Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 04/01/2020

Saturday, January 4, 2020 7:17:00 PM // ,

Đọc báo Pháp – 04/01/2020

Bầu cử Đài Loan :

Thất bại thấy trước của quyền lực mềm Trung Quốc

Thụy My
Trong bài « Đài Loan bỏ phiếu chống lại Tập Cận Bình », tác giả Pierre Haski trên L’Obs nhận xét, lần thứ hai chỉ trong vài tuần lễ, đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ bị thua trong cuộc bầu cử dân chủ. Tất nhiên là không phải tại Hoa lục, nơi không thể có bầu cử một cách dân chủ.
Nền dân chủ Đài Loan không hề muốn tự sát với « nhất quốc, lưỡng chế »
Tháng trước, những người trẻ đấu tranh cho dân chủ đã chiến thắng trong cuộc bầu cử địa phương ở Hồng Kông, giáng một đòn nặng nề cho các nhà lãnh đạo Bắc Kinh vẫn ngỡ rằng « đa số thầm lặng » sẽ xuất hiện sau sáu tháng xung đột ngày càng bạo lực. Ngày 11/01/2020, chính tại Đài Loan mà Bắc Kinh một lần nữa có thể sẽ gánh thêm một thất bại mới.
Đài Loan, hòn đảo chỉ có 23 triệu dân đối đầu với người khổng lồ 1,4 tỉ dân, nền kinh tế thứ nhì thế giới. Vào thời chiến tranh lạnh, cả Đài Loan lẫn Trung Quốc đều độc tài, một bên là Cộng sản, một bên thân Mỹ. Nhưng từ thập niên 90, Đài Loan đã thành công đáng nể trong việc chuyển đổi thành chế độ dân chủ, và nay trở thành một trong những xã hội tự do nhất châu Á.
Đài Loan, đứng nhất hay nhì châu lục, tùy theo năm, trong bảng xếp hạng tự do báo chí của Phóng viên Không biên giới (RSF) ; nước châu Á đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, nhiều xu hướng dân chủ… Trong khi đó, Trung Quốc đi con đường ngược lại, với chế độ độc tài đảng trị khắc nghiệt.
Nếu hồi năm 1949, Đài Bắc muốn « tái chinh phục » lục địa đã rơi vào tay quân Cộng sản, thì ngày nay Bắc Kinh muốn thu hồi Đài Loan. Cuộc bầu cử tổng thống ngày 11/01 tới sẽ là một thử nghiệm về tình cảm người dân đối với Trung Quốc, và mọi thứ đều do Tập Cận Bình mà ra.
Năm 2018, đảng Dân Tiến của bà Thái Anh Văn đã thất bại trong cuộc bầu cử địa phương, khiến cơ hội tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai trở nên mong manh. Nhưng đến tháng Giêng 2019, Tập Cận Bình có bài phát biểu đầy hung hăng, chỉ cho người dân Đài Loan chọn một trong hai con đường. Hoặc thống nhất hòa bình theo quy chế « Một đất nước, hai chế độ » theo kiểu Hồng Kông, hoặc bằng vũ lực ! Sau bài diễn văn này, tỉ lệ ủng hộ bà Thái Anh Văn tăng trở lại.
Nhưng chính từ khi khởi đầu phong trào phản kháng ở Hồng Kông tháng 06/2019 mà nữ tổng thống mãn nhiệm trở thành khó thể đánh bại, trước đối thủ Quốc Dân đảng thân Bắc Kinh. Tại Đài Bắc, tất cả những người mà tác giả bài viết gặp gỡ đều cho biết đã quyết định bầu cho bà Thái Anh Văn khi liên tưởng đến Hồng Kông, cho dù họ có bất đồng về những chủ đề khác hay về kết quả nhiệm kỳ đầu.
Nền dân chủ Đài Loan vẫn sống động và không hề có ý định tự sát, cũng như thử nghiệm một quy chế mà người Hồng Kông đã tố cáo sự phá sản. Ông Tập Cận Bình với sự không khoan nhượng của mình rốt cuộc có thể giúp kẻ thù tái đắc cử, cho dù ông vẫn có đủ phương tiện để gây áp lực lên đảo quốc.
Cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan sẽ củng cố thêm sự gắn bó của người dân với nền dân chủ của mình, và các cuộc thăm dò cho thấy chỉ có 10% dân Đài Loan muốn thống nhất với « mẫu quốc ». Đó là dấu hiệu thất bại của quyền lực mềm Trung Quốc, và là thông điệp của những lá phiếu ngày 11/1 tới tại Đài Loan.
« Nhờ » Trung Quốc hung hăng, bà Thái Anh Văn có thể tái đắc cử
The Economist có cùng nhận định « Tổng thống vốn nghi ngại Trung Quốc, bà Thái Anh Văn có thể thắng cử lần nữa ».
Tờ báo điểm lại : từ năm 2000 đến nay, đảng Dân Tiến đã thắng ba lần trong cuộc bầu cử tổng thống, Quốc Dân đảng hai lần. Còn Quốc Hội thường do các phe thân Trung Quốc kiểm soát, cho đến năm 2016, lần đầu tiên Dân Tiến giành được cả ngôi vị tổng thống lẫn phe đa số trong Quốc Hội.
Việc bà Thái ủng hộ người biểu tình Hồng Kông có thể làm tăng cơ may thắng cử, bên cạnh đó sự kiện Mỹ nói không với công nghệ Trung Quốc cũng mang lại thế mạnh cho bà. Các tập đoàn công nghệ Đài Loan không muốn gánh lấy rủi ro bị mất thị trường phương Tây nếu đứng về phía Bắc Kinh. Một số còn dịch chuyển sản xuất từ Hoa lục sang các nước Đông Nam Á hoặc về Đài Loan. Ít gắn bó với Trung Quốc, họ sẽ quan tâm đến Dân Tiến hơn.
