Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 08/02/2020

Saturday, February 8, 2020 7:55:00 PM // ,

Đọc báo Pháp – 08/02/2020

Đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn tồn tại 30 năm ?

Tú Anh
Từ Co-vi 2019 đến Hoa Vi thế hệ 5, do đâu mà Trung Quốc là mối hiểm nguy, mạnh lên cũng đáng lo, mà yếu đi cũng đáng ngại. Còn đối với người Việt Nam, nguy cơ trước mắt là Đồng Bằng sông Cửu Long với vựa lúa miền Tây sẽ biến mất trong tương lai gần, do khả năng tái tạo của thiên nhiên đã bị các đập thủy điện và nạn khai thác cát phá vỡ. Đó là các chủ đề thời sự trên các tuần báo Pháp.
Đất lở mà sông không bồi
Tại Việt Nam, đồng bằng sông Cửu Long chìm dần dưới nước biển. Qua rồi thời oanh liệt của thiên nhiên, thời « đất lở sông bồi ». Hơn một chục đập thủy điện trên thượng nguồn và nhất là hiện tượng nạo vét cát khiến các cửa biển ngày càng sâu. Le Courier International giới thiệu bài phóng sự dài của Financial Times.
Một đêm tháng 8, dân làng Bình Mỹ, một ngôi làng trù phú ở đồng bằng sông Cửu Long bị một tiếng nổ lớn đánh thức. Chạy ra đường, họ thấy một đoạn xa lộ dài 30 thước trước xóm nhà lọt xuống sông. Bình Mỹ (tỉnh An Giang) không phải là trường hợp đầu tiên và duy nhất. Vì sao nên nỗi? Và đến khi nào toàn vựa lúa của Việt Nam chịu chung số phận?
Theo Financial Times, một trong những vùng ruộng đồng ở châu Á đang chìm dần xuống biển. Hiện tượng biến đổi khí hậu làm mực nước dâng cao là một trong những lý do. Nghiên cứu của Tổ chức Climate Central dự báo « một phần lớn của vùng đồng bằng sông Mêkông sẽ biến mất từ nay đến năm 2050 ». Trái lại, nhiều nhà khoa học cho rằng, với tình hình hiện nay, mực nước chỉ dâng lên độ 3 mm mỗi năm, tức là rất chậm.
Nhưng đối với dân địa phương và chuyên gia theo sát biến đổi của dòng sông Mêkông từ ba bốn thập kỷ, thì có hai hiện tượng do con người gây ra, đe dọa nghiêm trọng vựa lúa và thực phẩm của Việt Nam. Một là nạn khai thác cát vô trách nhiệm, để phục vụ nhu cầu xây dựng các tòa nhà chọc trời ở thành phố Hồ Chí Minh và gia tăng diện tích lấn biển cho Singapore. Hai là các đập thủy điện của Trung Quốc và Lào trên thượng nguồn.
Cách nay 20 năm, nhờ vào phù sa, mỗi năm đồng bằng sông Cửu Long lấn thêm ra biển. Nhưng bây giờ, phù sa bị giảm gần 50% do các đập thủy điện Trung Quốc, nên bờ biển Cà Mau bị mất hàng chục mét mỗi năm. Nước biển xâm nhập sâu vào sông ngòi làm thay đổi quân bình giữa ba loại nước mặn, lợ và ngọt; tác hại đến ngành trồng trọt, ruộng rẫy, chăn nuôi cá tôm của người dân. Nếu đồng bằng biến mất thì đến phiên người thành phố lãnh hệ quả.
Trước mắt, trong một thế giới mà số phận các vùng duyên hải ngày càng nguy ngập, những gì đang xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long là tín hiệu báo trước tương lai ảm đạm. Dân làng Bình Mỹ phải chuẩn bị sẵn sàng di tản trong trường hợp khẩn cấp.
Đến cát cũng cạn nguồn
Ý thức cần phải bảo vệ dòng trường giang huyết mạch, chính phủ Thái Lan vừa tuyên bố từ chối kế hoạch đầu tư nạo vét đáy sông của Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam cũng ý thức cần phải thay đổi chính sách, phải bảo vệ đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng theo ý kiến một số chuyên gia, tình hình đã quá trễ, trừ phi ngăn chận được 11 đập thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn.
Đọc thêm: Trung Quốc dòm ngó sông Mêkông để tìm đường ra Biển Đông
Bảo vệ dòng sông bằng cách nào khi tàu khai thác cát « đông như kiến »? Người dân bắt đầu ý thức mối nguy hại này nên đôi khi phản ứng thô bạo với dân vét cát. Theo một chuyên gia Việt Nam, cát của Việt Nam chỉ còn từng ấy thôi. Khi 11 đập thủy điện Trung Quốc cùng hoạt động thì cát cũng hết. Chính phủ Việt Nam cũng bắt đầu ý thức và thi hành một số biện pháp như xây kè bê-tông, nhưng cuối cùng phải bỏ dần vì quá tốn kém. Lệnh cấm khai thác cát, ban hành năm 2017, không hiệu quả vì thiếu quyết tâm, vì bị luồn lách.
Báo chí nhà nước cũng bắt đầu tường thuật những gì đang xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long, kèm theo hình ảnh những con đường và nhà cửa rơi xuống sông. Chuyên gia Brian Eyler xem đây là tín hiệu tốt, bởi vì chính quyền Việt Nam bắt đầu nhìn nhận có sai lầm và tìm cách thay đổi chính sách 180°.

Hồ Bắc: Kẻ thù số một

Trung Quốc ho, thế giới sổ mũi. Trong khi thế giới nỗ lực tìm phương pháp chủng ngừa siêu vi Corona thì đảng Cộng sản Trung Quốc tập trung tuyên truyền chính trị vì sợ bất ổn định. Sợ hãi còn làm trỗi dậy tâm lý kỳ thị dân Hồ Bắc. Tình trạng một phần lãnh thổ bị tê liệt có thể tác hại cho kinh tế toàn cầu.
Tác giả bài xã luận « Định kiến đã thức giấc », từ Bắc Kinh, nêu lên một số phản ứng quá đáng và thiếu hiệu quả trong phương thức chống dịch siêu vi Corona tại Trung Quốc : Vì quá « sợ » cho nên trong cuộc chiến « không tiếng súng » này, thay vì đoàn kết tỉ người như một, lại tung ra những thông cáo « tẩy chay người dân Vũ Hán và xe hơi mang bảng số Hồ Bắc », hay « thưởng tiền cho những ai tố giác những người đi thăm thân nhân từ Vũ Hán trở về ». Có địa phương còn công bố « tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại, số xe lửa du hành thậm chí điểm thi vào đại học » của những người Vũ Hán sau khi bắt họ khai báo qua thủ tục kiểm kê sức khỏe, để cư dân nơi đương sự trú ngụ hay làm việc biết rõ.
« Chống dịch không có nghĩa là nghi ngờ võ đoán hàng chục triệu dân của một tỉnh là mầm bệnh. Cho dù có 5 triệu người Vũ Hán đã thoát rào cách ly đi xa trước Tết, nhưng cũng không vì thế mà chúng ta có định kiến đối với họ ».
Trong lúc Trung Quốc còn loay hoay với cách ly và phong tỏa, thì báo chí quốc tế tập trung vào các hệ quả kinh tế. New York Times, trong bài « Trung Quốc ho, Thế giới sổ mũi », ngược dòng thời gian, trở lại toàn cảnh vụ khủng hoảng dịch SARS trong hai năm 2002-2003 cũng phát xuất từ Hoa lục. Sau nhiều tháng lao đao, kinh tế của Trung Quốc, chuyên sản xuất hàng giá rẻ, phất lên trở lại.
New York Times cho rằng hiện nay chưa có thể dự đoán dịch Corona chủng mới kéo dài đến bao giờ, lan rộng đến đâu và giết chết bao nhiêu nạn nhân, tác hại đến mức độ nào cho kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, do vị trí quan trọng của kinh tế Trung Quốc trong kinh tế thế giới, tác động xấu sẽ nghiêm trọng hơn nhiều, bởi vì các nhà máy Trung Quốc ngày nay chế tạo linh kiện tối tân.
Lãnh vực bán dẫn của Mỹ chẳng hạn, gần như lệ thuộc vào Trung Quốc. Hệ quả của siêu vi Corona trên các chuổi dây chuyền sản xuất rất khó dự kiến. Một món phụ tùng trong máy truyền hình kết nối có thể chứa hàng chục linh kiện nhỏ, mỗi thứ lại được ráp từ nhiều linh kiện nhỏ hơn… Chỉ cần một nhà máy ở Trung Quốc tê liệt vì virus thì nhiều nhà máy khác cũng ngưng hoạt động vì thiếu linh kiện.

Trúng nhiều đòn của Trung Quốc,

Châu Âu hết ngây thơ

Cũng liên quan đến cuộc cạnh tranh thương mại nói chung và trận chiến kỹ thuật số nói riêng, hai câu hỏi được báo chí Tây phương đặt ra và tiếp tục đặt ra là « có quá trễ để tẩy chay Hoa Vi hay không, và liệu doanh nghiệp Châu Âu có còn ngây thơ nữa hay không ? »
Theo L’Express, tháng Ba tới đây, tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ công bố một « hiệp ước sản xuất », như một loại cẩm nang để kích thích nền kỹ nghệ Châu Âu, phối hợp với Đức, trong các lãnh vực chiến lược chống lại cạnh tranh của Trung Quốc. Nhà máy chế tạo bình điện Airbus đang được xây dựng là một trường hợp cụ thể.
Như bức họa ở trang bìa, con gà trống nước Pháp đối đầu với con rồng đỏ Trung Quốc và con chim ưng xanh dương của Mỹ, tuần báo tự cho là độc lập, khẳng định với bài phân tích dài : Châu Âu cuối cùng
đã hết dại khờ. Liên Hiệp Châu Âu đã có một thời tin cậy mù quáng vào các đối tác nên nền công nghệ châu Âu phải trả giá đắt.
Từ đầu năm nay, Ủy Ban Châu Âu có thêm một ủy viên mới với nhiệm vụ mới, « Công tố thương mại Châu Âu », để theo dõi xem các đối tác của Châu Âu có tôn trọng cam kết về tự do thương mại hay không. Nói cách khác, như Hoa Vi muốn tham gia vào hệ thống 5G tại Châu Âu thì cũng như một người lái xe, đã đi trên đường xá Châu Âu, thì phải ôm lề phải, không có lôi thôi. Bài học đau đớn nhất cho Đức là đã bị một đối tác Trung Quốc, lợi dụng sơ hở của luật đầu tư để thâu tóm một công ty vô địch về rô-bô.
Chưa hết, các doanh nghiệp Châu Âu còn bị Trung Quốc ép buộc chuyển giao công nghệ để rồi bị đối tác cạnh tranh trở lại một cách khốc liệt mà không có biện pháp pháp lý chống đỡ. Với sự thúc đẩy của Paris, Berlin đồng ý thành lập « lá chắn sàng lọc chống dumping ».
Ngoài phương án tự vệ mới, Châu Âu còn tăng cường vũ khí tấn công với tên gọi « Dự án quan trọng vì quyền lợi chung Châu Âu » : tạo điều kiện phát huy các ngành công nghệ chiến lược, kể cả tài trợ, mà không vi phạm nguyên tắc chống cạnh tranh bất chính của Liên Hiệp Châu Âu và của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới.

Phụ nữ không muốn sinh con

Vào lúc dịch siêu vi Corona đe dọa y tế và kinh tế thế giới thì một nguy cơ khác đe dọa tồn vong của nhân loại : đó là nạn sinh suất giảm, nói thẳng ra là phụ nữ ở mọi châu lục không muốn sinh con. Đâu là căn nguyên, đâu là giải pháp. Le Courrier International giới thiệu bài phân tích của một nữ phóng viên Mỹ.
Các em bé đâu rồi ? Báo động thiếu trẻ con ! « Bébé » (em bé), cuộc khủng hoảng thế giới ! Đó là một số tựa báo mang tính báo động trong nhiều tuần qua từ Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Ý, những nước chịu ảnh hưởng mạnh của Thiên Chúa Giáo. Nguyên nhân có thể xem là mặt trái của chiếc huy chương.
Hiện tượng sinh suất giảm là hệ quả tất yếu của nền kinh tế phát triển là điều tự nhiên : Phụ nữ có học vấn cao, đi làm việc, tiến thân trong xã hội nên …sinh đẻ ít. Nhưng thực tế không lý tưởng như vậy. Theo nhà báo Anna Louie Sussman, trong một bài phân tích tỉ mỉ trên New York Times, khắp nơi trên thế giới, điều kiện kinh tế, xã hội và môi trường đã làm nãn lòng phụ nữ như một loại thuốc ngừa thai âm ỉ.
Cuộc thăm dò của OCDE, Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế năm 2016 cho thấy nguyện vọng của phụ nữ các nước phát triển là có hơn hai đứa con. Nhưng thực tế không đúng như vậy. Tất cả mọi châu lục đều giảm sinh suất : Từ 1985 đến 2016, Châu Phi từ 6,5 xuống 4,4. Châu Á từ 3,69 còn 2,15. Châu Âu từ 1,88 xuống 1,61, Bắc Mỹ từ 1,79 xuống 1,75…
Tình trạng này dẫn đến hệ quả là dân số giảm. Chưa một chính sách nào hiệu quả để làm đảo ngược xu hướng này từ Trung Quốc, Đan Mạch, cho đến Nga hay Hoa Kỳ.
http://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200208-%C4%91%E1%BB%93ng-b%E1%BA%B1ng-s%C3%B4ng-c%E1%BB%ADu-long-ch%E1%BB%89-c%C3%B2n-t%E1%BB%93n-t%E1%BA%A1i-30-n%C4%83m

