Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 15/10/2019

Tuesday, October 15, 2019 7:29:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 15/10/2019

Lo Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông,

ASEAN gấp rút “móc hầu bao” cho quân sự

Việc Trung Quốc không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng ở Đông Nam Á khiến các nước thành viên ASEAN phải có cái nhìn mới về năng lực an ninh tập thể cũng như đẩy mạnh ‘móc hầu bao’ chi tiêu quân sự.
Theo báo Asia Ssentinel của Hong Kong, nhà phân tích địa chính trị Bahauddin Foizee cho rằng hoạt động tăng cường của quân đội Trung Quốc ở Đông Nam Á khiến các nước ASEAN đẩy mạnh nỗ lực hiện đại hóa lực lượng vũ trang. Ngay cả Singapore cũng nhanh chóng cho nâng cấp các lực lượng vũ trang mà chủ yếu là lực lượng hải quân và không quân.
Trong 15 năm qua, chi tiêu quốc phòng của các nước nằm trong khối ASEAN cũng đã tăng lên gấp đôi. Trong đó, chia sẻ trên East Asia Forum, ông Felix Heiduk tại Viện Các vấn đề An ninh và quốc tế của Đức từng cho biết, Thái Lan và Indonesia đã tăng mức chi tiêu quốc phòng lên 10% mỗi năm.
Ông Heiduk nhấn mạnh, “chi tiêu quốc phòng trong khu vực Đông Nam Á đang trải qua thời kỳ tái định hướng chiến lược từ chủ yếu chống lại các cuộc nổi dậy và bình ổn trong nước chuyển sang phòng thủ bên ngoài, triển khai lực lượng và chiến tranh truyền thống”.
Cũng theo ông Heiduk, nguyên nhân xuất phát từ sự bất ổn ngày càng gia tăng ở Đông Nam Á do Trung Quốc trỗi dậy cùng với cuộc cạnh tranh địa chiến lược từ Mỹ – Trung.
Do đó, một số nước thành viên ASEAN còn có ý định thành lập liên minh an ninh nhằm đối phó với những mối đe dọa tiềm tàng từ Trung Quốc, quốc gia đang sở hữu lực lượng quân sự lớn nhất trong khu vực.
Dưới thời của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình , Trung Quốc đã đẩy mạnh hiện thực hóa các tuyên bố chủ quyền đơn phương và phi lý trên Biển Đông thông qua hành động cải tạo và xây dựng trái phép các đảo nhân tạo cũng như tiến hành quân sự hóa trên những thực thể này.
Điều đáng nói, quan hệ Trung Quốc – Philippines từng rơi vào vòng xoáy căng thẳng trong nhiều năm liên quan tới vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Nhưng kể từ khi lên nhậm chức Tổng thống Philippines vào năm 2016, ông Rodrigo Duterte đã nhanh chóng thi hành chính sách “xoay trục sang Trung Quốc” nhằm thu hút hàng tỷ USD từ phía chính quyền Bắc Kinh để phục vụ chương trình phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia.
Trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc – Philippines đang ấm dần lên, dư luận Philippines đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích chính quyền Manila quên đi vấn đề khẳng định chủ quyền ở Biển Đông trước sự hung hăng và bành trướng từ phía Trung Quốc. Để xoa dịu dư luận, chính quyền của Tổng thống Duterte đã không ít lần gửi công hàm cho phía Trung Quốc nhưng việc làm này dường như không có tác dụng.
Trong thời gian qua, một trong những “động thái bất thường” của ASEAN được cho là nhằm đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc chính là cuộc diễn tập hàng hải kéo dài 5 ngày giữa hải quân Mỹ với 10 nước thành viên ASEAN hồi tháng Chín. Cuộc diễn tập có sự tham gia của 8 chiến hạm, 4 máy bay và hơn 1.000 quân nhân. Dưới sự chỉ huy chung của hải quân Mỹ và Thái Lan, cuộc diễn tập được tổ chức “trên những vùng biển quốc tế” bao gồm vịnh Thái Lan và Biển Đông trước khi kết thúc tại Singapore.
Song trên thực tế, nhiều chuyên gia vẫn tỏ ý nghi ngờ ASEAN sẽ tiến tới thành lập một liên minh an ninh để đối phó với Trung Quốc. Tuy nhiên, việc thành lập liên minh an ninh giữa một số quốc gia thành viên ASEAN với các nước ngoài khối ASEAN như Australia , Ấn Độ và Nhật Bản, vẫn còn thể xảy ra.
Điều đáng nói, hoạt động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông được chính quyền Bắc Kinh tính toán một cách cẩn trọng để tránh xảy ra tình trạng đối đầu quân sự giữa các bên có cùng tuyên bố chủ quyền trên vùng biển chiến lược. Và qua thời gian, Trung Quốc dần dần mở rộng mạng lưới kiểm soát ở Biển Đông.
Trong khi đó, theo ông Foizee, các nước thành viên ASEAN nhận ra rằng, họ không có đủ năng lực quân sự để thách thức quân đội Trung Quốc. Do đó, các nước ASEAN hướng tới tập trung tăng cường sức mạnh cho các lực lượng vũ trang. Điều này càng khiến Trung Quốc có động lực phát triển năng lực quân đội cũng như sản xuất thêm các loại vũ khí tối tân để đề phòng trường hợp bùng nổ xung đột quân sự.
Cũng theo ông Foizee, giới lãnh đạo Trung Quốc thừa biết rằng kế hoạch nâng cấp và hiện đại hóa quân đội của từng nước thành viên ASEAN là không đủ khiến Bắc Kinh phải quan ngại. Song Trung Quốc cho rằng, nếu như lực lượng vũ trang của các nước thành viên ASEAN liên thủ, sức tấn công sẽ rất mạnh.
Cụ thể, một mình hải quân Singapore không thể bảo vệ đảo quốc này khỏi mối đe dọa tấn công từ hải quân Trung Quốc. Tuy nhiên, một khi hải quân Singapore liên thủ với các nước thành viên ASEAN hay lực lượng hải quân các nước ngoài khối ASEAN như Australia, Ấn Độ , Indonesia và Mỹ, sức mạnh sẽ rất lớn. Đây cũng là thực tế mà lực lượng hải quân và các lực lượng vũ trang của ASEAN đang có kế hoạch hướng tới triển khai, ông Foizee kết luận.