Đối thủ chính của bà Thái Anh Văn là Hàn Quốc Du (Han Kuo Yu), thị trưởng Cao Hùng ; nhưng cơ hội của ông này bị giảm sút từ tháng 11/2019 khi một chính khách thân Trung Quốc khác là Tống Sở Du (James Soong), chủ tịch đảng Thân Dân ra tranh cử, có thể chia bớt phiếu của ông.
Tổng thống Thái Anh Văn thường đả kích Trung Quốc. Trong một cuộc tranh luận truyền hình, bà đọc lá thư của một thanh niên Hồng Kông : « Tôi mong người Đài Loan đừng tin Trung Quốc Cộng sản, đừng rơi vào bẫy tiền của họ ». Bà cũng tự hào kinh tế Đài Loan dưới thời đảng Dân Tiến đã tăng trưởng, sau khi bị suy thoái lúc Quốc Dân đảng cầm quyền trước đó.
Một số cử tri có thể không cảm thấy thuyết phục, vì tiền lương vẫn đứng nguyên một chỗ từ hai thập niên qua. Những người nghèo, người già có xu hướng ủng hộ ông Hàn Quốc Du. Ông này nhắc lại thời kỳ kinh tế bùng nổ những năm 70 và 80 với chính quyền Quốc Dân đảng, nhưng tránh nói thời đó Đài Loan dưới chế độ độc tài, độc đảng.
The Economist cảnh báo về bầu cử Quốc Hội : nếu đảng Dân Tiến mất quyền kiểm soát (hiện nay đảng này chiếm 68/113 ghế), Quốc Dân đảng có thể chận các dự luật mà Bắc Kinh không ưa, như luật hôm 31/12 chống sự can thiệp của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng tố cáo luật này nhưng cố kềm chế để tránh làm lợi cho bà Thái.
Sau khi Thái Anh Văn đắc cử năm 2016, Trung Quốc thường xuyên diễu võ dương oai, chẳng hạn cho oanh tạc cơ bay vòng quanh hòn đảo, dụ dỗ bảy đồng minh của Đài Bắc cắt đứt quan hệ. Nhưng từ giữa năm 2019 không thấy chiến đấu cơ bay sang nữa. Là người thực dụng, nếu tái đắc cử, bà Thái vẫn cố tránh xung đột quân sự. Tuy nhiên, nếu Mỹ tiếp tục củng cố mối quan hệ không chính thức với Đài Bắc, như vụ bán 66 phi cơ F-16 mới đây, tuần báo Anh cho rằng một ngày nào đó Bắc Kinh sẽ mất kiên nhẫn.
Mỹ-Trung : Cuộc chia ly quan trọng nhất thế giới đang diễn ra
Cũng về Trung Quốc nhưng trong quan hệ với Hoa Kỳ, The Economist khuyến cáo « Đừng bị lừa trước thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung » giai đoạn 1. Thỏa thuận khiêm tốn này không thể che đậy được sự rạn nứt trầm trọng nhất trong quan hệ đôi bên, kể từ khi hai ông Richard Nixon và Mao Trạch Đông bắt tay nhau cách đây nửa thế kỷ.
Mối đe dọa của một Trung Quốc độc tài, công nghệ cao đối với phương Tây là quá rõ, các công ty về trí tuệ nhân tạo Trung Quốc cũng như các gu-lắc Tân Cương là những cảnh báo cho toàn cầu.
Cội rễ có từ 20 năm trước, khi Trung Quốc được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001. Người ta mong rằng Bắc Kinh sẽ tự do hóa nền kinh tế và có thể cả chính trị, hội nhập dần vào một trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo. Nhưng ảo vọng này đã tan tành. Phương Tây đối mặt với khủng hoảng tài chính và thu mình lại, còn Trung Quốc giàu có lên, muốn áp đặt các quy tắc cho thương mại toàn cầu, xây dựng các căn cứ quân sự ở Biển Đông, can thiệp vào cộng đồng 45 triệu người Hoa ở các nước và đe dọa những tiếng nói chỉ trích từ bên ngoài.
Tổng thống Donald Trump đáp trả bằng chính sách đối đầu được lưỡng đảng ủng hộ. Tuy nhiên, Washington vẫn chưa có được đồng thuận về mục tiêu – làm giảm thâm hụt thương mại hay rộng lớn hơn về địa chính trị, ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc ? Về phía Tập Cận Bình, khi thì kêu gọi tự cung tự cấp, lúc khác lại nhấn mạnh toàn cầu hóa ; trong lúc Liên Hiệp Châu Âu không chắc mình là đồng minh của Mỹ, đối tác của Trung Quốc hay siêu cường mới bắt đầu thức tỉnh.
Thỏa thuận Mỹ-Trung giai đoạn 1 vẫn giữ nguyên đa số thuế quan, tạm gác những bất đồng sâu sắc nhất để giải quyết sau. Mục đích chiến thuật của ông Trump là hỗ trợ nền kinh tế Mỹ trong năm bầu cử, còn Trung Quốc vui mừng « câu » được thêm giờ. Mỗi bên đều cố gắng hạn chế ảnh hưởng của nhau, nhưng việc này rất phức tạp, vì hai siêu cường đang bị buộc chặt vào nhau.
Đa số các dụng cụ điện tử của Mỹ được lắp ráp tại Trung Quốc, còn các công ty công nghệ Trung Quốc phụ thuộc các nhà cung cấp phương Tây đến 65% trong điện toán đám mây và 90% về chất bán dẫn. Phải mất 10-15 năm nữa, Bắc Kinh mới có thể tự chủ được về chip máy tính, và ít nhất một thập niên nữa về giao dịch ngoại hối, vì đồng nhân dân tệ chỉ mới chiếm tỉ lệ 2% trong thanh toán quốc tế.

