Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 19/11/2019

Tuesday, November 19, 2019 6:03:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 19/11/2019

Trung Cộng lại đưa tàu nghiên cứu

vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam ở Biển Đông

Tin từ Việt Nam: Trung Cộng lại đưa tàu Hải dương Địa chất 9 (Hai Yang Di Zhi Jiu Hao) vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông, chưa đầy 1 tháng sau khi rút tàu khảo sát Hải dương Địa chất 8 khỏi khu vực này.
Theo nguồn tin của nhà báo độc lập Lê Nguyễn Hương Trà, tàu Hải dương Địa chất 9 rời Quảng Châu vào ngày 16/11, và tới sáng 18/11 (giờ Việt Nam), chiếc tàu này chỉ còn cách bờ biển Phú Yên là 130 hải lý (240 km). Vào chiều 18/11, Hải Dương Địa Chất 9 di chuyển theo hướng Tây Nam và đã đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông.
Hải dương Địa chất 9 rời là tàu nghiên cứu địa chất toàn diện mới nhất của Trung Cộng, có tải trọng 5.178 tấn, với kích thước 87,07m × 17m. Tàu này được hoàn thành năm 2017 và từng có chuyến khảo sát kéo dài 258 ngày.
Xin nhắc lại là Trung Cộng đã đưa Hải dương Địa chất 8 vào khu vực bãi Tứ Chính và vùng biển lân cận, nhiều khi chỉ cách bờ biển của Việt Nam gần 180 km trong thời gian từ đầu tháng 7 đến tháng 10.
Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền gần trọn Biển Đông qua đường đứt khúc 9 đoạn mặc dù Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye tuyên vô hiệu vào tháng 7 năm 2016, và thực hiện nhiều hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông trong nhiều năm qua.
Hoa Kỳ cáo buộc Trung Cộng tiến hành quân sự hóa tại Biển Đông và đe dọa các nước láng giềng trong hoạt động khai thác nguồn tài nguyên dầu khí. Thêm nữa, từ năm 2015 đến nay, Washington liên tục cho chiến hạm đi qua vùng 12 hải lý của một số đảo nhân tạo mà Trung Cộng dựng lên nhằm bảo đảm quyền tự do hàng hải tại khu vực biển có tuyến đường quan trọng đó của thế giới. Ngày 18/11, Trung Cộng kêu gọi Hoa Kỳ ngưng những hành động mà Bắc Kinh coilà mang tính “thị uy sức mạnh” ở vùng biển này.
Quốc Tuấn

