Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 21/03/2020

Saturday, March 21, 2020 5:29:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 21/03/2020

Khi đất có giá thì ga xe lửa bị ‘bứng’?

Diễm Thi, RFA
Quy hoạch thành phố Nha Trang đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt không có việc giải tỏa ga Nha Trang chuyển thành đất ở. Nhưng trong phương án di dời ga lại có đề xuất xây nhà ở, cao ốc thương mại. Việc này đã gây nên nhiều ý kiến tranh luận trái nhiều.
Công ty TNHH Tập đoàn thương mại Tuấn Dung là doanh nghiệp được Bộ Giao thông vận tải tỉnh Khánh Hòa cho phép lập các phương án đề xuất cải tạo, dời ga Nha Trang nhằm đầu tư khai thác kinh doanh quỹ đất của ga Nha Trang hiện nay.
Phương án 1 chỉ dời hoạt động vận chuyển hàng hóa đến ga mới. Còn ga hành khách vẫn tiếp tục duy trì tại ga Nha Trang hiện nay. Phương án 2 di dời toàn bộ ga Nha Trang đến ga mới.
Cả 2 phương án của Công ty Tuấn Dung đều có mục đích quy hoạch sử dụng đất ga Nha Trang xây dựng chung cư cao 30 tầng, công trình hỗn  hợp cao 35 tầng, nhà liền kề, nhà ở kết hợp thương mại, cây xanh công viên, đường giao thông nội bộ.
Nhiều người cho rằng, để công ty tư nhân đầu tư quy hoạch như vậy là một hình thức tư nhân hóa bất động sản. Ông Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường thì lại cho rằng:
“Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào lãnh vực phát triển kinh tế xã hội là một chủ trương đúng. Vấn đề quan trọng là đằng sau sự cho phép đó có thực hiện đấu thầu hay không, hay là biểu hiện tham nhũng trong đó. Tôi cho rằng đó là việc cần làm. Tư nhân hay nhà nước làm đều tốt cả, nhưng theo tôi thì khuyến khích khu vực tư nhân làm có lẽ tốt hơn.”
Ga Nha Trang là một nhà ga chính trên tuyến đường sắt Bắc Nam. Ga được khánh thành ngày 2 tháng 9 năm 1936. Nhà ga là nơi chứng kiến cuộc nổ súng chống Pháp của người Việt rạng sáng ngày 23 tháng 10 năm 1945. Vì thế, ga này được coi là một di tích lịch sử. Cho đến ngày nay, ga Nha Trang vẫn còn giữ được kiến trúc độc đáo thời Pháp.
Quan điểm của tôi là cố gắng giữ lại ga Nha Trang. Nếu di dời ga Nha Trang là một sai lầm nghiêm trọng khó khắc phục. – Ông Võ Văn Tạo
Ông Võ Văn Tạo, cư dân Nha Trang bày tỏ niềm tiếc nuối khi ga Nha Trang bị biến thành những chung cư cao tầng. Ông nói:
“Thật ra việc di dời ga xe lửa ra khỏi thành phố là xu thế của một thời, không riêng gì ga Nha Trang. Riêng ga Nha Trang có kiến trúc Pháp từ lâu đời rất đẹp. Có giá trị cả về kiến trúc lẫn lịch sử. Quan điểm của tôi là cố gắng giữ lại ga Nha Trang. Nếu di dời ga Nha Trang là một sai lầm nghiêm trọng khó khắc phục.
Phương án đưa ga Nha Trang lên phía Bắc thành phố đã được nói đến từ những năm 90 khi đất đai bắt đầu có giá. Bây giờ khu đất đó không còn là khu đất vàng mà đã là khu đất kim cương thì họ khơi lại.”
Ông Tạo kết luận, vì tiền họ chả xin ý kiến dân, cũng không hỏi ý các nhà khoa học. Những người có quyền thì cứ quyết. Nhà đầu tư đi đêm với họ thì xong tất.
Kiến trúc sư Trần Đình Nam cũng cùng ý kiến khi cho rằng các chủ đầu tư họ tham lam, họ vì cái lợi trước mắt. Chính quyền thành phố Nha Trang phải cương quyết giữ lại những giá trị văn hóa như vậy. Ông nói thêm:
“Kiến trúc Pháp nhưng rất hợp với cảnh quan đô thị Nha Trang. Những người kiến trúc sư ngày xưa thiết kế ga này là những người tài hoa. Nó là tài sản của thành phố. Nó phù hợp với khí hậu, với con người Nha Trang. Những kiến trúc xưa cũ đều quý, cần phải gìn giữ vì khi đã mất không thể làm lại được. Nó có giá trị lịch sử.”
Việc di dời ga xe lửa ra khỏi nội ô ở các thành phố lớn được nói tới từ mấy mươi năm trước dưới vỏ bọc quy hoạch thành phố. Đa số bị người dân phản đối.
Ngay từ năm 2008, UBND TP.HCM đã có văn bản góp ý với Bộ Kế hoạch và đầu tư năm về dự thảo chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Kế hoạch được đưa ra là dời ga Sài Gòn, ga Bình Triệu về ga Dĩ An tỉnh Bình Dương. Và dự án giữ lại ga Sài Gòn bằng việc xây dựng đường trên cao.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có cái nhìn tương đối khác người dân Nha Trang khi quy hoạch ga xe lửa ở đây. Ông nói:
Xu hướng đa số ở Việt Nam là những miếng vàng thường hay dùng để xây chung cư là bởi vì bán được giá cao. Tôi không đồng ý với những việc như thế! – Ông Đặng Hùng Võ
“Ga Nha Trang thuộc di sản văn hóa. Nó được xây dựng lâu đời. Nếu ga này không có giá trị lịch sử về văn hóa thì việc quy hoạch lại trên nguyên tắc không đi qua trung tâm thành phố như hiện nay thì cũng là một việc nên làm.
Còn trụ sở cũ để làm gì thì tôi cho rằng cái quan trọng nhất là quy hoạch sao cho phù hợp với nhu cầu phát triển của thành phố Nha Trang. Đó là việc phải xem xét kỹ lưỡng.
Xu hướng đa số ở Việt Nam là những miếng vàng thường hay dùng để xây chung cư là bởi vì bán được giá cao. Tôi không đồng ý với những việc như thế!”
Truyền thông trong nước dẫn lời kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc – nguyên giám đốc Sở Xây dựng tỉnh, nguyên chủ tịch Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa rằng, việc phá dỡ ga Nha Trang và đường sắt vào tận trung tâm thành phố du lịch Nha Trang hiện nay để cho làm dự án theo đề xuất của doanh nghiệp tư nhân là một “đánh đổi rất lớn” của thành phố Nha Trang. Bởi việc dỡ bỏ nhà ga Nha Trang đã có lịch sử cả trăm năm cùng cả hệ thống đường sắt hiện hữu vào ga này thì hàng trăm năm sau không dễ gì có thể khôi phục, xây dựng lại được.
Hầu như tất cả các dự án di dời ga xe lửa ra khỏi nội ô đều với lý do giảm ùn tắc trong thành phố dù đường sắt là một loại hình giao thông công cộng. Nếu di dời sẽ bỏ qua tiềm năng rất lớn về phát triển giao thông công cộng. Vì vậy, di dời nhà ga không còn đơn thuần là chuyện quy hoạch, giảm ùn tắc cho địa phương, mà trở thành câu chuyện giữa lợi ích cục bộ và lợi ích số đông bởi những khu đất vàng đang rất nhiều nhà đầu tư nhắm đến.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/when-the-land-price-is-expensive-the-train-station-is-crumpled-dt-03202020142248.html

