Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 16/12/2019

Monday, December 16, 2019 3:30:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 16/12/2019

Phản đối tại trạm BOT Ninh Xuân

ngay ngày đầu thu phí

Thông tin trên được truyền thông trong nước loan đi cùng ngày.
Theo báo Người Lao động, đến trưa 16/12 BOT Ninh Xuân vẫn không thể thu phí khi hàng chục xe tải chở hàng của người dân dừng xe, căng băng rôn và phát loa phản đối việc thu phí.
Các tài xế xe tải cho rằng trước đây xe đi vào thị xã này không tốn phí nhưng nay mỗi lần đi phải tốn 40 ngàn đồng. Hơn nữa, vị trí đặt trạm không hợp lý, bởi cách đó 10km cũng có trạm BOT Ninh Lộc trên quốc lộ 1A.
Ông Phan Xuân Hạnh, Trạm trưởng Trạm thu phí Ninh Xuân, cho rằng ông đã xin ý kiến các bộ, ngành giảm phí cho hơn 2.950 ô tô của 19 xã, phường tại xã Ninh Hòa nằm trong bán kính 10km từ trạm thu phí. Tuy nhiên, từ 0 giờ ngày 16-12 khi trạm bắt đầu thu phí thì người dân đã tập trung phản đối đến trưa cùng ngày, trạm đã xả nhưng nhiều xe vẫn không đi để phản đối.
BOT Ninh Xuân bắt đầu thu phí ngày 16/12 với giá vé từ 25.000 đến 120.000 đồng. Công ty CP Đầu tư & Xây dựng 501 thu phí 24 năm để hoàn vốn hơn 800 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp 48km quốc lộ 26.
Trước sự phản đối dữ dội từ phía người dân, chính quyền, công an đã đến hiện trường nhằm mục tiêu được nói là vận động, giải thích để người dân hiểu đồng thời chờ ý kiến xử lý từ UBND tỉnh Khánh Hòa.
Ngoài BOT Ninh Xuân, Khánh Hòa còn có BOT Ninh Lộc tại thị xã Ninh Hòa và BOT Cam Thịnh tại thành phố Cam Ranh. Trước đó, BOT Ninh Lộc cũng từng bị phản đối khi các tài xế cho rằng vị trí đặt trạm không hợp lý do các xe đi từ quốc lộ 26 ra quốc lộ 1 về phía Nam (Đak Lak –Nha Trang) chỉ sử dụng 6km dự án nhưng phải trả phí.
Cũng trong ngày, tờ Pháp Luật TPHCM cho hay trạm thu phí trên QL26 đặt tại xã Ea Đar, huyện Ea Kar (Dak Lak) cũng bị xả trạm do người dân tập trung phản đối.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/protest-at-bot-toll-fee-station-ninhxuan-in-first-dau-of-collection-12162019071308.html

Cựu chủ tịch Thành phố Phan Thiết bị khởi tố

Ông Đỗ Ngọc Điệp, chủ tịch Hội đồng Nhân dân (HĐND) thành phố Phan Thiết, nguyên phó bí thư, nguyên chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) thành phố Phan Thiết, vừa bị Công an tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định khởi tố về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai.
Truyền thông trong nước 16/12/2019 dẫn nguồn từ Cơ quan Cảnh sát điều tra cho biết cụ thể rằng ông Đỗ Ngọc Điệp, trong thời gian giữ chức phó bí thư, chủ tịch UBND TP Phan Thiết từ năm 2016-2018, đã ký phê duyệt quy hoạch sử dụng đất của các xã: Thiện Nghiệp, Phong Nẫm và Tiến Lợi không đúng với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.
Cụ thể, ông Điệp trực tiếp ký 32 quyết định và liên đới chịu trách nhiệm khi cấp phó ký 100 quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn không đúng quy định, vi phạm Luật Đất đai năm 2013.
Cũng trong ngày 6/12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã thi hành kỷ luật ông Điệp bằng hình thức cách chức tất cả chức vụ trong Đảng, HĐND thành phố Phan Thiết cũng làm các thủ tục để thông qua việc bãi nhiệm chức vụ chủ tịch HĐND thành [hố Phan Thiết của ông Điệp.
Ngoài ra, Cơ quan cảnh sát điều tra cũng áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, cho tại ngoại điều tra đối với ông Điệp.
Vào tháng 5-2019, UBND tỉnh Bình Thuận đã có kết luận thanh tra công tác quản lý nhà nước về đất đai, quy hoạch đô thị tại thành phố Phan Thiết giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 9/2018. Theo đó, UBND thành phố Phan Thiết có biểu hiện tùy tiện trong việc lập, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất hằng năm không đúng quy hoạch.
Ngoài ông Điệp, công an cũng khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Lê Hồ Khải, nhân viên hợp đồng Phòng Tài Nguyên & Môi trường thành phố Phan Thiết, về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai.
Công an cũng khởi tố bị can và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Nguyễn Trí, nguyên chuyên viên Phòng Tài Nguyên & Môi trường, vì đã thẩm định, tham mưu cho chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn trái quy định pháp luật tổng cộng 13 thửa với tổng diện tích hơn 1,8 ha.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/former-president-of-phan-thiet-city-prosecuted-12162019085546.html

