Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 19/12/2019

Thursday, December 19, 2019 3:40:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 19/12/2019

Trinh sát cơ Mỹ giám sát Triều Tiên

Nhiều máy bay trinh sát Mỹ liên tục lần hoạt động gần biên giới Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng dọa “gửi quà Giáng sinh” cho Washington.
Dữ liệu của Aircraft Spots, trang chuyên theo dõi máy bay trên thế giới, cho thấy các trinh sát cơ RC-135 của Mỹ nhiều lần bay gần Triều Tiên, trong đó có vùng trời phía nam khu phi quân sự (DMZ). Các trinh sát cơ này có thể sử dụng cảm biến để giám sát hoạt động sâu bên trong lãnh thổ Triều Tiên khi bay trên không phận Hàn Quốc hoặc quốc tế.
Các chuyến bay nhằm thu thập thông tin tình báo, giám sát trên không và trinh sát gần Triều Tiên được Mỹ thực hiện với tần suất dày đặc sau khi Bình Nhưỡng thông báo gửi “quà Giáng sinh” cho Washington hôm 3/12 và tiến hành “thử nghiệm rất quan trọng” tại Sohae 5 ngày sau.
RC-135 là một trong những dòng trinh sát cơ có khả năng thu thập thông tin tình báo mạnh nhất của không quân Mỹ. RC-135 có thể phát hiện, phân loại và định vị vị trí radar phòng không và theo dõi thông tin liên lạc của đối phương. Phi hành đoàn của RC-135 gồm 26 người, trong đó có các chuyên gia phân tích và ngôn ngữ có thể xử lý thông tin ngay lập tức để gửi về bộ chỉ huy trong thời gian thực.
“Triều Tiên thường tuyên bố trước khi hành động, vụ phóng lần này cũng vậy. Tôi nghĩ ‘món quà’ là một loại tên lửa đạn đạo tầm xa. Chúng tôi đang theo dõi”, chỉ huy Bộ tư lệnh Không quân Thái Bình Dương (PACAF) Charles Brown nói ngày 17/12.
Ngoài RC-135, Mỹ còn điều một số trinh sát cơ khác giám sát Triều Tiên trong những ngày qua. Ít nhất một trinh sát cơ không người lái RQ-4B Global Hawk bay ở độ cao cực lớn với góc bay nghiêng để chụp ảnh các khu vực nằm sâu trong lãnh thổ Triều Tiên.
Hải quân Mỹ cũng điều trinh sát cơ P-3C thu thập thông tin tình báo tại Triều Tiên. Chiếc P-3C này thuộc phi đoàn tuần tra số 40, hiện được triển khai ở căn cứ không quân Kadena trên đảo Okinawa, Nhật Bản. Trinh sát cơ P-3C được trang bị radar giám sát duyên hải (LSRS) AN/APS-149 có thể thu thập thông tin tình báo trên đất liền
http://biendong.net/bi-n-nong/32173-trinh-sat-co-my-giam-sat-trieu-tien.html

Ông Trump trở thành tổng thống Mỹ thứ ba

 bị luận tội trong lịch sử Mỹ

Donald Trump vừa trở thành tổng thống thứ ba trong lịch sử Mỹ bị Hạ viện luận tội, mở đường cho phiên tòa của Thượng viện để quyết định ông có bị phế truất hay không.
Hạ viện bỏ phiếu cho hai điều khoản luận tội – rằng tổng thống đã lạm dụng quyền lực, và đã cản trở Quốc hội.
Cả hai điều khoản này đều phù hợp với luật pháp của các đảng – với hầu hết đảng viên Dân chủ bỏ phiếu ủng hộ luận tội và toàn bộ đảng viên Cộng hòa bỏ phiếu chống.
Khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, Tổng thống Trump đang có bài phát biểu tại một cuộc vận động tranh cử.
Ông nói với đám đông ở Battle Creek, Michigan:
“Trong khi chúng ta đang tạo thêm việc làm và chiến đấu cho Michigan, phe cực đoan còn lại trong Quốc hội bị ăn mòn bởi lòng đố kỵ và thù hận, quý vị thấy điều gì đang diễn ra.”Hạ viện Mỹ bỏ phiếu ra sao?
Hai điều khoản luận tội
230-197Lạm dụng quyền lực
229-198Cản trở Quốc hội
0Nghị sỹ Cộng hòa ủng hộ luận tội
2Nghị sỹ Dân chủ phản đối tội lạm dụng quyền lực
3Nghị sỹ Dân chủ phản đối tội cản trở Quốc hội
Nguồn: BBC
Các quy trình bỏ phiếu hôm thứ Tư bắt đầu với việc thành viên đảng Cộng hòa của ông Trump kêu gọi bỏ phiếu về các vấn đề thủ tục nhằm nỗ lực làm quá trình này thất bại.
Sau đó là một cuộc bỏ phiếu về các quy định được đặt ra để luận tội, châm ngòi cho sáu giờ tranh luận giữa các đảng phái về hai điều khoản luận tội Tổng thống Trump.
Tiếp theo đó là một cuộc bỏ phiếu về các quy tắc được đưa ra cho bản luận tội, khởi đầu sáu giờ tranh luận đảng phái về giá trị của hai cáo buộc luận tội chống lại Tổng thống Trump.
Vào khoảng 20:30 giờ địa phương (01:30 GMT), Hạ viện đã kêu gọi bỏ phiếu hai điều khoản: đầu tiên, lạm dụng quyền lực, xuất phát từ nỗ lực bị cáo buộc của ông Trump để gây sức ép buộc Ukraine thông báo điều tra đối thủ chính trị đảng Dân chủ, Joe Biden; và thứ hai, cản trở Quốc hội, bởi vì tổng thống được cho là đã không chịu hợp tác với cuộc điều tra luận tội, giữ các tài liệu bằng chứng, và ngăn cản các trợ lý quan trọng ra làm chứng.
Cuộc bỏ phiếu cho điều khoản đầu tiên nghĩa là ông Trump đã bị luận tội, xếp ông cùng với chỉ hai tổng thống khác trong lịch sử nước Mỹ – Andrew Johnson và Bill Clinton – và thiết lập một phiên tòa tại Thượng viện cho chức tổng thống của ông.
Một ngày sôi sục tinh thần đảng phái
Phân tích của biên tập Bắc Mỹ Jon Sopel của BBC
Và thế là xong, Donald Trump bây giờ trở thành thành viên thứ ba của một câu lạc bộ độc quyền mà không ai muốn trở thành thành viên.
Nhưng các nhà soạn thảo hiến pháp với các điều khoản luận tội có thể đã không tưởng tượng được tinh thần phe phái cuồng nhiệt – từ cả hai phía – được chứng kiến trong suốt quá trình tố tụng khô khan hôm nay của Hạ viện. Mỗi phe có lý lẽ riêng của mình, không bên nào nghe bên nào. Và người ta có thể nói chắc nịch – Tôi đánh cược với toàn bộ quà Giáng sinh chưa được tặng của mình – rằng điều này sẽ xảy ra y như thế trong phiên tòa tại Thượng viện dịp Năm Mới.
Donald Trump sẽ được tha bổng. Ông ta sẽ không bị buộc thôi chức. Thế thì cái gì sẽ thay đổi? Uhm, Donald Trump sẽ được đề cập trong sách lịch sử – và với một người đàn ông với cái tôi to đùng thì điều này sẽ gây tổn thương. Sâu sắc. Nhưng kỳ bầu cử 2020? Việc luận tội này còn lâu mới là đòn sát thủ đối với Tổng thống Trump. Nó có thể thúc đẩy ông nỗ lực cho nhiệm kỳ thứ hai. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã luôn rất thận trọng khi bước vào con đường luận tội. Chúng ta sẽ xem vào tháng 11 tới xem mối lo ngại này có cơ sở hay không.
Trong quá trình Hạ viện tranh luận, ông Trump đã đăng lên Twitter vài lần, gọi các lập luận của đảng Dân chủ là “NHỮNG LỜI DỐI TRÁ GHÊ TỞM” và là một “CUỘC TẤN CÔNG VÀO ĐẢNG CỘNG HÒA!!!”.
Đảng Cộng hòa chiếm đa số trong Thượng viện, khiến việc phế truất chức tổng thống của ông Trump khả năng cao là không thể xảy ra khi các nghị sỹ bỏ phiếu. Chủ tịch Thượng viện Mitch McConnell tuần trước đã nói rằng các nghị sỹ Cộng hòa sẽ “phối hợp triệt để” với đội ngũ của tổng thống Trump trong phiên tòa, khiến đảng Dân chủ phẫn nộ, chỉ ra rằng các nghị sỹ Thượng viện phải có nghĩa vụ hành động như các thẩm phán công tâm.
Các thành viên Hạ viện nói gì?
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi mở đầu cuộc tranh luận hôm thứ Tư với bài phát biểu ở Hạ viện.
“Trong nhiều thế kỷ người Mỹ đã đấu tranh và hi sinh để bảo vệ nền dân chủ cho người dân, nhưng hiện nay thật đáng buồn khi tầm nhìn của người sáng lập của chúng ta về nền cộng hòa đang bị đe dọa bởi các hành động từ Nhà Trắng,” bà nói.
“Nếu chúng ta không hành động từ bây giờ, chúng ta sẽ bỏ rơi nghĩa vụ của mình. Thật là bi thảm khi những hành động liều lĩnh của tổng thống khiến việc luận tội là cần thiết. Ông ta không cho chúng ta lựa chọn.”
“Các hành động liều lĩnh của tổng thống khiến việc luận tội là cần thiết,” Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi
Đại diện đảng Dân chủ Joe Kennedy, cháu trai của Tổng thống John F Kennedy, đã dùng bài phát biểu của mình để trực tiếp gửi đến các con của mình, giải thích quyết định bỏ phiếu luận tội.
“Thương mến gửi Ellie và James: Đây là khoảnh khắc mà các con sẽ đọc trong sách lịch sử của mình”, nghị sĩ bang Massachusetts nói, tiếp tục cáo buộc tổng thống “sử dụng quyền lực như một vũ khí chống lại chính người dân của mình”.
Doug Collins, đảng viên cấp cao của đảng Cộng hòa trong Ủy ban Tư pháp Hạ viện, cáo buộc đảng Dân chủ đã tiến hành một cuộc điều tra không công bằng và bất hợp pháp.
Thành viên đảng Cộng hòa Barry Loudermilk so sánh quá trình luận tội với số phận của Chúa Giêsu Kitô. “Trong phiên tòa lừa bịp đó, Pontius Pilate đã trao cho Chúa Giêsu nhiều quyền hơn là đảng Dân chủ trao cho vị tổng thống này,” ông Loudermilk nói.
“Pontius Pilate dành cho Chúa Giêsu nhiều quyền lợi hơn là đảng Dân chủ dành cho vị tổng thống này.”
Đảng Dân chủ được cho là được bà Pelosi hướng dẫn để thực hiện quá trình tố tụng một cách nghiêm trang. Bà nói với các phóng viên bên ngoài phòng họp rằng bà “buồn” về quá trình tố tụng, và một số thành viên Dân chủ thể hiện sự thất vọng của mình khi tham gia vào quá trình tố tụng luận tội.
Khắp nước Mỹ trong 24 giờ trước cuộc bỏ phiếu, những người biểu tình ủng hộ luận tội đổ xuống đường. Hàng trăm người tập trung tại Quảng trường Thời Đại ở New York đêm thứ Ba, hô vang: “Hãy cho tôi biết ai đứng trên luật pháp? Không ai ở trên luật pháp!”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50848159

Hạ Viện thông qua 2 điều khoản

cáo buộc luận tội Tổng Thống Trump

Tin từ Washington – Tối thứ Tư ngày 18 tháng 12 năm 2019, Hạ Viện đã bỏ phiếu thông qua việc luận tội Tổng Thống Donald Trump, khiến ông Trump thành vị Tổng Thống Hoa Kỳ thứ 3 bị cáo buộc với các trọng tội và tội nhẹ. Buổi bỏ phiếu diễn ra với những tranh luận giữa 2 đảng phái kịch liệt suốt 8 giờ tại Hạ Viện là kết quả của 3 tháng điều tra được dẫn dắt bởi các dân biểu đảng Dân Chủ, đảng kiểm soát Hạ Viện Hoa Kỳ.
Dù bị sự chống đối liên tục bởi toà Bạch Ốc và các thành viên của đảng Cộng Hoà nhiều tháng qua. Buổi bỏ phiếu luận tội vẫn diễn ra và thông qua 2 điều khoản cáo buộc Tổng Thống.
Điều khoản 1, cáo buộc lạm quyền với 230 phiếu thuận và 197 phiếu chống. Theo điều khoản này thì, ông Trump bị cáo buộc là đã lạm quyền bằng cách đóng băng viện trợ quốc tế cho Ukraine để gây áp lực Tổng Thống Ukraine điều tra đối thủ chính trị của ông Trump trong nước.
Điều khoản 2, cản trở Quốc Hội với 229 phiếu thuận và 198 phiếu chống. Theo điều khoản thứ 2 thì ông Trump bị cáo buộc gây cản trở việc điều tra của Quốc Hội Hoa Kỳ bằng cách ngăn cản các nhân viên của toà Bạch Ốc tham gia hợp tác điều tra với cơ quan điều tra của Quốc Hội.
Sau buổi bỏ phiếu luận tội tại Hạ Viện, với số phiếu đồng ý thông qua các điều khoản luận tội Tổng Thống Trump chiếm thế áp đảo. Thượng Viện sẽ phải tổ chức 1 phiên toà. Thượng Viện phải tiến hành bỏ phiếu để quyết định việc kết án và bãi nhiễm Tổng Thống hay không. Nhưng khó có thể ông Trump sẽ bị Thượng Viện kết án, vì đảng Cộng Hoà đang kiểm soát Thượng Viện.
BTT
https://www.sbtn.tv/ha-vien-thong-qua-2-dieu-khoan-cao-buoc-luan-toi-tong-thong-trump/

Nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ tại Ukraine

nghỉ việc trước chuyến thăm

của ngoại trưởng Mike Pompeo

Nhà ngoại giao kỳ cựu của Hoa Kỳ tại Ukraine và một nhân chứng quan trọng trong cuộc điều tra luận tội, ông Bill Taylor, sẽ nghỉ việc. Ông Taylor, người từng được Ngoại Trưởng Mike Pompeo tuyển dụng để thay thế người tiền nhiệm Marie Yovanovitch, sẽ từ chức vào đầu tháng 1.
Ông Taylor là một trong những người có liên quan đến nỗ lực của Tổng Thống Trump cùng luật sư cá nhân Rudy Giuliani để buộc Tổng Thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy thực hiện một cuộc điều tra gây tổn hại cho các đối thủ chính trị của Tổng Thống Hoa Kỳ bằng cách giữ lại số tiền viện trợ quân sự cho Ukraine. Khi nỗ lực này được công khai, ông Taylor là người đã viết rằng “việc giữ lại viện trợ quân sự để đổi lấy các cuộc điều tra là điên rồ.” Bài viết này đã khiến ông Taylor trở thành nhân chứng quan trọng trong quá trình luận tội tại Hạ viện. Quá trình luận tội lên đến đỉnh điểm vào thứ tư (ngày 18 tháng 12), khi Hạ Viện bỏ phiếu truy tố Tổng Thống Trump hai tội danh là lạm quyền và cản trở Quốc Hội điều tra. ABC News dẫn lời hai nguồn thạo tin cho biết ông Taylor nghỉ việc do hợp đồng tạm thời của ông sẽ hết hạn vào ngày 8 tháng 1.
Theo nguồn tin trên, ông Taylor có thể sẽ bàn giao lại trách nhiệm vào ngày 1 và chính thức nghỉ việc vào ngày 2 tháng 1.  Hiện tại, ứng cử viên tiềm năng của chính quyền Tổng Thống Trump cho cương vị đại sứ tại Ukraine vẫn đang được xem xét, nhưng bà Kristina Kvien có thể sẽ là nhà ngoại giao hàng đầu trong thời điểm hiện tại.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/nha-ngoai-giao-hang-dau-cua-hoa-ky-tai-ukraine-nghi-viec-truoc-chuyen-tham-cua-ngoai-truong-mike-pompeo/