3 người theo đạo Hà Mòn bị bắt

sau 8 năm phải sống trong rừng sâu

Tin từ Gia Lai: Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vừa bắt giữ 3 nhà lãnh đạo của nhóm tôn giáo độc lập Hà Mòn sau 8 năm họ phải sống trong rừng sâu để trốn tránh sự truy đuổi của công an tỉnh Gia Lai.  Truyền thông nhà nước cộng sản đưa tin các ông Kưnh (sinh năm 1992), Lũp (sinh năm 1972), Jưr (sinh năm 1964), công dân của xã H’ra bị bắt vào ngày 19/3 tại khu vực núi Jơ Mông, xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai.
Theo đó, từ tháng 7/2012 đến nay, 3 ông vẫn hoạt động cổ suý tự do tôn giáo cho dù bị truy sát gắt gao bởi công an địa phương vì nhà cầm quyền cộng sản coi Hà Mòn là tà đạo.  Cả 3 người có thể bị kết án “hoạt động nhằm lật đổ chế độ” hoặc “chia rẽ đoàn kết dân tộc” với mức án tù giam nhiều năm, như hàng chục người hoạt động tự do tôn giáo người dân tộc thiểu số từng bị trong nhiều năm qua.  Hà Mòn
là một nhóm tôn giáo mới có nguồn gốc từ đạo Cơ đốc giáo được thành lập ở Kon Tum từ năm 1999. Tuy nhiên, chế độ cộng sản Việt Nam không công nhận tôn giáo này và ra sức đàn áp từ đó tới nay.
Năm 2011, trong báo cáo mang tên “Người Thượng Cơ đốc giáo ở Việt Nam: Hồ sơ nghiên cứu một trường hợp đàn áp tôn giáo,” tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã tố cáo cộng sản Việt Nam đàn áp nhóm đạo Hà Mòn cùng nhiều nhóm đạo Tin lành của người Thượng ở cao nguyên Trung phần.
QT
https://www.sbtn.tv/3-nguoi-theo-dao-ha-mon-bi-bat-sau-8-nam-phai-song-trong-rung-sau/

Ngày Nước Thế Giới 2020:

Cần tăng cường ý thức bảo vệ nguồn nước ở Việt Nam

Liên Hiệp Quốc vận động chiến dịch Ngày Nước Thế Giới 2020, chính thức rơi vào ngày 22 tháng 3 sắp tới đây, với chủ đề đẩy mạnh việc bảo vệ nguồn tài nguyên nước và nâng cao ý thức của mỗi người trong việc sử dụng nước.
Tại Việt Nam, trang web của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục quản lý Tài nguyên Nước cũng có thông tin về ngày Nước Thế Giới 2020 để cùng vận động chiến dịch sử dụng nước hợp lý và bảo vệ nguồn nước sạch ở Việt Nam.
Tình trạng sử dụng và bảo vệ nguồn nước ở Việt Nam
Ông Đặng Hùng Võ, Thứ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, vào ngày 20 tháng 3, nhận định về sự kiện này:
“Tôi cho rằng Ngày Nước Thế giới là dịp để đẩy mạnh cuộc vận động con người, trong đó có người Việt Nam, phải cư xử thật tốt, thật đúng với việc sử dụng nước cũng như là bảo vệ nguồn nước. Tôi cho rằng đây là một nhiệm vụ rất quan trọng, một cuộc vận động rất quan trọng, để sao cho chúng ta có thể khắc phục được ở Việt Nam này tình trạng lãng phí nước, lãng phí kể cả trong sử dụng và lãng phí trong việc không bảo vệ được nguồn nước.”
“Nước uống thì theo tôi nghĩ có thể giải quyết bằng các giải pháp rất hiệu quả, như bằng máy lọc nước mặn chạy bằng mặt trời chẳng hạn lắp đặt cho các xã để cần thiết mà vận hành liền. Điều này nằm trong khả năng, người dân có thể góp một phần và nhà nước góp một phần hỗ trợ.”-Ông Hồ Long Phi
Thạc sĩ Hồ Long Phi, Phó Ban điều phối chống ngập TP.HCM, cũng cho biết về tầm quan trọng của việc bảo vệ nguồn nước:
“Thứ nhất, nước phải được đối xử như một nguôn tài nguyên quý, chứ không phải như hiện nay khi chúng ta dùng một cách bừa bãi. Đó là cái phải thay đổi từ trong ý thức, từ cái sản xuất cho đến cái tiêu xài nước và các loại hình nước. Đến hiện nay mình còn rất phí phạm, vì mình cứ nghĩ tài nguyên nước vẫn còn nhiều, nhưng thứ nhất là số lượng và thứ hai về chất lượng càng ngày càng suy giảm, còn nền kinh tế thì càng lúc càng lớn.”
Khi đề cập đến vấn đề hạn mặn vẫn xảy ra ở khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long, ông Phi cho biết cần chờ đến ít nhất qua tháng 4 thì mới có thể thấy được sự cải thiện khi mưa về. Theo ông, khó khăn nhất hiện nay là nước biển xâm nhập càng lúc càng sâu, đất càng ngày bị lún xuống và nước cửa nguồn hiện tại phải giữ lại tại các đập nước, nên Đồng Bằng Sông Cửu Long như bị bao vây tứ phía.
Còn theo ông Đặng Hùng Võ, nếu tình trạng ô nhiễm nguồn nước tiếp tục kéo dài, các tranh chấp về nước hoặc thậm chí là chiến tranh về nước sẽ có khả năng xảy ra trong một tương lai không xa. Cũng cùng nhận định, ông Hồ Long Phi cho biết các biện pháp hiện nay chưa đủ quyết liệt, nên nước sẽ trở thành vấn đề lớn trong vòng chỉ một hay hai thập kỷ tới.
Tầm quan trọng của nước và giải pháp khắc phục
Ông Đặng Hùng Võ cho rằng các cơ quan nhà nước cần đưa những quy định về nước vào luật pháp Việt Nam, vì theo ông, các cuộc vận động chỉ đánh vào mặt đạo đức. Ông cho biết thêm:
“Hiện nay Việt Nam cũng đã có luật tài nguyên nước, cũng đã sửa đổi và lần. Thế nhưng tôi cho rằng là luật này vẫn chưa đảm bảo được nhu cầu để bảo vệ nguồn nước và đừng làm thay đổi hệ sinh thái nước. Thì tôi cho rằng là luật cần cụ thể hóa hơn những mục tiêu về bảo vệ tài nguyên nước hiện nay. Trong đó có bảo vệ nước ở các lưu vực sông, bảo vệ nước ngầm và bảo vệ nước phục vụ cho canh tác lúa nước hiện nay ở Việt Nam với việc ô nhiễm phân bón, thuốc trừ sâu…v.v, thì tôi cho đây là một việc lớn cần thực hiện về mặt pháp luật.”
Theo ông Võ, hệ sinh thái nước rất quan trọng, bởi vì con người có thể nhịn ăn một tháng, nhưng bị khát và nhịn uống nước trong vòng vài ngày sẽ không chịu nổi, thậm chí có thể gây ra các bệnh tật khác do thiếu nguồn nước sạch.
“Ví dụ như một hành vi rất đơn giản, một dòng sông ở Hà Nội bây giờ đã ô nhiễm rất nhiều rồi, nhưng người dân thường hay đổ rác xuống sông, thì tôi cho rằng đấy là các hành vi phải dẹp nó đi. Nó ô nhiễm hiện nay thì tìm cách làm cho nó sạch hơn, chứ đừng làm nó ô nhiễm hơn.”-Ông Đặng Hùng Võ
Cùng nhận định, ông Hồ Long Phi cho rằng nước uống là vấn đề liên quan đến sống chết khi đề ra giải pháp cấp bách cho tình trạng hạn mặn. Ông cho biết thêm:
“Nước uống thì theo tôi nghĩ có thể giải quyết bằng các giải pháp rất hiệu quả, như bằng máy lọc nước mặn chạy bằng mặt trời chẳng hạn lắp đặt cho các xã để cần thiết mà vận hành liền. Điều này nằm trong khả năng, người dân có thể góp một phần và nhà nước góp một phần hỗ trợ.”
Ông Võ nhận định, các cơ quan chức năng cần phải có quy hoạch sao cho trong quy hoạch đó thể hiện được việc bảo vệ tài nguyên nước. Ông nêu ý kiến:
“Tôi cho rằng là có hai việc, một việc là ngay với những người cấp nước sạch rồi thì nên sử dụng nó như thế nào sao cho tiết kiệm, đấy là một việc mà tôi cho rằng rất cần làm. Vì đấy là nó thể hiện ý thức của chúng ta cư xử với nguồn nước như thế nào để tiết kiệm, dùng một cách hợp lý.”
Ngoài ra, cũng theo ông Võ, cần đưa nội dung này vào chương trình giáo dục trong các trường phổ thông, vì theo ông, các thế hệ trẻ hiện nay sẽ là thế hệ làm chủ trong tương lai và cần có một khái niệm không lãng phí nước.
Chị N.Y.Minh, hiện cư ngụ tại TP.HCM,cho biết khi dùng nước sinh hoạt hàng ngày, mọi người nên dùng đủ và đúng mục đích, như việc mở nước bồn tắm, thay vì mở nước xả liên hồi khi vệ sinh, tắm rửa, chúng ta có thể luân chuyển việc tắt và mở nước trong quá trình sử dụng xà phồng.
Về ý thức chung của người dân, ông Võ cho rằng cần có ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý và tránh những hành vi gây ô nhiễm nguồn nước, như việc xả rác vào các sông, hồ. Ông cho biết thêm:
“Tôi cho rằng Ngày Nước Thế giới là dịp để đẩy mạnh cuộc vận động con người, trong đó có người Việt Nam, phải cư xử thật tốt, thật đúng với việc sử dụng nước cũng như là bảo vệ nguồn nước.”-Ông Đặng Hùng Võ
“Ví dụ như một hành vi rất đơn giản, một dòng sông ở Hà Nội bây giờ đã ô nhiễm rất nhiều rồi, nhưng người dân thường hay đổ rác xuống sông, thì tôi cho rằng đấy là các hành vi phải dẹp nó đi. Nó ô nhiễm hiện nay thì tìm cách làm cho nó sạch hơn, chứ đừng làm nó ô nhiễm hơn.”
Theo ông Võ, khi người dân đã ý thức được việc không xả rác gây ô nhiễm nguồn nước và sử dụng nước hợp lý, mọi người cũng có trách nhiệm về việc quảng bá những điều này đến người xung quanh để tạo ra tính loan tỏa trong cộng đồng nhanh hơn. Từ đó mới có được một xã hội có ý thức cao về bảo vệ nguồn nước.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/world-water-day-2020-the-need-to-increase-awareness-in-protecting-water-resources-in-vietnam-03202020164135.html

