Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 04/10/2019

Friday, October 4, 2019 7:59:00 PM // ,

Tin Việt  Nam – 04/10/2019

Hà Nội xác nhận Hải Dương 8

mở rộng hoạt động trong vùng EEZ của VN

Bộ Ngoại giao Việt Nam chính thức xác nhận thông tin nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc “tiếp tục mở rộng hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam”.
Trong cuộc họp báo ngày 3/10, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói rằng hành động của Trung Quốc “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam”, và Hà Nội “kiên quyết phản đối hành động này và đã có giao thiệp với phía Trung Quốc”.
“Một lần nữa, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển Việt Nam và không để tái diễn hành động vi phạm tương tự”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói.
Kể từ đầu tháng 7, tàu thăm dò Hải Dương 8 của Trung Quốc cùng với nhóm tàu hải cảnh hộ tống đã xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gần khu vực Bãi Tư Chính, nơi Việt Nam đang hợp tác với một số nước để thăm dò và khai thác dầu khí. Sự kiện này đã đẩy căng thẳng trong quan hệ Việt-Trung lên đến đỉnh điểm, kể từ sau khi Bắc Kinh đưa giàn khoan HD-981 vào Biển Đông năm 2014.
Bất chấp những phản đối chính thức từ phía Hà Nội, Trung Quốc vẫn không dừng lại hoạt động của nhóm tàu này, dẫn đến những suy đoán có thể xảy ra đụng độ vũ trang nếu Bắc Kinh tiếp tục leo thang hành động và đưa giàn khoan khu vực.
Cũng trong cuộc họp báo chiều 3/10, khi được hỏi về thông tin Trung Quốc thông báo triển khai giàn khoan dầu mới Hải Dương 982 ở Biển Đông, nhưng chưa nêu vị trí chính xác, kể từ ngày 21/9, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói phía Việt Nam “đang theo dõi và xác minh thông tin này”.
https://www.voatiengviet.com/a/5108889.html

Nhà cầm quyền CSVN quyết liệt

làm gia tăng căng thẳng với Trung Cộng

trong chính sách mới với Ấn Độ

Căng thẳng Việt – Trung đã tăng không dừng trong năm vừa qua, lí do chính là sự xâm phạm lãnh hải đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ các tàu của Trung Cộng tại biển đông. Hành động gây hấn bắt đầu lần đầu tiên vào 28 năm trước khi tàu của Trung Cộng tiến vào vùng hải phận được kiểm soát bởi Hà Nội, và các sự kiện xâm phạm hải phận gần nhất là cuối tháng 9 năm 2019. Các hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Cộng đã khiến nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam quyết liệt phản đối về mặt ngoại giao hơn 40 lần tới chính quyền Bắc Kinh.
Đại sứ cộng sản Việt Nam tại Ấn Độ, Phạm Sanh Châu đã phát biểu với phóng viên rằng nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội đã nhắc nhở Trung Cộng “Họ không nên xâm phạm vùng biển của chúng tôi và họ nên rút tất cả tàu thuyền một cách sớm nhất”
Ông Châu nói chính quyền của mình sẽ bàn thảo về các sự gây hấn của Trung Cộng với chính phủ Ấn Độ trong buổi hội đàm an ninh thường niên, sắp được tổ chức vào tháng này tại thành phố Sài Gòn.
Sự kiện Trung Cộng xăm phạm hải phận Việt Nam gần đây xảy ra tại vùng nước có sự hiện diện của 1 công ty năng lượng của Ấn Độ là ONCG Videsh đang tiến hành thăm dò dầu khí.
Ông Châu nói “Chúng tôi hi vọng sẽ có thể phục hồi các vấn đề không chỉ an ninh của 2 quốc gia, mà cả những vấn đề liên quan cả khu vực, chúng tôi sẽ đưa vấn đề hiện tại ở Biển Đông ra cuộc hội đàm”
Về phần mình, Ấn độ đã thông cáo báo chí trong tháng 8 rằng thái độ của Ấn Độ là ủng hộ “lợi ích ổn định hoà bình lâu dài” của khu vực và kêu gọi sự tôn trọng pháp luật quốc tế, bao gồm các luật về hải phận của công ước Liên Hiệp Quốc.
Việt Nam có mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Ấn Độ, và cả 2 nhà nước đang có kế hoạch thảo luận nhiều vấn đề từ lĩnh vực an ninh đến mậu dịch đầu tư và các hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
Trọng tâm của buổi hội đàm sẽ là nỗ lực để củng cố khoản vay 500 triệu Mỹ Kim mà chính phủ Ấn Độ cho vay để giúp nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam mua thêm thiết bị quân sự.
Hai quốc gia hiện đang có sự nở rộ phát triển về đối tác mậu dịch và đang theo sát tiến trình xúc tiến tăng trưởng mậu dịch 2 bên lên tới 15 tỷ Mỹ kim vào năm 2020.
Trong một thúc đẩy hợp tác kinh tế và phát triển, Ấn Độ và Việt Nam sẽ thương mại hoá đường bay trực tiếp giữa 2 nước.
Hà Nội cũng hi vọng sẽ có thể giải quyết các vấn đề gai góc về các rào cản nhập cảng của chính phủ Ấn Độ với mặt hàng nhan xuất cảng của Việt Nam vốn có giá trị 84 triệu Mỹ kim.
Delhi đã đặt rào cản để đáp trả hành động trợ giá của chính phủ Việt Nam đối với ngành công nghiệp sắt thép trong nước.
Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã kêu gọi Ấn Độ xem lại quyết định của mình.
Việt Nam và Trung Cộng có 1 lịch sự mâu thuẫn kéo dài về tài nguyên năng lượng tại Biển Đông, việc Trung Cộng cho tàu thăm dò dầu khí Hải Dương 981 đã làm bùng nổ 1 cuộc biểu tình chống Trung Cộng mạnh mẽ tại Việt Nam trong năm 2014.
Vào đầu năm nay, cảnh sát duyên phòng cộng sản Việt Nam đã ép 1 tàu thăm dò của Trung Cộng rời khỏi Bãi Tư Chính tại Biển Đông. Tại đây tàu thăm dò này đang cố thăm dò dầu khí dưới thềm lục địa.
Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thường làm việc với các công ty Tây Ban Nha và Ấn Độ để thăm dò dầu khí.
Các chuyên gia tin rằng Trung Cộng không vừa lòng với các hành động can thiệp của nước ngoài và cố ép buộc Việt Nam từ bỏ hợp tác với nước ngoài.
Ông Yup Sun từ trung tâm nghiên cứu chính sách Stimson tại Hoa Thịnh Đốn và là  1 chuyên gia Đông Á lo ngại nói “Tôi nghĩ  chính sách của Trung Cộng khó có thể củng cố chủ quyền của mình, nhưng nó phá bỏ đi nỗ lực của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trong việc theo đuổi chính sách hợp tác thăm dò với các quốc gia khác.”
Trong diễn biến ngắn về mâu thuẫn Việt-Trung xảy ra sau khi UK nói rằng họ muốn gửi hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth tới vùng biển tranh chấp thuộc Biển Đông
Hành động này diễn ra sau phát ngôn của Pháp rằng họ đã gửi tàu chiến  Frigate và Dixmude tới quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa vốn nằm trong đường chín đoạn phi lí của Trung Cộng.
Trung Cộng cũng đã đáp trả trước tin Châu Âu cho tàu chiến tiến vào vùng biển tranh chấp.
Thiếu tướng Tô Quang Huy, tuỳ viên quân sự tại Vương Quốc Anh đã phát biểu tuần trước rằng “Nếu Mỹ và Vương Quốc Anh hợp tác nhằm thách thức toàn vẹn chủ quyền của Trung Cộng, thì đó sẽ được xem là hành động thù địch”
T.N/SBTN
https://www.sbtn.tv/nha-cam-quyen-csvn-quyet-liet-lam-gia-tang-cang-thang-voi-trung-cong-trong-chinh-sach-moi-voi-an-do/

Việt Nam cho phép tập đoàn Mỹ

đầu tư nhà máy điện khí 5 tỷ USD

Chính phủ Việt Nam vừa đồng ý cho Tập đoàn AES của Mỹ đầu tư vào dự án điện Sơn Mỹ 2 tại Bình Thuận theo hình thức hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT) trị giá 5 tỷ USD. Truyền thông trong nước loan tin vừa nói hôm 4/10.
Văn bản chấp thuận này được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh trao cho Tập đoàn AES nhân chuyến thăm, làm việc tại Mỹ.
Tin cho biết hợp đồng xây dựng nhà máy điện này có tổng trị giá khoảng hơn 5 tỷ USD, khi đi vào vận hành sẽ tạo ra nhu cầu nhập khẩu khí hóa lỏng LNG từ Mỹ lên tới gần 2 tỷ USD mỗi năm. Theo Bộ Công Thương Việt Nam, dự án này sẽ góp phần hài hòa cán cân thương mại với Mỹ.
Dự án nhiệt điện khí Sơn Mỹ 2 nằm trong tổ hợp chuỗi dự án nhiệt điện Sơn Mỹ, gồm Sơn Mỹ 1, 2 và 3 tại tỉnh Bình Thuận có tổng công suất 4.000 MW. Ước tính mỗi năm nhà máy này tiêu thụ gần 0,6 triệu tấn LNG, dự kiến vận hành vào năm 2024.
Trước đó, vào ngày 30/9, đại diện Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ký bản ghi nhớ đối tác hợp tác năng lượng toàn diện tại trụ sở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Tại lễ ký, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá Hoa Kỳ là thị trường khí hóa lỏng tiềm năng dồi dào để cung cấp cho Việt Nam trong giai đoạn sắp tới.
Tập đoàn AES chuyên sản xuất, phân phối điện nổi tiếng thế giới. Tập đoàn này cũng đã hợp tác với Posco Energy của Hàn Quốc và China Investment Corporation của Trung Quốc đầu tư dự án Nhiệt điện Mông Dương 2 có công suất 1.200 MW, đã vận hành thương mại từ tháng 4 năm 2015.
Vào tháng 9 năm 2019, một dự án điện khí hơn 5 tỷ USD dự kiến hoàn thành vào 2025, cũng được Công ty Đầu tư và quản lý Quỹ Energy Capital Việt Nam đầu tư tại Bình Thuận. Dự án này có tổng công suất 3.200 MW, sẽ sử dụng nguyên liệu LNG nhập khẩu từ Mỹ.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-allowed-us-group-to-invest-us-5-billion-gas-power-plant-10042019095612.html

