Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 21/09/2019

Saturday, September 21, 2019 7:09:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 21/09/2019

Công an bị phạt 3 năm tù

vì lấy trộm súng của cấp trên đem bán

Tin từ Cần Thơ, ngày 21/9/2019: Công an Nguyễn Mậu Quốc Cường thuộc phường Tân Phú, quận Cái Răng, đã bị Toà án quận kết án 3 năm tù giam vì trộm súng của chỉ huy rồi đem bán trên mạng xã hội.
Báo Tiền Phong đưa tin do thiếu tiền thanh toán nợ nên đêm 22/12/2018, Cường đã ăn trộm súng CZ83 và 5 viên đạn từ phòng làm việc của phó trưởng công an phường, rồi đem rao bán trên mạng Facebook với giá 20 triệu đồng.
Trong phiên toà ngày 20/9, Cường bị kết tội “Mua bán trái phép và chiếm dụng vũ khí quân dụng”. Hai kẻ mua súng Hồ Nhật An Khương và Điền Khắc Huy bị khép tội “Mua bán trái phép vũ khí quân dụng.” Cả ba bị bắt vào cuối tháng 1 năm nay.
Trong phiên toà, Cường khai không có ý định trộm súng, mà chỉ muốn ăn cắp tiền hoặc tài sản khác nhưng không có, nên đành nhón khẩu súng để bán nhằm trả số nợ hơn 200 triệu đồng.
Ngoài tội ăn cắp và bán súng, Cường còn giữ số tiền 55 triệu đồng của người bị mất súng. Sau khi báo cáo việc bị mất súng, phó trưởng đồn Phạm Văn Dự có đưa cho Cường 82 triệu đồng để đi chuộc súng. Sau khi không mua lại được vũ khí thì ông Dự đòi lại tiền nhưng Cường mới trả lại 27 triệu đồng.
Ở Việt Nam nơi đảng cộng sản độc quyền cai trị, chỉ có công an và quân đội được sở hữu súng.
Quốc Tuấn

Gây thiệt hại 18.5 triệu USD quỹ bảo hiểm xã hội,

cựu thứ trưởng đối mặt án tù 9 năm

Tin từ Hà Nội, ngày 21/9/2019: Theo báo Đại Đoàn Kết, cựu thứ trưởng Bộ Lao Động, Thương Binh Và Xã Hội -Lê Bạch Hồng- bị Viện kiểm sát thành phố Hà Nội đề nghị mức án 8-9 năm tù giam vì vi phạm quản lý kinh tế gây thiệt hại trực tiếp 435 tỷ đồng (18.5 triệu Mỹ kim) cho quỹ bảo hiểm xã hội Việt Nam (Quỹ BHXHVN).
Ông Hồng, người vi phạm pháp luật trên cương vị tổng giám đốc Quỹ BHXHVN trước khi được bổ nhiệm thứ trưởng, đang bị Toà án Hà Nội đem ra xét xử trong tuần qua, cùng với người kế nhiệm Nguyễn Huy Ban, cùng nhiều viên chức cao cấp. Vụ án này có cáo buộc gây thất thoát cho quỹ với tổng số tiền là 1.697 tỷ.
Trong phiên toà, đại diện Viện kiểm sát Hà Nội khẳng định Công ty cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng Agribank không phải pháp nhân được vay vốn từ Quỹ BHXHVN nhưng cơ quan này vẫn cho công ty này vay 1,010 tỉ đồng. Năm 2018, công ty này bị phá sản và không có khả năng thanh toán số nợ 1,697 tỉ đồng cho Quỹ BHXHVN.
Viện kiểm sát Hà Nội nói trong cương vị là tổng giám đốc của quỹ, ông Hồng, và sau đó là ông Ban, là những người chịu trách nhiệm chính trong vụ án.
Ông Hồng có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, do hai lần thực hiện hành vi phạm tội. Nhưng ông vẫn có thể được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ như là thương binh, nhiều huân huy chương và bằng khen, thành khẩn khai báo…
Ông Ban bị đề nghị 15-16 năm tù. Còn bốn bị cáo khác trong vụ án bị đề nghị án thấp hơn.
Theo một số nhà quan sát,  Quỹ BHXHVN có nguy cơ bị vỡ vì yếu kém trong quản lý gây thất thoát rất lớn. Trong khi đó, tỷ lệ nộp bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp và người lao động ở Việt Nam thuộc nhóm cao nhất trên thế giới. Nhà cầm quyền còn muốn kéo dài thời gian lao động để buộc người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội nhiều hơn.
Quốc Tuấn

