Nước Pháp gắng sống xứng tầm thử thách
“Nhà mình là self-employed (tự kinh doanh) thì chỉ có thể xin được Universal Credit (trợ cấp tối thiểu hàng tháng cho chi phí sinh hoạt dành cho người có thu nhập thấp hoặc mất việc tại Anh) mà để làm thủ tục xin được cũng rất khó vì phải chứng minh thu nhập trước Covid và sau Covid thì mới được,” chị Hà giải thích.
Trong thời gian tìm hiểu, làm thủ tục xin và chờ đợi được nhận hỗ trợ của chính phủ cho chính họ thì nhiều người đã đang phải thương thuyết các giải pháp ‘bước đệm’ trước tình trạng dịch bệnh khiến không có khách hiện nay.
“Vợ chồng mình đã nói chuyện với chủ tiệm về nợ tiền thuê chỗ nhưng họ chưa chịu vì họ nói còn tuỳ thuộc họ có xin được trợ cấp cho doanh nghiệp nhỏ từ gói hỗ trợ của chính phủ hay không,” chị Hà nói.
Chị Thảo cũng cho biết đã bàn với chủ nhà xin trong thời gian một vài tháng tới đươc giảm tiền thuê nhà hoặc cho tạm ngưng trả tiền nhà rồi khi kinh doanh hoạt động trở lại sẽ trả bù nhưng hiện chủ nhà còn chưa đồng ý vì họ cũng phải đợi có xin được tạm ngưng tiền trả góp khoản tiền vay của ngân hàng mua nhà theo hứa hẹn của chính phủ hay không.
Tăng cường chống dịch
Khi được hỏi với đặc tính của nghề nails, làm việc phải ngồi gần khách như vậy, những người làm nails có gặp khó khăn gì đặc biệt khi làm việc hay không, thì phần lớn đều cho biết nếu vẫn còn khách tới làm vào giai đoạn này thì hầu hết đều là khách quen, hay những người không quan ngại khi thợ đeo khẩu trang, và khách đều vui vẻ rửa tay theo yêu cầu của tiệm trước khi được thợ xem móng.
“Trước Covid thì thường khách vào là xem tay luôn cho khách nhưng nay thì khách được yêu cầu rửa tay rồi mới xem và làm cho họ.
“Còn đeo khẩu trang khi làm móng thì nhiều tiệm trước đây đã đeo khẩu trang rồi. Giờ thì không chỉ đeo khẩu trang mà còn còn đeo găng tay nữa,” chị Hà nói.
Có tiệm thậm chí còn có cả khẩu trang cho khách.
“Mình còn đủ khẩu trang để dùng cho thợ và cả cho khách nếu khách muốn nhưng có khách đeo, có khách không vì tây họ chẳng coi trọng việc đeo khẩu trang đâu. Mình ra đường, đi xe buýt đi làm, mình cũng đeo khẩu trang, nhưng người ta nhìn mình như nhìn người từ hành tinh khác ý. Mình cũng kệ, ai nhìn thì nhìn,” chị Thảo vừa cười vừa kể.
Chị Châu, một thợ làm nails tại một tiệm ở khu Wimbledon, phía Nam London, thì cho biết “cửa hàng chỉ có đủ khẩu trang cho thợ như bọn em, lấy đâu ra cho khách. Mà có khi có cho khách thì họ cũng không dùng vì họ biết khẩu trang của mình sạch hay bẩn nên bọn em không cho khách chị ạ. Nhưng bây giờ trước khi làm là yêu cầu khách rửa tay cẩn thận.”
“Nhiều người thân tại Việt Nam đang rất lo lắng cho những người sống tại Anh như bọn em nhưng mỗi nước có cách xử lý khác nhau. Chắc chủ tiệm em sẽ đợi xem các quyết định kế tiếp của chính phủ trong thời gian tới như thế nào rồi mới quyết định có đóng cửa hay không,” chị Châu nói thêm.
Trước tình trạng bệnh dịch diễn biến nhanh như hiện nay, không chỉ cộng đồng người Việt làm nails tại Anh Quốc có tâm trạng lo lắng, bất ổn mà có lẽ đây là tâm trạng chung của người dân không chỉ tại Anh mà tại nhiều nước châu Âu khác.
Bài do tác giả, sống tại London, gửi cho BBC News Tiếng Việt.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51987862

Một phụ nữ Việt Nam cầu xin sự giúp đỡ

sau khi chạy trốn khỏi ngôi nhà nô lệ tình dục

Một người phụ nữ Việt Nam đau khổ kêu gọi sự giúp đỡ của những người đi đường tại Littleton Road, thành phố Salford, sau khi cô trốn thoát khỏi một ngôi nhà nơi cô bị buộc phải làm gái mại dâm. Ngôi nhà nơi người phụ nữ này chạy trốn hiện vẫn chưa được xác định. Cô băng qua thành phố Greater Manchester và đến thành phố Salford. Các viên chức cho biết, cô đã đi bộ trong 26 giờ, sau đó bắt 3 chuyến xe buýt trên khắp khu vực mà cô đi qua.
Mỗi chuyến xe tốn ít nhất khoảng nửa giờ đồng hồ. Cuối cùng, một số người đã mời cô ăn và cho cô tiền khi cô dũng cảm dừng lại để cầu cứu. Theo tờ Manchester Evening News, hiện tại, các thám tử đang mở một cuộc điều tra về nô lệ thời hiện đại, và muốn thảo luận với bất cứ ai từng nói chuyện hoặc nhìn thấy người phụ nữ này ở Greater Manchester trong khoảng thời gian từ 3 giờ sáng thứ tư (4 tháng 3) đến 5 giờ 30 sáng thứ năm (5 tháng 3). Các thám tử đang thực hiện một số câu hỏi nhằm truy tìm nơi người phụ nữ này bị giam giữ, và sẽ cố gắng liên lạc với bất cứ ai có bất kỳ thông tin sớm nhất. Nếu ai có thông tin liên quan, vui lòng liên lạc với cảnh sát theo số 0161 856 2895, đề cập đến sự việc số 363 ngày 05/03/2020. Ngoài ra, mọi người có thể gọi đến cơ quan ngăn chặn tội phạm Crimestoppers theo số 0800 555 111 để cung cấp thông tin dưới dạng ẩn danh.
BTT
https://www.sbtn.tv/mot-phu-nu-viet-nam-cau-xin-su-giup-do-sau-khi-chay-tron-khoi-ngoi-nha-no-le-tinh-duc/

Virus corona : Anh Quốc đóng cửa toàn bộ

hàng quán, rạp xi nê, nhà hát

Thanh Phương
Hôm qua, 20/03/2020, thủ tướng Boris Johnson ra lệnh cho toàn bộ các quán cà phê, quán rượu, nhà hàng, và nhiều nơi vui chơi khác đóng cửa ngay vào buổi tối, để ngăn chận đà lây lan của dịch Covid-19, mà hiện đã khiến 177 người chết ở nước này. Trước đó, chính phủ Anh cũng đã quyết định đóng cửa tất cả các trường học.
Từ Luân Đôn, thông tín viên Muriel Delcroix tường trình :
« Các quán cà phê, quán rượu, nhà hàng, nhà hát, rạp xi nê, phòng tập thể dục và các trung tâm giải trí: một cách miễn cưỡng, thủ tướng Boris Johnson đã ra lệnh cho những nơi vui chơi giải trí này phải đóng cửa càng sớm càng tốt ngay tối qua.
Nhưng biết chắc là một số người dân sẽ không chấp hành các biện pháp cực đoan này, thủ tướng Anh đã nhấn mạnh đến trách nhiệm tập thể:
Sau khi nghe tôi loan báo quyết định, một số người chắc vẫn ra ngoài tối nay. Tôi muốn nói với những người này : xin quý vị vui lòng đừng làm gì cả. Quý vị cứ tưởng mình khỏe mạnh, nhưng có thể là trong người đã có những triệu chứng nhẹ của bệnh Covid-19, chưa kể là quý vị có thể lây sang người khác.
Tôi biết là rất khó khăn, và biết điều này là trái với tinh thần yêu tự do của dân Anh, nhưng chúng ta sẽ vượt qua thử thách này, chúng ta sẽ chiến thắng con virus này. 
Về phần bộ trưởng Kinh Tế Anh Rishi Sunak, ông thông báo là chính phủ sẽ trả 80% tiền lương của những người bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Đây là một sự hỗ trợ chưa từng có từ một chính phủ bảo thủ. Điều này cho thấy là thủ tướng Boris Johnson dường như đã hoàn toàn chấp nhận điều không thể tránh khỏi. ».
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200321-virus-corona-anh-qu%E1%BB%91c-%C4%91%C3%B3ng-c%E1%BB%ADa-to%C3%A0n-b%E1%BB%99-h%C3%A0ng-qu%C3%A1n-r%E1%BA%A1p-xi-n%C3%AA-nh%C3%A0-h%C3%A1t

