Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 19/11/2019

Tuesday, November 19, 2019 6:07:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 19/11/2019

Người dân Bình Sơn: Đi không được, ở cũng không xong!

Quy trình ngược
Đó là câu chuyện xảy ra tại xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi giữa 2.000 hộ dân, nhà máy xi mặng Đại Việt và các cấp chính quyền địa phương.
Một ngày giữa tháng 11, chúng tôi đã đến thôn Sơn Trà 1 và Tân Hy 1 thuộc xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi để tìm hiểu thêm về sự việc này.
Trước mắt chúng tôi không phải là Nhà máy nghiền xi măng Đại Việt- Dung Quất (gọi tắt là nhà máy xi măng Đại Việt) thay vào đó là Công ty Cổ phần xi măng VICEM Bỉm Sơn. Hỏi sự tình, chúng tôi mới biết VICEM Bỉm Sơn cũng chính là nhà máy xi măng Đại Việt, nhà máy đã ngưng hoạt động từ mấy năm nay và Công ty Bỉm Sơn là đơn vị hiện đang chiếm Cổ phần chi phối-hỗ trợ lương và chi phí để “cầm hơi” cho những nhân sự còn lại của nhà máy Đại Việt trước đây.
Theo quan sát của chúng tôi, nhà máy giờ như một công trình bỏ hoang, xuống cấp, cỏ cây mọc um tùm che khuất tầm nhìn và xích khóa cửa hoen gỉ sắt.
Nhà máy Đại Việt được xây dựng từ tháng 8/2009 và đến tháng 6/2012 đã đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, do chính quyền tỉnh Quảng Ngãi không thực hiện di dời dân trước khi nhà máy đi vào xây dựng và hoạt động nên khoảng 2000 hộ dân sinh sống xung quanh khu vực này gần như bị đảo lộn cuộc sống bởi sự ra đời của nhà máy xi măng khi họ phải sống chung với khói, bụi và tiếng ồn…
Bà Lê Thị Sở, trú tại thôn Sơn Trà 1 chia sẻ:
“Bụi không thể tưởng. Từ mái nhà cho đến trong nhà coi như bụi quét không hết”
Hồi kia không có nước sạch, giờ mới có nước sạch, hồi kia uống nước giếng không. Mình đi làm thì phải đậy lại chứ không đậy lại nó nhiễm xuống, giếng ô nhiễm đủ thứ hết.”-  Chị N.T.M cũng trú tại thôn Sơn Trà 1 nói.
Trả lời báo đài Việt Nam vào tháng 7/2019, ông Nguyễn Thanh Vũ- Chủ tịch UBND xã Bình Đông cho biết: Năm 2012, nhà máy xi măng Đại Việt đi vào hoạt động thì đồng thời tập đoàn Sembcorp của Singapore cũng triển khai dự án Nhà máy Nhiệt điện Semcorp Dung Quất xây dựng trên diện tích 134ha ngay cạnh nhà máy xi măng Đại Việt. Tuy nhiên, sau khi khảo sát, tiến hành áp giá đền bù để chuẩn bị di dời dân, thì nhà máy Nhiệt điện dừng triển khai. Người dân trước đó đã chuẩn bị giải tỏa di dời bỗng nhiên bị hủy bỏ nên bức xúc kéo đến trước cổng Nhà máy xi măng Đại Việt giăng lều bạt, ngăn cản, không cho nhà máy hoạt động. Thậm chí người dân còn thuê xe, kéo lên nằm vạ ở UBND tỉnh Quảng Ngãi.
“Nhiều lắm! Đi vào tỉnh. Mướn bốn, năm chiếc xe đi vào tỉnh ngồi hết ngoài hè. Mấy ông bảo vệ nói bà con về, để tỉnh sắp đặt giải quyết, bà con thông cảm. Về rồi thì làm thinh miết. Họ đưa đơn tới huyện, tới tỉnh chứ đâu phải giỡn.” – Chị N.T.M bức xúc chia sẻ.
Trước tình hình quá bức bách cần gấp rút phải di dời dân, Văn phòng Chính phủ đã 3 lần có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, UBND xã Bình Đông có 20 báo cáo liên quan việc người dân tụ tập, ngăn cản nhà máy xi măng Đại Việt hoạt động, chính quyền huyện Bình Sơn hàng chục lần họp dân, đối thoại, lắng nghe… Tuy vậy, mọi việc vẫn không thể giải quyết được.
Bà N, cư dân thôn Sơn Trà 1 nói:
“Dân ở đây họ nói chắc nhà máy nó cho ăn. Nhà máy nó cho ăn rồi sao ấy cho nên không giải quyết được.” –Lời của chị N.T.M.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cấp 364 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương để lập phương án, lộ trình, kế hoạch di dời các hộ dân càng sớm càng tốt, đáp ứng mong muốn thiết thực của các hộ dân.
Đầu năm 2018, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 45/TB-VPCP, thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, yêu cầu sớm giải quyết các vấn đề liên quan để nhà máy xi măng Đại Việt hoạt động trở lại.
Thế nhưng, thực tế từ năm 2018 đến nay, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã chậm trễ, thậm chí là dậm chân trong xử lý bức bách của người dân lẫn doanh nghiệp.
“Dân ở chòm này còn có bao nhiêu hộ nữa chứ mấy. Đi là phải đi hết. Nếu đền bù đi một nữa, còn lại một nữa thì dân chịu không nổi bụi.”- Lời của bà Lê Thị Sở.
Không phải hút khói, bụi và nghe tiếng ồn từ nhà máy xi măng Đại Việt, nên cuộc sống hiện tại của gần 2000 hộ dân sinh sống ở hai thôn Sơn Trà 1 và Tân Hy 1 tạm ổn hơn so với lúc trước.
«Ổn định chứ sao không ổn định. Làm ăn bình thường chứ đâu có suy nghĩ gì nữa đâu? »- Lời của ông P.
Tuy nhiên, cuộc sống của các hộ dân hiện còn rất nhiều khó khăn. Bà Sở chia sẻ :
«Khó khăn. Hồi nào giờ bà con ở đây bị ô nhiễm mà bây giờ trúng dự án nhà máy xi măng bà con cố làm nới ra để kiếm thêm, kiểu là làm cho đủ cái nhà thôi. Nhưng giờ nhà máy đình lại nên dân gặp rất nhiều khó khăn. ».
Mọi chuyện vẫn ngổn ngang
Tại sao đã có nhiều văn bản chỉ đạo của Chính phủ nhưng các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ngãi vẫn không giải quyết câu chuyện của 2.000 hộ dân ở Bình Sơn? Chúng tôi liên lạc một số lãnh đạo UBND huyện Bình Sơn và lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi bằng điện thoại không ai bắt máy.
Chúng tôi tiếp tục iên lạc ông Nguyễn Đăng Lộc, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi để hỏi giải pháp nào cho Nhà máy xi măng Đại Việt hoạt động trở lại và thực hiện việc di dời dân đến nơi ở mới? Ông Lộc nói bản thân không đủ thẩm quyền trả lời.
“Cái nhà máy xi măng Đại Việt do nó nằm trong Khu Kinh tế Dung Quất cho nên vấn đề này phải hỏi Ban quản lý Khu Kinh tế Dung Quất họ mới nắm rõ. Dự án này nó nằm trong khu, trong khu là do Ban quản lý khu họ cấp quyết định chủ trương. Còn ngoài khu thì mới do Chủ tịch UBND tỉnh theo đúng quy định của Luật Đầu tư cho nên phải hỏi Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu Công nghiệp Quảng Ngãi. »
Cũng câu hỏi này, chúng tôi liên lạc ông Lê Hàn Phong- Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu Công nghiệp Quảng Ngãi. Ông  Phong nói đã có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tỉnh Quảng Ngãi cũng đã có đề xuất giải pháp.
«Đúng rồi. Đã có rồi, kể cả Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo luôn rồi và tỉnh cũng đề xuất giải pháp rồi. Còn bây giờ tiến độ thực hiện như thế nào ? »
Ông Lê Hàn Phong tiếp tục giới thiệu chúng tôi liên lạc ông Đàm Minh Lễ- Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu Công nghiệp Quảng Ngãi, người được cho là giữ nhiều tài liệu liên quan đến vụ việc này, tuy nhiên, chúng tôi liên lạc ông Lễ bằng điện thoại di động thì chuông điện thoại có reo nhưng ông Lễ không bắt máy.
Rời Bình Sơn, chúng tôi chỉ có thể hy vọng sẽ có một ngày trở lại nơi đây và mong rằng sẽ thấy được cuộc sống của những hộ dân Bình Sơn tươi mới hơn…!
https://www.rfa.org/vietnamese/news/reportfromvn/binh-son-people-not-be-able-to-move-or-stay-11192019080206.html