Châu Âu đứng nhìn

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tung hoành tại Libya

Nhìn sang Bắc Phi, bài xã luận của Le Point nhận định về « Cuộc chiến của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ở Libya chống lại châu Âu ». Cũng như Syria, châu Âu đang phải đứng ngoài nhìn một thảm họa đang lan rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của mình.
Tám năm sau cái chết của Mouammar Kadhafi, Libya trở thành chiến trường của các cường quốc. Tình hình ngày càng giống với thảm kịch Syria : các thế lực trong nước không tìm được tiếng nói chung, quốc tế hóa cuộc chiến trên cơ sở Mỹ rút lui, có cùng các nhân tố nước ngoài là Matxcơva và Ankara – nay không ngần ngại can dự trực tiếp vào sân khấu Libya. Châu Âu phải đóng vai khán giả, trong khi Libya có tầm quan trọng hơn hẳn Syria.
Trước hết, Libya là nhà cung cấp dầu lửa, có trữ lượng lớn nhất châu Phi. Lãnh thổ rộng lớn của nước này là điểm trung chuyển của di dân Phi châu vào cựu lục địa, và là hậu cứ cho thánh chiến đang làm bất ổn vùng Sahel. Pháp, Anh từng đi đầu trong cuộc can thiệp quân sự của NATO vào Libya năm 2011, để cứu người dân vùng nổi dậy khỏi bị Kadhafi thảm sát, nhưng sau đó không có nỗ lực cần thiết để áp đặt một giải pháp chính trị.
Libya từ sau cuộc bầu cử 2014 nằm trong tay hai phe đối địch. Ở miền tây là chính phủ Tripoli được Liên Hiệp Quốc công nhận, được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ. Còn ở miền đông là chính quyền của thống chế Khalifar Haftar, được sự hỗ trợ của Nga, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Ả Rập Xê Út và Ai Cập.
Ông Haftar khởi động cuộc nội chiến tháng 4/2019, tấn công Tripoli với hy vọng giành được Ngân hàng Trung ương đang rủng rỉnh tiền từ dầu lửa, làm hơn 1.000 người chết và 120.000 thường dân phải di tản. Nga làm lợi thế nghiêng về Haftar với việc điều mấy trăm lính đánh thuê của công ty tư nhân Wagner, thân cận với Putin, và mới đây cả quân đội chính quy Nga đến giúp. Thấy phe mình bị đe dọa, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cũng gởi quân sang.
Thổ Nhĩ Kỳ vừa ký được với Tripoli hiệp định ranh giới trên biển, dòm ngó các mỏ khí bị Hy Lạp và Chypre đòi hỏi chủ quyền. Còn Nga theo đuổi nhiều mục tiêu : đặt một chân vào phía nam Đại Tây Dương, làm suy yếu Liên Hiệp Châu Âu, kiểm soát dầu lửa Libya để khống chế nguồn năng lượng cho châu Âu. Bảo vệ quyền lợi của mình, Ankara và Matxcơva có biết tránh được một cuộc xung đột tại Libya hay không ? Hai ông Erdogan và Putin sẽ gặp nhau trong tháng Giêng. Có một điều đã là chắc chắn : nếu họ thỏa thuận được với nhau, thì đều bất lợi cho châu Âu.

Đơn giản hóa cuộc sống thực và ảo

Trên lãnh vực xã hội, hồ sơ của L’Obs cho rằng dọn dẹp đồ đạc trong các ngăn tủ, giảm bớt các cuộc hẹn hò, không vào mạng xã hội, dành thời gian cho riêng mình… là giải pháp tốt cho dịp đầu năm. Tự giải thoát khỏi những gì không cần thiết để tập trung vào những vấn đề chính yếu, đã trở thành một nghệ thuật sống.
Nhà xã hội học Razmig Keucheyan điều tra ra rằng một người Đức, và nói rộng ra là người châu Âu, sở hữu trung bình đến 10.000 đồ vật. Thế nên không có gì đáng ngạc nhiên khi số lượng các buổi « vide-grenier » (bán lại đồ cũ) nở rộ, các kênh buôn bán những món đồ đã qua sử dụng làm ăn phát đạt : mỗi ngày có 800.000 lời rao trên trang Leboncoin của Pháp. Tuy nhiên bán ra bao nhiêu thì người ta mua lại bấy nhiêu ! Còn trong đời sống ảo, nhiều người cũng đã « thấm mệt về cuộc sống trên mạng » với vô số thông tin, tin nhắn… dồn dập hàng ngày.

Tựa chính các tuần báo

Trong tuần lễ đầu năm dương lịch, Courrier International vẫn còn nghỉ lễ. Chủ đề của L’Obs xoay quanh việc « Dọn sạch » những vật dụng không cần thiết, ngắt kết nối mạng xã hội… để đầu óc được nhẹ nhàng, tự bằng lòng với những nhu cầu tối thiểu. Le Point nói về « Những lãnh địa mà đạo Hồi đã chinh phục được », L’Express chạy tựa « Albert Camus, Thần tượng Pháp », đăng chân dung nhà văn, nhà báo nổi tiếng đã qua đời cách đây đúng 60 năm, ngày 04/01/1960 vì tai nạn xe hơi. Trang bìa The Economist đăng ảnh một quả địa cầu có hai cực, một bên có nền đỏ với sáu ngôi sao vàng, bên kia là màu cờ Mỹ với những sọc trắng đỏ và những ngôi sao nhỏ trên nền xanh, chơi chữ « Nghịch lý ».
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200104-bau-cu-dai-loan-that-bai-thay-truoc-cua-quyen-luc-mem-trung-quoc