Thủ tướng Hun Sen đến Việt Nam

giải quyết các vấn đề biên giới

Hôm 4/10, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã có mặt tại Hà Nội bắt đầu chuyến công du hai ngày, nhằm giải quyết các vấn đề biên giới trên đất liền với Việt Nam, điều mà một nhà quan sát Campuchia nói là để giúp “ngăn chặn các chính trị gia [phe đối lập] tận dụng [vấn đề biên giới] để phục vụ cho lợi ích chính trị.”
Báo Thanh Niên tường thuật tại buổi hội đàm của hai nhà lãnh đạo Việt Nam – Campuchia: “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hun Sen khẳng định quan hệ Việt Nam và Campuchia là quan hệ anh em gắn kết, bền chặt không thể tách rời.”
Trang Thanh Niên dẫn lời ông Hun Sen một lần nữa “cảm ơn sự giúp đỡ vô tư, trong sáng của Việt Nam giúp Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng, cũng như sự trợ giúp chí tình của Việt Nam giúp Campuchia hồi sinh đất nước ngay cả khi Việt Nam cũng đang gặp khó khăn vì bao vây cấm vận.”
Truyền thông Việt Nam cho biết trong chuyến thăm này hai nước sẽ ký 2 văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả 84% công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền.
XEM THÊM:
Campuchia tái điều tra vụ nhà báo bị cáo buộc làm gián điệp
Chuyến công du Việt Nam của ông Hun Sen diễn ra vài ngày sau khi ông kêu gọi người dân Campuchia không tham gia “âm mưu lật đổ nhà nước” của ông Sam Rainsy, lãnh đạo đối lập đang sống lưu vong.
Ông Hun Sen đưa ra lời kêu gọi hôm 2/10 sau khi ông Sam Rainsy, cựu chủ tịch của đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) đã bị giải thể, cùng các chính trị gia đối lập khác đang sống lưu vong thông báo họ sẽ quay về Campuchia vào ngày 9/11.
Nhằm duy trì lực lượng ủng hộ sau nhiều năm ở nước ngoài, ông Rainsy hồi tháng trước kêu gọi những người ủng hộ, bao gồm một số nhân vật trong quân đội, lật đổ ông Hun Sen.
“Họ nói họ sẽ lật đổ chúng ta vào ngày 9/11. Đây là mưu đồ đảo chính và Bộ Tư pháp đã truy tố tội âm mưu đảo chính rồi,” ông Hun Sen nói trước 1.200 sinh viên trong lễ tốt nghiệp của một trường đại học tại thủ đô Phnom Penh, theo Khmer Times.
Trao đổi với tờ The Phnom Penh Post, ông Kin Phea, Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Học viện Hoàng gia Campuchia cho biết chuyến thăm chính thức tới Việt Nam của ông Hun Sen sẽ giúp tăng cường hơn nữa quan hệ và hợp tác giữa hai nước.
“Thông thường, Việt Nam và Campuchia có quan hệ truyền thống giống như anh em và hàng xóm thân hữu. Vì vậy, mục tiêu của chuyến thăm là tăng cường và phát triển hợp tác giữa hai nước,” ông nói.
Ông Kin Phea nói nếu hai chính phủ có thêm một thỏa thuận để phân ranh giới thì sẽ giúp giải quyết các vấn đề biên giới của hai bên. “Nó cũng sẽ giúp ngăn chặn một số chính trị gia cố gắng tận dụng vấn đề này vì lợi ích chính trị.”
“Chúng tôi không muốn vấn đề biên giới trở thành một ‘căn bệnh’ cho các quốc gia của chúng tôi,” ông nói.
Dường như ông Kin Phea ám chỉ ông Sam Rainsy, sống lưu vong ở Pháp từ năm 2015, người thường xuyên cáo buộc ông Hun Sen quá thân cận với Hà Nội và liên tục gọi ông Hun Sen là “con rối của Việt Nam.”
Trước đó, vào tháng 9/2010, ông Sam Rainsy, bị chính quyền Hun Sen kết án 10 năm tù trong vụ tranh chấp biên giới với Việt Nam, sau khi ông đã trình bày một bản đồ có một lằn ranh biên giới giữa Việt Nam và Kampuchea khác với bản đồ mà chính phủ Campuchia sử dụng.
Vụ tranh chấp đã có từ một năm trước đó khi ông Sam Rainsy và hai dân làng di chuyển các cột mốt bằng gỗ đánh dấu biên giới giữa Kampuchea và Việt Nam. Ông Rainsy đã bị lãnh án tù hai năm về tội nhổ cột mốt biên giới trong khi những người dân làng mỗi người lãnh án tù 1 năm.
https://www.voatiengviet.com/a/thu-tuong-hun-sen-den-vietnam-giai-quyet-cac-van-de-bien-gioi/5110503.html

CSVN phản bác phúc trình năm của GFI về rửa tiền

Hà Nội, ngày 04/10/2019: Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phản bác phúc trình gần đây của tổ chức Liêm Chính Tài Chính Toàn Cầu (GFI) khi báo cáo này cho rằng Việt Nam là quốc gia đứng đầu thế giới nhận dòng tiền bất hợp pháp do rửa tiền.
Trong buổi họp báo thường kỳ của bộ ngoại giao cộng sản Việt Nam tại Hà Nội ngày 03/10, phát ngôn nhân của bộ này nói rằng thông tin của GFI về Việt Nam là “không chính xác” và “không phản ánh đúng thực tế cũng như quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong việc phòng, chống rửa tiền.”
Bà Hằng khẳng định rằng chế độ cộng sản ở Việt Nam coi rửa tiền là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm và xử lý nghiêm khắc. Việt Nam có đầy đủ khuôn khổ pháp lý về phòng chống rửa tiền để thực hiện các khuyến nghị và cam kết quốc tế trong việc ngăn chặn hành vi rửa tiền.
Bà Hằng cho biết Hà Nội cũng đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống tài chính-ngân hàng, hiện đại hoá hạ tầng, công nghệ, và nâng cao năng lực quản trị theo các chuẩn mực quốc tế để phòng chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính-tiền tệ, trong đó có rửa tiền.
Bà Hằng bổ sung rằng Việt Nam là thành viên của Nhóm Châu Á–Thái Bình Dương về phòng chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố (APG).
Trong phúc trình mới công bố gần đây, GFI nói rằng Việt Nam là quốc gia nhận được dòng tiền bất hợp pháp lớn nhất trên thế giới từ “Thương mại với hóa đơn sai”, một hình thức rửa tiền dựa trên kinh doanh thương mại. GFI nói báo cáo dựa trên dữ liệu của Quỹ Tài chính Quốc tế (IMF) và Liên Hiệp Quốc từ năm 2006 đến 2015. Theo đó, chỉ trong năm 2015 Việt Nam đã thu về 22,5 tỷ Mỹ kim, qua mặt Thái Lan (20,9 tỷ) và Panama (18,3 tỷ), hai quốc gia nổi tiếng về hoạt động rửa tiền.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/csvn-phan-bac-phuc-trinh-nam-cua-gfi-ve-rua-tien/

Phản ứng của người dân về phát biểu

 “Bỏ tù đồng chí để lấy lại lòng tin”

