Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 14/11/2019

Thursday, November 14, 2019 6:09:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 14/11/2019

Mỹ tái khẳng định cam kết bảo vệ Hàn Quốc

Một quan chức quân sự hàng đầu của Mỹ hôm 14/11 tái xác nhận rằng Hoa Kỳ sẵn sàng sư dụng “toàn bộ” khả năng của mình để bảo vệ Hàn Quốc trước bất kỳ một cuộc tấn công nào, theo Reuters.
Các quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ đang có mặt ở Seoul để tham dự cuộc họp thường niên, trong bối cảnh hai nước đối mặt với các mối đe dọa tăng cao của Triều Tiên nhằm phản đối các cuộc tập trận chung cũng như buộc Mỹ phải thay đối cách tiếp cận trong các cuộc đàm phán về việc phi hạt nhân hóa.
XEM THÊM:
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ thăm Việt Nam trong chuyến công du châu Á từ 13/11
Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đã gặp người đồng nhiệm Hàn Quốc, Tướng Park Han-ki hôm 14/11.
Reuters dẫn lời ông Milley nhấn mạnh trong một thông cáo báo chí công bố sau cuộc gặp về việc “tiếp tục cam kết cung cấp sự phòng thủ”.
Ngoài ra, vị tướng Mỹ này cũng được trích lời nói rằng “Hoa Kỳ vẫn sẵn sàng đáp trả bất kỳ một cuộc tấn công nào trên Bán đảo Triều Tiên” bằng cách “sử dụng toàn bộ các khả năng quân sự của Hoa Kỳ”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper thăm Seoul cuối ngày 14/11, trước khi diễn ra một cuộc gặp với người đồng nhiệm Hàn Quốc.
https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-t%C3%A1i-kh%E1%BA%B3ng-%C4%91%E1%BB%8Bnh-cam-k%E1%BA%BFt-b%E1%BA%A3o-v%E1%BB%87-h%C3%A0n-qu%E1%BB%91c/5165826.html

Hoạt động gián điệp của TQ và biện pháp đáp trả của Mỹ

Trong những năm gần đây, Trung Quốc được đánh giá là một trong những nước có hệ thống điệp viên phủ rộng khắp toàn cầu, chuyên thu thập, đánh cắp thông tin, bí mật của các nước nhằm phục vụ mưu đồ “phục hưng dân tộc Trung Hoa” của giới cầm quyền Bắc Kinh.
Hệ thống bộ máy tình báo của Trung Quốc
Bộ máy cơ quan tình báo Trung Quốc tương đối phức tạp, chia ra thành nhiều đơn vị hoạt động tác chiến độc lập:
Bộ An ninh quốc gia của Trung Quốc (MSS) là cơ quan tình báo chính thức duy nhất của chính phủ Trung Quốc, so với hệ thống tình báo khác của Trung Quốc thì cơ quan này có lịch sử tương đối ngắn. Cơ quan này chịu trách nhiệm về cả hoạt động tình báo đối ngoại lẫn phản gián. Ngoài Bộ An ninh Quốc gia (Trung Quốc gọi tắt là Quốc An Bộ), Cục 2 và Cục 3 của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc cũng tham gia hoạt động tình báo và phản gián, trong lĩnh vực quân sự. Hạ tầng tình báo của Trung Quốc là lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Nga. Cấu trúc tổ chức của Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc có hơi hướng của cơ quan KGB thời Liên Xô. Bộ này chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và Quốc vụ viện Trung Quốc (tức chính phủ Trung Quốc). Ban Chính trị học và Pháp luật của Đảng Cộng sản Trung Quốc giám sát hoạt động của bộ này. Về mặt nhân sự, MSS ưa dùng các điệp viên phi chuyên nghiệp, như là du khách, doanh nhân, viện sĩ, đặc biệt là sinh viên Trung Quốc học ở nước ngoài, và các chuyên gia Trung Quốc công nghệ cao làm việc ở hải ngoại và được tiếp cận các thiết bị công nghệ nhạy cảm. Trên phương diện tình báo đối nội, MSS chịu trách nhiệm theo dõi và tuyển dụng các doanh nhân, nhà nghiên cứu và các quan chức đến từ nước ngoài. Có nhiều dấu hiệu cho thấy MSS chủ yếu dùng các biện pháp theo dõi đối với các phần tử bất đồng chính kiến và các nhà báo nước ngoài. Tuy nhiên ở các bộ ngành, viện nghiên cứu và cơ sở quân sự-công nghiệp lớn đều có một mạng lưới theo dõi ngầm rất tinh vi. Người ta phát hiện có những thiết bị theo dõi, cả ghi hình và nghe lén, được gắn bí mật bên trong các khách sạn có đông người nước ngoài lui tới. Hoạt động tình báo bao gồm việc nói chuyện trực tiếp với các học giả nước ngoài sang Trung Quốc, thu thập thông tin trong một lĩnh vực cụ thể nào đó và tuyển điệp viên.
Trong khi đó, hệ thống tình báo quân đội có lịch sử lâu nhất, kinh nghiệm phong phú, thực lực cũng mạnh nhất, lịch sử của hệ thống tình báo này có thể truy ngược lại thời kỳ thành lập Hồng quân của Trung Quốc. Trước khi cải cách thể chế quân đội, lực lượng gián điệp chủ yếu là Bộ Tổng tham mưu 2 và Bộ Tổng tham mưu 3. Bộ tổng tham mưu 2 là gián điệp truyền thống, sau khi cải cách quân đội trở thành Cục tình báo của Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương. Hệ thống tình báo quân đội Trung Quốc còn có một cơ quan tên là Bộ Liên lạc Tổng chính trị, hiện là Cục Liên lạc công tác chính trị Quân ủy, đây vốn là bộ phận tình báo quân đội diễn biến thành và được giữ lại sau khi Bộ Tổng tham mưu liên lạc tái cơ cấu thành Bộ Điều tra Trung ương. Nó thuộc cơ quan tình báo của quân đội, chủ yếu là hoạt động gián điệp quân sự đối ngoại.
Trung Quốc còn có một số cơ quan tình báo phi truyền thống như cơ quan công an chuyên phụ trách trấn áp trong nước, từ sau cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu năm 1999, phòng công an của ít nhất 9 tỉnh thành được phép cử gián điệp ra ngoài Trung Quốc để chuyên thăm dò thông tin về Pháp Luân Công. Bên cạnh đó, còn có một cơ quan tình báo khác liên quan đến bức hại Pháp Luân Công mà rất ít được người khác để ý đến, đó chính là “Văn phòng 610” thông thường chỉ biết được “Văn phòng 610” là công cụ nằm ngoài pháp luật để bức hại Pháp Luân Công, chứ ít ai biết được rằng, “Văn phòng 610” đã có năng lực tình báo rộng rãi ở hải ngoại để giám sát và bức hại Pháp Luân Công trên toàn thế giới.
Một cơ quan có chức năng tình báo khác của chính quyền Trung Quốc đó là hệ thống mặt trận thống nhất. Điểm khác biệt so với cơ quan tình báo chuyên nghiệp Quốc an, Quân đội đó là, hệ thống mặt trận thống nhất sử dụng các nhân viên gián điệp nghiệp dư hoặc phi chuyên nghiệp để thu thập tình báo, thuộc loại hình vận động tình báo quần chúng, về phương thức cũng là kiểu “trồng nhiều nhưng thu hoạch ít”. Phương thức chủ yếu của công tác mặt trận thống nhất là xác định xác định mục tiêu đặc định và thiết lập mối quan hệ hữu hảo. Sau khi mục tiêu đặc định đã trở thành bạn bè, thì có thể đại diện cho lợi ích của chính quyền Trung Quốc về mặt chính trị, họ cũng có thể trở thành đối tượng để gián điệp chuyên nghiệp thu thập tình báo, hoặc trực tiếp thông qua hệ thống mặt trận thống nhất để cung cấp tình báo. Do Mặt trận thống nhất vốn là một hệ thống khổng lồ, nó bao gồm một khu vực màu xám với định nghĩa tương đối mơ hồ, chẳng hạn như các khu vực kết bạn không rõ ràng, gây ảnh hưởng chính trị và can thiệp vào các hoạt động nội bộ, gián điệp trong giới chính trị, kinh doanh và giới học thuật; cộng thêm đặc điểm vận dụng quần chúng của nó, nên khiến cho cơ quan phản gián điệp gặp nhiều khó khăn. Hạt nhân của hệ thống mặt trận thống nhất là Ban Công tác Mặt trận thống nhất Trung ương.
Biện pháp đánh cắp thông tin của điệp viện Trung Quốc
Theo nhận định, đánh giá của giới tình báo Mỹ và phương Tâ, Trung Quốc thường sử dụng 5 thủ đoạn sau để đánh cắp những công nghệ mới nhất của nước ngoài.
Đầu tiên, Trung Quốc sẽ sử dụng các hacker và các dịch vụ tình báo để ăn cắp các bí mật công nghệ của nước ngoài. Các điệp viên Trung Quốc được cài cắm vào các công ty nước ngoài và làm việc tại đây. Sau khi được sự tin tưởng các điệp viên này sẽ ăn cắp các mẫu thiết kế, các bản vẽ hay phần mềm cần thiết phục vụ cho việc sản xuất và chuyển về cho các công ty của Trung Quốc để nghiên cứu và phát
triển. Như cách đây không lâu hàng loạt các vụ kỹ sư người Mỹ gốc Trung Quốc đã bị bắt vì liên quan đến các hoạt động tình báo và ăn cắp công nghệ. Những vụ việc này nhiều đến mức trong năm 2018, Mỹ đã từ chối cấp thị thực hoặc đưa vào diện đánh giá do lo ngại gián điệp, trộm cắp thương mại, can thiệp chính trị đối với khoảng 30 học giả Trung Quốc, người đứng đầu các tổ chức học thuật và chuyên gia. Không chỉ sử dụng các dịch vụ tình báo, điệp viên, Trung Quốc còn sử dụng các chương trình, phần mềm mã độc để ăn cắp công nghệ. Tuy nhiên cách này kém hiệu quả hơn rất nhiều vì hệ thống an ninh mạng của các công ty thường rất nghiêm ngặt vì vậy hacker chỉ có thể những thông tin không đáng giá hoặc nếu có thì không đầy đủ.
Thứ hai, Trung Quốc chi tiền mua lại và sáp nhập các công ty lớn. Theo chiến lược này chính quyền Trung Quốc sẽ vung tiền cho các tập đoàn, doanh nghiệp mua lại các công ty nước ngoài sở hữu những công nghệ cần thiết cho Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều vụ mua lại cuối cùng lại phải qua xem xét của Ủy ban Đầu tư nước ngoài Mỹ (CFIUS). Sau khi Tổng thống Trump nhậm chức, CFIUS đã tăng cường công tác đánh giá các vụ mua lại của Trung Quốc và từ chối nhiều vụ mua lại trên cơ sở an ninh quốc gia. “Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Mỹ 2019” (NDAA) mà Tổng thống Trump ký có hiệu lực vào ngày 13/8/2018 khiến nhiệm vụ của CFIUS được mở rộng, tổ chức này có trách nhiệm đánh giá các nhà đầu tư và các công ty nước ngoài hoạt động mua bán cổ phiếu và thu mua công ty tại Mỹ, nhằm đảm bảo các giao dịch không gây hại cho an ninh quốc gia của Mỹ.
Thứ ba, thu hút đầu tư vào Trung Quốc. Đây là một biện pháp phổ biến trên thế giới để các nước kém phát triển hơn có thể tận dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ của các nước lớn, bù lại họ sẽ có những ưu đãi cho các công ty đầu tư vào. Lợi dụng mình là nước đông dân nhất thế giới và có thị trường tiềm năng, Trung Quốc ép buộc các công ty Mỹ hoạt động ở Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ độc quyền để đổi lấy việc tiếp cận thị trường Trung Quốc. Các công ty Mỹ thường buộc phải liên doanh với các công ty trong nước, bị hạn chế quyền sở hữu 50% hoặc ít hơn; và bị yêu cầu chuyển giao công nghệ của họ “như là một phần của các hợp đồng mua bán sản phẩm. Điển hình như năm 2017, hãng sản xuất vi mạch Qualcomm của Mỹ đã nhận được rất nhiều ưu đãi khi đầu tư vào Trung Quốc. Tờ New York Times cho biết chính quyền tỉnh Quý Châu sẽ cấp đất và tài trợ khoảng 100 tỷ USD để đưa các nhà máy sản xuất vi mạch xử lý và các cơ sở nghiên cứu sang Trung Quốc. Đổi lại, công ty Qualcomm sẽ cung cấp công nghệ, 140 triệu USD tài trợ ban đầu, và đồng ý chuyển giao công nghệ cao của mình cho đối tác Trung Quốc.
Thứ tư, đánh vào lòng yêu nước của Hoa kiều. Trung Quốc cũng thu hút người tài bằng mức lương cao và các điều kiện thuận lợi khác để họ quay về Trung Quốc tham gia vào các kế hoạch chiến lược quan trọng. Trung Quốc sẽ kêu gọi những người Hoa kiều đang sinh sống tại nước ngoài, tận dụng chất xám của họ để về xây dựng đất nước. Những người này sẽ mang những công nghệ, chất xám từ nước ngoài về cho Trung Quốc một cách công khai. Thậm chí Trung Quốc còn có hẳn một giải thưởng cùng những đãi ngộ cực lớn để thu hút, và lôi kéo những người này mang công nghệ từ nước ngoài về cho họ.
Thứ năm, thu hút chuyên gia nước ngoài. Trung Quốc đã sử dụng các chuyên gia khoa học công nghệ để đánh cắp công nghệ của Mỹ. Đưa ra các chính sách đặc biệt để thu hút tài năng AI cao cấp, chẳng hạn như “Kế hoạch Ngàn Tài Năng” để tuyển dụng các chuyên gia hàng đầu người Trung Quốc và người nước ngoài ở nước ngoài. Trang tin tức chính trị Politico tại Mỹ chỉ ra, Trung Quốc đặc biệt chú ý nhắm vào các công ty công nghệ cao hàng đầu thế giới tập trung tại Thung lũng Silicon, nhưng nhiều công ty mục tiêu đã không được chuẩn bị tốt để đối phó với các mối đe dọa bị đánh cắp công nghệ ngày càng gia tăng.
Ngoài ra, Trung Quốc còn công khai đánh cắp “chất xám”. Việc đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ (IP) diễn ra tràn lại tại Trung Quốc, theo các tổ chức quốc tế thì Trung Quốc là nước vi phạm lớn nhất, dẫn đến tổn thất tài chính to lớn cho nền kinh tế Mỹ. Theo Ủy ban về Quyền sở hữu trí tuệ (IP Commission), là một nhóm chuyên gia độc lập điều tra tội phạm ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ, thì thủ đoạn đánh cắp thương mại này của chính quyền Trung Quốc đã gây tổn thất cho nước Mỹ từ 180 đến 540 tỷ USD mỗi năm. Theo tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản, Mỹ gần đây đã bắt đầu có hành động chống lại. Tổng thống Trump đã ký một chỉ thị, cho phép các đại diện thương mại điều tra về việc Trung Quốc đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ, trong khi Mỹ, EU và Nhật Bản lên kế hoạch nộp đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về các chính sách ép buộc chuyển giao công nghệ và các chính sách khác của Trung Quốc, mà họ coi là không công bằng với doanh nghiệp nước ngoài.
Mỹ đang tăng cường các biện pháp ngăn chặn gián điệp Trung Quốc
Vấn đề Trung Quốc ăn cắp tài sản trí tuệ của Mỹ bằng nhiều cách đã đặc biệt nổi cộm trong quan hệ Mỹ – Trung từ ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi động cuộc chiến tranh thương mại chống Bắc Kinh.
Chính quyền Mỹ một mặt yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành vi ăn cắp, mặt khác đã tung ra một loạt những biện pháp ngăn chặn, trong đó có việc phòng chống các hình thức gián điệp công nghiệp. Biện pháp cụ thể nhất đã được Bộ Ngoại giao Mỹ ban hành là rút ngắn thời hạn visa từ tối đa 5 năm xuống còn 1 năm đối với các sinh viên sau đại học Trung Quốc đang theo học ngành hàng không, nghiên cứu robot và sản xuất công nghệ cao. Theo các quan chức Mỹ, biện pháp này nhằm hạn chế nguy cơ gián điệp và ăn cắp tài sản trí tuệ trong các lĩnh vực thiết yếu cho an ninh quốc gia.
Bên cạnh đó, chính quyền Donald Trump cũng đang cân nhắc một biện pháp khác là rà soát kỹ lưỡng lý lịch các sinh viên Trung Quốc qua Mỹ du học. Theo giới chức Mỹ, chính phủ Mỹ đang xem xét khả năng kiểm tra thêm về nhân thân sinh viên Trung Quốc ngay từ trước khi họ đến Mỹ. Công việc cần làm bao gồm việc kiểm tra lịch sử các cuộc gọi trên điện thoại, rà soát các tài khoảng mạng xã hội và các mối quan hệ của các sinh viên với các cơ quan chính phủ Trung Quốc. Mục tiêu là nhằm phát hiện cứ manh mối khả nghi nào về mục đích tới Mỹ của sinh viên đó. Một quan chức cao cấp Mỹ cho biết, chính quyền Mỹ còn dự kiến đào tạo các giới chức ngành giáo dục về cách thức phát hiện các hành vi gián điệp và tin tặc. Quan chức này giải thích: “Mọi sinh viên mà chính phủ Trung Quốc cử đi đều phải trải qua quá trình phê duyệt của đảng và chính phủ. Người đó có thể không tới Mỹ vì mục đích gián điệp như theo định nghĩa truyền thống. Tuy nhiên, sinh viên Trung Quốc nào đến Mỹ đều có ràng buộc với chính phủ”.
Việc tăng cường kiểm tra các sinh viên Trung Quốc là một phần trong nỗ lực của Washington nhằm đối phó với việc Bắc Kinh bị cho là đã sử dụng những phương thức bất hợp pháp để đạt được tiến bộ công nghệ nhanh chóng. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới còn đang trong cuộc chiến thương mại và ngày càng mâu thuẫn về các vấn đề kinh tế cũng như ngoại giao.
Việc Chính quyền Mỹ áp đặt các biện pháp kiểm tra chặt chẽ đối với sinh viên Trung Quốc cũng khiến nhiều trường đại học của Mỹ lo ngại mất nguồn thu nhập từ sinh viên Trung Quốc. Vấn đề thất thu tài chính là điều mà các trường đại học Mỹ sợ nhất, từ các đại học nổi tiếng như Harvard, Yale và Princeton (thuộc Liên Đoàn Ivy – Ivy League), cho đến các trường được nhà nước tài trợ như Đại học Illinois ở Urbana-Champaign. Những trường này đã dành phần lớn năm 2018 để vận động hành lang chống lại những gì bị họ cho là nỗ lực rộng lớn của chính quyền Mỹ nhằm hạn chế lượng sinh viên Trung Quốc thông qua việc điều chỉnh chế độ thị thực vào mùa Hè vừa qua. Họ sợ rằng sắp tới đây sẽ có thêm nhiều hạn chế hơn nữa. Mối quan tâm của họ là thu nhập khoảng 14 tỷ USD, phần lớn tiền học phí và các loại phí khác, hàng năm đến từ số lượng 360.000 sinh viên Trung Quốc theo học tại các trường ở Hoa Kỳ. Phần thu nhập này có thể bị giảm đi nếu các sinh viên đó bỏ Mỹ qua học ở nước khác. Nhiều trường đại học lớn thuộc Ivy League và các trường đại học nghiên cứu hàng đầu khác, như Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Đại học Stanford, đã lo lắng đến nỗi họ thường xuyên chia sẻ với nhau chiến lược ngăn nỗ lực hạn chế du học sinh của chính quyền.
Tuy nhiên, đối với chính quyền Mỹ, họ hoàn toàn có lý do để thẩm tra kỹ lưỡng hơn số du học sinh Trung Quốc vào Mỹ, viện dẫn một số trường hợp gián điệp hay bị cho là gián điệp được công khai tiết lộ gần đây, liên quan tới các cựu sinh viên của Đại học Louisiana và Đại học Duke cùng với Viện Công nghệ Illinois ở Chicago. Trong một cuộc điều tra gần đây tại Thượng viện Mỹ, Giám đốc FBI Christopher Wray đã xác nhận việc nhân viên FBI đã phát hiện được “những kẻ thu thập thông tin tình báo truyền thống, đặc biệt trong môi trường đại học”.
http://biendong.net/bien-dong/31488-hoat-dong-gian-diep-cua-tq-va-bien-phap-dap-tra-cua-my.html