Tin tổng hợp

(Reuters) – Bắc Kinh cách chức lãnh đạo văn phòng liên lạc giữa Hoa lục với Hồng Kông. 
Tân Hoa Xã thông báo ngày 04/01/2019 trên mạng xã hội Vi Bác rằng ông Vương Chí Dân (Wang Zhiming) bị cách chức. Người thay thế sẽ là ông La Hội Ninh (Luo Huining), 65 tuổi. Nhân vật này từng là lãnh đạo tỉnh Sơn Tây.
(AP) – Cam Bốt: Lại thêm một vụ nhà đang xây bị sập gây chết người.
Ngày 04/01/2020, các nhóm tìm kiếm và cứu hộ ở Cam Bốt tiếp tục đào bới đống gạch đổ nát của một tòa nhà bị sập vào hôm 03/01 để tìm người sống sót. Tòa nhà ở tỉnh Kép, miền duyên hải Cam Bốt đang xây thì bị sập, đã khiến ít nhất năm người thiệt mạng và khoảng 20 người bị thương. Một số người sống sót nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Điểm lạ là ngay trong ngày 03/01, đích thân thủ tướng Cam Bốt Hun Sen đã đến nơi để chỉ đạo công việc cứu hộ.
(AFP) – Mưa lũ tại Indonesia làm hơn 50 người thiệt mạng. 
Cho đến ngày 04/01/2020, hàng chục ngàn người Indonesia vẫn chưa thể trở về nhà. Hơn 170.000 người gần thủ đô Jakarta sống trong cảnh màn trời chiếu đất, theo thống kê của chính quyền. Hiện có ít nhất 53 người bị chết. Indonesia đang phải đối mặt với trận mưa lũ và ngập lụt nghiêm trọng nhất từ năm 2013.
(AFP) – Louis Vuitton đóng một cửa hiệu ở Hồng Kông vì khủng hoảng. 
Tập đoàn thời trang hạng sang của Pháp LVMH ngày 03/01/2020 dự trù đóng cửa một cửa hiệu Louis Vuitton tại Hồng Kông. Cửa hiệu nói trên nằm trong khu vực mua bán sầm uất nhất của Hồng Kông là Causeway Bay, trải rộng trên 10.000 mét vuông. Tập đoàn Pháp LVMH thuê diện tích này với giá 5 triệu đô la Hồng Kông hàng tháng. Trong bối cảnh khủng hoảng Hồng Kông kéo dài, các sinh hoạt mua bán sa sút. Doanh thu của tập đoàn tại Hồng Kông giảm 23% so với hồi năm 2018.
(AFP) – Bảo tàng Louvre Paris đón 9,6 triệu khách tham quan trong năm 2019. 
Con số này giảm đôi chút so với kỷ lục 10,2 triệu vào năm 2018. Tuy nhiên, ban giám đốc bảo tàng Louvre cho biết, đã cố tình giới hạn bớt lượng khách tham quan để bảm đảm chất lượng các cuộc thăm quan cho mỗi người có vé vào cửa. Riêng chi nhánh của bảo tàng Louvre tại thành phố Lens, miền bắc nước Pháp, đã thu hút được hơn nửa triệu khách tham quan trong năm 2019. Để so sánh, các bảo tàng khác trong vùng, chỉ bán được tối đa là từ 200.000 đến 300.000 vé vào cửa cho cả năm. Sau cùng bảo tàng Louvre tại Abou-Dhabi, sau hai năm mở cửa đã thu hút được hai triệu khách tham qua. Đại đa số là khách châu Á.
(AFP) – Pháp : Sau một tháng đình công, phe chống đối cải cách hưu trí không lui bước. 
Sau 30 ngày đình công liên tiếp tính đến hôm 04/01/2020, giới công đoàn vẫn đòi chính phủ rút lại kết hoạch cải tổ và kêu gọi biểu tình rầm rộ vào ngày 09 và 11/01. Trong thông cáo ngày 03/01, một số công đoàn chỉ trích chính phủ để tình trạng kéo dài với hy vọng phong trào bị hụt hơi. Tỷ lệ người ủng hộ phong trào biểu tình giảm 5 điểm theo thăm dò của viện Odoxa được công bố hôm 03/01.
(Reuters) – Irak : Các bên liên quan bác tin Mỹ tiến hành một đợt oanh kích khác. 
Theo thông tin trước đó, liên quân chống khủng bố do Hoa Kỳ dẫn đầu đã mở chiến dịch oanh kích gần căn cứ quân sự Tadji, ở phía bắc thủ đô Bagdad. Vào sáng sớm 04/01/2020, tổ chức Irak Hash al Chabi thân Iran ra thông cáo cho hay ít nhất 6 người chết và ba người của tổ chức này bị thương nặng. Tuy nhiên chỉ vài giờ sau, cả phía Hoa Kỳ lẫn quân đội Irak và chính phong trào vũ trang này đã cải chính tin trên.
(AP) – Quốc Hội Tây Ban Nha chuẩn bị bỏ phiếu thành lập tân chính phủ. 
Nghị Viện Tây Ban Nha bắt đầu họp lại kể từ ngày 04/01/2020 để thảo luận và bỏ phiếu về tân chính phủ liên hiệp cánh tả do quyền thủ tướng Pedro Sánchez, đảng Xã Hội, thành lập. Ông Sánchez muốn lập chính phủ liên hiệp với một đảng cực tả, chống khắc khổ, nhưng cần hỗ trợ từ một số đảng nhỏ hơn để được Quốc Hội chấp thuận. Đề xuất của ông Sánchez dự kiến ​​sẽ không chiếm được đa số tuyệt đối 176 phiếu trong vòng bỏ phiếu đầu tiên vào Chủ Nhật 05/01. Ba đảng cánh hữu Tây Ban Nha đã tuyên bố sẽ bỏ phiếu chống. Nhưng có khoảng 20 dân biểu đã đồng ý chấp thuận tân chính phủ, trong đó có nhóm 13 người thuộc đảng ERC vùng Catalunya.
(AFP) – Bolivia sẽ bầu lại tổng thống ngày 03/05/2020. 
Chủ tịch Tòa Án Bầu Cử Tối Cao Bolivia (TSE) đã cho biết như trên vào hôm 03/01/2020. Cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra đồng thời với một cuộc bầu cử Quốc Hội. Từ sáu tháng nay, Bolivia không có tổng thống chính thức do việc cựu tổng thống Evo Morales đã bị một phong trào quần chúng nổi dậy buộc phải lưu vong sau một cuộc bầu cử bị đánh giá là gian lận. Từ đó đến nay, đất nước do quyền tổng thống Jeanine Añez, nguyên là một nữ thượng nghị sĩ cánh hữu, lãnh đạo.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200104-tin-tong-hop