Vụ MobiFone-AVG:Hai ông Nguyễn Bắc Son,

Trương Minh Tuấn hầu tòa

Sáng 16/12, hai cựu bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, cùng 12 đồng phạm trong vụ án MobiFone mua Công ty Cổ phần nghe nhìn toàn cầu (AVG) đã hầu toà trong ngày xét xử đầu tiên.
VN: Tham nhũng ‘tăng nhanh’ tính bằng triệu đô
Việt Nam: ‘Dấu hiệu suy thoái đã lên ở tầm cao’
Các bị cáo chính trong vụ án là cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son (66 tuổi), cựu bộ trưởng Trương Minh Tuấn (59 tuổi), cựu tổng giám đốc MobiFone Cao Duy Hải (58 tuổi), cựu chủ tịch HĐTV MobiFone Lê Nam Trà (58 tuổi).
Hội đồng xét xử gồm năm người, Thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu là Chủ tọa phiên tòa.
Ba Kiểm sát viên cao cấp đại diện cho Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội tham gia giữ quyền công tố tại phiên tòa gồm ông Đặng Như Vĩnh, bà Trần Thị Thanh Huyền và ông Phan Hải Đăng.
Bị cáo Phạm Nhật Vũ thì được dìu vào phòng xét xử.
Sau phần thủ tục, Luật sư của cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đề nghị triệu tập đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cho giải mật một số tài liệu hoặc xét xử kín ở giai đoạn nào đó khi liên quan tới các tài liệu này.
Tuy nhiên, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa lại cho rằng đây là phiên xử dài ngày, khi cần thiết tòa có thể triệu tập cá nhân, đơn vị liên quan để làm rõ các tình tiết của vụ án.
Chủ toạ phiên toà đồng tình với quan điểm của viện kiếm sát, bác bỏ kiến nghị xử kín một phần vụ án này, khẳng định đây là vụ án đã được quyết định đưa ra xét xử công khai.
Về vấn đề giải mật tài liệu, toà đã gửi yêu cầu tới các cơ quan giải mật nhưng chưa có hồi âm. Toà sẽ tiếp tục yêu cầu giải mật trong quá trình diễn ra phiên xét xử. Tuy nhiên, nội dung các văn bản mật, tối mật đã có trong kết luận thanh tra, kết luận điều tra.
Các bị cáo bị truy tố tội gì?
Bản cáo trạng gần 60 trang công bố tại phiên toà truy tố các bị cáo về tội “vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và “nhận hối lộ.”
Có 13 bị cáo bị truy tố tội “Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng.” Trong đó, có Nguyễn Bắc Son (sinh năm 1953, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông), Trương Minh Tuấn (sinh năm 1960, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông), Lê Nam Trà (sinh năm 1961, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone), Cao Duy Hải (sinh năm 1961, nguyên Tổng Giám đốc MobiFone)…
Bị cáo Phạm Nhật Vũ (SN 1973, cựu Chủ tịch HĐQT AVG) bị truy tố về tội “Đưa hối lộ”.
Bốn bị cáo: Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Cao Duy Hải, Lê Nam Trà còn bị truy tố thêm tội “Nhận hối lộ.”
Có 41 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo tại phiên tòa.
Mobifone-AVG: Hai cựu bộ trưởng nhận hơn 3 triệu đôla hối lộ
MobiFone huỷ hợp đồng với AVG trong vụ “nhạy cảm”
Theo cáo trạng, năm 2015, MobiFone thực hiện Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình theo hình thức đầu tư vốn nhà nước mua 95% cổ phần của AVG với số tiền 8.900 tỉ đồng, thuộc dự án nhóm A – thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.
Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại MobiFone.
Báo cáo đánh giá tình hình tài chính hợp nhất AVG của VCBS tại thời điểm 31/3/2015, giá trị tài sản là 3.103 tỉ đồng (trong đó mảng truyền hình là 629,7 tỉ đồng, đầu tư ngoài ngành là 2.473,2 tỉ đồng), tổng nợ phải trả là 1.133 tỉ đồng, giá trị tài sản ròng là 1.970 tỉ đồng.
Nhưng Tổ giúp việc và Ban giám đốc đã sử dụng kết quả thẩm định giá của AMAX xác định giá trị AVG là 16.565 tỉ đồng làm căn cứ để đàm phán, thỏa thuận giá mua.
Kết qủa, 95% cổ phần của AVG đã được bán cho MobiFone với giá 8.900 tỉ đồng.
Việc này gây thiệt hại gần 6.590 tỉ đồng cho nhà nước,theo cáo trạng.
Vụ Mobifone/AVG: ‘Dựa vào đâu để nói khai báo thành khẩn?’
Theo báo Dân trí, trong quá trình điều tra, ông Nguyễn Bắc Son khai nhận rằng, động cơ mục đích chỉ đạo quyết liệt MobiFone triển khai thực hiện nhanh dự án mua cổ phần AVG chỉ vì muốn dự án được thực hiện trước khi mình nghỉ hưu, để tạo dấu ấn trong nhiệm kỳ công tác và mong muốn Mobifone và AVG “nhớ đến Nguyễn Bắc Son.”
Nhưng tài liệu điều tra cũng xác định, trong quá trình xúc tiến thương vụ, Phạm Nhật Vũ đã đưa tiền cho Nguyễn Bắc Son 3 triệu đô la, Trương Minh Tuấn: 200 ngàn đô la, Lê Nam Trà: 2,5 triệu đô la, Cao Duy Hải: 500 ngàn đô la…
Đến nay, số tiền 3 triệu USD mà ông Nguyễn Bắc Son khai nhận từ ông Phạm Nhật Vũ vẫn chưa thu hồi được.
Ông Son khai đưa số tiền này cho con gái là bà N. T. T. H. làm nhiều lần nhưng bà H. đã phủ nhận việc này. Bà H. cũng xin vắng mặt tại phiên tòa hôm nay.
Theo dự kiến, phiên xử diễn ra từ sáng 16/12 cho đến ngày 31/12, làm việc cả cuối tuần.
Khung hình phạt cao nhất đối với người phạm tội Nhận hối lộ, quy định tại khoản 4 Điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015, là tử hình.
Còn tội đưa hối lộ đối mặt hình phạt 12-20 năm tù.
Vụ AVG: Bị can Phạm Nhật Vũ đã thực hiện “thỏa thuận nhận tội”?
Vụ Mobifone-AVG: Bộ Công an ‘tiếp nhận hồ sơ’
VN: Thế lưỡng nan trong chống tham nhũng của ĐCS
Phạm Nhật Vũ ‘cần được giảm nhẹ hình phạt’
Vụ Mobiphone/AVG lập kỷ lục về đại án với mức độ phạm tội ở cấp cán bộ trung ương, giữ trọng trách rất cao, bị bắt khi đang tại vị.
Vụ án xảy ra trong không khí Đảng Cộng sản Việt Nam liên tiếp đề cao chiến dịch chống tham nhũng, chống sai phạm, “không có vùng cấm”, kể cả với các quan chức cao cấp.
Luật sư Trần Quốc Thuận, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội của Việt Nam, trong một cuộc bàn tròn của BBC nói rằng, qua vụ này cho thấy “dấu hiệu suy thoái lên ở tầm cao, là một dấu hiệu báo động rất lớn, và người ta đang nghĩ tới cần những biện pháp gì mạnh mẽ hơn nữa, kiểm soát hơn nữa.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50804855