Mỹ điều tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường

đi qua Eo biển Đài Loan

USS Chancellorsville – tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường của Mỹ đã đi qua Eo biển Đài Loan (Trung Quốc) – nơi vốn được coi là điểm nóng trong mối quan hệ giữa Bắc Kinh với Washington.
Hãng tin Sputnik dẫn lời Trung tá Reann Mommsen, người phát ngôn Hạm đội 7 (Mỹ) cho biết tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Chancellorsville (CG 62) của nước này hôm qua, 12/11, đã thực hiện một chuyến đi qua Eo biển Đài Loan.
Đây là eo biển rộng 180km, phân cách đảo Đài Loan và Trung Quốc đại lục.
“Động thái này được tiến hành nhằm thể hiện cam kết của Washington đối với sự tự do và cởi mở của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở bất cứ nơi nào được cho phép theo luật pháp quốc tế”, ông Mommsen nói.
“Trong suốt quá trình di chuyển qua Eo biển Đài Loan, tất cả các hoạt động tương tác giữa tàu Mỹ với tàu và máy bay Trung Quốc đều diễn ra rất chuyên nghiệp và thường xuyên”, một nguồn tin Hải quân nói với Fox News.
Đây là lần thứ 9 tàu Hải quân Mỹ đi qua Eo biển Đài Loan trong năm nay.
Trong lần gần đây nhất hồi cuối tháng 9, tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Antietam đã thực hiện hải trình tương tự tàu USS Chancellorsville.
Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley đang thăm Nhật Bản và gặp gỡ Thủ tướng Shinzo Abe để cải thiện quan hệ ngoại giao giữa Tokyo và Seoul.
http://biendong.net/diem-tin/31498-my-dieu-tuan-duong-ham-mang-ten-lua-dan-duong-di-qua-eo-bien-dai-loan.html

Thương chiến chưa ngã ngũ,

ông Trump tuyên bố “xanh rờn”:

Phải nói rằng không ai lừa dối giỏi hơn TQ!

Tuy nhiên, ông Trump không đổ lỗi cho Bắc Kinh, mà cho rằng những lãnh đạo Mỹ tiền nhiệm mới là những người phải chịu trách nhiệm vì khiến Mỹ chịu thiệt hại.
Ngày 12/11 (giờ Mỹ) vừa qua, tổng thống Mỹ Donald Trump đã có bài phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế New York.
Ông Trump nói: “Từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001, không có quốc gia nào trục lợi từ Mỹ nhiều hơn Trung Quốc. Tôi sẽ không dùng từ ‘lừa dối’, nhưng phải nói rằng không ai lừa dối giỏi hơn Trung Quốc, đúng như vậy đấy”.
Tuy nhiên, ông Trump không đổ lỗi cho Bắc Kinh, mà cho rằng những lãnh đạo Mỹ tiền nhiệm mới là những người phải chịu trách nhiệm vì khiến Mỹ chịu thiệt hại.
Thông điệp được ông Trump đưa ra đã phá vỡ thế “đình chiến” tạm thời giữa hai cường quốc. Hiện tại, Mỹ và Trung Quốc đang cố gắng đạt được những thỏa thuận tạm thời để gỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với hàng trăm tỉ USD hàng hóa song phương. Chi tiết thỏa thuận vẫn chưa được công bố.
Mỹ vẫn tiếp tục thúc đẩy Trung Quốc phải mở cửa thị trường và giải quyết vấn nạn đánh cắp sở hữu trí tuệ trong khi Trung Quốc muốn Washington từ bỏ thuế quan đối với 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc.
Ông Trump cho rằng những lãnh đạo Mỹ trước đây đã khiến Trung Quốc có cơ hội trục lợi từ các thỏa thuận, khiến người lao động Mỹ chịu thiệt hại, đặc biệt trong các ngành sản xuất chế biến.
Trung Quốc không phải là bên duy nhất bị ông Trump chỉ trích.
Ông Trump cũng dành nhiều lời khó nghe cho Liên minh Châu Âu (EU), cáo buộc khối này đang giao dịch thương mại bất công đối với Mỹ.
“Nhiều quốc gia đánh thuế đặc biệt cao hoặc tạo ra hàng rào thuế quan không thể vượt qua. Và thành thực mà nói, EU đang làm khó Mỹ. Hàng rào thuế họ đặt ra rất kinh khủng, tệ hơn Trung Quốc rất nhiều,” ông Trump nói.
http://biendong.net/doc-bao-viet/31497-thuong-chien-chua-nga-ngu-ong-trump-tuyen-bo-xanh-ron-phai-noi-rang-khong-ai-lua-doi-gioi-hon-tq.html

Tổng thống Trump dọa tăng thuế với hàng TQ

nếu không có thỏa thuận

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 12/11 cho biết Mỹ có thể sẽ tăng thuế nếu như Bắc Kinh và Washington không đạt được thỏa thuận thương mại.
Trong bài phát biểu tại Câu lạc bộ kinh tế New York , Tổng thống Trump không đưa ra chi tiết mới về việc ký kết thỏa thuận thương mại sơ bộ “Giai đoạn một” với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Trump cảnh báo rằng “”Nếu không đạt được thỏa thuận thương mại, chúng tôi sẽ tăng đáng kể các mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc. Với các quốc gia đối xử tệ với chúng tôi cũng sẽ chịu như vậy. Chúng tôi bị rất nhiều quốc gia đối xử tệ”.
Cũng trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Donald Trump cho biết chuỗi cung ứng của Trung Quốc đang bị ảnh hưởng nặng nề do cuộc chiến thương mại dai dẳng với Mỹ và Washington đang nắm quyền quyết định việc có đạt được thỏa thuận hay không.
“Chúng tôi là những người quyết định liệu chúng tôi có muốn đi đến thỏa thuận hay không. Thỏa thuận Giai đoạn một quan trọng với Trung Quốc có thể xảy ra sớm”, ông Trump nói, nhưng nói thêm rằng ông sẽ chỉ chấp nhận một thỏa thuận tốt cho người lao động và các công ty Mỹ.
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng, ông Larry Kudlow, sau đó nói với CNBC rằng ông không có thêm thông tin chi tiết nào về thời điểm ký kết thỏa thuận thương mại. “Tôi sẽ không đặt thời gian biểu cho nó”, ông Larry Kudlow nói và cho biết: “Vì chưa có thỏa thuận chính thức nên chúng tôi không thể nói liệu sẽ có bất kỳ điều chỉnh thuế quan nào không”.
Bình luận về phát biểu của ông Trump rằng Mỹ đang nắm quyền quyết định ký thỏa thuận với Trung Quốc, cựu Phó đại diện thương mại Mỹ Wendy Cutler cho rằng thực tế không hẳn như vậy.
“Ông Trump coi cuộc đàm phán này như là nơi mà Mỹ có tất cả các đòn bẩy, trong khi nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà đi xuống. Tôi nghi ngờ điều này và tôi nghĩ rằng Trung Quốc có ưu thế trong các cuộc đàm phán vì những diễn biến chính trị ở Mỹ và cuộc bầu cử sắp tới”, bà Wendy Cutler nói.
Bênh cạnh đó bà Wendy Cutler cũng cho rằng “những nhận thức mâu thuẫn này chắc chắn làm phức tạp khả năng của cả hai bên trong việc chốt thỏa thuận. Gần đạt một thỏa thuận không có gì đảm bảo cho một thỏa thuận được thực hiện”.
Chuyên gia cao cấp của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson Gary Hufbauer nói rằng lý do khiến ông Trump không đưa ra thông tin chi tiết về việc ký kết thỏa thuận thương mại là vì Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc vẫn đang loay hoay về các điều khoản cắt giảm thuế, trong đó có cả kế hoạch của Mỹ áp thuế với khoảng 160 tỷ USD hàng Trung Quốc vào 15/12 tới.
Trung Quốc đang tìm cách để được xóa và giảm thuế đối với 360 tỷ USD hàng hóa nước này, trước khi Chủ tịch Tập Cận Bình đồng ý đến Mỹ để ký thỏa thuận thương mại một phần với Tổng thống Donald Trump. Cụ thể, các nhà đàm phán đề nghị chính quyền Trump loại bỏ thuế quan đối với khoảng 110 tỷ USD hàng hóa, được áp vào tháng 9 và hạ mức thuế xuống dưới 25% đối với khoảng 250 tỷ USD bị áp vào năm ngoái.
http://biendong.net/doc-bao-viet/31496-tong-thong-trump-doa-tang-thue-voi-hang-tq-neu-khong-co-thoa-thuan.html

Mỹ – Trung đạt thỏa thuận gỡ bỏ thuế:

Cuộc chiến thương mại đã đi đến hồi kết

Bộ Thương mại Trung Quốc (7/11) thông báo Bắc Kinh và Washington đã đồng ý sẽ gỡ bỏ thuế nhập khẩu hiện tại theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, phía Trung Quốc không thông báo lộ trình cụ thể.
Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng cho biết Mỹ và Trung Quốc phải đồng thời rút một phần thuế nhập khẩu đang áp lên nhau để đạt thỏa thuận giai đoạn một. Quy mô gỡ thuế của hai nước phải như nhau và con số cụ thể có thể được thỏa thuận. Theo ông Gao Feng, việc hủy bỏ thuế là điều kiện quan trọng với bất kỳ thỏa thuận nào và “chiến tranh thương mại bắt đầu bằng thuế, và nên chấm dứt với việc gỡ bỏ thuế”. Tuy nhiên, Bộ Thương mại Trung Quốc không đưa ra lộ trình cụ thể. Trong khi đó, hãng tin Reuters trích lời một nguồn tin thân cận cho biết các nhà đàm phán Trung Quốc muốn Mỹ gỡ bỏ thuế 15% với khoảng 125 tỷ USD hàng Trung Quốc có hiệu lực hồi tháng 9. Họ cũng muốn hủy 25% thuế áp lên 250 tỷ USD hàng hóa, từ máy móc đến sản phẩm bán dẫn và đồ nội thất.
Trong khi đó, Người phát ngôn Nhà Trắng Stephanie Grisham (7/11) cho biết, Mỹ lạc quan về thỏa thuận thương mại với Trung Quốc và Mỹ tin sẽ sớm đạt thỏa thuận thương mại với Trung Quốc sau khi
hai nước nhất trí dỡ dần thuế quan. Bà Stephanie Grisham cho biết: “Tôi không thể nói trước các cuộc đàm phán với Trung Quốc, nhưng chúng tôi vô cùng lạc quan rằng sẽ sớm đạt được thỏa thuận”.
Thỏa thuận thương mại Giai đoạn Một giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang hoàn thiện và có thể hoàn tất trong tháng này. Thỏa thuận Giai đoạn Một sẽ tập trung vào nông sản, tiền tệ và dịch vụ tài chính.
Thông tin trên được đưa ra sau khi có tin cho rằng cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể được hoãn đến tháng 12. Hai lãnh đạo được kỳ vọng ký kết thỏa thuận giai đoạn một tại APEC giữa tháng này. Tuy nhiên, việc Chile hủy tổ chức APEC do bất ổn trong nước đã khiến kế hoạch này bị lùi lại. Hiện địa điểm diễn ra cuộc gặp Mỹ – Trung cũng đang được thảo luận. Một quan chức Mỹ cho biết London (Anh) có thể được chọn. Đây là nơi ông Trump dự kiến tham dự một cuộc họp của NATO vào đầu tháng 12. Mỹ và Trung Quốc đang tìm giải pháp chấm dứt cuộc chiến thương mại đã kéo dài từ giữa năm ngoái. Đến nay, hai nước đã áp thuế nhập khẩu lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa của nhau, gây náo loạn thị trường tài chính và kéo tụt niềm tin kinh doanh, tiêu dùng.
Từ quan điểm chính trị, thương chiến Mỹ Trung có thể có người thắng kẻ thua nhưng dưới góc độ kinh tế, cả hai đều đang thua bởi thương mại hai nước đã thiệt hại hàng chục tỷ USD. Số liệu công bố hôm qua (5/11) cho thấy, so với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc giảm 53 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm nay. Xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 14,5 tỷ USD. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc ít hơn nhập khẩu rất nhiều. Vì thế, nếu quy ra phần trăm, tình hình ngược lại. Trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc giảm 15,5%, nhập khẩu giảm 13,3%.
Trước đó, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc – Trưởng đoàn đàm phán thương mại với Washington (26/8) cho biết, Trung Quốc sẵn sàng giải quyết tranh chấp thương mại của nước này với Mỹ thông qua đàm phán bình tĩnh và kiên quyết phản đối leo thang căng thẳng; cho rằng leo thang chiến tranh thương mại không có lợi cho Trung Quốc, Mỹ cũng như lợi ích của nhân dân thế giới; khẳng định các doanh nghiệp Mỹ đặc biệt được hoan nghênh ở Trung Quốc và sẽ được đối xử tốt. “Chúng tôi chào đón các doanh nghiệp từ khắp thế giới, trong đó có Mỹ, tới đầu tư và hoạt động tại Trung Quốc. Chúng tôi sẽ tiếp tục tạo ra môi trường đầu tư tốt, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp thông minh với thị trường mở, kiên quyết phản đối phong tỏa công nghệ và chủ nghĩa bảo hộ đồng thời nỗ lực bảo vệ sự hoàn thiện của chuỗi cung ứng” – Trưởng đoàn đàm phán thương mại của Bắc Kinh nói.
Đáng chú ý, Quốc vụ Viện (6/2019) còn công bố Sách Trắng về đàm phán thương mại Mỹ – Trung, trong đó cáo buộc “các hành vi của Mỹ trên bàn đàm phán hồi tháng 5 là nguyên nhân chính cho sự bế tắc thương mại song phương”. Sách Trắng thừa nhận với những khác biệt trong giai đoạn phát triển và hệ thống kinh tế, Bắc Kinh và Washington khó tránh khỏi những mâu thuẫn và bất đồng trong hợp tác thương mại. Theo đó, kể từ khi chính quyền mới tại Mỹ lên nắm quyền vào năm 2017, Washington đã đe dọa áp thêm thuế và nhiều biện pháp khác, thường xuyên gây ra bất đồng về kinh tế và thương mại với các đối tác thương mại lớn. Trước tình hình đó, Trung Quốc phải đưa ra các biện pháp mạnh mẽ nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia và người dân của mình, đồng thời tham gia nhiều vòng tham vấn kinh tế và thương mại với Mỹ nhằm ổn định quan hệ thương mại song phương, giải quyết bất đồng. Sách Trắng khẳng định lập trường của Trung Quốc luôn nhất quán và rõ ràng, đó là xung đột chỉ gây tổn hại cho đôi bên và hợp tác mới là lựa chọn đúng đắn duy nhất cho cả hai phía; đồng thời cho biết Trung Quốc sẵn sàng phối hợp với Mỹ để tìm ra giải pháp và đạt được một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi, song sự hợp tác cần dựa trên các nguyên tắc. Theo Sách Trắng, tình trạng đổ vỡ trong hoạt động thương mại “do Mỹ gây ra” đang tác động tiêu cực cho cả thế giới. Phía Trung Quốc chỉ trích Mỹ là “bên đàm phán không đáng tin cậy”, và chính quyền Bắc Kinh “muốn được đối thoại một cách công bằng, đôi bên cùng có lợi và tạo dựng niềm tin”; cho rằng đòn đánh thuế của Washington không tạo ra lợi ích và Mỹ phải chịu trách nhiệm về bế tắc trong đàm phán; khẳng định cuộc chiến thương mại sẽ làm tăng chi phí sản xuất và giá tiêu dùng tại Mỹ, tạo ra mối đe dọa đối với tăng trưởng kinh tế.
Sách Trắng cho rằng Trung Quốc không muốn chiến tranh thương mại với Mỹ, nhưng sẽ không ngại chiến tranh thương mại, đồng thời khẳng định quyền của Trung Quốc về phát triển và chủ quyền quốc gia. Theo nội dung của Sách Trắng, điều kiện tiên quyết để Mỹ – Trung đi đến một thỏa thuận thương mại là Mỹ phải dỡ bỏ hoàn toàn thuế quan bổ sung áp lên hàng hóa Trung Quốc, lượng hàng hóa Trung Quốc phải mua thêm của Mỹ phải phù hợp với nhu cầu thực tế và cần có sự cân bằng phù hợp trong văn bản của thỏa thuận.
Trong Sách Trắng này, Trung Quốc cũng liệt kê chi tiết những vấn đề mà nước này cho là Mỹ thay đổi lập trường trong quá trình đàm phán. Bắc Kinh nói trong vòng đàm phán gần đây nhất, Mỹ đã sử dụng “sự hăm dọa và cưỡng ép”, “khăng khăng với những đòi hỏi quá đáng, đòi giữ nguyên thuế quan bổ sung áp từ khi bắt đầu nổ ra xung đột, và một mực muốn đưa vào thỏa thuận những yêu cầu bắt buộc liên quan đến vấn đề chủ quyền của Trung Quốc”. Chính phủ Trung Quốc cũng bác bỏ ý tưởng rằng những lời đe dọa chiến tranh thương mại và liên tục tăng thuế quan có thể giải quyết các vấn đề thương mại và kinh tế. Theo Sách Trắng, với tinh thần tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và đôi bên cùng có lợi, hai bên cần thúc đẩy tham vấn dựa trên thiện chí và tin tưởng nhằm giải quyết vấn đề, thu hẹp khác biệt, mở rộng những lợi ích chung và cùng nhau bảo đảm sự ổn định và phát triển kinh tế toàn cầu.
http://biendong.net/bien-dong/31485-my-trung-dat-thoa-thuan-go-bo-thue-cuoc-chien-thuong-mai-da-di-den-hoi-ket.html

Tổng thống Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ đàm phán thân thiện

nhưng mâu thuẫn vẫn còn tồn tại

Tổng Thống Trump nói ông là “bạn rất tốt” với Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan”, nhưng cuộc họp hôm Thứ Tư (13 tháng 11) tại Tòa Bạch Ốc đã không giải quyết được một vấn đề gây căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước.
Tổng Thống Erdogan đã kết thúc chuyến thăm Hoa Kỳ mà không đạt được đồng thuận của Mỹ về việc Thổ Nhĩ Kỳ mua một hệ thống phòng không từ Nga hồi đầu năm nay. Hệ thống này được xem là một mối đe dọa đối với an ninh Liên Phòng Bắc Đại Tây Dương NATO – tổ chức mà Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ đều là thành viên – và buộc Hoa Kỳ phải đình chỉ Thổ Nhĩ Kỳ tham gia chương trình chiến đấu cơ F-35 đa quốc gia. Lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ông có thể được thuyết phục để sử dụng cả hệ thống Patriot của Hoa Kỳ và hệ thống S-400 từ Nga, và Tổng Thống Trump nói rằng hai nước sẽ đồng ý tiếp tục thảo luận về vấn đề này.
Bất chấp mâu thuẫn còn tồn tại, Tổng Thống Hoa Kỳ cho biết ông tin rằng hai bên có thể phát triển thương mại đáng kể giữa hai nước, lên đến 100 tỷ mỹ kim. Điều này một lần nữa cho thấy tổng thống Trump chỉ đặt nặng vấn đền thương mại trong các chính sách đối ngoại.
Tranh chấp về các hệ thống phòng không cạnh tranh là một phần chính của căng thẳng giữa hai nước. Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang chịu chỉ trích từ Washington vì nỗ lực xâm lược Syria vào tháng trước và tấn công lực lượng người Kurd – đồng minh của Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống Nhà Nước Hồi Giáo. Hơn thế nữa, Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị chỉ trích vì đàn áp các đối thủ chính trị, nhà báo và những người khác. Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ đang tức giận vì sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với lực lượng người Kurd mà họ xem là khủng bố và nước này đã từng cáo buộc lực lượng người Kurd thúc đẩy một cuộc đảo chính năm 2016 chống lại Tổng Thống Erdogan. Thượng Nghị Sĩ Lindsey Graham cho biết vấn đề này được giải quyết bằng cách tạo ra một khu vực an toàn chứ không phải là một cuộc tấn công quân sự. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-hoa-ky-va-tho-nhi-ky-dam-phan-than-thien-nhung-mau-thuan-van-con-ton-tai/

Nhà khoa học TQ trộm bí mật thương mại

trị giá 1 tỉ USD của Mỹ

Bộ Tư pháp Mỹ hôm 12.1 thông báo một nhà khoa học Trung Quốc đã thừa nhận hành vi đánh cắp bí mật thương mại từ công ty dầu khí Phillips 66 của Mỹ.
Hãng tin Reuters trích dẫn tuyên bố của Bộ Tư pháp Mỹ cho hay, ông Hongjin Tan, 36 tuổi, đã đánh cắp thông tin liên quan đến việc sản xuất một sản phẩm nghiên cứu và phát triển thị trường năng lượng hạ nguồn, trị giá hơn 1 tỉ USD khi đang làm việc với tư cách là nhà khoa học cho công ty dầu khí Phillips 66 (Bang Oklahoma) từ tháng 5.2017 đến 12.2018.
Phillips 66 đã trình báo với Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) từ tháng 12 năm ngoái về các vụ đánh cắp bí mật thương mại cùng với thời điểm Tan tiết lộ với một đồng nghiệp cũ rằng ông ta sẽ quay trở lại Trung Quốc. Tuy nhiên, Tan đã bị bắt trước khi ra sân bay để về nước.
FBI cũng đã tìm thấy một thỏa thuận tuyển dụng từ một công ty Trung Quốc đã phát triển dây chuyền sản xuất vật liệu năng lượng trên máy tính xách tay của Tan.
Trong thỏa thuận bào chữa của mình, Tan thừa nhận đã cố tình sao chép và tải xuống các tài liệu nghiên cứu và phát triển mà không có sự cho phép từ công ty Phillips 66. Tan dự kiến bị kết tội vào tháng 2.2020 với mức án 2 năm tù và khoản tiền bồi thường 150.000 USD cho Phillips 66.
Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ về an ninh quốc gia, ông John Demers cho biết: “Tan đã nhận tội. Lời thú nhận của Tan đã tiếp tục minh chứng cho hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc”.
“Bộ Tư pháp Mỹ đã phát động một chiến dịch nhằm chống lại các loại hành vi của Trung Quốc được phản ánh trong lời thú tội của Tan – một hành động bất hợp pháp làm tổn hại tới người Mỹ”, Demers nói thêm.
http://biendong.net/doc-bao-viet/31495-nha-khoa-hoc-tq-trom-bi-mat-thuong-mai-tri-gia-1-ti-usd-cua-my.html

Hai nhà ngoại giao của Mỹ

khai chứng bất lợi cho ông Trump

Trong phiên điều trần công khai đầu tiên của cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ ở Ukraine đã liên kết ông Trump với chiến dịch gây áp lực lên Ukraine để buộc nước này tiến hành các cuộc điều tra có lợi cho ông về chính trị.
William Taylor là một trong hai nhà ngoại giao chuyên nghiệp ra làm chứng trước Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ khi giai đoạn mới hệ trọng bắt đầu trong cuộc điều tra luận tội vốn đe dọa nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump.
Vị đại sứ Mỹ tạm quyền ở Ukraine đã chỉ ra mối bận tâm sâu sắc của ông Trump trong việc yêu cầu Ukraine điều tra ông Joe Biden, cựu phó tổng thống, và nhắc lại rằng ông hiểu rằng 391 triệu đô la tiền viện trợ an ninh của Mỹ cho Ukraine đã bị giữ lại trừ khi họ hợp tác.
Một tiết lộ quan trọng của Taylor là một người trong nội các của ông Trump đã tình cờ nghe được cuộc điện đàm vào ngày 26/7 giữa ông Trump và Gordon Sondland, Đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Âu, trong đó Tổng thống đã hỏi Sondland về những cuộc điều tra đó và Sondland nói với ông rằng phía Ukraine đã sẵn sàng tiến hành.
Sau cuộc điện đàm này – vốn xảy ra một ngày sau khi ông Trump yêu cầu người đồng nhiệm Ukraine tiến hành điều tra Biden – vị quan chức nội các trên đã hỏi Sondland rằng ông Trump nghĩ gì về Ukraine.
“Đại sứ Sondland trả lời rằng Tổng thống Trump quan tâm nhiều hơn về các cuộc điều tra về ông Biden, điều mà Giuliani thúc đẩy,” Đại sứ Taylor khai. Rudy Giuliani là luật sư riêng của ông Trump.
Khi được ông Adam Schiff, chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, hỏi rằng điều đó có phải có nghĩa là ông Trump quan tâm đến cuộc điều tra hơn là Ukraine hay không, ông Taylor trả lời: “Đúng vậy, thưa ngài chủ tịch.”
Các vị dân biểu Cộng hòa cho rằng câu chuyện do Taylor thuật lại là ‘hóng hớt’ và lưu ý rằng Tổng thống Ukraine không nói rằng ông cảm thấy bị ông Trump gây áp lực.
Với lượng khán giả theo dõi trực tiếp lên tới hàng chục triệu người, ông Schiff đã khai mạc phiên điều trần lịch sử – nỗ lực luận tội Tổng thống đầu tiên trong hai thập kỷ.
Quyền Đại sứ Mỹ tại Ukraine, William Taylor, và George Kent, phó trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu và Á Âu, bày tỏ lo ngại rằng viện trợ an ninh của Mỹ – cũng như cuộc gặp với Trump – dành cho Ukraine đã bị rút lại để làm đòn bẩy áp lực Kiev.
“Các câu hỏi được đưa ra trong cuộc điều tra luận tội này là liệu Tổng thống Trump có tìm cách khai thác sự dễ bị tổn thương của đồng minh và kêu gọi sự can thiệp của Ukraine vào cuộc bầu cử của chúng ta hay không,” ông Schiff nói trong lời mở đầu.
“Câu trả lời của chúng ta cho những câu hỏi này sẽ ảnh hưởng không chỉ tương lai của nhiệm kỳ Tổng thống này, mà cả vai trò của các tổng thống trong tương lai, và những cách hành xử nào mà người dân Mỹ có thể mong đợi từ vị tổng tư lệnh của họ,” ông Schiff nói.
Ông Schiff nói thêm: “Nếu đây không phải là hành vi đáng bị luận tội thì hành vi nào mới đáng?”
Khi được hỏi về quá trình luận tội, ông Trump, khi đó đang tiếp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại Phòng Bầu dục, nói với các phóng viên rằng ông ‘quá bận nên không xem’ và một lần nữa gọi đó là ‘săn phù thủy, trò bịp’.
Ông Devin Nunes, thành viên cao cấp của Đảng Cộng hòa trong Ủy ban Tình báo Hạ viện, cáo buộc đảng Dân chủ đã tiến hành ‘chiến dịch bôi nhọ được đạo diễn cẩn thận’ bằng cách sử dụng ‘quá trình
cực kỳ một chiều’ và cáo buộc ‘phe Dân chủ, truyền thông suy đồi và các quan chức mang tính đảng phái’ cố gắng đảo ngược kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Ông tuân theo chiến lược của Đảng Cộng hòa rằng ông Trump không làm gì sai hay đáng bị luận tội khi yêu cầu Tổng thống mới của Ukraine điều tra về ông Biden.
‘Nền pháp trị’
“Tôi không tin rằng Hoa Kỳ nên yêu cầu các quốc gia khác tham gia vào các cuộc điều tra có chọn lọc hoặc liên quan đến chính trị nhằm vào các đối thủ của người đang nắm quyền, bởi vì những hành động chọn lọc đó làm suy yếu nền pháp trị của bất kể quốc gia nào,” ông Kent, người giám sát chính sách về Ukraine ở Bộ Ngoại giao Mỹ, nói tại cuộc điều trần.
Ông Taylor cho biết ông đã phát hiện hai kênh xử lý vấn đề Ukraine của Mỹ – một thông thường và một kênh ‘rất bất thường’ – và kể lại làm sao mà cuộc gặp của Trump với tổng thống Ukraine đã bị kèm điều kiện một cách không chính đáng là Kiev phải đồng ý điều tra ông Biden.
Ông nói rằng ông vẫn tin những gì ông đã viết trong một tin nhắn được công bố trong phiên khai chứng kín trước đó. “Tôi đã viết rằng giữ lại viện trợ an ninh để đổi lấy sự giúp đỡ cho chiến dịch chính trị trong nước sẽ là ‘điên rồ’. Tôi tin thế vào lúc đó và giờ đây tôi vẫn tin,” ông Taylor nói.
Ông Kent nói rằng anh đã trở nên cảnh giác trước những nỗ lực của Giuliani và những người khác để gây áp lực với Ukraine. Kent nói rằng ông Giuliani – người mà Đảng Dân chủ cáo buộc rằng có nỗ lực đối ngoại mờ ám ở Ukraine để mang lại lợi ích cho tổng thống – đã tiến hành một ‘chiến dịch đầy dối trá’ nhằm vào bà Marie Yovanovitch, người đột ngột bị cách chức vụ đại sứ Mỹ tại Ukraine hồi tháng Năm. Bà sẽ ra khai chứng công khai vào ngày 15/11.
Đảng Dân chủ đang hy vọng thuyết phục các cử tri độc lập và những người hoài nghi khác rằng ông Trump đã sai không chỉ trong việc yêu cầu Ukraine bôi nhọ đối thủ của mình mà có cách hành xử ‘bánh ít đi, bánh quy lại’ đối với Ukraine.
https://www.voatiengviet.com/a/hai-nh%C3%A0-ngo%E1%BA%A1i-giao-c%E1%BB%A7a-m%E1%BB%B9-khai-ch%E1%BB%A9ng-b%E1%BA%A5t-l%E1%BB%A3i-cho-%C3%B4ng-trump/5165013.html

Donald Trump mở kênh ngoại giao riêng tại Ukraina ?

