Tin Việt Nam – 04/02/2020
Tuesday, February 4, 2020
4:56:00 PM
//
- Slider
,
- Tin Việt Nam
Hơn 17 ngàn trường hợp bị phạt do vi phạm nồng độ cồn
Cảnh sát giao thông đã xử lý gần 17.400 trường hợp vi phạm nồng độ cồn sau 1 tháng Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính giao thông đường bộ, đường sắt có hiệu lực.Truyền thông trong nước vào ngày 4/2 dẫn nguồn từ Cục Cảnh sát Giao thông, thuộc Bộ Công an cho biết thông tin vừa nêu.
Cụ thể, cảnh sát giao thông trong một tháng qua đã tạm giữ 17.386 phương tiện các loại, tước giấy phép lái xe 10.695 trường hợp và phạt tiền trên 53 tỷ đồng.
Các địa phương được ghi nhận có nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn vượt quá mức 0,4 miligram/lít khí thở bao gồm thành phố Hồ Chí Minh, Cà Mau, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang và Thanh Hóa.
Cục Cảnh sát Giao thông còn cho biết thêm rằng việc thử nồng độ cồn được thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế trong dịch bệnh virus corona là ống thổi được vệ sinh tiệt trùng và chỉ được sử dụng một lần.
Nghị định 100/NĐ-CP của Chính phủ kể từ khi được áp dụng đã vấp phải nhiều chỉ trích từ người dân vì cho rằng mức độ cồn đưa ra trong quy định quá thấp, thậm chí người ăn một số loại hoa quả nhất định cũng có thể đo được nồng độ cồn trong hơi thở và bị phạt oan.
Nghị định 100/NĐ-CP quy định người điều khiển phương tiện giao thông sẽ bị phạt khi có nồng độ cồn vượt mức số 0 và mức phạt thấp nhất là 400 ngàn đồng cho đến cao nhất là 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe trong thời gian 22-24 tháng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/more-than-17k-cases-of-driving-with-acohol-content-were-fined-02042020074512.html
20 bị cáo trong vụ án thâu tóm nhà, đất công sản
ở Đà Nẵng kháng cáo
Sau khi bị Tòa án Nhân dân (TAND) Hà Nội tuyên 12 năm tù do liên quan đến vụ Vũ “nhôm” thâu tóm nhiều nhà đất công sản và bất động sản tại Đà Nẵng, cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến đã gửi đơn kháng cáo.Truyền thông quốc nội loan tin rằng, luật sư của cựu Chủ tịch Đà Nẵng Văn Hữu Chiến (giai đoạn 2011-2014) ngày 4/2 cho biết ông Chiến kháng cáo 5 vấn đề.
Kháng cáo nêu rõ nhiều việc quy kết ông Chiến phạm tội là không đúng. Trong đó có nêu, trong 19 căn nhà ông Chiến ký giảm 10% giá và giảm hệ số sinh lời khi làm Phó chủ tịch, phụ trách lĩnh vực tài nguyên -môi trường, nhưng ông không có bút phê và nhận trực tiếp lá đơn đề nghị nào; ông chỉ là người thực hiện theo chỉ đạo của Chủ tịch, Bí thư thành phố vào thời điểm đó.
Tại dự án 29ha thuộc khu đô thị mới Đa Phước, trong đơn kháng cáo, ông Chiến cho rằng việc Viện Kiểm sát kết luận đất này phải đấu giá nhưng các bị cáo không cho đấu giá là vi phạm quy định về quản lý đất đai là không đúng. Bên cạnh đó, kháng cáo cũng nêu rõ việc Tòa cho rằng ông Chiến phạm tội do vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo điều 219 Bộ Luật Hình sự năm 2015 là không đúng bởi hành vi này xảy ra trước năm 2015. Việc này trái với tinh thần nghị quyết 41 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về hướng dẫn thi hành luật hình sự.
Trước đó, vào ngày 13/1/2020 TAND Hà Nội đã tuyên bị cáo Văn Hữu Chiến 12 năm tù, trong đó 9 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí và 3 năm tù do vi phạm các quy định về quản lý đất đai.
Cũng trong ngày 4/2, TAND Hà Nội cho biết, tòa đã nhận được đơn kháng cáo của 20 bị cáo trong tổng số 21 bị cáo trong vụ án hai cựu Chủ tịch Đà Nẵng và đồng phạm thâu tóm nhà, đất công sản tại Đà Nẵng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/20-defendants-at-case-of-two-danang-fomer-chairmen-sentenced-appeal-02042020075502.html
Tìm hiểu sự thật về Đồng Tâm!
Thanh Trúc, RFAKể từ ngày 9 tháng 1 đến nay là hai mươi sáu ngày, từ khi một lực lượng cả ba ngàn cảnh sát cơ động, công an đột kích vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội, giết chết cụ ông Lê Đình Kình – 84 tuổi, bắt giữ hơn 20 người với cáo buộc giết người, chống người thi hành công vụ, sở hữu và sử dụng vũ khí trái phép.
Phía công an cũng có 3 người thiệt mạng, và ngay lập tức được chính quyền truy tặng huân chương do đã hy sinh khi thi hành nhiệm vụ.
Tuy nhiên thông tin về Đồng Tâm đến nay được truyền thông Nhà Nước loan đi chỉ theo một nguồn duy nhất từ phía Công an Việt Nam.
Một số người mong muốn có được tin tức từ chính những người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm đã tìm cách đến để chứng kiến tận mắt sau gần 1 tháng xảy ra sự vụ.
Chuyến thăm đến xã Đồng Tâm vào ngày 1/2/2020 được thực hiện bởi những người từng gửi Đơn Tố giác Tội Phạm lên Viện Kiểm Sát Nhân Dân thành phố Hà Nội và Cơ Quan Điều Tra Công An thành phố Hà Nội hôm 21 tháng 1, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật hình sự của cơ quan chức năng liên quan đến vụ tấn công vào Đồng Tâm gây đổ máu.
Đó là chuyến đi không báo trước, lại phải lên đường từ sớm để không bị phát hiện hay bị ngăn chặn, là lời tiến sĩ Nguyễn Quang A, ông cho biết:
“Thực sự chúng tôi đến để thắp hương cho cụ Kình, đó là động lực quan trọng. Thứ hai, chúng tôi muốn gặp bà con, gia đình những người bị bắt để động viên họ, cho họ cảm thấy không bị lẻ loi. Một mục đích nữa là cũng để tận mắt xem hiện trường như thế nào. Nghe nói gia đình của những người bị bắt vẫn, hằng ngày hay vài ngày một lần, bị triệu tập lên công an để thẩm vấn và bị dọa dẫm. Họ kể lại với chúng tôi và họ rất lo lắng”.
Và cũng đến để thực sự thấy Đồng Tâm nói riêng năm nay không có Tết, tiến sĩ Nguyễn Quang A trình bày tiếp:
“Vào đến nhà cụ Kình thì hầu như tất cả người nhà có mặt lúc đấy cũng như nhiều người trong chúng tôi đều òa lên khóc, nghe bà con kể thì rất là xúc động. Tình cảnh rất khó khăn của các gia đình mà người thân bị bắt, nhất là hai gia đình mà cả vợ chồng bị bắt và trẻ thơ phải nương tựa vào ông bà. Ông bà già cũng bị cú sốc rất mạnh như vậy”
“Đến nghĩa trang thắp hương cho cụ chúng tôi thấy ấm lòng một chút vì thấy nhiều vòng hoa đặt ở mộ cụ”.
Thời gian thăm nhau chỉ diễn ra khoảng 2 tiếng, ông Nguyễn Quang A kể tiếp, thế nhưng cảm nhận của mọi người là không khí u uất, tang tóc phủ chụp lên Đồng Tâm chả biết bao giờ mới tan đi. Tuy vậy sau gần một tháng, biện pháp cấm cản đến Đồng Tâm không còn nghiêm nhặt như những này trước đây theo trình bày của Tiến sĩ Nguyễn Quang A:
“Trước khi đi chúng tôi cũng tính là có thể gặp khó khăn này khó khăn nọ, nên chúng tôi thực sự là cố gắng đi sớm để giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra. Suốt dọc đường vào trong làng thì đường đi cũng khó, phải hỏi hai, ba chỗ, nhưng các cháu cũng như những người mà chúng tôi hỏi thì họ chỉ rất tận tình. Chỉ độ năm bảy phút cuối cùng ở chỗ nghĩa trang thì chúng tôi thấy một người đàn ông đi vào nhưng đến khoảng giữa đường thì lại quay ra. Không biết đấy là một người bình thường hay một người theo dõi thì chúng tôi không rõ, nhưng từ suốt cả dọc đường đi đến và dọc đường về thì chúng tôi không gặp sự cố nào cả”
Một người cùng đi trong đoàn là Bà Đặng Bích Phượng cũng cho biết tình trạng căng thẳng, lo âu và sợ hãi của người có thân nhân bị giết, bị bắt đi từ ngày 9 tháng 1 vừa qua:
“Tôi là người đầu tiên bước vào căn nhà ấy. Thấy có người bước vào là họ nhỏm dậy, vừa cất tiếng chào cái là khóc luôn. Chỉ biết ôm nhau khóc mà không thể nói gì cả.”
“ Lúc trước, cách đây một năm,khi chúng tôi đến thì lúc đó chưa có gì cả. Và lúc này bước vào thì cả một gian nhà trống chỉ có bàn thờ ở đó. Cứ nói đến là khóc. Khi gặp những người mẹ của những đứa con bị bắt, bắt cả hai vợ chồng, nhà toàn bọn trẻ con phải gởi về chỗ ông bà. Những người nông dân ấy, họ không hiểu Pháp Luật lắm đâu, họ chỉ nói câu là “các bác làm thế nào để các cháu sớm trở về”. Lúc ấy mình chỉ khóc vậy thôi”.
Nhóm của tiến sĩ Nguyễn Quang A không phải là những người đầu tiên đến viếng Đồng Tâm. Theo bà Đặng Bích Phượng, trước đó đã có ít người, bằng cách này cách khác, lọt được vào thôn Hoành để nghe ngóng tình hình rồi chia sẻ trên cộng đồng mạng:
“Cứ lác đác thỉnh thoảng từng tốp nhỏ thì họ không thể nào ngăn chặn được. Có linh mục Nguyễn Nam Phong này, và trước đó có một chị nick trên Facebook là Lã Minh Luận. Hai chị em đến mà gần như trong tình trạng như là đột kích, vào chớp nhoáng xong rồi về chớp nhoáng bởi nếu ở lâu thì rất có thể là đám an ninh có thể giả dạng côn đồ đến gây sự”.
Đường dây viễn liên của RFA không thể nối kết vào máy của Facebooker Lã Minh Luận.
Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong cho hay ít nhất trước ông đã có một người đến thôn Hoành rồi.
Vẫn theo lời ông, đối với rất nhiều người mà ông gặp ở Đồng Tâm thì những phát súng vang động giữa đêm, cái chết tức tưởi của cụ Kình và 23 người dân bị bắt đi vẫn còn nguyên vẹn một cú sốc lớn:
“Tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình vào xem người ta nói có đúng không. Trước mắt vì tò mò muốn biết sự thật, thứ hai vào để chia sẻ cùng bà con trong đó, đặc biệt có 4 người công giáo cũng bị bắt. Cái chính yếu là còn hơn 20 người bị bắt và đang bị xét về tội giết người. Mình cũng sợ nhưng cái sợ không ngăn được mình phải đi tìm sự thậtt, điều đó quan trọng hơn”.