Một khách sạn ở Quận Cam có thể mất giấy phép

vì cung cấp dịch vụ du lịch sinh con

Tin từ California – Khách sạn JR Motel ở quận Cam, tiểu bang California  không có bảng hiệu, không nhận đặt phòng cũng như không trả bất kỳ đồng thuế nào cho thành phố. Khách sạn công khai phục vụ du khách Trung Cộng như một cơ sở sinh sản, hay còn gọi là dịch vụ du lịch sinh con.
Tuy nhiên dịch vụ của khách sạn ở địa chỉ 428 R. Lincoln Avenue lại là trái phép. Chính quyền thành phố ở quận Cam hiện đang tìm cách thu hồi giấy phép của khách sạn, mà chủ khách sạn gọi là sự phân biệt đối xử. Tối thứ Hai (16/12/2019), Ủy ban Kế hoạch quận Cam đã bỏ phiếu để lên lịch cho phiên điều trần công khai trong khoảng đầu năm sau, để quyết định có nên thu giấy phép hoạt động của khách sạn JR Motel hay không. Ở quận Cam, các ủy viên của Ủy ban Kế hoạch vẫn thường tránh đề cập trực tiếp về hình thức kinh doanh du lịch sinh con gây nhiều tranh cãi. Thay vào đó, họ xử phạt các vi phạm quy định xây dựng, phòng cháy chữa cháy và quy định khác.
Thông thường, những người điều hành dịch vụ tính tiền hàng chục ngàn Mỹ kim cho du khách nước ngoài đến Hoa Kỳ để sinh con, tận dụng Tu Chính Án thứ 14 quy định việc bảo đảm quyền công dân Hoa Kỳ cho bất kỳ ai sinh ra ở nước này. Chủ khách sạn Chih Huang tin rằng các ủy viên thành phố đang phân biệt đối xử với họ chỉ vì không đồng ý với dịch vụ du lịch sinh con của họ.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/mot-khach-san-o-quan-cam-co-the-mat-giay-phep-vi-cung-cap-dich-vu-du-lich-sinh-con/

Luật ngân sách mới của Hoa Kỳ sẽ bao gồm

một số thay đổi lớn trong dịch vụ y tế

Tin Washington DC – Quốc Hội Hoa Kỳ dự kiến sẽ thông qua một dự luật ngân sách trị giá 1.4 ngàn tỷ Mỹ kim trong tuần này, và Tổng Thống Donald Trump đã cho biết ông sẽ ký phê chuẩn. Kế hoạch mới bao gồm nhiều thay đổi quan trọng liên quan đến y tế.
Tuy nhiên, dự luật lại không có điều khoản nào liên quan đến việc kiểm soát giá thuốc, chủ đề đang được quốc hội thảo luận trong thời gian gần đây. Dự luật ngân sách mới sẽ xóa bỏ vĩnh viễn các khoản thuế đánh lên các chương trình bảo hiểm y tế đắt tiền, các hãng bảo hiểm y tế, và các hãng sản xuất thiết bị y tế, vốn là các khoản thuế được đặt ra để chi trả cho chương trình Affordable Care Act, còn gọi là Obamacare. Việc xóa bỏ thuế được các hãng y tế ủng hộ, nhưng được cho là sẽ khiến ngân sách Hoa Kỳ thâm hụt thêm 373 tỷ Mỹ kim, theo ước tính của Ủy Ban Thuế Quốc Hội. Dự luật mới cũng nâng độ tuổi được mua các sản phẩm thuốc lá từ 18 lên 21 tuổi, và áp dụng cho cả thuốc lá thường và thuốc lá điện tử. Tổng Thống Donald Trump vào tháng 2 năm nay đã công bố kế hoạch xóa bỏ dịch HIV tại Hoa Kỳ vào năm 2030.
Kế hoạch này trong năm nay không có tiến triển gì nhiều vì không có ngân sách. Tuy nhiên, trong dự luật ngân sách mới, Quốc Hội đã đồng ý cấp tiền cho kế hoạch của tổng thống, và số tiền có thể sẽ nhiều hơn chút ít so với mức 291 triệu Mỹ kim mà Tổng Thống Trump yêu cầu.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/luat-ngan-sach-moi-cua-hoa-ky-se-bao-gom-mot-so-thay-doi-lon-trong-dich-vu-y-te/

Công ty Infosys của Ấn Độ bồi thường

cho California vì bị cáo buộc lừa đảo visa, trốn thuế

Công ty cung cấp dịch vụ thuê mướn nhân viên có tay nghề cao Infosys của Ấn Độ đã đồng ý trả 800 ngàn Mỹ kim cho tiểu bang California, vì cáo buộc trốn thuế bằng cách sử dụng visa B-1 cho hàng trăm lao động nước ngoài, thay vì visa H-1B khó kiếm và đắt đỏ. Chính quyền tiểu bang California kiện Infosys hồi năm 2017 thay mặt người tố cáo Jack Palmer, cũng là một cựu nhân viên của Infosys.
Theo công bố mới nhất của thỏa thuận hôm 16/11/2019, chính quyền tiểu bang cho biết Infosys phải chịu trách nhiệm với các tài liệu giả, và làm giả thông tin nhân viên để thu lợi từ việc cấp sai loại visa cho nhân viên đến Hoa Kỳ làm việc. Trong hồ sơ kiện của ông Palmer hồi 2017, ông đã tham dự các cuộc họp của Infosys năm 2010, trong đó các quản trị viên thảo luận về việc lách những yêu cầu khắt khe của visa H-1B bằng cách sử dụng visa B-1 để giảm chi phí và tăng lợi nhuận. Văn phòng bộ trưởng Tư pháp tiểu bang California, Xavier Becerra cho biết Infosys dùng sai loại visa để đưa 500 nhân viên đến California, và để trả lương họ ít hơn và trốn thuế. Thỏa thuận trả tiền phạt cũng bao gồm việc chính quyền tố cáo công ty trốn thuế, vì visa B-1 không yêu cầu khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.
Khoản tiền thỏa thuận trả cho tiểu bang California là 800 ngàn Mỹ kim. Nhà tuyển dụng thường phải tốn hàng ngàn Mỹ kim lệ phí cho mỗi visa H-1B được cấp. Trong khi visa B-1, có số lượng không giới hạn được dùng cho mục đích họp công tác, hội thảo và đàm phán hợp đồng, chỉ tốn 160 Mỹ kim tiền lệ phí.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/cong-ty-infosys-cua-an-do-boi-thuong-cho-california-vi-bi-cao-buoc-lua-dao-visa-tron-thue/

Âm mưu táo bạo đưa lậu người vào Mỹ

Một âm mưu táo bạo đưa lậu hơn 70 người từ Mexico vào Texas, Mỹ, bị phát hiện trong tuần này.
Một tái xế lái một xe kéo rơ-moóc vào làn xe dùng để kiểm soát xe thương mại tại một trạm kiểm soát của Tuần tra Biên giới Mỹ ở Laredo, chờ nhân viên kiểm soát xe đến. Một bức ảnh được Cơ quan Bảo vệ Biên giới và Hải quan Mỹ CBP công bố cho thấy trong xe chẳng có gì ngoại trừ hơn một chục người ngồi sát thành kim loại của xe, quay đầu đi nơi khác để tránh máy ảnh hay ánh sáng chiếu vào họ.
Hầu hết những người thấy rõ trong ảnh mặc áo sơ-mi trắng, mà theo CBP là dấu hiệu của những tay chuyển lậu người nhằm “giúp những tổ chức buôn người phân loại hay nhận diện các cá nhân trong nhóm.”
Hiện chưa rõ những dấu hiệu đó là gì và ý nghĩa của những dấu hiệu đó ra sao. CBP chưa hồi đáp yêu cầu cung cấp thêm thông tin.
Toán người vượt biên này gồm những người đàn ông và phụ nữ đến từ El Salvador, Guatemala và Mexico, vào nước Mỹ không giấy tờ, theo CBP.
Tài xế là một công dân Mỹ bị bắt cùng với những người trong xe.
Thông thường các di dân muốn vượt biên giới vào Mỹ thường đi bộ để không bị phát hiện. Nhưng cách này nguy hiểm vì phải bơi qua sông hay đi xuyên qua những khu vực sa mạc hiểm trở, xa xôi mà chuyện chết đuối hay chết khát thường xảy ra.
Năm 2019 nằm trong số những năm có số di dân chết nhiều nhất khi tìm cách vào Mỹ.
Tính tới cuối tháng 8 năm nay, có hơn 520 di dân tại châu Mỹ chết hay mất tích và được xem như bỏ mạng.
Tổ chức Di dân Quốc tế, theo dõi con số di dân chết trên toàn thế giới, báo cáo là tính đến ngày 16/12, có tất cả 16.351 di dân chết dọc theo biên giới Mỹ-Mexico trong năm nay.
Một số người nỗ lực vượt biên trong thùng xe thường hay thùng xe tải. Những người khác trả tiền để được chở trong những xe chở hàng lớn.
Hai người Mỹ đang đối mặt với các cáo trạng về chở lậu người sau khi 32 người Mexico và Ecuador bị phát hiện trốn trong xe đông lạnh.
Vào năm 2018, một tài xế xe tải bị kết án tù chung thân sau một vụ chuyển lậu người bất thành khiến 10 người thiệt mạng tại San Antonio, Texas.
Tuần trước, CBP loan báo là việc bắt giữ người vượt biên tại biên giới phía Tây Nam nước Mỹ giảm trong 6 tháng cuối năm nay sau khi lên cao vào cuối năm 2018 cho đến tháng 5 năm nay.
(BTV: Victoria Macchi)
https://www.voatiengviet.com/a/%C3%A2m-m%C6%B0u-t%C3%A1o-b%E1%BA%A1o-%C4%91%C6%B0a-l%E1%BA%ADu-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-v%C3%A0o-m%E1%BB%B9/5211877.html

Mỹ muốn cấm di dân phạm tội xin tị nạn

Di dân bị kết án về tội tái xâm nhập nước Mỹ bất hợp pháp, lái xe say rượu hay phạm tội bạo hành gia đình sẽ bị cấm xin tị nạn theo một qui định mới đề nghị mà chính quyền Trump loan báo ngày 18/12.
Đề nghị phải qua một thời gian lấy ý kiến của công chúng trước khi được ban hành. Theo đó, ngoài những quy định hiện hành của liên bang, di dân phạm năm lĩnh vực hình sự, trong đó một số tội phạm nhẹ, sẽ bị cấm xin tị nạn.
Đề nghị cũng hủy bỏ việc đòi hỏi các thẩm phán di trú xem xét lại một số đơn xin tị nạn đã bị bác.
Đây là một động thái nữa của chính quyền ông Trump nhằm hạn chế việc xin tị nạn vì cho rằng di dân đang đánh đố với hệ thống di trú Mỹ để có thể lưu lại nhiều năm trên đất Hoa Kỳ dù họ không đủ điều kiện, một phần vì việc kiểm tra lý lịch sơ khởi không đầy đủ. Hầu hết những người xin tị nạn rời bỏ quê hương vì bạo động, nghèo đói và tham nhũng.
Những người bênh vực di dân và những tổ chức nhân đạo chỉ trích chính sách cứng rắn của ông Trump là vô nhân đạo và nói rằng Hoa Kỳ đã từ bỏ vai trò là một nơi trú ẩn an toàn cho người tị nạn.
Tuy nhiên số đơn tồn đọng của Tòa án di trú đã lên đến hơn 1 triệu ca và các cơ quan biên giới trong năm bị tràn ngập bởi hàng trăm ngàn gia đình Trung Mỹ đòi hỏi được chăm sóc nhiều hơn và không dễ dàng trả họ qua biên giới Mỹ-Mexico.
Trong một nỗ lực ngăn chặn làn sóng di dân, Bộ An ninh Nội địa, có nhiệm vụ quản lý di dân, đã gởi hơn 50.000 di dân trở về bên kia biên giới chờ giải quyết.
Di dân thường bị biến thành nạn nhân tại những vùng đất đầy bạo động của Mexico và lâm bệnh vì những điều kiện kém vệ sinh tại những trại tị nạn ngày càng quá tải. Các giới chức Bộ An ninh Nội địa đã ký thỏa thuận với Guatemala và những quốc gia Trung Mỹ khác để gởi trả những người xin tị nạn trở về những nước này. Các gia đình đầu tiên đã được trả về Guatemala.
Bộ Tư pháp Mỹ cũng nhắm vào các thành phố ‘chứa chấp’ di dân bất hợp pháp như New York và Chicago, những thành phố này không giúp các nhân viên Bộ An ninh Nội địa với những yêu cầu liên quan đến di trú. Các giới chức New York, chẳng hạn, nói họ không tin di dân nên bị trục xuất vì những
tội tiểu hình và không thông báo cho Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan nếu họ giam giữ những di dân.
Bộ trưởng Tư Pháp William Barr và quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Chad Wolf than phiền về chính sách này.
Những qui tắc mới được đề nghị sẽ làm cho những người xin tị nạn không đủ điều kiện nếu họ bị kết tội về một trọng tội hay bị bắt nhiều lần về tội bạo hành trong gia đình. Những tội khác bao gồm: tội giả mạo lý lịch hay nhận phúc lợi xã hội bất hợp pháp. Thêm vào đó là tội đưa lậu hay chứa chấp di dân, tái nhập nước Mỹ bất hợp pháp, những tội liên bang liên hệ đến hoạt động băng đảng trên đường phố hay lái xe dưới ảnh hưởng của rượu hay ma túy.
Những tội này cộng thêm vào những tội đã bị cấm theo luật xin tị nạn liên bang.
Những thay đổi vừa kể được đưa ra để Bộ Tư pháp và Bộ An ninh Nội địa “có thể có thêm nguồn lực để giải quyết những trường hợp xin tị nạn của những người nước ngoài không phạm tội hình sự,” theo một thông cáo chung được công bố ngày 18/12 của hai Bộ
https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-mu%E1%BB%91n-c%E1%BA%A5m-di-d%C3%A2n-ph%E1%BA%A1m-t%E1%BB%99i-xin-t%E1%BB%8B-n%E1%BA%A1n-/5211855.html