Hơn 2,000 học sinh Hà Nội nghỉ học

phản đối dự án nghĩa trang gần trường

Tin Vietnam.- Báo Dân trí loan tin, tính đến ngày 19 tháng 11 năm 2019 là ngày thứ 6 các học sinh ở hai xã Tam Thanh, và Thanh Lâm, huyện Mê Linh- Hà Nội nghỉ học, để phản đối dự án xây dựng công viên nghĩa trang có nhà hoả táng của nhà cầm quyền.
Một viên chức của huyện Mê Linh cho biết, việc nghỉ học của các học sinh bắt đầu từ ngày 14 tháng 11, và đến nay càng ngày có thêm nhiều học sinh nghỉ học với con số 2,028 em ở 4 trường học khác nhau. Trước sự việc này, phòng Giáo dục và đào tạo huyện Mê Linh đã chỉ đạo ban giám hiệu nhà trường ở hai xã Tam Đồng, và Thanh Lâm phải có biện pháp cụ thể, đồng thời họp với ban đại diện cha mẹ học sinh để bàn về việc nghỉ học của các cháu.
Ông Phạm xuân Tiến, Phó giám đốc sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội cho biết, hiện tại các học sinh đã bước vào thời điểm thi học kỳ. Và nếu các cháu nghỉ quá thời hạn cho phép, thì nhiều cháu sẽ không đủ thời lượng cho phép của năm học. Một lãnh đạo huyện Mê Linh nói, huyện đã huy động toàn bộ lực lượng chính trị đến các gia đình để yêu cầu họ cho con em quay lại trường. Nghỉ học nhiều quá thì sẽ không đủ thời gian dạy bù, quyền lợi của các học sinh không được bảo đảm.
Theo truyền thông, nhà cầm quyền huyện Mê Linh đã có dự án quy hoạch nghĩa trang Thanh Tước với tổng diện tích 64,166 m2 nằm trên địa bàn xã Thanh Lâm. Trước đó, dự án này là lấy đất của dân để quy hoạch công viên Thanh Tước có hạng mục nhà hoả táng. Do không đồng ý với dự án nên người dân đã lên tiếng phản đối rất nhiều nhưng không có tác dụng nên họ sử dụng biện pháp cho con nghỉ học để bày tỏ quyết tâm hơn nữa, vì họ không muốn sống cạnh nghĩa trang trên.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/hon-2000-hoc-sinh-ha-noi-nghi-hoc-phan-doi-du-an-nghia-trang-gan-truong/