CẬP NHẬT: Người thứ 92 mắc virus Vũ Hán

Hiểu Minh
Chiều 21/3, Bộ Y tế thông tin người thứ 92 mắc virus Vũ Hán là du học sinh tại Pháp, về nước ngày 16/3.
Theo bản tin trên báo Zing, người này đi từ Paris (Pháp) đến Doha (Qatar) trên chuyến bay của Hãng hàng không Qatar Airways, số hiệu QR40, hàng ghế 29 và tiếp đó là chuyến bay cũng của hãng này tới sân bay Tân Sơn Nhất.
Khi nhập cảnh, bệnh nhân chưa có triệu chứng bệnh, được chuyển cách ly tập trung tại quận 12. Ngày 17/3, bệnh nhân sốt, đau họng, ho khan, được chuyển đến Bệnh viện Dã chiến Củ Chi ngày 18/3.
Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM đã xét nghiệm, cho kết quả dương tính khuya 19/3. Mẫu bệnh phẩm chuyển Viện Pasteur TP.HCM cũng cho kết quả dương tính với virus Vũ Hán ngày 21/3.
Như vậy, tính đến nay Việt Nam ghi nhận 92 ca mắc virus Vũ Hán, trong đó 76 ca mới được ghi nhận từ ngày 6/3 đến nay đang được điều trị tại các cơ sở y tế, hai trường hợp diễn biến nặng.
https://www.dkn.tv/thoi-su/nguoi-thu-92-mac-virus-vu-han.html

CẬP NHẬT: Thêm 2 ca nhiễm Virus Vũ Hán

Hiểu Minh
Tối 21/3 Bộ Y tế công bố thêm 2 ca nhiễm Virus Vũ Hán 93 và 94. 2 người này ngồi chung chuyến bay SU290 nhập cảnh qua sân bay Nội Bài ngày 18/3.
Theo bản tin trên báo Tuổi Trẻ, bệnh nhân thứ 93 là nam, 20 tuổi, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ ở Đống Đa, TP Hà Nội. Bệnh nhân là sinh viên du học Hungary, nhập cảnh qua sân bay Nội Bài ngày 18/3.
Bệnh nhân thứ 94 là nữ, 64 tuổi, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ ở thành phố Bắc Giang.
Bệnh nhân sang Cộng hòa Czech thăm con từ ngày 29/2 đến ngày 17/3.
Bệnh nhân về nước nhập cảnh qua sân bay Nội Bài ngày 18/3 trên cùng chuyến bay với bệnh nhân thứ 93.
Cả hai bệnh nhân đang được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh.
Theo VnExpress, hiện Hà Nội có hơn 700 trường hợp tiếp xúc gần đang giám sát y tế, gần 8.000 trường hợp đang theo dõi tại cộng đồng. Trong đó, 150 điều dưỡng và bác sĩ của Bênh viện Bạch Mai phải cách ly, sau khi bệnh viện xuất hiện hai ca dương tính nCoV đều là các điều dưỡng của Trung tâm bệnh Nhiệt đới.
Tổng số người tại các khu cách ly tập trung của Hà Nội là gần 3.000. Thành phố phải bố trí thêm 3 khu cách ly dân sự tập trung với quy mô 10.100 giường, nâng tổng số khu cách ly lên 12 với hơn 12.500 giường. Bệnh viện Đa khoa Mê Linh cũng đang được sửa chữa để điều trị bệnh nhân với công suất 200 giường bệnh.Trong ngày, Bộ Y tế xác nhận một ca bệnh ở TP HCM, là du học sinh từ Pháp về.
https://www.dkn.tv/thoi-su/ha-noi-them-2-ca-nhiem-virus-vu-han.html

Du học sinh Việt ở Mỹ trong mùa dịch:

‘Ở đâu cố gắng ở đấy’