Mỹ tuyên án trùm đường dây ‘du lịch sinh con’

Một thẩm phán Mỹ ngày 18/12 kết án một phụ nữ 10 tháng tù về vai trò của bà này trong đường dây đưa thai phụ Trung Quốc du lịch sang Mỹ để sinh con có quốc tịch Mỹ.
Thẩm phán James Selna ra phán quyết tại Santa Ana, kết án tù bà Dongyuan Li.
Thẩm phán Selna nói bà Li sẽ được tha vào cuối ngày thứ hai tuần tới vì đã thọ án đủ.
Các công tố viên liên bang chống lại bản án và nói bà Li phải bị tù nhiều năm để răn đe những người khai gian khi nạp đơn xin visa và che dấu việc mang thai trong những vụ du lịch giả mạo để sinh con.
Trước đây trong năm, bà Li nhận tội đồng lõa và gian dối visa trong việc điều hành một công ty ‘du lịch sinh con’ tại nam California có tên là “You Win USA.”
Nhà chức trách liên bang nói công ty đã giúp 500 phụ nữ Trung Quốc du lịch sang Mỹ để sinh con ở Mỹ và bà Li dùng một chuỗi các căn hộ tại Irvine, California để tiếp nhận họ.
Nhà cầm quyền nói công ty hướng dẫn các đương đơn nói dối về đơn xin visa và che dấu việc mang thai khi qua hải quan tại các phi trường nước Mỹ.
Trong một bức thư gởi Tòa án, bà Li nói bà vô cùng ăn năn và xin lỗi về những thiệt hại bà đã gây ra cho xã hội Mỹ.
https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-tuy%C3%AAn-%C3%A1n-tr%C3%B9m-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-d%C3%A2y-du-l%E1%BB%8Bch-sinh-con-/5211824.html

Dân Venezuela tiếp tục bỏ xứ ra đi

Lisa Schlein
Hàng ngàn người tiếp tục rời khỏi Venezuela trong lúc cuộc khủng hoảng về chính trị, kinh tế và nhân quyền tại nước này ngày càng sâu rộng thêm, Trưởng Cao ủy Liên hiệp quốc về Nhân quyền loan báo ngày 18/12.
Phúc trình của Liên hiệp quốc, căn cứ trên những cuộc phỏng vấn và thu thập tin tức từ nhiều nguồn trong 3 tháng qua, vẽ ra một bức tranh ảm đạm về Venezuela như một xã hội không hoạt động, tồn tại được nhờ đe dọa.
Có khoảng 4,7 triệu người đã rời khỏi nước. Văn phòng nhân quyền Liên hiệp quốc dự đoán là con số này sẽ lên đến 6,5 triệu người vào cuối năm 2020, do cuộc khủng hoảng sâu rộng thêm.
Phúc trình phát hiện là nền kinh tế Venezuela thu hẹp 25,5% trong năm nay, tổng sản lượng nội địa mất khoảng 62,2% kể từ năm 2013. Phúc trình cho biết siêu lạm phát làm cho thực phẩm, thuốc men và những nhu yếu phẩm căn bản khác vượt ngoài tầm với của người dân. Thiếu tiền và những vật phẩm thiết yếu khác làm tăng mức suy dinh dưỡng cấp tính và thiếu dinh dưỡng trong số trẻ em và phụ nữ.
Trưởng Cao ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc Michelle Bachelet nói văn phòng của bà đã nhận được nhiều than phiền về quấy nhiễu, đe dọa và giam giữ bởi các cơ quan tình báo và lực lượng an ninh.
“Văn phòng tôi tiếp tục thu thập các sự kiện và những trường hợp hạn chế các quyền tự do công cộng,” bà nói. “Năm 2020 là năm bầu cử. Điều thiết yếu là phải bảo đảm tự do công cộng, những quyền tự do cần thiết để tạo ra những cuộc bầu cử tự do, công bình, tin cậy được, minh bạch và an ninh.”
Các nhà quan sát nhân quyền đi thăm một vài trung tâm giam giữ và phỏng vấn hàng chục người bị tù vì những động cơ chính trị. Bà Bachelet kêu gọi trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị, và nói rằng những trường hợp tra tấn và giết hại không qua xét xử phải được điều tra và những người chịu trách nhiệm phải bị đưa ra ánh sáng.
Đại sứ Venezuela tại Liên hiệp quốc ở Geneva, Jorge Valero, phản bác phúc trình của Liên hiệp quốc và khẳng định rằng không có khủng hoảng nhân đạo tại Venezuela.
Ông Valero nói “Trái lại chúng tôi đang giữ mức sống tiêu chuẩn bất chấp những biện pháp đơn phương áp đặt bởi chính phủ Mỹ. Chính phủ của Tổng thống Donald Trump đã áp dặt 23 biện pháp chế tài mới gây nên chết chóc, thống khổ và đau đớn.”
Bà Bachelet đồng ý là những chế tài mới đây của Mỹ tiếp tục có ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế Venezuela và những dịch vụ công cộng ở mọi mức độ.
https://www.voatiengviet.com/a/d%C3%A2n-venezuela-ti%E1%BA%BFp-t%E1%BB%A5c-b%E1%BB%8F-x%E1%BB%A9-ra-%C4%91i/5211836.html

Anh ra luật nêu thang điểm cho người nhập cư

Nữ hoàng Elizabeth II vừa đọc diễn khai mạc nhiệm kỳ Quốc hội Anh, đề ra các luật gồm hệ thống chấm điểm để nhận di dân có tay nghề.
Trump chúc mừng Johnson trước ngày QH Anh bỏ phiếu Brexit
Anh và câu hỏi dai dẳng về Scotland ‘độc lập’
Vụ 39 tử thi: Con đường buôn lậu chết người qua Pháp
Chống buôn người ở VN: ‘Không gì tốt hơn giáo dục’
Lễ khai mạc Quốc hội Anh tại Điện Westminster, London hôm 19/12/2019 đã gồm nhíều nghi lễ cổ xưa.
Nữ hoàng đi từ Điện Buckingham, trụ sở tại London của bà, tới Quốc hội bằng xe hơi, không đi xe ngựa như các kỳ trước.
Năm nay, Nữ hoàng Elizabeth II và con trai trưởng, thái tử Charles làm lễ khai mạc Quốc hội Anh nhiệm kỳ 2019-24.
Các năm trước, chồng của Nữ hoàng là Hoàng tế Philip dự lễ nhưng gần đây ông đã rút khỏi các hoạt động công vì tuổi cao.
Sau lễ trọng thể với các vị thành viên Thượng viện được bổ nhiệm và Hạ viện (trúng cử), vị nguyên thủ quốc gia Anh đã đọc bài diễn văn, gọi là ‘Queen’s Speech’.
Đây là văn bản nêu nghị trình do chính phủ đương nhiệm của đảng Bảo thủ Anh và thủ tướng Boris Johnson đề ra.
Y tế, y tế và di dân
Diễn văn nêu ra cam kết bằng luật về khoản đầu tư 33,9 tỷ bảng Anh cho Hệ thống Y tế Quốc gia (NHS) trong các năm 2023-24.
Ngoài ra là bảy luật liên quan đến quá trình Anh rút khỏi Liên hiệp châu Âu (Brexit).
Dự kiến ngay ngày hôm sau, 20/12, Quốc hội Anh sẽ bỏ phiếu thông quan luật Brexit để Anh rời EU ngày 31/01/2020.
Nhưng diễn văn của Nữ hoàng còn nêu 30 dự luật nữa để Quốc hội lần lượt bỏ phiếu trong những tuần tới.
Về di dân, Anh sẽ có luật định ra hệ thống nhập cư theo thang điểm (points-based immigration system), nhằm đón nhận công nhân viên có tay nghề.
Trong hàng chục ngành nghề Anh đang cần nhân công thì y tế luôn đứng đầu danh sách.
Chế độ thị thực mới sẽ đảm bảo để ngành y tế, “nhận được bác sĩ, y tá, chuyên gia y tế có tay nghề” qua thủ tục nhanh gọn (fast-track entry).
Thời gian qua, bất ổn liên quan đến Brexit tạo mối lo rằng công nhân viên có tay nghề, nhất là chuyên gia y tế từ các nước EU sẽ bỏ về, hoặc không đến Anh nữa.
Chính sách mới này nêu ra thông điệp và biện pháp để tiếp tục đảm bảo ngành y tế Anh không thiếu nhân viên.
Mặt khác, nạn di dân lậu vẫn xảy ra, với người từ Việt Nam, Iran, Iraq, Afghanistan, châu Phi…vào Anh bằng các tuyến đường nguy hiểm.
Điều này đặt ra nhu cầu chọn lọc để người có tay nghề vẫn vào Anh làm việc hợp pháp, và người không có tay nghề thì khó vào hơn.
Về môi trường, chính phủ Anh cũng cam kết đạt mục tiêu không cân bằng khí thải CO2 vào năm 2050.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50857009

Anh : Nữ hoàng đọc diễn văn trước Nghị Viện

Anh Vũ
Hôm nay 19/12/2019, tại Luân Đôn, nữ hoàng Anh Elizabeth II có bài diễn văn quan trọng khai mạc Nghị Viện mới, chuyển tải thông báo đường lối hành động của chính phủ Boris Johnson. Tiến hành Brexit và tăng ngân sách cho hệ thống y tế là trọng tâm của chương trình hành động của chính phủ.
Để chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm 12/12, Boris Johnson đã lôi cuốn được giới cử tri bình dân vốn vẫn bỏ phiếu cho Công Đảng. Ông tự nhận mình là người đứng đầu « chính phủ của dân » có nhiệm vụ đáp ứng các nguyện vọng của người Anh trong các dịch vụ công cộng, công bằng xã hội và hệ thống hạ tầng cơ sở.
Ưu tiên của ông Boris Johnson vẫn là đưa Vương Quốc Anh rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu, theo đúng hạn định 31 tháng Giêng như ông vẫn nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
Có sự hậu thuẫn của Nghị Viện mới với phe bảo thủ chiếm 365 trên 650 ghế, thủ tướng Johnson có thể tin tưởng dự luật thực thi thỏa thuận Brexit sẽ nhanh chóng được thông qua.
Ngay từ bây giờ, Boris Johnson đã tính đến những việc hậu Brexit như : Trong vòng 1 năm ký được thỏa thuận thương mại với Liên Âu.
Bên cạnh điểm nhấn Brexit, qua diễn văn của Nữ hoàng, ông Boris Johnson phải thông báo tăng ngân sách thêm nhiều tỷ bảng Anh cho dịch vụ y tế đang bị xuống cấp trầm trọng từ nhiều năm qua.
Chương trình của chính phủ sẽ được Hạ Viện thảo luận và sau đó cho bỏ phiếu thông qua vào tháng Giêng.
Tuy nhiên, một vấn đề khác nổi lên không kém gai góc cho ông Johnson là ý đồ ly khai của Scotland. Hôm nay thủ tướng Scotland, bà Nicola Sturgeon, trước Nghị Viện sẽ khẳng định lại quyết tâm tổ chức trưng cầu dân ý về nền độc lập của Scotland. Đa số người dân Scotland đã bỏ phiếu chống Brexit hồi năm 2016.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20191219-anh-n%E1%BB%AF-ho%C3%A0ng-%C4%91%E1%BB%8Dc-di%E1%BB%85n-v%C4%83n-th%C3%B4ng-b%C3%A1o-ch%C6%B0%C6%A1ng-tr%C3%ACn-h%C3%A0nh-%C4%91%E1%BB%99ng-c%E1%BB%A7a-ch%C3%ADnh-ph%E1%BB%A7-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-ngh%E1%BB%8B-

Cải cách hưu trí Pháp :

Chính phủ tiếp tục gặp các nghiệp đoàn

Trọng Thành
Hôm qua, 18/12/2019, ngày bãi công thứ 14, sau các buổi họp của từng nghiệp đoàn với chính phủ, khủng hoảng vẫn không có lối ra. Lãnh đạo công đoàn cải cách CFDT tuyên bố sau buổi họp: ” Chúng ta vẫn còn rất, rất xa với một thỏa hiệp”, cho phép chấm dứt bãi công trong ngành giao thông công cộng, trước dịp Giáng Sinh.
Tổng thư ký nghiệp đoàn CFDT, Laurent Berger, khẳng định nghiệp đoàn này vẫn rất quyết tâm trong cuộc tranh đấu nhằm yêu cầu chính phủ rút bỏ điều khoản về mức tuổi được hưởng toàn phần lương hưu cơ bản (với tên gọi chính thức là ”tuổi cân bằng” hay ”tuổi xoay trục”, được chính phủ xác định ở tuổi 64). Tuy nhiên, lãnh đạo CFDT cũng để ngỏ khả năng thương lượng với chính phủ về các vấn đề khác, đặc biệt như chế độ hưu bổng và mức độ vất vả trong lao động.
Trong khi đó, quan điểm của nghiệp đoàn CGT cứng rắn hơn nhiều. Lãnh đạo nghiệp đoàn này, ông Philippe Martinez, kêu gọi chính phủ rút bỏ hoàn toàn dự luật, và tố cáo chính phủ muốn áp đặt cải cách bằng mọi giá.
Sáng hôm qua, tổng thống Pháp một mặt khẳng định sẽ không từ bỏ dự án cải cách, nhưng để ngỏ khả năng có các điều chỉnh trong dự luật cải cách ”từ nay đến cuối tuần”. Mục tiêu của tổng thống Emmanuel Macron là bằng mọi cách để phong trào phản kháng xã hội này tạm ngưng trong dịp tết sắp đến. Chiều hôm nay, chính phủ tổ chức một cuộc gặp với tất cả các nghiệp đoàn nhằm tìm lối thoát cho khủng hoảng.
Để giúp cho người dân Pháp hiểu rõ hơn về dự án cải cách hưu trí, mà đa số đánh giá là ‘‘khó hiểu”, hôm nay chính phủ thông báo đã đưa lên mạng một ứng dụng ”mô phỏng tính lương hưu”, cho phép mỗi người tính toán xem là hệ thống cải cách hưu trí mà chính phủ dự kiến sẽ ảnh hưởng đến cá nhân mình như thế nào.
Theo một thăm dò dư luận của Ipsos cho Cnews và Sud Radio, 61% người Pháp phản đối tuổi về hưu cho phép quỹ lương hưu đạt cân bằng mà chính phủ xác định là 64 tuổi. Phía ủng hộ là 39% (nhiều hơn 2 điểm so với cuộc thăm dò tuần trước). Trong lúc 59% người Pháp không ủng hộ chính phủ tiến hành cải cách đến cùng, thì 70% cho rằng chính phủ sẽ không nhân nhượng phong trào phản kháng.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20191219-c%E1%BA%A3i-c%C3%A1ch-h%C6%B0u-tr%C3%AD-ph%C3%A1p-t%C3%ACnh-h%C3%ACnh-b%E1%BA%BF-t%E1%BA%AFc-sau-c%C3%A1c-cu%E1%BB%99c-h%E1%BB%8Dp-gi%E1%BB%AFa-ch%C3%ADnh-ph%E1%BB%A7-v%C3%A0-c%C3%A1c-nghi%E1%BB%87p-%C4%91

« 2019 » : Năm « hướng Nga »

trong chính sách đối ngoại của Macron ?