Đề nghị khởi tố

người hành hung cháu bé 12 tuổi ở Hà Nội

Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam vừa ra văn bản đề nghị khởi tố ông Trần Đức Hà, người bị tố hành hung cháu bé 12 tuổi tại khu đô thị Ciputra (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Lý do đề nghị khởi tố ông Hà được nêu ra là ông này có hành vi ‘cố ý gây thương tích với người dưới 16 tuổi’, gây hậu quả nghiêm trọng tới thể chất và tinh thần cháu bé.
Truyền thông trong nước loan tin hôm 16/12 trích văn bản của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết cơ quan này nhận được thông tin phản ảnh từ các cơ quan báo chí về vụ việc cháu N.A. (sinh năm 2007) trong lúc đang chơi thể thao cùng con của ông Hà vào chiều ngày 6/11 tại chung cư Ciputra, thì bị ông này hành hung dẫn đến thương tích nặng.
Trước đó, theo đơn phản ảnh của bà Trịnh Thị Hải Yến, mẹ cháu bé bị hành hung, thì ông Hà nghi ngờ cháu N.A. lấy vợt cầu lông của con mình nên đã ‘túm cổ cháu bé, đấm vào thái dương, ngực và đá vào chân cháu.’
Ông Hà còn bị cáo buộc đã thóa mạ cháu bé, ép cháu cầm vợt cầu lông để quay video và đe dọa nếu không làm theo sẽ ‘đánh chết’ và sẽ tung video lên mạng để ‘bỏ tù’ khi cháu bé 18 tuổi.
Mẹ của cháu N.A. cho biết có bằng chứng là hình ảnh từ camera chung cư, cũng như nhân chứng là người bảo vệ.
Các kết quả xét nghiệm của bệnh viện Hồng Ngọc (Hà Nội) cho thấy cháu N.A. bị chấn thương sọ não, chấn thương ngực, chấn động não và chấn thương phần mềm vùng ngực.
Văn bản đề nghị khởi tố ông Trần Đức Hà của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam khẳng định hành vi của ông Hà có tính chất côn đồ, thể hiện ông Hà không biết hành vi của mình là sai, sẵn sàng dùng vũ lực và lời đe dọa để giải quyết sự việc, coi thường pháp luật.
Báo trong nước cho biết ông Trần Đức Hà sinh năm 1970 tại huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ông này từng là giáo viên tiểu học tại xã Quảng Cư, phường Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa.
Sau khi nghỉ dạy và ra Hà Nội sống, ông này bị nói đã lập công ty riêng và từng bị tố tội lừa đảo, giả mạo giấy tờ, con dấu để chiêu sinh hệ cao đẳng, trung cấp.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/proposal-to-prosecute-the-person-who-savagely-beaten-a-12-year-old-child-12162019074546.html

Hàng quán Sài Gòn quay cuồng vì thịt heo

Tin Saigon.- Báo Lao động ngày 16 tháng 12 năm 2019 loan tin, nhiều quán ăn tại Sài Gòn đang gặp phải rắc rối trong kinh doanh vì giá thịt heo tăng chưa từng có trong lịch sử.
Theo đó, sau khi dịch heo châu Phi bùng phát tại Việt Nam, khoảng vài tháng trở lại đây, giá thịt heo đã tăng rất nhanh. Cụ thể, giá thịt heo đang được bán với giá từ 147,900 đồng một kg đến 280,000 đồng một kg, giá trên tuỳ vào từng loại.
Ông Nguyễn Văn Nam, chủ một quán cơm ở quận 3 cho biết, giá thịt heo ông mua giá gốc của mối quen đã tăng gấp đôi lên 140,000 đồng một kg. Nếu ông giảm lượng thịt trong một xuất ăn thì khách của ông sẽ phàn nàn, còn nếu tăng giá thì ông không muốn vì giá đã được gia đình ông niêm yết bán từ rất lâu.
Bà Nguyễn Thị Hồng, chủ một quán ăn cũng ở quận 3 cho biết, mỗi ngày bà bán mỗi giá vì heo tăng giá, khiến khách hàng của bà phàn nàn. Nghề của bà là kinh doanh quán ăn, giờ chuyển nghề thì cũng không được, nhưng nếu bà không tăng giá thì sẽ thua lỗ. Bà Hồng cho biết thêm, trước đây một hộp cơm tấm bà bán giá 25,000 đồng, còn bây giờ lên 30,000 đồng, nhưng lượng thịt heo cũng không được như trước đây, và khách ăn cơm thịt heo cũng đã ít hơn trước.
Chị Nguyễn Thị Hoa, sống ở quận 1 cho biết, từ ngày giá thịt heo tăng cao khiến bữa ăn trong gia đình chị có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, thịt heo là món dễ ăn, và lâu ngán nhất nên gia đình chị vẫn không thể thiếu được món ăn này.
Trước tình trạng trên, đại diện bộ Công thương Cộng sản Việt Nam cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán, Việt Nam thiếu khoảng 200,000 tấn thịt heo. Để bù vào nguồn thiếu hụt này, bộ sẽ cho phép các công ty nhập cảng thịt heo.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/hang-quan-sai-gon-quay-cuong-vi-thit-heo/

Bốn tỉnh miền Trung xin gia hạn

xây dựng hệ thống cảnh báo môi trường biển

Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế xin gia hạn thời gian xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường biển tại 4 địa phương này đến năm 2021. Lý do được nêu ra là vì thiếu kinh phí.
Nhà máy thép Formosa xả chất thải chứa độc tố ra biển khiến cá chết hàng loạt và môi trường biển bốn tỉnh trên bị ô nhiễm nặng nề từ tháng 4 năm 2016. Tháng 9 năm 2017, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường biển 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế với tổng mức đầu tư dự kiến là 320 tỷ đồng.
Mục tiêu đầu tư dự án nhằm xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát và cảnh báo ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh nói trên đảm bảo hiện đại, đồng bộ nhằm cung cấp thông tin, số liệu, tư liệu về hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường biển miền Trung. Từ đó cảnh báo kịp thời khi chất lượng môi trường biển miền Trung có dấu hiệu bị ô nhiễm.
Theo truyền thông trong nước, dự án được Bộ Tài nguyên – Môi trường phê duyệt thực hiện vào tháng 10 năm 2017, thời gian thực hiện dự án từ năm 2017 – 2019. Nhưng đến nay là gần cuối năm 2019, cả 4 tỉnh miền Trung này đều không thể xây dựng, lắp đặt hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường biển với lý do được nêu là do các bộ, ngành bố trí vốn thực hiện dự án quá chậm. Cụ thể, đến cuối tháng 8 năm 2019 các bộ Kế hoạch – Đầu tư, Tài chính mới phân bổ vốn để thực hiện dự án.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/four-central-provinces-request-for-extension-in-building-sea-environmental-warning-system-12162019073845.html

Trưởng ban Tiếp công dân

gặp 70 người dân Vườn rau Lộc Hưng

Sáng ngày 16 tháng 12 năm 2019, Trưởng Ban Tiếp công dân của Thanh tra Chính phủ Nguyễn Hồng Điệp có buổi gặp gỡ với khoảng 70 người dân Vườn rau Lộc Hưng, phường 6, quận Tân Bình – Thành phố Hồ Chí Minh sau vụ việc mới nhất là hang đá mừng Giáng sinh do người dân dựng nên tại đây 2 lần bị chính quyền phá bỏ.
Ông Nguyễn Hồng Minh, một người thuộc ban đại diện người dân khu vực này, cho Đài Á Châu Tự Do biết về cuộc họp như sau:
 Người dân thì trình bày hết những tâm tư nguyện vọng cho ông Điệp. Thực tế thì khi cho vào trong phòng họp riêng chỉ khoảng 13 người, khi khi trình bày ý kiến thì chỉ có 5 người nêu ý kiến được thôi bởi vì khoảng thời gian không cho phép.”
Cũng trong sáng nay, trên 100 người dân ký vào đơn kêu cứu và kiến nghị gửi Ban tiếp công dân Thanh tra Chính phủ qua đó kiến nghị cơ quan này thành lập Đoàn thanh tra để tiến hành thanh tra quá trình quản lý và sử dụng đất tại khu đất Vườn rau Lộc Hưng – Phường 6, Quận Tân Bình.
Đồng thời người dân tiếp tục yêu cầu lãnh đạo UBND TPHCM sớm tiếp xúc, đối thoại và giải quyết những nội dung tố cáo, khiếu nại và kiến nghị của người dân.
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Hồng Minh, Trưởng ban tiếp công dân Nguyễn Hồng Điệp không hứa hẹn gì với người dân  mà chỉ cho biết sẽ tiếp tục làm việc với chính quyền thành phố Hồ Chí Minh để tiếp xúc giải quyết vụ việc với người dân.
Như chúng tôi đã thông tin, hôm 8 tháng 12 năm 2019, chính quyền Phường 6 quận Tân Bình đem lực lượng gồm hơn 100 người đến phá dỡ hang đá Giáng sinh mà người dân Vườn rau Lộc Hưng dựng lên ngay khu đất mà người dân năm nào cũng giăng đèn, kết hoa mừng lễ Noel.
Chính quyền Phường 6 sau đó quy kết cho rằng, người dân lợi dụng việc dựng hang đá thể hiện lòng kính Chúa nhân dịp Giáng sinh để với “âm mưu là để tái chiếm dụng đất trái pháp luật”.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/loc-hung-diep-12162019074517.html