Virus corona : Pháp kiểm soát chặt chẽ hơn

việc chấp hành lệnh phong tỏa

Thanh Phương
Hôm nay, 21/03/2020, là ngày cuối tuần đầu tiên mà dân Pháp phải sống với lệnh phong tỏa toàn quốc, có hiệu lực từ trưa ngày 17/03, nhằm kềm hãm đà lây lan của dịch Covid-19.
Hôm qua, bộ trưởng Nội Vụ Christophe Castaner đã cảnh báo là việc hạn chế đi lại sẽ được áp dụng một cách nghiêm ngặt hơn, đặc biệt là với việc kiểm soát ở các ga xe lửa và các sân bay. Những người đi ra ngoài mà không có lý do chính đáng sẽ bị phạt 135 euro. Một số người bị phạt nhiều lần đã bị tạm giam về tội « gây nguy hại cho tính mạng người khác ».
Bộ trưởng Castaner còn thông báo là lực lượng của chiến dịch Sentinelle chống khủng bố cũng sẽ được tăng cường để tham gia chống dịch virus corona.
Trong cuộc họp báo hôm qua, giáo sư Jérôme Salomon, tổng cục trưởng Tổng Cục Y Tế Pháp, cũng đã khẩn thiết kêu gọi dân Pháp ở các thành phố lớn đừng đi đâu vào cuối tuần này. Theo ông, thứ nhất là người thành thị  kéo về các vùng nông thôn có thể vô tình mang theo virus corona ; thứ hai, có thể đó là những vùng không có đủ điều kiện y tế để tiếp nhận quá nhiều người bệnh.
Hiện giờ, theo lời bộ trưởng Nội Vụ Castaner, chính phủ chưa quyết định về việc kéo dài lệnh phong tỏa, trước mắt chỉ có hiệu lực đến cuối tháng 3. Nhưng rất có nhiều khả năng là lệnh phong tỏa sẽ được triển hạn.
Tính đến hôm qua, theo bộ Y Tế, dịch Covid-19 đã khiến tổng cộng 450 người chết ở Pháp, tức là trong 24 tiếng đồng hồ đã tăng thêm 78 ca tử vong. Hiện có tổng cộng 5.226 người nằm viện, trong đó có gần 1.300 ca nặng, phải nằm trong phòng hồi sức cấp cứu. Tuy nhiên, cũng đã có gần 1.600 đã xuất viện, coi như khỏi bệnh.
Trong cuộc họp báo hôm qua, giáo sư Jérôme Salomon, tổng cục trưởng Tổng Cục Y Tế Pháp đã đặc biệt lưu ý đến sự gia tăng của những ca bất thường, tức là những bệnh nhân bổng nhiên mất hoàn toàn khứu giác, nhưng không hề bị nghẹt mũi.
Để giải tỏa áp lực lên bệnh viện Mulhouse, miền đông nước Pháp, hiện đã bị quá tải, hôm nay, bệnh viện dã chiến đã bắt đầu được quân đội Pháp dựng lên kế bên bệnh viện này. Bệnh viện dã chiến sẽ có 30 giường cho những bệnh nhân hồi sức và sẽ có sự tham gia của cả trăm nhân viên y tế của quân đội.
Thêm một phi cơ quân sự sáng nay đã cất cánh từ vùng Bouches-du-Rhônes, miền nam nước Pháp đến Mulhouse để chở các bệnh nhân Covid-19 đến vùng Aquitaine, theo thông báo của bộ Quân Lực Pháp trên mạng Twitter. Đây là chiếc A330 Phénix của không quân Pháp, cho tới nay chỉ được sử dụng cho các vùng có chiến sự. Hôm thứ tư vừa qua, không quân Pháp đã chuyển 6 bệnh nhân từ Mulhouse đến Marseille và Toulon.
Trong cuối tuần này, hải quân Pháp cũng tham gia vận chuyển bệnh nhân từ đảo Corse đến vùng Côte d’Azur. Chiếc tàu chở trực thăng Tonnerre sẽ đến Ajaccio để di tản khoảng một chục bệnh nhân đến Marseille.
Trước tầm mức của dịch Covid-19, hệ thống bệnh viện Paris ( AP-HP) hôm qua đã kêu gọi các nhân viên y tế khác, nếu có thể được, đến hỗ trợ cho đội ngũ của 39 bệnh viện Paris.
Từ mấy ngày qua, cứ đúng 8 giờ tối, dân Pháp lại đứng bên cửa sổ để đồng loạt vỗ tay cám ơn các bác sĩ, y tá đang ngày đêm chiến đấu với virus corona trong điều kiện hết sức khó khăn, đặc biệt là tình trạng thiếu khẩu trang bảo hộ.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200321-virus-corona-ph%C3%A1p-ki%E1%BB%83m-so%C3%A1t-ch%E1%BA%B7t-ch%E1%BA%BD-h%C6%A1n-vi%E1%BB%87c-ch%E1%BA%A5p-h%C3%A0nh-l%E1%BB%87nh-phong-t%E1%BB%8Fa

Virus corona: Pháp thiếu khẩu trang chống dịch,

 đối lập chỉ trích chính phủ

Thanh Hà
Sau giới nhân viên y tế, ngày 20/03/2020 đến lượt chính giới Pháp chỉ trích chính phủ về tình trạng thiếu khẩu trang chống Covid-19. Từ đảng LR cánh hữu đến lãnh đạo đảng cực hữu RN, cũng như đảng Nước Pháp Bất Khuất phe cực tả hay đảng Xã Hội, tất cả đều xem việc Pháp thiếu khẩu trang y tế là một “tai họa”
Chính phủ bị chỉ trích là thiếu “tầm nhìn xa”. Câu hỏi được nêu lên thường xuyên nhất là “vì sao nên nỗi” khi biết rằng năm 2010 Pháp có 1 tỷ khẩu trang y tế trong kho dự trữ.
Trả lời báo chí trong tuần, bộ trưởng Y Tế Olivier Véran cho biết, khi ông ngồi vào chiếc ghế bộ trưởng hồi tháng 2 vừa qua, kho dự trữ đó đã vơi đi hẳn, chỉ còn lại có 150 triệu chiếc. Ông giải thích: Vào năm 2011 và 2013, các chính quyền lúc đó thấy rằng kho dự trữ một tỷ khẩu trang là “không cần thiết, do khả năng cung ứng của thế giới rất lớn, đặc biệt là khẩu trang được sản xuất tại châu Á”.
Có điều, dịch bệnh lần này đã xuất phát từ Trung Quốc, làm tê liệt cỗ máy sản xuất của nước này. Vào lúc dịch Covid-19 lên đến đỉnh điểm ở Trung Quốc, thì châu Âu, trong đó có Pháp đã gửi khẩu trang sang giúp Trung Quốc.
Tuy nhiên như để đùn đẩy trách nhiệm, bộ trưởng Véran nói thêm: Pháp đã quyết định giảm kho dự trữ về khẩu trang và quyết định đó đã được chính quyền tiền nhiệm đưa ra hồi năm 2013.
Chính quyền của tổng thống Sarkozy hồi năm 2011 và Hollande hồi 2013 đều đưa ra những giải thích để phủi tay.
Tuy nhiên, câu hỏi cấp bách nhất hiện thời là trước đà lan nhanh của dịch Covid-19, làm thế nào để có đủ khẩu trang để cấp, trước hết là cho nhân viên y tế tại bệnh viện, cho các bác sĩ và y tá gia đình, cho nhân viên các hiệu thuốc, cho nhân viên cứu thương … và kế đến là cho 66 triệu dân Pháp ?
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200321-virus-corona-pha%CC%81p-thi%E1%BA%BFu-kh%E1%BA%A9u-trang-ch%E1%BB%91ng-d%E1%BB%8Bch-%C4%91%E1%BB%91i-l%E1%BA%ADp-ch%E1%BB%89-tr%C3%ADch-ch%C3%ADnh-ph%E1%BB%A7

Nạn nhân của virus corona ở Ý, họ là ai?