“Thực ra thì bà con ở đó họ sợ lắm, mình vào nhà thờ giáo xứ gặp cha thì cha cũng không có nhà, mình cũng không quen ai trong đó. Sau khi được xác nhận là linh mục thì họ bắt đầu mới chia sẻ nhưng cũng trong sự dè dặt thôi”
“Tôi có đến gia đình cụ Kình để thắp hương cho cụ, sau đó tôi cũng đi về vì bà con nói mặc dù chính quyền không còn công khai canh giữ làng nhưng công an mật còn khắp trong làng”
Dù chỉ là một cuộc tiếp xúc chóng vánh, linh mục kể tiếp, ông vẫn cảm nhận được một điều sâu sắc là:
“Người dân cũng chẳng hiểu tại sao lại xảy ra chuyện như vậy, tại sao Nhà Nước lại hành động như vậy. Bởi vì đối với người Đồng Tâm thì xưa nay họ vẫn tin tưởng vào Nhà Nước, gặp ai họ cũng nói là họ tin tưởng vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng của ông Trọng nên là họ cứ phải nói là một sự ngây thơ chính trị. Cho đến hôm bị đánh úp như vậy thì họ ngỡ ngàng, họ không thể hiểu được việc Nhà Nước gây ra cho họ, đặc biết là việc đã giết ông cụ Kình. Đối với họ là cả cú sốc lớn!”.
Hệ thống tuyên truyền của Đảng và Chính phủ Hà Nội cho đến lúc này vẫn cáo buộc dân Đồng Tâm là một tập thể manh động, chống phá chính quyền.
Chính vì vậy, theo bà Đặng Bích Phượng, được gặp tận mặt những nạn nhân bị bạo hành ở Đồng Tâm rồi thì ước vọng duy nhất và lớn nhất của bà cùng những người quan tâm là xin các tổ chức xã hội dân sự, các mạng truyền thông lề trái tiếp tục lên tiếng để trong ngoài có thể minh oan cho những người bị bắt ở Đồng Tâm từ ngày 9 tháng Một đến giờ. Chỉ truyền thông đứng đắn và trung thực mới có thể cứu được Đồng Tâm, bà Đặng Bích Phượng kết luận.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/hearfull-people-and-dongtam-aftermath-02032020181117.html
Nghệ An: Tái phát dịch tả lợn châu Phi
Dịch tả lợn châu Phi đã trở lại các trại nuôi heo ở xã Diễn Kim, tỉnh Nghệ An vào dịp Tết vừa qua.Báo trong nước đưa số liệu thống kê cho thấy, đến ngày 4/2/2020 toàn xã Diễn Kim đã có 87 con lợn của 9/9 xóm bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy, trong đó có 23 lợn nái. Đợt dịch này xảy ra từ ngày 26/1/2020 khi người dân của xóm Đại Thành báo có lợn bị ốm chết.
Hiện xã Diễn Kim đã tiếp nhận 36 lít hóa chất của Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp và 2 tấn vôi bột do UBND huyện cấp để thực hiện việc phòng, chống dịch.
Theo ông Nguyễn Trong Bốn – Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Diễn Châu, đợt dịch tả lợn châu Phi lần này có thể do bà con chung nhau mua lợn về mổ thịt dịp Tết, không may mua phải con lợn bị nhiễm dịch nên đó là cơ hội cho dịch bùng phát.
Do lượng heo bị tiêu hủy quá lớn nên dịp Tết vừa qua Việt Nam phải nhập thịt heo. Bộ NN&PTNT trước Tết dự báo thiếu hụt khoảng 200 ngàn tấn.
Đợt dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện đầu tiên ở 4 tỉnh miền Bắc gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng và Thanh Hóa vào cuối tháng 2 năm 2019. Đến tháng 9 năm 2019, Việt Nam tuyên bố dịch bệnh này đã lây lan trên toàn lãnh thổ 63 tỉnh, thành của Việt Nam với khoảng 5 triệu 700 ngàn con heo bị tiêu hủy.
Dịch tả lợn châu Phi được phát hiện tại Nghệ An từ tháng 3/2019 và đến tháng 8 thì cơ bản được kiểm soát, với 123 trong số 174 ổ dịch công bố hết dịch. Tuy nhiên, từ đầu tháng 9/2019, dịch tái bùng phát và lây lan nhanh tại nhiều địa phương, số lượng lợn mắc dịch buộc phải tiêu hủy cao gấp nhiều lần đợt trước. Đến ngày 4/1/2020, trên địa bàn Nghệ An đã có 325 xã công bố hết dịch tả lợn châu Phi.
Theo Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), dịch tả lợn châu Phi có tên quốc tế là ASF xuất hiện lần đầu tại quốc gia Kenya, Châu Phi vào năm 1921. Đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/nghe-an-african-pig-cholera-recurrence-02042020091224.html
Việt Nam khẩn trương đối phó dịch cúm gia cầm H5N1
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam vừa gửi công điện khẩn chỉ đạo các tỉnh thành đối mặt với dịch cúm gia cầm H5N1 có nguy cơ lây lan từ Trung Quốc.Báo trong nước loan tin ngày 4/2, cho biết thêm Trung Quốc vừa công bố dịch cúm gia cầm H5N1 bùng phát ở tỉnh Hồ Nam gần biên giới Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y thuộc Bộ NN&PTNT, nguy cơ dịch bệnh lây lan giữa các nước là rất cao.
Tin cũng cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam có 1 ổ dịch cúm gia cầm H5N6 chưa qua 30 ngày ở tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên ổ dịch đã được kiểm soát, tiêu hủy 3.000 con gà mắc bệnh vào ngày 27/1 và không phát sinh gì thêm tính đến nay.
Tuy vậy, dịch bệnh vẫn có thể xảy ra trong thời gian tới với khả năng lây lan rất cao do nhiều nguyên nhân gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt khi dịch bệnh do virus corona đang phát triển mạnh mẽ.
Trong công điện khẩn Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường gửi tới Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, ông Cường yêu cầu sở NN&PTNT tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động xét nghiệm và tổ chức tiêm vacxin ngừa bệnh cúm gia cầm.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cũng cần tổ chức ngăn chặn và phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật và sản phẩm động vật, nhất là vận chuyển trái phép gia cầm và các sản phẩm gia cầm từ nước ngoài vào Việt Nam.
Kể từ đầu tháng 2, các tỉnh, thành cần tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng có nguy cơ nhiễm dịch cao.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-urgently-responds-to-h5n1-02042020081404.html
26 tổ chức NGO kêu gọi EP hoãn phê chuẩn EVFTA
26 tổ chức phi chính phủ (NGO) vừa ký chung một lá thư kiến nghị, kêu gọi Nghị viên châu Âu (EP) hoãn phê chuẩn thoả thuận thương mại tham vọng nhất giữa châu Âu và Việt Nam. Dự kiến, phiên họp phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do châu Âu – Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định bảo vệ đầu tư (IPA) sẽ diễn ra vào ngày 11/2.Trong lá thư công bố ngày 4/2, 26 tổ chức – bao gồm tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (HRW) – nói rằng việc đa số nghị viên trong Ủy ban Thương mại Quốc tế (INTA) đã bỏ phiếu ủng hộ thông qua thoả thuận vào ngày 21/1 vừa qua là một điều “đáng tiếc” vì nó đi ngược lại với quan điểm của Ủy ban Đối ngoại (AFET) của Nghị viện châu Âu và “làm ngơ” với các cam kết đã được lặp đi lặp lại trong vấn đề bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam.
Các tổ chức trên cho rằng phiên họp ngày 11/2 sắp tới là một cơ hội để các nghị viên châu Âu “sửa chữa sai lầm”.
Được chính thức khởi động đàm phán từ năm 2012, EVFTA được xem là thoả thuận thương mại “tham vọng nhất” giữa châu Âu và Việt Nam. Nếu các thủ tục hoàn tất và chính thức có hiệu lực, hiệp định
ước tính sẽ giúp cho GDP của Việt Nam tăng thêm 4,6% và xuất khẩu sang EU tăng thêm 42,7% vào năm 2025, theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam. Ngược lại, GDP của EU cũng sẽ hưởng lợi thêm 29,5 tỷ USD và xuất khẩu sang Việt Nam tăng 29% vào năm 2035.
Để được thông qua EVFTA, ngoài cam kết bảo đảm một môi trường kinh doanh và pháp lý ổn định, tuân thủ những quy định cụ thể về thuế quan, mở cửa thị trường…, Việt Nam cũng phải cam kết cải thiện nhân quyền và thực thi các điều khoản cụ thể trong việc bảo vệ nhân quyền và quyền lợi của người lao động.
Trong thư kiến nghị, 26 tổ chức phi chính phủ cho rằng Việt Nam cho tới nay chưa thực hiện yêu cầu cải thiện nhân quyền mà các nghị sĩ châu Âu đã đề ra.
Các tổ chức này kêu gọi Nghị viên châu Âu tiếp tục đòi hỏi Việt Nam phải công bố lộ trình về cam kết cải cách Bộ Luật Hình sự, vì bộ luật khắc nghiệt này đã được nhà nước Việt Nam sử dụng để “hình sự hoá” việc chỉ trích chính quyền và bắt bớ, giam cầm những người bất đồng chính kiến.
Các tổ chức cũng yêu cầu các nghị viên đòi hỏi Hà Nội phải thả các tù nhân chính trị, trong đó có nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng và nhiều “tù nhân lương tâm” đang bị giam giữ khác; đưa ra cột mốc thời gian cụ thể về việc phê chuẩn Công ước ILO số 87 (về tự do thành lập công đoàn, bảo vệ quyền lợi của người lao động và nhân quyền) trong năm 2021; thành lập cơ chế giám sát và khiếu nại độc lập cho những người bị tổn hại trong trường hợp các cam kết trên bị vi phạm.
Trước đó, hôm 28/1, Việt Nam đã cử Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh sang Bỉ để tham dự một hội nghị cấp cao của Nghị viện châu Âu về EVFTA/EVIPA.
Tại đây, đại diện của Việt Nam đã có bài phát biểu nhấn mạnh đến lợi ích của hiệp định và những nỗ lực của Việt Nam trong việc chuẩn bị thực thi hiệp định.
Theo trang tin của Bộ Công Thương Việt Nam, “bối cảnh” hội nghị lần này “tương đối thuận lợi” nhờ việc INTA bỏ phiếu ủng hộ thông qua hiệp định vào ngày 21/1.
