Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 14/11/2019

Thursday, November 14, 2019 6:13:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 14/11/2019

TQ muốn gì ở biển Đông?

Cả Trung Quốc và Mỹ đều đang ra sức cạnh tranh ảnh hưởng về quân sự, kinh tế, chính trị trong khu vực giữa hai nước.
Mỹ và Trung Quốc (TQ) đều đang cáo buộc nhau bắt nạt ở biển Đông. Nhưng thực tế ai đang bắt nạt ai ở biển Đông? Trong bài viết trên diễn đàn chính sách East Asia Forum (Úc), nhà phân tích chính sách hàng hải, nhà bình luận và tham vấn chính trị chuyên về châu Á Mark J. Valencia đã có nhận định đáng chú ý về vấn đề này.
Bắt nạt là hành động gây ảnh hưởng bằng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực buộc một bên khác phải làm điều mà bên đó không muốn. Tất cả các nước đều có bổn phận luật pháp phải “kiềm chế mọi hình thức cưỡng ép về quân sự , chính trị, kinh tế hay bất kỳ hình thức nào khác với bất kỳ nhà nước nào độc lập về chính trị và toàn vẹn lãnh thổ, trong các quan hệ quốc tế”.
Cưỡng ép và dọa dẫm cũng là hình thức bắt nạt. Cưỡng ép lên tới mức đe dọa dùng vũ lực đối với lãnh thổ, hay với hòa bình, hay với an ninh của bất kỳ nhà nước nào sẽ là một sự vi phạm trực tiếp Hiến chương Liên Hiệp Quốc (LHQ).
Ngày 21-7-2019, Bộ Ngoại giao Mỹ ra một tuyên bố cáo buộc TQ bắt nạt một số nước Đông Nam Á và đe dọa an ninh năng lượng khu vực khi phong tỏa các nước này tiếp cận tài nguyên ở biển Đông. TQ cũng có hành động nghiên cứu hàng hải trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hợp pháp của Việt Nam dù Việt Nam kiên quyết phản đối.
TQ “cưỡng ép, dọa dẫm”
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus, các hành động của các tàu khảo sát TQ là “một sự leo thang của TQ trong nỗ lực dọa dẫm các nước cùng tranh chấp khác khỏi việc phát triển các nguồn tài nguyên ở biển Đông”.
Việc triển khai các tàu hải cảnh và tàu “dân quân hàng hải” tháp tùng tàu nghiên cứu, thăm dò địa chấn làm người khác có suy nghĩ TQ đang vận dụng chiêu thức đe dọa sử dụng vũ lực để hỗ trợ sự xâm nhập trái phép của mình. Thủ tướng Úc Scott Morrison từng có động thái phản đối hành động của TQ, lên tiếng đề nghị các láng giềng của TQ kháng cự lại sự “cưỡng ép” này.
TQ có lịch sử hăm dọa các nước và cả các công ty dầu mỏ quốc tế có ký hợp đồng thăm dò khai thác với các nước này, nhằm phá rối hoạt động thăm dò khai thác dầu trong các khu vực nằm trong tuyên bố chủ quyền đường lưỡi bò phi pháp của TQ trên biển Đông. Cả Việt Nam và Philippines cũng cáo buộc TQ can thiệp hoạt động thăm dò dầu mỏ của mình, ngay trong các vùng đặc quyền kinh tế , thềm lục địa của mình.
Thái độ dọa dẫm của TQ càng được khẳng định hơn khi nối kết với các hành xử hiếu chiến khác của TQ trước đó, như chiếm bãi cạn Scarborough từ Philippines và huy động một số lượng lớn tàu cá đến các vùng biển Đông mà Philippines đang kiểm soát.
Nếu còn bất kỳ nghi ngờ nào về việc TQ đe dọa dùng vũ lực trong tranh chấp hàng hải thì hãy nhớ đến việc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hồi tháng 5-2017 từng tố cáo TQ đe dọa chiến tranh nếu Philippines thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực – được thành lập theo Phụ lục VII, Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) – chống lại TQ, bằng việc khoan khai thác dầu ở các vùng biển mà TQ tuyên bố chủ quyền. Phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực năm 2016 xử Philippines thắng, bác tuyên bố chủ quyền phi pháp của TQ ở biển Đông.