Minh Anh
Thượng đỉnh bốn bên gồm Nga, Pháp, Đức và Ukraina trong khuôn khổ « công thức Normandie » diễn ra tại Paris ngày 09/12/2019 xem như đã khép lại một năm hoạt động nhộn nhịp của ngành ngoại giao Pháp. Với sự kiện này, tổng thống Emmanuel Macron một lần nữa khẳng định đường lối đối ngoại « hướng Nga » cũng như vai trò « trung gian hòa giải » của ngoại giao Pháp.
Tháng 12/2019 này còn đánh dấu nửa nhiệm kỳ đầu tổng thống của ông Emmanuel Macron. Giới chuyên gia Pháp nhìn nhận, trong hai năm rưỡi ở điện Elysée, ông Macron đưa ra nhiều sáng kiến ngoại giao tích cực nhằm cải thiện hình ảnh nước Pháp trên trường quốc tế : Tiếp đồng nhiệm Nga Vladimir Putin tại cung điện Versailles lộng lẫy năm 2017 ; mời tổng thống Trump đến dự lễ diễu binh mừng ngày Quốc Khánh Pháp 14/07 năm 2018 ; hay tiếp đón trọng thể chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 3/2019.
Với thế giới Ả Rập, tổng thống Macron tuân thủ một sự tiếp nối : Duy trì các mối quan hệ hữu hảo với các nước vùng Vịnh – vốn dĩ là những khách hàng vũ khí quan trọng của Pháp ; tham gia chống Daech tại Syria nhưng không xích lại gần với chế độ Damas ; nỗ lực hòa giải căng thẳng Mỹ – Iran sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết năm 2015…
Tại châu Phi, nước Pháp thời Macron dấn thân nhiều hơn vào cuộc chiến chống khủng bố nhằm bình ổn vùng Sahel – Sahara, khu vực chiến lược quan trọng đối với Pháp. Trong mỗi cuộc khủng hoảng quốc tế, Paris cố gắng đưa ra những phân tích độc lập và hành động tùy theo tình huống.
Nói chuyện với tất cả mọi người !
Có thể nói, trong suốt hai năm rưỡi qua, tổng thống Emmanuel Macron xác quyết một lập trường đối ngoại rất rõ ràng có từ thời tướng De Gaulle và tổng thống Pháp François Mitterand : đó là nói chuyện với tất cả mọi người.
Về điểm này, ông Guillaume Devin, giáo sư chuyên ngành Khoa học Chính trị tại Sciences Po, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế, trong chương trình Tranh Luận của đài RFI, nhấn mạnh đến những trục lớn trong chính sách đối ngoại của ông Macron.
« Có ba trục lớn được chính tổng thống Macron trình bày trong một cuộc họp trước toàn thể các đại sứ. Thứ nhất, thể hiện là một cường quốc cân bằng, một cường quốc không liên kết, cường quốc trung gian, một cường quốc đóng vai trò môi giới trung thực trong những cuộc khủng hoảng khó khăn như
Iran, hay như Syria chẳng hạn, rồi có thể là chuyện xích lại gần hay một sự ổn định nào đó trong quan hệ với Nga.
Trục lớn thứ hai, tăng cường chủ quyền châu Âu bằng cách thúc đẩy mạnh hơn một hệ thống phòng thủ chung châu Âu sao cho không làm suy yếu Liên minh Bắc Đại Tây Dương, hệ thống phòng thủ này dần dần phải là một sự bổ sung cho NATO dù có bị cho là lỗi thời ở một thời điểm nào đó.
Và trục lớn thứ ba mà tôi có thể sẽ trở lại bởi vì trục này có vẻ khá quan trọng và có thể đáng để chỉ trích nữa : Sự dấn thân quá nhiều cho chủ nghĩa đa phương ».
Dù vậy, sự năng động này của tổng thống Pháp cũng gặp nhiều cản lực ngay trên chính mặt trận sân nhà : Liên Hiệp Châu Âu. Tham vọng xây dựng « chủ quyền châu Âu » và một nền quốc phòng chung châu Âu của ông Macron gặp phải sự chống đối của nhiều nước trong khối, vốn dĩ vẫn muốn dựa vào Washington để bảo đảm nền quốc phòng và định hướng chính sách đối ngoại.
Và lời phát biểu gây sốc của ông Macron với The Economist « NATO trong trạng thái chết não » đã gây ra những phản ứng mạnh mẽ, nhất là từ Đức. Tuy nhiên, theo quan sát của nhà nghiên cứu Guillaume Devin, lời lẽ hơi « quá đáng » không ngăn cản nguyên thủ Pháp đối thoại với các đối tác bất chấp những bất đồng.
« Đúng là lời lẽ của tổng thống Pháp khá nặng nề, bởi vì cũng nên hiểu là có quá ít lãnh đạo đầu tầu nổi trội ngay giữa lòng khối Liên Hiệp Châu Âu. Do vậy, điều đó còn làm cho lời nói của ông thêm nặng nề hơn. Macron là người duy nhất ấn định một số kỳ họp, một số mục tiêu do bởi bà Angela Merkel bị suy yếu trên chính trường, rồi chuyện người Anh chuẩn bị rời Liên Hiệp.
Trong chính sách ngoại giao mà chính tổng thống Macron gọi là « ngoại giao cân bằng », nghĩa là nói chuyện với tất cả mọi người, cho dù chúng ta có bất đồng với tổng thống Trump, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục nói chuyện với ông ấy, chúng ta cố thuyết phục ông đừng ra khỏi thỏa thuận Iran, đừng ra khỏi thỏa thuận Paris.
Tuy không thành, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục duy trì đối thoại. Đó chính là một chính sách ngoại giao tốt. Nếu nền ngoại giao tồn tại, chính là vì để tiếp tục đối thoại bằng không chúng ta chẳng cần đến các nhà ngoại giao để làm gì ? »
Pháp có còn lỡ hẹn với Nga ?
Nhưng có lẽ điểm nhấn trong hoạt động đối ngoại năm 2019 của Pháp chính là chủ trương xích lại gần Nga. Chính quyền Paris trong năm nay đã đưa ra nhiều cử chỉ hòa dịu với nước Nga của ông Vladimir Putin : Tiếp tổng thống Nga trước thềm thượng đỉnh G7 tháng 8/2019 ; tham gia hội nghị cấp bộ trưởng theo khuôn khổ 2+2 (Bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại Giao) tại Matxcơva tháng 9/2019 ; và gần đây nhất là tổ chức thượng đỉnh bốn bên theo « công thức Normandie » (bao gồm bốn bên :Nga, Đức, Pháp và Ukraina) ở Paris nhằm giải quyết cuộc xung đột tại Ukraina tháng 12/2019.
Thiện chí này còn được tổng thống Pháp bày tỏ công khai nhân cuộc gặp các đại sứ Pháp tại Paris hồi cuối tháng 8/2019, khi cho rằng « đẩy nước Nga rời xa châu Âu có lẽ sẽ là một sai lầm to lớn », đồng thời ông kêu gọi các nước châu Âu nên có sự hòa giải với Nga vì sự ổn định cho khu vực.
Việc ông Volodymyr Zelensky, một cựu diễn viên hài đắc cử tổng thống Ukraina với chủ trương tìm lại hòa bình cho vùng Donbass đã thật sự là một cơ hội tốt cho chính sách xích lại gần Nga của ông Macron. Thượng đỉnh bốn bên Nga, Pháp, Đức và Ukraina được tổ chức tại Paris hôm 09/12/2019 đã mang lại hy vọng cho việc giải quyết xung đột tại vùng đông Ukraina dưới sự bảo trợ của Pháp và Đức.
Chuyên gia Guillaume Devin khẳng định Paris, nhất thiết với phải duy trì đối thoại với Nga vì an ninh châu lục.
« Đương nhiên rồi. Việc lôi kéo Nga trở lại với mái nhà châu Âu cũng chính là một mục tiêu, nhằm tìm cách bình ổn tình hình châu Âu. Chừng nào tình hình của châu Âu chưa được ổn định, tình hình của Liên Hiệp Châu Âu vẫn sẽ còn mong manh. Quả thật, ở đây có một nỗi lo thực tế là chúng ta có một người hàng xóm to lớn, một láng giềng hùng mạnh có thể trở nên rất nguy hiểm. Nhân dịp này, nếu có thể nên duy trì đối thoại với nước Nga ».
Nhà sử học Hélène Carrère d’Encausse, thư ký vĩnh viễn Viện Hàn Lâm Pháp trên kênh truyền hình quốc tế Pháp France 24 cũng có cùng lập luận khi đánh giá chiến lược này của tổng thống Macron là đúng đắn.
« Chiến lược này là đúng bởi vì rõ ràng đây là một thời điểm mà ông Vladimir Putin cũng đang đứng trước ngã ba đường. Chúng ta đang ở vào lúc nước Nga phải quyết định xem họ là một nước châu Âu mà đúng như vậy hay là Nga muốn tin cậy hoàn toàn vào châu Á, bởi vì mọi việc giờ đang diễn ra ở châu Á. Đây chính là lúc chúng ta có thể giữ lấy nước Nga.
Đây chính là thời điểm cần chú ý, thời điểm mà châu Âu có thể được củng cố. Emmanuel Macron hiểu rất rõ điều này. Tôi tin là chiến lược của ông là đúng. Mọi người đều được lợi trong hồ sơ cần được xử lý này. Hơn nữa, chỉ có nước Pháp là có những mối quan hệ bền vững nhất, quan trọng nhất với nước Nga, chứ nước Đức không thể làm được điều này ».
Hơn nữa, bất chấp các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga luôn bị triển hạn, các bất đồng giữa Nga và phương Tây về vụ sáp nhập bán đảo Crimée, những lời tố cáo Nga can thiệp vào các quyền tự do và đời sống chính trị tại châu Âu, nhưng Nga và Pháp vẫn cần đến nhau trong nhiều hồ sơ quốc tế lớn : Chấm dứt cuộc chiến tại Ukraina, cứu vãn thỏa thuận Iran, tìm giải pháp chính trị cho Syria, bình ổn vùng Trung Phi và tái thiết một nền an ninh chung tại châu Âu.
Chỉ có điều như phân tích của cựu đại sứ Pháp tại Nga, ông Jean de Gliniasty trên nguyệt san Le Monde Diplomatique (tháng 12/2019), nếu như ông Macron đã biết tận dụng thời cơ thuận lợi : uy thế của thủ tướng Đức bị suy yếu trong nước, nước Anh thì lo bận Brexit … để trình bày các ý tưởng của mình, thì những tham vọng này của tổng thống Macron, nhất là chủ trương xích lại gần Nga lại là những chủ đề gây tranh cãi và có nguy cơ bị phản đối ngay từ trong chính nước Pháp, từ Mỹ và nhiều nước châu Âu.
Con đường đi đến hòa giải với Nga còn dài và chông chênh. Tổng thống Pháp sẽ còn phải nỗ lực nhiều mới mong đạt được những kết quả đối ngoại như mong muốn. Theo như ví von của nhà sử học Hélène Carrère d’Encausse : Lịch sử quan hệ giữa Pháp và Nga còn là một câu chuyện về những cuộc hẹn bị lỡ từ ba thế kỷ qua. Nước Nga luôn tìm cách xích lại gần với Pháp, nhưng Paris luôn chậm trễ nhận lời. Đến khi đồng ý, ngọn lửa nhiệt thành của Matxcơva lại trở nên nguội lạnh.
Liệu rằng lần này, một lần chủ động chìa tay, tổng thống Macron có đủ phép mầu hâm nóng lại quan hệ đôi bên hay không ? Khó có nhà phân tích nào dám đưa ra câu trả lời.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20191219-h%C6%B0%E1%BB%9Bng-nga-ch%C3%ADnh-s%C3%A1ch-%C4%91%E1%BB%91i-ngo%E1%BA%A1i-macron

Putin: ‘Vụ luận tội Tổng thống Trump là bịa đặt’

Tổng Thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm nói rằng phe Dân chủ Mỹ đã luận tội Tổng thống Donald Trump với những lý do “bịa đặt”, mục đích là để lật ngược kết quả bầu cử năm 2016, trao phần thắng cho ông Trump.
Phát biểu tại cuộc họp báo cuối năm hàng năm của ông, ông Putin nói ông dự kiến ông Trump sẽ sống sót qua các thủ tục luận tội và sẽ duy trì chức vụ.
Hạ viện Mỹ hôm thứ Tư đã biểu quyết luận tội ông Trump, nhưng như đa số các nhà quan sát, ông Putin nói ông tin rằng Thượng viện Mỹ sẽ tha bổng ông Trump.
“Khó xảy ra chuyện phe Cộng Hòa truất phế một đại diện của đảng mình dựa trên những lý do mà theo quan điểm của tôi, là hoàn toàn bịa đặt,” ông Putin nói. “Đây chỉ là việc tiếp diễn trận chiến chính trị nội bộ trong đó đảng thất cử, Đảng Dân chủ, đang cố đạt kết quả bằng các phương pháp và phương tiện khác.”
Nhà lãnh đạo Nga nói tiếp: “Thoạt tiên họ tố cáo ông Trump là cấu kết với Nga. Thế rồi khi không thấy có cấu kết, và không thể dùng cáo buộc đó để luận tội, họ lại tưởng tượng ra một thứ áp lực nào đó đối với Ukraine.”
Mặc dù vậy ông Putin chỉ trích Hoa Kỳ nói chung về điều mà ông gọi là “những bước không thân thiện với Nga, ông nói Moscow đã áp dụng một chính sách tương tự để đáp trả.”
Đặc biệt ông Putin than phiền về điều mà ông nói là sự khước từ của Mỹ, không đáp lại những đề nghị của Moscow để gia hạn Hiệp định Tài giảm Vũ khí Chiến lược mới (New START) sẽ giới hạn con số đầu đạn hạt nhân chiến lược mà hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới có thể triển khai.
Được nhiều chuyên gia coi là điều duy nhất có thể ngăn chặn một cuộc thi đua vũ trang không phanh giữa hai nước đối thủ thời Chiến tranh lạnh, hiệp định này có thể được gia hạn thêm 5 năm nữa, sau khi đáo hạn vào tháng Hai năm 2021, nếu hai bên đồng thuận.
“Cho tới giờ vẫn chưa thấy Mỹ hồi đáp các đề nghị của chúng tôi,” ông Putin nói. “Và nếu không còn hiệp định New START, thì không có bất cứ gì trên thế giới có thể kiềm chế cuộc đua võ trang. Theo quan điểm của tôi, đó là một điều xấu.”
https://www.voatiengviet.com/a/putin-vu-luan-toi-tt-trump-la-bia-dat/5212100.html