Đường sắt nghìn tỉ Cát Linh – Hà Đông,

biết không hiệu quả vẫn làm

TTO – Cách đây 11 năm, khi lập dự án đầu tư tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Bộ GTVT đã biết dự án không hiệu quả kinh tế nhưng các bên liên quan vẫn ngó lơ để dẫn tới tuyến đường sắt đô thị nghìn tỉ dở dang, ngổn ngang như hiện nay.
Nguyên nhân đường sắt Cát Linh – Hà Đông chậm hầu hết do phía Trung Quốc
Hà Nội vay lại 2.300 tỉ đồng vốn vay của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông
Đường sắt Cát Linh – Hà Đông làm chậm, đội vốn là lỗi của Bộ GTVT
Xấu xí vì không thi tuyển kiến trúc?
Kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) gửi tới Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho thấy: hàng loạt sai phạm trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh tăng vốn và ký kết hợp đồng dự án.
Theo KTNN, có nhiều “lỗ hổng” trong quá trình đầu tư khiến Bộ GTVT phải điều chỉnh vốn đầu tư dự án từ 8.769 tỉ đồng lên 18.001 tỉ đồng, tăng 205% so với tổng vốn đầu tư ban đầu được duyệt.
Tuy nhiên, khi quyết định điều chỉnh tăng vốn dự án vào tháng 2-2016, Bộ GTVT không báo cáo Thủ tướng để trình Quốc hội thông qua chủ trương điều chỉnh vốn là chưa thực hiện đúng nghị quyết 49 của Quốc hội, trái với quy định của Luật đầu tư công.
Đáng lưu ý, dù là dự án trọng điểm của ngành GTVT, quy mô đầu tư nhiều nghìn tỉ đồng nhưng quá trình đầu tư dự án có hàng loạt “lỗ hổng” được KTNN phát hiện sau nhiều năm thực hiện.
Đó là chủ đầu tư dự án đã không tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc dự án; bản vẽ thiết kế cơ sở chưa thể hiện được kết cấu chính của dầm cầu, trụ cầu tuyến đường sắt; khi lập dự án không tính toán đến việc xử lý nền đất yếu dẫn đến phải điều chỉnh bổ sung.
Đặc biệt, lưu lượng hành khách sử dụng đường sắt Cát Linh – Hà Đông được đơn vị tư vấn Trung Quốc giả định tính toán, phân tích hiệu quả kinh tế dự án cao hơn nhiều lần so với số liệu dự báo của Viện Chiến lược GTVT.
Cũng theo KTNN, khi phân tích hiệu quả kinh tế dự án, chủ đầu tư không xem xét đến chi phí vận hành cao, chiếm tỉ trọng lớn trong giai đoạn khai thác dự án nên kết luận đường sắt Cát Linh – Hà Đông hiệu quả về kinh tế là thiếu chính xác.
Phương án tài chính của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông ngay từ khi lập dự án đã phải bù lỗ nhưng các bên liên quan chưa đề xuất phương án khai thác hiệu quả.
Tổng vốn đầu tư dự án được điều chỉnh tăng 9.321 tỉ đồng nhưng chủ đầu tư chưa chứng minh được hiệu quả kinh tế xã hội khi tăng vốn dự án. Hơn nữa, việc tăng vốn này chưa xác định cơ sở điều chỉnh tăng chi phí các hạng mục thiết bị, chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ và chi phí chạy thử.
Chi thiếu cơ sở… cả nghìn tỉ đồng
KTNN cho biết: đến hết tháng 6-2018, số vốn rót vào đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông theo báo cáo của chủ đầu tư khoảng 11.337 tỉ đồng, nhưng kết quả kiểm toán chỉ ghi nhận khoảng 8.679 tỉ đồng đã đầu tư vào dự án.
Số chênh lệch khoảng 2.656 tỉ đồng do chủ đầu tư tính sai khối lượng 360 triệu đồng, sai đơn giá 175 tỉ đồng, sai khác 698 tỉ đồng, chưa đủ điều kiện quyết toán 1.781 tỉ đồng.
Cụ thể, dự toán nhiều hạng mục xây lắp, mua sắm vật tư, thiết bị đường sắt Cát Linh – Hà Đông chưa phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam về quản lý định mức đơn giá, quản lý hợp đồng EPC với số tiền khoảng 889 tỉ đồng, chưa xác nhận được số tiền 1.659 tỉ đồng chủ đầu tư đã rót vào dự án.
Chỉ riêng hạng mục thiết bị và đoàn tàu của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã được điều chỉnh tăng vốn khoảng 3.143 tỉ đồng, trong đó chi phí mua các đoàn tàu tăng 364 tỉ đồng, hạng mục thiết bị tăng 2.778 tỉ đồng (tăng 227%).
Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã phê duyệt phụ lục hợp đồng EPC phần thiết bị với đơn giá 178,7 triệu USD, cao hơn khoảng 8,3 triệu USD so với giá trong hợp đồng EPC không đúng chỉ đạo của Thủ tướng.
Theo kết luận của KTNN, việc sử dụng vốn vay Trung Quốc tại dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông chưa hiệu quả do phối hợp giải quyết những vướng mắc cơ chế tài chính dự án chậm.
Đến nay, dự án đã ký kết 3 hiệp định vay khoảng 669,6 triệu USD từ Trung Quốc. Việc vay vốn Trung Quốc theo đánh giá của KTNN trước mắt giải quyết được các vướng mắc về vốn cho dự án nhưng phía Việt Nam cũng phải chấp nhận những ràng buộc, bất lợi như phải chỉ định nhà thầu Trung Quốc thực hiện khối lượng công việc có giá trị khoảng 13.751 tỉ đồng, chiếm 77% tổng vốn đầu tư dự án.
Về tiến độ dự án, theo hợp đồng EPC thời gian hoàn thành, chạy thử, bàn giao dự án vào năm 2014, sau đó được điều chỉnh kéo dài tới tháng 9 – 2017. Nhưng đến nay, công trình vẫn chưa được bàn giao cho chủ đầu tư. Chủ đầu tư dự án cũng chưa làm rõ trách nhiệm của tổng thầu về những thiệt hại do việc chậm tiến độ gây ra để xử lý theo quy định.
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được Bộ GTVT giao cho Cục Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư dự án từ năm 2008, tổng thầu EPC được phía Trung Quốc chỉ định là Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc.
Nguyên nhân đường sắt Cát Linh – Hà Đông chậm hầu hết do phía Trung QuốcNguyên nhân đường sắt Cát Linh – Hà Đông chậm hầu hết do phía Trung Quốc
BẢO NGỌC