Cao Nguyên
Hôm 1/10/2019, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đã phát biểu “xử lý kỷ luật, bỏ tù đồng chí để củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng…” tại buổi tiếp xúc với cử tri thành phố Long Khánh, Đồng Nai.
Phát biểu của ông Thưởng cho thấy “Đảng đứng trên hiến pháp”
Báo chí nhà nước dẫn lời ông Thưởng rằng chưa có nhiệm kỳ nào mà số cán bộ bị xử lí nhiều như nhiệm kì này. Thậm chí xử lý hình sự cả ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và lãnh đạo các địa phương…
Công cuộc chống tham nhũng được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động từ năm 2016 đến nay đã khiến nhiều cán bộ cấp cao của đảng bị xử lý kỷ luật.
Tại một hội nghị của Ban Nội chính Trung ương hồi đầu năm, một con số thống kê được đưa ra cho thấy trong nhiệm kỳ Đại hội 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam tính đến nay đã có hơn 53.000 cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, trong đó có hơn 60 cán bộ thuộc diện trung ương quản lý.
Trưởng ban tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nói: “Không ai muốn xử lý kỷ luật, bỏ tù đồng chí, đồng đội của mình, nhất là những người đã từng công tác với mình. Đây là việc rất khó khăn nhưng không thể không làm, để củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, để xây dựng Đảng thực sự trong sạch vững mạnh, xứng đáng là lực lượng chính trị lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội. Vấn đề này sẽ được tiếp tục thực hiện trong thời gian tới”.
Kỹ sư Trần Bang cho rằng phát biểu của ông Thưởng thể hiện sự vô pháp của đảng Cộng sản (ĐCS):
Đảng cầm quyền phải tuân thủ hiến pháp. Không phải lúc thì xử lí, lúc thì không xử lí là được. Nói như thế hoá ra trước đây anh không xử lí à? Trước đây là thả cửa cho tham nhũng, thoái hoá biến chất sao?
Anh càng nói càng lộ ra bản chất tồi tệ, chẳng có nghĩa lí gì với chúng tôi cả.
Cách nói của họ như thế chứng tỏ họ đã đứng trên pháp luật rồi.”
Ông Vũ Mạnh Tuấn đang sống ở Hà Nội, thường xuyên bình luận các sự kiện chính trị trên mạng xã hội, bình luận về phát biểu này rằng:
Tôi nghĩ nó chỉ mang tính chất nguỵ biện cho việc làm của họ mà thôi. Việc xử thì đương nhiên họ phải xử để thể hiện là trong bộ máy chính quyền vẫn có chống tham ô, tham nhũng.
Bây giờ họ buộc phải làm vì nếu họ không làm thì họ cũng không thể tồn tại được. Cho nên tôi nghĩ rằng những câu nói như thế nó mang tính chất yếu kém về tầm nhận thức.”
Giảng viên Dương Bích Hà, người từng là đảng viên Cộng Sản cho rằng phát biểu trên của ông Thưởng chỉ mang tính chất “xoa dịu dư luận”:
Với các nhìn của mình thì đó chẳng qua là một cách an ủi người dân thôi chứ thực tế họ phải chịu trách nhiệm về những hành vi của họ. Những bản án phải cao hơn để làm gương cho những người mang danh đảng viên đang lăm le phạm tội.
Họ làm như vậy để xoa dịu dư luận trong giới hạn nào đó thôi chứ để thoả mãn thì không đủ.”
Ngày 2/10/2019, Bí thư TPHCM ông Nguyễn Thiện Nhân tiếp tục phát ngôn về vấn đề kỷ luật, bỏ tù các quan chức tham nhũng với nội dung “Không có chuyện khóa mới xới chuyện kỷ luật khóa cũ”
Với phát biểu này, nhiều độc giả cũng để lại lời bình trên fanpage của đài Á Châu Tự Do:
Facebooker “Phạm Tu Dù” cho rằng “là khóa trước hay khóa sau nêu cá nhân hoặc tập thể vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng đều phải xử lý trước pháp luật.”
Một ý kiến khác của nick “Long Nguyễn Bảo”: “sao mà ông nào sắp về hưu cũng ký bổ nhiệm hàng loạt, vừa có tiền vừa có vây cánh, vừa là kẻ bảo vệ mình sau này… Chứ có ông nào làm vì công việc vì người dân đâu.”
Bỏ tù “đồng chí tham nhũng” dân cũng không còn tin đảng
Đảng Cộng sản những năm qua đã bỏ tù rất nhiều cán bộ cấp cao như ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng, hay một phó chủ tịch tỉnh là Trịnh Xuân Thanh, hai cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn…. thậm chí có người phải nhận mức án lên đến hơn 30 năm tù giam. Tuy nhiên, điều đó cũng không thể làm người dân đặt lòng vào đảng cầm quyền.
Kỹ sư Trần Bang nói với RFA rằng đảng đã nhiều lần mất uy tín với người dân nên bây giờ có nói gì hay làm gì dân cũng không còn tin nữa:
Đảng phải tuân theo hiến pháp thì mới được, còn đảng chỉ có nghĩ tới tổ chức của anh rồi tìm cách duy trì nó rồi anh che đậy mọi điều xấu xa, thối nát xong thỉnh thoảng anh lại xì ra một tí thì tôi không tin.”
Quan điểm của tôi là họ có kỷ luật hết toàn bộ từ cán bộ trung ương đến địa phương thì cũng chẳng lấy lại được niềm tin từ nhân dân nữa. Trước giờ từ thời bao cấp họ đã chống tham ô tham nhũng nhưng không thể chống được và càng ngày càng nảy nở và càng ngày càng khủng khiếp hơn. – Vũ Mạnh Tuấn
Theo ông Vũ Mạnh Tuấn, hiện giờ dân không còn tin đảng vì tham nhũng đã có xảy ra từ rất lâu rồi nhưng đến nay vẫn còn tồn tại:
Quan điểm của tôi là họ có kỷ luật hết toàn bộ từ cán bộ trung ương đến địa phương thì cũng chẳng lấy lại được niềm tin từ nhân dân nữa.
Trước giờ từ thời bao cấp họ đã chống tham ô tham nhũng nhưng không thể chống được và càng ngày càng nảy nở và càng ngày càng khủng khiếp hơn.
Tất nhiên họ nghĩ rằng làm những việc đó sẽ lấy lại được niềm tin nhưng tôi nghĩ sẽ chả lấy lại được niềm tin, bởi vì một xã hội mà cứ ở trong tình trạng xử lí xong rồi mà người khác phạm tội.
Cái quan trọng nhất là phải thay đổi để có cơ cấu thế nào mà không thể tham nhũng được, chứ không phải cứ xử lí để lấy lại niềm tin.”
Tổ chức Minh bạch Quốc tế trong một báo cáo công bố hồi đầu năm nay đã xếp Việt Nam vào hạng 117 trên 180 toàn cầu về chỉ số cảm nhận tham nhũng, và đánh giá Việt Nam vẫn thuộc danh sách các nước có nhiều tham nhũng trên thế giới.
Giảng viên Dương Bích Hà chốt lại rằng ĐCS hiện này không còn xứng đáng là “lực lượng lãnh đạo toàn dân, toàn xã hội” như lời ông Thưởng:
Quan điểm của mình thì mình không đồng tình với phát biểu đó. Bởi vì qua quá trình thực tế, qua những cái kiến thức về xã hội, nhìn nhận về xã hội, về cách lãnh đạo gọi là thống trị của đảng thì mình không tin tưởng. Không thể gọi là một lực lượng chính trị lạnh đạo cho toàn dân được.”
Đảng cần làm gì để dân tin?!
Ông Vũ Mạnh Tuấn nghĩ rằng nếu đảng muốn dân tin thì phải trả lời bằng việc làm thật sự vì nước, vì dân:
Tôi thì nghĩ rằng đảng nào cũng thế, phải phục vụ đúng cho dân, cho dân tộc, đất nước, vì dân, vì đất nước thì đều tốt cả.
Còn bây giờ, thực tế mà nói họ đã thể hiện những cái rất tồi tệ, chưa đạt được những lợi ích cho nhân dân mà đang phá hoại đất nước và làm mất niềm tin ở nhân dân.”
Ông Trần Bang chỉ rõ những việc mà đảng cần phải làm nếu muốn lấy lại lòng tin từ ông cũng như người dân Việt Nam:
Chỉ khi nào nó bảo rằng Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ bình đẳng với các lực lượng chính trị khác của 96 triệu dân thì tôi tin.”
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/reaction-after-remark-by-vo-van-thuong-10042019112648.html

Kỷ luật một số cựu lãnh đạo Thừa Thiên – Huế

vì bán tài sản công

Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo bà Nguyễn Thị Thúy Hòa- cựu phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, vì liên quan đến sai phạm trong việc bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.
Truyền thông trong nước loan tin hôm 4/10 cho biết như vừa nêu.
Theo Ban thường Vụ tỉnh, trong thời gian vừa đảm nhiệm chức vụ vừa là phó chủ tịch vừa là chủ tịch hội đồng bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước tỉnh đợt 1/2010, bà Hòa đã triển khai thực hiện việc bán nhà thuộc sở hữu nhà nước tại căn nhà số 135 đường Huỳnh Thúc Kháng sai quy định và làm thất thoát ngân sách nhà nước.
Ban thường vụ tỉnh cho rằng, vi phạm của bà Hòa là nghiêm trọng, gây xôn xao dư luận, làm ảnh hưởng xấu trong cán bộ, đảng viên và giảm uy tín của tổ chức Đảng nơi bà Hòa đang công tác, do đó,
tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế đã quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với bà Nguyễn Thị Thúy Hòa.
Liên quan đến việc này, Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đã công bố quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Lê Quang Dũng cựu phó giám đốc sở xây dựng và ông Trần Kiêm Hòa nguyên trưởng phòng quản lý nhà và thị trường bất động sản thuộc Sở Xây dựng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/some-former-leaders-of-thua-thien-hue-disciplined-due-to-selling-irregular-public-assets-10042019084902.html

Ủy ban Kiểm tra TW sẽ xem xét

kiểm điểm ông Triệu Tài Vinh?

“Ông Triệu Tài Vinh là cán bộ thuộc diện trung ương quản lý. Liên quan đến việc con ông được nâng điểm, khi nhận được báo cáo đầy đủ của Hà Giang, Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ xem xét tổ chức kiểm điểm.”
Đó là nguồn tin từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương được Báo Pháp Luật đăng tải hôm 2/10/2019.
Tin này được cho là khớp với Thông báo 307 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang hôm 1/10/2019. Theo thông báo, trong số 149 cán bộ, đảng viên cần xem xét xử lý do liên quan đến vụ gian lận điểm thi, có 12 trường hợp là đảng viên không thuộc Đảng bộ tỉnh, sẽ báo cáo Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, xử lý.
Chia sẻ với báo chí trong nước, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang Lê Quang Minh cho biết trong 12 trường hợp vừa nói, có cả đảng viên của tỉnh Tuyên Quang nhưng có con tham gia thi tại Hà Giang.
Liên quan đến ông Triệu Tài Vinh, ông Lê Quang Minh từ chối bình luận với lý do “đây là cán bộ thuộc diện trung ương quản lý”.
Trước đó, liên quan đến vụ con được nâng điểm thi, em gái ông Triệu Tài Vinh đã bị kỷ luật khiển trách, vợ của ông Vinh bị kiểm điểm rút kinh nghiệm vì “để em chồng tác động nâng điểm cho con”. Tuy nhiên, dư luận đang thắc mắc tiếp theo ông Vinh sẽ bị xử lý như thế nào?
Vào năm 2018, khi có thông tin về việc tên con gái có trong danh sách nâng điểm, ông Triệu Tài Vinh nói với báo chí trong nước rằng ông không biết và không chỉ đạo việc này.
Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La là 3 địa phương xảy ra gian lận thi cử tại kỳ thi THPT quốc gia 2018. Cụ thể, Hà Giang có 107 thí sinh được nâng điểm, trong đó có nhiều thí sinh là con các quan chức, lãnh đạo của tỉnh này, bao gồm cả nguyên Bí thư tỉnh ủy Triệu Tài Vinh.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/mr-trieu-tai-vinh-to-be-criticized-10032019091524.html