Vẫn theo bộ này, hội nghị ngày 28/1 được tổ chức theo sáng kiến của INTA “nhằm thúc đẩy sự đồng thuận cao hơn đối với việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA” trước khi hai hiệp định này được đưa ra bỏ phiếu trong phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu vào tuần tới.
https://www.voatiengviet.com/a/t%E1%BB%95-ch%E1%BB%A9c-ngo-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-ep-ho%C3%A3n-ph%C3%AA-chu%E1%BA%A9n-evfta/5273232.html
Vi khuẩn Vũ Hán
Phạt tiền người đăng video hàng trăm người
Trung Quốc vào Việt Nam qua biên giới
Facebooker đăng video chiếu cảnh hàng dài người Trung Quốc xếp hàng trước cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn để vào Việt Nam, vừa bị phạt tiền hơn 12 triệu đồng.Ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn hôm 3/2 nói với báo chí trong nước rằng: “Thông tin ùn ùn người Trung Quốc nhập cảnh qua cửa khẩu Hữu Nghị là sai sự thật”.
Trước đó, hôm 2/2, Facebooker Them Ly đăng trên tài khoản Facebook cá nhân của mình 2 đoạn video ngắn cho thấy hàng dài người Trung Quốc đeo khẩu trang đang chờ nhập cảnh vào Việt Nam ở cửa khẩu Hữu Nghị.
Báo chí trong nước sau đó đồng loạt đưa tin khoảng 500 người Trung Quốc tập trung về cửa khẩu này để xin nhập cảnh vào Việt Nam. Ông Phạm Ngọc Thưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn được báo chí trong nước trích lời cho biết: “Gần 500 người Trung Quốc được chúng tôi vận động, thuyết phục quay trở về đất nước để tránh dịch bệnh lây lan. Với những người vẫn tiếp tục qua Việt Nam, chúng tôi sẽ yêu cầu kiểm tra y tế cũng như thực hiện việc cách ly 14 ngày theo quy định”.
Ông Thưởng cũng cho biết giới chức địa phương đã vận động những người Trung Quốc quay về, không vào Việt Nam và nhiều người đã nghe theo.
Trong trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, ông Nguyễn Công Trưởng nói rằng: “Qua xác minh thông tin thì đây là hình ảnh ở bên phía nước bạn và số khách này chưa nhập cảnh vào Việt Nam. Việc đăng thông tin sai sự thật như vậy gây hoang mang dư luận. Chúng tôi đã giao lực lượng công an triệu tập đối tượng và yêu cầu gỡ thông tin sai sự thật. Đối tượng đã bị xử phạt vi phạm hành chính hơn 12 triệu đồng”.
Giới chức tỉnh Lạng Sơn hôm 3/2 cho biết tạm thời chưa cho phép nhập cảnh từ Trung Quốc vào Việt Nam và đã dừng toàn bộ việc xuất nhập cảnh ở tất cả cửa khẩu phụ, đóng đường mòn lối mở.
Hôm 2/2, sau khi video ở cửa khẩu được nhiều người chia sẻ và được báo chí đăng tin, Facebooker Them Ly đã rút video khỏi trang cá nhân đồng thời khẳng định: “2 video của mình đăng sáng nay là đúng sự thật tuy nhiên nó là ở bên cửa khẩu Trung Quốc, chứ không phải ở bên cửa khẩu Việt Nam. Mình đăng bài đã không giải thích rõ ràng gây cho các bạn hiểu nhầm và hoang mang trong dư luận”.
Công an Việt Nam trong những tuần qua đã gia tăng việc theo dõi, mời làm việc và xử lý nhiều trường hợp Facebooker đưa tin về dịch viêm phổi cấp do virus Corona gây ra. Các Facebooker này thường phải nộp phạt và phải rút các bài, video đã đăng tải vì bị chính quyền xác định là không đúng sự thật, gây hoang mang trong người dân.
Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây đã ban hành công văn khuyến cáo báo chí không đưa tin giật gân làm hoang mang dư luận xã hội và ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại với các nước.
Dịch viêm phổi cấp xuất phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, hiện đã lan ra nhiều nước. Thống kê tính đến ngày 3/2, toàn thế giới đã có hơn 17 ngàn ca mắc bệnh và hơn 300 người tử vong, phần đông là ở Trung Quốc. Một số nước đã hạn chế thậm chí ngừng cấp visa cho khách Trung Quốc, ngừng các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc. Một số quốc gia láng giềng với Trung Quốc đã đóng cửa biên giới vì sợ virus lây lan.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/facebooker-fined-for-video-post-about-chinese-entering-vn-amid-fear-of-coronavirus-02032020115841.html
Coronavirus khiến các bệnh viện Việt Nam
thiếu máu trầm trọng
Tin Vietnam.- Trang Zing ngày 2 tháng 2 năm 2020 loan tin, bác sĩ Phạm Tuấn Dương, Phó viện trưởng viện Huyết học- Truyền máu Trung ương cho biết, dịch coronavirus đang làm cho nguy cơ thiếu nguồn cung cấp máu tại các bệnh viện trở nên trầm trọng vì ít người hiến máu.Theo ông Dương, tính đến ngày 1 tháng 2, lượng máu dự trữ của Viện này chỉ còn hơn 6,700 đơn vị máu. Trong khi dự trù máu của các bệnh viện mỗi ngày lên tới 1,500 đơn vị. Tình trạng này trở nên căng thẳng hơn khi trong 10 ngày từ 29 tháng chạp đến ngày 8 tháng giêng âm lịch, Viện chỉ tiếp nhận được 226 đơn vị máu. Ông Dương bày tỏ lo ngại khi khối hồng cầu, tiểu cầu là các chế phẩm bị thiếu hụt trầm trọng nhất, và dự báo tình trạng này sẽ kéo dài nhiều tuần khiến việc cung cấp máu cho 170 bệnh viện tại 25 tỉnh, thành phố mà Viện phải đảm nhiệm cung cấp máu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tại Sài Gòn, lãnh đạo bệnh viện Truyền máu Huyết học cho biết, lượng máu dự trữ của bệnh viện vào sáng ngày 1 tháng 2 chỉ còn 4,000 đơn vị, trong khi nhu cần của bệnh viện mỗi ngày là 800 đến 1,000 đơn vị máu.
Theo lời bác sĩ Dương thì nhiều lịch hiến máu được lên kế hoạch trước nhưng nay đã bị các đơn vị từ chối, trì hoãn vì lo ngại ảnh hưởng của dịch bệnh. Vì vậy, lượng máu dự trù tiếp nhận trong những ngày tới đây có thể chỉ được vài chục đến vài trăm đơn vị máu mỗi ngày. Đây là con số quá ít so với nhu cầu của các bệnh viện ở Sài Gòn và Hà Nội là 2,500 đến 3,000 đơn vị máu, đó là chưa nói những địa phương khác.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/coronavirus-khien-cac-benh-vien-viet-nam-thieu-mau-tram-trong/
Dừng tàu khách liên vận quốc tế Việt – Trung
Khôi MinhPhía Trung Quốc đã thống nhất dừng đôi tàu khách liên vận quốc tế Gia Lâm – Nam Ninh – Bắc Kinh giữa Việt Nam – Trung Quốc trong thời gian dịch bệnh do virus corona (nCoV) gây ra.
Mời Quý vị nghe bài viết qua Audio:
Trên báo VnExpress, sáng 3/2, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, phía Trung Quốc đã thống nhất dừng đôi tàu khách liên vận quốc tế giữa 2 nước (Việt Nam và Trung Quốc) trong thời gian dịch nCoV. Ngành đường sắt sẽ thông báo và chuyên chở số hành khách đã đặt chỗ trong 1-2 ngày tới, sau đó dừng hoạt động.
Công ty CP Vận tải hành khách Hà Nội đã bán ra 36 vé cho hành khách, tàu khởi hành lúc 21h20 tối qua (3/2) tại ga Gia Lâm đi Nam Ninh. Tuy nhiên, đơn vị này đã ngừng bán vé cho các chuyến tàu liên vận sau đó.
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, ông Trần Thiện Cảnh, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, chiều 2/2 doanh nghiệp này đã báo cáo lên Bộ GTVT và Cục Đường sắt Việt Nam xin ý kiến chỉ đạo về hoạt động của tàu khách liên vận giữa Việt Nam và Trung Quốc.
“Hiện chúng tôi đang chờ ý kiến chỉ đạo của Cục Đường sắt báo cáo bộ. Nếu dịch nghiêm trọng phải xin dừng chạy tàu vì hành khách và nhân viên trên tàu cũng lo lắng”, ông Cảnh cho biết.
Đôi tàu khách liên vận quốc tế MR1/2 Gia Lâm – Nam Ninh chạy hàng ngày, khởi hành tại ga Gia Lâm lúc 21h20 (giờ Hà Nội) và đến Nam Ninh (Trung Quốc) lúc 10h sáng hôm sau.
Vào thứ Ba và thứ Sáu hàng tuần, đoàn tàu này được nối thêm toa dành riêng cho hành khách đến Bắc Kinh. Khi đến ga Nam Ninh, toa khách được nối với tàu khách của Trung Quốc để chạy đến ga Bắc Kinh lúc 9h48 (giờ Bắc Kinh) ngày hôm sau. Mỗi ngày, bình quân đoàn tàu chở 130 hành khách.
https://www.dkn.tv/thoi-su/dung-tau-khach-lien-van-quoc-te-viet-trung.html
Cộng Sản Việt Nam rà soát lao động
từ Trung Cộng để phòng bệnh Coronavirus
Tin từ Hà Nội: Bộ công thương cộng sản Việt Nam đã đề nghị nhà cầm quyền các địa phương rà soát số lượng người lao động đến từ Trung Cộng trong một nỗ lực nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp do virus corona gây ra.Theo đó, các sở công thương và sở lao động-thương binh và xã hội cần khẩn cấp rà soát, thống kê số lượng lao động, chuyên gia Trung Cộng làm việc tại các cơ sở công nghiệp, năng lượng, thương mại trên địa bàn tỉnh/thành phố đã về các vùng có dịch ở Trung Cộng nghỉ Tết và chưa trở lại Việt Nam. Bộ công thương cộng sản cũng yêu cầu các công ty có sử dụng lao động và chuyên gia Trung Cộng mà chưa trở lại làm việc đánh giá mức độ ảnh hưởng tới hoạt động của đơn vị. Nhiều báo chí cho biết có hàng nghìn người Hoa Lục đang chờ làm thủ tục ở cửa nhập cảnh Hữu Nghị Quan trong ngày 03/2. Nha Trang, Quảng Ninh, Đà Nẵng và một số nơi khác có nhiều người Trung Cộng đến du lịch/chạy trốn khỏi viêm đường hô hấp và cần được giám sát và theo dõi liên tục.
Theo một số nguồn tin, lượng người Trung Cộng vào Việt Nam lên đến gần 1 triệu người trong dịp tết Nguyên đán và phần đông trong số họ không muốn quay trở lại vì sợ bị lây nhiễm.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/cong-san-viet-nam-ra-soat-lao-dong-tu-trung-cong-de-phong-benh-coronavirus/
Virus corona: Hà Nội
cách ly 950 người Việt Nam về từ Trung Quốc
Trọng ThànhTrong chiến dịch ngăn chặn dịch virus corona mới (2019-nCoV) từ Trung Quốc tràn sang, Quân đội Việt Nam được giao nhiệm vụ đón và cách ly các công dân trở về từ nước láng giềng phía bắc, tại một số địa điểm trong vùng thủ đô Hà Nội. Hôm qua, 03/02/2020, đại diện bộ Tư Lệnh Thủ Đô chính thức thông báo kế hoạch tiếp nhận 950 người.
