Đọc báo Pháp – 04/02/2020
Trung Quốc: Virus corona
lan sang mặt trận ngoại giao và địa chính trị
Thùy Dương
Virus corona vẫn là một chủ đề được các báo Pháp ra ngày hôm nay 04/02/2020 quan tâm. Le Monde chạy tít trang nhất : « Trung Quốc : Những hậu quả của dịch bệnh ». Corona đã lây lan từ lĩnh vực y tế sang ngoại giao và địa chính trị.
Hai tuần sau khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tổng động viên nhân dân chống siêu vi corona, cuộc chiến chống virus vẫn chưa thắng lợi. Giờ đây, không chỉ Vũ Hán mà cả thành phố Ôn Châu, nằm cách Vũ Hán 800 km, cũng bị cách ly. Chín triệu dân Ôn Châu không được phép rời khỏi nhà, trừ đi mua thực phẩm : cứ hai ngày, mỗi hộ gia đình chỉ được cử một người đi chợ mua thức ăn.
Việc Tổ chức Y Tế Thế Giới công bố tình trạng y tế khẩn cấp trên phạm vi toàn cầu hôm 30/01/2020 đã khiến chính quyền Trung Quốc phải mở rộng mặt trận chống virus sang cả lĩnh vực đối ngoại và địa chính trị.
Trong nước, truyền thông Trung Quốc âm thầm, không nói nhiều tới dịch bệnh, nhưng lại nhiệt tình loan báo về tình đoàn kết mà quốc tế dành cho Hoa lục, những lời cổ vũ, khen ngợi của các nước Lào, Pakistan, Nam Phi, Liban, Iran, Achentina, Mêhicô và Costa Rica … Tuy nhiên, những phát biểu của giới ngoại giao Trung Quốc và báo chí Nhà nước bằng tiếng Anh lại cho thấy nước này đang bị thế giới cách ly.
Trên mạng xã hội Twitter, tổng biên tập Hoàn Cầu Thời Báo chỉ trích việc Washington cấm người nước ngoài đã từng đến Trung Quốc trong vòng 14 ngày trước đó nhập cảnh vào Mỹ là thái độ cực đoan nhất của các nước nhắm vào Trung Quốc. Đại diện Hoàn Cầu Thời Báo đề nghị Mỹ tỏ thái độ tôn trọng trước những hy sinh lớn lao của Trung Quốc trong cuộc chiến chống virus. Bắc Kinh đã dựa vào những phát biểu ủng hộ của tổng giám đốc Tổ chức Y Tế Thế Giới hôm 30/01 để cho thế giới thấy không thể trách móc được gì Trung Quốc trong cuộc chiến chống corona.
Theo Bắc Kinh, không những Trung Quốc là một siêu cường khoa học đi đầu cuộc chiến chống các dịch bệnh, mà virus corona còn không nguy hiểm bằng « chứng hoảng loạn (hystéria) của truyền thông Tây phương ». China Daily nêu lên một ví dụ : Mặc dù một số phương tiện truyền thông phương Tây dành trang nhất cho virus corona, nhưng lại rất ít nói đến kết quả báo cáo của trung tâm dự phòng và giám sát bệnh ngày 31/01, theo đó hiện đã có 10.000 người chết và 180.000 nhập viện tại Mỹ vì bệnh cúm.
Trong bối cảnh đó, nhiều nhà ngoại giao Trung Quốc đã có những phản ứng thái quá đến chệch hướng. Chẳng hạn, trong một cuộc họp báo, đại sứ Trung Quốc tại Israel đã so sánh việc cấm người Trung Quốc
nhập cảnh với nạn thảm sát người Do Thái : « Hàng triệu người Do Thái đã bị sát hại và nhiều người Do Thái bị cấm đến một số quốc gia. Nhiều nước đã mở cửa đón nhận họ, trong đó có Trung Quốc ». Quan chức ngoại giao này sau đó đã có lời xin lỗi vì phát ngôn trên.