Số tử vong vì virus corona tại Ý tăng vọt thêm 627 người nữa, lên thành 4.032 ca tổng cộng, giới chức loan báo ngày 20/3. Đây là số tăng cao nhất trong một ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Ý cách nay một tháng.
Từ 19/3, Ý đã qua mặt Trung Quốc trở thành nước có nhiều người chết nhất vì virus corona.
Số người nhiễm virus tại Ý hiện là 47.021 người.
Trong phân tích đầy đủ nhất được công bố từ khi dịch bùng phát tới nay, Viện Y tế Quốc gia Ý cho biết độ tuổi trung bình của các nạn nhân tử vong vì COVID-19 là trên dưới 78, nạn nhân nhỏ tuổi nhất là 31 và nạn nhân cao tuổi nhất là 103.
41% các nạn nhân tử vong là từ 80-89 tuổi. Nhóm từ 70-79 tuổi thiệt mạng vì virus corona chiếm 35%.
Ý có dân số già nhất thế giới sau Nhật, 23% dân số trên 65 tuổi. Điều này, theo giới chuyên gia y tế, giải thích vì sao tử vong vì virus corona ở Ý cao hơn nhiều so với các nơi khác trên thế giới.
Phúc trình của Viện Y tế Quốc gia, dựa trên khảo sát 3.200 ca tử vong, cho thấy nam giới chiếm trên 70% và phụ nữ chiếm gần 30% ca tử vong.
Phân tích sâu hơn 481 trường hợp trong số các ca tử vong cho thấy gần 99% là những người có vấn đề về sức khoẻ trước khi bị nhiễm virus corona như cao huyết áp, tiểu đường hay bệnh tim mạch.
Lúc nhập viện, 76% bị sốt, 73% khó thở, 40% bị ho, và 8% bị tiêu chảy.
Thời gian trung bình từ khi khởi phát triệu chứng đầu tiên cho tới ngày qua đời là 8 ngày, với trung bình khoảng 4 ngày nằm viện.
Trong 3.200 ca tử vong được khảo sát, chỉ có 9 người dưới 40 tuổi, đa số là đàn ông.
https://www.voatiengviet.com/a/n%E1%BA%A1n-nh%C3%A2n-c%E1%BB%A7a-virus-corona-%E1%BB%9F-%C3%BD-h%E1%BB%8D-l%C3%A0-ai-/5338833.html

Virus corona: Hơn 4.000 người chết tại Ý,

quân đội giám sát lệnh phong tỏa ở Lombardia

Thanh Hà
Tính đến chiều 20/03/2020, trên toàn nước Ý đã có 4.032 người chết vì virus corona, thêm 627 ca tử vòng trong 24 giờ qua. Hơn một nửa các nạn nhân thiệt mạng là dân cư vùng Lombardia. Tại đây, lệnh phong tỏa không được thực thi nghiêm túc, dịch bệnh vẫn lan nhanh. Trong bối cảnh đó, chính phủ huy động quân đội đến tiếp tay với chính quyền địa phương.
Thông tín viên đài RFI, Anne Tréca từ Roma gửi về bài tường trình :
“Thống đốc vùng Lombardia xem đây là một điểm khởi đầu rất tốt. 114 quân nhân được điều tới thành phố Milano, lá phổi kinh tế của nước Ý, để giám sát với mục tiêu là tất cả người dân ở đây phải tuân thủ lệnh phong tỏa. Chính quyền cũng hy vọng là biện pháp này sẽ tạo ra một cú sốc về mặt tâm lý, bởi vì tình hình tại đây thật là bi đát. Hôm qua như vậy là đã có thêm 6.000 ca nhiễm mới trên toàn quốc và tính tới nay gần 38.000 người Ý bị nhiễm virus corona.
Ý đã vượt qua cả Trung Quốc về số người thiệt mạng. Chỉ nội ngày hôm qua 20/03/2020 số ca tử vong đã tăng vọt lên thêm 627 người. Từ đầu mùa dịch trong số hơn  4.000 người chết, hơn một nửa là dân cư tại vùng Lombardia. Vậy mà người dân ở đây vẫn chưa ý thức được về mối đe dọa y tế này.
Nghiên cứu tín hiệu điện thoại di động cho thấy, vẫn có 40 % dân cư trong vùng tiếp tục đi lại. Cho đến sáng nay, Metro của thành phố Milano vẫn đông người. Cũng vì lý do này, mà chính phủ cũng đã điều quân đội xuống miền nam nước Ý : khoảng một trăm quân nhân vừa được gửi đến vùng Campania. Một số tỉnh khác, như Sardigna chẳng hạn, đã cầu viện quân đội”.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200321-virus-corona-h%C6%A1n-4-000-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-ch%E1%BA%BFt-t%E1%BA%A1i-%C3%BD-qu%C3%A2n-%C4%91%E1%BB%99i-%C4%91%E1%BA%BFn-v%C3%B9ng-lombardia-gi%C3%A1m-s%C3%A1t-c%C3%A1c-bi%E1%BB%87n-ph%C3%A1p-phong-t%E1%BB%8Fa

Nga: Xác suất Tổng thống Putin

có tới 6 nhiệm kỳ thế nào?