Cựu thứ trưởng Nguyễn Đình Bin

kiến nghị hỏa táng ông Hồ Chí Minh

Ông Nguyễn Đình Bin, cựu Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam, hôm 04/10 công khai đề nghị các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam nên hỏa táng thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong bức thư mà ông Nguyễn Đình Bin cho biết trên Facebook là đã gửi cho Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị, và Quốc hội, có đoạn: “Tôi xin trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét một giải pháp để vừa thực hiện được đúng Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh….Giải pháp này sẽ đem lại nhiều điều tốt đẹp, đồng thời khắc phục được một số khiếm khuyết của cách làm cho đến nay, và tôi tin sẽ là giải pháp vĩnh viễn.”
Cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao nêu 4 giải pháp:
“Thực hiện đúng Di chúc, tiến hành hỏa táng thi hài Chủ tịch hiện đang được gìn giữ tại Lăng, chia tro thành ba phần đều nhau, để vào ba quách và an táng đúng như Người đã “ yêu cầu”.
Làm tượng sáp Chủ tịch đang nằm ngủ để thay thế thi hài Người hiện tại trong Lăng. (Công nghệ làm tượng sáp trên thế giới nay đã đạt mức tuyệt hảo, hệt như người thật).
Giữ gìn Lăng như hiện tại. Lăng sẽ là Đền thờ, Tượng đài, Di tích lịch sử quốc gia rất đặc biệt, gắn với các sự kiện lịch sử oai hùng, khắc ghi công trạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Dân tộc và Tổ quốc Việt Nam, nơi nhân dân ta và bạn bè quốc tế tiếp tục được đến thăm viếng Người, để mãi mãi tôn vinh Người.
Chọn ba ngọn đồi ở ba miền Bắc, Trung, Nam, tốt nhất, đẹp nhất theo phong thủy và cảnh quan, lại thuận tiện cho mọi người tới thăm viếng, để an táng ba quách đựng tro hài cốt Người và xây dựng Đền thờ Người thật tôn nghiêm, thể hiện đúng công lao to lớn, đạo đức mẫu mực, nhân cách thanh cao của Người.”
Ông Nguyễn Đình Bin, 75 tuổi, viết: “nay là thời điểm thích hợp để nêu lên và giải quyết vấn đề này, nhân dịp sắp tới Giỗ lần thứ 50 Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là kỷ niệm 74 năm Người đọc bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử, khai sinh ra nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở đầu Thời đại Hồ Chí Minh trong lịch sử dân tộc ta, và đúng nửa thế kỷ thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người.
Chỉ vài tiếng sau khi đăng, thư kiến nghị trên Facebook của ông đã được hơn 1 ngàn người “thích.”
Thư kiến nghị của ông đề ngày 30/07/2019 và ông đã nhận được phản hồi với làm cảm ơn và chúc sức khỏe của Ban Dân nguyện Quốc hội ngày 13/8/2019.
XEM THÊM:
Chuyên gia Nga: ‘Nhiệm vụ giữ gìn thi hài CT Hồ Chí Minh là cao cả’
Vào tháng 6/2019, Việt Nam đã thành lập một nhóm chuyên gia đặc biệt gọi là Hội đồng khoa học y tế cấp nhà nước, trong đó có 4 nhà khoa học Nga, để giúp bảo quản thi hài đã ướp trong 50 năm qua của ông Hồ Chí Minh, người sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trong di chúc cuối cùng, ông Hồ Chí Minh bày tỏ nguyện vọng được hỏa táng, nhưng Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam viện “nguyện vọng và tình cảm của nhân dân”, nên đã quyết định ướp xác ông “để sau này đồng bào cả nước, nhất là đồng bào miền Nam, bè bạn quốc tế có điều kiện tới viếng Bác, thể hiện tình cảm sâu đậm đối với Bác.”
Đáp lại đề xuất của ông Bin, Facebooker Hao Tran viết: “Hoàn toàn có lý khi đưa ra một kiến nghị sau 50 năm thi hài của chủ tịch HCM đã được trải nghiệm với thời gian . Một kiến nghị nghiêm túc, tâm huyết, hợp lòng dân, đặc biệt đúng Di chúc của Người, tiết kiệm ngân sách Nhà nước, phù hợp đạo lý và tính phổ cập trên toàn thế giới. Hoan nghênh anh Bin và mong Quốc hội xem xét nghiêm túc và sớm thực hiện đúng Di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh.”
Ông Nguyễn Đình Bin cho biết trên Facebook rằng ông là một trong 10 viên chức ngoại giao được phong hàm Đại sứ đợt đầu tiên, từng là đại sứ tại Nicaragua và tại Pháp, ủy viên Trung ương Đảng khóa VIII, Thứ trưởng Thường trực, Ủy viên Ban cán sự Đảng Bộ Ngoại giao kiêm Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài; Bí thư Đảng ủy Bộ Ngoại giao.
https://www.voatiengviet.com/a/cuu-thu-truong-nguyen-dinh-bin-kien-nghi-hoa-tang-ong-ho-chi-minh/5110568.html

Đề xuất cảnh sát giao thông

được sử dụng súng tiểu liên

Bộ Công an đề xuất cảnh sát giao thông cần được trang bị thêm súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên và súng bắn đạn cao su khi làm nhiệm vụ.
Đây là đề nghị của Cục trưởng Cảnh sát giao thông được nêu trong ‘Dự thảo quy định quyền hạn, chức năng, hình thức, nội dung tuần tra của cảnh sát giao thông’ mà Bộ Công an lấy ý kiến đóng góp.
Lý giải nguyên nhân vì sao có đề xuất này, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng – Cục trưởng Cảnh sát giao thông vào sáng ngày 4/10 giải thích rằng theo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 thì công an nhân dân được sử dụng một số loại vũ khí, công cụ hỗ trợ.
Còn trong Thông tư 01/2016 mà Bộ Công an đang áp dụng thì công an được sử dụng súng bắn đạn cao su, súng bắn đạn hơi cay, súng bắn đạn đánh dấu sơn, bình xịt hơi cay, dùi cui điện, áo giáp, khóa số 8…
Tuy nhiên thông tư này lại không quy định cụ thể là loại công cụ hỗ trợ và vũ khí nào mà cảnh sát giao thông được sử dụng. Vì thế ông Vũ Đỗ Anh Dũng cho rằng nên bổ sung trong dự thảo này.
Trao đổi với VNExpress, ông Dũng cho biết đề xuất này để cụ thể hóa luật và nếu được thông qua thì Bộ Công an phải căn cứ trên tình hình thực tế rồi mới quyết định trang bị vũ khí gì cho phù hợp.
Đại diện Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội ủng hộ đề xuất của dự thảo vì cho rằng trên thực tế, khi cảnh sát giao thông đi tuần tra kiểm soát chỉ được trang bị công cụ hỗ trợ mà chưa có vũ khí. Việc quy định như dự thảo sẽ tăng hiệu quả, đảm bảo an ninh trật tự khi tội phạm ma túy sử dụng súng và các hành vi chống đối cảnh sát giao thông ngày càng nhiều.
Còn theo Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Mai Bộ – Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội lại cho rằng quyền sử dụng vũ khí đôi khi cũng tạo thêm áp lực cho cảnh sát vì luật có quy định rõ trường hợp nào mới được nổ súng, nếu ai vi phạm sẽ bị xử lý rất nặng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/traffic-police-proposed-to-use-firearms-10042019085058.html

Bình Định yêu cầu tạm dừng dự án điện gió

do làm mất 140 ha rừng phòng hộ

Công ty CP Phong điện Phương Mai phá và đốt trụi 140 ha rừng phòng hộ khi thực hiện dự án dự án Nhà máy phong điện Phương Mai 1.
Chủ tịch tỉnh Bình Định yêu cầu tạm dừng dự án Nhà máy phong điện Phương Mai 1, tại Khu kinh tế Nhơn Hội vì dự án điện gió này đã phá mất 140 héc-ta (ha) rừng phòng hộ.
Truyền thông quốc nội loan tin vừa nêu vào hôm mùng 4 tháng 10, dẫn nguồn từ Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Đình, một ngày trước đó xác nhận rằng ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch tỉnh Bình Đình, tại cuộc họp khẩn giải quyết vụ phá rừng phòng hộ ở khu vực triển khai dự án Nhà máy phong điện Phương Mai 1, do Công ty CP Phong điện Phương Mai làm chủ đầu tư đã đưa ra yêu cầu tạm dừng dự án để công an điều tra cũng như để chủ đầu tư có giải pháp khắc phục.
Báo giới cho biết Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định hồi tháng 8 năm 2011 giao cho Công ty CP Phong điện Phương Mai 140 ha rừng phòng hộ làm dự án Nhà máy phong điện Phương Mai 1 và cho phép công ty này được phá hơn 16 ha để dựng trụ điện gió. Văn bản giao rừng cho Công ty CP Phong điện Phương Mai ghi rõ phần diện tích rừng còn lại phải giữ nguyên hiện trạng và phải quản lý đúng theo quy chế quản lý rừng.
Tuy nhiên, trong thời gian thực hiện dự án Nhà máy phong điện Phương Mai 1, chủ đầu tư dự án đã cưa tận gốc và đốt sạch hết 140 ha rừng phòng hộ được giao.
Chủ tịch tỉnh Bình Định yêu cầu chủ đầu tư phải trồng lại rừng dương trên diện tích rừng phòng hộ đã bị xóa sổ thì mới được tiếp tục dự án; còn không phục hồi lại rừng thì dự án sẽ bị thu hồi.
Hồi trung tuần tháng 4 năm 2018, báo giới cũng loan tin hàng trăm người dân ở Bình Định biểu tình phản đối xây dựng dự án điện gió vì lo ngại rừng phòng hộ sẽ bị chặt để khai thác titan, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/stopping-wind-power-project-affected-140-ha-forest-in-binh-dinh-10042019084919.html

Chưa có bằng đại học vẫn được học thạc sĩ,

nên hay không?