Mỹ “ngoại giao tàu chiến”
Trên đây là các biểu hiện bắt nạt của TQ. Vậy còn Mỹ thì sao? Ngày 29-8 vừa qua là lần gần nhất Mỹ thực hiện chiến dịch tuần tra tự do hàng hải (FONOP) ở biển Đông. Các chiến dịch FONOP với nhiều tàu chiến và máy bay chiến đấu của Mỹ thách thức các tuyên bố lãnh thổ và quyền tài phán của TQ mà Mỹ xem là không phù hợp với UNCLOS, khuyến cáo TQ không can thiệp tự do lưu thông của các tàu chiến ở biển Đông.
Với các chiến dịch FONOP, Mỹ không chỉ bị TQ cáo buộc là bắt nạt và muốn có “quyền bá chủ về hàng hải” mà còn khiến Mỹ ít nhiều bị chỉ trích là sử dụng “ngoại giao tàu chiến”.
Mỹ cho tàu đi qua biển Đông là thực hiện tự do hàng hải (FONOP), không phải kiểu bắt nạt, hù dọa…
Tháng 3-2018, Mỹ triển khai đội tàu sân bay USS Carl Vinson đến biển Đông để thực hiện chiến dịch FONOP. Điều đó cho thấy, Mỹ luôn quan tâm đến vấn đề tranh chấp tại biển Đông và nhất quán trong quan điểm bảo vệ tự do hàng hải. Mỹ luôn đưa ra quan điểm: Máy bay và tàu chiến của Mỹ có thể di chuyển đến bất cứ đâu luật pháp quốc tế cho phép.
Lập trường của Mỹ ủng hộ việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về luật Biển 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông (DOC) và hướng tới hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, có tính ràng buộc pháp lý.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 8, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ David Goldfein tái khẳng định Mỹ muốn đảm bảo tất cả các quốc gia đều có thể tham gia vào hoạt động hàng hải và hàng không quốc tế theo luật pháp nên sự hiện diện của Mỹ là để đảm bảo rằng tất cả các quốc gia đều đạt được lợi ích từ việc tôn trọng những luật lệ toàn cầu, kể cả Trung Quốc.
Tư lệnh không quân Mỹ tại Thái Bình Dương Charles Brown Jr. cũng nhấn mạnh việc đảm bảo đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng mở và tự do là “một trong những phần rất quan trọng trong chính sách của Mỹ”.
Gặp các lãnh đạo Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại cuộc họp thượng đỉnh ASEAN – Mỹ lần thứ 7 trong khuôn khổ kỳ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 tại Bangkok (Thái Lan) mới đây, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien lên án TQ “dọa dẫm” ở biển Đông.
Tại hội nghị, Cố vấn O’Brien đã chuyển thông điệp của Tổng thống Mỹ Donald Trump mời các lãnh đạo ASEAN sang “tham dự một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt với tôi ở Mỹ” trong quý đầu năm 2020.

Những thiết bị, phương tiện công nghệ mới

được TQ thử nghiệm và triển khai ở Biển Đông thời gian qua

Thực hiện ý đồ giành ưu thế trên biển, Trung Quốc đã tích cực nghiên cứu, thử nghiệm các loại thiết bị, phương tiện công nghệ mới ở Biển Đông. Gần đây nhất, Bắc Kinh đã đưa ra loại tàu lặn không người lái mà nước này quảng bá sẽ đáp ứng những nhu cầu khảo sát di động ở vùng biển sâu về lâu dài tại khu vực Biển Đông.
Thiết bị lặn không người lái “Sea-Whale 2000”
Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc hôm 5/11 đã giới thiệu mẫu phương tiện dưới nước tự động (AUV) mang tên “Sea-Whale 2000” sau khi đã hoàn thành đợt thử nghiệm kéo dài 37 ngày liên tiếp ở Biển Đông trên quãng đường 2.011 km.Mẫu AUV này hình ngư lôi, có chiều dài khoảng 3 m và nặng 200 kg, trang bị công nghệ trí tuệ nhân tạo và hàng loạt cảm biến để phát hiện nhiệt độ, độ mặn, dòng hải lưu, dấu vết hóa học, hoạt động sinh học và quan sát dưới nước. Thiết bị này có thể lặn sâu 2.000 m bên dưới mặt nước và chạy hành trình ở tốc độ 1,2 m/giây. Chuyên gia Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết “Chúng tôi phát triển Sea-Whale 2000 nhằm đáp ứng những nhu cầu khảo sát di động ở vùng biển sâu về lâu dài tại khu vực Biển Đông”.