Mặc dù có du học sinh cho rằng Việt Nam là nơi an toàn hơn Mỹ để trú ẩn giữa dịch Covid-19, một số du học sinh Việt khác ở Mỹ quyết định không về nước lúc này vì việc học hoặc vì họ xem việc đi về lúc này là ‘rủi ro’ cho việc học tập, sức khỏe của bản thân và người thân ở Việt Nam.
Theo số liệu tính đến ngày 20/3, toàn nước Mỹ có trên 16.600 ca nhiễm virus corona và 225 ca tử vong, xếp thứ 6 trên thế giới. Việt Nam báo cáo có 91 ca nhiễm và chưa có ca tử vong nào. Hầu hết các ca dương tính với COVID-19 mới phát hiện ở Việt Nam đều là du học sinh trở về từ các nước Anh, Pháp, Mỹ.
Vào lúc này, mỗi ngày có hàng ngàn người Việt về đến các cửa khẩu hàng không Tân Sơn Nhất và Nội Bài từ các nước có dịch. Theo quy định mới của chính quyền Việt Nam thì bắt đầu từ nửa đêm ngày 21/3 bất cứ ai về từ bất cứ nơi đâu trên thế giới sẽ bị đưa đi cách ly tập trung 14 ngày.
VOA đã liên lạc một số du học sinh Việt Nam ở vùng quanh thủ đô Washington D.C. để tìm hiểu về phản ứng của họ.
‘Về mang theo bệnh’
Anh Nam Đoàn, hiện đang học cao học ngành Công nghệ thông tin tại Đại học Marrymount, tiểu bang Virginia, nói sau khi cân nhắc kỹ, anh quyết định không về Việt Nam vào lúc này.
Lý do anh đưa ra là anh không muốn gây nguy hiểm cho bố mẹ anh ở Hà Nội cũng như không muốn gây khó khăn cho công việc chống dịch của Việt Nam.
“Bây giờ tất cả mọi người từ tâm dịch đổ về Việt Nam cũng có thể là mang theo mầm bệnh,” anh nói. “Ở Việt Nam ít người có bệnh, chủ yếu là ở nước ngoài có bệnh rồi về làm lan ra xung quanh.”
“Bố mẹ em cũng lớn tuổi rồi nên nếu em về mà bị bệnh chẳng hạn thì sẽ gây nguy hiểm cho bố mẹ,” anh nói thêm.
Anh nói khả năng lây nhiễm lớn là khi anh ‘ra sân bay và lên máy bay gặp người này người kia có thể bị lây bệnh’.
“Mình ở đâu thì cố gắng ở đấy và tự bảo vệ bản thân thay vì đi về (Việt Nam) rồi lây cho những người nhà,” anh nói.
Tình hình dịch bệnh giữa Mỹ và Việt Nam, theo anh Nam, thì Mỹ ‘chắc chắn đáng lo hơn’.
Tuy nhiên, anh sinh viên cao học này nói mặc dù số ca của Mỹ đã lên đến gần 17.000 nhưng chỉ tập trung chủ yếu ở các bang New York, Washington, California và New Jersey và chưa lan nhiều ra những nơi khác như nơi anh ở là bang Virginia.
“Nếu dịch bùng phát mạnh ở bang Virginia thì có thể em sẽ về, nhưng hiện tại chưa đến mức,” anh Nam cho biết và nói anh hy vọng dịch ‘sẽ không bùng phát trên khắp nước Mỹ’ vì Mỹ ‘đã bắt đầu phản ứng nghiêm túc hơn’ và ‘có những biện pháp để chặn dịch lan rộng’.
Tuy nhiên, anh Nam cũng nói anh sợ rằng lúc đó ‘không về được’ vì ‘các chuyến bay rất hạn chế’ trong bối cảnh các nước đóng cửa biên giới để chống dịch.
Mặc dù không về Việt Nam vào lúc này nhưng anh Nam nói anh ‘thông cảm’ với các du học sinh trở về từ châu Âu.
“Việt Nam hiện thực hiện cách ly rất chặt chẽ, cung cấp đầy đủ ăn ở cũng như chữa bệnh miễn phí nên việc du học sinh trở về nước là điều có thể hiểu được,” anh nói thêm và chỉ ra việc Việt Nam truy lùng hết những người tiếp xúc trực tiếp (F1) cũng như gián tiếp (F2) của các bệnh nhân dương tính – điều mà anh cho là ‘Mỹ không làm được’.
Nếu trong trường hợp bị nhiễm bệnh thì anh nói anh sẽ về Việt Nam vì ‘sẽ có khả năng được chữa trị cao hơn’.
Theo lời anh thì vào lúc này, cả anh và bố mẹ anh đều lo lắng cho nhau.
“Bố mẹ em đã lớn tuổi. Rủi bị nhiễm bệnh thì kể cả ở Việt Nam có chữa trị kịp thời thì khả năng được chữa khỏi là rất thấp. Đó là điều em không mong muốn nhất vào thời điểm này,” anh nói và cho biết anh đã khuyên bố mẹ không đi ra ngoài, kể cả đi dạo.
Trong khi đó, bố mẹ anh cũng rất lo cho anh, anh cho biết, ‘vì các ca bệnh ở Mỹ đang leo thang rất nhanh’.
“Em không muốn giờ đi về rồi dang dở việc học mai mốt qua lại rất khó. Bố mẹ khuyên em cố gắng hạn chế đi lại và giao tiếp với người khác,” anh nói.
Hiện giờ anh đang học trực tuyến cho đến hết mùa hè, bỏ luôn việc tập thể hình cũng như đi đến nhà thuốc lấy thuốc vì ‘ở đó toàn người bệnh’, theo lời anh. Riêng lương thực và nhu yếu phẩm thì anh đã ‘mua thủ sẵn’ trong nhà ngay khi Virginia phát hiện những ca bệnh đầu tiên.
Nỗi lo của du học sinh
Trao đổi với VOA, anh Nguyễn Trần Trí, nghiên cứu sinh tiến sỹ ngành Tự động hóa thuộc Đại học Công giáo Hoa Kỳ và hiện đang cư ngụ ở tiểu bang Maryland, cho biết anh bị ‘kẹt’ vì sắp đến hạn trình luận án nên không thể về Việt Nam tránh dịch được.
“Đây là kỳ cuối nên tôi phải ở lại để bảo vệ luận án tiến sỹ, tháng sau tôi sẽ bảo vệ trực tuyến. Bảo vệ xong tôi sẽ về Việt Nam luôn,” anh nói và cho biết hiệu trưởng trường anh đã thông báo ông bị dương tính với virus corona sau chuyến đi châu Âu về.
Nếu khi đó tình hình trở nên phức tạp hơn nữa khiến cho việc đi lại thêm khó khăn thì anh Trí nói anh ‘sẽ ở lại Mỹ chờ đến khi nào về được sẽ về’.
“Tôi bị bệnh hô hấp, bị hen suyễn nên nếu mắc thêm bệnh Covid-19 nữa thì sẽ bị ảnh hưởng nhiều,” anh giải thích lý do muốn về Việt Nam. “Về Việt Nam còn được điều trị chứ ở đây sẽ bị cách ly ở nhà.”
“Giả sử vô tình mình mắc bệnh thì việc đầu tiên là mình phải tự cách ly ở nhà chứ không được đến bệnh viện như Việt Nam.”
Anh nói một phần lý do anh vẫn ở lại Mỹ vì ‘tình hình ở Mỹ không đến mức như ở châu Âu’.
“Nếu tình hình ở đây nghiêm trọng như ở châu Âu thì tôi sẽ về,” anh nói và cho biết nhiều bạn bè của anh ở Anh, Tây Ban Nha hay Thụy Sỹ ‘đều đã về Việt Nam’.
Theo lời anh Trí thì nếu về Việt Nam vào lúc này thì chắc chắn anh sẽ bị đưa đi cách ly ngay trong 14 ngày ở cách doanh trại quân đội, nhưng điều đó đối với anh không là vấn đề.
“Cha mẹ tôi cũng lo nhiều và dặn dò nhiều, thúc giục tôi đi chợ mua đồ dự trữ và dặn không được đi ra ngoài,” anh nói.
Khi dịch chớm xuất hiện ở bang Maryland thì anh ‘đã đi chợ mua đồ hết rồi’ nên anh ‘không đi ra ngoài trong vòng 10 ngày nay, anh cho biết. Do đó anh không lo lắng gì hết mà chỉ ở trong nhà không đi ra ngoài.
‘Nhiều rủi ro’
Về phần mình, cô Ngô Tăng Thu Hà, sinh viên năm nhất ngành Kỹ thuật Y sinh cũng thuộc Đại học Công giáo Hoa Kỳ có cùng quan điểm với anh Nam Đoàn là về Việt Nam bây giờ ‘sẽ rủi ro và tạo sức ép đối với hệ thống chống dịch trong nước’.
Theo cô thì ‘cách tốt nhất là mọi người ở đâu thì nên ở đấy’ và gọi việc di chuyển từ nơi có dịch đến nơi ít dịch là ‘chắp vá’ vì ‘dịch xảy ra ở khắp nơi’.
“Em không nghĩ chắp vá thế này có lợi cho việc chống dịch,” cô nói. “Ở đâu cũng như nhau cả. Cách tốt nhất là tự giữ gìn sức khỏe.”
“Em không muốn vì cá nhân mình mà làm ảnh hưởng đến những người đang chống dịch ở Việt Nam,” cô nói thêm về lý do cô không muốn về quê nhà của cô là Thành phố Hồ Chí Minh.
Cũng giống như anh Nam, cô Thu Hà chỉ ra nguy cơ của việc bị lây nhiễm khi đi máy bay vào lúc này là ‘khá cao’.
“Em không sợ bị nhiễm virus mà chỉ sợ là em sẽ mang virus về lây cho những người già vốn có nguy cơ tử vong cao.”
Một rủi ro nữa của việc về Việt Nam lúc này, theo lời người sinh viên năm nhất này, là ‘khó xin thị thực trở lại Mỹ’ trong bối cảnh Mỹ đã hủy tất cả mọi cuộc hẹn xin thị thực thông thường đối với tất cả các nước trên thế giới.
Khác với anh Nam và anh Trí, cô Thu Hà cho rằng hiện tại ở Mỹ ‘an toàn hơn’ ở Việt Nam.
Cô giải thích rằng mặc dù con số lây nhiễm cao nhưng tỷ lệ nhiễm trên tổng số dân Mỹ ‘không có bao nhiêu’ và rằng chăm sóc y tế ở Mỹ khi nhiễm bệnh ‘sẽ tốt hơn ở Việt Nam’ trong khi ‘tất cả sinh viên ở Mỹ đều có bảo hiểm’.
“Ngay cả khi hệ thống y tế ở Việt Nam có kinh nghiệm chống dịch hơn nhưng khi phát sinh số lượng nhiễm cả ngàn người thì Việt Nam cũng không có năng lực để xử lý,” cô giải thích.
“Nếu toàn bộ du học sinh về Việt Nam thì làm sao Việt Nam chắc chắn chỉ có bao nhiêu đó ca nhiễm?” cô nói thêm.
“Hiện giờ em vẫn được trường cho ở lại ký túc xá nên mọi thứ vẫn ổn. Em đang rất lo là không biết đến mùa hè họ có cho ở lại hay không,” cô nói thêm.
Theo lời cô thì nhiều bạn bè cô đã phải về Việt Nam vì nhà trường đóng cửa và không cho sinh viên ở nội trú nữa để ngăn dịch.
“Mỹ hành động muộn hơn những nước khác nhưng bây giờ cũng bắt đầu làm quyết liệt,” cô nói thêm.
https://www.voatiengviet.com/a/du-h%E1%BB%8Dc-sinh-vi%E1%BB%87t-%E1%BB%9F-m%E1%BB%B9-trong-m%C3%B9a-d%E1%BB%8Bch-%E1%BB%9F-%C4%91%C3%A2u-c%E1%BB%91-g%E1%BA%AFng-%E1%BB%9F-%C4%91%E1%BA%A5y-/5338805.html