Thanh Hà
Thủ tục luận tội nhằm truất phế tổng thống Mỹ, Donald Trump, phải chăng đã bước sang một khúc quanh mới ? Trong buổi điều trần công khai đầu tiên, ngày 13/11/2019, nhiều quan chức cao cấp trong bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tiết lộ tổng thống Trump đã thiết lập cả một kênh ngoại giao riêng với chính quyền Ukraina để phục vụ mục đích tái tranh cử.
Đường dây không chính thức đó được đặt trong tay luật sư riêng của tổng thống Mỹ là ông Rudy Giuliani và “đi ngược lại với những mục đích lâu dài” trong chính sách đối ngoại của Washington.
Thông tín viên Anne Corpet tại Washington tường thuật :
“Cuộc điều trần đã kéo dài trong sáu giờ đồng hồ, cho phép người dân Mỹ phán xét về tính chính đáng của những cáo buộc nhắm vào tổng thống Donald Trump. Hai nhân chứng, hai nhà ngoại giao cao cấp của Hoa Kỳ, đều trình bày về những sự kiện đã xảy ra và sau đó cả hai cùng phải trả lời rất nhiều câu hỏi của Ủy ban điều tra.
Sự kiện nổi bật nhất trong phiên điều trần là Bill Taylor (nguyên là đại biện Hoa Kỳ tại Kiev) có những tiết lộ bất lợi cho tổng thống Mỹ. Ông Taylor cho biết : “Một trong những cộng tác viên của tôi đã có mặt tại một nhà hàng. Tại đó, Gordan Sondland (đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Châu Âu), đã nói chuyện qua điện thoại với tổng thống Trump. Sondland đã tường thuật lại với nguyên thủ Mỹ về các cuộc họp mà ông vừa tham dự tại Kiev.
Cộng tác viên của tôi đã nghe thấy tổng thống Donald Trump hỏi ông đại sứ về tiến triển các cuộc điều tra (nhắm vào Joe Biden). Cuộc điện đàm kết thúc, cộng tác viên của tôi hỏi trực tiếp ông Sondland là tổng thống nghĩ gì về Ukraina. Ông đại sứ trả lời như sau : Tổng thống quan tâm nhiều hơn đến cuộc điều tra về Biden mà luật sư Giuliani thúc đẩy.
Dân biểu Jim Jordan thuộc đảng Cộng Hòa vặn hỏi lại ông William Taylor : Bản thân ông chưa bao giờ được gặp trực tiếp tổng thống, ông cũng chưa bao giờ nói chuyện với chánh văn phòng của phủ tổng thống đúng không ? Và ông là một nhân chứng then chốt, là ngôi sao sáng trong số các nhân chứng trong vụ này.
Cựu đại biện Taylor đáp lời : Tôi không nghĩ mình là một ngôi sao, tôi cũng không ra đây để đứng về một phe nào.
Bị phe Cộng Hòa dồn dập tấn công, William Taylor nói thêm : Tôi không có mặt ở đây để quyết định có luận tội tổng thống hay không. Đó là việc của các vị.”
Donald Trump cho biết quá bận rộn với chương trình làm việc trong ngày nên không thể theo dõi các cuộc điều trần công khai qua đài truyền hình. Chủ nhân Nhà Trắng tiếp tục bác bỏ các cáo buộc và gọi các màn điều trần này là “một trò hề”.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191114-donald-trump-mo-kenh-ngoai-giao-rieng-tai-ukraina

Hoa Kỳ đề nghị từ chối giấy phép lao động

đối với những người tầm trú nhập cảnh bất hợp pháp

Tin từ WASHINGTON, DC – Vào hôm Thứ Tư (13/11), chính quyền Trump đề nghị một quy định sẽ cấm hầu hết những người tầm trú xin giấy phép lao động nếu họ vào Hoa Kỳ bất hợp pháp.
Theo tin từ Reuters, các nhân viên xuất nhập cảnh có thể cấp các trường hợp ngoại lệ cho từng trường hợp cụ thể nếu người di dân được phát hiện có “lý do chính đáng” để nhập cảnh bất hợp pháp. Ngoài ra, đề nghị này sẽ cho phép các cơ quan di trú từ chối đơn xin tị nạn hoặc đơn yêu cầu giấy phép lao động được thực hiện bởi những người di dân bỏ lỡ các cuộc hẹn với cơ quan di trú.
Theo dự kiến, kế hoạch này sẽ vấp phải sự phản đối từ các luật sư di trú và các cựu thẩm phán di trú.
Đạo luật được đề nghị cũng sẽ ngăn những người tầm trú nhận được giấy phép xin việc làm nếu họ bị kết án về bất kỳ trọng tội liên bang hoặc tiểu bang và một số tội khác.
Chính quyền Trump đưa ra một số đề nghị trong những tuần gần đây để thắt chặt quá trình tầm trú. Theo Sở Nhập tịch và Di trú Hoa Kỳ,  kế hoạch mới nhất được đưa ra nhằm mục đích ngăn cản những người di dân có thể yêu cầu tị nạn để làm việc hợp pháp tại Hoa Kỳ. Hồi tuần trước, chính quyền ban hành một quy tắc đề nghị sẽ bổ sung thêm một khoản lệ phí 50 mỹ kim cho một số đơn xin tị nạn nhất định. Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ tính lệ phí cho các yêu cầu này. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-de-nghi-tu-choi-giay-phep-lao-dong-doi-voi-nhung-nguoi-tam-tru-nhap-canh-bat-hop-phap/

Công ty điện lực SCE phải trả $360 triệu bồi thường

cho đám cháy rừng Thomas Fire và Woolsey Fire

Tin từ Los Angeles, California — Công ty Điện Lực Nam California (SCE) đã đồng ý trả 360 triệu mỹ kim để giải quyết các vụ kiện do chính quyền địa phương đệ trình vì các thiết bị của công ty đã gây ra các vụ cháy rừng nguy hiểm trong hai năm qua.
Vào Thứ Tư (ngày 13 tháng 11), biện lý của các quận, thành phố và các cơ quan công cộng cho biết SCE đã đồng ý trả cho người dân vì thiệt hại do đám cháy Thomas Fire gây ra vào năm 2017 và đám cháy Woolsey Fire vào năm ngoái. Các viên chức cho biết Quận Los Angeles sẽ nhận được khoảng 62 triệu mỹ kim từ vụ kiện. Các tổ chức địa phương khác nhận tiền bồi thường từ Woolsey Fire bao gồm L.A. County Flood Control District, Consolidated Fire Protection District of Los Angeles County, Ventura County, the Ventura County Watershed Protection District, Ventura County Fire Protection District, thành phố Agoura Hills, thành phố Westlake Village, thành phố Calabasas, thành phố Hidden Hills, Khu giải trí  Conejo, Cơ quan bảo tồn không gian Conejo, Khu viên giải trí Rancho Simi và thành phố Thousand Oaks.
Thỏa thuận bồi thường của SCE không bao gồm các vụ kiện riêng cho các trường hợp tử vong và thiệt hại ở các quận Santa Barbara, Ventura và Los Angeles. Các viên chức đã công bố vào tháng 3 rằng một đường dây điện bị hư hại của công ty SCE là nguyên nhân của Thomas Fire ở quận Ventura vào năm
2017, khiến hàng ngàn người phải di tản và phá hủy 1.063 tòa nhà – bao gồm hơn 750 ngôi nhà – và làm hư hại thêm 280 ngôi nhà khác. Chi phí chữa cháy đạt ít nhất 174 triệu mỹ kim. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/cong-ty-dien-luc-sce-phai-tra-360-trieu-boi-thuong-cho-dam-chay-rung-thomas-fire-va-woolsey-fire/

Đại sứ quán Venezuela tại Brazil

bị chiếm đóng nhiều giờ

Thụy My
Cuộc khủng hoảng Venezuela ảnh hưởng đến Brazil : hôm qua 13/11/2019 tình hình trở nên lộn xộn tại đại sứ quán Venezuela ở Brasilia. Những người ủng hộ Juan Guaido chiếm đóng một phần tòa đại sứ, nói rằng các nhà ngoại giao ở sứ quán về phe với nhà đối lập ; nhưng Caracas cho đây là một vụ xâm nhập bất hợp pháp. Sự việc xảy ra vào đúng thời điểm hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Brazil.
Từ Caracas, thông tín Benjamin Delille gởi về bài tường trình :
« Mọi sự bắt đầu bằng một video đăng trên mạng xã hội. Người ta trông thấy Tomas Silva, một trong những cộng sự của đại diện cho ông Juan Guaido ở Brazil.
Từ đại sứ quán Venezuela ở Brasilia, ông Silva tuyên bố : Hôm nay, các viên chức sứ quán đã công nhận tổng thống lâm thời và hợp pháp của Venezuela là ông Juan Guaido, và giao cho chúng tôi các cơ sở văn phòng và khu lưu trú của đại sứ quán Venezuela ở Brazil.
Tại Caracas, ngoại trưởng Venezuela nhanh chóng phản ứng. Ông khẳng định tòa đại sứ đã bị « xâm nhập thô bạo », và đăng lên Twitter một video của đại biện Freddy Menegotti. Ông này nói : Chúng tôi đang ở trong đại sứ quán Venezuela tại Brazil và tiếp tục nhiệt liệt ủng hộ chính phủ được bầu lên hợp pháp của tổng thống Nicolas Maduro.
Xung quanh ông đại biện là vài thành viên của đảng Lao Động Venezuela. Nhiều người trong số đó sau đó lại đăng hình đứng trước tòa đại sứ, một số vụ đụng độ xảy ra nhưng không có ai bị thương. Trong một video khác, người ta nghe một người ủng hộ đảng này hô « Không chấp nhận bọn phát-xít ở đây ! Maduro và Chavez muôn năm ! »
Cuối cùng tổng thống Brazil, ông Jair Bolsonaro, dù ủng hộ ông Juan Guaido nhưng cũng lên tiếng bác bỏ « sự can thiệp của các nhân tố bên ngoài », cho điều khoảng mấy chục cảnh sát đến nơi ».
BRICS tố cáo chủ nghĩa bảo hộ mang động cơ chính trị
Tại dinh Itamaraty cách đó vài cây số, các nhà lãnh đạo năm nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) họp thượng đỉnh thường niên, chỉ trích điều mà họ gọi là chủ nghĩa bảo hộ mang động cơ chính trị, trong bối cảnh tăng trưởng thế giới đang chậm lại.
Sự khác biệt quá lớn về kinh tế cũng như những bất đồng về khí hậu hay cuộc khủng hoảng Venezuela đã khiến người ta đặt lại vấn đề về hiệu quả và sự hài hòa của khối BRICS. Thậm chí cơ quan đánh giá tín nhiệm S&P Global Rating tháng trước khẳng định khối này có thể « chẳng còn ý nghĩa gì ». Tuy nhiên, chuyên gia Oliver Stuenkel cho rằng BRICS vẫn đóng vai trò quan trọng với Trung Quốc và Nga. Bắc Kinh coi đây là một cột trụ của trật tự thế giới mà Trung Quốc thống lĩnh, còn Matxcơva muốn chứng tỏ mình không bị cô lập.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191114-dai-su-quan-venezuela-tai-brazil-bi-chiem-dong-nhieu-gio

Bolivia : Cựu tổng thống Evo Morales

sẵn sàng về nước ‘làm dịu’ tình hình

Thu Hằng
Bolivia tạm yên ắng trở lại sau khi quyền tổng thống Jeanine Áñez bổ nhiệm nội các mới vào ngày 13/11/2019. Trước đó, một thanh niên bị chết vì trúng đạn trong loạt vụ xô xát giữa cảnh sát và người ủng hộ tổng thống lưu vong Evo Morales, không chấp nhận tính chính đáng của bà Jeanine Áñez.
Còn tại Mêhicô, nơi ông đang tị nạn, cựu tổng thống Bolivia Evo Morales tổ chức họp báo, lên án một «cuộc đảo chính», đồng thời tuyên bố sẵn sàng về nước để « làm dịu » tình hình.
Thông tín viên RFI Patrick Buffe tường trình từ Mêhicô :
« Cựu tổng thống Evo Morales cho rằng cuộc đảo chính đang tàn phá Bolivia, nên từ nơi sống tị nạn, ông Morales kêu gọi đối thoại để chấm dứt tình trạng bạo lực trong nước.
Ông nói : « Từ Mêhicô, tôi đề nghị một cuộc đối thoại quốc gia cởi mở, chân thành trên cơ sở một chương trình nghị sự sẽ được đề ra. Một vài quốc gia hữu hảo và tổ chức quốc tế có thể song hành hỗ trợ chúng ta. Và tôi muốn nói với Liên Hiệp Quốc : « Đừng chấp nhận kiểu đảo chính này ! »
Ông Evo Morales cũng phát biểu về việc tự phong quyền tổng thống Bolivia của nữ thượng nghị sĩ Áñez, thuộc phe đối lập:
Ông khẳng định : « Điều này khẳng định hoàn toàn là có đảo chính. Hôm qua, người tự phong làm « tổng thống » đã xuất hiện, nhưng bà đã không tôn trọng Hiến Pháp. Thượng nghị sĩ là phó chủ tịch thứ hai của Thượng Viện. Thế thì, họ (phe đối lập) có thể nghĩ ra bất kỳ kiểu pháp lý nào ! Nhưng họ đã không tôn trọng Hiến Pháp ! »
Cựu tổng thống còn nói rõ rằng ông có thể hồi hương để góp phần ổn định tình hình nếu như người dân Bolivia yêu cầu ! »
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191114-bolivia-morales-san-sang-ve-nuoc-lam-diu-tinh-hinh

Nhóm điều tra vụ bắn rơi máy bay MH17

 tiết lộ ảnh hưởng của Nga

Các nhà điều tra hôm 14/11 đã công bố một số nội dung các cú điện thoại ghi lại được, cho thấy điều họ nói là sự ảnh hưởng của Moscow đối với các phiến quân thân Nga bị cáo buộc bắn rơi chuyến bay MH17 của hãng Malaysia Airlines ở miền đông Ukraine 5 năm trước, theo Reuters.
MH17 bị bắn rơi hôm 17/7/2014 trên bầu trời vùng lãnh thổ của phe ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine khi chiếc máy bay trong hành trình từ Amsterdam tới Kuala Lumpur. Tất cả 298 hành khách tử nạn.
XEM THÊM:
Tù nhân bị giam ở Ukraine bị tình nghi trong vụ bắn rớt MH-17
Một nhóm điều tra chung từng nói rằng một quả tên lửa xuất phát từ căn cứ quân sự Kursk của Nga, cách không xa biên giới Ukraine. Hồi tháng Sáu, nhóm này đã truy tố ba người Nga và một công dân Ukraine về tội giết hại 298 người.
Các nhà điều tra hôm 14/11 nói rằng các phiến quân thân Nga ở Donetsk, vốn bị cáo buộc bắn quả tên lửa, đã liên hệ chặt chẽ hơn với chính quyền ở Moscow so với điều họ từng nghĩ trước đây.
Một loạt các cú điện thoại ghi lại được đã được công bố trên trang web của nhóm điều tra cùng với lời kêu gọi các nhân chứng ra giúp đỡ.
https://www.voatiengviet.com/a/nh%C3%B3m-%C4%91i%E1%BB%81u-tra-v%E1%BB%A5-b%E1%BA%AFn-r%C6%A1i-m%C3%A1y-bay-mh17-ti%E1%BA%BFt-l%E1%BB%99-%E1%BA%A3nh-h%C6%B0%E1%BB%9Fng-c%E1%BB%A7a-nga/5165919.html