Diễm Thi, RFA
Một số trường đại học cho phép sinh viên những năm cuối được học thẳng lên chương trình thạc sĩ mà không cần đợi có bằng tốt nghiệp đại học (ĐH).
Cải cách giáo dục đại học
Mục tiêu của chương trình là rút ngắn thời gian học đại học và thạc sĩ của người học. Sinh viên đáp ứng đủ điều kiện sẽ được nhận cả bằng đại học và thạc sĩ trong khoảng từ 4 năm rưỡi đến 5 năm rưỡi.
Đây là chuyện rất mới ở Việt Nam, vì từ xưa đến nay, nếu muốn học lên đại học thì học sinh phải có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học; muốn học lên thạc sĩ thì sinh viên phải có bằng tốt nghiệp đại học.
Hiện có hai trường đại học chuẩn bị áp dụng chương trình này là ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.
Theo quy chế tạm thời mà ĐH Quốc gia TP.HCM thì chương trình học liên thông này sẽ gồm 2 phần: trình độ ĐH và thạc sĩ. Người học cần đảm bảo tích lũy đủ 180 tín chỉ của chương trình liên thông.
Với nền giáo dục Việt Nam chưa rõ ràng, chưa định hình như hiện nay sẽ dẫn đến những cạnh tranh không lành mạnh giữa các trường. Tôi e rằng các trường sẽ bị lợi dụng thành ‘công xưởng’ cung cấp bằng cấp. – Ths. Đinh Gia Hưng
Với trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM thì khóa luận tốt nghiệp ĐH sẽ được tích hợp vào luận văn tốt nghiệp thạc sĩ. Người học khi bảo vệ thành công luận văn tích hợp này sẽ được xét tốt nghiệp cả hai trình độ ĐH và thạc sĩ.
Giáo sư Phạm Minh Hoàng từng tham gia giảng dạy tại Đại học bách khoa TPHCM, nói với RFA từ Pháp:
“Chuyện chưa có bằng đại học vẫn có thể học thạc sĩ thì bên Pháp cũng có vài trường hợp với những điều kiện sinh viên phải hoàn tất hầu như 90% đến 95% học kỳ (hoặc tín chỉ) đại học; sinh viên phải cam đoan, sau khi học xong chương trình thạc sĩ, phải cung cấp 5% hay 10% tín chỉ đại học còn thiếu. Nếu không sẽ không được cấp bằng thạc sĩ.
Tuy nhiên việc miễn trừ này còn tùy thuộc vào nội quy đào tạo cũng như sĩ số của chương trình thạc sĩ (có những khóa học không tuyển đủ học viên thạc sĩ, nhà trường cũng chấp nhận việc chưa có đủ 100% đại học, chứ họ có đủ rồi thì sẽ không có trường hợp này).”
Theo Thông tư số 10/2011/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 02 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì điều kiện đầu tiên để học lên thạc sĩ là: Đã tốt nghiệp đại học đúng chuyên ngành hoặc những chuyên ngành phù hợp với ngành mà bản thân đăng ký dự thi. Đây là điều kiện bắt buộc không ngoại trừ một ngành nào.
Còn trên cổng Thông Tin Đào Tạo Sau Đại Học – Đại Học Bách Khoa TP. HCM, điều kiện dự thi thạc sĩ năm 2019 cũng nêu rõ, sinh viên phải tốt nghiệp đại học chính quy từ các chương trình đào tạo đã được công nhận kiểm định quốc tế hoặc khu vực được Đại học Quốc gia – HCM công nhận còn trong thời gian hiệu lực.
Như vậy, việc cho phép sinh viên chưa chính thức tốt nghiệp đại học vẫn được học chuyển tiếp lên chương trình cao học là một hướng đi hoàn toàn mới ở Việt Nam.
Chất lượng quan trọng hơn bằng cấp
Thạc sĩ Đinh Gia Hưng cho rằng mô hình này không lạ ở các nước có nền giáo dục phát triển, còn ở Việt Nam thì chưa phải lúc bởi nó sẽ làm rối loạn thêm nền giáo dục đang có quá nhiều vấn đề như hiện nay, tuy nhiên về nguyên tắc thì Việt Nam vẫn có thể làm. Ông nói thêm:
“Ở Hoa Kỳ có chương trình cho phép học liên thông từ đại học lên tới tiến sĩ. Những chương trình đó là trọn gói. Nó dài hơn chương trình đại học thông thường, giúp người học không cần lấy bằng đại học rồi mới lấy được thạc sĩ, tiến sĩ.
Với nền giáo dục Việt Nam chưa rõ ràng, chưa định hình như hiện nay sẽ dẫn đến những cạnh tranh không lành mạnh giữa các trường. Tôi e rằng các trường sẽ bị lợi dụng thành ‘công xưởng’ cung cấp bằng cấp.”
Ở một góc nhìn khác, Thạc sĩ Công nghệ Thông tin Nguyễn Tiến Trung cho rằng Việt Nam khác hẳn với Pháp hay Mỹ vì chất lượng giáo dục thấp hơn, những vụ chạy điểm, nâng điểm, thậm chí đổi tình lấy điểm ở các trường đại học không hiếm. Số lượng sinh viên ra trường không tìm được việc làm cho dù có bằng đại học hoặc cao học rất cao.
Đừng lấy bằng chỉ để khoe với người đời thì rất phí thời gian, công sức của sinh viên và phí nguồn lực xã hội, lãng phí tiền thuế của dân. – Ths. Nguyễn Tiến Trung
Ông Trung cũng phân tích rằng, chất lượng quan trọng hơn bằng cấp trong tình hình giáo dục hiện nay. Ông nêu quan điểm của mình:
“Quan điểm của tôi là chú trọng chất lượng cho sinh viên đại học trước. Đó là lực lượng lao động chính để đưa đất nước tiến lên.
Nếu muốn trở thành nhà khoa học hay nghiên cứu thì hãy học lên thạc sĩ hay tiến sĩ. Đừng lấy bằng chỉ để khoe với người đời thì rất phí thời gian, công sức của sinh viên và phí nguồn lực xã hội, lãng phí tiền thuế của dân.”
Báo trong nước trích lời PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM rằng, kế hoạch đào tạo này hiện đã được bàn tại hội đồng khoa học đào tạo, sắp tới sau khi hội đồng trường phê duyệt sẽ gửi công văn cho Bộ GD-ĐT xin đào tạo thí điểm. Sau 2 năm triển khai sẽ tổng kết lại, nếu hiệu quả mới ban hành quy định chính thức.
Việc chưa có bằng đại học vẫn được học lên thạc sĩ được cho là sẽ mở ra một hướng mới trong tuyển sinh cao học, một hình thức cải cách trong giáo dục.
Trong một lần trao đổi với RFA về những cải cách của Bộ GD&ĐT Việt Nam vẫn đang làm, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng không kỳ vọng có một sự thay đổi nào trừ khi họ có sự thay đổi căn bản là thay đổi triết lý giáo dục, triết lý về nhà trường, triết lý về truyền bá hiểu biết cho người dân, cho sinh viên, cho tuổi trẻ. Ông khẳng định giáo dục Việt Nam đang đi lạc đường:
“Vấn đề là phải quay đầu lại và đi con đường khác. Mà quan trọng là vấn đề con người, vấn đề nhân sự. Nền giáo dục VN không thể gọi là sai lầm, vì nếu sai lầm còn có thể sửa được, đằng này cái khổ là nó đi lạc đường. Nghĩa là giáo dục VN đang đi vào đường rừng, có chặt cây, rẽ cành thì cũng chỉ loanh quanh trong điểm lạc mà thôi.”
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/no-bachelor-degree-still-get-master-s-degree-should-or-not-dt-10032019144949.html