Theo nhóm thiết kế, mẫu AUV có thể thực hiện nhiệm vụ kéo dài hàng tuần chỉ với một lần phóng và hoàn thành nhiều công việc. Tuy nhiên, họ từ chối tiết lộ tại sao Trung Quốc chế tạo AUV dưới nước dành riêng cho khu vực Biển Đông. Hiện nay “Sea-Whale 2000” không phải mẫu AUV có tầm hoạt động dài nhất thế giới mà mẫu AUV “Autosub Long Range” của Anh, có tầm hoạt động 6.000 km và thời gian hoạt động liên tục 6 tháng. Trung Quốc đang chạy đua phát triển tàu ngầm không người lái và nằm trong số những nước đầu tiên đưa công nghệ này vào sử dụng. “Sea-Whale 2000” có thể chạy hành trình như tàu ngầm thông thường, sử dụng bộ xử lý trung tâm từ STMicroelectronics, một công ty bán dẫn tại châu Âu và liên lạc qua mạng lưới vệ tinh toàn cầu do công ty Mỹ Iridium Communications điều hành. Dữ liệu do AUV thu thập cần được so sánh cẩn thận với dữ liệu từ các phương pháp khác để quyết định chất lượng và độ chính xác.
Máy bay chiến đấu không người lái CH-7
Tháng 01/2019, Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Trung Quốc (CASIC) đã giới thiệu loại máy bay chiến đấu không người lái CH-7 “Thiên Ưng”, mẫu phi cơ được coi là bản sao của X-47B và RQ-170 Sentinel do Mỹ sản xuất.CH-7 dài 10 m và có sải cánh rộng 22 m, đạt độ cao hành trình 10-13 km. Nó mang được nhiều loại vũ khí như tên lửa diệt radar và bom dẫn đường, cũng như được lắp hệ thống trinh sát điện tử để xác định mục tiêu có giá trị cao nhờ tín hiệu vô tuyến.Máy bay chiến đấu không người lái CH-7 có thể làm nhiệm vụ trinh sát, chỉ thị mục tiêu và sử dụng vũ khí dẫn đường chính xác. Thiên Ưng cũng ứng dụng nhiều đặc điểm của dòng RQ-170 Sentinel, trong đó có phần cửa hút gió
động cơ. Một số diễn đàn quân sự Trung Quốc tiết lộ Bắc Kinh từng cử 17 chuyên gia hàng không tới thủ đô Tehran của Iran hồi năm 2011, chỉ 4 ngày sau khi một chiếc RQ-170 Mỹ hạ cánh khẩn cấp xuống lãnh thổ nước này. Họ không chỉ khám nghiệm máy bay mà còn mang một số bộ phận quan trọng về Trung Quốc.
Tàu chiến không người lái JARI USV
Tháng 2/2019, Công ty đóng tàu quốc tế Trung Quốc (CSOI) đang phát triển một loại tàu mặt nước nhỏ không người lái có tên JARI USV. Tàu này nặng 20 tấn, dài 15 m, nhỏ hơn rất nhiều so với các tàu khu trục Type-055 của hải quân Trung Quốc nhưng có cùng nhiệm vụ: chống ngầm, chống tàu mặt nước và cả phòng không. Tàu JARI được trang bị các cảm biến điện-quang, radar mảng pha, thiết bị thủy âm, 8 ống phóng thẳng đứng, một ống phóng ngư lôi và một súng gắn phía mũi tàu, một dàn phóng rocket, theo mô hình trưng bày tại triển lãm. Không chỉ Trung Quốc, hiện nay hải quân Mỹ cũng đang thảo luận về mong muốn phát triển các công nghệ không người lái để tích hợp vào tàu chiến đấu mặt nước và tàu ngầm. Họ đã nghiên cứu phát triển một số tàu không người lái trang bị nhiều cảm biến và vũ khí để thâm nhập các khu vực chống tiếp cận của đối phương, ví dụ như trên biển Đông. Tàu JARI có vẻ là lời đáp trả của Trung Quốc đối với hình thức tác chiến kiểu mới từ phía Mỹ.