Tin tổng hợp

(AFP) - Virus corona : Điều tra quốc tế tại Singapore. 
Bộ trưởng Y Tế Pháp Agnès Buzyn sáng nay, 08/02/2020, thông báo có thêm 5 ca lây nhiễm virus corona mới, nhưng không có dấu hiệu nghiêm trọng. Đây là năm công dân Anh có tiếp xúc gần với một bệnh nhân người Anh, người này trước đó từ Singapore trở về Pháp, ở tại vùng núi Alpes Pháp trong 4 ngày vào cuối tháng Giêng và nay đã trở về Anh. Ngoài 5 người được xác định đã nhiễm virus, 6 công dân người Anh khác, cũng ở chung nhà với bệnh nhân đầu tiên, cũng đã được nhập viện để phòng ngừa. Cơ quan y tế của Pháp và Singapore hiện đang tiến hành một cuộc điều tra quốc tế, tập trung vào một cuộc họp diễn ra tại một khách sạn ở Singapore từ ngày 20 đến 22/01, với sự tham dự của 94 người ngoại quốc.
(AFP) – Praha đặt tên nhà đối lập Nga cho một quảng trường. 
Hôm qua, 07/02/2020, chính quyền thành phố Praha, thủ đô Cộng Hòa Séc, thông báo là một quảng trường, nơi đặt đại sứ quán Nga, sẽ được đổi tên thành Boris Nemtsov. Nguyên là cựu phó thủ tướng Nga và là một gương mặt hàng đầu của phe đối lập với tổng thống Vladimir Putin, Nemtsov đã bị ám sát vào năm 2015. Theo dự kiến, đúng vào 27/02, kỷ niệm ngày ông bị ám sát, quảng trường nói trên sẽ được đặt tên Boris Nemtsov.
(AFP) – Thủ tướng Đức Merkel cách chức một bộ trưởng. 
Hôm nay, 08/02/2020, thủ tướng Đức Angela Merkel đã cách chức một bộ trưởng khỏi chính phủ và khỏi đảng bảo thủ, sau vụ tai tiếng về việc các dân biểu địa phương của cánh hữu ôn hòa liên minh với các dân biểu cực hữu. Ông Christian Hirte đã bị mất chức ủy viên chính phủ đặc trách các bang ở Đông Đức, do đã hoan nghênh việc một lãnh đạo bang Thuringe vừa được bầu nhờ liên minh giữa đảng Dân chủ Thiên chúa giáo CDU với đảng cực hữu AfD.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200208-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

Điểm tin thế giới sáng 8/2

Thế giới thiếu đồ bảo hộ coronavirus;