Hong Kong: Biểu tình kéo dài

ảnh hưởng xấu tới Burberry và Cathay Pacific

Hai công ty có hoạt động kinh doanh mạnh ở Hong Kong vừa tiết lộ hậu quả tài chính do kết quả của các cuộc biểu tình bạo lực tại đây.
Hãng thời trang xa xỉ Burberry cho biết doanh số ở Hong Kong đã giảm mạnh và sẽ “tiếp tục chịu sức ép”.
Hãng hàng không Cathay Pacific nói tình hình bất ổn dân sự đã “gây thách thức lớn, ảnh hưởng trầm trọng đến nhu cầu và vận hành kinh doanh” của hãng.
Các cuộc biểu tình chống chính phủ diễn ra ở Hong Kong hơn 5 tháng nay và làm chấn động đến thị trường chứng khoán.
Bảo vệ nhân viên
Burberry cho biết doanh thu đã giảm ở mức “hai con số” theo phần trăm ở Hong Kong – nơi hãng có 10 cửa hàng và thường đóng góp 8% doanh số của hãng.
Trong quý trước, doanh số ở Hong Kong chỉ chiếm 5% doanh số toàn cầu của Burberry và giám đốc tài chính Julie Brown của hãng nói tập đoàn này đã buộc phải đóng cửa một số cửa hàng để giữ an toàn cho nhân viên, mặc dù chưa có cửa hàng nào bị đập phá.
Hãng cho biết tình hình đã làm các cửa hàng ở Hong Kong giảm giá trị 14 triệu bảng Anh.
Tuy vậy, tổng doanh thu toàn cầu của tập đoàn Burberry vẫn tăng 5% trong sáu tháng tính đến ngày 28/9. Marco Gobbetti, tổng giám đốc Burberry, nói kết quả này phù hợp với dự đoán lợi nhuận hồi đầu năm cho dù hãng gặp khó khăn ở Hong Kong, và giá cổ phiếu của hãng do đó cũng tăng 5%.
Cathay Pacific – hãng hàng không mà công ty đầu tư Swire là chủ sở hữu chính, còn Air China có 30% cổ phần – cho biết triển vọng ngắn hạn vẫn tiếp tục “gặp nhiều thách thức và không chắc chắn”.
Hãng hàng không chính của Hong Kong đã giảm dự đoán lợi nhuận lần thứ hai trong vòng chưa đầy một tháng.
“Số người đặt vé trong tương lai vẫn tiếp tục yếu và không chắc chắn,” hãng hàng không cho biết, với lượng hành khách giảm “một cách đáng kể”, nhất là trên những chuyến bay từ Trung Quốc lục địa tới Hong Kong.
Hãng này đã thay lãnh đạo cao cấp hồi tháng Tám khi vị giám đốc lúc đó, ông Rupert Hogg, từ chức sau khi hãng dính líu vào tranh cãi liên quan đến các cuộc biểu tình ở Hong Hong.
Lúc đầu, Cathay Pacific thông báo cho nhân viên hãng sẽ không ngăn họ tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ, nhưng vài ngày sau, ông Hogg cảnh báo họ có thể bị đuổi việc nếu họ “ủng hộ hay tham gia vào các cuộc biểu tình bất hợp pháp.”
Trong bài trình bày về kết quả kinh doanh hôm thứ Năm 14/11, Cathay Pacific nói lượng hành khách bay tới Hong Kong giảm 28% trong tháng Tám và tháng Chín, và giảm 35% trong tháng Mười. Hãng nói thêm họ sẽ giảm công suất bay xuống 6% đến 7% trong những tháng tới.
Hãng cũng hoãn kế hoạch nhận bốn chiếc Airbus SE thân hẹp vào 2020 do nhu cầu đặt vé giảm sút.
Luya You, một nhà phân tích từ tập đoàn Bocom International, người tham dự cuộc họp cho các nhà phân tích, nói với Reuters rằng ban quản trị “không loại trừ khả năng có các biện pháp mạnh hơn – ngừng bay, cắt các hợp đồng thuê máy bay, hủy hợp đồng – nếu tình hình ở Hong Kong xấu đi và kéo dài hơn nhiều so với trông đợi”.
Tất cả các trường học Hong Kong đóng cửa hôm thứ Năm 14/11, khi vùng lãnh thổ này đối mặt với một ngày bạo loạn leo thang.
Các cuộc biểu tình bắt đầu vào tháng Sáu, phản đối dự luật chống dẫn độ về Trung Quốc đại lục, điều mà nhiều người lo sợ sẽ hủy hoại các quyền tự do của Hong Kong.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-50419777

Biểu tình lan rộng,

làm tê liệt hoạt động nhiều nơi tại Hong Kong

Những cuộc biểu tình phản đối chính phủ của người dân Hong Kong lan rộng khắp thành phố và làm tê liệt nhiều phần của thành phố trong ngày thứ 4 liên tiếp. Reuters loan tin này hôm 14/11.
Hàng trăm người trẻ, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên các trường đại học mặc đồ đen và được trang bị vũ khí, chất các đồ, bàn ghế làm rào cản trên các đường phố Hong Kong.
Những người biểu tình đeo mặt nạ chống hơi cay và mũ bảo hiểm, gỡ gạch vỉa hè và ném về phía cảnh sát, trong khi những người khác ném bom xăng.
Những người biểu tình cho Reuters biết họ muốn biểu tình ôn hòa nhưng đã bị đối xử thô bạo bởi cảnh sát và họ cần vũ khí để tự vệ.
Cơ quan Giáo dục Hong Kong hôm 14/11 cho biết tất cả các trường học ở thành phố sẽ đóng cửa từ ngày thứ Sáu đến Chủ Nhật.
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào cùng ngày viết trên trang Twitter, trích các nguồn tin cho biết chính quyền Hong Kong sẽ tuyên bố lệnh giới nghiêm cuối tuần này, nhưng sau đó thông báo này đã được rút xuống.
Để giải tán biểu tình, cảnh sát Hong Kong đã sử dụng hơi cay và đạn. Cảnh sát cho biết họ đã dùng 578 loạt hơi cay và 471 loạt đạn cao su và các loại khác vào hôm 13/11, hai cảnh sát đã bị thương.
Những cuộc biểu tình phản đối chính quyền, đòi dân chủ của Hong Kong đã bắt đầu từ ngày 9/6 và đến giờ vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Đã có ít nhất 3 người biểu tình bị thương do trúng đạn của cảnh sát.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/hong-kong-citywide-protests-spread-11142019080038.html

Trong cảnh “nước sôi lửa bỏng”,

quân đội TQ đồn trú ở Hồng Kông

được phát hiện có động thái hiếm

Nhiều binh lính trong doanh trại quân đội PLA ở Hồng Kông đã thay quân phục thường bằng trang phục chống bạo động trong bối cảnh các cuộc biểu tình leo thang căng thẳng.
Các cuộc biểu tình ở Hồng Kông hiện vẫn tiếp tục leo thang sau tuyên bố hủy bỏ đạo luật dẫn độ tội phạm hình sự vào cuối tháng 10 vừa qua của chính quyền bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam).
Trước đó, trong hoạt động tam bãi (bao gồm bãi công, bãi khoá, bãi thị) ngày 11/11, cảnh sát Hồng Kông đã đụng độ và bắn ba phát súng vào nhóm người biểu tình đeo mặt nạ, mặc trang phục màu đen.
Trong bối cảnh này, Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) Hồ Tích Tiến đã lên tiếng trấn an cảnh sát Hồng Kông, đồng thời chỉ trích những người biểu tình cực đoan ở vùng lãnh thổ này.
“Những kẻ quá khích ở Hồng Kông chỉ là châu chấu sau thu, nhảy nhót không được mấy ngày, đừng sợ bọn họ”, ông Hồ Tích Tiến nói.
“Các bạn chiến đấu ở nơi đầu chiến tuyến nhưng các bạn không đơn độc….. Phía sau các bạn còn có lực lượng cảnh sát vũ trang quốc gia và quân đội PLA đóng quân ở Hồng Kông, khi cần thiết, họ có thể tiến vào Hồng Kông dựa theo các quy định của Luật Cơ bản, trực tiếp chi viện các bạn. Kẻ biểu tình quá khích không lật nổi trời”, ông này nhấn mạnh.
Được biết, phát biểu của ông Hồ Tích Tiến đã nhận được sự quan tâm chú ý của dư luận thế giới trong bối cảnh tình hình Hồng Kông không ngừng leo thang căng thẳng.
Đáng chú ý, vào ngày 13/11, mạng xã hội Weibo (Trung Quốc) đã liên tục lan truyền những bức ảnh ghi lại động thái đặc biệt, vô cùng hiếm hoi của đơn vị đồn trú PLA ở Hồng Kông.
Theo đó, nhiều binh lính trong doanh trại quân đội PLA ở Thạch Cương, Hồng Kông đã thay quân phục thường bằng bộ trang phục chống bạo động nhưng không rõ ý định đằng sau hành động này.
Trước đó, bộ phim tuyên truyền “Không quên tâm niệm ban đầu, bảo vệ Hồng Kông” phát hành vào ngày 31/7 cho thấy, quân đội PLA đồn trú tại Hồng Kông mặc trang phục chống bạo động và tiến hành các cuộc diễn tập chống bạo động. Điều này chứng tỏ, PLA đã sẵn sàng ứng phó với tình hình ở Hồng Kông.
Ngoài ra, theo những hình ảnh trên mạng xã hội Trung Quốc, vào lúc 16:45 ngày 13/11, những người biểu tình đã chặn các con đường đối diện Tòa nhà Hành chính Dật phu, Đại học Baptist Cửu Long và lấp đầy gạch đá ở tuyến đường Junction.
Theo các phóng viên, khoảng 16h30, một số binh sĩ PLA thuộc doanh trại Quân đội Cửu Long – đối diện Đại học Baptist đã tiếp cận hàng rào chắn, sử dụng tiếng Quan thoại kêu gọi người biểu tình di chuyển các vật liệu bên ngoài hàng rào.
Sau đó, những binh lính PLA mặc trang phục chống bạo động cũng tiến tới gần rào chắn. Trong thời gian này, một số binh sĩ PLA đã nói bằng tiếng phổ thông rằng: “Các phóng viên không chụp ảnh”.
Từ những bức ảnh trên mạng mạng xã hội Trung Quốc có thể thấy, quân đội PLA đóng quân ở Hồng Kông vẫn duy trì sự kiềm chế nhưng cũng có điểm khác so với trước đây: Có những binh lính PLA mặc trang phục chống bạo động. Tuy nhiên, đơn vị đồn trú PLA tại Hồng Kông vẫn chưa có hành động tiếp theo.
Theo giới quan sát, trong bối cảnh cảnh sát Hồng Kông vẫn có thể kiểm soát tình hình, binh lính PLA dù mặc trang phục chống bạo động nhưng cũng chưa cần chủ động can thiệp vào tình hình hiện tại ở Hồng Kông.
Vào ngày 24/7, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, họ vẫn theo sát sự phát triển của tình hình ở Hồng Kông và nhấn mạnh rằng phương pháp xử lý cụ thể sẽ được thực hiện theo Điều 14, Chương ba, Luật Cơ bản Hồng Kông: Chính quyền Hồng Kông yêu cầu – Quân ủy trung ương hạ lệnh – Thi hành. Tuy nhiên, cho đến nay, chính quyền Hồng Kông vẫn chưa yêu cầu quân đồn trú PLA can thiệp.
http://biendong.net/diem-tin/31499-trong-canh-nuoc-soi-lua-bong-quan-doi-tq-don-tru-o-hong-kong-duoc-phat-hien-co-dong-thai-hiem.html

Hong Kong đóng cửa tất cả trường học đến Chủ Nhật

vì tình trạng biểu tình

Tin từ Hong Kong – Sở Giáo Dục Hong Kong cho biết tất cả các trường học ở Hồng Kông sẽ đình chỉ các lớp học từ Thứ Sáu đến Chủ Nhật do sự gián đoạn giao thông, tiếp nối hành động tương tự vào hôm thứ Năm (14 tháng 11).
Trong tuyên bố của Sở Giáo Dục Hong Kong, họ cũng kêu gọi học sinh, sinh viên tránh xa bạo lực. Vào hôm thứ Năm, những người biểu tình chống chính phủ đã làm tê liệt một phần của Hồng Kông trong ngày biểu tình thứ tư liên tiếp, buộc các trường học phải đóng cửa, làm tắt nghẽn đường xa lộ, và các liên kết giao thông khác giữa bối cảnh bạo lực gia tăng rõ rệt. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/hong-kong-dong-cua-tat-ca-truong-hoc-den-chu-nhat-vi-tinh-trang-bieu-tinh/

Sinh viên Hong Kong cố thủ tại các trường đại học

Sinh viên Hong Kong hôm 14/11 đã dựng các chướng ngại vật và dự trữ vũ khí tự chế trong khuôn viên các trường đại học, chuẩn bị cho cuộc đối đầu với lực lượng an ninh, theo Reuters.
Hàng nghìn sinh viên Hong Kong đã cố thủ tại một số khuôn viên trường đại học, bao quanh là đồ ăn thức uống, gạch đá cũng như bom xăng.
Reuters dẫn lời cảnh sát nói rằng Đại học Chinese University đã trở thành “nhà máy sản xuất và kho vũ khí”, và cho rằng các hành động của sinh viên là “một bước tiến gần hơn tới chủ nghĩa khủng bố”.
XEM THÊM:
Hong Kong hỗn loạn, người biểu tình phong tỏa các trường đại học
Cảnh sát cho biết tạm ngừng đối đầu trực tiếp với các sinh viên mà họ gọi là “những kẻ gây bạo loạn đang đầy khí thế” để nghỉ ngơi và tránh gây ra thương vong.
Theo Reuters, một số đại học ra thông báo rằng các lớp học sẽ đóng cửa cho tới hết năm nay.
Đại học Baptist University, gần căn cứ của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, đã ra thông báo “khẩn”, kêu gọi các sinh viên tránh tới khuôn viên của đại học này.
https://www.voatiengviet.com/a/sinh-vi%C3%AAn-hong-kong-c%E1%BB%91-th%E1%BB%A7-t%E1%BA%A1i-c%C3%A1c-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-%C4%91%E1%BA%A1i-h%E1%BB%8Dc/5165721.html

‘Suy yếu kinh tế Trung Quốc vẫn chưa chạm đáy’?

Các nhà phân tích kinh tế nhận định một cách thận trọng về triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc sau khi doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp chậm lại trong tháng 10, theo Bloomberg.
Bloomberg trích lời bà Julia Wang, một chuyên gia kinh tế tại HSBC Holdings Plc, nói rằng điểm mấu chốt là ”chúng tôi vẫn chưa ổn định”, và tăng trưởng kinh tế vẫn nằm trong tình trạng chậm lại.
Bà Wang nói ”chúng tôi hơi lo lắng ” là việc trì hoãn sẽ lan sang thị trường việc làm vào năm 2020 và điều đó sẽ làm tổn hại đến mức chi tiêu của người tiêu dùng – điều mà bà nghĩ là thực sự còn đang mạnh, mặc cho dữ liệu về doanh số bán lẻhiện nay.
Bà Wang cũng nói rằng, trong khoảng một năm rưỡi nay, đây là sự suy giảm sản xuất mạnh nhất mà Trung Quốc gặp phải trong những thập niên gần đây.
Thương chiến Mỹ – Trung nhìn lại sau 16 tháng
Suy thoái kinh tế Trung Quốc tệ đến mức nào?
Ông Tập khai trương sân bay Quốc tế Đại Hưng Bắc Kinh
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất kể từ thập niên 1990
Trung Quốc mạnh miệng nhưng vẫn mở cửa cho Mỹ
Ông Martin Rasmussen thuộc Capital Economic đồng ý với nhận định của Julia Wang, nói:
”Suy giảm kinh tế của Trung Quốc vẫn chưa đụng đáy. Tháng trước, dữ liệu không chỉ yếu đi mà tình trạng suy yếu còn dự trù sẽ kéo dài. Bất động sản được dự đoán sẽ có một sự điều tiết nữa vì nguồn tài chính cho lĩnh vực này đang bị siết chặt bởi những quy định,” ông nói.
Trong khi đó, Raymond Yeung của ANZ nói rằng dữ liệu của tháng Mười xác nhận một cuộc suy thoái công nghiệp đang diễn ra. Ông cũng không nghĩ một thỏa thuận thương mại sẽ thay đổi tình thế vì các yếu tố trong nước làm trì trệ tăng trưởng.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50414768