Tốc độ của tàu đạt gần 80km/h, tầm hoạt động hơn 900km. Năm ngoái, khi Trung Quốc công bố thiết kế này tại một triển lãm ở châu Phi, một đại diện của họ nói với Navy Recognition rằng tàu robot này được hải quân Trung Quốc sử dụng và cũng dành để xuất khẩu, và rằng tàu nguyên mẫu đang được vận hành thử nghiệm ở Trung Quốc. Tàu có thể được điều khiển từ một trạm đặt trên đất liền, hoặc từ tàu mẹ, theo tin của Navy Recognition. Tuy nhiên, không có thông tin về hình thức liên lạc từ trạm điều khiển hay từ tàu mẹ.
Hệ thống định vị biển sâu trên Biển Đông
Thời báo Hoàn Cầu hôm 24/3 cho hay, Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng “Hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu dưới nước”. Dự án nằm trong một chương trình rộng hơn nhằm cung cấp các dịch vụ định vị, hoa tiêu và liên lạc cho người sử dụng trên toàn cầu. Hoạt động thí điểm được cho là sẽ được thực hiện trên Biển Đông. Ông Huang Chudan, Chủ nhiệm Phòng Thí nghiệm Âm thanh Thượng Hải thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết hệ thống định vị dưới biển sâu này là dự án UGPS, sẽ cung cấp hỗ trợ công nghệ trọng yếu phục vụ hoạt động phân định ranh giới dưới vùng biển nước sâu, đặc biệt là phục vụ các tàu lặn sâu của nước này. Theo ông Huang, tín hiệu định vị bằng sóng radio khó hoạt động ở vùng biển sâu, nên các tàu lặn có người lái và không có người lái không thể sử dụng các hệ thống vệ tinh dẫn đường sẵn có. UGPS sẽ sử dụng sóng âm để định vị dưới nước thay vì sử dụng sóng vô tuyến. Tuy nhiên, ông Huang không tiết lộ độ sâu hoạt động hiệu quả cũng như mức độ chính xác của dịch vụ này. Theo kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020), Trung Quốc sẽ xây dựng một khu vực ứng dụng UGPS, bao phủ diện tích khoảng 250.000 km2.
Ý đồ của TQ khi triển khai, thử nghiệm các loại thiết bị, công nghệ như trên ở Biển Đông
Giới quan sát cho rằng ý đồ của TQ khi triển khai, thử nghiệm các loại thiết bị, công nghệ như trên ở Biển Đông thời gian qua là: Thứ nhất, nhằm tăng cường hiện diện quân sự và khả năng tác chiến ở Biển Đông. Các thiết bị này cùng với các cuộc trận trái phép ở gần khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, sẽ giúp Trung Quốc giành thế lấn lướt về công nghệ và quân sự ở khu vực. Thứ hai, nhằm cảnh báo tới Mỹ và các nước thời gian gần đây tăng cường triển khai tàu thuyền, máy bay hoạt động tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Australia đã tăng cường can dự vào vấn đề Biển Đông. Gần đây nhất, Tổng thống Philippines đã thách đố các nước can dự nhiều hơn vào Biển Đông, trong đó Pháp là nước đã lên tiếng khẳng định sẽ tiếp tục duy trì hiện diện quân sự và triển khai tàu thuyền thường xuyên ở Biển Đông. Mỹ và các nước thời gian qua cũng tiến hành hàng loạt các cuộc tập trận song phương, đa phương ở Biển Đông trong đó mục đích được giới quan sát cho rằng là đối phó với Trung Quốc. Thứ ba, với vỏ bọc là đáp ứng những nhu cầu khảo sát di động ở vùng biển sâu về lâu dài tại khu vực Biển Đông, Trung Quốc muốn đánh lạc hướng dư luận. Phục vụ y đồ tuyên truyền về hoạt động nghiên cứu khoa học nhưng thực chất là nhằm củng cố sự chiếm đóng của nước này ở các thực thể trên Biển Đông. Ngoài ra, với những thiết bị mới này, Bắc Kinh sẽ tăng cường xâm nhập vào vùng biển của các nước khác từ xa. Thứ tư, việc triển khai, thử nghiệm các loại thiết bị, công nghệ như trên ở Biển Đông mang tính lưỡng dụng, vừa là dân sự nhưng có thể cũng là quân sự, nhằm cảnh báo các nước trong khu vực về sức mạnh và sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở khu vực, tăng cường sự hậu thuẫn cho lực lượng tàu cá dân quân biển của nước này ở Biển Đông.