Theo báo chí trong nước, 950 người trở về nước sẽ được tiếp đón tại hai doanh trại quân đội tại Sơn Tây và Xuân Mai, và sống cách ly trong vòng ít nhất 14 ngày. Chính quyền Việt Nam không thông báo cụ thể khi nào 950 công dân nói trên sẽ về nước, nhưng cho biết họ sẽ trở về qua hai sân bay Nội Bài (Hà Nội) và Vân Đồn (Quảng Ninh). Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới của thành phố Hà Nội, đại tá Nguyễn Viết Thắng, chủ nhiệm Quân y Bộ Tư Lệnh Thủ đô cho biết sẽ phối hợp với sở Y Tế Hà Nội để theo dõi những người được cách ly.
Trong một cuộc họp của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh cấp quốc gia hôm qua, một lãnh đạo bộ Quốc Phòng cho biết thêm, Quân đội hiện đã tổ chức cách ly 200 người Việt Nam trở về từ Trung Quốc. Họ được ‘‘bố trí nơi ăn, chốn ở trong doanh trại và sinh hoạt theo tiêu chuẩn của quân đội”. Cũng ngày
hôm qua, chính phủ Việt Nam thông báo ”cách ly phòng chống dịch đối với toàn bộ người nhập cảnh, kể cả người nước ngoài, đến từ hoặc đi qua” Trung Quốc trong vòng 14 ngày qua.
Chiều hôm qua, Việt Nam ghi nhận trường hợp nhiễm virus corona mới thứ 10. Bệnh nhân sống tại tỉnh Vĩnh Phúc, có người nhà trở về nước từ vùng tâm dịch Vũ Hán, Trung Quốc, hôm 17/01.
Đọc thêm: Virus corona: Việt Nam sẽ bị nặng nhất, sau Trung Quốc ?
Tính cho đến sáng hôm nay 04/02, tổng cộng đã có 55 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (trên tổng số 63 tỉnh thành) thông báo cho học sinh nghỉ học để phòng dịch, từ hai ngày đến một tuần lễ, tùy theo địa phương. Ngày 02/02, chính phủ Việt Nam thông báo mỗi địa phương tùy theo tình hình cụ thể quyết định cho học sinh nghỉ học hay không. Trước đó, ngày 01/02, chính phủ công bố dịch tại ba tỉnh Khánh Hòa, Vĩnh Phúc và Thanh Hóa, học sinh các cấp tại ba tỉnh nói trên nghỉ học để tránh dịch cho đến khi có quyết định mới.
http://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200204-virus-corona-h%C3%A0-n%E1%BB%99i-c%C3%A1ch-ly-950-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-vi%E1%BB%87t-nam-v%E1%BB%81-t%E1%BB%AB-trung-qu%E1%BB%91c
Việt Nam có ca nhiễm nCoV thứ 10,
lây từ người sang người
Bộ Y tế Việt Nam trưa ngày 4-2-2020 cho biết Việt Nam ghi nhận bệnh nhân thứ 10 nhiễm virus corona chủng mới. Trường hợp này được xác định lây nhiễm từ nữ công nhân trong đoàn 8 người trở về từ Vũ Hán.Truyền thông trong nước loan tin bệnh nhân sống tại tỉnh Vĩnh Phúc, là người nhà của nữ bệnh nhân 23 tuổi – thành viên của đoàn công nhân 8 người (5 người dương tính nCoV) đi tập huấn ở Vũ Hán, Trung Quốc trong 2 tháng và về nước hôm 17-1.
Đây là trường hợp lây từ người sang người thứ ba ở Việt Nam, hai trường hợp trước đó là Li Zhiao lây từ người cha Li Ding khi hai người gặp nhau ở Nha Trang và nữ lễ tân khách sạn ở Nha Trang lây từ hai người Trung Quốc.
Cũng theo tin từ trong nước thì Quân đội Việt Nam được giao nhiệm vụ cách ly 950 người Việt Nam trở về từ Trung Quốc. Cụ thể 950 người thuộc diện này sẽ phải cách ly tại hai doanh trại quân đội ở ngoại thành Hà Nội trong thời gian ít nhất là 14 ngày.
Tin không nói rõ số 950 người này khi nào sẽ về đến Việt Nam. Tin chỉ cho hay họ sẽ được đưa về Sân bay Nội Bài ở Hà Nội và Vân Đồn ở Quảng Ninh.
Chiều nay, Đại tá Lê Văn Bền, Chính Ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn, giáp biên với Trung Quốc ở phía bắc, cho Báo Giao Thông trong nước biết là đơn vị này đã tiếp nhận, cách ly 145 công dân Việt Nam trở về từ biên giới Trung Quốc. Số này được nói là người đi lao động, làm thuê, sinh sống ở Trung Quốc vừa được cơ quan chức năng Hoa Lục giao về lại Việt Nam.
Tại huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, cũng ở phía bắc, có hơn 30 trẻ phải cách ly vì sốt, ho khi tiếp xúc với bố, mẹ lao động từ Trung Quốc trở về.
Cũng tin liên quan, tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn tính đến sáng ngày 4 tháng 2 có hơn 260 container hàng nông sản Việt Nam bị ách lại do phía Trung Quốc ngừng thông quan kể từ ngày 31 tháng 1 vì dịch virus corona đang hoành hành hiện nay.
Đài Tiếng Nói Việt Nam loan tin cho biết nhiều chuyến xe chở thanh long vẫn được tiếp tục đưa lên cửa khẩu, trung bình mỗi ngày từ 15 đến 20 xe. Nguyên nhân được nói vì người dân không nắm bắt thông tin hoặc đang trên đường nên tiếp tục hành trình.
Tính đến ngày 4 tháng 2, có 56 tỉnh, thành phố tại Việt Nam quyết định cho học sinh nghỉ học vì dịch virus corona đang lây lan nhanh chóng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-reports-the-tenth-case-of-coronavirus-02042020074404.html
Dịch bệnh coronavirus: Dân vẫn chưa tin 100%
các biện pháp phòng, chống của Chính phủ
Công bố dịch và triển khai hàng loạt biện phápPhó Giáo sư Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm đáp ứng dịch khẩn cấp, thuộc Bộ Y tế, được truyền thông trong nước dẫn lời sau hai ngày Việt Nam công bố dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra, rằng đây là lần đầu tiên lãnh đạo Chính phủ Hà Nội công bố dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra ở Việt Nam và việc công bố dịch nhằm để áp dụng các biện pháp phòng, chống cần thiết; trong đó có những biện pháp bắt buộc với cả chính phủ và người dân theo luật định.
Đài RFA ghi nhận một trong những biện pháp mà Chính phủ Việt Nam đưa ra là sẵn sàng vận hành các bệnh viện cách ly đặc biệt chống virus corona qua việc thành lập bệnh viện cách ly đặc biệt tại thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh với quy mô 500 giường bệnh cùng các thiết bị y tế tốt nhất.
Tại thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), nơi tiếp nhận và điều trị hai ca nhiễm bệnh virus corona đầu tiên, báo giới quốc nội vào ngày 3/2 dẫn lời của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu Chính quyền thành phố lên kế hoạch xây dựng bệnh viện dã chiến để đối phó trong trường hợp người mắc bệnh tăng cao.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cũng được báo giới dẫn lời rằng Việt Nam tính đến chiều ngày 3/2 có 8 trường hợp bị nhiễm virus corona và Việt Nam có biên giới với Trung Quốc khá dài nên được xếp vào nhóm có nguy cơ cao.
Phản ánh của người dân
Ông Nguyễn Văn Khánh, một cư dân ở Hà Nội vào tối ngày 3/2 nêu lên ghi nhận của ông với RFA về sự phản ứng trong ứng phó với dịch bệnh virus corona của Chính phủ Việt Nam:
“Chúng tôi ghi nhận một sự tiến bộ rất lớn trong đợt dịch này của Bộ Y tế. Trước hết là họ cung cấp thông tin qua zalo và họ thiết lập đường dây nóng. Tôi có gọi đến mấy lần nhưng cũng chưa kết nối được, có thể họ nại lý do là quá tải. Nói chung, mặc dù ghi nhận Bộ Y tế và Chính phủ cũng rất quan tâm và có cách giải quyết để người dân bớt hoang mang nhưng độ tin cậy rất thấp.”
Chúng tôi ghi nhận một sự tiến bộ rất lớn trong đợt dịch này của Bộ Y tế. Trước hết là họ cung cấp thông tin qua zalo và họ thiết lập đường dây nóng. Tôi có gọi đến mấy lần nhưng cũng chưa kết nối được, có thể họ nại lý do là quá tải. Nói chung, mặc dù ghi nhận Bộ Y tế và Chính phủ cũng rất quan tâm và có cách giải quyết để người dân bớt hoang mang nhưng độ tin cậy rất thấp
-Ông Nguyễn Văn Khánh
Ông Nguyễn Văn Khánh lý giải về sự tin cậy của người dân không được cao là do:
“Tôi khẳng định một điều là hoàn toàn lo lắng. Trước hết là lượng du khách người Trung Quốc hiện nay đang ở lại Việt Nam rất nhiều. Thứ hai nữa, chúng tôi nhận thấy chính phủ đưa ra những biện pháp rất chậm chạp, dường như là họ vừa đưa ra và vừa nghe ngóng. Chẳng hạn như có rất nhiều biện pháp khác nhau có thể chế tài mạnh hơn nhưng họ không làm được. Ví dụ như trường hợp 400 công dân Trung Quốc đang có mặt ở cửa khẩu Hữu Nghị mà chính quyền lại đưa ra giải pháp là vận động và thuyết phục. Như thế là không đúng vì cần phải có chế tài để bảo vệ công dân Việt Nam. Do đó không cho họ nhập cảnh là hoàn toàn có thể trong tầm tay.”
Từng làm việc trong một cơ quan báo chí nhà nước, ông Nguyễn Văn Khánh theo dõi sát sao các thông tin liên quan công tác ứng phó với dịch bệnh virus corona của Chính phủ Việt Nam, ông Nguyễn Văn Khánh nhấn mạnh người dân không được trấn an bởi do thông tin thì nhiều, nhưng trong thực tế không được song hành. Ông Nguyễn Văn Khánh đưa ra một ví dụ:
“Như hôm nay nói rằng là đã chữa khỏi cho một bệnh nhân ở Thanh Hóa. Tôi có gọi điện cho ông Nguyễn Đình Xứng, là ông Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa thì ông trả lời là hiện nay ông chưa nắm được thông tin chuyện đấy.”