TQ luôn đuối lý trong vụ việc Bãi Tư Chính ở Biển Đông

“Bãi Tư Chính là của Việt Nam. Trung Quốc đang cố ý biến vùng không tranh chấp thành vùng có tranh chấp”.
Đó là quan điểm của các nhà nghiên cứu tại buổi tọa đàm khoa học “Vùng biển Bãi Tư chính và Luật pháp quốc tế”, diễn ra hôm 6/10 tại Hà Nội. Tại buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu khẳng định việc Trung Quốc ngang ngược nói là Bãi Tư chính thuộc chủ quyền của nước này hoàn toàn vô căn cứ. Và Trung Quốc đang cố tình tạo sóng căng thẳng trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam “hòng đổi trắng thay đen”.
Theo Đại sứ Nguyễn Trường Giang, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Brunei, nguyên Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao) trong 6 thập kỷ qua, Trung Quốc luôn tìm mọi biện pháp và kế sách để độc chiếm Biển Đông. Câu chuyện này không còn là mới, nhưng qua thời gian, Trung
Quốc càng ngày càng thể hiện họ đang có những tính toán thâm sâu hơn và bất chấp tất cả, kể cả luật pháp quốc tế để đạt mục đích.
Đây cũng là lý do khiến Trung Quốc hết lần này tới lần khác xâm phạm chủ quyền vùng biển, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, việc phía Trung Quốc công khai tuyên bố “cái gọi là Bãi Tư Chính thuộc về Trung Quốc” đã liên tục bị dư luận quốc tế phản đối. Bởi xét trên tất cả các phương diện, Trung Quốc đều đuối lý và họ không đưa ra được bất cứ một chứng cứ nào để chứng minh rằng những tuyên bố của họ là có cơ sở.
Thạc sĩ Hoàng Việt từ Quỹ nghiên cứu Biển Đông và Ban Nghiên cứu Luật Biển và Hải đảo, Liên đoàn Luật sư Việt Nam khẳng định: “Ở đây phải khẳng định rằng Trung Quốc sai. Câu hỏi thứ nhất, Trung Quốc đã có chủ quyền ở quần đảo Trường Sa chưa? Bởi vì Việt Nam tuyên bố chủ quyền và Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý về chủ quyền quần đảo Trường Sa.
Thứ hai, trong phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc năm 2016, Tòa đã khẳng định rằng không có một cấu trúc thực thể nào của Trường Sa thỏa mãn điều kiện là một đảo cả. Và vì thế nó không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa kèm theo.
Thứ ba, Bãi Tư Chính không phải là một đối tượng của yêu sách chủ quyền vì nó luôn chìm dưới mặt nước biển. Trong Luật pháp quốc tế cũng như trong Công ước Luật Biển dù không quy định trực tiếp, nhưng lại gián tiếp quy định những thực thể luôn luôn chìm trong mặt nước, thì không thể gọi là có chủ quyền được”.
Ở một góc nhìn khác, chuyên gia về Biển Đông Thiếu tướng Lê Văn Cương đã chỉ rõ 2 điểm sai của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khi đưa ra “cái gọi là Trung Quốc có chủ quyền ở Bãi Tư chính”.
Ông Lê Văn Cương nói: “Cái sai thứ nhất về chính trị. Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở pháp lý để đòi chủ quyền ở Trường Sa. Điều này Tòa trọng tài 2016 đã bác bỏ. Tham chiếu vào hệ thống pháp luật quốc tế hiện đại, Trung Quốc hoàn toàn không có căn cứ. Cái sai thứ 2 về mặt địa chất địa lý. Bãi Tư Chính nằm ngoài Trường Sa, cách Trường sa 600km. Về địa chất giữa Trường Sa và Bãi Tư Chính còn có 1 rãnh sâu nữa”.
Tại buổi tọa đàm hôm 6/10, phần lớn các nhà nghiên cứu đều cho rằng: sau vụ Philippines kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài Quốc tế hồi năm 2016- khi Tòa Trọng tài lúc ấy ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông, việc Trung Quốc đưa nhóm tàu HD8 liên tục xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam cho thấy những tính toán mới của nước này. Đó là ý đồ biến vùng biển Bãi Tư Chính thuộc chủ quyền của Việt Nam từ vùng không tranh chấp thành vùng có tranh chấp; tạo sóng căng thẳng trong vùng biển Bãi Tư Chính thuộc chủ quyền của Việt Nam, hòng thực hiện những ý đồ xấu.
Theo các nhà nghiên cứu, trước tham vọng bá chủ của Trung Quốc, các cơ chế Luật pháp quốc tế cần được đề cao hơn nữa.
Đại sứ Nguyễn Trường Giang nguyên Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao) phân tích: “Luật pháp quốc tế là cơ sở để bảo vệ các vùng biển của Việt Nam. Các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 về các vùng biển và quy chế về các vùng biển đồng thời cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để chúng ta bảo vệ chủ quyền và các quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong vùng biển của Việt Nam. Bãi Tư Chính là bãi ngầm, thực chất là một phần của đáy biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đây hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp hay có vùng chồng lấn. Bởi vì Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý quốc tế nào để đưa ra các yêu sách đối với vùng biển này”.
Các nhà nghiên cứu cũng khẳng định rằng: trước những hành vi ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông, Việt Nam cần tiếp tục đưa vụ việc Bãi Tư Chính lên án tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Bởi điều 51 trong Hiến chương Liên Hợp Quốc quy định rõ: các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc có quyền tự vệ trước những âm mưu xâm hại, để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình. Và Liên Hợp Quốc sẽ có trách nhiệm thực thi các nguyên tắc của Luật pháp quốc tế bảo vệ các quốc gia yếu thế.