Đà Nẵng trả lời về vụ 21 người Trung Quốc

có sổ đỏ gần sân bay quân sự

Trả lời lo ngại của cử tri về thông tin người Trung Quốc góp tiền mua 21 lô đất ven sân bay quân sự Nước Mặn, Sở Tài nguyên-Môi trường (TNMT) Đà Nẵng khẳng định cho tới nay không cấp sổ đỏ cho bất kỳ người nước ngoài nào và người Trung Quốc chỉ thuê chứ không sở hữu đất.
Báo Tuổi Trẻ dẫn thông cáo báo chí do Giám đốc Sở TNMT Đà Nẵng, ông Tô Văn Hùng, ký hôm 20/9 nói rằng một số trang báo điện tử đã “gây hoang mang dư luận” khi đăng các bài viết liên quan đến việc người nước ngoài, cụ thể là người Trung Quốc, sở hữu quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là sổ đỏ).
Trước đó, trong buổi tiếp xúc đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng vào ngày 19/9, sau khi cử tri đề cập đến tình trạng người Trung Quốc núp bóng người Việt để mua đất ở khu vực ven biển, ông Hùng thừa nhận Đà Nẵng đã rà soát các khu vực dự án và xác định có 21 trường hợp người Trung Quốc có tên trong quyền sử dụng đất ở khu vực dự án đô thị dọc theo sân bay quân sự Nước Mặn, thuộc quận Ngũ Hành Sơn.
Quan chức của Đà Nẵng cho biết thêm rằng 21 trường hợp này là do trước đây đất được cấp giấy chứng nhận cho người Việt Nam, nhưng trong quá trình khai thác, sử dụng, người Trung Quốc đã dùng hình thức mua cổ phần hoặc góp vốn để sau đó nhận chuyển quyền sử dụng đất.
“Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được thực hiện đúng luật, còn xác định có dấu hiệu người Trung Quốc núp bóng hay không là chức năng của cơ quan điều tra”, VnExpress dẫn lời ông Hùng nói trong buổi tiếp xúc đại biểu.
Sau phát biểu và thông cáo báo chí của quan chức Sở TNMT Đà Nẵng, Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ TNMT) trong cùng ngày 20/9 đã yêu cầu cơ quan chức năng của Đà Nẵng phải báo cáo chi tiết và gửi bản sao “sổ đỏ” đã cấp để kiểm tra, theo nguồn tin của báo Tuổi Trẻ.
Thông tin về việc người Trung Quốc núp bóng người Việt để mua đất, đứng tên trong khu vực gần sân bay Nước Mặn từng gây lo ngại trong dư luận vào 4 năm trước. Khi đó, lãnh đạo Đà Nẵng lên tiếng trấn an công luận rằng thành phố vẫn đang “kiểm soát được khu vực” và “chưa ảnh hướng đến quốc phòng an ninh”.
Cho đến nay, luật pháp Việt Nam vẫn chưa cho phép cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân là người nước ngoài.

Vì sao nhiều cán bộ từ chối “thuyên chuyển”công tác,

không “mặn mà” vào quy hoạch Quốc hội?