Hơn 50.000 chuyến bay bị hủy

Quý Khải
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Bảy (8/2) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Thế giới đang đối mặt tình trạng “thiếu hụt mạn tính” các loại trang thiết bị, đồ dùng giúp các cá nhân phòng chống coronavirus mới, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố ngày hôm qua.
“Chúng tôi đang gửi các bộ chẩn đoán, khẩu trang, găng tay, máy thở và áo choàng tới các nước ở mọi khu vực. Tuy nhiên, thế giới đang đối mặt tình trạng thiếu hụt mạn tính đồ bảo hộ cá nhân”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói tại cuộc họp báo ở Geneva.
Tổng giám đốc WHO cho biết, để giải quyết tình trạng thiếu hụt này, ông sẽ nói chuyện với Mạng lưới Cung ứng thời đại dịch để xác định các điểm nghẽn, đưa ra các giải pháp và “thúc đẩy sự công bằng trong việc phân phối thiết bị”, báo Tiền Phong trích nguồn từ CNN.
Hơn 50.000 chuyến bay bị hủy
Có tới 50.000 chuyến bay đến và đi khỏi Trung Quốc đã bị hủy khi nhiều hãng hàng không quốc tế đồng loạt cắt giảm đường bay đến Trung Quốc trước nguy cơ lây nhiễm virus nCoV, theo VTV.
Không chỉ gây thiệt hại cho các hãng hàng không bởi Trung Quốc là thị trường bay tấp nập thứ 2 trên thế giới mà tình trạng hủy chuyến cũng đang gây áp lực lên ngành du lịch, vốn phụ thuộc vào nguồn du khách từ Trung Quốc.
Khoảng 27 triệu hành khách cũng được dự báo chịu ảnh hưởng do đợt dịch này.
Nhà Trắng yêu cầu điều tra nguồn gốc virus 2019-nCoV
Báo Tin Tức trích dẫn từ kênh truyền hình ABC News cho hay, giám đốc Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ (OSTP) của Nhà Trắng trong bức thư gửi Viện Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia ngày 6/2 đã đề nghị các chuyên gia nhanh chóng xác định căn nguyên của chủng virus mới trên nhằm báo cáo tình trạng lây lan hiện tại cũng như “để thông báo về sự chuẩn bị đề phòng dịch và hiểu rõ hơn về các khía cạnh lây truyền động vật sang người và môi trường của virus Corona”.
Giám đốc OSTP Kelvin Droegemeire cũng viết trong thư rằng việc xuất hiện những bàn tán rộng rãi về nguồn gốc của 2019-nCoV đã cho thấy sự cần kíp về thông tin chính xác. Ông đề xuất tổ chức một cuộc họp cấp chuyên gia bao gồm các nhà di truyền học, các chuyên gia về virus Corona và các nhà sinh học hàng đầu thế giới.
Tài xế Trung Quốc bị chỉ trích vì đeo 12 khẩu trang
Một tài xế tại Trung Quốc đã bị chỉ trích vì đeo tới 12 chiếc khẩu trang để chống virus corona, trong khi khẩu trang đang là mặt hàng khan hiếm tại nước này.
Báo Dân Trí dẫn theo SCMP cho hay, tài xế tại thành phố Đông Hoản, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đeo 12 chiếc khẩu trang khi đang lái xe để phòng chống virus corona.
Sau khi bị cảnh sát dừng xe để kiểm tra nhiệt độ cơ thể, tài xế được yêu cầu gỡ 11 chiếc khẩu trang ra khỏi mặt.
Quan chức Trung Quốc né xin lỗi Lý Văn Lượng
Bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, được coi là “anh hùng” vì giúp cảnh báo sớm dịch bệnh. Lý từng gửi tin nhắn vào nhóm trò chuyện gồm 150 bác sĩ để cảnh báo về 7 ca nhiễm virus mà anh cho là giống SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng), nhưng sau đó bị giới chức Vũ Hán triệu tập và buộc ký biên bản với nội dung “phát tán thông tin sai lệch làm xáo trộn nghiêm trọng trật tự xã hội”, VnExpress trích dẫn từ kênh CNN cho biết.
Dư luận Trung Quốc bày tỏ lòng tiếc thương trước cái chết của bác sĩ 34 tuổi, đồng thời phẫn nộ với chính quyền, thậm chí yêu cầu các quan chức xin lỗi vì cách đối xử với Lý. Hashtag “bác sĩ Lý qua đời” ngay lập tức thu hút hàng triệu lượt xem và bình luận trên Weibo.
Bất chấp cơn thịnh nộ từ công chúng đối với chính quyền cũng như công tác kiểm duyệt thông tin, trong cuộc họp báo tại Hồng Kông hôm qua, ông Tạ Phong, đặc phái viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Hồng Kông, không trả lời câu hỏi của phóng viên về việc chính quyền Vũ Hán có phải xin lỗi về cái chết của bác sĩ Lý hay không. Ông chỉ đọc một tuyên bố ngắn từ chính quyền thành phố, trong đó bày tỏ “lời chia buồn sâu sắc nhất” tới gia đình bác sĩ Lý.
Hội chữ thập đỏ Trung Quốc hứng bão chỉ trích trong đại dịch nCoV
Vào một buổi chiều ảm đạm ở TP Vũ Hán, một người đàn ông đặt một thùng khẩu trang 3M vào cốp xe màu đen đậu cạnh tòa nhà của Hội chữ thập đỏ. Bên ngoài chiếc xe này có dòng chữ: “Xe dành cho quan chức chính phủ”.
Hành động của người đàn ông được báo chí Trung Quốc phát trực tiếp vào thứ Bảy tuần trước (1/2) và ngay lập tức hứng bão chỉ trích của cư dân mạng, báo Tiền Phong dẫn từ Đài CNN.
“Chúng tôi không quyên góp đồ cho quan chức chính phủ sử dụng mà cho những người đang chiến đấu ở tiền tuyến”, một người viết trên mạng xã hội Weibo. Biển số chiếc xe này trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất ở Trung Quốc vào cuối tuần qua.
Video này đã chạm đúng nỗi giận dữ của dư luận trước tình trạng các bệnh viện đang vô cùng thiếu đồ dùng và thiết bị y tế, dù Hội chữ thập đỏ Trung Quốc, cùng như những tổ chức khác, đã nhận hàng triệu đô la tiền quyên góp.
Cựu phu nhân Thủ tướng Malaysia hầu tòa vì thao túng chính phủ
Bà Rosmah Mansor, phu nhân cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak, bị đưa ra xét xử từ ngày 5/2 với cáo buộc “gây ảnh hưởng đáng kể” lên các quyết định của chính phủ, báo Tiền Phong trích nguồn từ the Strait Times cho hay.
Cáo buộc vợ chồng ông Najib tham nhũng quy mô lớn được đưa ra sau khi ông Najib thất bại trong cuộc tổng tuyển cử năm 2018. Ông Najib đang đối diện với hàng chục tội danh tham nhũng và rửa tiền liên quan đến quỹ đầu tư nhà nước 1MDB.
Bà Rosmah đối mặt với 3 tội danh gồm gạ gẫm và nhận hối lộ liên quan đến tổng số tiền 194 triệu ringgit (45,93 triệu USD) để giúp đỡ công ty Jepak Holdings giành được một dự án điện mặt trời.
Australia đón cơn mưa lớn chưa từng có trong 20 năm
Trận mưa lớn kỷ lục trong 20 năm giúp dập tắt 1/3 số lượng đám cháy đang hoành hành ở Australia, tờ VTC News dẫn theo Sky News cho biết.
Sở Cứu hóa nông thôn New South Wales hôm 7/2 hồ hởi thông báo thông tin số vụ cháy rừng trên toàn bang đã giảm từ 60 xuống còn 42 chỉ trong 1 ngày.
Mặc dù vậy, trận mưa lớn chưa từng có trong gần 20 năm vẫn sẽ tiềm ẩn rủi ro về lũ quét và lở đất.
Israel triển khai thêm quân đến Bờ Tây
Lần thứ hai kể từ khi công bố “Thỏa thuận thế kỷ”, quân đội Israel ngày hôm qua tuyên bố sẽ cử thêm lực lượng chiến đấu đến Bờ Tây, theo phóng viên VOV tại Cairo.
Quyết định này được đưa ra sau khi các cuộc đụng độ ở Bờ Tây và cuộc pháo kích liên tục từ Dải Gaza bùng phát giữa người Palestine và các lực lượng Israel. Đây là đợt tăng cường quân sự thứ hai mà Israel gửi tới Bờ Tây kể từ khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố vào ngày 28/1 kế hoạch hòa bình hay còn gọi là “Thỏa thuận thế kỷ” mà phía Palestine từ chối.
Bạo lực bùng phát trong những ngày qua ở Bờ Tây và Dải Gaza khiến ít nhất 14 người thương vong, trong đó có 12 binh sĩ Israel bị thương vào rạng sáng 6/2 ở Jerusalem và ít nhất 2 người Palestine đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ với quân đội Israel.
Thuốc lá đã tắt vẫn thải khí độc
Trang Science Alert dẫn nghiên cứu của Viện Tiêu chuẩn và Kỹ thuật quốc gia Mỹ (NIST) cho biết thuốc lá không chỉ độc hại khi đang hút mà phần còn lại sau khi hút vẫn tiếp tục phát ra khí độc dù đã tắt hoàn toàn, theo báo Thanh Niên.
Để đo mức phát thải, chuyên gia Dustin Poppendieck và các cộng sự tại NIST đặt 2.100 mẩu thuốc sau khi đã hút vào một gian phòng kín.
Chỉ trong 24 giờ, phần điếu thuốc đã tắt tiếp tục phát ra khoảng 14% lượng nicotin so với khi đang cháy.
Chưa hết, nghiên cứu còn cho thấy nicotin và triacetin – chất hóa dẻo trong đầu lọc – tiếp tục phát ra đến 5 ngày sau.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-8-2-the-gioi-thieu-do-bao-ho-coronavirus.html

Điểm tin thế giới chiều 8/2:

Thêm 4 thành phố Trung Quốc siết ‘vòng kim cô’

