2020: Cơ hội và Thử thách - Việt Nam Chủ tịch ASEAN và tại Hội đồng Bảo an
Friday, March 6, 2020
5:53:00 PM
//
- Slider
,
Phân tích
03/07/2020
Ls Lưu Tường Quang
Tóm lược: So với 10 năm trước đây, Việt Nam đối diện với nhiều khó khăn hơn và có thể khó tận dụng được vị thế Chủ tịch luân phiên ASEAN 2020 và thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để bảo vệ quyền lợi Tổ quốc Việt Nam, nhất là tại Biển Đông (Biển Hoa Nam - The South China Sea)
As Chair of ASEAN 2020 and a non-permanent member of the United Nations’ Security Council, the Socialist Republic of Vietnam faces far more challenges than a decade ago and would unlikely be able to protect Vietnam’s national interests, especially in the South China Sea, aka Vietnam’s East Sea - Biển Đông
*****
2020 là thời điểm có nhiều thách đố và cơ hội cho Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhưng Bộ Chính trị Đảng Cộng sản có nắm bắt được cơ hội để đối phó với thử thách hay không là một chuyện khác.
Đây không phải là kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản (1930-2020) với nhiều tên gọi khác nhau để che đậy thực chất, tùy từng mục tiêu của mỗi giai đoạn lịch sử. Bộ Chính trị Đảng tại Việt Nam đang rêu rao thành tích trải qua các cuộc chiến đẫm máu đặt trên cơ sở ý thức hệ (nhưng dưới chiêu bài “giải phóng dân tộc”) mà nhiều cựu thuộc địa Á-Phi từ sau Thế chiến thứ hai đã tránh được trong tiến trình dành độc lập (chẳng hạn như Malaya và Singapore hay Indonesia).
Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc 2020
Đây là lần đầu tiên mà Việt Nam được giữ hai vai trò trong cùng một lúc: chủ tịch luân phiên của Tổ chức ASEAN năm 2020 và thành viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hiệp Quốc (LHQ), nhiệm kỳ 2020-2021.
Mười năm trước đây, Việt Nam đã từng nắm giữ hai vai trò nầy nhưng không trùng hợp vào một thời điểm: đó là thành viên không thường trực HĐBA năm 2008-2009 và chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2010. Lần đầu có mặt tại HĐBA, Việt Nam đã không để lại dấu ấn gì đáng kể.
Lần này, Việt Nam cũng đã vận động mạnh mẽ để được làm ứng viên duy nhất vào HĐBA cho Vùng Châu Á-Thái Bình Dương[1]. Canberra đã hai lần ủng hộ Việt Nam, nhưng một cường quốc chính trị và kinh tế bậc trung như Úc châu không đủ khả năng thuyết phục các nước khác trong vùng để họ không tranh cử. Việt Nam không thể không nhìn về Bắc Kinh, không những để được ủng hộ mà còn được ủng hộ làm ứng viên duy nhất, vì Trung Quốc là thành viên thường trực có quyền phủ quyết tại HĐBA, đồng thời là cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới có nhiều khả năng sử dụng quyền lực mềm. Kết quả, Việt Nam đã trúng cử với số phiếu 192 trên tổng số 193 thành viên LHQ. Vấn để được đặt ra là Việt Nam phải trả giá Bắc Kinh như thế nào?
HĐBA gồm 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết (Mỹ, Anh, Pháp, Liên Bang Nga và Trung Quốc) và 10 thành viên không thường trực phục vụ nhiệm kỳ 2 năm.
Trong tháng 1/2020, Việt Nam đã giữ chức vụ Chủ tịch luân phiên tại HĐBA theo mẫu tự ABC tiếng Anh và sẽ có cơ hội giữ chức chủ tịch hàng tháng nầy một lần nữa vào tháng 4 năm 2021, trước khi mãn nhiệm kỳ vào tháng 12 năm ấy.
Trong bài diễn văn và họp báo đầu tiên trong cương vị chủ tịch, đại diện Việt Nam đã phác họa chương trình nghị sự, trong đó, “nổi bật là hai hoạt động quan trọng là thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ và tăng cường hợp tác giữa LHQ và ASEAN”. Đồng thời khi trả lời giới truyền thông, vị đại diện nầy xác nhận là Việt Nam không đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự[2].