2 cựu bộ trưởng thông tin-truyền thông

và Phạm Nhật Vũ sẽ bị xét xử vào ngày 16/12

Tòa án Nhân dân (TAND) thành phố Hà Nội đã quyết định đưa vụ án Mobifone mua 95% cổ phần công ty nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) ra xét xử vào ngày 16/12/2019.
Truyền thông trong nước loan tin này vào ngày 19/11 xác nhận thông tin từ TAND Hà Nội.
Theo đó, tòa sơ thẩm sẽ xét xử hai cựu bộ trưởng thông tin truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn cùng 12 bị can trong vụ án Mobifone mua AVG.
Phiên tòa dự kiến kéo dài 16 ngày (đến hết ngày 31/12) và thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu sẽ điều hành phiên xét xử.
Hai ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn bị đưa ra xét xử vì những sai phạm liên quan đến thương vụ mua bán AVG về hai tội danh “vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và nhận hối lộ.
1 tháng trước (ngày 19/10), Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSND) đã tống đạt cáo trạng truy tố hai cựu bộ trưởng TT-TT Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn cùng cựu tổng giám đốc Mobifone Cao Duy Hải, cựu chủ tịch Mobifone Lê Nam Trà về tội nhận hối lộ với khung hình phạt từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Ông Phạm Nhật Vũ, cựu chủ tịch HĐQT AVG bị cáo buộc là người đưa hối lộ đối mặt với hình phạt 12-20 năm tù.
Đây là vụ án liên quan việc mua 95% cổ phần của AVG với số tiền lên đến 8.900 tỷ đồng, được xác định gây thất thoát hơn 6.000 tỷ đồng của nhà nước.
Theo cáo trạng, dự án MobiFone mua AVG chưa được Thủ tướng ban hành quyết định đầu tư. Tuy nhiên ông Son đã chỉ đạo cấp dưới, trong đó có ông Tuấn (khi đó là Thứ trưởng) ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone. Trên thực tế, trước khi bán cổ phần cho MobiFone, AVG đang thua lỗ kéo dài, nợ vay lớn. Để nâng cao giá trị AVG, Phạm Nhật Vũ đã đưa ra thông tin  AVG đang được đối tác nước ngoài trả giá mua 700 triệu đô la và AVG đã nhận đặt cọc 10 triệu đô la. Ông Son, Tuấn, Trà, Hải đều biết AVG thua lỗ nhưng vẫn thực hiện dự án.
Theo cáo trạng, vụ mua bán đã làm lợi cho Vũ gần 6.500 tỷ đồng. Vũ đã đưa cho ông Son 3 triệu đô la, ông Trà 2,5 triệu đô la, ông Hải 500.000 đô la và ông Trương Minh Tuấn 200.000 đô la.
Cả hai cựu bộ trưởng đều đã bị khởi tố và bắt giam vào ngày 23/2/2019. Cả hai ông đều đã bị kỷ luật khai trừ khỏi đảng hôm 11/10.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/trial-of-two-former-ministers-of-information-communications-scheduled-on-dec-16-11192019072616.html

Khởi tố, bắt giam người tổ chức

đưa lao động sang Đức trái phép

Công an Hà Tĩnh vừa khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam 1 người về tội “Tổ chức, môi giới đưa người khác trốn đi nước ngoài”.
Đại tá Nguyễn Tiến Nam, Phó Giám đốc Công an Hà Tĩnh cho báo chi biết thông tin vừa nói chiều ngày 18 tháng 11 năm 2019.
Theo đó, người bị Cơ quan An ninh điều tra Công an Hà Tĩnh khởi tố là Nguyễn Minh Cầm, quê ở Nghệ An; nhưng thường trú tại phường Trần Phú, Hà Tĩnh. Trong cùng ngày, Công an Hà Tĩnh cũng đã tiến hành khám xét nơi ở của Nguyễn Minh Cầm tại tỉnh Hà Tĩnh.
Tin cho biết, ông Nguyễn Minh Cầm không được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động và đưa người Việt Nam ra nước ngoài nhưng quá trình làm việc tại Đức, Cầm đã có quen biết một số người ở Đức và nhận lời một số người ở Việt Nam hứa sẽ giúp họ sang Đức lao động.
Nguyễn Minh Cầm tổ chức bằng cách lợi dụng visa du lịch sau đó nhập cảnh vào Azerbaizan, từ đó làm thủ tục xuất cảnh sang một nước châu Âu rồi vào Đức. Nếu đưa họ sang Đức trót lọt, Cầm sẽ được hưởng lợi 1.000USD/1 người.
Trước đó, vào ngày 1/11/2019, liên quan đến vụ 39 thi thể tại Anh, Công an Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố bắt giam 2 đối tượng và triệu tập nhiều người liên quan đến hành vi “Tổ chức, môi giới đưa người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép”.
Cũng tin liên quan, từ đầu năm 2019 đến nay, Công an tỉnh Nghệ An đã triệt phá 17 vụ mua bán người.
Trong số rất nhiều vụ án được Công an tỉnh Nghệ An triệt phá, nổi bật nhất là vụ án Cụt Thị Huệ và đồng bọn buôn bán người, được công an huyện Kỳ Sơn triệt phá tháng 12 năm 2018; Chuyên án 219N, phá án tháng 2/2019, bắt giữ Hùng Thị Niệm ở huyện Chương Dương, tỉnh Nghệ An cùng đồng bọn về tội “mua bán trẻ em”…
Trả lời báo chí hôm 19/11, Thiếu tá Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Nghệ An cho biết, tội phạm mua bán người trên địa bàn Nghệ An thời gian qua hoạt động rất tinh vi, xảo quyệt và có nhiều diễn biến phức tạp, thường phạm tội theo 1 đường dây thực hiện nhiều công đoạn như: tìm hiểu, rủ rê, lôi kéo, mua chuộc, hoặc lừa đảo yêu thương nhau bằng hình thức trực tiếp hoặc là qua mạng xã hội, nên rất khó phát hiện.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/prosecuting-and-arresting-organizers-who-illegally-sent-laborers-to-germany-11192019074600.html

Hàng trăm công nhân công ty sản xuất giày da Lợi Tín

nhập viện vì ngạt khí CO2

Khoảng 100 công nhân công ty sản xuất giày da Lợi Tín (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) phải nhập viện từ chiều ngày 14/11 đến sáng 18/11 với biểu hiện bị ngộ độc CO2 như mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, ngất xỉu.
Truyền thông trong nước loan tin hôm 19/11 trích lời một lãnh đạo huyện Lập Thạch nói Sở y tế tỉnh Vĩnh Phúc và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã lấy mẫu xét nghiệm và cho biết nguyên nhân ban đầu xác định là do ngạt khí CO2 trong xí nghiệp.
Tình trạng công nhân công ty Lợi Tín phải đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Lập Thạch đã xảy ra từ chiểu 14/11 nhưng công ty này bị nói vẫn tiếp tục hoạt động dẫn đến tình trạng số lượng người nhập viện tăng cao.
Sau khi có thêm 10 công nhân phải nhập viện vào sáng 18/11, hàng trăm công nhân công ty Lợi Tín đã đình công, dừng làm việc vào buổi chiều cùng ngày để yêu cầu lãnh đạo làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Báo trong nước nói đại diện công ty Lợi Tín đã đối thoại với các công nhân, cho họ nghỉ làm vào chiều ngày 18, ngày 19 và được hưởng chế độ lương bình thường.
Công ty Lợi Tín được nói sẽ chi trả lương cho công nhân đang nằm viện nếu hồ sơ bệnh án có liên quan đến môi trường làm việc, cũng như kết luận chính thức của cơ quan chức năng. Công ty này cũng hứa sẽ chịu trách nhiệm nếu tiếp tục để xảy ra vấn đề sức khỏe công nhân liên quan đến môi trường nhà xưởng.
Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc, Công an huyện Lập thạch và các cơ quan chức năng liên quan hiện vẫn đang tiến hành điều tra vụ việc.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hundreds-of-workers-of-shoes-manufactory-loi-tin-hospitalized-11192019074959.html