Putin lên án đảng CS Liên Xô,

nhưng yêu cầu đừng đụng đến lăng Lênin

Trọng Thành
Cuộc họp báo thường niên của tổng thống Nga hôm nay, 19/12/2019, được truyền thông ghi nhận hai điểm đáng chú ý. Thứ nhất là nguyên thủ Nga yêu cầu giữ nguyên lăng Lênin, cho dù 60% người Nga phản đối. Thứ hai, ông Putin lên án chính sách cột chặt số phận của Liên Xô vào vận mệnh của đảng Cộng Sản trước đây.
Theo AFP, trả lời báo giới, ông Vladimir Putin nói: ”Theo tôi, đừng đụng đến (lăng Lênin), chừng nào mà cuộc đời và số phận của nhiều người còn gắn liền (với lăng mộ ấy) và gắn liền với các thành công của quá khứ, và những năm tháng Xô Viết”. Theo tổng thống Nga, Lênin chỉ là ”một nhà cách mạng, chứ không phải là một lãnh đạo quốc gia”.
Theo một thăm dò dư luận của VTsIOM, hồi 2017, hơn 60% người Nga cho rằng thi hài nhà lãnh đạo Liên Xô đầu tiên, được bảo quản tại Quảng trường Đỏ, phải được dời đi và được chôn cất.
Tuy nhiên, ông Putin đã phê phán chính sách của lãnh tụ Nga sau Cách mạng 1917, đặc biệt là chính sách đất đai. Tổng thống Nga cho biết rõ là hiện vẫn còn đến hơn 2.000 địa điểm căng thẳng liên quan đến đất đai tại các vùng lãnh thổ thuộc Liên Xô cũ, bao gồm nước Nga, do chính sách của chính quyền sau cuộc Cách mạng 1917.
Ông Putin đặc biệt lên án việc đảng Cộng Sản Liên Xô đã cột chặt tương lai của đất nước với số phận của Đảng. Tổng thống Nga giải thích: ”Khi Đảng bắt đầu sụp đổ thì toàn bộ đất nước cũng đổ sụp theo (…) và đây là một sai lầm cơ bản trong việc xây dựng Nhà nước”.
Đảng Cộng Sản Nga hiện tại là đảng đối lập số một tại Nghị Viện.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20191219-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-nga-%C4%91%E1%BB%ABng-%C4%91%E1%BB%A5ng-%C4%91%E1%BA%BFn-l%C4%83ng-l%C3%AAnin

Ba Lan: Biểu tình tại cả trăm thành phố

chống dự luật cải cách tư pháp

Trọng Thành
Hôm qua, 18/12/2019, dân chúng Ba Lan xuống đường đông đảo tại khoảng 100 thành phố, để phản đối một dự luật cải cách tư pháp, đang được Nghị Viện nước này xem xét. Tòa Án Tối Cao Ba Lan hôm trước đó đã đưa ra cảnh báo là dự án cải cách xâm phạm độc lập tư pháp này rất có thể sẽ khiến Ba Lan bị Liên Hiệp Châu Âu khai trừ.
Tường trình của thông tín viên Thomas Giraudeau từ Varsovie :
”Wolne Sady !” (Tòa án độc lập), những người biểu tình hô vang bên ngoài tòa nhà Nghị Viện, trong lúc các nghị sĩ đảng cầm quyền muốn gia tăng sự kiểm soát của chính quyền đối với bộ máy tư pháp. Ông Jakub Pietroszki, một người biểu tình, giương cao một bản Hiến pháp Ba Lan.
Ông nói : Khi không có các tòa án độc lập, các phán quyết độc lập, thì các quyền của tôi bị đe dọa. Chính phủ hiện nay đang cố gắng phá hủy các nguyên tắc phân chia quyền lực. Làm như vậy là chống lại Hiến pháp.
Theo dự luật cải cách tư pháp, các thẩm phán sẽ phải khai báo tham gia hiệp hội nào, cũng như về tài khoản cá nhân trên các mạng xã hội. Tất cả các hành động bị coi là chính trị sẽ có thể bị trừng phạt.
Đối với Tòa Án Tối Cáo Ba Lan, dự luật cải cách này có thể sẽ dẫn đến việc Ba Lan phải rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Đây cũng là điều mà nhiều người biểu tình, như ông Piotr Kuzma lo ngại: Chính phủ hiện nay không tôn trọng các phán quyết của Liên Hiệp Châu Âu. Họ không hiểu rằng Liên Âu là một cộng đồng. Nếu như một bộ phận của cộng đồng này lâm bệnh, toàn bộ Liên Hiệp Châu Âu có nguy cơ sụp đổ. Chúng tôi sợ rằng, đến một lúc nào đó, Liên Âu nói phải khai trừ Ba Lan, nếu như Ba Lan đi quá xa.
Về phần mình, chính quyền cho biết muốn tiến hành cải cách để chống lại tình trạng hỗn loạn trong tư pháp. Từ vài tuần nay, các thẩm phán Ba Lan dựa vào một quyết định của Tòa Án Công Lý Châu Âu để chống lại hệ thống kỷ luật nội bộ đối với ngành tư pháp, do đảng cầm quyền lập ra và kiểm soát.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20191219-ba-lan-bi%E1%BB%83u-t%C3%ACnh-t%E1%BA%A1i-c%E1%BA%A3-tr%C4%83m-th%C3%A0nh-ph%E1%BB%91-ch%E1%BB%91ng-d%E1%BB%B1-lu%E1%BA%ADt-c%E1%BA%A3i-c%C3%A1ch-t%C6%B0-ph%C3%A1p

Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật – Trung

thỏa thuận tăng cường ”gây dựng lòng tin”

Trọng Thành
Lần đầu tiên bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản công du Trung Quốc từ 10 năm nay. Lãnh đạo bộ Quốc Phòng hai nước thỏa thuận ”tăng cường gây dựng lòng tin”. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại biển Hoa Đông và Biển Đông.
Theo hãng tin Nhật Kyoto, trong cuộc hội đàm giữa lãnh đạo bộ Quốc Phòng hai nước tại Bắc Kinh hôm qua, 18/12/2019, bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) khẳng định mong muốn ”thúc đẩy trao đổi thông tin và tăng cường gây dựng lòng tin nhằm xây dựng quan hệ an ninh song phương mang tính xây dựng”.
Về phần mình, đồng nhiệm Nhật Bản Taro Kono, trong lúc bày tỏ mong muốn thúc đẩy ”gây dựng lòng tin”, đặc biệt nhấn mạnh đến các lo ngại của Tokyo về việc tàu thuyền và phi cơ Trung Quốc gia tăng hoạt động xung quanh khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, mà Nhật kiểm soát, bị Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền. Hôm thứ Ba, ngay trước chuyến công du Bắc Kinh, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản tuyên bố sẽ có các trao đổi ”thẳng thắn’‘ với đồng nhiệm Trung Quốc về các vấn đề an ninh và quốc phòng.
Theo Tân Hoa Xã, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật có cuộc hội kiến với phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc Hứa Kỳ Lượng (Xu Qiliang).
Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật tới Bắc Kinh nhằm chuẩn bị cho chuyến công du vào tuần tới của thủ tướng Nhật Shinzo Abe (từ 23 đến 25/12). Theo báo chí Nhật Bản, Tokyo và Bắc Kinh đang tìm cách ”sớm mở đường dây nóng” quốc phòng, theo Cơ chế Liên lạc về Hàng hải và Hàng Không, được hai bên thỏa thuận hồi tháng 6 năm ngoái.
Căng thẳng quân sự Nhật – Trung nổi rõ. Đầu tháng này, Nhật Bản và Ấn Độ lần đầu tiên thỏa thuận sẽ tập trận không quân chung để đối phó với Trung Quốc. Đầu tuần này, bộ Quốc Phòng Trung Quốc loan tải thông tin về việc nâng cấp tập trận không quân tại Quân Khu Miền Nam nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh.
Trong một phát biểu tại Diễn đàn quốc tế Doha hôm thứ Bảy tuần trước, lãnh đạo Quốc Phòng Nhật Bản trực tiếp lên án các hoạt động quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông và Biển Hoa Đông đe dọa luật pháp quốc tế. Ông Taro Kono cảnh báo ‘‘những kẻ xâm lược sẽ phải trả giá đắt’‘.
Nhật Bản là thành viên trên tuyến đầu trong thế trận ngăn chặn đà bành trướng của Trung Quốc của nhóm bộ Tứ (Mỹ-Nhật-Ấn-Úc), được thành lập với chủ trương bảo vệ khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương ”mở và tự do”.
Cũng hôm qua, các bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại Giao Hoa Kỳ và Ấn Độ đã có buổi làm việc theo công thức 2+2 tại Hoa Kỳ. Đây là cuộc họp 2+2 Mỹ-Ấn lần thứ hai.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20191219-b%E1%BB%99-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-qu%E1%BB%91c-ph%C3%B2ng-nh%E1%BA%ADt-trung-th%E1%BB%8Fa-thu%E1%BA%ADn-t%C4%83ng-c%C6%B0%E1%BB%9Dng-g%C3%A2y-d%E1%BB%B1ng-l%C3%B2ng-tin

Hàn Quốc xác nhận Triều Tiên

đã thử động cơ tên lửa ở bãi Dongchang-ri

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo ngày 10-12 cho rằng “vụ thử quan trọng” mà Triều Tiên tuyên bố đã tiến hành ở bãi phóng vệ tinh phía Tây nước này là một vụ thử động cơ tên lửa, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng chấm dứt các hành động quân sự như vậy.
Phát biểu trên được đưa ra tại Sydney sau cuộc họp giữa các Bộ trưởng Quốc phòng và ngoại giao của Hàn Quốc và Australia. Đây là lần đầu tiên một quan chức chính phủ Hàn Quốc xác nhận vụ thử mà Triều Tiên tiến hành hôm 7-12 tại bãi phóng vệ tinh Sohae, hay còn được gọi là bãi phóng Dongchang-ri ở tỉnh Bắc   Pyongan. Phát biểu họp báo sau cuộc họp 2+2 với Australia, Bộ trưởng Jeong nói: “Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc và Australia đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ thử động cơ của Triều Tiên tại khu vực Dongchang-ri của nước này và liên tục bắn các tên lửa đạn đạo”.
Liên quan đến cuộc đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, Viện nghiên cứu Viễn Đông thuộc Đại học Kyungnam, Hàn Quốc  ngày 10-12 cho rằng Triều Tiên có khả năng đề xuất nối lại cuộc đàm vào năm tới. Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh Triều Tiên vừa cảnh báo sẽ từ bỏ đối thoại với Mỹ và tìm kiếm “cách thức mới” trừ khi Washington đưa ra một đề xuất mới trước khi hết năm nay để thúc đẩy đàm phán Mỹ-Triều.
Trong một diễn biến liên quan, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ kiêm chuyên gia tình báo về vũ khí hủy diệt hàng loạt, ông Vann H. Van Diepen cho rằng Triều Tiên rất có thể sẽ thử ICBM tiên tiến nhất, có khả năng vươn tới lục địa Mỹ nếu Bình Nhưỡng quyết định tiến hành phóng ICBM để phản đối các cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ với Mỹ. Theo ông Van Diepen, Triều Tiên có khả năng thử nghiệm ICBM tiên tiến nhất của mình, đó là tên lửa Hwasong-15, hay còn được gọi là KN-22.
http://biendong.net/bi-n-nong/32075-han-quoc-xac-nhan-trieu-tien-da-thu-dong-co-ten-lua-o-bai-dongchang-ri.html

Seoul và Washington bất đồng

về chi phí của quân đội Hoa Kỳ

Tin từ SEOUL, Nam Hàn – Vào hôm thứ Tư (18/12), Nam Hàn và Hoa Kỳ không thể đồng ý về khoản đóng góp của Seoul trong việc lưu trú của khoảng 28,500 binh sĩ Hoa Kỳ, nhưng phía Hoa Kỳ ám chỉ sau hai ngày đàm phán kết thúc rằng họ sẽ không còn giữ yêu cầu 5 tỷ mỹ kim nữa.
Theo Reuters, việc không đạt được thỏa thuận nào trước ngày 31 tháng 12, khi thỏa thuận hiện tại hết hạn, có thể sẽ lặp lại tình hình năm ngoái khi hai nước bỏ lỡ thời hạn cuối năm nhưng đạt được thỏa thuận hồi tố trong năm mới. Hai bên sẽ gặp nhau lần tiếp theo vào tháng 1 ở Hoa Kỳ. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cáo buộc Nam Hàn là một quốc gia giàu có đang trục lợi từ các lực lượng của quân đội Hoa Kỳ, những người đang đóng quân tại nước này như một di sản của cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Các nhà lập pháp của Nam Hàn cho biết Washington đang yêu cầu tới 5 tỷ mỹ kim mỗi năm để hỗ trợ cho binh sĩ – nhiều hơn năm lần số tiền mà Seoul đồng ý trả trong năm nay. Một số chuyên gia của Hoa Kỳ và Nam Hàn cho biết việc không đạt được thỏa thuận có thể khiến tương lai của sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Nam Hàn trở nên bất định.
Bộ Ngoại giao Nam Hàn cho biết nhóm đàm phán của họ do ông Jeong Eun-bo dẫn đầu nhấn mạnh sự cần thiết của “các thỏa thuận công bằng, hợp lý và chấp nhận được cho cả hai bên”.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/seoul-va-washington-bat-dong-ve-chi-phi-cua-quan-doi-hoa-ky/

Lại ‘nắn gân’ Mỹ vào mùa Giáng Sinh,

Triều Tiên có ‘còn gì để mất’?

Căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên đã gia tăng nhanh chóng khi Bình Nhưỡng liên tục gây sức ép yêu cầu chính quyền Tổng thống Donald Trump thực hiện những nhượng bộ trước khi năm 2019 kết thúc.
Tối hậu thư mới của Triều Tiên
Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có 3 cuộc gặp cấp cao để thảo luận chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Ông Trump cũng đã nói về Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un như một người bạn, đồng thời đánh giá cao bầu không khí tương đối yên ắng kể từ năm 2017 đến gần đây.
Tuy nhiên, Triều Tiên đang tìm kiếm một thỏa thuận toàn diện, bao gồm những biện pháp nới lỏng và dỡ bỏ trừng phạt, nhất là trong bối cảnh ông Trump đang trong chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống đầy cam go vào năm 2020. Triều Tiên đã gia hạn cho Mỹ đến “cuối năm 2019″ để nối lại đàm phán. Càng gần đến hạn định này, Bình Nhưỡng càng dồn dập “tung chiêu”, từ việc thử tên lửa đến các màn đấu khẩu. Câu hỏi đặt ra đằng sau những động thái này là liệu rằng Triều Tiên có đang cảm thấy bế tắc và bí bách khi giải pháp ngoại giao về vấn đề hạt nhân không đạt được tiến triển nào?
Chiều ngày 7/12, Triều Tiên được cho là đã tiến hành một vụ “thử rất quan trọng” từ căn cứ Sohae. Vụ việc diễn ra đúng vào lúc tại Washington, Tổng thống Mỹ tuyên bố với báo chí ông có “quan hệ rất tốt với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un”. Đáp lại động thái này, Mỹ đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhóm họp vào ngày 11/12 về hàng loạt vụ thử tên lửa của Triều Tiên. Đây là sự phản đối mới nhất của Washington trong bối cảnh bế tắc ngoại giao.
Điểm lại, từ tháng 5/2019 đến ngày 28/11/2019, Triều Tiên đã thử 13 quả tên lửa. Hành động này nhằm thể hiện bất bình về các biện pháp trừng phạt kinh tế của cộng đồng quốc tế. Bên cạnh đó, Triều Tiên tăng tốc các vụ thử tên lửa nhằm nhắc nhở Mỹ chớ nên xem nhẹ “tối hậu thư” của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, “thế yếu” của Triều Tiên là cỗ máy quân sự nước này có nhiều lỗ hổng. Việc Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân, thử nghiệm hàng loạt các loại tên lửa đã không che giấu được điều đó. Cả trên không, trên biển và trên bộ, các chương trình tập huấn thường bị hủy bỏ, khi thì do thiếu xăng, khi thì do trang thiết bị lỗi thời… Vậy phải chăng, Triều Tiên dồn nỗ lực phát triển vũ khí đạn đạo và hạt nhân để che đậy và bù đắp lại với những yếu kém của quân đội truyền thống? Các chuyên gia tin rằng trong năm 2020, Triều Tiên sẽ tiếp tục đều đặn thử tên lửa và thử nghiệm các loại vũ khí mới để “nắn gân” Mỹ.
Không chơi ván cờ với Mỹ
Ngay sau vụ thử “rất quan trọng” gần đây của Triền Tiên, Tổng thống Trump đã đưa ra lời cảnh báo Triều Tiên “sẽ phải ngạc nhiên nếu tiếp tục các hành vi thù địch”. Đáp lại, ông Kim Yong-chol, nguyên Đặc phái viên đàm phán hạt nhân Triều Tiên tuyên bố: “Có quá nhiều điều ông Trump không biết về Triều Tiên. Chúng tôi chẳng có gì thêm để mất”.
Chuyên gia đàm phán của Triều Tiên còn nhấn mạnh về thời hạn chót cuối năm nay mà Bình Nhưỡng đưa ra cho cuộc thương lượng hạt nhân Triều-Mỹ sắp đến gần.
Nếu quá “căng”, Triều Tiên có thể mất sự ủng hộ của Trung Quốc. (Nguồn: CNN)
Ông Kim Yong-chol đã tới Washington và gặp Tổng thống Mỹ hai lần vào năm 2018. Các cuộc đàm phán hạt nhân đã chững lại sau khi cuộc họp hồi tháng 2/2019 giữa ông Trump và ông Kim Jong-un thất bại. Ông Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên sẽ tìm “một cách thức mới” nếu Mỹ duy trì áp lực và các biện pháp trừng phạt, đồng thời đưa ra hạn chót cho Chính quyền Trump để đưa ra các điều khoản mà hai bên đều chấp nhận cho một thỏa thuận.
Frank Aum, chuyên gia cao cấp về Triều Tiên tại Viện Hòa bình Mỹ, cho rằng Bình Nhưỡng đang gia tăng căng thẳng khi nước này tin Mỹ sẽ không vội vàng ký kết một thỏa thuận. Chuyên gia Aum nói: “Triều Tiên đã quyết định rằng họ không muốn chơi ván cờ với Mỹ, khi mà Washington có được mọi lợi thế còn Triều Tiên thì không được lợi gì”.
Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý rằng Bình Nhưỡng sẽ “tự trói tay” nếu họ thực hiện hành động táo bạo như tiến hành một vụ thử hạt nhân mới hoặc một vụ thử tên lửa đạn đạo tầm xa. Mặc dù hai bên đã nối lại các cuộc đàm phán cấp chuyên viên hồi tháng 10/2019 tại Stockholm, song phía Triều Tiên tuyên bố cuộc đàm phán này thất bại. Rất có khả năng căng thẳng Mỹ – Triều sẽ trở nên tồi tệ hơn bởi vì không có lối thoát ngoại giao nào mang tính khả thi. Nếu Triều Tiên cảm thấy mệt mỏi với các giải pháp ngoại giao về vấn đề hạt nhân thì nước này khó lòng khởi động lại tiến trình đàm phán cấp chuyên viên.
Nguy cơ mất sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc
Một số chuyên gia khác cũng đã đưa ra bình luận về hành xử sắp tới của Bình Nhưỡng. Christopher Green, Giảng viên Đại học Leiden, Hà Lan khẳng định: “Xung đột đang có chiều hướng quay lại, nhưng điều đó phần nào phụ thuộc vào những sự kiện diễn ra từ nay đến cuối năm. Nếu có tiến triển trong đàm phán với Mỹ, Triều Tiên cũng có thể tìm một cái cớ để lật ngược tối hậu thư của họ”.
Jenny Town, Tổng biên tập trang web 38 North của Trung tâm Stimson cho rằng, động thái tới đây của Bình Nhưỡng phụ thuộc vào việc họ hiểu phản ứng của Bắc Kinh và Moscow ra sao, họ vẫn có thể kiềm chế những việc như thử vũ khí hạt nhân để có thể duy trì các thỏa thuận hợp tác mà họ đã có thể nuôi dưỡng. “Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu diễn ra một sự kiện lớn, như thử ICBM (tên lửa đạn đạo xuyên lục địa) hoặc thậm chí phóng vệ tinh trước cuối năm nay. Mặt khác, Triều Tiên có nguy cơ mất
sự ủng hộ từ Trung Quốc và Nga nếu họ đưa ra các biện pháp quá khiêu khích, sẽ không có lợi cho mục tiêu lớn hơn là tiếp tục phát triển kinh tế”, Tổng biên tập Jenny Town nhận định.
Evan Revere, cựu chuyên gia đàm phán của Mỹ với Triều Tiên đánh giá: “Mặc dù chúng ta không thể loại trừ hoàn toàn khả năng Triều Tiên tiến hành một vụ thử hạt nhân hoặc phóng thử ICBM, một trong hai hành động này sẽ được Mỹ và các quốc gia khác xem là đặc biệt khiêu khích và nguy hiểm. Theo tôi, khả năng cao nhất là Triều Tiên sẽ ‘phóng vệ tinh’ hoặc phóng thử ICBM bay qua Nhật Bản và tới Bắc Thái Bình Dương. Ông Kim Jong-un có thể có lý do để tin rằng phản ứng của Mỹ sẽ ‘im ắng’ trong sự kiện này giống như họ đã phản ứng với các vụ thử tên lửa đạn đạo khác gần đây”.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/32077-lai-nan-gan-my-vao-mua-giang-sinh-trieu-tien-co-con-gi-de-mat.html

Tàu sân bay tự đóng của Trung Quốc

chỉ là biểu tượng sức mạnh:

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nhận định

RFA: Thưa ông, nhận định của ông về việc tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc vừa được biên chế tại căn cứ Tam Á ở Hải Nam là gì?
Đinh Kim Phúc: Vấn đề Trung Quốc vừa trình làng tàu sân bay Sơn Đông, theo quan điểm cá nhân tôi, nó chỉ là biểu tượng cho sức mạnh quân sự của Trung Quốc.
Chúng ta biết rằng từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền từ năm 2012 thì vấn đề hiện đại hóa quân đội là một trong những trọng tâm trong chính sách của Tập Cận Bình. Và tàu Sơn Đông này so với tàu Liêu Ninh trước đây hiện đại hơn nhưng về khả năng tác chiến trên biển thì Trung Quốc hoàn toàn chưa có kinh nghiệm và chưa bao giờ trải qua chiến tranh với tàu sân bay. Chúng ta biết rằng hoạt động của một đội tàu sân bay trên biển nó không chỉ đơn thuần chỉ là tàu sân bay mà cần biên chế cho tất cả hạm đội để bảo vệ nó, rồi tác chiến trên không. Nếu như các tàu sân bay của Mỹ, Anh trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II trước đây thì chỉ lo đối phó với các ngư lôi của tàu ngầm, còn với trình độ khoa học kỹ thuật quân sự trong thế giới hiện nay thì tàu sân bay phải đối phó với các loại tên lửa hiện đại. Do đó tôi đánh giá rằng Trung Quốc không có kinh nghiệm tác chiến trên biển so với tàu sân bay lần đầu tiên và đây chỉ là biểu tượng cho sức mạnh của Trung Quốc cho học thuyết tranh giành ảnh hưởng của Trung Quốc ở xa bờ, tranh giành ở Biển Đông các quần đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền mà thôi.
RFA: Trước đó Trung Quốc cũng vừa cho Không quân tập trận ở Biển Đông, đây có phải là động thái thêm của việc quân sự hóa tại khu vực này mà Bắc Kinh tiến hành lâu nay?
Đinh Kim Phúc: Vấn đề Trung Quốc thường xuyên tập trận trên biển, trên đất liền và mới đây là tập trận không quân vì Trung Quốc thấy rằng  khoảng trống quyền lực tại khu vực Đông Nam Á bắt đầu nghiêng về chiều hướng có lợi cho Mỹ và Mỹ bắt đầu có những biện pháp cứng rắn trong việc can dự đến an ninh khu vực Đông Nam Á và Châu Á Thái Bình Dương. Hành động tập trận của không quân Trung Quốc nhằm mục đích răn đe Hoa Kỳ trong chính sách đối ngoại của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á này nhất là tình hình Biển Đông nổi lên trong những năm vừa qua. Hành động tập trận của không quân Trung Quốc cũng không có cái gì mới mà chủ yếu là biểu dương cho sức mạnh quân sự của Trung Quốc và kiềm chế lại những hành động không thể đoán được của tổng thống Mỹ Donald Trump mà Trung Quốc có cảm giác là sẽ bất ngờ với những hành động của Tổng Thống Mỹ mà thôi.
RFA: Trung Quốc cũng phản đối Malaysia về việc xin công nhận thềm lục địa mở rộng theo Điều 76 của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển, liên quan đến ranh giới thềm lục địa nằm ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở; song song đó là tố cáo Malaysia vi phạm chủ quyền của TQ, vi phạm ‘các tiêu chuẩn về quan hệ quốc tế’. Thái độ này theo ông cho thấy điều gì?
Đinh Kim Phúc: Vấn đề Malaysia vừa mới gửi hồ sơ lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc để xin mở rộng vùng đặc quyền kinh tế của mình ra 350 hải lý theo điều 76 của Luật Biển thì nó cũng không có gì mới. Chúng ta thấy khoảng 10 năm trước đây Malaysia và Việt Nam đã cùng nhau đứng chung một hồ sơ để xin mở rộng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế ra 350 hải lý ở phía Nam của Biển Đông và Trung Quốc cũng đã phản ứng. Và hành động tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc cũng chẳng mới, từ năm 1958 với tuyên bố là lãnh hải của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thì Trung Quốc đã xác định chủ quyền của họ ở trên những quần đảo mà trong đó có hai quần đảo mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa, kỳ này Malaysia xin mở rộng vùng đặc quyền kinh tế của mình ra 350 hải lý để nhằm ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc về vùng đặc quyền kinh tế, vùng chủ quyền của Malaysia ở phía Nam. Nhiều người đặt ra vấn đề vậy thì việc Malaysia làm một hồ sơ đơn phương mới để xin mở rộng thì có va chạm với quyền lợi đối với Việt Nam và đối với Philippines hay không thì tôi cho rằng vấn đề này hết sức là bình thường vì nếu có vùng chồng lấn so với hồ sơ của Malasysia, Việt Nam và Philippines thì Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc sẽ căn cứ vào các điều kiện thực tế và căn cứ vào Luật Biển để họ quyết định xem hồ sơ đó được chuẩn hay không được chuẩn, nó không đe dọa đến hòa bình và an ninh khu vực và hành động của Trung Quốc phản đối Malaysia không phải mới nhưng cho thấy rằng thái độ của Trung Quốc ngày càng cứng rắn hơn trước đây với đường biên giới hay còn gọi là đường lưỡi bò và bây giờ họ khẳng định một cách chi tiết hơn là họ có vùng nội thủy, có lãnh hải, có vùng tiếp giáp lãnh hải với tất cả các đảo trên biển Đông mà họ tuyên bố chủ quyền.
RFA: Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng trong bài phát biểu tại Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ở Singapore được Reuters dẫn vào ngày 17 tháng 12 có kêu gọi Trung Quốc kiềm chế tại Biển Đông. Đây là kêu gọi mới nhất của Hà Nội, theo ông liệu rằng Bắc Kinh có nghe không?
Đinh Kim Phúc: Tuyên bố của thứ trưởng ngoại giao Việt Nam tại Singapore mà chúng ta thấy xuất hiện trong thời điểm Việt Nam vừa tuyên bố Sách Trắng trong vấn đề quan hệ quốc tế từ chính sách “3 không” đến chính sách “4 không” tức là Việt Nam không sử dụng vũ lực trong mối quan hệ quốc tế, không có nghĩa rằng Việt Nam không chú trọng đến phương thức tác chiến về mặt quân sự mà vấn đề này cũng như phát biểu của thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam thì nó phản ảnh tư tưởng hòa bình của Việt Nam ‘còn 1 phút để đàm phán, còn 1 phút để kiềm chế để bảo vệ hòa bình trên biển Đông ở khu vực Đông Nam Á và Châu Á Thái Bình Dương thì VN vẫn phải cố gắng làm’.
Tư tưởng hòa bình đó không nhằm gọi là cúi đầu hay lo sợ trước sức mạnh của Trung Quốc vì VN không muốn chiến tranh trong điều kiện hiện nay, mặc dù VN rất khó khăn nếu tham chiến chống lại chiến tranh xâm lược của TQ nhưng VN bao giờ cũng tránh chiến tranh để mà tập trung xây dựng đất nước khi nền kinh tế VN chưa phải là nền kinh tế vững mạnh để đảm bảo cho một cuộc chiến tranh lâu dài nếu có xảy ra với TQ hoặc các nước khác.
RFA: Qua tất cả những diễn biến lâu nay, ông có dự báo những gì sẽ diễn ra ở Biển Đông trong thời gian tới, nhất là khi Việt Nam đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN trong năm 2020?
Đinh Kim Phúc: Bước vào năm 2020 VN có hai vai trò trong mối quan hệ quốc tế là chủ tịch luân phiên ASEAN và Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Rõ ràng tiếng nói của VN để tranh thủ sự đồng thuận trong khối ASEAN cũng như sự đồng thuận trong cộng đồng quốc tế để kiềm chế ý đồ của Trung Quốc có trọng lượng hơn và mới đây chính phủ Mỹ cũng bắn một tin rằng sẵn sàng mở rộng quan hệ ngoại giao với Việt Nam thì chúng ta ngầm hiểu quan hệ ngoại giao đó là nhằm mở rộng đến vấn đề quân sự. Đây là một tín hiệu cho thấy tình hình Biển Đông trong năm 2020 hoặc trong 5 năm tiếp theo từ năm 2020 – 2025 thì cũng không có gì mới, Trung Quốc vẫn răn đe vẫn quấy phá cũng tuyên bố cứng rắn và Biển Đông vẫn nằm trong khu vực tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải mà thôi.
RFA: Cám ơn nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/chinas-aircraft-carrier-and-the-south-china-sea-issue-by-researcher-dinh-kim-phuc-12182019124108.html