LHQ kỷ niệm 75 năm thành lập (1945-2020) nên việc nêu đề tài tuân thủ Hiến chương không phải là không hợp lý. Nhưng Hiến chương LHQ mà tất cả thành viên đều cam kết tuân thủ khi gia nhập mà nay lại phải cứu xét việc thi hành thì phải chăng đây là một thú nhận thực tế rằng Hiến chương đã không hoặc chưa được áp dụng đúng mức. Ngoài mục đích bảo vệ hòa bình, Hiến chương LHQ còn qui định nghĩa vụ tôn trọng và phát triển nhân quyền nhưng liệu các nước cộng sản cuối mùa như Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Hàn v.v… và một số quốc gia độc tài khác tại Á-Phi và Châu Mỹ La Tinh đã có cái thiện gì trong lãnh vực nầy?
Còn trong lãnh vực hợp tác giữa LHQ và ASEAN - tức là về mặt tổ chức chứ không phải cá nhân thành viên - thì tại sao việc thương thuyết giữa ASEAN và Trung Cộng đã kéo dài cả thập niên mà chưa đem lại kết quả cho một Bộ Qui tắc Ứng xử (Code of Conduct - COC) tại Biển Đông, một hải lộ thiết yếu về mặt chiến lược và kinh tế toàn cầu, lại không cần sự trợ giúp của LHQ thông qua các cuộc thảo luận tại HĐBA mà Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là một thành viên thường trực?
Cũng tại Biển Đông, chương trình quân sự hoá của Bắc Kinh tạo ra nguy cơ xung đột võ trang mà tổ chức ASEAN đang phải đối phó, thì tại sao HĐBA /LHQ trong vai trò bảo vệ hòa bình lại không thể thảo luận?
Có thể Việt Nam đã tính toán thực tế, vì đề nghị đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự HĐBA sẽ bị Bắc Kinh phủ quyết một cách dễ dàng. Nhưng cũng rất có thể Việt Nam đã phải trả giá cho sự ủng hộ của Bắc Kinh, nên không thể có hành động trực tiếp hoặc gián tiếp nào mà Bộ Chính trị của Tổng Bí thư Tập Cận Bình không hài lòng.
Nếu có thể theo đuổi một lập trường độc lập hơn, Việt Nam không mất gì khi đưa vấn đề Biển Đông vào nghị trình HĐBA - ngoại trừ các thành viên Bộ Chính trị tại Hà Nội thân Bắc Kinh có thể bị ‘thất sủng’. Nếu Bắc Kinh không phủ quyết và vấn để Biển Đông được thảo luận tại HĐBA thì đây là một thắng lợi lớn cho Việt Nam. Nếu Bắc Kinh phủ quyết thì đây là một bằng chứng rõ rệt, một lần nữa, về bản chất bá quyền, ngang ngược bất chấp trật tự pháp quyền thế giới mà LHQ chủ trương. Bắc Kinh không phải là không quan tâm đến hình ảnh và uy tín của chế độ trên diễn đàn công luận quốc tế.
Việt Nam và Biển Đông trước và sau năm 2016
Lần trước hồi năm 2010, với tư cách Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã đề xuất chủ đề “Hướng tới Cộng đồng ASEAN - từ tầm nhìn đến hành động”. Vào cuối nhiệm kỳ, Ông Phạm Gia Khiêm, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao đã phúc trình kết quả nói chung rất lạc quan và cường điệu:
“Bước vào tháng cuối cùng của năm 2010, có thể khẳng định nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2010 của Việt Nam đã thành công tốt đẹp, đạt được các mục tiêu đề ra, góp phần tăng cường đoàn kết và thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, đồng thời hỗ trợ đắc lực cho các yêu cầu đối ngoại của Đảng và Nhà nước, nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam. Thành công của Năm Chủ tịch được thể hiện qua những kết quả quan trọng và thiết thực, tạo tác động lâu dài và ghi đậm dấu ấn Việt Nam”[3].
Tuy nhiên về mặt chi tiết, nhất là trong vấn đề Biển Đông, Ông Phạm Gia Khiêm không nêu rõ những thành công tốt đẹp ấy là gì.