Nhưng theo Le Monde, điều này cũng cho thấy nhà chức trách Trung Quốc đang căng thẳng. Còn đại sứ Trung Quốc tại Mỹ thì nhận định một con « virus chính trị dường như đang cản trở Trung Quốc và Hoa Kỳ bắt tay hợp tác để đối phó với các thách thức chung ». Đối với Bắc Kinh, Washington đang lợi dụng virus corona để làm suy yếu Trung Quốc. Hôm qua 03/02, trong một cuộc họp báo hàng ngày, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc tố cáo Mỹ không hề có sự trợ giúp cụ thể nào cho Trung Quốc, mà chỉ khiến mọi người lo ngại.
Hoàn Cầu Thời Báo thì tổng hợp 4 điều liên quan đến thái độ của phương Tây, nhất là Mỹ : Mỹ vô đạo đức khi tấn công cuộc chiến của Trung Quốc chống virus, siêu vi kích động thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử trong xã hội phương Tây, corona sẽ không thể giúp chính quyền Mỹ trong giai đoạn đàm phán thương mại thứ hai, những lời tố cáo và lăng nhục không khiến Trung Quốc chệch hướng trong cuộc chiến chống virus corona. Đối với Bắc Kinh, virus corona hiện giờ liên quan đến lĩnh vực địa chính trị nhiều không kém so với y tế.
Tập Cận Bình bị virus corona thách thức
Cũng như Le Monde, báo Công giáo La Croix – trong bài viết « Tập Cận Bình bị virus corona thách thức » - nhấn mạnh « thách thức về y tế vẫn còn nguyên, nhưng hiện nay ưu tiên của nhà chức trách Trung Quốc là về mặt chính trị ». Chế độ Cộng Sản Trung Quốc đang làm mọi việc để Đảng và nhà lãnh đạo được nhìn nhận như người cứu thế. Trong khi người dân thể hiện nỗi giận dữ trên các mạng xã hội về các biện pháp y tế, thì chính quyền lại lo ngại về hậu quả của dịch bệnh đối với hình ảnh của đất nước trong mắt quốc tế.
Ở trong nước, mục tiêu tối cao của chính quyền Trung Quốc vẫn là cho dân chúng thấy « người cha của dân tộc » đang kiểm soát được mọi chuyện. Nhà nghiên cứu về Trung Quốc Minxin Pei, thuộc trường Claremont McKenna tại California, Mỹ, phân tích : « Khi nào các nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố thắng virus, họ sẽ cảm ơn đảng Cộng Sản và chủ tịch Tập Cận Bình, trong khi ngược lại, sự thật là chính đảng Cộng Sản mới phải chịu trách nhiệm đầu tiên về thảm họa này ».
Bộ máy tuyên truyền của Nhà nước nhấn mạnh là khoa học chứ không phải dân chủ sẽ cứu được đất nước. Nhưng nhiều người tự hỏi tại sao từ 20 năm nay, ở Trung Quốc lại xảy ra nhiều dịch bệnh đến như vậy : Sida năm 1990, SARS năm 2003, cúm gà H5N1 năm 2006 và dịch tả heo châu Phi trong những tháng gần đây. Một nhà báo ở tỉnh Tứ Xuyên nhận định với La Croix : « Hệ thống chính trị của Trung Quốc đã thối nát từ trên xuống dưới, đó là chế độ chỉ chấp nhận duy nhất một tư tưởng, tư tưởng của Tập Cận Bình ». Còn nhà nghiên cứu về Trung Quốc Minxin Peikhẳng định « virus corona là một căn bệnh của chế độ độc tài Trung Quốc ». Chính chế độ độc đảng, dựa trên thái độ che giấu sự thật, không minh bạch, sự kiểm duyệt và kiểm soát dân chúng về đời sống xã hội, đã gây ra mọi thảm họa đã kể trên.
Nhiều đảng viên cấp cao nghĩ rằng Tập Cận Bình đã điều hành đất nước không tốt từ nhiều năm nay. Virus corona càng khiến ông ta bị chỉ trích, nhưng ít ai dám lên tiếng công khai, vì họ đều sợ bị đàn áp. Chính vì thế, theo nhà nghiên cứu Minxin Pei, cho dù nỗi giận dữ đang dâng lên trên các mạng xã hội, nhưng chắc chắn thảm họa corona sẽ không thể làm ảnh hưởng đến danh tiếng Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, La Croix cũng khẳng định, nếu như trong nước, bộ máy tuyên truyền có thể giúp giữ gìn hình ảnh của Tập Cận Bình và đảm bảo tính chính đáng cho đảng Cộng Sản, nhưng trên trường quốc tế, thách thức đặt ra cho Tập Cận Bình sẽ lớn hơn rất nhiều.
