Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 19/12/2019

Thursday, December 19, 2019 6:46:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 19/12/2019

Một công nhân phát tài liệu Pháp Luân Công

bị bắt giữ

Một công nhân bị Công an Huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh bắt giữ khi mang theo tài liệu Pháp Luân Công.
Mạng Infonet của Bộ Thông tin- Truyền thông Việt Nam loan tin vào ngày 18 tháng 12 như vừa nêu. Theo đó thì Người bị bắt giữ là cô Đặng Thị Hậu, sinh năm 1993, ngụ tại thôn Làng Han, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ.
Công an nói cô Đặng Thị Hậu có ý định lôi kéo, tuyên truyền, phát tán tài liệu Pháp Luân Công mà cơ quan thi hành pháp luật này của Việt Nam cho là trái phép.
Tin cho biết thêm là khi bị Công an bắt giữ, cô Đặng Thị Hậu đang mang theo 65 tài liệu với nội dung về Pháp Luân Công.
Tại cơ quan công an, cô Đặng Thị Hậu khai hiện là công nhân may mặc ở tỉnh Hải Dương. Cô mang tài liệu Pháp Luân Công để giới thiệu với người khác.
Vào tháng 11 năm ngoái, một văn bản của Cục Tuyên Huấn thuộc Tổng Cục Chính Trị Việt Nam được công khai. Nội dung chỉ đạo việc theo dõi, kiểm soát, hạn chế hoạt động của Pháp Luân Công.
Văn bản đề ngày 23 tháng 8 năm 2018 do Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục Trưởng Cục Tuyên huấn ký tên và đóng dấu.
Bộ môn Pháp Luân Công là một môn tập luyện khí công được phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, có xuất xứ từ Trung Quốc, được sáng lập vào năm 1992.
Hiện không có con số thống kê cụ thể số người thực hành Pháp Luân Công tại Việt Nam.
Trong mấy năm qua, một số thành viên Pháp Luân Công khi thực hành luyện tập tại những nơi công cộng như công viện cho biết họ bị ngăn cản; thậm chí bị hành hung. Có một số trường hợp bị mời về cơ quan công an làm việc.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/practitioner-detained-for-disseminating-falun-gong-documents-12192019070418.html

Luật sư nêu đích danh kẻ có dấu hiệu phạm tội

trong vụ án Hồ Duy Hải!

Thanh Trúc
Sau khi vụ án với 2 bản kết tội sơ thẩm và phúc thẩm đối với Hồ Duy Hải được Viện Kiểm Sát Nhân Dân thành phố Hồ Chí Minh kháng nghị hủy bỏ để điều tra lại, luật sư Trần Hồng Phong có bài “ Vụ án Hồ Duy Hải: Những dấu hiệu phạm tội của Nguyễn Văn Nghị” .
Cơ sở nào để khẳng định danh tính can phạm như thế?
Trao đổi qua điện thư với RFA, luật sư Trần Hồng Phong cho biết:
“Thực ra không phải là tôi viết, mà sau khi mới đây VKSNDTC có quyết định kháng nghị, thì báo chí đăng bài phản ánh, trong đó có dẫn lại nội dung đơn tố giác đối tượng Nguyễn Văn Nghị của gia đình Hồ Duy Hải từ năm 2015 mà tôi là người giúp gia đình Hải soạn lá đơn đó, cũng như ý kiến trao đổi của tôi. Trong vụ án Hồ Duy Hải, qua nghiên cứu hồ sơ, tôi thấy vai trò của một người có tên Nguyễn Văn Nghị là rất quan trọng, vì đây là một nhân chứng có khả năng cao đã vào Bưu điện Cầu Voi trong đêm xảy ra vụ án, thậm chí có thể liên quan đến cái chết của hai nạn nhân”.
Vẫn lời luật sư Trần Hồng Phong, điều rất bất thường là toàn bộ thông tin liên quan đến đối tượng này đã bị cơ quan tiến hành tố tụng rút khỏi hồ sơ vụ án. Trong hồ sơ vụ án chỉ có duy nhất cái tên “Nghị” trong một bản khai của một nhân chứng phụ. Chính vì vậy, gia đình Hồ Duy Hải đã làm đơn tố giác đối tượng này, với mục đích là qua đó chứng minh hung thủ thật sự không phải là Hồ Duy Hải. Vấn đề này cũng đã được nêu trong quyết định kháng nghị mới đây của Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao. Điều này cho thấy nội dung tố giác của gia đình Hồ Duy Hải Hải là có cơ sở bước đầu.
Trong vụ án Hồ Duy Hải, qua nghiên cứu hồ sơ, tôi thấy vai trò của một người có tên Nguyễn Văn Nghị là rất quan trọng.
-LS. Trần Hồng Phong
Với câu hỏi là vào khi thông tin về đơn tố giác Nguyễn Văn Nghị xuất hiện trên mạng hai ngày qua, luật sư Trần Hồng Phong có lường được tính chất nguy hiểm cho gia đình Hồ Duy Hãi lẫn bản thân người
bào chữa là ông hay không, hơn nữa nếu bị cho là tố giác không đúng ông sẽ bị kết tội vu khống, luật sư Trần Hồng Phong cho rằng đúng là chuyện không đơn giản khi là  đơn tố giác một người không liên quan đến hành vi giết người. Vẫn qua điện thư, ông viết:
“Vì nếu tố giác không đúng có thể bị quy chụp là “vu khống”. Tuy nhiên tôi có thể khẳng định là đã nghiên cứu rất kỹ hồ sơ và hết sức thận trọng trước khi quyết định gửi đơn tố giác Nguyễn Văn Nghị. Việc mới đây trong quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của VKSNDTC có nêu vấn đề chưa làm rõ thông tin về Nguyễn Văn Nghị cũng như dấu vân thu giữ tại hiện trường cho thấy những nội dung mà chúng tôi nêu ra trong đơn tố giác Nguyễn Văn Nghị là có cơ sở”.
“Vu khống” được xác định là việc một người biết rõ là một người khác không có hành vi đó, nhưng vẫn cố tình bịa đặt ra ra và gửi đơn tố giác, công khai ra bên ngoài xã hội. Ở đây, tôi đã nghiên cứu hồ sơ rất kỹ và hoàn toàn dựa trên những chứng cứ, tình tiết có thật, nên tôi và gia đình Hồ Duy Hải không ngại bị quy kết là “vu khống”. Nhưng cũng cần nói thật là tôi đã rất đắn đo cân nhắc, và chỉ khi đã tự xác định đây là việc cần thiết nên làm để bảo đảm sự khách quan, công minh của pháp luật, tránh gây oan sai cho Hồ Duy Hải tôi mới đi đến quyết định gửi đơn tố giác đối tượng Nguyễn Văn Nghị”
Tưởng cần nhắc từ tháng Năm 2015, sau khi có quyết định hoãn thi hành án đối với Hồ Duy Hải, với sự hỗ trợ của luật sư Trần Hồng Phong thì gia đình Hồ Duy Hải đã gởi đơn tố giác Nguyễn Văn Nghị lên Công an tỉnh Long An cũng như Viện Kiểm Sát Nhân Dân tỉnh Long An. Khi nhận thấy đơn tố giác không có tác dụng, luật sư bào chữa đã gởi tiếp một đơn tố cáo hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Luật sư Trần Hồng Phong cho hay khi ấy ông không cảm thấy bất ngờ về kết quả tiêu cực của đơn tố giác Nguyễn Văn Nghị mà gia đình Hồ Duy Hải gởi đến các cơ quan có thẩm quyền và trách nhiệm ở Long An :
“Tuy nhiên chúng tôi cũng không bất ngờ gì về điều này, vì Long An chính là nơi đã điều tra xét xử Hồ Duy Hải trước đây, nên sẽ rất khó để họ chấp nhận và giải quyết đơn tố giác Nguyễn Văn Nghị, vì điều này có khác nào thừa nhận họ đã điều tra, truy tố sai Hồ Duy Hải”.
“Ngoài việc gửi đơn đến Long An, chúng tôi còn gửi đơn tố giác đối tượng Nguyễn Văn Nghị, và sau đó từ tháng 3/2017 làm và gửi thêm đơn tố giác hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án đến Bộ công an, VKSNDTC. Thật đáng mừng là nay đã có kết quả bước đầu, sau nhiều năm kiên trì gửi đơn. Cụ thể là những nội dung mà chúng tôi nêu trong các lá đơn đều đã được VKSNDTC ghi nhận trong quyết định kháng nghị giám đốc thẩm mới đây”.
“Qua việc làm và gửi thêm đơn tố cáo hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án, chúng tôi muốn chứng minh một cách toàn diện và mạnh mẽ hơn khả năng Hồ Duy Hải đã bị kết án oan, do quá trình điều tra, truy tố và xét xử có quá nhiều sai sót, sai phạm ở mức độ rất nghiêm trọng và không thể chấp nhận được”.
Từ lâu dư luận liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải cho rằng có nhiều điều khuất tất trong vụ án này. Nhiều người còn nghĩ rằng thủ phạm đích thực được bao che hay được chống lưng bằng một thế lực nào đó rất mạnh. Không những thế, vì sao lại có tiếng nói can thiệp hay yêu cầu từ cấp lãnh đạo cao nhất như chủ tịch nước hay thủ tướng chính phủ chẳng hạn. Luật sư Trần Hồng Phong phân tích:
Người có tên Nguyễn Văn Nghị này có thể là con cháu của một trong những lãnh đạo cao cấp.
-LS. Nguyễn Hà Luân