Cô Phượng, hiện đang sinh sống ở Sài Gòn vào tối ngày 3/2 chia sẻ với RFA rằng trong mấy ngày nghỉ Tết Canh Tý, cô nhận được tin một người quen biết ở Kiên Giang được bác sĩ thông báo bị nhiễm virus corona. Tuy nhiên, cô Phượng không thấy trường hợp này được ghi nhận và thông báo đến công chúng. Cô Phượng nói:
“Không dám nói ra hoặc tiết lộ thông tin đó ra ngoài vì không biết trước sau có việc gì xảy ra với mình hay không như bị xử lý hành chính, bị cho là tung tin đồn nhảm hay hông…Do đó, bây giờ mọi người biết gì thì chỉ thông tin nội bộ tức là trong nhóm nhỏ với nhau, trong bạn bè hoặc người thân. Hôm nay thêm thông tin nữa là TP.HCM chuẩn bị dựng bệnh viện khẩn cấp để cách ly dịch corona. Vậy thì thông tin chính xác bao nhiêu người đang mắc phải thì người dân hoàn toàn không biết”
Không chỉ ông Nguyễn Văn Khánh hay cô Phượng mà không ít người dân tại Việt Nam bày tỏ với RFA rằng tình trạng người Trung Quốc đến và đi lại trong Việt Nam hàng ngày qua cả đường bộ và đường sắt, kể cả các chuyến bay sẽ có nhiều nguy cơ tiềm ẩn bùng phát dịch bệnh rất nhanh và càng lan rộng hơn nữa.
Làm sao tự phòng, chống dịch bệnh?
Theo ghi nhận của ông Nguyễn Văn Khánh thì người dân Hà Nội rất ý thức trong việc bảo vệ bản thân và cộng đồng trong dịch bệnh virus corona đang xảy ra:
“Trong mấy ngày hôm nay ra đường, trước hết tôi thấy họ đều sử dụng khẩu trang và họ rất hạn chế đi lại, tụ tập nơi đông người hay ở chợ búa…Tôi có một số người bạn mở cửa hàng thuốc cũng có nói rằng người dân đến mua một số các loại các dung dịch xịt, rửa dùng trong y tế để giữ gìn sức khỏe.”
Báo VNExpress Online vào ngày 3/2 dẫn lời của Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, thuộc Sở Y tế TP.HCM cho biết rằng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa có khuyến cáo nên trước mắt người dân vẫn thực hiện các biện pháp của Bộ Y tế như mang khẩu trang, giữ vệ sinh và truyền thông.
Về nguyên tắc vĩ mô trong phòng, chống dịch là phải khoanh vùng và dập dịch, không để lây lan ra. Đầu tiên là phải đóng cửa biên giới, không cho những con bệnh mới hoặc người có nguy cơ nhiễm mới đi vào và truyền sang trong đất nước mình. Thứ hai ở cấp độ các tỉnh, nơi nào có dịch là phải khoanh vùng lại và điều tra ai có nguy cơ thì tập kết lại để khoanh lại, không cho phát tán ra nữa
-Bác sĩ Lê Văn Dũng
Thế nhưng, cô Phượng cho rằng bản thân cô cũng như bè bạn, người thân mong muốn những thông tin mà Bộ Y tế hay Chính phủ đưa ra cần phải chi tiết hơn để giúp cho người dân phòng, chống dịch bệnh:
“Bây giờ cần có những cảnh báo như phải đeo khẩu trang và dùng xong một lần là phải vứt hay dùng khẩu trang giặt đi giặt lại được thì phải giặt với nước nóng…Phải chi tiết cụ thể thì tốt hơn. Và cần có những con số thực tế ở các vùng để biết xung quanh mình có hay không. Tôi thấy như vậy là cần thiết. Ví dụ như mọi người cần khai báo đã đi đâu trong dịp tết vừa rồi và phải xác thực phòng khi có một trường hợp nào xảy ra gần tại khu vực mình qua thông báo phường đó, quận đó…có người dương tính với virus corona thì để khoanh vùng lại.”
Bác sĩ Lê Văn Dũng, từng làm việc trong Viện Y tế Dự phòng cho RFA biết theo kinh nghiệm làm việc của ông trong phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam thì:
“Về nguyên tắc vĩ mô trong phòng, chống dịch là phải khoanh vùng và dập dịch, không để lây lan ra. Đầu tiên là phải đóng cửa biên giới, không cho những con bệnh mới hoặc người có nguy cơ nhiễm mới đi vào và truyền sang trong đất nước mình. Thứ hai ở cấp độ các tỉnh, nơi nào có dịch là phải khoanh vùng lại và điều tra ai có nguy cơ thì tập kết lại để khoanh lại, không cho phát tán ra nữa.”
Còn về phía người dân lẫn ở mức độ các cơ sở cộng đồng, Bác sĩ Lê Văn Dũng cho rằng cần phải phun, xịt dung dịch Cloramine B 10%-20% và cần rửa tay với dung dịch này. Thêm vào đó, cần đặt các đèn UV diệt khuẩn để tiêu diệt các loại virus có thể phát tán.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-announced-coronavirus-disease-what-people-says-about-government-solutions-02032020145721.html
Virus corona: Nông gia Việt khóc ròng
vì hàng ùn ứ tại biên giới
Dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới đã khiến nông sản Việt gặp khó. Trong khi đó, những giải pháp ‘giải cứu’ xem ra chưa thể hiệu quả ngay.Nông sản, thủy sản là nhóm hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam sang Trung Quốc, luôn chiếm tỉ trọng khoảng 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.
Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ nông, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản mỗi năm.
Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 41,41 tỷ USD. Trong đó, những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn là thuỷ sản (1,23 tỷ USD), nông sản (2,429 tỷ USD), hạt điều (590 triệu USD), cà phê (101 triệu USD)… , theo báo Đầu tư.
Vì sao nông sản VN nhận ‘quả đắng’ từ thị trường TQ?
Xuất nông sản VN sang EU và cơ hội khép dần lại
Hụt nhân lực khiến VN khó tận dụng cơ hội từ cuộc thương chiến
Mỹ mua đèn Giáng sinh Trung Quốc “made in Vietnam”
Nhưng nay, do sự bùng phát của virus corona, nhu cầu tiêu thụ một số hàng nông sản tại Trung Quốc đã chững lại.
Mới đây, Ủy ban hiệp điều mậu dịch kinh tế đối ngoại thị Bằng Tường (Trung Quốc) thông báo về việc đóng cửa giao dịch mua bán tại các cặp chợ thuộc địa bàn thị Bằng Tường từ ngày 31/1/2020 đến hết ngày 8/2/2020, và sẽ mở cửa vào ngày 9/2/2020 (trừ cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Quan mở cửa vào ngày 3/2/2020), với lý do đảm bảo công tác phòng chống dịch cúm corona.
Hơn thế, việc vận chuyển giao nhận hàng hóa giữa các tỉnh, thành của Trung Quốc cũng hết sức khó khăn do việc thắt chặt kiểm soát nhằm thực hiện công tác chống dịch.
Nhu cầu giảm cộng với việc đóng cửa giao dịch đã đẩy nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam đang vào vụ gặp khó, nhất là khi nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam hiện nay chỉ có thể xuất khẩu qua cửa khẩu phụ.
Một số doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu nông sản từ Việt Nam cung cấp cho TP Vũ Hán buộc phải hủy đơn hàng do ảnh hưởng của dịch bệnh virus corona.
Tại Long An, đợt thu hoạch thanh long đúng vào dịp các cửa khẩu với Trung Quốc tạm đóng cửa, khiến giá thanh long giảm chỉ còn khoảng 4.000 – 5.000 đồng/kg.
Trong khi đó, riêng đợt thu hoạch thanh long ruột đỏ chính vụ tại Long An và Tiền Giang từ nay tới đầu tháng 3 sẽ thu hoạch hơn 80.000 tấn, báo Tuổi trẻ dẫn thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương.
Tại Bình Thuận, gần 100.000 tấn cũng trong thời kỳ thu hoạch.
Ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, trong cuộc họp của Bộ NN&PTNT hôm 3/2, cho biết rằng, “hiện vẫn còn 333 xe chở nông sản đang chờ thông quan, trong đó có 190 xe trái thanh long, trọng lượng trên 5.300 tấn. Điều đáng nói, thanh long vẫn đang tiếp tục được đưa lên, bình quân mỗi ngày 20-30 xe container” .
Đã có hàng trăm container trái cây khác, nhất là thanh long, vận chuyển sang Trung Quốc đã phải quay đầu trở về. Một số kêu gọi ‘giải cứu’ và chấp nhận bán tháo tại Hà Nội.
Tập đoàn Hồng Thái Dương từng nhập 40% lượng thanh long của tỉnh Long An, nay đã hủy một số đơn hàng khoảng 300 container, tương đương khoảng 6.000 tấn, đã đặt trước đó.
Giá dưa hấu nội địa hiện cũng chỉ còn ở mức 1.000 đồng/kg khiến nhiều nông dân không muốn thu hoạch.
Hàng ngàn ha dưa hấu đang trong nguy cơ thối nẫu ngoài ruộng.
Báo Hải quan online dẫn lời bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho hay, không chỉ thanh long, mà ngay xoài hay sầu riêng là những loại trái cây chưa được Trung Quốc cấp phép cho nhập khẩu chính ngạch cũng bị ảnh hưởng lớn.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group, cũng xác nhận việc tạm dừng xuất nhập khẩu qua đường biên giữa Trung Quốc với Việt Nam đã khiến giá nông sản ‘rớt’ thảm hại.
Và ngay cả khi các cửa khẩu quốc tế quay trở lại làm việc từ 3/2 thì do các chợ đầu mối chưa mở, người giao dịch chưa đến thì cũng không thể giao dịch.
Không chỉ thanh long, dưa hấu, mà theo báo Thanh niên, mít, cua biển cũng đang rớt giá thê thảm.
Kim ngạch xuất khẩu nông sản vào TQ đang giảm
Trước khi bùng phát dịch viêm phổi do virus corona, kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam vào Trung Quốc vốn đã có dấu hiệu sụt giảm.
Cụ thể, sau khi giảm 5,5% trong năm 2018, mức xuất khẩu của nông sản Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 lại tiếp tục giảm 10,5%, theo VNEconomy.vn.
Nguyên nhân là do thương chiến với Hoa Kỳ khiến hàng Trung Quốc bị tồn đọng nhiều, phải tiêu thụ trong nước. Bởi thế, Trung Quốc siết nhập khẩu hàng của các nước khác, nhất là láng giềng Việt Nam.
Mặt khác, thị trường Trung Quốc đã trở nên ‘khó tính hơn’. Bên cạnh những quy định đã có từ lâu mà thương nhân Việt, quen xuất hàng qua đường tiểu ngạch vốn bỏ qua, nay thêm những quy định mới ‘bất khả thi’ với hàng Việt.
Và nay, với những tác động mới của dịch viêm phổi do virus corona chủng mới gây ra, nông sản Việt Nam lại càng gặp khó.
Chủ động ứng phó, nhưng cách nào?
Tại cuộc họp hôm 3/2 của Bộ Công Thương, ông Nguyễn Công Trưởng cho biết, đến ngày 8/2, nếu Trung Quốc xác nhận không có dịch virus corona ở biên giới, nông sản sẽ tiếp tục được xuất sang.
“Tuy nhiên, phía Trung Quốc vẫn chưa xác nhận liệu có mở cửa các chợ vào ngày 8/2, nên doanh nghiệp vẫn phải thận trọng” – ông Trưởng nói, theo báo Tuổi trẻ.