Hơn 35.000 người Hà Tĩnh lao động chui ở nước ngoài

Toàn tỉnh Hà Tĩnh có gần 68.000 người làm việc tại nước ngoài, trong đó hơn 35.000 người lao động chui.
Báo Infonet loan tin ngày 15/12, trích lời ông Nguyễn Trí Lạc – Giám đốc sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh phát biểu trong phiên chất vấn kỳ họp thứ 12 của Hội đồng Nhân dân tỉnh này diễn ra cùng ngày.
Theo đó, gần 68.000 người lao động Hà Tĩnh đang làm việc tại hơn 60 nước và vùng lãnh thổ thế giới với số ngoại tệ gửi về nước trên 4.500 tỉ đồng/năm.
Tuy nhiên tình trạng người lao động bỏ trốn, vi phạm hợp đồng, và hết hạn hợp đồng không về nước đang ở mức đáng lo ngại. Cụ thể, trong số 35.000 lao động chui chỉ có khoảng 5.000 người lao động vi phạm hợp đồng và cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài, còn lại là những người di cư tự do và không có giấy phép lao động.
Giám đốc sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh cho biết riêng tại Hàn Quốc, người lao động vi phạm pháp luật, bỏ trốn khỏi nơi làm việc và lao động hết hạn hợp đồng không về luôn đứng đầu cả nước.
Nhiều đại biểu đưa ra câu hỏi vậy liệu Sở đã xử phạt được bao nhiêu trường hợp bỏ trốn và có hay không các đường dây đưa người đi lao động chui?
Ông Nguyễn Trí Lạc cho rằng người lao động bỏ ra ngoài làm việc do thu nhập cao, trung bình 70-80 triệu mỗi tháng. Bên cạnh đó, còn do các nước sở tại có lao động bỏ ra ngoài cũng không kiểm soát.
Điển hình như những chương trình đưa lao động sang Hàn Quốc, người dân phải đóng 100 triệu tiền cọc nhưng lương mỗi tháng lại quá cao nên không đủ để buộc lao động về nước.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/ha-tinh-more-than-35k-ppl-work-abroad-12162019070042.html

Một công viên ở Nhật

cấm người có quốc tịch Việt Nam vào

Tin Vietnam.- Báo Thanh niên ngày 16 tháng 12 năm 2019 loan tin, công viên Thể thao Iwase, thuộc thành phố Toyama, tỉnh Toyama, Nhật Bản đã ban hành một lệnh cấm tạm thời đối với những người có quốc tịch Việt Nam vào trong công viên này.
Nguyên nhân được cho là vào tháng 8 vừa qua, có 300 người Việt Nam đã thuê sân bóng trong công viên Iwase để tổ chức đá bóng. Và sau đó những người này đã bỏ lại những đồ ăn thừa, cùng chai nhựa trong công viên, bất chấp phía công viên đã có biển cấm bỏ rác, và khuyến cáo mọi người nên mang rác về nhà.
Hành động này của nhóm người Việt đã xuất hiện trong một bản tin truyền hình Nhật Bản. Nội dung bản tin cho hay, có một số người dân đã phàn nàn về mui hôi, và rác bay khắp nơi, nên một số nhân viên đã được công viên điều động đến dọn rác. Những nhân viên này phải dùng đến hai chiếc xe tải nhẹ mới chở hết rác. Sau sự kiện này, phía công viên đã treo một tấm biển bằng tiếng Việt cấm người Việt vào trong công viên.
Lệnh cấm này có thời hạn từ tháng 8 đến tháng 11. Tuy nhiên, văn phòng cai quản công viên sẽ không cho người có quốc tịch Việt Nam thuê sân bóng nữa.
Liên quan đến sự kiện này, tờ báo Webun cho biết, văn phòng quận nơi sở hữu công viên Iwase nói rằng, quyết định cấm trên có thể sẽ bị nhiều người phản đối, cho là phân biệt đối xử nhưng họ buộc phải làm mạnh để cải thiện tình trạng xả rác tại công viên.
Một cụ ông người Nhật 80 tuổi bày tỏ, việc xả rác bừa bãi trên là hành động không biết cư xử đúng phép tắc của người ngoại quốc.
Trong một diễn biến khác, vào năm 2018, một nam thực tập sinh người Việt cũng đã gây chú ý khi bắt, giết 2 con vịt trời tại một công viên ở Tokyo. Thanh niên này sau đó bị bắt, và khai rằng, anh ta bắt vịt về nấu cháo ăn, do anh không biết việc bắt vịt trời là vi phạm luật ở Nhật.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/mot-cong-vien-o-nhat-cam-nguoi-co-quoc-tich-viet-nam-vao/

Việt Nam gia hạn miễn thị thực

cho công dân 8 quốc gia đến hết năm 2020

Việt Nam vừa ra quyết định gia hạn miễn thị thực cho công dân của 8 quốc gia khi nhập cảnh vào nước này đến hết ngày 31/12/2022.
Tin cho biết công dân của 8 nước được gia hạn miễn thị thực đến hết năm 2022 bao gồm Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, và Cộng hòa Belarus. Công dân của 8 nước này được gia hạn miễn thị thực khi nhập cảnh vào Việt Nam không quá 15 ngày, không phân biệt loại hộ chiếu hay mục đích nhập cảnh vào Việt Nam.
Quyết định gia hạn miễn thị thực vừa ban hành của Chính phủ Việt Nam được nói là nhằm đáp ứng tạo điều kiện thông thoáng hơn cho công dân của 8 quốc gia mà có số lượng du khách vào Việt Nam trong năm 2018 đông nhất, lưu trú dài nhiều ngày, tăng trưởng ổn định và chi tiêu cao.
Quyết định này của Chính phủ Việt Nam cũng nhằm mục đích giữ vững tốc độ tăng trưởng và mục tiêu hàng năm của ngành du lịch Việt Nam.
Bên cạnh đó, Quốc hội Việt Nam trong tháng 11 cũng vừa thông qua việc miễn thị thực thời hạn tạm trú 30 ngày cho người nước ngoài khi vào khu linh tế ven biển của Việt Nam trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020.
Trong thời gian góp ý cho dự thảo luật vừa nêu, một số đại biểu quốc hội đề nghị không miễn thị thực cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển vì quan ngại sẽ có thể ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng của Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-extends-visa-exemption-for-citizens-of-8-countries-to-the-end2020-12162019070928.html