Quý Khải
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Bảy (8/2) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Báo VnExpress dẫn nguồn từ tờ Washington Post cho hay, 4 thành phố lớn của Chiết Giang được đặt dưới lệnh quản thúc mới: chỉ một người trong gia đình được phép ra ngoài mua đồ hai ngày một lần.
Đây là lệnh phong tỏa mới được chính quyền Trung Quốc ban hành ở 4 thành phố lớn của tỉnh ven biển Chiết Giang, gồm Ôn Châu, Hàng Châu, Thái Châu và Ninh Ba, nhằm ngăn dịch viêm phổi do chủng mới virus corona (2019-nCoV) lây lan.
Hơn 30 triệu cư dân ở 4 thành phố lớn nếu muốn rời khỏi khu sinh sống của họ để tới khu dân cư khác hoặc tới siêu thị phải được chính quyền phát vé được đóng dấu hoặc có mã quét nhận dạng cá nhân. Nhân viên tại mỗi trạm thu phí sẽ đo nhiệt độ cơ thể cho từng người đi qua.
“Các nhà ở đây đều đóng kín cửa. Chúng tôi hoàn toàn bị cô lập”, Chen Zongyao, người đàn ông 55 tuổi ở Ôn Châu, người may mắn tích trữ gạo và cá trước khi dịch lan tới Chiết Giang, cho biết.
WHO: Dịch viêm phổi do nCoV tại Trung Quốc “sẽ lâu kết thúc”
VOV dẫn theo Reuters cho hay, WHO cảnh báo các nước cần phải cảnh giác trong đợt bùng phát virus corona tại Vũ Hán, Trung Quốc bởi nhiều khả năng “dịch bệnh sẽ còn lâu mới kết thúc”.
Hôm nay (8/2), phát biểu với báo giới, Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Bắc Kinh, Tiến sĩ Gauden Galea cho biết không thể đưa ra dự đoán thời gian kết thúc dịch bệnh, các nước cần nâng cao các phương án phòng tránh dịch bệnh.
Tháng 1 năm nay, tại một bệnh viện ở Vũ Hán, trong quá trình chăm sóc, điều trị người bệnh nhiễm chủng virus corona mới, 40 nhân viên y tế đã bị lây bệnh.
40 y bác sĩ cùng bệnh viện nhiễm virus corona
Tuổi trẻ dẫn từ hãng tin AFP cho biết, thực tế vừa được nêu ra trong một nghiên cứu mới công bố này là thông tin cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm virus corona rất đáng ngại trong nhóm các nhân viên y tế đảm nhiệm việc chăm sóc, điều trị người bệnh tuyến đầu.
Nghiên cứu đăng trên tạp chí Journal of the American Medical Association (JAMA) ngày 7/2 của nhóm các bác sĩ tại Bệnh viện Trung Nam thuộc Đại học Vũ Hán. Theo đó, một bệnh nhân được đưa vào khoa phẫu thuật được cho là nguồn lây nhiễm cho 10 nhân viên y tế.
Virus corona có thể tồn tại ngoài vật chủ tới 9 ngày
Các nhà nghiên cứu Đức đã phát hiện ra rằng chủng mới virus corona (nCoV) có thể tồn tại tới 9 ngày bên ngoài vật chủ.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trong công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học “Journal of Hospital Infection”, các nhà nghiên cứu ở Đức cho biết nCoV có thể tồn tại tới 9 ngày trên bề mặt các vật dụng với nhiệt độ trong nhà và con người có thể nhiễm virus bất cứ lúc nào trong thời gian này. Đây là thời gian tồn tại tối đa của nCoV bên ngoài vật chủ. Thời gian tồn tại trung bình của virus này bên ngoài vật chủ là từ 4 – 5 ngày.
Singapore nâng mức cảnh báo dịch viêm phổi
VnExpress dẫn từ Reuters cho biết, giới chức Singapore đã nâng cảnh báo từ vàng lên cam đối với dịch viêm phổi do virus corona, chạm ngưỡng dịch SARS năm 2003 và H1N1 năm 2009.
Mức cảnh báo cam được giới chức Singapore đưa ra hôm qua sau khi số người nhiễm dịch viêm phổi do chủng mới virus corona tăng lên 33, trong đó có một số trường hợp không liên quan tới ca nhiễm trước hoặc từng tới Trung Quốc. Đây là mức cao thứ hai sau đỏ trên thang cảnh báo của Singapore.
“Chúng tôi phải tăng mức đánh giá rủi ro đối với virus corona sau khi ghi nhận vài trường hợp nhiễm bệnh dù không có mối liên hệ nào với ca nhiễm trước hoặc từng tới Trung Quốc trước đó”, Bộ trưởng Y tế Singapore Gan Kim Yong nói trong cuộc họp báo hôm qua.
Singapore khuyên dân không bắt tay để tránh lây virus corona
Cơ quan y tế tại Singapore hôm 7/2 kêu gọi mọi người không nên bắt tay như một biện pháp chống lại sự lây lan của virus corona mới, theo VOV.
Trong một tuyên bố, Bộ Y tế Singapore khuyến cáo mọi người không nên bắt tay trong thời điểm này, mà nên áp dụng lời chào thay thế, đồng thời kêu gọi người dân Singapore truyền tải thông điệp này rộng rãi tới cộng đồng.
Lời khuyên trên là một phần của các biện pháp bổ sung được Singapore công bố khi nước này nâng cấp đánh giá rủi ro từ màu vàng sang màu cam trong thang đo “Điều kiện hệ thống ứng phó với dịch bệnh”.
Vét sạch siêu thị giữa dịch viêm phổi
Các siêu thị ở Hồng Kông và Singapore gần như trống trơn khi người dân đổ xô đi mua nhu yếu phẩm tích trữ giữa dịch virus corona, VnExpress dẫn theo AFP cho biết.
Facebook, Twitter từ chối gỡ video về bà Pelosi
Facebook và Twitter từ chối xóa một video về Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi được ông Trump đăng tải trên trang cá nhân vì “không vi phạm chính sách”, theo CNBC, dẫn bởi VnExpress.
Văn phòng Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hôm 7/2 lên tiếng chỉ trích, sau khi yêu cầu Facebook và Twitter xoá một video được Tổng thống Trump đăng tải trước đó với tựa đề “Những câu chuyện mạnh mẽ của người Mỹ bị xé nát bởi Pelosi”, nhưng không được chấp thuận.
Nội dung đoạn video cho thấy bà Pelosi xé bài phát biểu Thông điệp Liên bang của Trump, được ghép cùng với hình ảnh Trump chào đón một phi công Tuskegee, nhóm phi công quân sự người Mỹ gốc Phi đã chiến đấu trong Thế chiến II. Chỉ trong chưa đầy 24 giờ sau khi đăng tải, video trên đã được 2,1 triệu lượt xem và được chia sẻ hơn 23.000 lần. Ông Trump cũng chia sẻ video này trên tài khoản Twitter cá nhân có hơn 72 triệu người theo dõi của mình tối 6/2.
Nghị sĩ Mỹ yêu cầu điều tra báo Trung Quốc
35 nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ gửi thư cho Bộ Tư pháp yêu cầu điều tra báo China Daily của Trung Quốc, VnExpress dẫn theo SCMP cho hay.
“Vai trò quan trọng của China Daily trong chiến dịch đánh lạc hướng thông tin nước ngoài của Trung Quốc cần phải được điều tra đầy đủ”, bức thư gửi Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr được công bố hôm 7/2 cho hay. Bức thư được 9 thượng nghị sĩ và 26 hạ nghị sĩ Cộng hòa ký tên.
Theo nội dung thư, Trung Quốc đã rót 35 triệu USD cho China Daily, tờ báo thuộc sở hữu nhà nước, kể từ năm 2017 như một phần của chiến dịch tuyên truyền nước ngoài trị giá hàng tỷ USD trong thập kỷ qua. Tờ báo này đã “đưa ra những bài báo bị bóp méo về chính sách của đảng Cộng sản Trung Quốc, mối quan hệ của đảng với Mỹ đối với lượng độc giả nói tiếng Anh, vi phạm Đạo luật Đăng ký Đại diện nước ngoài (FARA)”.
Mỹ liệt Hãng hàng không nhà nước Venezuela vào danh sách đen
Hôm qua (7/2), Bộ Tài chính Mỹ đã ra tuyên bố liệt Hãng hàng không nhà nước Venezuela vào danh sách đen, VOV dẫn theo Reuters cho biết.
Đây được coi là động thái mới nhất của Chính phủ Mỹ nhằm gây sức ép với Chính phủ Tổng thống Nicolas Maduro. Theo tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ, các công dân nước này sẽ không được sử dụng các dịch vụ vận chuyển hành khách của các máy bay thuộc Hãng hàng Không nhà nước Venezuela Conviasa.
Lệnh trừng phạt này của Mỹ nhằm ngăn chặn việc chính phủ Venezuela lạm dụng đường hàng không, chỉ huy các máy bay vận tải để thúc đẩy các chương trình nghị sự, bao gồm cả việc đưa các quan chức ra nước ngoài.
Mỹ hiện đang theo đuổi chính sách trừng phạt kinh tế và cô lập đối ngoại chống lại chính phủ Venezuela của Tổng thống Nicolas Maduro để hỗ trợ nhà lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trước đó tuyên bố sẽ có những hành động tiếp theo để hỗ trợ ông Guaido.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-chieu-8-2-them-4-thanh-pho-trung-quoc-siet-vong-kim-co.html