Chấm dứt căng thẳng Bãi Tư Chính

vẫn không giải quyết được vấn đề cốt lõi

Carl Thayer
Căng thẳng Bãi Tư Chính giữa Việt Nam và Trung Quốc chấm dứt cũng nhanh chóng như khi nó bắt đầu. Vào cuối tháng Mười, Việt Nam tuyên bố giàn khoan Hakuryu – 5 của Nhật Bản đã hoàn tất công việc ở lô 06 -01 theo hợp đồng với công ty Rosneft Vietnam. Một ngày sau, Trung Quốc tuyên bố là tàu Hải Dương 8 đã hoàn tất công việc và sẽ quay về Trung Quốc.
Hai sự kiện xảy ra kế tiếp nhau dường như đang gợi cho chúng ta thấy có một thỏa thuận đã đạt được trong bí mật. Chuyến đi của tôi tới Hà Nội vào đầu tháng Mười Một đã cho tôi cơ hội để thảo luận về khả năng này với các giới chức cấp cao của Việt Nam bao gồm cả một cựu đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc.
Trước chuyến đi, tôi được một nguồn tin khá tin cậy cho biết là vào khoảng cuối tháng Chín hoặc đầu tháng Mười, sau khi tàu Hải Dương 8 rời Bãi Tư Chính để về tiếp liệu tại Đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa), Trung Quốc đã gửi thư giao thiệp cho phía Việt Nam. Thư giao thiệp này đề nghị một trao đổi (quid pro quo). Nếu Việt Nam để Rosneft Vietnam dừng khai thác dầu ở lô 06 – 01 thuộc Mỏ Lan Đỏ, tàu Hải Dương 8 sẽ không vào lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tàu Hải Dương 8 đã quay lại vùng biển của Việt Nam và tiếp tục thực hiện việc nghiên cứu địa chấn như nó đã làm trước đó ở vùng biển miền trung Việt Nam. Hành động này cho thấy là Việt Nam hoặc đã từ chối đề nghị của Trung Quốc hoặc đã lờ nó đi.
Vào đầu tháng tháng Mười Một, những giới chức Việt Nam ở Hà Nội đã rất kiên quyết khẳng định rằng không có đàm phán nào với Trung Quốc cho một trao đổi như vậy. Giàn khoan Hakuryu – 5 của Nhật Bản được ký hợp đồng với công ty Rosneft Vietnam từ tháng Năm. Trong suốt khoảng thời gian xảy ra căng thẳng, vào tháng Bảy, giàn khoan này được cho biết là sẽ được gia hạn hoạt động cho đến tháng Chín. Nhiều nhà phân tích nhìn nhận chuyện này như là một hành động có tính toán mang tính phản kháng của Việt Nam. Quyết định dừng việc khai thác dầu vào hồi cuối tháng Mười có thể là một quyết định mang tính thương mại.
Sự chấm dứt bế tắc ở Bãi Tư Chính đã không loại bỏ được nguyên nhân cốt lõi của đối đầu gần đây giữa hai bên. Trung Quốc đã trở nên hiếu chiến hơn trong việc đòi hỏi chủ quyền đối với tất cả thực thể và vùng nước tiếp giáp nằm trong đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này đòi ở Biển Đông. Đề nghị của Trung Quốc trong văn bản đàm phán bản thảo Bộ Quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC) cho thấy những hợp tác kinh tế biển, bao gồm cả khai thác dầu khí, “không được thực hiện với các công ty thuộc các nước nằm ngoài khu vực”. Đây là lý do căn bản trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm gây sức ép lên công ty Rosneft Vietnam để công ty này ngừng hoạt động ở lô 06-01.
Nói theo cách khác, Trung Quốc giữ quyền quay lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để dừng việc khai thác dầu do các công ty nước ngoài ở bên ngoài khu vực thực hiện.
Kết thúc bế tắc ở Bãi Tư Chính cũng không giải quyết được tranh cãi nóng bỏng ở bên trong Việt Nam về việc liệu những phản ứng của các lãnh đạo Việt Nam đã đủ chưa. Những người chỉ trích lập luận rằng Việt Nam nên chỉ đích danh Trung Quốc tại các diễn đàn quốc tế thay vì tránh né vấn đề. Những người chỉ trích cũng cho rằng Việt Nam nên có hành động pháp lý đối với Trung Quốc theo Công ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS), theo cách mà Philippines đã làm.
