Boris Johnson thắng, Trump mừng, Dân Chủ lo
Monday, December 16, 2019
3:38:00 PM
//
- Slider
,
Tin Hoa Kỳ
16 tháng 12, 2019,
Đảng Bảo Thủ và Thủ Tướng Anh Boris Johnson thắng lớn trong cuộc bỏ phiếu bầu Viện Dân Biểu. Nhiều người không ngờ phe Bảo Thủ chiếm tới 364 ghế tại Hạ Viện Anh Quốc, vượt trên con số 326 ghế cần để chiếm đa số.
Thủ Tướng Anh Boris Johnson thắng lớn trong cuộc bỏ phiếu bầu Viện Dân Biểu, được mọi người vỗ tay chúc mừng. (Hình: Stefan Rousseau – WPA Pool/Getty Images) |
Dư luận Mỹ đặc biệt chú ý đến kết quả này. Nhật báo Wall Street Journal, bảo thủ, coi là cử tri Anh đã gửi một thông điệp cho các nhà chính trị (còn lưỡng lự về việc nước Anh rút ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu, gọi là Brexit). Báo New York Times, cấp tiến, nhận xét ngay rằng cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ ở Mỹ đang tự hỏi không biết chiến thắng của ông Boris Johnson có phải là một điềm tốt cho Tổng Thống Donald Trump trong cuộc tranh cử 2020 hay không.
Họ đã có kinh nghiệm về năm 2016. Năm đó, dân Anh bỏ phiếu tách khỏi EU, và chỉ năm tháng sau thì ông Trump thắng bà Clinton ở Mỹ. Năm nay, ngay sau khi ông Johnson đại thắng, ông Trump nói ngay rằng điều này có thể báo hiệu chuyện nước Mỹ trong năm 2020!
Ông Stephen K. Bannon, cựu chiến lược gia của tổng thống Mỹ, cho rằng chiến thắng của ông Trump năm 2016 dính liền với quyết định Brexit của dân Anh và năm nay ông Johnson thắng lợi chứng tỏ đảng Dân Chủ ở Mỹ đang bị đe dọa sẽ thất cử.
Tuần báo The Economist nhận xét rằng kết quả cuộc bầu cử không phải do dảng Bảo Thủ, gọi là Tory, thắng mà bởi vì đảng Lao Động thua lớn. Đảng Tory chỉ thêm được một phần trăm cử tri ủng hộ trong khi đảng Lao Động, do ông Jeremy Corbyn lãnh đạo, đã mất 8%, chỉ chiếm được chừng 203 ghế đại biểu, thấp nhất kể từ năm 1935.
Ông Johnson sẽ giữ chức thủ tướng dù đảng ông chỉ đạt được 46% số phiếu của dân Anh, còn Đảng Lao Động và các đảng chống Brexit chiếm được 52% số phiếu.
Đảng Bảo Thủ đã chiếm thêm được nhiều ghế trong những vùng mà xưa nay đảng Lao Động vẫn được ủng hộ, cho nên vẫn thắng dù họ bị mất nhiều ghế ở những vùng dân có khuynh hướng bảo thủ nhưng chống Brexit, không muốn rút khỏi Âu Châu.
Đa số dân Anh không thích chính sách quá thiên tả của ông Jeremy Corbyn. Ông hứa hẹn sẽ quốc hữu hóa nhiều ngành như hỏa xa, viễn thông, và bưu điện. Dân hoan nghênh ý kiến mở rộng hệ thống y tế quốc gia (National Health Service) và an sinh xã hội của ông, nhưng giới trung lưu và nhiều người nghèo biết rằng họ sẽ phải đóng thuế nặng hơn – mặc dù ông chỉ hô khẩu hiệu “đánh thuế nhà giàu!”
Một yếu tố giúp ông Johnson thành công là cuộc tranh cử của ông tập trung vào tiêu đề rất giản dị: “Giải quyết dứt khoát vụ Brexit!”
Sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, nước Anh vẫn sống trong cảnh chờ đợi vì chưa rút ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu được. Các chính phủ không hội đủ số phiếu ở Quốc Hội để chấp thuận một thỏa hiệp với Bruxelles. Tình trạng lằng nhằng này khiến kinh tế suy yếu vì các xí nghiệp không đầu tư trong lúc chưa biết các luật lệ ngoại thương sẽ thay đổi thế nào. Dân chúng đã phát mệt! Ông Johnson bèn tổ chức bàu cử lại, để cho dân quyết định, và bây giờ ông có thể tuyên bố dân Anh nhất quyết chọn Brexit.
Vì vậy, trong lúc tranh cử, ông Johnson không bàn về một chính sách hay chủ trương rắc rối nào cả, như vấn đề bảo hiểm y tế quốc gia mà ông biết dân Anh cùng quan điểm với đảng Lao Động. Ngay cả khi Tổng Thống Donald Trump qua London dự hội nghị NATO, ông Johnson cũng yêu cầu ông Trump đừng nói một lời nào ủng hộ mình, vì biết đa số dân Anh không ưa ông tổng thống Mỹ.
Chiến thuật này giúp ông Johnson tập trung hỏa lực công kích các chủ trương thiên tả của ông Corbyn, một chính trị gia vốn đã không chiếm được cảm tình đại chúng.
Đảng Lao Động Anh đã mất phiếu của giới trung lưu vì các chính sách thiên tả trong khi đó cũng không giữ được lá phiếu của các công nhân vì giới thợ thuyền muốn nước Anh tách khỏi Âu Châu nên ủng hộ bảo thủ.
Đây là một kinh nghiệm phải học, cho nước Mỹ sang năm.
Các ứng cử viên Dân Chủ tất nhiên phải lo lắng. Trong đảng, đang thấy một cuộc chạy đua giữ hai khuynh hướng thiên tả và ôn hòa. Cựu Phó Tổng Thống Joe Biden, người đang dẫn đầu các ứng cử viên Dân Chủ, đã nói ngay, trong cuộc vận động gây quỹ ở San Francisco, rằng ông Johnson thắng là điều khích lệ cho ông Trump, vì hai người “giống nhau như hai giọt nước.” Bài học ở Anh Quốc chứng tỏ khuynh hướng quá thiên tả sẽ thất bại, ông Biden thú nhận. Ông ngầm chỉ trích những đối thủ, như các Nghị Sĩ Elizabeth Warren của tiểu bang Massachusetts và Bernie Sanders của Vermont.
Tuy nhiên, các nghị sĩ trên không có ai “cực tả” bằng ông Corbyn. Trong thời gian qua, cả bà Warren và ông Sanders đều tìm cách lánh xa ông Corbyn, một người bị lắm kẻ yêu cũng nhiều người ghét. Một người trong đảng Dân Chủ công khai khen ngợi ông Corbyn là Dân Biểu Alexandria Ocasio-Cortez, New York; bà cũng ủng hộ ông Sanders.
Đối với đảng Cộng Hòa, Johnson và Brexit đắc thắng là một dấu hiệu tốt. Ông Johnson cũng là một chính trị gia “phá lệ” như ông Trump. Phong trào “vận dụng quần chúng” (populism) từ năm 2016 đến giờ vẫn còn sống, còn mạnh. Stephen K. Bannon nhận xét về kết quả bỏ phiếu bên Anh, “Không phải chỉ là chuyện ông Corbyn thua. Nếu họ (đảng Dân Chủ) không hiểu ra sự thật là người Anh gạt bỏ chính sách của Corbyn, thì họ sẽ được cho một bài học tàn bạo.”
nguoi-viet.com
nguoi-viet.com
0 comments