Lãnh đạo ASEAN và Trung Cộng - Bangkok, 03-11-2019
Điểm nổi bật trong năm 2010 là Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Mở rộng ADMM+ lần đầu tiên được tổ chức. Điểm đáng ghi nhận khác là tại Hội nghị Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) ngày 23.07.2010 ở Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ Hillary R Clinton đã xác nhận lập trường mạnh mẽ của Mỹ là không chấp nhận phát biểu của Phụ tá Ngoại trưởng Trung Quốc Thôi Thiên Khải / Cui Tiankai, theo đó Bắc Kinh coi Biển Đông là quyền lợi cốt lõi của Trung Quốc tương tự như Đài Loan và Tây Tạng. (Ông Thôi Thiên Khải đang làm Đại sứ tại Washington DC từ năm 2013 - bắt đầu dưới thời Tổng thống Barack Obama và tiếp tục dưới thời Tổng thống Donald Trump). Không khí tại Hội nghị ARF nầy có vẻ căng thẳng đến mức độ mà Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì / Yang Jiechi đã bỏ phòng họp để rồi trở lại và ngó thẳng vào mặt Ngoại trưởng Singapore, Ông George Yeo, với lời nói thô lỗ: “Trung Quốc là nước lớn và các nước khác là nước nhỏ và đó là sự thật”. Giai thoại nho nhỏ nầy không phải là điểm son trong ngành ngoại giao Bắc Kinh nhưng nó biểu lộ thái độ ‘lấy thịt đè người’ của Trung Cộng trong vấn đề Biển Đông.
Lập trường tương đối cứng rắn của Ngoại trưởng Hillary Clinton tại Hội nghị ARF sau đó được Washington giải thích lại một cách uyển chuyển hơn. Nhưng thất bại rõ rệt của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2010 là khi vấn để Biển Đông bị nhận chìm tại Hội nghị Lãnh đạo Mỹ-ASEAN ở New York ngày 24.09.2010 do Tổng thống Obama và Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đồng chủ toạ[4].
Mười năm sau, khi Việt Nam trở lại vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và do đó có nhiệm vụ phối hợp, thì một Hội nghị lãnh đạo Mỹ-ASEAN khác lại được dự định tổ chức tại thành phố Las Vegas, Tiểu Bang Nevada, Hoa Kỳ, vào tháng 3 năm nay. Tổng thống Donald Trump đã đạt lời mời 10 lãnh đạo ASEAN hồi tháng 11 năm 2019. Có lẽ đây là hình thức gỡ gạc vì Tổng thống Donald Trump đã hai lần vắng mặt tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) kể cả lần nầy tại Bangkok. Sự vắng mặt liên tục nầy không tạo được niềm tin về cam kết của Mỹ đối với Đông Nam Á.
Tại Hội nghị cấp Ngoại trưởng ASEAN - do Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Phạm Bình Minh chủ tọa tại Thành phố Nha Trang ngày 16-17.01.2020, đại diện 10 nước ASEAN đã đồng thuận tham gia Hội nghị Mỹ-ASEAN. Tuy nhiên, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sau đó đã loan báo không tham dự. Liệu lãnh đạo Việt Nam (Ông Nguyễn Xuân Phúc hay Ông Nguyễn Phú Trọng?) có cơ may đạt kết quả tốt hơn Ông Nguyễn Minh Triết trong vấn đề Biển Đông tại Hội nghị Las Vegas 2020 hay không?
Tuy nhiên, theo tin giờ chót ngày 29.02.2020, chính phủ Mỹ đã quyết định đình hoãn Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN tại Las Vagas vì lý do dịch bệnh virus corona mà Tổ chức Y tế Thế giới WHO chính thức đặt tên là COVID-19. Dịch bệnh nầy phát hiện đầu tiên tại Vũ Hán, Tỉnh Hồ Bắc và đã lan tràn khắp Hoa Lục và nhiều nơi trên thế giới đến mức độ của một đại dịch toàn cầu[5].
Khác với Ông Obama, Ông Donald Trump là chính trị gia bốc đồng và bất định nên khó có thể dự phóng ông đi con đường nào với Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông. Dầu vậy, trong nhiệm kỳ đầu tiên của Ông Donald Trump, Hoa Kỳ đã có nhiều hoạt động tự do lưu thông hàng không và hàng hải gọi là FONOPS tại Biển Đông hơn là dưới thời Tổng thống Mỹ tiền nhiệm[6].
Hồi cuối năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận trách nhiệm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020 từ Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-Cha sau phiên họp Thượng đỉnh tại Bangkok. Chuẩn bị từ cuối năm 2018 cho vai trò này, Ông Nguyễn Xuân Phúc đã công bố chủ đề mà Việt Nam chọn lựa cho ASEAN 2020: Đó là “Gắn kết và chủ động thích ứng” (For a Cohesive and Responsive ASEAN). Dưới chủ đề nầy, Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra 5 ưu tiên: một là: Đoàn kết và thống nhất; hai là: Lợi ích kinh tế; ba là: Giá trị chung; bốn là: Quan hệ đối tác; năm là: Năng lực thể chế[7].