TQ “vừa đấm vừa xoa”: Giới chức Philippines cay cú

phản đối các hành động trên Biển Đông của TQ

Bắc Kinh vừa dụ dỗ, vừa nhử Philippines bằng những thỏa thuận, hợp đồng kinh tế và thăm dò, khai thác chung ở Biển Đông, vừa tiến hành các hoạt động khiêu khích, đe dọa trong EEZ của Manila. Hành động trên của Trung Quốc đã buộc giới chức Philippines phải đưa ra những tuyên bố phản đối.
Bắc Kinh bắn pháo sáng đe dọa máy bay quân sự của Philippines
Phát biểu trước Ủy ban An ninh và Quốc phòng quốc gia Philippines,Thiếu tướng Reuben Basiao, Phó Chánh văn phòng tình báo của các lực lượng vũ trang Philippines khẳng định rằng Bắc Kinh đã có “những hành động đáng kể” để mở rộng các yêu sách chủ quyền đơn phương và phi lý trên Biển Đông. Theo Thiếu tướng Reuben Basiao, gần đây, Trung Quốc đã bắn pháo sáng cảnh cáo nhằm vào các máy bay quân sự của Philippines ở Biển Đông từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2019 với 6 lần bắn pháo sáng cảnh cáo nhằm vào các máy bay Philippines khi làm nhiệm vụ tuần tra hàng hải.Ngoài ra, theo ông Basiao, Trung Quốc còn triển khai thêm 17 tàu nghiên cứu vào vùng biển của Philippines cũng trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay. Tướng Basiao tái khẳng định, động thái này từ Bắc Kinh đã tìm cách cản trở các nhiệm vụ tuần tra, luân chuyển và tiếp tế của Manila ở Biển Tây Philippines và nhấn mạnh rằng Trung Quốc là nước “hung hăng nhất” trên Biển Đông.
“Dụ dỗ” bằng hợp đồng kinh tế
Trong chuyến thăm Trung Quốc (29/8 -1/9), ông Duterte đã hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, cùng nhiều quan chức cấp cao khác của Trung Quốc nhằm thúc đẩy quan hệ song phương và hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Duterte đã đề cập tới khả năng hợp tác giữa hai nước trong dự án khai thác dầu khí chung tại Biển Đông. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc cần có những bước tiến xa hơn trong hoạt động khai thác chung tài nguyên dầu khí tại vùng biển này. Hai nước hiện đã thành lập một Ủy ban điều phối chung liên chính phủ và một nhóm làm việc liên doanh nghiệp để cùng triển khai dự án khai thác dầu khí chung trên Biển Đông. Hoạt động này được thực hiện với mục đích thúc đẩy khai thác chung giữa hai nước đạt được tiến triển mang tính thực chất.
Mới đây nhất, Trung Quốc và Philippines tổ chức cuộc họp thứ năm của Cơ chế tham vấn song phương (BCM) về vấn đề Biển Đông tại Bắc Kinh. Tại cuộc họp, hai bên đã đánh giá tích cực xu thế phát triển quan hệ Trung Quốc – Philippines; khẳng định BCM sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác thực chất trên biển, biện pháp và phương thức thảo luận nhằm kiểm soát và xử lý khác biệt trên biển; phát huy tác dụng quan trọng trong việc tăng cường đối thoại và lòng tin chính trị giữa hai nước, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển lành mạnh và ổn định ở Biển Đông. Hai bên tái khẳng định sẽ thực hiện các biện pháp tích cực, mang tính xây dựng giải quyết thỏa đáng tranh chấp, bất đồng ở Biển Đông, tìm kiếm triển khai hợp tác thực chất trên biển để tăng cường sự tin tưởng và tự tin lẫn nhau. Ngoài ra, hai bên khẳng định tầm quan trọng của các nền tảng đa phương khác bao gồm Đối thoại Trung Quốc – ASEAN, Diễn đàn khu vực ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á nhằm duy trì hòa bình và ổn định khu vực. Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách
ứng xử của các bên ở Biển Đông; thúc đẩy các cuộc tham vấn Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông và cam kết đạt được COC hiệu quả và thực chất ngay từ sớm.
Giới chức Philippines buộc phải phản đối Trung Quốc
Ngay sau khi có thông tin, bằng chứng về việc Trung Quốc 6 lần bắn pháo sáng cảnh cáo nhằm vào các máy bay quân sự của Philippines, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. cho biết ông sẽ gửi công hàm phản đối cho Bắc Kinh, nếu xác minh chính xác thông tin Trung Quốc bắn pháo sáng cảnh cáo nhằm vào các máy bay quân sự của Manila ở biển Tây Philippines.Theo đó, ông Locsin sẽ gửi công hàm phản đối cho phía Trung Quốc sau khi Cơ quan Điều phối Tình báo quốc gia Philippines (NICA) đưa ra kết luận xác nhận vụ việc.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cho rằng, việc Trung Quốc bắn pháo sáng cảnh cáo nhằm vào các máy bay quân sự của Philippines tuần tra ở Biển Đông không phải là “mối đe dọa trực tiếp”. Ông Lorenzana xác nhận, Trung Quốc đã cho bắn pháo sáng cảnh cáo từ ba hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông, trong lúc các máy bay quân sự Philippines bay qua khu vực này. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines lại đưa ra “lời biện minh thay Bắc Kinh”, khi cho rằng:“Tại sao Trung Quốc lại bắn pháo sáng? Tôi không biết. Có thể họ đang tổ chức buổi lễ nào đó. Nhưng tôi nghi ngờ đây là hành động nhằm để các máy bay của chúng tôi biết rằng họ không được ở trong khu vực mà Trung Quốc kiểm soát. Đây chỉ là hành động cảnh cáo chứ không có gì hơn. Chúng không phải là mối đe dọa trực tiếp tới máy bay quân sự của chúng tôi”. Cũng theo Bộ trưởng Lorenzana, các máy bay của không quân Philippines đã tiến hành thu thập thông tin tình báo, giám sát và trinh thám ở khu vực cách ba hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc hơn 9 km và trên độ cao 5.000 feet.
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
http://biendong.net/bien-dong/31491-tq-vua-dam-vua-xoa-gioi-chuc-philippines-cay-cu-phan-doi-cac-hanh-dong-tren-bien-dong-cua-tq.html

Lo sợ về một Phán quyết thứ hai của PCA

bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” ở Biển Đông,

TQ lại ra các tuyên bố bạo miệng, phi lý

Phản ứng trước việc tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 diễn ra ở Hà Nội hôm 6/11 vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung, Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố rằng Việt Nam đang cân nhắc các biện pháp giải quyết căng thẳng Biển Đông với Trung Quốc trong đó có cơ chế trọng tài và khởi kiện, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ngay lập tức phản ứng.
Khởi kiện lên toà trọng tài quốc tế là quyền chính đáng và hợp pháp của bất kỳ quốc gia nào
Trong buổi họp báo thường kỳ chiều 7/11, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Ngô Toàn Thắng khẳng định Việt Nam sẵn sàng giải quyết các bất đồng ở Biển Đông bằng mọi biện pháp hòa bình thông qua các tiến trình ngoại giao và pháp lý, phù hợp với luật pháp quốc tế. Ông Ngô Tòan Thắng nhấn mạnh rằng “Việt Nam sẵn sàng cùng cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực vào duy trì trật tự hòa bình, an ninh khu vực, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982”. Trước đó, bà Lê Thu Hằng, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng trả lời tương tự đối với câu hỏi của phóng viên về khả năng Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
Phát biểu tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 diễn ra ở Hà Nội hôm 6/11, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung cho biết, hợp tác trên biển, trong đó có Biển Đông cần có lòng tin vào môi trường luật pháp quốc tế, vào các cơ chế và thể chế chung. Theo ông Trung, trong xu thế hướng ra đại dương, tăng cường hợp tác biển và đại dương toàn thế giới, các nước không khỏi lo ngại trước các thách thức nổi lên đối với hoà bình và ổn định ở Biển Đông, trong đó có các hoạt động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế ở vùng biển của Việt Nam. “Việc đơn phương diễn giải luật quốc tế trái với chuẩn mực chung và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, làm giảm lòng tin vào luật pháp quốc tế, làm
xói mòn thượng tôn pháp luật. Việc này có thể trở thành tiền lệ nguy hiểm đe doạ hoà bình, ổn định hoà bình, an ninh ở khu vực và quốc tế,” ông Trung nói. Thứ trưởng Lê Hoài Trung liệt kê các giải pháp chọn lựa của Việt Nam: “Chúng tôi biết rằng, các biện pháp này bao gồm tìm kiếm sự thật, trung gian hòa giải, đàm phán, trọng tài và kiện tụng. Hiến chương Liên hợp quốc và UNCLOS có đủ các cơ chế cho chúng tôi áp dụng những biện pháp này,” Thứ trưởng Lê Hoài Trung nói. Theo Thứ trưởng, các bài học kinh nghiệm khác có thể áp dụng ở Biển Đông là các quốc gia cần có ý chí chính trị thúc đẩy hợp tác vì lợi ích chung, đặc biệt là trong các vấn đề bảo đảm hoà bình; các nước cần có cách hiểu thống nhất về luật biển quốc tế, như UNCLOS.
Các tòa án quốc tế là các cơ quan tài phán thường trực các nước có thể vận dụng gồm các thẩm phán được các quốc gia lựa chọn, xét xử với tư cách cá nhân và theo nhiệm kỳ. Hiện nay có một số tòa án quốc tế như Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), Tòa án Luật biển Quốc tế (ITLOS), Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), Tòa án Công lý Châu Âu (ECJ), Tòa án Nhân quyền Châu Âu (ECtHR), Tòa án Nhân Quyền Liên Mỹ (IACHR), Tòa án Nhân quyền Châu Phi (ACHPR). Các tòa án này có thể phân loại theo thẩm quyền nội dung (tất cả vấn đề pháp lý: ICJ, ECJ; chuyên ngành: ITLOS về luật biển, ICC về luật hình sự, ECtHR, IACHR và ACHPR về nhân quyền) và theo thẩm quyền lãnh thổ (phổ quát: ICJ, ITLOS, ICC; khu vực: ECJ, ECtHR ở châu Âu, IACHR ở châu Mỹ, ACHPR ở châu Phi). Một số tòa án đặc biệt không thường trực như các tòa án hình sự do Hội đồng Bảo an thành lập như Tòa Hình sự Quốc tế cho Nam Tư cũ (ICTY) và Tòa Hình sự Quốc tế cho Rwanda (ICTR). Phần dưới đây chỉ tập trung vào hai tòa án có ý nghĩa nhất với Việt Nam hiện nay, Tòa ICJ và Tòa ITLOS.
Phản ứng thể hiện sự thiếu tôn trọng pháp luật quốc tế và tham vọng ảnh hưởng của Bắc Kinh
Ngày 8/11, phát biểu trong buổi hợp báo thường kỳ, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng Trung Quốc hy vọng Việt Nam đối diện với thực tế lịch sử và tuân thủ sự đồng thuận cao giữa hai nước là giải quyết tranh chấp bằng đối thoại và tham vấn, tránh những hành động có thể dẫn đến làm phức tạp tình hình gây ảnh hưởng đến sự ổn định và hòa bình ở Biển Đông cũng như các mối quan hệ song phương. Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn ngang nhiên cho rằng Việt Nam và các nước đã chiếm đóng trái phép các hòn đảo của nước này ở Biển Đông và đổ trách nhiệm cho các nước đang gây phức tạp tình hình, không có lợi cho hoà bình, hợp tác khu vực.
Trước đó cũng trong buổi hợp báo thường kỳ tháng 9 và tháng 10, Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cũng ngang nhiên nói rằng Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, quyền chủ quyền và tái phán đối với vùng nước ở Bãi Tư Chính trong khu vực quần đảo Trường Sa. “Kể từ tháng 5 năm nay, phía Việt Nam đã đơn phương thực hiện việc khoan tìm khí đốt ở vùng nước ở Wan’an Tan (Bãi Tư Chính) của Trung Quốc, điều này đã vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích của Trung Quốc. Nó cũng vi phạm thỏa thuận song phương về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam, điều 5 của Tuyên bố chung của các bên ở Biển Đông (DOC), và các điều khoản liên quan trong UNCLOS. Việt Nam nên ngay lập tức dừng các hoạt động vi phạm đơn phương để lập lại sự yên tĩnh tại vùng nước liên quan”, ông Cảnh Sảng phát biểu trước các phóng viên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng khẳng định các hoạt động của Trung Quốc trong vùng nước này là hoàn toàn hợp pháp và không thể tranh cãi. Đồng thời kêu gọi Việt Nam sẽ tiếp tục giải quyết các tranh chấp trên biển thông qua đối thoại và đàm phán, để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông thông qua các hành động thiết thực.
Phán quyết của PCA hồi tháng 7/2016 đã bác bỏ hoàn toàn yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò” của TQ ở Biển Đông
Vụ kiện trọng tài này liên quan đến vai trò của các quyền lịch sử và nguồn xác định quyền hưởng các vùng biển tại Biển Đông, quy chế của một số cấu trúc cụ thể và các vùng biển của các cấu trúc này và tính hợp pháp của các hành vi của Trung Quốc mà Philippines cho là vi phạm Công ước. Phù hợp các giới hạn của cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc của Công ước, Toà Trọng tài đã nhấn mạnh Toà không phán quyết các vấn đề liên quan đến chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ đất liền và không tiến hành phân định bất kỳ một ranh giới trên biển nào giữa các bên của vụ kiện. Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố ‘nước này không chấp nhận cũng như không tham gia vào tiến trình trọng tài do Philippines đơn phương khởi xướng. Tuy nhiên, Phụ lục VII quy định rằng “việc vắng mặt của một bên hoặc việc một bên không thực hiện việc biện hộ không tạo nên bất kỳ rào cản nào cho tiến trình tố tụng”.
Về quyền lịch sử và “đường 9 đoạn”, Toà Trọng tài kết luận rằng trong phạm vi quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong các vùng biển ở Biển Đông, quyền này bị xóa bỏ do chúng không phù hợp với chế định vùng đặc quyền kinh tế trong Công ước. Toà cũng nhận thấy dù trong lịch sử, những người đi biển cũng như ngư dân từ Trung Quốc cũng như từ các nước khác đã sử dụng các
đảo tại Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây. Vì vậy, Toà kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường 9 đoạn”. Về quy chế của các cấu trúc, Toà Trọng tài kết luận các cấu trúc nổi khi thủy triều lên cao sẽ tạo ra quyền ít nhất đối với lãnh hải 12 hải lý trong khi các cấu trúc chìm khi thuỷ triều lên cao sẽ không tạo ra quyền như vậy. Toà nhận thấy rằng các bãi này đã bị làm biến đổi mạnh mẽ do việc bồi đắp, xây dựng và Toà cũng nhắc lại rằng Công ước phân loại các cấu trúc dựa trên điều kiện tự nhiên của chúng và dựa vào các tài liệu lịch sử để đánh giá các cấu trúc. Sau đó, Toà tiến hành đánh giá liệu các có cấu trúc nào trong số các cấu trúc do Trung Quốc yêu sách có thể tạo ra vùng biển ngoài phạm vi 12 hải lý không. Theo Công ước, các đảo tạo ra vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa nhưng các “đảo đá không thích hợp cho con người đến ở và có đời sống kinh tế riêng không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”. Toà kết luận rằng quy định này phụ thuộc vào khả năng khách quan của các cấu trúc khi chúng ở tình trạng tự nhiên để có thể duy trì một cộng đồng dân cư ổn định hoặc các hoạt động kinh tế mà không phụ thuộc vào các nguồn lực từ bên ngoài hoặc hoàn toàn chỉ có tính chất khai thác.
Toà cũng nhận thấy rằng sự có mặt của các nhân viên công vụ trên các cấu trúc là phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ bên ngoài và không phản ánh khả năng của các cấu trúc. Toà cũng thấy rằng các bằng chứng lịch sử có ý nghĩa hơn và nhận thấy quần đảo Trường Sa trong lịch sử được sử dụng bởi một số nhóm nhỏ các ngư dân và rằng đã có một vài hoạt động khai thác phân dơi và đánh cá của Nhật Bản. Toà kết luận rằng việc sử dụng ngắn hạn như vậy không phải là sự định cư của một cộng đồng ổn định và rằng các hoạt động kinh tế trong lịch sử chỉ là hoạt động mang tính khai thác. Theo đó, Toà kết luận rằng không một cấu trúc nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng. Toà cũng quyết định rằng các đảo Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất. Trên cơ sở kết luận không một cấu trúc nào mà Trung Quốc yêu sách có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế, Toà nhận thấy Tòa có thể không cần phải phân định ranh giới biển mà vẫn có thể tuyên bố rằng một số vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines vì không bị chồng lấn với bất cứ quyền hưởng vùng biển nào mà Trung Quốc có thể có.
Về tính hợp pháp của các hoạt động của Trung Quốc, Toà kết luận rằng các vùng nhất định nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, Toà cho rằng Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này bằng việc (a) can thiệp vào hoạt động đánh cá và thăm dò dầu khí của Philippines, (b) xây dựng đảo nhân tạo và (c) không ngăn chặn ngư dân Trung Quốc đánh bắt ở khu vực này. Toà cũng khẳng định các hoạt động bồi đắp và xây dựng nhân tạo của Trung Quốc trên 7 cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa gần đây và nhận thấy rằng Trung Quốc đã gây hại nghiêm trọng với môi trường của các rặng san hô và vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và môi trường sống của các loài đang suy yếu, bị đe doạ và bị huỷ diệt. Cuối cùng, Toà kết luận rằng việc bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo trên quy mô lớn của Trung Quốc gần đây là không phù hợp với nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước trong quá trình giải quyết tranh chấp, trong chừng mực mà Trung Quốc đã gây ra những tác hại không thể sửa chữa được với môi trường biển, xây dựng một đảo nhân tạo lớn trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và phá huỷ các bằng chứng về điều kiện tự nhiên của các cấu trúc ở Biển Đông mà là một phần của tranh chấp giữa các bên.
http://biendong.net/bien-dong/31490-lo-so-ve-mot-phan-quyet-thu-hai-cua-pca-bac-bo-yeu-sach-duong-luoi-bo-o-bien-dong-tq-lai-ra-cac-tuyen-bo-bao-mieng-phi-ly.html

TQ định đưa du khách tới cụm Lưỡi Liềm:

Hành động xâm phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam

Giới truyền thông mới đây tiết lộ thông tin, Trung Quốc đang có kế hoạch đưa các tàu du lịchdi chuyển trái phép tới nhóm đảo Lưỡi Liềm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và có thể sẽ đi quanh Biển Đông. Nếu thành hiện thực, đây sẽ là hành động xâm phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam.
Theo thông tin trên, Trung Quốc có kế hoạch, trong 5 năm tới, có thể Trung Quốc sẽ đưa 8 tàu du lịch ra Biển Đông. China Daily của Trung Quốc cho biết, công ty phát triển du lịch biển quốc tế Sanya – dự án chung của Vận tải COSCO, Tập đoàn dịch vụ du lịch quốc gia Trung Quốc (HK) và Công ty xây
dựng Communications Trung Quốc (CCCC) – sẽ mua từ 5-8 tàu du lịch. Công ty này cũng sẽ xây dựng 4 bến tàu ở Tam Á, thành phố cực Nam của đảo Hải Nam, để phục vụ tàu du lịch.
Chủ tịch công ty Sanya Liu Junli tuyên bố, công ty này đã bắt đầu vận hành tàu du lịch “Giấc mơ Biển Đông” và dự tính sẽ triển khai thêm 2 tàu nữa vào mùa hè tới. Các tàu này sẽ di chuyển (trái phép) tới nhóm đảo Lưỡi Liềm, một phần của quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam ), và cũng sẽ “cân nhắc tới hành trình quanh biển Đông vào thời điểm thích hợp”. Khách sạn, nhà nghỉ và cửa hàng cửa hiệu đều sẽ được xây dựng phi pháp trên nhóm đảo này. Thậm chí Bắc Kinh còn muốn xây các khu nghỉ dưỡng kiểu Maldives quanh Biển Đông.
Được biết, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nằm trong một phạm vi khoảng 15.000km2, giữa khoảng 111o đến 113o Đông, rộng khoảng 95 hải lý, từ 17o05’ xuống 15o45’ bắc dài khoảng 90 hải lý; xung quanh là độ sâu hơn 1.000m, song giữa các đảo có độ sâu thường dưới 100m. Quần đảo Hoàng Sa nằm ngang bờ biển các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam và một phần Quảng Ngãi. Về khoảng cách với đất liền, quần đảo Hoàng Sa nằm gần với đất liền Việt Nam hơn cả: từ đảo Tri Tôn đến mũi Ba Làng An, tức đất liền lục địa Việt Nam đo được 135 hải lý, cách cù lao Ré chỉ có 123 hải lý, trong khi đó cách điểm gần nhất của đảo Hải Nam (Trung Quốc) tới 140 hải lý; nếu tính tới đất liền lục địa Trung Hoa thì còn xa hơn nhiều, tối thiểu là 235 hải lý. Trong khoảng 30 đảo, đá, bãi, cồn, hòn trên, hiện có 23 đã được đặt tên, gồm 15 đảo, 3 bãi, 3 đá, 1 cồn, 1 hòn. Các đảo trên không cao, cao nhất là đảo Hòn Đá, thấp nhất là đảo Tri Tôn. Các đảo chính gồm hai nhóm: nhóm Lưỡi Liềm ở tây nam và nhóm An Vĩnh ở đông bắc.
Nhóm Lưỡi Liềm, còn gọi là Trăng Khuyết hay Nguyệt Thiềm, theo như Sơn Hồng Đức nếu nhìn từ máy bay xuống, nhóm đảo này trông như hình chiếc bánh “croissant” châu đầu vào nhau. Có 7 đảo chính và vô số đá: Đảo Hoàng Sa tuy là đảo chính nhưng không phải là đảo lớn nhất, có vị trí quân sự quan trọng nhất cho việc phòng thủ bờ biển Việt Nam, hơn cả đảo Phú Lâm. Đảo nằm trên tọa độ 16o32’ bắc, 111o35’ đông, hình bầu dục, dài khoảng hơn 900m, rộng khoảng 700m, diện tích gồm cả vòng san hô bao quanh. Đảo Hữu Nhật nằm ở phía nam đảo Hoàng Sa cách độ 3 hải lý, hình bầu tròn, đường kính 800m, chu vi 2.000m, diện tích khoảng 0,32km2 có vòng đai san hô bao ngoài, giữa là vùng bể lặng. Nằm ở tọa độ 16o30’ bắc, 111o34’ đông. Xung quanh đảo cây cối um tùm, chính giữa là lòng chảo không sâu lắm. Biển quanh đảo có nhiều rong biển, phủ kín cả mặt biển. Đảo này không có người ở nên con vích thường lên bờ đẻ la liệt từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch. Đảo Duy Mộng nằm ở phía đông nam đảo Hữu Nhật, phía đông bắc là đảo Quang Hòa, cũng do san hô tạo thành, bãi san hô ra xa đảo, nhô lên khỏi mặt nước khoảng 4m. Đảo hình bầu dục, diện tích khoảng 0,41km2 không có loại cây lớn, chỉ toàn loại cây nhỏ. Giữa đảo là vùng đất trống, có thể định cư được. Đảo có một con lạch nhỏ, có thể dùng ghe đi vào trong nội địa. Tàu có thể neo cách đảo 200m. Có nhiều chim biển và vích sống trên đảo. Đảo Quang Hòa nằm trên tọa độ 16o26’ bắc, 111o42’ đông, là đảo lớn nhất trong nhóm đảo Lưỡi Liềm, xung quanh đảo là bãi cát màu vàng. Vòng san hô lan ra rất xa khỏi bìa đảo. Cạnh đảo lớn có những hòn đảo nhỏ nối liền nhau bằng bãi cát dài. Một vài bản đồ địa chất ghi Quang Hòa thành hai đảo Quang Hòa Đông và Quang Hòa Tây. Quang Hòa Đông có rừng cây nhàu, một loại cây dùng để làm thuốc thường thấy nhiều ở vùng Nam bộ Việt Nam và cây phosphorite mọc ở phía tây của đảo, nhiều cây cao tới 5m. Phần phía đông trơ trụi chỉ có dây leo sát mặt đất. Chu vi đảo 2.700m, diện tích khoảng 0,48km2. Quang Hòa Tây là một đảo nhỏ, hình gần tròn, chu vi 1.000m chỉ bằng 1/10 đảo Quang Hòa Đông, khoảng 0,09km2, cũng có những loại cây như ở đảo Quang Hòa Đông nhưng chỉ cao hơn 3m. Đảo Quang Ánh nằm trên tọa độ 160o27’ bắc, 111o36’ đông, do san hô tạo thành, nhô lên mặt nước độ 6m, nơi cao nhất trong nhóm đảo Lưỡi Liềm. Xung quanh đảo, bờ biển có nhiều đá ngầm sắc nhọn rất nguy hiểm, tàu lớn không thể cặp neo được. Các tàu lớn phải neo ở ngoài khơi, muốn vào được phải dùng thuyền nhỏ. Vì địa thế hiểm trở và trên đảo không có nước ngọt nên trên đảo ít vết chân người lui tới. Đảo mang tên Phạm Quang Ánh, một đội trưởng Hoàng Sa được vua Gia Long sai đo đạc thủy trình ở Trường Sa năm 1815, hiện có hậu duệ và nhà thờ họ ở cù lao Ré. Đảo hình bầu dục hơi tròn, chu vi khoảng 2.100m, diện tích khoảng 0,3km2. Có một số cây lớn mọc ở giữa đảo cao đến 5m. Ở phía ngoài của đảo có các cây phosphorite và một vài loại cây khác giống như cây mít nhưng không có quả. Nhóm đảo Lưỡi Liềm ngoài 5 đảo trên còn có 4 đảo nhỏ như đảo Ba Ba, đảo Xà Cừ, và các đá như Hải Sâm, đá Lồi, đá Chim Yến, đá Bạch Quy.
Trong những năm gần đây, cùng với việc củng cố hồ sơ pháp lý và hoạt động trên thực địa, một số nước tồn tại tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cũng tích cực đẩy mạnh hoạt động du lịch biển nhằm tuyên truyền về yêu sách “chủ quyền” cũng như củng cố chứng cứ về quyền quản lý trên thực địa.
Trung Quốc thông qua việc hậu thuẫn cho các doanh nghiệp tổ chức các tour du lịch trái phép tới quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam để tìm cách củng cố yêu sách chủ quyền phi pháp đối với vùng biển này. Từ tháng 4/2013, Cục Hải dương nhà nước Trung Quốc đã công bố Chương trình phát triển hàng hải quốc gia theo Kế hoạch 5 năm lần thứ 12, trong đó đề cập đến việc phát triển du lịch ở Biển Đông. Đây là văn bản chính thức đầu tiên của Trung Quốc thể hiện chủ trương phát triển “du lịch yêu nước” ở Biển Đông của chính phủ Trung Quốc. Đến tháng 12/2016, Trung Quốc tiếp tục cho công bố “Chương trình phát triển du lịch” theo “Kế hoạch 5 năm lần thứ 13”, nhằm định hướng phát triển du lịch trong giai đoạn 2016 – 2020, trong đó ý đồ nguy hiểm của Trung Quốc là muốn phát triển du lịch tại Tam Sa, từng bước thúc đẩy mô hình du lịch biển hướng ra Biển Đông. Trên cơ sở đó, đến năm 2016, chính quyền tỉnh Hải Nam đã công bố “Quy hoạch phát triển du lịch tổng thể nhằm kết nối Hải Nam với Hoàng Sa. Với ngân sách từ tỉnh Hải Nam, chính quyền của “thành phố Tam Sa” đã xây dựng “Kế hoạch hành động thúc đẩy du lịch Tam Sa”, trong đó đề xuất mở cửa sân bay quân sự trên đảo Phú Lâm cho các chuyến bay dân sự, phục vụ du lịch biển. Tháng 3/2017, chính quyền tỉnh Hải Nam tiếp tục công bố “Kế hoạch phát triển du lịch toàn vùng của tỉnh Hải Nam giai đoạn 2016 – 2020”, với ý đồ phát triển du lịch tàu thuyền để khai thác du lịch tại Tam Sa, qua đó thúc đẩy mô hình du lịch biển mới, ưu tiên các tour ra Hoàng Sa và hướng tới Trường Sa đến năm 2020.
Thực hiện chủ trương của chính quyền Trung Quốc, vào tháng 4/2013, Công ty Vận tải eo biển Nam Hải đã tổ chức chuyến du lịch đầu tiên đưa du khách từ đảo Hải Nam đến một số địa điểm ở Hoàng Sa. Theo thống kê của phía Trung Quốc, từ năm 2013 đến nay các doanh nghiệp Trung Quốc đã đưa khoảng 100.000 du khách đến Hoàng Sa. Số lượng khách “du lịch yêu nước” tăng nhanh cùng với quá trình phát triển cơ sở hạ tầng ở Hoàng Sa, nhất là sau khi Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển ra phán quyết về vụ kiện của Philippines (7/2016). Năm 2016, số khách Trung Quốc du lịch đến Hoàng Sa tăng gần 50%.
Theo các chuyên gia quốc tế, việc tổ chức hoạt động “du lịch yêu nước” nằm trong chính sách tổng thể của Trung Quốc nhằm thực thi “chủ quyền” ở Biển Đông. Trung Quốc muốn tăng cường khẳng định chủ quyền và quyền kiểm soát trên thực tế ở Biển Đông, không chỉ bao gồm phương diện hạ tầng, quân sự mà còn trên lĩnh vực dân sự và sự hiện diện của người dân. Phản bác các chỉ trích của các nước bên ngoài và cộng đồng quốc tế, nhất là Mỹ về hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông hiện nay và hậu thuẫn cho các tuyên bố tuyên truyền của Trung Quốc rằng tình hình Biển Đông đang phát triển hòa bình, hợp tác. Về lâu dài, nếu các chủ thể quốc tế sử dụng các kết cấu hạ tầng dân sự và dịch vụ của Trung Quốc ở Biển Đông thì Trung Quốc có thể coi đó là cơ sở để khẳng định sự hiện diện hợp pháp, cũng như chủ quyền của họ tại khu vực này. Trung Quốc muốn tăng cường sự ủng hộ của người dân và tích cực tuyên truyền về chính sách của Nhà nước trong vấn đề biển đảo.
Đáng chú ý, truyền thông Trung Quốc cũng tích cực tham gia cổ súy hoạt động du lịch để tuyên truyền vấn đề chủ quyền. Thời báo Hoàn Cầu cho rằng việc hợp tác phát triển du lịch như một biện pháp giữ gìn hòa bình và ổn định trên Biển Đông. Để cổ súy cho du lịch trái phép trên Biển Đông, thời báo Hoàn Cầu viết rằng việc phát triển du lịch biển còn giúp tránh được việc tàn phá sinh thái biển do hoạt động đánh bắt cá trái phép gây nên, giúp bảo vệ các rạn san hô và các nguồn tài nguyên khác khỏi sự tàn phá của con người. Sau khi dẫn giải dài dòng về những gì đã diễn ra và những “lợi ích” của hợp tác du lịch trên Biển Đông , cuối cùng báo Hoàn Cầu cũng lộ rõ chủ ý của bài báo là nhằm bao che cho việc mở rộng phát triển tuyến du lịch trái phép ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Theo báo Hoàn Cầu, việc mở cửa du lịch trên quần đảo Hoàng Sa và phát triển tài nguyên du lịch trên cái gọi là thành phố Tam Sa được đánh giá cao trong việc xây dựng đảo du lịch quốc tế. Báo Hoàn Cầu ngang nhiên viết rằng: phát triển du lịch trên quần đảo Hoàng Sa cũng là dịp để Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Ngoài ra, truyền thông Trung Quốc cũng tích cực tán phát các thông tin liên quan và phát biểu của giới lãnh đạo liên quan vấn đề du lịch phi pháp ở Biển Đông.
Đằng sau những hành động phi pháp trên của Trung Quốc là nhằm phục vụ các ý đồ chính trị: Thứ nhất, Trung Quốc muốn tìm cách độc chiếm Biển Đông. Đài RFI của Pháp cho rằng Trung Quốc đang dùng mọi phương tiện để thực hiện tham vọng bành trướng lãnh thổ ở Biển Đông. Khi thường xuyên đưa du khách tới Hoàng Sa, Trung Quốc muốn củng cố đòi hỏi chủ quyền, khẳng định Trung Quốc quản lý tuyệt đối toàn bộ vùng này. Thứ hai, Trung Quốc muốn củng cố yêu sách chủ quyền phi pháp ở Hoàng Sa. Bằng các hành động trên, Bắc Kinh đang muốn chứng minh rằng Trung Quốc “đã thực hiện việc xác lập và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa một cách liên tục và hòa bình”. Thứ ba, tuyên truyền việc Trung Quốc có “chủ quyền” không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa, nhằm tìm kiếm sự đồng thuận của người dân trong nước và cộng đồng quốc tế. Thứ tư, Trung Quốc muốn thông qua
các hoạt động du lịch trái phép tới Hoàng Sa để đẩy mạnh “lòng yêu nước”, chủ nghĩa dân tộc của người dân lên cao nhằm hướng lái dư luận trong nước trước một số vấn đề nhạy cảm trong nước.
Trước các hoạt động du lịch trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông, Bộ ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng khẳng định “Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Việc Trung Quốc xây dựng, đưa vào sử dụng trái phép các công trình trên các đá, bãi, tại khu vực quần đảo Trường Sa hoặc tổ chức du lịch ra quần đảo Hoàng Sa đều xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Những hành động phi pháp như vậy không thể thay đổi sự thực về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này”. Cùng với các tuyên bố đó, Bộ ngoại giao Việt Nam cũng đã yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các các hoạt động sai trái và không để tái diễn các hành động tương tự, nghiêm túc tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
http://biendong.net/bien-dong/31484-tq-dinh-dua-du-khach-toi-cum-luoi-liem-hanh-dong-xam-pham-trang-tron-chu-quyen-cua-viet-nam.html