Tin tức – 04/01/2020

Cập nhật tranh cử

Cuộc tranh cử tổng thống bên phiá DC vẫn tiếp tục lai rai trong mùa nghỉ lễ.
Ø  Ứng cử viên Buttigieg đã tìm ra được món quà mới để tặng giới trẻ. TT Buttigieg sẽ hủy bỏ việc cấm mua/bán và sử dụng tất cả mọi loại ma túy. Nước Mỹ sẽ trở thành thiên đường cho tất cả mấy tay buôn ma túy đủ loại, tha hồ làm giàu. Những quà cáp mỵ dân của các ứng cử viên tổng thống của đảng DC đúng là… vô hạn! Quý độc giả nào muốn con cháu mình suốt ngày ngắc ngư trong thuốc lắc xin cứ bỏ phiếu cho ‘chị’ Buttigieg!https://disrn.com/news/pete-buttigieg-calls-for-decriminalization-of-all-drugs
Ø  ‘Chị Buttigieg’ ra chiêu đánh cụ Biden. Trả lời một phỏng vấn của một báo, chị Buttigieg tuyên bố “tôi sẽ không bao giờ để con tôi làm cho một công ty ngoại quốc trong khi tôi đang có trách nhiệm chống tham nhũng”. Y nói việc con của cụ Biden, anh Hunter Biden được bổ nhiệm làm cố vấn ngồi chơi xơi nước cho Burisma, một công ty dầu khí Ukraine.
Đây không phải lần đầu tiên cụ Biden bị chị Buttigieg tấn công. Trước đây, Buttigieg đã chê cụ Biden đã sai lầm hoàn toàn khi biểu quyết cho TT Bush đánh Iraq. Chị Buttigieg nhận định “làm việc lâu năm ở Hoa Thịnh Đốn không có nghĩa là có khả năng xét đoán cao”.
https://www.foxnews.com/politics/buttigieg-takes-thinly-veiled-swipe-at-biden-says-he-would-not-want-his-son-on-ukraine-board
Ø  Trong một nỗ lực kiếm phiếu trong khối cử tri của TT Obama, cụ Biden mới đây đã cho biết nếu đắc cử, ông sẽ bổ nhiệm TT Obama vào Tối Cao Pháp Viện nếu có cơ hội và nếu TT Obama chấp nhận.
Thật ra, còn một điều kiện nữa mà cụ Biden quên: đảng DC phải chiếm được đa số trong Thượng Viện, chứ nếu CH còn nắm đa số thì không có cách nào ông Obama hay bà Hillary có thể vào Tối Cao Pháp Viện được.
https://dailycaller.com/2019/12/28/biden-open-nominating-obama-supreme-court/
Ø  Bà Tulsi Gabbard, dân biểu DC đã bỏ phiếu trắng trong vụ đàn hặc TT Trump, cũng đang là ứng cử viên tổng thống, tuyên bố “đàn hặc đã tăng mạnh triển vọng tái đắc cử của TT Trump, mà cũng tăng luôn nguy cơ đảng DC sẽ mất thế đa số tại Hạ Viện luôn”.
https://thehill.com/homenews/campaign/476313-tulsi-gabbard-impeachment-has-greatly-increased-the-likelihood-of-trump-re
Ø  Cựu bộ trưởng của TT Obama cũng là ứng cử viên tổng thống duy nhất gốc Mễ, ông Julian Castro đã rút lui ra khỏi cuộc chạy đua. Không có gì đáng ngạc nhiên.
https://www.foxnews.com/politics/castro-drops-out-of-2020-presidential-race
Ø  Chủ bút báo Christianity Today, là người đã viết bài công kích TT Trump thiếu đạo đức, cần phải bị truất phế, ông Mark Galli, đã từ chức kể từ ngày 3/1/2020 tiếp theo áp lực mạnh của các lãnh đạo khối Evangelists.
https://www.newsmax.com/newsfront/christianity-today-editor-mark-galli-retiring/2020/01/02/id/948117/?ns_mail_uid=899a15c3-7644-484e-9950-94bbfcf6b307&ns_mail_job=DM77101_01022020&s=acs&dkt_nbr=010524r6rxgr
Ø  Cụ Biden thông báo cho thiên hạ biết tam cá nguyệt cuối năm 2019, cụ đã nhận được 22,7 triệu tiền yểm trợ, mà cụ khoe là cao nhất từ trước đến nay của cụ. Cụ xã nghĩa Sanders thu được 34,5 triệu và ‘chị’ Buttigieg kiếm được 24,7 triệu, cả hai đều hơn xa cụ Biden.
Trong khi đó, TT Trump đã thu được 46 triệu.
https://www.breitbart.com/2020-election/2020/01/02/joe-biden-raises-22-7m-in-q4-less-than-sanders-buttigieg/?utm_source=newsletter&utm_medium=email&utm_term=daily&utm_campaign=20200102&utm_content=Final
Ø  Anh đạo diễn và sản xuất phim Michael Moore đã tiên đoán TT Trump sẽ dễ dàng đắc cử năm tới. Anh Moore thuộc thành phần cấp tiến cực đoan nhất, chống TT Trump kịch liệt, cũng như trước đây chống TT Bush con rất hăng say.
Trong mùa bầu cử 2016, anh ta công khai tiên đoán ông Trump sẽ hạ bà Hillary, gây sốc lớn trong giới truyền thông.
https://www.realclearpolitics.com/video/2019/12/26/michael_moore_predicts_2020_trump_victory_trumps_level_of_support_has_not_gone_down_one_inch.html