Từ chối điều động, phân công
Theo truyền thông trong nước hôm 20/9/2019, ông Nguyễn Thành Nhơn nguyên Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang vừa nhận quyết định kỷ luật về mặt chính quyền bằng hình thức cảnh cáo vì ông không chấp hành sự phân công, điều động của Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh. Theo đó, ông Nhơn được phân công chuyển từ Sở Tư pháp sang công tác tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh nhưng ông đã từ chối nhiệm vụ này.
Ngày 22/8 Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hậu Giang đã triển khai quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Nhơn. Theo lãnh đạo tỉnh Hậu Giang thì ông Nhơn Vi phạm Quy định 101 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp về ý thức tổ chức kỷ luật “Gương mẫu chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quyết định, sự phân công, điều động của tổ chức”, vi phạm Điều 11, Quy định 102 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm “Cố ý không chấp hành quyết định bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, phân công công tác, nghỉ chế độ, chuyển sinh hoạt Đảng theo quy định”; làm ảnh hưởng xấu đến uy tín bản thân và tổ chức Đảng, cơ quan nơi ông sinh hoạt, công tác.
Trước đó không lâu, dư luận ở Việt Nam cũng xôn xao chuyện ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh từ chối bổ nhiệm điều chuyển công tác.
Cụ thể, ông Đoàn Ngọc Hải ngày 4/6/2019 đã nhận được quyết định của UBND TPHCM điều động, bổ nhiệm về công tác tại Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn TNHH Một thành viên, tuy nhiên trong ngày nhận quyết định ông Hải đã gửi đơn đến thường trực thành ủy, UBND và lãnh đạo nơi ông công tác xin từ chức. Lý do ông Hải đưa ra là việc điều chuyển về vị trí mới không phù hợp với năng lực sở trường chuyên môn được đào tạo. Đến ngày 5/9/2019, UBND TPHCM đã có quyết định cho thôi chức vụ Phó giám đốc đối với ông Đoàn Ngọc Hải.
Phó giáo sư, tiến sĩ Mạc Văn Trang là người từng có hơn 30 năm công tác ở Viện Khoa học Giáo dục trước khi về hưu vào năm 2002 và đã có hơn 54 năm tuổi đảng, nhận định rằng, việc công tác tổ chức cán bộ của Việt Nam cực kỳ phức tạp.
“Thứ nhất trong tổ chức của Đảng, cấp nào cũng có ban tổ chức thì ban này sẽ sắp xếp người vào vị trí nào đó, việc sắp xếp phức tạp lắm. Vị trí đó thu lợi được không, có khả năng thăng tiến không, nếu vị trí béo bở có khả năng thăng tiến thì người ta dành cho những người thân hữu hoặc có tiền. Bệnh chạy chức chạy quyền trong đảng nói nhiều lắm rồi.
Thứ hai có những vị trí vất vả nguy hiểm nhưng không kiếm ăn được tốt thì đẩy những người không phải là cánh hầu của mình ra đó nên những người không chấp hành sẽ bị đẩy ra nơi đang khó khăn, phức tạp, nguy hiểm không kiếm ăn được nên từ chối phản đối còn chỗ kiếm ăn tốt thì phải chạy rất nhiều tiền đó là như vậy.”
Nhận xét về hiện tượng từ chối quyết định điều chuyển gần đây, ông Lê Văn Cuông nguyên phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng:
“Nguyên nhân thứ nhất có thể do điều kiện làm việc môi trường mới họ cảm thấy không phù hợp, không phát huy được. Thứ hai là vị trí công việc nó không hấp dẫn, không có thực quyền, không có lợi
ích vật chất tốt và thứ ba là tâm lý con người khi vào các tổ chức, hiệp hội đơn vị hoạt động mang tính chất từ thiện thì đâu đó nghĩ rằng nó không được tốt nên họ không muốn.”
Ngoài ra ông Cuông còn cho hay, quy định của nhà nước thì cán bộ công viên chức phải chấp hành sư phân công của tổ chức và không được từ chối khi tổ chức phân công vì nếu không chấp hành nghiêm túc sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy về sau. Do đó, tổ chức cần xem xét khả năng nguyện vọng của cán bộ để bố trí phân công cho phù hợp.
Nhắc lại, việc ông Đoàn Ngọc Hải từ chối nhận chức Phó tổng giám đốc Công ty Xây dựng Sài Gòn. Trong đơn thư gửi lãnh đạo, ông Hải cho biết trong các lần làm việc với lãnh đạo thành phố trước đây, ông từng xung phong về làm Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, hoặc cán bộ Ủy ban Mặt trận tổ quốc huyện. Tuy nhiên, thành phố dự kiến điều động ông giữ chức Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý, sau đó là Phó ban An toàn thực phẩm, rồi chính thức bổ nhiệm chức Phó tổng giám đốc Công ty Xây dựng Sài Gòn.
“Những lần dự định như thế này có thể nói là tùy tiện trong công tác điều động cán bộ, đã làm tổn thương đến cá nhân tôi. Đây là điều trăn trở lớn nhất đối với tôi từ trước tới nay. Phải chăng việc tôi chỉ huy đi dọn dẹp vỉa hè đã đụng chạm đến lợi ích của nhiều người có máu mặt và kết quả với tôi ngày hôm nay là như vậy” (trích từ bài viết “Ông Đoàn Ngọc Hải, chiếc mặt nạ đồng chí và lão bán thuốc muỗi trong truyện cổ Trung Hoa” đăng trên RFA ngày 17/8/2019)
Từ chối làm Đại biểu Quốc hội
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 14/9 về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Tổ chức Quốc hội. Bà Lê Thị Nga chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp và chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách ông Nguyễn Đức Hải đặt vấn đề cho rằng, phần lớn những cán bộ khu được đề nghị quy hoạch về Quốc hội thì đều từ chối ngay và nói rằng “xin đừng đưa em vào quy hoạch” điều gì đã khiến họ “ngần ngại”?
Ông Lê Như Tiến, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi Đồng của Quốc hội trả lời phỏng vấn với VTCNews đăng ngày 20/9/2019 cho biết nguyên nhân: “Thực tế, thời gian qua chế độ đãi ngộ cho đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách là chưa thực sự tương xứng cho nên rất nhiều người không thực sự “mặn mà” cho lắm. Bởi nếu lựa chọn vào cơ quan Chính phủ thì chế độ đãi ngộ sẽ tốt hơn ĐBQH chuyên trách. Chính vì thế nhiều cán bộ ở các tỉnh, các Bộ, mời sang làm đại biểu chuyên trách là họ từ chối ngay.”
Ông Lê Văn Cuông nguyên phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa nhận định điều này có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, do hoàn cảnh cá nhân của cán bộ, việc sinh hoạt cuộc sống, gia đình dòng tộc nên ngại vị chuyển đi nơi khác thậm chí là Trung ương. Thứ hai, môi trường công tác thay đổi mà hoạt động Quốc hội rất rộng lớn và đòi hỏi sự chuyên sâu nhiều lĩnh vực mà trình độ cán bộ còn nhiều mặt hạn chế, chưa chuyên sâu, thiếu chuyên nghiệp mà ra Trung ương là phải chuyện nghiệp nên không đủ đáp ứng nhu cầu đó. Ngoài ra ông Lê Văn Cuông cũng nêu thêm nguyên nhân thứ ba:
“Thứ ba hoạt động của cơ quan dân cử nói chung và đặc biệt là quốc hội mặc dù vai trò vị trí lớn, danh dự cao có thể nói về mặt chính trị thì đây là lĩnh vực được cả quốc hội quan tâm. Tuy nhiên, quyền lực thực tế có hạn chế vì nó chỉ là tiếng nói để dư luận hay quốc hội tham khảo thôi chứ không mang tính quyết định nên có ý kiến nhưng quyền quyết định hay không do người khác nên không thực sự hấp dẫn đối với một số cán bộ lâu nay quyền hoạt động tại cơ quan quản lý nhà nước có thực quyền, cả quyền lợi mặc dù chức vụ thấp hơn nhưng người ta nói là “đầu gà hơn cứt lợn” nó có những thực quyền và quyết định được.”
Phó giáo sư, Tiến sĩ Mạc Văn Trang giải thích thêm nguyên nhân:
“…Giờ người ta đang ở Bộ kế hoạch đầu tư, tài chính ngân hàng… những vị trí có thu hoạch lớn mà giờ về quốc hội thì khó. Vì lập pháp chỉ có họp với bàn ra pháp luật thôi, không có gì trực tiếp hấp dẫn hay các dự án đầu tư… có thể kiếm ăn được dễ dàng. Tất nhiên trong quốc hội những vị trí quan trọng cũng có thể kiếm ăn được, còn những vị trí khác không thể kiếm ăn mà phải họp rất là nhiều và đặc biệt là phải tiếp xúc cử tri mà các Đại biểu Quốc hội rất ngại tiếp xúc cử tri vì cử tri hỏi chuyện này chuyện kia phức tạp nên làm ở các cơ quan hành chính thì vừa kiếm ăn được vừa không trực tiếp đối diện với nhân dân…”
Nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang nhận định rằng, hiện nay có nhiều doanh nhân, cá nhân cũng muốn tham gia vào đại biểu Quốc hội, mục đích không phải vì dân vì nước mà để được những đặc quyền của Đại biểu Quốc hội, có uy tín để quan hệ với các cán bộ ngành địa phương tìm kiếm các dự án được xem là “béo bở” để làm ăn.
Trường hợp điển hình là bà Châu Thị Thu Nga, một đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội vừa là cựu chủ tịch HĐQT công ty tập đoàn xây dựng nhà – Housing Group bị lãnh án tù chung thân về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với số tiền chiếm đoạt lên tới gần 350 tỷ đồng của khách hàng mua địa ốc. Tại phiên tòa sơ thẩm bà Nga có khai đã dùng tiền đút lót để được bầu vào đại biểu quốc hội nhưng tòa án đã không cho bà khai báo việc chạy ghế đại biểu quốc hội. Lý do được đưa ra là không liên quan vụ án.