Nhiều chính trị gia đương nhiệm phát biểu lạc quan về những thành tựu mà họ chờ đợi - kể cả trong vấn đề Biển Đông - và điều này không có gì ngạc nhiên. Nhưng vài cựu chính trị gia và một số chuyên gia cũng chia sẻ dự phóng lạc quan ấy.
Ông George Yeo, cựu Ngoại trưởng Singapore và là nhân vật mà Ông Dương Khiết Trì đã nhìn thẳng vào mặt khi tuyên bố Trung Quốc là nước lớn hồi năm 2010 tại Hà Nội, nói rằng “Biển Đông đã kết nối các nước trong vùng và chưa bao giờ đã phân rẽ chúng ta”. Trong bài quan điểm trên Nhật báo Tin điện Hoa Nam Buổi sáng (South China Morning Post - SCMP), Ông Yeo viết:
“Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm nguy kịch nhưng lại có nhiều khả năng phấn khởi cho ASEAN và Việt Nam có đủ khả năng cung cấp lãnh đạo. Việt Nam, trong tư cách Chủ tịch, cần đem lại sự yên tĩnh cho cuộc tranh chấp Biển Đông”[8].
Ông Yeo dùng thì quá khứ (past tense) nhưng lại quên nhiều sự kiện lịch sử kể cả việc Bắc Kinh chiếm đóng Hoàng Sa của Việt Nam, sau một cuộc hải chiến với Hải quân Việt Nam Cộng hòa 46 năm trước đây vào ngày 19.01.1974.
Theo ý tôi, Việt Nam chỉ có thể đem lại tình trạng yên tĩnh cho Biển Đông, nếu Việt Nam từ bỏ những đòi hỏi chính đáng về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa cũng như quyền lợi kinh tế của Việt Nam trong vùng Đặc quyền EEZ và thềm lục địa. Sự từ bỏ nầy đồng nghĩa với tội bán nước.
Ngược lại, tình trạng Biển Đông sẽ tiếp tục căng thẳng và nguy cơ xung đột võ trang có thể gia tăng, vì Bắc Kinh sẽ không bao giờ từ bỏ tham vọng biến Biển Đông thành một ao nhà.
Do đó, Việt Nam phải đối diện với nhiều khó khăn hơn trong nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN lần này, vì Trung Cộng năm 2020 dưới thời Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nước Tập Cận Bình khác rất nhiều so với năm 2010 thời Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư sắp mãn nhiệm Hồ Cầm Đào.
Ông Hồ Cẩm Đào chỉ phục vụ 2 nhiệm kỳ và mãn hạn vào năm 2012. Ông Tập Cận Bình đã phục vụ 8 năm kể từ 2012, nhưng sẽ không bị giới hạn bởi nhiệm kỳ.
Vào năm 2010, Trung Quốc lần đầu tiên qua mặt Nhật Bản để trở thành cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới, nhưng Bắc Kinh vào thời điểm nầy chưa có nhiều tiến bộ về mặt quân sự: Không quân chưa có phi cơ tàng hình (có lẽ đang sao chép kỹ thuật của Mỹ) và Hải quân chưa có Hàng không mẫu hạm. Trung Quốc chưa có mạng lưới kết hợp địa lý chính trị kinh tế toàn cầu dưới hình thức Con đường Tơ Lụa Hàng hải và Xuyên lục địa. Biển Đông chưa có đảo nhân tạo và chưa bị Bắc Kinh quân sự hoá.
Hoa Kỳ điều nghiên chiến lược Quốc phòng và Tổng thống Barack Obama loan báo chiến lược mới gọi là Tái định vị trong Vùng Châu Á Thái Bình Dương vào năm 2011 nhân chuyến công du Úc châu.