Người giàu tháo chạy khỏi TQ

Trong quá trình cải cách mở cửa với khẩu hiệu “Mèo trắng mèo đen miễn là bắt được chuột”, Đặng Tiểu Bình đã khuấy động tinh thần tìm mọi cách làm giàu của người Trung Quốc.
Những người có đầu óc kinh tế đã chớp cơ hội tìm mọi việc, mọi cách làm giàu. Họ mua chuộc các quan chức để được tạo điều kiện trong đầu tư, được hưởng cách ưu đãi. Họ tìm cách lách luật, hối lộ, làm hàng nhái hàng giả. Cả Trung Quốc như một công trường khổng lồ. Người dân từ các vùng nông thôn đổ ra các khu công nghiệp làm thuê. Các tập đoàn kinh tế của nhiều nước cũng tìm đến Trung Quốc với thị trường hơn một tỷ dân, nhân công giá rẻ.
Các nhà đầu tư giàu lên nhờ hàng hoá, nhờ công nghệ các nước, các quan chức Trung Quốc giàu lên nhờ nhận tiền hối lộ. Hàng trăm tỷ phú ở Trung Quốc xuất hiện, họ mua sắm bất động sản không chỉ ở
trong nước mà cả ở nước ngoài. Quan chức có nhiều tiền hối lộ nhưng sợ bị lộ nên chất nhiều tiền, vàng trong nhà.
Trong 30 năm, Trung Quốc đã vươn lên trở thành nền kinh tế thứ hai Thế giới.
Nhưng rồi, người đứng đầu Trung Quốc giật mình vì một xã hội Trung Quốc bất ổn. Kinh tế phát triển nhưng không bền vững, đạo đức xã hội suy thoái nghiêm trọng. Chiến dịch đả hổ, diệt ruồi đã đưa hàng trăm quan chức cao cấp vào tù, tỉnh nào cũng có quan chức tham nhũng bị xử lý.
Bên cạnh đó các nước, đặc biệt là Mỹ nhận ra các thủ đoạn phát triển của Trung Quốc như vi phạm sở hữu trí tuệ, làm hàng nhái, hàng giả tuồn vào các nước. Cho vay ưu đãi, đầu tư vào các nước chậm phát triểm thực tế là bẫy nợ của Bắc Kinh.
Mỹ bắt đầu ngăn chặn sự trỗi dậy không minh bạch của Trung Quốc bằng việc áp thuế hàng hoá, nhiều nước chấm dứt, ngăn chặn vốn đầu tư từ Trung Quốc. Các công ty, tập đoàn của các nước bắt đầu rút các nhà máy, cơ sở kinh doanh khỏi Trung Quốc.
Năm 2019 nền kinh tế Trung Quốc suy thoái nghiêm trọng. Tỷ giá Nhân dân Tệ thấp nhất trong nhiều năm qua. Thị trường chứng khoán sụt giảm, hàng triệu người thất nghiệp.
Trước thực trạng đó Bắc Kinh phải kêu gọi cán bộ, đảng viên đầu tư vào chứng khoán, mặc dù trước đây việc này bị cấm.
Các nhà giàu Trung Quốc bắt đầu tìm cách đầu tư và nhập quốc tịch ở nhiều nước. Nhiều nghìn nhà giàu ra nước ngoài trong năm 2019. Cuộc tháo chạy khỏi một Trung Quốc bất ổn về kinh tế – xã hội và đối ngoại đang ngày càng ồ ạt hơn.
http://biendong.net/dam-luan/32203-nguoi-giau-thao-chay-khoi-tq.html

TQ ‘vùng vẫy’ giữa những cơn bão thương chiến

Thương chiến Mỹ-Trung, cùng dịch tả lợn châu Phi bùng phát khiến ‘quốc gia tỷ dân’ buộc phải có một số thay đổi trong vấn đề nhập khẩu thực phẩm.
Thương chiến Mỹ-Trung, cùng dịch tả lợn châu Phi bùng phát khiến ‘quốc gia tỷ dân’ buộc phải có một số thay đổi trong vấn đề nhập khẩu thực phẩm.
Nhiều quan chức Mỹ cũng biết Trung Quốc sẽ tái cơ cấu những nguồn cung cấp nông sản của nước này. Bởi dù có thương chiến hay không, thì người dân nước này cũng vẫn cần ăn. Trung Quốc dựa nhiều vào việc nhập khẩu thực phẩm, nhất là khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát.
Với tình hình như vậy, Bắc Kinh buộc phải đa dạng hóa các nguồn cung cấp thực phẩm. Sẽ tốt hơn nếu an ninh lương thực Trung Quốc bớt dựa vào một nhà cung cấp là Mỹ. Và nông dân Mỹ sẽ khó giành lại thị phần của mình tại ‘quốc gia tỷ dân’, kể cả trong trường hợp thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung được ký kết.
Trong khi đó, tác động từ dịch tả lợn châu Phi đã gia tăng áp lực lên giá thịt lợn ở Trung Quốc. Và kết quả là Trung Quốc tìm đến các nhà cung cấp thịt khác có giá cả rẻ hơn để thay thế, chẳng hạn như New Zealand, quốc gia có hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc từ năm 2008. Trong khi quan hệ thương mại Mỹ-Trung gặp nhiều sóng gió, thì quan hệ thương mại giữa Trung Quôc-New Zealand tiếp tục vững chắc.
Trung Quốc ‘vùng vẫy’ tái cơ cấu nông nghiệp
Cụ thể hồi đầu tháng 11, Trung Quốc và New Zealand tuyên bố sẽ nâng tầm hiệp định tự do thương mại giữa hai nước. “Điều này sẽ đảm bảo hiệp định thương mại được nâng tầm của New Zealand sẽ là hiệp định tốt nhất Trung Quốc từng ký kết”, SCMP trích lời phát biểu hôm 4/11 của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern.
Người tiêu dùng Trung Quốc sẽ mua nhiều thịt bò, cừu từ New Zealand để thay thế cho thịt lợn. Bản báo cáo tổng quan về kinh doanh nông nghiệp do nhiều nhà phân tích thuộc Ngân hàng New Zealand cho biết, “giá trị xuất khẩu thịt cừu tăng lên đáng kể do nhu cầu từ những thị trường nước ngoài nhằm chống lại việc nguồn cung khan hiếm”, và dịch tả lợn khiến “nhu cầu về việc tìm nguồn protein thay thế trở nên mạnh hơn”.
Còn về thịt bò, bản báo cáo trên cũng cho biết lượng thịt bò xuất khẩu của New Zealand trong tháng 10/2019 đã tăng thêm 11%. Và Trung Quốc đã nhập hơn một nửa sản lượng thịt bò xuất khẩu của New Zealand trong những tháng gần đây.
Ở mảng thức ăn chăn nuôi, dù Trung Quốc áp thuế lên đậu nành Mỹ như một phần thương chiến, nhưng nước này vẫn cần sản phẩm đậu nành phục vụ cho ngành chăn nuôi của nước này, nhất là từ các nhà cung cấp như Argentina và Brazil.
 Đậu nành Brazil và Argentina hưởng lợi từ thương chiến Mỹ-Trung
Hai quốc gia Nam Mỹ lâu nay đã xuất khẩu đậu nành sang Trung Quốc, từ trước khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung xảy ra. Chẳng hạn trong tháng 11/2019, Brazil đã xuất khẩu hơn 5,16 triệu tấn đậu nành, 94% trong số đó là xuất khẩu sang Trung Quốc.
Hôm 2/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế lên mặt hàng thép của Brazil và Argentina. “Brazil và Argentina đã mạnh tay phá giá đồng nội tệ của họ…, và điều này không tốt cho nông dân Mỹ”, ông Trump viết trên Twitter. Nhiều chuyên gia nhận định, động thái này của ông Trump nhằm cảnh cáo 2 quốc gia Nam Mỹ cần có ‘sự thận trọng’ trong việc cung cấp đậu nành cho Trung Quốc.
Chuyên gia Neal Kimberley thuộc SCMP cho biết, giải pháp cho thương chiến Mỹ-Trung không nhất thiết là phải đưa mọi việc trở lại như cũ. Bởi chiến tranh thương mại và tác động từ dịch tả lợn châu Phi sẽ buộc chính quyền Bắc Kinh phải suy nghĩ lại về việc tái cơ cấu nguồn cung cấp nông sản cho nước này.
http://biendong.net/bi-n-nong/32078-tq-vung-vay-giua-nhung-con-bao-thuong-chien.html

Đại học Trung Quốc gây tranh cãi

khi bỏ điều lệ ‘tự do tư tưởng’

Một trong những trường đại học hàng đầu của Trung Quốc đang gây ra cuộc tranh luận gay gắy và phản đối hiếm hoi từ sinh viên khi bỏ đi cụm từ “tự do tư tưởng” và thêm vào cam kết “tuân theo sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản” trong điều lệ của trường.
Theo tường thuật của Reuters, những thay đổi trong điều lệ của trường Đại học Phục Đán ở Thượng Hải, vốn được xem là một trong những học viện khá phóng khoáng của Trung Quốc, xảy ra khi Bộ giáo dục cho biết họ đã phê duyệt thay đổi của ba trường đại học.
Chỉ trong vòng vài giờ, những điều lệ sửa đổi của Đại học Phục Đán lập tức trở thành đề tài “xu hướng” trên mạng xã hội Weibo với một hashtag được xem tới hơn một triệu lần.
“Tôi dám hỏi những người khởi xướng sửa đổi điều lệ của Đại học Phục Đán, các ông nghĩ thế hệ Phục Đán của chúng tôi sẽ phải đối diện với các thế hệ trước như thế nào đây?”, Reuters dẫn câu hỏi của một người dùng Weibo nói.
Bài viết này cùng nhiều bài đăng tương tự chất vấn về những thay đổi của trường, đặc biệt là việc xóa bỏ quyền “tự do tư tưởng”, đã bị xóa vào chiều 18/12 mặc dù chủ đề vẫn đang được thảo luận trong các nhóm WeChat kín.
Kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, Trung Quốc đã siết chặt kiểm soát internet và nhiều lĩnh vực khác của xã hội dân sự trong một chiến dịch gia tăng kiểm duyệt và thu hẹp không gian đối với biểu tình, kể cả trong khuôn viên các trường đại học.
Việc sửa đổi điều lệ trường đại học xảy ra giữa lúc Bắc Kinh đang chật vật đối phó với các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Hong Kong có liên quan đến nhiều sinh viên.
Một video trên Twitter vào chiều thứ Tư cho thấy một nhóm sinh viên Đại học Phục Đán đang hát bài hát truyền thống của họ, trong đó có cụm từ “Tự do tư tưởng” trong giờ nghỉ trưa.
Sinh viên của trường xác nhận với Reuters rằng sự việc này thực sự đã diễn ra.
Bộ Giáo dục Trung Quốc và Ban báo chí của Đại học Phục Đán không được trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Kể từ khi chiến dịch ủng hộ dân chủ do sinh viên lãnh đạo tại Quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh bị trấn áp vào năm 1989, rất hiếm khi xảy ra biểu tình của sinh viên Trung Quốc.
Một số nhà bình luận trên trang Weibo nói rằng việc sửa đổi cho thấy sự mở rộng kiểm soát của Đảng Cộng sản, khi điều lệ sửa đổi nói rằng “đảng ủy trường Phục Đán là cốt lõi của trường”, có trách nhiệm định hướng và đưa ra những quyết định lớn.
Điều lệ mới nói rằng trường đại học sẽ “trang bị cho tâm trí của giáo viên và sinh viên bằng cách sử dụng hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa của Tập Cận Bình với đặc trưng Trung Quốc trong kỷ nguyên mới”.
Đại học Phúc Đán được xếp hạng 109 trên toàn cầu trong Bảng xếp hạng Đại học Thế giới năm 2020.
Hai trường đại học khác cũng thay đổi điều lệ là Đại học Sư phạm Thiểm Tây và Đại học Nam Kinh, theo tài liệu được công bố bởi Bộ Giáo dục Trung Quốc cho thấy những thay đổi đã được phê duyệt vào ngày 2/12.
Tương tự, các điều lệ sửa đổi trên cũng có nội dung hướng tới việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản tại các trường đại học.
https://www.voatiengviet.com/a/%C4%91%E1%BA%A1i-h%E1%BB%8Dc-trung-qu%E1%BB%91c-g%C3%A2y-tranh-c%C3%A3i-khi-b%E1%BB%8F-%C4%91i%E1%BB%81u-l%E1%BB%87-t%E1%BB%B1-do-t%C6%B0-t%C6%B0%E1%BB%9Fng-/5211110.html

Trung Quốc: Sinh viên Phục Đán chống

đưa ”tư tưởng Tập Cận Bình” vào Đại học

Trọng Thành
Nhiều trường đại học nổi tiếng tại Trung Quốc buộc phải xem xét lại điều lệ của nhà trường, và buộc phải tuyên bố trung thành với đảng Cộng Sản và tư tưởng Tập Cận Bình. Nhiều sinh viên Đại học Phục Đán (Fudan) biểu tình phản đối hành động xâm phạm đến ”độc tập đại học và quyền tự do tư tưởng”.
Một sinh viên của trường Phục Đán cho AFP biết cuộc phản kháng diễn ra trong bữa ăn trưa hôm qua 18/12/2019. Một đoạn video được tung lên mạng cho thấy 20 sinh viên Phục Đán tập hợp trong một căng-tin hát vang một bài ca của trường. Phục Đán ”rạng rỡ như ánh mặt trời” là một lời hát trong bài trường ca. Với lời hát này, các sinh viên muốn thể hiện thái độ phản kháng với quyết định áp đặt của chính quyền.
Phục Đán là một trường Đại học nổi tiếng, thường được xếp hạng thứ ba trong số các đại học danh tiếng tại Trung Quốc.
Theo hãng tin Bloomberg, việc ban lãnh đạo nhà trường xóa bỏ cụm từ ”tự do tư tưởng” trong điều lệ của nhà trường có thể dẫn đến các cuộc nổi dậy trong giới sinh viên.
Cuộc phản kháng của sinh viên được sự ủng hộ của nhiều giảng viên Hoa lục. Trong một nhận định được đưa lên trang blog Sina, của giáo sư khoa ngoại ngữ, Đại học Phục Đán, ông Qu Weiguo cho biết cảm thấy ”rất bị sốc” với những thay đổi bất ngờ này. Một lãnh đạo trường Đại học Nam Kinh, nơi điều lệ cũng vừa bị thay đổi, nhấn mạnh, nếu không lên tiếng phản đối ngay lập tức, thì trong tương lai sẽ không còn có cơ hội sửa sai.
Cụm từ ‘’Thay đổi trong điều lệ của Đại học Phục Đán” được tổng cộng hơn 1,7 triệu người coi trên mạng Weibo, trước khi bị kiểm duyệt xóa bỏ.
Báo Hồng Kông South China Morning Post nhấn mạnh là các thay đổi trong điều lệ nhiều trường đại học tại Trung Quốc hôm 17/12 khẳng định các trường học phải thực thi các chính sách của đảng Cộng Sản Trung Quốc.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20191219-trung-qu%E1%BB%91c-sinh-vi%C3%AAn-ph%E1%BB%A5c-%C4%91%C3%A1n-ch%E1%BB%91ng-t%C6%B0-t%C6%B0%E1%BB%9Fng-t%E1%BA%ADp-c%E1%BA%ADn-b%C3%ACnh