Trung Quốc thử nghiệm thành công

tàu thám hiểm sao Hỏa

Trung Quốc hôm thứ Năm 14/11 đã thực hiện thành công thử nghiệm hạ cánh tàu thám hiểm sao Hỏa.
Cuộc thử nghiệm quan trọng diễn ra tại cơ sở không gian ở tỉnh Hà Bắc cho thấy các quy trình đều diễn ra suôn sẻ để sẵn sàng cho sứ mệnh thám hiểm hành tinh Đỏ bằng phi thuyền không người lái dự trù vào năm tới.
Cơ quan Không gian Trung Quốc (CNSA) thực hiện thử nghiệm mô phỏng quá trình bay thăm dò, tránh vật cản và đáp xuống bề mặt sao Hỏa cho tàu đổ bộ. Cuộc thử nghiệm cũng mô phỏng lực hút của sao Hỏa để kiểm tra thiết kế của tàu đổ bộ.
Giám đốc CNSA, ông Zhang Kejian nói với các nhà ngoại giao của các nước được mời đến tham dự cuộc thử nghiệm và truyền thông báo chí rằng Trung Quốc đang trên đường triển khai sứ mệnh thám hiểm sao Hỏa.
Ông Zhang nói: “Trung Quốc đã chính thức bắt đầu chương trình thám hiểm sao Hỏa vào năm 2016, và cho tới nay mọi quy trình đều diễn tiến suôn sẻ.”
Nhà lãnh đạo CNSA nói rằng cuộc thử nghiệm thành công hôm nay đánh dấu một phần quan trọng của chương trình, và theo dự kiến Trung Quốc sẽ phóng tàu thăm dò lên sao Hỏa lần đầu tiên vào năm 2020.
Kiến trúc sư trưởng của chương trình thám hiểm sao Hỏa Trung Quốc, ông Zhang Rongqiao cho biết hành trình xuyên vũ trụ sẽ mất khoảng bảy tháng, và quy trình hạ cánh tàu đổ bộ sẽ mất khoảng bảy phút.
Ông Zhang nói tiếp rằng hạ cánh tàu đổ bộ sẽ là giai đoạn khó khăn và thách thức lớn nhất.
Trung Quốc đã chế tạo được tên lửa đẩy Trường Chinh 5 cực mạnh để phóng phi thuyền lên sao Hỏa. Tên lửa Trường Chinh 5 cũng được dự trù sẽ phóng tàu thăm dò Hằng Nga 5 lên mặt trăng vào cuối năm 2019 hoặc đầu năm tới để thu thập các mẫu đất đá về cho Trung Quốc. Hồi đầu năm nay, Trung Quốc đã đáp thành công tàu thăm dò Hằng Nga 4 xuống vùng tối của mặt trăng. Đó là thành tựu lịch sử lớn nhất của chương trình thám hiểm không gian của Trung Quốc.
Năm 2003, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba đưa người lên vũ trụ bằng tên lửa của riêng mình sau Liên Xô cũ và Hoa Kỳ
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-thu-nghiem-thanh-cong-tau-tham-hiem-sao-hoa/5166062.html

BRICS, thêm một lá bài để Trung Quốc thâu tóm thế giới

Thanh Hà
Nguyên thủ năm nước thuộc nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) họp thượng đỉnh lần thứ 11 tại thủ đô Brasilia trong hai ngày 13 và 14/11/2019. Từ tham vọng ban đầu là thành lập một câu lạc bộ làm đối trọng với nhóm G7 bao gồm các nền kinh tế công nghiệp phát triển, giới phân tích cho rằng, BRICS ngày càng trở thành một công cụ để Bắc Kinh chinh phục thế giới.
Đầu những năm 2000, kinh tế gia Jim O’Neill thuộc ngân hàng Goldman Sachs đã sáng chế ra cụm từ BRIC để chỉ bốn nền kinh tế đang trỗi dậy có tiềm năng tăng trưởng cao và một trọng lượng nhất định trên bàn cờ quan hệ quốc tế. Để cho « đủ bộ », câu lạc bộ này đã kết nạp thêm một thành viên mới là Nam Phi và trở thành BRICS.
Brazil được ví như « kho lương thực » của thế giới. Điểm mạnh của Ấn Độ là đã có những bước tiến rất dài trong các lĩnh vực dịch vụ từ tin học đến các tài chính và cả về y, dược. Nước Nga của tổng thống Putin là nguồn cung cấp vũ khí cho không ít quốc gia trên thế giới, là một điểm tựa cả về an ninh lẫn ngoại giao đối với một số quốc gia. Cùng với Bắc Kinh, Matxcơva là thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Còn Trung Quốc, ông khổng lồ châu Á vừa nhiều tiền, vừa là nguồn sản xuất hàng rẻ cho thế giới. Trong khi đó, Nam Phi giàu tài nguyên thiên nhiên. Như vậy, trên lý thuyết, năm thành viên này có nhiều lợi thế để bổ sung cho lẫn nhau.
Trong giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính 2008, quan hệ giữa năm thành viên nói trên ngày càng được mở rộng, và nhóm BRICS từng bước trở thành một diễn đàn đối trọng với các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada hay Nhật Bản. Tham vọng của BRICS tại thượng đỉnh đầu tiên năm 2009 họp tại Iekaterinburg – Nga, là hình thành một « mô hình mới, khác hẳn với chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa ».
Cho tới gần đây, tại thượng đỉnh 2018 ở Johannesbourg – Nam Phi, các bên đã đồng thuận lập một « mặt trận chặt chẽ chống lại chính sách bảo hộ của Hoa Kỳ ».
Nhưng trên thực tế, sau hơn một chục thượng đỉnh, BRICS vẫn là một khối bị cho là khập khiễng, bởi còn quá nhiều khác biệt về nhịp độ phát triển của các thành viên và mỗi bên lại có những tính toán riêng, cả về kinh tế lẫn địa chiến lược, vốn quá xa vời với những lợi ích chung.
Mặt khác, điều đáng chú ý hơn cả là khối BRICS đã ít nhiều bị Bắc Kinh áp đảo. Trung Quốc đã thay thế Hoa Kỳ để trở thành đối tác kinh tế lớn nhất của Brazil. Trong lúc Bắc Kinh đã có những bước tiến rất dài về mặt công nghệ cao thì « không chỉ Brazil, mà ngay cả nước Nga cũng bị thua kém trên mặt trận này », như ghi nhận của chuyên gia Julien Marcilly, kinh tế gia trưởng cơ quan bảo hiểm tín dụng xuất khẩu Pháp – COFACE. Hiện nay, « GDP tính theo đầu người tại Ấn Độ mới chỉ bằng thu nhập bình quân ở Trung Quốc hồi đầu những năm 2000 ». Còn Nam Phi là thành viên kém cỏi nhất trong khối.
Quan hệ giữa các thành viên nhóm BRICS đã không cất cánh đúng như mong đợi trong lúc bản thân mỗi thành viên đều phải đối mặt với nhiều thách thức. Nhưng cốt lõi vấn đề có lẽ nằm ở chỗ, sau hơn một chục lần họp thượng đỉnh, các đối tác của Bắc Kinh đều nhận thấy rằng, thứ nhất cho dù Trung Quốc luôn khẳng định mục tiêu phát triển quan hệ với các đối tác trên thế giới với tinh thần hòa bình, trên cơ sở bình đẳng và có lợi cho cả các bên, nhưng đó chỉ là những tuyên bố suông. Kế tới, vào đầu những năm 2000, khi nhóm BRIC được hình thành và trước khi kết nạp thêm Nam Phi, Trung Quốc còn là một « nền kinh tế đang trỗi dậy » như các đối tác còn lại.
Nhưng trong gần hai thập niên qua, Bắc Kinh đã từng bước phô trương tham vọng trở lại thành « trung tâm của thế giới ». Từ ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng AIIB đến chiến lược Một Vành Đai, Một Con Đường, tất cả đều thể hiện rõ ý đồ làm bá chủ thiên hạ của Trung Quốc. Thêm vào đó là sự cạnh tranh trực tiếp giữa hai ông khổng lồ châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc tại Nam Á, trên bộ tại khu vực biên giới Ấn Độ với Pakistan hay trên biển trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Quan hệ tương đối tốt đẹp giữa Trung Quốc với Brazil hay Nga là giải pháp tình thế. Tổng thống Putin không ngây thơ mỗi lần hội kiến với ông Tập Cận Bình. Về phần tổng thống Brazil, ông Jair Bolsonaro từng tuyên bố thẳng thừng rằng « Trung Quốc không chỉ muốn mua hàng của Brazil mà muốn mua luôn cả Brazil ». Tại Brasilia lần này, chủ tịch Tập Cận Bình không chỉ muốn « mua hàng của Brazil » mà thậm chí còn tìm cách thuyết phục Brazil trang bị mạng 5G của Hoa Vi.
Nói cách khác, bốn thành viên còn lại trong nhóm BRICS nhận thấy rằng khối này không đủ sức mà cũng không đủ đoàn kết để kiến tạo lại một trật tự thế giới mới như tham vọng ban đầu. Mà nếu có thể đạt được mục tiêu này trong một chừng mực nào đó, thì cũng chỉ là để thay thế những chuẩn mực đang bị phương Tây áp đặt bằng những chuẩn mực Bắc Kinh đề ra.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191114-brics-them-mot-la-bai-de-trung-quoc-thau-tom-the-gioi

Trung Quốc đưa tàu đến đón sinh viên về Hoa lục,

Hồng Kông tiếp tục tê liệt

Thụy My
Từ chiều hôm qua 13/11, nhiều sinh viên Trung Quốc đã rời Hồng Kông trở về Hoa lục, với sự trợ giúp của cảnh sát biển. Hồng Kông tiếp tục bị tê liệt từ hôm nay 14/11/2019 đến ngày mai : trường học đóng cửa, nhiều trạm xe điện ngầm ngưng hoạt động, nhiều tuyến đường chính bị phong tỏa.
Sáng nay, cảnh sát lại sử dụng hơi cay để giải tán người biểu tình và các sinh viên đang chận lối vào đường hầm nối đảo Hồng Kông với Cửu Long (Kowloon). Hơi cay cũng được bắn ra gần trường đại học Bách Khoa, nơi người biểu tình được kêu gọi tập hợp. Sinh viên đã sáng chế ra các loại vũ khí mới để đối phó với cảnh sát, như các giàn ná lớn, cung tên, dùng vợt tennis đánh bật lại lựu đạn cay.
Hàng ngàn sinh viên vẫn cố thủ bên trong các trường đại học, chuẩn bị lương thực dự trữ và gạch đá, bom xăng để đối phó. AP dẫn nguồn tin cảnh sát cho biết sinh viên chiếm 40% trong số 4.000 người bị câu lưu kể từ đầu phong trào phản kháng đến nay.
Trước tình hình căng thẳng, nhiều sinh viên Trung Quốc đã quay về Hoa lục. Cảnh sát biển điều một chiếc tàu đưa các sinh viên này hồi hương. Sinh viên một số nước Bắc Âu như Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy tại Hồng Kông được khuyến cáo nên về nước, Đài Loan mua vé máy bay cho 123 sinh viên trở về Đài Bắc tối qua.
Cũng trong tối hôm qua, trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã họp gấp với các viên chức cao cấp, khiến người ta cho rằng chính quyền Hồng Kông sẽ có những biện pháp khẩn cấp để đối phó. Sáng nay, tài khoản Twitter của Global Times loan báo « sẽ ra lệnh giới nghiêm cuối tuần này », nhưng nửa giờ sau tin này đã bị xóa. Chính quyền Hồng Kông không trả lời các hãng thông tấn.
Từ đầu tuần, các vụ bạo động diễn ra trên khắp đặc khu, ảnh hưởng đến giao thông công cộng, nhất là tàu điện ngầm vốn mỗi ngày vận chuyển trên 4 triệu lượt người. Theo chính quyền, hôm qua có 70 người phải nhập viện, trong đó có hai trường hợp nguy kịch.
Người biểu tình sử dụng chiến thuật mới theo kiểu « trăm hoa đua nở » : mở những cuộc tấn công nhỏ ở nhiều nơi, bất kể giờ giấc, thay vì tập trung vào những ngày cuối tuần.
Từ Hồng Kông, thông tín viên Florence de Changy tường trình :
« Khẩu hiệu được phong trào đưa ra tối qua là mở ra thật nhiều mặt trận để làm phức tạp thêm công việc của cảnh sát. Tại khu phố chính của cảng cá Aberdeen thuộc đảo Hồng Kông, dưới ánh trăng rằm, khoảng vài trăm người có mặt trên những con đường đã bị chắn bằng chướng ngại vật. Họ nhìn theo những người biểu tình năng động nhất gỡ những viên gạch lề đường rồi mang đặt rải rác trên mặt lộ.
Jonas, 23 tuổi nói : Nhìn kìa, hiện giờ thì các bạn ấy đang đặt những vật cản như đã thấy ở ngã tư, nhưng cảnh sát ở cách đây không xa, họ có thể bất ngờ xuất hiện.
Và đúng là chỉ vài phút sau, khoảng 30 cảnh sát chống bạo động đã xông đến với dùi cui, đèn pin cực mạnh và đủ loại trang bị trên người, tuần tiễu khắp khu phố, đá văng các chướng ngại vật trên đường đi.
Nhưng cảnh sát vừa đi khỏi một chút, cư dân đã mắng chửi họ từ xa. Khi cảnh sát quay lại ngã tư mà họ mới có mặt cách đó 20 phút, thì bàn ghế, thùng rác bị xô đổ và đủ loại vật cản khác lại xuất hiện. Tuy nhiên, trò chơi cút bắt này có thể diễn biến xấu đi một cách nhanh chóng, như người bán hoa trên đây lo ngại.
Aberdeen đêm qua vẫn yên tĩnh, nhưng tình hình tệ hại hơn ở Tây Loan Hà (Sai Wan Ho) – nơi mà một cảnh sát đã rút súng bắn thẳng vào một người biểu tình 21 tuổi hôm thứ Hai ; và tại khu Vượng Giác (Mongkok), Prince Edward. »
Báo chí nhà nước Trung Quốc tỏ ra cứng rắn. Global Times chạy tựa trang nhất « Các băng nhóm biến trường đại học thành vùng chiến sự theo kiểu Syria ». Nhân Dân Nhật Báo kêu gọi có biện pháp mạnh, China Daily cáo buộc người biểu tình biến các trường đại học thành « cơ sở cách mạng ».
Hôm nay, ngoại trưởng Úc Maryse Payne có động thái bất thường là kêu gọi cảnh sát Hồng Kông đáp trả « một cách chừng mực » đối với người biểu tình, và quan tâm đến đòi hỏi điều tra về bạo lực cảnh sát.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hôm qua yêu cầu chính quyền Hồng Kông chấm dứt « các hành động đàn áp », kêu gọi các quốc gia dân chủ ủng hộ phong trào đấu tranh ở Hồng Kông.
Trước đó phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng lại cảnh báo Hoa Kỳ « không nên xen vào chuyện nội bộ của Trung Quốc », đòi hỏi các thượng nghị sĩ Mỹ chấm dứt cổ vũ cho dự luật nhân
quyền và dân chủ Hồng Kông. Trên Twitter hôm nay, lãnh tụ sinh viên Hoàng Chi Phong dẫn lời thượng nghị sĩ Marco Rubio cho biết dự luật có thể được Thượng Viện Hoa Kỳ thông qua trước lễ Thanksgiving.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191114-sinh-vien-trung-quoc-so-tan-hong-kong-tiep-tuc-te-liet

Các trường đại học Australia thắt chặt

biện pháp ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc

Các trường đại học tại Australia hôm 14/11 đưa ra hướng dẫn mới về các biện pháp nhằm đối phó với ảnh hưởng của nước ngoài vào lúc có những lo ngại về các hoạt động của Trung Quốc tại các trường đại học.
Reuters trích lời Bộ trưởng Giáo dục Dan Tehan cho biết mối đe dọa về ảnh hưởng từ nước ngoài đang ở mức chưa từng có trước kia.
Theo hướng dẫn mới, các trường sẽ chia sẻ thông tin tình báo về mạng với các cơ quan an ninh, công bố tên của những đối tác nghiên cứu và danh sách các giao dịch tài chính với nước ngoài.
Một nhóm làm việc bao gồm các giới chức trong ngành tình báo và các lãnh đạo của các trường đại học đã được thành lập trong năm nay để đưa ra các quy định mới vào khi có một làn sóng các vụ tấn công mạng nhắm vào các trường đại học và nỗi lo rằng Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng đến các nghiên cứu và sinh viên.
Hướng dẫn mới cũng gia tăng những yêu cầu về mặt hợp tác với nước ngoài trong các dự án nghiên cứu. Các cơ sở đại học sẽ phải xem xét lại các bản quyền và cân nhắc liệu các tổ chức quân sự nước ngoài có được lợi từ bất cứ những nghiên cứu nào hay không.
Bộ trưởng Nội vụ Australia Petter Dutton hồi tháng trước nói rằng Bắc Kinh đang nhắm đến các trường đại học của Australia. Trung Quốc bác bỏ cáo buộc này.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Australia đang áp dụng cách nghĩ của thời chiến tranh lạnh, đồng thời bác bỏ việc Trung Quốc có tham gia và các vụ tấn công mạng.
Reuters mới đây cho biết cơ quan tình báo Australia xác định Trung Quốc chịu trách nhiệm về một vụ tấn công mạng nhắm vào quốc hội và 3 đảng chính trị lớn nhất của nước này trước cuộc bầu cử hồi tháng Năm vừa qua. Trung Quốc bác bỏ cáo buộc này.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/australia-universities-adopt-guidelines-to-foil-foreign-interference-11142019081134.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.