Quốc PhươngBBC News Tiếng Việt
Xác suất để đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin trở thành “tổng thống trọn đời” của nước Nga với tới sáu nhiệm kỳ là “rất cao”.
Ông Putin có cơ hội cầm quyền đến 84 tuổi?
Putin ‘là tài sản quý’ nước Nga cần bảo vệ
Nhưng điều này sẽ được sáng tỏ hơn qua cuộc trưng cầu dân ý dự kiến vào ngày 22 tháng Tư tới đây, một nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Nga trả lời phỏng vấn của BBC News Tiếng Việt.
“Xác suất này rất cao vì bà Valentina Tereshkova nữ phi công vũ trụ đầu tiên trên thế giới, phát biểu đề nghị tại Duma, tức Hạ viện Nga, cho phép Vladimir Putin tham gia như một công dân ứng cử hai lần nữa và không tính 4 nhiệm kỳ trước,” Giáo sư Vladimir Kolotov từ Đại học Tổng hợp St. Petersburg nói với BBC.
“Putin trả lời là vấn đề này để cho nhân dân Nga giải quyết trong ngày trưng cầu dân ý dự kiến vào ngày 22 tháng Tư.
“Nhưng mà theo giới quan sát ở Nga thì có khả năng là Vladimir Putin có thể làm tổng thống đến năm 2036.”
Mời quý vị theo dõi tiếp dưới đây cuộc trao đổi của BBC với nhà quan sát và phân tích chính trị này.
Dấu hiệu tăng ‘độc tài’?
BBC:Có ý kiến nói đây là dấu hiệu một “chủ nghĩa độc tài” đang được tăng cường ở nước Nga, Giáo sư bình luận thế nào?
GS. Kolotov: Cái đấy thì khó nói, vấn đề là sẽ có trưng cầu dân ý và như vậy nhân dân sẽ ra quyết định, như là sẽ bỏ phiếu ngày 22/04, nếu người ta bỏ phiếu không cho phép, thì là sẽ không cho phép, coi như là không ai bắt buộc và mọi người, ai ai cũng đều có quyền tán thành hay là phản đối.
Ở Nga bây giờ có tự do ngôn luận, có người nói là tán thành đề xuất này, có người phản đối và người ta trao đổi ý kiến rất là tự do, cho nên đấy không phải là vấn đề khó khăn. Vấn đề chỉ là người ta sẽ bỏ phiếu ngày 22/04 như thế nào.
Về mặt khác phải nói Vladimir Putin có uy tín rất lớn ở nước Nga, tại vì so với lãnh đạo trước là Boris Yeltsin, thì Vladimir Putin có tính hiệu quả quản lý cao hơn rất nhiều. Chính vì thế người ta tin vào Putin.
Nhưng có một số người khác nói là phải cho người khác làm việc lên thay để mà nước Nga có thể phát triển được.
Song một số người có tính bảo thủ nói là Putin làm việc được thì cho phép làm tiếp. Cho nên đấy là vấn đề đang tranh luận rất sôi nổi ở nước Nga.
BBC: Còn quan điểm riêng của Giáo sư thì thế nào?
GS. Kolotov: Tôi cũng không biết, nhưng so với chế độ của Yeltsin, thì chế độ của Putin là tốt hơn nhiều và tôi trước đây được sinh ra dưới thời của Leonid Brezhnev, và dưới rất nhiều những người lãnh đạo nước Nga, thì trong số đó Putin là người giỏi nhất.
Đấy là điều rất khó tranh luận, nhưng vấn đề là ông cũng đã lớn tuổi (sinh năm 1952) và hai nhiệm kỳ nữa căng thẳng thì không biết thế nào.
Làm gì tránh khủng hoảng?
BBC:Trong trường hợp khi đó ông Putin có vấn đề về sức khỏe do tuổi tác, thì nước Nga chuẩn bị như thế nào để tránh rơi vào một cuộc khủng hoảng lãnh đạo nào đó, nếu xảy ra?
GS. Kolotov: Tôi nghĩ đặt vấn đề như thế rất là đúng, tại vì phương án ở Nga nói là để tất cả mọi trứng vào một giỏ thì rất là nguy hiểm, có rủi ro rất cao, nên nước Nga và bất kỳ nước nào trên thế giới phải có nhiều phương án và chắc chắn ông Putin cũng suy nghĩ về vấn đề này.
Và cũng có người bình luận là tất nhiên trong vòng mấy năm cuối cùng mà Putin làm tổng thống, nhiệm kỳ trước từ thế kỷ trước từ năm 1999 và hồi đó ông có vai trò rất lớn ở nước Nga, thì tất nhiên không thể nào rút được một người có quyền lực như thế một lúc từ đỉnh cao chính trị của nước Nga.
Người ta nói là kiểu gì ông cũng phải có tiếng nói và phải có vai trò gì ở nước Nga trong thời kỳ sắp tới sau khi hết nhiệm kỳ.
Vì đấy là người có uy tín quốc tế, có kinh nghiệm rất lớn. Có thể nói là bây giờ, trên chính trường quốc tế, ông là một trong những người cao tay nhất và tất nhiên là người ta cần phải sử dụng kinh nghiệm của người đó với tư cách là cố vấn hay với tư cách nào đó.
Cho nên ông tiếp tục làm tổng thống chỉ là một trong những phương án, nhưng mà kiểu gì ở Nga ai cũng nói là phải nghiên cứu vấn đề để mà ông cũng có vai trò lớn, tiếp tục có vai trò lớn ở nước Nga.
Dưới hình thức gì thì người ta đang tranh luận, nhưng mà một trong những ý kiến là tiếp tục làm tổng thống.
BBC: Có những ứng cử viên nào tại thời điểm này mà có thể thay thế cho ông Putin trong trường hợp có biến cố nào đó mà ngay bản thân ông Putin cũng không mong muốn, như sức khỏe hay tuổi già, mà khiến ông không thể tiếp tục làm công việc của tổng thống được? Mở rộng ra thì có đảng phái nào hay khuynh hướng chính trị nào có thể làm nhân tố thay thế?
GS. Kolotov: Tôi nghĩ ở nước Nga bây giờ vẫn còn nhiều người có kinh nghiệm quản lý, ví dụ như là ông Sergey Kiriyenko cựu Thủ tướng, hay là ông Dmitri Medvedev đã từng làm tổng thống và bây giờ làm Chủ tịch Hội đồng An ninh của nước Nga.
Xung quanh ông Putin có nhiều người có kinh nghiệm lớn trong việc quản lý nhà nước như là nhiều người mà ai cũng biết tên và cũng có nhiều người có kinh nghiệm nhưng mà không được nổi tiếng như những người nói trên.
Tôi nghĩ vấn đề nhân sự không phải là vấn đề không giải quyết được ở nước Nga.
Đừng như ‘Hội Tam hoàng’
BBC:Bà Velentina Tereshkova lên tiếng vừa rồi là một động thái mang tính ‘dàn xếp’ chính trị như đảng của ông Putin từng bị cáo buộc nhiều lần trước đây bởi phe đối lập là đã tiến hành để ‘thao túng, lũng đoạn’ nhằm chiếm độc quyền quyền lực hay không?
GS Kolotov: Chuyện nội bộ chúng ta không thể nào biết được, tất nhiên là tôi cũng nghe ý kiến như thế và cũng có nhiều chuyện tiếu lâm ở nước Nga về vấn đề này, nhưng mà quý vị biết không thể tự nhiên mà bà Tereshkova có một đề xuất như thế và người ta cũng chú ý đây là lần đầu tiên bà phát biểu ở viện Duma và có đề xuất như thế.
Tất nhiên bà là người có uy tín rất lớn và trên nước Nga nói chung, bởi vì bà trước đây đứng đầu Liên hiệp hội Hữu nghị với các nước từ thời Liên Xô, cho nên bà có tiếng nói ở nước Nga và trên thế giới.
Tất nhiên bà nói là bà đã gặp nhiều người trong dân và người ta có đề nghị như thế, nên bà nói lại, nhưng tất nhiên là không giải quyết vấn đề này một cách bí mật như Hội Tam Điểm, mà nếu muốn tiếp tục tạo
điều kiện để Tổng thống Putin tiếp tục làm tổng thống, thì phải giải quyết vấn đề một cách công khai, rõ ràng, cởi mở, chứ không làm theo kiểu cửa sau, dưới hình thức này hay là hình thức kia.
Có người có đề xuất như thế và đó là sự thật và việc giải quyết vấn đề một cách cởi mở, công khai, tôi nghĩ là đúng, còn vấn đề người ta đúng hay không, đó là chuyện khác.
Giáo sư Vladimir Kolotov trả lời BBC News Tiếng Việt trực tiếp bằng tiếng Việt qua điện thoại viễn liên. Ông hiện là Trưởng Khoa Lịch sử Viễn Đông thuộc Đại Học St. Petersburg, đồng thời là nhà quan sát, bình luận và phân tích chính trị nước Nga.
Trong phần tiếp theo của cuộc trao đổi này với BBC, nhà nghiên cứu bình luận về đối lập và dân chủ ở nước Nga dưới thời Vladimir Putin, mời quý vị đón theo dõi.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51980560

Triều Tiên tiếp tục bắn hai vật thể ra biển Hoa Đông

Lục Du
Triều Tiên hôm thứ Bảy (20/3) đã bắn hai vật thể được cho là tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra biển Hoa Đông, quân đội Hàn Quốc cho biết thông tin, theo AFP.
Các tên lửa được bắn từ tỉnh Bắc Pyongan về phía Biển Nhật Bản, còn có tên gọi khác là biển Hoa Đông, Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố” “Quân đội đang theo dõi tình hình phòng trường hợp có thêm vụ phóng và duy trì trạng thái sẵn sàng”, song không cung cấp thông tin chi tiết.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông tin rằng Triều Tiên đã phóng đi các vật thể giống “các tên lửa đạn đạo”, và cho biết thêm, không có dấu hiệu cho thấy có bất kể dị vật nào rơi xuống lãnh thổ Nhật Bản hoặc vùng biển thuộc đặc quyề kinh tế của họ.
Đầu tháng này, Triều Tiên đã hai lần phóng các vật thể tương tự. Chính quyền Bình Nhưỡng cho biết họ đã thực hiện các vụ “phóng pháo tầm xa”, nhưng Nhật Bản cho hay, các vật thể có thể chỉ là các tên lửa đạn đạo.
Vụ phóng tên lửa hôm 21/3 diễn ra vài tuần sau khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un gửi thư động viên Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19. Đến nay, Bình Nhưỡng vẫn tuyên bố chưa ghi nhận trường hợp nhiễm virus Vũ Hán nào, dù các nước láng giềng là Trung Quốc và Hàn Quốc xác nhận nhiều ca nhiễm.
https://www.dkn.tv/the-gioi/trieu-tien-tiep-tuc-ban-hai-vat-the-ra-bien-hoa-dong.html