“Chỉ từ việc rút toàn bộ thông tin, tài liệu về đối tượng Nguyễn Văn Nghị ra khỏi hồ sơ vụ án và kết án Hồ Duy Hải một cách rất chủ quan, với nhiều sai sót mang tính chất cố ý của các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Long An, đã cho thấy vụ án này có gì đó chưa rõ ràng, thậm chí khuất tất. Tuy nhiên cho tới giờ phút này, cả tôi cũng không thể và không có quyền kết luận rằng một ai đó (không phải là Hồ Duy Hải) là hung thủ thật sự. Chúng tôi chỉ tố giác đối tượng có dấu hiệu nghi vấn, việc còn lại là của cơ quan điều tra. Còn việc có ai đó được chống lưng hay không thật sự tôi không nắm rõ”.
Cùng câu hỏi đặt ra cho luật sư Nguyễn Hà Luân, Đoàn Luật Sư Hà Nội, thì câu trả lời từ luật sư Nguyễn Hà Luân là:
“Tôi cũng có suy nghĩ riêng của mình, thực sự ra những nghi ngờ trên truyền thông cả chính thức và không phải bây giờ mới đưa ra mà từ nhiều năm rồi, cho rằng người có tên Nguyễn Văn Nghị này có thể là con cháu của một trong những lãnh đạo cao cấp. Thực ra chưa có bất kỳ cơ sở nào để tin hoặc không tin vào những đồn đoán đó, tuy nhiên tôi cho rằng nếu Nguyễn Văn Nghị là một công dân bình thường thì chắc hẳn không bao giờ có sự bỏ qua của cơ quan điều tra Long An, mà sự bỏ qua đó lại còn bất thường như vậy. Cho nên sự đồn đoán đó của dư luận tôi cho rằng có một phần khá vững chắc về mặt cơ sở”
Còn luật sư Trần Hồng Phong thì cho biết ông rất vui khi thấy rằng một trong những lý do để vụ án được kháng nghị giám đốc thẩm là nhờ có văn bản yêu cầu làm rõ từ văn phòng Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ. Vẫn theo lời ông thì các vị này có nhận được kháng thư lưu ý nhà nước Việt Nam về vụ Hồ Duy Hải từ Liên Hợp Quốc. Đây là những tình tiết có thể nói là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử tố tụng hình sự tại Việt Nam, ông khẳng định.
Trong khi nội vụ vẫn chưa được sáng tỏ thì luật sư Trần Hồng Phong báo cho biết gia đình Hồ Duy Hải lẫn cá nhân ông vẫn an toàn. Ông đồng thời cũng bày tỏ mong muốn phải tìm ra sự thật và Hồ Duy Hải được xét xử một cách thật sự công bằng đúng theo pháp luật.
Sự đồng tình từ du luận xã hội, kể cả các cơ quan pháp luật, truyền thông và báo chí về vụ án Hồ Duy Hải trước nay, luật sư Trần Hồng Phong kết luận, đã cho ông niềm tin là gia đình Hồ Duy Hải cũng như bản thân ông vẫn tiếp tục được bảo vệ và được an toàn trong những ngày tới.
Dưới mắt luật sư Nguyễn Hà Luân, Đoàn Luật Sư Hà Nội, việc làm của luật sư Trần Hồng Phong thể hiện tư cách đáng khuyến khích của một người bảo vệ pháp lý cho thân chủ của mình đến nơi đến chốn:
“ Đây là một nỗ lục mà các đồng nghiệp của tôi, nhất là anh Trần Hồng Phong, trong một thời gian rất dài mà cuối cùng tạo cơ hội dẫn đến một kết quả lớn, xác định Hồ Duy Hải không phải người thủ ác trong vụ án tại bưu điện Cầu Voi ở tỉnh Long An ngày đó”
“Khi mà có dấu hiệu oan khuất, đồng thời bỏ lọt kẻ thực sự phạm tội thì trong vụ án Hồ Duy Hải này đã có được những cơ sở cho rằng Hồ Duy Hải thực sự bị oan, tôi cho rằng lập luận mà đồng nghiệp Trần Hồng Phong đưa ra là hết sức hợp lý. Nếu trong tay tôi có những hồ sơ liên quan đến vụ án này thì chắc hẳn tôi cũng sẽ đưa ra những điều hợp lý về sự dính líu của một người khác có khả năng là kẻ thủ ác trong vụ án này”.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/lawyer-said-name-the-person-with-criminal-signs-in-ho-duy-hai-case-12192019064326.html

Viên chức xã ăn chia không đồng đều

tiền thảm hoạ Formosa

khiến người trong cuộc lên tiếng

Tin Vietnam.- Báo Infonet ngày 18 tháng 12 năm 2019 loan tin, việc chi trả kinh phí bồi thường thiệt hại sau thảm hoạ môi trường Formosa tại xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh đã khiến cho nhiều người bất mãn vì phần lớn số tiền được chi trả cho các viên chức trong xã.
Theo đó, xã Cẩm Nhượng được nhà cầm quyền cấp cho 1,7 tỷ đồng cho các viên chức thôn, xã phục vụ việc ổn định tình hình, thống kê, thẩm định để bồi thường thiệt hại từ tháng 5 năm 2016 đến tháng 6 năm 2017. Tuy nhiên, số tiền này lại được chia không đồng đều, khi 16 thôn xóm chỉ được chi 600 triệu đồng, còn 1,1 tỷ đồng được Uỷ ban xã chi vào mục đích khác.
Cụ thể, Uỷ ban xã Cẩm Nhượng đã chi hơn 282 triệu đồng cho các viên chức xã làm thêm giờ; chi hơn 101 triệu đồng cho viên chức bán chuyên trách và hợp đồng lao động; chi hơn 552 triệu đồng cho viên chức cấp thôn; chi 141 triệu đồng cho công tác phí; chi hơn 25 triệu đồng cho việc làm bảng kê khai cấp phát gạo; chi 38 triệu đồng cho việc bốc xếp gạo; và hơn 7 triệu đồng cho việc chở công dân, hồ sơ, thuê rạp.
Ngoài ra, nhà cầm quyền xã còn chi hơn 188 triệu đồng cho việc photo, in tài liệu; hơn 85 triệu đồng được chi cho việc sửa máy tính, máy photocopy; chi mua một số thiết bị văn phòng phẩm là hơn 165 triệu đồng; chi cho việc hôị họp, tuyên truyền hơn 78 triệu đồng; chi đặt cơm cho các tổ chức thẩm định hơn 62 triệu đồng; và tiền phụ cấp điện thoại cho viên chức xã gần 29 triệu đồng.
Tất cả các khoản trên hết hơn 1,7 tỷ đồng. Việc chi này chủ yếu giành cho viên chức xã khiến các nhân viên cấp thôn như trưởng thôn bất mãn. Ông Trần Kim Hạnh, cựu trưởng thôn Tân Dinh cho biết, bản thân ông cũng như các trưởng thôn khác chỉ được cấp 8 triệu đồng. Báo cáo ghi chi mấy trăm triệu đồng để mua giấy tờ in hồ sơ cho dân, nhưng thực tế người dân đều phải bỏ tiền ra mua.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/vien-chuc-xa-an-chia-khong-dong-deu-tien-tham-hoa-formosa-khien-nguoi-trong-cuoc-len-tieng/

Thái Bình: Khởi tố nhận hối lộ

để làm giả hồ sơ chất độc da cam

Công an tỉnh Thái Bình vừa khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 4 nữ cán bộ tại tỉnh này về tội Môi giới hối lộ.
Mỹ giúp tẩy dioxin ở sân bay Biên Hòa
Những phụ nữ VN chiến đấu vì đất nước họ
Theo truyền thông Việt Nam, nhóm người này đã nhận hàng trăm triệu đồng của nhiều cá nhân trong và ngoài tỉnh để “chạy chế độ” chất độc da cam nhưng không làm được và cũng không trả lại tiền.
Bốn người bị khởi tố là:
Phạm Thị Thúy (49 tuổi, cán bộ xã Đông Cường),
Phạm Thị Tâm (45 tuổi, cán bộ xã Hồng Việt),
Mai Thị Nghi (38 tuổi, cán bộ xã Thăng Long, huyện Đông Hưng)
Nguyễn Thị Thu Trang (28 tuổi, cán bộ Sở Lao động – Thương binh & Xã hội tỉnh Thái Bình)
Ngoài ra, Trần Hùng Cường (43 tuổi, cán bộ Phòng Dạy nghề, Sở Lao động – Thương binh & Xã hội tỉnh Thái Bình) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Nhận hối lộ.
Báo Thanh Niên nói đây là một đường dây “chạy” chế độ chất độc màu da cam.
‘Người có công’
Tại Việt Nam có nhiều quy định về việc xét duyệt chế độ cho người nhiễm chất độc hóa học.
Theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và Nghị định số 54/2006/NÐ-CP ngày 26-5-2006 của Chính phủ, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là:
người được cơ quan có thẩm quyền công nhận đã tham gia công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại các vùng mà quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc hóa học,
bị mắc bệnh làm suy giảm khả năng lao động,
sinh con dị dạng, dị tật hoặc vô sinh do hậu quả của chất độc hóa học
Vùng được xác định nhiễm chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam là
các địa phương từ Nam vĩ tuyến 17 trở vào,
địa bàn chiến trường C (Lào),
chiến trường K (Campuchia)
Những bệnh được xem xét lập hồ sơ là một trong 17 loại bệnh nằm trong danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/đi-ô-xin do Bộ Y tế ban hành tại Quyết định số 09/2008/QÐ-BYT ngày 20-2-2008.
Gần đây hơn, có Nghị định 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ quy định điều kiện để hưởng chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học:
- Đã công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu từ ngày 1/8/1961 đến ngày 30/4/1975 tại các vùng mà quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học ở chiến trường B, C, K (kể cả 10 xã: Vĩnh Quang, Vĩnh Giang, Vĩnh Tân, Vĩnh Thành, Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà, Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn và Vĩnh Thủy thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị).
- Do nhiễm chất độc hóa học dẫn đến một trong các trường hợp bệnh tật sau: Mắc bệnh theo danh mục bệnh tật do Bội Y tế quy định làm suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên; Vô sinh; Sinh con dị dạng, dị tật theo danh mục dị dạng, dị tật do Bộ Y tế quy định.
Mới nhất, Dự thảo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng muốn bổ sung chính sách ưu đãi đối với thế hệ thứ 3.
Theo đó, thế hệ thứ 3 bị nhiễm chất độc hóa học của người hoạt động kháng chiến sẽ được coi là “người có công với cách mạng”.
Dự thảo này đang được xem xét.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50812399

Các lãnh đạo hầu tòa & bị bắt giam

do sai phạm về đất đai

Theo tờ Tiền Phong, hôm 18/12 Bộ Công an đã di lý 3 bị can gồm Nguyễn Hữu Tín, Đào Anh Kiệt và Trương Văn Út từ trại giam T16 (phía Bắc) vào trại tạm giam tại T17 Bộ Công an ở huyện Củ chi TPHCM.
Việc di lý này được thực hiện sau khi luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (Đoàn luật sư TPHCM, người bào chữa cho ông Nguyễn Hữu Tín) kiến nghị với Tòa án nhân dân (TAND) TPHCM nên di lý ông Tín vào TPHCM nhằm đảm bảo sức khỏe để bị can này tham gia phiên tòa.
TAND TPHCM đã ấn định trong 4 ngày từ 26 đến 30/12 sẽ xét xử vụ án. Ông Nguyễn Hữu Tín và các đồng phạm bị truy tố vì liên quan vụ giao đất ở số 15 Thi Sách cho Công ty Bắc Nam 79 do Phan Văn Anh Vũ (tự Vũ Nhôm), vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí theo điều 219 Bộ luật hình sự VN.
Ở một diễn biến khác, theo tờ Pháp Luật VN, Công an tỉnh Nam Định trong cùng ngày đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 cựu cán bộ của xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc tỉnh Nam Định để điều tra về hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai.
Bốn bị can vừa bị bắt tạm giam gồm có các ông Bùi Thế Tân (59 tuổi, nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Mỹ Phúc, về hưu năm 2018); Trần Thành Tám (59 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND xã Mỹ Phúc, về hưu năm 2018); Trần Văn Sỹ (59 tuổi, nguyên cán bộ địa chính xã Mỹ Phúc từ năm 1998 đến năm 2018); Trần Văn Nhiệm (58 tuổi, nguyên trưởng thôn Lốc, xã Mỹ Phúc).
Cũng trong ngày 19/12, Công an Bình Thuận đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam Nguyễn Hữu Kha (29 tuổi), giám đốc công ty CP Đầu tư & Phát triển địa ốc Hưng Thịnh Phát có trụ sở tại Quận 9, TPHCM.
Nguyễn Hữu Kha bị khởi tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Từ tháng 11/2018 đến nay, Hưng Thịnh Phát đã mở bán ít nhất 10 dự án khu dân cư cao cấp tại Bình Thuận, nhiều khách hàng đã đặt cọc đến 95% tiền mua nhưng hơn một năm qua, họ vẫn không được giao đất, công ty cũng không trả lại tiền hay lãi suất đã cam kết.
Trong khi đó, theo Sở Xây dựng Bình Thuận, các dự án của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển địa ốc Hưng Thịnh Phát chưa được sở cấp phép.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/leaders-arrested-prosecuted-due-to-land-violations-12192019074205.html

Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi: 2 nhà thầu yêu cầu

VEC cùng chịu trách nhiệm hoàn trả đường cho dân

Huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi vừa giao cho phía công an địa phương thu thập chứng cứ điều tra Công ty TNHH Tập đoàn công trình GTVT tỉnh Giang Tô của Trung Quốc, nhà thầu thực hiện gói thầu A3 tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi để xử lý hình sự nếu Công ty Giang Tô chậm hoàn trả đường gây ra tai nạn chết người.
Báo Zing loan tin ngày 19/12, trích phát biểu của ông Đoàn Hà Yên – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bình Sơn.
Theo đó, nguyên nhân được cho biết là do Công ty đã trốn tránh thực hiện cam kết với huyện Bình Sơn về việc gửi kế hoạch chi tiết hoàn trả 7 tuyến đường đã mượn để vận chuyển vật liệu phục vụ thi công tuyến cao tốc vào ngày 15/12 vừa qua.
Ông Yên cho biết phía các kỹ sư công trình giải thích rằng cần phải tổng hợp kế hoạch và trình lãnh đạo người Trung Quốc ký duyệt rồi mới thực hiện.
Vẫn theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bình Sơn, sau khi Công ty Giang Tô thi công, nhiều tuyến đường được mượn đã xuống cấp nghiêm trọng, xuất hiện nhiều ổ gà, ổ voi khiến nhiều học sinh té ngã, gây ra nhiều vụ tai nạn.
Vì vậy, ông Đoàn Hà Yên đã yêu cầu công an địa phương điều tra nếu có vụ tai nạn nào nghiêm trọng liên quan trực tiếp đến các nhà thầu chậm sửa thì công an lập hồ sơ xử lý.
Trước đó, vào ngày 17/12, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) – Chủ đầu tư Dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi thông báo cho Công ty Giang Tô sẽ thu hồi tiền tạm ứng nếu công ty này không thực hiện trách nhiệm hoàn trả các tuyến đường theo cam kết với địa phương.
Tại huyện Tư Nghĩa, VEC cũng đã cam kết với cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi sẽ sửa chữa 2 tuyến tỉnh lộ và 7 tuyến đường huyện cho địa phương, chậm nhất là đến tháng 10/2018 hoàn thành. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện.
Công ty Posco E&C của Hàn Quốc, đơn vị thi công gói thầu A5 đi qua huyện Tư Nghĩa trong văn bản phúc đáp gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết công ty này chỉ thanh toán khi đã nhận thanh toán từ chủ đầu tư VEC.
Ông Hoàng Việt Hưng – Giám đốc ban quản lý Dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi cho biết cả Công ty Giang Tô và Posco E&C đều đang có tranh cãi với VEC vì cho rằng cả VEC và phía công ty cùng phải chịu trách nhiệm hoàn trả đường cho dân vì đã cùng ký thầu mượn đường. Hiện Posco E&C đã thuê luật sư tranh cãi vấn đề này.
Vẫn theo ông Hưng, phía Ban quản lý đang rà soát các văn bản xem bên nào ký cam kết với địa phương. Nếu VEC có ký văn bản mượn đường thì VEC sẽ chịu trách nhiệm sửa chữa. Còn nếu nhà thầu ký nhưng chây ì trong việc hoàn trả thì Ban quản lý sẽ trích tiền bảo lãnh hợp đồng dự án chuyển cho địa phương tự sửa chữa.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/danang-quangngai-expressway-2contractors-require-vec-to-be-responsible-for-returning-roads-to-local-ppl-12192019071215.html

Thuốc Tamiflu tăng giá gấp 10 lần

trong lúc Dịch cúm A lan rộng

Thuốc Tamiflu trị cúm tăng giá gấp 10 lần trong tình trạng dịch cúm A đang có chiều hướng lan rộng tại Việt Nam. Cục Quản lý Dược, thuộc Bộ Y tế ra quyết định phải khẩn trương nhập khẩu loại thuốc Tamiflu vì đang bị “cháy hàng”.
Truyền thông trong nước loan tin vừa nêu vào ngày 19/12, dẫn nguồn từ Cục Quản lý Dược cho biết trong cùng ngày đã gửi công văn đến Công ty cổ phần Dược liệu Trung ương 2, là đơn vị cung cấp thuốc Tamiflu để yêu cầu công ty này khẩn trương nhập khẩu thuốc Tamiflu 75 mg trong lúc dịch cúm A đang lan rộng.
Cục Quản lý Dược còn cho biết thêm thuốc Tamiflu được cơ quan này kê khai với giá là 45 ngàn đồng/viên nhưng hiện tại thuốc Tamiflu tăng giá gấp 10 lần, thập chí lên đến 5 triệu đồng/hộp nhưng bệnh nhân mắc cúm A cũng không thể mua được.
Đây là loại thuốc bắt buộc phải sử dụng để điều trị bệnh cúm A mà không thay thế được thuốc khác. Báo giới quốc nội ghi nhận từ phản ánh của các bệnh nhân mắc cúm A cho biết nhiều hiệu thuốc không còn thuốc Tamiflu để bán. Đồng thời, Cục Quản lý Dược nhận được báo cáo rằng bệnh nhân cũng không thể mua thuốc Tamiflu ở nhà thuốc trong Bệnh viện Nhi Trung ương hay Bệnh viện Bạch Mai.
Theo số liệu do Bộ Y tế cung cấp, trong 11 tháng năm 2019, tại Việt Nam đã xảy ra gần 409 ngàn trường hợp mắc cúm, trong đó có 10 ca bị tử vong. Bộ Y tế dự báo trong mùa đông xuân và Tết nguyên đán sắp tới, số mắc bệnh cúm có thể gia tăng, nhất là ở khu vực miền Bắc do khí hậu lạnh ẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho virus cúm phát triển và lây lan.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/tamiflu-increases-10-times-while-influenza-epidemic-spreading-widely-12192019071302.html

Bất cập trong giải quyết chế độ thôi việc:

 ‘vắt chanh, bỏ vỏ’?

Nhân vật Đoàn Ngọc Hải từng gây xôn xao dư luận xung phong xuống đường trực tiếp chỉ đạo chiến dịch giành lại vỉa hè trên địa bàn Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Vào năm 2018, sau khi chiến dịch giành lại vỉa hè thất bại, ông Hải đệ đơn từ chức Phó Chủ tịch UBND Quận 1, với lý do đã không thực hiện được lời hứa trước dân.
Ngày 4 tháng 6 năm 2019, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh công bố quyết định phân công ông Hải giữ chức vụ phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn. Nhưng chiều cùng ngày, ông Hải từ chức.
Theo phản ánh của ông Đoàn Ngọc Hải với truyền thông trong nước, đến nay ông vẫn chưa được giải quyết chế độ thôi việc, mặc dù thời gian ông đệ đơn từ chức đã 6 tháng qua. Ông Đoàn Ngọc Hải cho rằng, cứ căn cứ luật Lao động thì 6 tháng là một thời gian quá dài để giải quyết chế độ cho ông.
Ngay bản thân mình từng đi rút tiền này, mình thấy rất phản cảm về thái đội của những cán bộ đó… Trong khi người lao động chỉ lo cơm áo gạo tiền, họ đâu có trang bị thông tin cho mình.
-Nguyễn Đình Khôi

Trả lời RFA hôm 18/12, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, nói:
“Nếu người lao động là công chức thì phải theo luật công chức, còn nếu là viên chức thì phải theo luật viên chức, thì có quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì họ phải làm những thủ tục để cho người đó nghỉ theo quy trình mà luật công chức quy định và làm thủ tục cho người đó hưởng chế độ ở những cơ quan bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Tôi nghĩ những thủ tục này pháp luật đã quy định rõ, không có gì vướng.”
Liên quan trường hợp của ông Đoàn Ngọc Hải, Luật sư Nguyễn Văn Hậu nhận định:
“Ổng Hải làm công chức thì phải theo luật công chức, khi có quyết định của cơ quan thẩm quyền cho nghỉ thì cấp dưới tức là Tổng công ty xây dựng Sài Gòn phải làm thủ tục. Cái thủ tục đó có thể hơi lâu… chờ quyết định ở trên… rồi làm quyết định thôi việc… chuyển quyết định đó cho các cơ quan bảo hiểm y tế, thất nghiệp.v.v… Tôi nghĩ nó chỉ bị chậm chứ họ phải giải quyết cho ổng chứ, đâu thể không làm được, nhưng nói phải theo một thủ tục trình tự.”
Theo Khoản 4 Điều 29 Luật viên chức năm 2010, viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày; trường hợp viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 06 tháng liên tục thì phải báo trước ít nhất 03 ngày.
Về thủ tục giải quyết thôi việc, theo Khoản 3 Điều 38 Nghị định 29/2012/NĐ-CP: Viên chức có nguyện vọng thôi việc có văn bản gửi người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập. Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, nếu đồng ý cho viên chức thôi việc thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập ra quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc.
Anh Nguyễn Đình Khôi, một người lao động ở Đồng Nai, chia sẻ với RFA hôm 18/12:
“Về thủ tục mình lãnh khi nghỉ việc, thì nhà nước cho mình 3 tháng lương thất nghiệp, nhưng với điều kiện người lao động phải biết chuyện này… Còn người nào không biết thì qua một tháng, đến ngày giờ nào đó… “mất”… qua tháng thứ hai, không lấy: “mất”… quy định của nhà nước nó như vậy. Còn tiền bảo hiểm xã hội thì một năm sau mới được rút. Ngay bản thân mình từng đi rút tiền này, mình thấy rất phản cảm về thái đội của những cán bộ đó… Trong khi người lao động chỉ lo cơm áo gạo tiền, họ đâu có trang bị thông tin cho mình.
Theo anh Khôi, đúng ra, nhà nước phải lo cái gì đó tốt cho người dân. Anh cho biết, thậm chí có những công ty, thường là công ty tư nhân, còn rút số tháng làm việc của người lao động ra khỏi sổ bảo hiểm xã hội, trong khi người lao động họ thường không đếm, chỉ đem sổ đi lãnh tiền chứ không cộng trừ, để biết đã vào làm việc từ ngày nào đến ngày nào, là bao nhiêu tháng?
Để tìm hiểu thêm, hôm 18/12/2019, RFA liên lạc Cô Huỳnh Thị Xuân Mai, một giáo viên từng nhiều lần chống tiêu cực, bị ép buộc thôi việc, và được cô cho biết về trường hợp của Cô:
“Trường hợp Chị nghỉ là theo nghị định 108, nhưng nói nghị định là để hợp thức hóa thôi, chứ họ buộc Chị nghỉ, mà nghỉ như vậy Chị bị mất quyền lợi nhiều lắm. Khi nghỉ thì về mặt lý thuyết thì họ trả lương Chị theo chế độ của nghị định 108. Mà họ trả cũng ăn gian của Chị 1 bậc lương. Chi nghỉ vậy bị thiệt thòi nhiều lắm, mình là giáo viên lương đâu có bao nhiêu mà họ ăn gian của mình hết một bậc lương, ăn gian vậy mình bị mất chắc khoảng một triệu 1 đồng mỗi tháng. Mà mình về hưu lương mình ít mà còn bị mất, buồn chứ.”
Mình là giáo viên lương đâu có bao nhiêu mà họ ăn gian của mình hết một bậc lương, ăn gian vậy mình bị mất chắc khoảng một triệu 1 đồng mỗi tháng. Mà mình về hưu lương mình ít mà còn bị mất, buồn chứ.
-Huỳnh Thị Xuân Mai