Trong năm 2020, Trung Quốc sắp sửa qua mặt Hoa Kỳ để trở thành cường quốc kinh tế số 1 thế giới. Không quân và Hải quân Trung Cộng được cải thiện rõ rệt với chiến đấu cơ tàng hình (tiêm kích thế hệ năm J-20), hỏa tiễn liên lục địa, và hai nhóm hàng không mẫu hạm (tàu sân bay) Liễu Ninh và Sơn Đông. Hàng không mẫu hạm thứ ba đang được chuẩn bị hạ thủy thử nghiệm. Ông Tập Cận Bình đã bắt đầu chương trình biến đá thành đảo nhân tạo từ năm 2013 và hiện nay đã có 5, 7 đảo nhân tạo tại Trường Sa và đã được biến thành những tiền đồn quân sự tạo nên mối đe dọa quan trọng và trực tiếp đối với Việt Nam và ngay cảc đối với Úc châu. Cũng vào năm 2013, Ông Tập Cận Bình đã phát động và phát triển Chiến lược Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative - BRI)
Tại Hoa Kỳ, kể từ năm 2016, Tổng thống D Trump áp dụng sách lược “Nước Mỹ trên hết”, hủy bỏ Chiến lược Tái định vị, rút chân Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định Hợp tác xuyên Thái Bình Dương TPP-12, loan báo chính sách Quốc phòng mới cho Vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương nhưng không có chính sách rõ rệt đối với Biển Đông.
Thực tế tại Biển Đông hiện nay là Bắc Kinh đã thay đổi nguyên trạng và Trung Cộng đang có nhiều lợi thế về sức mạnh quân sự, đến mức độ mà có câu hỏi được nêu lên - Phải chăng Mỹ đã thua cuộc chiến Biển Đông?[9]
Điều mà Bắc Kinh không thay đổi là chính sách bá quyền, đe dọa, hiếp đáp các nước có tranh chấp tại Biển Đông và đây là một lý do chính mà cuộc thương thuyết cả thập niên cho một Bộ Qui tắc Ứng xử (COC) để thay thế Bản Tuyên bố Ứng xử (Declaration of Conduct - DOC 2002) vẫn chưa kết thúc.
Sách lược bá quyền Bắc Kinh
Trong cốt lõi, Bắc Kinh không chấp nhận COC có tính cách cưỡng hành và áp dụng cho Truờng Sa cũng như Hoàng Sa. Theo Bắc Kinh, phương thức giải quyết dị biệt là thảo luận ngoại giao song phương và ngay cả trên căn bản song phương nầy, Bắc Kinh cũng từ chối thảo luận với Việt Nam về Quần đảo Hoàng Sa. Họ khăng khăng xác quyết chủ quyền trên căn bản gọi là “quyền lịch sử - historic rights” mà Tòa án Trọng tài Quốc tế (Permanent Court of Arbitration - PCA) tại The Hague đã bác bỏ trong Phán Quyết ngày 16.07.2016 (The Philippines vs The People’s Republic of China, 2013-2016).
Nếu với tư cách Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam đã không đạt được kết quả gì cụ thể trong Vấn đề Biển Đông, thì liệu Việt Nam trong năm 2020 có hi vọng gì với mục tiêu gắn kết trong vấn đề nầy, khi mà Trung Công đã tạo được thế đứng mạnh hơn trong khi nội bộ 10 nước ASEAN có vẻ như chia rẽ trầm trọng hơn?
Trong ASEAN, 4 thành viên có tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải với Trung Cộng (và Đài Loan) là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Indonesia chỉ có tranh chấp về thềm lục địa và vùng kinh tế chuyên biệt EEZ (Vùng Biển Đảo Natuna). Các nước còn lại Cam Bốt / Cambodia , Lào, Miến Điện, Singapore và Thái Lan hoàn toàn không có tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải với Bắc Kinh. Trong số 5 quốc gia nầy, Cam Bốt, Lào và Thái Lan có lập trường ủng hộ Trung Cộng trong vấn để Biển Đông[10]. Nhưng trong hai năm gần đây, có nguồn tin cho rằng Cam Bốt dưới chế độ Hun Sen đã ký mật ước với Bắc Kinh để Không quân và Hải quân Trung Cộng có thể sử dụng căn cứ quân sự gần Cảng Sihanoukville trong Vịnh Thái Lan mà Bắc Kinh đã đóng góp xây dựng. Nhà độc tài Hun Sen đã cải chính nguồn tin trên, nhưng Washington và Canberra vẫn coi nguồn tin nầy khả tín. Hun Sen càng ngày càng tỏ ra nịnh bợ Tập Cận Bình, ngay cả trong thời gian Trung Quốc đối phó với dịch bệnh COVID-19. ASEAN sinh hoạt trên căn bản đồng thuận (consensus) và Cam Bốt tiếp tục là trở ngại lớn nhất cho Việt Nam trong vấn đề Biển Đông[11].