Khó hạ nhiệt các vấn đề “nóng” tại TPHCM…

Dọn dẹp trước Đại hội?
Phát biểu bế mạc Hội nghị vào chiều ngày 2/10, bí thư thành phố ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định từ nay đến cuối năm 2019 thành phố sẽ tập trung giải quyết xong các vấn đề khiếu nại, khiếu kiện kéo dài liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu công nghệ cao, công viên Thảo Cầm viên mới, khu Tây Bắc Củ Chi… để đến năm 2020 tập trung cho công tác tổ chức Đại hội.
Ngoài ra, ông bí thư Nhân còn cho biết, thành phố sẽ hoàn tất thẩm định điều chỉnh 2 dự án tuyến metro trung tâm thành phố trong tháng 10/2019. Yêu cầu các quận, huyện tập trung thực hiện vận động người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch để đảm bảo thành phố sạch và giảm ngập nước, xóa 83 điểm đen về rác thải trên 9 địa bàn quận huyện trong tháng 11/2019. Đồng thời, triển khai hiệu quả công tác cải cách hành chính xây dựng đô thị thông minh, đối với các dự án xây dựng đang triển khai phải tạm dừng, cơ quan chức năng rà soát để sớm giải quyết, khởi động trở lại tạo nguồn thu cho ngân sách cũng như giải quyết mọi bức xúc cho người dân về nhu cầu nhà ở.
Sau lời phát biểu của bí thư Nguyễn Thiện Nhân, dư luận xã hội bán tín bán nghi vì cho rằng những vấn đề bí thư Nhân đưa ra đã kéo dài hàng chục năm, chỉ có vài tháng cuối năm, liệu có thể giải quyết được?
PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Bộ Tài Chính cho rằng đây là những vấn đề tồn tại và kéo dài nhiều năm, gây bức xúc không chỉ đối với riêng người dân thành phố mà gần như cả nước đều biết, nên việc đưa ra đích đến cuối năm 2019 như bí thư Nhân khẳng định là điều khó khả thi.
“Sắp tới đến năm 2020 sẽ chuẩn bị đại hội các cấp các đơn vị cơ sở và trong đó có đại hội thành phố mà những vấn đề này kéo dài nhiều năm nên nếu không giải quyết thì chắc chắn đến kỳ đại hội người ta sẽ đưa ra và đây cũng là thời điểm nhạy cảm. Thứ hai khi bí thư thành ủy đưa ra những quyết định thì phải đặt mốc thời điểm để mà xử lý chứ không thể đưa ra 4 vấn đề như vậy phải giải quyết thì giải quyết đến bao giờ và thời điểm nào, trong khi đó thời điểm ngắn chỉ còn độ khoảng 1 quý nữa mà hiện tượng đã kéo dài nhiều năm, khó giải quyết trong quá khứ rồi giờ ngay cả 1 vấn đề đã giải quyết khó khăn rồi mà giờ đặt ra 4 vấn đề đó thì tôi nghĩ khó có khả năng thực hiện.”
Đồng quan điểm với việc bất khả thi, nhạc sĩ Triệu Mây từ Sài Gòn khẳng định, bộ máy chính quyền thành phố HCM không thể làm nổi những điều đó trong một quý. Họ chỉ nói để trấn an dư luận, lòng dân và tạo niềm tin nơi dân thấy được Đảng bộ chính quyền thành phố vẫn quan tâm sâu sắc đến mọi vấn đề xã hội, nhằm mục đích chuẩn bị tổ chức Đại hội sắp tới.
“Nói chung điều này giống như dành giật sự uy tín trong nhân dân, niềm tin của người dân nhằm tranh dành trong đại hội sắp tới. Đó là chính sách kiểu mị dân từ trước đến giờ rồi, ai tin được thì tin tất nhiên trong bộ phân dân chúng vẫn có người tin, bây giờ họ không nói thì không ai tin nhưng nếu họ nói thì ít nhất cũng chiếm được 10%-30% bộ phận dân chúng tin vào chính quyền. Những người am hiểu chính trị xã hội chắc chắn họ sẽ không tin, còn một số thành phần dân trí thấp họ chỉ nghe thông tin một chiều thì họ vẫn tin. Họ lấy niềm tin trong dân được bao nhiều thì họ làm công việc của họ bấy nhiêu.”
Cũng từ Sài Gòn, ông Trần Bang một nhà quan sát khẳng định với chúng tôi rằng, ông không tin mọi điều bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói vì nói rất nhiều mà không thực hiện được bao nhiêu.
“…Năm ngoái mấy lần hứa giải quyết Thủ Thiêm đó, đầu tiên nói hết tháng 11/2018 sẽ giải quyết, tôi nói tiếng Bắc nhưng tôi là người Nam nên tôi không gạt bà con đâu nhưng cuối cùng có giải quyết cho bà con đâu, sau đó hứa tiếp cũng không giải quyết được nên tôi không tin điều này các ông ấy nói hết. Nói cho đúng nghị quyết để vừa lòng cấp trên để dân không phản ứng, lừa dân được tí nào hay tí đó mà thôi nhưng đối với những người theo dõi kỹ đến hành động, công việc giữa việc làm của các ông và lời nói của các ông thì nó không trùng với nhau, đặc biệt vấn đề Thủ Thiêm là rõ nhất.”
Nhìn lại vụ Thủ Thiêm
Chỉ riêng vấn đề Thủ Thiêm đã và đang gây tranh cãi giữa lời phát biểu của lãnh đạo thành phố và người dân trong khu vực. Và, đó chính là mấu chốt khiến khiếu kiện Thủ Thiêm kéo dài hơn 20 năm nay chưa có hồi kết, thì thử hỏi làm sao giải quyết hết các chuyện “nóng” như ông Nhân đưa ra.
Cụ thể về Thủ Thiêm, hôm 1/10 bên lề một cuộc họp diễn ra tại TPHCM, ông Nhân khẳng định, thành phố tiến hành trả lời theo quy định và hiện chính quyền địa phương đã gặp người dân để thông tin về kết luận của thanh tra trong việc 5 khu phố 3 phường nằm trong ranh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Riêng đối với những người dân còn khiếu nại, thắc mắc, TP.HCM sẽ tiếp tục mời Thanh tra Chính phủ tổ chức buổi đối thoại, giải thích thêm.
Ông Cao Thăng Ca, một người dân sống tại Thủ Thiêm và là đại diện cho 71 hộ dân khiếu kiện cho rằng, lời ông Nhân khẳng định, trái ngược với những gì khi ông tiếp xúc với người dân Thủ Thiêm.
“Khi tiếp xúc ông khẳng định nhà ngoài ranh thì không bị giải tỏa, tất cả những người bị di dời trong khu đô thị mới Thủ Thiêm đều được xem xét lại hết, trường hợp nào thiếu diện tích thì tính lại cho đủ, trường hợp nào giá cả không hợp lý thì nhà nước tính toán lại và riêng trường hợp 5 khu phố, 3 phường mà theo quyết định của thành phố phê duyệt 367 của thủ tướng chính phủ đều xác định rằng 5 khu phố 3 phường nằm ngoài ranh khu đô thị mới Thủ Thiêm nhưng tới nay ông lại quay ngược 180’. Tôi cho rằng càng chậm giải quyết bao nhiêu thì người ta càng thấy được đây là tàn dư của nhóm lợi ích.”
Việc bí thư Nguyễn Thiện Nhận khẳng định với truyền thông sẽ giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo liên quan khu đô thị mới Thủ Thiêm vào cuối năm 2019 này, ông Cao Thăng Ca bức xúc nói tiếp:
“Ông nói vấn đề đó là coi như ổng giải quyết xong rồi, chính sách đền bù không thay đổi nên không cần đến tháng 12/2019 làm gì nữa mà quan trọng là người dân có đồng tình hay không mà thôi. Người dân rất là bức xúc, chúng tôi đi khiếu nại thì bị cho là bị thế lực thù địch kích động xúi giục mà chính lời phát biểu của bí thư Nhân là kích động xúi giục chúng tôi đứng dậy chống lại những người làm trái pháp luật.”
Ngoài ra, ông Ca còn cho hay bà con Thủ Thiêm chuẩn bị tiếp tục ra Hà Nội để tố cáo chính quyền thành phố HCM trong việc giải quyết khiếu nại người dân trái pháp luật và yêu cầu khởi tố vụ án này.
Liên quan việc giải quyết dứt điểm Thủ Thiêm, ông Trần Bang bức xúc nhận định rằng, dứt điểm là như thế nào có phù hợp với lòng dân hay không đó mới là vấn đề: “…Nếu làm theo ý của ông thì quá dễ vì ông có súng, có công an, có quân đội mà thích bắt ai bắt, thích lấy đất ai cứ lấy mà ai cãi thì cho là chống đối bắt là xong. Cho nên có hợp lòng dân hay không mới là vấn đề khác, người dân Thủ Thiêm mất đất, mất nhà họ có được đền bù xứng đáng hay không, phù hợp giá thị trường và nhu cầu chính đáng của bà con hay không chứ không nói là vượt quá yêu cầu của người ta.”
Giải quyết vấn đề “nóng” không khó, vấn đề là giải quyết sao cho hạp lòng dân, để dân không bức xúc, khiếu kiện tiếp thì mới là cách giải quyết khiến người dân tâm phục, khẩu phục.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-to-handle-hot-issues-in-hcmc-10032019144852.html

Ninh Thuận có nên quy hoạch

du lịch trên đất dự án điện hạt nhân?

Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận vào ngày 2 tháng 10 năm 2019 đã tổ chức lấy ý kiến các sở, ngành địa phương về đề án quy hoạch chuyển đổi mặt bằng hai dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 thành quy hoạch phát triển du lịch.
Phí phạm tiền đầu tư
Dự án xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân với tổng công suất 4.000MW tại Ninh Thuận được Quốc hội Việt Nam thông qua vào tháng 11 năm 2009 với tổng vốn đầu tư dự trù khi đó là 200.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, báo cáo từ các cơ quan chức năng liên hệ tính đến năm 2016 tổng mức đầu tư đã lên gần 400.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên sau đó, giới khoa học đã bày tỏ nhiều quan ngại về vấn đề an toàn hạt nhân, thảm họa hạt nhân, cũng như lo ngại của người dân địa phương về vấn đề ô nhiễm môi trường.
Vào ngày 22/11/2016, Quốc hội Việt Nam đã chính thức biểu quyết và thông qua việc dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận theo Nghị quyết do Chính phủ đệ trình. Khi đó báo chí dòng chính mô tả việc dừng điện hạt nhân Ninh Thuận là quyết định dũng cảm, trong bối cảnh dự án đã tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng cho việc lập dự án tiền khả thi, giải phóng mặt bằng và đưa hàng trăm người đi đào tạo ở nước ngoài.
Từ Hà Nội, Giáo sư, Viện sĩ, Tiến sĩ khoa học Trần Đình Long, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Điện lực Việt Nam, hiện là Phó chủ tịch Hội điện lực Việt Nam nhiệm kỳ 2018 – 2022, hôm 3/10/2019 cho Đài Á Châu Tự Do biết thông tin liên quan vấn đề này:
“Nên hay không nên thì chuyện đã rồi, nhà nước đã quyết định thôi không xây nữa, trong tương lai gần sẽ tìm giải pháp gì đó thay thế, ví dụ người ta phát triển nhiều năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió… trước mắt trong một số năm nữa vẫn phát triển nhiệt điện than… để thay thế vào nguồn điện bị thiếu hụt. Tất nhiên là lãng phí, nhưng nhà nước đã cân nhắc giữa chuyện làm tiếp hay không làm tiếp thì chắc là có cơ sở của nó. Trong giải thích của chính phủ, là đầu tư quá lớn trong tình hình hiện nay là chưa thích hợp, ngoài ra có thể do những yếu tố khác nữa.”
Đây không phải lần đầu tiên chính quyền tỉnh Ninh Thuận muốn chuyển đổi sử dụng mặt bằng hai nhà máy điện hạt nhân. Vào tháng 6 năm 2019, UBND tỉnh Ninh Thuận đã đưa ra kiến nghị tương tự. Tuy nhiên khi đó, các chuyên gia của Tạp chí Năng lượng Việt Nam thuộc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam – VEA đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu cần cân nhắc thận trọng và sớm tái khởi động dự án này.
Lý do được Tạp chí Năng lượng Việt Nam đưa ra là việc lựa chọn địa điểm đã được tiến hành hết sức nghiêm túc, chặt chẽ trong hơn 10 năm (1996-2007) với sự hỗ trợ của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế – IAEA cùng các chuyên gia Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Canada…
Giáo sư, Tiến sĩ Vương Hữu Tấn, nguyên Cục trưởng Cục An toàn bức xạ hạt nhân, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam nhận định:
“Lúc trước khi dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, thì các cơ quan đều có kiến nghị nên giữ lại địa điểm ấy vì trước sau gì Việt Nam cũng sẽ làm điện hạt nhân. Hồi tôi còn làm cũng có kiến nghị là trong lúc tạm dừng thì nên giữ lại địa điểm ấy vì mình cũng đã mất rất nhiều tiền để đánh giá và khảo sát ở mức độ tiền khả thi, nên cũng đã làm khá nhiều và chi nhiều tiền vô đấy rồi, nên giữ lại cho kế hoạch dài hạn. Còn hiện nay thì như thế nào tôi cũng không rõ lắm, cũng có thể vì lý do phát triển kinh tế của địa phương nên tỉnh người ta yêu cầu.”
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Vương Hữu Tấn, điện hạt nhân phụ thuộc rất nhiều vào người hoạch định chính sách của quốc gia, khi Chính phủ cảm thấy chưa yên dân, vẫn còn băn khoăn thì Chính phủ không làm. Cũng theo tiến sĩ Tấn, trên thế giới có nhiều nước làm điện hạt nhân chứ đâu phải chỉ riêng Việt Nam, do đó ông nhận định rằng, Chính phủ chưa cho phép làm có thể do còn nhiều nguyên nhân khác.
Còn phải bàn tính kỹ
Về đề án của Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận chuyển khu vực xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân “Tôi không phải là người hiểu biết nhiều về du lịch, nhưng tôi thấy vùng đó là vùng rất khô cằn. Không biết bây giờ sau mấy năm nhà nước thay đổi không làm điện hạt nhân mà để phát triển du lịch thì không biết sẽ như thế nào?”
Để tìm hiểu thêm, Đài Á Châu Tự Do hôm 3/10 liên lạc Ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch Hội Đồng Thành Viên Công Ty Du Lịch Lửa Việt, và được ông cho biết như sau:
“Trước hết đây là một tin rất vui cho Ninh Thuận, vì hai việc này không thể song hành, nếu làm điện hạt nhân thì không thể làm du lịch, đó là điều chắc chắn. Đây là một tin vui trước hết cho Ninh Thuận và sau là cho du lịch VN. Gần đây Ninh Thuận có sự trỗi dậy về du lịch, vài năm nay, khách du lịch đến rất nhiều. Thứ nhất là do khách đi Phan Thiết nhiều rồi, giờ chỉ thêm một chút nữa thôi, thứ hai là biển, rồi ẩm thực văn hóa… vì Ninh Thuận được xem là thủ phủ của người Chăm mà nên có nhiều nét độc đáo. Hiện có một số nhà đầu tư theo tôi họ đã đoán trước và có một số dự án khá tốt tại Ninh Thuận. Chắc chắn sau sự kiện này, các nhà đầu tư sẽ ra Ninh Thuận nhiều hơn vì chỗ này so với Bình Thuận và Nha Trang thì chưa phải là điểm nóng về du lịch.”
Riêng với lo ngại của Giáo sư, Tiến sĩ Vương Hữu Tấn về khí hậu nóng bức của vùng đất khô cằn, nơi dự định xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận, ông Nguyễn Văn Mỹ cho rằng, vấn đề khô cằn cũng không đến nỗi, điện hạt nhân còn làm được thì du lịch làm được. Ninh Thuận khô cằn thì cũng không bằng Dubai được, không bằng các nước Trung Đông được, Ninh Thuận khô cằn thì so với VN mình thôi, vẫn có nguồn nước từ sông nên không phải quá lo.
Từ Sài Gòn, Anh Thuận Phương, một hướng dẫn viên du lịch có nhiều năm kinh nghiệm đưa ra ý kiến của mình:
“Dọc theo Ninh Thuận là bờ biển nên phát triển du lịch được, bởi vì tiềm năng du lịch của Ninh Thuận chưa phát triển nhiều, vẫn còn ít, bên cạch đó tiềm năng du lịch biển rất mạnh, cái thiếu là đầu tư cơ sở hạ tầng thôi.”
Mặc dù việc dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và chuyển đổi thành quy hoạch du lịch được người dân và các chuyên gia du lịch cho là  một quyết định sáng suốt, tuy nhiên theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, việc giữ lại 2 địa điểm này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Vì các nước có chương trình phát triển điện hạt nhân đều có những văn bản quy phạm pháp luật, quy định cho phép chủ đầu tư giữ các địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong thời hạn là 20 năm, vượt quá thời hạn trên, địa điểm mới được xem xét để chuyển đổi mục đích sử dụng.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/roaming-to-build-two-ninh-thuan-nuclear-power-plants-for-tourism-10032019171745.html