Bộ luật lao động 2012 quy định, khi hợp đồng lao động chấm dứt, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, cho biết thêm:
“Người lao động muốn xin thôi việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng, theo luật lao động, trong những trường hợp ốm đau bệnh tật, nhà có khoảng cách xa không thể đến nơi làm được, hoặc phải báo trước cho người sử dụng lao động theo hợp đồng không xác định thời hạn là 45 ngày. Nếu hợp đồng xác định thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng thì phải báo trước 30 ngày, còn nếu hợp đồng dưới 1 năm hoặc theo mùa vụ thì phải báo trước 3 ngày. Thì người sử dụng lao động sẽ căn cứ theo nhu cầu để cho nghỉ việc. Còn nếu nghỉ việc đột xuất trái với những số ngày vừa nêu thì người ta gọi là đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật. Còn nếu đúng luật thì cứ mỗi năm đã làm việc, đến khi người lao động nghỉ sẽ được thanh toán tiền bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, cho quá trình làm việc mà chưa đến tuổi nghỉ hưu.”
Ngoài ra, một số luật sư còn cho rằng, vì quy định về trợ cấp mất việc, trợ cấp thôi việc trong Bộ Luật Lao động năm 2012 còn bất cập khi áp dụng vào thực tiễn. Do đó, để bảo đảm quyền lợi cho người lao động bị mất việc, nên bổ sung thêm quy định, ngoài việc được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì cứ mỗi năm làm người lao động được trả thêm nửa tháng tiền lương cho khoảng thời gian có tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-way-to-solve-the-job-severance-regime-in-vietnam-is-still-inadequate-12182019132430.html

Họp liên ngành về ô nhiễm không khí,

phóng viên bị Bộ TNMT mời ra ngoài

Chiều 19/12/2019, các phóng viên báo chí nhà nước đến tham dự cuộc họp của Bộ Tài nguyên – Môi trường về giải pháp kiểm soát chất lượng môi trường không khí, tuy nhiên chỉ sau khoảng 15 phút thì bị Bộ trưởng Trần Hồng Hà mời ra ngoài vì lo ngại ảnh hưởng đến tâm lý đại biểu.
Truyền thông trong nước dẫn lý do được Bộ trưởng Tài nguyên- Môi trường Trần Hồng Hà nêu ra như vừa nêu. Theo người đứng đầu Bộ Tài nguyên – Môi trường thì vấn đề ô nhiễm không khí là vấn đề hết sức ấp bách, nghiêm trọng và nhạy cảm. Ông này cũng tỏ ra bất ngờ khi số lượng các nhà báo đến đưa tin về cuộc họp mà theo ông này là quá đông.
Ông Hà nhấn mạnh, cuộc họp ngày 19 tháng 12 tập trung đánh giá 3 nội dung: nguyên nhân bụi mịn đến từ đâu, mức độ ô nhiễm thế nào và giải pháp trước mắt sẽ thực hiện ngay sau hội nghị này để bảo vệ sức khoẻ người dân.
Cuộc họp dưới sự chủ trì của Bộ Tài nguyên – Môi trường còn có đại diện các bộ Giao thông- Vận tải, Y tế, Công Thương, Xây Dựng, Kế hoạch- Đầu Tư, Tài Chính, Giáo dục- Đào Tạo, Thông tin- Truyền thông, Nội Vụ.
Các đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng xuất hiện ở Hà Nội và các tỉnh miền bắc được ghi nhận kể từ cuối tháng 8 cho đến nay. Ngoài Hà Nội, chất lượng môi trường không khí ở thành phố Hồ Chí Minh cũng được đánh giá ngày càng xấu, thậm chí có những ngày tới ngưỡng ‘màu nâu’. Đây là cảnh báo khẩn cấp về sức khỏe.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/closed-door-meeting-on-air-pollution-by-inter-departments-12192019072934.html

Nhà cầm quyền muốn thu phí thoát nước mưa,

và chống ngập bằng hoá chất tại Sài Gòn

Tin Saigon.- Báo Thanh niên ngày 19 tháng 12 năm 2019 loan tin, một số thạc sĩ, tiến sĩ Việt Nam đã đưa ra các giải pháp chống ngập cho Sài Gòn như: thu tiền thoát nước mưa, dùng hoá chất chống ngập, và hoàn thành dự án chống ngập 10,000 tỷ đồng.
Theo đó, thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiệp, giảng viên trường đại học Tài Nguyên- Môi trường tại Sài Gòn đưa ra giải pháp, cần nghiên cứu đập làm giảm năng lượng dòng triều để tránh rủi ro cho lưu vực bên trong đập. Ông Thiệp đưa ra đề nghị rằng, nhà cầm quyền thành phố cần nghiên cứu đề án để tiến đến việc thu lệ phí thoát nước mưa đối với các công trình xây dựng không hết diện tích đất mà có công trình điều tiết nước mưa. Các gia đình, công sở phải có giải pháp trữ, và tiêu nước mưa.
Khác với ông Thiệp, tiến sĩ Đặng Trọng Vũ, đại diện tập đoàn SBF của Canada lại đưa ra giải pháp rằng, nhà cầm quyền có thể dùng hoá chất Drap Reduction Polymer hoà tan vào nước, vì chất này có thể giúp tăng công suất dòng chảy lên đến 40%, đồng thời không ảnh hưởng đến môi trường.
Còn tiến sĩ Võ Kim Cương, cựu Phó kiến trúc sư trưởng ở Sài Gòn thì cho rằng, nhà cầm quyền cần ưu tiên đầu tư một số công trình chống ngập, trong đó ưu tiên nhất là dự án chống ngập 10,000 tỷ đồng mà nhà cầm quyền thực hiện nhiều năm nay vẫn chưa xong. Theo ông Cương, dự án này có thể giải quyết được tình trạng ngập do triều cường, biến đổi khí hậu và mưa lớn.
Tiến sĩ Hồ Tuấn Đức, Trường đại học Bách Khoa tại Sài Gòn thì nhận định, rác ở các cống thoát nước trong thành phố quá nhiều đã làm hạn chế việc thoát nước.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/nha-cam-quyen-muon-thu-phi-thoat-nuoc-mua-va-chong-ngap-bang-hoa-chat-tai-sai-gon/

Khai thác cát quá mức

đang tàn phá sông Mekong ra sao?

Beth TimminsBBC News
Việc khai thác cát đang tàn phá dòng Mekong. Nửa triệu người đứng trước nguy cơ lâm vào cảnh màn trời chiếu đất khi các bờ sông bị sụt lún.
Sông Mekong: Ba thách thức lớn cho Việt Nam
Cát đang làm sụp đổ đồng bằng ở Việt Nam ra sao
Toàn bộ hệ sinh thái của sông Mekong đang bị đe dọa, mà nguyên nhân vẫn là do nhu cầu vô độ của con người đối với cát.
Cát là một trong những tài nguyên được khai thác nhiều nhất trên Trái đất. Với ước tính có tới 50 tỉ tấn cát được khai thác trên toàn cầu mỗi năm, đây là ngành khai thác tài nguyên lớn nhất trên hành tinh.
Với sông Mekong, việc khai thác cát diễn ra nhiều ở lòng sông trên đất Campuchia và Việt Nam.
“Việc khai thác đang diễn ra với tốc độ ồ ạt, và chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi nhanh chóng diện mạo hành tinh của chúng ta,” Giáo sư Stephen Darby, một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về các dòng sông, tại Đại học Southampton (Anh) cho hay.
Các nghiên cứu của Giáo sư Stephen về hạ lưu sông Mekong cho thấy, trên tổng chiều dài hàng trăm cây số, lòng sông đã bị hạ thấp vài mét chỉ trong vài năm. Tất cả đều có nguyên nhân từ việc khai thác cát.
Cát là nguyên liệu thiết yếu cho rất nhiều ngành công nghiệp như mỹ phẩm, phân bón và thép và nhất là ngành sản xuất xi măng.
Trong hai thập kỷ qua, nhu cầu cát đã tăng gấp ba lần, theo số liệu Liên Hiệp Quốc, do sự tăng tốc trong cuộc đua xây dựng các thị trấn và thành phố mới.
Chỉ trong 4 năm từ 2011 đến 2013, lượng cát mà Trung Quốc tiêu thụ trong quá trình đô thị hoá các khu vực nông thôn ngang với tổng lượng cát Hoa Kỳ tiêu thụ trong cả thế kỷ 20.
Cát còn được sử dụng để bồi đắp và mở rộng diện tích. Chẳng như hiện giờ, Singapore đã lớn hơn 20% so với thời điểm nước này giành độc lập vào năm 1965.
“Mỗi năm chúng ta khai thác đủ cát để xây dựng một bức tường cao 35m và rộng 35m trên khắp thế giới,” Pascal Peduzzi thuộc Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc nói.
Không phải tất cả các loại cát đều có thể sử dụng làm nguyên vật liệu. Chẳng hạn, cát sa mạc quá mịn để có thể dùng trong đổ bê tông. Loại cát này cũng không thích hợp để sản xuất kính hoặc sử dụng trong ngành công nghiệp điện tử.
Đó là lý do tại sao cát khai thác theo hình thức ‘tĩnh’ tại các mỏ, hoặc khai thác theo hình thức ‘động’ từ biển và sông, như với trường hợp sông Mekong, lại được săn lùng đến vậy.
Ông Peduzzi nói rằng, khai thác cát theo hình thức động có thể gây ra tổn hại rất lớn: “Cát là một phần của hệ sinh thái và đóng vai trò quan trọng mà nếu bị khai thác mất đi sẽ ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, gây xói mòn đất và tăng nhiễm mặn.”
Hệ sinh thái sông Mekong bị ảnh hưởng
Theo Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) và Ủy ban sông Mekong, cao độ lòng sông của hai nhánh chính của sông Mekong tại đồng bằng sông Cửu Long đã thấp đi tới 1,4m trong 10 năm tính từ năm 2008, còn nếu tính từ năm 1990 đến nay, cao độ này thấp hơn từ 2-3 m.
Một nghiên cứu được công bố hồi tháng trước, có tên Research in Nature, cho rằng, việc khai thác cát trên một đoạn sông dài 20 km “không bền vững” bởi lượng trầm tích từ thượng nguồn đổ về không đủ để thay thế lượng cát bị lấy đi.
Hệ sinh thái lưu vực sông Mekong bị thách thức không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nơi đây.
Ngành nuôi trồng thuỷ sản ở hạ lưu sông Mekong vốn là nguồn cung cấp thực phẩm cho 60 triệu người.
Nhưng không chỉ thế, theo ước tính của WWF, dòng sông này còn là nơi cư ngụ của 800 loài cá, cũng như của một trong những quần thể lớn nhất còn lại của loài cá heo Irrawaddy vốn đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Tuy nhiên, việc khai thác cát gây tranh cãi không chỉ diễn ra ở sông Mekong. Chẳng hạn, ở Kenya và Ấn Độ, đã có những cuộc đụng độ dữ dội liên quan đến khai thác loại tài nguyên này. Tính trung bình, mỗi người trên trái đất mỗi ngày sử dụng tới… 18kg cát.
Vậy phải chăng thế giới đang cạn kiệt cát? Mark Russell, Giám đốc Hiệp hội các sản phẩm khoáng sản của Anh, cho rằng vấn đề quan trọng hơn là việc tìm nguồn cát ngày càng khó hơn.
“Tuy đây là một vấn đề toàn cầu, nhưng nó lại diễn ra ở cấp độ địa phương, và đây là nguồn tài nguyên chưa được quan tâm nhiều,” ông nói.
Một cách để giải quyết vấn đề là tìm cách sử dụng lượng cát dồi dào ngoài sa mạc. Các nhà khoa học từ Đại học Hoàng gia Luân Đôn đã lấy cát mịn ngoài sa mạc để tạo ra một loại vật liệu xây dựng mà họ gọi là “hữu hạn.”
Loại vật liệu này có độ chắc tương đương với bê tông dân dụng, nhưng việc sản xuất ra nó chỉ thải ra một nửa lượng khí thải carbon so với bê tông và quan trọng nữa là nó có khả năng phân hủy sinh học.
Thêm thông tin về môi trường sông Mekong
Sông Mekong trong cuộc chiến tài nguyên nước
Giải pháp cho cuộc chiến tài nguyên nước trên dòng Mekong
Mekong, dòng sông của 60 triệu người
Thêm đập thủy điện, thêm mối lo cho sông Mekong và VN
Ngành thương mại trải rộng toàn cầu
Đồng thời, cũng có khuyến nghị đưa ra về hạn mức khai thác cát trên sông.
Việt Nam và Campuchia chính thức đưa ra lệnh cấm xuất khẩu cát từ sông Mekng lần lượt vào các năm 2009 và 2017.
Tuy nhiên, trên mạng internet, cát sông Mekong được rao bán với các đơn hàng từ 20 ngàn đến 200 ngàn tấn.
Rolf Aalto, Giáo sư ngành địa lý tại Đại học Exeter (Anh), cũng phát hiện ra rằng, trong khi Campuchia tuyên bố không xuất khẩu cát sông, dữ liệu của Singapore cho thấy vẫn tiếp tục nhập khẩu cát từ nước này.
Bộ Ngoại giao và Năng lượng Campuchia đã không trả lời yêu cầu bình luận của BBC.
Nhưng tình huống này minh họa những gì ông Russell mô tả là sự thiếu minh bạch trên phạm vi toàn cầu. “Nếu chúng ta thực sự không rõ chúng ta đang tiêu thụ cái gì hay nó đến từ đâu, thì việc đưa ra quyết định quản lý một cách sáng suốt là vô cùng khó khăn.”
Giáo sư Darby cũng đồng ý rằng, chúng ta đang thiếu dữ liệu.
“Khó khăn lớn với ngành khai thác cát là không có bất kỳ hệ thống dữ liệu nào về phạm vi và mức độ của ngành thương mại này trên toàn cầu.”
Ông Peduzzi nói đây chính là lý do tại sao cần có một trung tâm giám sát ở cấp độ toàn cầu.
“Hiện tại, tất cả những gì chúng ta có chỉ là ước tính chung và chúng ta cần tập trung nỗ lực của mình,” ông nói.
Ngoài nghị quyết về quản trị tài nguyên khoáng sản do Liên Hiệp Quốc đưa ra hồi tháng Ba, theo đó yêu cầu các quốc gia phải giảm tác động của việc khai thác cát, ông Peduzzi cho rằng: “Chúng ta cần sử dụng tài nguyên này khôn ngoan hơn.”
Ông cũng cho rằng, “Cát phải được xem là nguồn vật liệu chiến lược, chứ không chỉ là nguồn cung cấp vô tận.”
https://www.bbc.com/vietnamese/business-50848404

