Vì sao ký hiệu bàn tay hình chữ 'OK' lại khiến giới chức TQ lo lắng?
By Kerry Allen
BBC Monitoring8 tháng 9 2019
Bản quyền hình ảnh TikTok/Sina Weibo
Bản quyền hình ảnh TikTok/Sina Weibo
Một video đang lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy một cô gái sử dụng một ký hiệu bằng tay rất thông minh để báo hiệu cô cần giúp đỡ.
Ký hiệu này dần trở thành một cơn sốt và khiến giới chức Trung Quốc vô cùng lo ngại.
Trong video, một cô gái trẻ được trông thấy đang được hộ tống bởi một người đàn ông trong sân bay. Không thể kêu cứu, cô làm một cử chỉ tay trông giống như chữ "OK".
Điều này cảnh báo một người đi ngang qua và người này ngay lập tức tranh cãi với người đàn ông, và giúp những người khác nhận ra cô gái đang bị giữ trái ý muốn. Cô gái sau đó được đoàn tụ với bố mẹ.
Vậy tại sao video này lại tạo ra một phản ứng lớn như vậy trên mạng xã hội Trung Quốc, và khiến chính quyền rất khó chịu?
Ký hiệu này có nghĩa là gì?
Với phần lớn thế giới, cử chỉ "OK" được hiểu theo nghĩa khá tích cực, nhưng chỉ cần úp lòng bàn tay vào ngực và nó trở thành một thông điệp khác ở Trung Quốc - con số "110".
Đây chính là số đường dây nóng của cảnh sát Trung Quốc.
Video này thật ra là một video dàn dựng để chỉ cách những người bị bắt cóc, bắt giữ trái ý muốn có thể xin giúp đỡ.
Ở cuối video, một người đàn ông nhìn thẳng camera nói với khán giả "hãy truyền tải ký hiệu này" để nhiều người có thể ra hiệu nếu họ cần sự giúp đỡ trong trường hợp bị "cưỡng ép, bị bắt cóc, hay lo sợ cho tính mạng bản thân".
Giới chức không thích điều này
Video này được phát trên các thông điệp công cộng nên nhiều người dùng mạng xã hội cho rằng nó có được sự ủng hộ của cảnh sát.
Tờ Nhật báo kinh tế Thành Đô cho biết các video đang được chia sẻ trên TikTok, cho rằng lực lượng cảnh sát là phía thực hiện video này. Tuy nhiên, nguồn gốc thực sự của video này đến giờ vẫn là một bí ẩn.
Truyền thông chính thống đang liên tục chia sẻ lời chỉ trích của Piyao, kênh xác nhận thông tin thất thiệt của giới chức Trung Quốc, rằng video này đã gây hiểu làm và lực lượng cảnh sát không hề liên quan.
"Cử chỉ này như này là vô nghĩa nếu là một dấu hiệu cảnh báo," Piyao nói và lập luận rằng ký hiệu này thực sự có thể phản tác dụng.
Piyao nói rằng nó "chưa bao giờ công khai hoặc quảng bá một phương thức báo động như vậy ở nơi công cộng" và kêu gọi độc giả tuân theo phương pháp gọi cảnh sát truyền thống nếu họ cần hỗ trợ hoặc nghi ngờ người khác cần giúp đỡ.
Người dùng mạng xã hội nghĩ gì?
Bất chấp việc giới chức phủ nhận liên quan đến video này và chiến dịch quảng bá video này trên Tiktok, đang có một cuộc tranh luận lớn nổ ra về việc liệu ký hiệu này có thực sự hiệu quả trong việc giúp người dân Trung Quốc hiểu được ai đó đang bị đe dọa.
Một số người trên các trang blog nổi tiếng trên Sina Weibo nói rằng "việc hét lên để xin giúp đỡ còn thực tế hơn việc ra dấu hiệu cử chỉ" và những người khác lưu ý rằng tín hiệu đơn giản này có thể "đánh lừa" và có thể dẫn đến những can thiệp vô tình khi không cần thiết.
Nhưng ở một đất nước nơi có sự kiểm soát độc đoán chặt chẽ và người dân không thể tự do nói chuyện, một số người đang ca ngợi hành động tưởng chừng nhỏ nhặt này để thu hút sự chú ý nếu ai đó bị cưỡng ép.
"Trên thực tế, loại cử chỉ này thực sự có thể được quảng bá để được giúp đỡ mọi người trong nước", một người dùng nói.
"Miễn là mọi người đều đồng tình, chúng ta vẫn có thể sử dụng nó, điều này vẫn còn có thể," một người khác nói. "Miễn là chúng ta đoàn kết trong sự hiểu biết của chúng ta."
Con số - biểu tượng của sự chống đối
Những con số từ lâu đã chứng minh là một cách hiệu quả để người dùng mạng truyền thông xã hội chỉ trích chính quyền, tránh né các nhà kiểm duyệt của chính phủ, những người thường xuyên sàng lọc những từ nhạy cảm trên mạng xã hội.
Nhiều người đã tìm mọi cách nói về vụ thảm sát ở Thiên An Môn năm 1989 mà chính phủ đã tìm cách kiểm duyệt chặt chẽ trong ba thập kỷ qua - bằng cách sử dụng các chuỗi số như "46" (4 tháng 6), "64" (4 tháng 6) hoặc "1989".
Các nhà chức trách đã cảnh giác với các chuỗi số này và đã kiểm duyệt nhiều trong số này. Nhưng sự kiểm duyệt nghiêm ngặt dẫn đến một số bài viết vô thưởng vô phạt bị xóa.
Khi ca sĩ người Mỹ Taylor Swift - vốn rất nổi tiếng ở Trung Quốc - phát hành album 1989, chính phủ đã phải vật lộn để sàng lọc các bài đăng đề cập đến âm nhạc của cô với những bài có thể đề cập đến sự kiện gây tranh cãi nhất trong lịch sử hiện đại của Trung Quốc.
Con số là cách biểu tình
Những con số mật mã và cử chỉ bằng tay đã được chứng minh là đặc biệt hiệu quả trong việc giúp người biểu tình ở Hong Kong liên kết.
Người dùng mạng đã có thể lên tiếng chỉ trích lãnh đạo của họ trong những năm gần đây bằng gọi họ bằng số phiếu bầu của họ.
Do đó, "777" đã trở thành một biệt danh cho Đặc khu trưởng hiện tại của Hong Kong bà Carrie Lam. Người tiền nhiệm của bà, CY Leung, được gọi là "689".
Khi các cuộc biểu tình vẫn đang thống trị Hong Kong trong những tháng gần đây, những người biểu tình đã có thể tự tổ chức bằng cách truyền tín hiệu tay qua các đám đông.
Những tấm ảnh đồ họa về các ký hiệu bằng tay nếu họ cần các vật dụng như mặt nạ mắt, mũ bảo hiểm hoặc mặt nạ, đã được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội như Twitter.
Đó là lý do tại sao một cử chỉ tay nhỏ bé, dường như vô hại, lan truyền ở Trung Quốc đại lục và nhận được sự ủng hộ lớn của công chúng, lại khiến chính quyền lo sợ đến như vậy.
Bài gốc của BBC Monitoring.
0 comments