Trước đó, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, đánh giá, nếu dịch viêm phổi do virus corona gây ra kéo dài, việc thông thương qua cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc bị hạn chế, chắc chắn lượng hàng hóa thông qua các cửa khẩu sẽ còn bị ảnh hưởng nhiều hơn trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng, doanh nghiệp phải có giải pháp tự ứng cứu, chứ không thể trông chờ vào việc mở cửa trở lại.
“Chẳng hạn, các mặt hàng nông sản khác như gạo tuy có ảnh hưởng nhưng không quá lớn như rau củ, trái cây và có thể chủ động tìm kiếm thị trường khác để tiêu thụ” – ông Tùng nêu ý kiến.
CPTPP có giúp cho nông dân VN thoát nghèo?
Thương chiến Mỹ-Trung: Thái Lan ráo riết cạnh tranh với VN
Thương chiến Mỹ – Trung nhìn lại sau 16 tháng
Nhưng xem ra, chuyện này không dễ.
Bởi dịch bệnh viêm phổi do virus corona chủng mới không chỉ gây khó khăn đến nông sản sang Trung Quốc mà còn tác động đến các thị trường châu Âu, châu Mỹ, do người tiêu dùng ở các nước này sẽ hạn chế mua sắm, ảnh hưởng đến sức tiêu thụ.
Nên ngay cả khi các doanh nghiệp nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường khác, thì cũng không dễ và cũng không thể một sớm một chiều.
Trong khi đó, không chỉ thanh long, mà nhiều loại trái cây khác như xoài, chôm chôm, sầu riêng, mít… chỉ bảo quản được dưới 15 ngày.
Còn những giải pháp như chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường khác, phối hợp doanh nghiệp logistics bảo quản trái cây, vận động chủ hàng trao đổi cư dân sang xuất khẩu chính ngạch… mà Bộ Công Thương đưa ra; hay điều chỉnh một số cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường và lợi thế của từng địa phương mà Bộ NN&PTNT đưa ra trong cuộc họp ngày 3/2 thực ra đã từng được đề cập đến nhiều, nhưng đến nay vẫn chưa được như mong muốn.
Và bởi vậy, bài ca ‘giải cứu nông sản’ mà trước đây, khi chưa có dịch thi thoảng cũng được đưa ra, nay càng trở nên thống thiết hơn.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51353578
Virus corona: Bệnh viện Chợ Rẫy
khẳng định tin 33 người chết là không đúng
Thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác Xã hội bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định với BBC News Tiếng Việt hôm 4/2 rằng thông tin 33 người chết vì virus corona đang lan truyền trên mạng là 100% sai sự thật.Ngày 3/2, trên mạng lan truyền một đoạn ghi âm dài 1 phút cùng hình ảnh được chụp lại từ đoạn đối thoại với nội dung hiện tại đã có tới 33 người chết vì nhiễm virus corona.
Viện Pasteur nói nguy cơ hai ca dương tính lây ra cộng đồng thấp
Nhật ký Vũ Hán: Sống một mình trong thành phố bị phong tỏa
Virus corona: Tác động đến cơ thể như thế nào?
Đoạn ghi âm có nội dung sơ lược:
“Chị có một anh làm trong khoa gây mê của bệnh viện Chợ Rẫy, anh ấy nói với tụi chị ở Chợ Rẫy có 33 người bệnh chết vì corona rồi. Thông tin này chính xác 100%, ông nói tụi chị xong là ngày mai ổng xin nghỉ luôn. Ông sợ quá không dám làm nữa. Bây giờ tốt nhất là đừng ra đường, mua đồ tích trữ sẵn vì cứ tình hình này tầm 1 tuần – 10 ngày nữa là phát dịch khỏi ra đường luôn…
Đoạn ghi âm trên được gửi qua hộp thư trang Fanpage của Phòng công tác xã hội bệnh viện Chợ Rẫy vào trưa ngày 3/2.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, ông Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác bệnh viện Chợ Rẫy xác nhận 33 người chết vì virus corona ở bệnh viện Chợ Rẫy là tin giả.
” Khi nhận được thông tin này, việc đầu tiên tôi làm là báo cáo trực tiếp với Ban giám đốc Bệnh viện về trường hợp trên để xin ý kiến Ban giám đốc để xử lý. Sau đó, Ban giám đốc yêu cầu tôi phải báo cáo cho cơ quan chức năng và chỉ đạo tôi trả lời trên Facebook chính thức của bệnh viện”.
“Tối hôm qua tôi đăng tin để khẳng định thông tin từ đoạn ghi âm đó là sai sự thật. Trên trang cá nhân của tôi, với trách nhiệm của người đang làm ở phòng công tác xã hội và đang là admin của Facebook Phòng công tác xã hội bệnh viện Chợ Rẫy, tôi phản hồi ngay rằng thông tin đó là giả”.
“Đó là những điều mà chúng tôi thực hiện để thông tin cho người dân, nhất là những người đang điều trị tại bệnh viện để họ thấu hiểu, nắm bắt được tình hình. Vì nếu để thông tin đó lan truyền đi lâu hơn thì cô bác hoang mang là điều không nên” – ông Hiển nói với BBC.
Bên cạnh đó, ông Hiển cũng nhấn mạnh thêm, 9g sáng hôm nay 4/2, bệnh nhân Li Zichao (28 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) – người được phát hiện dương tính với nCoV hôm 21/1 đã được xuất viện: “Hai ca dương tính với virus corona mà bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận đều được quản lý rất chặt chẽ, ổn định về các dấu hiệu chuyên môn. Kết quả của việc điều trị sáng nay cũng đã báo cáo với Bộ y tế, cho PGS-TS Lương Ngọc Khuê”.
Trước đó ngày 28/1, Facebook Phòng công tác Xã hội bệnh viện Chợ Rẫy thông báo bệnh nhân Li Zichao đã không còn mang virus. BS.CK2 Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định, kết quả xét nghiệm lần 3 cho thấy, bệnh nhân Li Zichao đã âm tính.
Ông Minh Hiển cho biết thêm, hiện tại cơ quan chức năng (Công an TP HCM) chưa phản hồi, chỉ yêu cầu bệnh viện Chợ Rẫy bổ sung thêm thông tin.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51367788
Nhân dịch bệnh Corona, Việt Nam cần
một chính sách đối ngoại độc lập hơn trước Trung Quốc
Hoàng Thanh DungTrong đại dịch mới thấy bản chất
Cũng giống như khi con người bấn loạn mới bộc lộ ra những “tính xấu” mà bình thường có thể che giấu. Đại dịch virus Vũ Hán làm “lộ” nhiều “điểm yếu” chết người của nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam.
Đại dịch virus Vũ Hán nổ ra, mới thấy “Siêu cường tương lai” có “gót chân Asin” rất lớn. Thông tin thì không minh bạch. Khả năng quản trị khủng hoảng có vấn đề. Đặc biệt, các lãnh đạo Trung Quốc chỉ giỏi “hô khẩu hiệu” vì nhân dân này nọ, nhưng khủng hoảng virus Vũ Hán nổ ra, mới thấy lãnh đạo Trung Quốc coi mạng dân như cỏ rác.
Virus Vũ Hán là vũ khí sinh học?
Mới đây, báo chí Ấn Độ đã cho biết: “Sau khi các nhà nghiên cứu Ấn Độ buộc phải từ bỏ nghiên cứu về mối liên hệ giữa virus Vũ Hán với virus HIV, thì nay nhà chức trách Ấn Độ tuyên bố là thực hiện một cuộc điều tra xem xét việc Viện Nghiên cứu Virus của thành phố Vũ Hán có được phép thực hiện nghiên cứu các mẫu vật sống từ dơi và người hay không?[1] Điều này cho thấy còn rất nhiều ngờ vực trong việc bỗng nhiên bùng phát loại virus đáng sợ này. Và một điều đáng nghi vấn là hầu hết các nạn nhân tử vong đều ở Trung Quốc.
Trên website của một tạp chí chuyên về quan hệ quốc tế của Ấn Độ là GreatGameIndia đã có một cuộc phỏng vấn một chuyên gia luật là Tiến sĩ Francis Boyle, người đã tham gia soạn thảo Đạo luật Vũ khí Sinh học. Chuyên gia này khẳng định rằng virus Vũ Hán là sản phẩm của một cuộc tấn công bởi vũ khí sinh học và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) biết điều đó.[2]
Cuộc điều tra mới bắt đầu nên chúng ta chưa thể có kết luận, nhưng những điều đó cũng cho thấy nghi vấn về nguồn gốc loài virus này là một sản phẩm của quân đội Trung Quốc cũng không phải là hoàn toàn vô lý.
Việt Nam trù trừ phản ứng
Khi thông tin về sự bùng phát của loại virus này lan truyền trên truyền thông quốc tế khoảng trước Tết Nguyên Đán, các quốc gia đã có các hành động phản ứng khác nhau.
Một số quốc gia đã kiên quyết cấm nhập cảnh những du khách đã tới Trung Quốc trong thời gian gần đây. Điển hình là Mỹ. Mỹ đã cấm nhập cảnh các du khách đã ở Trung Quốc trong vòng hai tuần qua. Nhật Bản và Singapore cũng tương tự. Triều Tiên là quốc gia đóng cửa biên giới sớm nhất, nhờ vậy mà chưa thấy có người bị nhiễm virus Vũ Hán ở quốc gia này.
Mặc dù rất nhiều người dân lên tiếng việc cần phải đảm bảo an toàn cho người dân Việt Nam, nhưng chính quyền Việt Nam vẫn trù trừ, không kiên quyết trong việc cấm các công dân Trung Quốc nhập cảnh. Thậm chí, nhiều báo chí và quan chức vẫn thể hiện quan điểm cần bảo vệ cho ngành du lịch Việt Nam. Và vẫn có rất nhiều đoàn người Trung Quốc đổ xô đến Việt Nam thời gian này. Cho đến ngày 1/2/2020, trước các thông tin nguy hiểm về nạn dịch này, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam mới ra tuyên bố tạm dừng tất cả các chuyến bay từ Trung Quốc, Hồng Công và Ma Cao. Tuy nhiên, việc thông báo dừng các chuyến bay dường như chỉ để dẹp yên dư luận. Bởi vì hoạt động qua lại tại các cửa khẩu biên giới đường bộ và đường sắt vẫn còn tiếp tục. Vừa mới đây, mới có tin tạm ngưng các chuyến tàu liên vận Việt Trung, nhưng chính quyền Việt Nam vẫn chưa ra lệnh đóng cửa biên giới. Vì sao như vậy? Ta có thể tìm câu trả lời qua các sự kiện sau:
Thứ nhất, ngày 3/2/2020, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã chỉ trích đích danh Mỹ. Bà nhấn mạnh thay vì hỗ trợ cho Trung Quốc chống dịch, Mỹ lại tạo ra và gieo rắc nỗi sợ hãi trên thế giới. “Mỹ là quốc gia đầu tiên rút về nước một số nhân viên ngoại giao tại Trung Quốc và tại Vũ Hán – tâm dịch nCoV. Mỹ cũng là nước đầu tiên ra lệnh cấm nhập cảnh với toàn bộ công dân Trung Quốc.”[3]
Như vậy, ta có thể hiểu, dù virus nguy hiểm đến tính mạng người dân, nhưng theo bà Hoa, Chính phủ Hoa Kỳ không nên “chăm chăm bảo vệ người dân của mình”, mà phải “giữ quan hệ đại cục với Trung Quốc”, muốn rút nhân viên về nước hay không phải được sự đồng ý của Trung Quốc.