Bộ Tài chính VN cho việc Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm

là “không xác đáng”

Ngày 18/12, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service (Moody’s) chính thức ra thông báo điều chỉnh triển vọng tín nhiệm của Việt Nam xuống mức ‘Tiêu cực,’ sau khi đã đưa hồ sơ tín dụng của Việt Nam vào diện theo dõi hạ bậc vào ngày 9/10.
Nợ công Việt Nam: ‘Vẫn loay hoay đổ lỗi’
Chính phủ Việt Nam phải vay nợ mới để trả nợ cũ
Theo đó, Moody’s quyết định vẫn giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức Ba3 với các khoản phát hành bằng đồng nội tệ, ngoại tệ và các khoản vay cao cấp không được bảo đảm.
Trần tín nhiệm với trái phiếu dài hạn phát hành bằng ngoại tệ được giữ nguyên ở Ba1. Mức tín nhiệm tối đa với tiền gửi và trái phiếu bằng nội tệ vẫn là Baa3.
Theo thông báo được đăng tải trên trang web của tổ chức này, triển vọng tiêu cực phản ánh nhận định của Moody’s rằng, vẫn còn tiềm ẩn rủi ro chậm trả nghĩa vụ nợ gián tiếp của Chính phủ, giữa bối cảnh chưa có những giải pháp rõ ràng để cải thiện công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan, cũng như tăng cường tính minh bạch về quản lý nợ được chính phủ bảo lãnh.
Moody’s cũng cho rằng, dù nền kinh tế Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng một cách nhanh chóng và đa dạng trong lĩnh vực sản xuất, nhưng thể chế kinh tế và quản trị của Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề.
Theo đó, các khoản thanh toán chậm phản ánh vấn đề về mặt hành chính hơn là sự yếu kém về tài chính.
Moody’s dự kiến, gánh nặng nợ trực tiếp của Chính phủ sẽ giảm dần, từ mức gần 53% trong năm 2016, xuống còn khoảng 48% GDP vào năm 2020. Điều này kết hợp việc với lãi suất cho vay trong nước thấp hơn dự đoán phản ánh sự gia tăng ổn định kinh tế vĩ mô, khiến Moody’s mong đợi sự cải thiện trong khả năng trả nợ.
Tổ chức xếp hạng tín dụng cũng cho rằng, hệ thống ngân hàng vẫn là nguồn rủi ro chính với Việt Nam, dẫu ‘sức khỏe’ tài chính của các ngân hàng Việt Nam đã được cải thiện trong những năm gần đây.
Bộ Tài chính VN cho là “không xác đáng”
Bộ Tài chính Việt Nam, trong thông cáo báo chí đề ngày 18/12 cho rằng, việc Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm của Việt Nam chỉ dựa trên sự việc riêng lẻ đối với nghĩa vụ nợ dự phòng của chính phủ mà bỏ qua thành tựu toàn diện Việt Nam đã đạt được trong phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện khả năng chống chọi với các cú sốc bên ngoài và nâng cao tính bền vững danh mục nợ công, là không xác đáng.
Bộ Tài chính nhìn nhận rằng tín hiệu của Moody’s đưa ra về việc tiếp tục theo dõi hồ sơ tín dụng của Việt Nam (với triển vọng Tiêu cực) là “không tương xứng với chỉ đạo hết sức quyết liệt và kịp thời của Chính phủ, cũng như với hàng loạt các biện pháp mà Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trong thời gian qua đã triển khai để cải thiện công tác phối hợp hành chính trong việc thanh toán nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, đảm bảo không gây tổn thất cho Bên cho vay.”
Bộ này viện dẫn việc chính phủ Việt Nam đã chủ động thực hiện trách nhiệm của người bảo lãnh trong việc thanh toán, ngay cả khi chưa nhận được yêu cầu chính thức của Bên cho vay để khẳng định rằng: “Chính phủ Việt Nam luôn nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn theo cam kết với các đối tác phát triển và tổ chức tài chính quốc tế.”
Nợ công VN sắp ‘vượt ngưỡng an toàn’
Nợ công VN chạm ngưỡng 60% GDP
VN: Nguy cơ từ thâm hụt ngân sách 9 tỷ đô la
Việt Nam nợ hơn 100 tỷ đô la
Đừng “lạc quan tếu”
Theo tính toán của Bộ Tài chính Việt Nam, tỉ lệ nợ công trên GDP dự kiến giảm từ 58,4% xuống còn 56,1% từ năm 2018 đến 2019.
Dù nợ công so với GDP có giảm, song khả năng trả nợ lại là cả một vấn đề, theo tờ Vietnamnet.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, năm 2018 phải trả tổng cộng khoảng 250 ngàn tỉ đồng. Trong đó, trả nợ trong nước là gần 200 ngàn tỉ đồng, trả nợ nước ngoài là hơn 51 ngàn tỉ đồng.
Trong số gần 200 ngàn tỉ đồng trả nợ trong nước thì có non nửa là để trả lãi.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia tài chính – ngân hàng tại Việt Nam, trả lời phỏng vấn báo Nhà đầu tư cho rằng, Việt Nam dùng con số tỉ lệ nợ công trên GDP như hiện nay, nên “khi tính lại GDP, như năm nay GDP lên tới 300 tỉ USD làm tỉ lệ nợ công giảm xuống là một cách lạc quan tếu, trong khi thực chất nợ công của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng lên.”
Cụ thể, theo công bố về kết quả đánh giá lại quy mô nền kinh tế giai đoạn 2010-2017 của Tổng cục Thống kê Việt Nam, GDP năm 2017 đạt gần 6,3 triệu tỉ đồng, so với mức hơn 5 triệu tỉ đồng đã công bố.
Bởi vâỵ, ông Hiếu cho rằng, chính phủ phải đưa ra một con số tuyệt đối cho trần nợ công. Đồng thời, có lộ trình, kế hoạch giảm nợ công một cách rõ ràng và hiệu quả bên cạnh điều quan trọng nhất vẫn là ổn định kinh tế vi mô.
Góp ý về cách kiềm chế nợ công, nhiều ý kiến cho rằng, điều quan trọng của Việt Nam là phải cắt giảm chi thường xuyên và phải tinh giản bộ máy.
Chẳng hạn, trong một bài viết đăng trên VnExpress, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đưa ra trường hợp mà ông nói là “Đại diện các cơ quan quốc tế cho Việt Nam vay tiền thì đi [máy bay] hạng phổ thông, tiết kiệm. Còn người đi vay tiền thì ngồi ghế hạng thương gia.”
Ông cho rằng, nếu cứ chi tiêu tuỳ tiện, không ngân sách nào chịu nổi. Để chấm dứt việc đó, “phải công khai ngân sách thu chi của chính quyền các cấp cho dân biết để cải tiến sự tiến bộ của ngân sách… Đó cũng là điều chúng ta cần phải làm ngay, làm sớm,” ông viết.
Còn Tiến sĩ Hiếu, trong bài phỏng vấn nói trên trên báo Nhà đầu tư cũng khuyến cáo chính phủ Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ hơn việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp tư nhân ra nước ngoài, vì đây là nợ quốc gia dù không được tính vào nợ công.
Theo đó, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra quốc tế đều phải thông qua Ngân hàng Nhà nước, nên Ngân hàng Nhà nước phải là cơ quan đầu mối tập hợp, kiểm soát con số nợ này, theo báo Nhà đầu tư.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50851429

Bị Mỹ đánh thuế thép, Việt Nam ‘cần thận trọng’