Việt Nam mời chuyên gia nước ngoài

giúp bảo tồn di sản kiến trúc

Thanh Phương
Một trong những công trình kiến trúc từ thời Pháp ở Sài Gòn suýt nữa đã bị khai tử là Dinh Thượng Thơ, hiện là trụ sở của Sở Thông tin – Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh. Thay vì phá bỏ tòa nhà này, chính quyền thành phố Sài Gòn cuối cùng đã quyết định bảo tồn và đang kêu gọi sự đóng góp của các chuyên gia nước ngoài.
Dinh Thượng Thơ, nằm tại số 59-61 đường Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1, là công trình có lịch sử lâu đời của Sài Gòn, nhưng tòa nhà này lại chưa được đưa vào danh mục kiểm kê di tích lịch sử văn hóa.
Công trình do người Pháp xây dựng từ những năm đầu của thời kỳ thuộc địa, hoàn thành vào năm 1864, với chức năng là Nha Giám đốc Nội vụ để điều hành trực tiếp toàn bộ các vấn đề dân sự, tư pháp và tài chính của thuộc địa. Người dân thời đó gọi tòa nhà này là Dinh Thượng Thơ.
Năm ngoái, hàng ngàn người đã ký tên vào kiến nghị yêu cầu chính quyền thành phố không phá bỏ tòa nhà Dinh Thượng Thơ khi nâng cấp trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành Phố Hồ Chí Minh. Cuối cùng, chính quyền thành phố đã quyết định không phá bỏ Dinh Thượng Thơ và vào tháng 9/2019, Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã đề nghị mời chuyên gia nước ngoài hỗ trợ giải pháp kỹ thuật trong việc bảo tồn công trình kiến trúc này.
Theo báo chí trong nước ngày 11/12/2019, chính quyền địa phương vừa quyết định tòa nhà Dinh Thượng Thơ sẽ được tu sửa thành nhà truyền thống Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh.
Trả lời RFI Việt ngữ tại Thư viện Francois Mitterand, Paris, nhân dịp ghé qua Pháp giữa tháng 9 vừa qua, ông Phúc Tiến, nhà nghiên cứu về lịch sử Sài Gòn, tác giả hai cuốn sách “Saigon – Hai đầu thế
kỷ” (xuất bản năm 2017) và “Sài Gòn không phải ngày hôm qua” (xuất bản năm 2016), nêu suy nghĩ của ông về đề xuất nói trên của Sở Quy hoạch – kiến trúc :
“ Đây là một đề xuất rất tốt. Cho đến nay, việc trùng tu di sản, các đền chùa, các công trình theo kiến trúc cổ truyền của Việt Nam thông thường là do các chuyên gia Việt Nam làm. Còn các công trình mang dấu ấn của phương Tây, đặc biệt là của Pháp, thì chúng ta phải có sự trợ giúp của các chuyên gia nước ngoài.
Nếu tôi nhớ không lầm thì cách đây 20 năm, khi diễn ra thượng đỉnh khối Pháp ngữ ở Hà Nội, nước Pháp, lúc đó dưới thời tổng thống Jacques Chirac, đã tài trợ cho việc trùng tu Nhà hát lớn, một “báu vật” của Hà Nội cũng như của Việt Nam, một tòa nhà rất đẹp. Kiến trúc sư thực hiện việc trùng tu này là Hồ Thiệu Trị, một Việt kiều ở Pháp.
Mỹ Sơn, nơi đã được xếp là di sản của thế giới, với kiến trúc Champa, thì cũng đã có các chuyên gia Ba Lan đóng góp ngay từ đầu. Cũng như là Huế và Hội An, ngoài các chuyên gia Việt Nam, đều có các chuyên gia của UNESCO và của các nước khác giúp sức. Kinh nghiệm của nước ngoài trong việc trùng tu các tòa nhà phương Tây là rất cần thiết.”
Như vậy thì trong việc bảo tồn những công trình như Dinh Thượng Thư, các chuyên gia nước ngoài, đặc biệt là Pháp, có thể giúp được gì cho chính quyền của thành phố Sài Gòn? Về điểm này, nhà nghiên cứu Phúc Tiến nêu ý kiến :
« Điều đầu tiên, nhiều tòa nhà ở thành phố này là do Pháp thiết kế và xây dựng trước đây, hồ sơ xây dựng chắc là còn được lưu trữ ở Pháp. Kế đến, những tòa nhà này có kiểu kiến trúc đồng dạng với những tòa nhà ở chính quốc hoặc ở các thuộc địa Pháp, đặc biệt là các xứ nhiệt đới. Để trùng tu một tòa nhà trở lại bản gốc của nó, cũng như hiểu được công năng của nó, thì nên tìm đến những tác giả đầu tiên của nó.
Về việc trùng tu thì ở Việt Nam cũng đang có sự tranh luận. Cũng có nhiều lo âu là trùng tu, làm mới thế nào mà bây giờ nó không còn đẹp như ngày xưa, thậm chí sơn son, thếp vàng, làm cho nó ngược lại với nguyên bản hoặc làm cho nó kệch cỡm…. Cho nên cần có những kinh nghiệm.
Ngoài ra, trùng tu ở đây không có nghĩa chỉ là sơn phết hay khôi phục dáng vẻ cũ của nó, mà còn phải nghĩ đến việc trang trí nội thất, sử dụng lại chức năng của tòa nhà, bổ sung những chức năng mới. Chứ nếu chỉ trùng tu để lại làm trụ sở hành chính thì rất là uổng. Mời chuyên gia đến là để có thêm ý kiến làm cho phong phú hơn và tôi nghĩ là nước Pháp có nhiều kinh nghiệm.
Ở Paris tuần này, tôi đã có dự Ngày di sản châu Âu, đến Tòa Thị Chính của Paris. Tôi thấy Tòa Thị Chính không mang ý nghĩa chỉ là dinh thự hành chính, mà là một dinh thự văn hóa, từ phòng tiếp tân, từng cái sảnh, từng pho tượng của tòa nhà này.
Nếu phía Pháp có thể chuyển giao các tài liệu, kinh nghiệm, cũng như công nghệ để trùng tu thì rất là tốt. Nếu Việt Nam tổ chức đầu thầu, mời gọi thì sẽ nhiều chuyên gia châu Âu khác đến, chứ không chỉ có Pháp.”
Là một trong những quốc gia có rất nhiều kinh nghiệm trong việc bảo tồn di sản kiến trúc, nước Ý cũng rất quan tâm đến mối tương quan giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế tại thành phố Sài Gòn. Đây cũng là chủ đề của cuộc hội thảo do tổng lãnh sự Ý tổ chức trong hai ngày 10 và 11/09 tại Sài Gòn. Cụ thể, hội thảo tập trung vào vấn đề kỹ thuật kiến trúc và kinh doanh bảo tồn di sản, nhằm trao đổi kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế và trong nước.