Thứ hai, khi được hỏi vì sao chưa đóng cửa biên giới trên bộ với Trung Quốc, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh trả lời báo chí trong nước: “Việt Nam và Trung Quốc có ký kết hiệp ước, nếu liên quan an ninh và dịch bệnh thì có thể đóng cửa nhưng phải có thỏa thuận giữa hai bên chứ Việt Nam không thể đơn phương.”[4] Thông tin này sau đó chừng nửa ngày là đã biến mất khỏi trên mạng internet ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo nội dung của Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc, tại Khoản 3 Điều 5 có quy định: “3. Để bảo vệ lợi ích xã hội, an ninh quốc gia hoặc vì lý do thiên tai nghiêm trọng, dịch bệnh truyền nhiễm lớn, dịch bệnh động thực vật và các trường hợp bất khả kháng khác, một Bên có thể tạm thời đóng hoặc hạn chế việc qua lại cửa khẩu. Tuy nhiên, cần phải thông báo cho phía Bên kia trước 5 ngày, trong trường hợp khẩn cấp không được ít hơn 24 giờ.”[5] Như vậy, không phải là Việt Nam không có quyền hoặc cơ sở pháp lý để đóng cửa khẩu với mục đích ngăn chặn dịch bệnh lây lan, mà đúng ra là Nhà nước Việt Nam không đủ dũng khí để thực hiện điều này, cho dù họ có đủ cơ sở pháp lý.
Như vậy, ta có thể suy luận được rằng, mặc dù dịch virus nguy hiểm vô cùng, nhưng chính quyền Bắc Kinh vì muốn “giữ thể diện” nên đã “mặc kệ” cho người dân mình chết, mà chỉ lo thể hiện giữ “mặt” của một cường quốc.[6] Cường quốc là gì nếu không có nhân dân?
Để “giữ mặt”, Trung Quốc cũng dùng sức ép để các quốc gia khác không được trái ý “thiên triều”, mà trong đó, Việt Nam là ví dụ cụ thể nhất. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng tương tự. Chính vì vậy, vì sợ “oai” Trung Quốc, mà Chính phủ Việt Nam có thể đẩy người dân đến chỗ nguy hiểm khi không “dám” kiên quyết ngăn dịch bệnh.
Các lãnh đạo Trung Quốc, dù người dân đang chết thảm vì bệnh dịch như vậy, nhưng vẫn “mặt sắt đen sì”, không chấp nhận cho Đài Loan tìm cách sơ tán công dân của họ ra khỏi vùng dịch bệnh.[7] Và cho dù người dân Trung Quốc đang chết chóc và hoảng loạn, thì các tàu hải cảnh của Trung Quốc vẫn lượn vòng vòng bên cạnh khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam.
Vì thế, nếu thực sự lo cho người dân và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, dân tộc, Việt Nam cần có một chính sách đối ngoại thực sự độc lập hơn hiện nay. Điều đó mới có thể giữ được “tuổi thọ” của Đảng Cộng sản lâu hơn nữa.
[1] https://www.thehindu.com/news/national/study-on-bats-and-bat-hunters-of-nagaland-come-under-the-scanner/article30722099.ece
[2] https://t.co/MbItPq8OTz?amp=1
[3] https://www.reuters.com/article/us-china-health-usa/china-accuses-u-s-of-scaremongerng-over-coronavirus-idUSKBN1ZX0QR
[4] https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/can-vn-close-border-to-china-01312020092557.html
[5] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/giao-thong-van-tai/Hiep-dinh-cua-khau-quy-che-quan-ly-cua-khau-bien-gioi-tren-dat-lien-114879.aspx
[6] https://news.zing.vn/benh-vien-vu-han-qua-tai-nguoi-nghi-nhiem-virus-corona-chet-tai-nha-post1042411.html?fbclid=IwAR3hhjJgInag2dzAF2fXr19DzIQ7Q3kWtmzdjFtfwewOGMxH_S9eOUPYU0k
[7] https://www.taiwannews.com.tw/en/news/3865894
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/corona-crisis-vietnam-need-an-independent-policy-away-from-china-02042020085903.html
Dịch Corona Vũ Hán
Nguyễn Xuân NghĩaDịch bệnh xuất phát từ Vũ Hán đã gây khủng hoảng cho Trung Quốc và mấy chục quốc gia khác thế giới vì số tử vong gia tăng hàng ngày và vì tổn thất kinh tế mà chưa ai đếm được. Trong bối cảnh đen tối ấy, Diễn đàn Kinh tế xin đi từ đầu nguồn, từ kinh tế chính trị học của lãnh đạo Bắc Kinh.
Vị trí chiến lược của thành phố Vũ Hán
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa, tư vấn kinh tế của đài từ Tết Bính Tý năm 1997, và Nguyên Lam mong ông đã hưởng Tết Canh Tý vui vẻ với gia đình sau quá nhiều năm làm việc vất vả. Trong chương trình đầu năm Tý lần này, chúng ta không thể không nói về dịch bệnh Coronavirus bùng phát từ thành phố Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc làm nhiều người Trung Quốc tử vong ở trong và ngoài nước với tốc độ đáng ngại. Thưa ông, theo dõi vụ này, ông nghĩ rằng chúng ta nên chú ý đến những khía cạnh gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thế giới chưa biết quá nhiều chuyện trong vụ này nên ta khó đoán ra các hậu quả về thương vong hay kinh tế, xã hội và chính trị. Tuy nhiên, tôi nhìn vào nhiều khía cạnh khác, may ra phần nào ta hiểu ra nguyên nhân mà tôi gọi theo kinh tế chính trị học là “hậu quả bất lường” và trách nhiệm thuộc về giới lãnh đạo Bắc Kinh. Tôi xin được nói rằng đề tài này rất rắc rối và ta cần tấm bản đồ của sông Dương Tử với thành phố Vũ Hán nằm ở vị trí chiến lược.
Nguyên Lam: Thính giả của chúng ta đã quen với lối phân tích luôn luôn bất ngờ của kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa, nhưng thưa ông, vì sao từ dịch bệnh đang bùng phát từ Vũ Hán, ông lại đòi xem tấm bản đồ?
Đặng Tiểu Bình đã lấy một rủi ro rất lớn và thành công, mà để lại bài toán sinh tử cho các thế hệ sau, kết tụ vào sông Dương Tử và Vũ Hán.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Với lãnh thổ trải trên một triệu cây số vuông, Trung Quốc ngày nay thật ra chẳng khác gì Âu Châu, với nhiều khác biệt về địa dư hình thể, về văn hóa, sắc tộc, lịch sử và kinh tế. Năm 221 trước Tây lịch thì Tần Thủy Hoàng Đế đã thống nhất lãnh thổ từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam và đấy cũng là lúc nước ta rơi vào thời Bắc thuộc. Nhưng chế độ cường Tần không tồn tại được lâu và khác biệt trong bản chất dẫn tới chiến tranh liên miên khiến bài toán muôn thuở của xứ này là làm sao chính quyền trung ương có thể dung hòa được quyền lợi với các lãnh chúa địa phương. Năm 1949, Mao Trạch Đông lại thống nhất được Trung Quốc, nhưng dưới một chế độ toàn trị Mác-Lênin. Việc thống nhất chính trị đó của Mao có phát triển hành lang rộng lớn và then chốt là lưu vực sông Dương Tử, nhưng cũng dẫn tới khủng hoảng kinh tế làm Trung Quốc lụn bại. Cho tới khi Mao chết, Đặng Tiểu Bình mới giành lại quyền lực để tiến hành cải cách kinh tế kể từ đầu năm 1979.
- Khi ấy ta càng nhìn vào địa dư hình thể là bản đồ. Trung Quốc có các tỉnh miền Đông tại vùng duyên hải tương đối trù phú và đã tiếp cận với thế giới bên ngoài. Bên trong là các tỉnh nội địa chậm phát triển, đông dân mà nghèo. Sau cùng là các khu vực rộng lớn chiếm đóng của xứ khác, như Tân Cương, Tây Tạng hay Nội Mông, làm vùng trái độn quân sự để các sắc tộc ở đó không thể khống chế hay cai trị Trung Quốc như trong lịch sử… Đặng Tiểu Bình đã lấy một rủi ro rất lớn và thành công, mà để lại bài toán sinh tử cho các thế hệ sau, kết tụ vào sông Dương Tử và Vũ Hán.
Vai trò của thành phố Vũ Hán
Nguyên Lam: Theo đúng phương pháp, ông thường dẫn chúng ta từ bối cảnh xa cho tới chuyện gần. Thưa ông, từ Đặng Tiểu Bình tới Tập Cận Bình và Vũ Hán, ta nên thấy những chuyện gì? Và vì sao ông cho rằng Đặng Tiểu Bình đã lấy rủi ro rất lớn?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sau khi họ Đặng tiến hành kế hoạch “cải cách và cởi mở”, từ năm 1979, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ngoạn mục, khoảng 10% một năm qua 30 năm, nhưng cái trật tự bấp bênh về địa dư chính trị của Trung Quốc lại bị rạn nứt. Các tỉnh miền Đông đã làm giàu rất nhanh, còn thu hút nhân công từ các tỉnh nội địa bị trả lương rẻ và không có hộ khẩu, rồi ào ạt xuất khẩu ra ngoài với tỷ giá đồng bạc rất thấp. Thế giới bên ngoài chỉ thấy cái tủ kiếng ngoạn mục huy hoàng tại vùng duyên hải mà không hiểu ra một nhược điểm sinh tử của Trung Quốc là nền kinh tế không có khả năng tiêu thụ nội địa để bảo đảm nền tăng trưởng bền vững. Khi lợi tức tại miền Đông không được chia sẻ cho giới lao động mà trút vào nhà nước, qua các ngả ký thác tiết kiệm vào hệ thống ngân hàng của nhà nước nhằm tài trợ hệ thống doanh nghiệp cũng của nhà nước để thực hiện các dự án có lợi cho sản xuất từ vùng duyên hải thì đấy là nạn bất công. Hậu qủa chính trị của chiến lược kinh tế đó là sự bất mãn của người dân và đảng viên tại các tỉnh nội địa. Trung Quốc gặp lại mâu thuẫn trong ngoài của lịch sử cho nên lãnh đạo từ thời Hồ Cẩm Đào phải sửa sai để tránh loạn. Đó là các kế hoạch “Quật Khởi Trung Đô” tại sáu tỉnh nội địa (là Thiểm Tây, Hà Nam, An Huy, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây), hay “Tam Giác Trung Ương” Hồ Bắc – Giang Tây – Hồ Nam và “Khu Kinh Tế Tam Giác” của Châu thổ Trường giang là sông Dương Tử…. Vũ Hán nằm ở vị trí then chốt của các kế hoạch đó.
Nguyên Lam: Nếu Nguyên Lam hiểu không lầm câu chuyện phức tạp này thì mọi sự đã xuất hiện từ lâu và vai trò của thành phố Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc trên sông Dương Tử đã được tăng cường từ trước. Thưa ông, có phải như vậy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng đúng như vậy mà còn rắc rối hơn vậy!