Cập nhật đàn hặc

Vì quốc hội nghỉ lễ nên không có nhiều tin mới lạ liên quan đến đàn hặc, chỉ có vài tin nhỏ đáng để ý.
Ø  Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện đang tích cực chuẩn bị cho ‘phiên tòa’ xử TT Trump. Ông đã chính thức yêu cầu bộ Ngoại Giao cung cấp tất cả những tài liệu liên quan đến các trao đổi giữa PTT Biden và chính phủ Ukraine cũng như tài liệu về các cuộc viếng thăm Ukraine của ông, cũng như nộp tất cả tài liệu về việc ông con Hunter Biden làm việc cho công ty Burisma của Ukraine.
https://dailycaller.com/2019/11/21/graham-requests-documents-ukraine-joe-hunter-biden/
Ø  Bà thượng nghị sĩ CH Susan Collins đã lên tiếng công kích TNS Mitch McConnell, lãnh tụ khối đa số CH trong Thượng Viện. Theo bà Collins, ông McConnell đã phát biểu nhiều ý kiến quá sớm về việc đàn hặc và biểu quyết truất phế TT Trump khi ông chưa nhận được hồ sơ gì hết. Trước đó, ông McConnell đã tuyên bố sẽ không cho mời thêm nhân chứng ra điều trần, cũng như ông đã khẳng định sẽ không có cách nào TT Trump bị truất phế.
Bà Collins thường bỏ phiếu chống TT Trump, và được tiên đoán có thể sẽ biểu quyết truất phế TT Trump.
https://www.wsj.com/articles/susan-collins-becomes-second-gop-senator-to-question-mcconnell-over-impeachment-trial-11577823952
Ø  Dân biểu DC Al Green trả lời một phỏng vấn của nhà báo Christopher Hayes, đã nhìn nhận ý kiến đàn hặc TT Trump đã nẩy sinh ra ngay từ khi ông Trump còn đang tranh cử. Lý do là ông Trump là người không đủ tư cách để làm tổng thống, cho nên nếu ông đắc cử thì phải có biện pháp truất phế ông
ngay. Nói tiếng Nôm cho dễ hiểu, ông Green xác nhận chuyện đàn hặc đã được phe DC quyết định từ khi ông Trump chưa đắc cử, vấn đề chỉ là tìm được cơ hội, lý cớ để đàn hặc và truất phế thôi. Đẻ ra cái chuyện thông đồng với Nga. Để rồi khi chuyện này chìm xuồng thì phải bới ra chuyện đổi chác với Ukraine.
Lá phiếu của người dân là chuyện không đáng để ý trong con mắt của đảng DC.
https://www.breitbart.com/clips/2019/12/31/democrat-admits-impeachment-genesis-was-before-trumps-election/?utm_source=newsletter&utm_medium=email&utm_term=daily&utm_campaign=20191231&utm_content=Final

Iran lên cơn sốt

Tình hình Trung Đông bất ngờ lên cơn sốt.
Iran đốc xúi một nhóm Hồi giáo quá khích biểu tình chiếm phá tòa đại sứ Mỹ tại thủ đô Iraq, Baghdad. Sau đó, TT Trump ra lệnh oanh kích bằng máy bay không người lái -drone- phi trường Baghdad, giết chết thủ lĩnh Hồi giáo đã tấn công tòa đại sứ, ông Mohamed Ridha, cùng với tướng Kasem Soleimani. Tướng Soleimani là tư lệnh lực lượng gọi là Quds của Iran, một sư đoàn tinh binh chuyên về các hoạt động quậy phá vùng Trung Đông, đặc biệt là Iraq và Syria, để bành trướng ảnh hưởng của Iran.
Chính quyền Iran đe dọa sẽ trả đũa, và TT Trump đã gửi ngay 3.000 lính Mỹ qua Iraq, gọi là để bảo vệ các cơ sở của Mỹ tại đây. Ông cũng đã ra lệnh dân Mỹ tại Iraq phải rời Iraq ngay. Chính phủ Mỹ cho biết ông tướng Soleimani bị giết không phải để khơi mào một cuộc chiến mới tại Trung Đông, mà là để cản việc Iran gây ra chiến tranh lớn trong vùng.
Giá dầu hỏa trên thế giới tăng vọt ngay trong khi chỉ số chứng khoán Dow Jones rớt hơn 230 điểm trong ngày Thứ Sáu vừa qua.
Tại Mỹ, hầu hết phe CH ủng hộ quyết định của TT Trump trong khi phe DC nhất tề chống như thường lệ. Hạ Viện hấp tấp mở cuộc điều tra, có lẽ lại đi mò tội khác để đàn hặc. Trong tuần tới, các bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại Giao, tướng Milley tổng tham mưu trưởng quân lực Mỹ,  và nhiều viên chức khác có thể sẽ bị lôi ra điều trần.
https://www.washingtonpost.com/world/iran-strike-live-updates/2020/01/03/3779f55c-2e33-11ea-bcb3-ac6482c4a92f_story.html?utm_campaign=evening_edition&utm_medium=Email&utm_source=Newsletter&wpisrc=nl_evening&wpmm=1
TT Trump khều chân Cali và New York
TT Trump đã lên tiếng cảnh cáo hai tiểu bang xanh lè Cali và New York là họ phải lo giải quyết vấn nạn dân vô gia cư của họ. Nếu họ không muốn làm hay không biết phải làm gì, thì cứ việc “lễ độ xin” thì TT Trump sẽ giúp giải quyết cho.
Bộ Gia Cư cho biết số dân vô gia cư trong năm qua đã tăng vọt tới gần 3% trên cả nước, phần lớn là ở Cali, nơi mà mức tăng của dân vô gia cư đã lên tới con số kinh hoàng là gần 17%. Theo thống kê chính thức, 5 tiểu bang với nhiều dân vô gia cư nhất nước là Cali, Hawaii, New York, Oregon, và Washington. Tất cả đều là những tiểu bang mà đảng DC nắm quyền từ thống đốc đến quốc hội tiểu bang.
Thống đốc Gavin Newsom của Cali lạ lùng thay, đã mau mắn đổ thừa đó là lỗi của chính quyền liên bang vì đã không bỏ tiền đầu tư vào tiểu bang này (?)
Cali cũng là tiểu bang của các dân biểu Nancy Pelosi và Adam Schiff, là những người quá bận rộn với việc đảo chánh Trump.
https://www.foxnews.com/politics/trump-new-york-california-homeless-problem