Nhân viên cắt tóc gội đầu được “nâng đỡ”

 lên làm trưởng phòng ở tỉnh uỷ Đăk Lăk

Tin Vietnam.- Báo Lao động loan tin, vào sáng ngày 4 tháng 10 năm 2019, đại diện văn phòng Tỉnh uỷ Đăk Lăk đã xác nhận, bà Trần Ngọc Ái Sa, Trưởng phòng Hành chính- Quản trị thuộc văn phòng Tỉnh uỷ Đăk Lăk đã sử dụng bằng cấp của chị gái mình để hoàn thiện hồ sơ trong công việc.
Theo đó, bà Sa tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo, vốn là một người làm nghề cắt tóc gội đầu ở thành phố Buôn Ma Thuột, và có trình độ học vấn cấp 2. Facebook cá nhân của nhà báo Trương Châu Hữu Danh, người đầu tiên đưa sự việc này lên mạng xã hội cho biết, vì có ngoại hình xinh đẹp, nên khi Thảo đủ 18 tuổi thì được các đồng chí làm việc ở Tỉnh uỷ Đăk Lăk đưa về nhà khách Tỉnh uỷ cho “học chính trị”, “học thạc sĩ”. Sau đó, Thảo được đưa lên vị trí cai quản, và Thảo đã lấy hồ sơ của Ái Sa làm hồ sơ cho mình nhằm hợp thức hoá về mặt thủ tục.
Do được các sếp đảng viên thương, nên dù không có trình độ nhưng công việc cai quản viên chức của Thảo khá thuận lợi. Facebook của nhà báo Danh viết, không chỉ có đồng chí ở Tỉnh uỷ “nâng đỡ Thảo, mà Thảo còn được cả giám đốc nhà khách Tỉnh uỷ cũng “nâng đỡ”, nên nhiều đảng viên từng được Thảo phục vụ giờ đã trở thành lính của cô. Thảo không chỉ làm Trưởng phòng Hành chính- Quản trị, mà cô còn được nằm trong danh sách Ban chấp hành đảng bộ Tỉnh uỷ.
Tương lai của Thảo dường như đang khá rộng mở, thì bị vợ của một lãnh đạo Tỉnh uỷ biết chuyện, nổi cơn ghen nên sự việc bị phơi bày. Trước áp lực trên, Thảo đành viết đơn xin nghỉ việc.
Theo báo Lao động thì việc Thảo vào làm trong một tổ chức quan trọng của đảng tại Đăk Lăk là không thể do cô tự nghĩ ra, tự làm được. Vì cô vốn dĩ là một nhân viên tiệm hớt tóc gội đầu.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/nhan-vien-cat-toc-goi-dau-duoc-nang-do-len-lam-truong-phong-o-tinh-uy-dak-lak/