Miến Điện (Myanmar) dưới chế độ quân nhân và do cựu Tướng Thein Sein làm Thủ tướng (2010-2016) đã không có bang giao song phương hoàn toàn tốt đẹp với Bắc Kinh. Nhưng sau khi Bà Aung San Suu Kyi tham chánh từ tháng 4/2016 với tư cách Cố vấn Nhà nước (State Counsellor) thì bang giao song phương được cải thiện rõ rệt. Bà Aung San Suu Kyi đã được tiếp đón trọng thể tại Bắc Kinh và Ông Tập Cận Bình được tiếp đón nồng hậu tại Miến Điện. Miến Điện có vai trò chiến lược đối với Bắc Kinh vì Bắc Kinh muốn có phương tiện tiếp cận với Bay of Bengal và Ấn Độ Dương, xuyên qua lãnh thổ Miến Điện từ vùng Tây Nam Trung Quốc. Miến Điện còn bị các quốc gia dân chủ phương Tây chỉ trích vi phạm nhân quyền trong cuộc khủng hoảng người thiếu số Hồi Giáo Rohingya, khiến Bà Aung San Suu Kyi phải tìm sự ủng hộ từ Trung Quốc. Có thể trong vấn đề Biển Đông. Miến Điện sẽ ngã theo Bắc Kinh.
Bắc Kinh thường khai thác mâu thuẫn, để thủ lợi, giữa các nước nhỏ bị Mỹ và các quốc gia dân chủ chỉ trích vi phạm nhân quyền, hoặc cướp chánh quyền dân cử. Ngoài Miến Điện, Thái Lan sau cuộc đào chánh của quân đội hồi tháng 5/2014, chánh phủ quân nhân của Tướng Prayut Chan-o-Cha cũng đã phần nào ngã về phía Trung Quốc.
Trường hợp của Philippines cũng vậy, tuy rằng vấn đề vi phạm nhân quyền không đóng vai trò thiết yếu.
Tổng thống Duterte không ưa Mỹ và đặc biệt là Tổng thống Donald Trump vì Washington đã lên án chiến dịch bắn giết người tình nghi buôn bán ma túy tại Philippines mà không qua tiến trình xét xử trước tòa án.
Tuy nhiên, việc Tổng thống Duterte xoay chiều chính sách Biển Đông là thay đổi lớn nhất trong thập niên qua.
Dưới thời Tổng thống Aquino, Philippines có lập trường cứng rắn nhất trong số các quốc gia Assean có tranh chấp với Bắc Kinh đến mức độ mà Việt Nam thường núp bóng sau lưng để tránh mất lòng Trung Quốc. Nhưng nay trong thời Duterte, Việt Nam phải quán xuyến một mình.
Nhậm chức Tổng thống chỉ vài tuần lễ trước phán quyết PCA ngày 16.07.2016 và tuy phán quyết nầy là sau cùng, cố tính cưỡng hành (final and binding) và thuận lợi cho Philippines, Ông Duterte vẫn nói với Bắc Kinh là ông không sử dụng phán quyết nầy vì ông muốn cải thiện bang giao song phương giữa hai nước.
Vào năm 2013, Philippines với tư cách nguyên đơn, dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Benigno Aquino III (2010-2016) đã khởi kiện Trung Quốc trước Tòa PCA về tính cách pháp lý của Đường Lưỡi Bò 9 đoạn. Bắc Kinh không tham dự và không công nhận thẩm quyền của PCA. PCA vẫn xác nhận thẩm quyền và tiến hành việc xét sử mà không cần Bắc Kinh có mặt tham dự với tư cách bị đơn. Kết quả, Tòa PCA bắc bỏ lập luận quyền lịch sử / historic rights và do đó Đường Lưỡi Bò 9 đoạn không có cơ sở pháp lý. Bắc Kinh thua kiện nhưng lại có thêm một đồng minh.
Ngày 11.02.2020, Ông Duterte còn có một quyết định có khả năng ảnh hưởng sâu rộng trong toàn vùng Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam và cả Úc châu/New Zealand nữa. Sau mấy lần đe dọa, Ông Duterte thông báo với chính phủ Mỹ là Philippines quyết định chấm dứt thỏa hiệp Visiting Forces Agreement (VFA) với Mỹ và sự hủy bỏ này sẽ có hiệu trong 180 ngày. Hai nước đã ký Thoả Hiệp nầy hồi năm 1998 để quân đội Mỹ có thể nhập cảnh Philippines và sinh hoạt trong 5 căn cứ Mỹ mà không cần phải có passport và visa nhập cảnh. Nước Úc và Philippines cũng đã ký một Thỏa Hiệp VFA tương tự.