Bộ Y tế tìm người trên 21 chuyến bay

có ca nhiễm virus Vũ Hán

Tâm Tuệ
Thêm 2 chuyến bay có người nhiễm virus Vũ Hán, nâng tổng số lên 21 chuyến. Bộ Y tế yêu cầu hành khách liên lạc ngay với cơ quan y tế.
Theo cập nhật từ báo VnExpress, Tính đến 22h30 ngày 20/3, hành khách trên 21 chuyến bay dưới đây được Bộ Y tế yêu cầu liên hệ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật địa phương để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe.
– NH831 của All Nippon Airways do Air Japan khai thác, Tokyo – TP.HCM ngày 17/3;
– EK392 của Emirates từ Dubai đến TP. HCM ngày 16/3;
– EK394 của Emirates từ Dubai đến Nội Bài ngày 12/3;
– QR976 của Qatar Airways từ Doha đến Nội Bài ngày 17/3;
– EK392 của Emirates Airlines từ Dubai đến TP.HCM ngày 15/3;
– VJ642 của Vietjet Air từ TP.HCM đến Đà Nẵng ngày 12/3;
– TK162 của Turkish Airlines từ Istanbul về TP.HCM ngày 10/3;
– MI632 của Silkair từ Singapore đến Đà Nẵng ngày 14/3;
– VN54 của Vietnam Airlines từ London đến Hà Nội ngày 13/3;
– SQ323 của Singapore Airlines từ Amsterdam đến Singapore ngày 14/3 và nối chuyến về Việt Nam;
– EK392 của Emirates Airlines từ Dubai đến TP.HCM ngày 12/3;– BR395 của Eva Air từ Đài Loan đến TP.HCM ngày 16/3;
– TG917 của Thai Airways từ London đến Bangkok ngày 15/3 và nối chuyến về Việt Nam;
– TG564 của Thai Airways từ Bangkok về Hà Nội ngày 15/3;
– SQ176 của Singapore Airlines từ Singapore đến Hà Nội ngày 15/3;
– QH1524 của Bamboo Airways từ Phú Quốc đến TP.HCM ngày 13/3.
– SU290 của Aeroflot từ Moscow đến Hà Nội ngày 12/3;
– QR970 của Qatar Airways từ Doha đến TP.HCM ngày 10/3;
– QH1521 của Bamboo Airways từ TP.HCM đến Phú Quốc ngày 9/3;
– TK162 của Turkish Airlines từ Istanbul đến TP.HCM, ngày 8/3;
– VJ826 của Vietjet Air từ Malaysia đến TP.HCM ngày 4/3.
Các đại lý bán vé cho những hành khách này cần chủ động báo tin cho khách. Những người tiếp xúc gần với bệnh nhân, người tiếp xúc với người tiếp xúc gần, cần thông báo đến cơ sở y tế địa phương.
Theo Worldometers, sáng nay 21/3, virus Vũ Hán đã xuất hiện tại 186 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 276.000 người nhiễm bệnh, trong đó 11.400 người chết. Tại Việt Nam, số ca mắc bệnh tăng lên 91.
https://www.dkn.tv/thoi-su/bo-y-te-tim-nguoi-tren-21-chuyen-bay-co-virus-vu-han.html