Tạp chí đặc biệt

Trần Thị Nga, người tranh đấu

cho những thân phận bị dồn vào đường cùng

Trọng Thành
Những ai theo dõi các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lấn biển đảo tại Hà Nội những năm gần đây không thể quên hình ảnh một người phụ nữ nhỏ nhắn bế con nhỏ thường xuyên có mặt. Năm 2017, chị bị một tòa án Việt Nam kết án 9 năm tù vì tội ”tuyên truyền chống Nhà nước”. Gương mặt tiêu biểu của cuộc tranh đấu cho những con người bị đẩy đến bước đường cùng, quê Hà Nam, được giới bảo vệ nhân quyền quốc tế đặc biệt quan tâm.
Ngày 10/01/2020, sau 1.084 ngày bị giam giữ, với sự can thiệp của chính quyền Mỹ, chị Trần Thị Nga đã từ nhà tù ra thẳng máy bay sang Hoa Kỳ. Đầu tháng 2/2020, hiệp hội chống tra tấn và án tử hình của Pháp (Fondation ACAT – France) trao tặng chị Trần Thị Nga giải thưởng nhân quyền Engel-du Terte, để vinh danh một người đã hết mình cho cuộc chiến bất bạo động, vì những quyền tự do căn bản, bất chấp những truy bức, hành hạ, ngược đãi đủ loại từ phía chính quyền.
Ý thức thiết thân về những quyền con người căn bản là động lực thôi thúc Trần Thị Nga từ khi chị dấn thân vào con đường tranh đấu. Trả lời phỏng vấn RFI Tiếng Việt từ Atlanta (Mỹ), nơi chị đang cư trú cùng với gia đình, chị Trần Thị Nga chia sẻ với công chúng về những căn duyên nào đã đưa chị đến với con đường tranh đấu, những thách thức lớn nhất trong thời gian lao tù, cũng như những cảm nhận và suy nghĩ đầu tiên khi được trả tự do.
Tổ chức bảo vệ nhân quyền Foundation ACAT-France hoan hỉ vì chị Trần Thị Nga được trả tự do trước thời hạn, nhưng cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế ”đừng xem hành động trả tự do này như là một sự nới lỏng các đàn áp nhắm vào xã hội dân sự Việt Nam. Hơn bao giờ hết, cần phải tiếp tục nỗ lực vì những nhà bất đồng chính kiến đang bị đàn áp, lên án chiến lược của nhà cầm quyền, cách ly các nhà bất đồng chính kiến ra khỏi xã hội Việt Nam, để cản trở họ tiếp tục công việc của họ trên đất nước mình”.
***
RFI: Động cơ gì đã khiến chị đi vào con đường tranh đấu cho nhân quyền?
Trần Thị Nga: Tôi bị đẩy vào con đường đấu tranh, chứ không phải đi theo lý tưởng ngay từ đầu. Khi tôi đi ”xuất khẩu lao động” sang Đài Loan gặp nạn, thì chính phủ Việt Nam đã bỏ rơi tôi. Chính vì thế mà tôi đã phải tự học, tự tìm hiểu luật để bảo vệ chính cái quyền lợi của mình. Tìm hiểu quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân, cũng như các quyền con người căn bản. Sau đó thì tôi đã dùng kiến thức và kinh nghiệm của mình để giúp đỡ những nạn nhân khác.
Chị bị bỏ rơi như thế nào tại Đài Loan ?
Tôi đi Đài Loan theo chính sách mà chính phủ Việt Nam gọi là ”xuất khẩu lao động”, nhưng thực chất đó là buôn bán nô lệ. Bởi vì năm đó là 2003, tôi phải bỏ tiền mặt ra là hơn 20 triệu đồng Việt Nam. Khi sang Đài Loan, tôi làm việc 6 tháng trong nhà chủ, từ 4 giờ sáng cho đến 9 giờ tối. Trong vòng 6 tháng đó, chỉ được lĩnh 13 nghìn đô la Đài tệ, chưa đủ bằng một tháng tiền lương. Công ty môi giới Việt Nam lại là nơi đưa tôi ra ngoài làm việc bất hợp pháp.
Trong khoảng thời gian đấy, tôi bị tai nạn giao thông. Tôi đã bị hôn mê rất nhiều ngày. Tiền viện phí rất là cao. Chính vì vậy mà chính phủ Đài Loan đã phải mở cuộc họp báo để yêu cầu chính phủ Việt Nam đứng ra cùng giải quyết, nhưng chính phủ Việt Nam đã làm ngơ.
Sau đó làm thế nào mà chị thoát ra được ?
Sau đó chính phủ Đài Loan và văn phòng trợ giúp cô dâu và công nhân Việt Nam của linh mục Nguyễn Văn Hùng đã giúp đỡ tôi. Tôi đã về văn phòng của Cha. Trong quá trình ở đấy, tôi tự học tiếng Trung, tự tìm hiểu về luật pháp, tự tìm hiểu về quyền con người căn bản. Sau đó tôi đã làm thiện nguyện cho văn phòng của Cha Hùng để giúp những người hoạn nạn khác trong vòng hơn hai năm.
Xin chị cho biết thêm về điều gì đã đánh thức chị trong nhận thức về quyền căn bản của con người.
Đơn giản thôi. Lúc đó tôi chơi với rất nhiều người dân Đài Loan. Cái mà họ chỉ cho tôi biết là họ có quyền tự do ngôn luận, họ có quyền tự do biểu tình, và chính phủ Đài Loan có tam quyền phân lập. Đó là một đất nước tự do. Cho nên người dân họ được hưởng rất nhiều quyền lợi căn bản. Và họ cũng phải chịu trách nhiệm, nghĩa vụ công dân cũng rất là cao. Điều học được của tôi chính là từ những người bạn Đài Loan ấy.
Điều mà chị gọi là ”tam quyền phân lập” là gì ?
Tam quyền phân lập có nghĩa là các cơ quan hành pháp, tư pháp và lập pháp phải độc lập. Còn ở Việt Nam, tất cả những cơ quan đấy đều do đảng Cộng Sản chỉ đạo. Cái đó nó hoàn toàn phi lý.
Vì sao việc này lại là ”phi lý” ?
Như trong cái bản án của tôi, họ ghi là tôi đòi ”tam quyền phân lập” là vi phạm pháp luật. Trước tòa, tôi nói tôi chống là tôi chống những cái sai, cái ác của những người công an, cán bộ đảng viên đảng Cộng Sản, chứ tôi không chống người dân, không chống đất nước của tôi. Và đòi tam quyền phân lập là quyền của tất cả người dân. Nhà cầm quyền cộng sản chỉ là một bộ phận trong cơ cấu vận hành của đất nước Việt Nam.