Trong vòng hơn 20 năm qua, quân đội Mỹ và Úc đã luân lưu nhập cảnh Philippines để cứu trợ thiên tai hoặc tập huấn hỗn hợp và trong trường hợp quân đội Mỹ còn để yểm trợ quân lực Philippines chống lại các nhóm quá khích khủng bố Hồi Giáo IS tại miền Nam Philippines.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Ông Mark Esper có phản ứng rõ rệt và coi đây là một quyết định sai lầm. Nếu động cơ của Ông Duterte là muốn hủy bỏ Thỏa hiệp VFA 1998 để thương thuyết lại một thỏa hiệp mới tốt hơn, thì cơ hội nầy lại tuỳ thuộc vào Tổng thống Donald Trump. Ông Trump có vẻ đánh giá quyết định của Ông Duterte thấp hơn và coi đây là cơ hội để Mỹ tiết kiệm tài chánh. Từ khi Ông Duterte nhậm chức hồi năm 2016 đến năm 2019, Hoa Kỳ đã chi viện cho quân đội Philippines 550 triệu Mỹ Kim.
Tại Philippines, không phải ai trong chính giới, giới truyền thông và quân đội đều ủng hộ quyết định của Ông Duterte.
Phó Tổng thống (ứng cử riêng và đắc cử độc lập) Leni Robredo đã tố giác Ông Duterte là bán đứng Philippines cho Bắc Kinh. Về phần Ngoại trưởng Teodoro Locsin, việc hủy bỏ Thỏa hiệp VFA sẽ có tác dụng vô hiệu hóa hai hiệp ước quan trọng khác giữa Philippines và Mỹ. Đó là Hiệp ước Quốc phòng Hỗ tương 1951 và Thỏa hiệp Hợp tác Quốc phòng Tăng cường 2014 (the 1951 Mutual Defense Treaty and the 2014 Enhanced Defense Cooperation Agreement).
Đối với khu vực, việc hủy bỏ nầy tạo một khoảng trống trong chuỗi căn cứ quân sự của Mỹ từ Bắc Á xuyên qua Biển Đông đến Úc châu. Trước thời Duterte, Bắc Kinh như một lái buôn giàu thể lực và tài chánh xông vào nhà cửa ruộng vườn các láng giềng rồi tuyên bố làm chủ, nhưng nay với Duterte, Bắc Kinh là một quan khách mà Duterte mở cổng mời vào. Sự xoay chiều của Ông Duterte trong việc ly thân với Washington để kết thân với Bắc Kinh là một thắng lợi lớn cho Trung Cộng[12].
Sau cùng kể từ tháng 7 năm 2019 đến nay, Việt Nam, Indonesia và Malaysia có vẻ như chia sẻ kinh nghiệm chung. Trung Cộng đã điều Tàu Nghiên cứu Địa chất HaiyangDizhi 8 đến ngăn trở cuộc thăm dò dầu khí của Việt Nam trong Vùng Kinh tế Chuyên biệt EEZ của Việt Nam gần Bãi Tư Chính -Vanguard Bank. Sau đó, Bắc Kinh cũng đã điều các tàu hải giám và đoàn tàu đánh cá có võ trang huy hiếp các tàu đánh cá của Indonesia tại Vùng biển Natuna của Indonesia. Tổng thống Joko Widodo đã đích thân đến Đảo Natuna để xác quyết chủ quyền của Indonesia. Chúng ta chưa từng thấy một lãnh tụ Việt Nam nào thăm viếng một đảo tại Trường Sa để xác quyết chủ quyền của Việt Nam cả. Họ thường để phát ngôn viên Bộ Ngoại giao làm công tác này.
Diễn tiến thứ ba là Malaysia vừa đệ nạp Liên Hiệp Quốc văn kiện mới mở rộng thêm thềm lục địa từ Tiểu Bang Sabah thuộc Vùng Đông Malaysia. Diễn tiến nầy phức tạp vì không những bị Trung Quốc phản đối mà còn có thể vi phạm thềm lục địa của Việt Nam, như Việt Nam và Malaysia đã thoả thuận khi đệ nạp một văn kiện chung về thềm lục địa với Liên Hiệp Quốc hồi năm 2009.