Trung Quốc : « Giảm nhẹ trừng phạt Bắc Triều Tiên

là giải pháp tốt nhất ! »

Minh Anh
Bắc Kinh ngày 19/12/2019 cho rằng đề nghị giảm nhẹ trừng phạt Bắc Triều Tiên của Trung Quốc và Nga là giải pháp tốt nhất để giải nhiệt căng thẳng, đồng thời kêu gọi một sự đồng thuận để giải tỏa bế tắc giữa Bình Nhưỡng và Washington do các vụ thử tên lửa gần đây nhất của Bắc Triều Tiên.
Trước giới báo chí, thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, La Triệu Huy (Luo Zhaohui) phát biểu : « Đây là bản kế hoạch tốt nhất cho tình hình hiện nay để thoát ra khỏi bế tắc trong hồ sơ phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên cũng như cho nền hòa bình và ổn định của nước này ». Thứ trưởng ngoại giao Trung
Quốc khẳng định vẫn có thể tìm được một giải pháp chính trị cho hồ sơ này bất chấp những căng thẳng gần đây.
Phát biểu này của thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc đưa ra trong bối cảnh đặc sứ Mỹ phụ trách Bắc Triều Tiên, ông Stephen Biegun, hôm nay đến Bắc Kinh để thảo luận về tình hình bán đảo Triều Tiên.
Hãng tin Anh Reuters nhắc lại, ngày 16/12/2019, Trung Quốc và Nga tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã đưa ra văn kiện mới đề xuất « điều chỉnh trừng phạt Bắc Triều Tiên » tùy theo các giai đoạn thực hiện phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên hôm 16/12/2019.
Còn theo hãng tin Pháp AFP, ngoài vấn đề tự do mậu dịch, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sẽ là chủ đề thảo luận cho cuộc họp ba bên Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc diễn ra tại Bắc Kinh ngày 23/12/2019.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20191219-trung-qu%E1%BB%91c-gi%E1%BA%A3m-nh%E1%BA%B9-tr%E1%BB%ABng-ph%E1%BA%A1t-b%E1%BA%AFc-tri%E1%BB%81u-ti%C3%AAn-l%C3%A0-gi%E1%BA%A3i-ph%C3%A1p-t%E1%BB%91t-nh%E1%BA%A5t

Bắc Kinh dùng du lịch

giúp Bình Nhưỡng lách cấm vận quốc tế

Mai Vân
Trong thời gian qua, báo chí chính thức của Bắc Triều Tiên liên tiếp đưa tin về những nỗ lực của Bình Nhưỡng trong lãnh vực du lịch, nào là lãnh đạo Bắc Triều Tiên đến khánh thành một khu nghỉ dưỡng suối nước nóng mới xây dựng (KCNA 09/12/2019), nào là quyết định thành lập một công ty chuyên trách du lịch y tế (Rodong Sinmun 06/12/2019)… Các thông tin trên cho thấy là Bình Nhưỡng đang thúc đẩy du lịch để khắc phục tác hại đến từ cấm vận quốc tế.Trong một bài phân tích được tạp chí Pháp Courrier International ngày 12/12 trích dịch, tuần báo Hàn Quốc Sisa In đã nêu bật là trong lãnh vực này, Bắc Kinh đã có một cách giúp đỡ đàn em một cách đắc lực: Khuyến khích người Trung Quốc du lịch Bắc Triều Tiên.
Phải nói là cho đến gần đây, Bình Nhưỡng không mấy quan tâm đến lãnh vực du lịch, mà đặt hy vọng vào khả năng cải thiện quan hệ với Washington, sẽ cho phép họ thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, thất bại của hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim tại Hà Nội cuối tháng Hai 2019 đã khiến chế độ suy nghĩ lại, và du lịch đã được coi là giải pháp duy nhất có thể giúp đất nước vượt khó khăn.
Và đến ngày 12/04, trong bài phát biểu trước Quốc Hội Bắc Triều Tiên, ông Kim Jong Un khẳng định không còn quan tâm đến các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, tức là không đặt nặng việc cải thiện quan hệ với Mỹ. Hệ quả logic của sự chuyển hướng đó là việc tăng cường trở lại quan hệ với Nga và nhất là với Trung Quốc.
Với Nga, đó chủ yếu việc hợp tác quân sự nhằm hiện đại hóa các lực lượng võ trang quy ước để dự phòng cho khả năng phi hạt nhân hóa có thể xảy ra. Còn với Trung Quốc, chế độ Bắc Triều Tiên chủ yếu tìm kiếm một giải pháp cho các vấn đề kinh tế của mình.
Tập Cận Bình ra lệnh đưa du khách Trung Quốc qua Bắc Triều Tiên
Chuyến thăm Bắc Triều Tiên của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 20/06 mang một ý nghĩa quyết định đối với hướng ưu tiên cho phát triển du lịch của Bình Nhưỡng.
Là thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc không thể chính thức giúp đỡ Bình Nhưỡng, vì vậy hai nhà lãnh đạo đã nhất trí trên phương án phát triển du lịch để cải thiện nền kinh tế Bắc Triều Tiên.
Đây là một giải pháp rất khả thi vì du lịch là ngành đứng ngoài phạm vi đối tượng các lệnh trừng phạt mà Liên Hiệp Quốc áp đặt lên Bắc Triều Tiên, vốn cấm nước này thu ngoại tệ từ các hoạt động xuất khẩu than đá, quặng sắt, hải sản và dệt may.
Theo báo Nhật Bản Asahi Shimbun, ngay khi trở về Bắc Kinh, Tập Cận Bình đã ra lệnh gửi 5 triệu khách du lịch Trung Quốc tới Bắc Triều Tiên – 10 triệu theo một chuyên gia Hàn Quốc nghiên cứu kinh tế miền bắc. Còn theo chính quyền Bắc Kinh, thì riêng năm ngoái 2018, đã có 1,2 triệu người Trung Quốc đến thăm Bắc Triều Tiên.
Ông Tập Cận Bình được cho là đã đưa ra những chỉ dẫn khá cụ thể để thúc giục các quan chức, kể cả các giáo viên mẫu giáo, đi du lịch Bắc Triều Tiên ít nhất một lần.
Du khách Trung Quốc: Mối lợi lớn cho một nước cần ngoại tệ
Nguồn du khách Trung Quốc được cho là có khả năng mang lại cho chế độ Bình Nhưỡng một khoản thu nhập không nhỏ.
Nếu mỗi du khách chi ra 300 đô la, thì con số hơn một triệu du khách Trung Quốc vào Bắc Triều Tiên năm ngoái đã mang về cho Bình Nhưỡng khoảng 360 triệu đô la.
Phổ biến nhất đối với người Trung Quốc là một tour du lịch Bắc Triều Tiên trong 4 ngày, bao gồm chuyến thăm Bình Nhưỡng, Đài Tưởng Niệm tình hữu nghị Bắc Triều Tiên-Trung Quốc và vùng biên giới Liên Triều. Chi phí cho mỗi Tour khoảng 2.500 nhân dân tệ (hơn 350 đô la), nhưng cũng có những tuyến du lịch dài ngày hơn, sáu hoặc bảy ngày, bao gồm Bình Nhưỡng, Núi Chilbo ở miền đông bắc, Núi Kumgang, khu Kaesong, gần biên giới Liên Triều và Bàn Môn Điếm.
Cư dân Trung Quốc vùng giáp giới với Bắc Triều Tiên thường lựa chọn một chuyến du lịch ngắn, đôi khi chỉ một ngày. Ngày nào cũng có hàng đoàn xe ca du lịch băng qua cây cầu lớn bắc ngang sông Áp Lục nối liền thành phố Tập An, tỉnh Cát Lâm, bên Trung Quốc, với thành phố Manpho, bên Bắc Triều Tiên, cũng như qua cầu Đồ Môn, nối Namyang, Bắc Triều Tiên, với thành phố Đồ Môn (Tumen) ở Trung Quốc. Nửa ngày du lịch ở vùng bên kia biên giới tốn khoảng 500 nhân dân tệ (hơn 70 đô la).
Bắc Triều Tiên thiếu cơ sở hạ tầng du lịch
Đối với một đất nước vốn khép kín, làn sóng du khách Trung Quốc tràn vào đã lập tức gây nên nhiều vấn đề, nêu bật tình trạng thiếu vắng cơ sở hạ tầng du lịch của Bắc Triều Tiên.
Vào tháng 3 vừa qua, Bình Nhưỡng đã bị buộc phải hạn chế số lượng du khách nước ngoài hàng ngày do tình trạng khách đến từ Trung Quốc tăng mạnh (tăng từ 30% đến 50% so với các năm trước, hoặc 1.800-2.000 mỗi ngày ở Bình Nhưỡng). Sự tăng trưởng này có thể được giải thích bằng sự cải thiện trong quan hệ giữa hai nước, được cụ thể hóa vào năm ngoái bằng bốn cuộc họp ở cấp cao nhất.
Các khách sạn thường dành cho người nước ngoài không còn đủ và có các thông tin theo đó hình thức phòng trọ ở tư gia, thậm chí mô phỏng công thức Airbnb đã xuất hiện ở Bắc Triều Tiên.
Bắc Triều Tiên đang cố gắng tăng cường hệ thống cơ sở hạ tầng để có thể đáp ứng với tình trạng du lịch đại chúng. Họ sẽ xem xét việc tăng số lượng chuyến bay, vì tuyến hàng không Bình Nhưỡng-Bắc Kinh do hãng Air Koryo của Bắc Triều Tiên và Air China của Trung Quốc khai thác đã bão hòa.
Vấn đề bảo hiểm cũng được đặt ra kể từ khi xảy ra một tai nạn đường bộ khiến hàng chục người Trung Quốc thiệt mạng vào tháng 4 vừa qua.
Theo các thông tin báo chí, sau chuyến thăm Bắc Triều Tiên ngày 02/09 vừa qua, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị dường như đã đề nghị thành lập các chuyến tàu tốc hành giữa Đan Đông (Trung Quốc) và Bình Nhưỡng.
Về phần mình, lo ngại trước khả năng thủ đô Bình Nhưỡng bị tràn ngập, chính quyền Bắc Triều Tiên đang thúc đẩy các tỉnh làm du lịch. Vào tháng Tư vừa qua, chính quyền trung ương đã quyết định thẩm quyền các cấp địa phương trong lĩnh vực du lịch và các đơn vị này rất tích cực trong việc thu hút du khách Trung Quốc qua việc thành lập các công ty du lịch.
Không cần đến du khách miền Nam ?
Bài viết của tuần báo Hàn Quốc đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của lãnh đạo Bắc Triều Tiên trong việc thúc đẩy ngành du lịch phát triển.
Theo tác giả bài báo, qua những hành động cụ thể như đến thăm những khu nghỉ dưỡng ở núi Kumgang hay vùng suối nước nóng Yangdock, có lẽ ông Kim Jong Un đang cố tìm cách khai thác tài nguyên du lịch của đất nước ông để chào đón số lượng lớn du khách Trung Quốc.
Khu Sinuiju ở phía tây, ngay bên sông Áp Lục, đối diện với thành phố Trung Quốc Đan Đông, Wonsan, thị trấn ven biển phía đông, núi Chilbosan ở phía bắc và núi Kumgang có thể là những cực mới để thu hút du khách sau Bình Nhưỡng.
Trong bối cảnh đó, việc ông Kim Jong Un ra lệnh phá hủy tất cả các cơ sở hạ tầng do người Hàn Quốc thiết lập tại địa điểm du lịch Núi Kumgang, theo thông tin được công bố trên tờ báo đảng Rodong Sinmun ngày 23/10 vừa qua có vẻ khó hiểu vì đây từng là biểu tượng của hợp tác Liên Triều trong lãnh vực du lịch.
Theo tờ Sisa In, ngoài lý do gây căng thẳng để giành thế thượng phong trong đàm phán tương lai với Seoul và Washington, còn có một lý do rất thực tế: Khó có khả năng Hàn Quốc khỏi động lại các tuyến du lịch đến núi Kumgang, bị gián đoạn từ năm 2008 sau vụ một du khách Hàn Quốc bị một người lính Bắc Triều Tiên hạ sát.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20191219-b%C4%83%CC%81c-kinh-du%CC%80ng-du-li%CC%A3ch-giu%CC%81p-bi%CC%80nh-nh%C6%B0%C6%A1%CC%83ng-la%CC%81ch-c%C3%A2%CC%81m-v%C3%A2%CC%A3n-qu%C3%B4%CC%81c-t%C3%AA%CC%81


Sinh viên Ấn Độ

học tập chiến thuật biểu tình của Hong Kong

Tin New Delhi, Ấn Độ – Trong những ngày qua, nhiều cuộc biểu tình đã bùng phát trên khắp Ấn Độ, phản đối đạo luật quốc tịch dựa trên tôn giáo của chính phủ New Delhi. Nhằm duy trì phong trào, nhiều nhà hoạt động tại Ấn Độ cho biết họ đã quan sát và học hỏi kinh nghiệm từ cuộc biểu tình Hong Kong.
Tương tự như Hong Kong, các cuộc biểu tình tại Ấn Độ không được lãnh đạo bởi bất kỳ tổ chức chính trị hay cá nhân nào. Do đó, người biểu tình phải dựa trên những lời truyền miệng và mạng xã hội để truyền bá thông điệp của họ. Học theo Hong Kong, người biểu tình Ấn Độ đã tải chương trình Bridgefy, một chương trình điện thoại cho phép người sử dụng liên lạc với nhau không cần mạng Internet hay mạng viễn thông, mà chỉ dựa trên sự kết nối Bluetooth. Trên khắp Ấn Độ, hàng chục ngàn người, chủ yếu là sinh viên, đã tuần hành phản đối việc chính phủ New Delhi điều chỉnh luật quốc tịch, từ chối cấp quốc tịch cho những người tị nạn Hồi giáo đến từ các nước láng giềng Pakistan, Afghanistan, và Bangladesh. Tính đến thứ Tư, 18 tháng 12, phong trào biểu tình tại Ấn Độ đã kéo dài 7 ngày, và các vụ đụng độ đã khiến ít nhất 6 người chết và hàng chục người khác bị thương.
Phe phản đối nói rằng đạo luật mới đi ngược lại hiến pháp Ấn Độ, và là nỗ lực của chính phủ của người Hindu nhằm gạt bỏ 172 triệu người Hồi giáo ra bên lề xã hội. Người biểu tình Ấn Độ đã thề sẽ tiếp tục phong trào phản đối của họ, và đang nhận lời khuyên từ các phong trào chống chính phủ trên toàn thế giới, từ Hong Kong tới Chile.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/sinh-vien-an-do-hoc-tap-chien-thuat-bieu-tinh-cua-hong-kong/

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.