Là một trong những người trình bày tham luận tại hội thảo, nhà nghiên cứu Phúc Tiến trình bày những vấn đề cụ thể được nêu lên tại hội nghị này :
« Đây là lần đầu tiên có một cuộc hội thảo do một cơ quan ngoại giao của một nước châu Âu đứng ra tổ chức. Ban tổ chức người Ý bao gồm tổng lãnh sự Ý và công ty SCE, một tập đoàn lớn về thiết kế, quy hoạch ở Milan, và nhiều công ty Ý khác.
Bản thân công ty SCE có một sáng kiến rất là hay : Trước cuộc hội thảo đó, họ đã cùng với tòa tổng lãnh sự Ý tổ chức cho sinh viên của hai trường Đại học Kiến trúc và Đại học Văn Lang, ngành kiến trúc, chia ra làm nhiều đội tham gia cuộc thi « Thiết kế khu phố di sản trong thành phố thông minh ».
Chúng tôi rất là mừng khi thấy các em sinh viên đã rất phấn khởi, và đã đưa ra những đề xuất rất là hay. Ví dụ như đề án tạo một dải lụa là một cây cầu cho người đi bộ, bắc từ bên phía bờ Thủ Thiêm sang đến đối diện công trường Mê Linh, chỗ tượng Trần Hưng Đạo, sau đó đi theo con đường Mạc Thị Bưởi đến đường Nguyễn Huệ, tạo ra một con đường như là dải lụa đào trên không.
Các bạn còn đề xuất là biến đường Nguyễn Huệ, hiện giờ là phố đi bộ vào cuối tuần, khôi phục lại dòng kênh ở đây. Thời xưa, trước khi Pháp vào, đại lộ Nguyễn Huệ là Kênh Chợ Vải. Các bạn đề nghị khơi lại dòng kênh đó, để trở lại con kênh lịch sử, tạo ra một cảnh quan ngoạn mục, một con kênh uốn lượn
ngay giữa lòng thành phố. Như thế nó sẽ làm gia tăng giá trị của những công trình dọc theo con đường đó. »
Theo lời ông Phúc Tiến, hiện là giám đốc công ty Hợp Điểm, các ý kiến tại hội thảo còn nêu bật một điều : di sản không phải là một thứ để trang trí, mà có thể sinh lợi, hay nói cách khác phải làm phát triển cái gọi là kinh tế di sản, một khái niệm còn rất mới ở Việt Nam:
« Việc trùng tu di sản thì không nên chỉ được nhìn ở góc độ kỹ thuật, thiết kế, công nghệ, nhưng điều rất quan trọng là hãy nhìn nó ở góc độ kinh tế di sản. Đó là ngành kinh tế liên kết rất nhiều ngành. Nếu người ta nhìn di sản như là một nguồn tài nguyên, không những làm giàu về văn hóa, mà còn làm giàu về kinh tế, thì cách đối xử với di sản sẽ thay đổi rất là lớn.
Ví dụ, họ có đề cập đến trường hợp Roma, Milan, Florence, nơi mà những công trình kiến trúc tiêu biểu của nước Ý từ mười mấy thế kỷ vẫn được giữ gìn tốt, đem lại không những nguồn lợi về du lịch, mà còn là nguồn lợi kích thích các ngành như là xây dựng, kiến trúc, thiết kế, nội thất, kể cả đào tạo. Không chỉ có nhà nước, mà những tổ chức NGO (phi chính phủ), cũng như các doanh nghiệp đều có trách nhiệm làm việc đó.
Thứ hai, khi mọi người đã nhất trí đây là công trình có giá trị di sản rồi, thì cần có những cuộc thi, đấu thầu những dự án, biến nó thành những dự án kinh doanh, nhưng tôi muốn nhấn mạnh là (đấu thầu) phải minh bạch.
Trong cách làm của người Ý, nếu muốn có được nguồn vốn để trùng tu các di sản, thì phải có một cuộc vận động. Thí dụ công ty SCE đang lập một dự án trùng tu Dinh Gia Long, hiện giờ là Viện Bảo tàng Thành phố, không chỉ trùng tu dinh này, mà còn mở rộng toàn bộ khu này thành một khu phố di sản.
Chúng ta có Tòa án, một tòa nhà rất đẹp, được trùng tu gần xong rồi. Dọc con đường Lý Tự Trọng có thư viện, đi lên nữa là Dinh Thượng Thơ. Đường Lý Tự Trọng thì chạy song song với đường Lê Thánh Tôn. Khu đó có thể trở thành một khu phố đi bộ, có hai công viên : Bạch Tùng Dương và Chi Lăng, rồi lại nối kết với khu chợ Bến Thành và đường Đồng Khởi (Catinat), đường Nguyễn Huệ.
Bản thân khu đất chung quanh Dinh Gia Long nếu trở thành một khu phố đi bộ, một khu phố di sản, thì người ta sẽ khống chế, không cho xây các nhà cao tầng, phá tan cảnh quan vốn dĩ rất đẹp của nó. Nếu có sự đồng thuận, dự án này sẽ đem lại một nguồn lợi rất lớn, không chỉ về văn hóa, về kinh tế, mà còn thúc đẩy những ý tưởng sáng tạo.
Ví dụ các bạn tham gia cuộc thi có đề nghị công viên Bạch Tùng Diệp sẽ là không gian co-working về sáng tạo, nơi mà các bạn trẻ khởi nghiệp có thể đến đó cùng làm việc với những trang thiết bị hiện đại, rồi từ đó ra những ý tưởng mới. Cũng như viện bảo tàng không chỉ là một viện bảo tàng, mà ở đó cũng sẽ có gallery, quán cà phê, tiệm sách, không gian để nói chuyện. Người ta có thể đi bộ từ thư viện, qua tòa án, rồi đến Dinh Thượng Thơ để thưởng ngoạn một lịch sử.
Chính người Pháp ngay từ những năm 1860 đã thiết kế khu đó là khu hành chánh. Bây giờ nếu khu hành chánh đó trở thành khu di sản thì rất là hay. Con đường Lý Tự Trọng vào thời Pháp có tên là De La Grandière, tên một đề đốc người Pháp, nhưng trước đó nó có tên là đường Chính Phủ. Như vậy, con đường đó không phải là con đường thương mại, bây giờ nếu được chuyển thành con đường di sản, kết hợp lịch sử văn hóa, hành chánh, thương mại và sáng tạo, thì rất là tuyệt vời.
Tất nhiên, những ý tưởng cụ thể này rất cần sự tham gia của nhiều người. Tôi cho rằng, nếu có một cuộc đấu thầu, những công ty thắng thầu phải là những công ty có kinh nghiệm và có nhiều ý tưởng sáng tạo nhất, đồng thời phải biết huy động được nguồn vốn. Những công ty địa ốc sẽ sẵn sàng nhảy vào trong cuộc chơi này, bởi vì họ biết là sẽ có những cơ hội kinh doanh. Nhưng không thể chỉ nhìn đến kinh doanh đơn thuần, mà phải tính đến lợi ích chung của xã hội.»
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20191014-viet-nam-moi-chuyen-gia-nuoc-ngoai-giup-ban-ton-di-san-kien-truc