Thêm một con chó ở Hồng Kông nhiễm virus Vũ Hán

Hải Lam
Cơ quan bảo vệ động vật Hồng Kông hôm 19/3 xác nhận con chó thứ hai nhiễm virus Vũ Hán.
Một con chó Becgie Đức 2 tuổi và một con chó lai 4 tuổi sống cùng nhà với người nhiễm virus Vũ Hán ở Pok Fu Lam, Hồng Kông, đã được đi cách ly vào hôm 18/3. Hai con chó này được nhốt trong cũi riêng tại một trung tâm của chính quyền.
Kết quả xét nghiệm mẫu dịch lấy từ cổ họng và mũi cho thấy con chó Becgie nhiễm virus Vũ Hán, con chó lai không nhiễm. Theo một phát ngôn viên của Bộ Nông Ngư nghiệp và Bảo tồn Hồng Kông, cả hai con vật đều không có dấu hiệu nhiễm virus Vũ Hán. Phát ngôn viên này nói thêm, Bộ sẽ theo dõi chặt chẽ và xét nghiệm lại cho cả hai con chó.
Trước đó, giới chức y tế Hồng Kông hôm 5/3 xác nhận một con chó cưng giống Phốc Sóc của bệnh nhân nCoV đã nhiễm virus. Con chó này nhiều lần cho kết quả “dương tính yếu” với virus Vũ Hán kể từ hôm 28/2, khi nó bắt đầu được cách ly tại một trung tâm động vật. Tuy nhiên, con chó này đã chết, sau khi âm tính với virus và được trả về cho chủ nhân.
Giáo sư Malik Peiris, nhà virus học y tế công cộng hàng đầu tại Đại học Hồng Kông cho biết: “Rất có khả năng hai trường hợp về chó dương tính với nCov là trường hợp lây truyền từ người sang chó”.
Theo SCMP
Hải Lam dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/them-mot-con-cho-o-hong-kong-nhiem-virus-vu-han.html

Bắc Kinh thu hồi giấy phép

của các nhân viên Trung Cộng

 làm việc cho các hãng truyền thông Hoa Kỳ

Tin Bắc Kinh, Trung Cộng – Chính quyền Trung Cộng mới đây đã tiếp tục nâng cao cuộc chiến ngoại giao với Hoa Kỳ, bằng cách thu hồi giấy phép của các công dân Trung Cộng làm việc với tư cách nhà nghiên cứu hoặc phụ tá cho các hãng truyền thông Hoa Kỳ hoạt động tại đại lục. Lên tiếng về quyết định thu hồi giấy phép, phát ngôn viên Cảnh Sảng của Bộ Ngoại Giao Trung Cộng vào thứ Năm, 19 tháng 3, nói rằng nhà chức trách sẽ cai quản các công dân Trung Cộng làm việc cho các hãng truyền thông nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật.
Tờ Tin sáng Hoa Nam dẫn một số nguồn tin cho biết, 2 nhân viên người Trung Cộng của tờ The New York Times, 1 nhân viên của tờ The Wall Street Journal, và 1 nhân viên của đài radio Voice of America, vào thứ Tư đã nhận thông báo từ Phòng nhiệm vụ ngoại giao Bắc Kinh rằng giấy phép làm việc của họ đã bị thu hồi. Công dân Trung Cộng vốn không được phép làm ký giả cho các hãng truyền thông nước ngoài, nhưng họ có thể làm việc với tư cách nhà nghiên cứu, phiên dịch viên, và thư ký, và phải xin giấy phép từ nhà chức trách. Việc thu hồi giấy phép là hành động mới nhất của Bắc Kinh trong cuộc chiến ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng.
Trước đó vào thứ Ba, Bắc Kinh đã trục xuất các ký giả là công dân Mỹ của 3 tờ báo lớn của Hoa Kỳ. Các hành động này là nhằm đáp trả việc Washington coi 5 hãng truyền thông nhà nước Trung Cộng là các cơ quan đại diện tại nước ngoài của Bắc Kinh, và giới hạn số nhân viên người Trung Cộng mà các hãng này có thể thuê mướn tại Mỹ.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/bac-kinh-thu-hoi-giay-phep-cua-cac-nhan-vien-trung-cong-lam-viec-cho-cac-hang-truyen-thong-hoa-ky/

Có phải chính quyền Trung Quốc thực sự

muốn rút lại lời khiển trách bác sĩ Lý Văn Lượng?

Tuệ Minh
Reuters nghi ngờ, không biết có phải chính quyền Trung Quốc thực sự muốn rút lại lời khiển trách bác sĩ Lý Văn Lượng, người đã tìm cách cảnh báo sớm về dịch virus Vũ Hán hay không.
Một báo cáo của chính quyền Trung Quốc liên quan đến cái chết vì dịch corona của một bác sĩ trẻ bị cảnh sát “khiển trách” vì lan truyền tin đồn khi anh ta cố gắng gióng lên hồi chuông cảnh báo về căn bệnh này. Bản tin nhận phải những lời chỉ trích nhanh chóng trên mạng cho dù nó đề nghị “rút lại lời khiển trách”.
Nhóm điều tra lật lại việc dán nhãn bác sĩ Lý Văn Lượng là “chống phá” khi mà anh ta đã trở thành “anh hùng” và “người thức tỉnh” trong con mắt mọi người, anh đã trở thành một trong những nhân vật nổi bật trong những ngày đầu của vụ dịch khi cố gắng cảnh báo về dịch cúm ở Trung tâm thành phố Vũ Hán.
Tin tức về cái chết của anh ở tuổi 34 vào đầu tháng 2 đã gây ra sự phẫn nộ và nỗi buồn ở Trung Quốc.
Báo cáo do Cơ quan chống tham nhũng hàng đầu Trung Quốc, Ủy ban giám sát quốc gia cho biết, một nhóm được gửi đến Vũ Hán xem xét cách anh ta phát hiện ra virus, cách anh ta được triệu tập đến đồn cảnh sát và cách anh ta được điều trị khi bị bệnh.
Nhận định của họ, theo báo cáo được công bố bởi đài truyền hình CCTV của nhà nước, nói rằng chính quyền Vũ Hán cần tìm viên cảnh sát đã khiển trách bác sĩ Lý và buộc họ phải chịu trách nhiệm vì không tuân thủ đúng quy trình.
Báo cáo nói “lời khiển trách” của viên cảnh sát nên được rút lại.
“Thật thế ư?” một người dùng trên Weibo, một mạng xã hội giống như Twitter của Trung Quốc nói. Tin tức về báo cáo này là chủ đề được đọc hàng đầu trên Weibo, với hơn 160 triệu lượt xem vào tối thứ Năm.
Một người khác cho rằng, thà không nói ra như thế còn hơn.
Nhiều bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội chỉ trích báo cáo của chính phủ, nhưng vẫn được tồn tại trên Weibo hàng giờ sau khi chúng xuất bản, trái ngược với hồi đầu tháng 2, nhiều cuộc thảo luận về cái chết của bác sĩ Lý đã bị kiểm duyệt, đặc biệt là những người đổ lỗi cho chính phủ.
Người dùng mạng cũng chỉ trích “tuyên bố” của cơ quan cảnh sát Vũ Hán nói rằng đã tìm ra và cảnh cáo hai viên sĩ quan liên quan đến vụ bác sĩ Lý. Chỉ trích cho rằng các quan chức cấp cao hơn phải chịu trách nhiệm.
Rõ ràng những cán bộ này đã làm theo lệnh của lãnh đạo cấp cao. Một người nói: “điều này ai chả biết”.
Sự đối xử của cảnh sát với bác sĩ Lý đã thúc đẩy công chúng kêu gọi chính quyền Vũ Hán xin lỗi, đặc biệt là khi chính quyền thành phố bị cáo buộc che đậy sự bùng phát dịch trong những ngày đầu.
Kể từ đó, virus đã lan rộng ra toàn cầu tới 172 quốc gia, lây nhiễm gần 220.000 người, giết chết hơn 8.900 người và làm tê liệt nền kinh tế toàn cầu.
Nhóm điều tra mới cho biết bác sĩ Lý đã không chống lại chế độ bằng hành động của mình, mô tả anh ta là một chuyên gia đã chiến đấu dũng cảm và hy sinh. Gia đình anh đã nhận được phụ cấp trách nhiệm và trợ cấp tang lễ, báo cáo trích dẫn.
Nhóm điều tra mới, trong một phiên chất vấn do hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã công bố, nói rằng một số “thế lực thù địch” đã dùng các nhãn hiệu “chống phá” để nói về bác sĩ Lý, một người anh hùng và thức tỉnh, với mục đích tấn công chính quyền và đảng Cộng sản cầm quyền.
“Đây là điều không đúng”, báo cáo mới này nói. “Bác sĩ Lý là một đảng viên cộng sản, không phải là người chống lại chế độ”. Báo cáo cho rằng, “một số người nào đó” với động cơ không chính đáng đã, gây nhầm lẫn làm rối trí mọi người, để kích động phá hoại trật tự xã hội.
Theo Reuters
Tuệ Minh dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/co-phai-chinh-quyen-trung-quoc-thuc-su-muon-rut-lai-loi-khien-trach-bac-si-ly-van-luong.html