Việt Nam nên ý thức được rằng họ sẽ là bên chịu thiệt thòi nhiều nhất nếu để bị các nước khác lợi dụng để có hành vi gian lận thương mại với Mỹ, một nhà phân tích kinh tế nói với VOA sau khi Bộ Thương mại Mỹ ra thông báo mức tiền phạt lên đến hơn 456% đối với thép nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo thông cáo được phát đi vào ngày 16/12, Bộ Thương mại Mỹ cho biết họ sẽ chỉ thị cho cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ thu tiền ký quỹ (cash deposit) chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các sản phẩm thép chống ăn mòn và thép cán nguội nhập khẩu được sản xuất ở Việt Nam có sử dụng thép chất nền có xuất xứ từ Hàn Quốc và Đài Loan.
Bộ Thương mại Mỹ nói họ đã phát hiện một số sản phẩm thép chống ăn mòn và thép cán nguội sản xuất ở Việt Nam nhưng sử dụng thép chất nền của Hàn Quốc hoặc Đài Loan để né thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ giá của Mỹ đối với thép nhập khẩu từ hai quốc gia này.
Các sản phẩm thép này được sản xuất chủ yếu ở các quốc gia vừa kể rồi sau đó được đưa sang Việt Nam chỉ để gia công lại rồi xuất khẩu sang Mỹ. Do đó, hàm lượng sản xuất ở Việt Nam trong sản phẩm cuối cùng không là bao, cũng theo Bộ Thương mại Mỹ.
Việt Nam đồng lõa?
Trao đổi với VOA, Giáo sư-Tiến sỹ Khương Hữu Lộc, hiện giảng dạy cao học về quản trị kinh doanh tại Keller Graduate School of Management, nhận định rằng trong hồ sơ thép này ‘Việt Nam có đồng lõa’ để xuất thép gian lận sang Mỹ.
“Việt Nam biết rằng những sản phẩm thép đó đem qua Việt Nam được chế biến rất ít,” ông giải thích. “Họ biết rõ ràng là không thể nào xuất cảng dưới danh nghĩa ‘made in Vietnam’.”
Ông đề nghị rằng chính phủ Việt Nam nên tham khảo chặt chẽ những quy định của Bộ Thương mại Mỹ để xem hàm lượng sản phẩm sản xuất tại chỗ là bao nhiêu mới được xem là ‘made in Vietnam’ (tức là sản xuất tại Việt Nam).
“Để được định nghĩa là ‘made in Vietnam’ thì phải hầu hết hoặc phần chính phải làm ở Việt Nam, trong khi đó những loại thép này khi vào Việt Nam thì gần như trên 80, 90% đã xong rồi chỉ cần chế biến tí xíu nữa thôi,” ông nói.
Khi được hỏi hàm lượng sản xuất nội địa là bao nhiêu thì mới được coi là sản xuất từ quốc gia đó, ông Lộc cho biết con số chung chung theo quy định của Bộ Thương mại Mỹ là ‘trên 60%’. Tuy nhiên còn tùy mặt hàng mà còn có sự linh động. Chẳng hạn như đối với chiếc quạt máy, phần motor là bộ phận chính nếu không được sản xuất nội địa thì không thể được gọi là ‘made in quốc gia đó’, ông nói.
Mặc dù Việt Nam chỉ hưởng được phần nhỏ giá trị trong những sản phẩm thép này xuất sang Mỹ (Đài Loan, Hàn Quốc là những nước được hưởng lợi nhiều nhất vì họ chiếm đến 80, 90% hàm lượng sản xuất) nhưng mức tiền phạt 456,2% này là ‘Việt Nam phải chịu hoàn toàn’, ông nói. Trong khi đó, Hàn Quốc và Đài Loan sau này cũng sẽ gặp khó khăn khi chuyển mặt hàng thép sang Mỹ.
“Ai là người bán cuối cùng thì phải chịu trách nhiệm,” ông nói.
Ông Lộc cũng nhắc lại lời tố cáo của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi 6 tháng trước đây rằng ‘Việt Nam là nước lạm dụng thương mại tồi tệ, còn tệ hơn cả Trung Quốc’ để cảnh báo rằng ‘Việt Nam cần nâng cao cảnh giác’ vì ‘nếu không khéo sẽ bị Mỹ lôi vô vòng thuế quan (tức bị đánh thuế hàng xuất khẩu)’.
“Trong bối cảnh hưu chiến thương mại hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc thì có thể không căng thẳng như lúc trước nhưng Việt Nam vẫn cần cẩn trọng,” ông nói “Phải biết rằng gian lận không có lợi. Nước mình phải trả giá rất lớn trong khi những kẻ hưởng lợi là những nước xuất cảng vào Việt Nam như Đài Loan, Hàn Quốc.”
Về khả năng mức phạt này có làm ngưng luôn xuất khẩu thép của Hàn Quốc và Đài Loan sang Mỹ qua ngõ Việt Nam hay không, ông Lộc cho rằng điều đó ‘sẽ không xảy ra’ mà các nhà xuất khẩu sẽ bắt buộc phải gánh chịu tiền phạt này.
“Mỹ vẫn còn nhu cầu nhập cảng thép từ Hàn Quốc vì nước này sản xuất thép rất nhiều và là một trong năm quốc gia sản xuất thép hàng đầu thế giới,” ông nói và cho biết nếu dừng luôn không xuất khẩu nữa thì các nhà máy của họ ‘sẽ bỏ không không biết làm gì’.
Thép rất quan trọng với Mỹ
Theo ông Lộc thì biện pháp này của Bộ Thương mại Mỹ là kết quả của sự vận động của các công ty thép của Mỹ ‘liên kết với nhau để thưa lên Bộ Thương mại’.
“Họ cáo buộc rằng trong vòng hai năm qua, những hãng Đài Loan, Hàn Quốc đã xuất cảng thép được trợ cấp hoặc bán phá giá vào Mỹ một cách vô độ,” ông nói.
Diễn giải về số tiền ký quỹ 456,2% đối với các sản phẩm thép từ Việt Nam xuất cảng sang Mỹ, ông Lộc nói đó là kết quả của việc tính toán mức thất thoát thuế quan của Mỹ trong mấy năm liên tiếp cộng lại. Do đó, trước khi xuất khẩu thép sang Mỹ, các nhà xuất khẩu Việt Nam phải trả trước một số tiền và số tiền này được xem ‘là để thu lại số tiền đã bị trốn thuế trong hơn hai năm qua’.
Ông cho rằng con số 456,2% là ‘đã được tính toán kỹ, có tính đến ảnh hưởng đến ngành sản xuất thép của Mỹ bị bất lợi vì không bán được’.
Theo lời Giáo sư Lộc giải thích, kỹ nghệ thép là một ngành ‘rất quan trọng và có tầm ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Mỹ’ nên Mỹ phải tìm mọi cách để bảo vệ.
Trung bình mỗi năm ngành thép đóng góp vào nền kinh tế 143 tỷ đô la, tạo ra 900.000 công ăn việc làm, ông Lộc cho biết. Nhưng nếu tính đến ảnh hưởng dây chuyền đến các ngành khác trong nền kinh tế thì con số đó phải nhân lên gấp năm lần (tức 143 tỷ x 5), Tiến sĩ Lộc nói.
Mặc dù trong nước sản xuất thép nhiều như vậy nhưng vẫn không đủ nhu cầu của Mỹ và nước này ‘mỗi năm nhập khoảng 16 triệu tấn thép từ mấy chục quốc gia’, cũng theo lời ông Lộc, người từng làm việc với nhiều khách hàng là những công ty sản xuất thép lớn của Mỹ.
Điều này đã khiến Mỹ trở thành ‘nước nhập khẩu thép lớn nhất thế giới’, ông nói thêm.
Các hãng thép của Mỹ trước sức ép cạnh tranh từ thép ngoại nhập ‘cần chính quyền ra luật để bảo vệ họ trước tình trạng bán phá giá’.
Ông cho rằng sở dĩ thép Mỹ không thể cạnh trạnh nổi với thép nhập từ các nước khác là bởi vì chi phí sản xuất quá cao – do chi phí xử lý phát thải cao (các nhà máy thép xả khí CO2 ra ngoài môi trường rất nhiều) cộng thêm chi phí lao động, nhiên liệu đều rất đắt đỏ.
Ông Lộc đưa ra ví dụ các nhà máy thép của hãng Nucor Steel có chi phí xây dựng lên đến 1,3 tỷ đô la mỗi nhà máy. Trong khi đó thép nhập vào Mỹ thường được trợ giá từ các quốc gia nhập khẩu nên bán giá rẻ ở Mỹ.
“Các hãng thép ngoại quốc khi xâm nhập thị trường Mỹ, họ bán phá giá là để cho các hãng thép của Mỹ sập tiệm trước đã. Một khi đã sập tiệm rồi thị họ mới bắt đầu tăng giá,” ông phân tích và cho đây là ‘chiêu chiếm lĩnh thị trường’.
Do đó, ông cho rằng giá thép nhập khẩu vào Mỹ thấp là ‘lý do nhân tạo’ vì được bán ‘dưới giá thành’. Do đó mà Mỹ áp thuế chống phá giá đối với thép của Hàn Quốc và Đài Loan.
Khi được hỏi nếu như cạnh tranh không được với thép ngoại nhập thì tại sao Mỹ không từ bỏ luôn ngành thép chỉ để tập trung vào nhập khẩu thôi, ông Lộc nói: “Ngành thép có ảnh hưởng dây chuyền đến nền kinh tế Mỹ với quy mô ảnh hưởng lên tới 600 tỷ đô la nên không thể từ bỏ được.”
Mặt khác, ông cho biết, thép ngoại nhập ‘không tốt bằng thép Mỹ’.
Hơn nữa, các nhà máy thép đắt đỏ ‘một khi đã đóng cửa rồi thì coi như vứt luôn vì nó sẽ bị gỉ sét không thể mở cửa hoạt động trở lại’.
“Nếu sau này muốn khôi phục lại thì phải mở nhà máy thép mới, chi phí cũng phải từ trên 500 triệu cho đến cả tỷ đô là và phải mất nhiều năm xây dựng,” ông nói thêm.
Theo số liệu của Bộ thương mại Mỹ, lượng thép chống ăn mòn từ Việt Nam đưa sang Mỹ tăng 4.353%, từ 23 triệu USD lên 1.100 tỷ USD, trong khi lượng thép cán nguội từ Việt Nam nhập vào Mỹ cũng tăng mạnh, với mức tăng 922%, từ 49 triệu USD lên 498 triệu USD. Các mức tăng này xảy ra trong khoảng thời gian từ 2012 đến năm nay.
Trước đây Mỹ từng ra phán quyết áp thuế tương tự đối với thép từ Việt Nam được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc. Phán quyết sơ bộ được đưa ra vào tháng 12 năm 2017 và chung cuộc vào tháng 5 năm 2018.
Bộ Thương mại Mỹ khi đó thu thuế chống bán phá giá gần 200% và thuế chống trợ cấp gần 260% đối với thép cuộn cán nguội sản xuất ở Việt Nam sử dụng thép chất nền xuất xứ từ Trung Quốc. Thép chống rỉ từ Việt Nam cũng đối mặt với thuế chống bán phá giá là gần 200% và thuế chống trợ cấp gần 40%.
Việt Nam chưa có phản hồi chính thức về thông cáo mới ban hành của Bộ Thương mại Mỹ.
https://www.voatiengviet.com/a/b%E1%BB%8B-m%E1%BB%B9-%C4%91%C3%A1nh-thu%E1%BA%BF-th%C3%A9p-vi%E1%BB%87t-nam-c%E1%BA%A7n-th%E1%BA%ADn-tr%E1%BB%8Dng-/5211835.html