Với sự chấm dứt căng thẳng Bãi Tư Chính, tranh chấp trên biển giữa Việt Nam với Trung Quốc ở Biển Đông lúc này lại quay về “các tiến trình ngoại giao và pháp lý”. Hai diễn biến gần đây hàm chứa phân tích: các đàm phán về văn bản đàm phán bản thảo COC và tranh cãi vẫn đang tiếp diễn về việc liệu nên có hành động pháp lý với Trung Quốc hay không.
Việt Nam đã là nước chủ nhà cho cuộc họp của Nhóm làm việc chung ASEAN – Trung Quốc lần thứ 30 về việc thực hiện Tuyên bố của các bên về Biển Đông (DOC) và cuộc họp Quan chức cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 18 (SOM) trong việc thực hiện DOC ở Biển Đông tại Đà Lạt từ ngày 13 đến 15 tháng Mười vừa qua.
Trung Quốc và Việt Nam đã đụng độ tại những cuộc họp này. Đại diện Việt Nam nói: “về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, đặc biệt là những vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, chú ý đến lập trường của Việt Nam về luật quốc tế và UNCLOS 1982… những vi phạm của Trung Quốc đã ảnh hưởng xấu tới hòa bình và an ninh khu vực, và cản trở các đàm phán COC” (Thông Tấn Xã Việt Nam, ngày 15/10/2019).
Truyền thông Trung Quốc cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc (16/10/2019), “Tất cả các bên đồng ý là tình hình ở Biển Đông nhìn chung đang ổn định…. Cuộc họp đã có một trao đổi quan điểm đầy đủ về lần đọc thứ hai của văn bản COC, được xem xét và xác nhận những dự án hợp tác thực tế trên biển mới, và cập nhận kế hoạch thực hiện DOC cho giai đoạn 2016 – 2021”.
Việt Nam đã ngăn cản nỗ lực của Trung Quốc nhằm đưa cuộc họp SOM ASEAN và Trung Quốc 18 vào lần đọc duyệt thứ hai trong 3 lần duyệt bản thảo COC. Việt Nam đề xuất nhiều biện pháp để cải thiện cách làm việc trong vòng đàm phán COC tiếp theo, ví dụ như tập trung vào các vấn đề chính sách và cải thiện vai trò của các giới chức cấp cao trong việc chỉ dẫn và hướng cho các đàm phán ở cấp làm việc nhóm.
Vào ngày 6/11, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung có bài phát biểu quan trọng tại hội thảo Biển Đông lần thứ 11 do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia, Quỹ Biển Đông tổ chức ở Hà Nội. Ông Trung chú ý rằng Việt Nam thích đàm phán để giải quyết tranh chấp trên biển với Trung Quốc nhưng cũng có những lựa chọn khác. Ông Trung nói: “Chúng tôi biết rằng những biện pháp này bao gồm tìm kiếm sự thật, trung gian hòa giải, đàm phán, trọng tài và kiện. Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Công ước về luật biển của Liên Hiệp quốc 1982 (UNCLOS 1982) có đủ các cơ chế cho chúng tôi áp dụng những biện pháp này”. Đây dường như là lần lần đầu tiên Việt Nam chính thức ủng hộ hành động pháp lý chống Trung Quốc.
Việt Nam cũng gộp các biện pháp này vào trong văn bản đàm phán bản thảo COC giữa ASEAN – Trung Quốc vốn được đưa ra hồi tháng 8 năm 2018.
Việt Nam bây giờ là Chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2020. Hiện vẫn chưa rõ những sáng kiến nào mà Việt Nam sẽ có để thúc đẩy các đàm phán về một COC có tính ràng buộc và hiệu quả. Hiện cũng chưa rõ liệu Trung Quốc có tránh né trong cách giải quyết các vấn đề Biển Đông hay không khi mà giờ đây Việt Nam nắm ghế Chủ tịch ASEAN.
*Carl Thayer là giáo sư thuộc trường Đại học New South Wales, Canberra, Australia. Ông là người đóng góp cho RFA các bài phân tích về ảnh hưởng của Trung Quốc tới Việt Nam.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.