Người dân Hồ Bắc ‘phản ứng’

do tình cảnh cuộc sống trong khi bị phong tỏa

Vanessa Đỗ
Vài trăm cư dân ở Ứng Thành (Yingcheng), thành phố Hiếu Cảm (Xiaogan), lân cận Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc, đã biểu tình vào tối hôm 12/3.
Theo SCMP ngày 14/3, do cư dân Ứng Thành không hài lòng vì bị ép giá quá cao cho những mặt hàng tạp hóa nhu yếu phẩm thông thường nên họ có “phản ứng”.
Tuy nhiên, ThinkChina ngày 16/3 cho biết thêm, trước khi người dân Ứng Thành xuống đường phản đối các loại rau có giá quá cao, công chúng đã phẫn nộ vì chuyện vận chuyển thực phẩm trong xe chở rác ở Vũ Hán. Chịu đựng trong một thời gian dài bị phong tỏa, nguồn cung cấp nhu yếu phẩm không ổn định đã trở thành điểm kích hoạt cho sự giận dữ của cư dân Ứng Thành.
Cũng theo ThinkChina, vào ngày 12/3, hàng trăm người, lẽ ra phải cách ly tại nhà, đã tập trung tại một sân bóng rổ ở khu tổ hợp Sea Mountain ở Ứng Thành, Hiếu Cảm.
Sự việc hiếm hoi này nhanh chóng lan tỏa trên các phương tiện truyền thông xã hội, hình ảnh của cuộc biểu tình đã đạt khoảng 40.000 lượt đăng lại, và cụm từ có nội dung “địa khu Ứng Thành Sea Mountain” đã vươn lên đứng đầu trong xếp hạng của Weibo trong chủ đề “được nhiều tìm kiếm nhất”.
Một cư dân mạng đã đánh số người có mặt trong bức ảnh cuộc biểu tình và đếm được có hơn 300 người đã tập trung tại sân bóng rổ, chứ không phải 100 người như giới chức đã tuyên bố.
Cư dân mạng đánh số để đếm người tham gia cuộc biểu tình ở sân bóng chung cư.
ThinkChina cho biết, cuộc biểu tình này không phải là trường hợp duy nhất. Theo các video và ảnh chụp màn hình từ WeChat, cũng đã có nhiều cuộc tụ tập ở các khu dân cư khác nhau ở Ứng Thành liên tiếp vào ngày 12/3.
Cũng ngay trong đêm muộn hôm 12/3, chính quyền địa phương Ứng Thành đã thảo luận quyết định tăng số lượng nhà cung cấp nhằm giảm giá các nhu yếu phẩm hằng ngày.
Think China dẫn lời giáo sư Chen Bo tại Đại học Khoa học và Công nghệ Huazhong, nói rằng, các thành phố ở Hồ Bắc đã bị phong tỏa trong hơn một tháng. Cư dân phải ở trong nhà một thời gian dài, và do đó họ dễ bị tổn thương về mặt cảm xúc. Nếu cơ quan có thẩm quyền không quản lý đúng khía cạnh này mà
thậm chí thông đồng với các nhà cung cấp để độc quyền cung cấp các nhu yếu phẩm thiết yếu, cư dân sẽ tự nhiên giận dữ hơn so với ngày bình thường.
Theo Thinkchina
Vanessa Đỗ dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/nguoi-dan-ho-bac-phan-ung-do-tinh-canh-cuoc-song-trong-khi-bi-phong-toa.html

‘Tín hiệu nguy hiểm’ hiện rõ ở Vũ Hán,

 liệu dịch bệnh có bùng phát trở lại?

Mạn Vũ
Mặc dù các kênh thông tin của Trung Quốc nói rằng tình hình dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đã bớt căng thẳng, nhưng những ngày gần đây, ở Vũ Hán liên tục xuất hiện những ca bệnh mới ở các phòng khám bệnh. Các chuyên gia chỉ ra rằng, đây là “tín hiệu nguy hiểm”.
Dưới sự khống chế của chính phủ, từ ngày 11/3 đến nay, số lượng ca nhiễm mới duy trì ở mức một con số (dưới 10). Số lượng ca nhiễm mới giảm một cách bất thường khiến người dân cho rằng nguyên nhân là chính quyền Trung Quốc khống chế. Nhưng dù là như vậy, số ca bệnh mới ở Vũ Hán lại tăng ở các phòng khám tư nhân.
Theo tin tức từ Bộ chỉ huy phòng chống dịch bệnh, trong ba ngày liên tiếp từ 13-15/3, số ca bệnh mới lại đến từ các phòng khám tư.
Ngày 13/3, có 4 trường hợp nhiễm mới ở Vũ Hán, trong đó 1 trường hợp đến từ phòng khám tư. Bệnh nhân sống ở khi khu biệt thự đường Bắc Hồ Tây, phố Bắc Hồ, khu Giang Hán. Trong thời gian cư trú ở trong khu biệt thự đã từng đi lại, hoạt động, do đó không loại trừ khả năng khu vực đó bị lây nhiễm cộng đồng.
Ngày 15/3, theo báo cáo từ phía chính phủ thì có 4 ca nhiễm mới ở Vũ Hán, trong đó 1 ca đến từ bệnh viện, 1 ca đến từ điểm cách ly và 2 ca đến từ phòng khám tư. Trong đó, một bệnh nhân ngoại trú sống ở đường Thiết Cơ, phố Hòa Bình, quận Hồng Sơn, người bệnh này từng đi ra ngoài khu vực mình ở chứ không hoàn toàn ở nhà. Bệnh nhân còn lại sống ở Bách Thụy Cảnh, khu Hán Xương, từng sinh hoạt đi lại ở khu vực lân cận, đã từng đi đến cơ quan làm việc và đến bệnh viện, do đó không loại trừ khả năng người này lây bệnh cho những người trong khu vực mình đang ở, đồng nghiệp và thành viên trong gia đình.
Trang web chính thức của Ủy Ban Y tế và Sức khỏe thành phố Vũ Hán công bố vào ngày 16/3 rằng, bệnh nhân sống ở khu Hán Xương bị lây từ người cha của anh. Cha anh được phát hiện nhiễm bệnh vào tháng Hai.
Ngày 18/3, chuyên gia nói rằng: “Những ca mới đến từ phòng khám tư, đây là tín hiệu nguy hiểm”.
Đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện dã chiến Vũ Xương nói: “Những ca bệnh mới mà xuất hiện ở nơi cư trú là vấn đề rất khó giải quyết, bởi vì nguồn bệnh không biết từ đâu mà đến, trong khi cư dân đóng cửa ở nhà hơn 14 ngày”.
Vị bác sĩ nói: “Vấn đề lo lắng nhất hiện nay là không biết nguồn bệnh ở đâu. Nếu bệnh nhân sống ở khu Vũ Xương được phát hiện vào ngày 16/3 là do lây từ cha anh (phát hiện từ tháng Hai). Nếu như cha anh ta phát hiện có bệnh, thì vì anh ta là người tiếp xúc mật thiết với cha mình cũng phải được cách ly 14 ngày. Anh ta đã cách ly 14 ngày từ tháng Hai, nhưng tại sao mãi đến ngày 16/3 mới đột nhiên phát bệnh. Đây là vấn đề đáng lưu tâm và cảnh giác”.
Chiều ngày 15/3, tại cuộc họp báo ở tỉnh Hồ Bắc, ông Trịnh Vân, Phó giám đốc Ủy ban Y tế thành phố Vũ Hán cũng nói rằng, không loại trừ khả năng lây nhiễm cộng đồng.
Gần đây có báo cáo chỉ ra rằng, những người nhiễm virus Vũ Hán sau khi xuất viện không ngừng tái nhiễm. Khu Hán Dương ở thành phố Vũ Hán đã có vài khu dân cư bộc phát lại dịch trên quy mô lớn.
Một vị bác sĩ giấu tên tiết lộ với Tân Đường Nhân rằng: “Khu Hán Dương có vài khu dân cư bộc phát dịch viêm phổi Vũ Hán trên diện rộng, bởi vì sau khi những bệnh nhân xuất viện, rất nhanh sau đó họ tụ tập rồi bị nhiễm lại. Chính quyền có đến kiểm tra nhưng không thông báo những trường hợp như thế này”.
Theo Phương Hiểu, Epochtimes
Mạn Vũ dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/tin-hieu-nguy-hiem-hien-ro-o-vu-han-lieu-dich-benh-co-bung-phat-tro-lai.html