Bị trục xuất từ Mỹ,

 ông Hà Văn Thành bị bắt về cáo buộc buôn người

Tin từ Nghệ An: Sau khi bị Chính phủ Mỹ từ chối cấp quy chế tỵ nạn chính trị và trục xuất về Việt Nam, ông Hà Văn Thành, một người từng tham gia biểu tình phản đối Formosa, đã bị an ninh cộng sản Việt Nam bắt giữ để điều tra về cáo buộc buôn người.
Ngay khi nhập cảnh từ cửa khẩu phi trường Nội Bài cuối tháng 10, ông Thành đã bị công an câu lưu rồi đưa về Nghệ An, nơi ông chính thức bị điều tra về cáo buộc “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép” theo Điều 349 của Bộ luật Hình sự với mức án từ 5 đến 10 năm tù giam.
Trong bản tin thời sự của ANTV gần đây, ông Thành bị cho là đã thú nhận tham gia đường dây đưa người đi lao động từ Việt Nam sang New Zealand và Lào, Thái Lan, và Indonesia là các điểm đến trung gian. Cụ thể, ông Thành đưa 41 người từ Lào sang Thái Lan và chuyển sang cho Indonesia và hưởng 1,000 Mỹ kim/1 người. Tuy nhiên, nhóm người này bị nhà chức trách Indonesia đã bắt giữ toàn bộ và trục xuất về Việt Nam.
Ông Thành khai sau khi nhóm người kia bị bắt thì ông đã trốn sang Hoa Kỳ để xin tỵ nạn chính trị nhưng bị Chính quyền của Tổng thống Donald Trump từ chối, trục xuất ông về Việt Nam ngày 23/10. Trong các buổi hỏi cung dường như không có luật sư nên không rõ ông Thành có bị ép cung hay không.
Nhà cầm quyền Nghệ An đang bị sức ép dư luận rất lớn sau khi 25 trong tổng số 39 người vượt biên lậu chết trong thùng xe container ở Essex đến từ tỉnh này. Công an tỉnh Nghệ An đang muốn tìm vài người chịu trách nhiệm. Và ông Thành là một trong nhiều vật tế thần, đặc biệt ông đã từng tham gia biểu tình phản đối Formosa năm 2016, nên việc bỏ tù ông sẽ là một mũi tên trúng hai đích.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/bi-truc-xuat-tu-my-ong-ha-van-thanh-bi-bat-ve-cao-buoc-buon-nguoi/

Bộ Ngoại giao VN: Gia đình phải trả chi phí

đưa 39 nạn nhân ở Essex về nước

Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi công văn hôm 14/11 đến các tỉnh thành có liên quan để “phối hợp, giải quyết” việc đưa thi hài hoặc tro cốt của 39 người thiệt mạng ở Anh về nước, trong đó nêu rõ các gia đình nạn nhân “sẽ phải tự thanh toán các chi phí” để đưa thi thể hoặc tro của nạn nhân về quê nhà.
Thông tin trên được các trang tin của VOV và VietnamNet xác nhận hôm 19/11 với các quan chức địa phương ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, những nơi có nhiều nạn nhân nhất. Các tỉnh thành khác cũng có công dân bị thiệt mạng ở Anh gồm Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Hải Phòng và Hải Dương.
Theo tin của VOV và VietnamNet, trong văn bản gửi các địa phương, Bộ Ngoại giao cung cấp thông tin về chi phí đưa thi hài trong quan tài bằng kẽm từ Anh về đến sân bay Nội Bài, Hà Nội, là 2.208 bảng Anh, tương đương 66 triệu đồng; còn chi phí đưa 1 lọ tro với quãng đường vận chuyển tương tự là 1.370 bảng Anh, tương đương 41,1 triệu đồng.
Các con số này thấp hơn nhiều lần so với mức do ông Dũng Taylor, một bầu show ở Little Saigon, bang California hay làm việc thiện nguyện, nói với VOA cách đây ít ngày.
Ông Dũng Taylor đã đến tận hiện trường vụ án mạng bên Anh để tìm hiểu về thảm kịch này và nói với VOA trong một cuộc phỏng vấn rằng “chi phí để đưa thi thể từ Anh về Việt Nam dao động từ 8.000 đến 15.000 bảng Anh cho một thi thể, tùy vào đi bằng hòm sắt – rẻ hơn – hay bằng hòm gỗ kín lại hết”.
Hiện tại, Bộ Ngoại giao Việt Nam đề nghị các địa phương “khẩn trương lấy ý kiến, nguyện vọng của các gia đình”, theo tin trên báo chí Việt Nam.
Công văn của bộ nêu rõ các gia đình “thanh toán” hoặc “cam kết hoàn trả các chi phí” nếu là trường hợp họ phải “xin chính quyền tạm ứng” sau khi họ nhận được thi hài hoặc lọ tro của người thân.
Bản tin của VOV dẫn lời ông Bùi Huy Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, cho biết trong sáng 19/11 các cơ quan hữu quan họp với 5 gia đình tại xã Thiên Lộc và được biết cả 5 gia đình này “đều mong muốn đưa thi hài của các nạn nhân về quê nhà”.
Nói với VietnamNet, ông Nguyễn Đình Gia, bố của nạn nhân Nguyễn Đình Lượng ở Can Lộc, Hà Tĩnh, cho hay: “Gia đình phải đóng chi phí hơn 66 triệu đồng để đưa thi hài của con về nước” và vì gia đình ông hoàn cảnh khó khăn nên “mong được các nhà hảo tâm hỗ trợ thêm kinh phí để đưa thi hài con trai về quê sớm nhất”.
Trong số 39 người thiệt mạng có 10 người Hà Tĩnh, 21 người Nghệ An. Các nạn nhân gồm 31 người đàn ông và 8 phụ nữ bị phát hiện đã chết hôm 23/10 tại một khu công nghiệp ở Essex, trong một xe container đông lạnh, đi đến từ Zeebrugge, Bỉ.
Theo danh sách được nhà chức trách hai nước Việt Nam và Anh công bố, có hai nạn nhân trẻ nhất mới 15 tuổi, người lớn tuổi nhất là 44 tuổi, phần đông trong độ tuổi từ 18 đến 30.
https://www.voatiengviet.com/a/bo-ngoai-giao-vn-gia-dinh-phai-tra-chi-phi-dua-39-nan-nhan-o-essex-ve-nuoc/5172215.html