Trung Quốc đang bị tấn công từ mọi phía : bị chỉ trích mạnh mẽ việc trấn áp hai triệu người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, bị tổ chức nhân quyền Human Rights Watch nêu tên trong tổng kết thường niên về vi phạm nhân quyền, bị người Hồng Kông phản kháng từ suốt 8 tháng nay, lại đang trong tâm cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.
Thế giới coi người đầu tiên phải chịu trách nhiệm về tình trạng nói trên không ai khác chính là Tập Cận Bình. Ông ta ngày càng bị so sánh với Mao Trạch Đông, mà chính sách từ năm 1949 đến năm 1976 đã gây ra cái chết của ít nhất 60 triệu người Trung Quốc. Theo La Croix, sự so sánh này không phải là vô cớ.
Một loại virus chống toàn cầu hóa
Trong bài xã luận mang tựa đề « Một loại virus chống toàn cầu hóa », La Croix nhận định dịch bệnh do virus corona gây ra khiến chúng ta phải có ý thức hơn về việc nền sản xuất công nghiệp thế giới đang phụ thuộc vào Trung Quốc, vốn được gọi là công xưởng của thế giới.
Lâu nay người ta vẫn tự hỏi điều gì có thể hãm bớt các hoạt động trao đổi kinh tế từ những khoảng cách địa lý xa xôi – hiện tượng thường được gọi là « toàn cầu hóa ». Cho đến nay, dường như chưa có gì có thể hãm phanh xu hướng toàn cầu hóa, vốn dựa trên lợi nhuận, tư tưởng tự do mậu dịch và các cuộc cách mạng công nghệ (tin học và vận chuyển bằng container). Thực ra trong thập kỷ qua, tư tưởng bảo hộ cũng đã được nhiều người có thế lực ủng hộ, trong đó có tổng thống Mỹ Donald Trump, nhưng chưa đủ để làm thay đổi mọi chuyện.
Nhưng việc nhìn thấy dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona lây lan nhanh khiến nhiều người có suy nghĩ rút lui, thu mình lại. Nhiều nước đã đề xuất đưa công dân hồi hương. Cho đến nay, vẫn chưa có nhân vật quốc tế quan trọng nào đến thăm Trung Quốc để bày tỏ tình đoàn kết với người dân nước này trong cuộc chiến chống virus, như thủ tướng Pháp Jean-Pierre Raffarin đã làm khi xảy ra dịch SARS hồi năm 2003.
Công chúng có thể nghĩ rằng mọi chuyện sẽ sớm thay đổi. Khi dịch bệnh lắng xuống, các hoạt động giao thương lại ít nhiều hồi phục như trước đây, nhưng La Croix nhấn mạnh, trong suy nghĩ của mọi người đã có sự thay đổi nhất định. Virus corona chỉ là một hạt cát so với guồng máy kinh tế đã được toàn cầu hóa nhưng virus này đã cho thấy có sự bấp bênh của toàn cầu hóa. Trong tương lai, có thể các nhà đầu tư sẽ phải suy nghĩ thêm một chút trước khi đặt cược vào Trung Quốc.
Hệ quả của virus corona đối với kinh tế thế giới
Vẫn liên quan đến virus corona, báo Les Echos nhận định dịch corona sẽ có tác động đối với kinh tế toàn cầu, nhất là trong bối cảnh quy mô kinh tế Trung Quốc đã tăng mạnh trong suốt 20 năm qua. Theo Michala Marcussen, kinh tế gia trưởng của ngân hàng Pháp Société Générale, so với năm 2003, khi xảy ra đại dịch SARS, quy mô nền kinh tế Trung Quốc nay đã tăng gấp 4 lần. Hiện nay, nền kinh tế Trung Quốc chiếm 16% GDP toàn cầu và 30% sản xuất công nghiệp thế giới.