VN muốn TQ ‘chơi đẹp’ ở Biển Đông năm 2020

Lãnh đạo ngoại giao Việt Nam hi vọng Trung Quốc sẽ ‘kiềm chế’ khi Việt Nam ngồi ghế Chủ tịch ASEAN năm 2020.
“Tôi hi vọng rằng, trong thời gian chúng tôi giữ cương vị chủ tịch [ASEAN], Trung Quốc sẽ thể hiện sự kiềm chế và ngưng các hoạt động [trên Biển Đông],” Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng phát biểu tại một hội thảo tạị Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore mới đây.
Tàu sân bay thứ hai của TQ mang tham vọng kiểm soát biển Đông
Cựu quan chức Philippines khiếu nại Tập Cận Bình về Biển Đông
Biển Đông: TQ triển khai khí cầu ở Đá Vành Khăn
Các hoạt động của Trung Quốc mà ông Dũng nhắc tới bao gồm việc Trung Quốc cho tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 cùng hàng loạt tàu hải giám hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Bãi Tư Chính trong nhiều tháng.
“Những gì Trung Quốc đã làm là rất đáng báo động và đe dọa không chỉ Việt Nam mà còn các quốc gia khác…,” ông Dũng nói tiếp.
Việt Nam, quốc gia thách thức mạnh mẽ nhất đối với các yêu sách hàng hải của Trung Quốc trên Biển Đông, theo bình luận của SCMP, sẽ đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2020.
Ông Dũng cũng nói, không phải các quốc gia ASEAN khác ủng hộ hành động của Trung Quốc, mà là họ phản đối theo một cách khác, SCMP tường thuật.
Vùng biển tranh chấp giữa các nước Trung Quốc, Việt Nam, Brunei, Malysia và Phippines là tuyến đường thủy tấp nập, nơi lưu thông lượng hàng hóa trị giá khoảng hơn ba ngàn tỷ đô la Mỹ mỗi năm.
VN có thể đạt được kỳ vọng hay không?
Việt Nam công bố Sách Trắng quốc phòng năm 2019 hồi cuối tháng 11, phản đối mạnh mẽ “các bước phát triển mới” trên Biển Đông, bao gồm các hành động đơn phương, cưỡng ép, vi phạm luật pháp quốc tế, quân sự hóa, thay đổi hiện trạng và xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của luật pháp quốc tế, theo SCMP.
Hoa Kỳ lên án mối đe dọa của Trung Quốc trên Biển Đông
Biển Đông: ‘Né’ tên TQ, VN có kế sách riêng?
VN sẽ ‘Gắn kết và thích ứng’ thế nào khi làm Chủ tịch ASEAN?
“Các hành động này làm suy yếu lợi ích của các quốc gia liên quan và đe dọa đến hòa bình, an ninh, ổn định và tự do hàng hải, hàng không trong khu vực,” tài liệu này viết.
Cũng giống Trung Quốc, Việt Nam cũng cho xây các đảo nhân tạo trên vùng lãnh hải để khẳng định chủ quyền.
Các quốc gia ASEAN, cũng như các quốc gia khác, đang tìm cách xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông để tránh bất cứ cuộc leo thang xung đột ngoài dự kiến nào.
Ý tưởng về bộ quy tắc ứng xử này được đưa ra lần đầu những năm 1990 nhưng mãi tới 2013 Trung Quốc mới đồng ý bắt đầu tham vấn chính thức. Phải mất tới bốn năm để Trung Quốc và các quốc gia ASEAN đạt thỏa thuận khung đầu tiên.
Đối với các quốc gia ASEAN, đạt được đồng thuận giữa 10 quốc gia thành viên luôn là thách thức,đặc biệt là khi Trung Quốc luôn lấn lướt trong vấn đề Biển Đông, có rất ít khả năng sẽ nhượng bộ bất cứ yêu sách chủ quyền nào của mình, SCMP bình luận.
Trước đó, Việt Nam đã có một loạt các động thái phản đối “Đường chín đoạn” do Trung Quốc tự vẽ ra trên Biển Đông, khẳng định quyền chủ quyền đối với hầu hết khu vực này.
Trong suốt nhiều tháng qua, Bộ Công Thương Việt Nam đã yêu cầu các nhà nhập khẩu cần thận trọng và loại bỏ bất cứ hàng hóa nào có in bản đồ đường chín đoạn, sau khi một số sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam như ô tô, điện thoại, bản đồ, cẩm nang du lịch, thậm chí cả phim ảnh, có ‘cài cắm’ bản đồ này.
Trong khi tình hình giữa Việt Nam-Trung Quốc đang nóng ở Bãi Tư Chính, Chủ tịch nước Việt Nam đã phát biểu rằng, Việt Nam sẽ “không nhượng bộ” về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trên Biển Đông.
Tuy nhiên, người ta ngờ rằng những nỗ lực của Việt Nam sẽ có nhiều tác động tới Trung Quốc,” ông Murray Hiebert, chuyên gia về quan hệ Mỹ-Việt tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, được Al Jazeera trích lời.
Sự thiếu vắng ý chí chính trị toàn cầu trong việc trừng phạt và cách ly Trung Quốc khiến Hà Nội khó khăn hơn trong việc tập trung các áp lực ngoại giao để gây sức ép lên Trung Quốc, Al Jazeera bình luận.
“Việt Nam đã tìm kiếm sự ủng hộ trong ASEAN và các quốc gia thân thiện khác như Nhật Bản, Úc và Liên minh châu Âu, nhưng chỉ có Mỹ công khai chỉ trích Trung Quốc. Các nước khác đều sợ bị Trung Quốc trừng phạt,” ông Murray Hiebert nói với Al Jazeera.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50832610

Anh Kiên thu giá

Nguyễn Tường Thụy
Không phải lãnh đạo, quan chức nào nhậm chức cũng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ. Không phải ai ít bị phản đối cũng xứng đáng với vị trí họ đảm nhiệm. Có điều là người ta đã chán quá, đã mệt quá nên không muốn nói mà thôi.
Thế nhưng vụ Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên được ông Nguyễn Xuân Phúc bổ nhiệm vào vị trí tổ tưởng tư vấn kinh tế của thủ tưởng là vụ khá đặc biệt. Nó làm dậy sóng dư luận suốt mấy hôm nay, người thì phản đối, người thì giễu cợt, nhạo báng. Người ta lo ngại rằng, ông Kiên mà tư vấn kinh tế cho thủ tướng thì nền kinh tế đất nước này đã nát còn nát bươm.
Trước hết, người ta nghi ngờ về con đường học vấn của anh. Theo vi.wikipedia thì năm 1991, Nguyễn Đức Kiên sang Đức học cao học chuyên ngành quy hoạch giao thông. Thế nhưng không hiểu sao sau
đó anh ta lại làm nghiên cứu sinh tiến sĩ về kinh tế vĩ mô quy hoạch vùng. Người ta cũng chỉ nghe nói vậy chứ không biết anh ta học cao học, làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ ở trường đại học nào của Đức. Rồi tại sao học cao học một ngành, làm nghiên cứu sinh tiến sĩ lại là một ngành khác?
Nhưng thôi, chuyện chưa rõ ràng, ai nghi ngờ thì cứ nghi ngờ. Bằng giả hoặc không bằng mà làm lãnh đạo, làm quan to xưa nay thiếu gì. Cái cần quan tâm hơn là trình độ thực và cái tâm của anh thế nào. Điều này, nó thể hiện qua việc làm và lời nói.
Có lẽ Nguyễn Đức Kiên là quan chức có nhiều phát ngôn để đời nhất. Cư dân mạng lôi ra một loạt phát ngôn của anh, tôi chỉ điểm qua một số phát ngôn có nguồn từ báo chí của nhà nước:
- Đừng nói xe công, các nước còn có máy bay riêng cho lãnh đạo
- Nợ công chính phủ có giấu đâu, khoảng 120 tỉ, có gì mà phải hốt hoảng
- Nhà nước đang nợ chủ đầu tư 4 nghìn tỉ nên phải cho BOT quốc lộ 5 thu.
- BOT không ảnh hưởng đến người nghèo. Người dân nghèo dùng xe máy thì đã được miễn phí qua trạm BOT, vì vậy không bị ảnh hưởng gì.
- Dùng từ “người dân” nghe kinh lắm! Nghe có vẻ như là nhân dân cả xã, cả huyện đứng lên phản đối trạm BOT.
- Nếu đem so giá xăng của các nước Bắc Âu thì ở họ thậm chí còn đắt hơn ở Việt Nam rất nhiều.
- Giá xăng ngày càng tiệm cận giá thế giới, đây là thành công về mặt điều hành giá mặt hàng này.
- Dự án đắp chiếu, không thể nói dừng là dừng ngay được.
- BOT có sai sót nhưng không tù mù
- BOT “tù mù, rủi ro” là Thứ trưởng Đông đã trích dẫn nhận xét của Ngân hàng Thế giới và IMF về BOT trên toàn thế giới chứ không phải chỉ riêng của Việt Nam.
- Chúng ta sống và làm việc theo luật. Luật đã quy định nó là “thu giá” thì ta gọi nó là “thu giá”.
- Không nhà thầu nước nào có kinh nghiệm thi công đường cao tốc nhiều như các doanh nghiệp của Trung Quốc. Với các tiêu chí mời thầu như hiện nay, chỉ doanh nghiệp Trung Quốc mới đáp ứng được.
Những câu nói này, anh phát ngôn ra từ năm 2015 đến nay. Không biết trước đó, anh có nói những câu nào hay nữa không. Có thể hồi đó anh chưa nổi tiếng mấy nên người ta không ghi lại mà thôi.
Trong đó, vui nhất là màn “thu giá” vì chuyện này có video cẩn thận. Anh đăng đàn hùng hồn, tay chém chém, đầu lúc lắc biểu đạt thêm cho lời nói để thuyết phục người nghe. Nhưng không hiểu sao sau đó, người ta không chấp nhận “thu giá” mà lại trở về tên gọi cũ là “thu phí”. Còn câu nói nổi tiếng của anh là “BOT không ảnh hưởng đến người nghèo. Người dân nghèo dùng xe máy thì đã được miễn phí qua trạm BOT, vì vậy không bị ảnh hưởng gì”. Câu này thể hiện trình độ kinh tế của anh. Cứ theo vi.wikipedia thì anh là tiến sĩ kinh tế. Tiến sĩ kinh tế mà hiểu như vậy, người ta nghi ngờ cái sự học của anh ở bên Đức là phải.
*
Còn về tâm đức của Nguyễn Đức Kiên, qua những phát ngôn trên của anh, thấy rõ một điều là anh đứng hẳn về quyền lợi của doanh nghiệp lắm tiền. Anh bênh vực nhiều nhất cho BOT, dành nhiều tâm huyết để bảo vệ BOT. Mà BOT làm ăn láo lếu ra sao, báo chí cũng đã vạch ra nhiều. Trong cuộc đấu tranh chống BOT bẩn, đã có 8 lái xe lâm vào vòng lao lý chỉ vì đòi hỏi sự minh bạch.
Đồng thời, Nguyễn Đức Kiên đứng về quyền lợi của giới quan chức có quyền, và tất nhiên cũng lắm tiền chứ không đứng về giới bình dân. Vậy mà anh được “bầu” làm đại biểu quốc hội tới 3 khóa liền. Với đà này, anh còn có “triệu chứng” làm đại biểu cho nhân dân nhiều khóa nữa. Sợ chưa?
Mặt khác, anh còn tôn sùng Trung Cộng, bảo vệ quyền lợi của Trung Cộng. Anh cho rằng, chỉ Trung Cộng mới làm nổi đường cao tốc cho Việt Nam, trong khi các công trình do Trung Cộng xây dựng bê bối như thế nào ai cũng rõ.
Facebooker Bùi Quang Minh tỉ mẩn thống kê (chưa đủ) chất lượng một số công trình do Trung Cộng đảm nhận. Mời bạn đọc tham khảo TẠI ĐÂY
Vì thế người ta cho rằng, anh chẳng có tài cán gì, chỉ được cái ăn theo nói leo.
*
Nguyễn Đức Kiên được bổ nhiệm làmTổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng ngày 12/12/2019 và có hiệu lực ngay tắp lự. Vậy tổ này gồm những ai? Theo baomoi.com thì tổ này ngoài Kiên ra còn có 14 vị dưới quyền anh. Tìm hiểu kỹ thì ra toàn những tên tuổi lừng danh, giáo sư, tiến sĩ, vụ viện các kiểu, giảng viên đại học ở Mỹ, Nhật, Singapore. Trong đó có cả ông Bùi Quang Vinh từng làm Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nay cũng dưới quyền Kiên tuốt.
Chẳng hiểu sao, Nguyễn Đức Kiên lại được ông Phúc giao một trọng trách vượt quá cái tâm và tầm của anh. Một bài viết trên VOA đặt câu hỏi “Nguyễn Đức Kiên, nhân tài hay nhân tai?”.
Câu trả lời của tôi là nhân tai. Còn về hiện thực có lẽ không phải đợi lâu mới có câu trả lời. Lúc đó, ông Nguyễn Xuân Phúc chỉ biết rút kinh nghiệm “chứ kỷ luật ai”.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của  Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/kien-and-bot-12192019080129.html