Vụ 39 tử thi: Nhiều nhà

nhờ chính phủ VN ứng phí đưa thi thể

Một số gia đình nạn nhân trong vụ 39 người chết trong xe container đông lạnh ở Anh quốc, đã ký giấy ủy quyền cho các cơ quan chức năng lo hậu sự cho người thân và cam kết sẽ hoàn trả chi phí mà chính phủ Việt Nam ứng trước.
Cho tới chiều ngày 19/11, một số gia đình ở Nghệ An và Hà Tĩnh nói với BBC họ đã gặp chính quyền địa phương và được cho hai phương án – đưa thi hài hoặc đưa lọ tro về Việt Nam với hai mức phí khác nhau.
Mức phí ‘đã được hỗ trợ 50%’ để đưa thi hài từ Anh Quốc về sân bay Nội Bài sẽ là 66.240.000 đồng và đưa tro cốt về là 41.100.000 đồng, ba gia đình cho BBC biết.
Nhiều gia đình Hà Tĩnh ‘rút đơn xin nhận tro cốt’
Nghề trồng cần sa lậu ở châu Âu và người Việt
‘Áp lực lớn’ buộc VN vẫn phải tiếp tục xuất khẩu lao động và di dân
Họ nói họ được cho lựa chọn phương án trả ngay chi phí này, hoặc được nhà nước ứng trước và gia đình hoàn lại sau.
Mười ngày trước, nhiều gia đình ở Hà Tĩnh đã được chính quyền vận động ký vào đơn xin nhận tro cốt, nhưng sau đó rút đơn lại vì muốn nhìn mặt con em mình lần cuối.
Mẫu giấy ủy quyền mà BBC được xem có đoạn viết:
“Đại diện gia đình, tôi xin đề nghị được hỗ trợ, giúp đỡ với nội dung sau:
Nhất trí ủy quyền cho Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh thay mặt gia đình chúng tôi làm tất cả các thủ tục cần thiết để đưa thi hài/lọ tro về Việt Nam.
Gia đình tôi ủy quyền cho các cơ quan chức năng liên quan hỗ trợ đưa thi hài/lọ tro người thân tử vong tại Anh về nước và gia đình xin tiếp nhận thi hài/lọ tro tại địa phương.”
Chống buôn người ở VN: ‘Không gì tốt hơn giáo dục’
Người Việt ở Anh: Lỗ hổng thiên đàng và căn bệnh mãn tính
Phần cuối của giấy ủy quyền cũng viết:
“Tôi và gia đình đã đọc rõ, hiểu kỹ, hoàn toàn tự nguyện, không bị ép buộc và hiểu rõ quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của mình, hậu quả pháp lý của việc ủy quyền này và cam kết thực hiện đầy đủ những nội dung đã ghi trong Giấy ủy quyền này.”
Từ lời kể của các gia đình nạn nhân, dường như chính quyền các địa phương có lời giải thích khác nhau về sự hỗ trợ của chính phủ hai nước trong việc đưa các nạn nhân về Việt Nam.
‘Có hỗ trợ của chính phủ Anh và Việt Nam’
Ông Hoàng Văn Hoa, cha của nạn nhân 18 tuổi Trần Thị Mai Nhung, ở Diễn Châu, Nghệ An, cho BBC biết sáng 19/11, chính quyền địa phương đưa cho gia đình ông giấy để ký vào, ủy quyền cho Sứ quán Việt Nam tại Anh quốc làm thủ tục để đưa thi hài con gái ông về.
Ông cũng nói gia đình đã ký vào giấy cam kết về chuyện chi phí, được đánh máy sẵn “theo mẫu rõ ràng của Sở Ngoại vụ, và Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi về”.
“Họ nói là phải nộp 66.240.000 đồng cái tiền đó. Gia đình cũng đồng ý ký vô để đưa thi hài của cháu về.
“Họ cũng nói là giá này là đã có hỗ trợ của bên Anh và bên Việt Nam rồi. Gia đình chỉ cần bỏ từng đó tiền là họ đưa về sân bay Nội Bài,” ông Hoa nói với BBC qua điện thoại.
Ông cũng cho biết là gia đình ông xin ký nợ của nhà nước vì ‘hoàn cảnh khó khăn không có tiền để nộp liền’.
‘Bây giờ phải bán đất bán nhà mà trả nợ chứ sao. Con tôi đã mất rồi thì phải trả nợ chứ biết kêu ai,” ông Hoa nói.
“Cháu về chậm ngày nào thì gia đình đau khổ ngày đó nên mong làm sao cho cháu về càng sớm càng tốt. Vợ tôi ngày nào cũng phải tiêm, phải truyền, không ăn được, nằm liệt gường liệt chiếu rồi.
“Sợ có khi đưa con về nhà thì mẹ đã chết rồi.”
‘Không nói rõ ai hỗ trợ’
Chị Võ Thị Hồng, chị gái của nạn nhân Võ Nhân Du, 19 tuổi, ở xã Thiên Lộc, huyện Thiên Lộc, tỉnh Hà Tĩnh nói cho biết gia đình chị cũng đã ký giấy ủy quyền và xin nhà nước ứng trước chi phí.
“Hôm nay gia đình có lên gặp chính quyền địa phương, họ đưa ra hai phương án với hai mức phí: đưa thi hài về thì mức vì mức phí là 66.240.000 đồng và đưa tro cốt về thì mức phí là 41.100.000 đồng.
“Người ta giải thích là đây là mức giá đưa từ ở bên kia về tới sân bay ở bên Việt Nam và họ hỗ trợ cho 50%. Người ta cũng không nói ‘họ’ là ai, chị Hồng nói với BBC qua điện thoại chiều 19/11.
“Đó là mức phí từ bên Anh về Nội Bài, còn mức phí từ Nội Bài về nhà thì nghe người ta nói là có thể phát sinh và còn phải hơn như thế nữa.”
Chị Hồng cho biết ngoài gia đình chị còn có bốn gia đình khác cũng được mời lên UBND xã sáng 19/11, và cả năm gia đình cùng ký vào giấy ủy quyền.
Có nguyện vọng được đưa thi hài em Du về quê, gia đình đã ký giấy cam kết sẽ trả lại chi phí mà chính phủ ứng trước, chị Hồng kể.
“Nhà nước đứng ra lo xong lúc nào xong công việc thì gia đình mình sẽ đi vay mượn chi trả cho nhà nước.
“Gia đình thì không có tiền tại vì tiền vay mượn để cho em đi rồi sổ đỏ là cầm cố hết rồi.”
‘Phía Anh từ chối hỗ trợ’
Ông Hoàng Văn Hải, cha của nạn nhân 24 tuổi Hoàng Văn Hợi, cho BBC biết cách đây vài ngày lãnh đạo và công an huyện Yên Thành, Nghệ An, có về làm việc với gia đình ông.
Ông cho biết gia đình ông nhất trí với chính quyền sẽ đưa tro cốt con trai về “để cho nó nhanh và đảm bảo vệ sinh môi trường”, nhưng “chưa thấy nói gì về chi phí”.
“Hôm Phó Chủ tịch huyện và Công an huyện về, tôi hỏi họ có công văn hay văn bản gì của chính phủ thì cho tôi xem chút. Thì ông ấy nói là đây là đang làm bí mật nên chỉ có trích một đoạn của công văn nói nước Anh từ chối hỗ trợ đưa thi hài về nước,” ông Hải nói.
“Chính quyền nói nếu mà vội [đưa cháu về] thì cứ sang bên Anh mà đem về. Thì mọi chi phí tài chính là gia đình phải chịu.”
Ông Hải cũng cho biết gia đình ông đang gặp khó khăn lớn về tài chính vì “bao nhiêu tiền thì dồn vào cho cháu đi rồi.”
“Cho tới giờ phút này gia đình rất là mỏi mòn rồi, tất cả bà con rất là mỏi mòn rồi, nhưng không có một thông tin nào về khi nào [thi thể/tro cốt] về cả,” ông Hải cho biết.
Danh tính 39 nạn nhân xấu số được Cảnh sát hạt Essex và Bộ Công an Việt Nam đồng thời công bố hôm 9/11.
Cho tới nay, vẫn chưa có thông tin chính thức nào từ chính phủ Việt Nam và Anh Quốc về sự hỗ trợ cho các gia đình đưa người thân về.
Từ 10/11, các tin tức về vụ việc 39 người tử nạn tại Anh Quốc vắng bóng trên truyền thông chính thống Việt Nam.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50474274