Mức độ ảnh hưởng đương nhiên sẽ phụ thuộc nhiều vào chiều hướng diễn biến của dịch bệnh. Tác động của dịch corona đối với kinh tế thế giới thể hiện ở hai khía cạnh. Nhu cầu mua hàng của Trung Quốc sẽ giảm trong những tuần tới. Kinh tế gia trưởng của Société Générale dự báo trong quý 1 năm 2020, mức tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ mất 0,3% vì virus corona.
Nền kinh tế toàn cầu cũng bị tác động do việc tổ chức các dây chuyền sản xuất bị ảnh hưởng. Dệt may, tin học, điện tử là những lĩnh vực bị tác động nhiều nhất, và nhìn một cách tổng thể, nền kinh tế Đài Loan, Hàn Quốc, Hà Lan, Hungary và Indonesia sẽ chịu những ảnh hưởng tiêu cực nhất.
Tin tổng hợp
(RFI) - Một nhà đối lập Tchetnya bị giết tại Pháp.
Thi thể đẫm máu của Imran Aliev, 44 tuổi, được phát hiện trong một khách sạn ở Lille, thành phố lớn bắc nước Pháp, vào giữa tuần trước nhưng chi tiết mới được loan báo vào hôm thứ Hai 03/02/2020. Hung khí là một con dao được để gần xác nạn nhân. Cảnh sát điều tra tỏ ra thận trọng cho dù « có dấu ấn chính trị ». Imran Aliev từ Bỉ qua Pháp được một hôm thì bị giết. Trước đó, nạn nhân từng tố cáo chế độ thân Nga Ramzan Kadyrov ở Tchetnya muốn ám sát ông hồi mùa hè vừa qua.
(Nikkei) - Lãnh đạo 5 nước ASEAN tham gia thượng đỉnh với Mỹ.
Lãnh đạo năm nước Việt Nam, Lào, Singapore, Cam Bốt và Thái Lan xác nhận sẽ tham dự thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và ASEAN vào ngày 14/03/2020 tại Las Vegas. Theo trang Nikkei Asian ngày 04/03, cuộc họp được coi là « nhành ô liu » của tổng thống Trump sau khi ông không tham dự thượng đỉnh ASEAN tại Bangkok (Thái Lan) năm 2019. Năm nước còn lại sẽ cử phái đoàn tham dự, nhưng chưa quyết định cấp nào. Riêng tổng thống Philippines đã từ chối đến Mỹ. Chương trình nghị sự gồm thảo luận về các dự án phát triển con người, nhưng theo một số suy đoán, vấn đề an ninh ở Biển Đông cũng có thể sẽ được đề cập.
(AP)-Vụ Trịnh Xuân Thanh : Tòa án Đức bác đơn kháng án của một đồng phạm.
Đơn kháng án của ông Long N. H. đã bị Tòa án Liên bang Đức bác hôm 03/02/2020. Vào tháng 07/2018, ông Long N. H. bị kết án 3 năm và 10 tháng tù giam với tội danh gián điệp và đồng phạm giam giữ bất hợp pháp. Người đàn ông gốc Việt, sống tại CH Séc, bị cáo buộc đã thuê một chiếc xe để chở ông Trịnh Xuân Thanh, cựu chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam, ra khỏi nước Đức, nơi ông bị bắt cóc. Vụ việc này đã làm căng thẳng quan hệ ngoại giao hai nước.
(RFI) - Anh ra luật khẩn cấp ngăn tội phạm khủng bố được ra tù sớm.
Luật khẩn cấp được bộ trưởng Tư Pháp Anh, Robert Buckland, thông báo tối 03/02/2020 sau khi Sudesh Amman, từng bị tuyên án về tội khủng bố, là thủ phạm vụ tấn công bằng dao chiều 02/02 tại Luân Đôn khiến hai người bị thương, vừa được trả tự do trước thời hạn. Qua luật mới này, chính phủ Anh muốn chứng tỏ sẵn sàng phản ứng nhanh, trong khi có 74 tội phạm khủng bố vừa được trả tự do và 224 người khác sắp được ra tù.
(AFP) - Paris tháo dỡ khu trại di dân cuối cùng.