Tin kinh tế

Ø  Hôm Thứ Ba, thị trường chứng khoán đóng cửa cuối năm với 28.538 điểm.
Ngày bầu cử tổng thống đầu tháng 11/2016, chỉ số thị trường chứng khoán Dow Jones ở mức 17.888 điểm, tức là từ đó tới nay đã tăng 10,650 điểm, hay gần 60%. Trung bình, dưới ba năm của TT Trump, Dow tăng mỗi năm xấp xỉ 20%.
Ngày cuối năm 2018, Dow ở mức 23.062 điểm, tức là trong năm qua, Dow đã tăng gần 5.500 điểm, hay là 24%.
Cũng từ ngày ông Trump đắc cử tổng thống, chỉ số NASDAQ đã leo thang từ 5.046 điểm lên tới 8.972, tăng 3.926 điểm hay 78%, trung bình 26% một năm. Trong một năm qua, NASDAQ đã tăng từ 6.584 điểm lên tới 8.972, tăng gần 2.400 điểm hay 36% trong một năm.
Đây là những con số chưa từng thấy trong lịch sử tài chánh Mỹ. Việc giá cổ phiếu gia tăng sẽ giúp các công ty dễ dàng gây qũy, có thêm tiền để đầu tư phát triển công ty, mở hãng xưởng giúp dân Mỹ có thêm công ăn việc làm. Mặt khác, không phải chỉ có giới doanh gia tài phiệt dư tiền ‘chơi stock’ mới có lợi, mà tất cả những người nào có tiền trong các quỹ hưu, như 401k đều hưởng lợi lớn.
Ø  Bộ Thương Mại đã cho biết từ ngày ông Trump lên làm tổng thống, hơn 1.000 tỷ đô lợi nhuận của các đại tập đoàn Mỹ trên thế giới đã ‘hồi hương’, trở về Mỹ để giúp tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho hơn 5 triệu người.
Theo luật thuế mới của TT Trump, các công ty phải đóng 21% thuế trên lợi nhuận, đại khái nghĩa là trên 1.000 tỷ đó, Nhà Nước đã thu được hơn 200 tỷ tiền thuế.
Tuần lễ cuối cùng của năm 2019, số người khai thất nghiệp tiếp tục giảm thêm 2.000 người nữa so với tuần lễ trước đó, xuống tới mức thấp kỷ lục mới là 220.000 người.
Không cần biết, dưới con mắt của phe đối lập DC và TTDC, TT Trump vẫn là tổng thống cần phải truất phế ngay bất kể với lý cớ phịa nào, vì ông này chính là mối đe dọa diệt vong cho đảng DC.
CNN làm tổng kết thành tích của TT Trump đã không đăng những kỷ lục trên dĩ nhiên. Mà lo đăng TT Trump đã ‘nói láo’ 2.700 lần trong năm qua. Để chứng minh Trump là một người thiếu đạo đức. Xin lỗi, dưới con mắt của kẻ này, thiếu đạo đức là một quốc trưởng chấp nhận để cả triệu người dân thất nghiệp, sống bằng cách chìa tay xin trợ cấp, còng tay người dân trong cái xiềng xích trợ cấp để họ lệ thuộc vào đảng của mình, phải bỏ phiếu cho mình.
Ø  TTDC cũng chúi mũi tố TT Trump đánh gôn, tốn công quỹ tới 115 triệu đô, tương đương với 287 năm lương của ông ta.
Vài cụ tỵ nạn còn giải thích đó chính là lý do tại sao TT Trump chỉ nhận có MỘT đô lương một năm, làm như thể ông đã bỏ túi 115 triệu đô vậy.
Vài chuyện cần biết:
-      So với 1.000 tỷ TT Trump mang về cho nước Mỹ, 115 triệu chỉ là 0,01%;
-      Số tiền 115 triệu không phải là 287 lần lương của TT Trump, mà là gần 58.000.000 lần lương của ông, vì ông chỉ lãnh lương có 2 đô trong hai năm đầu;
-      Số tiền 115 triệu đó là tiền máy bay, tiền nhân viên an ninh, phụ tá đi theo làm việc, cảnh sát địa phương,…, không có một đồng nào vào túi Trump;
-      Theo báo Newsweek, trong hai năm đầu, TT Trump đi đánh gôn 70 lần, vị chi trung bình 35 lần một năm. Trong khi TT Obama đi đánh gôn trung bình 41 lần một năm trong tám năm ông làm tổng thống. Một năm có 52 tuần, nghĩa là TT Obama đi đánh gần như mỗi cuối tuần, chỉ trừ những cuối tuần đi công du hay hội nghị ngoài nước. Chi phí không rẻ hơn TT Trump vì vẫn phải đi Air Force One, vẫn cần phụ tá đi theo, vẫn cần huy động cảnh sát an ninh liên bang, tiểu bang và địa phương.
Những người công kích TT Trump đi đánh gôn tốn tiền công quỹ, cần xem lại TT Obama đã xài bao nhiêu tiền thuế đi đánh gôn trước thì những công kích của họ mới có giá trị. Còn không thì chỉ là công kích phe đảng một chiều. Cũng cần nhớ TT Obama lãnh lương đầy đủ không thiếu một xu chứ không lãnh có MỘT đô một năm.