Toàn bộ quan tòa họ lặng câm. Tôi bảo là việc tôi chống lại cái sai, cái ác của đảng viên đảng Cộng Sản, không phải là tôi chống Nhà nước. Như các nước có tam quyền phân lập, thì theo Hiến pháp, các cơ quan tư pháp, hành pháp, lập pháp độc lập, ở Việt Nam thì sao ? Tất cả các cơ quan ấy đều chấp hành mệnh lệnh của đảng Cộng Sản. Đó là phi pháp rồi.
Đấy là nhận thức của chị đúc kết khi phát biểu trước phiên tòa, hay ngay từ đầu, tại Đài Loan, chị đã nhận thức như vậy ?
Cái chính là trong khoảng thời gian tôi bị giam cầm trong trại tạm giam ở Hà Nam, tôi đã bị họ chà đạp, tôi đã bị họ dùng đủ mọi trò hèn, thì điều đó nó thúc đẩy tôi mạnh hơn. Những điều đó tôi vốn đã được học, được tiếp cận trong quá trình tôi chưa bị bắt. Chính vì có kiến thức như thế, tôi mới có khả năng trợ giúp những người khác. Nhưng khi bị vào trong chốn ngục tù, thì đó là khoảng thời gian cho tôi trải nghiệm thực tế về mức độ những tội ác, cũng như những vi phạm pháp luật, do đảng Cộng Sản lãnh đạo đã gây nên cho người dân Việt Nam.
Trở lại với hành trình tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam, chị có kỷ niệm nào đặc biệt đáng nhớ ?
Trong quá trình ở Việt Nam, làm những công việc giúp đỡ người gặp nạn, cũng như đấu tranh để bảo vệ môi trường sống, và biển đảo của quê hương, thì điều mà tôi cảm thấy có ấn tượng, là một kiến thức và kinh nghiệm thực sự rất quý báu, đó là khi tôi đã đồng hành, lên tiếng giúp đỡ ba nạn nhân bị án tử hình oan (Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng, Lê Văn Mạnh). Lúc đó đã có một phản ứng rất mạnh mẽ, kể cả quốc tế, truyền thông, tất cả mọi người đã hỗ trợ cùng lên tiếng để vạch trần những cái sai trong bản án phi pháp ấy.
Trong hoàn cảnh nhà tù, trại giam như thế, sức mạnh nào đã khiến chị vượt qua?
Thực ra để có được cái ý chí, cái lý trí để vượt qua được cái khó khăn trong chốn ngục tù không phải là đơn giản. Tôi tiếp cận với với những người phụ nữ có con, có con nhỏ, mà họ phải đi tù, thì những người phụ nữ nào mà yêu thương, nhớ thương con mình, thì dễ bị nhà cầm quyền cộng sản nắm được điểm yếu đấy, để bắt họ phải làm những việc độc ác đối với những người phụ nữ khác. Đó là làm tay sai cho những người công an, để đi rình rập, rồi vu khống những người tù khác. Không riêng gì những người tù chính trị như tôi. Bản thân tôi, điều đầu tiên mà một người mẹ như tôi phải làm là xóa bỏ tất cả hình ảnh con cái của mình ra khỏi đầu. Buộc mình phải loại suy nghĩ nhớ con ra khỏi đầu, thì mình mới có thể tồn tại được, và giữ vững được tinh thần của mình.
Lúc đó tôi chỉ nghĩ đơn giản là, lúc đó tôi cúi đầu nhận tội chỉ vì tôi thương con, nhớ con, cúi đầu nhận tội theo ý của nhà cầm quyền Việt Nam, thì sau này làm sao sau này tôi có thể dậy con tôi trở thành người lương thiện, một người tử tế được.
Có một sự kinh khủng nhất mà những người tù ở miền bắc phải gánh chịu. Tôi chưa ở tù miền nam nên tôi chưa biết, nhưng khí hậu miền bắc, mùa đông rất lạnh, mùa hè rất nóng. Lúc tôi bị tạm giam trong trại giam của Công An tỉnh Hà Nam, mùa hè trong một căn phòng có mấy mét vuông mà mấy người ở. Bí và nóng kinh khủng, trong một căn phòng kín như vậy lúc nào người cũng phải dội nước. Tường xung quanh mình cũng phải dội nước lên để bớt sức nóng. Khi dội nước lên, hơi nóng sẽ hầm lại. Nếu không hắt nước lên như vậy, thì sức nóng ập vào khiến đầu như muốn nổ tung. Trại giam Hà Nam, không riêng tôi, mà mọi người đều như thế. Có nhiều người để tồn tại phải bán lương tâm, đạo đức của mình đi, để làm tay sai cho công an, thì được ra ngoài để hít thở không khí…Có những người con trai, tù nam ở trong trại tạm giam Hà Nam, trong khoảng thời gian nóng như thế, thần kinh của họ yếu đi, hết sức chịu đựng, cứ những lúc nóng như thế họ đập đầu vào tường, đập đầu vào cửa, họ rồ lên giống như người điên vậy.
Chính quyền đưa ra những lời mời mọc như vậy thường xuyên, hay chỉ vào một thời điểm nhất định?
Chuyện đó xẩy ra liên tục chứ không phải đến lúc mà chuẩn bị ra xét xử đâu. Những lúc mà họ dùng những trò hèn mạt như vậy để tra tấn tinh thần tôi, thì hầu hết tôi chỉ nhắm mắt cầu nguyện. Có những lúc thì mình phải lảng đi làm chuyện khác. Sức chịu đựng của những con người mà đặc biệt là những người mẹ. Nói năng bằng lời không được, có những khi tôi phải cãi nhau với họ.
Lần cuối cùng, nói theo ngôn ngữ thông thường của người Việt, tôi đã ”chửi nhau” với họ. Tôi đã nói thẳng là : Các anh có là công an, là đảng viên Cộng Sản, các anh cũng là những con người, các anh cũng có bố, mẹ, vợ, chồng, con cái. Các anh hãy đặt giả sử mẹ anh, vợ anh, con gái của anh là nạn nhân như tôi, các anh sẽ làm gì. Và từ nay trở đi, nếu mà – tôi gọi là ” thằng” – ”thằng nào vào đây mà vận động tao nhận tội, mà tao không có vi phạm. Lôi con tao ra để mà tra tấn tinh thần tao như thế này, tao sẽ chửi cả con, cả bố, cả mẹ chúng mày lên đấy, chứ đừng có mà làm cái trò hèn mạt như thế ! ”. Nói thẳng là phải dùng những lời lẽ của một con người bị dồn vào đường cùng, sau lần đấy, họ không vào vận động tôi nữa. Mà toàn là lãnh đạo cao cấp, chứ không phải là những người công an thường. Sau đấy họ giao lại cho những người tù trong ban giúp việc hàng ngày vận động tôi.