Việt Nam, một đất nước ‘thần thánh’!

Mạnh Kim
Đoạn clip ngắn quay cảnh một chiếc Mercedes đang chạy giữa đường bỗng nhiên cái bảng số, có vẻ như được điều khiển bằng thiết bị điện tử nào đó, lật xoay một phát chuyển từ bảng trắng 30F-462.75 thành bảng xanh 80B-4329 đã khiến dư luận một phen dậy sóng. Một loạt bài báo tường thuật sự kiện này cũng đột ngột biến mất trên mạng, theo kiểu “rất thần thánh” hệt như màn ảo thuật kỳ ảo của cái bảng số xe.
Cho đến 11pm ngày 18-12-2019, bản tin trên tờ Nhà Báo & Công Luận (1) dường như là bài báo duy nhất còn chưa bị “lột” khi tường thuật sự kiện này. Bài báo có đoạn: “Theo tìm hiểu, trên hệ thống đăng ký đúng là có chiếc xe nhãn hiệu Mercedes E250 mang biển kiển soát 30F-462.75 như trong đoạn video xuất hiện trên mạng xã hội. Theo dữ liệu đăng kiểm, chiếc xe Mercedes E250 có biển số 30F-462.75 “biến hình” BKS thành biển xanh khi lưu thông trên đường phố Hà Nội thuộc sở hữu của bà Trương Tuyết N (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội). Chiếc xe này có số máy: 274920*31502783*, số khung: RLMZF4FX7JV002299, đăng ký và đăng kiểm lần đầu cùng ngày 14-11-2018. Đoạn clip khiến nhiều người thắc mắc chiếc xe Mercedes gắn hai biển kiểm soát nhằm mục đích gì và biển nào là biển thật”. Nhân vật “Trương Tuyết N” như trong bài viết của Nhà Báo & Công Luận là ai? Theo nhiều nguồn tin, đó là Trương Tuyết Nhung, vợ của cựu Ủy viên Bộ Chính trị Tô Huy Rứa!
Sự kiện một lần nữa cho thấy Việt Nam đã trở thành miền đất của… “phù thủy” như thế nào. Chuyện gì cũng có thể xảy ra. Biến trắng thành đen. Biến phải thành trái. Biến không thành có… Các “phù thủy” ngày càng nhan nhản ở Việt Nam làm được tất. “Phù phép” điểm thi tốt nghiệp trung học lẫn đại học là chuyện nhỏ. Họ còn có thể biến một anh xài bằng đại học giả, như Đinh Ngọc Hệ (Út Trọc), trở thành thượng tá quân đội. Bệnh viện công “phù phép” thiết bị-vật tư cũ thành mới. Viên chức sở nội vụ tại nhiều tỉnh “phù phép” hồ sơ lý lịch để đưa người nhà vào làm việc tại cơ quan nhà nước. Quan “đầu tỉnh” lẫn quan “đầu xã” “phù phép” chi thu để rút ngân sách bỏ túi riêng… Mới đây, theo Thanh Niên (17-12-2019), một nhân viên tạp vụ tại Trung tâm sức khỏe lao động và môi trường Bình Dương thuộc Sở Y tế tỉnh này thậm chí đã được “phù phép” biến thành bác sĩ!
Đặc biệt hơn cả là các vụ “phù phép” biến đất công thành đất tư, biến đất nông nghiệp thành đất thổ cư… Tại Đà Nẵng, Chánh văn phòng Thành ủy Đà Nẵng Đào Tấn Bằng đã “phù phép” để chính quyền Đà Nẵng giao đất Sơn Trà cho người thân. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, CEO Tập đoàn Alibaba Nguyễn Thái Luyện “phù phép” đất nông nghiệp thành đất thổ cư bằng thủ đoạn lập hàng loạt hợp đồng không công chứng, không số giữa những công ty do người nhà mình đứng tên pháp nhân. Tại Sài Gòn, Trần Phương Bình, cựu tổng giám đốc, cựu phó chủ tịch Hội đồng quản trị và chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Đông Á, đã “phù phép” nhiều hồ sơ vay vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư khống với nhiều tài sản là dự án bất động sản… để chiếm khu đất vàng Ba Son. Tại Hải Phòng, hàng loạt lô đất trên địa bàn quận Hải An đã bị chính quyền địa phương hợp thức hóa trái phép từ đất nông nghiệp sang đất ở đô thị. Tại Long An, nhiều khu công nghiệp đã được “điều chỉnh” giảm diện tích để chuyển thành đất ở nhằm bán cho các chủ dự án bất động sản với giá cao…
Phải nói là không thể kể hết các vụ “phù phép” dính dáng đất đai và liên quan “quyền sở hữu và chuyển mục đích sử dụng đất đai” trong các vụ án “ăn đất” xảy ra hàng chục năm nay. Điều “thần thánh” nhất liên quan các vụ “phù phép” đất đai là có không ít trường hợp sau khi bị báo chí phanh phui, một số viên chức không những không bị… “kiểm điểm” mà còn được thăng chức! Sau ròng rã 10 năm điều tra và sau khi Thanh tra tỉnh Bắc Giang đưa ra bản kết luận cho thấy hai viên chức ở huyện Lục Ngạn chơi trò “phù thủy” ăn đất, hai ông này vẫn được thăng chức cao hơn (La Văn Nam được thăng chức Phó Bí thư thường trực huyện ủy Lục Ngạn; và Cao Văn Hoàn được thăng chức Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Lục Ngạn)!
Nhắc đến chuyện “phù phép”, tôi nhớ đến một vụ có dạo từng làm báo chí Sài Gòn nhốn nháo. Vì nhà gần đó nên tôi thường đi ngang khu vực ấy. Đó là một khu đất khổng lồ, gần Bộ Tổng tham mưu VNCH, thuộc quản lý Quân khu 7 sau 1975. Một ngày nọ, khu đất bỗng được dựng tôn cao che kín mít. Chẳng ai biết bên trong đó đang làm gì. Đất của quân đội. Đố ai dám tò mò. Thế rồi ngày kia, khi các tấm tôn che được hạ xuống, mọc lên đó là một nhà hàng cực sang, với tên “White Palace” (số 194 đường Hoàng Văn Thụ, phường 9, Phú Nhuận), như thể nó trồi lên từ dưới đất bằng phép màu vậy. Báo chí rần rần “vào cuộc”. Lúc đó người ta mới biết White Palace được xây mà không hề có một mảnh giấy phép xây dựng nào. Thậm chí cái chức năng “kinh doanh ăn uống” của nó cũng không có phép.
Ngày 6-12-2007, tờ Sài Gòn Giải Phóng (2) viết rằng chính quyền TP.HCM “sẽ xử lý nghiêm sai phạm” vụ xây trái phép của White Palace. Một ngày sau, tờ Thanh Niên (3) cho biết: “White Palace thực hiện đúng quy định về xây dựng của Bộ Quốc phòng”! Ngày 9-12-2007, VNExpress (4) loan tin: “Công trình White Palace làm cơ quan chức năng lúng túng”. Ngày 10-12-2007, tờ Tuổi Trẻ (4) viết “Trung tâm tiệc cưới White Palace bị tạm ngưng hoạt động”. Bài báo của Tuổi Trẻ về chuyện “ngưng hoạt động” của White Palace là bài báo cuối cùng trước khi vụ việc được ngưng vĩnh viễn. Báo chí không còn được nói về vụ xây trái phép của White Palace. Nhà hàng này đến nay đã trở thành địa điểm quen thuộc và nổi tiếng chuyên tổ chức tiệc cưới và các sự kiện sang trọng đình đám của giới giải trí lẫn doanh nghiệp. Chẳng tờ báo nào “bàn” vụ này nữa. Đất của Quân khu 7. Bộ Quốc phòng quản lý. Ở đó không chỉ có cọp để mà hó hé vuốt râu. Ở đó còn có “thần thánh”. Ủy ban nhân dân TP.HCM là “cái đinh” gì. Bản thân Ủy ban nhân dân TP.HCM cũng nhung nhúc “thần” với “thánh”, đặc biệt “ông thần” Lê Thanh Hải.
Ở đất nước này, sự tồn tại của “thần thánh” và những màn “phù phép” của “thần thánh” đang ngày càng được mặc nhiên xem như là chuyện “bình thường”. Tất cả đều diễn ra công khai, hệt như màn “biểu diễn” ngoạn mục “lật” đổi bảng số xe giữa ban ngày ban mặt của Trương Tuyết Nhung, vợ của cựu Ủy viên Bộ Chính trị Tô Huy Rứa. Đất nước đã không biến thành “xứ sở thần tiên” bởi những màn “phù phép”. Thần dân của xứ sở này đang lãnh hậu quả những trò gian lận từ bọn phù thủy được quyền “phù phép” và “hô biến” mọi thứ, đặc biệt khả năng biến đất nước thành một chốn nghịch ngược với cái gọi là “thiên đường”.
(1) https://congluan.vn/kinh-ngac-xe-sang-mercedes-bien-hinh-tu-bien-trang-sang-bien-xanh-post71703.html
(2) https://www.sggp.org.vn/se-xu-ly-nghiem-sai-pham-308069.html
(3) https://thanhnien.vn/thoi-su/white-palace-thuc-hien-dung-quy-dinh-ve-xay-dung-cua-bo-quoc-phong-105751.html
(4) https://vnexpress.net/thoi-su/cong-trinh-white-palace-lam-co-quan-chuc-nang-lung-tung-2095320.html
(5) https://tuoitre.vn/trung-tam-tiec-cuoi-white-palace-bi-tam-ngung-hoat-dong-233350.htm
https://www.voatiengviet.com/a/bang-so-xe-mercedes-bang-xanh-bang-trang/5212293.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.