Tin cộng đồng

Gần đây, cộng đồng Việt tỵ nạn xôn xao bàn tán về việc một người tỵ nạn bên Canada có ý kiến về vài chuyện về TT Trump mà nhiều người cho là không đúng sự thật.
Nhiều độc giả DĐTC cũng góp ý công kích anh này rất nặng. Có độc giả còn đả kích luôn cả DĐTC tại sao không viết gì về chuyện này, và tại sao không đăng những góp ý của độc giả về chuyện này.
Tôi đã viết quá nhiều lần, bây giờ vẫn phải nhắc lại.
DĐTC chủ trương không công kích cá nhân, vì cá nhân chẳng là gì hết, cá nhân đó là ai không quan trọng, và bất cứ ai cũng đều có quyền tự do tư tưởng và tự do ngôn luận mà Hiến Pháp xứ này bảo đảm và bảo vệ rất kỹ. Việc cần phải làm là tìm cách đả phá cái tư tưởng hay quan điểm mà mình không đồng ý hay cho là sai lầm, bằng cách thuyết phục nghiêm chỉnh chứ không phải bằng bôi bác, nhục mạ cho bõ ghét.
Diễn đàn này sẽ không bao giờ trở thành võ đài để dân tỵ nạn chúng ta đánh nhau, đào thêm hố chia rẽ để VC ngồi rung đùi cười.
Chủ trương của diễn đàn này rất rõ ràng, đã được nêu lên rất nhiều lần, ngay từ số DĐTC đầu tiên.
Nhân vụ lộn xộn này, nhiều người chống Trump đã lợi dụng, khơi lại chuyện “TT Trump tìm cách moi móc, trục xuất 8.000 dân tỵ nạn về VN”. Đây là loại fake news mà những người này cứ lâu lâu lại lôi ra xào nướng lại. Xin trích dẫn lại một vài đoạn trong một bài viết đã được đăng trên DĐTC trước đây:
Luật lệ Mỹ rất rõ ràng:
1)    Tất cả di dân trước khi được nhập quốc tịch Mỹ, đều phải qua một thời gian ‘thử thách’ -probation- là thời kỳ gọi nôm na là ‘thời thẻ xanh’. Trong thời gian đó, không được phạm tội gì hết. Nếu phạm tội thì sẽ không được vào quốc tịch mà sẽ bị trục xuất về xứ gốc. Dân tỵ nạn Việt được vào Mỹ qua một đạo luật đặc biệt được TT Ford ký năm 1975, và sau đó, qua những luật về nhân đạo, đoàn tụ gia đình dưới thời TT Carter năm 1978, nhưng vẫn phải qua thủ tục này. Tội nặng hay nhẹ, đáng trục xuất hay không, do Tòa Di Trú quyết định theo luật hiện hành, không phải do TT Trump quyết định. TT Trump không có quyền trục xuất hay không trục xuất ai hết. Hầu hết các quan tòa Di Trú đều do các tổng thống Clinton, Bush và Obama bổ nhiệm, không liên quan gì tới TT Trump.
2)     Sau khi đã nhập quốc tịch thì không còn bị trục xuất được nữa, cho dù vi phạm bất cứ tội nặng nào, ngoại trừ trường hợp khai gian khi làm đơn xin thẻ xanh hay xin vào quốc tịch. Ví dụ như không khai là khi ở VN đã bị án hình sự, đã là đảng viên đảng CS, khai gian tình trạng cá nhân (ví dụ qua Mỹ với vợ bé mà khai là vợ lớn chính thức). Nếu bị bắt vì khai gian thì có thể bị lấy lại quốc tịch Mỹ rồi trục xuất. Đó cũng là quyết định của Tòa Di Trú theo luật hiện hành.
Đây là những luật đã có không biết từ đời nào ở Mỹ rồi, không phải luật do TT Trump mới chế ra.
Dân tỵ nạn VN cũng không khác gì di dân từ các nước khác, cũng có nhiều người phạm tội. Những người này trên nguyên tắc phải bị trục xuất về VN. Tuy nhiên, vì quan hệ đặc biệt giữa Mỹ và CSVN, câu chuyện khá rắc rối.
TT Clinton là tổng thống đầu tiên (không phải TT Trump) muốn trục xuất những người phạm pháp về VN, nên đã điều đình với CSVN. Nhưng CSVN chỉ chịu nhận lại những người qua Mỹ từ sau ngày 12 tháng 7 năm 1995 là ngày Mỹ công nhận CSVN. Những người qua Mỹ trước đó, phạm tội, CSVN không nhận lại dựa trên cái cớ là khi đó Mỹ chưa công nhận CSVN nên thỏa ước nhận lại ‘Việt kiều’ không thể có giá trị.
Từ thời đó cho đến nay, đã có khoảng một hai trăm ‘Việt kiều’, tức là công dân VC qua đây du lịch hay du học sau 12/7/1995 phạm tội, bị bắt và mau mắn trục xuất về lại VN.
Trong số gần hai triệu người Việt tỵ nạn CS đến Mỹ trước 12/7/1995, chưa có bất cứ một người nào bị trục xuất về VN. Con số hơn 8.000 người VN mà Mỹ muốn trục xuất về VN là những người tỵ nạn qua trước 12/7/1995, phạm tội trong thời kỳ chưa vào quốc tịch Mỹ, hầu hết bị bắt từ các đời tổng thống Clinton, Bush con, và Obama, chứ không phải đều do TT Trump bắt.
Cả 4 tổng thống (chứ không phải chỉ có TT Trump) đều phải tôn trọng luật đã có từ rất lâu và phải trục xuất những dân tỵ nạn phạm pháp này vì họ không thể được nhận vào quốc tịch Mỹ, cố điều đình và ‘thuyết phục’ CSVN nhận lại những người này nhưng chưa có kết quả.
Nói những người tỵ nạn đang “bị Trump moi móc, tìm cách bắt nhốt và trục xuất về VN trong khi các tổng thống trước đều chấp nhận cho dân tỵ nạn phạm pháp được ở Mỹ yên ổn” là nói mà không hiểu rõ vấn đề, hay cố tình xuyên tạc thiếu lương thiện.
Vũ Linh, Diễn đàn trái chiều
http://diendantraichieu.blogspot.com/p/tin-tuc-january-4-2020.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.