Quanh chính sách quốc phòng

‘Ba không’ hay ‘Bốn không’ của Việt Nam

Sách trắng Quốc phòng 2019 do Việt Nam vừa công bố đã bổ sung thêm ‘một không’ vào chính sách ‘Ba không’ vốn đã gây tranh cãi của Việt Nam trước đây.
Sau khi đã công bố tại Việt Nam cuối tháng 11, Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 đã được giới thiệu tại Úc, Thái Lan, Ukraina… nhằm bạch hóa chiến lược bảo vệ tổ quốc, chiến lược quốc phòng của Việt Nam với tính chất hòa bình và tự vệ.
Có mâu thuẫn trong Sách trắng Quốc phòng 2019 của VN?
Quan hệ Việt – Trung: Bãi Tư Chính là thời điểm thay đổi với VN?
Quốc phòng Việt Nam: ‘Ba Không’ còn phù hợp?
Cụ thể, Sách trắng viết rằng “Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Sách trắng Quốc phòng 2019 nêu rõ những thách thức mà Việt Nam đang đối mặt như: các yếu tố gây mất ổn định, căng thẳng gần đây ở Biển Đông, các vấn đề an ninh phi truyền thống, hậu quả chiến tranh. Tất nhiên, như trước nay vẫn vậy, hoạt động chống phá của “các thế lực thù địch” được nêu lên như một thách thức.
Tiến sĩ Lê Thu Hường (nhà phân tích cấp cao thuộc Viện Chính sách chiến lược Úc tại Canberra), trong bài viết ’Vietnam Draws Lines in the Sea” cho rằng, một trong những điểm mới trong Sách trắng là Việt Nam tuyên bố sẵn sàng hợp tác bảo vệ biên giới của Việt Nam, cả trên bộ và trên biển, bao gồm các cuộc tuần tra và trao đổi chung. Khi khẳng định điều này, cũng tức là từ chối ngầm yêu cầu không quốc tế hoá các tranh chấp biển Đông của Trung Quốc.
Đồng thời, Hà Nội cũng tuyên bố tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông của các quốc gia, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.
Theo Tiến sĩ Hường, so với các bên khác trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, tuyên bố của Việt Nam mạnh mẽ nhất.
Có cần khẳng định lại ‘Ba không’?
Anh Ngô Dĩ Lân (nghiên cứu sinh ngành Quan hệ Quốc tế tại Đại học Brandeis, Hoa Kỳ) viết trên Facebook cá nhân, cho rằng, “Việt Nam có thể vẫn có thể theo đuổi chính sách ‘Ba không,’ nhưng không cần khẳng định mạnh mẽ điều đó trong Sách trắng quốc phòng.”
Anh Lân viết:
”Tuy việc tái khẳng định lại chính sách này làm rõ hơn ý đồ chiến lược của Việt Nam và làm nổi bật tính hoà bình và hữu nghị trong chính sách đối ngoại – quốc phòng của Việt Nam, nhưng tuyên bố như vậy sẽ cắt đường rút lui của Việt Nam nếu chẳng may tình hình an ninh khu vực thay đổi đột ngột.”
“Một khi đã tuyên bố rõ ràng như vậy, chúng ta sẽ khó kiếm được đồng minh nếu Trung Quốc đổi ý. Hơn nữa, việc khẳng định như vậy làm mất đi con bài mặc cả quan trọng của Việt Nam với cả Mỹ và Trung Quốc. ”
“Trong con mắt của người Mỹ, Việt Nam chỉ có giá trị chừng nào chúng ta có thể trở thành quân bài để kiềm chế Trung Quốc ở Đông Nam Á (dù là đồng minh hay không). Ngược lại, đối với Trung Quốc, họ sẽ dè chừng hơn nếu họ biết rằng o ép Việt Nam một cách quá mức sẽ khiến chúng ta buộc phải tìm kiếm “đồng minh” để chống lại họ.
“Còn nếu Bắc Kinh tin rằng dù họ chèn ép ta đến mấy mà ta vẫn không thay đổi lập trường thì khó có thể kì vọng vào bất kỳ sự nhượng bộ nào từ họ,” nhà nghiên cứu trẻ này viết.
Nên “Ba không’ hay ‘Bốn không’?
Quốc phòng Việt Nam ‘ba không’ và ‘một có’
Donald Rumsfeld và Robert Gates nhắc lại chiến tranh VN
Nhưng nay thì không dừng ở ‘Ba không’, Sách trắng Quốc phòng 2019 còn bổ sung thêm chính sách “không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế” để thành ‘Bốn không.’
TS Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) viết trên trang web Nghiên cứu quốc tế rằng, thay đổi này xét ra “không thực sự cần thiết và hữu ích trong việc giải thích các khía cạnh quan trọng khác của chính sách quốc phòng Việt Nam.”
Tiến sĩ Hiệp phân tích rằng, đây là nguyên tắc được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi như nền tảng của quan hệ quốc tế sau Thế chiến II. Do đó, việc bổ sung một nguyên tắc phổ quát như vậy vào chính sách ‘Ba không” là không cần thiết. Đồng thời, có nguy cơ “làm loãng thông điệp chính về tính chất không liên kết của chính sách quốc phòng Việt Nam.”
Cũng theo Tiến sĩ Hiệp, nguyên tắc mới có xu hướng tạo ra sự hiểu lầm về chính sách quốc phòng của Việt Nam, đặc biệt là khi đoạn nói về nguyên tắc này không đi kèm với các ngữ cảnh và giải thích phù hợp.
Nên cân nhắc liên minh không chính thức?
VN không thể là ‘đồng minh quân sự’ của Mỹ?
Quốc phòng Mỹ – Việt ‘giúp gìn giữ môi trường hòa bình’
Trung Quốc: Hoa Kỳ ‘cần ngừng can thiệp’ ở Biển Đông
Tuy nhấn mạnh đến tính chất ‘Bốn không’ nhưng Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 cũng khẳng định: “Tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.”
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh , Thứ tưởng Bộ Quốc phòng VN, trả lời phỏng vấn VnExpress trong bài đăng hôm 16/12 giải thích rằng: Việt Nam “không liên minh quân sự, nhưng vẫn tăng cường hợp tác quốc phòng với các quốc gia để có sự ủng hộ quốc tế, không để bị bao vây, cô lập. Với tình hình quốc tế, khu vực, khả năng của đất nước và cách xử trí đối với các thách thức quốc phòng hiện tại, tôi tin rằng chúng ta đủ điều kiện để quản trị được tình hình an ninh, không để phát sinh xung đột, không để xảy ra chiến tranh”.
Phát triển các mối quan hệ quốc phòng nhưng tránh tham gia liên minh quân sự, như vậy phải chăng đã đến lúc Việt Nam cần tái định nghĩa thế nào là “liên minh quân sự,” và từ đó, xem xét để có những liên minh quân sự không chính thức, như đề xuất của nhà nghiên cứu Ngô Dĩ Lân.
Nhà nghiên cứu này phân tích: “Điểm mạnh của liên minh không chính thức là nhìn chúng ‘không giống’ các liên minh quân sự thông thường, vì thế cho phép chúng ta phủ nhận nếu bị cáo buộc đi ngược lại chính sách ba không. Hơn nữa, liên minh không chính thức không yêu cầu các bên tham gia phải ký kết hay phê chuẩn bất kỳ hiệp định nào, do đó khiến việc thiết lập liên minh trở nên dễ dàng hơn.
“Thế nên, mô hình liên minh không chính thức chứ không phải các liên minh chính thức như NATO hay liên minh Mỹ – Nhật mới là mô hình mà Việt Nam ít nhất là nên xem xét hoặc thậm chí theo đuổi trong tương lai”.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50756463