Sáng sớm ngày 04/02/2020, khoảng 427 người đã được đưa ra khỏi khu trại di dân ở Porte de la Villette, quận 19 Paris. Những người này được đưa lên xe ca để đến những khu nhà thi đấu và các trung tâm tiếp đón ở vùng Ile-de-France. Cùng với đợt tháo dỡ trước đó ở khu Porte d’Aubervilliers và Porte de la Chapelle, chiến dịch này nằm trong quyết tâm của chính phủ loại bỏ hết những khu lều trại tạm bợ ở phía bắc thủ đô. Cảnh sát sẽ theo dõi khu vực để tránh tình trạng người nhập cư quay lại dựng lều.
(Yonhap) - Nhóm nhạc BTS Hàn Quốc đứng đầu bảng xếp hạng tuần thứ 164 liên tiếp.
Như vậy, theo kết quả được đăng trên website ngày 03/02/2020 của tạp chí Mỹ, BTS trở thành nhóm nhạc/ca sĩ giữ vị trí đứng đầu bảng Social 50 của Billboardlâu nhất, đánh bại cả kỷ lục của ca sĩ Canada Justin Bieber, với 163 tuần liên tiếp vào năm 2011. Bảng xếp hạng này dựa theo sức ảnh hưởng trên internet và dựa vào số lượng người đăng ký theo dõi trên các mạng xã hội như Facebook, Twitter và YouTube.
(AFP) - Cựu tổng thống Bolivia lưu vong ứng cử vào Thượng Viện.
Cựu tổng thống Evo Morales đang lưu vong tại Achentina, hôm qua, 03/02/2020, thông báo ứng cử nghị sĩ trong cuộc tranh cử ngày 3/5 tới. Cựu tổng thống Bolivia đang bị chính quyền truy tố vì tội ”phản loạn và khủng bố”. Ông Morales phải từ chức và chạy ra nước ngoài, sau khi kết quả tái đắc cử tổng thống của ông hồi tháng 10/2019 bị bác bỏ, với cáo buộc gian lận.
(Reuters) - Ủy Ban Châu Âu sửa quy chế cho phép gia nhập EU dễ dàng hơn.
Ngày mai, 05/02/2020, Bruxelles sẽ đưa ra các thông tin cụ thể về những sửa đổi, nhằm tạo điều kiện cho việc mở rộng cửa Liên Âu. Hiện 6 quốc gia khu vực Balkan muốn gia nhập khối. Châu Âu lo ngại nếu tiến trình này bị gây khó khăn, các nước Balkan sẽ ngả về phía Nga và Trung Quốc.
(AFP) - Chính Thống Giáo Nga xem xét ngừng ”ban phép lành” cho vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Theo thông báo đưa ra hôm 03/02 của Tòa thượng phụ Nga, các tín đồ và chức sắc Chính Thống Giáo có thể đóng góp ý kiến về vấn đề này đến ngày 01/06/2020. Ban phép lành cho vũ khí của quân đội Nga là truyền thống có ít nhất từ hồi thế kỷ XII. Truyền thống ban phép lành này được nối lại kể từ năm 2000. Tên lửa liên lục địa, máy bay tiêm kích hay các hệ thống phòng không nằm trong số các đối tượng được ban phép.
Điểm tin thế giới
sáng 4/2
Trung Quốc nói Mỹ ‘làm quá’ với dịch virus Vũ Hán
Lục Du
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Ba (4/2) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Hôm thứ Hai (3/2), Bắc Kinh cáo buộc chính quyền Tổng thống Trump “làm quá” khi đưa ra hàng loạt biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch, bao gồm việc cấm nhập cảnh đối với những người vừa đến Trung Quốc. Vài giờ sau, một quan chức y tế hàng đầu của Hoa Kỳ nói rằng, Mỹ phản ứng mạnh mẽ với dịch virus Vũ Hán là “dựa trên cơ sở khoa học”, theo SCMP.
Bà Nancy Messonnier, giám đốc Trung tâm Quốc gia về Tiêm chủng và Bệnh Hô hấp tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, nói rằng các biện pháp mà Mỹ sử dụng là để “làm chậm sự xâm nhập của virus [Vũ Hán] vào Hoa Kỳ”.
“Những hành động này là dựa trên cơ sở khoa học và chúng đang bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của tất cả người Mỹ”, bà Nancy Messonnier nói. “Hành động hiện tại có khả năng lớn nhất làm chậm mọi thứ”.