Bị câu lưu tại VN vì đeo quá nhiều vàng,

Ca sĩ nhạc rap nổi tiếng thế giới Lil Jon vừa gặp một “tai nạn” hi hữu trong chuyến lưu diễn Việt Nam, khi anh bị hải quan sân bay Tân Sơn Nhất giữ lại nhiều giờ đồng hồ vì đeo trên người số lượng vàng trị giá đến 400.000 đôla.
Trước đó, ngôi sao nhạc rap đã biểu diễn ở câu lạc bộ Envy tại Sài Gòn mà không gặp trở ngại gì cho tới khi anh ra phi trường.
Lil Jon cho TMZ biết rằng anh đã bị giữ lại tại sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 6 tiếng đồng hồ hôm 16/11 và bị tịch thu toàn số trang sức đeo trên người.
Ngôi sao nhạc rap nói anh không hề biết có quy định rằng phải khai báo với hải quan nếu mang theo trang sức trị giá trên 12.000 đôla.
Ngoài nổi tiếng về tài hát rap, chàng ca sĩ Mỹ từng đoạt giải Grammy còn được biết tiếng về sở thích đeo rất nhiều trang sức cồng kềnh, hào nhoáng.
Nhưng khi đến Việt Nam, Lil Jon đã bị câu lưu vì “các quan chức chính quyền cần tìm hiểu xem anh ta đeo cái quái gì trên người”, TMZ nói.
Sau khi nhận thấy tình hình không ổn, Lil Jon đã phải cầu cứu Đại sứ quán Mỹ để xin trợ giúp.
Hai nhân viên của Đại sứ đã được cử đến để chứng nhận và làm việc với các quan chức Việt Nam.
Sau đó, rappler người Mỹ đã được trả lại toàn bộ số trang sức và không bị phạt gì nhờ “mối quan hệ thiện chí với Mỹ”, vẫn theo TMZ.
CEO Sujit Kundu của SKAM Artist, người đã có mặt cùng với Lil Jon lúc đó, cho TMZ biết thêm rằng: “Mọi người đều rất lịch sự dù trong tình huống bị giam giữ. Hôm đó đúng là một ngày căng thẳng… nhưng sau nhiều giờ ở sân bay, cuối cùng chúng tôi cũng có thể rời đi, anh ấy được thả ra và chúng tôi hạ cánh ở Hong Kong lúc 11 giờ tối, đến Macao vào khoảng 12:30 sáng và Jon đã lên sân khấu kịp giờ, vào lúc 2 giờ sáng!”
Ngôi sao nhạc rap nói anh muốn gửi lời cám ơn Đại sứ quán Mỹ và Việt Nam đã du di cho trường hợp của mình.
“Thật tuyệt khi biết rằng bất kể tôi có du hành ở đâu trên thế giới, nếu có chuyện gì xảy ra… Đại sứ quán Hoa Kỳ cũng đưa công dân của họ trở về! Tôi rất biết ơn họ”, TMZ dẫn lời chàng ca sĩ người Mỹ nói.
Từng đến Hà Nội biểu diễn trước đây, lần này “ông vua nhạc crunk rap” được mời đến Sài Gòn để mở màn cho mùa lễ hội âm nhạc do Envy Club tổ chức.
https://www.voatiengviet.com/a/b%E1%BB%8B-c%C3%A2u-l%C6%B0u-t%E1%BA%A1i-vn-v%C3%AC-%C4%91eo-qu%C3%A1-nhi%E1%BB%81u-v%C3%A0ng-rapper-qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF-c%E1%BA%A7u-c%E1%BB%A9u-%C4%91%E1%BA%A1i-s%E1%BB%A9-qu%C3%A1n-m%E1%BB%B9/5172268.html

Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam- Đài Loan

 phát hiện hơn 190 kilogram heroin

Chiến dịch phối hợp giữa lực lượng chức năng Việt Nam và Đài Loan vừa bắt giữ được tổng cộng hơn 190 kilogram heroin. Đây là khối lượng heroin lớn nhất bị phát hiện theo thỏa thuận phối hợp chống tội phạm và buôn lậu ma túygiữa hai phía Hà Nội và Đài Bắc.
Mạng báo CNA của Đài Loan đưa tin vào ngày 19 tháng 11 dẫn nguồn từ Văn phòng Công Tố Cao Hùng như vừa nêu.
Văn phòng này cho biết họ nhận được tin báo về một đường dây vận chuyển ma túy giấu trong một container từ Việt Nam sang Đài Loan.  Cơ quan chức năng tiến hành cuộc truy kích hôm 16 tháng 10. Ban đầu phát hiện 26 kilogram heroin trong container. Hai người bị bắt giữ vì có dính líu.
Sau đó dựa theo thông tin từ các nghi phạm, cơ quan chức năng bắt đầu phối hợp với phía Việt Nam và lần ra được dấu vết của bọn buôn lậu. Nhờ đó các điều tra viên Việt Nam  phát hiện được 502 bánh heroin cân nặng tổng cộng 169 kilogram thuộc đường dây vừa nêu giấu tại một nhà kho ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Công tác điều tra về đường dây này vẫn được tiếp tục để phát hiện thêm những thành viên khác trong nhóm tội phạm.
Thỏa thuận phối hợp chống tội phạm và buôn lậu ma túy giữa Việt Nam và Đài Loan được ký vào năm 2014
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-taiwan-co-he-11192019080320.html

6 người Việt mất tích, tàu cháy ở Hàn Quốc

Nhiều người Việt mất tích sau khi một tàu đánh cá bốc cháy gần đảo Jeju, Hàn Quốc sáng 19/11.
Hàn Quốc và điều bí ẩn về ‘bụi mịn’
Lật thuyền Budapest: Seoul cử đoàn sang cứu trợ
Một người đã chết, và 11 người khác mất tích.
Theo giới chức Hàn Quốc, trên tàu đánh cá 29 tấn có sáu thuyền viên Hàn và sáu người Việt.
Lực lượng cứu hộ phát hiện một thuyền viên 60 tuổi, cách hiện trường khoảng 7,4 km.
Người Hàn Quốc này, không mặc áo phao, được đưa tới bệnh viện trên đảo nhưng sau đó đã tử vong.
Báo chí Việt Nam dẫn lời Ban Quản lý Lao động Việt Nam tại Hàn Quốc cho hay các thuyền viên Việt Nam mất tích gồm Nguyễn Văn Công (sinh năm 1987), Nguyễn Ngọc Lợi (sinh năm 1995), Nguyễn Tiến Ninh (sinh năm 1987), Nguyễn Văn Thủy (sinh năm 1994), Nguyễn Văn Phúc (sinh năm 1988) và Nguyễn Văn Viễn (sinh năm 1974).
Tổng thống Moon Jae-in đã chỉ đạo cơ quan chức năng nỗ lực tìm kiếm nạn nhân.
Ông Moon cũng yêu cầu thông báo đến gia đình các nạn nhân về tiến độ công tác tìm kiếm.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50475105

Đà Nẵng: Điểm ‘nhắm’ của người Trung Quốc?