“Lá chắn” bảo vệ hòa bình,

an ninh và ổn định ở Biển Đông

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng các quốc gia thành viên ASEAN cùng các bên đối thoại và đối tác họp Hội nghị thường niên ở Thái Lan cùng lo ngại sâu sắc về những căng thẳng ở Biển Đông, cho rằng thượng tôn pháp luật quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và tiến tới ký kết Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) là những “lá chắn” hiệu quả bảo vệ hòa bình, an ninh và ổn định trên vùng biển này.
Hội nghị thường niên của Bộ trưởng Quốc phòng các quốc gia ASEAN và với các nước đối tác, đối thoại gồm Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM Retreat) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) diễn ra trong hai ngày 17 và 18-11 tại Bangkok, Thái Lan. Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu tham dự hội nghị có chủ đề “An ninh bền vững” cùng Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên ASEAN và 8 nước đối thoại là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, New Zealand và Australia, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa.
Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, chủ quyền các nước
Với chủ đề chung “An ninh bền vững”, các Hội nghị ADMM Retreat và ADMM+ lần thứ sáu đã tập trung thảo luận về các nội dung chính là khái niệm an ninh bền vững nhằm tăng cường an ninh quốc phòng, thúc đẩy niềm tin và tăng cường hợp tác an ninh giữa ASEAN và các đối tác, đối thoại trên mọi phương diện. Các cuộc thảo luận cũng được tổ chức trong 7 lĩnh vực hợp tác giữa ASEAN với các nước đối tác và đối thoại, gồm hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, an ninh hàng hải, quân y, chống khủng bố, gìn giữ hòa bình, hoạt động nhân đạo và an ninh mạng.
Một nội dung bao trùm và xuyên suốt các ADMM Retreat và ADMM+ diễn ra ở Bangkok là những căng thẳng ở Biển Đông đang đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định vốn là điều sống còn với các quốc gia khu vực cũng như các quốc gia đối tác và đối thoại có lợi ích chiến lược gắn bó mật thiết với vùng biển này. Nhiều quan chức quốc phòng cấp cao tham dự các hội nghị đã lên tiếng phê phán, chỉ trích đích danh Trung Quốc với tham vọng đòi chủ quyền phi lý và phi pháp ở Biển Đông đã gây ra tình hình căng thẳng, đe dọa tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.
Trung Quốc thời gian qua đã khiến tất cả đều phải lo ngại sâu sắc khi ráo riết tiến hành các hoạt động quân sự ở Biển Đông khi bồi đắp các bãi đá ngầm và rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép từ năm 1988 thành các đảo nổi nhân tạo quy mô lớn, triển khai trên đó những trang thiết bị vũ khí hạng nặng như radar quân sự, tên lửa phòng không, tên lửa chống hạm, máy bay chiến đấu… Càng lo ngại hơn khi Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm sâu vào vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa của Việt Nam tại khu vực bãi Tư Chính ở phía Nam Biển Đông trong thời gian hơn 3 tháng, từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10-2019.
Những hành vi hung hăng và gây hấn của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” (còn gọi là “đường lưỡi bò” hay “đường 9 đoạn”) công bố năm 2009 và học thuyết “Tứ Sa” (gồm quần đảo Pratas, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và bãi ngầm Macclesfield mà Trung Quốc đặt bằng 4 cái tên lần lượt là Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa) công bố năm 2013 đã bị vạch rõ là sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) cũng như xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông. Điều này đã được khẳng định rõ ràng qua phán quyết bác bỏ mọi yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông mà Tòa trọng tài Thường trực quốc tế (PCA) đưa ra hồi tháng 7-2016 trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines.
Hợp tác chống những “hành động cưỡng ép và dọa nạt” ở Biển Đông
Những hành vi gây căng thẳng, đe dọa tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế, chủ quyền hợp pháp của các nước liên quan của Trung Quốc đã bị “điểm mặt chỉ tên” tại các Hội nghị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thường niên năm nay của ASEAN cùng các bên đối tác và đối thoại. Trong đó, tại cuộc họp với những người đồng cấp ASEAN ngày 17-11, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã chỉ trích mạnh mẽ những hành vi phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.