Theo cập nhật mới nhất của SCMP, đã có thêm 64 người nữa thiệt mạng vì virus Vũ Hán, nâng tổng số người tử vong vì loại virus này lên 426 người, và thêm hơn 2000 người nhiễm mới khiến con số dương tính với loại virus gây chết người tăng lên 19,852.
Đoàn công tác WHO sẽ sớm tới Trung Quốc
Một nhóm chuyên gia quốc tế do WHO tổ chức có thể đến Trung Quốc sớm nhất là vào tuần này để tìm nguyên nhân sự bùng phát của dịch virus Vũ Hán, và có thể bao gồm các chuyên gia của Hoa Kỳ, người phát ngôn của WHO, Tarik Jasarevic, thông báo hôm thứ Hai (3/2), Reuters đưa tin.
Một quan chức Mỹ cũng đã nói với Reuters tại Geneva rằng các chuyên gia y tế của Hoa Kỳ có thể tham gia vào phái đoàn của WHO, nhưng việc đàm phán vẫn đang được tiến hành.
Ông Jasarevic cho hay, đoàn công tác của WHO sẽ bao gồm các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực, họ sẽ làm việc với các đối tác Trung Quốc để giúp hướng dẫn triển khai các phản ứng toàn cầu với đại dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona gây ra.
Thổ Nhĩ Kỳ tấn công quân đội chính phủ Syria
Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công các mục tiêu quân sự ở miền bắc Syria, sau khi lực lượng quân sự của chính phủ Syria đã giết chết ít nhất 8 binh sĩ của họ và các nhà thầu dân sự, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thông báo hôm thứ Hai (3/2). Một giám sát viên chiến tranh Syria cho biết 13 binh lính Syria cũng đã thiệt mạng, theo AP.
Việc trả đũa nhau giữa quân đội hai nước láng giềng diễn ra vài giờ sau khi một đoàn xe quân sự lớn của Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào tỉnh Idlib, thành trì cuối cùng của quân nổi dậy ở Syria. Reuters nhận định, việc quân đội của Ankara và Damascus tấn công nhau có thể gây ra xích mích giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, những đồng minh đang phối hợp để tấn công lực lượng nổi dậy ở Syria.
Theo Bộ quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi tấn công lực lượng nổi dậy, quân đội chính phủ của Tổng thống Syria, Bashar al-Assad, hành động bất chấp việc đã được thông báo về vị trí của quân Thổ Nhĩ Kỳ. Điều đó làm phát sinh các cuộc tấn công qua lại giữa quân đội hai nước vốn được xem như đồng minh của nhau.
Kenya: Bị giẫm đạp, 14 trẻ em thiệt mạng
Vào thứ Hai (3/2), 14 trẻ em đã tử vong trong một vụ giẫm đạp sau khi các học sinh chạy xuống cầu thang ở một trường tiểu học thuộc phía tây Kenya, các quan chức địa phương cho biết thông tin, theo Reuters.
Ít nhất 39 học sinh bị thương nặng trong vụ việc xảy ra tại Trường tiểu học Kakamega, tờ Daily Nation, dẫn lời chỉ huy cảnh sát khu vực miền Tây Peris Kimani, thông tin.
Theo Daily Nation, một số trẻ em đã bị ngã từ tầng ba khi chúng chạy xuống cầu thang điều đó tạo ra tình huống bị giẫm đạp dẫn tới tử vong.
Pháp: cầm dao tới đồn cảnh sát đe dọa, người đàn ông bị bắn
Reuters cho hay, cảnh sát Pháp đã bắn và làm bị thương một người đàn ông cầm dao thách thức các sĩ quan ngay bên trong một đồn cảnh sát ở miền đông nước Pháp hôm thứ Hai (3/2), một phát ngôn viên của hiến binh quốc gia Pháp nói.
Người đàn ông cầm dao đã được đưa tới bệnh viện sau khi người này làm bị thương cánh tay của một cảnh sát. Nguyên nhân dẫn tới vụ việc vẫn chưa được làm rõ, phát ngôn viên cho biết.