Malaysia hiện đang có khủng hoảng chính trị và Thủ tướng Mahathir Mohamad đã bất ngờ từ chức. Người ta chưa biết một chính phủ mới tại Kuala Lumpur sẽ giải quyết chuyện này như thế nào, mặc dầu chính phủ Mahathir đã quyết định khiếu nại với Liên Hiệp Quốc như là một quyền chủ quyền (sovereign rights). Vấn đề được nêu lên là liệu 3 nước nầy có thể hợp tác với nhau để chống lại Bắc Kinh hay không[13].
Nhìn toàn cảnh với lợi thế đang lên của Trung Quốc và sự chia rẽ nội bộ của ASEAN, chúng ta không thể lạc quan về khả năng của Việt Nam trong vai trò chủ tịch 2020 để có thể gắn kết và chủ động thích ứng cho ASEAN” trong vấn đề tranh chấp Biển Đông.
Sydney, 29.02.2020
L.T.Q
Ghi chú:
[1] Lưu Tường Quang, Việt Nam và Vấn Đề Tranh Chấp Biển Đông trong Thập Niên 2010-2020, Tập San Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai & Cửu Long Số 5 năm 2011, trang 353-388.
Viet Nam News, “ASEAN Chairmanship 2020: For a cohesive and responsive ASEAN”, Update: January, 13/2020 - 08:23.
[2] RFI (Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp) Paris, Tạp Chí Việt Nam - “Biển Đông: Việt Nam sẽ khó tận dụng chiếc ghế chủ tịch ASEAN” - Thanh Phương phỏng vấn Lưu Tường Quang, Thứ Hai 20.01.2020.
Nhân Dân Điện Tử, “Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”, Thứ Bảy, 04/01/2020, 01:46:24.
VOA Tiếng Việt: “Việt Nam làm Chủ tịch HĐBA tháng 1, không nêu ra vấn đề Biển Đông”, ngày 03/01/2020.
[3] Phạm Gia Khiêm, Nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2010 của Việt Nam: Thành công của ASEAN và dấu ấn Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam[Accessed 23.02.2020].
[4] Lưu Tường Quang, Việt Nam và Vấn Đề Tranh Chấp Biển Đông trong Thập Niên 2010-2020, Tập San Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai & Cửu Long Số 5 năm 2011, trang 353-388.
[5] NBC News,
[6] John Power, US freedom of navigation patrols in South China Sea hit record high in 2019, SCMP, Published: 5:35am, 5 Feb, 2020.
[7] Nhân Dân Điện Tử, “Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”, Thứ Bảy, 04/01/2020, 01:46:24.
[8] George Yeo, “The South China Sea connected us, it never divided us: How ASEAN can build bridges” - SCMP, 15 Jan 2020 - Từ ngữ nguyên văn: “Vietnam assumes its chairmanship of ASEAN in a critical year with exciting possibilities for ASEAN, and is well-qualified to provide the necessary leadership. Vietnam, as chair, needs to bring calm to the South China Sea dispute”.
[9] John Power, “Has the US already lost the Battle for the South China Sea?” SCMP, 18 Jan2020.
[10] Lưu Tường Quang, Việt Nam và Vấn Đề Tranh Chấp Biển Đông trong Thập Niên 2010-2020, Tập San Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai & Cửu Long Số 5 năm 2011, trang 353-388.
[11] Timothy R Heath, The Ramifications of China’s Reported Naval Base in Cambodia, World Politics Review Monday, Aug. 5, 2019.
Jamie Seidel, Scary reality: China’s secret Cambodian military base, news.com.au - February 8, 20208:43PM
[12] RFI (Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp) Paris, Tạp Chí Tiêu Điểm - “Biển Đông: Tổng thống Duterte mở cổng cho Bắc Kinh” - Tú Anh phỏng vấn Lưu Tường Quang, Thứ Năm 20.02.2020.
Renato Cruz de Castro, Duterte's Decision to Scrap the VFA: Whimsical or Insidious ..., AMTI Update February 11, 2020.
Meaghan Tobin, Ending Philippines-US military pact will affect South China Sea disputes: analysts, SCMP, Published: 12:30pm, 16 Feb, 2020.
James Massola, An end to the US-Philippines military agreement is bad news for Australia, Sydney Morning Herald, Updated February 12, 2020 -12.54pm first published at 11.45am.
[13] Nyshka Chandran, Can Vietnam unite ASEAN against Beijing’s South China Sea claims? SCMP - Published: 11:45am, 11 Jan, 2020.
Meaghan Tobin, Are Indonesia, Vietnam and Malaysia about to get tough on Beijing’s South China Sea claims? - SCMP, Published: 8:00am, 18 Jan, 2020.
0 comments