Nguyễn Xuân Phúc

yêu cầu tiếp tục lập đặc khu kinh tế Phú Quốc

Tin Vietnam.- Báo Trithucvn ngày 21 tháng 9 năm 2019 loan tin, ông Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng CSVN vừa yêu cầu Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang phải lập mới quy hoạch xây dựng đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế theo văn bản số 739, tháng 6 năm 2018.
Đây chính là câu trả lời của ông Phúc trước văn bản của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang vào hồi tháng 8 năm 2019, với nội dung đề nghị ông Phúc đồng ý cho tỉnh này dừng việc lập quy hoạch Phú Quốc thành đặc khu kinh tế. Kiên Giang đề nghị cho thành lập đảo Phú Quốc thành thành phố. Tuy nhiên, cả hai đề nghị này đều không được nhà cầm quyền đồng ý.
Trước đó, vào năm 2018, bộ chính trị CSVN đã dự định biến 3 trọng điểm của Việt Nam là Vân Đồn thuộc tỉnh Quảng Ninh, Vân Phong thuộc tỉnh Khánh Hoà, và Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang thành đặc khu kinh tế. Không đồng ý vì sợ đây là âm mưu bán nước cho Trung Cộng, hàng chục ngàn người dân đã đứng lên biểu tình. Nhà cầm quyền đã phải tuyên bố hoãn ban hành dự luật đặc khu. Tuy nhiên, trên thực tế, nhà cầm quyền vẫn tiến hành các hoạt động xây dựng, quy hoạch cả 3 nơi trên thành đặc khu.
An Nhiên