Cách nay chưa đầy một tháng cũng xảy ra một vụ việc tương tự ở Pháp khi cảnh sát cũng bắn bị thương một người đàn ông cầm dao lao về phía họ và hét lên “thánh Allah vĩ đại”.
chiều 4/2:
Bé một tháng tuổi nhiễm virus corona;
Canada đưa máy bay tới Việt Nam chờ sơ tán
công dân khỏi Trung Quốc
Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Ba (4/2) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Bé một tháng tuổi nhiễm virus corona
Theo Shanghaiist, truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm nay đưa tin bé một tháng tuổi ở tỉnh Quý Châu, phía Tây Nam Trung Quốc, được xác định nhiễm virus corona hôm 3/2. Đây là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất được ghi nhận cho đến nay.
Canada đưa máy bay tới Việt Nam chờ sơ tán công dân khỏi Trung Quốc
Ngoại trưởng Canada Francois-Philippe Champagne cho biết vào tối 3/2 một máy bay sẽ được đưa tới Hà Nội để chờ quyết định sơ tán công dân nước này khỏi Trung Quốc vì dịch viêm phổi Vũ Hán.
“Chúng tôi đã thuê một máy bay, di chuyển tới Hà Nội – nơi máy bay sẽ được bố trí sẵn trong lúc chúng tôi chờ sự chấp thuận cuối cùng từ chính quyền Trung Quốc”, hãng tin Sputnik dẫn lời ông Champagne phát biểu trong buổi họp báo.
Ông cho biết thêm Nhóm Triển khai Nhanh Thường trực của Canada đã tới thành phố Vũ Hán, và đang phối hợp với chính quyền Trung Quốc để thực hiện các bước tiếp theo.
Mỹ cách ly người trở về từ Vũ Hán
Reuters cho biết, Mỹ sẽ cách ly hai tuần với công dân và người thân trở về từ Vũ Hán hoặc tỉnh Hồ Bắc nhằm ngăn virus corona tiếp tục lây lan.
Theo thông báo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, hành khách trên các chuyến bay thương mại từ Trung Quốc tới Mỹ sẽ phải hạ cánh tại một trong 11 sân bay được chỉ định để kiểm tra sức khỏe. Nếu có dấu hiệu nhiễm virus, công dân Mỹ và thân nhân sẽ được đưa đi đánh giá y tế và không được phép tiếp tục hành trình.
Những người khác không đến từ Hồ Bắc được phép tiếp tục hành trình về nhà, nhưng được yêu cầu hạn chế ra ngoài và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày sau đó.
Ukraine tố Iran che giấu vụ bắn nhầm máy bay
Fox News cho biết, truyền thông Ukraine hôm 2/2 công bố đoạn ghi âm cho thấy Iran biết đã bắn nhầm máy bay chở khách vào ngày 8/1 nhưng cố tình che giấu.
Đoạn băng ghi lại cuộc trò chuyện bằng tiếng Ba Tư giữa phi công của hãng hàng không Iran Aseman Airlines và đài kiểm soát không lưu vào sáng 8/1. Phi công này lúc đó đang điều khiển máy bay từ Shiraz tới Tehran và thông báo với đài kiểm soát không lưu về vụ nổ mà ông chứng kiến.
“Có nhiều đốm sáng giống như… đúng vậy, đó là một quả tên lửa. Điều gì đang xảy ra vậy?”, phi công hỏi đài kiểm soát không lưu. “Cách xa bao nhiêu? Ở đâu?”, nhân viên kiểm lưu ở Tehran hỏi lại.
Phi công trả lời rằng ông đã thấy đốm sáng từ sân bay Payam, gần nơi Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran phóng tên lửa Tor M-1. Đài kiểm soát không lưu cho biết họ không nhận được báo cáo nào, song phi công khẳng định đã nhìn thấy tên lửa.
“Anh có thấy gì khác không ?”, đài kiểm soát không lưu hỏi.
“Thưa kỹ sư, chúng tôi thấy một vụ nổ lớn. Tôi thực sự không rõ đó là gì”, phi công trả lời.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy phát biểu trên truyền hình hôm 2/2: “Đoạn ghi âm cho thấy phía Iran ngay từ đầu đã biết máy bay của chúng ta bị trúng tên lửa”.
0 comments