Ngay tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN+ (ADMM+ giữa ASEAN với các nước đối tác và đối thoại), ông Mark Esper vạch rõ, hành động của Trung Quốc không chỉ là mối đe dọa với các nước khác có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, mà còn với mọi quốc gia thương mại – những quốc gia tôn trọng tự do hàng hải, cũng như với các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp ở vùng biển này. Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định, những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, điển hình là “đường 9 đoạn” phi pháp, không chỉ trái pháp luật và phi lý, mà còn đi ngược lại phán quyết của PCA  tại Hague (Hà Lan) tháng 7-2016.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng chỉ trích điều mà ông cho là Trung Quốc đã “tăng cường sử dụng cái mà họ gọi là tàu dân quân biển” để xua đuổi thủy thủ và ngư dân các nước Philippines, Indonesia, Malaysia và Việt Nam, cũng như triển khai lực lượng Cảnh sát Biển để ngăn Việt Nam “khai thác dầu khí tự nhiên ở ngoài khơi bờ biển của họ”. Ông Mark Esper nhấn mạnh, thông qua các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại để khẳng định yêu sách “đường 9 đoạn” phi pháp, Trung Quốc đang cản trở các thành viên ASEAN tiếp cận các nguồn dự trữ năng lượng có trị giá hơn 2.500 tỷ USD, không những thế còn làm gia tăng bất ổn và rủi ro xung đột ở Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định, những hành vi hung hăng và gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông đã “đi ngược lại trật tự được thiết lập dựa trên các quy tắc mà tất cả chúng ta đã cùng nhau xây dựng trong suốt hơn 70 năm”, đồng thời đang tạo ra “một thách thức hàng hải đòi hỏi giải pháp”. Giải pháp này, ông Mark Esper nhấn mạnh, đó là việc Mỹ “tiếp tục triển khai máy bay, tàu và các chiến dịch ở bất cứ nơi đâu luật pháp quốc tế cho phép”. Cùng với đó, Mỹ cũng ủng hộ việc cùng hợp tác và “việc sử dụng hợp pháp không gian trên biển và trên không để chống lại những hành động cưỡng ép và dọa nạt” ở Biển Đông.
Tăng tốc đàm phán tấm “lá chắn” COC
Chia sẻ lo ngại sâu sắc về những căng thẳng ở Biển Đông ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác trong khu vực, các Bộ trưởng tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng thường niên năm nay ở Thái Lan đã nhất trí, phải thượng tôn pháp luật và giải quyết mọi tranh chấp bằng đàm phán hòa bình.
Trong đó, điều kiện tiên quyết là luật pháp quốc tế và chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là Công ước UNCLOS 1982, phải được tôn trọng; và thực thi và gìn giữ nghiêm túc luật pháp quốc tế là trách nhiệm và nghĩa vụ của tất cả các quốc gia trong và ngoài khu vực. Các Bộ trưởng cũng cho rằng, cần khẩn trương hoàn tất Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) vì đây là nhân tố quan trọng, một “tấm lá chắn” giúp duy trì và tạo dựng được hòa bình và ổn định ở khu vực.
Kết thúc hội nghị thường niên năm 2019, Việt Nam vào chiều 18-11 đã tiếp nhận chức Chủ tịch ADMM và ADMM+ từ nước chủ nhà Thái Lan. Cương vị này làm cơ sở cho việc tiếp tục triển khai các sáng kiến của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác quốc phòng ASEAN; đồng thời khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam đối với khu vực và thế giới thông qua hoạt động tại các diễn đàn đa phương cũng như thúc đẩy nỗ lực chung nhằm duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.
Đáng chú ý, trong cuộc họp báo ngày 18-11 về năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020, cho biết COC là một trong những chương trình nghị sự ưu tiên, cần đẩy đàm phán nhanh nhất có thể với tiến trình COC. Với tư cách Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ đóng góp đẩy nhanh tiến trình đàm phán COC, cả việc dành thêm thời gian cho việc đàm phán và cách thức phù hợp để đẩy nhanh tiến trình đàm phán hiệu quả hơn, đạt chất lượng cao hơn trong năm 2020.