Lập lờ câu chữ quanh đối tác Việt – Mỹ

Lập Quyền Dân
Tuần qua, tháng qua đã xuất hiện liên tục một loạt các bài viết về mối bang giao Việt Nam – Hoa Kỳ từ các bỉnh bút trong nước và quốc tế. Âm hưởng chung là hoan hỉ: quan hệ “đối tác toàn diện” song phương sẽ được nâng cấp lên thành “đối tác chiến lược”, các nhà lãnh đạo hai nước có thể sẽ ký hoặc ra tuyên bố về nội hàm mới của mối quan hệ đầy duyên nợ này. Tuy nhiên, với hàng loạt lập lờ câu chữ trong những chính sách lớn của Hà Nội, liệu quan hệ “đối tác chiến lược” Việt – Mỹ rồi đây có thể trở thành một “nỏ thần” để giải cứu dân tộc này, đất nước này khỏi thảm hoạ “Bắc thuộc” hay không thì vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.
*
Hãy bắt đầu bằng cái lập lờ lớn nhất: Việt Nam hiện nay không có bạn mà cũng chẳng có thù! Đấy chính là “tinh hoa” của Nghị quyết về chiến lược bảo vệ Tổ quốc năm 2003. Mười năm sau, năm 2013, Việt Nam lại có Nghị quyết bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới. Có một luận điểm mà Nghị quyết năm 2013 không thay đổi so với 2003. Đó là Việt Nam vẫn không xác định ai là bạn ai là thù cả. Và giờ đây, chúng ta đang gõ trên bàn phím tháng 9/2019 thì tư duy chiến lược ấy vẫn bất biến sau hàng chục năm có lẻ. Mà đây không phải là nhận xét ác ý của thế lực thù địch đâu nhé! Đây chính là “hồn cốt” từ lập luận “đối tác trong đối tượng và ngược lại” của một trong những vị tướng công an tham gia viết ra cái Nghị quyết xuyên thời gian ấy. Đã đành không có ai là “kẻ thù vĩnh viễn”, không có ai là “bạn vĩnh viễn”, thế nhưng phải có những vấn đề an ninh vĩnh viễn đối với giới hoạch định chiến lược chứ? Do đó khái niệm “kẻ thù” không tự nó mất đi, cũng không bao giờ tan biến được trong khái niệm “đối tác”, dù đó là đối tác cần tranh thủ.
Cái lập lờ thứ hai là sự đánh tráo khái niệm giữa các lực lượng “thù địch” với những người dân và trí thức có ý thức phản biện xã hội. Nếu như cái lập lờ thứ nhất liên quan đến một trong những trụ cột của chính trị đối ngoại, đó là “hợp tác chiến lược” với Hoa Kỳ, thì cái lập lờ thứ hai là chính quyền thường “dán nhãn” cho tổ chức dân sự hay công dân nào có ý thức đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền là lực lượng thù địch. Khác với truyền thống “thân dân”, “gần dân” của tiền nhân (tư tưởng Nguyễn Trãi), chính quyền Việt Nam trong thời điểm hiện nay sợ dân hơn sợ địch (nếu như một ngày đẹp trời đảng sẽ xác định Trung Quốc là kẻ thù của Việt Nam). Sau HD981 (mùa hè 2014) và vụ ba đặc khu (đầu 2018), trong thời điểm diễn ra sự xâm nhập của Trung Quốc ở khu vực Bãi Tư Chính (từ tháng 6/2019), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vào ngày 20/7/2019 đã cảnh báo người dân: “Tuyệt đối không để các thế lực thù địch lợi dụng lòng yêu nước chân chính của công nhân, người lao động… lôi kéo biểu tình, tụ tập gây rối, làm mất an ninh, trật tự, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc”. Tại sao mang danh là một chính quyền “của dân, do dân và vì dân” mà lại coi thường bản lĩnh của nhân dân đến vậy? Phát biểu kiểu “thân địch” hơn “thân dân” này có “bào mòn” tinh thần chống ngoại xâm của người dân hay không? Cướp đã cầm dao đứng trong sân nhà rồi, mà người chủ gia đình lại chỉ lo người trong nhà mình bị làng xóm mua chuộc thì không thể hiểu nổi! Điều khẩn thiết giờ đây là phải lo giữ nhà trước đã chứ!
Lập lờ thứ ba nằm trong triết lý an ninh của “chính sách ba không” (CSBK) và “nguyên tắc năm ầu” (NT5Â). Trong hơn hai tháng rưỡi qua, Việt Nam đã thấm thía, khi lâm sự mà không có đối tác chiến lược “ruột” thì nguy hiểm như thế nào. CSBK đã cản trở Mỹ và phương Tây đi xa hơn trong ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam. Đến mức trên thực tế, Việt Nam dường như bắt đầu buộc phải điều chỉnh cái chính sách nhiều phân tích gia cho rằng chẳng khác nào tự trói tay mình để nộp mạng cho kẻ thù. Các bình luận “quốc doanh” gần đây đưa ra khái niệm “ba không cộng một”, tức là vẫn giữ “ba không” nhưng “cộng một” nghĩa là trong trường hợp bị tấn công, Việt Nam có quyền “hợp tác chiến lược” với bất kỳ ai để chống xâm lược. Tuy nhiên, cái vòng luẩn quẩn “mua dây buộc mình” dường như vẫn tiếp tục khi trong nội bộ, gần đây lại dấy lên “nguyên tắc năm ầu” (NT5Â). “Không đối đầu, không chư hầu, không dẫn đầu, không đầu tầu và không cả tốp đầu”. NT5Â này dường như được phản ánh một phần trong “cuộc chiến kỳ lạ” xung quanh khu vực Bãi Tư Chính. Thậm chí đang có ý kiến cực đoan tới mức, Biển Đông từ nay là chuyện giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, Việt Nam không việc gì phải hăng hái nhảy ra gánh vác trách nhiệm, không được để cho “lịch sử lại chọn ta làm điểm tựa” một lần nữa. Trong kỷ nguyên không gian Indo-Pacific tự do và rộng mở (FOIP), các thành viên ASEAN đã tích hợp được quan điểm của mình vào cấu trúc biển liền kề ấy (AOIP), nếu làm theo NT5Â, cùng với “hoàn lưu” của cơn bão “ba không” thì chẳng khác gì là hành động tự sát!