Cặp vợ chồng đến từ Anh Quốc bị cấm vào Việt Nam

vì lệnh đóng cửa để ngăn dịch bệnh coronavirus

Hai vợ chồng Linda và Bob Twist, ở độ tuổi khoảng 70, đến từ Washington, và bay tới Hà Nội vào thứ Sáu ngày 13 tháng 3, nhưng khi hạ cánh, họ mới biết rằng nhà cầm  quyền cộng sản Việt Nam đã đóng cửa do sự bùng phát của coronavirus. Bà Linda cho biết, khi họ đang bay ở trên không, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã đưa ra quyết định dừng tất cả các chuyến bay đến từ Vương quốc Anh, và khi họ hạ cánh, Việt Nam đã đóng cửa.
Tuy nhiên các hành khách từ chối đi qua cửa nhập cảnh vì sợ sẽ bị mắc kẹt tại Việt Nam. Linda nói rằng bà và chồng không muốn bị cách ly ở Việt nam trong hai tuần. Bà cho hay tất cả hành khách đều cố gắng xem liệu họ có thể bay về nhà hay không. Bà kể rằng nhân viên ở Việt Nam không biết phải làm gì với những hành khách vừa đáp xuống, và rất nhiều người trong số những nhân viên này mặc các bộ đồ chống độc sinh học và tất cả họ đều đeo khẩu trang, các hành khách cũng được tặng khẩu trang. Sau khoảng 10 tiếng, tất cả hành khách được đưa vào một phòng cách ly, ở đây có khoảng năm giường kim loại và mọi người ngủ trên sàn nhà.
Bà Linda cho biêt, họ may mắn được ở cùng với một nhóm người rất tốt và tất cả mọi người đều khích lệ tinh thần cho nhau. Theo Sunderland Echo đưa tin, ban đầu họ được thông báo rằng các chuyến bay quay trở lại Anh đã đầy khách, nhưng may mắn là sau đó họ vẫn tìm được chỗ trống. Hai vợ  chồng đã quay trở lại Heathrow vào Chủ nhật vừa qua. Sau bảy giờ chờ đợi ở London, bà Linda và ông Bob được đưa lên chuyến bay trở về Newcastle.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/cap-vo-chong-den-tu-anh-quoc-bi-cam-vao-viet-nam-vi-lenh-dong-cua-de-ngan-dich-benh-coronavirus/

Virus corona : Việt Nam cách ly

toàn bộ hành khách nhập cảnh qua sân bay

Thanh Phương
Hôm nay, 21/02/2020, Việt Nam bắt đầu áp dụng việc cách ly tập trung 14 ngày đối với toàn bộ hành khách từ tất cả các quốc gia trên thế giới nhập cảnh vào Việt Nam qua đường hàng không. Đây là biện pháp mới nhất mà Hà Nội thi hành để ngăn chận dịch Covid-19 từ ngoài lan vào Việt Nam, nơi mà tính đến chiều hôm nay chỉ mới có 92 ca lây nhiễm, theo thông báo của bộ Y Tế.
Các ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam chủ yếu đến từ châu Âu và Mỹ, rồi sau đó lây sang những người khác. Theo vnExpress, ca bệnh mới nhất, ca thứ 92, là một du học sinh từ Pháp về nước ngày 16/03. Đây là bệnh nhân Covid-19 thứ 9 liên quan đến Pháp.
Theo Báo điện tử chính phủ Việt Nam, Cục Hàng Không Việt Nam sẽ thông báo đến tất cả các hãng hàng không quốc tế và Việt Nam rằng, do năng lực của khu cách ly tập trung của hai sân Nội Bài và Tân Sơn Nhất rất hạn chế, nên các chuyến bay quốc tế khi đến Việt Nam sẽ phải hạ cánh tại các sân bay quốc tế Vân Đồn, Cần Thơ, Phù Cát và các sân bay khác, theo yêu cầu của nhà chức trách hàng không Việt Nam.
Cũng theo trang mạng này, trong cuộc họp của chính phủ về chống Covid-19 hôm qua, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông báo là chính phủ yêu cầu dừng các đường bay đón khách nước ngoài và hạn chế tối đa người nhập cảnh Việt Nam bằng đường không, đường bộ, đường biển.
Cũng từ hôm nay, Việt Nam bắt đầu tạm dừng miễn thị thực đơn phương đối với công dân các nước Belarus, Nga và Nhật Bản, sau khi đã thi hành biện pháp này đối với công dân của nhiều nước khác.
http://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200321-virus-corona-vi%E1%BB%87t-nam-c%C3%A1ch-ly-to%C3%A0n-b%E1%BB%99-h%C3%A0nh-kh%C3%A1ch-nh%E1%BA%ADp-c%E1%BA%A3nh-qua-s%C3%A2n-bay