Mỹ, Nhật Bản, Australia tiếp tục phản đối

hành vi phi pháp của TQ trên biển

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Australia Dennis Richardson phản đối hành vi của Trung Quốc thay đổi hiện trạng tại khu vực biển Hoa Đông và Biển Đông.
Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley, hai bên thống nhất quan điểm cùng tỏ ý lo ngại sâu sắc và phản đối hành vi thay đổi hiện trạng đơn phương của nước này tại khu vực biển Hoa Đông và Biển Đông, đồng thời mong muốn thúc đẩy mối quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ bởi khu vực Ấn Độ Dương tự do. Trước đó, Tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ Nhật Bản Koji Yamazaki đã hội đàm với Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley. Tại cuộc hội đàm hai bên trao đổi thẳng thắn về hành động đơn phương của Trung Quốc xâm phạm khu vực Biển Đông và Hoa Đông.
Trước đó, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục bất chấp luật pháp quốc tế để tiếp tục leo thang các hành động hung hăng trên Biển Đông, song vẫn tin tưởng vào sức mạnh của luật pháp quốc tế trong việc ngăn chặn những hành vi, tham vọng phi pháp. Vị cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ thẳng thắn cho rằng, các hoạt động phi pháp thời gian qua của Trung Quốc ở Biển
Đông, trong đó có việc đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 và các tàu hộ tống xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam ở phía Nam Biển Đông là sự vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); cho rằng, Trung Quốc rõ ràng đã phát đi tín hiệu về việc sẽ tăng cường các hoạt động ở trong khu vực “đường lưỡi bò” không chỉ với Việt Nam, mà còn với các bên khác cùng có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông như Malaysia, Philippines… Ông Kurt Campbell khuyến cáo, các nước liên quan ở Biển Đông cần phải thận trọng khi Trung Quốc gia tăng các hoạt động ở khu vực thuộc yêu sách chủ quyền đơn phương “đường lưỡi bò” và đòi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý cho các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép từ các thực thể chiếm đóng trái phép ở Biển Đông. Bên cạnh đó, ông Kurt Campbell cho rằng, cùng với việc duy trì tuân thủ luật pháp quốc tế cũng rất cần sự thể hiện đồng lòng của các nước liên quan trong vấn đề Biển Đông.
Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Australia Dennis Richardson cho rằng hải quân nước này nên tiến hành các cuộc diễn tập tự do hàng hải gần các thực thể nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép trên Biển Đông nhằm đẩy lùi tham vọng quân sự hóa của Bắc Kinh. Theo ông Dennis Richardson, Hải quân Australia không nên e ngại việc di chuyển trong phạm vi 12 hải lý gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép trên Biển Đông. Đây là các đảo Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố là lãnh thổ của mình, trong khi luật pháp quốc tế không công nhận. Australia nên tiến hành các cuộc diễn tập tự do hàng hải gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trên Biển Đông, coi đây là cách để đẩy lùi hành động quân sự hóa trái phép của Bắc Kinh tại vùng biển này. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Australia cho rằng các cuộc diễn tập có thể được tiến hành một cách độc lập, nhưng hạn chế phô trương để tránh vô cớ “chọc giận” Trung Quốc. Đây cũng là điều mà các nhà hoạch định chính sách Australia vẫn muốn tránh.
Cùng quan điểm trên, cựu đại sứ Australia tại Mỹ Richardson và là cựu lãnh đạo cơ quan tình báo nội địa của Australia, cũng kêu gọi cách tiếp cận cân bằng hơn trong mối quan hệ với Trung Quốc. Cách tiếp cận này nhằm đẩy lùi chiến dịch mở rộng ảnh hưởng bí mật của Trung Quốc tại Australia cũng như sự bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông, song cũng cần phải tránh quan điểm cho rằng bất kỳ người Trung Quốc nào có liên quan tới chính quyền Trung Quốc đều là đặc vụ nước ngoài.
Đáng chú ý, giới chuyên gia Mỹ cũng đưa ra một số nhận định tương tự, đồng thời kêu gọi Việt Nam cần liên minh với Mỹ để gìn giữ Biển Đông chống Trung Quốc. Trong một bài phân tích được tạp chí Mỹ The National Interest công bố hôm 07/11/2019 vừa qua, tiến sĩ Anders Corr, một chuyên gia về Biển Đông, từng hoạt động trong ngành quân báo tại bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, cho rằng để đối phó với dã tâm độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh, Việt Nam cần phải có một chiến lược thích ứng, trong đó yếu tố cực kỳ quan trọng là liên minh với Hoa Kỳ, nước duy nhất hiện nay có đủ lực để ngăn chặn Trung Quốc; cho rằng Việt Nam đang gặp nguy cơ thực sự vì trong những lần gây sự trước đây, từ vụ Hoàng Sa năm 1974, cho đến vụ Gạc Ma ở Trường Sa năm 1988, Trung Quốc luôn là kẻ gây sự trước và kết quả là Việt Nam “vừa bị mất người, vừa bị mất lãnh thổ”. Theo tác giả, lần này, nếu Trung Quốc thành công trong việc chiếm trọn vùng Biển Đông mà họ đã gói trong tấm bản đồ đường chín đoạn được gởi đến Liên Hiệp Quốc vào năm 2009, thì Việt Nam cùng với các nước Đông Nam Á khác có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông sẽ bị mất quyền đánh bắt cá và khai thác dầu khí ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Hơn thế nữa Việt Nam có nguy cơ bị cô lập trong đất liền khi Trung Quốc tiếp tục tăng cường các hoạt động nhằm kiểm soát đường biển đi vào Việt Nam. Tiến sĩ Anders Corr cho rằng để ngăn chặn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông, Việt Nam cần có một chiến lược mới trong đó có 4 thành tố quan trọng: Liên minh với các quốc gia có thể răn đe Trung Quốc ở mức cao nhất là răn đe hạt nhân, ví dụ như với Mỹ, Pháp và Anh; liên minh với các quốc gia có đủ năng lực triển khai nhanh chóng lực lượng quân sự thông thường (quy ước) để răn đe Trung Quốc, ví dụ như Hoa Kỳ; sử dụng thành quả tăng trưởng kinh tế để nâng cao mức chi tiêu quân sự để răn đe Trung Quốc ngay tại chỗ, ví dụ như thông qua việc mua thêm tàu ngầm, tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không; dân chủ hóa và cải thiện nhân quyền để tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên minh kinh tế và quân sự chặt chẽ hơn với các quốc gia ít chịu ảnh hưởng nhất của Trung Quốc.
Ngoài ra Tiến sĩ Anders Corr cho rằng Nga, Australia và Ấn có thể là đối tác chiến lược hữu ích cho Việt Nam, nhưng các nước đó không đủ khả năng làm một đối tác liên minh cốt lõi vì họ thiếu sức mạnh cần thiết để một mình đánh bại Trung Quốc. Nga có ghế trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và cả Nga lẫn Ấn Độ đều là các cường quốc hạt nhân có khả năng quan trọng để triển khai lực lượng quân sự thông thường đối phó với Trung Quốc, nhưng hai nước này không đủ sức mạnh về mặt kinh tế hay quân sự để đối đầu với Bắc Kinh. Cả hai đều là thành viên của Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải, trong thực tế do Trung Quốc lãnh đạo. Do đó, hai nước này không thể trở thành đồng minh cốt lõi đáng tin cậy cho Việt Nam. Trong khi đó, Australia là một đồng minh đáng tin cậy tiềm tàng, nhưng lại không có sức răn
đe hạt nhân hay quy ước cần thiết để đối đầu với Trung Quốc. Australia cũng không đặc biệt mạnh về mặt ngoại giao, quân đội Australia còn thiếu phương tiện so với Trung Quốc và nhất là Australia chịu ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc nhiều hơn là Mỹ, Pháp hoặc Anh Quốc. Khoảng 40,8% hàng xuất khẩu của Australia được bán sang Trung Quốc, điều đó giải thích tầm ảnh hưởng to lớn của Trung Quốc đối với các doanh nghiệp Úc vốn có ảnh hưởng trên sân khấu chính trị Australia.
Ngoài ra, ASEAN đã giúp đỡ rất ít cho Việt Nam trong bối cảnh các nước thành viên ngày càng chịu ảnh hưởng lớn hơn của Bắc Kinh và phủ quyết mọi chỉ trích thực sự về Trung Quốc. Các nước này chuẩn bị rất ít hay hầu như lơ là trong việc ngăn chặn các hoạt động gặm nhắm Biển Đông của Trung Quốc. Theo chuyên gia Mỹ, hiện nay Việt Nam là nước “bạo dạn” nhất trong khối ASEAN vẫn cố duy trì sự độc lập của mình đối với Trung Quốc, nhưng điều này đã bớt có ý nghĩa trong bối cảnh Trung Quốc có ảnh hưởng sâu rộng đối với thượng tầng quyền lực của Việt Nam và khối giao dịch thương mại to lớn của Việt Nam với Trung Quốc…
Trong tình hình hiện nay, theo tiến sĩ Anders Corr, một liên minh hoặc thậm chí một quan hệ sâu sắc hơn với Mỹ sẽ giúp Việt Nam củng cố tiềm năng chống lại Trung Quốc, cải thiện sức mạnh răn đe của Việt Nam nhờ dựa được vào một người bạn mạnh mẽ nếu xảy ra xung đột quân sự. Hiện chỉ có Mỹ mới có tất cả các điều kiện để trở thành một đồng minh cốt lõi đáng tin cậy và đủ sức chống lại Trung Quốc. Các điều kiện đó là một chính sách đối ngoại độc lập với ảnh hưởng của Trung Quốc (so với các thành viên ASEAN và Nga), một sức mạnh kinh tế cần thiết để trừng phạt Trung Quốc, một sức mạnh ngoại giao cần thiết để phủ quyết Trung Quốc tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Mỹ cũng có đủ khả năng quân sự cần thiết để triển khai sức mạnh quân sự quy ước đối phó với Trung Quốc, và sức răn đe hạt nhân cần thiết để bảo vệ chính mình khỏi sự trả đũa hạt nhân tiềm tàng của Trung Quốc. Chuyên gia Mỹ khẳng định, nếu không có Mỹ để làm đối trọng với Trung Quốc, an ninh Việt Nam không thể được bảo đảm. Sự tham gia của Mỹ là điều kiện thiết yếu cho bất kỳ liên minh hiệu quả nào chống lại Trung Quốc căn cứ vào tương quan lực lượng hiện tại.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.