Hội nghị SOM-DOC Đà Lạt kết thúc

Tại thành phố Đà Lạt vào ngày 15 tháng 10 Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN- Trung Quốc về Thực hiện Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (SOM-DOC) lần thứ 18 kết thúc.
Tin từ trong nước cho hay thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Dũng, nhấn mạnh tại Hội nghị các hành vi vi phạm luật quốc tế của Trung Quốc đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình và an ninh khu vực; không tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình đàm phán Quy tắc Ứng xử của Các  bên tại Biển Đông (COC).
Đoàn Việt Nam tham gia hội nghị nhắc lại những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, đặc biệt việc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đang bị xâm phạm nghiêm trọng.
Đoàn Việt Nam cũng đề xuất những biện pháp nhằm cải tiến phương pháp làm việc cho các vòng đàm phán sắp tới, trong đó có vie65cta65p trung xử lý những vấn đề mang tính chính sách, nâng cao vài trò của các quan chức cao cấp (SOM) trong việc chỉ đạo và định hướng cho tiến trình đàm phán COC.
SOM-DOC lần thứ 17 diễn ra ở Hàng Châu, Trung Quốc vào tháng 5 vừa qua.
Chằng bao lâu sau đó Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 cùng nhiều tàu hộ tống đi vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã 4 lần lên tiếng chính thức yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu khỏi vùng biển Việt Nam nhưng tình hình vẫn chưa có gì tiến triển.
Đã có những nhân sĩ trí thức trong và ngoài nước kêu gọi chính phủ Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế, tương tự như vụ Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Quốc tế PCA và có được phán quyết hồi năm 2016.
Hồi năm 2014, việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam làm cho quan hệ hai nước trở nên căng thẳng. Lúc đó  cũng đã có những lời kêu gọi Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế nhưng sau đó Trung Quốc đã rút giàn khoan và không có vụ kiện nào được thực hiện.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.