Samsung Galaxy đối mặt với việc

chậm kế hoạch sản xuất vì lệnh cách ly ở Việt Nam

Tin từ SEOUL, Nam Hàn – Samsung Electronics đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi các hạn chế của Việt Nam đối với những người đến từ Nam Hàn, làm dấy lên mối lo lắng rằng quá trình sản xuất điện thoại thông minh Galaxy Note mới nhất sẽ bị chậm trễ tại trung tâm sản xuất lớn nhất bên ngoài Nam Hàn. Vào cuối tháng trước, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam yêu cầu cách ly hai tuần đối với tất cả những người đến từ Nam Hàn, trong đó có cả các chuyên gia Nam Hàn đến Việt Nam làm việc để thiết lập dây chuyền sản xuất OLED cho mẫu điện thoại thông minh mới.
Điều này khiến Seoul phải thực hiện một chiến dịch đề nghị miễn cách ly chưa từng có để công ty đa quốc gia trên có thể tiến hành các kế hoạch ra mắt sản phẩm. Thông qua truyền thông cộng sản Việt Nam vào ngày 6/3, ông Park Noh-wan, Đại sứ Nam Hàn tại Việt Nam, cho biết việc ra mắt một sản phẩm mới của Samsung cần có 1,000 chuyên gia Nam Hàn vào Việt Nam. Theo ông, việc cách ly những nhân viên này theo yêu cầu sẽ gây ra tổn thất đáng kể. Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in thậm chí cũng ra mặt lên tiếng đưa ra một yêu cầu đặc biệt, và 182 chuyên gia đã có thể vào Việt Nam thông qua chuyến bay riêng mà không cần cách ly tập trung.
Theo tờ Nikkei Asian review, các cơ sở điện thoại thông minh của Samsung ở Việt Nam đã sản xuất khoảng một nửa số điện thoại Galaxy mà họ bán trên toàn thế giới. Samsung đang tăng cường đầu tư vào quốc gia Đông Nam Á này, đây cũng là nơi hãng sản xuất ra màn hình OLED và thiết bị gia dụng. Samsung chiếm một phần tư trong tổng xuất cảng của Việt Nam.
Mộc Mien
https://www.sbtn.tv/samsung-galaxy-doi-mat-voi-viec-cham-ke-hoach-san-xuat-vi-lenh-cach-ly-o-viet-nam/

ĐIỂM TIN TRONG NƯỚC chiều 21/3:

Ca thứ 92 mắc virus Vũ Hán là du học sinh tại Pháp;

 4 yêu cầu của Bộ Y tế với người đã nhập cảnh

Khôi Minh
Kính chào quý vị đến với ĐIỂM TIN TRONG NƯỚC chiều ngày 21/3 của báo Đại Kỷ Nguyên. Bản tin hôm nay có những nội dung chính như sau:
Ca thứ 92 mắc virus Vũ Hán là du học sinh tại Pháp
Chiều 21/3, Bộ Y tế thông tin, bệnh nhân 92 dương tính virus Vũ Hán về nước ngày 16/3. Khi nhập cảnh, bệnh nhân chưa có triệu chứng bệnh, được chuyển cách ly tập trung tại quận 12.
Ngày 17/3, bệnh nhân sốt, đau họng, ho khan, được chuyển đến Bệnh viện Dã chiến Củ Chi ngày 18/3. Bệnh viện Nhiệt đới TP. HCM đã xét nghiệm, cho kết quả dương tính khuya 19/3. Mẫu bệnh phẩm chuyển Viện Pasteur TP. HCM cũng cho kết quả dương tính với virus Vũ Hán ngày 21/3.
Bộ Y tế tìm người trên 21 chuyến bay có ca nhiễm virus Vũ Hán
Tính đến 22h30 ngày 20/3, thêm 2 chuyến bay có người nhiễm virus Vũ Hán, nâng tổng số lên 21 chuyến. Bộ Y tế yêu cầu những hành khách trên các chuyến bay này liên hệ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật địa phương để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe.
Danh sách 21 chuyến bay được liệt kê tại đây.
4 yêu cầu của Bộ Y tế với người đã nhập cảnh
Báo VnExpress cho biết, Bộ Y tế kêu gọi tất cả người nhập cảnh từ ngày 1/3 đến nay phải thực hiện 4 yêu cầu: Khai báo y tế, tự cách ly, hạn chế tiếp xúc và liên hệ cơ quan y tế gần nhất. Cụ thể:
– Người nhập cảnh từ ngày 1/3 đến nay phải thực hiện khai báo y tế qua https://tokhaiyte.vn.
– Thực hiện tự cách ly tại nhà, nơi lưu trú (nếu chưa cách ly tập trung) trong vòng 14 ngày kể từ ngày về Việt Nam. Đối với trường hợp đã qua 14 ngày, hạn chế tiếp xúc với người khác.
– Những người này cần luôn đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc cồn sát trùng và thực hiện các biện pháp dự phòng khác.
– Liên hệ với cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn, hỗ trợ.
140 hộ dân ở quận 8 ở TP. HCM bị phong tỏa
Cụ thể: 140 hộ với 725 người dân ở phường 1 quận 8 (TP. HCM) được cách ly do đây là nơi ở của người đàn ông từng dự lễ hội Hồi giáo ở Malaysia nhiễm virus Vũ Hán.
Trưa 21/3, Chủ tịch quận 8 Trần Quang Thảo cho biết, quận ghi nhận 2 ca nhiễm virus Vũ Hán là “bệnh nhân 64” – phụ nữ ngụ ở đường Nguyễn Thị Tần (phường 2) và người đàn ông dân tộc Chăm, dự lễ hội Hồi giáo ở Kualalunpur (Malaysia) ở đường Dương Bá Trạc (phường 1).
Ông Thảo cho biết thêm, ngoài việc phun khử khuẩn xung quanh khu vực có nhà người nhiễm bệnh, phường lập 6 chốt khoanh vùng những người dự lễ hồi giáo ở Malaysia trở về địa phương.
Chuyên mục kính chúc quý độc giả nhiều an lành và may mắn!
https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-chieu-21-3-ca-thu-92-mac-virus-vu-han-la-du-hoc-sinh-tai-phap-4-yeu-cau-cua-bo-y-te-voi-nguoi-da-nhap-canh.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.