- Về địa dư, sông Dương Tử dài hơn sáu ngàn cây số, phát nguyên từ Tây Tạng, với gần ba ngàn cây số có thể khai thác như phương tiện vận chuyển hàng hóa và người thuộc loại rẻ nhất nếu so sánh với hỏa xa hay đường bộ, để nối liền Trùng Khánh của tỉnh Tứ Xuyên với Thượng Hải khi đổ ra biển Đông. Về kinh tế, lãnh đạo Bắc Kinh muốn nâng con sông chiến lược này thành một thứ “xa lộ cao tốc” để phát triển các tỉnh nội địa hầu san bằng những dị biệt về lợi tức và nhận thức với vùng duyên hải. Về chính trị, đây là một nỗ lực thống nhất nhằm gia tăng khả năng lãnh đạo của đảng và động lực chính trị là chủ yếu, kinh tế là phụ thuộc.
- Qua thế hệ lãnh đạo thứ năm là Tập Cận Bình thì chủ trương chính trị đó nhuốm mùi duy ý chí, bất chấp thực tế kinh tế và gây rất nhiều tốn kém. Bắc Kinh muốn hợp nhất trong ngoài mà còn có tham vọng biến Vũ Hán thành một tiêu biểu của “Trung Quốc hiện đại” với các ngành khoa học kỹ thuật tiên tiến và sự tham gia của đầu tư quốc tế nhằm hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong 500 tập đoàn với tài sản kinh doanh lớn nhất thế giới, có 300 đã vào làm ăn tại Vũ Hán.
Tổng bí thư Tập Cận Bình không chỉ nuôi tham vọng đưa xứ sở vượt qua các nước Tây phương tiên tiến, ông còn muốn mô hình quản lý Trung Quốc phải là mẫu mực cho mọi quốc gia. Nào ngờ cái bệnh vĩ cuồng đó lại bị con siêu vi vật ngã ngay tại Vũ Hán, trước sự chứng kiến của cả thế giới!
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Thế rồi tai họa bùng nổ với dịch bệnh mà chưa ai tìm ra nguyên do…
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Bắc Kinh ráo riết công nghiệp hóa lưu vực sông Dương Tử không luôn luôn vì lý do kinh tế, với nhiều dự án ít giá trị kinh tế, mà chỉ vì muốn xây dựng một cấu trúc kinh tế xã hội có khả năng đảm bảo quyền lực của chế độ.
- Trên đại thể thì vậy, nhưng vào chi tiết thi hành thì các đảng viên chỉ chịu trách nhiệm với thượng cấp ở trên chứ không ai lo cho dân đen ở dưới. Khi tai họa xảy ra, về môi sinh hay y tế, trong một cộng đồng chung đụng rất đông đảo, các đảng viên cứ giấu nhẹm tin tức, như chúng ta đã thấy nhiều lần trong quá khứ, thí dụ là nạn viêm phổi cấp tính SARS 17 năm trước. Lần này, tai họa bùng nổ từ đầu Tháng 12 năm ngoái ngay trong cái tủ kính Vũ Hán đang triển lãm hình ảnh của Trung Quốc hiện đại mà vì sự trì hoãn đã trở thành khủng hoảng toàn quốc, rồi toàn cầu. Căn bản của vấn đề là bên dưới cái hạ tầng cơ sở vật chất của Vũ Hán có sự ruỗng nát của “hạ tầng cơ sở vô hình”, là xã hội và y tế. Nạn nhân chính là người dân và thủ phạm là hệ thống chính trị của Trung Quốc.
Kết luận
Nguyên Lam: Như mọi khi, xin ông trình bày cho thính giả của chúng ta vài kết luận cho chương trình tuần này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Vì quá nhiều khác biệt địa dư, văn hóa và lịch sử, bài toán hợp tan của Trung Quốc là vấn đề muôn thuở. Sau 70 năm cầm quyền, đảng Cộng sản Trung Hoa muốn thống hợp tất cả mà chưa thành công. Tổng bí thư Tập Cận Bình lại còn đòi đi xa hơn. Không chỉ nuôi tham vọng đưa xứ sở vượt qua các nước Tây phương tiên tiến, ông còn muốn mô hình quản lý Trung Quốc phải là mẫu mực cho mọi quốc gia. Nào ngờ cái bệnh vĩ cuồng đó lại bị con siêu vi vật ngã ngay tại Vũ Hán, trước sự chứng kiến của cả thế giới!
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/EconomicForum/the-unexpected-consequences-of-wuhan-02042020104855.html
Bây giờ phút cuối rồi đấy anh
Nguyễn Lân ThắngHôm nay là ngày kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng cộng sản Việt Nam. Định chả nói gì đâu nhưng do vô tình đọc được lời nói chuyện của ông Tổng bí thư thối quá nên đành phải buông đôi lời.
Ông ấy nói về đảng thế này:
“Một đảng cách mạng chân chính có đường lối đúng, có tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, gương mẫu, tận tụy, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân ủng hộ, thì đảng đó có sức mạnh vô địch, không thế lực nào ngăn cản nổi trên con đường dẫn dắt dân tộc đi lên.”
Vâng, ở một khía cạnh nào đó thì dù ai có ghét cái đảng này đến đâu, chúng ta cũng phải thừa nhận với nhau rằng họ có những trình độ và kỹ năng vào bậc thượng thừa. Ấy chuyện đảng cộng sản Việt Nam đã cực kỳ xuất sắc trong việc học tập và ứng dụng nghệ thuật tuyên truyền vào việc lãnh đạo đất nước qua các thời kỳ.
Ở gian đoạn ban đầu khi mới tập hợp được lực lượng, những người đi theo đảng hầu hết là nông dân. Nhưng trong đó cũng không ít thành phần trí thức, địa chủ và con em các nhà tư bản dân tộc. Để kêu gọi và thống nhất các thành phần này, đảng đã nêu cao ngọn cờ dân tộc để đánh đuổi thực dân. Thực chất, đây là một chiêu trò đã từng được Đức quốc xã sử dụng rất thành công khi tuyên truyền về cái gọi là Chủng tộc Ariang thượng đẳng, để đẩy cả nước Đức lao vào đánh nhau với toàn thế giới.
Ở những giai đoạn tiếp theo, đến khi cần cướp bóc và kiểm soát mọi nguồn lực của xã hội trong Cải cách ruộng đất năm 1953, đảng đã chuyển từ hoạt động bí mật dưới tên gọi rất lành là Hội nghiên cứu chủ nghĩa Marx ở Đông Dương thành đảng Lao Động Việt Nam hoạt động công khai năm 1951. Dưới tên gọi này, đảng đã ra sức tuyên truyền về khái niệm giai cấp, kích động hận thù giữa các thành phần xã hội, để từ đó có một nguồn nhân lực to lớn thực hiện Cải cách ruộng đất long trời lở đất.
Dân số Việt Nam năm 1945 tại 32 tỉnh, thành là trên 13 triệu người, còn toàn cõi Việt Nam là khoảng trên 20 triệu người. Lúc đó do đất rộng người thưa, trình độ canh tác thấp nên diện tích đất trồng trọt cũng không có nhiều. Ngoài một số ít ruộng đất vốn có quanh các làng xã, một ít do các triều đại trước ban phát cho quan lại, phần nhiều những mảnh ruộng hay đồn điền lớn là do lớp người mới như các nhà buôn hay các nhà kỹ nghệ đầu tư công sức tiền bạc khai khẩn mà nên.
Nhưng với những khẩu hiệu như: “Người cày có ruộng”; “Trí, Phú, Địa, Hào… đào tận gốc, trốc tận rễ”… cải cách ruộng đất không chỉ là việc lấy đất của tầng lớp cai trị cũ chia cho nông dân, mà thực chất còn là một cuộc cướp bóc trắng trợn tài sản, công sức của cả những người tài giỏi trong xã hội do tích tụ điền địa qua việc khai hoang, buôn bán, giao thương nhiều đời mà có. Số này mới là nhiều, chứ đất của quan lại triều Nguyễn cũ hay của công chức thời Pháp thuộc chưa ăn thua.
Trong những năm tháng đau thương đó, có nhiều người lính đã không tiếc máu xương để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động động địa cầu, nhưng khi trở về thì chẳng còn mái nhà xưa… Con đấu tố cha, vợ đấu tố chồng, nhiều người bị hành hạ tàn khốc trước khi bị giết hại mà không hề có bản án. Tiếng khóc ai oán khắp các làng quê… hỏi rằng hai tiếng đồng bào, hai tiếng dân tộc mà đảng tuyên truyền lúc thủa ban đầu gian khó ở đâu…?
Năm 1956 ông Hồ Chí Minh và đảng Lao động đã phải công khai lên tiếng nhận sai sót trong quá trình thực hiện cuộc cải cách ruộng đất, rồi thực hiện một số biện pháp kỷ luật và tiến hành sửa sai. Bản thống kê chính thức cho biết là trong số 172.008 ngừơi bị quy là địa chủ và phú nông trong cải cách ruộng đất thì 123.266 người bị quy sai, tức là bị oan. Tính theo tỷ lệ là 71,66%.
Nhưng sửa sai thế nào được khi mạng người đã mất, khi gia đình và tài sản của người ta đã ly tán khắp nơi? Theo tôi chính những hậu quả đau đớn của việc Cải cách ruộng đất năm 1953 là tác nhân lớn nhất để rồi đất nước phải chia hai, bắt đầu vào năm 1954. Từ khi đất nước phân ly, đảng ta ở miền Bắc đã từ từ cất hẳn ngọn cờ dân tộc đi, âm thầm kêu gọi phe XHCN vào giúp sức, nhưng lại lên án kịch liệt miền Nam là bám gót đế quốc Mỹ sài lang. Lúc này tinh thần “vô sản toàn thế giới đoàn kết lại”, “đánh đuổi chủ nghĩa tư bản”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Đốt cháy dãy Trường Sơn để đánh Mỹ”… và rất nhiều khẩu hiệu khác nữa được tung ra để rồi hai miền Nam Bắc đánh nhau khốc liệt còn hơn với quân thù.
Còn vô số những sự kiện khác nữa như cuộc chiến chống Trung Quốc năm 1979, khủng hoảng kinh tế 1986, hội nghị Thành Đô 1990, gia nhập Asean 1995, bình thường hoá quan hệ với Mỹ 1997… đảng ta lúc nào cũng tài tình đưa ra cách lý giải và khẩu hiệu tuyên truyền cực kỳ thuyết phục để rồi “đất nước chúng ta đi hết từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.
Trong bài viết ngắn ngủi này thì tôi không thể kể hết những thành tựu của đảng trong nghệ thuật tuyên truyền quần chúng 90 năm qua. Nhưng tôi tin rằng đến giờ phút này chắc đảng không thể ghi thêm thành tích nào nữa trong lĩnh vực đầy khó khăn này.
Xin chúc đảng ra đi trong thanh thản, chúc những người đảng viên tìm thấy con đường mới, chúc nhân dân mau thoát khỏi cơn mê này.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/this-is-your-end-02042020084956.html
0 comments