Covid-19: Trung Quốc không có ca lây nhiễm nội địa

trong ba ngày liền

Trọng Nghĩa
Theo số liệu chính thức của Trung Quốc công bố hôm nay, 21/03/2020, thì trong 24 giờ qua, nước này đã không ghi nhận thêm bất kỳ ca nhiễm virus corona nào trong nội địa, chỉ có 41 ca nhiễm mới, đều do những người nhập cảnh từ nước ngoài mang vào. Đây là ngày thứ ba liên tiếp mà Trung Quốc không có ca nhiễm nội địa.
Trong bối cảnh dịch bệnh lùi bước tại Trung Quốc, hôm 19/03 vừa qua, một ủy ban điều tra quốc gia đã chính thức khôi phục danh dự cho cố bác sĩ Lý Văn Lượng, một những người đầu tiên cảnh báo về dịch bệnh, nhưng đã bị trù dập trước khi được trả tự do rồi bị chết vì virus corona.
Từ Thượng Hải, thông tín viên RFI Simon Leplatre tường trình.
Hiếm khi thấy được những lời chỉ trích mạnh mẽ như vậy đối với chính quyền ở Trung Quốc, nhưng cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng đã vang vọng lên cùng với nỗi lo lắng và bực tức của người dân đối với chính quyền.
Cũng như bảy bác sĩ khác ở Vũ Hán, Lý Văn Lượng chỉ muốn cảnh báo các đồng nghiệp về sự xuất hiện của một loại virus giống như virus Sars trong bệnh viện của mình. Thế nhưng ngay hôm sau, cả tám bác sĩ đã bị công an bắt giữ, đe dọa và bị buộc phải ký tên vào một lá thư cam kết sẽ không lan truyền tin đồn.
Hôm sau đó, bác sĩ Lý Văn Lượng đã trở lại làm việc với các bệnh nhân để rồi cũng bị nhiễm virus corona. Cái chết của ông ngày mùng 7 tháng Hai vừa qua đã làm cả Trung Quốc xúc động.
Đối mặt với cơn giận dữ của người dân, chính quyền đã cho Ủy Ban Giám Sát Nhà Nước mở cuộc điều tra. Hôm thứ Năm vừa qua, ủy ban này đã kết luận rằng việc bắt giữ là một hành động không phù hợp. Ngay sau đó Công An Vũ Hán đã xin lỗi gia đình bác sĩ Lý Văn Lượng.
Đối với người Trung Quốc, những lời xin lỗi đó quá ít và quá muôn, vì lẽ trách nhiệm là của toàn bộ guồng máy. Kể từ khi bác sĩ Lý Văn Lượng qua đời, một số nhà báo dám nói thật và nhiều nhà bất đồng chính kiến ​​chỉ trích cách xử lý dịch bệnh đã bị công an bắt đi và giam giữ ở một nơi bí mật.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200321-covid-19-trung-qu%E1%BB%91c-kh%C3%B4ng-c%C3%B3-ca-l%C3%A2y-nhi%E1%BB%85m-n%E1%BB%99i-%C4%91%E1%BB%8Ba-trong-ba-nga%CC%80y-li%C3%AA%CC%80n