TTg Phúc bổ nhiệm người có nhiều phát ngôn

 ’gây tranh cãi’ dẫn đầu tổ tư vấn kinh tế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa quyết định giao cho ông Nguyễn Đức Kiên làm tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính Phủ nhưng công chúng trong những ngày qua đã bày tỏ sự “thất vọng” đối với việc bổ nhiệm người từng có nhiều phát ngôn gây tranh cãi.
Thủ tướng chính phủ đưa ra quyết định bổ nhiệm ông Kiên, phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa 14, làm người đứng đầu nhóm tư vấn về việc hoạch định các chính sách kinh tế cho thủ tướng hôm 12/12, theo Báo điện tử chính phủ VGP News.
Theo mô tả trong quyết định thành lập Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ được ông Phúc ký ban hành tháng 7/2017, nhóm này “có nhiệm vụ tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về các chiến lược, kế hoạch, đề án, chính sách phát triển kinh tế trong trung hạn và dài hạn; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hằng năm.
Việc bổ nhiệm ông Kiên, có hiệu lực ngay từ ngày ký, đã gây tranh luận trên mạng xã hội trong những ngày qua khi nhiều người tỏ ra thất vọng với quyết định của Thủ tướng Phúc.
Trong số những người không ủng hộ việc bổ nhiệm ông Kiên, 59 tuổi, làm tổ trưởng tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ có Tiến sỹ khoa học và chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A.
“Tôi vô cùng thất vọng với ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về sự bổ nhiệm rất là dở này của ông ấy,” TS Quan A, người từng tham dự các cuộc hội thảo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nơi ông Kiên hoạt động, nói với VOA. “Tôi nghĩ rằng ông (Kiên) không nắm được kiến thức cơ bản về kinh tế nhưng lại (giữ) những vị trí quan trọng trong việc hoạch định chính sách kinh tế của Việt Nam.”
Ông Kiên, một tiến sỹ kinh tế từng học ở Đức, đã đưa ra nhiều phát ngôn gây “sốc dư luận” như “Người giàu thì đi ô tô, người nghèo đi xe máy, xe đạp, rõ ràng BOT (trạm thu phí giao thông) không ảnh hưởng đến người nghèo” khi trả lời phỏng vấn Báo Người Lao Động hồi tháng 9/2017.
TS Quang A cho rằng những phát biểu của ông Kiên về những vấn đề kinh tế gây bức xúc trong dư luận vì chúng “lố bịch”. Theo vị tiến sỹ từng học ở Hungary và là một trong những người đi đầu trong ngành
ngân hàng tư nhân ở Việt Nam, ông Kiên luôn “phụ họa” theo các phát biểu của “những người nắm quyền cao hơn ông ấy mà không có cơ sở gì vững chắc.”
Hồi tháng 5 năm nay, ông Kiên đã bày tỏ sự ủng hộ đối với các nhà thầu Trung Quốc tham gia đấu thầu dự án cao tốc Bắc-Nam khi nói rằng “trên thế giới, không có nhà thầu nước nào có kinh nghiệm thi công đường cao tốc nhiều như các doanh nghiệp của Trung Quốc” và do đó chỉ doanh nghiệp Trung Quốc mới đáp ứng được các tiêu chí mời thầu hiện nay, theo báo Giao thông Hà Nội.
Ông Kiên cũng từng đăng đàn ủng hộ Luật Đặc khu khi nói rằng “Tại sao cứ sợ ảnh hưởng của Trung Quốc tại các đặc khu? Tại sao ở Úc, Pháp, Mỹ… đều có Chinatown. Ở California mình có Little Saigon. Ở đó toàn người Việt, nói bằng tiếng Việt, thì bang California có lo ngại vấn đề an ninh quốc phòng hay không?”
Viết trên trang Facebook cá nhân, PGS-TS Lê Kế Sơn – người cũng từng tu nghiệp ở Đức, cho rằng ông chưa thấy ai “học ở Đức về mà phát biểu ‘thông minh’” như ông Kiên vì “người Đức không có lối tư duy phi logic như thế.”
Theo nhận định của Infonet, ông Kiên, với cương vị là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, được biết đến là một người “gai góc, thường xuyên có những phát biểu thẳng thắn.”
TS toán học Nguyễn Ngọc Chu cho rằng Thủ tướng “nên tìm kiếm các thành viên mới từ các doanh nghiệp tư nhân, những khuôn mặt hoàn toàn mới lạ. Thì lúc đó ngõ hầu Thủ tướng mới nghe được những mưu kế lạ.” Theo vị TS này nhận định trên trang Facebook cá nhân, “sử dụng những người như ông Nguyễn Đức Kiên chỉ làm cho kinh tế nước nhà thêm thất thoát và đất nước càng thêm tụt hậu.”
“Từ chức mới là cống hiến quan trọng nhất của ‘tiến sỹ’ Nguyễn Đức Kiên, cho Thủ tướng và cho đất nước,” nhà báo và blogger Trương Huy San, còn được biết là Osin Huy Đức, viết trên trang Facebook cá nhân hôm 14/12.
Infonet cho biết, tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Phúc còn bao gồm nguyên Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trong số các quan chức chính phủ và các vị giáo sư tiến sỹ trong và ngoài nước. Được biết nhiều chuyên gia trong số 15 thành viên của Tổ tư vấn kinh tế cho Thủ tướng Phúc đã tham gia xây dựng các đóng góp cho Báo cáo Việt Nam 2035, một tầm nhìn dài hạn của Việt Nam hướng đến thịnh vượng với mục tiêu trong 20 năm nữa Việt Nam sẽ có mức thu nhập trung bình quân đầu người trung bình 22.000 USD.
https://www.voatiengviet.com/a/thu-tuong-phuc-bo-nhiem-nguoi-co-nhieu-phat-ngon-gay-tranh-cai-dan-dau-nhom-tu-van-kinh-te/5207607.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.