Lập lờ thứ tư là câu trả lời cho câu hỏi “ai sẽ là đối tượng tác chiến” trong học thuyết quốc phòng của Việt Nam. Hè nhau đẩy để nâng cấp quan hệ “đối tác toàn diện” lên “đối tác chiến lược” (ĐTCL), thậm chí Tổng thống hay Ngoại trưởng Mỹ có thể ký với chính phủ Việt Nam một tuyên bố về nội hàm mới của “hợp tác chiến lược” này, ấy vậy mà vẫn coi “đế quốc Mỹ là đối tượng tác chiến” thì cái “đối tác chiến lược” bị câu giờ hàng chục năm nay, giờ đây liệu có ý nghĩa thực tế gì? Cứ giả định tới đây sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng chủ Nguyễn Phú Trọng sang Hoa Kỳ, nhưng khi ông Trump muốn hai bên tái khẳng định những nội hàm mới của “đối tác chiến lược” so với “đối tác toàn diện” thì sự khác biệt sẽ xuất hiện ngay trên bàn đàm phán. Với sự có mặt của Esper và Xuân Lịch (hai bộ trưởng bộ quốc phòng), Trump có thể không bỗ bã nhưng sẽ tế nhị hỏi ông Trọng khi nào thì quân đội Việt Nam không coi quân đội Mỹ là “đối tượng tác chiến” nữa? Nghịch lý này có lẽ chưa có đáp án để hoá giải một cách rạch ròi. Thực tế là, với ba lần vào ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam hơn hai tháng rưỡi nay, các loại tàu của Trung Quốc đã thách thức trật tự pháp lý trên biển, đe doạ độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam. Ấy vậy mà Trung Quốc vẫn là “bạn vàng 4 tốt và 16 chữ”.
Lập lờ thứ năm là vấn đề cam kết “đại cục” với Tàu cộng. Nguyễn Thị Kim Ngân được Tập Cận Bình nhắc nhở phải chú trọng tới “đại cục”, nhân dịp phái đoàn của bà sang “triều cống” từ 8/7 đến 12/7/2019. Khi bà Ngân cùng phái đoàn rời Trung Quốc cũng là lúc tàu HD-8 đã tiến hành thăm dò địa chấn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, các tàu có vũ trang của Việt Nam đã đối đầu với các tàu cùng loại của Trung Quốc suốt từ 3/7/2019 đến nay. Cho tới cuối ngày 15/7, hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam vẫn ngậm tăm vì cái “đại cục” trớ trêu ấy. Tập Cận Bình từng tuyên bố ngày 6/11/2015, trước 500 đại biểu quốc hội Việt Nam: “Đã là láng giềng thì khó tránh xảy ra va chạm. Nhưng hai bên cần kiên trì xuất phát từ đại cục quan hệ hai nước”. “Đại cục” mà ông Tập nói ở đây, ngụ ý bảo Việt Nam phải biết thân phận mà nhường nhịn để cho Trung Quốc tha hồ “múa gậy vườn hoang”. Trên thực tế, Việt Nam càng giữ “đại cục” thì Trung Quốc càng gây sức ép và trục lợi một cách toàn diện về thương mại, kinh tế, đầu tư… và từng bước đưa Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc. Đồng thời như đang thấy, Trung Quốc ngày càng lấn lướt trên Biển Đông, với mức độ trơ tráo, liều lĩnh và nguy hiểm cho cả người dân lẫn chủ quyền của đất nước.
*
Với lời mời Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ được đưa ra ngay từ đầu năm 2019, Hoa Kỳ trên thực tế biết Việt Nam đang lâm vào trạng huống “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông” và muốn giúp Việt Nam thoát khỏi “thế kẹt” ấy, vì lợi ích của cả Mỹ, Việt Nam lẫn khu vực. Quả bóng đang ở chân ban lãnh đạo Hà Nội! Lần này, Mỹ muốn Việt Nam có câu trả lời rõ ràng, lấy những quyết định mạch lạc và dứt khoát. Tin đồn đang rộ lên mấy tuần qua về quyết định của ExxonMobil muốn “dọn một phần nhà” ra khỏi dự án dầu khí Cá Voi Xanh là một thông điệp. Nếu Việt Nam cứ để “vướng cơ chế mà chậm trễ, từ đó hiệu quả dự án không còn như trước” thì “nồi cơm của tăng trưởng GDP và thu ngân sách” của Việt Nam có thể bị tên hàng xóm côn đồ đập vỡ tan mà chính Mỹ cũng không giải cứu nổi. Năm cái lập lờ vừa trình bày rõ ràng có những mối liên hệ “tương sinh tương khắc”, đặc biệt là các lập lờ này sẽ dẫn đến nhiều cái mập mờ khác, mà hệ luỵ của chúng không chỉ tiêu cực đối với bang giao Việt – Mỹ. Điều nguy hiểm là với 5 cái lập lờ kiểu “tự mua dây buộc mình” ấy, xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục lún sâu vào “vũng lầy” phân tâm, phân mảnh và chưa biết đến lúc nào mới xây dựng được một nội lực cần thiết cho an ninh và phát triển trong một thế giới hỗn mang hôm nay. Sẽ rất khó để kiếm được bất cứ một loại “nỏ thần” nào (chưa bị Triệu Đà thời @ đánh cắp) để có thể giải cứu dân tộc Việt Nam cũng như đất nước Việt Nam thoát khỏi tai hoạ “Bắc thuộc”, nếu như nhân dân Việt Nam không chủ động thúc ép những người có trách nhiệm ở Ba Đình phải thấu triệt được “minh triết chọn bạn mà chơi!”
Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Việt Nam và Thái Lan đối thoại hợp tác quốc phòng

Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Thái Lan vừa tổ chức hai ngày đối thoại quốc phòng thường niên lần thứ 3 “nhằm thống nhất các vấn đề chiến lược” từ ngày 19/09 đến 20/09, tại Thành phố Hồ Chí Minh.
TTXVN cho biết hai bên đã trao đổi sâu rộng về các vấn đề an ninh khu vực và quốc tế, tác động sâu sắc tới an ninh mỗi nước; hợp tác Cộng đồng ASEAN, khu vực và thế giới, trong đó nổi lên là cạnh tranh giữa các nước lớn, an ninh biển, các thách thức phi truyền thống như khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia; trong đó ASEAN đóng giữ vai trò trung tâm đoàn kết để ứng phó…
Truyền thông Việt Nam cho biết Đối thoại Quốc phòng Việt Nam – Thái Lan là cơ chế thường niên nhằm trao đổi thống nhất các vấn đề chiến lược, và định hướng hợp tác quốc phòng 2 nước.
Hai bên cam kết hợp tác về đào tạo, hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, hành động bom mìn nhân đạo, chống khủng bố; tăng cường hợp tác giữa các lực lượng trên biển cũng như đối phó tội phạm xuyên biên giới.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam phát biểu tại Đối thoại: “Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác quốc phòng với Thái Lan như một đối tác cùng phát triển trong ASEAN.”
Đại tướng Natt Intracharoen, Thư ký Thường trực Bộ Quốc phòng Thái Lan, được TTXVN trích lời, khẳng định: “Thái Lan luôn mong muốn tăng cường hợp tác quốc phòng với Việt Nam trong khuôn khổ là một trụ cột quan trọng của mối quan hệ hai nước trong ASEAN.”
Trước đó, hôm 10/09, Thiếu tướng Jensit Konsil, Giám đốc Trung tâm hoạt động Gìn giữ Hòa bình (GGHB) Thái Lan đã sang thăm Việt Nam nhằm tăng cường hợp tác trong hoạt động Gìn giữ Hòa bình LHQ.
Báo QĐND cho biết Thái Lan sẽ tiếp tục mời các sĩ quan Việt Nam tham dự các khóa đào tạo, tập huấn và diễn tập về hoạt động GGHB LHQ được tổ chức tại Thái Lan; xem xét khả năng cử chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực GGHB LHQ sang Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm trong công tác chuẩn bị và triển khai Đội Công binh đi làm nhiệm vụ GGHB LHQ.
Trong diễn biến liên qua, hôm 17/09, Việt Nam và Cuba, hai trong số vài nước cộng sản còn sót lại trên thế giới, đã tiến hành đối thoại quốc phòng lần thứ ba tại Hà Nội, chuẩn bị cho kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao – quốc phòng của hai nước vào năm 2020, theo tờ The Diplomat.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.