‘Nhóm lợi ích’ và những mạng người ở Việt Nam

Vụ việc nhà báo Kiều Đình Liệu bị một nhóm côn đồ hành hung vào hôm 26/9 cho đến nay vẫn chưa có một thông tin nào được cập nhật, mặc dù Công an thành phố Pleiku đã vào cuộc.
Đài RFA ghi nhận ý kiến của những người quan tâm vụ việc này, cũng như tìm hiểu thế lực nào đứng phía sau các vụ việc hành hung, thậm chí dẫn đến cái chết với giới phóng viên tại Việt Nam?
Có khuất tất trong điều tra?
Sau một tuần xảy ra vụ việc nhà báo Kiều Đình Liệu, làm việc cho Tạp chí Luật Sư bị nhóm côn đồ hành hung ở Gia Lai phải nhập viện do bị chấn thương nặng, nhà báo độc lập Ngọc Tuyên Đàm nói với RFA thông tin liên quan mà ông vừa nhận được:
“Thông tin mà tôi nhận được nói chung là sức khỏe không được ổn lắm. Bác sĩ bảo là vẫn chưa có tiến triển gì tốt hơn mà vẫn lơ mơ trong trạng thái chưa nói chuyện được. Và, có rất nhiều người lạ mặt vẫn cứ cố gắng tiếp cận những người thân quen của anh Liệu.”
Truyền thông trong nước vào ngày 26 tháng 9, dẫn nguồn từ Công an phường Trà Bá, thành phố Pleiku cho biết cơ quan này đang tiến hành điều tra vụ nhà báo Kiều Định Liệu bị nhóm 3 thanh niên đi xe bán tải xông vào đánh tới tấp vào chiều cùng ngày, tại quán cà phê HD, trên đường Trường Chinh, phường Trà Bá.
…Rõ ràng câu chuyện đằng sau đó có một sự khuất tất mà đặc biệt trong vấn đề phá rừng ở các tỉnh Tây Nguyên, như ở Gia Lai có diện tích rừng mấy chục ngàn héc-ta bị mất hết chỉ trong vòng mấy năm gần đây. Chắc chắn đằng sau đó là cả một nhóm lợi ích
-Nhà báo Ngọc Tuyên Đàm
Theo tin tức truyền thông quốc nội loan đi, nhà báo Kiều Đình Liệu trước khi bị đánh, đang điều tra, xác minh thông tin một vụ tranh chấp đất đai ở huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Trên đường tác nghiệp về, ông phát hiện hai xe ô tô chở gỗ hộp lớn đi ngược chiều và đã gọi điện cho Hạt trưởng cùng Hạt phó Hạt kiểm lâm Đức Cơ để thông báo sự vụ, sau đó không lâu thì vụ hành hung xảy ra.
Nhà báo độc lập Ngọc Tuyên Đàm vào tối ngày 3 tháng 10 chia sẻ với RFA rằng ông rất lấy làm buồn vì vụ việc đã trôi qua một tuần nhưng báo giới không tiếp tục cập nhật thêm bất cứ thông tin nào về tiến trình điều tra, cũng như Hội Nhà báo Việt Nam không hề lên tiếng thúc giục cơ quan chức năng cần nhanh chóng làm sáng tỏ vụ việc nhà báo Kiều Đình Liệu bị hành hung dã man; đồng thời yêu cầu Công an Pleiku điều tra nguyên nhân vụ hành hung nhà báo Kiều Đình Liệu. Nhà báo Ngọc Tuyên Đàm bày tỏ bức xúc:
“Vụ việc xảy ra đã một tuần lễ rồi mà với nghiệp vụ bên công an để điều tra thì tôi nghĩ rằng việc này không khó khăn. Vì anh ấy uống cà phê trên một con đường trong thành phố lớn thì chắc chắn con đường đó sẽ có nhiều gia đình có gắn camera và trích xuất các camera đó thì sẽ ra ngày thôi. Vì đã có thông tin rất rõ là (những người hành hung) đi trên một chiếc xe bán tải màu bạc và 3 người trên xe đó xuống chỉ nhắm vào anh Kiều Đình Liệu. Như thế thì rõ ràng câu chuyện đằng sau đó có một sự khuất tất mà đặc biệt trong vấn đề phá rừng ở các tỉnh Tây Nguyên, như ở Gia Lai có diện tích rừng mấy chục ngàn héc-ta bị mất hết chỉ trong vòng mấy năm gần đây. Chắc chắn đằng sau đó là cả một nhóm lợi ích.”
‘Nhóm lợi ích’ khống chế truyền thông?
Trong khi dư luận đang trông đợi kết quả điều tra vụ nhà báo Kiều Đình Liệu, Đài Á Châu Tự Do cũng ghi nhận trong tháng 8 vừa qua, một nhà báo của Tạp chí Dạy và học Ngày nay là nhà báo Nguyễn Vũ Tôn Phúc (bút danh Tôn Phúc), bị phát hiện chết, khi thi thể của ông được phát hiện trôi dạt gần khu vực bến phà Cát Lái, ở quận 2, thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM).
Với cái chết của nhà báo Tôn Phúc, báo giới dẫn lời của lực lượng chức năng cho biết kết quả ban đầu chưa phát hiện dấu vết của tác động ngoại lực trên thỉ thể và Công an Quận 2 đang tiếp tục điều tra. Hơn một tháng trôi qua, thông tin kết quả điều tra nguyên nhân cái chết của nhà báo Nguyễn Vũ Tôn Phúc vẫn chưa được công bố.
Không những vậy, còn một trường hợp mà không ít người trong giới báo chí lẫn dư luận đặc biệt quan tâm là vụ việc nhà báo Đặng Thị Tuyền (bút danh Hải Đường), công tác tại Báo Pháo luật TP.HCM tử vong và xác được tìm thấy trên sông Hồng, ở Hà Nội hồi trung tuần tháng 6 năm 2018.
Sự ra đi của nữ nhà báo Hải Đường khi mới 35 tuổi, để lại đứa con thơ 6 tuổi đã gây phẫn nộ trong công luận qua một số thông tin từ gia đình và đồng nghiệp. Nhà báo Cẩm Tú, được báo giới dẫn lời cho biết trước khi chết, nhà báo Hải Đường đã chia sẻ rằng cô đang nắm giữ nhiều bằng chứng tiêu cực tại một số công ty lớn ở phía Bắc và đã đăng một phần nhỏ trên báo, nhưng cô rất lo lắng loạt bài phóng sự của mình sẽ không được đăng. Trong khi đó, gia đình của nhà báo Hải Đường nói với truyền thông rằng sau 10 ngày cơ quan pháp y khám nghiệm tử thi, gia đình vẫn không nhận được kết quả gì, riêng phía công an thì lại trả lời là bên pháp y chưa gửi kết quả sang.
Nhà báo độc lập Đỗ Cao Cường, là một nhà báo từng bị dọa giết do đưa tin không qua kiểm duyệt về các vấn đề ô nhiễm môi trường, cho biết tình trạng nhà báo bị hành hung, bị đe dọa, bị giết hại ở Việt Nam là một tình trạng có thể nói nôm na là “một mình chống mafia”. Nhà báo Đỗ Cao Cường lý giải:
“Mình đang đấu tranh với sự thật thì mình có thể chống lại với tất cả, bao gồm cả nơi làm việc, cả doanh nghiệp, cả đồng nghiệp cho tới tất cả các mối quan hệ nữa. Để đi đến sự thật và bảo vệ những người yếu thế thì đôi khi mình chống lại tất cả đấy.
Đơn cử trường hợp con bé phóng viên bị chết ở Sông Hồng. Chính doanh nghiệp và công quyền làm việc đấy. Doanh nghiệp đút tiền cho chính quyền, và chính quyền sẽ làm lơ đi. Thông tin từ những lời truyền bằng miệng chứ không phải từ trên báo. Chúng nó làm rất chặt chẽ. Không lệch đi đâu một tí nào cả
-Thanh niên ẩn danh
Ông Cường cho rằng có rất nhiều điều phức tạp tại mỗi tòa soạn. Nhiều khi tòa soạn nói rằng sẽ bảo vệ phóng viên đến cùng nhưng khi phóng viên càng đi sâu vào tác nghiệp, càng phát hiện ra nhiều chuyện liên quan đến lợi ích, quyền lợi thì tòa soạn lại bỏ mặt và từ người bảo vệ trở thành kẻ thù của mình. Thậm chí người làm báo tử tế nhiều lúc bắt buộc phải chống lại nơi làm việc của họ.
Nhà báo Đỗ Cao Cường cũng nhấn mạnh các phóng viên tại Việt Nam hành nghề một cách chân chính, rất dễ bị trở thành nạn nhân của một “ê-kíp” kết hợp chặt chẽ từ cơ quan báo chí cho đến doanh nghiệp và chính quyền. Nhà báo Đỗ Cao Cường còn nhấn mạnh rằng để mô tả về một nhà báo làm việc với một đạo đức nghề nghiệp ở Việt Nam thì:
Như tôi nói một câu là ‘Khi một người Hongkong đứng lên thì họ được cả triệu người che chắn. Nhưng khi một người Việt Nam đứng lên thì đôi khi một mình họ chống lại cả thế giới này’.”
Không được luật pháp bảo vệ?
Trả lời câu hỏi của chúng tôi liên quan đến khía cạnh luật pháp theo các quy định trong Luật Báo chí về nhà báo được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp, thì liệu rằng có những trường hợp rủi ro xảy ra do lỗi của cánh nhà báo hay không. Chẳng hạn như khi tác nghiệp không đeo logo của cơ quan như trường hợp 3 nhà báo của Đài Phát thanh-Truyền hình Long An bị hành hung hồi tháng 12 năm 2017 khi đang làm phóng sự tại khu vực Nhà máy xử lý rác thải Tâm Sinh Nghĩa ở Thanh Hóa đã không bị khởi tố vụ án, và Đài RFA được một số nhà báo ở trong nước trả lời rằng trên thực tế thì các sự việc diễn ra rất đa dạng và phức tạp hơn rất nhiều. Nhà báo Đỗ Cao Cường còn chỉ ra một số vụ việc nhà báo bị hành hung dù được đưa ra khởi tố và xét xử, thì cũng chỉ là:
“Đối tượng bị khởi tố chỉ là đối tượng tay sai, những đối tượng cấp thấp. Còn như đi đến cùng những kẻ đứng đầu trong một hệ thống mà ở tầm những nhóm lợi ích lớn thì chưa thấy, chưa phát hiện ra kẻ nào đứng đằng sau cả.”
Chúng tôi còn được một thanh niên trong giới xã hội đã hoàn lương khẳng định rằng ‘nhóm lợi ích’ kết hợp với giới xã hội trong các vụ nhà báo bị hành hung và sát hại thậm chí ngày càng gia tăng. Người thanh niên ẩn danh đưa ra dẫn chứng mà bản thân anh biết được tin:
“Đơn cử với quý đài trường hợp con bé phóng viên bị chết ở Sông Hồng. Chính doanh nghiệp và công quyền làm việc đấy. Doanh nghiệp đút tiền cho chính quyền, và chính quyền sẽ làm lơ đi. Thông tin từ những lời truyền bằng miệng chứ không phải từ trên báo. Chúng nó làm rất chặt chẽ. Không lệch đi đâu một tí nào cả. Chỉ trong cái giới ‘ngoài lề’ (giới xã hội) thì người ta biết. Chứ trong lề thì người ta chỉ nghe các bản tin báo đài của VTV thôi, rằng cho đến khi điều tra ra cái xác chết nổi trên sông Hồng của người phụ nữ được xác định chết là do ngạt nước, chứ không bị chết do bởi cái gì tác động vào cả. Đấy là xác định của cơ quan công quyền và bọn kia thoát án giết người; không cần phải điều tra.”
Người thanh niên này quả quyết với RFA rằng xu hướng ‘nhóm lợi ích’ bắt tay với chính quyền thuê mướn giới xã hội để làm những điều “trong bóng tối” không chỉ đối với phóng viên mà cả người dân càng tăng lên, đặc biệt liên quan lãnh vực đất đai vì dân chúng càng bức xúc và càng phản kháng, chống đối một cách quyết liệt thì phía chính quyền cũng sẽ đối phó bằng mọi cách mà người thanh niên này nhấn mạnh là “nguy hiểm và khốn nạn hơn”.
Xã hội này đã là như vậy rồi. Phải chấp nhận thôi. Nếu muốn làm người tốt trong xã hội này thì ta hay nói câu là ‘ở hiền gặp lành’, nhưng thực ra trong xã hội này không phải. Trong xã hội này mà càng tử tế, càng hiền lành thì càng dễ chết, thậm chí là bi kịch như bị tai nạn, bị giết, bị trả thù, gia đình người thân bị đe dọa…
Nhà báo Đỗ Cao Cường
Người thanh niên trong giới xã hội đã hoàn lương còn kể lại trường hợp của một người bạn là cư dân ở Hải Phòng, đã bị doanh nghiệp và chính quyền thuê mướn giới xã hội đến lấy mảnh đất:
“Nhưng anh ấy chơi với xã hội nhiều thì chúng không dùng xã hội được. Xã hội đến thì anh ấy chỉ thẳng tay vào mặt và đuổi đi và bọn đó phải đi. Thế là công an bắt đầu ép. Cuối cùng muốn chiếm miếng đất của anh ấy nên công an đã khép anh ấy vào tội ‘gây rối chính quyền’, dùng pháp luật để đưa anh ấy vào khung tội vô tù. Và miếng đất đấy thì bọn bên ngoài trưng dụng, làm đủ mọi cách để hợp thức hóa giấy tờ về tay chúng nó để bán. Chị nhà báo RFA hiểu chưa?”
Trở lại vụ việc nhà báo Kiều Đình Liệu bị hành hung đến xuất huyết não hôm 26 tháng 9, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 2 tháng 10 ra thông cáo báo chí thúc giục giới chức Việt Nam phải tìm và trừng phạt những kẻ đã hành hung nhà báo Kiều Đình Liệu. Ông Daniel Bastard, đại diện khu vực Châu Á Thái Bình Dương của RSF còn lên tiếng rằng “Việc điều tra tham nhũng và chuyện chở gỗ lậu của nhà báo Kiều Đình Liệu đã hành động vì lợi ích của cộng đồng và việc ông bị
đánh đập gây ngạc nhiên nhiều hơn nữa, bởi vì các nhà báo Việt Nam phải thường xuyên tuân thủ các yêu cầu về tuyên truyền của nhà nước”.
Còn đối với giới làm báo ở Việt Nam, không ít nhà báo lại cho rằng “Đấy là chuyện cũng rất bình thường”, như nhà báo Đỗ Cao Cường chia sẻ:
“Xã hội này đã là như vậy rồi. Phải chấp nhận thôi. Nếu muốn làm người tốt trong xã hội này thì ta hay nói câu là ‘ở hiền gặp lành’, nhưng thực ra trong xã hội này không phải. Trong xã hội này mà càng tử tế, càng hiền lành thì càng dễ chết, thậm chí là bi kịch như bị tai nạn, bị giết, bị trả thù, gia đình người thân bị đe dọa…”
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-interest-groups-and-the-civilians-death-in-vn-10042019124104.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.