Cơ quan chức năng phát hiện, dân e dè
Căn nhà số 2 đường Phạm Văn Tráng ở thành phố Đà Nẵng là nơi Công an quận Liên Chiểu phát hiện 2 người Trung Quốc ở chui vào đêm ngày mùng 5 tháng 11.
Truyền thông quốc nội vào ngày 8/11 cho biết vụ việc vừa nêu, đồng thời cho biết thêm trước đó một tháng, vào tối ngày 8/10, lực lượng chức năng thành phố Đà Nẵng cũng phát hiện 10 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép bằng đường bộ và không khai báo lưu trú theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Phóng viên Đài RFA đến khu vực đường Phạm Văn Tráng để hỏi thăm người dân địa phương về thông tin liên quan người Trung Quốc bị phát hiện ở chui. Một người dân không muốn nêu tên trả lời không rõ gì về thực tế đó:
Tại vì mình đâu có biết đâu. Đâu có nghe nói người Trung Quốc ở thuê chi đâu.”
Ở đây người dân không biết vụ người Trung Quốc bị bắt vì bị bắt ban đêm. Bị bắt rồi mấy ngày sau thì vẫn hoạt động bình thường, chứ có chi đâu
-Bà Trần Thị Ly
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận mặc dù truyền thông trong nước liên tục đăng tải thông tin tội phạm Trung Quốc tại thành phố được mệnh danh là ‘thành phố đáng sống nhất nhất Việt Nam’ ngày càng gia tăng
qua việc đến  tạm trú bất hợp pháp để tổ chức cá độ, đánh bạc qua mạng, kinh doanh trái phép, và cả thao túng chứng khoán, tội phạm công nghệ cao…nhưng cũng như người dân chúng tôi vừa nói chuyện tại đường Phạm Văn Tráng, một người dân khu vực đường Trần Văn Dư, là nơi người Trung Quốc tập trung nhiều nhất, bà Trần Thị Ly cho biết không để ý lắm trước làn sóng du khách đến tham quan quá đỗi đông đúc mỗi ngày.
“Ở đây người dân không biết vụ người Trung Quốc bị bắt vì bị bắt ban đêm. Bị bắt rồi mấy ngày sau thì vẫn hoạt động bình thường, chứ có chi đâu.”
Chúng tôi liên lạc với trụ sở Công an quận Liên Chiểu qua điện thoại để hỏi thêm thông tin về việc xử lý hai người Trung Quốc bị phát hiện ở chui diễn tiến ra sao, cũng như công tác tuyên truyền cho người dân cảnh giác về tội phạm người Trung Quốc ở địa phương như thế nào và được người trực ban trả lời:
“Muốn biết như thế nào thì gặp trực tiếp gặp đồng chí chánh văn phòng. Còn chúng tôi trực ở đây thì nhận tin báo liên quan đến an ninh trật tự thôi.”
Người trực ban tại đồn Công an quận Liên Chiểu nói thêm rằng khi người dân địa phương phát hiện những khả nghi thì có thể báo trực tiếp với công an khu vực:
“Quyền của cá nhân công dân thì họ thấy những vụ việc nào liên quan đến an ninh trật tự nào thì họ báo thôi. Còn việc đúng, sai như thế nào thì do cơ quan kiểm tra, xử lý.”
Theo ghi nhận của RFA, một chủ nhà cho thuê còn nêu ra thủ tục nhiêu khê từ phía chính quyền:
“Tôi đủ điều kiện để cho người nước ngoài thuê nhưng tôi không cho người nước ngoài thuê. Tại vì nhiều thủ tục phiền lắm, an ninh đủ thứ…rắc rối với chính quyền lắm. Nói chung là người nước ngoài thì không cho thuê.”
Chính quyền cam kết, dân lo lắng
Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, 7 tháng đầu năm 2019 tổng lượng khách du lịch đến Đà Nẵng ước đạt hơn 5 triệu lượt người, tăng 8.5% so với cùng kỳ năm 2018. Du khách Trung Quốc đến Đà Nẵng trong 7 tháng đầu năm nay gần 500 ngàn lượt, tăng 18%. Song song đó, Chính quyền Đà Nẵng vào hôm 15/10 thông báo rằng tính đến thời điểm công bố có hơn 400 người Trung Quốc ở Đà Nẵng có dấu hiệu vi phạm pháp luật được trả về Hoa Lục; trong đó có 35 người đang bị truy nã, 20 người từng phạm pháp hình sự.
Một trong những vụ việc liên quan tội phạm Trung Quốc ở Đà Nẵng mới nhất gây bức xúc trong dư luận là Công an thành phố Đà Nẵng, hồi trung tuần tháng 9, đã bắt giữ 5 người có quốc tịch Trung Quốc thuê các em gái tuổi vị thành thanh niên đóng phim sex, quay và phát trực tiếp các clip kích dục và tải lên mạng xã hội ở Trung Quốc.
Nhiều lúc tôi là người ở Đà Nẵng cũng bức xúc tại vì họ qua đây không đem lại lợi nhuận nhiều cho ngành du lịch mà còn lợi dụng du lịch để làm những điều gây ra tệ nạn xã hội, làm mất đi thẩm mỹ của Đà Nẵng và ngành du lịch của Đà Nẵng
-Anh Vũ
Anh Vũ, một tài xế lái xe taxi ở Đà Nẵng bày tỏ với Đài Á Châu Tự Do:
“Nhiều lúc tôi là người ở Đà Nẵng cũng bức xúc tại vì họ qua đây không đem lại lợi nhuận nhiều cho ngành du lịch mà còn lợi dụng du lịch để làm những điều gây ra tệ nạn xã hội, làm mất đi thẩm mỹ của Đà Nẵng và ngành du lịch của Đà Nẵng.”
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng hồi hạ tuần tháng 9 mạnh mẽ tuyên bố rằng Đà Nẵng cần hết sức chú trọng tội phạm người nước ngoài. Riêng Đà Nẵng sẽ chọn vụ nhóm tội phạm Trung Quốc dụ dỗ trẻ em đóng phim người lớn là vụ án điểm để đưa ra xét xử lưu động nhằm đảm bảo tính răn đe đối với tội phạm người nước ngoài vào Đà Nẵng. Một số người dân Đà Nẵng Đài RFA có dịp trao đổi đều khẳng định ủng hộ ông chủ tịch thành phố Đà Nẵng là cần phải xét xử với những bản án nghiêm khắc nhất.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/chinese-crime-in-danang-what-the-local-people-say-11182019140023.html

Hạn hán tại hạ lưu Sông Mê kong dự kiến

xảy ra nghiêm trọng từ nay đến đầu sang năm

Ủy hội sông Mekong vào ngày 19/11 đưa ra dự báo hạn hán từ nghiêm trọng đến cực đoan có thể xuất hiện tại khu vực hạ lưu sông Mekong từ nay đến đầu năm 2020. Theo dự báo Thái Lan và Campuchia có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Theo tiến sĩ Lâm Hùng Sơn, Giám đốc Trung tâm Quản lý Lũ lụt và Hạn hán Khu vực thuộc Ban thư ký Ủy hội sông Mekong khẳng định với truyền thông rằng, tình hình điều kiện thời tiết khô hạn kéo dài có thể tác động tiêu cực tới sản xuất nông nghiệp và các mùa vụ. Nếu tình trạng hạn hán tiếp tục thì việc thiếu nước tiêu dùng chắc chắn sẽ xảy ra.
Nguyên nhân được đưa ra do lượng mưa thấp trong mùa mưa, mưa gió mùa bắt đầu chậm và kết thức rất sớm và do hiện tượng El Nino làm nhiệt độ cao bất thường làm nước bốc hơi với lượng vô cùng lớn. Do đó, dự kiến hạn hán sẽ diễn ra nghiêm trọng từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 1 năm 2020 và dự kiến sẽ có mưa trở lại vào tuần thứ 2 của tháng 1/2020.
Cũng theo Ủy hội sông Mekong trong năm 2019 mực nước sông Mekong đã xuống thấp nhất trong vòng 60 năm qua và lượng dòng chảy cực kỳ thấp kể từ tháng 6/2019.
Ủy hội sông Mekong là cơ quan liên chính phủ thúc đẩy, điều phối việc quản lý tài nguyên nước trên sông Mekong một cách bền vững. Các thành viên của tổ chức này bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-drought-is-expected-to-be-serious-in-coming-two-months-11192019080156.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.