Những lúc cảm thấy khó khăn nhất, chị cầu nguyện gì?
Trong tù, thường là tôi viết trên tường. Có lúc tôi viết là : Tôi yêu bản thân tôi, tôi sẽ dùng cơn hoạn nạn trong chốn lao tù, như là cơ hội để tôi học hỏi, cầu nguyện, học tập để phát triển bản thân, làm người có ích cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội. Có đoạn thì tôi viết : Tôi yêu bản thân tôi, tôi sẽ tha thứ cho những kẻ gây tội ác cho mẹ con tôi, theo gương của Chúa Giê Su và và ông Mahatma Gandhi… Tôi cứ viết như vậy để tôi tự phục hồi tinh thần của mình.
Sau khi ra khỏi tù rồi, ý nghĩ đầu tiên của chị là gì ?
Ngay trong tù, tôi đã xác định là khi ra khỏi tù, bất cứ là ngày nào, việc đầu tiên tôi cần làm là giữ sức khỏe đã. Bởi vì trong quá trình vào tù, bị cách ly với mọi thứ, mình đã phải xóa bỏ mọi sự nhớ con, rồi là những bất công mà nhà cầm quyền cộng sản đã gây ra cho bản thân tôi, và những người dân khác. Khi ra tù, việc đầu tiên tôi cần phải làm là khôi phục lại trí nhớ, sức khỏe, cũng như tinh thần của mình, dành thời gian để chăm sóc con cái, bù đắp lại những gì chúng đã phải chịu đựng trong khoảng thời gian tôi bị đi tù, và ổn định cuộc sống kinh tế cũng như gia đình, vì có sức mới vực được Đạo. Thì lúc đó tôi mới tiếp tục công cuộc đấu tranh của tôi. Tôi không thể dừng được, khi mà nhà cầm quyền cộng sản chưa dừng tội ác của họ.
Khi được tự do rồi, chị coi những thông tin nào đầu tiên, thông tin nào gây ấn tượng nhất với chị?
Tin đầu tin mà tôi biết là Hồ Duy Hải được xóa án tử hình và điều tra, xét xử lại. Còn vụ đầu tiên làm tôi bị choáng nhất là vụ Đồng Tâm. Tôi đã trải qua rất nhiều khổ nạn rồi, nhưng tôi không tưởng tượng được là chính phủ Việt Nam họ lại độc ác đến mức đó đối với cụ Kình, và đối với người dân Đồng Tâm. Tấm hình đầu tiên tôi được nhìn trên mạng xã hội là cái chết của cụ Kình. Và tôi đã rùng mình, tôi sợ đến mức độ tôi phải tắt máy đi, phải vứt máy ra một chỗ khác. Tôi cảm thấy tội ác của nhà cầm quyền quá cao. Đó cũng là một điều làm cho tôi phải nghĩ lại xem mình sẽ phải làm cái gì, mình cần phải làm như thế nào.
Đọc thêm : Biến cố thảm khốc ở Đồng Tâm: Từ bàng hoàng, phẫn nộ đến tỉnh thức
Khi ở trong nước, tôi là người đấu tranh trực diện, còn khi ra tới nước ngoài rồi, thì môi trường đấy của tôi, tôi không thể phát huy được nữa. Nên tôi phải học, phải tìm một cái phương pháp mới. Việc quan trọng nhất hiện tại là tôi phải học. Bây giờ, thứ nhất là tôi phải học tiếng Anh, phải học những điều luật căn bản của nước Mỹ, cũng như những quyền căn bản khác.
(Chị Trần Thị Nga cũng cho biết chị đặc biệt quan tâm đến hai nhà tranh đấu cao tuổi tỉnh Hà Nam, hai ông Trương Minh Hưởng, và Hoàng Đức Doanh, hiện đang bị chính quyền sử dụng các biện pháp đàn áp tương tự như với chị Nga và các con. Theo chị Trần Thị Nga, nhóm các nhà tranh đấu nhân quyền trẻ hơn tại Hà Nam, gồm chị cùng các anh Hoàng Dũng (Con đường Việt Nam), Trương Minh Tam và Bạch Hồng Quyền, đã bị truy bức đến mức đều phải ra nước ngoài).
Trước khi chia tay, chị có chia sẻ gì thêm với công chúng?
Với những kinh nghiệm tôi đã trải qua, cũng như những gì đã xảy ra trên đất nước Việt Nam của chúng ta, thì tôi mong các khán thính giả theo dõi chương trình đài RFI, hãy lên tiếng, hãy làm những việc gì dù nhỏ nhất. Có thể khi mình làm, mình nói, thì mình nghĩ là nó không có tác dụng gì, nhưng thực ra khi quý vị nói và làm cái điều mà bản thân mình cảm thấy là đúng, thì dù có nhỏ đến mấy chúng ta cũng cần làm. Vì chỉ khi chúng ta hành động, chúng ta nói lên chính kiến của mình, phản đối những cái sai, cái ác, những sự bất công, để bảo vệ những quyền căn bản của mình, và không những của mình mà còn của người thân trong gia đình mình, đặc biệt là những người dân trong đất nước mình, khi chúng ta đã làm hết khả năng, hết trách nhiệm – nghĩa vụ của một công dân, thì dù có bị hoạn nạn, chúng ta vẫn được những người khác quan tâm. Ví dụ như điển hình là trường hợp như tôi. Khi tôi bị nhà cầm quyền cộng sản bách hại vào chốn ngục tù, tôi đã được rất nhiều cơ quan, tổ chức xã hội dân sự, các cá nhân, đặc biệt là các tổ chức nhân quyền thế giới quan tâm giúp đỡ, và hiện nay tôi đã được ra khỏi chốn ngục tù,
để được sống một cuộc sống tự do trên đất Mỹ, cùng chồng và các con của tôi. Nên quý vị đừng lo lắng khi nói và làm những điều căn bản của một người dân cần làm. Tôi chúc quí vị những điều tốt lành nhất!
Xin cảm ơn chị Trần Thị Nga.
http://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200208-tr%E1%BA%A7n-th%E1%BB%8B-nga-v%C3%A0-nh%E1%BB%AFng-th%C3%A2n-ph%E1%BA%ADn-b%E1%BB%8B-d%E1%BB%93n-v%C3%A0o-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-c%C3%B9ng

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.