Virus corona lây lan,

Trung Quốc gia tăng kiểm duyệt mạng xã hội

Thu Hằng
Khi không thể giấu được tình trạng dịch virus corona lan rộng, chính quyền Trung Quốc, một mặt tìm cách đối phó dịch bệnh, công bố thông tin dịch bệnh, dù không sát thực tế, mặt khác tăng cường kiểm duyệt thông tin trên mạng xã hội. Đây là một trong những kết luận của bản điều tra của nhóm nghiên cứu Citizen Lab, đại học Toronto, Canada, đăng trên website của nhóm ngày 03/03/2020.
Ngày 30/12/2019, bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), cùng bẩy bác sĩ khác, cảnh báo về một loại virus gây triệu chứng hô hấp cấp tương tự như SARS sau khi ông tham khảo được bệnh án của một bệnh nhân được bác sĩ Ai Fen, trưởng khoa cấp cứu Bệnh viên Trung tâm Vũ Hán, chia sẻ. Ngày 01/01/2020, bác sĩ nhãn khoa trẻ này bị bắt vì tội “tung tin đồn thất thiệt” và “gây rối trật tự xã hội”. Nhiều nghi vấn bắt đầu rộ lên trên mạng xã hội với số ca nhiễm ngày càng nhiều.
Ngày 05/02, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) tuyên bố sẽ trừng phạt “các trang web, các diễn đàn và tài khoản” nếu đăng những nội dụng “gây hại” và “reo rắc sợ hãi” liên quan đến virus corona mới. Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc nêu đích danh các công ty Sina Weibo, Tencent
và ByteDance và cho biết sẽ tiến hành “kiểm tra chuyên đề” trong các diễn của những nhà cung cấp này.
Song song với việc cảnh báo công luận về hậu quả của việc “phát tán tin đồn”, cảnh sát liên tục cảnh cáo, truy bắt tác giả những tin trên. Có ít nhất 40 người đã bị cảnh cáo, phạt và giam giữ hành chính và hình sự chỉ trong hai ngày 24 và 25/01. Một nguồn tin khác nêu lên một con số lớn hơn : 254 công dân bị trừng phạt hơn vì “truyền bá tin đồn” tại Trung Quốc từ ngày 22 đến 28/01.
Phương pháp kiểm duyệt của mạng xã hội YY và WeChat
Nhóm nghiên cứu Citizen Lab đã nghiên cứu các cách kiểm duyệt liên quan đến virus corona trên hai mạng YY (tương đương với YouTube) và WeChat (tương đương với Facebook).
Trước tiên, mạng YY kiểm duyệt theo các từ khóa, được cập nhật hày ngày, và có thể thay đổi theo “thời cuộc”, để xác định xem một trong những từ khóa đó có nằm trong tin nhắn, trao đổi của người sử dụng hay không. Nếu có một từ nằm trong danh sách kiểm duyệt, tin nhắn đó sẽ không được gửi đi. Nhóm nghiên cứu Citizen Lab theo dõi được tất cả những lần cập nhật danh sách từ khóa bị kiểm duyệt của YY từ tháng 02/2015.
Thứ hai, mạng WeChat kiểm duyệt ở máy chủ, có nghĩa là tất cả các quy định để tiến hành kiểm duyệt đều nằm trên hệ thống máy chủ từ xa. Khi một người sử dụng WeChat gửi cho người khác một tin nhắn chứa một từ khóa bị kiểm duyệt, tin nhắn đó được chuyển đến máy chủ của tập đoàn Tencent (công ty mẹ của WeChat), máy chủ này phát hiện xem tin nhắn có chứa những từ nằm trong danh sách đen hay không, trước khi gửi cho người nhận.
Theo kết quả thử của nhóm Citizen Lab (tiến hành từ 01/01 đến 15/02/2020 từ mạng của đại học Toronto), WeChat kiểm duyệt một thông tin nếu tin nhắn đó chứa những cụm từ, trong đó có một hoặc nhiều từ khóa trong danh sách đen.
Từ “húy” bị kiểm duyệt
Những từ và cụm từ bị kiểm duyệt đầu tiên đều liên quan đến dịch Covid-19. Trên mạng YY, ngày 31/12/2019, một ngày sau khi bác sĩ Lỹ Văn Lượng và bẩy người khác cảnh báo về virus corona mới, mạng YY đã cập nhật thêm 45 từ khóa (tiếng Trung giản thể và phồn thể) vào danh sách đen, liên quan đến những từ miêu tả bệnh viêm phổi, địa điểm được cho là nơi virus phát tán, các cơ quan địa phương Vũ Hán hay những cuộc thảo luận về những điểm tương đồng giữa dịch ở Vũ Hán với SARS.
Theo thông tin chính thức, có 104 ca nhiễm virus corona tính đến ngày 31/12/2019. Tuy nhiên, thông tin liên quan đến nguy cơ virus lây từ người sang người chỉ được Trung Quốc công bố ngày 20/01. Thí nghiệm của Citizen Lab cho thấy mạng xã hội đã kiểm duyệt những nội dung liên quan đến Covid-19 từ ba tuần trước đó và điều này khẳng định các nhà cung cấp mạng xã hội đã phải chịu áp lực từ chính phủ để kiểm duyệt thông tin ngay từ giai đoạn đầu của dịch.
Trên mạng WeChat, nhóm nghiên cứu của Citizen Lab thử nghiệm các cuộc trao đổi kín từ ngày 01/01 đến 15/02 và phát hiện 516 cụm từ khóa liên quan trực tiếp đến dịch Covid-19 bị kiểm duyệt, trong đó số cụm từ bị kiểm duyệt tăng lên gần gấp 4 lần chỉ trong hai tuần đầu tháng Hai, từ 132 cụm từ lên thành 516.
Tương tự như trên mạng YY, những cụm từ liên quan đến dịch viêm phổi cấp do virus corona mới gây ra vẫn bị kiểm duyệt gắt gao nhất, như cách kiểm soát dịch bệnh, cách xử lý dịch Covid-19 ở Hồng Kông, Đài Loan, Macao, triệu chứng bệnh, thông tin liên quan đến bác sĩ Lý Văn Lượng…
Ngoài ra, còn có 192 cụm từ khóa bị kiểm duyệt liên quan đến các nhà lãnh đạo cấp cao, cũng như vai trò của họ trong cách quản lý dịch, trong đó 87% cụm từ liên quan đến chủ tịch Tập Cận Bình.
Nhóm Citizen Lab cũng phát hiện 138 cụm từ khóa liên quan đến các cơ quan chính phủ và hoặc chính sách của chính phủ về quản lý dịch Covid-19, trong đó 39% là những bình luận chỉ trích, lên án chính quyền trung ương và địa phương cũng như các các cơ quan chính phủ đã giấu và xử lý không tốt dịch.
Những cách lách kiểm duyệt độc đáo của dân mạng Trung Quốc
Trang presse-citron.net, chuyên về tin học, nhận định người sử dụng internet ở Trung Quốc không ngừng có những ý tưởng độc đáo lách kiểm duyệt mạng để nói về virus corona mà không bị chính quyền phát hiện.
Họ rất chú ý đến bài trả lời phỏng vấn của bác sĩ Ai Fen, trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán, với báo Renwu ngày 10/03. Nữ bác sĩ này kể lại việc cô chia sẻ với những người khác trong nhóm WeChat, trong đó có bác sĩ Lý Văn Lượng, về bệnh án một bệnh nhân bị viêm phổi do một loại virus, giống virus corona từng gây dịch SARS.
Dĩ nhiên, cuộc phỏng vấn này bị chính quyền Trung Quốc kiểm duyệt vì muốn tránh phát tán trên mạng. Thế nhưng, để truyền tải bài phỏng vấn này, người sử dụng mạng WeChat đã sử dụng nhiều cách như
cố tình gõ sai chính tả, hoặc thêm các hình biểu tượng cảm xúc. Thậm chí, họ viết ngược bài phòng vấn hoặc sử dụng ký hiệu morse. Những fan của phim khoa học viễn tưởng thì dịch sang ngôn ngữ của người ngoài hành tinh. Ví dụ fan của phim Star Trek “dịch” toàn bộ bài viết ra klingon, ngôn ngữ tưởng tượng của tộc người ngoài hành tinh cùng tên.
Đối với ông Henry Gao, giáo sư luật thương mại Trung Quốc tại Singapore, người sử dụng mạng internet dám đề cập nhiều hơn đến những chủ đề có nguy cơ bị kiểm duyệt. Từ tháng Giêng, rất nhiều người trong số họ sử dụng cách này để truyền tải thông tin, trong khi trước đó, chỉ có những nhà đấu tranh dân chủ mới dùng đến phương pháp này.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200321-virus-corona-l%C3%A2y-lan-trung-qu%E1%BB%91c-gia-t%C4%83ng-ki%E1%BB%83m-duy%E1%BB%87t-m%E1%BA%A1ng-x%C3%A3-h%E1%BB%99i

Cambodia đóng cửa qua biên giới với Việt Nam

Tin Vietnam.- Báo Tuổi trẻ loan tin, trưa ngày 19 tháng 3 năm 2020, Thủ tướng Hun Sen của Cambodia đã thông báo trên trang facebook với nội dung nước này đã gửi công hàm cho Đại sứ  Cộng sản Việt Nam tại Cambodia về việc đóng cửa qua biên giới hai nước để tránh lây lan dịch coronavirus 19.
Việc bắt đầu ngưng nhập cảnh công dân bằng tất cả các đường bộ, đường hàng không và đường thuỷ giữa hai nước được phía Cambodia thực hiện từ ngày 21 tháng 3. Phía Cambodia yêu cầu tòa đại sứ  Cộng sản Việt Nam chuyển nội dung ngưng nhập cảnh của nước này cho nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam biết.
Nguyên nhân của việc này được Cambodia đưa ra là để ngăn chặn sự lây lan của dịch. Ngoài ra, Cambodia còn đưa ra lập luận là, trước đó nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cũng đã ban hành quy định hạn chế, cách ly toàn diện, và tự cách ly đối với tất cả các nước thuộc các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm cả người Việt về nước. Tuy nhiên, phía Cambodia cũng nói rõ, thông báo trên không áp dụng đối với người mang sổ thông hành ngoại giao, và công vụ.
Trong một diễn biến khác, sau nhiều ngày “biệt tích” trong bối cảnh dịch bệnh, và hạn hán đặc biệt nghiêm trọng đang xảy ra ở Việt Nam mấy tháng nay, cuối cùng đến ngày 19 tháng 3 năm 2020, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Cộng sản đã xuất hiện.
Việc đầu tiên ông Trọng làm khi xuất hiện không phải là bàn về kế hoạch chống dịch, hay hạn hán ở miền Tây mà là để chủ trì sắp họp Tiểu ban Nhân sự, tức là để sắp xếp lại “ghế” ngồi của các viên chức cầm quyền trong khoá đại hội sắp tới. Hành động này của ông Trọng gặp phải chỉ trích lớn từ dư luận mạng xã hội, nên vào ngày 20 tháng 3, thì ông truyền thông nhà cầm quyền đã loan tin, ông Trọng đã tổ chức cuộc họp chống dịch coronavirus 19.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/cambodia-dong-cua-qua-bien-gioi-voi-viet-nam/

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.